SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 3
Phẩm 21: NHÂN DUYÊN VUA ĐẠI QUANG MINH PHÁT TÂM ĐẠO
Người có hiểu biết, trí tuệ và khéo léo dùng phương tiện, từ nơi nhân duyên nhỏ mà có thể phát đại tâm hướng đến Phật đạo. Người giải đãi biếng nhác, cho dù gặp duyên lớn cũng không thể phát tâm hướng đến Phật đạo. Vì thế hành giả phải lập tâm chí vững bền dũng mãnh tinh tấn với nhân duyên lành. Làm sao biết như vậy?
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn trú tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ cùng với bốn chúng, vua quan, nhân dân vây quanh Đức Thế Tôn cúng dường cung kính. Bấy giờ ở trong đại chúng có nhiều người khởi nghi vấn: “Đức Thế Tôn do nhân duyên căn bản của Ngài là gì mà từ khi sơ phát tâm cho đến lúc thành đạo đã mang lại lợi ích cho nhiều người? Chúng ta cũng muốn phát tâm cầu thành Phật đạo và đem lại lợi ích cho chúng sinh.”
Tôn giả A-nan biết được ý nghĩ đó liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y áo quỳ trước Đức Phật bạch:
– Bạch Thế Tôn, nay trong đại chúng có nghi vấn là Đức Thế Tôn từ ngày xưa do nhân duyên gì mà phát tâm cầu đạo lớn? Mong Đức Thế Tôn dạy vì lợi lạc cho tất cả.
Đức Phật dạy A-nan:
– Lành thay! Lành thay! Như những lời A-nan hỏi sẽ lợi lạc cho nhiều người. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói. Trong đại hội yên tĩnh không có tiếng động. Cả sơn hà đại địa gió mưa sông núi, chim chóc cầm thú đều lặng yên không có một tiếng. Trong đại chúng, có Thiên, Long, Quỷ thần nóng lòng muốn nghe, nhất tâm quán Phật.
Đức Phật dạy A-nan:
– Này A-nan, trong quá khứ lâu xa vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một vị quốc vương tên là Đại Quang Minh có phước đức rất lớn, thông minh, trí tuệ, đầy đủ vương tướng. Có một nước lân cận giao hảo rất thâm tình nhưng ngặt nỗi thiếu thốn mọi bề, vua Đại Quang Minh tùy thời ban tặng. Một hôm nước kia có được vật báu muốn đem dâng hiến vua Đại Quang. Một hôm vua nước lân cận vào một khu rừng lớn săn bắn bắt được hai con voi hình thù cân đối đẹp đẽ trắng như pha lê, cứng cáp vững vàng, nhà vua rất yêu quý, trong lòng vui mừng suy nghĩ: “Ta đem vật báu này dâng cho vua Quang Minh.” Vua cho trang sức những loại châu báu ở trên thế gian như vàng bạc… mang đến để dâng tặng Quang Minh. Vua vừa thấy voi báu tâm rất hoan hỷ. Lúc đó có người quản tượng tên là Tán-xà, vua ra lệnh:
– Ngươi lo việc trông coi, nuôi nấng và điều phục con voi này. Tán-xà không bao lâu đã điều phục được voi báu, đến tâu với vua:
– Muôn tâu đại vương, hạ thần đã điều phục được voi báu và trở thành thuần lương, xin đại vương cho ra thí trường đấu. Vua nghe như vậy trong lòng hoan hỷ muốn đợi xem con voi thuần lương biểu diễn, liền cho đánh trống vàng tập hợp quan dân để xem voi báu tỷ thí. Mọi người tụ tập lại, vua cỡi trên voi báu xuất hiện giống như mặt trời vừa mới ló lên đầu ngọn núi, ánh sáng chói lọi cũng giống như vậy, cùng với các thần dân ra ngoài thành vui chơi đến chỗ thí trường. Khi ấy voi báu dương khí hừng hực thấy các đàn voi đang tìm gốc sen để ăn bên hồ sen, lòng dục phát lên bôn tẩu đi tìm voi cái vào tận rừng sâu, áo mão của vua rơi vãi tứ tung, áo quần tơi tả, thân thể thương vong. Khi ấy tâm thần vua mê loạn nghĩ chắc mình sẽ chết, rất là lo sợ, hỏi người quản tượng:
– Ta làm cách nào để kềm nó lại được?
