KINH BỒ TÁT THIỆN GIỚI
SỐ 1583
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Sa môn Cầu Na Bạt Ma, người nước Kế Tân.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
ƯU BA LY HỎI PHÁP THỌ GIỚI BỒ TÁT
Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu giới, thành tựu giới thiện, thành tựu giới tạo lợi ích cho chúng sinh, trước phải học đầy đủ giới Ưu-bà-tắc, giới Sa-di, giới Tỳ-khưu. Nếu nói không đầy đủ giới Ưu-bà-tắc mà đạt được giới Sa-di thì không có điều đó. Không đủ giới Sa-di mà đạt được giới Tỳ-khưu, thì cũng không có điều ấy. Không đủ ba giới như vậy mà đạt được giới Bồ-tát, cũng không có việc nầy. Ví như nhà lầu bốn tầng có thứ lớp, không do tầng thứ nhất mà đến tầng thứ hai, thì cũng không có việc nầy. Bồ-tát đầy đủ ba thứ giới rồi, muốn thọ giới Bồ-tát, phải nên chí tâm không có tham chấp, xả bỏ tất cả vật trong ngoài, nếu không thể xả bỏ, tức không đầy đủ ba giới, trọn không thể đắc giới Bồtát.
Bấy giờ, người thọ giới tự quán xét thân mình như quán xét người trí, ở nơi chỗ vắng lặng lễ bái Phật ở mười phương, hướng về trước tượng phía Đông quỳ gối chắp tay thưa: “Đại Đức Phật, Bồ-tát Tăng mười phương xin lắng nghe: Nay con tên…, cầu giới Bồ-tát, con đã đầy đủ giới Ưu-bà-tắc cho đến đầy đủ việc của người trí, cho nên con cầu giới Bồ-tát từ Phật, Bồ-tát Tăng ở mười phương. Nay mười, Bồ-tát Tăng ở phương Phật quán xét tâm con, nếu con có tâm bất tín, phá hủy tâm Bồ-đề, hoặc có tâm ác, tâm giả dối thì chớ trao giới cho con, nếu thật sự không có thì nên trao giới cho con, vì lòng thương xót”. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy, chí tâm im lặng trụ nơi chuyên niệm rồi nói: “Nay đã trao cho con giới Bồ-tát, con đã đắc giới Bồ-tát. Vì sao? Vì Phật, Bồ-tát ở mười phương đã dùng tha tâm trí quán xét tâm con, con có tâm chân thật, nên biết đã ban giới cho con, vì lòng lương xót. Nay con không có thầy, thì Phật, Bồ-tát ở mười phương là thầy”.
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Bấy giờ, Phật, Bồ-tát ở mười phương tức thị hiện tướng, là đã đắc giới.
Phật, Bồ-tát ở Mười phương bảo các đại chúng: Nơi thế giới có người… chân thật, thọ giới Bồ-tát, nay ta đã trao giới, vì lòng thương xót. Nay người nầy không có thầy, ta vì người nầy mà làm thầy, nay ta hộ niệm đệ tử ta. Lúc ấy, người thọ giới liền đứng dậy đảnh lễ mười phương Phật, Bồ-tát, đây là tự yết-ma. Nếu có người trí, vì sự kiêu mạn không theo đấy mà thọ, thì không đắc giới Bồ-tát, như là người phá giới. Nếu có người trí hoặc ở phương xa, hoặc đất nước có loạn, hoặc bị bệnh nặng, hoặc vì lợi ích cho nhiều người, mà lại không có chỗ thọ. Xuất gia, tại gia, hoặc có thể xả, có thể thí, thâm tâm lập nguyện cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Bấy giờ, nếu người có tâm Bồ-đề, đồng pháp, đồng ý, có thể thuyết, có thể dạy, đây là thiện tri thức. Người muốn thọ giới phải nên đến chỗ người nầy làm lễ, trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay nói: Đại đức lắng nghe, tôi nay theo Đại đức xin thọ giới Bồ-tát, giới đại tự tại, giới vô thượng, giới vô thắng. Đại đức! Đối với tôi vì thương xót, nên xin trao giới cho tôi.
Nếu vị Đại đức nầy im lặng lắng nghe, người thọ giới nên đứng dậy sửa lại y phục, hướng đến chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời và chư Bồ-tát trụ nơi đại địa, đầu mặt kính lễ, tùy trí lực của mình mà khen ngợi công đức của chư Phật và chư Bồ-tát, ở trước tượng Phật chuyên niệm Tam bảo, quỳ xuống chắp tay nói: Đại đức, nay con tên…, xin thọ giới Bồ-tát, Đại đức vì lòng thương xót nên trao giới Bồ-tát.
Nếu vị Đại đức im lặng lắng nghe, người thọ giới nên chí tâm chuyên niệm Tam bảo, sinh tâm hoan hỷ. Lại suy nghĩ: Ta nay đã thành tựu được vô lượng vô biên công đức bảo tạng vô thượng, sẽ được giới mà Bồ-tát đã thọ trì.
Lại nên nhất tâm im lặng mà trụ. Bấy giờ, người trí nói với người thọ giới:
– Nầy thiện nam! Hãy lắng nghe! Nay ông có phải là Bồ-tát chân thật không? Có chân thật phát tâm Bồ-đề không?
Người thọ giới đáp: Đại đức! Đúng thật là vậy.
Người trao giới lại nói: Ông có đầy đủ ba giới không?
Đáp: Đã đầy đủ.
