BA MƯƠI LOẠI BỐ THÍ KHÔNG THANH TỊNH

Sa môn Thích Hải Quang

 

Giảng giải ý nghĩa chân thật của sự bố thí.

  1. Thế nào gọi là tham
  2. Bố thí lớn và bố thí vô lượng
  3. Sao gọi là chơn thật hảo tâm, bố thí nhơn
  4. Sao gọi là giả hảo tâm bố thí nhơn

Lời người phụ trách:Do vì gần đây có nhiều Phật tử, đạo hữu ở khắp nơi, hoặc điện thoại hoặc gởi thơ, vv….đến hỏi về nghĩa chơn thật của sự bố thí, phước báo của bố thí, để giữ vững lòng tin trong việc bố thí cúng dường… Trước các sự:

 ma, ngoại đạo giả hình làm người xuất gia, giảng dạy giáo pháp sai lầm với mục đích để lường gạt Phật tử, lợi dụng danh nghĩa Tam bảo, đòi hỏi tín đồ cúng dường một cách quá đáng, cho họ thủ lợi vv….Các Phật tử lâm vào cảnh tiền mất, tật mang….riết rồi mất hết cả niềm tin nơi đạo…..Do nơi ý đó, nên mới có loạt bài nầy.

Hiện nay, trên xã hội nói riêng và toàn thế giới nói chung hay là nói theo từ ngữ của Phật giáo ta, thì trong thời buổi mạt pháp này…..khắp nơi thảy đều hổn loạn, chúng sanh dùng đủ mọi cách, thủ đoạn, mưu chước, tàn hại và lường gạt lẫn nhau……

Nhân loại nói riêng và tất cả mỗi loài nói chung, cuộc sống và thân xác tứ đại vốn dĩ đã đau khổ nhiều rồi giờ lại càng mang thêm nhiều nỗi khổ đau khác nữa!

Do đâu mà thành ra như vậy ?

Chính là do nơi tánh tham lam, lòng ích kỷ và bỏn xẻn mà thành ra như thế.

Sao gọi là THAM?

Ấy là do nơi lòng mong cầu không thấy chán, không thấy đủ.

Như là:

  • Mắt tham nhìn nơi sắc đẹp không chán, đủ.
  • Tai tham nghe âm thanh mọi thứ không chán đủ.
  • Mũi tham ngữi mùi hương các loại không chán đủ.
  • Lưỡi tham ưa mùi vị béo bổ ngọt ngon….không chán đủ…..
  • Thân tham ưa cảm xúc giác, mịn màng các loại….không chán đủ….
  • Ý tham ưa cảm xúc giác, mịn màng các loại…..không chán đủ….

Và nếu cứ như thế mãi thì đúng theo lời của Phật dạy rằn :

1. Như biển cả nuốt nước trăm, ngàn sông to nhỏ khác nhau…..hết ngày này qua ngày khác mà không bao giờ thấy chán đủ.

2. Như lửa lớn nuốt củi khô, dầu nhiều bao nhiêu cũng không bao giờ chán đủ…

Thì cũng thế:

Lòng tham của con người ở nơi ngũ dục1,  lục trần 2không bao giờ biết chán đủ cả.

Mà hễ:

  • Còn có THAM thì còn có CHẤP GIỮ.
    (Nên trong kinh thường gọi là THAM CHẤP).
  • Còn có CHẤP GIỮ thì còn bị TRÓI BUỘC.
  • Còn bị TRÓI BUỘC thì không được GIẢI THOÁT.
  • Không được GIẢI THOÁT thì còn bị LUÂN HỒI.
  • Còn LUÂN HỒI thì còn làm chúng sanh.
  • Còn làm chúng sanh thì còn có các KHỔ sanh tử vv……

Cho nên lòng THAM chính là đầu mối của các sự khổ đau và LUÂN HỒI, sanh tử vậy.

Lòng tham của mọi người nói chung và riêng cho cá nhân của ta thì nó đặt nặng ở nơi đầu mối nào nhất ‌?

Chính là:

Tham Tài, tức là tham chấp ở nơi tiền của vậy.

Trong ngũ dục thì món “TÀI” nầy đứng đầu dọc hết thảy.

Vì thấy cái sự “THAM” nói chung và riêng cho môn “tài lợi, tiền của” nầy có nhiều mối tai hại lớn lao như thế, cho nên đức đại giác Thế tôn ta đã có dạy ra một pháp môn thần diệu để đối trừ, đó là : bố thí

SAO GỌI LÀ bố thí?

  • BỐ có nghĩa là phân phối cùng khắp đến tất cả mọi nơi, mọi người, mọi vật…..
  • THÍ có nghĩa là cho, tặng, giúp đỡ.

Trong kinh Phật dạy :

Nếu “Người thọ lãnh” có thể khiến cho “thí chủ” sanh ra được quả báo. Như vậy đó là nghĩa của bố thí.

Lại nữa cần phải nên biết thêm rằng :

Hai chữ “bố thí” và “cúng dường” cũng đều có đồng một nghĩa như nhau.

Nhưng:

  • Ở nơi chúng sanh thì gọi là bố thí.
  • Ở nơi cha mẹ, cùng các bậc thầy tổ và chư thánh nhơn thì gọi là cúng dường.

Người Phật tử học đạo cần phải nên biết rõ như thế.

Trong việc bố thí nầy được chia ra làm hai phần :

  • Một là chúng sanh bố thí.
  • Hai là thánh nhơn bố thí.

1/- chúng sanh bố thí:

Có hai loại chúng sanh bố thí, đó là:

– Thí chủ.

– Người bố thí.

a) Sao gọi là “thí chủ” ?

Như người có tâm thanh tịnh, từ bi, đem của cải, tiền bạc vv….của mình ra mà phân phát cho kẻ thọ lãnh thì người đó được gọi là “thí chủ”.

b) Sao gọi là “Người bố thí” ?

Tức là người “chấp sự” 3  , nhận của cải, tiền bạc từ nơi “người thí chủ” rồi thay thế người thí chủ đó mà đem ra phân phát cho các người thọ lãnh….

Người chấp sự này được gọi là “người bố thí”.

a) Còn như có người tâm thanh tịnh, chính tự tay mình đem của cải, tiền bạc, mọi thứ vv….ra bố thí, thì người nầy được gọi là:

– Người thí chủ bố thí.

– Người thí chủ thì được phước nhiều.

– Người bố thí thì được ít.

Phải nên biết rõ như vậy.

Lại nữa bố thí có hai loại :

Một là bố thí lớn.

Hai là bố thí vô thượng.

b) Sao gọi là bố thí lớn ?

Tức là sự bố thí mà người thí chủ sẽ thu hoạch được những phước báo lớn lao.

