A DI ĐÀ KINH THÔNG TÁN SỚ

QUYỂN TRUNG

Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ chùa Đại Từ Ân soạn

 

Chánh kinh: Bấy giờ, Phật bảo trưởng lão Xá-lợi-phất: Từ đây đi về phương Tây hơn mười muôn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực lạc.

Tán rằng: Thứ hai là phần chánh tông, đại văn chia ra làm sáu:

1. Nêu Tông quả của cõi Tịnh. Kinh chép: “Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá-lợi-phất” cho đến “được ở chung một chỗ với các bậc thượng thiện như thế.”

2. Nói về nhân đặc biệt của cõi Cực lạc, kinh chép: “Xá-lợi-phất! Không thể với chút ít gốc lành” cho đến “Nếu có chúng sinh nghe lời này, thì nên phát nguyện sinh về nước kia.”

3. Chư Phật chứng minh.

Kinh chép: Xá-lợi-phất! Như nay ta khen ngợi công đức của Phật A-di-đà” cho đến “Xá-lợi-phất! Các thầy đều nên tin nhận lời ta và lời Chư Phật nói”.

4. Ba đời phát nguyện, kinh chép: “Xá-lợi-phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện…” cho đến “Nếu có người tin nhận thì nên phát nguyện, sinh về nước kia.”

5. Đức Thế tôn khen ngợi cõi kia, thật là ít có lạ kỳ.

Kinh chép: Xá-lợi-phất! Như nay ta khen ngợi Chư Phật” cho đến “Là pháp mà tất cả thế gian khó tin”.

6. Những gì Phật đã trình bày, là việc rất khó.

Kinh chép: Xá-lợi-phất nên biết! Ta ở trong… cho đến hết.

Văn chia làm hai:

  1. Nói lược về cõi Tịnh.
  2. Nói rộng về cõi Tịnh .

– Phần một lại chia làm bảy.

  1. Chỉ phương hướng.
  2. Nói về số lượng.
  3. Nói về tên nước.
  4. Nói về hóa chủ
  5. Nói về nói pháp.
  6. Nói về danh hiệu cõi nước.
  7. Tổng kết thành Cực lạc.

Ở đây nói về ba phần đầu.

“Phật bảo”, bảo là nói.

“Từ đây đi về phương Tây”, từ đây là chỉ cho nơi chốn. “Cõi này” xa chỉ cho phương Tây, “Cách mười muôn ức cõi Phật” là chỉ cho số lượng, “Có thế giới tên là Cực lạc” là hiển bày tên nước, chính là cõi nước Cực lạc.

Trong kinh nói Phật bảo ngài Xá-lợi-phất để giúp cho biết, đây là ví dụ bao gồm cả sự yêu mến của chúng sinh, không thể trình bày ra hết, tạm thuật lại bảy điều:

  1. Giải thích tên.
  2. Nêu thể.
  3. Giải thích giả thật.
  4. Phân biệt hữu lậu, vô lậu.
  5. Phân biệt năm vị.
  6. Gom nhiếp ba khoa.
  7. Giải thích về chướng nan.

Vả lại về việc giải thích tên gọi thì “Cõi đời” nghĩa là có thể phá hoại, “Giới” là phạm vi của cảnh, tức cõi sở cư.

Tên gọi là Cực lạc, “lạc” là năng cư, thức thứ sáu tương ứng với lạc thọ. “Thế” tức là cõi thuộc về Trì nghiệp thích. “Cực” là lạc thọ tối cao, thế giới tức là loài vô tình. Đây thuộc về tương vi thích.

Nêu thể: “Cực lạc” chính là lạc thọ cao nhất. “Thế”: là pháp hữu tình, vô tình không vững bền, có thể bị phá hoại mà đặt ra tên gọi là “Thế”, tức là giả lập về sắc tâm.

“Giới” lấy bốn trần, năm trần làm thể. Tuy cảnh Thánh không có sự nhóm họp xấu ác, vì nghĩa giống trần nên cũng gọi là trần. Bốn tướng nhỏ nhiệm dời đổi, gọi là Thế giới.

Nói về giả thật, nếu cho hóa Tịnh độ này là giả, là quả định, không có sắc tướng thì loài hữu tình chưa dứt uế nhiễm, chưa thể biến thành cõi tịnh, chỉ là biến tâm, như ba lần biến đất đai ruộng vườn),… không trái với Duy thức.

Phân biệt hữu lậu, vô lậu: nếu cõi Tịnh là bản chất của Phật, thì chỉ thuộc về vô lậu. Nếu loài hữu tình vãng sinh và cõi Tịnh độ do Bồtát biến ra, chỉ thuộc về hữu lậu, nghĩa là quả của thức thứ tám chuyển chẳng phải nhân.

Phân biệt năm vị: Cực lạc thuộc về tâm sở, thế giới thuộc về sắc pháp.

Thuộc về Ba khoa: Cực lạc thuộc về hành uẩn. Thế giới thuộc về sắc uẩn. Trong mười hai xứ thì pháp Cực lạc thuộc về pháp xứ. Thế giới thuộc về sắc xứ. Trong mười tám giới thì thuộc về pháp giới và sáu cảnh.

Giải thích về chướng nạn:

Hỏi: Các cõi nước trong mười phương sự vui sướng đều đồng, vì sao lại chỉ nói về cõi Tây phương, khuyên mọi người sinh về đó?

Đáp: Vì phàm phu nghiệp nặng, chỗ nào cũng đều sinh ra tham. Nếu không chỉ riêng một cõi, thì không thể buộc tâm chuyên chú, cho nên Kinh Pháp Hoa chép: “Chúng sinh chỗ nào cũng đều chấp trước, phải dẫn dụ giúp cho ra khỏi”. Lại vì cõi Tây phương, chủ cao quý mà nguyện thì mạnh mẽ, người vãng sinh về đó rất mau thành Thánh quả, cho nên mới nói riêng cõi đó.

Chánh kinh: Cõi nước đó có Đức Phật hiệu là A-di-đà hiện đang nói pháp.

Tán rằng: Phần thứ tư này nói về hóa chủ, phần năm: nói về nói pháp.

“A-di-đà” ở trên đã giải thích rồi. Từ phần này trở xuống cũng có giảng thêm.

“Hiện nay” là thời gian phân biệt với quá khứ và vị lai.

“Nói” là giảng nói.

“Pháp” là pháp chấp trì danh hiệu, tức là giáo pháp. Phật A-di-đà vì chúng sinh mà giảng nói pháp mầu, để cho mọi người cùng tinh tấn, cho nên nói từ bi rộng lớn, lợi vật sâu xa, hiện ra báo thân ở bậc Sơ địa, hóa ra căn khí vô biên, cho nên nói hiện đang nói pháp.

Hỏi: Vì sao Phật không bảo các Bồ-tát, mà chỉ bảo với Thanh văn.

Đáp: Bồ-tát không còn nghiệp uế, đều ở các cõi tịnh, các Thanh văn thì chưa dứt trừ được sự phân biệt, ở cõi nhơ đục cũng khác. Phật muốn cho họ sinh tâm ưa mến, nên chỉ nói với các Thanh văn.

Hỏi: Các Thanh văn số rất đông, những vị đốn ngộ cũng nhiều, vì sao không bảo với ai, lại chỉ nói với ngài Xá-lợi-phất?

Đáp: Ở đây cũng như trách nhiệm giao cho người con trưởng trong gia đình. Nước thì giao cho các hiền thần. Ngài Thu Tử trí tuệ biện luận không ai bằng, nên Phật bảo với ngài là điều hợp lý.

Chánh kinh: Này Xá-lợi-phất! Nước kia vì sao tên là Cực lạc?

Tán rằng: Thứ sáu là nêu danh hiệu cõi nước, trước nêu tên Cực lạc mà chưa nói về tướng của Cực lạc, không thấy được sự tốt đẹp thì khó phát tâm, vì muốn hiển bày cõi Tịnh cho nên mới nêu ra danh hiệu cõi nước.

