BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ tạo luận, Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích.
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Ba La Phả Mật Đa La, người Trung Ấn Độ.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

Phẩm 17: QUÁN NGHIỆP

Thích: Nay phẩm đây cũng là ngăn chấp là chổ đối trị của”không” khiến hiểu về nghĩa nghiệp quả không có tự thể. Vì thế nói phẩm này.

Người thuộc A-tỳ-đàm nói: Ở trong phẩm trước nói các hành lưu chuyển, chúng sinh và người… cũng đều lưu chuyển thì không đúng, và trong nghiệm kia lập nghĩa nói các hành hoặc thường hoặc vô thường, chính là lỗi đoạn, thường nên có lưu chuyển thì không đúng; rồi nói các hành cuối cùng không có lưu chuyển. Kia trước nói như đây. Tôi nay trong đây nói thường vô thường, không có lỗi như thế, mà có các hành lưu chuyển, nói lời thế này: muốn khiến vật hiểu trong đệ nhất nghĩa quyết định có các nhập nội các hành sinh tử cùng nghiệp quả hợp lại như thế. Đây nếu không có thì không thấy các hành cùng nghiệp quả có hợp. Thí như con của Thạch nữ. Nay, các hành hữu cùng nghiệp quả hợp mà có sinh tử, thế nên tôi nay quán sát nghiệp quả, nghĩa giống như trong A-tỳ-đàm nói rộng, nên kệ kia nói: “tự giữ thân, khẩu, tư, và kia nhiếp tha ấy, pháp tư là chủng tử, có thể được quả hiện tại, vị lai”. Nói về tự nghĩa là: có thể tự điều phục xa lìa phi pháp, cùng tâm này tương ưng tư nên gọi là tư. Nhiếp tha là nói bố thí, ái ngữ, cứu hộ bố uý ấy, vì như thế… có thể nhiếp tha nên gọi là nhiếp tha. Từ là nói tâm. Tâm tức gọi là pháp, cũng là chủng tử, chủng tử ấy cũng gọi là nhân. Vì cái gì làm nhân chăng? Là nhân của quả. Là những quả nào? Nghĩa là quả của hiện tại, vị lai. Thế nào gọi tâm là chủng tử chăng? Nghĩa là có thể khởi thân khẩu nghiệp nên gọi là chủng tử. Thế nào gọi là phi pháp? Vì pháp sai trái nên gọi là phi pháp. Phi pháp là nói ác và bất thiện… thế nào gọi là vô ký? Là trái với pháp, phi pháp gọi là vô ký. Vô ký thì có bốn thứ nghiệp:

  1. Báo sinh.
  2. Oai nghi.
  3. Công xảo.
  4. Biến hóa.

Lại nữa, vô ký là ghi nhận nhớ thiện và bất thiện nên gọi là vô ký. Lại vô ký là không khởi quả thiện, bất thiện, cũng gọi là vô ký, có như thế… sai khác. Trong Câu Xá luận có hai thứ, nghĩa kia thế nào? Nên kệ luận nói:

Đại tiên chỗ nói nghiệp

Tư và tư sở khởi

Như thế trong hai nghiệp

Nói vô lượng sai khác.

Thích: Sao gọi là Đại tiên? Nghĩa là Thanh văn, Phật-bích-chi các Bồ-tát… cũng gọi là tiên, Phật ở trong đó là trên hết nên gọi là Đại tiên, đã được tất cả các Ba-la-mật công đức thiện căn đạt đến bờ giác ngộ kia nên gọi là Đại tiên. Lại nữa, kệ trước nêu tên, nay sẽ giải thích riêng, nghĩa kia thế nào? Nên luận bài kệ nói:

Như trước chỗ nói tư

Chỉ gọi là ý nghiệp.

Sở khởi từ tư ấy

Chính là thân, khẩu nghiệp.

Thích: Vì sao nói tư chỉ là ý nghiệp? Nghĩa là tư cùng ý tương ưng gọi là ý nghiệp. Lại nữa, tư này ở trong ý môn được rốt ráo nên gọi là ý nghiệp, chẳng phải thân, khẩu nghiệp. Vì sao gọi là tư sở khởi? Nghĩa là các tạo tác của biết, đã biết, đã làm, gọi là nghiệp do tự dấy khởi. Nghiệp này có hai thứ, nói thân và khẩu, hoặc ở thân môn rốt ráo; khẩu môn rốt ráo nên gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp. Nói hai nghiệp rồi, tiếp lại nói vô lượng thứ sai khác. Thế nào gọi là vô lượng thứ sai khác?

Nên kệ luận nói:

Thân nghiệp và khẩu nghiệp

Làm cùng không làm bốn

Ngữ dấy khởi xa lìa…

Đều có thiện bất thiện.

Thích: Ngữ dấy khởi là dùng văn tự rõ ràng nói ra, gọi là ngữ dấy khởi. Vì sao gọi xa lìa? Là nói vận động thân tay… Vận động nghĩa là khởi niệm nói: ta sẽ làm nghiệp thiện này, từ con người bắt đầu thọ nghiệp thiện tư đã dấy khởi đến thọ nghiệp thiện tư, sau đã dấy khởi, hoặc tác nghiệp thiện, hoặc không tác nghiệp xa lìa, thì thể của vô tác, thể sắc hằng sinh. Người không xa lìa, cũng nghĩ như thế: ta sẽ làm nghiệp bất thiện này, hoặc thân, hoặc khẩu, hoặc ý từ con người ở sát na nghiệp bất thiện đầu tiên đã dấy khởi, hoặc làm nghiệp ác, hoặc không làm. Từ nhân bất thiện gọi là không xa lìa, thì thể của vô tác sắc hằng sinh. Vì sao gọi là tác vô tác sắc? Dùng thân khẩu sắc khiến người khác hiểu gọi là tác sắc. Không dùng thân khẩu sắc khiến người khác hiểu gọi là vô tác sắc, nên kệ luận nói:

Thọ dụng phước tự thể

Tội sinh cũng như thế

Và tư là bảy nghiệp

Có thể rõ các tướng nghiệp .