Có 5 loại chánh là:

  1. bố thí đúng thời, đúng lúc.
    (Nghĩa là kẻ thọ thí đang lúc rất càn khổ và quẩn bách mà mình giúp đở kịp thời).
  2. bố thí cho người “hành chánh đạo” (của Phật…)
    (Tức là các kẻ xuất gia, tu hành chơn chánh)
  3. bố thí cho người bịnh và người trị bịnh.
  4. bố thí cho người giảng thuyết chánh pháp (của Phật….)
    (Tức là các bậc tu hành giảng giải kinh điển, hoằng dương Phật pháp…)
  5. bố thí cho người sắp sửa đi xa.

Ngoài ra còn có thêm các loại bố thí sau đây cũng được gọi là bố thí lớn nữa:

Ðó là:
  1. bố thí cho quốc vương bị mất ngôi (vua) trên con đường đào ty (trốn tránh) và bị khổ ách (ách nạn, nguy khốn).
  2. bố thí cho người bị quan quyền bức bách không có nơi nương tựa.
  3. bố thí cho người bị tật bịnh, đau khổ, hành hạ xác thân.
  4. bố thí cho chúng Tăng, Ni xuất gia đủ đầy giới đức, đúng lúc, đúng thời.
  5. bố thí cho người cầu trí huệ.
    (Tức là người tu hành nghèo khổ, thanh tịnh, nơi chốn núi rừng để cầu được trí huệ GIẢI THOÁT – chớ không phải là người tu giàu sang ở thành thị có đầy đủ chùa tháp đồ sộ, kinh dinh).
  6. bố thí cho các loài súc sanh (chẳng hạn : chim, thú, ếch nhái, đói khát vv..)
  7. Hoặc khuyên người bố thí, hoặc tùy hỷ nơi người bố thí cùng các việc bố thí.
    (Tức là tự mình không bố thí (vì nghèo hoặc thiếu khả năng) nhưng thấy người khác làm việc bố thí thì vui mừng khen ngợi và tán đồng – Kinh gọi là : tùy hỷ công đức).
  8. Hoặc bỏ mạng mình ra để thế mạng cho người….

Các việc bố thí trên đây đều gọi là “bố thí lớn” hết cả.

A. Sao gọi là bố thí vô lượng ?

– Tức là loại bố thí mà người thí chủ thu hoạch được phước báo lớn lao không thể nghĩ bàn được.

B. Có 5 loại, ấy là:

Các loại bố thí nầy đều được gọi bằng một tên trân trọng là cúng dường.

  1. bố thí ở nơi đức PHẬT.
  2. bố thí ở nơi CHÚNG TĂNG.
  3. bố thí ở nơi người thuyết giảng chánh pháp.
  4. bố thí ở nơi CHA.
  5. bố thí ở nơi MẸ.

Như phần đầu đã có nói:

bố thí là một phương thuốc thần diệu nhất mà đức vô thượng Y VƯƠNG (tức là đức PHẬT) đã phát minh ra để trị các “bệnh THAM CHẤP” và “bỏn xẻn” của chúng sanh, hầu cho chúng sanh được nương vào nơi đó mà được thành đạo và GIẢI THOÁT về sau. (Tức là thành tựu được bố thí Ba la mật của các bậc Ðại Bố Tát tu tập, trên con đường đi đến quả vị vô thượng Bồ đề của PHẬT).

Cho nên người Phật tử chúng ta phải nên khéo léo điều phục cái “Tâm tham lam keo kiệt, bỏn xẻn” của mình bằng cách bố thí và bền vững nơi Tâm cùng hành các việc bố thí đừng cho lui sụt.

Những người hành bố thí đều toàn là các người có lòng “hảo tâm” – Tức là người có lòng tốt hết cả.

Trên xã hội hiện nay nói riêng và thế giới nói chung rất ít có người chơn thật hảo tâm, rất ít có người chơn thật bố thí, cúng dường – Bởi vì hai chữ “hảo tâm” và “bố thí” nầy tuy là đơn giản, song ít có người làm được lắm.

Và:

Người “chơn thật hảo tâm”, “chơn thật bố thí” thì rất ít, còn người “giả hảo tâm”, “giả bố thí” thì có rất nhiều.

a. Sao gọi là chơn thật hảo tâm, bố thí nhơn ?

Người “chơn thật hảo tâm” và “bố thí” chính là các kẻ sau đây:
  1. Làm việc lợi ích cho người mà chẳng cần trả ơn.
  2. Làm việc giúp đở cho người mà chẳng cần quả báo.
  3. cúng dường cho người chẳng cần ân báo (tức là chẳng cần các sự báo ơn).
    Cho đến còn có thêm các việc khác nữa như là :
  4. Hạ cái tâm (tự ái) của mình xuống để làm cho cái lòng muốn của người khác đặng đầy đủ.
  5. Khó bỏ xả mà bỏ xả được.
  6. Khó nhịn mà nhịn được.
  7. Khó làm mà làm được.
  8. Khó cứu mà cứu được.
  9. Chẳng luận là thân (bà con) hay sơ (người dưng) cũng vẫn cứ một lòng lấy cái Tâm bình đẳng như nhau ra mà cứu giúp và làm đúng như sự thật….
    Lại nữa, người “hảo tâm bố thí” ấy luôn luôn :
  10. Hễ miệng nói tốt là thực hành ngay lời nói tốt ấy (ngôn, hành tương ứng).
  11. Tâm hiền, thường làm các việc tốt mà miệng chẳng khoe khoang.
  12. Ý nghĩ chỉ thuần muốn giúp đở cho người mà thôi chớ chẳng cần danh vọng, khen tặng hay lợi ích chi cho mình hết cả.

Như vậy đó:

MỚI THIỆT GỌI LÀ NGƯỜI chơn thật hảo tâm bố thí VẬY.

b. Còn: Sao gọi là giả hảo tâm bố thí nhơn ?

Chính là các kẻ sau đây:
  1. Miệng nói tốt, hoặc nói bố thí mà không bao giờ thực hành.
  2. Lời nói và hành động đều trái ngược nhau – Tức là “ngôn, hành bất tương ưng”.
  3. bố thí mà trong tâm luôn luôn mong cầu được các sự đền ơn, đáp nghĩa.
  4. Bỏ ra có một tấc mà muốn thâu vào một thước.
    (Tức là bố thí ít mà muốn thâu lợi vào cho thật nhiều gấp trăm, ngàn lần của mình đem cho – gọi nôm na là bố thí với mục đích thủ lợi, có tính toán đắc, thất rõ ràng).
  5. Gieo giống ít mà muốn thu đặng trái nhiều.

Những kẻ như vậy thì không được gọi là: chơn thật hảo tâm bố thí NHƠN.

Mà phải gọi là kẻ:

GIẢ DANH CHƠN THẬT hảo tâm bố thí NHƠN.

