PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 12: THỌ KÝ KHẨN-NA-LA VƯƠNG

Khi ấy, trong hội có tám ức Khẩn-na-la vương, vị đứng đầu tên là Đại Thọ, thấy các A-tu-la vương cho đến chúng Dược-xoa vương cúng dường Đức Phật; lại nghe Như Lai riêng thọ ký cho họ, tâm sinh nghi sợ khen chưa từng có. Nghĩ rằng: “Nếu Phật nói tất cả thế gian các uẩn, xứ, giới chỉ có giả danh, không có một phần nhỏ nào khiến chúng sinh thấy. Nếu Phật Bồ-tát cũng không thể thấy thì tại sao Đức Thế Tôn ở trong đại chúng lần lượt thọ ký các hàng trời, rồng, lại hóa độ vô lượng hữu tình từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Phụng thờ Như Lai trải qua hằng hà sa kiếp, rộng tu các hạnh, được thành Phật đạo, tướng tốt đầy đủ, quốc độ trang nghiêm thanh tịnh, thọ mạng, kiếp số, tượng pháp bằng nhau, cho đến duyên hết nhập vào Bát-niết-bàn. Đã nói các pháp cũng đều vắng lặng thì tại sao kiến lập việc thọ ký”?

Lúc đó, Đại Thọ Khẩn-na-la vương sinh tâm nghi này mà chưa được giải quyết, liền chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ thưa hỏi:

Con nghe Như Lai nói như vậy
Đối diệu tuệ Phật tâm còn nghi
Đã nói không rồi lại thọ ký
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Lại nói pháp giới vốn vắng lặng
Lại nói như trăng hiện mặt nước
Đã nói vắng lặng lại hiện hình
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao các pháp vốn không sinh
Lại nói người vui cầu Bồ-đề
Đã nói không sinh sao có cầu
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao các pháp vốn vô tận
Lại nói Như Lai có diệt độ
Con nay thỉnh hỏi Mâu-ni Tôn
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao các pháp đều như huyễn
Lại nói mạng chung được sinh Thiên
Đã nói như huyễn sao có sinh
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao các pháp không chỗ nương
Lại nói nương vào Thiện tri thức
Đã nói không nương sao nhờ người
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao thế gian không tác giả
Lại nói có thể đoạn các hoặc
Đã nói vô tác đoạn từ đâu
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Tại sao các pháp tự tánh không
Lại nói quán không được giải thoát
Đã nói không rồi quán cái gì
Nghĩa này thậm thâm không thể biết.
Sao nói các pháp sát-na diệt
Lại nói các pháp thường không diệt
Đã nói thiên biến hoặc phi thường
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Sao nói phước nghiệp không tích tụ
Mà nói tu tập thành Bồ-đề
Đã nói không tập đâu thể thành
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Sao nói các pháp không sở thuyết
Lại nói hủy báng đọa đường ác
Nói không thuyết hủy báng sinh đâu
Nghĩa này thậm thâm không thể hiểu.
Không ai hơn nữa để tuyên nói
Mỗi thứ sai khác khó hiểu nỗi
Mắt Phật thanh tịnh chiếu thế gian
Thí khắp chúng sinh vị cam lồ,
Không ai có thể vì chúng con
Giải quyết những điều nghi ở trên
Chỉ có Như Lai mới đoạn trừ
Nên con đảnh lễ Nhất Thiết Trí.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Đại Thọ Khẩn-na-la vương giải thích những điều nghi ngờ bằng kệ đáp:

Khẩn-na-la vương điều ông hỏi
Không dựa vào đâu để thọ ký
Do vì đạt pháp tánh vốn không
Nên được Đức Như Lai thọ ký.
Vì nhân duyên gì nói lời này
Nếu như các pháp có thật tánh
Thì nó không giảm cũng không tăng
Bất cứ lúc nào không chuyển đổi.
Ví như gương tròn treo trên không
Nhờ ánh sáng soi hiện sắc tượng
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tự tánh thanh tịnh vốn như vậy.
Pháp tánh không nhơ vốn vắng lặng
Cũng không động loạn và biến đổi
Ông quán nhân phước nghiệp cúng dường
Ở trong pháp nào có tướng ấy.
Nên biết pháp giới vốn vắng lặng
Người trí quán pháp không thể được
Người phàm phu chấp vào các tướng
Do vậy nghi hoặc không thể hiểu.
Ông hỏi các pháp vốn không sinh
Lại nói phát tâm cầu Phật đạo
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Mười lực diệu trí khó nghĩ bàn.
Phàm ngu chìm đắm trong ba cõi
Đối các cảnh dục sinh đắm trước
Do đó thường sinh tâm điên đảo
Nên chịu sinh tử các khổ não.
Từ xưa chưa từng nghe chánh pháp
Nếu có nghe rồi nhưng không hiểu
Khiến cho an trụ trong thật trí
Dần dần cầu hướng quả Bồ-đề.
Ông hỏi các pháp vốn không diệt
Cớ gì Như Lai có diệt độ
Vì phá chúng sinh chấp thường kiến
Không có pháp nhỏ nào là thường.
Ông hỏi các pháp cũng như huyễn
Thấy người sinh Thiên nên hoài nghi
Vì hóa phàm ngu các chúng sinh
Cậy vào chính mình sinh kiêu mạn.
Ông hỏi các pháp không chỗ nương
Mà thấy nương vào Thiện tri thức
Nếu không nương vào thầy dạy pháp
Thế gian nhất định không thoát khỏi.
Ông hỏi các pháp không chủ tể
Mà thấy thế gian có tác giả
Hãy xem xe do các vật thành
Nên có việc tác dụng vận tải.
Vì hóa độ chúng sinh chấp ngã
Và những ai chấp vào ngã sở
Ta vì họ nói không kham nhậm
Thế nên chỉ có tưởng giả danh.
Ông hỏi các pháp tự tánh không
Lại nói quán không được giải thoát
Do vì tâm phân biệt chấp trước
Nên đối nghĩa không không hiểu rõ.
Ông hỏi các hành sát-na diệt
Lại nói các pháp tánh không diệt
Vì phá chúng sinh đắm trước dục
Ở chỗ không tịnh sinh tưởng tịnh,
Giống như từ xa thấy sóng nắng
Người khác đến đó để tìm nước
Đều từ vọng tưởng sinh phân biệt
Nên biết thể nước không thể được.
Chỗ sóng nắng kia vốn không nước
Trong tự tánh tịnh vốn không nhiễm
Do người ngu kia tâm điên đảo
Nên luôn bị nó trói buộc.
Ông hỏi các pháp không sở thuyết
Nên người hủy báng đọa đường ác
Người ngu nghe rồi ôm nghi sợ
Người trí nghe rồi trừ chướng ngại.
Các pháp thế gian vốn vắng lặng
Người vô trí vọng chấp là ngã
Nếu như họ nghe các pháp không
Thì sinh tưởng đoạn diệt lo sợ.
Nếu như người hủy báng pháp không
Đều do chấp trước tướng nhân ngã
Cũng như trói buộc treo hư không
Tăng trưởng ngu si đọa đường ác.
Hoặc nói thiện nghiệp sinh chư Thiên
Hoặc sinh nhân gian thọ vui thích
Tác giả không thật nghiệp không mất
Như cảnh trong mộng chỉ tâm tạo.
Nên biết các nẻo đều như mộng
Do mê chân nên không biết gì
Trong mộng làm gì có đến đi
Người ngu vọng cho là cảnh thật.
Ta tuy nói có chỗ tạo nghiệp
Tìm cầu mười phương không tác giả
Ví như gió mạnh thổi lay cây
