NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI TRỔ
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Từ Cali, Nga (cô bạn đạo Chúa, giờ đã chuyển qua theo Phật, gọi điện về) tâm sự với tôi:

– Cô biết không, tự dưng em nhớ đến câu chuyện cô kể cách đây 40 năm khi bị một bà ngoại giáo xô đẩy thô bạo trên xe buýt vì tà áo nhật bình của cô quét nhẹ vào thân bà, lúc ấy cô đã nhủ thầm: “Chúa ơi, ngài nhân từ yêu thương tất cả, nhưng con chiên của chúa lại cứ tưởng là cư xử bất nhã thế này sẽ làm vui lòng chúa, không biết rằng: Làm vậy là hoàn toàn trái ý ngài!”…

Tự dưng em xúc động và khởi ý nghĩ: Mình phải hành xử thật good, để xứng đáng là đệ tử Phật, khiến mọi người nhìn vào sinh thiện cảm với đạo và hiểu rõ đệ tử Phật là như thế nào!…

Bắt đầu từ đó, em thay đổi hẳn. Bình thường em rất cao ngạo, chẳng hạn như có bà khách nào đó bước vào tiệm nail mà hỏi em:

– Có biết làm không? Thì em không thèm trả lời và lập tức đẩy bà cho đồng nghiệp khác phục vụ (Nga vốn giỏi việc, hành nghề lâu năm) nhưng lần này, khi nghe hỏi vậy em chỉ mỉm cười, lịch sự mời bà ngồi, vừa làm việc, vừa trò chuyện, cư xử thân thiết như đối với người thân của mình.

Kết quả, em khiến cả tiệm ngạc nhiên, vì bà này nổi danh khó tính, khó gần, hay bắt bẻ… nhưng sau lần đó bà rời tiệm với dáng vẻ vô cùng hài lòng, còn tỏ ra rất hoan hỉ, cởi mở…

Lần khác, có một ông người Mễ vào tiệm, ông ăn mặc lôi thôi lếch thếch, trông vừa nghèo, vừa bẩn, lại hôi. Như bình thường thì em không chịu làm cho ông ta đâu, không những em mà đa số đồng nghiệp đều đùn đẩy nhau, ai cũng muốn tránh né khi gặp ông khách này, nhưng em nhớ lời Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều bình đẳng, vốn từng là thân quyến và đều có Phật tính”… Thế là em nhã nhặn mời ông ngồi, đem hết tâm thành làm việc, xem ông như là anh của mình, em làm cẩn thận, chăm chút, như thể ông là vị khách quý nhất của ngày hôm đó. Kết quả, sau khi xong việc, ông hào phóng tặng tiền boa rất cao, khiến ai cũng ngạc nhiên, còn mặt ông thì sáng bừng, đầy niềm vui.

Sau các vụ việc này, chủ tiệm và các đồng nghiệp đều xuýt xoa, bảo em: Nể chị Nga quá, chị thực hành pháp Phật, ứng dụng vào đời sống… tuyệt quá đi!

Bởi vì em thường tuyên dương lời Phật dạy cho quý vị ấy nghe, giải thích rằng: Là đệ tử Phật thì phải tôn trọng người và cư xử hết lòng…

Kể từ đó, em bận rộn không hở tay, vì khách vào luôn đòi em làm cho họ. Cái này đúng là: Cho người nụ cười mình cũng nhận lại niềm vui, gieo gì gặt đó cô há?

Em rất ấn tượng câu: “Nhân quả đồng thời trổ” lắm, vì đã chứng kiến cảnh: Có một ông đi ngang qua tiệm quăng cái vỏ chuối bừa bãi…

Tôi hỏi chen vào: Ủa, bên Mỹ mà cũng vứt rác ẩu vậy sao?

– Ôi trời, ở đâu mà không có mấy hạng người này hả cô? Để em kể tiếp cho mà nghe: Ngay khi đó có một bà cầm ly cà phê bước ra, vô ý đạp nhằm cái vỏ chuối ông Mễ vừa quăng, nên bà trợt chân loạng choạng rồi ngã nhào khiến ly cà phê bắn thẳng vào áo ông Mễ dơ tèm lem, khiến ai nhìn thấy cũng phải bật cười, vì tại ổng quăng cái vỏ chuối ẩu tả, nên mới bị kết quả là… bẩn áo!