Chánh kinh: Chúng sinh ở cõi đó không có các điều khổ, chỉ hưởng các điều vui, nên gọi là Cực lạc.

Tán rằng: Thứ bảy là kết thành danh hiệu Cực lạc.

“Chúng sinh cõi ấy” là chúng sinh có đủ mười hiệu, chúng sinh là một danh hiệu trong mười danh hiệu đó. Hóa sinh trong hoa sen, không còn khổ sinh. Bốn chữ “không có khổ sinh” không thể thay đổi, cho nên không có già khổ, không phải phần đoạn nên không có khổ bệnh, tuổi thọ vô tận, nên không có khổ chết, không có cha mẹ thân sơ, nên không có sự khổ về thù ghét mà gặp nhau. Mong muốn điều gì đều như ý nên không có khổ mong cầu mà không được. Nhan sắc xinh đẹp trang nghiêm, nên không khổ vì các căn thiếu khuyết. Lại bốn thời đều như nhau nên không có khổ vì nóng lạnh ép ngặt. Do đó nên nói là “chúng sinh cõi đó không có các điều khổ não”. Nghĩa là ở cõi này dứt cả ba cõi, con người không còn đau khổ. Chẳng phải như cõi Ta-bà có hình tướng hữu lậu, bốn thứ rắn ép ngặt cơ thể, ba thứ rồng hại mạng. Trái mùa thì bệnh não, quả báo hết thì vô thường đến, có ái thì có chia lìa, không oán thì không gặp, vì mê lý nên năm ấm ràng buộc. Ở cõi Tịnh không bao giờ còn sự đau khổ ấy nữa. Lại chứa nhóm bạch nghiệp, sinh vào sen hồng, thân thường là tướng tốt, trừ hết bốn tướng, dứt hết tình lự, thì còn ai để oán ghét? Tùy ý đi đến các nơi, cầu gì được nấy, dâng năm hương lễ Phật, các đức đều trang nghiêm, cho nên nói không có các điều khổ.

“Chỉ hưởng các sự vui”: Khi về cõi Tịnh thì Thánh chúng ra đón rước, hoa sen nở ra đã thấy kim dung tướng tốt. Gió nhẹ thổi đến, nghe những cây báu phát ra âm thanh từ xa. Lại thêm bay bổng xa thì như mây tiên, gần là thần túc, y áo phất phơ, từ xa đến cúng dường hoa lành rực rỡ. Sáng Sớm thì lễ Phật và các Thánh, đắc pháp ấn rồi đi nhiễu quanh các nước. Chiều đến đi dạo khắp các điện vàng, nghe kệ báu, đi kinh hành. Nhưng nguyện đại từ rộng lớn, lợi độn đều nhiếp, vả lại hoa sen củ sắp nở để trừ bỏ hiểm họa, hàng tân học hóa sinh thành tựu hạnh không lui sụt, đây chẳng phải: gần thì xa lìa sự khổ, mà diệu quả chẳng xa đó sao? Cho nên nói “chỉ hưởng các điều vui, gọi đó là cõi Cực lạc”.

Hỏi: Nước kia có nằm trong ba cõi hay không?

Đáp: không còn dục thì không thuộc cõi Dục. Địa cư (ở trên đất) nên không thuộc cõi Sắc, có hình tướng nên chẳng thuộc cõi Vô sắc. Trong thì không còn nhơ đục, ngoài thì chiêu cảm cõi Tịnh, ra khỏi bốn dòng, thoát hẳn ba cõi, cho nên không còn nằm trong ràng buộc của ba cõi.

Chánh kinh: Lại, Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc có bảy lớp lan can, bảy lớp mành lưới, bảy lớp hàng cây, bao bọc xung quanh bằng bốn chất báu.

Tán rằng: Thứ hai là giảng nói rộng về cõi Tịnh. Văn chia làm hai:

  1. Nói cõi nước trang nghiêm.
  2. Nói về công đức thân Phật.

Phần I: Lại chia làm tám:

  1. Cây được trang hoàng bằng bốn chất báu.
  2. Ao trang nghiêm bằng các chất báu.
  3. Trên hư không đầy tiếng nhạc trời.
  4. Khắp mặt đất trải vàng ròng.
  5. Hoa rải như mưa đầy khắp hư không.
  6. Người được đi khắp các cõi nước.
  7. Chim hót tiếng pháp mầu.
  8. Gió thổi tiếng nhạc.

Phần I lại chia làm hai:

  1. Chính là nói về sự trang nghiêm.
  2. Tổng kết thành Cực lạc.

Ở đây nói phần a.

“Hựu” là lại, nữa.

Nghĩa là trước đây đã nói với ngài Xá-lợi-phất là cõi nước kia không có các thứ khổ nên gọi là Cực lạc, ở đây muốn nói rộng về cảnh vật đẹp đẽ khác thường của cõi Cực lạc.

Cõi nước Cực lạc có bảy lớp lan can bao bọc chung quanh cây báu có bảy lớp, nên nói là bảy lớp lan can.

Ngang gọi là lan, dọc gọi là can, cây báu trang nghiêm bằng các thứ châu báu, hoa lá vây quanh, vì sao chỉ nêu cây trang nghiêm? Vì ở cõi nước này chỗ nào cũng có. Bảy lớp mành lưới tô điểm khắp cả cõi nước, bao phủ khắp rừng cây, chỉ vàng kết thành các thứ báu để tô điểm. Trong Quán Kinh chép: “Trên mỗi thân cây có bảy lớp mành lưới, đều bằng châu báu. Trong mỗi mành lưới đều có năm trăm ức hoa mầu bao quanh thành cung điện như cung trời Phạm vương, Có đồng tử là các vị trời hiện rõ trong đó, ngọc ma-ni kết thành chuỗi ngọc, ánh sáng trong đó chiếu xa cả trăm do-tuần.”

Cũng giống như ở trước, chỗ nào cũng có. Cho nên trong kinh Thụy Tướng có chép: “Vô lượng lưới báu đều dùng chỉ vàng, châu báu, trăm ngàn các thứ báu kỳ diệu để tô điểm. Vây quanh bốn mặt đều là linh báu, ánh sáng tỏa ra rực rỡ, thật là chói lọi. Gió lành nhè nhẹ thổi đến, thổi lay các mành lưới, phát ra các tiếng giảng nói pháp âm, khắp cả nước đều nghe. Tai nghe tâm được an vui, càng làm tăng thêm sự vui sướng”. Bảy lớp cây báu thành hàng khắp ở trong nước, nở đầy các thứ hoa thơm cỏ lạ, không có sự tàn úa héo rụng. Các thứ chinh linh thiêng ở trên lầu, các Thánh cũng dạo đi trên đó, nên gọi là bảy lớp hàng cây”, đều bằng bốn chất báu: giai là đều, đều bằng bốn chất báu.

Bốn báu: Hoặc là vàng, bạc, san hô, hổ phách. Trong Kinh Thụy Tướng chép: trong nước đó có bảy thứ cây báu vây quanh khắp cả thế giới. Nghĩa là có từ hai chất báu cho đến các loại báu hợp lại mà thành, như cây vang thì cành lá hoa quả bằng bạc. Cây bạc thì cành lá hoa quả bằng vàng. Cho đến có các loại vàng tím làm gốc, thân bằng bạc trắng, cành bằng lưu ly, nhánh bằng thủy tinh, lá bằng san hô, hoa bằng mã não, quả bằng xa cừ, gốc bằng bạc trắng,…. Mỗi thứ đều nêu bày ở đây, từng hàng đối nhau, từng cành giao nhau, từng lá cùng chiếu sáng rực rỡ, màu sắc thật mầu nhiệm, vô cùng đẹp đẽ. Gió mát thổi đến phát ra năm thứ âm thanh, các điệu cung thương nhiệm mầu tự nhiên vang lên.