Thích: Vì sao gọi thọ dụngtự thể ? nghĩa là các phương tiện hỗ trợ thân như phòng xá, vườn rừng, và áo quần, ăn uống, giường nằm thuốc thang của đàn việt chu cấp. Sao gọi phước? Là nghĩa lọc, vớt. Thấy các chúng sinh bị chìm đắm trong dòng phiền não, khởi tâm từ bi rộng lớn, lọc vớt chúng sinh ra để lên bờ Niết-bàn nên gọi là phước. Phi phước là làm các thứ việc bất thiện, có thể khiến chúng sinh vào các đường ác. Thế nào đây cũng là thọ dụng tự thể ? Vì trái ngược phước nên gọi là phi phước. Hiểu phước, phi phước rồi tiếp lại giải nghĩa “tư”. Dùng pháp gì gọi đó là tư? Nghĩa là công đức và lỗi ác, và chẳng phải công đức cùng lỗi ác. Dấy khởi tâm sở tác ý nghiệp gọi là tư. Luận kia như thế dùng bảy thứ nghiệp nói là tướng nghiệp, cho đến toạ thiền, tụng kinh, nghe hiểu, ghi nhớ…, cũng gọi là nghiệp, đều gồm thâu trong bảy thứ vậy, mà không nói riêng. Có nghiệp này nên thấy nghiệp cùng quả hợp nhau. Cùng quả hợp tức là ở trong năm đường có tướng năm ấm khởi, thế nên đầu phẩm nói nghiệp cùng quả hợp để nêu ra nhân thì trong đệ nhất nghĩa nghĩa có sinh tử được thành. Vì có trói có mở nên có “thể” của sinh tử. Luận giả nói: Nay nghiệp đây là một khi khởi rồi cho đến thọ quả đến nay hằng trú chăng? Là một sát na khởi rồi liền diệt chăng? Thế, đều không đúng. Lỗi kia như kệ luận nói:

Nếu trú đến thọ quả

Nghiệp này chính là thường.

Nghiệp nếu diệt đi rồi

Diệt rồi gì sinh quả?

Thích: Nếu tự thể của nghiệp khởi rồi không gián đoạn không hoại, sau mới có hoại thì không đúng, rơi vào lỗi thường vậy. Người A-tỳ-đàm nói: như cây chuối, trúc lau… lúc sau cho quả rồi liền hoại, thế nên không có lỗi. Luận giả nói: Trúc lau… mỗi mỗi sát na hoại đi theo không trú, lúc sau giống như tương tục mà đoạn, ở trong thế đế nói là hoại vậy. Nếu trong đệ nhất nghĩa nói nghiệp như trúc lau… tương tục đến thọ quả thì không đúng. Hoặc nói có tự thể của pháp nghiệp trước sau đều không hoại thì khó khiến mọi người hiểu, ông chẳng phải không có lỗi. Người A-tỳ-đàm nói: ban đầu nhân chưa được hoại nên không hoại, lúc sau nhân được hoại đến mới hoại, có lỗi gì chăng? Luận giả nói: Nghĩa này không đúng. Ông lập có nhân hoại mà vật kia không phải là nhân hoại, cùng vật này khác nhau. Vì là nhân nên thí như vật ngoài khác. Như trong A Hàm nói: thân và các căn… một sát na khởi rồi không trú, nghĩa của ông cùng kinh trái nhau. Hoặc ông muốn tránh lỗi này, mà chấp nhận khởi rồi không gián đoạn liền hoại thì cũng có lỗi. Vì nghiệp nếu diệt rồi tức không có tự thể. Hoặc ý ông cho: nghiệp chính khi diệt có thể cùng quả, mà khi diệt này gọi là phân nữa diệt thì phân nửa chưa diệt có thể cùng quả là không đúng. Lỗi giống như trước đã trả lời. Hoặc ông nói diệt rồi cùng quả, không diệt cùng quả là không thể nói thì đây gọi là nghiệp, “không thể nói”. Nếu nghiệp “không thể nói” ở trong đệ nhất nghĩa có thể cùng quả thì không đúng. Vì “không thể nói”, thí như khi muốn sinh. Chỗ kiến giải của ông, không thể vững chắc, nêu ra nhân không thành, cũng trái với nghĩa của ông.

Người A-tỳ-đàm nói: Vì có tương tục nên nghĩa của tôi không trái.

Làm sao biết? Vì thế kệ luận nói:

Như mầm… kia tương tục

Mà từ chủng tử sinh

Do vậy mà sinh quả

Lìa chủng không tương tục.

Thích: Đây nói từ mầm sinh cành cho đến nhành lá hoa quả… mỗi mỗi có tướng của nó. Hạt giống tuy diệt mà do khởi tương tục lần lượt đến quả. Nếu lìa chủng tử, mầm… tương tục thì không có lưu chuyển. Vì thế cho nên vậy nghĩa kia thế nào? Nên kệ luận nói: Chủng tử có tương tục Từ tương tục có quả.

Chủng trước mà quả sau

Không đoạn cũng không thường.

Thích: Sao nói không đoạn? Nghĩa là có chủng tử tương tục trú . Sao nói không thường? Nghĩa là mầm khởi rồi chủng tử hoại Pháp nội cũng thế. Như kệ luận nói:

Như thế từ sơ tâm

Tâm pháp tương tục khởi.

Từ đó mà khởi quả

Lìa tâm không tương tục.

