LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 16
Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
Tỳ Lê Gia Ba la Mật
(Tinh Tấn Ba la Mật )
(Tiếp theo)
Hỏi: Tướng của Tỳ Lê Gia Ba La Mật như thế nào?
Đáp: ở nơi việc làm thường phấn khởi, chẳng bao giờ nản chí, lập ý kiên cố làm đến chỗ rốt ráo, như vậy là tướng của Tinh Tấn. Như lời Phật dạy “tướng của Tinh Tấn là tướng của thân tâm chẳng hề ngưng nghỉ”.
Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, một thời đã làm người chủ thuyền buôn. Dọc đường Quỷ La Sát bắt giữ thuyền của Bồ Tát và hỏi : “Ông nay đã bị ta bắt rồi ông muốn gì hãy cho ta hay?”
Bồ Tát đáp: “Tuy rằng 5 vóc thân của tôi đều bị ông bắt giữ, thế nhưng tâm của tôi không bị ông bắt giữ. Nếu như ông bắt giữ được tâm của tôi thì mới gọi là tôi đã bị ông bắt giữ”.
Quỷ La Sát nghĩ rằng : “người này rất can đảm, sức Tinh Tấn của người này quả vững mạnh, ắt là chẳng chịu thua ta, ta nên tha cho đi tự do vậy”.
—o0o—
Người tu hành cũng như vậy. Chuyên tâm tọa thiền, trì tụng kinh pháp, cầu biết rõ Thật Tướng các pháp, chẳng để cho phiền não, kiết sử che tâm. Như vậy gọi là tướng của Tinh Tấn .
Siêng năng tu hành chẳng bao giờ ngưng nghỉ, dù khi “có giác, có quán”, dù khi “không giác, có quán” cũng vẫn không giải đãi. Như vậy gọi là tướng của Tinh Tấn .
Trong 5 căn, Tinh Tấn giữ vị trí thứ hai, gọi là Tấn Căn. Mỗi khi Tấn Căn đã được tăng trưởng vững mạnh rồi thì sẽ trở thành Tấn Lực, lực thứ hai trong 5 Lực. Khi Tấn Lực được khai ngộ, thì trở thành Tấn Giác dẫn vào Phật Đạo.
Ở nơi 4 Niệm Xứ, nếu tinh tấn quán Thân, quán Thọ, quán Tâm và quán Pháp thì sẽ được 4 Chánh cần.
Ở nơi 4 Chánh cần, nếu tinh tấn hành trì, thì sẽ được 4 Như Ý túc. Như vậy, ở nơi hết thảy các pháp thiện, đều có tướng của Tinh Tấn. Tinh Tấn được như vậy mới gọi là Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Nếu vì việc thế gian, vì tài lợi, vì danh vọng mà tinh tấn thì chẳng được gọi là Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Hỏi: Vì sao chỉ có Bồ Tát mới thành tựu được Tỳ Lê Gia Ba La Mật?
Đáp: Phải qua đến “bờ bên kia” mới được gọi là Ba La Mật. Nếu chẳng có tâm Đại Từ Đại Bi, chẳng có Vô Ngại Giải Thoát, chẳng có vô lượng công đức Trì Giới, Thiền Định, Trí Huệ, chẳng phải vì độ chúng sanh thì không được gọi là Ba la Mật. Ví như vì chúng sanh, mà Bồ Tát xuống tận Long Cung cầu Như Ý Bảo Châu, để đem về bố thí cho chúng sanh, cứu họ ra khỏi cảnh nghèo nàn, đói khát mới thật là Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Lại nữa, Bồ Tát dùng Tinh Tấn Ba la Mật dẫn đầu 5 Ba la Mật kia, Bồ Tát hành Tinh Tấn Ba la Mật, chẳng phải vì tài lợi, vì danh vọng, vì phú quý, cũng chẳng phải vì bảo vệ mạng sống của mình, vì muốn được sanh lên cõi trời….mà chỉ vì lợi ích của hết thảy chúng sanh. Như vậy gọi là tướng của Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Lại nữa, Bồ Tát hành Tinh Tấn, lấy Đại Bi làm đầu, nhất tâm cầu Phật Đạo để cứu vớt chúng sanh, ví như cha mẹ thương con, nhất tâm chạy thầy chạy thuốc để cứu con khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Như vậy là tướng của Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Lại nữa, Bồ Tát hành Tinh Tấn, lấy Thật Tướng Trí Huệ làm đầu, nhất tâm tu các Ba la Mật khác. Như vậy là tướng của Tỳ Lê Gia Ba La Mật.