Lại trong Quán Kinh có chép: “Mỗi thân cây cao tám ngàn dotuần, mỗi chiếc lá rộng dài hai mươi lăm do-tuần, lại tỏa ra nhiều màu sắc, ở trong mỗi hoa lá đều có bảy báu chiếu sáng.” “Đều là bốn chất báu” tức là y theo kinh này.

Lan can, mành lưới, hàng cây: ba thứ này đều do bốn chất báu hợp thành.

Bốn chất báu là: vàng, bạc, lưu ly, và phả-chỉ-ca, cũng chung với văn trên, đều là bốn chất báu.

Chung quanh: thời xưa có nhiều cách giải thích.

Lan can bao quanh cây báu, nên gọi là vây quanh.

Lan can, mành lưới, hàng cây vây quanh cõi nước, chỗ nào cũng trang nghiêm.

Hỏi: Lan can, mành lưới, hàng cây, mỗi thứ vì sao có bảy lớp, mà không nhiều hơn hay ít hơn?

Đáp: Đây là nói lên sinh về nước kia, được bảy giác chi, cho nên

bảy chi của thân và miệng đều không có lỗi, vì vậy có bảy thứ tài sản của bậc Thánh.

Chánh kinh: Cho nên nước kia tên là Cực lạc

Tán rằng: Thứ hai là tổng kết thành tựu Cực lạc.

Chánh kinh: Lại Xá-lợi-phất, cõi Cực lạc có ao bằng bảy báu.

Tán rằng: Thứ hai là ao tô điểm bằng các chất báu, lại chia ra làm bảy:

  1. Ao bảy báu sâu.
  2. Nước có tám công đức tràn đầy.
  3. Cát vàng làm đất.
  4. Bực thềm bằng ngọc.
  5. Gác hồng chọc trời.
  6. Hoa sen báu phủ mặt nước.
  7. Kết thành cõi Cực lạc.

Ở Đây nói phần một.

Như trước đã giải thích bảy báu gồm:

1. Vàng: Vàng có năm loại: màu vàng là trên hết, chôn lâu không mất màu , luyện cả trăm lần không nhẹ, liệu định không trái, sinh hai bên phải trái của đất, cho nên tượng hình của chữ Kim có bộ thổ trong đó.

2. Bạc: Rất dễ biết.

3. Lưu ly: Tiếng Phạm là: phệ-lưu-ly, có năm màu, gọi chung là lưu-ly.

4. Pha-lê: Trong luận Trí Độ chép: “Lấy từ các hang núi, trải qua ngàn năm đóng thành băng, hóa thành pha lê. Ở cõi Tịnh không có nóng lạnh, mặt đất không có băng, thì làm gì có hóa vật? Ở đây nói loại đá, chẳng phải thật đá, nghĩa là ở Tịnh độ, cũng gọi là Chỉ-ca.

5. Xa cừ: Tiếng Phạm là Mâu-sa-lạc-yết-la-bà, màu sanh nhạt.

6. Xích châu báu: Loại ngọc màu đỏ.

7. Mã não: Tiếng Phạm là Át-thấp-ma-yết-bà. Hán dịch là chữ tàng.

Ở phần dưới nói về bảy báu, cũng y theo đây.

Trì là ao. Trang trí bằng báu anh lạc. Thềm đá trong ao, cũng sáng chói khác lạ. Kinh Thụy Ứng chép: Ao ngang dọc sâu cạn từ mười dotuần, cho đến trăm ngàn do-tuần. Trên bờ có cây chiên-đàn, hoa lá rủ xuống tỏa mùi hương thơm phức.

Chánh kinh: Nước tám công đức, tràn đầy trong ao đó.

Tán rằng: Thứ hai là nước có tám công đức tràn đầy. Nước Tám tính chất tốt tràn đầy trong ao. Tịnh độ phước đức cao quý, nên nước cũng khác với thế gian. Bao gồm lợi ích cao quý của tám đức, diệu thể của năm thường. Tám tính chất tốt ấy là:

  1. Lắng trong, sãch sẽ.
  2. Thanh mát.
  3. Ngon ngọt.
  4. Nhẹ nhàng, mềm mại.
  5. Thấm Nhuần.
  6. An hòa.
  7. Uống hết đói khát.
  8. Uống vào nuôi lớn các căn.

Trong Kinh Thanh Tịnh Giác chép: Nước trong ao đó, sâu cạn lên xuống tùy ý. Quán kinh chép: Nước lên xuống tùy theo cành lá của hoa sen. Âm thanh của dòng nước nghe thành âm thanh Ba-la-mật như: Tam bảo, Không, Vô ngã,…

Chánh kinh: Đáy ao là đất thuần bằng cát vàng.

Tán rằng: Thứ ba là cát vàng làm đất.

Nước sanh cát vàng, tỏa sáng rực rỡ.

Kinh Vô Lượng Thọ chép: Các thứ ánh sáng soi chiếu lẫn nhau, ao vàng cát bằng bạc trắng,…

Chánh kinh: Đường đi bốn bên do vàng, bạc, lưu ly, pha-lê hợp thành.

Tán rằng: Thứ tư là ngọc xếp thành thềm.

“Biên”: Bên là bốn mặt xung quanh.

Giai là thềm, đạo là đường đi, là đường lên các bậc thềm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha-lê như trước đã giải thích.

Hợp thành: Được hình thành bằng Bốn chất báu.

Chánh kinh: Trên có lầu gác, cũng tô điểm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha-lê, xa cừ, xích châu, mã não.

Tán rằng: Thứ năm là lầu hồng cao ngất trời. Phía trên có lầu gác là trên ao bảy báu có lầu gác trên hư không, cũng trang trí bằng bảy báu nên gọi là “cũng”.

Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não là bảy thứ báu đã giải ở trước.

Nghiêm sức: là các loại hoa đẹp trang nghiêm tô điểm.

Luận Vô Lượng Thọ chép: “Trang nghiêm mặt đất”. Quán Kinh: Chỗ nào cũng đều có lầu gác bằng các chất báu trang nghiêm trên ao, thường đi du ngoạn thưởng thức, bước lên các bậc thềm nhìn về cõi Tịnh độ, tâm tư vui vẻ an vui.

Chánh kinh: Hoa sen trong ao, lớn như bánh xe.

Tán rằng: Thứ sáu là sen báu phủ khắp mặt nước. Văn này chia làm bốn:

  1. Nêu tên hoa.
  2. Nói về thân lượng.
  3. Giải thích về nhan sắc.
  4. Nói về mùi hương thanh khiết.

Ở đây nói về hai phần trước.

Liên: là gương sen.

Hoa lớn đẹp lại tròn, hình dạng giống như bánh xe.

Quán Kinh và kinh Bình Đẳng Giác chép: “Sen lớn rộng hai mươi dặm cho đến sáu trăm muôn dặm”. Nhưng ở đây lớn nhỏ đều không có tiêu chuẩn nhất định, ở đây là nói theo loại nhỏ.

Chánh kinh: Hoa màu sanh phát ra ánh sáng sanh, hoa màu vàng phát ra ánh sáng vàng, hoa màu đỏ phát ra ánh sáng đỏ, hoa màu trắng phát ra ánh sáng trắng, mùi hương thơm tho, tinh khiết.

Tán rằng: Đây nói hai phần sau:

Thứ ba: nói về màu sắc.

Thứ tư: mùi hương thơm tho.

Bốn sắc này đều có ánh sáng khác nhau, ánh sáng là ánh sáng màu sắc. Mầu nhiệm: là nhiệm mầu thù diệu khác thường, “Hương” là mùi thơm, “Khiết” thì thể không có cát bụi nhơ nhiễm, nên gọi là thơm tho tinh khiết. Kinh Thanh Tịnh chép: “Tất cả hoa lá đều có sắc báu khác nhau”. Đâu phải chỉ có ánh sáng màu sanh? Trong kinh chỉ nói thuần một màu sắc.

Hỏi: Vì sao chỉ có bốn màu.