Thích: Đây là nói tâm từ và tâm không từ gọi là nghiệp. Tâm này tuy diệt, mà tương tục khởi. Quả của tương tục này dấy khởi là tướng thọ nhận ái và phi ái. Nếu lìa tâm thì quả tức không dấy khởi. Nay sẽ nói pháp tương tục, nghĩa ấy thế nào? Nên kệ luận nói: Từ tâm có tương tục Từ tương tục có quả.

Nên nghiệp ở trước quả

Không đoạn cũng không thường.

Thích: Sao nói không đoạn? Là tương tục có thể khởi quả. Sao nói không thường? Là không đến sát na thứ hai trú. Trong đây làm nghiệm: trong đệ nhất nghĩa có nghiệp quả như thế cùng với chúng sinh danh tự, các hành hợp các hữu muốn được chúng sinh. Với quả thù thắng. Như Lai vì đó nói phương tiện được quả , nên nếu đây không có thì Như Lai không nói phương tiện được quả lạc, thí như tràng hoa giữa hư không.

Nay nói có phương tiện nghĩa ấy thế nào? Nên kệ luận nói:

Phương tiện cầu pháp ấy

Nói mười bạch nghiệp đạo

Thắng dục lạc năm thứ

Hiện tại, vị lai hai đời được.

Thích: Pháp nghĩa là pháp của quả, phương tiện: nghĩa là nhân của pháp đắc quả Nhân nghĩa là bạch nghiệp. Quả nghĩa là hiện tại, vị lai được năm dục lạc. Được những quả gì? Nghĩa là được báo quả, y quả. Bạch là thiện tịnh. Có thể thành tựu phước đức nhân duyên là từ mười bạch nghiệp đạo mà sinh khởi. Mười thứ là: không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không hai lưỡi, không nói lời ác, không nói lời không lợi ích, không ganh ghét, không sân hận, không tà kiến… gọi là mười bạch nghiệp, cũng gọi mười nghiệp đạo thiện, đều từ thân, khẩu, ý sinh. Sao gọi quả thù thắng? Nghĩa là ở trong cõi trời người được làm trời người thù thắng. Nghĩa kia thế nào? Nên kệ luận nói:

Người có thể hàng phục tâm

Lợi ích ở chúng sinh

Ấy gọi là từ thiện

Được quả báo hai đời.

Thích: Vì thế nên Phật nói có phương tiện đắc quả này: Như chỗ nói ấy, nghĩa kia được thành. Luận giả nói: Ông nói nghiệp quả có tương tục mà dùng chủng tử làm dụ, thì có lỗi lầm lớn. Như kệ luận nói:

Người tạo phân biệt này

Mắc lỗi lớn và nhiều

Như chỗ ông nói ấy

Về nghĩa thì không đúng.

Thích: Vì sao không đúng? Đây là nói như ông phân biệt có chủng tử tương tục giống như thể của pháp thì không đúng. Vì sao? Chủng tử có hình, có sắc, có đối, pháp có thể thấy mới được có tương tục. Nay tư duy việc đó còn không thể được, huống gì tâm cùng nghiệp không hình, không sắc, không đối không thể thấy, sát na, sát na sinh diệt không trú, muốn cùng làm nghiệm thì nghiệm không thành. Lại từ chủng tử đến mầm ấy, là diệt rồi tương tục đến mầm, hay là không diệt tương tục đến mầm. Nếu diệt rồi đến mầm thì mầm tức không có nhân. Nếu không diệt mà đến mầm thì nên từ ban đầu chủng tử thường sinh ở mầm. Như thế thì trong một chủng tử tức sinh tất cả các mầm, việc đó không đúng, có lỗi lớn vậy. Người của Chánh lượng bộ nói với người A-tỳ-đàm rằng: như lời ông nói, có người tương tục có thể khởi nghiệp tương tục của trời v.v…nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì chủng tánh riêng. Thí như chủng tử Nhẫm-bà không sinh quả Am-la… hoặc tâm thiện thứ tự có thể khởi tâm thiện, bất thiện, vô ký. Tâm vô ký thứ tự có thể khởi tâm thiện, bất thiện. Tâm bất thiện thứ tự có thể khởi tâm thiện tâm vô ký thì nghĩa đều không đúng. Cho đến tâm ràng buộc dục giới, thứ tự có thể khởi tâm ràng buộc vào sắc giới, vô sắc giới, và khởi tâm vô lậu. Tâm vô lậu lại lần lượt khởi tâm ràng buộc vào dục giới, sắc giới, vô sắc giới mà cũng như trên nói mầm khởi thì nay đều không đúng. Như chỗ lập trước trong phần nghiệm đã chung phá. Có làm thiện ấy, là cũng không đúng. Tôi nay sẽ nói thuận theo quả báo của nghiệp nghĩa phân biệt đúng. Là phân biệt thế nào? Như trước phân biệt chủng tử tương tục tương tợ như chỗ tôi nói thì không có lỗi kia nên lỗi cấu uế không thể nhiễm, nói những gì chăng? Nghĩa là nói chánh nghĩa phân biệt. Là ai nói chăng? Như bài kệ trong kinh A Hàm nói: chư Phật và Duyên giác, Thanh văn… đã nói, tất cả các Thánh chúng chỗ cùng phân biệt. Phân biệt như thế nào? Nên kệ luận nói:

Không mất pháp như khoán (bằng khoán)

Nghiệp như nợ của cải

Mà là Tánh vô ký

Theo giới có bốn thứ.