Hỏi: Có thể xả bỏ của cải trong ngoài không?
Đáp: Có thể xả bỏ.
Hỏi: Có tham tiếc thân mạng và của cải không?
Đáp: Không tham tiếc.
Hỏi: Ông có thể theo ta thọ tất cả giới Bồ-tát, thâu giữ tất cả giới của đạo Bồ-đề, giới tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, giới nầy như giới của chư Phật, Bồ-tát ở mười phương, ba đời, ông có thể thọ trì không?
Đáp: Có thể.
Lần thứ hai, thứ ba hỏi đáp cũng như vậy.
Bấy giờ, người trí nên xướng lời nầy: Chư Phật, chư Bồ-tát ở mười phương và Đại đức Tăng lắng nghe: Nay có người tên… cầu con, theo Phật, Bồ-tát Tăng ở mười phương xin thọ giới Bồ-tát, đã đầy đủ ba giới, phát tâm Bồ-đề, có thể xả bỏ tất cả vật trong ngoài, không tiếc thân mạng. Nguyện chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở mười phương, vì thương xót mà ban cho người nầy giới Bồ-tát, vì thương xót mà ban cho vô lượng vô biên giới của bảo tạng công đức vô thượng, vì lợi ích cho chúng sinh, vì tăng trưởng pháp của chư Phật và Bồ-tát.
Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.
Bấy giờ, các phương có gió mát thổi, người trí phải biết đây là chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở mười phương trao giới cho người nầy rồi, nên nói với người thọ giới:
– Ông hãy lắng nghe! Chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở Mười phương nay trao giới cho ông, như giới của tất cả Bồ-tát trong ba đời, ông phải chí tâm thọ trì, có thể thọ trì không?
Đáp: Có thể.
Lần thứ hai, thứ ba cũng hỏi đáp như vậy
Bấy giờ, người trí kính lễ chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở mười phương và lễ tượng Phật, lễ rồi lại xướng: Đại đức chư Phật, Bồ-tát ở mười phương lắng nghe: Nay người thọ giới đã nói ba lần, đã từ chư Phật và Bồ-tát ở mười phương đắc giới Bồ-tát, người thuyết là con, người thọ tên là…, con vì người nầy mà làm chứng. Đại sư tức là vô lượng chư Phật, Bồ-tát Tăng ở mười phương, tiểu sư tức là thân con.
Sư gồm có hai: Một là có thể thấy. Hai là không thể thấy. Không thể thấy tức là chư Phật, Bồ-tát Tăng ở mười phương. Có thể thấy tức là thân con. Ở một bên vị sư có thể thấy và không thể thấy, người nầy đã đắc giới. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Như thế là yết-ma xong. Yết ma xong cả hai đều im lặng. Bấy giờ chư Phật và Bồ-tát ở mười phương thế giới biết sự tướng nầy rồi, bảo các đại chúng: Trong thế giới kia, có người như vậy theo người trí ấy thọ giới Bồ-tát, người như vậy là pháp đệ của ta, ta nay chí tâm thương xót hộ niệm, do chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở mười phương thương xót hộ niệm, nên người trao giới và người thọ giới đều tăng trưởng pháp thiện. Cả hai người im lặng rồi, liền kính lễ chư Phật, chư Bồ-tát Tăng ở mười phương. Đây gọi là Bồ-tát thọ xong giới Bồ-tát. Là giới nhất thiết, giới vô thượng, giới vô biên, giới công đức tụ, giới tịch tĩnh, giới tâm tịnh, giới phá trừ tất cả phiền não của chúng sinh. Những giới như vậy hơn hẳn tất cả giới của Thanh văn, Duyên giác trong mười phương. Vì sao? Do độ thoát tất cả chúng sinh. Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, phải nên học và đọc tụng tạng pháp của Bồ-tát, luận tạng Bồ-tát.
Bồ-tát lúc muốn thọ giới Bồ-tát, trước phải quán xét kỹ, nếu người bất tín thì không nên theo họ thọ, người tham lam, người bủn xỉn, người không biết đủ, người phá giới, làm nhiễm ô giới, không tôn trọng giới, người ưa sân hận, người không nhẫn nhục, người không biết ngăn chận tội lỗi của người khác, người biếng nhác, ưa hưởng sự vui thế gian, ưa nói việc thế gian, cho đến không thể nhất tâm trong giây lát nghĩ đến Tam bảo, nghi ngờ, ngu tối, không thể đọc tụng tạng pháp Bồ-tát và tạng luận Bồ-tát, trái lại sinh phỉ báng…, những người như vậy không nên theo thọ giới. Đã thọ giới rồi cũng không nên nói cho người không tin, cũng không nên nói cho người phỉ báng Đại thừa. Vì sao? Như người không tin do nhân duyên nầy mà bị đọa vào địa ngục, vì thế Bồ-tát không nên nói cho họ nghe, nếu nói là đắc tội. Nếu Bồ-tát biết chắc khi nói với người kia có thể phá trừ lời nói ác, nghiệp ác và tâm bất tín cho họ thì nói sẽ không có tội. Bồ-tát đã thọ giới Bồ-tát rồi, sư nên vì họ giảng nói pháp phạm và không phạm. Nếu biết họ chí tâm có thể thọ giới, không vì sự cúng dường mà thọ, không phải bắt chước người khác mà thọ, không vì kiêu mạn mà thọ. Bấy giờ, vị sư nên thuyết giảng pháp phạm và không phạm cho họ nghe: Người thọ giới lắng nghe: Giới Bồ-tát có tám giới trọng, bốn giới trọng như trước đã nói. Nếu Bồ-tát vì tham lợi dưỡng mà tự khen ngợi thân mình, đã đắc giới Bồ-tát, trụ địa Bồ-tát, đây là giới trọng thứ năm của Bồ-tát. Nếu có người bần cùng thọ các khổ não, hoặc có người bệnh đến cầu xin, Bồ-tát vì tham tiếc, không bố thí, cho đến vật nhỏ bằng một tiền, có người cầu pháp cũng keo kiệt không bố thí, cho đến một lời kệ. Đây là giới trọng thứ sáu của Bồ-tát.
