BỐN CHÚNG VÃNG SANH

Quyển 3

IX. CHƯ THÁNH ĐỒNG QUI

1. Lựa chọn sinh về Cực Lạc

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật ghi:

Bấy giờ Vi-đề-hi rơi lệ bạch Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài nói cho con nghe nơi nào không có các điều lo lắng và khổ não để con nguyện sinh về nơi ấy; con không thích ở cõi Diêm-phù-đề xấu ác này nữa!”. Lúc ấy, Đức Thế Tôn phóng ánh sáng giữa chặng mày chiếu soi khắp thế giới mười phương, các cõi nước của chư Phật đều hiện ra trong đó. Vi-đề-hi xem xong, hướng về Đức Phật bạch: “Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả cõi nước của chư Phật đều thanh tịnh và có ánh sáng, nhưng nay con chỉ nguyện sinh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà!”.

2. Vãng sinh vô số

Kinh Đại Vô Lượng Thọ ghi:

Ngài Di-lặc hỏi Đức Phật:

– Ở thế giới này có bao nhiêu vị bồ-tát vãng sinh Cực Lạc?

Đức Phật đáp:

– Ở thế giới này có sáu mươi hai ức vị bồ-tát Bất thoái chuyển[50] vãng sinh cõi Cực Lạc; còn bồ-tát tiểu hạnh[51] thì không thể tính kể. Không chỉ ở cõi Ta-bà này mà các cõi của chư Phật ở phương khác cũng vậy; như cõi nước của Phật Viễn Chiếu có một trăm tám mươi ức vị bồ-tát đều được vãng sinh. Cho đến cõi nước của chư Phật mười phương, bồ-tát vãng sinh cũng nhiều vô số, nếu Ta nói đầy đủ thì một kiếp cũng không thể nói hết được.

Ghi chú:

Thế giới này và cõi nước phương khác, bồ-tát vãng sinh nhiều vô số, thế thì, cõi Tịnh độ làm sao dung chứa hết? Ôi! Biển lớn còn chứa hết tất cả trăm sông, hư không hàm chứa cả thiên la vạn tượng và vô biên cõi nước đều nằm trong một lỗ chân lông của bồ-tát Phổ Hiền. Vì thế, một chút đất dính trên đầu mũi kim ở Tịnh độ có thể dung chứa vô số nguời vãng sinh, há chẳng rộng lớn sao! Vậy còn cõi nước nào rộng lớn hơn sao?

3. Thấy Phật A-di-đà

Kinh Quán Phật tam-muội ghi:

Sau khi được Đức Phật thụ kí cho vãng sinh về cõi Cực Lạc,bồ-tát Văn-thù phát nguyện và nói kệ rằng:

Con nguyện lúc mạng chung

Diệt trừ các chướng ngại

Thấy được Phật Di-đà

Vãng sinh cõi Cực Lạc.

Sinh về nước kia rồi,

Con đầy đủ đại nguyện,

A-di-đà Như Lai

Hiện tiền thụ kí con.

4. Tu mười nguyện cầu vãng sinh

Kinh Hoa nghiêm ghi:

Bồ-tát Phổ Hiền đưa ra mười đại nguyện ban trải rộng khắp để chúng sinh tu tập cầu sinh Tịnh độ. Ngài nói kệ:

Cầu nguyện lúc con sắp mạng chung

Diệt trừ tất cả các nghiệp chướng

Nhìn thấy Đức Phật A-di-đà

Liền được vãng sinh cõi Cực Lạc.

Ngài lại nói:

Chúng hội Phật kia đều thanh tịnh

Lúc con sinh vào trong hoa sen

Liền thấy Như Lai Vô Lượng Quang

Hiện tiền thụ kí con thành Phật.

Ghi chú:

Bồ-tát Văn-thù là thầy của bảy Đức Phật. Mười hạnh nguyện Phổ Hiền là nơi muôn hạnh hướng về mà cầu vãng sinh Tịnh độ.Nhưng hai ngài đều ân cần nhắc nhở. Người phụ tá Đức Phật Thích-ca ở Ta-bà cũng tức là người hầu cận đức A-di-đà ở cõi An Dưỡng. Việc ấy rất rõ ràng.Nếu ai khinh thường Tịnh độ mà không nguyện vãng sinh thì rất sai lầm vậy!

5. Kệ và luận về Tịnh độ

Bồ-tát Thiên Thân, người Thiên Trúc, là tác giả của nhiều bộ luận. Ngài bay lên nội viện của trời Đâu-suất đỉnh lễ và hầu hạ bồ-tát Di-lặc. Sau đó, Ngài lại trứ tác bộ Vô Lượng Thọ kinh luận và Tịnh độkệ. Ngài dùng pháp tu năm môn[52] để khuyên mọi người cầu vãng sinh.

6. Thỉnh tượng Phật

Bồ-tát Ngũ Thông cư trú tại chùa Kê-đầu-ma ở Thiên Trúc, vận thần lực đến nước An Lạc gặp Đức Phật A-di-đà và bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Chúng sinh ở cõi Ta-bà muốn cầu sinh Tịnh độ nhưng không thấy tượng Phật.Thỉnh Ngài giáng trần!

Đức Phật dạy:

– Ngươi hãy về trước đi, Ta sẽ đến.

Lúc bồ-tát trở về thì đã thấy một tượng Phật và năm mươi tượng bồ-tát ngồi tòa sen ở trên ngọn cây. Bồ-tát Ngũ Thông liền cho chép thành truyện và lưu truyền rộng rãi, và đặt tên là Cảm Thôngtruyện.

Ghi chú:

Có người không tin: “Không nhờ thần lực mà có thể đến được nước An Lạc”. Than ôi! Một niệm vãng sinh, không nhọc khảy móng tay. Lẽ nào không được như thế sao!

7. Tạo luận Khởi tín

Bồ-tát Mã Minh là vị tổ thứ 12 của Thiền tông Thiên Trúc, Ngài trứ tác bộ luận Khởi tín[53]. Cuối quyển luận, ngài nói cầu sinh Tịnh độ là điều thiết yếu nhất.

8. Bồ-tát Long Thọ được thụ kí vãng sinh

Kinh Lăng-già[54] ghi:

Đại Tuệ! Ông nên biết: “Sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, đời sau có vị tì-kheo thụ trì pháp của Ta rất nổi tiếng, hiệu là Long Thọ có thể phá các tông hữu và vô để hiển bày pháp Đại thừavô thượng của Ta khắp thế gian, chứng Sơ hoan hỉ địa, được vãng sinh nước An Dưỡng.

9. Làm lành được vãng sinh

Kinh Đại-bi[55] ghi:

Đức Phật nói: “Sau khi Ta diệt độ, ở nước Bắc Thiên Trúc có vị tì-kheo tên Kì-bà-già tu tập vô lượng căn lành tối thắng bồ-đề. Sau khi ông mạng chung sinh về cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây, cách đây trăm nghìn ức thế giới, rồi ở chỗ Đức Phật A-di-đà tiếp tục gieo các căn lành, sau đó được thành Phật, hiệu là Vô Cấu Quang”.

10. Đắc nhẫn vãng sinh

Kinh Bồ-tát sinh địa[56] ghi:

Đức Phật dạy: “Lúc Ma-sai-kiệt đắc Vô sinh pháp nhẫn[57] có năm trăm người nam và hai mươi lăm người nữ đều đắc Bất thoái chuyển. Sau khi họ mạng chung đều sinh về nước thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ”.

Ghi chú:

Cầu sinh Tây phương là vì muốn ngộ Vô sinh nhẫn và lên Bất thoái địa. Khi đã đắc Nhẫn và Bất thoái mà lại cầu sinh Tịnh độ là vì bồ-tát muốn gần gũi Như Lai nên làm như thế. Nay hàng phàm phu bị trói buộc là do sức nhẫn chưa đầy đủ, người bị lui sụt thì nhiều vô kể mà lại không để tâm cầu sinh Tịnh độ là sao? Vì thế gọi họ là những kẻ thật đáng thương xót.

11. Đại nguyện thứ hai

Kinh Bồ-tát nội giới[58]ghi:

Bồ-tát có ba lời nguyện. Trong đó, lời nguyện thứ hai là: “Con nguyện lúc mạng chung được vãng sinh về nước của Phật A-di-đà”.

12. Niệm Phật diệt tội

Luận Đại trí độ ghi:

Có các vị bồ-tát tự nghĩ: “Phỉ báng kinh Đại bát-nhã sẽ bị đọa vào đường ác, trải qua vô lượng kiếp, dù tu tập pháp môn khác cũng không thể diệt được tội”. Sau này họ gặp bậc thiện tri thức dạy niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nên nghiệp chướng tiêu trừ, siêu sinh Tịnh độ.

Ghi chú:

Chí tâm niệm Phật một tiếng thì diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp, điều này rất rõ ràng. Vì sao? Vì chí tâm niệm Phật. Nếu không chí tâm niệm Phật thì tội chướng không tiêu trừ. Chớ nói rằng, lời dạy của bậc thánh không có căn cứ!

13. Ghi tên dự Thắng hội

Thiền sư Trường Lô Trách, noi theo phép tắc của tổ Tuệ Viễn, lập Liên Hoa thắng hội để khuyên mọi người niệm Phật. Một hôm, thiền sư nằm mộng thấy một người mặc áo trắng, chít khăn đen, dung mạo rất đẹp đến vái chào và nói:

– Tôi muốn vào Liên Hoa thắng hội của Ngài.Xin cho tôi ghi tên.

Trường Lô Trách hỏi:

– Ông tên gì?

Người kia đáp:

– Tôi đã ghi tên là Phổ Tuệ rồi – Lại nói tiếp: “Anh của tôi tên là Phổ Hiền, đồng thời cũng xin được ghi tên gia nhập thắng hội”.

Trường Lô Trách tỉnh dậy và xem phẩm Li thế gian trong kinh Hoa nghiêm thì có tên hai vị bồ-tát này, liền đặt tên hai vị ấy đứng đầu thắng hội.

Ghi chú:

Phàm tăng mở hội niệm Phật các bậc thánh xưa ghi tên gia nhập nhiều lắm! Tịnh độ không phải là nhân duyên nhỏ. Bởi vì việc lập hội niệm Phật ấy phát xuất từ lòng chân thành nên thầm cảm thông linh ứng, có một điều gì giả dối được sao? Người tự cho mình tốt còn không thèm giả dối, huống gì là cổ thánh! Nay có người cho rằng, sở dĩ gọi là hội niệm Phật là vì Trường Lô Trách thấy việc ấy. Thật là đáng buồn cho họ!

14. Lược nêu các vị tôn túc

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải là đệ tử nối pháp của Mã Tổ. Sư là trụ cột muôn đời của tòng lâm. Sư từng lập ra phương pháp cầu nguyện cho các vị tăng bị bệnh và đưa tiễn những vị tăng đã tịch đều quy hướng về Tịnh độ.

Thiền sư Hoàng Long Tân tham kiến ngài Giác Lão lĩnh hội được tông chỉ, nối pháp dòng phái Hoàng Long. Từ đó, tông phong hưng thịnh, nhưng Sư hết lòng tu tịnh nghiệp. Sư có trứ tác Khuyến niệm Phật văn, được lưu hành ở đời, khiến mọi người phát khởi lòng tin.

Thiền sư Chân Hiết Liễu nối pháp dòng phái của ngài Đan Hà Thuần, là một phái của tông Tào Động. Đến đời Sư thì tông phong hưng thịnh. Sau này, Sư dựng một cái am tranh ở Bổ Đà tên là Cô Tuyệt, một lòng cầu sinh Tây phương. Sư giảng thuyết về Tịnh độ để khuyên nhủ bốn chúng tu tập.

