LUẬN QUYẾT ĐỊNH TẠNG

SỐ 1584

QUYỂN THƯỢNG

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Chân Đế, người nước Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

Phẩm 1: TÂM ĐỊA Phần 1

Trí tuệ thông đạt khắp
Nơi tịnh lại không trị
Tạng Luận cứu thế gian
Đảnh lễ Bậc Tối thắng.
Pháp như Ngài đã thuyết
Tĩnh địa đạo là đạo
Chưa hiểu ba pháp nầy
Thế chuyển như luân chuyển.
Thánh Tăng trụ ở pháp
Vượt ràng buộc, các chúng
Mười phần, tám phần, tám
Quả đạo và đạo quả.

Nếu các đại sĩ phu muốn tạo luận, làm lợi ích cho người vô tri, kẻ có kiến chấp điên đảo, nghi ngờ thì những gì lợi ích vốn nói ra ấy phải từ chánh trí phát sinh. Nói chánh trí, nghĩa là rút ra từ luận Quyết Định Tạng: Vốn đã nói về địa, nay rộng phân biệt giải nghĩa địa nầy, khéo đáp những vấn nạn về năm thức địa và tâm địa. Kinh nói: Thức A-la-da (A-lại-da) khắp là gốc của chủng tử. Làm sao biết có? Đấy là nói Như Lai tạng, nên nơi kinh Giải Tiết (Kinh Giải Thâm Mật) viết:

Thức làm căn bản khắp
Sâu xa chảy tràn đầy
Không nói cho phàm phu
Do sợ sinh ngã kiến.
Uất-đà-nam ( đời Đường gọi là Trì tán) nêu:
“Chấp trì. gốc.  Phân minh.
Gốc chủng (chủng tử) Chẳng phải việc.
Thân thọ Định vô thức
Cũng chẳng phải khí dứt”.

Do tám nhân duyên nầy mà biết có thức A-lại-da. Nếu lìa thức này mà căn có sự chấp trì, thì thật không có lý ấy. “Chấp trì” có năm thứ: Một là thức A-lại-da giữ gìn nghiệp đời trước, lại từ nơi nhân hiện tại, sau đó sinh các thức. Như Phật nói trong A-tỳ-đàm: “Nhờ nơi căn trần, tâm, nghiệp, mà các thức được sinh”. Hai là sáu thức được sinh đều cả thiện và bất thiện. Ba là ở trong sáu thức, nếu có một thức vô ký, riêng giữ gìn và thâu tóm, thì không có lý đó. Bốn là với các thức, mỗi một thức dựa nơi căn mà sinh, tùy theo đó sinh một thức mà căn có chấp trì thì các căn còn lại nên không có chấp trì. Năm là các căn luôn chấp trì thì nghĩa ấy không đúng. Do năm nghĩa nầy nên nhân nơi thức A-lại-da mà các căn gọi là có chấp trì. Nói “gốc” nghĩa là từ ban đầu. Nhưng nói các thức không được câu sinh thì cũng không có lý nầy. Nếu có người hỏi: Có thức A-lại-da, các thức đều sinh chăng?