Thích: Đây nói tồn tạo pháp không mất là như chủ nợ có chứng

khoán, tuy cho của cải mà không tan mất cho đến lúc sau con vốn đều được. Nghiệp cũng như thế, có thể được quả sau nghiệp tuy đã hoại do có tồn tại pháp không mất, có thể khiến người thực hành được quả báo thù thắng. Cũng như chủ nợ đã được của cải châu báu rồi, ở trước người mắc nợ hủy bỏ bản chứng khoán kia, như thế như thế. Pháp không mất có thể cho quả của người tạo nghiệp rồi thì thể kia cũng hoại. Pháp không mất ấy có mấy thứ? Theo giới có bốn: thế nào là bốn? Nghĩa là: dục giới, sắc giới, vô sắc giới và vô lậu giới. Tánh của pháp không mất là gì? Là tánh vô phú, vô ký. Pháp không mất này do đạo nào đoạn?

Nên luận kệ nói:

Không bị Kiến đạo đoạn

Mà là Tu đạo đoạn

Vì pháp không mất ấy

Các nghiệp có quả báo.

Thích: Đây là chỗ kiến khổ, tập, diệt, đạo không đoạn. Lúc nào đoạn ư? Là khi Tu đạo tiến đến quả sau thì đoạn. Lại nữa, nghiệp bất thiện của kiến khổ đoạn tuy có đoạn nhưng do đây là pháp tồn tại không mất nên khi kiến khổ không đoạn tức pháp không mất ấy có thể cho quả. Ví như Mục Kiền Liên bị ngoại đạo làm nhục, Tỳ-kheo Ly-bà-đa bị vua Phạm Ma Đạt giam cầm mười hai năm. Mục Kiền Liên… tuy chứng được Thánh quả, nhưng do pháp không mất tồn tại nên thọ quả báo nghiệp thiện, bất thiện của đời trước vì thế kệ luận nói: Nếu là sở đoạn của kiến đạo Nghiệp kia đến tương tợ.

Thì mắc phải lỗi lầm

Có nghiệp hoại như thế v.v….

Thích: pháp không mất này, nếu là chỗ đoạn của kiến đạo thì hoặc cùng nghiệp đều đến đời sau tức là có lỗi. Có lỗi gì vậy? Nếu pháp không mất đồng với, tùy miên phiền não nghiệp của kiến đạo đoạn trừ, cũng như đều đoạn thì quả nghiệp hoại, hoại những quả gì? Nghĩa là hoại nghiệp quả bất thiện của kiến đạo đã đoạn. Nghĩa ấy nên biết, tu đạo nếu không đoạn thì Thánh nhân phải có đầy đủ nghiệp phàm phu. Vì thế nên nghiệp phiền não là thuộc kiến đạo đoạn trừ, pháp không mất không bị Kiến đạo đoạn trừ. Vì thế nói: Như nghiệp là kiến đạo đoạn còn pháp không mất kia là khi tu đạo tiến tới quả sau mới đoạn. Khi kia vượt dục giới đến sắc giới, khi vượt sắc giới đến vô sắc giới đoạn ấy cũng như thế. Nên luận kệ nói:

Tất cả các hành nghiệp

Tương tợ không tương tợ

Khi hiện tại chưa dứt

Một nghiệp, một pháp khởi.

Thích: Tương tợ là nói nghiệp đồng loại, ở hiện tại khi mạng chung có một pháp không mất, dấy khởi nắm giữ toàn bộ các nghiệp. Không tương tợ là nói nghiệp chủng sai khác, như nghiệp dục giới, nghiệp sắc giơi, nghiệp vô sắc giới, có vô lượng thứ. Lại nữa, có bao nhiêu thứ nghiệp là pháp không mất đã nắm giữ? Nên luận kệ nói:

Như thế hai thứ nghiệp

Hiện tại thọ quả báo

Hoặc nói thọ báo rồi

Nghiệp này vẫn như cũ.

Thích: Hai nghiệp ấy: nghĩa là Tư và từ Tư sinh, hoặc có người nói: nghiệp thọ báo rồi mà nghiệp vẫn còn là vì không phải mỗi niệm mỗi niệm diệt. Lại như trước nói: vô lượng thứ sai khác thì cũng mỗi thứ có một pháp không mất dấy khởi nắm giữ. Vì cớ gì pháp không mất cho quả rồi vẫn tồn tại mà không luôn luôn cho quả nữa vậy? Nghĩa là đã cho quả như bằng khoán đã chấm dứt xong, đã trả lại của cải rồi dù có chứng khoán ở đó cũng không được nữa. Pháp không mất cũng như thế, đã cho quả nên không luôn luôn cho quả nữa. Pháp không mất này diệt ở thời nào? Nên kệ luận nói:

Độ quả và mạng chung

Đến lúc này mà diệt

Hữu lậu và vô lậu…

Sai khác ấy nên biết.

Thích: Đây là nói khi Tu đạo đoạn trừ, như trước khi mạng chung, nghiệp tương tợ và không tương tợ, cùng có một pháp không mất nắm giữ ấy vậy. Như Tu-đà-hoàn… độ quả đã diệt, A-la-hán và người phàm phu chết rồi mà diệt, pháp không mất này lại có sai khác, sai khác thế nào? Do nghiệp lậu, vô lậu khác nhau nên pháp không mất cũng có hữu lậu, vô lậu. Vì chúng như thế nên pháp không mất cũng từ các thứ nghiệp khởi, có thể khiến chúng sinh thọ phương, cõi, thọ thú(loài) thọ sắc, thọ hình, thọ tín, thọ giới… quả sai khác, cho quả xong rồi sau mới diệt. Vì vậy, nghĩa kia thế nào? Nên kệ luận nói:

Tuy “không” mà không đoạn

Tuy “có” mà không thường

Các nghiệp pháp không mất

Pháp này Phật đã nói.

