MUÔN KIẾP NHÂN SINH
TẬP III
Nguyên Phong
PHẦN BA
NGHIỆP LỰC
CHIÊU CẢM DỤC NIỆM VÀ NGHIỆP BÁO
Một hôm, tôi vừa rời nhà thì nhìn thấy từ xa đang đi tới là một đám người quần áo rách tả tơi. Cảnh tượng này không lạ, vì để tránh chiến tranh, gần đây những người Hy Lạp kéo đến xứ này tỵ nạn ngày càng nhiều. Tôi rời mắt khỏi đám người, toan bước đi thì nghe tiếng gọi tên mình. Tôi đứng lại, nhìn kỹ trong đám người đang đi tới thì nhận ra một dáng người trông rất quen đang rảo bước về phía mình. Là Philiteus! Anh là người chỉ huy đội binh vận chuyển vàng bạc với tôi khi xưa. Philiteus mừng rỡ kêu lớn:
– Kyros, có phải anh đấy không? Tôi ngạc nhiên:
– Philiteus… Tại sao?… Tại sao anh lại… ra nông nỗi này?
Philiteus mừng rỡ ôm chầm lấy tôi. Phải qua một lúc, cơn xúc động của chúng tôi mới qua đi. Philiteus bấy giờ mới lên tiếng bằng chất giọng khàn đục:
– Gặp lại anh tôi mừng quá. Bao nhiêu năm rồi…
Nhìn thân thể người bạn cũ đầy vết thương, binh phục tả tơi, rách nát, lòng tôi vô cùng chua xót. Nhóm người đi cùng Philiteus cũng trong tình trạng thê thảm tương tự. Tôi vội vã mời tất cả vào nhà, sắp xếp cho họ được tắm rửa, dùng bữa và nghỉ ngơi. Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, Philiteus bắt đầu kể:
– Chắc anh cũng còn nhớ, đội binh Áo giáp Bạc (Silver Shields) của tôi nằm dưới quyền chỉ huy của tướng Eumenes. Khi Antigonus và Eumenes hợp tác tấn công Ptolemy và Seleucus, chúng tôi đã lập nhiều chiến công. Tuy nhiên về sau Eumenes cũng muốn làm vua, không chịu tuân phục Antigonus nữa nên Antigonus đã giết ông ta. Khi đó, Antigonus không tin sự trung thành của đội quân Áo giáp Bạc nữa nên đã cho giải giới rồi đày chúng tôi vào sa mạc – nơi các bộ lạc man rợ sinh sống. Chúng tôi đã phải chiến đấu với các bộ lạc này để sống sót. Vì thiếu khí giới, không quen thổ nhưỡng, địa hình, lại thiếu lương thực, đội quân của tôi bị tiêu diệt gần hết, hiện chỉ còn vài tàn binh chạy thoát. Biết Bactria vẫn còn thuộc sự kiểm soát của Hy Lạp nên chúng tôi tìm đến lánh nạn, không ngờ gặp được anh.
Áo giáp Bạc là đội binh tinh nhuệ nhất của Macedonia, được thành lập từ thời vua Philip với tiêu chuẩn chọn lựa rất cao. Đa số đều là những trai tráng cao lớn, khỏe mạnh, trung thành tuyệt đối với triều đình nên được mặc áo giáp và đeo khiên tròn bằng bạc. Họ có trách nhiệm canh gác cung điện và trông coi ngân khố. Khi Alexander lên đường viễn chinh, ngài mang đoàn quân này theo làm đội bảo vệ riêng. Trong mọi cuộc chiến, họ luôn theo sát ngài, vừa là lực lượng bảo vệ vừa là xung phong, và đã lập nhiều chiến công. Một nhóm trong đội quân này được giao nhiệm vụ vận chuyển vàng bạc và chiến lợi phẩm về Pella. Với tất cả những chiến công và vinh quang đó, tôi chưa từng nghĩ có ngày họ lâm vào bước đường cùng thế này. Philiteus kể tiếp với vẻ ngậm ngùi:
– Sau khi Alexander qua đời, Demosthenes trở lại Athens, kêu gọi dân chúng nổi lên chống lại triều đình Macedonia. Với số vàng lấy được từ công quỹ, hắn cũng chiêu mộ được nhiều binh sĩ nhưng rốt cuộc vẫn không địch lại đội quân tinh nhuệ của Antipater. Sau thảm bại, Demosthenes tự sát. Harpalus trốn qua đảo Crete được mấy năm rồi cũng bị bắt và chịu tử hình. Deasius trốn đến Ilia, sống yên thân cho đến khi Antipater qua đời, Cassander lên làm hoàng đế. Biết nhà vua cần vàng để chiêu tập binh mã chống lại Antigonus nên Deasius mang số vàng lấy được khi xưa nộp lại cho triều đình đổi lại sự ân xá. Hiện nay vợ chồng họ được trở về sống tại Pella.
Đã hơn hai mươi năm trôi qua, cuộc sống êm đềm tại Bactria và việc thực hành tĩnh tâm đã khiến tôi gần như không còn nghĩ về quá khứ. Bất ngờ nghe chuyện cũ, nhắc đến người xưa, tâm hồn đang yên bình của tôi lại bắt đầu xáo trộn. Isidora, người con gái tôi thầm thương trộm nhớ từ nhỏ, cũng là người ghét cay ghét đắng tôi, nói những lời tổn thương tôi nhất, và, oái oăm thay, cũng là người chị cùng cha khác mẹ mà sau này tôi mới được biết. Tin tức về Isidora khơi gợi lại nhiều ký ức đau buồn và những cảm xúc mà tôi vẫn nghĩ mình đã có thể chôn vùi mãi mãi. Từ lúc đó tôi không thể định tâm như trước, vì dù lúc bình thường hay khi thực hành tĩnh tâm, hình bóng Isidora cứ lờn vờn trong tâm trí. Tôi than với Timotheus:
– Gần đây, khi thực hành tôi cứ thấy hình ảnh một người con gái… Timotheus quá ngạc nhiên nên ngắt lời tôi:
– Sao có thể? Khi xưa lúc mới thực hành, đôi khi tôi cũng thấy những hình ảnh này hình ảnh nọ. Nhưng đó là vì khi đó công phu của tôi còn non kém, chưa đủ định lực. Ai chưa đủ định lực cũng gặp hiện tượng này, chuyện đó cũng bình thường. Nhưng anh đã tu tập hơn hai mươi năm rồi, đã có định lực vững vàng, sao có thể bị ảnh hưởng như thế?
Tôi lắc đầu:
– Tôi không định tâm được, cứ bị xáo trộn bởi cô gái này… Timotheus cau mày:
– Việc này thật lạ lùng, chắc phải có nguyên nhân sâu xa gì đó… Anh phải biết buông bỏ hình ảnh đó xuống, đừng để tâm đến nó nữa. Cứ cố gắng giữ vững hơi thở để trụ tâm, hình ảnh nào đến cũng mặc kệ, tự nó đến thì tự nó cũng sẽ đi thôi. Nếu anh để nó chi phối, làm mất công phu, lại tiếp tục trôi lặn trong sinh tử thì làm sao ra khỏi luân hồi? Giờ chúng ta đều đã lớn tuổi, nếu anh không cố gắng vượt qua lúc này thì chắc gì còn cơ hội? Nếu bỏ lỡ thì biết bao giờ có cơ duyên lần nữa? Anh phải biết buông bỏ…
Những lời khuyên chân thành của Timotheus khiến tôi không khỏi hổ thẹn. Tôi không nói gì thêm. Nhưng tôi vẫn không thể dẹp bỏ những day dứt về người con gái này. Suốt nhiều tuần lễ sau đó, hình ảnh Isidora và những ký ức cay đắng về cô vẫn không thôi quấy nhiễu tôi mọi lúc. Tôi biết rằng sâu trong tâm tư, tôi vẫn mang mặc cảm nô lệ thua kém, và Isidora chính là mồi lửa châm lên cảm giác hèn kém ấy trong tôi. Những lời sỉ nhục của Isidora khi xưa vẫn còn là vết thương chưa lành. Dù đã nhiều năm trôi qua, dù đã dứt bỏ quá khứ để tu tập, tôi biết mình vẫn còn mong gặp lại cô, để ít nhất được nghe từ cô một lời xin lỗi, hoặc đôi câu nói dịu dàng để xóa đi mặc cảm tự ti này. Tôi còn hy vọng, có lẽ khi Isidora biết được thân phận thật sự của tôi, cô sẽ có cái nhìn khác hơn và sẽ đón nhận tôi như người nhà. Những suy nghĩ này liên tục quấy nhiễu và rồi hoàn toàn chi phối tôi, khiến tôi không còn cách nào tĩnh tâm được.
Sau nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, tôi quyết định phải trở về Pella tìm gặp Isidora. Tôi viết một bức thư ngắn để lại cho Timotheus rồi rủ Philiteus đi Pella. Lúc đầu Philiteus từ chối vì trở lại Pella lúc này là việc rất nguy hiểm. Tuy nhiên khi biết tôi quyết tâm lên đường, Philiteus đã đổi ý, bởi với tình hình bất ổn hiện nay, một mình tôi khó chống cự lại giặc cướp hay binh sĩ vô kỷ luật. Philiteus kéo theo năm người lính cùng tôi lên đường. Do đã không còn trẻ, thế sự lại bất ổn, nên phải mất gần sáu tháng chúng tôi mới đến được Pella. Sau bao năm chiến tranh, Macedonia đã thay đổi rất nhiều, sự thịnh vượng xưa kia được thay bằng nhà cửa đổ nát, tường vách loang lổ vết cháy – hậu quả từ các trận đánh giữa các tướng lĩnh Hy Lạp. Vượt qua đống đổ nát, chúng tôi thúc ngựa chạy nhanh đến trang trại của Dimitris.
Chúng tôi đi thẳng vào cổng, qua khu vườn rộng, ở đó chúng tôi gặp một nô lệ già đang làm việc. Hắn bỡ ngỡ nhìn chúng tôi, rồi nét mặt dần thay đổi. Hắn nhận ra tôi, liền vội vàng chạy vào báo cho chủ nhân. Tôi vừa xuống ngựa thì Deasius ở trong bước ra. Hắn đã già đi rất nhiều, nhưng nét khó chịu và thù hằn trên gương mặt lại chẳng thay đổi bao nhiêu. Đôi mắt lạnh lùng chiếu thẳng vào tôi, hắn nói với giọng dè chừng:
– Kyros, ngươi đến đây làm gì? Đây là nhà của bọn ta, ngươi đừng mơ tưởng đến việc phân chia gia sản.
Tôi lắc đầu:
– Không, tôi chỉ ghé thăm…
Ngay lúc đó, Isidora ở trong bước ra. Dù bao năm tháng đã qua, dù đã có tuổi, nhưng trông Isidora vẫn không khác với hình ảnh trong ký ức của tôi, vẫn xinh đẹp, kiêu sa. Và tôi, sau bao nhiêu năm, vẫn lúng túng, vụng về và hèn kém trước mặt cô. Isidora vừa nhìn thấy tôi đã cất giọng lạnh lùng:
– Thằng nô lệ, ngươi trở về đây làm gì? Sophia đã cho ta biết thân phận của ngươi, nhưng ta không chấp nhận. Đừng tưởng ngươi có thể trở thành thành viên của gia đình này, ngươi không xứng. Ngươi mãi mãi chỉ là một tên nô lệ hèn hạ mà thôi.
Những lời cay nghiệt của Isidora khiến tôi gần như hóa đá. Những tưởng quan hệ ruột thịt có thể khiến cô đối xử tử tế và công bằng với tôi hơn, những tưởng cô sẽ giúp tôi giải quyết những khúc mắc bấy lâu, nào ngờ cô lại đâm tôi thêm một nhát. Isidora mà tôi luôn yêu thương đây sao? Bao nhiêu nỗi đau cũ mới dồn dập ùa tới, tôi cứ đứng chôn chân tại chỗ, không thể phản ứng, cũng chẳng nói được nên lời. Thấy vậy, Philiteus bước ra nói lớn:
– Ta cũng có mặt khi mở thư của Dimitris, ông ấy đã xác nhận Kyros là con của ông, điều này là không thể chối cãi! Ngoài ra, Dimitris còn chia cho Kyros một phần của trang trại này.
Deasius bật cười quay lại nói với vợ:
– Ta biết ngay mà, đám hèn hạ này đến đây chỉ để đòi phân chia gia sản.
Philiteus không nói gì nhưng tay đã đặt lên kiếm. Deasius đưa mắt nhìn mấy người đứng sau Philiteus, mặc dù không ai mặc binh phục nhưng với những hình xăm trên người, hẳn người Macedonia nào cũng nhận ra họ là quân Áo giáp Bạc. Deasius nheo mắt suy nghĩ, hắn toan tính một hồi rồi đổi giọng:
– Được rồi, tất cả hãy vào trong, để ta cho gọi Sophia đến nói chuyện.
Chúng tôi bước vào sảnh đường với những cột đá cao lớn, nơi mà đám chúng tôi vẫn thường chạy nhảy nô đùa khi còn nhỏ. Cảnh vật hầu như không thay đổi nhưng giờ đây mọi thứ đều trở nên vô cùng xa lạ và lạnh lẽo. Isidora quay mặt bước đi không thèm liếc nhìn tôi lần nào. Deasius cho gọi mấy nô lệ đến gần nói nhỏ mấy câu rồi ra hiệu mời chúng tôi ngồi.
Tôi vẫn chưa thoát khỏi cảm giác bàng hoàng nên ngồi im lặng, Philiteus thấy vậy bèn lên tiếng:
– Melissa đâu? Gọi cô ấy ra đây. Deasius lắc đầu, giọng hờ hững:
– Nó chết từ lâu rồi, đâu còn ở đây nữa.
Tôi như vừa lãnh một cái tát đến bừng tỉnh, đứng lên hỏi dồn:
– Cái gì? Melissa đã chết? Tại sao lại chết… Tại sao? Deasius nhún vai:
– Làm sao ta biết được? Nghe nói nó mắc bệnh chết trước khi chúng ta về đây.
Tin Melissa qua đời khiến tôi quá đỗi bàng hoàng. Người con gái hiền hậu, dịu dàng, tràn đầy tình thương ấy sao lại có thể đoản mệnh như vậy. Sao số phận lại quá bất công với cô? Tôi choáng váng ngồi xuống ghế, Philiteus cũng không nói nên lời. Không khí căn phòng bỗng trở nên ngột ngạt. Deasius nhìn chúng tôi một cách khó chịu, thỉnh thoảng lại quay ra ngoài như chờ đợi chuyện gì. Isidora đứng yên bên chiếc cột đá, mặt không bộc lộ chút cảm xúc nào.
Bỗng nhiên, từ bên ngoài vọng vào tiếng ngựa hí vang, tiếng bước chân người rầm rập. Philiteus và những người lính Áo giáp Bạc liền đứng bật dậy đầy cảnh giác. Ngay lúc đó, một đội binh sĩ hùng hậu, gươm giáo sáng lòa, xông đến vây chặt chúng tôi. Mấy người lính của Philiteus cũng rút binh khí ra nhưng Philiteus ra hiệu cho họ ngừng tay. Chỉ huy của toán lính ngồi trên ngựa quát lớn:
– Đám phản nghịch kia, chúng mày làm gì tại đây?