Trong kinh Phật dạy:

Có 30 loại bố thí không thanh tịnh mà kẻ thí chẳng được phước, cũng chẳng được gọi là “hảo tâm bố thí nhơn”. Xin lược kể ra như sau:

1. Thấy biết điên đảo mà bố thí.

(Tức là bố thí theo loại “thí cô hồn” để mi đi đâu cho khuất mắt ta. Chớ chẳng có lòng thương xót, hoặc là bố thí tùy hứng – nghĩa là vui thì cho, buồn thì không cho, hay là lấy lại, hoặc chửi bới vv….)

2. Bố thí vì báo ơn.

(Tức là trước kia mang ơn người đó, bây giờ bố thí lại cho HUỀ để khỏi bị mắc nợ).

3. Bố thí mà chẳng có lòng thương.

(Tức là bố thí theo kiểu “ném vào trong mặt mi cho bỏ ghét”).

4. Bố thí vì sắc dục.

(Tức là thấy người (đàn bà hay đàn ông) có sắc đẹp, khởi ra tâm tà dục muốn bố thí để lấy lòng trước, đặng sau nầy có thỏa mãn được dục tâm của mình – như là lấy kẻ đó làm vợ, làm chồng, hoặc làm tỳ thiếp vv….)

5. Hoặc đe dọa mà bố thí.

(Tức là bố thí trước rồi hăm dọa sau – như là gài bẫy để hối lộ, làm cho kẻ “nhận thí” phải sợ mà làm thinh không dám hó hé hay tố cáo lên những điều sai quấy của mình trước pháp luật vv…..)

6. Ðem đồ ăn có độc ra mà bố thí.

(Với mục đích giết hại cho khuất mắt).

7. Ðem dao, gậy, binh khí, súng ống, xe tăng, bom đạn, vv….ra mà bố thí.

8. Vì được khen ngợi mà bố thí.

(Tức là bố thí chỉ có mục đích để cầu danh, cầu được tiếng tăm khen tặng mà thôi).

9. Vì ca hát mà bố thí.

(Thấy người ca sĩ đẹp, hát hay mà bố thí để cầu thân, chớ còn xấu xa và hát dở thì không thèm cho một xu, một cắc, vv….)

10. Vì xem tướng mà bố thí.

(Tức là mình biết xem tướng, thấy kẻ đó bây giờ tuy còn nghèo nhưng mà sau nầy sẽ trở thành ra người giàu sang, quyền quý (tức là tới thời làm nên danh vọng vv….) nên bây giờ làm bố thí trước để lấy lòng, hầu cầu được lợi lộc cho mình về sau).

11. Vì muốn kết bạn mà bố thí.

(Giống như ý bố thí ở đoạn số 10 ở trên).

12. Vì học nghề mà bố thí.

(Thấy người ta tuy nghèo nhưng mà có nghề hay trong tay, muốn cầu học nên làm bộ bố thí để lấy thiện cảm, hầu lấy được nghề của họ, để sau nầy làm nên các sự lợi ích cho cá nhân).

13. Bố thí mà nghi ngờ là có quả báo hay không có quả báo.

(Tức là bố thí mà trong lòng còn nghi ngờ, do dự, là không biết tôi bố thí như vậy mà sau nầy tôi có được hưởng quả báo tốt hay không – Ðây cũng là một loại bố thí có mong cầu).

14. Trước mắng chửi cho hả hê rồi sau đó mới chịu bố thí.

15. Bố thí rồi mà trong lòng bực bội, ghét tức và hối tiếc.

16. Bố thí rồi mà nói rằng các người thọ lãnh sau nầy sẽ phải làm thân trâu ngựa, súc vật, tôi tớ để trả nợ lại cho tôi….

17. Bố thí rồi mà nói rằng sau nầy tôi sẽ được thọ phước báo, giàu sang lớn….

18. Già yếu đau bịnh rề rề, sợ chết, sợ bịnh….mà bố thí.

(Tức là khi còn trẻ đẹp, mạnh khỏe thì không có tâm bố thí, đến chừng già yếu, nằm trên giường bịnh, sợ chết đọa địa ngục….bấy giờ mới chịu xuất tiền của ra bố thí).

19. Bố thí mà muốn được nổi danh rằng ta khắp mọi nơi là một người đại thí chủ.

(Tức là bố thí chỉ muốn được nổi danh đặng hân hạnh, khoe của mà thôi chớ không có tâm thanh tịnh, thương xót chi cả….)

20. Hoặc ganh ghét ngạo nghễ mà bố thí.

(Tức là mi chỉ bố thí có một, chớ ta bố thí gấp hai, ba lần hơn mi chơi cho biết mặt….chớ không có tâm thanh tịnh thương xót chi cả – (Ðây là loại bố thí vì tranh cạnh giàu sang thế lực và hơn thua lẫn nhau).

21. Hoặc ham mộ giàu sang, danh vọng mà bố thí.

(Tức là thấy gia đình người ta giàu có, danh vọng, quý phái nên làm bộ bố thí để cầu thân, cầu hôn….như tặng quà cáp, biếu xén. vv….)

22. Vì cầu hôn nhơn mà bố thí.

(Tức là thấy người ta có con trai hay con gái xinh đẹp (nhưng mà nghèo), muốn cưới về làm vợ, làm chồng, hay làm thiếp nên làm bộ bố thí để lấy lòng).

23. Mong cầu được con trai, con gái….mà bố thí.

(Tức là người giàu có nhưng mà không có tâm bố thí, đến chừng lớn tuổi không có con, hoặc có con nhưng toàn là con trai không mà thôi, bây giờ muốn có con gái, hoặc chỉ có toàn con gái không thôi, bây giờ muốn có con trai…cho nên mới chịu xuất tiền của ra bố thí – mục đích chỉ vì để cầu được con mà thôi, chớ không có lòng thương xót….).

24. Hoặc muốn cầu giàu sang mà bố thí.

(Tức là đã giàu rồi, lại còn muốn giàu hơn nữa nên bố thí).

25. Hoặc suy nghĩ rằng kiếp nầy tôi bố thí để kiếp sau được giàu sang mà bố thí.

(Tức là bố thí với ý định thủ lợi, có tính toán lời lỗ ở kiếp nầy, kiếp sau….).

26. Thấy kẻ nghèo không bố thí, mà cứ chăm chỉ bố thí cho người giàu.

(Thấy kẻ nghèo mà không chịu bố thí vì khi dễ, vì chẳng có lòng thương xót…Thấy kẻ giàu mà muốn bố thí vì có dụng ý cầu thân, thủ lợi).

27. Vì bị cưỡng ép, hăm dọa mà bố thí.

(Tức là người tuy giàu mà không chịu bố thí, bị kẻ “anh hùng hiệp nghĩa” nửa đêm phi thân đột nhập vào hăm dọa : Nếu không chịu bố thí thì ta sẽ giết chết vv….sợ quá nên bất đắc dĩ phải bố thí).

