CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 36

10. Nhiếp tụng thứ 10 (tiếp theo):

Nhiếp tụng nội dung:

Chúng tập kính Đại sư,
Nghe pháp sanh chánh tín.
Tự nói tuổi già suy,
Nói nhân duyên Hành vũ.

Lúc đó Phật bảo cụ thọ A-nan: “ta muốn đi đến ấp Ba-thát-li”, nói rồi Phật cùng các Bí-sô từ nước Ma-kiệt-đà tuần tự du hành đến ấp Bathát-li, trụ bên một ngôi tháp. Dân chúng nghe tin Phật đến đều tụ đến tháp, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật bảo đại chúng: “các vị lắng nghe phóng dật có năm lỗi, đó là:

1. Nếu phóng dật thì tài bảo và vật dụng đã có thảy đều sẽ tiêu tán mất.

2. Nếu phóng dật thì khi đến trong chúng hội sẽ cảm thấy hổ thẹn và khiếp sợ.

3. Nếu phóng dật thì tiếng xấu sẽ đồn khắp bốn phương.

4. Nếu phóng dật thì khi lâm chung sẽ hối hận.

5. Nếu phóng dật thì sau khi qua đời sẽ đọa trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Ngược lại, không nghe phóng dật có năm lợi, đó là:

1. Nếu không phóng dật thì tài bảo và vật dụng đã có sẽ không bi tiêu tán mất.

2. Nếu không phóng dật thì khi đến trong chúng hội sẽ không cảm thấy hổ thẹn và khiếp sợ.

3. Nếu không phóng dật thì tiếng khen sẽ đồn khắp bốn phương.

4. Nếu không phóng dật thì khi lâm chung sẽ không hối hận.

5. Nếu không phóng dật thì sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi trời thọ lạc lâu dài.

Phật nói pháp khiến cho dân chúng trong ấp Ba-thát-li được lợi hỉ rồi im lặng, lúc đó các Bà-la-môn… từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “cúi xin Phật từ bi đến ở trong phóng xá yên tịnh của chúng con”, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời, họ đảnh lễ Phật rồi ra về. Sau đó Phật và các Bí-sô đến ở trong trú xứ yên tịnh của họ, sau khi rửa chân xong, Phật vào trong phòng thiền tọa. Lúc đó ở bên ngoài, đại thần Hành vũ đang đo đạc đất đai ở bốn phía của ấp Ba-thát-li, muốn xây dựng lại thành ấp kiên cố nên các thiên thần có đại uy đức đều muốn tìm trú xứ để ở nơi đây. Phật ngay nơi chỗ ngồi với thiên nhãn thanh tịnh quán thấy các thiên thần đều muốn tìm trú xứ để ở nơi đây; đến xế chiều sau khi xuất thiền, Phật đi đến một chỗ mát mẻ ngồi rồi hỏi A-nan: “thầy có nghe biết việc đo đạc đất đai trong ấp này không?”, đáp là có nghe biết, Phật nói: “đại thần Hành vũ có đại trí huệ muốn xây dựng thành ấp kiến cố như cõi trời Tam thập tam tại trú xứ này. Ta với thiên nhãn thanh tịnh quán thấy các thiên thần đều muốn tìm trú xứ để ở nơi đây; do chư thiên có đại uy đức muốn ở đây nên các đại nhân có phước đức cũng muốn tìm trú xưa để ở nơi đây; do chư thiên bậc trung muốn ở nơi đây nên hạng người bậc trung và các loài khác cũng đều muốn ở nơi đây. Trong thành ấp này có bậc thù thắng ở nên có ngôn luận của bậc thù thắng và có các thương nhân thù thắng đến để cùng giao dịch mua bán qua lại không ngớt. Đây là sự thịnh vượng của ấp ba-thát-li, nhưng ấp này sẽ bị tổn hoại bởi ba tai là nước lửa và nội phản”. Lúc đó đại thần Hành vũ nghe biết Phật đã đến nơi đây liền đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi môt bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho Hành vũ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Hành vũ từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai đến nhà ông thọ thực, Phật im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời Hành vũ liền đảnh lễ Phật rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó Hành vũ cho sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa để nước sạch rồi sai sứ đến bạch Phật: “đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Phật đắp y mang bát cùng chúng Tăng đến nhà Hành vũ, ngồi vào chỗ ngồi rồi Hành vũ tự tay dâng cúng các món ăn ngon cho Phật và Tăng. Khi Phật và Tăng thọ thực xong, Hành vũ cầm bình vàng rót nước cho Phật rồi phát nguyện: “con xin nguyện cho nghiệp đẳng lưu thắng thiện do sự cúng dường này sẽ được quả báo an lạc và xin đem phước lực này hồi hướng cho các thiên thần cựu trú trong thành này thường được lợi lạc thù thắng”, Phật vì tùy hỉ nên nói kệ:

“Nếu người nào có tâm tịnh tín,
Cung kính cúng dường Phật và Tăng,
Nương theo chân thật ngữ của Phật,
Thì thường được chư Phật khen ngợi.
Nếu người nào thông minh trí huệ,
Đến trụ ở nơi thắng diệu này,
Cúng dường bậc trì giới tịnh hạnh,
Người ấy được nói kệ chú nguyện.
Nếu ai đáng cung kính bố thí,
Tâm nên ân trọng tu cúng dường.
Do đây chư thiên khởi tâm từ,
Cũng như cha mẹ thương con đỏ,
Đã được chư thiên thường thủ hộ,
Sẽ được an ổn thọ thắng lạc,
Đời đời thường gặp bậc hiền thiện,
Rốt ráo chứng được quả vô vi”.

Phật nói diệu pháp làm cho Hành vũ được lợi hỉ rồi đứng dậy ra về, Hành vũ biết pháp thế gian sẽ trở về chỗ tan hoại nên sửa soạn lại y phục rồi theo sau Phật, nghĩ rằng: “nếu Thế tôn từ thành đi ra đường nào thì ngay nơi đó ta sẽ cho xây cổng lầu lớn, nếu qua sông Căng già thì ta sẽ cho xây bến đò”, Phật biết tâm niễm của Hành vũ nên từ thành đi ra theo con đường phía Tây lên hướng bắc, đến bờ sông Căng già và muốn qua sông. Lúc đó có rất nhiều người hoặc dùng bè gỗ hoặc phao nổi để qua sông, ở trên sông qua lại không ngớt; Phật thấy vậy liền suy nghĩ: “ta nên dùng thần lực đặt chân lướt trên mặt nước để qua đến bờ kia”, nghĩ rồi liền nhập thắng định, theo như ý niệm Phật và các Bí-sô biến mất ở bờ này và hiện ra ở bờ bên kia, một Bí-sô nói kệ:

“Nhiều người muốn qua sông,
Qua lại mãi không ngớt,
Dùng phao nổi, bè gỗ,
Để vượt qua sông Hằng,
Thế tôn dùng thần lực,
Cùng tất cả chúng tăng,
Bờ này sang bờ kia,
Không một chút mệt nhọc.
Đất bằng nước dâng tràn,
Đào giếng để làm gì?
Tâm phiền não không còn,
Đâu cần cầu vật khác”.

Sau đó, ngay chỗ Phật ra khỏi thành, đại thần Hành vũ cho xây cổng lầu lớn, đặt tên là cổng Kiều-đáp-ma; con đường đi đến bến sông đặt tên là đường Kiều-đáp-ma. Lúc đó khi đến bờ sông phía Bắc, Phật bảo A-nan: “ta muốn đến thôn Tiểu xa phía bắc rừng Thăng nhiếp ba”, đến nơi, Phật bảo các Bí-sô: “đây là Thi la, đây là Tam-ma-địa, đây là Bát nhã, do sức trì giới làm cho định được kiên cố không thối chuyển; do tu định nên phát sanh trí huệ, do sức trí huệ nên tâm giải thoát khỏi tham sân si. Như vậy này các Bí-sô, tâm khéo giải thoát sẽ được sự hiểu biết chơn chánh, hiểu rõ: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Sau đó Phật và các Bí-sô đi đến tụ lạc Phiến vi bên ngoài rừng, đến nơi thấy dân chúng trong thôn bị bịnh dịch chết rất nhiều, các Ô-ba-sách-ca tịnh tín như Hiền thiện, Danh xưng… đều qua đời. Sáng hôm sau, các Bí-sô đắp y mang bát vào thôn khất thực đều nghe biết việc này, sau khi trở về trú xứ thọ thực xong liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, khi vào thôn khất thực, chúng con nghe biết có nhiều Ô-ba-sách-ca qua đời, không biết họ sanhvề đâu?”, Phật nói: “trong thôn ấy có hai trăm năm mươi Ô-basách-ca qua đời đã đoạn năm hạ phần kết, được thân hóa sanh, chứng quả Bất hoàn không trở lại cõi này nữa và được bất thối chuyển đối với Niết-bàn. Lại có hơn ba trăm Ô-ba-sách-ca qua đời đã làm cạn mỏng tham sân si, chứng qủa Nhất lai, còn trở lại nhân gian một lần nữa mới dứt hết mé khổ. Lại có năm trăm Ô-ba-sách-ca qua đời đã đoạn ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, còn qua lại cõi trời người bảy lần nữa mới dứt hết mé khổ. Này các Bí-sô, cần gì phải hỏi như vậy để xúc não ta, thường tình hễ có sanh ắt có tử dù Phật có ra đời hay không, Như lai biết rõ pháp sanh tử nên đã giảng thuyết phân biệt cho các hữu tình, chỉ bày pháp môn Thập nhị nhân duyên, đó là:

1. Hễ cái này có thì cái kia sanh nên Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục xứ, Lục xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, ưu bi khổ não.

2. Hễ cái này diệt thì cái kia diệt nên Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục xứ diệt, Lục xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thỉ Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não đều diệt. Như thế Khổ uẩn rộng lớn thảy đều trừ diệt.

Ta nay nói thêm kinh Pháp cảnh, các thầy hãy lắng nghe, sao gọi là Pháp cảnh, tức là đối với Phật pháp tăng và Thánh giới thanh tịnh, các thầy nên cung kính tôn trọng cúng dường, khen ngợi lễ bái, thường trụ chánh tín, chánh niệm”, các Bí-sô nghe Phật dạy rồi đều y giáo phụng hành. Sau đó Phật và các Bí-sô đi đến thành Quảng nghiêm, trụ trong vườn Am-một-la. Trong thành này có một người nữ tên Am-một- la là chủ vườn này, dung mạo đoan chánh, mọi người đều nghe biết tiếng. Cô nghe tin Phật đang ở trong vườn mình liền mặc y phục trang nghiêm với các chuỗi anh lạc cùng với các tỳ nữ tùy tùng đi xe báu đến gặp Phật. Đến nơi, cô xuống xe đi bộ vào trong vườn, lúc đó Phật đang thuyết pháp cho các Bí-sô, từ xa thấy cô sắp đến, Phật liền bảo các Bísô: “người nữ kia sắp đến, các thầy hãy hệ niệm tư duy, chớ khởi niệm khác. Hệ niệm tư duy như thế nào?, tức là nếu Bí-sô khởi niẹm tà ác bất thiện thì hãy từ bỏ ngay, nên phát sanh chánh tín, tinh cần, nhiếp tâm trụ chánh niệm, không tán loạn, làm cho thiện pháp sanh khởi, niệm ác dứt trừ, chánh trí huân tập viên mãn tăng trưởng. Khi qua lại chỗ nào nên khéo quán sát các hành động co duỗi cúi ngửa, đắp y, mang bát, đi đứng nằm ngồi, nói nín, ngủ thức đều phái làm pháp đối trị để trụ nơi chánh niệm. Trụ nơi chánh niệm như thế nào?, tức là quán sát nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp nên sách tấn chánh cần, khéo điều phục, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Các thầy nên hệ niệm tư duy như thế”. Lúc đó Am-một-la đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho cô được lợi hỉ rồi liền im lặng. Cô từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, con xin thỉnh Phật và các Bí-sô ngày mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời, cô biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi ra về. Lúc đó các Lật cô tỳ tử ở trong thành Quảng nghiêm nghe tin Phật đang ở trong vườn Am-mộtla liền cùng cỡi các loại xe báu tứ mã tới gặp Phật. Đoàn người cỡi xe ngựa màu xanh với càng xe xanh, thùng xe xanh, dây cương xanh, roi xanh thì đội mão xanh, che lọng xanh, mang đao xanh, cầm phất xanh, mặc y phục xanh, chuỗi ngọc và hương hoa đều xanh cùng với đoàn tùy tùng đều mặc y phục xanh. Những đoàn người khác hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng trước sau từng đoàn đều có thổi loa, đánh trống rần rộ đi đến trong vườn Am-một-la để gặp Phật. Khi họ sắp tới nơi, Phật bảo các Bí-sô: “người nào chưa thấy chư thiên ở cõi trời Tam thập tam du ngoạn trong vườn hoa thì hãy nhìn các Lật cô tỳ tử ở thành Quảng nghiêm này.

Với oai lực và phục sức trang nghiêm của họ không khác chư thiên ở cõi trời Tam thập tam du ngoạn trong vườn hoa”, đến nơi, các Lật cô tỳ tử xuống xe đi bộ đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Thế tôn tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Lúc đó trong chúng có một Bà-la-môn là Ma-nạp-bà tên Hoàng phát từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn cho con tùy hỉ tán thán”, Phật nói tùy ý, Ma-nạp-bà liền nói kệ:

“Thân đại vương trang nghiêm giáp báu,
Bậc quốc chủ nay được thiện lợi,
Vì có Phật xuất hiện nơi này,
Danh tiếng vang xa như Tu di,
Như hoa sen trắng ở trong ao,
Đêm nở tỏa hương thơm ngào ngạt.
Như ánh mặt trời chiếu trên không,
Ánh sáng tràn ngập khắp thế gian.
Hãy xem lực trí huệ của Phật,
Như ánh đuốc sáng phá tối tăm,
Thường làm mắt trí cho trời người,
Ai gặp được rồi đều điều phục”.

Các Lật cô tỳ tử nghe kệ rồi liền khen là nói kệ hay, mỗi người đều cởi thượng y tặng cho Ma-nạp-bà, Phật lại thuyết pháp cho họ được lợi hỉ, các Lật cô tỳ chắp tay bạch Phật: “cúi xin Thế tôn và các Bí-sô ngày mai thọ chúng con thỉnh thực”, Phật nói: “ta và các Bí-sô đã thọ cô Am-một-la thỉnh thực vào ngày mai rồi”, các Lật cô tỳ tử nói: “chúng con đã thua cô gái kia rồi, cô ấy có trí huệ đã thỉnh Thế tôn trước, chúng con đã không kịp kính lễ và thỉnh Thế tôn, để lần sau chúng con sẽ cúng dường”, Phật khen lành thay, các Lật cô tỳ tử hoan hỉ đảnh lễ Phật rồi ra về. Lúc đó Ma-nạp-bà Hoàng phát chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, các Lật cô tỳ tử nghe con nói kệ tán thán Phật, khen hay nên mỗi người cởi thượng y tặng cho con, con xin đem các thượng y này dâng cúng, cúi xin Thế tôn thương xót nạp thọ”, Phật nhận rồi nói: “này Ma-nạp-bà, khi Như lai Ứng chánh đẳng giác xuất hiện trong thế gian, có năm việc hi hữu xuất hiện, đó là:

1. Như lai, Bạc-già-phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, nói ra pháp yếu ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch. Đây là việc hi hữu thứ nhất.

2. Người nào nghe được diệu pháp này, người ấy có thể khéo tác ý nhất tâm ghi nhớ, thu nhiếp các căn tư duy quán sát. Đây là điều hi hữu thứ hai.

3. Sau khi nghe được diệu pháp, người ấy sanh tâm hoan hỉ được đại thiện lợi, nhàm lìa việc thế tục. Đây là việc hi hữu thứ ba.
4. Nếu người nào triển chuyển nghe diệu pháp ấy cũng tuần tự y giáo phụng hành. Đây là việc hi hữu thứ tư.

5. Sau khi nghe diệu pháp, những người ấy hệ niệm tư duy liền có thể thông đạt và được trí huệ sâu xa. Đây là việc hi hữu thứ năm.

Lại nữa, này Ma-nạp-bà, người biết ân và báo ân là bậc đại nhân, chút ân nhỏ còn không quên huống chi là ân lớn. Ngươi nên chuyên cần tu học như vậy”, Ma-nạp-bà nghe Phật dạy rồi hoan hỉ tín thọ, đảnh lễ Phật rồi đi.

Lúc đó ngay trong đêm, Am-một-la lo liệu đầy đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa ngồi, để nước sạch rồi sai sứ đến bạch Phật đã đến giờ thọ thực. Phật và các Bí-sô đắp y mang bát đến nhà Am-một-la rồi ngồi vào chỗ ngồi, Am-một-la tự tay dâng cúng các món ăn ngon, đợi Phật và Tăng thọ thực xong, cô lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước Phật nghe pháp, Phật liền nói kệ:

“Người không keo kiệt hay bố thí,
Ai thấy cũng kính mến thân cận,
Vào trong chúng hội không sợ hãi,
Được lợi ích lớn và danh tiếng,
Thế nên người trí thường bố thí,
Làm cho phước báo tăng trưởng mãi,
Trừ dần phiền não, dứt xan tham,
Thọ lạc cõi trời Tam thập tam,
Tu các nghiệp thiện được công đức,
Sau khi qua đời được sanh thiên,
Dạo vườn Hoan hỉ cùng thiên nữ,
Làm đệ tử Phật thường an lạc”.

Phật lại tùy căn cơ thuyết pháp làm cho Am-một-la được lợi hỉ rồi ra về. Sau đó Phật và các Bí-sô đi đến Trúc lâm phía bắc rừng Thăng nhiếp ba, lúc đó thời thế mất mùa đói kém nên khất thực khó được, Phật bảo các Bí-sô: “trong thời buổi đói kém này, các thầy nên tìm nơi quen biết trong các tụ lạc trong thành Bích-xá-ly này mà tùy tiện an cư. Ta và A-nan sẽ ở trú xứ này an cư, nếu không như thế thì việc khất thực rất khó được”, các Bí-sô vâng lời Phật dạy đều đến các thân hữu tùy chỗ an cư, Phật và A-nan ở tại trú xứ này an cư dưới gốc cây. Trong hạ an cư, thân Phật mang bịnh khổ suýt mạng chung, Phật suy nghĩ: “không bao lâu nữa thân ta sẽ diệt, nhưng các Bí-sô đang ở khắp nơi, ta không nên lìa đại chúng mà nhập Niết-bàn, ta nên dùng tam muội Vô tướng quán sát tự thân để làm cho bịnh khổ này ngừng dứt”, nghĩ rồi Phật liền nhập thắng định, các thống khổ đều tùy ý niệm mà được dứt trừ. Đến xế chiều, A-nan xuất thiền rồi đến đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế tôn, vừa rồi thân tâm con mê muội không còn biết phân biệt, cũng không trì tụng được pháp đã được nghe, vì nhìn thấy Thế tôn chịu thống khổ vì bịnh, sợ Thế tôn sẽ tịch diệt, nay thấy Phật chưa nhập Niết-bàn, con mới tỉnh táo lại, con nghĩ là Phật sẽ nói pháp hi hữu”, Phật nói: “thầy tác ý cho là ta chưa nhập Niết-bàn vì còn phải dạy bảo các Bí-sô là không có lý đó, vì sao, vì lẽ nào đến nay ta mới chỉ dạy pháp hi hữu cho các Bí-sô hay sao. Này A-nan, điều cần nói ta đã nói hết rồi, tất cả đều là muốn các thầy hiểu rõ các nội ngoại pháp, đó là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo. Này A-nan, chư Phật Thế tôn thường thuyết giảng các pháp này rõ ràng, không có tâm xẻn tiếc che giấu. Nhưng này A-nan, khi thân bị bịnh khổ suýt nhập Niết-bàn, ta suy nghĩ: “không bao lâu nữa thân ta sẽ diệt, nhưng các Bí-sô đang ở khắp nơi, ta không nên lìa đại chúng mà nhập Niết-bàn, ta nên dùng tam muội Vô tướng quán sát tự thân để làm cho bịnh khổ này ngừng dứt”, nghĩ rồi ta liền nhập thắng định, các thống khổ đều tùy ý niệm mà được dứt trừ. Này A-nan, nay thân ta đã già suy, đã tám mươi tuổi mà còn tồn tại là do hai việc, như chiếc xe hư cũ được tồn tại là do hai việc, vì vậy thầy chớ ưu sầu, các pháp hữu vi ở thế gian từ nhân duyên sanh mà muốn thường trụ không bị tiêu diệt là điều không thể có. Trước đây ta đã thường giảng: tất cả dục lạc vinh hoa, ái niệm vừa ý trong thế gian đều sẽ tan rã, ân ái biệt ly sẽ không tồn tại mãi. Cho nên dù ta còn tại thế hay sau khi nhập diệt, các thầy hãy tự mình làm hòn đảo cho mình, tự mình làm chỗ nương cho mình; lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ nương, không có hòn đảo hay chỗ nương nào khác. Vì sao, vì ai nương vào pháp, ưa thích trì giới, người ấy sẽ là đệ tử bậc nhất trong các Thanh văn. Như thế nào gọi là tự mình làm hòm đảo cho mình, tự mình làm chỗ nương cho mình?, tức là Bí-sô hãy hệ niệm tư duy quán sát nội thân, ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp nên sách tấn chánh cần, khéo điều phục tham sân si, biết rõ các pháp thế gian là ưu khổ. Các thầy nên hệ niệm tư duy như thế”.

Nhiếp tụng nội dung:
Hành vũ trong Trúc lâm,
Xây dựng ấp Ba tra,
Qua sông đến thôn nhỏ,
Dần đến nhập Niết-bàn.

Lúc đó Phật bảo A-nan là muốn đi đến thành Quảng nghiêm, Anan theo Phật đến Trùng các đường trong thành Quảng nghiêm. Sáng hôm sau, A-nan theo sau Phật vào thành khất thực, sau đó trở về trú xứ, thọ thực rồi Phật đến ngồi dưới gốc cây bên tháp Thủ cung, Phật bảo A-nan: “thành Quảng nghiêm này vật sản hoa lệ, vườn cây hoa trái sum suê, tháp miếu và ao mát đều là quang cảnh đẹp, là nơi kỳ đặc nhất trong châu Thiệm bộ này. Này A-nan, người nào tu tập nhiều về bốn thần túc, muốn trụ lại thế gian này một kiếp hay hơn một kiếp đều như ý muốn. Như lai tu tập nhiều về bốn thần túc, muốn trụ lại thế gian này một kiếp hay hơn một kiếp đều tự tại như ý muốn”, A-nan tuy nghe nhưng im lặng, Phật nói ba lần A-nan đều im lặng, Phật suy nghĩ: “A-nan đang bị Ma vương mê hoặc nên thân tâm mê loạn, ta đã nói ba lần mà vẫn im lặng không thỉnh trụ thế thì chắc là bị Ma vương mê hoặc”, nghĩ rồi liền bảo A-nan đến ngồi dưới gốc cây khác, không nên ngồi chúng một chỗ với Phật, A-nan nghe lời Phật đến dưới gốc cây khác ngồi yên lặng. Lúc đó Ma vương Bà tỳ hiện đến đảnh lễ Phật rồi bạch Phật: “Thế tôn, đã đến lúc nhập Niết-bàn, xin Thiện thệ hãy nhập Niết-bàn”, Phật hỏi: “vì sao ngươi lại nói là đã đến lúc nhập Niết-bàn và thỉnh ta nhập Niết-bàn?”, Ma vương nói: “trước đây khi Phật thành đạo dưới cội cây Bồ đề bên sông Ni liên thiền, tôi có đến thỉnh Phật nhập Niết-bàn, Phật nói: nếu Thánh chúng đệ tử Thanh văn của ta chưa có trí huệ thông đạt, chưa đầy đủ biện tài, chưa dùng chánh pháp hàng phục các tà luận để hiển dương Thánh giáo làm cho lưu thông; nếu các Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca chưa được giới phẩm kiên cố, làm cho phạm hạnh được truyền bá khắp nơi và làm cho trời người được lợi ích thì ta chưa nhập Niết-bàn. Thế tôn, nay Thánh chúng đệ tử Thanh văn của Phật đã có trí huệ thông đạt, đã đầy đủ biện tài, đã dùng chánh pháp hàng phục các tà luận để hiển dương Thánh giáo làm cho lưu thông; các Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca cũng đã được giới phẩm kiên cố, làm cho phạm hạnh được truyền bá khắp nơi và làm cho trời người được lợi ích. Vì thế nên tôi mới nói là đã đến lúc nhập Niết-bàn, xin Thiện thệ hãy nhập Niết-bàn”, Phật nói: “ngươi hãy chờ thêm một thời gian ngắn nữa, sẽ không bao lâu khoảng ba tháng sau, Như lai sẽ nhập Niết-bàn vô dư”, Ma vương suy nghĩ: “Sa môn Kiềuđáp-ma không nói hai lời, chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn”, nghĩ rồi rất vui mừng liền biến mất. Lúc đó Phật suy nghĩ: “ta nên nhập định như vậy, theo định lực chỉ giữ lại mạng sống mà xả bỏ tuổi thọ”, nghĩ rồi Phật liền nhập định, theo định lực chỉ giữ lại mạng sống mà xả bỏ tuổi thọ. Lúc đó trời đất chấn động, trên không trung sao xẹt, bốn phương đều rực sáng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không. Phật xuất định liền nói kệ:

“Hữu hạn hay vô hạn,
Như lai đều từ bỏ,
Do được nội chứng định,
Như chim thoát khỏi trứng”.

