Người Ác Vãng Sanh

Đại Sư Châu Hoằng biên soạn

VI. Người Ác Vãng Sanh

Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ; nhà tối nhiều năm chỉ cần một ngọn đuốc là sáng. Chắc chắncõi Tịnh độ không bỏ rơi người ác. Tuy nhiên, phải nên tỉnh ngộ, bỏ ác làm lành, mà thống thiết tự trách mình và trừng phạt lấy mình,hoàn toàn không nên ỷ lại đới nghiệp vãng sinh mà cứ an tâm làm ác để rồi trông mong vào sự may mắn.

Người làm ác ngày xưa lấy đây làm thuốc, người làm ác đời nay bám vào đây nên thành bệnh. Vì thế nên nói, người làm ác ngày xưa tuy gọi là người ác nhưng thực chất là người thiện,còn người làm ác đời nay gọi là người ác thì đúng là người ác. Ôi! Thật đáng buồn thay!

Đại Sư Châu Hoằng

Duy Cung

Vào đời Đường, có vị tăng tên Duy Cung sống ở chùa Pháp Tính. Ông ta tính tình ngang ngược, xem thường người trên, hiếp đápkẻ dưới, kết bạn với kẻ thiếu tư cách,bọn cờ bạc, rượu chè thường tụ tập trước cổng chùa. Những lúc rảnh rỗi ông lại niệm Phật.

Bấy giờ, trong chùa có vị tì-kheo tên Linh Khuy thường giúp đỡ cho bọn người xấu này. Người dân trong làng nói:

Linh Khuy làm ác,
Duy Cung theo gót,
Ngàn tầng địa ngục,
Cùng vào không chán.

Duy Cung nghe vậy liền nói với họ:

– Tuy tôi gây nhiều tội nghiệp không có chỗ trốn thoát, nhưng Đức Phật A-di-đà ở cõi Tịnh độ thương tôi mắc phải lỗi lầm mà cứu ra khỏi cảnh lầm than.Lẽ nào tôi lại bị rơi vào đường ác sao?

Đến niên hiệu Càn Ninh thứ hai (895), Duy Cung mắc bệnh nặng. Linh Khuy đến thăm, từ ngoài đi vào thấy đoàn nhạc công tuổi trẻ, mặc y phục rất đẹp. Linh Khuy hỏi:

– Các vị từ đâu đến?

Họ đáp:

– Từ Tây phương đến rước Duy Cung thượng nhân.

Bấy giờ, một vị trong số những người ấy lấy trong bụng ra một cái bình bằng vàng.Trong bình có hoa sen còn búp nhỏ như nắm tay, bỗng chốc nó nở xòe ra lớn dần như cái mâm,tỏa rực ánh sáng. Những người ấy chạy nhanh về hướng chùa và đột nhiên biến mất. Khi Linh Khuy về đến chùa thì nghe trong chùa có tiếng chuông và Duy Cung đã qua đời.

Hùng Tuấn

Vào đời Đường có người tên Hùng Tuấn, quê ở Thành Đô, ông can đảm, dũng cảm hơn người, nhưng không giữ giới luật. Ông từng bỏ đạo đểgia nhập quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông trở lại làm tăng. Một hôm, ông đọc kinh, thấy trong kinh ghi: “Niệm một tiếng danh hiệu Phật thì diệt được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp”. Đọc đến đó, ông vô cùng mừng rỡ và thốt lên rằng: “Có điều này để ta nương nhờ rồi!”.

Từ đó, tuy vẫn làm ác nhưng ông thường niệm Phật không dứt. Đến tháng 2 năm Đinh Mùi, ông đột ngột qua đời. Nhưng trải qua một đêm ông bỗng sống lại và kể rằng:

– Tôi đã xuống âm phủ, gặp Diêm vương. Diêm vương nói: ‘Ta bắt lầm ngươi. Thường ngày ngươi niệm Phật nhưng vốn không có lòng tin sâu sắc. Nay ta tha cho ngươi trở lại nhân gian, nhưng phải siêng năng niệm Phật hơn’.