Tán-xà thưa:
– Trong rừng có nhiều cây, xin đại vương có thể bám vào bất cứ cây nào để được an toàn.
Vua liền bám vào một nhánh cây, con voi lướt đi vua đứng lại, rồi ngồi dưới một gốc cây, thấy trên thân mình chẳng còn áo mão, toàn bị thương tích, hết sức khổ não, đang trong cơn mê tìm lối đi ra khỏi rừng; nhưng chẳng biết lối nào mà đi. Người quản tượng, cách một quãng ở trước cũng níu được một cành cây đứng lại rồi trở lại tìm thấy vua âu sầu ngồi một mình. Quản tượng dập đầu thưa:
– Mong đại vương chớ có quá sầu khổ, con voi này khi lòng dâm của nó lắng xuống, nhàm chán cỏ dơ, nước đục, nhớ đến thức ăn mỹ vị, nước uống tinh khiết ở trong cung nó sẽ trở về liền. Vua nói:
– Ta không quan tâm đến ngươi cùng con voi đó nữa. Suýt nữa con voi làm ta mất mạng.
Bấy giờ, quần thần lo nghĩ có lẽ vua đã bị con voi điên kia làm hại và chia nhau đi tìm khắp các nẻo đường. Có người tìm được chiếc mão, có người tìm được áo bào của vua, có người thấy máu rơi, liền sau đó thấy vua cỡi một con voi khác trở vào thành, dân chúng trong thành thấy đại vương khổ não như thế không ai mà không sầu não.
Sau một thời gian con voi điên này sống trong rừng vắng chán chê cảnh ăn cỏ xấu, uống nước đục, lòng dục lại lắng xuống liền nhớ đến cảnh sung sướng trong cung thức ăn mỹ vị, uống nước tinh khiết, chạy như gió lốc trở về chỗ ở cũ. Quản tượng vừa thấy sang báo với vua:
– Thưa đại vương con voi bị thất lạc trước kia nay đã trở về, xi đại vương ra xem.
Nhà vua bảo:
– Ta đã nói là không cần ngươi và con voi điên ấy nữa.
Tán-xà khởi tấu:
– Vua không cần hạ thần và voi này nữa, xin đại vương xem hạ thần có cách điều phục con voi báu này. Vua đồng ý, làm chỗ bằng phẳng và bố trí chỗ ngồi nơi điều phục voi. Bấy giờ nhân dân trong nước nghe người quản tượng muốn biểu diễn cách điều phục voi trước mặt vua, khắp nơi đều vân tập. Vua từ cung điện đi ra cùng với mọi người đi theo đến an tọa theo vị trí. Quản tượng Tán-xà cho dẫn voi ra trước bá quan văn võ, cho tìm người thợ rèn làm bảy viên sắc đem thui thật đỏ, tự nghĩ: “Con voi này nuốt các viên sắt này chắc chắn phải chết, sau đó vua sẽ hối tiếc.” Lại bạch với đại vương:
– Con bạch tượng này rất báu chỉ có Chuyển luân vương mới có thể cỡi được. Nay chỉ vì một lỗi nhỏ không đến nỗi phải tội chết.
Đại vương nói:
– Nếu ngươi không điều phục được thì không nên để cho ta cỡi, nếu điều phục được thì sự việc đâu phải như thế này? Nay ta chẳng cần cả ngươi lẫn voi.
Quản tượng nói:
– Ngài không cần dùng thật đáng tiếc!
Vua giận dữ quát:
– Ngươi hãy đi đi!
Tán-xà đứng dậy khóc mà nói:
– Bệ hạ không có thân sơ, tâm thật độc hại chỉ nghe những lời dối trá ngon ngọt.
Bấy giờ trong hội chúng lớn nhỏ nghe xong rơi lệ, nhìn kỹ vào voi, người quản tượng lớn tiếng thị uy bảo voi:
– Hãy nuốt những viên sắt này nếu không ta sẽ lấy móc sắt để móc não mày ra.
