SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 8

Phẩm 39: NHÂN DUYÊN CÁI SỰ

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở nước La-duyệt-kỳ tại tinh xá Trúc lâm. Ngài A-nan ngồi trong vườn trúc, tâm tư suy nghĩ: “Như Lai ra đời rất là đặc biệt nay các đệ tử nhờ ân của Phật mà được bốn việc cúng dường không bị thiếu thốn, đều được an ổn, lại dứt trừ khổ, tất cả thế gian. Vua quan, dân chúng cũng được lợi ích lớn, được gặp Tam bảo, nhân dân an lạc đều nghĩ do uy lực của Thế Tôn mà được”. Nghĩ như thế rồi, ngài A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Phật. Khi đó Đức Thế Tôn vì bốn bộ chúng rộng thuyết Diệu pháp. Tôn giả A-nan đến trước chỉnh lại y phục, bày vai bên phải, gối phải chấm đất, chắp tay quỳ bạch về ý nghĩ của mình khi ngồi trong rừng. Đức Phật bảo:

– Này A-nan, như lời ông nói, Như Lai ra đời thật là hy hữu, khiến cho tất cả chúng sinh đều được lợi ích. Lại nữa, này A-nan, Đức  Như Lai Chánh Giác chẳng những ngày nay làm lợi ích chúng sinh, mà ở đời quá khứ, cũng làm lợi ích như vậy.

Ngài A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, trong đời quá khứ Thế Tôn làm lợi ích chúng sinh như thế nào, xin nói cho chúng con được biết?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, quá khứ lâu xa kiếp a-tăng-kỳ, ở cõi Diêm-phù-đề này có bốn con sông và hai ông vua nước lớn. Một ông tên Bà-la-đề- bà (Tần dịch Phạm Thiên) chiếm cứ riêng ba con sông, nhân dân giàu thịnh, nhưng trái lại quân sự kém cỏi. Một ông vua tên là Phạt-xà-kiến-đề (Tần dịch Kim Cang Tụ) chỉ có một con sông, nhân dân cũng ít nhưng về quân sự rất hùng mạnh. Khi đó vua Kim Cang Tụ đang ngồi trên bảo điện một mình suy nghĩ: “Như ta hiện nay, binh lính hùng  mạnh mà được có một con sông ít nước, còn nước kia quân lực kém mà chiếm giữ ba con sông, nay nên sai sứ sang đòi một con sông. Nếu cho ta thì cùng thân hậu, trong nước có vật gì tốt, sẽ đem tặng biếu nhau, nếu có gặp khó khăn, ta sẽ đem quân sang cứu giúp; nếu không nhường cho một con sông thì ta sẽ dùng binh lực sang chiếm đoạt.” Nghĩ như thế rồi, vua triệu tập các đại thần cùng bàn bạc việc này. Các quan cùng bàn nói:

– Nay chính đúng lúc. Vua liền sai dịch sứ đến nước vua Phạm Thiên, trình bày rõ ý của vua mình, cho vua Phạm Thiên nghe. Vua Phạm Thiên nghe xong lại tự suy nghĩ: “Nước ta giàu có, nhân dân đông đúc, lại nữa đất nước này do phụ vương để lại cho ta, nếu họ dùng binh lực tranh giành, ta cũng không nhường nhịn họ.” Nghĩ thế rồi, vua báo cho sứ giả:

– Nước này không phải tự ta mà có, mà là của vua cha truyền lại cho ta. Như nay ta binh lực cũng không kém gì vua ngươi, nếu vua nhà ngươi muốn quyết tranh thì ta cũng không sợ gì. Sứ giả liền trở về nước, trình bày mọi việc cho vua nghe. Vua Kim Cang Tụ họp quân tấn công nước của vua Phạm Thiên cùng chiến đấu một trận. Vua Phạm Thiên bại trận, quân lính chạy tán loạn. Thừa thế, quân vua Kim Cang Tụ đuổi theo, chạy đến kinh thành, nhân dân sợ hãi, không dám ra ngoài. Các quan đều cùng nhau đến tâu vua Phạm Thiên:

– Tâu đại vương, nước họ binh lính hùng mạnh, nước ta quân yếu. Bệ hạ tiếc một con sông mà nay phải chịu bại trận thế này. Nếu để tình trạng như thế này không lâu sợ e sẽ mất nước. Cúi mong bệ hạ mở lòng cho họ một con sông để tình cảm được thân thiết đậm đà, mà dân chúng được an ổn. Vua nghe theo ý của quần thần, liền sai sứ đến trong quân lính nước kia thưa với vua Kim Cang Tụ:

– Vua nước chúng tôi nay trả lại con sông và còn dâng cho vua một người con gái. Từ nay nước tôi có vật gì đặc biệt, quý báu sẽ đem cống hiến thêm, gặp lúc nguy nan, sẽ cùng đến tiếp giúp. Khi ấy, vua Kim Cang Tụ đồng ý rút quân dẫn người con gái về và cưới làm vợ, mọi thứ đều hòa giải. Trải qua một thời gian, vua ăn ở với phu nhân có thai, sau khi mang thai, thường có một cái dù lớn bằng  bảy báu tự nhiên hiện ra che trên người, lúc đi đứng hay nằm ngồi chiếc dù ấy cũng đều có như thế, mãi cho đến mười tháng, sinh được một đứa con trai, thân màu sắc vàng tía, trên đầu tóc xanh mướt, có ánh sáng lóng lánh nơi thân thể. Đứa nhỏ từ khi sinh ra thì cái dù ấy lại hiện che trên đầu của nó. Mời các thầy tướng đến xem tướng cậu bé. Thầy tướng vào xem đưa tay lên khen rằng:

– Lành thay! Lành thay!

Họ khác miệng đồng lời tâu vua:

– Nay nhìn thấy thái tử đức lực không thể bì, nhân tướng đầy đủ, ở thế gian rất ít có. Vua và quần thần vui mừng không gì cho bằng, rồi bảo thầy tướng đặt tên cho cậu bé. Theo quốc pháp thời bấy giờ nương theo hai việc mà đặt tên, một là thụy ứng, hai là tinh tú. Thầy tướng tâu đức vua:

– Thái tử đây từ khi nhập thai đến bay có những điềm lành gì?

Vua đáp:

– Có cái tán bằng bảy báu thường ở trên đầu, bèn đặt tên là Sátla-già-lợi (Tần dịch Cái Sự) do có các thứ đẹp lạ lúc nào cũng thừa phụng. Thái tử đến tuổi trưởng thành thì vua cha qua đời. Lễ an táng cho vua xong thì các tiểu vương, đại thần lập Cái Sự lên làm đại vương. Chấp chính được vài năm, một hôm vua đi ra ngoài thành xem thấy các nông dân cày cấy cực khổ, mới hỏi tả hữu:

– Nhân dân nước ta tại sao làm thứ công việc này cực nhọc thế?

Đại thần đáp:

– Tâu bệ hạ, nước lấy dân làm gốc, dân lấy thóc làm mạng sống, nếu không làm lụng như thế thì mạng sống khó bảo tồn, mạng của dân không tồn tại thì đất nước phải nguy vong.

Đức vua nói:

– Nếu phúc đức của ta được làm vua thì khiến dân chúng ta tự nhiên được lúa thóc, không phải làm những việc này. Vua nói lời ấy rồi, tất cả nhân dân, kho lẫm đầy thóc, tùy theo ý muốn mà có được. Lại trải qua một thời gian, vua đi ra ngoài thành dạo chơi, thấy dân chúng đốn củi, gánh nước, giã gạo… làm mọi công tác khó nhọc, vua hỏi các quan:

– Dân chúng làm gì mà cực khổ như thế.

Các quan tâu:

– Nhờ ân đức bệ hạ, tự nhiên được lúa thóc nhưng muốn đem ra ăn cũng cần phải nấu chín, cho nên dân chúng mới làm những việc như vậy!

Vua lại hỏi:

– Nếu phước đức của ta đáng được làm vua thì xin khiến cho tất cả dân chúng trong nước khi muốn ăn thì tự nhiên thức ăn hiện ra trước mặt.

Vua nói lời ấy xong, thì mọi nơi đều được tự nhiên hiện ra như thế. Lại trải qua thời gian sau, vua đi ra ngoài thành dạo chơi, thấy dân chúng làm các việc kéo bông, se tơ, dệt vải, may áo… Vua hỏi các quan:

– Những người này làm việc gì mà trông thấy cực nhọc thế?

Các quan tâu:

– Nhờ ân đức đại vương, họ tự nhiên được có ăn, còn đây là họ dệt vải để may y phục mặc.

Vua lại nói:

– Nếu phúc đức của ta đáng được làm vua, khiến trong nước ta tất cả cây cối tự nhiên sinh ra các thứ y phục. Vừa phát lời ấy xong, tất cả các cây cối trong nước đều sinh ra các thứ y phục rất là mịn nhuyễn, xanh, vàng, đỏ, trắng tùy theo ý thích mọi người. Lại trải qua một thời gian nữa, đức vua lại ra ngoài dạo chơi, nhà vua trông thấy người dân tranh nhau làm các thứ nhạc khí. Vua lại hỏi các quan:

– Nhân dân nước ta làm gì mà nhọc nhằn đến như thế?