Thích: “Không” là gì “Không”? là các hành “không”. Như chỗ phân biệt của ngoại đạo thì pháp có tự tánh là không có. Mà nghiệp không đoạn pháp không mất của hữu tồn tại, thế nào là hữu? Hữu là sinh tử. Sinh tử nghĩa là các hành lưu chuyển ở các đường nên gọi là sinh tử. Thế nào là không thường? Nghiệp có hoại. Sao gọi là pháp không mất? Nghĩa là Phật trong khắp các kinh nói làm phân biệt này nên như thế. Do vậy, như tôi trước nói nghiệp cùng quả hợp hợp để nêu ra nhân thì nghĩa chẳng thể không thành. Luận giả nói: Chỗ ông nói ấy là đều không đúng, nay vì ông nói nhân duyên nghiệp chính xác, nghĩa kia thế nào? Như kệ luận nói:

Nghiệp từ gốc không sinh

Vì không có tự tánh

Nghiệp từ gốc không diệt

Vì kia không sinh vậy.

Thích: Trong tông của tôi nghiệp không có sinh. Chủng tử tương tục như thế, trong đệ nhất nghĩa cũng không có sinh. Thế nên chỗ lập của ông thí dụ không có “thể”, mà có lỗi thiếu thí dụ. Các nghiệp thế nào không sinh? Vì không có tự tánh thế nên không sinh. Nay lại trả lời về lỗi của người Chánh lượng bộ nói chủng tử có tương tục: ông nói có nghiệp cùng quả hợp mà không có lỗi đoạn thường thì thế nào là không lỗi? Nói do có pháp không mất của hữu tồn tại thì tôi tìm cầu rốt ráo chẳng có. Như kệ trên nói: nghiệp từ gốc không sinh, chính là pháp không mất trong đệ nhất nghĩa cũng không thành. Hoặc có nghiệp sinh thì vì nghiệp nên có thể có pháp không mất, nghiệp đã không có “thể”, tức pháp không mất cũng không có “thể” nên nhân không thành, trái với nghĩa tông của ông. Thế nào trái ư? Nghĩa là nghiệp cùng quả hợp thì ngược lại thành thế đế, khiến mọi người hiểu. Giống như ông trước cho người A-tỳ-đàm có lỗi chủng tử tương tục tức nghĩa này không đúng. Như người A-tỳ-đàm trước làm thí dụ về chủng tử tương tục thì có ý gì chăng? Nay vì ông nói: người A-tỳ-đàm đây có ý như vậy: nghĩa là chủng tử tương tục, nhân quả lần lượt tùy khởi không hoại, mà đem chủng tử tương tục không đoạn, không thường làm ví dụ tức như thế muốn được ông như đã nói trước là chủng tánh riêng khác nên làm nhân thì nghĩa nhân không thành. Do có tâm và tâm sở pháp tương tục khởi không khác vậy. Lại nữa, ông đưa ra nhân chẳng phải luôn luôn mà có lỗi riêng. Thế nào chẳng phải luôn luôn? Nghĩa là nay hiện thấy có tương tục có riêng khác có thể khởi quả riêng khác. Thế nào biết chăng? Như ngưu mao sinh thố giác, sinh thiết la. Người Chánh lượng bộ lại nói: trong kinh A-hàm Phật nói như thế, có pháp không mất, do pháp này nên không đoạn, không thường, các thể được thành kia nói do nghiệp không khởi, pháp không mất cũng không khởi vì đưa ra nhân mà nói, nghĩa nhân của tôi không thành thì lời này không đúng. Luận giả nói: Như Phật đã nói, hoặc không có khởi thì kia tức không hoại, ông nay muốn được chấp nhận nghĩa này thì thành tựu nghĩa tôi đã muốn, nhưng trong tông của ông không chấp nhận pháp này. Hoặc ông lập tông nghĩa của mình nói không khởi không hoại thì nghĩa ấy không thành. Lại nữa, ông lập các pháp có tự thể tức là quyết định phải chấp nhận nghiệp không có tự thể, hoặc các pháp có tự thể chính là có lỗi, lỗi kia thế nào? Như kệ luận nói:

Nghiệp nếu có tự thể

Thì tức gọi là thường

Mà nghiệp là vô tác

Pháp thường vô tác vậy.

Thích: Đây nói có tự thể tức chính là thường, nếu thường tức là nghiệp không thể tác. Vì sao? Vì pháp thường không thể tác, cũng không có tướng biến hoại. Lại nữa, nếu nghiệp là vô tác, có lỗi gì chăng? Lỗi kia như kệ luận nói:

Nếu nghiệp là vô tác

Vô tác phải tự đến (vô tác: không làm)

Trú tội phi phạm hạnh

Nay phải được Niết-bàn.

Thích: Phạm nghĩa là Niết-bàn, nếu hành hạnh Niết-bàn gọi là phạm hạnh. Người an trú hạnh này gọi là an trú phạm hạnh. Trái ngược đây gọi là không trú phạm hạnh. Thế nào là trú phạm hạnh? Là tạo nghiệp thiện rồi mà được Niết-bàn gọi là trú phạm hạnh. Thế nào là trú phi phạm hạnh? Là không tác nghiệp thiện gọi là trú phi phạm hạnh. Nếu nghiệp này không tác mà tự được Niết-bàn thì tất cả người hành phi phạm hạnh đều nên được Niết-bàn, chẳng phải một mình người hành phạm hạnh mới được Niết-bàn. Có lỗi như thế. Nhưng ở thế đế làm bình làm lụa… cũng có lỗi ấy, lỗi kia như kệ luận nói:

Phá tất cả thế tục

Chỗ có các ngôn thuyết

Làm thiện và làm ác

Cũng không có sai khác.

Thích: Đây là như thế gian nói: kia là chúng sinh tạo tội, kia là chúng sinh tạo phước thì không đúng, vì ông nói không tạo tội phước mà tự nhiên được vậy. Lỗi kia thế nào? Như kệ luận nói:

Vì có nghiệp trú kia

Mà gọi là không mất

Cũng nên cho quả rồi

Nay lại cho quả nữa.