Voi hiểu ý liền nghĩ nếu không nuốt những viên sắt này mà chết thì không thể nào chịu nổi chiếc móc sắt kia. Giống như mọi người đều chết thì chịu thắt cổ mà chết chứ không ai thích chết thiêu. Voi quỳ hai gối xuống đất hướng về phía vua mong vua cứu mạng, vua đùng đùng nổi giận hướng về phía khác. Tán-xà quát lớn:
– Mày không chịu nuốt hòn sắt này hay sao?
Voi bốn lần nhìn lại trông có người cứu hộ. Người quản tượng lấy hòn sắt đặt vào miệng voi, voi nuốt vào chết ngay tại chỗ, giống như chày kim cang đánh vào núi pha lê, hòn sắt liền rơi xuống đất còn đỏ nóng cũng như vậy. Khi ấy trong hội chúng thấy vậy không ai không thương khóc. Vua thấy sự việc như vậy, rất ngạc nhiên bồi hồi, trong lòng hối hận cho triệu Tán-xà đến bảo:
– Sao con voi của ngươi bây giờ lại nhu thuận nghe lời như vậy nhưng tại sao hôm trước ở trong rừng lại không làm sao mà chế phục nó được?
Bấy giờ chư Thiên ở trời Tịnh cư biết được vua Quang Minh đã đúng thời phát tâm Vô thượng Bồ-đề, liền hóa hiện thần lực khiến người quản tượng quỳ xuống đáp:
– Tâu đại vương, hạ thần chỉ điều phục thân của voi chứ không điều phục được tâm.
Vua hỏi:
– Có ai có khả năng điều phục cả thân lẫn tâm không?
Tán-xà tâu:
– Thưa đại vương chỉ có Đức Phật, Thế Tôn mới có khả năng điều phục cả thân lẫn tâm.
Vua Quang Minh nghe đến danh của Phật, tâm run sợ, lông tóc dựng ngược hỏi Tán-xà:
– Đức Phật sinh từ chủng tánh nào?
Đáp:
– Đức Phật sinh từ hai chủng tánh, một là trí tuệ, hai là từ bi, siêng năng làm sáu việc, đó là sáu Ba-la-mật. Công đức trí tuệ thảy đều đầy đủ lấy hiệu là Phật. Không những tự điều phục mình mà còn điều phục tất cả chúng sinh. Vua nghe vậy dao động sững sốt, đứng dậy vào cung tắm gội bằng hương thơm, mặc long bào mới lên trên lầu cao lễ khắp bốn hướng khởi tâm Từ bi đối với tất cả chúng sinh, dâng hương phát lời nguyện:
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng đạo quả Phật
Khi con đã thành Phật
Tự điều phục chính mình
Và tất cả chúng sinh.
Nếu có chúng sinh nào
Đọa vào ngục A-tỳ
Dù trải qua một kiếp
Làm lợi lạc hữu tình
Phải vào trong địa ngục
Tâm Bồ-đề không xả.
Khi vua phát lời nguyện rồi, cả đại địa chấn động theo sáu cách, sơn hà đại địa rung động trập trùng. Trong hư không tự nhiên phát ra tiếng nhạc. Vô lượng chư Thiên biểu diễn nhạc để ngợi khen Bồ-tát và nói: “Như lời nguyện của Ngài thì không bao lâu Ngài sẽ thành Phật, sau khi thành Phật sẽ hóa độ cho chúng tôi, chúng tôi ở trong pháp hội thanh tịnh này sẽ được dự phần.”
Lúc bấy giờ Đức Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo, bạch tượng nuốt hòn sắt nóng lúc đó nay chính là Nan-đà này vậy. Người quản tượng là Xá-lợi-phất và vu Quang Minh chính là Ta. Ta lúc đó nhờ thấy sự nhu thuận của voi mà phát tâm cầu đạo quả, thành Phật. Bấy giờ trong đại hội, nghe Đức Phật tu hành khổ hạnh như vậy. Có người đắc Tứ đạo quả, có người phát đại đạo tâm, có người xuất gia tu đạo tất cả đều hoan hỷ, tôn kính phụng hành. Đây là nhân duyên do lập chí siêng năng tinh tấn từ nhân nhỏ, duyên vào đó để hoàn thành Đại sự. Biếng nhác giải đãi dầu gặp duyên lớn cũng không thành công được. Vậy hành giả cần phải siêng năng tinh tấn để hướng đến Phật đạo.