LUẬN ĐẠI TÔNG ĐỊA HUYỀN VĂN BỔN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Phần thứ 17: ĐẠI QUYẾT TRẠCH ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ SƠN VƯƠNG TỰ TẠI ĐẠO LỘ

(Phần quyết trạch về con đường tự tại độc nhất vô nhị của Sơn Vương)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch độc địa độc thiên nhất chủng quảng đại vô nhị Sơn Vương. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch độc nhất vô nhị Sơn Vương tự tại đạo lộ. Tướng trạng đó thế nào?

Kệ nói:

Trong phạm vi con đường tự tại
Tổng quát có ngàn lớp tướng chuyển
Đó là trong một loại Bổn – Thượng
Tất cả đều có số năm trăm.

Luận nói: Ở trong phần nói về con đường tự tại duy nhất của Sơn Vương này, tổng quát có ngàn lớp sai biệt về tướng chuyển, đó có nghĩa là trong phạm vi căn bản và phía trên cao đều có năm trăm phần vị. Như kệ nói: “Trong phạm vi con đường tự tại, tổng quát có ngàn lớp tướng chuyển, đó là trong một loại Bổn – Thượng, tất cả đều có số năm trăm”.

Căn bản Chuyển có hình tướng như thế nào? Kệ nói:

Hướng về một căn bản chuyển xuống
Chuyển tiếp một không và một có
Chuyển dần cho đến thứ năm trăm
Những phần vị khác cũng như vậy.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị dựa vào một môn căn bản hướng về phía dưới mà chuyển, có một kim cang và không một kim cang, như thứ tự ấy từng loại một hiện rõ trước mắt, dần dần chuyển đi vào, cho đến thứ năm trăm, không cùng tận – không giới hạn và không trước sau, đầy đủ hoàn toàn và trọn vẹn bao la mà luôn luôn chuyển tiếp. Như kệ nói: “Hướng về một căn bản chuyển xuống, chuyển tiếp một không và một có, chuyển dần cho đến thứ năm trăm, những phần vị khác cũng như vậy”. Hướng lên trên chuyển có hình tướng cũng theo lệ này nên biết. Trong kinh Nhân Minh Tánh Đức giải thích như vầy: “Không khác nào cha con Pháp Tạng suốt ngày hướng lên trên chuyển đi, có trước sau nhưng mà không cùng tận, hướng về phía dưới chuyển vào, có trước sau nhưng không cùng tận. Có trước sau, là bắt đầu từ phần vị của tín… cho đến số lượng năm trăm. Không cùng tận, là biển cả pháp tạng rộng lớn vô cùng”. Cho đến nói rộng.

 

Phần thứ 18: ĐẠI QUYẾT TRẠCH MA HA VÔ NHỊ SƠN VƯƠNGTỐI THẮNG CAO ĐẢNH NHẤT ĐỊA

(Phần quyết trạch về một địa vị rất cao đẹp đẽ nhất của Sơn Vương độc nhất)

Như vậy đã nói về phần Đại quyết trạch độc nhất vô nhị Sơn Vương tự tại đạo lộ. Tiếp theo sẽ nói về phần Đại quyết trạch ma ha vô nhị Sơn Vương tối thắng cao đỉnh nhất địa. Tướng trạng đó thế nào?

Kệ nói:

Bổn – Thượng không có gì cùng tận
Kiến lập những tên gọi như vậy
Tất cả những phần vị còn lại
Cũng như vậy thuận theo biết rõ.

Luận nói: Nay trong kệ này là trình bày về nghĩa gì? Là muốn hiển thị Bổn bổn vô cùng tận – Thượng thượng vô cùng tận, Bổn thượng vô cùng tận – Thượng bổn vô cùng tận, một với một vô cùng tận – nhiều với nhiều vô cùng tận, cùng nhau với cùng nhau vô cùng tận – khác nhau với khác nhau vô cùng tận, bằng nhau với bằng nhau vô cùng tận – riêng biệt với riêng biệt vô cùng tận, có cùng tận vô cùng tận – không cùng tận vô cùng tận, rộng lớn bao la đầy đủ trọn vẹn tất cả. Như kệ nói: “Bổn – Thượng không có gì cùng tận, kiến lập những tên gọi như vậy, tất cả những phần vị còn lại, cũng như thế thuận theo biết rõ”. Trong Kinh Ma Ha Diễn Hải giải thích như vầy: “Trong biển cả của thiền định Ma-ha-diễn, có một ngàn hai trăm phẩm loại vô cùng tận, đồng thời chuyển đầy đủ”. Cho đến nói rộng.