Câu Chuyện Phóng Sanh
Khuyết Danh
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Câu Chuyện Phóng Sanh
Khuyết Danh

Khi mới tốt nghiệp trường Sư Phạm, tôi được điều về công tác tại huyện Yên Châu, một huyện nghèo thuộc tỉnh Sơn La.

Tại Yên Châu thú rừng thường hay bị bắt để ăn thịt, đem bán, hoặc nuôi chơi.

Tính tôi thích động vật nên hay mua những con lạ về nuôi. Trước đây do ở cùng gia đình nên có muốn nuôi cũng không được, vả lại trên Thị xã Sơn La, chỗ tôi ở trước cũng không hay có thú rừng nên với tôi con gì cũng lạ.

Tôi thường dặn học sinh nếu thấy ở đâu bán thú rừng lạ lạ thì bảo lại với tôi. Tôi dạy môn nhạc, môn của tôi còn ít giáo viên, thường tôi cứ dạy kỳ I dồn hết tiết cho xong sớm, kỳ II đi tăng cường các trường khác nên rất nhiều học sinh ở các trường là “tai mắt” cho tôi trong việc tìm mua thú rừng.

Là giáo viên nên tiền lương chẳng bao nhiêu, có bao nhiêu tiền tôi dồn hết vào mua thú, mua chim, mua lồng, đầy hết cả nhà.

Có lần, học sinh của tôi bảo trên mường Lựm có nhà nuôi con cầy hương hay lắm. Họ nuôi như nuôi chó trong nhà, thả rông, chủ đi đâu con cầy cũng chạy theo. Lúc thường thì nó nằm ở một ngăn trong cái chạn.

Nghe vậy tôi khoái lắm, lên ngay mường Lựm xem, và mua vài con về nhốt trong lồng. Tính huần luyện dần xem sao.

Vốn là dân thành thị, bị điều về vùng cao dạy, cũng không thích thú gì lắm, đành kiếm mấy trò tiêu khiển cho đỡ buồn. Gia đình tôi cũng không muốn tôi ở vùng hẻo lánh đó mãi, mà tìm cách chuyển không được.

Anh chị tôi quan hệ rất rộng và thương em nên cũng rất để ý đến việc chuyển vùng của tôi. Có lần mấy người anh kết nghĩa của anh tôi biết chuyện, họ khẳng định sẽ xin được chuyển vùng cho tôi (họ rất có địa vị trong xã hội, là những người có uy tín, nói được làm được). Vậy mà cuối cùng hết năm ấy các anh ấy vẫn không xin được.

Có lần tôi đang trên trường, chị tôi gọi điện báo năm sau tôi sẽ được chuyển vùng. Giọng chị mừng lắm. Chị nói chị xin cho họ hàng một người có địa vị trong ngành giáo dục chuyển xuống Hà Nội (lúc đó chị tôi công tác ở Hà Nội và cũng rất có quan hệ), người kia hứa sẽ chuyển vùng được cho tôi, coi như đổi nhau. Vậy mà hết năm đó, chị chuyển cho họ hàng người kia được rồi mà người kia vẫn không chuyển được cho tôi.

Một dạo có người trên Chiềng Khoi tới chỗ tôi trọ, bảo mới lên rẫy bắt được con khỉ, biết tôi hay mua nên muốn bán cho tôi.

Tôi liền theo người đó lên nhà họ ở Chiềng Khoi xem, thấy đó không phải khỉ, mà là một con cu li lớn ( loại này nhìn tương đối giống loại cu li nhỏ, nhưng nó to hơn, loại lớn có trong sách đỏ còn loại nhỏ thì không). Tôi mua con này.

Nuôi một thời gian sau, thấy nó cứ vạch lồng muốn chốn (hở chút thôi là chạy mất tiêu), lại gầy tọp đi, tôi xót quá. Nghĩ tới chuyện thả.

Trước đây tôi cũng thường thả chim, lúc thả chưa biết đó gọi là phóng sinh, chỉ là thấy họ bán mấy con chim đẹp thì mua về. Lúc ngắm chơi, lại nhìn thấy mấy con chim trong lồng của mình nhảy loạn xạ lên khi thấy bọn chim ở ngoài bay hót, nên thấy tội nghiệp mà thả thôi. Cứ mua lại thả, thả xong lại mua …

Lần này định thả con cu li lớn, tôi nghĩ mãi, vì tôi tiếc con này. Tuy nhiên khi nghĩ kĩ, tôi quyết định không chỉ thả con cu li lớn đang gầy yếu, mà thả hết luôn số động vật tôi đang nuôi.

Vì tôi nghĩ: “Con này nó buồn quá mà gầy gò vậy, con khác tuy không gầy, nhưng chắc gì đã muốn tôi nuôi chúng”.

Thế là tôi đem thả hết, cả con cầy to tướng kia cũng thả luôn.

Vì muốn giáo dục học sinh nên hôm thả tôi gọi mấy em học sinh hay đến chỗ tôi chơi đi thả cùng. Chúng tôi mang thú lên Chiềng Khoi, mang vào tận rừng thả.

Lúc ở nhà có lần con cu li đó xổng chuồng, nó chạy rất nhanh, khác hẳn kiểu lười biếng chậm chạp, cả ngày không nhúc nhíc khi bị nhốt. Lần nó xổng tôi phải vất vả lắm, lại có nhiều người quây mới bắt lại được.

Vậy mà lần này thả hẳn, dốc nó ở trong bao ra, không biết nó vì lâu mới nhìn thấy rừng lại, hay biết được thả luôn mà cứ ngẩn ra không chịu chạy, cứ nhìn rừng phía trước, rồi lại ngoảnh đầu nhìn tôi như không tin.