Bồ-tát nếu sân hận, không nên thêm tâm ác, nếu dùng tay đánh, hoặc gậy hoặc đá, dùng lời ác mắng nhiếc, lăng nhục, hoặc khi không có sức không thể đánh mắng thì ôm tâm sân hận, nếu bị người khác đánh mắng, họ cầu sám hối mà không nhận lời, cho nên tăng trưởng tâm sân hận không dứt tâm bất tịnh. Đây là pháp trọng thứ bảy của Bồ-tát.
Bồ-tát nếu có người đồng thầy đồng học phỉ báng kinh Đại thừa và tạng pháp của Bồ-tát, theo học những điều phi pháp, không nên cùng người nầy ở chung. Nếu biết chắc rồi, không được đến chỗ mọi người tán thán công đức của người ấy. Đây gọi là pháp trọng thứ tám của Bồ-tát.
Bồ-tát có hai hạng: Một là tại gia. Hai là xuất gia. Tại gia có sáu giới trọng. Xuất gia có tám giới trọng, nếu Bồ-tát phạm mỗi mỗi giới hoặc phạm đủ tám giới, hiện tại không thể trang nghiêm vô lượng Bồđề vô thượng, hiện tại không thể khiến tâm thanh tịnh. Đây gọi là Bồtát danh tự, Bồ-tát phi nghĩa, gọi là Bồ-tát Chiên-đà-la, không gọi là Sa-môn, chẳng phải là hàng phạm hạnh, không thể hướng đúng đến đạo quả Bồ-đề vô thượng. Tâm Bồ-tát có ba hạng là thượng trung hạ. Như bốn giới trọng sau mà tâm hạ và trung phạm thì không gọi là phạm. Nếu dùng tâm thượng và tâm ác phạm thì gọi là phạm. Thượng tức là ưa làm bốn việc như vậy, tâm không xấu hổ, không biết sám hối, không thấy phạm tội, khen ngợi phá giới. Đây gọi là tâm ác thượng phạm. Bồ-tát tuy phạm bốn giới trọng như vậy, mà trọn không mất giới Bồ-tát. Nếu Tỳ-khưu phạm bốn giới trọng tức mất giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Bồ-tát nếu phạm bốn giới trọng của Tỳ-khưu, cũng mất giới Ba-la-đề-mộcxoa, làm ô nhiễm giới Bồ-tát. Người nhiễm ô thì hiện tại không thể làm trang nghiêm Bồ-đề. Không đạt được Tam-muội vô lượng phước đức. Đây gọi là nhiễm ô. Có hai nhân duyên khiến mất giới Bồ-tát: Một là thối tâm Bồ-đề. Hai là có tâm ác bậc thượng. Lìa hai nhân duyên nầy, cho đến đời sau, dù ở trong ba đường ác cũng trọn không mất giới Bồtát. Giới Bồ-tát không đồng với giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu vào đời sau, Bồ-tát lại thọ giới Bồ-tát, thì không gọi là mới đắc, mà gọi là khai thị thanh tịnh. Nay lại nói về sự khác nhau của việc phạm tội khinh hoặc trọng của giới Bồ-tát.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, đối với tháp tượng, kinh quyển, người đọc tụng ngày đêm cả ngàn vạn lần mà Bồ-tát, không dùng hương hoa cúng dường lễ bái, không thể khen ngợi, tâm không hoan hỷ, cho đến một niệm. Đây gọi là phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Đây gọi là Bồ-tát có tâm nhiễm, tâm nghi, khởi tâm bất tịnh. Nếu có làm việc mà tâm không cung kính, vì không tin, vì biếng nhác. Đây gọi là phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Nếu tâm vô niệm thì gọi là phạm nhẹ. Không phạm tức là có tâm tịnh thường cầu Bồ-đề. Tâm tịnh tức như Tu-đà-hoàn hiện có bốn sự tín.
Nếu Bồ-tát không biết đủ, không bớt dục, lại tham đắm lợi dưỡng. Đây gọi là phạm trọng không gọi là tám pháp trọng. Không phạm tức là có thể quyết định biết dùng không biết đủ để có thể điều phục chúng sinh.
Bồ-tát nếu thấy bậc thượng tòa cao đức đồng học đồng thầy mà sinh tâm kiêu mạn và tâm ác, không nghinh đón lễ bái mới ngồi, không cùng nói chuyện hoặc thăm hỏi, nếu có hỏi việc nghi ngờ cũng không chịu giải thích. Đây gọi là phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Đấy gọi là Bồ-tát có tâm nghi, tâm nhiễm ô. Không phạm tức là khi bệnh, khi ngủ, khi tâm loạn, hoặc lúc chí tâm nghe pháp, cúng dường chư Phật, biên chép đọc tụng, giải nói nghĩa kinh luận.