Nhiều người chứng kiến việc như vậy, họ cho rằng ông ta lọt lưới địa ngục. Sau đó, ông vào núi, trì trai, giữ giới và niệm Phật suốt bốn năm. Đến tháng 3 năm Đinh Hợi, khi chư tăng đều có mặt, ông nói:

– Đến giờ tôi phải đi rồi. Các ngài trở vào thành nếu gặp người thân của tôi thì báo cho họ biết là Hùng Tuấn nhờ niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ rồi, chớ cho rằng tôi là người lọt lưới địa ngục.

Nói rồi, ông ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Ghi chú:

Đồ dơ và sạch không thể đựng chung trong một cái bát, thì làm sao có trường hợp người vừa làm ác vừa niệm Phật mà được vãng sinh! Ôi! Xét lại câu nói: “Có điều này để ta nương nhờ rồi”, trong ấy nói, niệm một tiếng danh hiệu Phật thì diệt được vô lượng tội. Bởi vì lòng tin đã ăn sâu vào xương tủy thì chỉ một niệm mà sức nặng đến vạn cân, cho nên đến khi lâm chung chuyển nghiệp được vãng sinh. Như vậy, sao lại nghi ngờ?

Kim Thích

Vào đời Tống có người tên Kim Thích, quê ở Cối Kê, làm nghề đánh cá. Một hôm, bỗng nhiên ông tỉnh ngộ, giữ giới rất nghiêm cẩn, mỗi ngày niệm Phật cả vạn tiếng, trải qua một thời gian lâu mà không hề xao lãng. Sau đó, ông không có bệnh nhưng nói với người nhà: “Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát đều đã đến rước tôi. Tôi đi về Tịnh độ đây”. Nói xong, ông đốt hương, ngồi ngay thẳng và qua đời. Người trong làng nghe có hương thơm lạ và tiếng nhạc trời kéo dài suốt ngày mà vẫn không tan.

Ghi chú:

Việc của Kim Thích so với hai ông Thiện Hòa, Chung Quỳ hoàn toàn khác. Hai người kia lúc sống tạo nghiệp, đến khi sắp qua đời mới chân thành hối cải. Còn Kim Thích biết sửa đổi lỗi lầm trước và trải qua một thời gian lâu tu tập các nghiệp thiện, cho nên phẩm vị vãng sinh chắc chắn phải hơn hai người kia.

Oánh Kha

Vào đời Tống có người tên Oánh Kha, xuất gia học đạo ở Dao Sơn, Tráp Xuyên, nhưng lại tha hồ ăn uống rượu thịt. Bỗng một hôm, ông sực nhớ phạm hạnh của mình không vẹn toàn, sợ bị đọa lạc luân hồi sinh tử. Ông bảo những người ở chung đọc cuốn Tịnh độvãng sinh truyện do thiền sư Giới Châu biên soạn cho ông nghe. Đọc truyện nào ông cũng đều gật đầu đồng ý. Sau đó, trong phòng của mình, ông đặt một cái ghế xoay về hướng tây rồi tuyệt thực và ngồi niệm Phật suốt ba ngày. Một đêm, ông nằm mộng thấy Phật đến nói:

– Ông còn sống được mười năm nữa, phải nên siêng năng niệm Phật.

Oánh Kha thưa:

– Dù cho con sống thêm một trăm năm thì cũng sống trong cõi Diêm-phù nhơ uế này, mà ở cõi này dễ mất chính mạng. Con chỉ nguyện sớm được sinh về An Dưỡng để hầu hạ các bậc Thánh.

Phật nói:

-Nếu chí nguyện của ông đã như vậy thì ba ngày sau Ta sẽ đến rước ông.

Kỳ hạn ba ngày đã đến, ông tập hợp mọi người tụng kinh A-di-đà và nói: “Phật và đại chúng đều đã đến”. Nói dứt lời, ông lặng lẽ qua đời.

Ngô Quỳnh

Vào đời Tống có người tên Ngô Quỳnh, quê ở Lâm An. Ban đầu ông xuất gia làm tăng, nhưng sau đó lại hoàn tục. Ông kết hôn hai lần và sinh được hai người con. Ông làm nghề bán rượu thịt, không việc gì không làm. Ông thường đứng bếp, hay giết gà, vịt v.v…, nhưng mỗi khi cầm dao lên ông đều xướng: “A-di-đà Phật! Ngươi hãy thoát khỏi thân này đi!”. Ông vừa xưng niệm danh hiệu Phật vừa xuống dao.