28. Vì giết hại mà bố thí.

(Tức là bố thí cho kẻ ác nhân đặng lấy lòng mang ơn của nó, sau đó rồi sai nó đi giết hại kẻ thù của mình).

29. Bố thí trong lửa.

(Tức là ở ngoài mặt thì bố thí, chớ trong lòng thì đầy lửa tức giận : đây ý nói là bị bắt buộc phải bố thí mà thôi, chớ không có lòng nhân từ – Nghĩa là vừa cho, vừa quăng ném vào mặt, vừa chửi rủa vv….)

30. bố thí trong nước.

(Nước đây là nước ái dục : nghĩa là bố thí để lấy lòng (người đẹp) đặng hy vọng sau nầy có dịp thỏa mãn được lòng ái dục, tà dâm của mình mà thôi).

Ba mươi loại bố thí đầy các sự ái nhiễm, tính toán vv….trên đây thảy đều thu được rất ít phước.

Ví như:

– Ðem hột giống tốt mà gieo trồng lên trên miếng ruộng cát đá, cằn cỗi, khô khan, tuy rằng có gặp được nước mưa, nẩy mầm, sanh cây cội, nhưng thu hoạch được rất ít bông trái vậy.

Cho nên phàm làm người Phật tử (đúng nghĩa), người chân thật hảo tâm bố thí phải khéo léo:

– Ðiều phục tâm mình khi bố thí.

– Phân biệt thâm nghĩa của sự bố thí….

Như thế nào?

Ðó là phải quan niệm rằng:

1/ Của đem bố thí cho người rồi đó là của tôi.

Chớ:

Của còn ở trong nhà chẳng phải của tôi.

(Nghĩa là : quả báo của sự bố thí nầy sẽ theo mình đời đời, kiếp kiếp, vì thế mới gọi nó là của mình. Còn của ở trong nhà không phải là của mình, mà nó là của 5 ông chủ sau đây :

  1. Nước trôi (nước lụt dâng lên cuốn trôi hết cả).
  2. Lửa cháy (bị hỏa hoạn thì cháy tiêu hết).
  3. Vợ con phá tan (vợ xấu, con nợ nần xài phá hoang phí hết).
  4. Vua quan ác, giặp cướp dữ chiếm đoạt hết cả.
  5. Bệnh hoạn, ốm đau (có bao nhiêu tiền lo chạy thầy, chạy thuốc hết).

2/ Của đã bố thí thì vững chắc.

Còn:

Của chưa bố thí thì chẳng vững chắc.

– (Nghĩa là: của đã bố thí rồi thì được cái “nhơn quả” (báo đền) giữ cho mình đời đời, kiếp kiếp không mất, mình sanh ra ở đâu, kiếp nào….nó cũng đều đi theo mình cả.

– Của chưa bố thí – tức là của còn lại – sẽ bị năm “ông chủ” (ở trên) phá tan hết, không biết lúc nào !).

3/ Của đã thí thì vui ngày sau.

Còn:

Của chưa thí thì vui hiện tại.

– (Nghĩa là : Bây giờ có bố thí thì kiếp sau, kiếp sau nữa. vv….phước báo bố thí sẽ theo mình hoài nên luôn được giàu sang, vui vẻ.

– Của còn ở trong nhà (tức là của không bố thí) bất quá chỉ mang lại cho mình sự giàu sang, vui vẻ ở trong kiếp hiện tại nầy mà thôi. Kiếp sau chắc chắn là không được giàu sang, vui vẻ rồi).

4/ Của đã thí thì khỏi giữ gìn.

Còn:

Của còn lại phải giữ gìn.

– (Nghĩa là: Của bố thí vì đã thuộc về người khác nên họ cần phải giữ gìn, chớ mình khỏi lo giữ gìn nữa.

– Của còn lại trong nhà thì mình cứ phải luôn luôn giữ gìn hoài vì sợ bị mất, bị trộm cắp, vv…..).

5/ Của đã thí thì khỏi phải bị tham ái TRÓI BUỘC.

Còn:

Của còn lại thì càng thêm tham ái.

– (Nghĩa là : Ðã bố thí rồi dứt được tâm tham ái ở nơi tiền của.

– Của còn lại thì cứ làm cho mình càng tăng thêm tâm tham lam, ái luyến nơi nó hoài).

6/ Của đã thí chẳng bận lòng.

Còn:

Của còn lại thì bận lòng.

– (Nghĩa là:  của đã bố thí rồi thì khỏi cần phải bận tâm lo nghĩ chi nữa, chớ của còn lại thì cứ nghĩ nhớ tới nó hoài vì sợ mất mát đi).

7/ Của đã thí chẳng sợ.

Còn:

Của còn lại phải lo sợ.

– (Nghĩa là: của đã bố thí rồi thì khỏi phải sợ “năm ông chủ” cướp đoạt, chớ của còn lại cứ nơm nớp (tức là hồi hộp) lo sợ “năm ông chủ” ra tay cướp đoạt không biết lúc nào.)

8/ Của đã thí là cột chánh đạo.

Còn:

Của còn lại là cột của ma.

– (Nghĩa là: đã bố thí rồi thì sau nầy sẽ đắc được bố thí Ba la mật, thành bậc Bồ tát).

– Của còn lại (ý nói keo kiệt không chịu bố thí) thì kiếp sau thành ra con ma đói (Ngạ quỷ).

9/ Của đã bố thí thì vô tận.

Còn:

Của còn lại thì hữu tận.

– (Nghĩa là: của đã bố thí rồi thì đời đời, kiếp kiếp đắc được phước điền vô tận, chớ của còn lại thì hữu tận, tức là bất quá chỉ có ở trong kiếp nầy rồi thôi, kiếp sau không còn nữa !).

10/ Của đã thí thì vui.

Còn:

Của còn lại phải giữ gìn nên khổ.

11/ Của đã thí thì lìa gút trói.

Còn:

Của còn lại càng thêm gút trói.

– (Nghĩa là: đã bố thí rồi thì khỏi bị tâm tham lam TRÓI BUỘC, chớ của còn lại thì mình cứ luôn luôn bị lòng tham lam của cải TRÓI BUỘC hoài, đi đâu cũng đều lo lắng hết).

12/ Của đã thí là lộc.

Còn:

Của còn lại chẳng phải lộc.

– (Nghĩa là: của đã bố thí đó là phước lộc ở kiếp nầy, qua kiếp sau sẽ càng hưng thịnh thêm.

– Chớ của còn lại không phải là phước lộc vì nó càng ngày càng xài phá tiêu mòn đi hết (hết phước).

13/ Của bố thí thì sự nghiệp đại trượng phu.

Còn:

Của còn lại chẳng phải là sự nghiệp đại trượng phu.

– (Nghĩa là : người chơn thật “đại trượng phu” (là người biết rõ đạo pháp) mới biết bố thí.

– Chớ kẻ “giả trượng phu” thì không bao giờ biết bố thí cả, trái lại cứ bo bo giữ của hoài).