Do ma sát nhau sinh ra lửa,
Gió ấy và cây không nghĩ rằng
Ta đây có thể phát ra lửa
Làm nhân cho nhau phát ra lửa
Vốn không tác giả cũng như vậy.
Ông hỏi phước nghiệp không tích tụ
Sao nói có thể được Bồ-đề
Như thế gian có người trăm tuổi
Tuy có trải qua năm không tụ.
Ông hỏi các pháp không thể tận
Tại sao lại nghiệp có thể tận.
Người quán lý không nói vô cùng
Tùy theo thế tục nói có tận
Ta tuy diễn nói chân thật tế
Do vì điên đảo cầu bên ngoài
Chúng sinh hoặc nghiệp chướng duyên thâm
Không thể hiểu pháp thắng nghĩa này.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Đối với thắng nghĩa khéo an trụ
Tất cả các tướng đều nhất tướng
Người khéo thông đạt gọi vô tướng.
Tất cả sở hành của Bồ-tát
Tất cả các pháp đều vô tác
Đó là chữ “A” môn Tổng trì
Do đó hiểu được tất cả pháp,
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp vốn vắng lặng
Đây nói vô tướng Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không phân biệt
Đây nói bình đẳng Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không tự tánh
Đây nói thanh tịnh Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không có tận
Đây nói ly chướng Tổng trì môn
Từ môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không nghĩ bàn
Đây nói thật tướng Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không chỗ hướng
Đây nói giải thoát Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp vốn không động
Đây nói chứng tịnh Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp giả danh nói
Đây nói chân thật Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp không thể được
Đây nói ly tướng Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Khẩn-na-la vương ông nên biết
Tất cả các pháp lìa suy nghĩ
Đây nói tĩnh lự Tổng trì môn
Do môn chữ “A” mà hiểu được.
Pháp này không thấy, không đối trị
Cả hai tướng ấy không thể được
Hiểu biết không tướng cũng không danh
Thì mới đầy đủ đạo Bồ-đề.
Nếu pháp thấy được, đối trị được
Pháp này không thật, không bình đẳng
Pháp này tự tánh lìa nói năng
Ví như hư không không giống nhau.
Pháp tánh không có các thứ tướng
Cũng không một tướng, không tướng khác
Không có tướng lạnh và tướng nóng
Như bóng trong gương không thể được.
Không có tướng cong và tướng thẳng
Cũng lại không có tướng tối sáng
Xa lìa tướng nam và tướng nữ
Đó là hiểu rõ tướng chân thật.
Không siểm, không cuồng, không động loạn
Không có mở xếp tướng vi tế
Cũng không tướng giận dữ vui thích
Không tướng khiếp nhược, tướng khởi tận,
Không có tướng nhập và tướng xuất
Cũng không tướng tiến và tướng lùi
Cũng không tướng thức và tướng ngủ
Lại không tướng khứ, lai, hiện tại,
Không phải tướng mắt và nhìn thấy
Cũng không mù lòa và mắt màng
Không phải điều thuận, không cang cường
Không có che giấu và bày ra
Không phải động chuyển và đứng yên
Lìa các hý luận thường vắng lặng
Người trí phải nên quán như thế
Đây là hiểu biết cảnh giới Phật.
Vì muốn điều phục các thế gian
Nên lìa ngôn pháp gượng phân biệt
Đối với thắng nghĩa khéo biết rõ
Thì mới thông đạt tất cả pháp.