Hỏi: Thật Tướng các pháp là vô vi, vô tác, còn Tinh Tấn là hữu vi, hữu tác. Như vậy, vì sao nói phải lấy Tinh Tấn dẫn đầu mới vào được Thật Tướng Trí Huệ ?
Đáp: Vì bổn nguyện Đại Bi, muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, nên Bồ Tát dù ở nơi vô tác, mà lại dùng lực Tinh Tấn để độ thoát hết hảy chúng sanh.
Bồ Tát có đầy đủ Lực Thần Thông, dùng Thiên Nhãn quán các cảnh khổ ở trong “3 cõi”, rồi từ trên các cõi Trời Sắc, Vô Sắc, thị hiện sanh về cõi Dục, để vì chúng sanh thọ các khổ. Thấy loài người khổ, Bồ Tát thuyết 10 Thiện Đạo để giải hóa họ. Thấy các loài súc sanh, Địa Ngục, Ngạ Quỷ thọ khổ, Bồ Tát thị hiện thân của các loài để giáo hóa.
Lại nữa, Bồ Tát dùng Thiên Nhãn quán hết thảy chúng sanh chết đây sanh kia, luân hồi trong 5 đường, quán chúng sanh ở cõi Dục, chết đi lại tái sanh ở cõi Sắc; quán chúng sanh ở cõi sắc chết đi tái sanh ở cõi Dục; quán chúng sanh ở cõi Dục chết đi tái sanh ở cõi Vô Sắc, rồi cũng có thời phải đọa Địa Ngục, thọ các khổ. Như vậy cả 4 loại “Noãn, Thai, Thấp, Hóa” cứ tương tục luân chuyển lên xuống mãi trong 5 đường, chẳng ngừng dứt. Do quán thấy rõ như vậy, nên Bồ Tát dùng tâm Đại Bi muốn độ thoát hết thảy chúng sanh khỏi các khổ Sanh Tử, dẫn họ vào Phật Đạo đến Niết Bàn Tịnh Lạc.
Hỏi: Vì sao Bồ Tát có thể thường làm lợi ích cho chúng sanh?
Đáp: Bồ Tát có Đại Tinh Tấn, có Thật Trí Huệ, rõ biết Thật Tướng các pháp là vô sanh, vô diệt, mới tu đầy đủ 6 Ba la Mật, mới thường làm việc lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh, do các nghiệp tội ở thân, ở khẩu và ở ý mà phải đọa vào các đường ác, chịu bao nỗi khổ, chẳng sao kể xiết được, nên Bồ Tát thệ nguyện thường tinh tấn cứu độ họ.
Trong kinh có nói đến 8 Đại Địa Ngục, 16 Tiểu Địa Ngục, nào Địa Ngục lạnh, Địa Ngục nóng .v.v. Khổ cực chẳng sao tả được.
Hỏi: Thế nào gọi là “Đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba La Mật”?
Đáp: Bồ Tát hành tinh tấn được đầy đủ công đức ở nơi Báo Thân, cũng như ở nơi Pháp Tánh Thần, nên gọi là “Đầy đủ Tỳ Lê Gia Ba La Mật”.
Do thấy chúng sanh đau khổ quá nhiều, mà Bồ Tát Tinh Tấn tu các công đức.
Hỏi: Thế nào gọi là “Thân Tinh Tấn”?.
Đáp: Tinh Tấn, tuy thuộc về tâm sở pháp, nhưng nếu do thân lực, do sức hành đạo ở thân mà được thể hiện thì gọi là Thân Tinh Tấn. Hành động siêng năng tu hành, thể hiện ở nơi thân, như tay bố thí, miệng tụng kinh, nói pháp… gọi là Thân Tinh Tấn.
Nói chung :
– Ở bên ngoài làm các việc thiện thuộc về Thân Tinh Tấn.
– Ở bên trong diệt trừ kiết sử thuộc về Tâm Tinh Tấn.
Ngoài ra:
-Vì trí huệ mà tinh tấn, thì gọi là Tâm Tinh Tấn.
Ví như Bố Thí, Trì Giới thuộc về Thân Tinh Tấn; còn Nhẫn Nhục thì thuộc về Tâm Tinh Tấn.