14/ Của đã bố thí được Phật khen.

Còn:

Của còn lại được phàm phu khen.

– (Nghĩa là: kẻ bố thí vì hợp được với tâm của Phật, Bồ tát nên được Phật, Bồ tát khen.

– Còn kẻ keo kiệt thì hợp với tâm chúng sanh nên chỉ có chúng sanh khen thôi, chớ còn Phật, Bồ tát thì chê (không khen).

……………………….
Vì hiểu biết được như thế nên người chơn thật Phật tử, người “chơn thật hảo tâm bố thí nhơn” luôn luôn bền vững tâm của mình mà bố thí…..không lui sụt.

 


 

  1. Chuyện kể về gương bố thí thanh tịnh
  2. Chuyện kể về gương bố thí không thanh tịnh

Trong phần trước người phụ trách đã có trình bày về hạnh “Bố Thí” “đúng y như pháp” mà Phật đã dạy…..thì được đầy đủ luôn cả sáu độ Ba la mật, đó là:

  • Bố Thí Ba la mật.
  • Trì giới Ba la mật.
  • Nhẫn nhục Ba la mật.
  • Tinh Tấn Ba la mật.
  • Thiền định Ba la mật,
  • Trí huệ Ba la mật.

xong rồi…..

……Trong kỳ “THƠ GỞI” lần nầy, như trước đã có nói qua, xin được kể lại một vài gương Bố Thí “Thanh Tịnh” và “Bất Thanh Tịnh”, để tạm kết thúc loạt bài nầy…

A/- Trước hết xin kể lại một gương “Bố Thí Thanh Tịnh” như sau:

(Ðôi lời : ………………….

(Câu chuyện nầy trước kia đã có đăng trên tờ “THƯỢNG HẢI THỜI BÁO”……sau đó được một nhà báo Việt Nam trích đăng lại. Người phụ trách tôi đã đọc được câu chuyện nầy vào năm lên 13 tuổi. Nhân thấy câu chuyện cực kỳ cảm động nên đọc đi lại nhiều lần và để tâm ghi nhớ cho đến ngày nay….)

……Bên nước Trung Hoa vào khoảng gần cuối triều nhà THANH…..

Lúc ấy, toàn cả một vùng đó bị hạn hán thất mùa, dân chúng đói khổ, có nhiều người đứng ra tổ chức các cuộc chẩn tế – tức là ban cấp thực phẩm cứu đói – Trong số (các người) đó có một vị “đại thí chủ” tổ chức một cuộc Bố Thí rất quy mô và vĩ đại, liên tiếp trong vòng mấy tháng trường, dân chúng đói kém nhờ vậy mà được tạm thời qua khỏi cơn nghèo ngặt….

Sau ngày Bố Thí cuối cùng……

Chiều lại mọi người trong ban Bố Thí đang lo dọn dẹp, thu quét vv….lúc đó trời vừa hoàng hôn, phải đốt đèn lên để thấy đường dọn quét….

Bỗng nhiên, mọi người đều trông thấy, từ phía bên ngoài, có một con chồn to lớn, hình dáng lạ thường, chưa từng thấy qua….cao lớn gấp hai, ba lần con chồn thông thường, sắc lông chia ra làm hai màu:

1. Một nửa mình lông màu đen xám,

2. Một nửa mình lông màu vàng rực rở như sắc huỳnh kim…chạy vào, nhìn ngó chung quanh như đang tìm kiếm vật gì….Vị thí chủ của cuộc Bố Thí đó là một cư sĩ Phật tử tại gia thuần thành, thông hiểu đạo lý….thấy thế mới ra lệnh cho mọi người ngừng tay lại để xem con “bán kim sắc (1) hồ” nầy muốn làm gì ?

Lúc ấy trên mặt đất còn sót một ít hạt cơm, gạo và bột mì rơi rớt lại….con “bán kim sắc hồ” ấy vừa trông thấy thì lộ ra vẻ vui mừng lắm, liền chạy đến lăn mình trên các hạt cơm, gạo và bột đó một hồi, đoạn đứng lên, trên mặt lộ vẻ buồn rầu, ảm đạm…..khiến cho ai nấy cũng đều ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu ra sao cả….

Vị thí chủ mới nói cùng với các người công sự rằng:

Con “bán kim sắc hồ” nầy tướng dạng lạ thường, nửa mình lông màu hoàng kim, thân thể cao to như thế, vã lại trông nó có vẻ tự nhiên, dạn dĩ không e sợ chúng ta, chắc chắn không phải là một loại chồn thường đâu.

Các người đừng làm điều chi khác lạ khiến cho nó sanh lòng nghi ngại, ta từng nghe trong sách nói rằng có loại chồn tu lâu năm sắc lông vàng rực, biến thành “Hồ tiên” (chồn tu thành tiên), không biết có phải là loại chồn nầy hay chăng, nhưng không biết vì sao mà nó chỉ vàng có phân nửa thân mình thôi mà không trọn đủ ‌?

Ðể ta hỏi xem sao, nếu quả nó là “Hồ tiên” ắt phải biết nghe và nói được tiếng người.

Nói đoạn, ứng tiếng hỏi chồn đó rằng:

– Trông ngươi khác thường lắm, xin hỏi ngươi có phải là “Hồ tiên” và có nghe biết cùng nói được tiếng người hay chăng ?

Chồn ấy bỗng dưng đứng thẳng hai chân sau lên, cao gần cả thước tây, ứng tiếng nói rằng :

– Phải, tôi là Hồ tiên và tôi cũng biết nghe nói được tiếng người nữa.

Mọi người đều kinh ngạc, sảng sốt, có người sợ quá quay mình định bỏ chạy, chồn ấy thấy vậy mới nói :

– Xin đừng sợ, cứ tự nhiên như thường, tôi có mấy điều muốn cùng thưa chuyện.

Giây phút sau, mọi sự xúc động lắng dịu xuống xong rồi, chồn ấy bắt đầu kể câu chuyện như sau:

Tôi là loài chồn tu luyện lâu năm, nên cũng có được đôi phần linh thông, biến hóa….

…..Vào mùa đông năm đó, thời gian cách đây lâu xa về trước, tại một miền sơn dã của nước nầy….

Thời tiết khắc nghiệt và lạnh buốt hơn cả mọi năm, mấy tháng liền, trời xuống tuyết liên miên không dứt, mọi sự đi lại đều bị tắc nghẽn, nhất là ở miền rừng núi. Bìa rừng ấy có một gia đình tiều phu nghèo gồm chồng, vợ và ba con, hai gái, một trai. Vì tuyết rơi quá nhiều, đường xá bị phủ lấp, áo quần lại không đủ ấm nên không thể nào đi đốn củi đem xuống chợ đổi gạo được, số gạo trữ ở trong nhà lại có giới hạn chỉ đủ để nuôi sống toàn gia đình trong khoảng một thời gian ngắn mà thôi….