Đáp: Đúng vậy! Nếu nói không, tức là sai lầm. Vì sao? Do có nghĩa thật. Như A-hàm nói hai thức câu sinh. Vì sao biết? Như có người tâm muốn được thấy, nghe, cho đến đối với các thức nhận biết, mỗi mỗi đều có căn trần, riêng của thức đó, nhưng tâm muốn không khác, căn trần cũng không khác thì một thức được sinh, các thức khác sinh đâu có ngại gì? Đấy là nghĩa thật. Phần sau A-hàm có nói. Nói “phân minh” nghĩa là: các thức không đều cùng giữ lấy cảnh thì không phân biệt rõ. Nếu lấy tâm thức cùng nhãn thức làm bạn để giữ lấy cảnh tức là phân biệt rõ ràng. Vì sao? Vì các cảnh trần từng hiện hành, sau đó suy nghĩ nhớ lại, thì phần nhiều không rõ. Do các thức không đều cùng duyên, chỉ một mình ý duyên nên không bằng duyên với hiện hành thì dễ rõ. Cho nên biết các thức câu sinh. Nói về “gốc của chủng tử”, nghĩa là: Nếu lìa thức A-lại-da mà sáu thức như nhãn v. v…cùng nhau làm gốc thì không có lý đó. Tại sao  biết? Vì khi thức thiện diệt thì tâm bất thiện sinh, thức bất thiện diệt thì tâm thiện lại sinh, thiện và bất thiện diệt thì tâm vô ký phát sinh, tâm hạ giới diệt thì thức trung giới sinh, tâm trung giới diệt thì thức thượng giới sinh, thức thượng giới diệt thì tâm hạ giới trở lại sinh. Lại nữa, thức hữu lậu diệt thì tâm vô lậu sinh, tâm vô lậu diệt, thì thức hữu lậu trở lại sinh. Cho nên biết sáu thức không thể cùng nhau làm gốc. Cũng như tâm thứ đệ diệt thì ở trong vô số kiếp lại được sinh. Vì vậy biết thức A-lại-da là gốc của chủng tử. Nói “chẳng phải việc ấy”: Tức các thức không đều cùng có là không có lý nầy. Vì sao? Đây gồm có bốn việc: Một là khí, hai là giữ thân, ba nói là ngã, bốn là đối với trần cảnh. Như bốn việc nầy thì niệm niệm đều sinh. Nếu nói một thức ở trong một niệm mà biết bốn việc thì không được. Nói “thân thọ”, tức không thể lìa thức A-lại-da mà có thân thọ. Tại sao biết? Thí như có người thật tâm làm, hoặc không thật tâm làm, trước hết phải suy nghĩ, hoặc tâm định hoặc tâm không định thì các thọ về chủng tử của thân chính là các thọ trong nhiều đời được sinh ra. Cho nên biết có thức A-lại-da. Nói có định vô thức, cũng không có nghĩa nầy. Tại sao biết? Nếu nhập định vô tưởng, nhập định vô thức, thì sáu thức đều diệt, người nầy nên chết. Như lời Phật dạy, nhập định vô tâm mà thức không diệt. Nói chẳng phải là khí dứt là: Nếu lìa thức A-lại-da mà có khí dứt, thì không có việc nầy. Tại sao biết? Như hai người thiện và ác, đến khi chết, người thiện thì chân lạnh trên đảnh nóng, lúc trên đảnh lạnh thì mạng người ấy diệt. Người ác lúc chết thì lạnh từ trên đảnh đến chân, lúc hơi ấm dứt thì người nầy chết. Ý thức thường ở nơi thân, thức A-lạida giữ gìn thân. Thức A-lại-da diệt thì thân lạnh, liền không hay biết, hai việc lạnh nóng nầy không do nơi ý thức, nên biết có thức A-lại-da.

Uất-đà-nam nêu:

Cảnh giới dựa nhau khởi
Lại cùng làm nhân duyên
Được cùng tương ưng sinh
Cùng phiền não đều diệt.