Mỗi khi cắt thịt, miệng ông luôn niệm Phật không dứt. Về sau, trên mắt ông nổi hai khối u như hai quả trứng gà và nó lớn rất nhanh, thật dễ sợ. Ông cất một cái thảo am rồi ở cách li với vợ con. Từ đó, ông lo niệm Phật, lễ sámkhông kể ngày đêm.

Đến niên hiệu Thiệu Hưng thứ 23 (1153), ông nói với mọi người rằng: “Ngày mai vào giờ Tuất tôi sẽ đi”. Nghe vậy, mọi người đều cười nhạo ông. Đến chiều tối, ông đem cái áo vải thô đổi lấy rượu uống. Uống xong, ông viết bài kệ:

Như rượu, đều không
Hỏi gì Thiền tông
Hôm nay, trân trọng!
Gió mát trăng trong.

Viết rồi, ông ngồi ngay thẳng chắp tay niệm Phật và bỗng la to: “Đức Phật đến!”, rồi ông qua đời.

Trọng Minh

Vào đời Tống có người tên Trọng Minh, cư ngụ tại chùa Báo Ân thuộc Sơn Âm, thường phá giới, phạm trai. Một thời gian sau, ông mắc bệnh và gọi người bạn đồng học tên là Đạo Ninh lại và nói:

– Nay tâm thức tôi rối loạn, có thuốc gì chữa trị được không?

Đạo Ninh nói:

– Ông nên quán tưởng hơi thở niệm Phật.

Trọng Minh làm theo y như lời Đạo Ninh chỉ, được bảy ngày thì sức lực đã cạn kiệt. Đạo Ninh lại bảo, ông hãy quán tưởng hình tượng Phật như ở trước mặt. Ông quán tưởng được một hồi lâu, bỗng thấy hai vị bồ-tát, kế đến thấy Đức Phật, rồi ông nhắm mắt qua đời.

Trương Chung Quỳ

Vào đời Đường có người tên Trương Chung Quỳ, làm nghề giết gà. Lúc ông bệnh nặng thấy một người mặc áo lụa đào xua bầy gà đến mổ ông, máu chảy đầy mặt, đau đớn không sao chịu nổi.

Bấy giờ, có vị tì-kheo đến nhà bài trí tượng Phật và bảo ông niệm Phật. Bỗng chốc, có hương thơm phảng phất khắp phòng và ông nhẹ nhàng qua đời.

Trương Thiện Hòa

Vào đời Đường có người tên Trương Thiện Hòa làm nghề mổ trâu. Đến lúc sắp qua đời, ông thấy một bầy trâu nói tiếng người đến đòi mạng. Lúc ấy, ông vô cùng sợ hãi, vội gọi vợ lại và bảo: “Bà mau đi thỉnh chư tăng đến làm lễ sám hối cho tôi”.

Chư tăng đến nhà nói với ông:

– Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Người nào khi sắp lâm chung thấy tướng ác hiện ra mà chí tâm niệm Phật thì liền được vãng sinh”.

Thiện Hòa nói:

– Cảnh địa ngục hiện ra rất nguy cấp, không còn kịp lấy lư hương nữa!

Nói rồi tay phải ông cầm lửa, tay trái cầm hương đốt, ngồi xoay mặt về hướng tây chuyên tâm, tha thiết niệm Phật. Niệm chưa được mười tiếng, ông tự nói: “Phật đến rước tôi!” Nói dứt lời, ông trút hơi thở cuối cùng.

Ghi chú:

Trong lúc thấy cảnh địa ngục hiện ra trước mắt, dùng tay làm lư hương; ấy là vì gặp tình thế quá bức bách nên lòng mới thành khẩn, ý mới tinh chuyên cũng không có niệm thứ hai vậy. Dù nói chỉ cần mười niệm nhưng vẫn hơn những người ròng rã niệm Phật cả trăm nghìn vạn ức niệm mà không nhất tâm. Những người như vậy nhất định sẽ vãng sinh.Theo lí thì thật đúng như thế. Có người nghi ngờ ông là bồ-tát thị hiện nên mới làm được như thế. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy!