CHO NHAU MÙA XUÂN
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Mấy mươi mùa xuân đã đi qua trong đời, tôi đã hết cái thời nôn nao đón Tết, háo hức ngóng áo mới, chờ nhận phong bao lì xì…

Xuân là tượng trưng cho thời tiết đẹp nhất trong năm, vì vậy mà lòng người cũng phải chuyển biến thích nghi theo, đa số đều mặc định không nên có sự nhăn nhó hay nét cau có nào trong những ngày đầu xuân… nhà cửa, đường xá bắt buộc phải quét dọn tươm tất, để cảnh quang luôn rạng rỡ, tưng bừng sắc xuân và vui như Tết!…       

Đó lá hình thức bên ngoài, còn nội tâm? Tâm và cảnh luôn đi đôi với nhau, tương ưng. Phật hiện diện ở cõi ta bà (được gọi là uế trược), nhưng thỉnh thoảng Ngài cũng cho mọi người thấy chánh báo của Ngài vá giải thích rằng “Như Lai luôn ở trong cảnh tịnh”, và Ngài đã chứng minh bằng cách nhấn ngón chân cái xuống đất, lập tức mọi người đương thời đều thấy cõi ta bà biến thành tịnh độ, sạch sẽ, thanh khiết đẹp vô ngần!

Chúng ta không có được cái tâm và thần thông như Ngài để y báo chánh báo gì cũng trang nghiêm, xinh đẹp, mà cũng chẳng thể nhấn ngón chân cái xuống đất để biến ngoại cảnh thành diễm lệ nguy nga. Ở Ta bà, nếu giỏi lắm thì người ta chỉ có thể làm tuyết nhân tạo, mưa nhân tạo… nhưng  mới tạo một vùng nhỏ thôi mà tiền tốn đã kếch xù – Vậy thì mùa xuân có nhân tạo được không? Có  thể…! – Thậm chí sẽ không phải tốn kém gì, nếu giải thích theo câu: “Người buồn cảnh có vui đâu  bao giờ” (thơ Kiều), chỉ cần mọi người chịu hợp sức, nhất tâm. Và tùy thuộc vào sự nhất tâm nhiều ít mà chúng ta có cả… nhà xuân, làng xuân, hay nước xuân và… thế giới xuân.

Đọc đến đây xin quý vị chớ có cho rằng tôi đang triết lý ba xu, ngồi không mà tơ tưởng viễn vông, “hồn ngây ngô còn ngái ngủ trên trời!” – Có vẻ  như tôi thả hồn trên đọt cây? Xin thưa là tôi không thả hồn trên đọt cây, mà đang thả trên… ao!

Những ngày qụa, sau biến cố dịch heo tai xanh, tôi chắc chắn rằng Sở Tài Nguyên môi trường mệt “bở hơi tai” vì phải lo dọn dẹp tàn dư do người chăn nuôi “ngây thơ” đẻ lại. Cả chục xác heo bệnh bị dân lén ném xuống ao đang sình chương (đó là tôi mô tả số lượng khiêm tốn, chứ thực tế hơn rất nhiều)… nội tỉnh Đồng Nai thôi, nhìn thảm trạng cũng đủ chóng mặt – cũng có vài bao nội tạng heo bệnh được quăng rải rác dọc đường và trong ao, khi thân heo đã được tranh thủ mổ xẻ đem bán tẩu tán, gieo rắc mầm độc – vì người ta đã không thể cho nhau mùa xuân, nên đã cho nhau mùa… bệnh! Người ném xác bừa bãi không hề biết rằng dòng nước bị ô nhiễm này, chính họ và con cháu họ cũng phải… uống vào!

Thú thật là xem phóng sự trên ti vi, tôi đã thất kinh khi thấy mấy chục xác heo nổi lềnh bềnh, dẫy đầy trên khắp các ao, rãnh, kênh lạch… Trước tiên, nhân viên vệ sinh lãnh trọn, nếm đủ khổ; còn dân làng chung quanh thì phải hít thở mùi thum thủm… khó kham cực kỳ của xác vật sình thối.. Và tất cả chúng ta, những người đồng bào ruột thịt thân thương… sẽ cùng nhau uống chung nguồn nước… “mắm” bất đắc dĩ đó.

Thím An ở gần chỗ tôi từng tâm sự:

– Cô ạ! Tôi muốn làm phước lắm, nhưng mà không có tiền. Ước gì tôi trúng số, tôi sẽ bố thí…

Đây không phải là ước mơ riêng của thím An, mà hẳn nhiều người đã có cùng ý nghĩ này (y như là chí lớn gặp nhau vậy, nhất là đối với những người có tâm địa tốt). Tôi thường lý luận rằng: Muốn trúng số để bố thí – thì tiền đó cũng đâu phải của mình – chỉ khi mình dám đem “của mình” ra bố thí thì mới có ý nghĩa! – Nhưng theo tôi, có một cách tạo phúc chẳng tốn tiền mà ít ai lưu tâm chịu làm.