Lược nêu bốn nghĩa, tức biết có thức A-lại-da, một loại hiện có cảnh giới diệt, tức là thức A-lại-da nhờ vào hai cảnh mà sinh, một là giữ gìn sự việc ở bên trong, hai là giữ gìn khí thế gian ở bên ngoài, không có khả năng phân biệt các tướng mạo. Giữ gìn bên trong, tức là thế lực chấp trước tà kiến, ngã kiến, huân tập cùng với căn và sắc, đồng thời chấp trì mà làm cảnh giới. Đây là hữu nơi cõi dục, cõi sắc. Trong cõi vô sắc chỉ có thế lực chấp trước tà kiến, ngã kiến huân tập. Giữ gìn khí thế gian bên ngoài, không phân biệt tướng mạo, là ở bên trong được thức Alại-da, giữ gìn, tức cảnh giới bên ngoài, được duy trì. Ví như đèn giữ tim và dầu ở bên trong để bên ngoài có ánh sáng. Thức A-lại-da giữ trong ngoài cũng lại như vậy. Cảnh giới nầy rất sâu xa vi tế, như người đa văn trí tuệ ở thế gian cũng không thể hiểu rõ cảnh giới nầy: Là thường hằng mà có đổi khác (dị). Thế nào là không đổi khác? Từ một niệm ban đầu đến, bị nắm giữ cảnh, cho đến chết sinh ra chỉ cùng một sự việc. Thức A-lại-da ở trong cảnh giới niệm niệm sinh diệt, ở trong cõi dục giữ lấy cảnh vi tế, ở trong cõi sắc giữ lấy cảnh rộng lớn; ở cõi vô sắc, xứ vô lượng không xứ, vô lượng thức , giữ lấy cảnh vô lượng; ở xứ vô sở hữu giữ lấy cảnh vi tế, ở xứ phi hữu tưởng phi vô tưởng giữ lấy cảnh sâu xa vi diệu. Do hai cảnh nầy, do vi diệu, do một vị, do niệm niệm diệt, do cảnh nhỏ bé, do cảnh rộng lớn, do cảnh vô lượng, do cảnh vi tế, do cảnh sâu xa vi diệu, nên biết là có thức A-lại-da.

Dựa nhau khởi, tức là thức A-lại-da cùng năm pháp tâm số dựa nhau mà được sinh, là xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, năm đại địa nầy là năm pháp vi tế thuộc về báo người trí trong thế gian cũng không thể hiểu. Chúng đồng duyên một cảnh không có riêng khác, cùng đều có các thọ không khổ, không vui và vô ký, bốn thứ khác cũng như vậy. Do pháp đại địa tâm số dựa nhau khởi, do đồng báo dựa nhau, do vi tế dựa nhau, do đồng duyên một cảnh, do không khổ không lạc cùng dựa nhau, do vô ký dựa nhau, nên biết là có thức A-lại-da dựa nhau mà khởi.

Cùng nhau làm nhân duyên, nghĩa là thức A-lại-da và các thức khác cùng làm nhân duyên, nghĩa nầy gồm có hai: Một là căn bản, hai là nương dựa. Thế nào là căn bản? Các thức thiện, bất thiện, vố ký đều nhờ vào thức A-lại-da làm căn bản. Nương dựa nghĩa là thức A-lại-da giữ gìn các sắc căn mà năm thức được sinh, không giữ thì không sinh, khi có thức A-lại-da thì ý thức được sinh Sáu thức lại có hai việc cùng thức A-lại-da làm nhân duyên: Một là hiện tại chuyển đổi tăng trưởng căn bản. Hai là vị lai lúc muốn sinh liền khiến thọ báo. Tăng trưởng căn bản là các thức sinh thiện, bất thiện, vô ký, niệm niệm huân tu, thức Alại-da cũng lại như vậy. Vì sao? Sau khi sinh các thức dần tăng trưởng, thiện ác chuyển mạnh. Khiến thọ báo là có thức đối với thiện, bất thiện có uy lực nên khiến đời vị lai thức A-lại-da thọ quả báo. Do căn bản, do nương dựa, do tăng trưởng, do khiến thọ báo, nên biết là có thức A-lạida cùng các thức làm nhân duyên.

Được cùng tương ưng sinh, nghĩa là thức A-lại-da hoặc cùng một thức tương ưng mà sinh, như nói ở tâm, tâm có ngã kiến và kiêu mạn làm tướng, ở nơi có ý thức hoặc không có ý thức, thức A-lại-da luôn thường tương ưng sinh, tâm ngã kiến và kiêu mạn nầy lấy thức A-lại-da làm cảnh. Nói là ngã, nói có ngã là tướng. Hoặc hai thức câu sinh, đó là đối với ý thức. Hoặc ba thức cùng sinh, đó là đối với ý và ý thức; ở trong năm thức thì tùy theo giữ lấy một thức. Hoặc bốn thức tương ưng sinh; ở trong năm thức mà giữ lấy hai thức, cho đến năm, sáu, bảy thức cùng sinh, do sáu trần hiện ở trước. Ý thức nầy nương nơi tâm mà được lập, nhân lúc tâm chưa diệt thì ý thức không cởi  buộc, nếu lúc tâm diệt thì ý thức liền cởi bỏ. Ý thức có hai cảnh giới: cảnh giới trần của thức khác và cảnh giới trần của chính mình.Cảnh giới trần của thức là lấy trần của năm thức kia làm cảnh. Cảnh giới trần của chính mình là chọn lấy pháp làm cảnh; mà do đó ý thức đối với bảy thức kia có nghĩa khác biệt. Thức A-lại-da cùng sáu thức, ba thọ tương ưng cùng sinh, là khổ, vui, không khổ, không vui. Đối với cõi dục, trời, người, súc sinh, ngạ quỷ, ba thọ có một phần nhỏ, cùng với không khổ, không vui cộng sinh Cõi địa ngục, không lìa thọ khổ, nhờ nơi thức A-lại-da mà thọ cộng sinh. Cõi tam thiền, chỉ có lạc thọ, nhờ nơi thức A-lại-da mà thọ cộng sinh. Tứ thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ có không khổ không vui nhờ nơi thức A-lại-da mà thọ cộng sinh. Như vậy, trong sáu thức thì thiện, bất thiện, vô ký, cùng thức A-lại-da tương ưng cộng sinh. Lại nữa, thức A-lại-da cùng các thức tương ưng cộng sinh, cùng mượn tạm khổ, vui, không khổ không vui, thiện, bất thiện, vô ký của các thức tương ưng mà được sinh, không được lẫn lộn. Vì sao? Do không đồng cảnh giới sinh, cũng như nhãn thức câu sinh thì không lẫn lộn với mắt, thức A-lại-da cùng với các thức câu sinh không được lẫn lộn cũng lại như vậy. Các tâm số đồng là tâm pháp, có các tướng tương ưng cùng sinh, không trở ngại thức A-lại-da, mà cùng bảy thức tương ưng câu sinh, cũng lại như vậy. Thí như nước chảy cùng sóng là câu sinh, không có trở ngại. Lại như gương sáng và các hình tượng là câu sinh, không có trở ngại. Ở nơi thức A-lại-da mà cùng các thức tương ưng được sinh không có trở ngại cũng lại như vậy. Lại như nhãn thức hoặc lấy một sắc, một thứ, một tướng, hoặc lấy nhiều sắc, nhiều thứ, nhiều tướng, nhĩ thức đối với thanh, tỷ thức đối với hương, thiệt thức đối với vị, thân thức đối với xúc, cũng lại như vậy. Ý thức hiện hữu khắp nơi giữ lấy các thứ tướng không có trở ngại. Phân biệt sáu thức ý nghĩa là như vậy. Tâm giới ở trước đã nói, đến lúc diệt thì cùng bốn phiền não cùng hỗn tạp mà sinh. Ngã kiến, kiêu mạn, tham dục, vô minh, bốn phiền não nầy ở nơi định và bất định, ở trong pháp thiện, bất thiện, vô ký, thì không có trở ngại, đó là pháp vô ký nhiễm ô. Vì thế mà thức A-lại-da cùng các thức tương ưng câu sinh, lại cùng ba thọ tương ưng câu sinh, cũng cùng thiện, bất thiện, vô ký sinh. Do nghĩa nầy, nên biết là có thức A-lại-da tương ưng cộng sinh.