A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì trời đất chấn động?”, Phật nói: “có tám nhân duyên làm cho mặt đất chấn động:

1. Mặt đất dựa vào nước, nước dựa vào gió, gió dựa vào không khí. Này A-nan, khi gió lớn nổi lên trong hư không làm cho mặt nước dao động, nước dao động thì mặt đất chấn động. Đây là nhân duyên thứ nhất.

2. Nếu Bí-sô có đại oai đức, đầy đủ đại công dụng dùng thần thông lực quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi, tưởng vào nước vô biên thì sẽ làm cho mặt đất chấn động. Nếu Bí-sô ni và chư thiên nào có đại oai đức khởi pháp quán tưởng này cũng sẽ làm cho mặt đất chấn động. Đây là nhân duyên thứ hai.

3. Khi đại Bồ-tát từ cõi trời Đổ-sử-đa giáng thần vào thai mẹ đại địa liền chấn động và khắp thế giới đều được chiếu soi, cho đến nhưng nơi mà ánh sáng mặt trời mặt trăng không chiếu tới, cũng đều được chiếu soi đến khiến cho các hữu tình ở những nơi này đều được thấy nhau và nói rằng: “không phải chỉ có một mình ta mà còn có nhiều chúng sanh khác nữa”. Đây là nhân duyên thứ ba.

4. Khi đại Bồ-tát đản sanh, đại địa liền chấn động… như trên. Đây là nhân duyên thứ tư.

5. Khi đại Bồ-tát thành đạo quả Đẳng chánh giác thì đại địa chấn động… như trên.

6. Khi Như lai ba lần chuyển pháp luân thì đại địa chấn động… như trên.

7. Khi Như lai xả bỏ tuổi thọ chỉ lưu lại mạng sống thì trời đất chấn động, bốn phương đều rực sáng, tinh quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không. Đây là nhân duyên thứ bảy.

8. Không bao lâu nữa khoảng ba tháng sau Như lai sẽ nhập Niếtbàn vô dư, lúc đó trời đất chấn động, bốn phương đều rực sáng, tinh quang rơi rụng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không. Đây là nhân duyên thứ tám”. A-nan nói: “theo như lời Thế tôn vừa nói thì do Phật xả bỏ tuổi thọ chỉ giữ lại mạng sống nên trời đất chấn động”, Phật nói đúng vậy, A-nan nói: “con có nghe Phật nói: người nào tu tập nhiều về bốn thần túc, muốn trụ lại thế gian này một kiếp hay hơn một kiếp đều như ý muốn. Phật đã tu tập nhiều về bốn thần túc, muốn trụ lại thế gian này một kiếp hay hơn một kiếp đều như ý muốn, cúi xin Phật trụ thế một kiếp hay hơn một kiếp”, Phật nói: “đây là lỗi của thầy, lúc nãy ta đã nói rõ điều này với thầy ba lần nhưng thầy vẫn không hiểu ý vì thầy đã bị Ma vương mê hoặc. Thầy nghĩ sao, Như lai có nói hai lời hay không?”, đáp là không, Phật nói: “lành thay A-nan, không có việc Như lai đại sư nói hai lời. Vừa rồi ta đã nhận lời thỉnh của Ma vương thì thầy không nên thỉnh lại nữa, thầy hãy đi thông báo cho các Bí-sô ở chung quang tháp Thủ cung tập họp tại nhà ăn”, A-nan vâng lời Phật đi thông báo, khi các Bí-sô đều đã tập họp ở trong nhà ăn, A-nan liền bạch Phật biết thời. Phật đến trong nhà ăn ngồi trước các Bí-sô nói rằng: “các thầy nên quán các hành là vô thường, là pháp biến đổi, không thể thương nhân tưởng, nên nhàm lìa để cầu giải thoát. Các thầy nên biết có pháp thắng diệu, có thể ngay đời này và trong đời sau được an lạc trụ. Các thầy nên thọ trì đọc tụng, hiểu kỹ nghĩa lý và cẩn thận phụng hành theo giáo pháp này, có thể làm cho phạm hạnh trụ lâu không diệt. Pháp như thế nên hoàng truyền rộng rãi để làm lợi ích cho các hữu tình, làm cho trời người được an lạc. Pháp thắng diệu đó là Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo”. Phật lại bảo A-nan là muốn đến thôn Trùng hoạn ở phía Tây bắc của thành Quảng nghiêm, lúc đó Phật như voi chúa quay người về bên phải để nhìn lại thành Quảng nghiêm, A-nan hỏi Phật: “Thế tôn quay lại nhìn thành Quảng nghiêm không phải là không có nhân duyên”, Phật nói: “đúng vậy A-nan, ta quay lại nhìn thành Quảng nghiêm không phải là không có nhân duyên, vì đây là lần cuối cùng Như lai Ứng chánh đẳng giác nhìn lại thành Quảng nghiêm, ta sắp đi đến chỗ Ta la song thọ trong trú xứ Lực sĩ để nhập Niết-bàn, không còn trở lại nơi này nữa nên ta mới quay lại nhìn”. Có Bí-sô nghe Phật nói lời này liền nói kệ:

“Nhìn lại thành Quảng nghiêm lần cuối,
Vì bậc Chánh giác không trở lại nữa.
Phật sắp đến Ta la song thọ,
Trú xứ Lực sĩ, chứng Vô dư”.

Khi đến thôn Trùng hoạn, Phật bảo các Bí-sô: “đây là Thi la, đây là Tam-ma-địa, đây là Bát-nhã, do sức trì giới làm cho định được kiên cố không thối chuyển; do tu định nên phát sanh trí huệ, do sức trí huệ nên tâm giải thoát khỏi tham sân si. Như vậy này các Bí-sô, tâm khéo giải thoát sẽ được sự hiểu biết chơn chánh, hiểu rõ: sanh tử đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau”. Sau đó Phật tuần tự đi trải qua hơn mười tụ lạc tùy căn cơ thuyết pháp cho chúng sanh, khi đến trụ trong rừng phía băc của thành Thọ dụng thì trời đất chấn động, trên không trung sao xẹt, bốn phương đều rực sáng, trống trời tự nhiên vang động khắp hư không. A-nan chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì trời đất chấn động?”, Phật nói: “có ba nhân duyên làm cho mặt đất chấn động:

1. Mặt đất dựa vào nước, nước dựa vào gió, gió dựa vào không khí. Này A-nan, khi gió lớn nổi lên trong hư không làm cho mặt nước dao động, nước dao động thì mặt đất chấn động. Đây là nhân duyên thứ nhất.

2. Nếu Bí-sô có đại oai đức, đầy đủ đại công dụng dùng thần thông lực quán tưởng đại địa này nhỏ như hạt bụi, tưởng vào nước vô biên thì sẽ làm cho mặt đất chấn động. Nếu Bí-sô ni và chư thiên nào có đại oai đức khởi pháp quán tưởng này cũng sẽ làm cho mặt đất chấn động. Đây là nhân duyên thứ hai.

3. Nếu Như lai sắp nhập Niết-bàn thì mặt đất chấn động, đây là nhân duyên thứ ba”, A-nan nói: “thật hi hữu thay Thế tôn đã thành tựu việc không thể nghĩ bàn, Như lai Ứng chánh đẳng giác sắp nhập Niếtbàn nên mặt đất hiện tướng hi hữu như thế”, Phật nói: “đúng thế, Như lai Ứng chánh đẳng giác đã thành tựu việc hi hữu như vậy. Này A-nan, quá khứ ta đã từng ở trong vô lượng trăm ngàn chúng Sát-đế-lỵ, Sa môn, Bà-la-môn… cho đến cõi trời Sắc cứu cánh, ta mang hình dáng và nói ngôn ngữ đồng như họ; nếu họ không hiểu điều gì, ta có thể nói cho họ hiểu, dùng pháp thắng thượng chỉ bày làm cho họ được lợi hỉ và được khai ngộ, rồi ta ần mất. Lúc đó họ nói với nhau: vị ấy đã đi đâu rồi, là trời hay là người mà không ở trong cảnh giới của ta. Ta có thể thành tựu vô lượng pháp hi hữu như vậy”.