Thiền sư Từ Thụ Thâm đắc pháp với ngài Trường Lô Tín. Sư chuyên tâm niệm Phật và cho rằng con đường tắt tu hành không gì qua Tịnh độ! Nên Sư thiết lập đạo tràng Tây Phương, hết lòng khuyến hóa mọi người tu Tịnh độ để đến lúc qua đời được vãng sinh.

Pháp sư Thạch Chi Hiểu nối pháp của ngài Nguyệt Đường Tuân. Sư thông suốt kinh giáo, lấy pháp môn Tịnh độ để dạy người. Sư từng sưu tầm các bộ sách trong Đại tạng nói về Tịnh độ; trong số đó có Lạc bang văn loại[59] được lưu hành ở đời.

Thiền sư Tịch Đường Nguyên học thiền với ngài Mật Am Kiệt. Sư dốc lòng hành trì pháp môn Niệm Phật tam-muội, cảm đến thần Kim Giáp từ trên trời bay xuống. Một hôm, Sư nằm mộng thấy hoa sen đỏ từ dưới đất mọc lên. Do đó Liên Tông rất thịnh hành ở khắp mười châu.

Thiền sư Trung Phong Bổn đắc pháp với ngài Cao Phong Diệu, mọi người rất ngưỡng mộ Sư như Thái Sơn và sao Bắc Đẩu. Sư có trứ tác Hoài Tịnh độ thi gồm 100 bài, được lưu truyền ở đời.

Đãi chế Vương Dĩ Ninh tự xưng là đệ tử của Phật A-di-đà.

Hàn lâm Triều Duyệt Chi trả lời thư Triệu Tử Ngang, xưng tán Tây phương Tịnh độ là chân ngữ, thật ngữ.

Đãi chế Trần Quán viết bi kí Tịnh độ Viện của chùa Diên Khánh, trong đó ông cực lực tán dương pháp môn Niệm Phật.

Tông chủ Ưu-đàm cư trú tại Thiện Pháp đường của chùa Đông Lâm ở Lô Sơn. Ông có trứ tác bộ Liên tông bảo giám[60] và phụng chiếu khắc bản lưu hành ở đời làm cho pháp môn Tịnh độ được trung hưng.

Ghi chú:

Bắt đầu từ ngài Bách Trượng, cuối cùng đến Ưu-đàm; trải qua nhiều đời các bậc tôn túc không ai mà không tu pháp môn Tịnh độ. Thật hưng thịnh quá!

Tổng luận

Thiền sư Thiên Như nói: “Người đời nay xem thường pháp môn Tịnh độ, chẳng phải là xem thường bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt mà chính là xem thường các vị bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ vậy”. Cho nên tôi mới tập hợp các kinh để chứng thật những lời nói này. Hoặc có người còn nghi ngờ: “Hàng bồ-tát đạo lực đã lớn, gần giống với Phật rồi thì không nhất thiết phải cầu sinh Tịnh độ”. Ôi! Nếu chưa đạt được giai vị Diệu giác,[61] dù ở giai vị Đẳng giác[62] một ngày cũng không thể xa lìa Phật, huống là hàng phàm phu!

Bởi vì, cũng như người xưa từng nói:

– Người có chức tước càng cao thì càng gần gũi với vua chúa; ngược lại, bọn khuân vác, kẻ cày bừa làm bạn với ngư phủ, tiều phu tự cho là đủ rồi, hoàn toàn không mong đến cung vua và miệng họ thao thao rằng: ‘Vị minh chủ đó không đáng để chúng tôi gần gũi’.

Thật đáng nực cười!

X. SINH TỒN CẢM ỨNG

1. Quỷ không dám ăn

Khi Đức Phật còn ở đời, có một nước ở gần với nước La-sát,[63] người trong nước ấy bị La-sát tha hồ bắt ăn thịt. Vua ra lệnh từ nay tất cả người trong nước, cứ mỗi gia đình một ngày, theo thứ tự thay nhau đem người đến cho quỷ La-sát, chớ để cho nó giết càn.

Bấy giờ, có một gia đình theo đạo Phật, chỉ sinh được một đứa con, đến phiên gia đình ấy đem con dâng cho La-sát. Lúc đưa con đi, hai ông bà gào khóc thảm thiết và căn dặn người con phải chí tâm niệm Phật, vì oai lực của Phật sẽ làm cho quỷ La-sát không đến gần được. Sáng hôm sau, đến xem, thấy người con vẫn còn, họ vui mừng dẫn về nhà. Và kể từ đó không còn nạn bị quỷ La-sát ăn thịt nữa. Tất cả mọi người trong nước đều rất vui mừng.

2. Nằm mộng thấy mình thông minh biện luận vô ngại

Thiền Sư Nam Nhạc Tuệ Tư sống vào đời Tùy, hết lòng thờ Phật. Một hôm, thiền sư nằm mộng thấy Đức Phật A-di-đà thuyết pháp cho nghe. Từ đó, thiền sư trí tuệ thông minh hơn người, biện tài vô ngại.

3. Xả bỏ oán thù

Thiệu Bưu sống vào đời Đường, quê ở Trấn Giang, là một nho sinh thời bấy giờ. Một hôm, ông nằm mộng thấy mình đến phủ Nhất Công, mọi người gọi là An phủ sứ ti. Một lát sau, có một vị quan ra hỏi:

– Ông biết vì sao ông không thi đỗ chăng?

Thiệu Bưu đáp:

– Tôi không biết.

Nhân đó, vị quan dẫn ông đi về phía trước, Thiệu Bưu thấy con hào nhỏ đang bị nấu ở trong một cái vạc lớn. Con hào ấy nói tiếng người và gọi tên ông. Thiệu Bưu sợ hãi liền niệm Phật A-di-đà.Khi mới mở miệng niệm thì thấy con hào nhỏ biến thành chim hoàng tước bay đi. Sau đó, Thiệu Bưu ra thi trúng tuyển làm quan đến chức An phủ.

Ghi chú:

Sát sinh thì tài lộc đến muộn, niệm Phật thì giải được oán thù. Nay nho sinh cứu con vật từ trong vạc ra. Người cầu xin quỷ thần giúp đỡ mà không biết niệm danh hiệu của Đức Phật thì sự mưu tính đó cũng dở. Người hiến pháp môn quý báu này biết việc ấy cũng là nhờ vào kinh sách.

4. Hai vợ chồng thấy Phật

Cát Tề Chi sống vào đời Tống, quê ở Cú Dung, là con cháu của Trĩ Xuyên, nhiều đời học theo đạo tiên. Ông có người vợ họ Kỉ âm thầm chí thành niệm Phật. Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ 13 (436), bà vừa ngồi vào khung cửi, bỗng thấy trên hư không có ánh sáng lạ, nhân đó bà rời khung cửi, ngắm nhìn bốn phương, thấy ở phương tây có Phật hiện ra và có tràng phan, bảo cái che rợp bầu trời. Bà vui vẻ nói: Trong kinh dạy: “Vô Lượng Thọ Phật lẽ nào là đây sao?”. Bà liền đến trước Phật đỉnh lễ, Cát Tề Chi kinh ngạc đến chỗ bà lạy Phật. Bà chỉ cho ông chỗ Phật hiện thì Cát Tề Chi chỉ thấy nửa thân của Đức Phật mà thôi, trong chốc lát rồi biến mất. Bấy giờ, trên hư không xuất hiện một đám mây lành năm màu, mọi người trong làng đều nhìn thấy. Từ đó, rất nhiều người tin theo Phật pháp.

5. Quỷ không hiện

Trần Xí sống vào đời Tống, quê ở Long Thư, từng giết người. Về sau, thấy quỷ hiện ra, ông rất sợ hãi, liền niệm Phật A-di-đà thì quỷ không đến gần được. Nhân đó, ông niệm Phật mãi không ngớt nên quỷ chẳng còn hiện ra nữa.

Ghi chú:

Thiếu nợ mạng với quỷ, tại sao niệm Phật mà đuổi được quỷ đi? Bởi vì công đức oai thần của Đức Phật A-di-đà không thể nghĩ bàn. Niệm một câu danh hiệu Phật thì quỷ được siêu thoát, cho nên không hiện ra nữa. Những cấm chú tầm thường sao có thể đuổi được quỷ!

6. Siêu độ vong linh

Trương Kế Tổ sống vào đời Tống, quê ở Trấn Giang, một lòng tin sâu về Tây phương Tịnh độ. Lúc mẹ qua đời, ông thường niệm Phật để siêu độ vong linh. Một hôm, ông nằm mộng thấy mẹ trở về nói cảm ơn: “Nhờ con niệm Phật mà mẹ được sinh về đường lành!”.

7. Ngủ nghỉ được an ổn

Lưu Trọng Tuệ sống vào đời Tống, quê ở Trường Hưng, Hồ Châu. Ông bị bệnh, ban đêm ngủ thường thấy ác mộng. Có người chỉ cho ông niệm Phật, ông nghe theo, chí thành niệm Phật lớn tiếng 108 câu, rồi mới ngủ, suốt đêm ấy tinh thần được an ổn. Từ đó, ông niệm Phật mãi không ngớt.

Ghi chú:

Người xưa dụ việc ngủ mê như là chết phân nửa, lời nói này thật là hay. Bởi vì điên đảo, mộng mị tựa như sự mê muội của sinh tử thì làm sao giấc ngủ an ổn được. Lúc sắp mạng chung, nếu mong được một chút tự do thì phải vâng theo lời đại sư Thiện Đạo dạy mọi người trước khi sắp ngủ phải niệm Phật!

8. Mắt mù sáng lại

Chị dâu thứ ba của ông Nguyễn Niệm sống vào đời Tống, là một phụ nữ làm nghề nông ở Hoài Ninh. Hai mắt của bà sắp mù, nên bà thường niệm Phật mãi không ngớt thì hai mắt sáng lại.

Cũng có người phụ nữ họ Sài hai mắt bị mù. Bà siêng niệm Phật suốt ba năm không chút xao lãng thì hai mắt của bà sáng lại như cũ.

Ghi chú:

Ánh sáng của Đức Phật A-di-đà vô lượng, chiếu soi đến khắp các cõi nước ở mười phương, nếu người nào chí tâm niệm danh hiệu Ngài, dù con mắt thịt không sáng trở lại, mắt tâm cũng được bừng sáng. Nhưng vì người mù thời nay thường làm thầy bói, tạo thêm nghiệp sát. Đó gọi là từ chỗ tối đi vào trong tối, mãi mãi không bao giờ thấy được mặt trời. Than ôi! Làm sao tôi có thể đem pháp môn niệm Phật này chỉ bảo cho tất cả người mù trên thế gian này?

9. Bệnh sốt rét không phát tác

Lý Tử Thanh sống vào đời Tống, bị bệnh sốt rét đã lâu. Thấy vậy, cư sĩ Long Thư khuyên: “Khi lên cơn sốt ông nên nhất tâm niệm Phật, rồi sau đó mới uống thuốc”. Tử Thanh nghe lời và làm theo. Ngày đầu thấy cơn sốt giảm một nửa, ngày thứ hai ông tiếp tục niệm Phật thì cơn sốt dứt hẳn. Từ đó, ông dốc lòng niệm Phật.

10. Xá-lợi hiện ra

Vợ của Liêm trung đại phu ở Cống Châu, sống vào đời Tống, thêu một bức tượng Đức Phật A-di-đà cao một trượng sáu, mới được một nửa, bỗng xá-lợi hiện ra chiếu sáng trong đường tơ. Cả nhà đều kinh ngạc và khen ngợi.

11. Xá-lợi hiện ra

Phu nhân của Thiếu sư Chung Li họ Nhâm ở Chân Châu, khắc một pho tượng Phật A-di-đà cao bốn tấc tám phân, thờ trong cái khám rất trang nghiêm, bà thường đội lên đầu hành đạo. Một hôm, bà bỗngthấy ở chặng giữa lông mày của pho tượng hiện ra viên xá-lợi lớn như hạt gạo, ánh sáng chiếu đến thân mọi người.

12. Trị bệnh đều lành

Vào đời Tống, ở Tú Châu có một vị tăng thường niệm danh hiệu Phật A-di-đà để trị bệnh cho mọi người. Bất cứ ai bệnh mời Sư đến trị đều lành cả. Người trong châu kính tin Sư như kính tin Đức Phật.

13. Tù nhân thoát nạn

Vào mùa đông niên hiệu Chí Chính thứ 15 (1355), đời Nguyên, Trương Sĩ Thành đem quân tấn công Hồ Châu giao chiến với Thừa tướng Giang Chiết, bắt được bốn mươi người, giam cầm giải về giao cho quan phủ. Trên đường đi, họ được nghỉ qua đêm tại chùa Điểu Khòa ở Tây Hồ. Đêm đó, tình cờ họ thấy thiền sư Đại Du Mưu tản bộ dưới hành lang chùa. Trông thấy Sư tinh thần ung dung, nhàn nhã trì tụng suốt đêm, họ nói:

– Xin Trưởng lão cứu chúng tôi!

Sư nói:

– Tôi không thể cứu các người. Chỉ cần các người chí thành niệm “Nam mô Cứu Khổ Cứu Nạn A-di-đà Phật” thì mới cứu được các người.

Trong đó, có ba người tin và làm theo lời Sư chỉ dạy, miệng niệm Phật không ngớt. Sáng hôm sau, trước khi áp giải tù nhân đi, sai dịch kiểm tra lại gông và xiềng, khi kiểm tra đến ba người kia thì phát hiện họ không có mang gông, đeo xiềng mà chỉ bị trói bằng dây. Sau đó, hỏi ra mới biết họ là dân lành bịbắt làm tù binh. Cuối cùng cả ba người đều được tha về.

Ghi chú:

Trong phẩm Phổ môn ghi:

Hoặc giam giữ, xiềng xích,

Tay chân bị gông cùm,

Do sức niệm Quán Âm,

Tháo ra được giải thoát.

Từ xưa đến nay mọi người thường tin như vậy. Vì thế, nói niệm Phật cũng được thoát nạn thì có người còn chưa tin, bởi người này quen theo thói thường. Hơn nữa, oai lực của Phật lại vượt trội hơn bồ-tát không biết bao nhiêu lần mà họ không biết. Nếu tay chân bị chặt mà niệm Thích-ca Như Lai thì tay chân tự mọc lại! Tay chân còn mọc ra lại thì gông cùm, xiềng xích có nghĩa gì! Nhưng vì người tin điều đó quá ít, cho nên tôi ghi việc này ra đây.

Tổng luận

Đại sư Châu Hoằng nói: “Mọi người biết pháp môn Niệm Phật chỉ có lợi ích khi chết mà không biếtnó có lợi ích lúc còn sống. Vì thế, nghe nói trì chú được linh nghiệm thì họ chuyển sang trì chú, nghe nói giảng thuyết được trí tuệ, hùng biện liền quay qua giảng thuyết, nghe nói xây dựng chùa tháp được phúc báo, nghe nói thiết trai cúng dường thì kết duyên với nhiều người, cho đến nghe nói chăm sóc, nuôi dưỡng người thì được sống lâu v.v…, nghe nhiều việc khác nữa, nhưng họ chưa từng nắm giữ danh hiệu Phật, thì đâu thể nào nhất tâm bất loạn để mong thành tựu Tịnh nghiệp! Do đó, tôi biên soạn bộ Vãng sinh tập này, nhằm để ngăn chặn sự hướng ngoại của người hiện thời. Thật ra, việc cầu sinh Tịnh độ vốn là vì thành Phật độ chúng sinh, chứ chẳng phải cầu sự an lạc cho thân sau. Như vậy, có nên cầu sự lợi lạc cho thân trước hay không?”.

Quyển 1 || Quyển 2 || Quyển 3
[1]Pháp giới quán 法界觀 : Chỉ cho pháp quán nhằm ngộ nhập chân lí của pháp giới do ngài Đỗ Thuận, Sơ tổ tông Hoa Nghiêm lập ra. Pháp quán này có 3 lớp: Chân không quán, Lí sự vô ngại quán, Chu biến hàm dung quán.

[2]Đàn Quán đỉnh: Chỉ cho đàn tràng truyền pháp Quán đỉnh của Mật giáo.

[3]Đàn Thủy lục: Chỉ cho pháp hội bố thí thức ăn cho các loài hữu tình ở dưới nước (thủy) và ở trên cạn (lục) để cứu các quỉ đói, một trong các pháp hội cúng thí ngạ quỉ.

[4]Năm bộ luật (Ngũ bộ luật: 五部律): Năm bộ luật thuộc 5 bộ phái khác nhau do 5 vị đệ tử của ngài Ưu-ba-cúc-đa (Tổ phó pháp thứ 5 của Thiền tông Ấn Độ) truyền bá vào khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Gồm Đàm vô đức bộ, Tát-bà-đa bộ ngũ, Di-sa-tắc bộ, Ca-diếp-di bộ, Ma-ha tăng-kì bộ.