Sợ nó cứ lười biếng không đi, nằm ngay ven rừng bị người ta bắt lại nên tôi đặt nó lên một cành cây, lại rung rung cành cây để đuổi cho nó chạy. Vậy mà nó không chạy, khác hẳn khi trước, hở ra là bò đi vun vút.

Nó ngoảnh hẳn đầu lại nhìn tôi, ánh mắt rất cảm kích. Thú thực là mắt của nó vốn to, bình thường chẳng thấy gì biểu cảm ngoài vẻ buồn bã, lười biếng. Thế mà lúc đó, từ mắt nó tôi thấy sự cảm kích thật sự, tôi chưa từng thấy ánh mắt của con người nào thể hiện được sự cảm kích như vậy, kể cả trên phim.

Tôi cứ đập cành cây và nó cứ nhìn tôi, một lúc rồi nó cũng ngoảnh đầu lại bò đi. Sau hôm đó về, tôi nhớ mãi ánh mắt của nó, đó là ánh mắt cả đời tôi không quên được.

Sau này tôi có kể cho nhiều người nhưng không ai tin cả, họ cứ bảo tôi nghĩ quá. Chỉ có học sinh đi cùng tôi lúc đó là công nhận ánh mắt lạ, và trên đường về các em ít nói hơn, không ồn ào như khi đi.

Một điều lạ nữa là một thời gian ngắn sau khi thả con cu li đó cùng mấy con thú khác. Tôi được chuyển công tác từ Yên Châu về Hà Nội.

Trước đó đã có nhiều lần gia đình tôi xin cho tôi chuyển công tác, mấy lần đó đều là người có uy tín và địa vị hứa, tưởng chắc như đinh đóng cột.

Vậy mà cuối cùng đều xảy ra trắc trở bất ngờ, những chắc trở đó họ cũng nói lại và quả thật là trắc trở bất ngờ đó có thật, rất dễ xác minh, không phải họ bịa ra. Cuối cùng kết quả là tôi vẫn không được chuyển vùng.

Vậy mà như tôi đã nói, sau một thời gian ngắn thả bọn thú rừng tôi nuôi nhốt thì tôi chuyển vùng được. Điều đặc biệt là lần này chẳng có ai hứa giúp cả, chuyển rất tự nhiên.

Anh rể tôi ngồi chơi điện tử trên mạng, thế nào lại nhớ đến việc của tôi, liền vào mục tuyển người gì đó ở trên mạng, thấy một trường tuyển giáo viên, thế là gọi tôi bảo đến thử xem.

Lúc đó đang hè, tôi và chị tôi đi đến đó. Trường đó lại vừa tuyển được giáo viên xong, hai chị em lại tiu nghỉu đi về. Mấy hôm sau tự nhiên có người gọi điện bảo đến thử việc.

Hoá ra trường kia tuy có người rồi, nhưng chị Hiệu trưởng trường đó chơi thân với Hiệu trưởng các trường khác. Sau khi chúng tôi ra về, tuy không nói gì nhưng chị lại gọi điện giới thiệu tôi cho cô Hiệu trưởng trường tôi đang công tác bây giờ, thế là họ gọi tôi đến thử việc.

Hôm đầu tiên tới, họ chỉ nói chuyện chứ chưa thử việc ngay, họ hẹn hôm sau tôi tới dạy thử một bài hát mà họ quy định cho các em. Hôm sau tôi đến dạy thử, họ tập trung học sinh toàn trường lên sân và tôi dạy một bài hát. Lúc xuống họ quyết định nhận ngay. Thế là tôi chuyển vùng được.

Lúc đó tôi chỉ thấy mình gặp may mà không nghĩ gì đến con cu li kia cả. Mãi sau này tôi học Phật Pháp rồi, xâu chuỗi mọi việc lại, tôi nghĩ:

“Lúc trước mình xin chuyển không được có lẽ do mình đang nhốt rất nhiều thú. Lũ thú bị nhốt trong lồng có cũng giống tôi, bị bó thân trong một vùng nhỏ hẹp. Tôi nhốt chúng là tôi gây nhân xấu thì tôi cũng bị bó ở đó, phải chịu quả xấu. Dù có những người có địa vị, có thế lực xin cho tôi thì tôi cũng không chuyển được. Khi tôi thả tự do cho tất cả bọn chúng là tôi tạo nhân lành, bản thân tôi cũng được hưởng nhân lành.”

Từ đấy tôi thấm thía hơn cái gọi là Nhân quả, chỉ là một hành động nhỏ thôi, bắt thú rừng nhốt nuôi thôi chứ chẳng làm thịt, tưởng như vô hại, ấy vậy mà lại ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của mình. Huống chi những việc như sát sinh, hại người … thì kết quả sẽ đến mức nào.

Hiểu ra rồi, ta chỉ cần đảo ngược lại thói quen hành động của mình, thì nhân quả sẽ từ từ sắp xếp lại. Giống như tôi đổi từ thói quen “bắt nhốt” thú rừng, thành “phóng sinh” thú rừng, chẳng bao lâu sau thì chính tôi cũng được “thả”.

Nhân quả không dễ nhìn thấy, nhưng lại chi phối chặt chẽ mọi việc cuộc sống chúng ta. Cầu mong cho nhân loại ai ai cũng hiểu sâu nhân quả, kinh sợ tội ác, khát khao hành thiện, thế giới sẽ bớt đi bao nhiêu đau khổ, cuộc đời sẽ tăng thêm biết bao nhiêu niềm hạnh phúc.