Thích: Trú là thế nào? Là tự thể tồn tại. Cho quả nữa là do nghiệp trú, tuy cho quả của tác giả rồi mà như còn có chứng khoán để bồi thường nợ lại phải bồi thường vậy, nghiệp cũng như thế, do có “thể” tồn tại nên trở lại cho quả nữa. Người A-tỳ-đàm lại nói: trong đệ nhất nghĩa có các nghiệp như thế, nhân kia có nên nghiệp này nếu không có mà có nhân thì không đúng. Thí như áo lông rùa. Nay có nghiệp nhân, nghĩa là các phiền não, thế nên như chỗ nói nhân, trong đệ nhất nghĩa quyết định có các nghiệp. Luận giả nói: Đây nói chẳng khéo. Như kệ luận nói: Phiền não nếu (là) tánh nghiệp Kia tức không tự thể. Hoặc phiền não chẳng thật Sao có nghiệp là thật?

Thích: Tánh là nghĩa nhân, đây nói phiền não là nhân nghiệp, thí như bùn là thể của bình, như thế phiền não là thể của nghiệp. Thế nào chẳng thật? Là phiền não không có tự thể. Thế nào không có tự thể? Do chỗ quán sát trước đã ngăn pháp khởi, cũng ngăn các “thể” có tự thể. Đây nói phiền não chẳng phải là nhân của nghiệp, do thế nên nghĩa nhân không thành, và trái nghĩa của ông. Sao nói trái? Nghĩa là trong thế đế cho phiền não là nhân của nghiệp, chứ chẳng phải đệ nhất nghĩa, thế nên nói trái. Lại nữa, như trong phẩm Quán phiền não trước kệ nói: ái, chẳng phải ái điên đảo, mà làm chỗ khởi duyên, kia đã không có tự thể, nên phiền não chẳng thật, trước đã rộng ngăn. Người A-tỳ-đàm nói: trong đệ nhất nghĩa có phiền não như thế quả hữu nên chẳng phải không có mà thọ quả. Thí như điếc là quả của nhĩ căn và nhĩ thức, nay có quả phiền não này, thế nào gọi quả? Quả là nghiệp vậy. Như thế trong đệ nhất nghĩa có phiền não, chẳng phải nghĩa nhân không thành, cũng chẳng trái nghĩa, mà nghĩa như tôi muốn được thành. Lại nữa, nghiệp hữu vì quả hữu nên chẳng phải không có như hoa giữa hư không, do quả nghiệp hữu là thân, chẳng phải không có nghiệp mà có quả. Vì nghĩa ấy, nên biết có nghiệp. Luận giả nói: nghĩa ấy chẳng phải. Ông không suy nghĩ chân chánh bị tà kiến não loạn phân biệt hư vọng nói như thế thôi, lỗi kia như kệ luận nói:

Nói nghiệp và phiền não

Mà là nhân các thân.

Nghiệp, phiền não tự (trống) không

Thân từ chỗ nào có?

Thích: Chỗ nào nói vậy? Là trong các luận các Hiền Thánh… căn cứ theo Thế đế mà nói: Hoặc ở trong đệ nhất nghĩa quán sát thì đều không đúng. Như trong tông của tôi trước đã nói phương tiện. Đây nghĩa là các pháp thượng, trung, hạ giàu, nghèo, tốt, xấu… các thứ quả báo không có tự thể. Như nói nghiệp và phiền não không có tự thể, thân cũng không có tự thể vì thế cho nên phiền não là nhân của nghiệp tất cả thân nhân ấy, là đều không đúng. Lỗi của sở thuyết, nay hoàn trả nơi ông, thí dụ đã lập, đều cũng không thành. Lại nữa, người A-tỳ-đàm nói: trong đệ nhất nghĩa có nghiệp như thế vì có người thọ quả. Đây nếu không có thì không có người thọ kia. Thí như tràng hoa giữa hư không. Nay có nghiệp nên có người thọ quả. Nghĩa kia thế nào? Nên kệ luận nói:

Vì vô minh che lấp

Vì ái kết trói buộc

Mà ở tác giả gốc

Không một cũng không khác.

Thích: chỗ đối trị của minh gọi là vô minh; che là che lấp tuệ nhãn. Thế nào là danh? Danh là chúng sinh. Cớ sao gọi là chúng sinh? Nghĩa là hữu tình thường thường sinh vậy. Thế nào gọi ái? Ái là tham trước. Trước tức là kết chặt. Kết chặt với ai? Nghĩa là trói buộc chúng sinh. Thế nào gọi là trói buộc? Nghĩa là cùng tham… tương ưng vậy. Như trong kinh Vô Thỉ đã nói: chúng sinh bị vô minh che lấp, ái kết trói buộc, trong sinh tử từ vô thỉ qua lại chịu các thứ khổ vui. Các chúng sinh như thế tự làm nghiệp ác bất thiện, trở lại tự thọ quả báo bất thiện. Người thọ nghiệp quả này, chính là nghĩa “tác giả” mà tôi muốn được. Nhưng tác giả đây là một, khác “không thể nói”. Có người thọ quả ấy là do trong đệ nhất nghĩa có nghiệp kia vậy. Luận giả nói: Chỗ ông nói ấy, nghĩa đều không đúng. Luận này từ đầu đến nay tất cả các pháp đều đã quán sát, không có từ duyên khởi quả, cũng không có không từ duyên khởi quả. Vì thế nghĩa ấy như kệ luận nói.