Ngày qua, càng lúc càng thêm kiệt quệ….

Cả gia đình đều đói khổ, chỉ còn ăn cháo loãng và uống nước cầm hơi qua ngày, hy vọng trời tạnh, tuyết tan, nhưng mỗi ngày qua càng thêm mòn mỏi !

Lúc ấy, tôi (chồn) tu trong một hang sâu cũng ở gần đó, vì Thời tiết lạnh và tuyết đóng băng nên bị khốn ở trong hang, bụng đói quá không thể nào chịu được nên mới cố gắng vượt ra khỏi hang, đi tìm lương thực. Chiều tối hôm ấy, tôi đến được nơi căn nhà đó, ẩn mình vào trong chỗ khuất, định tối sẽ ra kiếm chút đồ thừa đở dạ….

Ðêm ấy tôi nghe thấy một chuyện cực kỳ thương tâm và cảm động xảy ra, như sau:

…..Người vợ nói:

Em vét hết chỉ còn được có chút gạo và bột nầy thôi, định đem ra nấu cháo cho anh, em và ba con dùng tạm, có thể cầm hơi được vài ba ngày nữa….

Sau khi cháo nấu xong, cả gia đình chồng, vợ con cái mỗi người được khoảng chừng một chén cháo loãng, sắp sửa định ăn thì nghe bên ngoài có tiếng ho và tiếng gõ cửa….

Mở cửa ra thì thấy có một ông lão ăn xin, cả mình lạnh giá, đứng run trước cửa, người chồng vội vã mang ông lão ăn xin ấy vào để gần bên bếp lửa sưởi cho ấm…

Một hồi lâu ông ấy tỉnh lại, phều phào xin ăn….

Người chồng thấy vậy mới đem phần cháo của mình ra Bố Thí cho ông lão, nhưng không thấm thía vào đâu cả, có lẽ ông ấy bị lạnh, đói lâu ngày rồi, nên rất cần thêm thức ăn…..

Thấy vậy, lần lượt người vợ và ba con đều mang cả phần ăn cuối cùng của mình ra Bố Thí, ông lão ăn xin ấy ăn xong tỉnh táo lại rồi từ tạ mà đi….

Ðêm ấy vì quá đói và kiệt sức nên cả gia đình đều bị mạng chung (chết).

Tôi (chồn) vì ẩn mình trong chỗ khuất nên thấy biết hết tất cả mọi việc, trong lòng cảm động, nước mắt chứa chan, ráng hết sức tàn bò ra đến chỗ năm người nằm chết đó, bùi ngùi than thở, tán thán sự hy sinh và Bố Thí cực kỳ hy hữu (hiếm có) của cả gia đình nầy.

Lúc ấy còn có một chút ít cháo, bột thừa rơi vảy trên mặt đất, tôi vô tình bò trườn lên các bột, cháo đó, mà không để ý đến chừng xem lại thì phân nửa phần lông mình của tôi nhờ bị chút cháo bột đó dính vào, nên liền biến đổi ra thành màu lông kim sắc, như hiện nay quý vị đang thấy ở đây.

Từ đó đến nay, thời gian trải qua hơn trăm năm rồi…..

Tôi cố gắng tu hành để biến nửa bộ lông xám còn lại nầy cho thành ra toàn thân kim sắc, nhưng vẫn không sao được cả, thế cho nên tôi vẫn chưa thành “Hồ tiên” trọn vẹn để chuyển ra thân người, lên cảnh thần tiên được.

Vì vậy cho nên hễ tôi nghe biết được nơi nào có tổ chức các cuộc Bố Thí, dầu cho xa xôi thế mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng tìm đến, lăn mình trên các cơm, gạo, hay cháo bột dư thừa còn sót rớt trên mặt đất, để hy vọng nhờ vào nơi công đức, phước lành của sự Bố Thí đó, mà phân nửa màu lông còn lại trên thân tôi hóa thành ra màu kim sắc trọn vẹn, hầu thành đạt được đạo quả tu hành, về nơi tiên cảnh….

Hôm nay tôi đến nơi đây cũng trong ý định đó, nhưng phân nửa phần lông còn lại trên thân của tôi màu sắc cũng vẫn còn y nguyên như cũ, nên tôi biết chắc chắn rằng:

– Cuộc Bố Thí nầy tuy là có to lớn, vĩ đại thật đó, nhưng phần công đức cũng chẳng thể nào so bằng được với công đức Bố Thí của gia đình người tiều phu nghèo nọ năm xưa…..

Nói xong chồn ấy buồn rầu, Cáo biệt mọi người, đoạn chạy ra ngoài đi mất….

(Lời bàn của người phụ trách:

Ngay từ lúc còn nhỏ (13 tuổi) chưa hiểu biết gì về Phật pháp cả, nhưng khi đọc được chuyện nầy xong, tôi rất lấy làm cảm động, để tâm ghi nhớ mãi không quên.

Sau khi lớn lên….

Và cho đến bây giờ, trên cương vị của một người tăng sĩ,….hiểu biết ít nhiều Phật pháp, nhân viết loạt bài nói về “Bố Thí” nầy và kể lại câu chuyện “Bố Thí” mà mình vẫn hằng luôn “ghi lòng, tạc dạ” năm xưa ra đây….

Y theo lời Phật dạy trong kinh điển, tôi biết chắc chắn một điều rằng:

– Cả 5 người trong câu chuyện trên, đã (vô tình) gây tạo nên một công đức “Bố Thí vô thượng” vì ý họ đã quên hẵn cả bản thân cùng sự sống chết của toàn thể gia đình, dùng “tâm không so đo, tính toán” mà Bố Thí, mặc dầu họ biết rằng nếu không có phần ăn cuối cùng đó đở dạ thì họ sẽ bị chết hết cả….

Ấy thế mà họ vẫn vui lòng Bố Thí không chút ngại ngùng!

Các kẻ ấy chắc chắn sẽ được sanh về nơi cõi trời, hưởng những phước báo vô cùng thắng diệu, không sao lường được !

Tại sao mà biết ‌?

Bởi vì:

– Chỉ còn có một chút xíu cháo, bột rơi rớt trên mặt đất không thôi ấy vậy mà cũng đủ sức công đức chuyển nửa phần lông đen của con “hồ tiên” kia thành ra màu lông kim sắc…

Thế thì biết rằng:

– Các người Bố Thí nầy sau khi xả bỏ thân tứ đại hôi nhơ trên trần thế rồi, thần thức của họ ắt hẵn sẽ được sanh về nơi cõi Trời, ngự trong cung điện, hoặc bằng vàng ròng, hoặc bằng thất bảo (bảy báu) kết thành, trong một thời gian lâu dài không kể số…..