Nếu Tỳ-khưu vì tìm chỗ phạm tội mà nghe giới Bồ-tát, người không tin thọ, người không tin lời dạy, không thành tựu giới Ưu-bà-tắc, không thành tựu giới Sa-di, không thành tựu giới Ba-la-đề-mộc-xoa, những người như vậy thì không được nghe giới Bồ-tát, nếu nghe tức phạm tội. Nếu Tỳ-khưu phạm tội Ba dật đề, không xấu hổ, không sinh hối hận mà nghe giới Bồ-tát, thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu Tỳ-khưu phạm tội Thâu lan giá, không xấu hổ, không sinh hối hận mà nghe giới Bồ-tát, tức phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Nếu Tỳ-khưu phạm tội Tăng-già-bàthi-sa mà không xấu hổ, không sinh hối hận, lại nghe giới Bồ-tát, tức phạm tội Ba la di, nghĩa là pháp trọng thứ tám. Nếu có người thuyết, tức là phạm Tăng gia bà thi sa. Cho nên trong kinh nói: Người không tin thì không nên nghe. Người không tin thì không nên nói, giảng.
Có đàn việt kính tin đến thỉnh Bồ-tát, hoặc tại nhà, hoặc nơi chùa tháp, hoặc nơi thôn xóm, quốc độ, muốn cúng dường những vật cần dùng như y phục, thức ăn, ngọa cụ, thuốc thang. Bồ-tát vì kiêu mạn, sân hận, xem thường mà không nhận lời, tức phạm tội, tội nầy do phiền não mà phạm.
Nếu Bồ-tát không có bạn, đi một mình đến nhà bạch y, tức phạm tội sai lầm. Nếu đến nhà bạch y mà không thể thuyết pháp, khai thị giáo hóa khiến họ cúng dường Phật Pháp Tăng bảo. Đây gọi là phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Không phạm tức như khi bệnh, hoặc ám độn, hoặc cuồng, hoặc đường xa sợ nạn, hoặc ở xa thỉnh. Biết không thọ thỉnh sẽ khiến người kia được điều phục, hoặc trước đã thọ thỉnh, hoặc lúc siêng tu pháp thiện. Nếu chưa nghe nghĩa, nên muốn được nghe. Người thỉnh tâm không chân thật, hoặc biết thọ thỉnh của người nầy, e sợ nhiều người sân hận, như pháp tăng chế.
Nếu có đàn việt dùng vàng, bạc, chân châu, xà cừ, mã não, lưu ly, pha lê, nô tỳ, xe cộ, voi ngựa, các vật tạp sắc, cùng dâng lên Bồ-tát, Bồ-tát nên thọ, nếu không thọ tức phạm tội. Tội nầy do nơi phiền não mà phạm. Không phạm tức như khi cuồng. Hoặc biết thọ rồi ắt sinh tham đắm. Hoặc biết thí chủ bố thí rồi sẽ sinh hối hận. Hoặc biết thí chủ thí rồi sẽ phát cuồng. Hoặc biết thọ rồi thí chủ bị nghèo khổ. Hoặc biết vật nầy là đã hứa cúng cho Tam bảo. Hoặc biết vật nầy là do cướp đoạt mà có. Hoặc biết thọ rồi có nhiều khổ não, như nạn vua, giặc cướp, mất mạng, lao tù, tiếng ác lưu truyền khắp, bị đuổi ra khỏi nước. Hoặc biết thọ rồi không thể xả để tu phước đức đối với ruộng phước tốt.
Nếu có chúng sinh vì hiểu nghĩa mà muốn được nghe pháp, đến chỗ Bồ-tát học hỏi những điều chưa nghe. Bồ-tát do tâm khinh thường, tâm kiêu mạn mà không thuyết giảng tức phạm tội, tội nầy do phiền não mà phạm. Không phạm như là hoặc biết người ấy trước là ác kiến tà kiến, tìm cầu lỗi lầm. Hoặc bệnh mới lành, hoặc cuồng, hoặc biết không nói giảng sẽ khiến người kia được điều phục. Hoặc Phật chưa chế. Hoặc biết người ấy, trước đây đối với Tam bảo không sinh tâm kính trọng, hoặc cử động thô tháo, hoặc biết căn tánh ám độn khi nghe nghĩa sâu xa sẽ sinh tà kiến, hoặc biết nghe rồi sẽ nói với người ác, khiến phá hoại chánh pháp.
Nếu có người ác có thể làm việc sát hại và Chiên-đà-la, Bồ-tát nếu không gần gũi qua lại, vì họ mà thuyết chánh pháp tức phạm tội. Vì sao? Vì Bồ-tát hoặc thấy người trì giới, tinh tấn, thân khẩu ý thanh tịnh, nhưng không sinh từ bi. Hoặc thấy người ác lại hay sinh từ bi, cho nên Bồ-tát nếu không vì họ thuyết pháp tức là phạm tội. Không phạm như là khi cuồng, hoặc pháp vua ngăn, hoặc Tăng chế, hoặc sợ nhiều người hiềm nghi, hoặc biết không thuyết giảng khiến người kia được điều phục.
Nếu có đàn việt chẳng phải là bà con, hoặc trưởng giả, hoặc Bàla-môn dùng các thứ y phụng hiến cho Bồ-tát, Bồ-tát nên thọ. Nếu Bồtát tự cầu nhiều mà được cũng nên thọ nhận. Như y, bát cũng như vậy. Như y, bát, chỉ may cũng như thế. Bồ-tát nếu đến chỗ đàn việt cầu xin chỉ sợi, khiến thợ dệt chẳng phải là bà con dệt, bảo họ dệt cho dài rộng, nói ta không tự mặc, ông cùng đàn việt đều cũng có phước.
Nếu đàn việt nói: Tôi cúng là vì sư, xin nguyện tự mặc. Bồ-tát được y rồi, hoặc vì thân mình mà đến chỗ thợ dệt, bảo họ dệt cho dài rộng, nếu được rồi lại tự mình mặc tức phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Nếu không bảo dệt thì không phạm.
Bồ-tát nếu thọ giới Bồ-tát rồi, nên thọ nhận nên chứa phu cụ kiêu xa da cho đến trăm ngàn vạn. Vàng bạc cũng như vậy. Người Thanh văn chỉ vì tự lợi, nên Như Lai không cho thọ nhận và cất chứa. Bồ-tát thì không như vậy, vì tạo lợi ích cho chúng sinh, nên cho cất chứa, không được không thọ. Nếu vì biết đủ, hoặc vì danh dự mà không thọ tức mắc tội. Nếu Bồ-tát vì nhân duyên biếng nhác mà không thể làm lợi ích cho chúng sinh, tức mắc tội, tội nầy là do phiền não mà phạm.
Nếu Bồ-tát được người khen ngợi là bậc thập trụ, hoặc A-la-hán, đến Tu-đà-hoàn, ít muốn, biết đủ, như vậy mà im lặng thọ nhận tức mắc tội. Tội nầy do phiền não mà phạm.
Nếu Bồ-tát vào trong Tăng chúng thấy có người cười giỡn phi pháp mà không quở trách tức mắc tội. Không phạm, như lúc nghe pháp, vì nhằm điều phục, vì tùy tâm nói pháp, hoặc có thể làm lợi ích. Nếu nói Bồ-tát không ưa Niết-bàn cũng chẳng phải là không ưa, không sợ phiền não cũng chẳng phải là không sợ. Vì sao? Vì lưu chuyển trong sinh tử. Nếu Bồ-tát nói lời ấytức mắc tội. Vì sao? Vì Bồ-tát ưa thích Niết-bàn, Thanh văn, Duyên giác không thể biết. Thanh văn, Duyên giác ưa thích Niết-bàn đối với sự ưa thích của Bồ-tát không có một phần trong trăm ngàn phần, trăm ngàn vạn phần. Bồ-tát quở trách sợ nơi phiền não, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể nhận biết. Thanh văn, Duyên giác quở trách, sợ nơi phiền não so với Bồ-tát, trong trăm ngàn phần, trăm ngàn vạn phần, thậm chí không có một phần. Vì sao? Vì Thanh văn, Duyên giác chỉ tự lợi, không thể lợi tha. Bồ-tát thì có cả tự lợi và lợi tha. Bồ-tát tuy thực hành hữu lậu mà vẫn hơn A-la-hán, trọn ngày ở nơi phiền não mà không bị nhiễm ô, cho nên Bồ-tát nói lời trên tức mắc tội.
Nếu Bồ-tát không sợ tiếng ác, không giữ gìn tránh tiếng ác, thì mắc tội thất ý. Nếu người không có tiếng ác mà nói sự ác của người tức phạm tội ác, tội nầy do phiền não mà phạm. Nếu vì điều phục mà thêm lời ác thì mắc tội thất ý, chẳng phải là tội ác. Không phạm như là quở trách ngoại đạo dối trá đến thọ giới Bồ-tát, hoặc tâm vốn không có ác mà miệng xuất ra lời ác, hoặc điên cuồng, hoặc biết quở trách là có lợi ích lớn, hoặc biết sân hận người kia sẽ có lợi ích. Nếu vì hộ giới mà không sinh sân hận tức đắc tội, hoặc biết sân hận người kia sẽ được chút lợi ích trong hiện tại, không có lợi ích lớn ở đời sau. Nếu Bồ-tát bị người đánh, đánh lại, bị mắng, mắng lại, bị người xúc não mà xúc não lại, tức là mắc tội thất ý, tội nầy nhân nơi phiền não mà phạm.
Nếu có Bồ-tát cùng nhau nghị luận, quở trách, hoặc thật không thật, Bồ-tát nên khiêm nhường xin lỗi, nếu không thể làm tức mắc tội không thọ nhận việc xin lỗi tức cũng mắc tội do phóng dật. Không xin lỗi, tức mắc tội do phóng dật. Không phạm như biết người kia trước nay vốn xấu ác thường đến tìm lỗi của người. Hoặc biết không làm sẽ khiến người kia bỏ ác. Nếu Bồ-tát sân hận người khác, thường suy nghĩ: Nếu khi ta gặp được sẽ đánh, sẽ mắng. Bồ-tát không thể tự điều phục, tức phạm tội.
Nếu Bồ-tát cùng đi một đường với Tỳ-khưu-ni thì không phạm. Nếu có tâm tham tức phạm tội. Không phạm như vì nhằm điều phục.
Nếu Bồ-tát theo người ni chẳng phải bà con mà thọ thực thì không phạm. Vì sao? Vì Bồ-tát Ma-ha-tát phát tâm Bồ-đề rồi, đối với chúng sinh không ai chẳng phải là bà con. Nếu Bồ-tát vì tham người hầu hạ, sai khiến mà nuôi nhiều đệ tử, tức là phạm tội. Không phạm như là vì nhằm điều phục nên nuôi nhiều đệ tử, hoặc vì hộ trì giáo pháp, hoặc vì lợi ích, hoặc không có tâm tham.
Nếu Bồ-tát biếng nhác trễ nải, không siêng năng tinh tấn, lại ưa sự ngủ nghỉ tức mắc tội. Không phạm như là bị bệnh, hoặc bệnh mới lành chưa đủ sức lực, hoặc lúc đi xa, hoặc đọc tụng mệt mỏi, hoặc lúc suy nghĩ pháp đối trị.
Nếu Bồ-tát cùng nhau nói việc thế gian, nói lời vô ích, tức phạm tội. Không phạm như có người hỏi, hoặc tùy theo tâm người mà điều phục, lúc nói nên chí tâm, không có tăng giảm.
Nếu Bồ-tát vì tâm mà kiêu mạn nên không thăm hỏi thầy, cũng không nghe lời thầy dạy tức mắc tội. Không phạm như là bị bệnh, hoặc cuồng, hoặc si, hoặc đại thông minh, đa văn có trí tuệ vì điều phục chúng sinh, hoặc lúc nhập định.
Nếu Bồ-tát khi tâm dục khởi lên, không quán xét cách đối trị, không nghĩ cách điều phục khiến diệt, tức mắc tội. Không phạm như là có quán xét cách đối trị mà phiền não quá mạnh không thể diệt, hoặc lúc tự thử nghiệm phát tâm dục.
Nếu Bồ-tát nói không nên thọ giới Thanh văn, không nên đọc tụng kinh Thanh văn, vì kinh luật của Thanh văn không thể tạo lợi ích cho các chúng sinh, nếu nói vậy tức phạm trọng, không gọi là tám pháp trọng. Không phạm như là vì tham chấp kinh luật Tiểu thừa.
Nếu Bồ-tát không đọc tụng pháp tạng Bồ-tát, chỉ ưa đọc tụng kinh luật Thanh văn thì phạm tội. Không phạm như là hoặc không nghe biết có pháp tạng Bồ-tát.
Nếu Bồ-tát không đọc tụng kinh điển của Như Lai, mà đọc tụng sách vở thế gian tức phạm tội. Không phạm như là luận nghị để phá tà kiến, hoặc hai phần kinh điển, một phần sách ngoài. Vì sao? Vì biết sách ngoài là pháp hư vọng, pháp Phật là chân thật, do biết pháp thế gian nên không bị người đời khinh mạn.
Nếu Bồ-tát nghe tạng Bồ-tát, nghe tạng Thanh văn có những việc không thể nghĩa bàn, mà không tin không thọ, nói chẳng phải là Phật thuyết, hoặc tự phỉ báng, hoặc bảo người khác phỉ báng tức phạm tội. Nếu Bồ-tát nói trí lực của mình thấp kém, nhục nhãn không thanh tịnh, không thấy cảnh giới thâm diệu của Như Lai, cảnh giới của Như Lai là dùng Phật nhãn mới thấy, chỉ có Phật mới biết hết, tức pháp giới chẳng phải là chỗ mà mình có thể biết đến. Nếu có thể suy nghĩ, quán xét như vậy tức là hạnh thật. Bồ-tát nhẫn chịu cùng không nhận chịu, cả hai đều không phạm.
Nếu Bồ-tát sinh tâm sân hận kiêu mạn, tự nói mình trì giới, đa văn, trí tuệ đều hơn người, tức phạm tội, tội nầy do phiền não mà phạm. Không phạm như là vì phá tà kiến, vì phá sự khinh miệt đối với pháp Phật, hoặc vì điều phục tâm tự đại của người, vì khiến người chưa tin sinh tâm tin, khiến người đã tin rồi được tăng trưởng.
Nếu Bồ-tát nghe nói có chỗ thuyết pháp, cho đến một do tuần mà không tới nơi để nghe tức phạm tội, hoặc khinh chê người thuyết giảng mà không đến nghe, tức phạm tội, tội nầy do phiền não mà phạm. Hoặc biếng nhác không đến nghe tức phạm tội thất ý. Không phạm như là không nghe, không hay, không biết, hoặc bệnh vừa lành chưa đủ khí lực, hoặc biết điều thuyết giảng là điên đảo, chẳng phải chánh pháp, hoặc do người thuyết giảng sinh tâm xấu hổ, hoặc thuyết một pháp không có nghĩa khác, hoặc đang tu pháp thiện, hoặc đang giáo hóa chúng sinh, hoặc không hiểu lời người kia nói, hoặc không thể nhớ nghĩ.
Nếu Bồ-tát khinh người thuyết pháp không sinh tâm cung kính không khen ngợi đức của họ, chê cười lời thuyết là không chánh tức phạm tội.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, mà chỗ làm việc không cùng chung với chúng sinh tức phạm tội. Nghĩa là qua lại ra vào ủng hộ việc tạo tài lộc, hòa hợp với tranh chấp làm các việc thiện, trì giới, bố thí, đa văn không cùng chung tức phạm tội. Không phạm như là bệnh hoặc không biết làm, hoặc tự mưu tính việc lớn, hoặc có hứa giúp đỡ người, hoặc tự tu pháp thiện, hoặc lo sợ nhiều người sân hận, hoặc vui, hoặc si, hoặc cuồng, hoặc biết không cùng chung có thể điều phục họ, hoặc pháp do tăng chế.
Nếu Bồ-tát khinh chê người thuyết pháp, mắng đánh, cười chê lời thuyết, chỉ y nơi văn từ mà không y nơi ý nghĩa, tức phạm tội, tội nầy do phiền não mà phạm.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, mà không thể tùy thuận theo tâm chúng sinh, tức phạm tội. Nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi tu các việc thiện. Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thấy người bệnh khổ mà không săn sóc và cứu giúp là phạm tội. Không phạm như là mình bệnh hoặc người bệnh có nhiều thân tộc, hoặc đang tu pháp thiện vô thượng, hoặc căn tánh ám dộn, hoặc bần cùng khốn khổ cũng lại như vậy.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thấy chúng sinh ác tu hành pháp ác, mà không thể dạy dỗ quở trách khuyên bỏ tức phạm tội thất ý. Không phạm như biết người nầy có thiện tri thức, có thể dạy dỗ quở trách, hoặc biết vì họ nói cũng không nghe, hoặc hiểu sai lầm, hoặc người kia có tâm hại.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, đem vật cất chứa cho bạch y dùng chung, tức phạm tội thất ý.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, không nên dùng bát vàng, bạc mà thọ nhận thức ăn, cất chứa bát bằng đồng không được giống hàng bạch y, đồ bằng gỗ bằng sừng thì không nên dùng, nếu dùng tức phạm tội. Không phạm như là hoặc mất bát, hoặc đi giữa đường có người mời, hoặc bệnh nặng.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thọ ân mà không nghĩ nhớ tức phạm tội, tội nầy là do phiền não mà phạm.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thọ ân huệ của người mà không thể báo đáp tức phạm tội. Cách báo đáp là phải trì giới tinh tấn tọa thiền, đọc tụng kinh điển, tùy việc mà tâm thí chủ vui lòng để báo đáp. Không phạm như là thí chủ không thọ nhận.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thấy người khổ như chết, mất của cải, nạn vua, giặc cướp, lũ lụt, hạn hán, thân thuộc ly biệt, Bồ-tát nên đến nơi ấy mà thuyết pháp an ủi, tùy theo chỗ cần dùng của họ và tùy sức mình mà cung cấp, nếu không làm tức phạm tội. Không phạm như là không được tự tại, hoặc mình bệnh nặng, hoặc họ không nghe nhận lời mình, hoặc nghi nạn, hoặc pháp do tăng chế.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, có nuôi chứa đệ tử nhưng không thể theo các đàn việt tín tâm để xin vật cần dùng, như y phục, thức ăn, ngọa cụ, phòng xá, thuốc thang, tùy thời cung cấp, lại không tùy thời thuyết pháp, giáo hóa tức phạm tội. Không phạm như biết đệ tử có uy lực lớn, thông minh, phước đức, có nhiều đàn việt, hoặc là ngoại đạo dối đến để trộm pháp, hoặc biết không thể làm tăng trưởng pháp Phật.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, thường nên khen ngợi việc thiện của người, nếu che giấu công đức của người tức phạm tội, tội nầy nhân phiền não mà phạm. Không phạm như là có người ngăn trở, hoặc mê lọan không biết, hoặc bệnh nặng, hoặc sợ người hiềm nghi, hoặc khó hiểu rõ như quả Am la.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, dùng giường ghế cao quá tám đốt tay tức phạm tội. Không phạm như là lúc thuyết pháp, hoặc nhận lời đàn việt tín tâm thỉnh, hoặc lúc ngồi giữa ngoại đạo.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, đối với đệ tử đáng sân giận mà không sân, đáng quở trách mà không quở trách, đáng phạt mà không phạt, đáng đuổi mà không đuổi, tức phạm tội, tội nầy nhân phiền não mà phạm. Không đáng sân mà sân, không đáng trách mà trách, không đáng phạt mà phạt, không đáng đuổi mà đuổi tức phạm tội. Không phạm như là biết đệ tử có thể thiêu đốt chùa tháp, làm việc đại ác, hoặc giết sư, Hòa thượng, hoặc đồng sư đồng Hòa thượng, hoặc cha mẹ, hoặc lúc hầu hạ, hoặc định biết do nhân duyên nầy mà phá hoại chúng tăng, hoặc biết về sau họ tự có xấu hổ.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, có được thần túc lớn, thấy người đáng sợ mà không sợ, thấy người có thể sinh tín mà không khiến họ sinh tín tức phạm tội. Không phạm như là biết tất cả tin theo tà kiến, không tin pháp Phật.
Nếu Bồ-tát thọ giới Bồ-tát rồi, phải chí tâm niệm, không nghĩ tưởng phạm. Nếu có phạm, nên đến trước một người phát lồ sám hối. Đó gọi là người Đại thừa, Tiểu thừa, khéo giải nghĩa, khéo tuyên thuyết. Đây gọi là nhất thiết giới của Bồ-tát, từ địa Bồ-tát thứ nhất hiểu rõ sáu Ba-la-mật, cho đến nhất thiết giới, tất cả đều là giới cấm của Bồtát. Đây gọi là nhất thiết giới. Trước kia, trong kinh của Thanh văn có những điều Như Lai chưa thuyết, nay ở trong Luận tạng của Bồ-tát lại thuyết. Tại sao gọi là nhất thiết giới? Là do nói chung về giới của hàng xuất gia và tại gia, nên gọi là tất cả giới.
Nan giới gồm có ba thứ: Một là Bồ-tát có tự tại lớn, của cải vô lượng, đều có thể xả bỏ mà thọ giới Bồ-tát. Đây gọi là nan giới. Hai là Bồ-tát vào lúc nạn gấp vẫn không để giới có tỳ vết huống hồ là phá hủy. Đây gọi là nan giới. Ba là Bồ-tát tuy tùy thuận chúng sinh, đi đứng nằm ngồi, nhưng thường giữ gìn giới, không khiến hủy phạm. Đây gọi là nan giới.
Nhất thiết tự giới gồm có bốn thứ: Một là Thọ. Hai là Tánh. Ba là Tu. Bốn là Phương tiện. Thọ nghĩa là ba lần yết ma. Tánh nghĩa là cùng giống như chúng sinh. Bồ-tát Ma-ha-tát do tánh nhu hòa, nên nghiệp thân khẩu ý thường tu thiện, ở nơi vô lượng chư Phật Bồ-tát mà tu tập các phương tiện, như chư Bồ-tát dùng bốn nhiếp pháp để thâu giữ chúng sinh, dạy dỗ khiến tu tập thân khẩu ý thiện. Đây gọi là nhất thiết tự giới.
Giới thiện nhân gồm có năm thứ: Một là tự trì giới cấm. Hai là dạy người khiến trì. Ba là khen ngợi. Bốn là thấy người ưa trì liền hoan hỷ tán thán.
Giới nhất thiết hành có mười ba thứ: Một là phát nguyện hồi hướng Niết-bàn. Hai là rộng lớn. Ba là thanh tịnh. Bốn là hoan hỷ. Năm là không phá hủy. Sáu là không bị dẫn dắt. Bảy là kiên cố. Tám là xem như anh lạc. Chín là chân thật. Mười là ý nghĩa. Mười một là tín. Mười hai là quý báu. Mười ba là thường. Như địa Thanh văn, giới cấm của Thanh văn, tất cả pháp thiện, đều là nhân của đạo quả Bồ-đề vô thượng. Đây gọi là giới Nhất thiết hành.
Giới trừ có tám thứ, Bồ-tát thường suy nghĩ như vầy: Như ta không ưa chết, tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, cho nên không được giết hại sinh mạng loài vật. Như ta không ưa trộm cướp, dâm dục, ác khẩu, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời vô nghĩa, đánh đập, mắng nhiếc, thì tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Cho nên không được cướp đoạt, tham dâm, ác khẩu, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời vô nghĩa, đánh đập, mắng nhiếc. Đây gọi là trừ giới. Bồ-tát cho đến khi tan thân mất mạng, cũng không hủy hoại tám giới như vậy.
Giới tự lợi lợi tha tức là Bồ-tát đối với giới có chỗ ngăn thì ngăn, có chỗ mở thì mở, nếu chỗ ngăn mà không ngăn, chỗ mở mà không mở tức phạm tội. Bồ-tát biết tất cả chúng sinh có thể thâu phục thì thâu phục, có thể xả thì xả, giới thân khẩu thanh tịnh, thường thực hành bố thí Ba-la-mật, cho đến Bát nhã Ba-la-mật, tịnh giới tự lợi lợi tha như vậy. Đây gọi là giới tự lợi lợi tha.
Giới tịch tĩnh tức là từ lúc ban đầu tho giới chí tâm kiên trì, vì bốn quả Sa-môn, vì quả Bồ-đề, không vì thân mạng, đây gọi là giới tịch tĩnh.
Bồ-tát khi ngồi, nếu thấy vua hoặc trưởng giả mà đứng dậy tức phạm tội. Nếu đang ngồi kiết già mà thấy vua hoặc trưởng giả liền quỳ tức phạm tội. Hoặc trước đó y không ngay ngắn, khi thấy vua và trưởng giả liền sửa lại y phục tức phạm tội. Nếu khi vua hoặc trưởng giả nói lời ác, theo ý mà khen ngợi tức phạm tội. Chỗ không nghi ngờ mà gắng nghi ngờ tức phạm tội. Chỗ nên nghi mà không sinh nghi cũng phạm tội.
Giới của Bồ-tát là đầu đêm cuối đêm không được ngủ nghỉ, đầy đủ nguyện thiện, hạnh thiện, pháp thiện, thành tựu chánh mạng, xa lìa thường kiến, đoạn kiến, thường thực hành trung đạo, lìa năm thứ dục lạc bậc nhất, xa lìa tà kiến, không phá không hoại. Đó gọi là giới tịch tĩnh.
Giới tụ Bồ-tát thành tựu đầy đủ quả vi diệu vô lượng, do nhân duyên của tụ giới nầy nên đạt đầy đủ bố thí Ba-la-mật. Người thọ tuy chưa đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng, mà đã có đủ năm thứ công đức. Một là thường được chư Phật, Bồ-tát nhớ nghĩ. Hai là thọ hưởng thường, lạc, tịnh. Ba là lúc lâm chung không có hối hận. Bốn là sau khi chết được sinh vào thế giới chư Phật. Năm là trang nghiêm đạo quả Bồ-đề vô thượng. Người thọ giới Bồ-tát không vì thân mình, chỉ vì lợi tha và trang nghiêm đạo quả Bồ-đề vô thượng. Giới Bồ-tát nầy đều là chỗ thành tựu của hằng hà sa chư Phật, Bồ-tát trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, cho đến chư Phật, Bồ-tát ở mười phương cũng lại như vậy.