KINH HA-ĐIÊU A-NA-HÀM

Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đàm-vô-lan, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Ha-điêu A-na-hàm dẫn năm trăm Ưu-bà-tắc đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất làm lễ, rồi lui ra ngồi một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết giảng kinh cho họ nghe. Nghe xong, mọi người rất vui mừng, rồi lui ra.

Bấy giờ, mọi người đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, chắp tay đi nhiễu Phật ba vòng, rồi ngồi qua một bên.

Phật hỏi Ha-điêu A-na-hàm:

–Nhờ những công đức nào mà ông giáo hoa được năm trăm người đệ tử này theo ông?

Ha-điêu A-na-hàm liền quỳ gối, chắp tay thưa:

–Con thường vâng giữ bốn điều Phật dạy. Bốn điều đó là:

  1. Bố thí cho người.
  2. Nói lời tốt đẹp.
  3. Xem xét bạn bè, giúp đỡ cho họ đầy đủ những vật cần dùng.
  4. Giúp đỡ tài vật cho bạn bè không tính toán.

Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Chư Phật ở quá khứ không hề bỏ qua bốn việc này. Chư Phật ở đời sau cũng không bỏ qua bốn việc này. Chư Phật hiện tại cũng không bỏ qua bốn việc này.

Nghe Phật nói kinh xong, Ha-điêu A-na-hàm và mọi người rất vui mừng, làm lễ và lui ra. Về nhà, Ha-điêu A-na-hàm gọi những người giúp việc, nô tỳ ra ngồi ở trước nhà, rồi thuyết kinh, mở bày cho họ, về đường thiện ác, sinh tử. Lại lên điện trên, gọi những người coi kho, cô hầu ra trước, để nói kinh giới cho họ. Tất cả đều rất vui mừng. Lại đến điện sau, nói kinh giới cho các phu nhân, phụ nữ. Sau đó đến điện chánh, ăn chay giữ giới, lên tòa ngồi ngay thẳng, nhớ nghĩ chân chánh, liền được tâm bình đẳng.

Khi ấy, Tứ Thiên vương ở cõi trời thứ nhất, mời chư Thiên đến hội họp, cùng nhau khen ngợi công đức của Ha-điêu A-na-hàm. Vị vua lớn nhất trong bốn Thiên vương hạ xuống, đến chỗ Ha-điêu Ana-hàm, khen ngợi công đức của ông ta. Lúc đó, Ha-điêu A-na-hàm được tâm bình đẳng, không đáp lời Thiên vương. Một vị Tỳ-kheo ở bên Phật, đến nhà Ha-điêu A-na-hàm. Ông ta liền đứng dậy đón tiếp vị Tỳ-kheo, mời ngồi ở trước.

Tỳ-kheo nói:

–Ở trong chúng, Phật thường khen ngợi công đức của ông.

Ha-điêu A-na-hàm hỏi Tỳ-kheo:

–Khi Phật khen ngợi con, có người cư sĩ nào ở đó không?

Tỳ-kheo đáp:

–Không có cư sĩ. Nếu có cư sĩ sẽ gây ra sự ganh tị nghi ngờ gì?

Ha-điêu A-na-hàm thưa:

–Phật nói lời chân thật, sợ cư sĩ không tin, sẽ bị đọa vào địa ngục. Nếu người tin lời Phật, liền đến hầu hạ con, ban phát cho con. Con không thích làm phiền người khác. Do đó, nên con mới hỏi như vậy.

Khi Tỳ-kheo từ giã ra về. Ha-điêu A-na-hàm thưa:

–Có lẽ từ sớm đến giờ thầy chưa ăn gì. Xin mời thầy ở lại dùng bữa.

Nói xong, ông ta liền đi lấy nước và thức ăn.

Ăn uống xong, Tỳ-kheo trở về, bạch Phật:

–Con đến nhà Ha-điêu A-na-hàm nói: “Ở trong chúng, Phật thường khen ngợi Ha-điêu A-na-hàm.”

Nhân đó, ông ta hỏi con: “Khi Phật khen ngợi con, có cư sĩ nào ở đó không?”

Con nói: “Không có cư sĩ. Nếu có, cư sĩ sẽ gây ra sự ganh tị nghi ngờ gì?”

Ha-điêu A-na-hàm thưa: “Phật khen ngợi con là lời thành thật, không sai. Cư sĩ không tin lời Phật, sẽ bị đọa vào địa ngục. Nếu tin thì lại đến hầu hạ con. Con không thích làm phiền người khác. Do đó, nên mới hỏi như vậy.” Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Ta chưa từng nói bảy việc của Ha-điêu A-na-hàm cho các ông nghe. Nay lại có thêm một việc nữa là tám việc.

Tám việc đó là:

  1. Không mong cầu, không muốn cho người ta biết đến.
  2. Có lòng tin, nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  3. Biết sợ hãi tội lỗi, nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  4. Biết hổ thẹn, nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  5. Rất sáng suốt tiến tới nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  6. Tự xem xét nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  7. Đắc thiền định nhưng không muốn cho người ta biết đến.
  8. Thông tuệ nhưng không muốn cho người ta biết đến.

Sở dĩ không muốn cho người ta biết đến là vì: Không muốn làm phiền người khác, nên không muốn làm cho người khác biết đến.

Phật giảng nói kinh xong, các Tỳ-kheo lòng rất vui mừng, đều đến trước Phật làm lễ và lui ra.