LUẬN
ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ kheo ni THÍCH NỮ DIỆU KHÔNG
TẬP I
QUYỂN 14
Phẩm thứ nhất
(Tiếp theo)
C/- Trì Giới (Tiếp theo)
Hỏi: Tướng của Thi La có thể dễ thấy biết, nhưng làm thế nào để biết được tướng của Thi La Ba La Mật?
Đáp: Bồ Tát trì giới, quyết không phá một giới nhỏ nào cả, dù phải mất mạng sống của mình. Như vậy gọi là Thi La Ba La Mật.
Trong kinh Bổn Sanh có chép mẩu chuyện sau đây:
Có 1 con rồng thọ giới “1 ngày xuất gia”, cầu thanh tịnh.
Rồng vào rừng, tìm chỗ yên tịnh, ngồi thiếp đi lúc nào không biết. Khi rồng ngủ, thân hình khoanh lại tựa như một vòng ngọc quý 7 màu tuyệt đẹp, óng ánh xen tạp nhau.
Có một người thợ săn thấy vậy liền dấy niệm “muốn lột da rồng để về dâng lên vua”. Nghĩ như vậy rồi, người ấy lấy nhiều khúc cây đè lên rồng, rồi dùng dao bén lột da rồng.
Rồng tỉnh dậy, tự nghĩ : Ta đủ sức mạnh làm cho cả nước khuynh động, nhưng ta nay đang giữ giới, chẳng thể vì tiếc thân mạng mà phá giới được.
Nhớ lời Phật dạy, rồng tự nhẫn, nhắm mắt lại, nín hơi thở, để cho người thợ săn mặc ý lột da.
Trời nắng, thân lại không có da bọc ngoài, rồng rất đau khổ, lại bị các côn trùng bủa vây rỉa thịt ăn, nhức nhối vô cùng. Thế nhưng nhớ lời Phật dạy, rồng tự nhẫn, chẳng dám cựa mình, sợ đè chết các côn trùng, phạm tội sát sanh. Rồng chịu đau đớn như vậy, chẳng tiếc thân mạng, đem máu thịt của mình bố thí cho các côn trùng. Sau cùng rồng kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng. Thoát kiếp, rồng được sanh lên cõi Trời Đao Lợi.
Rồng nầy là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người thợ săn là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa, các côn trùng là hàng Chư Thiên Hộ Pháp.
Đây là trường hợp Bồ Tát hộ trì giới mà chẳng tiếc thân mạng, đầy đủ Thi La Ba La Mật.
Lại nữa, Bồ Tát trì giới vì Phật Đạo, vì độ chúng sanh. Bồ Tát thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh, đưa họ đến bờ bên kia nên nhất tâm trì giới, chẳng tiếc thân mạng.
Nên biết rằng, “do trì giới mà được sanh lên cõi Trời, được gặp các bậc thiện tri thức, được sanh thiện trí. Nếu được các thiện tri thức dạy cho 6 pháp Ba La Mật thì sẽ vào được Đạo”.
Hỏi: Thế nào là “Trì giới được sanh giới”?
Đáp: Tu 5 giới dẫn đến Tỳ Kheo Giới, Thiền Định Giới, Vô Lậu Giới… Như vậy gọi là “Trì giới được sanh giới”
Hỏi: Thế nào gọi là “Trì giới dẫn sanh Đàn Ba La Mật”?
Đáp: Như trước đây dã nói, có 3 cách bố thí, là Tài Vật Thí, Pháp Thí và Vô Úy Thí.
Tự nghĩ “Trì giới để chúng sanh có ruộng phước, cúng dường được vô lượng phước đức” gọi là Pháp Thí.
Trì giới, chẳng làm hại chúng sanh, là Vô Úy Thí. Trì giới để có phước báo bố thí cho chúng sanh, vì chúng sanh thuyết Thanh Tịnh Pháp, khiến họ vượt qua được biển Sanh Tử, là “Trì Giới Dẫn Sanh Đàn Ba La Mật”
Hỏi: Thế nào gọi là “Trì Giới Dẫn sanh Sẵn Đề Ba La Mật” ?
Đáp: Người trì giới phải tự nghĩ rằng “Tu hạnh Nhẫn Nhục mới làm cho giới đức được bền chắc, kiên cố, bất động”
Người trì giới cũng phải nghĩ rằng “ta nay đã xuất gia, thì thân tâm ta phải khác với người thế tục. Ta phải lấy hạnh Nhẫn Nhục để điều tâm, khiến cho thân, khẩu, ý đều dứt bỏ các sự phẫn hận. Chỉ có nhẫn nhục mới khiến cho sự trì giới được đầy đủ”.
Người trì giới cũng phải nghĩ rằng “Giới là lưỡi dao sắc bén, và Nhẫn là áo giáp bảo vệ thân tâm. Nếu có tâm nhẫn kiên cố, thì giới mới có thể giúp cắt đứt mọi phiền não kiết sử, đưa ta đến bờ giải thoát được.
Người trì giới cũng phải nghĩ rằng “ví như người già phải nhờ đến cây gậy, mới có thể lần bước trong đêm tối; ta phải nhờ cây gậy GIỚI dẫn đường ta trong đêm dài vô minh. Thế nhưng, ta còn phải có tâm Nhẫn kiên cố, thì cây gậy GIỚI mới có thể giúp ta đến bờ Giải Thoát, và đạo Giác Ngộ.
Như vậy gọi là “Trì giới dẫn sanh Sẵn Đề Ba La Mật”
Hỏi: Thế nào gọi là “Trì giới dẫn sanh Tỳ Lê Gia Ba La Mật” ?