Các quan tâu:

– Tâu bệ hạ, những người này nhờ ân đức bệ hạ, được ăn mặc tự nhiên đầy đủ, an ổn cả, họ hiện đang làm các thứ nhạc khí dùng để ca múa cho vui.

Vua nói:

– Nếu phúc đức của ta đáng được làm vua thì khiến cho trên các cây cối trong nước ta đều có các thứ nhạc khí, trống đàn sắt, đàn tỳ bà, không hầu, mọi thứ cần đều được như ý. Vua nói xong thì trên tất cả các cây cối đều mọc ra các thứ nhạc khí. Lại trải qua thời gian nữa, các quan triều, dân chúng đều đến bái  tạ vua, gặp lúc vua ăn cơm, vua liền mời lại dùng cơm. Bấy giờ các quan được vua lưu lại dùng cơm, đầy đủ trăm thứ hương vị, họ đều cùng nhau nói:

– Thức ăn ở nhà của chúng thần, mùi vị lạt lẽo và ít món, nay được bệ hạ cho ăn món ăn của vua, hương vị phi phàm.

Đức vua nói:

– Các khanh và dân chúng nếu muốn được món ăn như trẫm thường dùng hôm nay thì cứ đến bữa ăn sẽ được các thức ăn như ý muốn.

Vua liền ra lệnh các quan tổ chức:

– Khi đến giờ ăn của trẫm thì đánh trống kêu to, khiến cho tất cả dân chúng đều nghe biết, dùng giờ ăn của trẫm khiến dân chúng đều hưởng được trăm vị ngon như ý muốn.

Từ đấy về sau, đến giờ ăn tiếng trống vang lên, tất cả nhân dân nhờ tiếng trống nghĩ đến món ăn, trăm vị ngon ngọt tự nhiên hiện ở trước mặt, họ vui mừng không thể nói sao cho xiết. Bấy giờ, vua Phạm Thiên sai sứ giả đến nước của vua Cái Sự nói:

– Khi vua cha nhà vua còn tại thế, ta có cho cha ngươi một con sông, nay cha ngươi đã qua đời, nên giao trả lại con sông ấy cho ta. Khi đó vua Cái Sự nói với vị sứ giả nước đó:

– Nay đất nước của ta cho đến con sông cũng không phải ta dùng sức mạnh cưỡng bức vua ngươi mà được. Nhưng ta làm vua, không muốn nhìn thấy dân chúng khổ nhọc vì việc nhỏ này, hãy nên hoãn lại, sau này ta và vua của ngươi gặp nhau để nói chuyện việc thiết yếu của đất nước. Sứ giả trở về nước, trình lại mọi việc cho nhà vua. Vua Phạm Thiên đồng ý, định ngày đề gặp. Ngày hẹn đã mãn, hai vua đều đến, quân lính vây quanh đông vô số kể, bố trí đại dinh ở bên bờ sông, hai vua lên thuyền ra giữa sông để gặp nhau. Khi đó vua Phạm Thiên vừa thấy vua Cái Sự, sắc thân chói sáng sắc vàng như núi Tử kim, đầu tóc mượt như lưu ly, mắt to dài trong nhân gian ít có được, trong lòng sinh kính trọng thầm nghĩ: “Chắc là trời Đại phạm!” Gặp nhau ngồi đối diện thăm hỏi, bàn luận về đời sống của hai nước, vua Cái Sự nói:

– Nhân dân nước tôi muốn gì thì tự nhiên có, cũng không có chuyên chở cực nhọc. Lời nói chưa dứt, thì giờ ăn đã đến, quân lính  của vua Cái Sự đánh trống báo hiệu ăn uống. Khi đó vua Phạm Thiên rất hoảng sợ cho là họ muốn bắt mình để giết, không yên, tay chân run rẩy, ngã xuống phía trước. Vua Cái Sự đỡ dậy ngồi lại chỗ cũ và nói:

– Đại vương, vì sao mà sợ hãi như thế? Đó là quân lính tôi báo hiệu đến giờ ăn, thường đánh trống vang thế đấy! Sở dĩ làm như thế là vì đến giờ ăn của tôi, dân chúng họ đều được có trăm vị thức ăn ngon lạ. Khi đó vua Phạm Thiên đứng dậy chắp tay thưa vua Cái Sự:

– Cúi mong đại vương rộng lòng che chở cho tôi và dân chúng nước tôi đều nhờ ân tuệ này, chúng tôi đều nguyện xin hàng phục. Từ đó vua Cái Sự cai trị tất cả nhân dân các nước ở châu Diêmphù-đề đều được an lạc. Sau ngày đăng quang ngôi vị vua ngồi trên bảo điện, quần liêu bá quan đứng hầu suốt ngày đêm. Sáng sớm khi mặt trời mọc có Kim luân bảo, từ phương Đông đến, từ xa vua trông thấy liền từ tòa bước xuống, gối phải chấm đất, hướng về xe ấy vỗ tay thì xe dừng lại, ngàn tia sáng chói lọi chiếu ra. Vua nói:

– Nếu ta đáng làm vua Chuyển luân thì xin chiếc xe này dừng lại.