Đáp: Bốn màu tiêu biểu này là thật không phải giả, nói lên tâm người ở cõi Cực lạc không quanh co, lời không luống dối, chứng bốn thứ Niết-bàn, được bốn trí.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc, thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Tán rằng: Thứ bảy là kết thành Cực lạc, rất dễ hiểu.

Chánh kinh: Lại Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia thường trổi nhạc trời.

Tán rằng: Thứ ba là tiếng nhạc trời đầy khắp hư không, trên hư không tấu nhạc, âm thanh giảng pháp giúp cho người cõi đó nghe phát sinh ý thiện. Quán Kinh chép: “Vô lượng nhạc khí treo lơ lửng khắp ư không, không đánh cũng tự kêu” Hoặc rừng, hoặc trụ đá đều treo nhạc khí, tự hòa vang theo, tùy theo ý chúng sinh, đều tấu lên tiếng pháp âm. Trời, người nghe được những tiếng đó, đều phát tâm đạo. Hoặc khen ngợi sáu độ, hoặc khen ngợi pháp ba thừa.

Chánh kinh: Đất bằng vàng ròng.

Tán rằng: Thứ tư, là mặt đất trải đầy vàng ròng. Tâm không vẩn đục, nên mặt đất chiêu cảm ra vàng ròng, mềm mại tự nhiên, cao thấp tùy theo bước chân. Quán Kinh chép: Đất ấy như mặt trời treo trên hư không. Đất đai mềm mại khi bước đi thì lõm xuống, giở chân đất lại nổi lên, trong cõi nước không có núi Tu-di và các núi non.

Kinh Thụy Tướng cũng chép: Cõi Phật đó do bảy báu tự nhiên hợp thành. Đất không có giới hạn, đặc biệt tốt đẹp, đi khắp các thế giới ở mười phương. Ở đây chỉ nói vàng cũng là văn lược. Các loại y phục bằng chất báu đầy khắp ở đất này, tất cả trời, người đều giẫm lên đó mà đi. Các thứ trang nghiêm hiển bày ra rất đặc biệt.

Chánh kinh: Ngày đêm sáu thời hoa Mạn-đà-la cỏi trời tuôn rải như mưa.

Tán rằng: Thứ năm là hoa rải đầy khắp hư không.

Ngày đêm sáu thời là ngày đêm có mười hai thời (ngày sáu thời, đêm cũng sáu thời).

Hỏi: Cõi Tịnh độ Tây phương, cảnh vật tươi tắn, mặt đất tốt đẹp, con người dứt hết vô minh, đất nước không còn tăm tối, làm gì có ngày đêm?

Đáp: Hoa nở hồ vàng, hóa sinh thành tướng trạng rạng đông, chim trú trong rừng quỳnh, Bồ-tát làm thành tướng trời chiều, khác xa buổi chiều tối ở thế giới này.

Chữ nhi là trợ từ.

Mưa: vì từ hư không rơi xuống nên gọi là mưa.

Hoa Mạn-đà-la: là tiếng Phạm, dịch là hoa Thích ý. Hoa tỏa ra ánh sáng tinh khiết, mùi hương thơm lạ, người nào nhìn thấy tâm đều được an vui vui vẻ, nuôi lớn ý đạo.

Gió thổi làm cho các hoa héo rơi rụng, mặt đất nứt ra lấp các hoa héo. Lúc ấy hoa mới lại mưa xuống trang nghiêm khắp đất vàng. Kinh Pháp Hoa chép: “Gió thơm thổi hết các hoa héo, rồi lại mưa hoa mới đẹp”.

Hoa có bốn đức:

  1. Trang nghiêm cõi Tịnh, nói lên việc người sinh về nước kia, dùng pháp lành làm đẹp thân.
  2. Thấy các đền đài tốt đẹp: nói lên vượt hơn pháp chân thật của Nhị thừa.
  3. Trước hoa sau quả, nói lên người sinh về nước kia, nhân trước quả sau.
  4. Khí hương thơm bay đến nơi xa, người ngửi thấy đều ưa thích, biểu hiện cho người sinh về nước kia có đức nghiệp thơm tho, nổi tiếng khắp mười phương, cho nên rải hoa như mưa.

Hỏi: Tịnh độ rải hoa trắng như mưa là tiêu biểu cho điều gì?

Đáp: Tiêu biểu cho người sinh về Tịnh độ, chỉ có bạch nghiệp, có khi gọi là hoa tròn đỏ, nhưng lý không hay. Kinh Pháp Hoa chép: “Chỉ có hoa sen trắng phát ra ánh sáng trắng, cưỡi trên lưng con trâu trắng, tay cầm phất trắng,…”. Màu trắng tiêu biểu cho gốc của tất cả màu sắc, Nhất thừa là nguồn cội các pháp. Nếu nói tròn đỏ là chưa đủ ý.

Chánh kinh: Chúng sinh ở cõi kia vào mỗi buổi sáng sớm, dùng y kích đựng các thứ hoa đẹp đi cúng dường mười muôn ức Đức Phật ở mười phương.

Tán rằng: Thứ sáu, là người đến các cõi nước. Đoạn văn này chia làm ba.

  1. Dâng hoa cúng Phật.
  2. Trở về đi kinh hành.
  3. Tổng kết thành cõi Cực lạc.

Ở đây nói phần đầu, trong văn kinh rất dễ hiểu.

Mỗi người đều dùng y kích là vạt áo.

Đựng đầy hoa đẹp cúng dường Chư Phật. Điều này dễ thấy.

Cúng dường: dâng tài vật là cúng, có chỗ tiếp nhận là dường.

Cúng dường ở phương khác tức là mười muôn ức Phật, là nói lên số lượng cúng dường Phật. Theo các kinh nói thì hoặc nương cung điện bảy báu, hoa sen báu trắng, nương vào oai thần Phật, đi trong hư không đến các thế giới trong mười phương, dâng các thứ hoa đẹp và phẩm vật, tùy tâm cúng dường, lắng nghe pháp mầu, và được Phật thọ ký…

Chánh kinh: Đến trước giờ ăn liền trở về cõi nước mình, ăn xong đi kinh hành.

Tán rằng: Thứ hai là trở về cõi nước đi kinh hành. Tức là khi sắp đến giờ ăn liền trở về cõi nước mình, ăn xong thì đi kinh hành. Đi kinh hành hoặc là nhiễu tháp báu, hoặc nhiễu quanh rừng quỳnh, hoặc đến hoặc đi, như sợi vải qua lại, đó gọi là kinh hành. Chân đi trên đất báu, miệng niệm kinh vàng, nên gọi là kinh hành. Trong Kinh Thụy Tướng chép: “Người vãng sinh, khi muốn ăn thì các đồ đựng bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước mặt. Các loại bình bát như vậy tùy ý hiện ra, trong đó đựng đầy thức uống ăn. Tuy nói là ăn nhưng thật ra không phải ăn, chỉ nhìn sắc ngửi hương tự nhiên cũng đủ no. thân tâm nhẹ nhàng không hề mê đắm vị ngon. Việc xong thì biến mất, thời đến lại hiện ra”.

Trong Quảng kinh nói ăn, sai trái thế nào? Ở cõi kia thị hiện việc ăn nào có lỗi gì?

Hỏi: Con người ở Tây phương cao quý, tự thân có ánh sáng phát ra, đã không có mặt trời mặt trăng soi tỏ, thì nói gì đến thời gian?

Đáp: Chuông vàng tự gióng, khánh ngọc vang lên, Thánh chúng nhóm họp đến, tự nhiên cùng nhau phó hội.

Hỏi: Nói đến ăn là có ý nghĩa nuôi lớn, ở cõi Tịnh là loại thức ăn gì?

Đáp: Nếu y theo Tịnh độ Thật báo, thì lấy thiền duyệt làm thức ăn, nếu hóa Tịnh độ thì nhờ đoàn thực (thức ăn từng miếng) mà nuôi thân.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc có các công đức trang nghiêm như thế.

Tán rằng: Thứ ba là tổng kết thành cõi Cực lạc.