Và,

Sau khi phước trời (thiên phước) của họ mãn, họ sẽ đầu thai xuống lại cõi nhơn gian, hoặc làm vua chúa, quan quyền, hoặc làm kẻ giàu sang, phú hộ, của cải, vật chất dư thừa (như các nhà triệu phú, tỷ phú thời nay vậy).

Cho nên phàm làm người Phật tử có học hiểu Phật pháp một cách rõ ràng, chân chánh (và có căn bản) phải biết rằng :

– Các sự giàu hoặc nghèo vv….của ta trong hiện kiếp nầy đây đều là do kết quả của sự Bố Thí trong những kiếp xa xưa mà cảm thành ra cả, chớ không phải như đại đa số người đời hiểu lầm rằng:

– Hễ sanh ra trên cõi thế nầy rồi thì cuộc đời của ai ai cũng đều như nhau cả.

– Người ta làm giàu được thì mình cũng làm giàu được, bởi vì các người đó họ cũng như mình chớ nào có khác chi đâu ‌? Họ cũng có đầu, mình, chân, tay, cũng có sự làm ăn sinh sống,..vv…thì mình đây cũng vậy.

– Do nghĩ sai lầm như thế,

– Không hiểu biết lý nhân quả trong Phật pháp như thế….

Cho nên cứ cắm cúi bắt chước y theo người mà sinh phương lập nghiệp….

Rốt lại:

– Người ta (nhờ có phước Bố Thí trong kiếp trước) nên kiếp nầy được giàu từ trong “bụng mẹ” mà giàu ra (Ý nói lúc còn nằm trong thai nhờ cha mẹ giàu nên cũng được đầy đủ chất dinh dưỡng của mẹ cung cấp).

Ðến khi ra đời cũng được an nhàn, sung sướng, vật chất dư thừa, làm chơi mà ăn thiệt…..

Trái lại:

– Người bạc phước (do vì kiếp trước tham lam, bỏn xẻn và không chịu Bố Thí) nên kiếp nầy – do nghiệp lực dẫn dắt – đầu thai gặp nhằm cha mẹ và gia đình nghèo….sanh ra đời phải chịu cảnh thiếu thốn, không được vừa ý, làm thiệt mà ăn chơi…..

Dầu cho trên đường đời có cố gắng vẫy vùng cho thế mấy, rốt lại “nghèo vẫn hoàn nghèo”, và “tay trắng rồi cũng trắng tay” mà thôi.

Ðó chính gọi là:

Cây khô tưới nước cũng khô,

Phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo !

là như vậy.

Biết được các điều giàu, nghèo, sang, hèn đều do nơi nhân quả, phước duyên của kiếp quá khứ cảm vời ra rồi thì người biết đạo phải nên hành xử như thế nào ‌?

1. Chính phải nên:

– An vui trong hoàn cảnh, đừng nên bắt chước đua đòi….

– Gắng lo tu hành, sám hối và đọc tụng kinh điển, niệm Phật, Bố Thí, phóng sanh….cầu cho tiêu bớt đi nghiệp tội của mình….

Mà hễ nếu:

– Nghiệp tiêu hết rồi thì phước lành sẽ đến.

Chừng đó ắt sẽ được phú quý, giàu sang….

2. Chớ không nên:

– Oán trời, trách người hay gây tạo thêm các nghiệp tội khác, chẳng hạn như làm kẻ đạo tặc cướp của, giết người, hay chuộc bùa ngải để cầu giàu sang, làm các hành động bạo nghịch khác để thỏa mãn tham vọng của mình, mà phải bị lâm vào cảnh:

– Nghiệp kiếp trước chưa trả xong, kiếp nầy lại tạo thêm nghiệp mới nữa…

Như vậy biết đến bao giờ mới đạt được điều như ý, an vui trong nẻo trời, người.

HỎI:

Như nghèo quá không đủ sống hoặc là muốn gia tăng thêm sự giàu sang của mình, rồi đi chuộc bùa ngải để nhờ thế lực của bùa ngải giúp cho được như ý…..

Việc đó như thế nào ?

ÐÁP:

Việc đó cũng như đuổi theo bóng mà thôi. Càng đuổi thì bóng càng chạy…. nào có bắt được bao giờ !

Bởi giàu nghèo là tại số, nào có ai giúp cho mình trở thành giàu sang được bao giờ ! Còn việc nhờ thế lực của bùa, ngải để cầu giàu sang thì lại càng thêm sai lầm nữa, vì bùa ngải là thế lực của các tà, ma, quỷ, mị hạ cấp gây ra.

Các hạng ma, quỷ nầy nọ lo cho họ (thoát khỏi cảnh giới ma, quỷ để sanh về cảnh giới nhơn, thiên) chưa xong, làm sao có đủ thế lực giúp người. Nếu muốn nó giúp thì phải theo thờ phụng, quỵ lụy nó, vào trong vòng tà quỷ của nó mới được, như vậy là người kém sáng suốt, không có Trí huệ, càng ngày càng thêm khổ mà thôi.

Tại sao?

– Vì ma quỷ là những hạng “bất cận nhơn tình” (tức là không có tình người) hễ theo ma quỷ, bùa, ngải thì phải làm tôi tớ cho ma quỷ, bùa ngải. Còn ngược lại, nếu như “phản phúc” nó thì nó hại cho chết ngay. Chết rồi thì thần hồn bị lạc luôn vào trong đường ma, nẻo quỷ….biết bao giờ mới được thoát ly khỏi nó, để sanh về lại nơi cõi Trời, người…..còn nói chi đến các việc học biết được đạo pháp, tu hành….vãng sanh, giải thoát ư !

 

Trở lại đề tài Bố Thí Thanh Tịnh và bất Thanh Tịnh.

Trên vừa kể xong một gương Bố Thí hoàn toàn Thanh Tịnh rồi….

B/- Kế đây xin kể tiếp một chuyện Bố Thí khác không được Thanh Tịnh….

Như sau:

(Tương truyền)….Tại Tây Thiên Trúc (xứ Ấn Ðộ thời xưa)….

Vào năm nọ, ở một ngôi chùa to nhất trong xứ, có tổ chức một cuộc Bố Thí rất lớn, đủ mọi thành phần dân giả khắp nơi tụ hội về để nhận thí, số đông nhiều như mây nhóm….

Chư Tăng cùng với các thí chủ thiết lễ tụng niệm, Bố Thí đồ tứ sự cho người hiện thế đã trải qua được mấy ngày…mà vẫn còn chưa kết thúc….

Hôm sau, vào buổi sáng sớm, có một cô gái nghèo, bụng lại mang thai, một tay bồng con, một tay dắt trẻ, dẫn theo một con chó ốm đói từ phương Nam đi đến vào trong trai hội cầu xin Bố Thí.