Nghiệp không từ duyên sinh

Không từ phi duyên sinh

Vì nghiệp không tự thể

Cũng không khởi nghiệp giả(tác giả khởi nghiệp)

Thích: Đây nói nghiệp… không khởi nghiệp có ba thứ:

  1. Nghiệp.
  2. Quả báo.
  3. Người thọ quả.

Nay suy tìm nghiệp không có khởi nên tác giả cũng không khởi. Tác và tác giả trước đều đã ngăn, không có “thể” thật. Như tôi đã nói phương tiện không nghiệp và không tác giả, nghĩa kia thế nào? Như kệ luận nói:

Không nghiệp không tác giả

Sao có nghiệp sinh quả.

Đã không có quả này

Sao có người thọ quả?

Thích: vì thế cho nên ông nói trong đệ nhất nghĩa có nghiệp có người thọ quả thì nghĩa ấy không thành, cũng trái với nghĩa của ông. Trái thế nào? Nghĩa là trái lại dùng thế đế khiến mọi người hiểu. Người A-tỳ-đàm nói: người bác bỏ không nghiệp không quả, chính là lỗi tà kiến, có thể ngăn che tuệ nhãn. Kia nói: Trung luận là chân thật thấy thì không đúng. Luận giả nói: Ông nói không phải. Nghĩa ấy thế nào?

Như kệ luận nói:

Như sức thần thông Phật

Hiện hóa làm thân Phật.

Như thế trong chốc lát

Thân hóa lại khởi hóa

 Thân Phật hóa lúc đầu

Mà gọi là tác giả.

Chỗ làm của Phật hóa

Tức đó gọi là nghiệp.

Thích: Đây nói tác giả cùng hóa tương tợ, lần lượt theo duyên mà khởi, không có “thể” của ngã. Mà nghiệp đã làm ở đây, cũng như người hóa không có tự thể. Thí như hóa Phật lại khởi ở hóa. Như thế thân khẩu nghiệp với các việc vốn làm tuy không có thật mà có thể nhìn thấy, nên biết như thế, phiền não gọi là ba độc, chín kết, mười triền, chín mươi tám sử…, có thể khởi thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Phân biệt đời nay, đời sau, thiện, bất thiện, vô ký, khổ báo, lạc báo, bất khổ, bất lạc báo, và khởi hiện báo, sinh báo, hậu báo… các nghiệp như thế mỗi mỗi đều là “không”, dù có chỗ làm, cũng không có tự thể. Nghĩa kia thế nào? Như kệ luận nói:

Nghiệp phiền não cũng thế

Tác giả và quả báo

Như thành Càn thát bà

Như huyễn cũng như diệm.