Đáp: Người tu Thiện Đạo cầu Niết bàn, nhờ tinh tấn trì giới, mà xa được các pháp thế gian, vào được Phật Đạo tự giải thoát cho mình khỏi khổ đau Sanh Tử, và độ được chúng sanh. Bởi vậy, nên nói “Trì giới dẫn sanh Tỳ Lê Gia Ba La Mật”.
Người tinh tấn trì giới, đến khi gần chết vẫn chẳng hế thối tâm, hướng thẳng đến Niết Bàn. Ví như người chiến sĩ, trụ vững chắc trên mặt đất, giương cung bắn các mũi tên thẳng đến quân địch, người tu, trụ vững chắc trên mặt đất GIỚI, dùng cung Thiền Định, lắp tên tinh tấn, phá sạch được vô minh.
Lại nữa, người trì giới nhờ Lực Tinh Tấn mà ngăn chặn được 5 tình, không cho thọ hưởng 5 dục lạc, nên nói “nhờ Lực Tinh Tấn mà hộ trì được 5 căn, dễ dàng thiền định, có Thiền Định sẽ sanh Trí Huệ, có Trí Huệ mới vào được Phật Đạo”.
Hỏi: Thế nào gọi là “Trì giới dẫn sanh Thiền Na Ba La Mật” ?
Đáp: Trì giới làm cho ba nghiệp ở thân, ở khẩu, ở ý được thanh tịnh, trừ được các kiết sử phiền não, nên dễ vào thiền định. Nếu không trì giới, thì rất khó hàng phục được tham, sân, si. Người có trì giới, thì dù cho tham, sân, si có dấy khởi, cũng chẳng kết thành tội. Vì sao ? Vì trì giới khiến các kiết sử yếu hẳn đi, chẳng còn đủ năng động gây ra tội nữa.
Lại nữa, người trì giới xa lìa các phước lạc thế gian, không buông lung phóng dật, khiến tâm được nhẹ nhàng, nhu nhuyến, dễ vào thiền định.
Có người do trì giới mà được sanh lên các cõi Trời. Có người do tri giới mà đoạn tận được các kiết sử, được đạo A La Hán.
Giới là thô, thiền định là tế. Giới nhiếp thân và khẩu, thiền định nhiếp tâm ý. Người phá giới bị gió nghiệp làm loạn tâm, trái lại người trì giới ít bị gió phiền não lay động nên rất dễ chứng thiền quả, dẫn đến vào Phật Đạo.
Như vậy, lược kể các nhân duyên “trì giới dẫn sanh Thiền Na Ba La Mật”
Hỏi: Thế nào gọi là “Trì giới dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”?
Đáp: Do nhân duyên có tội lỗi, mới có trì giới. Nếu không làm tội lỗi, thì cũng chẳng cần giữ giới.
Người trì giới rõ biết được tướng của tội lỗi, cho nên, khi tội lỗi vừa dấy khởi, là dùng trí huệ diệt được ngay tức khắc.
Nếu ngộ được tâm thanh tịnh, không đắm trước, thì mới gọi là “Trì giới dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”
Ví như hoa sen nhô lên khỏi bùn, gặp ánh sáng mặt trời liền nở, tỏa hương thơm ngát, người trì giới, gặp được ánh sáng trí huệ, liền được giải thoát.
Ví như dao bén, mà cứ cắt mãi đất bùn, trở thành lụt dần; người có trí huệ mà chẳng trì giới, mải miết chạy theo lợi danh, thì trí huệ cũng sẽ mờ dần, càng ngày càng trở nên ám độn.
Người xuất gia trì giới không để tâm lo nghĩ các việc thế gian, thường quán Thật Tướng các pháp là Vô Tướng, nên dần dần sanh trí huệ. Bởi vậy nên nói : “Trì giới dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”
Ngoài ra, Bồ Tát do trì giới mà rõ biết “Tội và Không tội đều là bất khả đắc, nên nói “Trì giới dẫn sanh Bát Nhã Ba La Mật”.
Như vậy là “Trì giới dẫn sanh đầy đủ 6 pháp Ba La Mật”.
Hỏi: Trì giới nhằm xả ác, làm thiện. Như vậy vì sao lại nói “do trì giới mà Bồ Tát rõ biết Tội và Không tộí đều bất khả đắc” ?
Đáp: Vì thâm nhập các Pháp Tướng, rõ biết Thật Tướng các pháp là Vô Tướng, hành KHÔNG Tam Muội, có trí huệ nên quán “Tội là bất khả đắc”. Tội bất khả đắc nên giới cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì có tội mới có giới, không tội thì không có giới. Ví như nếu không có tội sát sanh, thì làm gì có giới cấm sát sanh.
Hỏi: Ở hiện tại có chúng sanh . Như vậy vì sao nói chúng sanh, cũng như có tội, không tội, đều là bất khả đắc?
Đáp: Dùng Nhục Nhãn thì thấy CÓ, mà dùng Huệ Nhãn thì thấy KHÔNG, cho nên nói là bất khả đắc. Ví như trong Đàn Ba La Mật có nói “Không có người thí, người thọ và vật thí”, vì cả ba pháp ấy đều là bất khả đắc cả.
Nên biết 5 ấm sanh diệt vô thường, mà chúng sanh tự vô thỉ đến nay thọ các tội phước trong 3 cõi đều do nơi 5 ấm. Nếu ly 5 ấm, mà cầu chúng sanh thì là bất khả đắc vậy. Vì sao ? Vì ly 5 ấm, thì chẳng có Ngã, chẳng có chúng sanh.
Nếu nói ly 5 ấm vẫn có chúng sanh, thì đọa về thường Kiến, mà đã là thường thì chẳng có sanh có diệt. Vì sao ? Vì có sanh là trước Không, nay Có. Có Diệt là nay Có rồi lại thành Không. Nếu nói chúng sanh là thường, thì 5 đạo chúng sanh cũng thường có, và chúng sanh trong 5 đạo cũng thường có. Như vậy sao lại nói là có Sanh. Trái lại, nếu nói chẳng có sanh thì sao lại có Diệt?