Người bần nữ (cô gái nghèo) nầy thưa cùng với vị Tăng chủ trì cuộc trai hội, Bố Thí nầy rằng:

Mình nghèo khổ, không có tài vật chi quý giá để Bố Thí như các vị thí chủ ở nơi đây, nhưng có tâm tùy hỷ công đức….. Nguyện xin được cắt tóc Bố Thí, tỏ tấm lòng thành.

Vị Tăng chủ từ bi chấp nhận phần tóc đó.

Nhân tiện cô lại xin được một bửa ăn, để rồi còn đi nơi khác.

Vị Tăng chủ thương xót, cấp cho một phần ăn gấp ba lần hơn để cho mẹ con đều được no đủ.

Ăn xong, bần nữ lại xin thêm một phần ăn nữa cho con chó của mình….Chúng tăng (và các thí chủ) không được vui cho lắm, nhưng cũng gắng gượng cấp phần ăn cho con chó đói….

– Sau khi con chó ăn xong, bần nữ lại thưa rằng:

– Như thế cũng gọi là tạm đủ rồi, nhưng xin từ bi, đại lượng, giúp thêm một phần ăn nữa cho đứa con trong bụng của tôi !

Lúc ấy, vị Tăng chủ của cuộc Bố Thí không thể nào kham nhẫn được nữa, nổi giận, quát lên bảo rằng :

– Ðứa bé còn nằm trong bụng chưa sanh ra mà đòi ăn cái nổi gì ‌

Thôi, cô hãy cút đi nơi khác cho mau.

Liền sau khi vị Tăng chủ ấy vừa dứt lời xong, Bỗng nhiên ngũ sắc tường vân (mây năm màu) nổi lên che mát rợp cả một gót trời….

Cô gái nghèo ấy tức thời đổi tướng, hiện thành hình của đức VĂN THÙ SƯ LỢI Bồ Tát, cởi mây bay bỗng lên hư không.

– Con chó thì hiện thành ra con thanh sư (sư tử lông xanh).

– Hai đứa con thì hiện thành ra LONG NỮ và ƯU ÐIỀN VƯƠNG.

Bồ Tát cởi thanh sư, ngồi tòa sen trên mây, nói kệ rằng:

Bầu ngọt, ngọt tận gốc,
Mướp đắng, đắng cùng giây.
Ta đã siêu tam giới,
Còn bị chúng tăng rầy. (2)

Thuyết kệ xong, Bồ Tát liền ẩn mất.

Tất cả đại chúng Tăng lẫn tục thảy đều hãi kinh than thở, ăn năn đã muộn !

Riêng vị Tăng chủ hận mình nhục nhãn, phàm phu không biết đó là đấng Ðại Thánh thị hiện, lấy dao muốn khoét bỏ tròng con mắt, nhiều người trong hội xúm lại giựt dao, khuyên can mãi, ông ấy mới chịu thôi.

………………………..

Lúc ấy chư Tăng cùng các thí chủ thảy đều phát lòng từ bi, Bố Thí xem giàu, nghèo, sang, hèn, chi chi cùng đồng như nhau cả….

Tóc của “bần nữ” Bố Thí được xây tháp phụng thờ ngay tại chỗ Bồ Tát thị hiện để lưu niệm.

…………………………………

Ai là người có Trí huệ, sau khi đọc xong bài kệ nầy, phải nên quán xét lại lòng, xem mình thật sự là NGỌT hay ÐẮNG……vậy, rồi hoặc là phát triển thêm cái NGỌT hoặc là cố gắng trừ bỏ cái ÐẮNG của mình đi.

TÓM LẠI:

Y theo lời của Phật dạy:

– Phàm muốn cầu PHƯỚC (giàu sang) thì chẳng việc nào bằng Bố Thí, trai giới.

– Cầu THỌ (sống lâu) thì chẳng việc nào bằng giới sát (không giết hại), phóng sanh.

– Cầu Trí huệ thì chẳng việc nào bằng nghe nhiều (nghe giảng Pháp), học rộng.

– Cầu AN TÂM thì chẳng việc nào bằng xét lại lòng mình ngăn chừa những việc sái quấy.

Là người Phật tử tu học Phật pháp phải nên biết rằng:

Mọi việc mà ta đang có, đang thọ hưởng đây, trong hiện kiếp nầy, đều là do nhân quả, nghiệp duyên trong kiếp trước mà ta gây tạo cảm vời ra cả, cho nên:

(Dục tri tiền thế nhân, kim sanh “thọ giả” thị).

(Dục tri lai thế quả, kim sanh “tác giả” thị).

a) Muốn biết nhân kiếp trước của ta gây tạo như thế nào, thì hãy nhìn xem quả báo mà ta đang thọ hưởng trong kiếp nầy, ắt nhiên sẽ rõ.

b) Muốn biết quả báo kiếp kế của ta sẽ ra sao, thì hãy nhìn xem những nhân (các việc) mà ta đã và đang gây tạo ra trong kiếp hiện tại, ắt nhiên sẽ rõ.

Hiểu rõ được lý nầy rồi, ắt nhiên trong cuộc sống của ta – Nếu là người có Trí huệ, phải nên tránh các điều dữ, làm những điều lành. Tuy nhiên như thế cũng vẫn chưa đủ nữa…..

Tại sao ?

– Vì làm lành, lánh dữ ắt sẽ được sanh về nơi cõi Trời, người mà thôi.

Nhưng cõi Trời, Người cũng vẫn còn nằm trong vòng sanh tử, chưa thoát ra khỏi nẻo luân hồi.

Cho nên:

Có như thế mới bảo đảm được vĩnh viễn thoát khỏi vòng trần lụy khổ đau.

– Phải tiến thêm bước nữa, ấy là nên kiêm thêm các phần tu hành, tụng kinh, niệm Phật….rồi đem hết các việc phước đức, mà ta đã và đang (cùng sẽ) làm dù nhỏ hay to cũng đều phát nguyện và hồi hướng một đời đới nghiệp vãng sanh về CỰC LẠC cả.

Nguyện cầu:

Cho các hữu duyên nhơn, khi đọc được loạt bài nầy rồi, nên cố gắng tịnh tâm và lắng lòng lại mà hành xử các việc đúng theo lời Phật, Tổ đã dạy, để được cảnh:

Mây tạnh, trời trong……….
Trên nẻo đường vãng sanh giải thoát.

Trân trọng,

 

(1)- Bán kim sắc hồ: là con chồn nửa thân lông màu sắc vàng ròng.

(2)- Ý của bài kệ nầy nói:

  • Người thật thì đầu, cuối chi cũng thật. (Ngọt tận gốc).
  • Kẻ giả dối thì trước sau gì cũng giả dối. (Ðắng cùng giây).
  • Người có tâm từ bi, bình đẳng, Bố Thí thì xem giàu, nghèo như nhau.(Ngọt tận gốc).
  • Kẻ giả tâm từ bi, bất bình đẳng Bố Thí, thì đầu, cuối đều mâu thuẫn nhau. (Ðắng cùng giây).