Chánh kinh: Lại, Xá-lợi-phất! Nước kia thường có các loại chim nhiều màu xinh đẹp lạ thường.

Tán rằng: Thứ bảy là chim hót tiếng pháp mầu, văn chia làm hai:

  1. Nói về loài chim thiêng.
  2. Dứt trừ nghi chấp.

Câu một lại chia làm năm phần:

  1. Nêu chung loài chim thiêng.
  2. Phân biệt tên gọi.
  3. Phát ra âm thanh êm tai.
  4. Giảng nói pháp âm.
  5. Nghe khởi thiện niệm.

Ở đây nói phần một.

Lại: “Lại” là trở lại, lặp lại, “Nữa” là lần sau. Hỏi đi hỏi lại nên nói là “lại”.

Cõi nước kia: tức cõi Tây phương. “Thường có”: là hằng hữu.

Các thứ (chủng chủng): chẳng phải một thứ nên gọi là các thứ.

Xinh đẹp lạ thường: kỳ là khác lạ; diệu là đẹp đẽ ít có. Nhiều màu: đủ các màu lông.

Hỏi: Cõi Tịnh cao quý, không còn chúng phàm phu, vì sao các loài chim bay lại sinh về đó?

Đáp: Do Đức Phật Di-đà biến hóa, mà có các loài chim thiêng, để

khen ngợi pháp âm, trang nghiêm cõi nước, cho nên trong kinh chép:

“Muốn cho pháp âm truyền bá nên biến hóa ra”.

Chánh kinh: Các loài chim như hạc trắng, chim công, anh vũ, xálợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng,…

Tán rằng: Thứ hai là nêu tên các loài chim.

Hạc trắng: là loài đỉnh đầu màu son, lông trắng như tuyết, tiếng hót vang tận chín tầng mây, khi múa thì phát ra tám âm tiết êm tai, khác hẳn các loài chim khác.

Chim công: loài chim linh sinh ra ở cõi trời, khác hẳn các loài chim thường, đầu màu sanh lục, khắp thân có màu sặc sỡ.

Anh vũ: lông màu sanh biếc, mỏ màu đỏ thắm, cánh nhẹ nhàng đẹp đẽ có thể bay đi, lưỡi nhỏ dài biết nói.

Xá-lợi: là tiếng Phạm, Hán dịch là Thu lộ, lúc còn nhỏ đã đẹp đẽ xinh xắn, trong khoảnh khắc mà bay xa cả muôn dặm, phát ra cả ngàn âm vận.

Ca-lăng-tần-già: dịch là chim Diệu âm điểu, tiếng hót rất hay, thân rất khác thường, người nghe tiếng hót của nó thì chùng lòng, nghiêng tai, nhìn thấy nó thì tinh thần vui vẻ.

Cộng mạng: cũng gọi là mạng mạng, dùng âm thanh hay giảng nói pháp, lông cánh nhẹ nhàng bay mau, mặt người hình chim, một thân mà hai đầu, nên gọi là cộng mạng.

Chánh kinh: Các loài chim như thế, ngày đêm sáu thời, hót ra những âm thanh êm tai.

Tán rằng: Thứ ba là truyền âm vận hoà nhã. “Ngày đêm sáu thời”: ngày có sáu thời, đêm có sáu thời, cộng chung mười hai thời. “Phát ra các âm thanh êm tai”: hòa là nhu hòa, nhã là âm vận hay ho. Các loài chim linh ở Tây phương không phải loài phàm cầm, nên âm vận rất êm ái hài hòa, ngôn từ lại thanh nhã, khéo léo, nên gọi là “hót ra những âm thanh êm tai”.

Chánh kinh: Những âm thanh đó giảng nói các pháp năm căn, như năm lực, bảy phần Bồ-đề, tám phần thánh đạo.

Tán: Thứ tư là giảng nói pháp âm.

Giảng chép: giảng là dòng chảy bất tận, nói là tuyên xướng.

Năm căn, năm lực,… là các pháp trong ba mươi bảy phần Bồ-đề. Trong kinh này nói thiếu các pháp bốn niệm trụ, bốn chánh cần, bốn thần túc, ở dưới có nói. Đẳng là ba giai vị nầy.

Ở đây giải thích pháp này, nói lược có bảy vị:

1. Bốn niệm trụ: nghĩa là Thân, thọ, tâm, pháp, dùng trí tuệ làm thể, nghĩa là do niệm lực mà tuệ trụ ở cảnh.

2. Bốn chánh đoạn: là luật nghi đoạn, đoạn đoạn, phòng hộ đoạn và tu tập đoạn, lấy tinh tấn làm thể, tinh tấn khởi dụng, vì có thể tu đoạn.

3. Bốn thần túc: là dục, cần, tâm, quán, lấy định làm thể, dùng bốn pháp này để tu định.

4. Năm căn: nghĩa là tín, tiến, niệm, định, tuệ, như tên mà lấy làm năm thể, vì phát sinh pháp thiện.

5. Năm lực: thể là năm căn, khó mà khuất phục, cho nên lìa căn mà lập riêng.

6. Bảy giác chi: là trạch pháp, tinh tấn, hỷ, niệm, định, xả, khinh an.

7. Ba món trạch pháp, niệm, định là biệt cảnh. Ba món cần, xả, khinh an là số thiện.

Một biến hành là hỷ.

Tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh định, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn. Chánh tư duy là thể, dùng tuệ làm tánh, có thể phát ra ngôn ngữ, vì chung cho Phật pháp.

Chánh ngữ, chánh nghiệp dùng thân ngữ do không có sân si phát ra làm thể, dùng danh do không tham dục phát ra làm chánh mạng, lìa năm thứ là mạng, đều lấy tư vô biểu sắc làm thể: ba mươi bảy loại hợp với thể thì có chín:

  1. Tuệ.
  2. Tinh tấn- Định – Tín.
  3. Niệm.
  4. Hỷ.
  5. Xả.
  6. Khinh an
  7. Vô biểu sắc.
  8. Biến hành có một: là Hỷ.
  9. Biệt cảnh có ba: Niệm, Định, Tuệ.

Thiện có bốn: Tín, cần, xả, khinh an.

Sắc pháp có một: Vô biểu sắc.

Pháp tu của Bồ-tát và pháp tu của Thanh văn khác nhau, cho nên phần Bồ-đề gọi là pháp Bồ-tát. “Các pháp như thế:”, trên từ căn, lực, đường ác, dưới là niệm, đoạn, thần túc, gọi chung là “Các pháp như thế”.

“Hoặc các pháp…” đó là các pháp sáu độ muôn hạnh.

Không thế thì vì sao các pháp khác không giảng nói.

Chánh kinh: Chúng sinh ở cõi đó nghe các âm thanh này, đều niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.

Tán rằng: Thứ năm là nghe pháp sanh khởi niệm lành, niệm Tam bảo.

Chữ Phật: nghĩa đã nói ở trước.

Pháp: tiếng Phạm là Đạt-ma, Hán dịch là Pháp, pháp tức là vật nắm giữ, tức là các pháp bốn đế, mười hai nhân duyên, sáu độ.

Tăng: tiếng Phạm là Tăng-già, Hán dịch là chúng, nghĩa là hòa hợp. Nghĩa là thân hòa đồng ở, ngữ hòa không cãi, ý hòa không trái, giới hòa đồng tu, kiến hòa cùng giải, lợi hòa đồng chia. Có đủ sáu pháp hòa này gọi là Tăng, đều đáng coi trọng nên gọi là Tam bảo. Chim truyền pháp mầu, người phát tâm lành, niệm danh hiệu Tam bảo, tiêu tội chướng trăm đời.

Hỏi: Loài chim linh giảng pháp, số lượng rất nhiều, chúng niệm danh chỉ có một, làm sao mầu nhiệm được?