[5]Lục tức六即: Sáu hành vị của bồ-tát Viên giáo do tông Thiên Thai thiết lập, tức là sáu giai đoạn hợp thành một thể với chân lí. Gồm: 1. Lí tức: hết thảy chúng sinh đều trụ trong Phật tính Như lai tạng; 2. Danh tự tức: chỉ cho giai vị bồ-tát nghe đạo Bồ-đề rồi từ trong danh ngôn khái niệm mà được thông suốt rõ ràng; 3. Quán hạnh tức: giai vị bồ-tát đã hiểu rõ danh tự rồi khởi tu quán hạnh, tâm quán sáng tỏ, lí và tuệ tương ứng; 4. Tương tự tức: chỉ cho giai vị bồ-tát đã được lục căn thanh tịnh, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, chế phục được vô minh, chỉ và quán trong sáng tĩnh lặng giống như thực chứng; 5. Phần chứng tức: giai vị bồ-tát đã đoạn một phần vô minh mà chứng Trung đạo; 6. Cứu cánh tức: giai vị bồ-tát đoạn trừ được phẩm vô minh cuối cùng, chứng được thực tướng của các pháp, tức là Diệu giác, quả vị rốt ráo cao nhất của Viên giáo.
[6]Bố-tát布薩(S: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa): Nghĩa là các vị tì-kheo cứ mỗi nửa tháng tập họp đông đủ ở một chỗ, thỉnh vị tì-kheo thông thạo giới luật nói giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa để xét lại những hành vi trong nửa tháng vừa qua xem có phù hợp với giới bản không, nếu có ai phạm giới thì ra trước chúng tăng xin sám hối, để các tì-kheo đều được ở yên lâu dài trong giới thanh tịnh, nuôi lớn pháp lành, thêm nhiều công đức.

[7]Quán Đỉnh 灌頂(561-632): Cao tăng Trung Quốc sống vào đời Tùy, người Chương An, Lâm Hải, họ Ngô, người đời gọi ngài là đại sư Chương An.

[8] Ba nghiệp (Tam nghiệp 三業, S: trīṇi karmāṇi): Gồm thân, khẩu và ý nghiệp.

[9] Bốn oai nghi (Tứ oai nghi 四威儀, S: catur-vidhā īryā-pathāḥ): Bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Đây là phép tắc mà tì-kheo, tì-kheo-ni phải tuân giữ, tức là những động tác đi, đứng, nằm, ngồi hang ngày phải nghiêm cẩn, không được buông lung và giải đãi để giữ gìn sự nghiêm túc và trang trọng.

[10] Tứ độ四土: Bốn cõi Phật theo chủ trương của ngài Trí Khải thuộc tông Thiên Thai. 1. Phàm thánh đồng cư độ; 2. Phương tiện hữu dư độ; 3. Thật báo vô chướng ngại độ; 4. Thường tịch quang độ.

[11] Tam quán三觀: Không quán, Giả quán và Trung quán của tông Thiên Thai lập ra.

[12] Tuyển Phật đồ選佛圖: Bức họa du hí được vẽ theo lí chuyển mê khai ngộ bằng các danh tướng của Phật giáo.

[13] Nhất tâm tam quán一心三觀: Trong một niệm tâm mà viên tu ba quán Không, Giả, Trung nhất tâm chi tâm năng quán; Tam quán là Không quán, Giả quán, Trung quán. Biết rõ một tâm niệm vốn bất khả đắc bất khả thuyết mà trong nhất tâm tu cả ba quán: Không, Giả, Trung nên gọi là Nhất tâm tam quán. Đây là phép quán của tông Thiên Thai.

[14] Tì-kheo Pháp Tạng法藏比丘(S: Bhikṣu Dharmakara):Tiền thân của Phật A-di-đà.
[15] Chùa Bạch Liên (Bạch Liên tự 白蓮寺): Chùa ở phía tây huyện Thanh Phố, Giang Tô, phía nam huyện Côn Sơn, bên cạnh hồ Điện Sơn ở núi Điện, Trung Quốc. Khoảng năm 1163-1164, đời Tống, chùa này được sư Tử Nguyên lập, ban đầu chùa có tên là Bạch Liên Quán đường, tứ chúng đệ tử trong chùa được Sư hướng dẫn tu pháp môn Thập lục quán để cầu sinh Tịnh độ, do đó chùa còn có tên Bạch Liên sám đường. Khoảng năm 1165-1173, vua Hiếu Tông ban cho chùa tấm bảng hiệu là Bạch Liên tự.

[16] Chùa Năng Nhân (Năng Nhân tự 能仁寺): Chùa ở dưới ngọn Đơn Phương, phía tây dãy núi Nhạn Đãng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tương truyền, vị tổ khai sơn chùa này là ngài Nặc-cự-na. Năm 976, đời Tống, sư Toàn Liễu kết am Phù Dung để ở. Năm 999, mới xây dựng chính điện, năm 1001, chùa cất thêm ngôi tháp Bách Bảo, được vua ban tên là chùa Thừa Thiên. Đến năm 1142, Quận thú Diêm Khâu Hân tâu lên vua xin đổi thành Năng Nhân thiền viện, trở thành đại đạo tràng ở vùng núi Nhạn Đãng.

[17] Trung Phong中峰: Tức thiền sư Minh Bản.

[18] Thiên Như天如: Tức thiền sư Duy Tắc, đệ tử của ngài Trung Phong Minh Bản.

[19] Tam thánh三聖: Phật A-di-đà, bồ-tát Quán Thế Âm, bồ-tát Đại Thế Chí.

[20] Bảy báu(Thất bảo 七寶, S: sapta ratnāni: bảy thứ ngọc báu ở thế gian. Các kinh nói bảy thứ báu khác nhau, theo kinh A-di-đà và luận Đại trí độ 10 thì bảy thứ báu là: Vàng, bạc, lưu li, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não.

[21] Nước tám công đức (Bát công đức thủy八功德水): Nước có tám đặc tính thù thắng. Ở cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà có ao thù thắng, nước trong ao có tám thứ công đức.Tám đặc tính đó là: Trong trẻo, mát mẻ, ngọt ngon, mềm nhẹ, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.

[22]Truyện Linh ứng vãng sinh Tây phương tinh độ ghi là Nghĩa Hy thứ 15.

[23]Mậu tài茂才, Cg: Tú tài: Danh vị khoa bảng dành cho người thi đậu kì thi Hương, nhưng ở bậc dưới.

[24] Học sĩ學士: Tên một chức quan về văn học thời xưa.