Đều cùng phiền não cùng diệt (câu diệt), nghĩa là thức A-lại-da là căn bản của tất cả phiền não. Làm sao biết? Vì là chủ thể dấy khởi căn bản của chúng sinh thế gian; là chủ thể sinh ra năm căn cùng với sáu thức; cũng dấy khởi căn bản của thế giới, quốc độ. Tất cả nghiệp, khởi các nhân duyên nên cũng cùng kết hợp làm căn bản dẫn dắt quả báo. Làm sao biết? Vì không thấy có chúng sinh nào mà không sinh ba thọ. Cho nên, Phật nói chúng sinh lần lượt hỗ trợ làm duyên tăng thượng, tức là do thức A-lại-da làm căn bản của tất cả. Trong đời hiện tại là thể của Khổ đế, trong đời vị lai là chủ thể sinh tức Tập đế chính là làm căn bản của tất cả phiền não.

Hỏi: Nếu nói thức A-lại-da vì tất cả pháp, mà làm căn bản thì thiện của phần giải thoát, thiện của phần thông đạt, các thiện căn ấy cùng với tập đế nên có trở ngại chăng?

Đáp: Thức A-lại-da không làm căn bản của các thiện ở phần thông đạt,nhưng các thiện ở thế gian được tăng trưởng thì thiện căn của phần thông đạt chuyển làm thù thắng hơn do thiện căn của phần thông đạt chuyển làm thù thắng, nên các thiện ở thế gian được quả báo cũng thù thắng. Đức Thế Tôn y nơi thức A-lại-da cho là gốc của tất cả chủng, nên mới nói lời nầy. Nghĩa là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Trong thức A-lại-da có các thứ tánh, nên nói là gốc của chủng tử, lấy nghĩa tích tụ mà thí dụ. Như vậy, thức A-lại-da là căn bản của tất cả phiền não, nên tu pháp thiện thì thức nầy diệt. Nói tu pháp thiện nghĩa là các phàm phu phát khởi suy nghĩ thiện, lấy các thức làm cảnh giới, tiến đến tu hành an tâm, ban đầu quán các đế, nếu chứng Tứ đế thì được trí tuệ sáng suốt, có thể phá hoại thức A-lại-da. Nếu chưa thấy Tứ đế thì không thể phá. Vậy lúc nào có thể thấy thức Alại-da? Như vậy, tiến đến tu hành thì hoặc các Thanh văn nhập bất thối địa hoặc các Bồ-tát nhập bất thối địa, được thông đạt pháp giới, tức có thể thấy được. Ở trong thức nầy thấy tất cả các tụ phiền não ở trong; ở ngoài thấy thân mình là phiền não trói buộc. Ở trong thì thấy thân mình mà thấy bị các phiền não thô ác các khổ nơi ba cõi trói buộc. và tất cả phiền não của chủng tử hiện hành thâu gồm tụ tập trong thức A-lại-da. Do công hạnh tăng trưởng, công hạnh tu tập nên đạt được cảnh trí của chân như, đọan trừ thức A-lại-da liền chuyển đổi  tánh phàm phu, xả bỏ pháp phàm phu tức là thức A-lại-da diệt. Do thức nầy diệt nên tất cả phiền não diệt. Vì là đối trị của thức A-lại-da nên chứng đắc thức A-ma-la. Thức A-lại-da là vô thường, là pháp hữu lậu. Thức A-ma-la là thường, là pháp vô lậu, do được cảnh trí của chân như nên chứng đắc thức A-ma-la. Thức A-lại-da làđối tượng được theo sát của quả khổ thô ác. Thức A-ma-la không có tất cả quả khổ thô ác. Thức A-lại-da làm căn bản của tất cả phiền não, không làm căn bản cho Thánh đạo. Thức A-ma-la thì không làm căn bản cho phiền não, mà được làm căn bản cho đắc đạo Thánh đạo. Thức A-ma-la làm nhân nương tựa củaThánh đạo, không làm nhân phát sinh. Thức A-lại-da đối với thiện và vô ký không được tự tại, lúc thức A-lại-da diệt thì có tướng mạo khác. Nghĩa là nhân phiền não, bất thiện của đời sau diệt, do nhân diệt nên khổ của năm ấm đầy đủ không sinh được nữa. Do tất cả nhân ác phiền não trong đời hiện tại diệt nên ấm của phàm phu diệt, thân nầy tự tại tức liền như hóa, lìa bỏ tất cả quả báo thô ác. Đạt được nhân duyên của thức A-mala nên thọ mạng của thân nầy liền được tự tại. Nhân duyên thọ mạng có thể diệt ở thân, cũng có thể đoạn mạng, diệt hết không còn gì. Tất cả các thọ đều được thanh tịnh, như trong kinh đã nói rộng. Do tướng của tất cả phiền não, do nhập phần thông đạt, do tu thiện tư duy, nên chứng thức A-ma-la. Vì thế biết thức A-lại-da là cùng phiền não mà diệt. Như vậy là đã phân biệt, giải thích ý nghĩa của tâm, ý, thức một cách chân thật, nhân nơi sự giải thích tâm ý thức nầy, ở trong ba cõi được biết pháp của tất cả phiền não và các pháp thanh tịnh. Ngoài ra, những chỗ nói về tâm, ý, thức là vì muốn giáo hóa các chúng sinh, vì các chúng sinh chưa có trí sâu xa, dễ sinh tin hiểu, nên chỉ nói về sáu thức.