Thích: Đây nói nghiệp… từ nhân duyên hòa hợp mà sinh như huyễn hóa không thật chỉ có thể nhìn thấy, là có trong thế đế chẳng phải trong đệ nhất nghĩa. Lại nữa, người muốn được cõi thiện, và muốn được Niếtbàn, cũng vì là thế đế mà nói. Như ông nói tôi bác bỏ không nghiệp quả là lỗi tà kiến thì lỗi cũng không có “thể”. Người A-tỳ-đàm nói: Ông tuy muốn được ở trong thế đế có tất cả pháp, mà ở trong đệ nhất nghĩa phỉ báng không có tất cả pháp thì trái lại không tránh khỏi lỗi. Luận giả nói: Như trong kinh, kệ nói: Thể “có” đã không thành, thể “không” cũng không thành. Lại nữa, như kinh, kệ nói: “Có ấy là thường kiến, không ấy là đoạn kiến, thế nên có và không, người trí không nên nương”. Ông nói bác bỏ không nghiệp quả ấy, tôi không muốn như thế. Vì thế nên, ông trước nói tôi không tránh khỏi lỗi thì tôi không có lỗi này. Lại nữa, ông nghe trong đệ nhất nghĩa các “thể” không có tự thể, nghiệp quả và nghiệp quả hợp với tác giả và thọ giả đều (trống) không có “thể”, mà cho rằng uổng trú phạm hạnh là rổng không không được gì đó, chính là tâm ngu si. Vì muốn khai phát sự ngăn che của ngu si nên cho nghiệp… có mà khiến cho mọi người hiểu. Hiểu thế nào? Là hiểu như Phật dùng sức thần thông hiện làm Hóa Phật các việc v.v…nên đầu phẩm này cùng với lỗi của ngoại đạo đã nói mà dùng nghĩa nghiệp quả không có tự thể khiến cho chúng sinh hiểu, ý nghĩa của phẩm ấy. Vì thế cho nên như Kinh Phạm vương sở vấn nói: Phật bảo Phạm vương! Nếu không nghiệp, không quả đó chính là Bồ-đề. Như thế Bồ-đề không nghiệp, không quả người đắc được Bồ-đề cũng không nghiệp không quả, kia được thọ ký và Thánh chủng tánh cũng lại như thế. Nếu không nghiệp không nghiệp báo thì Thánh chủng tánh kia cũng không thể khởi thân, khẩu… nghiệp. Lại nữa, như trong phẩm Quán duyên nói: chỗ có các vật thể đều không có tự tánh. Đã ngăn nhãn… chẳng phải là chỗ khác và tự tại… có. Vì sao? Nhãn… không từ các duyên đỏ trắng mà khởi, các duyên cũng không thể sinh nhãn nhập… Cũng như phẩm quán bổn tế đã ngăn sinh tử bổn tế không có tự thể nên như không có đầu thứ hai, không thể nói mắt của đầu, thứ hai có bệnh. Như phẩm Quán hành kệ nói: đại Thánh nói nghĩa “không”, khiến lìa các kiến vậy, nếu lại chấp “có không”, chỗ chư Phật không hóa. Đây đã ngăn các kiến và vô minh… phiền não nên nói “không”. Nếu lại chấp “không”, làm sao nói có thể hóa? Cũng như dùng nước cứu lửa, nếu trong nước có lửa khởi thì không thể cứu. Như trong quán khổ đã ngăn khổ bốn nghĩa không thành cũng ngăn vạn vật bên ngoài v.v… bốn nghĩa không thành. Vì sao? Vì khổ không gọi là pháp tự tác, vì không có tự thể nên làm sao có người tác khổ? Nếu nói có ngã pháp mỗi tướng khác nhau, nên biết người ấy không được pháp vị. Hoặc nói các pháp là thiện là bất thiện, là vô ký, là hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi… riêng khác ấy, người ấy ở trong pháp tịch diệt thâm sâu, là không có nghĩa lợi, như trong bổn trú đã ngăn, bổn trú không thể được vậy, cũng ngăn ba đời không có phân biệt hý luận. Vì thế cho nên các pháp thì “không”, như trong tác tác giả đã nói: quyết định có tác giả, không tác quyết định nghiệp, quyết định không tác giả, không tác không định nghiệp. Vì sao? Vì quyết định nghiệp không tác, nghiệp ấy không tác là, như dao không thể tự cắt, ngón tay không tự xúc. Do thế nên định tác giả không tác, tác giả cũng không nghiệp, như thế trước sau đều bằng nhau không thể được. Lại nữa, nếu pháp của không tác v.v…thì không có tội phước, tội phước… không có nên quả báo tội phước cũng không, nếu không có tội phước quả báo thì cũng không có Niết-bàn. Vì nghĩa ấy. Nên ở trong thế đế nói có các nghiệp, chẳng phải là trong đệ nhất nghĩa. Như chỗ mộng thấy không nên ở trong vọng sinh buồn vui, chỗ làm của huyễn, mà không có “thể” thật, như thành Càn-thát-bà mặt trời mọc thời hiện, chỉ dối gạt mắt người mà không hề có. Như Phật bảo các Tỳ-kheo! Sinh tử không biên vực, các người phàm phu không hiểu chánh pháp nên vì nói sinh tử lâu dài. Lại như Phật dạy: các Tỳ-kheo vì muốn hết sinh tử cho nên phải tùy thuận hành, cũng như kinh Vô Thượng Y nói: Phật vì thương xót thế gian trú ở trí tuệ rối loạn không nhân, nhân ác tranh luận nên ở trong thế đế nói có các pháp, có ngã, có nhân, có chúng sinh, có mạng giả. Lại nữa, Phật Bà-già-bà ấy thấy chúng sinh kia tương tục chưa khởi đối trị nên vì nói sinh tử lâu dài. Sở dĩ vì sao? Vì muốn hết bờ mé sinh tử kia nên kiến lập chúng sinh hướng đến sự siêng năng tinh tấn. Người khéo quán sát hiểu rõ sinh tử kia và cùng Niết-bàn không ít sai khác có thể được. Do thế nên không có sinh tử, cũng không có Niết-bàn. Lại như trong Quán Duyên đã nói: tác ấy trong duyên không có trong phi duyên cũng không có. trong phẩm ấy ngăn tác không thể được nên cũng không cùng duyên hợp mà nói có tác thì không đúng. Như trong quán ba tướng, đã ngăn sinh nên nếu sinh… không thành, thì không có hữu vi kia, pháp hữu vi không có thì sao được có vô vi? Lại như ngăn khứ cùng khứ giả. Nếu nói pháp khứ tức là khứ giả tác giả tác nghiệp chính là một, hoặc nói pháp khứ khác với khứ giả tức lìa khứ giả mà có pháp khứ, cũng lìa pháp khứ mà có khứ giả thì cả hai đều có lỗi, như quán Thánh đế cũng nói: trong đệ nhất nghĩa không không có nghĩa “thể”, như kệ kia nói: chư Phật vì thế nên hồi tâm không thuyết pháp, pháp sâu xa của Phật đã hiểu chúng sinh không thể lĩnh hội. Vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa chấp là “không có”, “có” và “không”. Nếu nói “không” thì chính là chấp trước tướng như ngăn trong phần ngăn kiến chấp đã ngăn bốn thứ biên kiến. Nếu nói biên “có” thì không có đời sau. Nếu nói biên “không có” thì cũng không có đời sau. Vì sao? Trong đệ nhất nghĩa các pháp là “không”. Như kệ nói: “chỗ nào nhân duyên gì? Người nào khởi các kiến”. Nếu nói kiến hữu khởi thì không đúng. Như trong phần ngăn hợp đã nói: vật quả không từ duyên hợp, không thể hợp sinh, vì quả không có nên pháp hợp cũng không có như ngăn thành hoại. Thể “có” không sinh thể, cũng không sinh thể, “không có”. Thể “không có” không sinh thể, cũng không sinh thể “không có”. Cũng phá ba thời không và có tương tục. Vì những nghĩa ấy nên biết như trong phần ngăn trói mở không có tự thể. Vì không có chúng sinh qua lại, ấm giới các nhập, năm thứ suy cầu không qua lại tức vì thế nên trong đệ nhất nghĩa không nói lìa ngoài sinh tử riêng có Niết-bàn. Như kinh Bảo-thắng, kệ nói: Niết-bàn tức là sinh tử, sinh tử chính Niết-bàn, nghĩa thật tướng như thế, sao nói có phân biệt? Như trong phần ngăn “có không”, đã ngăn các pháp hoặc có hoặc không. Nếu có người nói thấy có, thấy không, thấy tánh tự tha, thì tức là không thấy đạo lý chân thật. Như trong kinh Kim Quang Minh thiện nữ nói: vô minh thể tướng vốn tự nó không có vọng tưởng nhân duyên hòa hợp mà sinh, thiện nữ nên quán các pháp như thế thì chỗ nào có người cho đến chúng sinh vì bổn tánh vắng lặng không gì có được.