Nó bèn ngừng lại trên hư không, ngay trước mặt nhà vua cách mặt đất khoảng bảy cây đa la. Rồi voi báu, thần châu, ngọc nữ, điển binh, điển tàng báu, lần lượt kéo đến. Lúc đó vua Cái Sự đầy đủ bảy báu, cai trị bốn châu thiên hạ, tất cả chúng sinh nhờ ân đức vua mà mọi việc như ý muốn. Nhà vua ra lệnh dạy tu hành mười điều lành, để sau khi lâm chung đều được sinh lên cõi trời.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Này A-nan, vua Sát-la-giá-lợi (Cái Sự) thuở đó há chẳng phải người nào khác, chính là tiền kiếp của Ta. Phụ vương Phạt-xà-đạt-đề (Kim Cang Tụ) nay là vua Tịnh Phạn, cha Ta. Người sinh ra vua Cái Sự nay là Ma-ha Ma-da, mẹ Ta. Nhân đời trước, Ta thương xót chúng sinh, thường lấy tài pháp để dẫn dắt họ. Vì nhân duyên ấy đến nay thành Phật, riêng được tôn quý trong ba cõi, không ai sánh kịp. Cũng vì thế, tất cả chúng sinh đều phải nên tu tập lòng từ bi rộng lớn, lợi ích vô biên.

Bấy giờ, ngài A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, trong đời quá khứ, vua Chuyển luân Sát-la-già- lợi do nhân duyên gì mà được công đức vô lượng như thế? Và khi mới  nhập thai đã được cái tán bảy báu che theo?

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, ở đời quá khứ lâu xa tính số kiếp a-tăng-kỳ có đến vô lượng, ở cõi Diêm-phù-đề này, tại nước Ba-la-nại, trong quả núi Tiên nhân có một vị Bích-chi-phật thường trụ ở trong đấy. Vị Bích-chi này thân có bệnh tứ đại không điều hòa, đi hỏi thầy thuốc. Thầy thuốc nói: “Ngài có bệnh phong, nên cần dùng sữa bò.” Khi đó, ở trong nước có một người lái buôn tên A-lợi-da-mật-la (Tần dịch là Thánh Hữu). Khi đó vị Bích-chi-phật đến nói với ông ta trình bày chứng bệnh của mình và xin sữa bò nhà ông. Ông lái buôn Thánh Hữu vui mừng và xin được cúng dường sữa bò hàng ngày. Trải qua thời gian ba tháng, thân thể khỏi bệnh, cảm ơn ý tốt của thí chủ, muốn khiến cho thí chủ được lợi ích lớn, vị Bích-chi-phật bèn bay lên hư không, đi đứng nằm ngồi, thân phóng ra nước, lửa hoặc hiện ra thân to lớn, đầy kín cả hư không, rồi lại hiện thân thu nhỏ lại như sợi lông mùa thu hiện ra các thứ như vậy mười tám lần. Lúc đó Thánh Hữu rất vui mừng. Rồi vị Bích-chiphật từ trên hư không hạ xuống thọ sự cúng dường lại như bình thường, trải qua một thời gian dài cho đến khi nhập Niết-bàn. Người lái buôn Thánh Hữu đau buồn thương tiếc vô cùng, làm lễ hỏa thiêu, thu lấy xá-lợi đựng đầy bình báu để xây tháp, dùng hương hoa kỹ nhạc các thứ vật lạ cúng dường và làm một cái tán lớn để che trên tháp và suốt đời thờ phụng cúng dường tháp này.

Nói đến đây, Đức Phật nhắc lại:

– Do ông cúng dường tứ sự cho vị Bích-chi-phật mà đời này được phước báu trong vô lượng kiếp, khi sinh lên trời hoặc sinh ở nhân gian đều được tôn vinh sung sướng, ở thế gian ít ai sánh bằng. Này A-nan, ông nên biết, tất cả chúng sinh, tại gia hay xuất gia đều nên tu phúc thì đời đời sinh ra đều được lợi ích như trên. Khi đó, A-nan tôi và cả chúng hội nghe Đức Phật nói như thế thảy đều vui mừng tin tưởng và vâng làm.