Thím An là người tốt bụng, nhưng thím có quan niệm (thâm căn cố đế trong đầu) là con vật nuôi trong nhà (như con chó chẳng hạn) lỡ có chết đi thì nhất quyết không được chôn nó trong khu đất của mình, vì làm thế sẽ không nuôi chó tiếp được, nên thím và ông chồng luôn giải quyết bằng cách đem xác chó… quăng xuống suối. Không riêng gì thím An, mà rất nhiều người có chung suy nghĩ này, vì vậy mà kênh rạch sông suối, ngoài nạn heo tai xanh, còn lãnh thêm nạn kiêng cử (không rõ xuất phát từ ai mà bị ô nhiễm môi trường (may là con chó chết không nằm ngày 29, mồng 1, chứ nếu không… lại gặp cảnh “thủy táng” đầu xuân)… Chưa trúng số để bố thí, nhưng thím An đã “bố” mùi hôi khắp suối, đã “thí” xác vật gieo nguồn bệnh khắp dòng chảy, không hề biết rằng dòng chảy này sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, lan tỏa đi khắp các giếng – để… cả làng đều uống, người người đều uống…

Con đường từ cốc tôi ra chợ rợp bóng cây xanh, có vài căn nhà đang xây dở dang. Nhưng con đường đi chẳng còn rộng thênh thang hay đẹp như mơ nữa… vì những khoang đất trống mọc đầy cỏ (chưa cất nhà) đã bị người ta biến thành bãi rác tự tạo, dù chợ cách đó chừng năm-sáu chục mét có thùng rác và bãi rác công cộng, nhưng do lười đi xa một chút nên người ta đã quăng đại, xả bừa… khiến con đường đi cũng bị rác lấn, mà “nghĩa cữ” này rất dễ bị lây lan bắt chước, hình như những cái xấu luôn dễ gây tiêm nhiễm ảnh hưởng mau? Giống như đi xuống dễ hơn leo lên?… Thỉnh thoảng bước trên con đường sặc sụa mùi xú uế của rác, tôi bỗng ước – ước gì người ta bố thí sự sạch sẽ, vệ sinh, không quăng rác bừa bãi – tôi chợt nhớ đến nước Singapore luật rất nghiêm, hễ xả rác một cái là bi phạt 50 USD, nhờ vậy mà đường xá nước họ sạch đẹp.

Trong lòng mọi người đa số đều thích bố thí, nhưng vô tình lại thí sự ô nhiễm (cho người lẫn bản thân mình), ở cõi ta bà này, những vùng quê vẫn có đồi núi, ánh trăng, dòng suối mát và bầu trời xanh quang đãng cho mây trắng nhởn nhơ bay … (rất thơ mộng). Còn thành phố thì có những tòa lầu cao ngất, đèn điện sáng choang… có con đường rợp lá me bay tỏa bóng mát ảo huyền, có bến cảng bờ sông lấp lánh đèn màu, du thuyền nhẹ lướt… Cảnh rất đẹp và luôn cần ta giữ gìn, chúng ta có thể cho nhau mùa xuân bất tuyệt, nếu chịu dọn sạch và loại bỏ những cái xấu – một trong những cái xấu đó, chính là tính xả rác bừa bãi!…

Hồi nhỏ, ngay thời học cấp một, cả bìa sau những cuốn tập của tôi cũng in hình các truyện như “Ác lai ác báo, gieo gió gặt bão” v.v… khiến vô hình chung ấn tượng về luật nhân quả bỗng âm thầm in sâu vào tim óc, nhắc nhở phải luôn luôn cẩn trọng tránh tạo tội.

Người ta phạm lỗi vì không am tường luật nhân quả. Trong kinh Tăng nhất A hàm, khi thuyết giảng về việc tạo phúc, Phật đã xác nhận rằng người ta sẽ được thiện báo rất lớn nếu chịu thực hành một trong năm điều này:

  1. Lập công viên.
  2. Trồng rừng.
  3. Sửa, dọn dẹp đường, bắc cầu…
  4. Dựng nhà xí phục vụ người đi đường.
  5. Đóng thuyền bè đưa giúp người sang sông.

Và Phật trùng tuyên lại:

Những ai trồng cây, tạo bóng mát
Bắc cầu, sửa chữa… dọn dẹp đường…
Đào giếng, thí nước giúp giải khát…
Xây nhà xí, nhà mát, cho khách lỡ đường có chỗ trú chân, nghỉ dùng…
Phải biết phước đức người này lớn vô cùng, vì những việc làm này phát xuất từ lòng vị tha….
Sẽ khiến họ được sinh làm người sang quý, hoặc về cõi trời hưởng phúc.

Từ đây suy ra, ta có thể biết những hành vị kỷ, không giúp người, cố ý gây thương tích, gây tổn hại… sẽ chiêu quả khổ vô cùng.

Có lần xem tin thế giới thấy một ông lão người Indonesia được vinh danh, ca ngợi, chỉ vì ông sáng sáng cưỡi chiếc xe đạp đèo theo phụ tùng đựng ki hốt rác, chỗi quét… ra khỏi nhà, ngày ngày tự nguyện làm công việc nhặt rác, dẹp chướng ngại vật, làm sạch đẹp đường, ông làm tới chiều tối mới về. Dân lân cận ai cũng quý mến, muốn phụng dưỡng ông. Gương mặt ông lúc nào cũng mỉm cười, an lạc. Tôi chắc chắn đêm về ông ngủ rất ngon, vì những niềm vui ông đã đem đến cho mọi người.

Có vô số cách làm phúc không tốn tiền, nhưng lại tạo nên mùa xuân bất tuyệt…