Hi hi, sau bao việc mình chứng kiến, em phải nhìn nhận là: “Đời xưa trổ báo thì chày, đời nay trổ báo thấy… ngay tức thời!”…

Nghe nga kể, tôi sực nhớ đến chuyện của mình, xảy ra cách đây cũng đã hơn ba mươi năm…

Vào một ngày mùa hạ năm 1994, tôi quyết định sửa nhà. Cốc tôi xây theo kiểu rộng bề ngang, giống như hai căn nhà chung vách. Gian trên tương đối khang trang, còn gian dưới bị mối mọt ăn sắp sập, do lá lợp mục nát hết nên hễ mưa xuống là nhà dột như cái rổ. Hương vốn kỹ tính, nó lên tận hãng gạch ở Tân Mai, chọn loại gạch thượng hạng cực kỳ tốt chắc, mới ưng bụng.

Người ta nói xây nhà hay gặp cảnh “tính một ra ba”, đang xây bị thiếu gạch là chuyện thường, vì vậy chúng tôi vội nhắn tin đến hãng đặt mua thêm gạch. Tất nhiên là nội trong đêm, gạch phải được chở tới để sáng mai có mà dùng liền.

Tôi ở đối diện cổng sau Viên Chiếu, con đường từ ngoài lộ vào đến chùa ngoằn ngoèo lầy lội, chẳng được tươm tất như bây giờ.

Hôm ấy là một ngày trời mưa tầm tã, gần 20h30 tôi mới nghe tiếng động cơ xe cam nhông gầm vang… từ trên đầu dốc đổ xuống và thắng cái két, dừng lại trước cổng cốc tôi.

Chú tài xế rời xe, bước xuống đóng cửa cái rầm, bực bội quát:

– Đường chật chội quá! Phá hàng rào đi!

Cái hàng rào làm bằng kẽm gai sét cũ, bao bọc quanh khuôn viên cốc tôi là nhờ công của nhỏ Hương tích góp tha về. Nó đi hỏi thăm khắp mấy vựa ve chai mới mua đủ kẻm đem về rào hết quanh vườn cho tôi. Cánh cửa cổng nhấc lên nhấc xuống cũng được làm bằng kẻm gai, dù nó rộng tới 1,3m nhưng chẳng đủ chỗ cho chiếc xe cam nhông đi vào. Ông tài xế mặt đỏ gay, không phải vì ruợu mà vì giận. Cơn thịnh nộ đang bốc cao đến đỉnh điểm nên cái hàng rào của tôi trở thành “bia hứng đạn”, ông tài xế tha hồ trút hết cơn giận xung thiên vào đó và lặp lại mệnh lệnh lần nữa bằng âm điệu cực kỳ hung hãn:

– PHÁ – HÀNG RÀO – ĐI!

Tôi và Hương vội chạy ra, năn nỉ:

– Chú ơi! Đừng phá, tội nghiệp tụi tôi!

Ông hất hàm về đám công nhân ra lịnh:

– VẬY THÌ… BỎ GẠCH NGOÀI ĐƯỜNG HẾT ĐI TỤI BAY!

Tôi muốn xỉu. Mấy thiên gạch ấy mà bỏ ngoài đường thì khổ hết nói… tôi rên rỉ:

– Mấy chú làm ơn làm phước bỏ gạch vào trong này, đừng thả đại bên ngoài tội nghiệp tụi tôi. Nhà có hai đứa, tải hết vô không nổi!…

Ông tài xế mắt long sòng sọc, nhìn chằm chằm vào tôi. Hương thì thầm:

– Cô ráng năn nỉ, để con đi lo nước mời…

Rồi Hương phóng vào trong, nhanh nhẹn đập đá làm nước chanh, có bao nhiêu trái ngon quả ngọt, nó lôi ra hết đãi khách. Hên là có mấy trái xoài miền tây ngọt lịm ướp đá mát lạnh. Hồi đó, cốc tôi chưa có tủ lạnh. Ngày nào Hương cũng mua nửa cây đá bỏ vào thùng “muốt” cất, để dành cho thợ uống, nó uớp đủ thứ trái cây trong đó nên nhờ vậy mà chúng tôi luôn có đồ tươi ngon kịp thời chiêu đãi. Ông tài xế uống ly nước đá chanh mát lạnh vào, lửa giận hạ xuống, ông nhìn mấy đĩa xoài hấp dẫn bày trên bàn, dịu giọng bảo bốn anh công nhân:

– Thôi! Đem gạch vào trong rào… cho mấy cổ đi tụi bây!