[25]Long Thư Tịnh độvăn龍舒淨土文: Tác phẩm, 12 quyển, do ông VươngNhật Hưu người đất Long Thư (Thư Thành, An Huy) soạn vào năm 1160, đời Nam Tống, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 47. Nội dung sách này ghi chép những kinh luận, truyện kí có liên quan đến việc vãng sinh Tây phương Tịnh độ.

[26] Triều tán朝散: Chức quan từ ngũ phẩm trở xuống gọi là Triều tán đại phu.

[27] Luận Thiên Thai thập nghi (Thiên Thai thập nghi luận 天台十疑論): Cg: Thập nghiluận: Luận 1 quyển, do ngài Trí Khải soạn vào đời Tùy, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 47. Nội dung tác phẩm y cứ vào pháp môn vãng sinh Tịnh độ A-di-đà mà nêu ra 10 câu hỏi, sau đó theo thứ tự giải đáp.

[28] Hệ niệm繫念: Chuyên tâm niệm Phật.

[29]Truyền đăng lục傳燈錄: Gồm 30 quyển, do sa-môn Đạo Ngạn soạn vào đời Ngô, nhằm thời vua Tống Chân Tông, niên hiệu Cảnh Đức thứ nhất. Nội dung là truyền thừa pháp từ Đức Thích-ca đến các vị tổ.

[30] Nho giáo儒教, Cg: Khổng giáo: Một tôn giáo lớn ở Trung Quốc, tôn đức Khổng Tử (552 – 479 trước Tây lịch) làm giáo chủ.

[31] Năm kinh (Ngũ kinh 五經): Năm bộ kinh của Nho giáo là Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu.

[32] Ngũ vĩ五緯, Cg Ngũ tinh: Năm sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; tức chỉ thiên văn.

[33] Ba mươi thạch (Tam thập thạch三十石):Thạch là đơn vị cân đo thời xưa. Một thạch bằng 120 cân. Vậy 30 thạch là bằng 3600 cân, số lượng không phải ít.

[34] Tích trượng錫杖 (S: khakkhara,khakharaka): Chiếc gậy mà vị tì-kheo mang theo khi đi đường. Đây vốn là vật dùng để xua đuổi rắn độc, trùng độc hoặc rung lên khi khất thực, khiến cho thí chủ nghe biết. Đời sau, tích trượng trở thành một trong các pháp khí của thiền lâm.

[35] Thượng phẩm上品: Pháp quán thứ 14 trong Thập lục quán.

[36] Xuân xã春社: Ngày Mậu sau ngày Lập xuân năn ngày gọi là ngày Xuân xã.

[37] Thu xã秋社: Ngày Mậu sau ngày Lập thu năm ngày gọi là ngày Thu xã.

[38]Nguyên văn ghi là化人.

[39]Ma-ha-ba-xà-ba-đề摩呵波闍波提(S: Mahāprajāpatī. P: Mahāpajāpatī). Di mẫu của thái tử Tất-đạt-đa và là em gái của hoàng hậu Ma-da. Ma-da là con của vua Thiện Giác thành Thiên Tí ở Ấn Độ thời xưa. Sau khi Thích Tôn thành đạo 5 năm, vua Tịnh Phạn cũng mệnh chung, bà dẫn Da-du-đà-la và 500 người nữ thuộc chủng tộc Thích-ca đến Đức Phật xin xuất gia. Qua lời thỉnh cầu của A-nan, Đức Phật hứa khả. Đây là những vị Tì-kheo ni đầu tiên trong giáo đoàn của Phật.

[40] Bồ-tát giới菩薩戒. Cg: Đại thừa giới: Giới pháp mà bồ-tát Đại thừa thụ trì. Nội dung Bồ-tát giới nói về tam tụ tịnh giới, tức là ba nhóm: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.

[41] Trai giới齋戒 (S: upoṣadha): Giữ gìn thanh tịnh thân tâm và cẩn thận ngăn ngừa sự buông lung hoặc chỉ riêng cho Bát quan trai giới hay chỉ riêng cho giới quá Ngọ không ăn.

[42] Nghi nhân宜人: Vợ quan lớn, tức là vợ của quan từ Triều phụng đại phu lên đến Triều nghi đại phu được vua phong chức là Nghi nhân.

[43] Kinh Kim quang minh(Kim quang minh kinh 金光明經, S: Suvarṇaprabhāsottama-sūtra): Kinh, 4 quyển, do ngài Đàm-vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 16. Nội dung gồm 19 phẩm, chủ yếu nói về sự hộ vệ quốc gia của chư Thiên và các Thiện thần.

[44]Huyện quân縣君:Hiệu của vua ban cho người phụ nữ.

[45] Yết-ma羯摩 (S: karman): Các việc làm có liên quan đến giới luật như thụ giới, sám hối, kết giới tức chỉ cho tác pháp sinh thiện diệtác. Lúc thụ giới, nhờ yết-ma mà giới tử thành tựu được giới thể. Nội dung yết-ma gồm có bốn thứ: Pháp (tác pháp yết-ma), Sự (tất cả sự thật về yết-ma), Nhân (người có liên quan đến yết-ma) và Giới (nơi thực hành yết-ma).
[46] Cửu phẩm九品: Thượng thượng, thượng trung, thượng hạ; trung thượng, trung trung, trung hạ; hạ thượng, hạ trung, hạ hạ.

[47]Chư sinh諸生: Sinh viên đã nhập học Quốc Tử Giám.

[48]Kinh Bồ-tát xứ thai (Bồ-tát xứ thai kinh 菩薩處胎經): Cg: Bồ-tát Tùng Suất thuật thiên giáng thần mẫu thai thuyết Quảng Phổ kinh: Kinh, 7 quyển, do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Hậu Tần, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này được phân ra 38 phẩm. Quyển 1, lời tựa trình bày Đức Phật vì A-nan vận thần thông mà hiện tướng trạng trong thai mẹ khiến cho A-nan biết ở trong thai cũng giống như cung trời. Hiện thân bồ-tát không bị dín bụi trần. Lúc bồ-tát ở mười phương nhóm họp, nghe Đức Phật ở trong thai thuyết pháp. Từ đầu đến phẩm thứ 34 Ngài ở trong thai thuyết pháp, hoằng dương tư tưởng tính không. Từ phẩm 35 trở về sau Đức Phật thụ kí cho bô-tát Di-lặc và dặn do phân xá-lợi xây tháp thờ cho vua tám nước, chư thiên v.v… Đồng thời phó chúc cho ngài Ca-diếp làm thượng thủ kiết tập kinh điển.