Bởi nhân duyên vậy, nên nói “không có chúng sanh”.Vì Sao ? Vì có chấp 5 ấm mới nói có chúng sanh; cũng như có chấp 5 ngón tay mới nói có nắm tay vậy. Do 5 ấm duyên khởi, mà chúng sanh, trừ 5 ấm ra chẳng thể tự nhiên có chúng sanh được. Lại nữa, chỉ vì mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt mà sanh tâm chấp có Ngã, có chúng sanh. Nếu ly 6 tình ra thì cũng chẳng riêng có chúng sanh được. Các hàng Ngoại Đạo chấp “con mắt thấy là chúng sanh, dẫn đến ý phân biệt là chúng sanh, nghĩ đến khổ lạc… là chúng sanh”. Nếu chấp như vậy là chẳng biết rõ được Thật Tướng của chúng sanh vậy.
Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây :
Có một vị Tỳ Kheo đắc quả A La Hán, được các đệ tử cung kính cúng dường. Sau khi vị A La Hán này viên tịch các đệ tử sợ mất sự cúng dường nên lấy gối mền già làm hình của thầy, khiến tín đồ tưởng thầy còn đang nằm trên giường bệnh. Người vô trí, tin rằng vị Tỳ Kheo A La Hán vẫn còn sống nên vẫn tiếp tục cúng dường.
Người trí nghe các đệ tử của vị A La Hán nói như vậy, không tin, tìm đến tận nơi xem xét, biết rõ trên giường chỉ là một đống mền gối, còn vị Tỳ Kheo A La Hán đã viên tịch rổi.
Vậy nên, người trí rõ biết 6 tình là giả, là Vô Ngã vậy.
Nếu nói 5 ấm do duyên sanh, thì 5 ấm phải là vô thường, dẫn đến chúng sanh cũng là vô thường. Cho nên, thật là vô lý khi nói rằng chúng sanh từ trước đến nay vẫn thường có, vì nếu chúng sanh là thường có, thì 5 ấm cũng thường có vậy.
Nên biết chúng sanh do 5 ấm duyên khởi sanh, chỉ có nơi danh tự mà thôi. Người vô trí, y theo danh tự, chấp thật có chúng sanh, là chẳng biết rằng chúng sanh chẳng thật có, chỉ là giả danh mà thôi. Nếu chẳng có chúng sanh thì cũng chẳng có tội, nếu chẳng có tội, thì cũng chẳng có giới. Ví như nếu chẳng có tội sát sanh thì cũng chẳng có giới cấm sát sanh.
Lại nữa, nếu thâm nhập Trí Quán, thì rõ biết “5 ấm là KHÔNG, chỉ vì như cảnh thấy trong mộng, như bóng thấy trong gương”. Vậy thì, sát người trong mộng, sát bóng trong gương đều là bất khả đắc cả. Nếu 5 ấm là KHÔNG, là vô tướng, thì chúng sanh cũng là như vậy. Lại nữa, đối với người không sát sanh, không tham, sân, si, thì cũng chẳng có các tội danh ấy.
Nếu thấy người phá giới mà khinh, thấy người trì giới mà kính nể, rồi chấp giữ các thành kiến đó thì là duyên khởi cho tội lỗi vậy. Như vậy gọi là đầy đủ Thi La Ba La Mật”
—o0o—
Sẵn Đề Ba La Mật
(Nhẫn Nhục Ba La Mật)
KINH
Do trú trong Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật, hành Nhẫn Nhục, tâm chẳng lay động mà Bồ Tát được đầy đủ Sẵn Đề Ba La Mật.
LUẬN
Hỏi: Thế nào gọi là Sẵn Đề Ba La Mật?
Đáp: Sẵn Đề là Nhẫn Nhục.
Có hai đức Nhẫn. Đó là:
- Sanh Nhẫn.
- Pháp Nhẫn.
Bồ Tát hành Sanh Nhẫn được vô lượng phước đức, hành Pháp Nhẫn được vô lượng trí huệ. Tu cả hai đức ấy là thành tựu Đại Nhẫn. Ví như người có đủ cả đôi chân và đôi mắt mới có thể đi xa ngàn dặm.
Bồ Tát khi gặp người đến mắng nhiếc, đánh đập, đâm chém, liền nghĩ đến các tội phước nhân duyên đời trước và đời nay. Biết như vậy rồi liền quán “Vô ngã” và “Vô Ngã Sở”, dùng ba pháp ấn là Không, Vô Tướng và Vô Tác, Quán như vậy, Bồ Tát rõ biết mình có thọ báo, nên chẳng sanh ác tâm, chẳng khởi ác khẩu. Đức Nhẫn với chúng sanh như vậy gọi là Sanh Nhẫn.
Lại nữa, Bồ Tát nhờ quán Thật Tướng các pháp mà được Nhẫn gọi là Pháp Nhẫn.
Trí Nhẫn làm cho tâm thiện càng thêm kiên cố. Trí Nhẫn ấy có thô, có tế. Thô gọi là Nhẫn Nhục, tế gọi là Thiền Định. Khi chưa có được Thiền Định thì phải dùng tâm ngăn ác, nên gọi là Nhẫn Nhục. Khi tâm thiện đã được kiên cố thì chẳng còn bị các việc ác quấy phá nữa, nên được Thiền Định.
Lại nữa, do không sân mà được Nhẫn, nên Nhẫn thuộc về tâm sở tương ưng pháp, giúp hành giả được tâm thanh tịnh, khiến chẳng còn tạo ra các ác nghiệp nữa.
Lại có thuyết nói đức Nhẫn chỉ có ở cõi Dục, còn ở cõi Sắc, vì chẳng có các ác hạnh nên không nói đến Nhẫn. Vì sao ? Vì hữu lậu là phàm phu, vô lậu là bậc Thánh. Đã là bậc Thánh thì không còn có sự việc gì mà không nhẫn được cả.
Bởi vậy nên phải nhẫn nhục, ngăn trừ các pháp ác, thì các pháp thiện mới được tăng trưởng.
Hỏi: Thế nào gọi là Sanh Nhẫn?
Đáp: Sanh Nhẫn là đức Nhẫn đối với chúng sanh, ví như cam chịu những sự đau đớn khổ nhục do chúng sanh gây ra. .
Bồ Tát, dù được cung kính, dù bị mắng nhiếc… đều giữ tâm không lay động, chẳng có vui mà cũng chẳng khởi oán hận, xem hết thảy chúng sanh dều bình đẳng ngang nhau.
Hỏi: Được cung kính mà không vui, sao cũng gọi là Nhẫn ?
Đáp: Kiết sử có 2 loại. Đó là: Ái Kiết và Tắng Kiết.
- Ái Kiết là sự trói buộc do lòng thương yêu kính mến gây ra.
- Tắng Kiết là sự trói buộc do lòng oán ghét thù hận gây ra.
Được cung kính, cúng dường, tuy không sanh tâm sân nhuế, nhưng lại sanh tâm ái trước.
Ái Kiết tuy nhu hòa, mềm mại, tuy không hung hăng thô bạo như Tăng Kiết mà cũng là giặc, làm chướng ngại cho sự Giải Thoát.
Bởi vậy nên phải biết tu Nhẫn, không sanh tâm đắm trước mới trừ được giặc Ái Kiết này.
Hỏi: Phải làm cách nào để có thể nhẫn được ?
Đáp: Phải quán Vô Thường và quán sự sanh khởi của các kiết sử từ thô đến tế, phải dùng trí huệ để tận đoạn các kiết sử. Có làm như vậy mới được diệu tâm thanh tịnh.
Như lời Phật dạy “Lột da phải đến thịt, lóc thịt phảiđến xương tủy. Người được lợi dưỡng, được cung kính chỉ mới lột đựợc lớp da bên ngoài; người tu Thiền Định như lóc được lớp thịt, người dùng trí huệ quán chiếu như phá được xương, thấy được tủy. Tủy, nói ở đây là dụ cho tâm diệu thiện”
Trong Kinh có chép các mẩu chuyện sau đây:
* Khi đến thành Ca Tỳ La Vệ cùng với 2500 vị Tỳ Kheo, Phật đã độ được một vị Phạm Chí thờ Thần Lửa.
Vị Phạm Chí này, do không trí huệ, nên đã dùng pháp tuyệt thực, khổ hạnh để cúng dường Thần Lửa. Do vậy mà thân hình tiều tụy, nhưng cũng chẳng được chút phước báo nào cả.
* Khi Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia hành đạo, vua Tịnh Phạn đã cho nhiều thanh niên gốc quý tộc xuất gia theo. Trong số đó có con của vua Hộc Phạn, là Đề Bà Đạt Đa cũng xuất gia theo.
Đề Bà Đạt Đa tinh tấn tu học, nhưng sau 12 năm, do được cung kính cúng dường, mà sanh tâm muốn học thần thông mong được bằng Phật. Phật dạy “ông nên quán 5 ấm vô thường mới được đạo, chớ nên sanh tâm muốn học thần thông”.
Đề Bà Đạt Đa lại đến ngài Xá Lợi Phất và một số vị Tỳ Kheo khác để xin học, nhưng ai cũng khuyên ông quán 5 ấm vô thường, ai cũng từ chối không dạy thần thông.
Đề Bà Đạt Đa khóc lóc, không được vui, bèn đến ngài A Nan để xin học. Ngài A Nan vì chưa có Tha Tâm Trí, chỉ biết Đề Bà Đạt Đa là anh họ của mình, nên đã đem hết thảy những lời Phật dạy, truyền đạt lại cho Đề Bà Đạt Đa.
Đề Bà Đạt Đa, nghe xong, liền vào núi tu. Một thời gian sau chứng được 5 thần thông.
Khi đã được 5 thần thông rồi, ông tự nghĩ : “Nay ta phải chọn ai để làm thí chủ cúng dường ta ?”
Ông quán Thái Tử A Xà Thế, nghĩ rằng : “Ta nên tìm đến thân cận Thái Tử”.
Nghĩ như vậy rồi ông lên cõi Trời , lấy cơm trên Trời đem cho vị Thái Tử, cốt để làm mê hoặc Thái Tử.
Thái Tử A Xà Thế động tâm, sai dựng một tịnh xá trang nghiêm, rước Đề Bà Đạt Đa về ở, cúng dường đầy đủ, chẳng thiếu thức gì. Lại bảo quần thần đem 500 cân vàng đến cúng.
Tuy được cúng dường đầy đủ, nhưng hàng tín đồ vẫn còn quá ít, khiến ông lại dấy niệm nghĩ rằng : “Ta đã có 30 tướng tốt, chẳng có kém Phật bao nhiêu. Nếu tạ có đông đệ tử như Phật, thì ta chẳng có thua kém gì Phật cả”.
Nghĩ như vậy rồi, ông sanh tâm phá hoại Tăng Đoàn khuyến dụ được 500 vị đệ tử của Phật theo ông. Nhưng sau đó, do hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thuyết pháp, 500 vị Tăng này đã quay trở lại với Tăng Đoàn của Phật.
Bởi nhân duyên vậy, ông sanh tâm làm hại Phật, lập mưu lăn đá từ núi cao xuống để đè Phật. Lúc bấy giờ có Thần Kim Cang hộ vệ, làm cho phiến đá lệch sang hướng khác, nên Phật chỉ bị thương nhẹ ở ngón chân. Tỳ Kheo Ni Hoa Sắc mắng ông, ông bèn lấy chùy đánh, làm cho vị Tỳ Kheo Ni này bị lòi mắt mà chết.
Đã gây ra ba trọng tội như vậy, ông lại gần gũi với bọn Ngoại Đạo, đánh mất thiện căn, làm các việc ác mà chẳng chút tàm quí. Ông còn dùng thuốc độc bôi ở đầu móng tay, muốn nhân lễ Phật thừa dịp cấu rách chân Phật để cho chất độc thấm vào. Nhưng khi ông vừa đến thành Vương Xá, thì bỗng nhiên lửa từ bốn phía nổi lên cuốn thân ông vào địa ngục hỏa xa.
Đề Bà Đạt Đa đã có được 30 tướng tốt mà chẳng biết nhẫn nhục, chỉ vì cầu lợi danh mà đánh rớt thiện tâm, làm các việc ác, phạm nhiều trọng tội khiến phải đọa vào địa ngục.
Bởi bậy nên người tu phải trừ ái trước sự cung kính cúng dường, phải hành hạnh nhẫn nhục, không dấy tâm ái trước sự cung kính cúng dường của người.
Nên biết, có 3 nhân duyên khiến được hưởng sự cung kính và sự cúng dường. Đó là:
- Do nhân duyên phước đức đời trước mà nay được như vậy.
- Do công đức tu hành đời nay mà được như vậy.
- Có hạng người ở trong tâm chẳng có chân đức, mà bên ngoài giả hiện oai nghi, nói dối, lừa đảo, khiến người vô trí bị mê hoặc mà cung kính cúng dường.
Bồ Tát, trong tự tâm, thường suy nghĩ: “Vì đời trước ta siêng tu phước đức, nên đời nay ta được cung kính cúng dường; ta chớ sanh tâm kiêu mạn, chỉ ví như gieo mạ đúng thời tiết ắt sẽ được mùa gặt tốt. Ta phải nhẫn tâm, chẳng nên ái trước sự cung kính cúng dường”. Nếu nhờ công đức đời nay mà được sự cung kính, được sự cúng dường, thì Bồ Tát lại tự nghĩ rằng: “Ta nhờ được trí huệ, rõ biết Thật Tướng các pháp, nhờ công đức đoạn kiết sử mà được sự cung kính cúng dường” nghĩ như vậy rồi, Bồ Tát chẳng dám tự cao. Thật có ái lạc công đức mà không có ái ngã vậy.
Trong Kinh có chép mẫu chuyện sau dây:
Có 1 vị Tỳ Kheo hành A Lan Nhã 1 đến dự đại hội tại một ngôi chùa do nhà vua tổ chức! Người giữ cổng chùa thấy vị sư y áo rách bươm, ngăn lại chẳng cho vào. Vị Tỳ Kheo quay về mượn y áo tốt mặc vào, trở lại đại hội. Lần này được phép vào dự đại hội nên tự nghĩ: “chẳng phải công đức của ta, ta nên tự nhẫn. Nếu ta nổi sân thì ta tự hại ta. Không đắm chấp sự cung kính cúng dường mới thật là nhẫn”.
Hỏi: Người chưa được đạo, thường chỉ lo nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp ham vui dục lạc thế gian. Vì sao người tu lại phải tự nhẫn?
Đáp: Người tu thường dùng trí huệ quán Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã, thường nhàm chán thân, quán thân này rồi cũng sẽ tan rã. Dù có ăn ngon, mặc đẹp rồi cũng sẽ chết, chẳng nên đắm vị, đắm xúc. Do quán Vô Thường, nên dù được cung kính cúng dường cũng chẳng sanh tâm chấp đắm, phải luôn luôn tự nhẫn.
Lại nữa, gặp trường hợp người nữ đến trêu ghẹo, Bồ Tát cũng phải tự nhẫn, giữ tâm bất động, không để cho niệm tà mống khởi.
Trong kinh Bổn Sanh có chép mẩu chuyện sau đây:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn là Bồ Tát, đang ngồi nhập định dưới gốc Bổ Đề, có 3 Tiên Nữ hóa thân làm kỹ nữ đến xúc chạm vào thân Bồ Tát. Lúc bấy giờ có Thần Kim Cang đến xua đuổi các nàng tiên đi nơi khác và mắng rằng: “Các ngươi không biết vị Thánh đang tọa thiền hay sao? Các ngươi bất tịnh, xú uế, phải nên xa lánh nơỉ này”. Rồi nói kệ rằng:
Thân các ngươi xú uế,
Bất tịnh và xấu xa,
Xem tựa nhà chứa phân,
Đâu có gì thích thú.
Các Tiên Nữ liền tự hóa thân trở lại thành những Thiên Nữ trẻ đẹp, đến bên Bồ Tát hỏi rằng : “Thân hình chúng tôi như thế này. Cớ sao lại gọi là xú uế, xấu xa?”.
Bồ Tát đáp: “Vườn riêng ở cõi Trời đầy hoa sen 7 báu, chư Thiên hãy đến đó vui chơi cho thỏa thích. Thế nhưng, các ngươi nên biết rằng khi Vô Thường đến, thì thọ mạng ở cõi Trời cũng sẽ dứt; hết vui rồi cũng sẽ khổ. Vậy nên, các ngươi hãy sớm tỉnh giác, hãy sớm nhàm chán dục lạc, hãy sớm tìm niềm vui nơi Chính Đạo”.
Các Tiên Nữ biết đã gặp bậc Đại Trí, chẳng dám nói gì thêm, lặng lẽ rút lui ngay sau đó.
Bồ Tát quán nữ sắc, tự chế tâm mình, tự nhẫn chẳng hề lay chuyển; lại quán dục lạc như rắn độc; quán người nữ tật đố, sân si, chẳng nên gần gũi; quán người nữ trí mỏng, lại thường đắm dục lạc, giăng lưới tình làm mê hoặc lòng người.
Quán như vậy rồi, Bồ Tát thuyết kệ rằng:
Đâm thủng mắt mình.
Còn hơn tán tâm,
Nhìn theo nữ sắc.
Ánh mắt dịu hiền,
Nhưng lòng kiêu hãnh,
Dễ nổi hờn ghen.
Bước đi uốn éo,
Mê hoặc lòng người.
Giăng lưới dâm ái,
Bủa người vào trong.
Đi, đứng, nằm, ngồi,
Mắt liếc đưa tình,
Khiến người trí mỏng
Mê say, đắm đuối.
Cầm kiếm đánh địch,
Còn hy vọng thắng.
Nữ tặc hại người,
Khó bề thắng được.
Rắn rít ngậm độc,
Có thể trừ được.
Người có trí tuệ,
Không đắm nữ sắc,
Xem người phái nữ,
Như mẹ, chị, em.
Phải quán tội lỗi,
Cùng quán bất tịnh.
Không trừ lửa dâm,
Liền bị thiêu đốt.
Dâm nữ được yêu,
Chẳng được chăm sóc,
Giận dỗi, tủi buồn;
Thường gây phiền nhiễu,
Làm khổ người thương.
Dâm nữ thâm độc,
Tội lỗi như vậy.
Phải nên lánh xa,
Như xa đám lửa.
Lòng người dâm nữ,
Quả thật khó lường:
Lời nói nhân nghĩa,
Gạt bỏ ngoài tai;
Tham đắm dục tình,
Như loài rồng dữ;
Chẳng phân tốt xấu,
Chỉ muốn hại người;
Không được chăm sóc,
Buồn rầu, tiều tụy;
Nhưng khi được yêu,
Kiêu sa khôn kể;
Đối với người thiện,
Không chút kính nhường,
Chẳng nghe lời khuyên,
Lại còn thù oán;
Gặp người giàu sang,
Hết lòng quý trọng;
Xử tệ vô cùng.
Tâm thường tùy dục
Chẳng tùy công đức.
Trong Kinh còn ghi chép nhiều mẩu chuyện về dâm nữ ở trong giới giàu sang, quyền quý:
* Có một chàng làm nghề đánh cá, một hôm đi ngang qua hoàng cung, thấy công Chúa ngồi trên lầu cao, liền sanh tâm ái trước, về đến nhà, lòng vương vấn không nguôi, quên ăn, bỏ ngủ, bèn tỏ điều mơ ước thầm kín của mình với mẹ già.
Bà mẹ khuyên: “Con thuộc hạng hạ tiện, còn Công Chúa là hạng người tôn quý, con chẳng nên làm như vậy”.
Người con van xin : “Nếu mẹ không giúp con gặp được Công Chúa, con rất buồn khổ, chắc rồi phải chết thôi”.
Mẹ chìu con, đem cá tươi ngon vào cung biếu Công Chúa.
Công Chúa hỏi: “Bà muốn cầu gì nơi ta”.
Bà lão xin được thưa chuyện riêng với Công Chúa.
Sau khi Công Chúa bảo mọi người tản đi nơi khác rồi, bà mạnh dạn thưa với Công Chúa rằng: “Con trai tôi thương trộm, nhớ thềm Công Chúa đến phát bệnh. Kính mong Công Chúa rủ lòng thương xót con trai tôi, cho nó cơ hội được thấy tận mắt Công Chúa; như vậy là Công Chúa ban phước cứu mạng sống của con tôi”.
Công Chúa nghe xong, bảo rằng : “Ngày rằm tới đây, bà bảo con trai bà đến miếu thần, đứng sau tượng thần, sẽ được gặp ta”.
Bà lão về nhà thuật chuyện gặp Công Chúa với con, và nói : “Nguyện của con sắp thành. Ngày rằm tới đây, con hãy mặc áo mới, đến miếu thần, đứng sau lưng tượng thần, chắc chắn con sẽ gặp Công Chúa”.
Công Chúa xin vua đến miếu thần cầu phước. Vua sai 500 cỗ xe tháp tùng Công Chúa.
Đến miếu thần, Công Chúa bảo mọi người chờ bên ngoài. Rồi Công Chúa một mình vào trong miếu thần, đi thẳng đến sau pho tượng thần. Công Chúa thấy một thanh niên đang ngủ say; Công Chúa lay mãi mà thanh niên ấy vẫn không tỉnh giấc. Buồn rầu, Công Chúa đành để lại một chuỗi anh lạc và mười cân vàng, rồi bỏ ra về.
Khi người thanh niên tỉnh dậy thấy chuỗi anh lạc và mười cân vàng bên cạnh mình, bèn hỏi mẹ sự việc, mới biết Công Chúa vừa mới ra về. Quá thất vọng vì nguyện ước không thành, người thanh niên buồn rầu theo mẹ về nhà; ít lâu sau phát bệnh rồi chết.
Vậy nên biết rằng nàng Công Chúa ấy chẳng kể quí tiện, sang hèn, chỉ hành động theo sự sai khiến của dục vọng mà thôi.
Lại nữa, ngày xưa có một nàng Công Chúa theo người thuộc giới Chiên Đà La, làm việc dâm ô; cũng có Tiên Nữ chung chạ với sư tử… Như vậy, rất có nhiều trường hợp người nữ tà dâm, mà không có sự lựa chọn.
Người nữ trước hết phải trừ được dâm ái, mới tu được Nhẫn Nhục.
—o0o—
Bồ Tát tu hạnh Từ Bi, nên dù gặp phiền não bức bách cũng phải nhẫn thọ.
Trong Kinh có chép mẩu chuyện sau đây:
Ngày xưa, có vị Tiên Nhân Sẵn Đề tu hạnh Nhẫn Nhục trong rừng rậm. Có một hôm vua Ca Lợi đem các thế nữ vào rừng vui chơi. Sau buổi ăn, nhà vua ngủ trưa. Thừa dịp, các thế nữ rảnh rỗi, rủ nhau vào rừng ngắm cảnh. Chợt thấy một vị Tiên, diện mạo oai nghi, thanh tịnh, các thế nữ bèn đến đảnh lễ và xin hỏi đạo.
Được Tiên Nhân thuyết về hạnh nhẫn nhục, các thế nữ mải miết ngồi nghe, chẳng hề nhàm chán.
Nhà vua tỉnh dậy, không thấy các thế nữ, bèn cầm kiếm đi tìm. Thấy các thế nữ ngồi cạnh vị Tiên Nhân, nhà vua nổi giận quát : “Ông làm gì ở đây?”.
Vị Tiên Nhân đáp : “Tôi tu hạnh nhẫn nhục”.
Nhà vua nói : “Ta muốn xem ngươi tu hạnh nhẫn nhục đến mức độ nào?”. Nói xong, nhà vua lấy kiếm chặt chân tay vị Tiên Nhân, rồi hỏi tiếp rằng : “Như thế này, tâm ngươi còn bất động chăng?”.
Vị Tiên Nhân đáp: “Tôi tu Từ Bi Nhẫn Nhục, nên chẳng động tâm”. Nhà vua hỏi : “ngươi lấy gì làm bằng để có thể tin được?”
Vị Tiên Nhân đáp: “Nếu tôi thật sự tu Từ Bi Nhẫn Nhục, thì huyết của tôi chảy ra sẽ biến ngay thành sữa.
Tức thì huyết chảy ra ở mặt đất đều biến thành sữa trắng và chân tay vị Tiên Nhân đều bình phục lại như cũ.
Nhà vua quá sợ hãi, dẫn đoàn thế nữ chạy ra khỏi khu rừng.
Lúc bấy giờ, trời nổi mưa to gió lớn, sấm sét vang rền. Nhà vua bị sét đánh chết, không còn trở về cung nữa.
—o0o—
Bồ Tát tu hạnh nhẫn nhục, thường gặp nhiều khổ não trong tiến trình hành Đạo Bồ Tát.
Như lời Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều chịu vô lượng khổ đau trong cảnh Sanh Già Bệnh Chết”, nên Bồ Tát tự nghĩ: “Ta chẳng nên trôi lăn mãi theo dòng Sanh Tử. Ta phải lội ngược dòng Sanh Tử, phải cầu trở về nguồn Giải Thoát; phải cầu vào đạo Niết Bàn”.
Bởi vậy, khi chưa đoạn sạch kiết sử, Bồ Tát phải tự chế tâm, tu hạnh Nhẫn Nhục; dù bị người đến não hại cũng chẳng sanh sân, dù được người cung kính cúng dường, cũng chẳng sanh hân hoan, tự đắc, dù gặp ách nạn cũng chẳng sanh sợ hãi. Bồ Tát, vì chúng sanh mà thường huân tập tâm Từ Bi, nên khi gặp chúng sanh đến não hại phải tự nghĩ rằng: “Ta phải thân cận, thương xót hết thảy chúng sanh. Nếu chúng sanh chẳng làm phiền ta, thì ta chẳng tu được hạnh Nhẫn Nhục. Người oán hại ta cũng là thầy của ta vậy”.
Lại nữa, như lời Phật dạy: “Chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vẫn qua lại trong các nẻo đường Sanh Tử”, nên Bồ Tát tự nghĩ: “Có thể ta đã hại người, làm khổ người, nên nay họ ôm hận đến đòi ta trả mạng. Nếu ta khởi sân với họ, lấy oán trả oán, thì oán thù chồng chất mãi, chẳng bao giờ dứt được. Hơn nữa nếu ta sân với người, tức là ta đã sân với Phật vậy. Chim thú cũng có thể trở thành Phật, ta chớ nên khinh Phật sẽ thành”.
Trong các phiền não, thì sân tạo tội nặng nhất. Như có người dùng kệ hỏi Phật rằng:
Diệt gì khiến tâm an ổn?
Diệt gì khiến tâm chẳng hối?
Sân là cội gốc các độc
Sân diệt hết thảy thiện căn
Phật dùng kệ đáp:
Diệt sân khiến tâm an ổn.
Diệt sân khiến tâm chẳng hối.
Sân là cội gốc các độc.
Sân diệt hết thảy thiện căn.
Diệt sân được Phật tán thán.
Diệt sân chẳng còn các khổ.
Bồ Tát tự nghĩ: “Ta nay tu hạnh Từ Bi Nhẫn Nhục, nhằm đem lại sự an vui cho chúng sanh. Ta phải nên biết, SÂN là cội gốc các độc, phá sạch thiện căn. Nếu ta sân, thì làm sao chúng sanh được an vui, làm sao đem lại lợi lạc cho chúng sanh, nên ta phải nhẫn nhục. Nếu ta sân, thì cùng với phàm phu chẳng có gì khác cả, ta sẽ chẳng có nhiều công đức”.
Bồ Tát lại nghĩ rằng: “Người đến mắng nhiếc đã góp phần luyện tâm ta, ví như người thợ luyện vàng vậy. Khi lửa tắt rồi, thì vàng ròng hiện ra. Nếu vì nhân duyên đời trước ta đã gây nên tội, thì nay ta cũng chẳng nên sân, trái lại ta phải tu nhẫn”.
Bồ Tát lại tự niệm: “Chúng sanh như con của ta. Nếu chúng sanh đến mắng nhiếc ta, ta chẳng nên sân, mà trái lại ta phải tìm mọi phương tiện để giáo hóa họ”.
Bồ Tát rõ biết chúng sanh, do phiền não che tâm, mà gây nên bao tội lỗi, khiến phải trôi lăn trong các nẻo đường Sanh Tử, nên vì họ tu nhẫn nhục, chẳng bao giờ khởi sân hận, dù đối với những kẻ có ác tâm muốn làm hại mình.
Sân nhuế là cội gốc của bao nhiêu tội ác. Như trong kinh có chép trường hợp của một vị Tiên Nhân tu tịnh hạnh; thế nhưng chỉ gặp một chuyện không vừa ý mà khởi tâm sân, đang tâm hại cả nước.
Người sân nhuế ví như loài hổ beo, lang sói, rắn độc, chẳng ai muốn đến gần, chẳng ai muốn thấy.
Người sân nhuế chẳng biết tự chế, khiến tâm ác càng lâu càng thêm tăng trưởng, đến nỗi những việc tày trời như giết cha, giết mẹ mà cũng làm được.
Vào thời Phật còn tại thế, có nhiều vị Tỳ Kheo sân nhuế, nên Phật dạy rằng: “Này các Tỳ Kheo ! Các người chớ nên khởi đấu tranh, vì sân nhuế tương tục như vậy sẽ đem lại nhiều khổ báo. Các ngươi đã nguyện cầu Niết Bàn, đã nguyện bỏ việc thế gian, nguyện vào trong thiện pháp. Sao các ngươi còn sân nhuế, còn đấu tranh ? Lửa sân thiêu đốt cả thân tâm, phá sạch rừng công đức. Các ngươi phải xa lìa tâm sân nhuế, phải tu hạnh Nhẫn Nhục. Người tu Từ Bi Nhẫn Nhục nhất định sẽ vào được Phật Đạo”.
Hỏi: Pháp Nhẫn Nhục rất tốt. Nhưng nếu tu Nhẫn Nhục khiến người khinh khi, cho là do sợ hãi mà phải nhẫn, thì như vậy có ích gì?
Đáp: Nếu ta sợ người khinh ta, cho ta “do sợ hãi mà nhẫn”, để rồi bỏ không tu nhẫn nữa, thì tội ấy lại còn nặng gấp bội. Vì sao? Vì không nhẫn sẽ bị các bậc Thánh Hiền khinh dễ.
Người nhẫn nhục, được tâm nhu nhuyến, nên dù không hành bố thí cũng sẽ được sanh lên cõi Trời, cõi Phật.
Bồ Tát tự nghĩ : “Nếu người đời nay khinh khi ta, nhục mạ ta, ta vẫn phải tu nhẫn”. Vì sao ? Vì người tu nhẫn không bị đọa Địa Ngục Thiết Vi. Người vô trí thường khinh khi người tu nhẫn, mà sợ người không nhẫn, vì người không nhẫn thường dùng sức mạnh đe dọa kẻ khác. Chính những người dùng sức mạnh để thỏa mãn tự ngã của mình, mới thật đáng chê cười.
Bồ Tát lại nghĩ rằng : “Từ khi sơ phát tâm, ta đã nguyện, vì hết thảy chúng sanh, trị các bệnh cho họ. Nay chúng sanh khởi sân, ta phải lấy thuốc Nhẫn Nhục để trị bệnh cho họ”.
Bồ Tát biết rõ căn bệnh sân nhuế, gây phiền não nơi chúng sanh, nên khi gặp chúng sanh nổi sân, thì Bồ Tát tìm phương tiện giải sân cho họ, không làm cho họ sân thêm.
Bổ Tát thương chúng sanh như con, nên khi chúng sanh khởi sân, Bồ Tát không trách móc, mà chỉ nhẫn nhục tìm cách giải sân cho họ.
Bồ Tát lại tự nghĩ: “Nếu chúng sanh sân hận, mà ta không nhẫn, thì ta cũng sẽ phiền não, sẽ khổ đau như họ. Do sân nhuế mà khi mạng chung, sẽ phải tái sanh làm thân rồng, sư tử, hổ lang… Nếu làm Ngạ Quỷ, thì trong miệng có lửa bốc ra. Ta nguyện làm lợi ích cho chúng sanh, nên nếu ta không nhẫn thì ta cũng ác như họ vậy”.
Bồ Tát lại tự nghĩ: “Ta cũng là chúng sanh. Sao ta lại sân nhuế, gieo rắc khổ đau cho chúng sanh?”.
Bồ Tát lại tự nghĩ rằng : “Do 5 ấm duyên hợp mà giả danh có chúng sanh, có đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng. Người vô trí chẳng biết như vậy, nên khởi chấp ngã, khởi sân nhuế. Nếu ta khỏi sân, thì ta như hàng phàm phu, vô trí, cũng mê muội, điên đảo như họ, cũng tạo tội, thế rồi cũng thọ khổ báo, nên ta phải tự Nhẫn Nhục”.
Bồ Tát lại tự nghĩ : “Chư Phật trong 3 đời và trong khắp 10 phương, khi hành Đạo Bồ Tát, cũng tu Nhẫn Nhục. Ta nay cũng phải như Phật, phải tu Nhẫn Nhục. Nếu ta dấy lửa sân nhuế, là ta rơi ngay vào cảnh giới của ma”.
Như vậy, có vô lượng duyên khởi khiến Bồ Tát nhẫn với chúng sanh. Hạnh Nhẫn Nhục với hết thảy chúng sanh gọi là Sanh Nhẫn.
(Hết quyển 14)