Hỏi: Có người nào, có thức A-lại-da mà có sáu thức không? Có người nào, có sáu thức mà không có thức A-lại-da không?

Đáp: Ở đây có bốn trường hợp: Một là như người ngủ lúc vô tâm, lúc tâm mê muội, lúc nhập định vô tưởng, lúc sinh cõi trời vô tưởng, lúc ở quả vị A-na-hàm nhập định Diệt tận. Năm hạng người nầy thì có thức A-lại-da mà không có sáu thức. Hai là như A-la-hán, Phật-bích-chi, Bồtát bất thối, Như Lai Thế Tôn, bốn hạng người nầy do có tâm xứ mà có sáu thức, nhưng không có thức A-lại-da. Ba là phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, có tâm xứ, có sáu thức và cũng có thức A-lạida. Bốn là các A-la-hán, Phật-bích-chi, Bồ-tát, Thế Tôn lúc nhập định diệt tận, hoặc lúc Thế Tôn nhập Niết-bàn vô dư thì không có thức A-lạida, cũng không có sáu thức. Tất cả các pháp trong ngoài, mỗi pháp đều có tánh định, đối với tướng thì không động. Tại sao từ mười tám giới chỉ nói có sáu thức? Là do có tánh định, các giới còn lại là căn, là trần thì là bạn lữ. Các thức nầy ngày đêm đi qua từng sát na. Các thứ nhân duyên nơi sáu căn, sáu trần, tâm số làm bạn cho các thứ duyên sinh, tùy theo chỗ phát sinh mà tên gọi không đồng nhau. Như lửa thiêu các vật, tùy theo chỗ thiêu mà có các tên, là lửa cỏ, lửa gỗ, lửa phân. Cũng vậy, nhờ nơi nhãn và nơi sắc mà thức được sinh, đều gọi là nhãn thức, cho đến ý thức cũng lại như vậy. Các giới như nhãn v.v… từ khởi đầu đến cuối cùng đều là quả báo vô ký, có tướng khác nhau, nhưng thức thì không như vậy, nên phân biệt thức giới mà không nói về các giới khác.