Bồ Tát, từ sơ phát tâm đến khi thành Đạo, tinh tấn tu hành cho đến khi được Vô Sanh Nhẫn, là Thân Tinh Tấn. Khi còn sống Bồ Tát được Vô Sanh Nhẫn, khi viên tịch được Pháp Tánh Thân, là Tâm Tinh Tấn. Bồ Tát, khi sơ phát tâm, chưa đầy đủ công đức nên hành Bố Thí; hành Trì Giới để được phước báo, rồi sau đó phát tâm Đại Bi. Ví như phát tâm Đại Bi, xuống tận Long Cung, cầu Như Ý Bảo Châu, để có đủ tài vật Bố Thí, nhằm cung cấp cho chúng sanh khắp cõi Diêm Phù Đề, khiến họ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, đói khát. Như vậy là Thân Tinh Tấn.
Còn tinh tấn tu hành, được 5 Thần Thông, thì gọi là Tâm Tinh Tấn. Do Thân Tâm Tinh Tấn mà vào được Phật Đạo.
Lại nữa, làm các việc phước thiện, mà chẳng tiếc thân mạng, thuộc về Thân Tinh Tấn. Tu Thiền Định, Trí Huệ chẳng có giải đãi thuộc về Tâm Tinh Tấn.
Bồ Tát, nhờ tu Tinh Tấn, mà cam chịu các cảnh khổ nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh, mà tâm chẳng bao giờ thối chuyển.
Trong Kinh Bổn Sanh có chép các mẩu chuyện sau đây:
* Ngày xưa, ở thành Ba la Nại, có 1 ông vua thích săn bắn thú rừng. Một hôm nhà vua vào rừng săn, gặp 2 bầy nai, mỗi bầy có đến 500 con.
Nai chúa của bầy thứ nhất, đẹp đẽ, uy nghi, là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc bấy giờ còn là Bồ Tát. Nai chúa của bầy thứ hai là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa.
– Thoáng nhìn 2 bầy nai, nhà vua hạ lệnh bắn tên xối xả.
– Thế nhưng, nai chúa của bầy thứ nhất, chẳng chút sợ hãi, chạy ngay đến phía nhà vua. Nhà vua thấy điều lạ, bèn hạ lệnh ngưng bắn.
Nai chúa này vừa đến nơi, quỳ xuống dưới chân nhà vua, và thưa rằng: “Đại Vương chỉ vì một niềm vui nho nhỏ, mà làm cho 2 bầy nai chúng tôi phải chịu tang thương, chết chóc, khổ đau. Nếu Đại vương cần ăn thịt nai, thì mỗi ngày, một trong chúng tôi sẽ tự nguyện đem thân đến để xin cúng dường”.
Nhà vua nghe xong, rất hoan hỷ, hạ lệnh chấm dứt cuộc săn bắn, với điều kiện mỗi ngày phải có một con nai đến nạp mạng.
Rồi, một ngày, đến phiên một nai cái thuộc bày thứ hai. Con nai cái này đang mang thai, đến nai chúa xin khất lại vào một hôm khác, sanh con xong, sẽ xin đến nạp mạng. Nai chúa của bầy này (tiền thân của Đề Bà Đạt Đa) không chấp thuận. Nai cái buồn rầu khóc lóc, chạy đến nai chúa Bồ Tát xin cầu cứu. Bồ Tát an ủi nai cái này, rồi đích thân đến cung vua, thưa rằng “Tâu Đại Vương! Hôm nay đến phiên một nai cái đang mang thai. Nai cái này xin được sanh con xong rồi sẽ xin chịu chết. Xin Đại Vương mở lòng từ bi, thương xót cho nai cái này được như nguyện. Tôi xin chết thay để cứu mạng chú nai con còn trong bụng mẹ. Nếu tôi không cứu mạng, thì tôi cũng chẳng khác gì loài cây đá. Vả lại, tôi nay cũng đã già, chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chết, nên tôi hoan hỷ bố thí thân mạng tôi. Kính xin Đại Vương chấp thuận lời cầu xin của tôi”.
Nhà vua nghe nói, quá xúc động, dùng kệ tán thán rằng:
Làm người mà đầu thú.
Ngươi tuy mang thân nai,
Mà lại có tâm người,
Người chẳng do hình thể,
Thú có tâm từ bi,
Tuy thú mà thật người.
Từ nay trở về sau,
Ta nguyện chẳng ăn thịt,
Nguyện dùng vô úy thí,
Để an ủi ý ngươi.
Kể từ ngày hôm ấy, nhà vua đem lòng nhân từ, trị nước, an dân. Cả 2 bầy nai, nhờ vậy, được sống an ổn. Như vậy gọi là Ái Pháp.
* Lại nữa, lúc Phật còn tại thế, có một người Bà La Môn nói lớn : “Ta có một bài kệ tán thán pháp. Người nào thật tâm ái pháp, thì ta sẽ dạy cho”.
Có một người tu theo Phạm Chí nói : “Tôi ái pháp”.
Người Bà La Môn nói : “Nếu ngươi thật ái pháp, thì ngươi hãy tự lóc da ngươi làm giấy, lấy xương ngươi làm bút, lấy máu ngươi làm mực, ta sẽ chép bài kệ cho ngươi”.
Người Phạm Chí xin theo lời dặn của người Bà La Môn. Người Bà La Môn lấy máu của người Phạm Chí chép bài kệ như sau:
Như Pháp nên hành trì,
Phi Pháp chẳng nên thọ.
Được vậy, tâm an ổn,
Đời này lẫn đời sau.
* Lại nữa, vào thời xa xưa có 1 con gà trống sống trong rừng. Một hôm rừng cháy, gà bay đi lấy nước đem về phun lên, mong dập tắt được ngọn lửa. Rừng thì quá lớn nước thì chẳng được bao nhiêu, gà phải bay đi bay lại rất nhiều lần, đã gần kiệt sức, mà vẫn chẳng thối tâm, chẳng cho là khổ.
Đế Thích thấy vậy, hỏi: “Ngươi cầu khổ như vậy để làm gì?”
Gà đáp: “Tôi vì chúng sanh, mà cam chịu khổ. Trước đây, rừng này im mát che chở chúng sanh, tôi cùng nhiều loài chúng sanh khác, đều y nơi đây mà sống. Nay tôi còn có sức, tôi phải tinh tấn cứu chúng sanh trong rừng này, tôi không có quyền giải đãi”.
Đế Thích hỏi: “Ngươi siêng năng như vậy, đến bao giờ mới thôi”.
Gà đáp: “Đến chết mới thôi”.
Đế Thích hỏi: “Ngươi lấy gì để làm tin?”.
Gà liền đáp: “Nếu tâm tôi chí thành, xin cho lửa đừng cháy nữa”.
Lúc bấy giờ, chư Thiên ở cõi Tịnh Cư Thiên, biết rõ gà này là 1 vị Bồ Tát, đã phát thệ nguyện rất lớn, nên đã vì Bồ Tát, dập tắt ngọn lửa. Từ đó về sau, khu rừng này trở nên xanh tốt, chẳng bao giờ còn bị nạn lửa đốt cháy nữa.
—o0o—
Trên đây, tóm lược các nhân duyên Bồ Tát tu hành chẳng tiếc thân mạng, bố thí chẳng mệt mỏi. Bồ Tát chỉ vì thương xót chúng sanh, mà ra vào Sanh Tử, tu 6 pháp Ba la Mật. Kinh Bổn Sanh có nêu rất nhiều trường hợp như vậy.
Thân Tinh Tấn giúp hành giả ra vào các thiền định một cách ung dung, tự tại, không hề giải đãi. Hết thảy các bậc Hiền Thánh cầu pháp chẳng nhàm chán, ví như biển lớn dung chứa được hết thảy các nguồn nước từ nhiều sông chảy đến vậy, Như vậy gọi là Thân Tinh Tấn.
Hỏi: Người đào giếng cầu nước, ra sức làm việc không nhàm chán. Nhưng khi đào giếng xong rồi, tìm được mạch nước rồi, thì người ấy cũng nghỉ tay, không đào nữa. Như vậy, vì sao Bồ Tát hành đạo chẳng bao giờ mệt mỏi, chẳng bao giờ nhàm chán?.
Đáp: Chẳng có thể lấy việc thế gian mà dụ cho hạnh Tinh Tấn của Bồ Tát được. Do Bồ Tát phát tâm cầu làm Phật, phát tâm hoằng pháp độ sanh, nên thường tinh tấn, chẳng bao giờ mệt mỏi, chẳng bao giờ nhàm chán.
Lại nữa, Bồ Tát phát thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh, mà chúng sanh thì vô tận, nên tinh tấn cũng vô tận; chúng sanh vô tận, nên Bồ Tát chẳng bao giờ ngừng nghỉ được.
Trong 18 Bất Cộng Pháp, thì Dục và Tinh Tấn là 2 pháp phải thường tu, thường hành. Bồ Tát tinh tấn hành các pháp thiện, lợi ích cho chúng sanh, nhưng chẳng có trú pháp, mà chỉ trú Bát Nhã Ba La Mật. Khi chưa được Đạo, Bồ Tát vẫn thường hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Dù chúng sanh khen ngợi hay hủy báng, Bồ Tát vẫn một lòng từ bi, không phân biệt đối xử; mà còn thệ nguyện “Khi được thành Phật sẽ độ hết thảy chúng sanh”. Ví như bà mẹ thương con, dù con nên hay con hư, vẫn thương yêu như nhau. Như vậy là tướng của Tinh Tấn Ba la Mật.
Lại nữa, Bồ Tát nhất tầm cầu Đạo, thường hành Bố Thí Ba la Mật, Nên dù chúng sanh đến xin những vật quý giá, dẫn đến xin đầu, mắt, tủy, não… Bồ Tát đều hoan hỷ bố thí, không động tâm, không luyến tiếc. Tâm của Bồ Tát vững như núi Tu Di, không bị 8 ngọn gió nghiệp1 lay chuyển. Như vậy là tướng của Tinh Tấn Ba la Mật.
Hỏi: Người xuất gia trì giới, nếu có người đến xin y bát, có nên cho không? Nếu cho thì làm sao được đầy đủ Thi La Ba la Mật, nếu không cho thì làm sao được đầy đủ Đàn Ba la Mật
Đáp: Bồ Tát hành Thi La Ba la Mật giữ tất cả các giới, từ lớn đến nhỏ chẳng bỏ giới nào. Nhưng thế gian không cần đến y bát, nên người xuất gia trì giới không cho các thứ này.
Bồ Tát hành Đàn Ba la Mật, chẳng phải chỉ trong một dời, mà trong nhiều đời. Ví như khi thấy cọp mẹ đói sắp ăn con, Bồ Tát dấy lòng Từ Bi bố thí thân mình cho cọp mẹ ăn thịt, nhằm cứu sống cọp con.
Trong Kinh Bổn Sanh có chép mẩu chuyện sau đây:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, có một thời làm một vị Thái Tử.
Lúc bấy giờ dân chúng tin theo tà đạo, hết lòng tin kính một vị Phạm Chí, vì tin vị này “không ăn ngũ cốc mà vẫn có thể sống được”
Thái Tử suy nghĩ “người này hành tà đạo, làm ra vẻ không ăn ngũ cốc để mê hoặc người đời”.
Nhà vua thấy Thái Tử có vẻ nghi ngờ, bảo rằng: “Không ăn ngũ cốc mà vẫn sống được, thật là ít có trên đời. Sao con lại nghi ngờ, không tin kính vị Đạo sĩ ấy?”
Thái Tử thưa : “Kính xin Phụ Hoàng đợi cho con một thời gian, rồi sẽ biết rõ thật hư như thế nào”.
Thái Tử bèn cho người vào rừng, thăm hỏi các người chăn trâu mới vỡ lẽ rằng ban đêm ông Phạm Chí ấy uống sữa trâu để sống. Thái Tử nghe xong, đem sự việc thuật lại với vua cha.
Sáng hôm sau, Thái Tử mời vị Phạm Chí ấy vào cung để cúng dường. Thái Tử trịnh trọng bưng một bình hoa đến cúng dường vị Phạm Chí. Ông Phạm Chí đón nhận bình hoa, đưa lên mũi ngửi. Hương thơm tỏa ra làm cho ông Phạm Chí phát đau bụng, phải xin phép ra nhà sau. Ngay sau đó, ông nôn mửa ra toàn cả chất sữa.
Chứng nghiệm xong, vua và cả triều đình đều biết rõ ông Phạm Chí này dối trá để mê hoặc lòng người. Thái Tử nghiêm nghị nói với ông Phạm Chí rằng: “Ngươi thật là một tên giặc độc ác. Chỉ vì muốn cầu danh, mà ngươi dùng mưu mô lừa dối cả nước”.
Từ đó chẳng còn ai tín kính ông Phạm Chí ấy nữa.
—o0o—
Trong thế gian có rất nhiều kẻ xấu, vì danh lợi, đang tâm làm những việc xấu như vậy.
Trí Huệ Bát Nhã mới thật là chân trí huệ. Bồ Tát có trí huệ Bát Nhã, nên khi hành bố thí, hành trì giới… luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, không đắm trước. Vì sao? Vì Bồ Tát hành Tinh Tấn Bát Nhã Ba La Mật, rõ biết “hết thảy pháp chẳng có sanh, chẳng có diệt, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải đồng, chẳng phải khác, chẳng phải có, chẳng phải không”. Bồ Tát lại rõ biết hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, chỉ có danh, mà ở nơi Thật Tướng đều là bất khả đắc cả. Bồ Tát quán như vậy, rõ biết hết thảy pháp hữu vi đều là hư dối, chẳng thật có, rõ biết chỉ dùng tâm vô vi, tịch tịnh mới thật là an ổn.
Lại nữa, do bổn nguyện thương xót chúng sanh, nên khi hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát thường tự nghĩ: “Ta rõ biết hết thảy các pháp đều là hư dối, mà chúng sanh chẳng biết được, khiến phải trôi lăn trong các nẻo đường sanh tử, thọ bao nhiêu khổ đau. Ta phải hành đầy đủ 6 pháp Ba la Mật, thành Phật Đạo, được 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, được hết thảy trí huệ, được đại từ đại bi, được vô ngại giải thoát, được vô lượng Phật pháp để dìu dắt chúng sanh, khiến họ tu hành tinh tấn, ái lạc Phật pháp. Nhờ Tinh Tấn Ba la Mật mà Bồ Tát làm xong được những việc khó làm như vậy.
Phật dạy : “Bồ Tát hành Tinh Tấn Ba la Mật chẳng thấy mình đang hành tinh tấn, chỉ nghĩ đến lợi lạc cho chúng sanh, cũng chẳng thấy chúng sanh ở bờ bên này, chẳng thấy Phật pháp ở bờ bên kia. Bởi vậy nên tâm Bồ Tát hoàn toàn phóng xả, như mượn đò qua sông. Như vậy mới gọi là Tinh Tấn Tịch Tịnh, mới gọi là Tinh Tấn Ba la Mật.
Lại nữa, Bồ Tát rõ biết hết thảy các pháp đều là như mộng, như huyễn. Như vậy mới gọi là Chân Chánh Tinh Tấn .
Lại nữa, Bồ Tát quán hết thảy pháp đều bình đẳng, nên rõ biết tinh tấn cũng là hư vọng. Tuy rõ biết tinh tấn cũng là hư vọng mà vẫn thường hành tinh tấn để cứu vớt chúng sanh, thành tựu các pháp. Như vậy gọi là Chân Chánh Tinh Tấn.
Như lời Phật dạy: “Ta ở trong vô lượng kiếp đã đem đầu, mắt, tủy, não bố thí cho chúng sanh, ta đã tu khổ hạnh, đã trì trai, giữ giới, ta đã nhịn đói, nhịn khát, đã bị mắng nhiếc, đánh đập, đâm chém, khiến cho thân thể ta tiều tụy. Thế nhưng, ta vẫn thường tọa thiền, thường cần khổ để cầu trí huệ.
Rất nhiều phen ta đã bị các Ngoại Đạo đến khiêu khích, nạn vấn, hủy báng. Thế nhưng, ta vẫn giảng nói Chánh Pháp, phân biệt thô tế, tốt xấu nhằm đoạn nghi cho họ, đưa họ vào Chánh Đạo.
Ta tinh tấn cần cầu các công đức, tu đầy đủ 6 pháp Ba la Mật để cúng dường vô lượng chư Phật. Trong suốt thời gian ấy, ta tinh tấn không hề ngưng nghỉ, nhưng ta chẳng thấy Đắc gì cả.
Từ khi ta thấy Phật Nhiên Đăng, dùng 5 hoa sen cúng đường Phật, ta đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn và cũng đã đầy đủ 6 pháp Ba la Mật. Từ khi ta thấy Phật Nhiên Đăng, ta cũng đã thấy vô lượng các Đức Phật, ta đã được Thân Tinh Tấn bình đẳng, được Tâm Tinh Tấn bình đẳng mà ta được hết thảy các pháp bình đẳng”
Như vậy gọi là Tinh Tấn Ba la Mật.
(Hết quyển 16)