Bị vây giữa đội quân đông đảo, đầy đủ vũ khí, trong khi phía Philiteus chỉ có mấy người lính già, nếu chiến đấu thì việc thắng thua đã rõ. Đang lúc chúng tôi chưa biết đối phó thế nào với hàng chục mũi giáo chĩa vào mình thì từ ngoài cổng, một cỗ xe ngựa xông vào hết tốc lực. Sophia từ trên xe lao xuống, nhìn đoàn quân đang bao vây chúng tôi, cô hét lên:
– Khoan đã, khoan đã… Xảy ra chuyện gì? Tại sao lại thế này?… Kyros đâu?
Deasius thấy vậy liền quát lớn:
– Bọn này là quân của Antigonus đấy. Đừng để chúng chạy thoát.
Lúc đó cuộc chiến giữa Antigonus và Cassander đang đến hồi quyết liệt. Deasius vừa dứt lời, nhóm quân sĩ bao vây chúng tôi lập tức ra tay. Cuộc xô xát xảy ra nhanh như chớp, những ngọn giáo vung lên, tiếng gươm giáo va chạm nhau cùng tiếng la hét vang trời. Philiteus vừa tả xung hữu đột vừa cười lớn:
– Hay lắm, ta chết trên quê hương còn hơn bỏ thây miền rừng núi.
Deasius đứng một bên quan sát với vẻ đắc thắng. Bất ngờ hắn chỉ vào tôi, hét lớn:
– Tên kia chính là lãnh tụ đám phản loạn này, phải giết nó
Tôi luống cuống chưa kịp phản ứng thì bị trúng ngay một mũi giáo vào ngực, máu phun xối xả. Mắt tôi hoa lên, đầu óc quay cuồng, người lả đi. Tôi quay lại nhìn Isidora, cô lạnh lùng đứng yên sau cây cột đá, hờ hững nhìn tôi gục xuống, không một chút biểu cảm để tâm. Tôi nghe tiếng Sophia kêu ầm lên:
– Dừng tay, dừng tay… không được giết Kyros!
Tôi muốn lên tiếng nhưng lại bị trúng thêm mấy lưỡi giáo nữa. Tôi gục ngay xuống đất, cố gắng nhìn Isidora lần nữa, nhưng mắt đã tối sầm.
Khi tôi mở mắt ra lần nữa thì thấy mình đang nằm trên một chiếc giường nhỏ, toàn thân đau đớn đến không thể thở nổi. Một người cao lớn, râu tóc rậm rạp đang ngồi bên giường. Phải mất một lúc, tôi mới nhận ra là Antigenidas. Tôi thều thào:
– Antigenidas đấy ư? Tôi… đang ở đâu đây? Antigenidas run giọng:
– Kyros… tôi không ngờ… Anh đang ở trong phòng của Tôi chỉ nói được câu ngắn:
– Melissa… Melissa đâu? Antigenidas lắc đầu buồn bã:
– Nó mắc bệnh qua đời từ lâu rồi. Lúc đó, tôi còn ở chiến trường, hoàn toàn không hay biết. Đến khi giải ngũ trở về đã không gặp được nó nữa. Hiện giờ tôi sống tại đây, trong căn phòng của
Ngay lúc đó Sophia ở bên ngoài bước vào:
– Kyros, em hãy nằm yên… đợi em khỏe lại chúng ta sẽ nói chuyện
Antigenidas lắc đầu:
– Vết thương của Kyros nặng lắm rồi, khó lòng qua khỏi. Tôi cố gắng hỏi bằng giọng thều thào:
– Yasamin và đứa con của Leonidas sao rồi? Antigenidas chỉ tay ra phía sau:
– Họ ở đây, cô ấy và Alberla vẫn mạnh khỏe.
Tôi lắp bắp muốn nói thêm nhưng toàn thân đau nhức, đầu óc trở nên mụ mị. Antigenidas ghé sát ngực tôi nghe ngóng rồi quay qua nói với Sophia:
– Tim đập yếu lắm rồi, chắc khó… Sophia khóc òa lên. Antigenidas nói nhỏ:
– Kyros, anh còn nguyện vọng gì nữa không?