Đáp: Chim linh truyền rộng các pháp, tiêu biểu cho ngôn từ lời nói vô cùng. Người niệm ba danh hiệu, đều bao gồm hết các pháp lành.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Ông chớ cho rằng các loài chim thật do tội báo sinh ra.

Tán rằng: Thứ hai là dứt trừ nghi chấp, văn chia làm năm:

  1. Ngăn chẳng phải thật báo.
  2. Nêu lý do hỏi.
  3. Đáp không có tên ba đường.
  4. Đều không có danh từ đường ác.
  5. Nói về sự hóa hiện.

Nay nói về phần một.

Ông: là từ ngữ gọi đệ tử.

Chớ (vật): là, chẳng nên, cho rằng loài chim linh này do tội báo nghiệp ác sinh ra. Nghe nói loài chim linh sợ sinh nghi ngờ cho là ở cõi Tịnh các duyên ác chưa dứt, giúp cho ở trong một hội không sinh thắng ý nên Phật bảo như thế với ngài Xá-lợi-phất.

Chánh kinh: Vì sao?

Tán rằng: Thứ hai là nêu lý do hỏi. “Vì sao” nghĩa là lý do gì.

Chẳng phải là thật báo, nguyên nhân là vì sao?

Chánh kinh: Ở cõi nước kia không có ba đường ác.

Tán rằng: Thứ ba là đáp không có tên ba đường ác. Ba đường ác là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Địa ngục, tiếng Phạm Na-lạc-ca, Hán dịch là khổ khí, là nơi chúng sinh chịu khổ ở.

Ngạ quỷ: loài chịu nhiều khổ não bức ngặt, lâu ngày không được ăn uống, nên gọi là ngạ quỷ.

Súc sinh: có chỗ gọi là nhận-lục-phản hoặc gọi là hy-lục-phản, là loài do người nuôi. Hoặc gọi bàng sinh, vì gây ra nghiệp ngang trái nên chịu quả báo cũng ngang trái.

Hỏi: Vì sao ba đường ác đều không có?

Đáp: Người sinh về Tịnh độ, là nhờ có nghiệp duyên lành rất sâu xa, dứt hẳn thân loại khác, đều là chúng đồng sinh. Cũng như cảnh đẹp ở cõi trời cũng phải do nghiệp lành mới sinh về. Cực lạc là cõi cao quý, há lại có nhân ác mà được vãng sinh về đó hay sao? Huống chi Phật Di-đà đã có phát nguyện: “Nếu khi ta thành Phật, nếu trong cõi nước còn ba đường ác, thì ta không thành Chánh giác”, cho nên biết không có ba đường ác

Chánh kinh: Xá-lợi-phất!- Ở cõi nước Phật ấy, danh từ ba đường ác, còn không có huống chi là có thật.

Tán rằng: Thứ tư là không có tên gọi ba đường ác. Tên gọi còn không có, huống chi là có thật ba đường ác.

Chánh kinh: Các loài chim đó, đều do Đức Phật A-di-đà muốn pháp âm được truyền bá, nên biến hóa ra.

Tán rằng: Thứ năm là nói về sự hóa hiện. Lúc đầu trong chúng hội vẫn còn có tâm nghi, đã chẳng phải là thân thật báo, thì do đâu mà có? Ở đây dẫn ra một đoạn văn kinh để đáp.

Hỏi: Đức Phật A-di-đà dùng thần lực rộng lớn biến ra thân Phật, để cho chúng sinh thấy các tướng tốt mà phát tâm, nghe phạm âm mà ngộ đạo, vì sao lại biến ra các loài chim linh để hiển phát giáo môn?

Đáp: Hóa thân là Phật, thì chẳng phải là điều kỳ lạ ít có, nếu hiện ra loài chim linh, các loài mà chúng sinh ít gặp, thì liền phát tâm khó gặp, mà có được niềm tin. Sự hóa hiện có nhiều đường nào có khó gì, huống chi tùy loại mà hóa thân, chỗ nào cũng đều có nói. Rừng quỳnh, lưới báu đều giảng nói pháp âm, nước trong gió mát cũng luận bàn chân giáo, do vậy Phật mới hiện ra các loài chim linh.

Chánh kinh: Này Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia gió nhè nhẹ thổi, làm lay động các hàng cây báu và các mành lưới báu cùng phát ra những tiếng hay, ví như trăm ngàn thứ tiếng nhạc đồng thời trổi lên.

Tán rằng: Thứ tám là gió thổi, phát ra tiếng nhạc. Văn chia làm bốn:

  1. Gió lay cây báu.
  2. Âm thanh như tiếng nhạc.
  3. Nghe sinh ý thiện.
  4. Kết thành trang nghiêm.

Ở đây nói hai phần đầu.

Vi phong là gió nhẹ, gió thổi làm cho cây và mành lưới phát ra tiếng pháp hay.

“Thí như”, “Thí ” là so sánh.

“Như” là tương tự, tựa như trăm ngàn thứ âm nhạc cùng lúc trổi lên. Gió nhẹ từ từ thổi qua, lay động hàng cây và mành lưới, tạo nên các âm vận vang khắp mười phương, âm thanh êm dịu như tiếng nhạc, nên gọi là thí như trăm ngàn tiếng nhạc cùng lúc trổi lên.

Chánh kinh: Nếu nghe được âm thanh đó, đều tự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Tán rằng: Thứ ba là nghe rồi liền sinh khởi thiện ý. “Tự nhiên” là thói quen nhậm vận. Chẳng phải không có nhân duyên mà gọi là tự nhiên.

Niệm Phật có ba:

  1. Tâm niệm: trong tâm buộc niệm.
  2. Niệm tiếng nhỏ: niệm chỉ tự mình nghe.
  3. Niệm lớn tiếng.

Lại có mười công đức:

  1. Dứt buồn ngủ.
  2. Khiến cho ma trời sợ hãi,
  3. Âm thanh vang khắp mười phương.
  4. Ba cõi dứt khổ.
  5. Âm thanh bên ngoài không nhập vào.
  6. Tâm không tán loạn.
  7. Tinh tấn mạnh mẽ.
  8. Chư Phật vui mừng.
  9. Tam-muội hiện tiền.
  10. Vãng sinh Tịnh độ.

Lại chia thành bốn trường hợp:

  1. Tâm niệm miệng không niệm.
  2. Miệng niệm tâm không niệm.
  3. Tâm miệng đều niệm.
  4. Tâm miệng đều không niệm.

Trong bốn trường hợp này thì câu thứ nhất và câu thứ ba là đúng. Trong Kinh Thụy Tướng chép: “Gió mát nhè nhẹ thổi, không lạnh không nóng, lay nhẹ các mành lưới báu và các hàng cây báu, giảng nói pháp âm mầu nhiệm vô thượng. Nếu người nghe được sẽ dứt trừ hết bụi nhơ, vui sướng tự nhiên, như được Tam-muội.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia có các công đức trang nghiêm như thế.

Tán rằng: Thứ tư là kết thúc thành tựu cõi Cực Lạc trang nghiêm.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Ý thầy nghĩa sao? Đức Phật kia vì sao hiệu là A-di-đà?

Lời tán: Dưới đây là phần hai, nói về công đức của thân Phật, văn chia làm hai:

  1. Nói về công đức của hóa chủ.
  2. Công đức của thính chúng.Phần đầu lại chia làm ba:
  1. Hỏi về danh hiệu Phật.
  2. Nói lý do vì sao có danh hiệu ấy.
  3. Nói về kiếp số thành Phật.

Ở đây nói phần một, Phật tự nêu.

Chánh kinh:Xá-lợi-phất! Đức Phật ấy ánh sáng vô lượng, chiếu khắp các cõi nước trong mười phương, không có chướng ngại, nên hiệu là A-di-đà.

Lời tán: Thứ hai là giải thích vì sao hiệu là A-di-đà, có hai nghĩa:

Do ánh sáng vô lượng nên có tên gọi là A-di-đà.