[49]Kim sí điểu 金翅鳥(S: suparṇa): Một loài chim giống như chim diều hâu trong thần thoại Ấn Độ. Đây là loài chim được thần thoại hóa, thân to lớn và hung dữ, là chim trời Tì-thấp-nô cưỡi, tương truyền lúc nó mới sinh ra, thân nó phát ánh sáng chói lọi, chư thiên lầm tưởng là Hỏa Thiên nên kéo nhau đến lễ bái.

[50] Bất thoái chuyển不退轉 (S: avinivartanīya): Không thoái chuyển, chỉ sự tu hành không lui sụt cho đến khi thành Phật.

[51] Bồ-tát tiểu hạnh菩薩小行: Là bồ-tát mới phát tâm.

[52] Năm môn (Ngũ môn 五門): 1. Môn lễ bái, 2. Môn tán thán, 3. Môn tác nguyện, 4. Môn quán sát, 5. Môn hồi hướng.

[53] Luận Khởi tín(Khởi tín luận 起信論): Cg. Đại thừa khởi tín luận, do bồ-tát Mã Minh tạo. Có hai người dịch: Một là Chân Đế dịch vào đời Lương, 1 quyển. Hai là Thật-xoa-nan-đà dịch vào đời Đường, 2 quyển. Nội dung khuyên người khởi lòng tin chân chính đối với Tam bảo. Luận này nói lên lí cùng tột của giáo lí Đại thừa.

[54]Kinh Lăng-già(Lăng-già kinh 楞伽經, S: Laṅkāvatāra-sūtra): Cg: Lăng-già-a-bạt-đa-la Bảo kinh, 4 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đa-la dịch vào năm 443, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 16. “Lăng-già” là tên núi; “A-bạt-đa-la” nghĩa là nhập, tức là bộ kinh quí được Đức Thế Tôn nói khi Ngài vào núi Lăng-già, là 1 trong sáu bộ kinh được tông Pháp Tướng y cứ.

[55] Kinh Đại-bi (Đại-bi kinh 大悲經, S: Mahā-karuṇā-puṇḍarīka): Kinh, 5 quyển, do ngài Na-liên-đề-da-xá ở chùa Thiên Bình dịch vào năm 570, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này ghi chép lúc Đức Phật sắp Niết-bàn, truyền trao chính pháp cho tôn giả Ca-diếp và A-nan, đồng thời tuyên dạy công đức cúng dường xá-lợi và cách thức kiết tập.

[56] Kinh Bồ-tát Sinh địa(Bồ-tát Sinh địakinh菩薩生地經): Kinh 1 quyển, do Ngô Chi Khiêm dịch. Nội dung là do trưởng giả Ma-sai-kiệt Thích Chủng thưa hỏi: Tu pháp môn nào cho mau thành Phật? Đức Phật đáp: Hãy dùng Tứ sự của Nhị chủng, đây là pháp tu có thể sinh quả Phật.

[57] Vô sinh pháp nhẫn無生法忍 (S: anutpattika-dharma-kṣānti): Một trong ba nhẫn, nhẫn thứ tư trong năm nhẫn nói trong kinh Nhân Vương, tức là quán lý không sinh không diệt của các pháp, nhận kỹ lý ấy, an trụ tâm bất động.
[58] Kinh Bồ-tát nội giới(Bồ-tát nội giớikinh菩薩內戒經): Gồm 1 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-ma dịch vào đời Lưu Tống. Nội dung là vào Đức Phật thuyết giới ngày 15. Bồ-tátVăn-thù hỏi: “Bồ-tát đạo, tục mới phát tâm phải tạo công đức gì để Đức Phật nói 12 thời giới pháp?”.

[59]Lạc bang văn loại樂邦文類: Tác phẩm, 5 quyển do ngài Tông Hiểu (1151-1214) biên soạn vào đời Nam Tống, Trung Quốc, hoàn thành vào năm 1200, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 47. Nội dung biên tập những bài văn trọng yếu có liên quan đến các kinh luận của tông Tịnh độ, cho đến những trước thuật, thi kệ và truyện kí của các vị tăng.

[60]Liên tông bảo giám蓮宗寶鑑: Cg: Lô Sơn Liên tông bảo giám niệm Phật chính nhân. Tác phẩm, 10 quyển, do ngài Phổ Độ biên soạn vào đời Nguyên, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 47. Sách này dựa trên tông chỉ Niệm Phật tam-muội của ngài Lô Sơn Tuệ Viễn để soạn thành.

[61]Diệu giác妙覺: Giai vị cuối cùng trong quá trình tu hành của bồ-tát Đại thừa, đã trừ sạch vô minh, chứng được trí tuệ không thể nghĩ bàn. Đây là 1 trong 42 giai hoặc 52 vị bồ-tát.

[62] Đẳng giác等覺: Giai vị cùng tột của bồ-tát đạt được trí tuệ và công đức gần như Phật.

[63]La-sát羅剎 (S: rākṣasa): Loại ác quỉ trong thần thoại Ấn Độ, được thấy ghi đầu trong bộ Lê-câu-phệ-đà. Tương truyền La-sát nguyên là tên gọi dân tộc Thổ Trứ ở Ấn Độ, sau khi người Arya chinh phục Ấn Độ, La-sát trở thành một Đại danh từ chỉ kẻ ác, dần dần dùng gọi chung cho loài ác quỉ. Quỉ La-sát có sức thần thông, có thể bay nhanh trong hư không hoặc đi nhanh trên mặt đất, bạo ác đáng sợ.

[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]

Pages: 1 2 3