Nghe Phật Thế Tôn giải thích những điều nghi rồi và còn được nghe diễn nói Tổng trì tự môn, Đại Thọ Khẩn-na-la vương hiểu rõ một cách sâu xa, tâm rất hoan hỷ thật chưa từng có, dùng sức thần thông hóa ra tám ức lầu gác thù thắng khéo léo tuyệt vời. Hoặc đứng đảnh núi, hoặc ven rừng cây, hoặc hóa hiện ở trên hoa sen, các từng lầu gác đều làm bằng bảy báu, lấy hoa hợp thành lọng treo lên trên, mỗi mỗi đều có tràng phan báu, màn báu, vòng, hoa trang nghiêm theo thứ lớp. Tám ức Khẩn-na-la vương này đều bay lên lầu gác, ở giữa hư không nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi lại dùng các loại hoa trên đồng bằng cho đến dưới nước rải lên Đức Phật. Rải rồi bước xuống lầu gác đi đến chỗ Đức Phật lại nhiễu ba vòng nữa, chiêm ngưỡng tôn nhan mắt không tạm rời, nhất tâm chắp tay đứng qua một bên suy nghĩ: “Đức Như Lai tích tập vô lượng công đức thù thắng từ quá khứ đến hiện tại.”

Đức Phật biết được suy nghĩ ấy liền từ miệng phóng ra ánh sáng thanh tịnh.

Lúc đó Tôn giả Tỳ-kheo Mã Thắng thấy tướng ấy rồi, đảnh lễ Phật dùng ke thưa hỏi:

Nay Đức Như Lai phóng ánh sáng
Tịnh diệu khó lường rất hy hữu
Chúng hội chiêm ngưỡng từ dung Phật
Cũng như vén mây xem trăng tròn.
Người nào nay ở chỗ Thế Tôn
Thích nghe pháp vi diệu tối thượng
Dùng trí chân thật khó biết rõ
Phóng ánh sáng này chắc ấn khả.
Người nào mới phát tâm Bồ-đề
Cảm Phật gia trì hiện điềm này
Cúi xin nói nhân duyên phóng quang
Nhiếp các ngoại đạo sinh niềm tin.
Khi ấy chúng hội đến tập hợp
Thảy đều hoan hỷ phát tịnh tâm
Mong nghe tiếng cam lồ thanh tịnh
Nghe rồi phụng hành lời Phật dạy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì Tôn giả Tỳ-kheo Mã Thắng nói kệ rằng:

Tỳ-kheo Mã Thắng hỏi nghĩa này
Nên nhất tâm nghe chớ vọng ngoại
Ta nay sẽ vì Khẩn-na-la
Thọ ký vị lai thành Phật sự.
Những điều họ hỏi rất khó giải
Đều vì lợi lạc các thế gian
Ta nay vì đoạn tâm nghi ấy
Khiến đối pháp pháp khéo an trụ.
Đại Thọ Khẩn-na-la vương này
Cùng với tám ức chúng quyến thuộc
Do khởi cúng dường nhân tịnh phước
Mạng chung sẽ được sinh chư Thiên.
Ở trên cõi trời thọ vui thích
Mãn đủ chín mươi ức năm rồi
Đạt được năm thần thông như ý
Thân cận phụng thờ hà sa Phật.
Trải qua vô lượng các quốc độ
Thường nói pháp thắng nghĩa đệ nhất
Hóa độ vô biên các hữu tình
Được thành Vô thượng đạo Bồ-đề.
Hiệu là Vô Lượng Quang Như Lai
Kiếp, danh, quốc độ đều không khác
Nhân Trung Sư Tử mười lực tôn
Đầy đủ vô biên đại trí tuệ.
Các Bồ-tát ở trong nước ấy
Tu tập thiện căn đều viên mãn
Không có người cầu đến
Nhị thừa Đều là Nhất sinh ở Bổ xứ.
Các chúng Bồ-tát kia như vậy
Với lòng Bi nguyện lợi quần sinh
Hay ban ánh sáng cho thế gian
Sau sẽ lần lượt được thành Phật.
Các quốc độ ấy rất trang nghiêm
Lìa các uế ác không phiền não
Cũng như Đổ-sử-đa Thiên cung
Thọ dụng thanh tịnh biết tri túc.
Tất cả lỗi lầm và tám nạn
Cho đến danh tự chưa từng nghe
Hữu tình sống trong đó an ổn
Thường dùng pháp vi vui thiền duyệt.
Lớn thay, Thiện Thệ Thiên Trung Thiên
Thọ ký Khẩn-na-la thành Phật
Chúng hội nghe rồi tâm thư thái
Cúi đầu đảnh lễ Vô Thượng Sĩ.