Do tuổi thọ vô lượng mà có tên gọi là A-di-đà.Ánh sáng có hai thứ:

1. Nội quang: tức là trí chiếu lý ở bên trong.

2. Ngoại quang: ánh sáng soi chiếu ở bên ngoài, đây tức là thân quang. Có tự thể kim cương bất hoại, thân vô ngại giải thoát, như lưu ly thanh tịnh, biểu hiện trong suốt. Ở cõi đó các cảnh vật đều hiện ra trong ánh sáng đó ánh sáng đó thu lại dài một tầm, phát ra thì xa vô lượng. Trong kinh Vô Lượng Thọ chép: “Thân có nhiều ánh sáng, cho đến vô lượng ánh sáng. Chúng sinh hễ nhìn thấy ánh sáng đó thì ba cấu đều tiêu trừ. Nếu ở trong ba đường thấy ánh sáng thì thì sẽ dứt hết khổ nạn, khi chết, được giải thoát”. Trong Đại luận chép: “Các vị Bồ-tát ở cõi Phật A-di-đà thân thường phát ra ánh sáng, chiếu soi đến mười muôn do-tuần. Nếu là ánh sáng của Phật thì chiếu khắp các thế giới ở mười phương”.

Lại, trong Quán Kinh chép: “Thân Đức Phật kia như trăm ngàn muôn ức sắc vàng Diêm-phù-đàn ở cõi trời Dạ-ma, thân Phật cao sáu mươi muôn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần, sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày xoay về bên phải mềm mại như năm ngọn núi Tu-di. Mắt Phật như nước bốn biển lớn, sanh trắng phân chia rõ ràng, các lỗ chân lông trên thân phát ra ánh sáng như núi Tu-di. Vầng ánh sáng quanh thân Phật tròn đầy như trăm ức Tam thiên đại thiên thế giới. Ở trong vầng ánh sáng tròn ấy có trăm muôn ức na-do-tha Hằng hà sa hóa Phật. Mỗi vị hóa Phật cũng có vô số các vị hóa Bồ-tát theo làm thị giả. Đức Phật kia có tám mươi bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám mươi bốn ngàn tướng tốt, mỗi tướng tốt cũng có tám mươi bốn ngàn tia sáng, chiếu khắp vô lượng thế giới trong mười phương”. Do ánh sáng này mà Phật có hiệu là A-di-đà.

Hỏi: Ánh sáng chiếu khắp vô lượng thế giới trong mười phương, vậy sao người ở cõi này không thấy?

Đáp: Hợp đạo thì ngàn dặm cũng khéo ứng, trái đời thì gần như gan mật cũng cách xa. Như người đau mắt không thấy được ánh sáng mặt trời, chẳng lẽ do lỗi mặt trời sao?- Cũng như người điếc không nghe được tiếng sấm, chẳng phải là lỗi của sấm. Chúng sinh nghiệp nặng chướng sâu, Phật có chiếu ánh sáng cũng không thể nào thấy được.

Chánh kinh: Lại Xá-lợi-phất! Tuổi thọ của Đức Phật kia và người dân ở cõi nước Ngài là vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên hiệu là A-di-đà.

Tán rằng: Thứ hai là đáp do tuổi thọ mà gọi tên là A-di-đà. Về tuổi thọ, nói theo thức thứ tám thì đó là công đức nối nhau liên tục, tức là thuộc về hành pháp bất tương ưng.

Vô lượng là không có hạn lượng, vô biên là không bị giới hạn ngăn cách.

A-tăng-kỳ kiếp, Hán dịch là vô ương số kiếp.

Hỏi: Thân Phật và thân chúng sinh ở cõi nước kia, thuộc về hữu vi, chưa ra khỏi bốn tướng thay đổi, làm sao tránh khỏi trong một thời gian bị tiêu diệt?

Đáp: Lìa bỏ hai lớp sinh tử, được thân năm uẩn chân thường, bi nguyện thật vô biên thì thân mạng đâu cùng tận? Huống chi nghiệp sát đã dứt, tuổi thọ phải càng lâu dài chứ.

Hỏi: Đức Phật Di-đà đã ở quả vị Phật, tuổi thọ vô lượng là điều

hiển nhiên. Người dân ở cõi đó vì sao cũng đồng như Phật?

Đáp: Nghiệp chướng nhẹ nhàng, hạt giống lành thêm lớn, thân chẳng phải phần đoạn bản thể xa lìa hẳn sự đến đi, nên việc cũng đồng như Phật theo lý thì không trái.

Nên trong kinh Vô Lượng Thọ chép: “Tuổi thọ của Đức Phật kia rất lâu dài không thể tính kể. Dù cho chúng sinh trong vô lượng thế giới ở mười phương đều chứng quả A-la-hán, cùng tư duy trong trăm ngàn muôn kiếp cũng không tính biết được tuổi thọ của Phật. Tuổi thọ của Bồ-tát, trời, người cũng giống như thế.”

Lại, trong Kinh Thanh Tịnh Giác chép: “Đức Phật A-di-đàmuốn cho tất cả chúng hữu tình trong cõi nước đó đều được giải thoát. Nếu là bậc Bồ-tát thì đều giúp cho thành Phật. Sau khi thành Phật thì lần lượt giáo hóa tất cả chúng sinh khác đều được giải thoát, tất cả chúng sinh đó tu hành thành Phật rồi lại giáo hóa tất cả chúng sinh khác nữa cũng được giải thoát rồi sau đó mới nhập Niết-bàn”. Như vậy đủ thấy tuổi thọ của Phật là vô lượng vô biên.

Hỏi: Người dân ở cõi nước đó là phần đoạn hay biến dịch?

Đáp: Nếu nói về báo độ thì là thân biến dịch, còn nói về hóa tịnh quốc thì thân phần đoạn chưa dứt.

Hỏi: Đức Phật kia tuổi thọ lâu dài, trong kinh đã có nói nhưng chẳng hiểu là từ khi thành Phật đến nay, đã bao nhiêu kiếp rồi?

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Phật A-di-đà từ khi thành Phật đến nay đã trải qua mười kiếp.

Tán rằng: Thứ ba là nói về kiếp số thành Phật.

Chánh kinh: lại Xá-lợi-phất!- Đức Phật kia có vô lượng vô biên đệ tử Thanh văn, đều là bậc A-la-hán, chẳng thể dùng con số tính toán để biết được. Các chúng Bồ-tát cũng giống như thế.

Tán rằng: Thứ hai là nói về công đức của thính chúng. Đoạn văn này chia ra làm bốn:

  1. Hai chúng Đại thừa, Tiểu thừa số lượng nhiều vô biên.
  2. Nhân công hạnh mà hai chúng tân cựu có khác nhau.
  3. Khuyên sinh về nước kia.
  4. Khuyên sinh có lợi ích.

Ở đây là nói về phần đầu, lại chia làm hai:

  1. Nói về chúng nhiều ít.
  2. Kết thúc thành tựu trang nghiêm.

Ở đây nói phần đầu: Chúng đệ tử Thanh văn: là do âm thanh mà ngộ đạo, nên gọi là Thanh văn.

Đệ tử: Lớn lên sau ta gọi là Đệ, nhờ ta mà giải ngộ gọi là tử.

Đều là bậc A-la-hán là phân biệt với ba quả trước. “Chẳng thể dùng con số tính toán mà tính biết được” vì toán số không với tới được. Các Bồ-tát cũng giống như thế, cũng không thể dùng con số tính toán mà biết được.

Hỏi: Chúng sinh cõi đời vẩn đục, nghiệp nặng khó hóa độ, nên Phật nói về ba thừa. Chúng sinh ở Tịnh độ tin sâu nên dễ khuyên hóa, vì sao còn nói bốn quả?