Biết mình không còn sống được nữa, tôi thều thào:
– Tôi muốn… tôi muốn nghe… một khúc…
Antigenidas lập tức quay ra phía sau, nói với một thiếu nữ đang thập thò gần đó:
– Alberla, con hãy dạo một khúc Lydia cho Kyros nghe đi.
Tôi cố gắng giữ đầu óc tỉnh táo nhưng hơi thở đã đứt quãng. Tôi biết giây phút cuối cùng đã cận kề. Đột nhiên giai điệu Lydia của cây đàn Harp vang lên. Tôi nhận ra đó chính là bài nhạc Melissa gửi cho Leonidas ngày nào. Kỷ niệm êm đềm thời niên thiếu ùa về, khi tôi còn làm người chuyển những lá thư tình cho hai người. Toàn bộ cuộc đời tôi lướt qua trước mắt – những người bạn từ thời thơ ấu, Isidora, âm nhạc, chiến tranh, ngục tù, tháng ngày tu tập – ngay khoảnh khắc đó tôi nghe ngực mình nhói lên, rồi thân hình bỗng nhẹ hẳn đi, như vừa trút được một gánh nặng.
Tôi thấy mình lơ lửng trong một không gian tối đen như mực. Thời gian như ngừng lại. Tôi không rõ mình đã lơ lửng như thế trong bao lâu, nhưng đó là một cảm giác rất lạ lùng, không thể diễn tả. Tôi ý thức được mình không còn là mình nữa vì hầu hết ký ức đều dần dần biến mất, chỉ còn một sự hiểu biết mơ hồ trong khoảng không gian bao la vô tận. Nhận thức này như một luồng hơi nhẹ nhàng, khinh an, lan rộng trong và ngoài tôi, rồi hòa hợp vào tất cả một cách lạ lùng như khi trải nghiệm thực hành tĩnh tâm. Lời khuyên của Timotheus đột nhiên vang lên văng vẳng: “Giờ chúng ta đều đã lớn tuổi, nếu anh không cố gắng vượt qua lúc này thì chắc gì còn cơ hội? Nếu bỏ lỡ thì biết bao giờ có cơ duyên lần nữa? Anh phải biết buông bỏ…”. Phải biết buông bỏ… phải buông bỏ… Không hiểu sao vào giây phút đó, tâm thức của tôi bỗng nảy ra một ý tưởng – Tôi phải trở lại Bactria để tiếp tục việc tu tập còn dang dở này. Tôi phải trở lại Bactria…
***
Thomas kể đến đó thì ngừng lại vì xúc động. Tôi im lặng để ông lấy lại bình tĩnh. Lát sau, Thomas nói tiếp:
– Lúc hồi tưởng về kiếp sống đó, tôi đã trải nghiệm được cái chết một cách rõ ràng. Khi xưa, Timotheus nói rằng lúc chết đi thì bản ngã và các giác quan đều tiêu vong, cái cuối cùng còn lại là A lại da thức. Lúc nghe giảng, đối với tôi đó chỉ là một khái niệm trừu tượng, nhưng qua trải nghiệm đó, tôi ý thức rất rõ về những gì Timotheus đã nói. Cái nhận thức mơ hồ đó không phải là ý thức về mình hay bản ngã cá nhân nữa mà là một cảm giác thanh tịnh lạ lùng. Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm về A lại da thức mặc dù lúc đó công phu tu tập của tôi còn kém, chưa thể nhận thức rõ ràng. Nhưng điều tôi biết rất rõ là mọi cảm xúc và ký ức của bản ngã đều biến mất chỉ còn lại “cái biết” (Awareness) mà thôi.
Tôi hỏi thêm:
– Như thế ông có trở lại Bactria không? Thomas gật đầu:
– Có, đó là tâm nguyện cuối cùng của tôi ở kiếp sống đó.
Chúng tôi cùng im lặng, mỗi người đuổi theo một suy nghĩ. Một lúc sau, Thomas mỉm cười nói một cách chậm rãi:
– Nếu sẵn sàng, chúng ta có thể tiếp tục nói về kiếp sống sau này của tôi tại La Mã.