Mấy anh thợ răm rắp vâng lời, tất bật làm việc, gạch thảy gấp gáp, sơ xẩy nên một vài anh bị chảy máu tay, máu chân. Hương vội đem băng keo ra, nhưng mấy anh thợ xua tay:

– Không sao đâu! – Họ không chịu ngừng để chúng tôi băng bó vì sợ công việc bị đình trệ.

Hương nói:

– Mấy anh ngừng chút xíu cho tôi băng vết thương đi, cứ để vậy làm việc thì vết thương sẽ nặng thêm, càng đau nhiều hơn nữa.

Cuối cùng họ cũng chiều ý. Hương rửa vết thương và cẩn thận dán băng keo cho họ.

Tôi quan sát ông tài xế và mấy anh thợ, thấy họ ăn mặc lam lũ, quần áo đều te tua vì chuyền gạch, tự dưng tôi mủi lòng. Giờ này trời mưa râm râm, gần 21 giờ rồi mà họ vẫn chưa được nghỉ, đi tải gạch cả ngày chắc là mệt lắm. Thêm nữa, lái xe xuất phát từ hãng, phải đi giao nhiều chỗ quá xa và quá nhọc nhằn, còn phải “bò” qua con đường ngoằn ngèo hóc búa mới đến được chỗ tôi… Vậy thì… không nổi giận và không đòi… phá hàng rào tôi mới là lạ!

Bởi vì, giờ này, họ không được ở nhà sum họp gia đình, không được nghỉ ngơi ăn tối với vợ con, mà phải ở ngoài đường lao động nhọc nhằn, thử hỏi không mệt, không quạu làm sao được?

Nhìn mấy anh thợ tay chân đều bị trầy xước, thương tích… máu chảy nhỏ giọt, mà vẫn cứ tiếp tục chuyền gạch, liệng gạch… thiệt là xót xa.

Do vậy mà tôi không trách ông tài xế đã thịnh nộ, dù thoạt đầu ông có làm tôi hoảng kinh, khiếp vía, sợ tới… đứng không vững.

Chuyền gạch xong, đám thợ ngồi xuống nghỉ xả hơi.

Ông tài xế giờ đã tắt hẳn cơn giận. Ông nhìn quanh quất quan sát cốc tôi, vui vẻ bảo đàn em cứ từ từ dùng trái cây, uống nước…

Hương còn sợ khách đói, nó hỏi thăm và định chế mì gói cho khách dùng.

Sự quan tâm của chúng tôi chừng như đã giúp họ vơi bớt nhọc mệt. Ai cũng tươi cười, trước khi về còn lịch sự cúi đầu chào mấy lượt.

Tôi và Hương tiễn họ ra xe, chúc họ đi đường bình an.

Vài ngày sau, độ 9 giờ sáng thì xe chở gạch lại tới. Lần này ông tài xế không quát tháo bắt phá hàng rào nữa mà cực kỳ nhã nhặn, vui vẻ… ông ra lịnh cho đàn em mạng gạch vào tận bên trong.

Trước khi ra về, ông còn mỉm cười bảo chúng tôi:

Tôi có chất dư thêm cho mấy cô hơn nửa thiên gạch đó! Xem như 600 viên này là tôi biếu không cho mấy cô nha!

Chúng tôi xúc động, ngỏ lời cảm ơn.

Ông tài xế và đám thợ mỉm cười, leo lên xe, vẫy vẫy tay từ biệt. Chủ và khách cực kỳ hoan hỉ.

Bây giờ mỗi lần nhìn cảnh xây cất, tôi lại nhớ tới chuyện ngày xưa. Chuyện chở gạch tiền hung hậu kiết đã lưu lại một kỷ niệm đẹp. Rõ ràng là trong tương giao, khi người ta chịu hiểu và cảm thông… thì những bất ổn trục trặc sẽ được hóa giải, chuyển dữ thành lành.