Đáp: Có hai ý:

1. Muốn nói sự hóa trạch bao trùm cả sâu cạn, cho nên hạng người gây ra năm tội nghịch mười điều ác cũng sinh về đó.

2. Nói lên quyến thuộc trang nghiêm nên có nhiều chúng vây quanh nên tuy là cõi Tịnh, nhưng cũng có các Thanh văn, nên trong kinh Pháp Hoa chép: Khi Đức Phật kia đản sinh, tuy chẳng phải đời ác nhưng vì bổn nguyện, nên Phật cũng nói pháp ba thừa. Quán Kinh cũng chép: Người căn cơ Tiểu thừa sinh về nước kia đều đắc bốn quả.

Hỏi: Nếu nói về báo độ chân tịnh, thì người Nhị thừa không thể sinh về đó, nếu nói về hóa hiện cõi tịnh thì bốn quả đều được vãng sinh, vì sao nói đều là bậc A-la-hán, mà không nói ba quả kia?

Đáp: Người Thanh văn quyền hóa ở báo Tịnh độ, y cứ theo sự tốt đẹp cõi đó, thì không nói bốn quả trong hóa Tịnh độ đều hàng phục được sự phân biệt trong quả vị gia hạnh, mới được sinh về Tịnh độ. Trong kinh Vô Lượng Thọ chép: nhị thừa không sinh về báo độ.

Chánh kinh: Này Xá-lợi-phất! Cõi nước của Phật kia có các công đức trang nghiêm như thế.

Tán rằng: Thứ hai là kết thúc thành tựu cõi trang nghiêm.

Chánh kinh: Lại, Xá-lợi-phất! Ở cõi nước Cực lạc, chúng sinh sinh về đó đều là bậc A-bệ-bạt-trí.

Tán rằng: Thứ hai là do công hạnh mà có hai chúng mới cũ khác nhau.

Văn này chia làm hai:

  1. Chúng mới sinh về được không lui sụt.
  2. Chúng Bổ xứ ở ngôi vị cao.

A-bệ-bạt-trí hoặc gọi là A-duy-việt-trí, đó là tiếng Phạm, Hán dịch là Không lui sụt chuyển (không lui sụt).

Không lui sụt có năm:

  1. Tín không lui sụt.
  2. Vị không lui sụt.
  3. Chứng không lui sụt.
  4. Hạnh không lui sụt.
  5. Phiền não không lui sụt. Vì không còn bị phiền não làm thối chuyển.

Hỏi: Sinh về cõi kia nhờ đâu lại không lui sụt?

Đáp: Vì không có năm duyên lui sụt:

  1. Không bị bệnh khổ ràng buộc.
  2. Không trái với hạnh.
  3. Thường tụng kinh pháp.
  4. Thường làm việc lành.
  5. Hòa thuận luôn luôn, không hề có việc chống trái, tranh cãi, nên gọi là Không lui sụt.

Còn chúng sinh ở cõi vẩn đục này đa phần trái vo năm điều trên, lại bị cảnh dục kéo lôi, nên phần nhiều đều lui sụt.

Chánh kinh: Ở cõi đó có nhiều vị Nhất sinh Bổ xứ, số ấy rất nhiều, chẳng thể dùng con số tính toán mà biết được, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên a-tăng-kỳ mà thôi.

Tán rằng: Thứ hai là nói về chúng Bổ xứ ở địa vị cao.

Nhất sinh Bổ xứ: “Bổ” là bổ khuyết, “Xứ” là nơi chỗ, các vị Bồtát này đã viên mãn Thập địa, đủ ba a-tăng-kỳ kiếp, hết đời này sẽ thành Chánh giác, nên gọi là Nhất sinh bổ xứ, văn các kinh khác dễ dàng thấy được, như Đức Di-lặc hiện ở cõi trời, tương lai quả thành, một đời bổ khuyết chỗ đấng Đại giác, trong ba hội độ chúng vô lượng.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Khi ta thành Phật, các Bồ-tát ở các cõi nước khác sinh về nước ta, rốt ráo sẽ đến được giai vị Nhất sinh bổ xứ.”

Vì bổn nguyện này, nên ai sinh về đó cũng được ngôi vị không lui sụt.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Chúng sinh nào nghe được thì nên phát nguyện, nguyện sinh về nước kia.

Tán rằng: Thứ ba là khuyên sinh về cõi kia. Tất cả chúng sinh ở hiện tại, vị lai nếu nghe lời ta nói từ đầu đến đây thì nên phát nguyện, nguyện sinh về nước kia.

Hỏi: Cõi trời của ngài Từ Thị sự vui sướng không thiếu, bạn lành cao quý lại nhiều, vì sao phải nhất định khuyên sinh Tây phương?

Đáp: Nếu nói về cõi Đâu-suất, thì cao quý hơn cõi nhân gian, nhưng so với Cực lạc Tây phương thì còn rất kém. Vì vậy mới khuyên sinh về Tây phương. Sự hơn kém có khác, Tịnh độ có mười điều cao quý, còn cõi Đâu- suất có mười điều thua kém.

Mười điều cao quý của Tịnh độ là:

  1. Là nơi ở của vị hóa chủ.
  2. Tuổi thọ của người được giáo hóa dài lâu.
  3. Cõi nước không bị ba cõi ràng buộc.
  4. Tịnh độ vô dục.
  5. Không có người nữ.
  6. Tu hành không lui sụt.
  7. Tịnh độ không có nhơ đục.
  8. Cõi nước trang nghiêm.
  9. Niệm Phật nhiếp tâm.
  10. Mười niệm được vãng sinh.

Mười điều thua kém ở cõi trời Đâu-suất:

  1. Cõi nước nơi ở thấp kém.
  2. Tuổi thọ của người được giáo hóa có giới hạn.
  3. Bị ba cõi ràng buộc.
  4. Có dục lạc.
  5. Nam nữ ở chung.
  6. Tu hành có lui sụt.
  7. Cõi nhơ đục không thanh tịnh.
  8. Cõi nước kém trang nghiêm.
  9. Niệm thiện nhiếp các căn.
  10. Tu hành khổ nhọc.

Vì có mười điều cao quý và mười điều thua kém này, nên mới khuyên sinh về Cực lạc.

Chánh kinh: Vì sao? Vì được ở chung một chỗ với các bậc Thượng thiện.

Tán rằng: Thứ tư là khuyên sinh lợi ích.

Các bậc Thượng thiện: “thiện” là việc lợi ích cho con người trong quá khứ và hiện tại, “Bậc” là các Thanh văn không lui sụt và Bồ-tát Bổ xứ đều ở chung một hội Tây phương.

Cùng một thầy tiến nghiệp, thì phải nhờ duyên lành. Kết bạn gây thù thì chỉ trở thành bè đảng ác. Mạnh mẫu dời nhà tìm nơi ở tốt, Tuyên Ni không uống nước trộm trên dòng suối, ấy đều là vì mến điều thiện và hổ thẹn điều ác. Mến điều lành thì an lành trong cảnh tịnh, gây ra điều ác thì buông thả huân tập theo điều ác. Khuyên sinh về Tịnh độ gần gũi bạn lành thầy tốt.

Chánh kinh: Xá-lợi-phất! Không thể với chút ít gốc lành phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi kia.

Tán rằng: Từ đây trở xuống là phần hai, nêu nhân cao quý của cõi Cực lạc, văn chia làm năm đoạn:

  1. Ngăn chút ít điều lành.
  2. Nói nhiều nhân.
  3. Thánh chúng đến đón rước.
  4. Chúng sinh được vãng sinh.
  5. Kết khuyến vãng sinh.

Ở đây nói về phần đầu, không thể với chút ít gốc lành mà được sinh về cõi Tịnh độ cao quý.

Hỏi: Mười niệm Di-đà được đốn nước sinh về Tịnh độ, theo lời nói này thì quả lớn lao mà nhân thì nhỏ, vì sao chút ít nhân duyên lành không được sinh về cõi kia?

Đáp: Mười niệm được vãng sinh Tịnh độ là để tiếp dẫn các chúng sinh biếng nhác, còn nói về nhiều nhân duyên lành, là gồm nhiếp những người siêng tu tinh tấn, hoặc nói rộng hoặc nói lược, không trái với lý.

 

Trang: 1 2 3