Nếu có Tỳ-khưu muốn biết về tụ thức,  để tu tập hạnh nầy khiến tâm thanh tịnh thì có nhiều thứ tướng mạo, có thể hiểu rõ tâm, lược nói có ba:

  • Tham đắm phiền não.
  • Nhiễm tâm là lỗi.
  • Phương tiện đoạn hoặc.

Làm thế nào Tỳ-khưu biết ở phiền não mà suy nghĩ như vậy? Tâm nầy từ lâu đã tham đắm phiền não, do ưa phiền não nên dẫu trở lại trừ bỏ tâm, đặt nơi chỗ vô dục mà vẫn bị dục dắt dẫn, không ưa tạm dừng, nên mau chóng trở lại nơi chỗ dục. Như vậy chỗ tham dục, chỗ sân hận, chỗ ngu si, chỗ thùy miên, cho đến chỗ phóng dật, dẫu có trở lại cứu tâm, đặt nơi chỗ không phóng dật cũng vẫn mau chóng trở lại nơi chỗ phóng dật, như vậy là Tỳ-khưu biết ở phiền não.

Làm thế nào biết nhiễm tâm là lỗi? Tâm nầy có nhiễm, đã tự tổn hại mình, cũng tổn hại người khác, đời nầy khởi ác, đời sau cũng vậy. Do nhân duyên tạo tác ưu bi, khổ não, các ác, cho đến phóng dật có họa hoạn, thọ các khổ cũng lại như vậy, nên biết tự tâm có các họa hoạn.

Làm thế nào biết phương tiện đoạn hoặc? Biết ở tự tâm có những ưu bi khổ não như vậy, ta nay không nên theo tâm như vậy mà thọ các khổ não, nên chế ngự tâm phải theo ta, ta không theo tâm. Suy lường như vậy biết tâm có dục, đem tâm có dục đặt nơi vô dục, tức khiến tự tâm thấy lợi ích phước đức, cho đến trừ bỏ tâm phóng dật cũng lại như vậy. Tu hành như thế sẽ tích tụ thiện căn, lúc ấy tâm nầy không còn các duyên, đối với các pháp thiện, tu tập tăng trưởng, được an trụ. Oán ghét phiền não, thấy trước được họa hoạn, nên Tỳ-khưu tu tâm thanh tịnh, do đã biết ưa đắm phiền não, do đã biết nhiễm tâm là họa hoạn, do đã biết phương tiện đoạn hoặc, tức mau được chứng tâm vô lậu thanh tịnh vô thượng. Lại phân biệt  biết tâm cũng nói là chuyển tâm, nghĩa là giả danh. Lại phân biệt biết tâm cũng nói là chuyển tâm, nghĩa là làm nhân cho thứ khác. Tâm được sửa trị thiện có hai công đức, lúc được công đức được quả thì tâm an lạc, tu tập pháp thiện tự tại vô ngại. Có ba thứ làm mê lạc ô nhiễm ở tâm: Một là không chánh tư duy. Hai là kiết sử chưa đoạn. Ba là phiền não hiện khởi. Tỳ-khưu có ba chỗ an trụ, nhờ ở sáu hành mà có thể thọ lãnh lời Phật dạy. Thế nào là ba chỗ? Một là an trụ ở giải thoát. Hai là an trụ ở cửa giải thoát. Ba là an trụ ở giải thoát cho đến pháp của nhân duyên. Nhờ nơi sáu hành: Một là không có hành khác biệt. Hai là nhiếp tâm một chỗ. Ba là thiện căn được sinh. Bốn là suy xét thấy Đế, không có vị khác. Năm là không có tăng thượng mạn. Sáu là chân chánh thọ dụng tín thí. Thí có hai loại: một là người thọ bố thí, hai là người thực hành bố thí. Quả thí cũng có hai: một là quả báo thật giàu có, hai là quả báo vui vẻ, là thành tựu của cảm ứng đem đến. Cho nên cái gì là thành tựu do cảm ứng đem đến đều là pháp vị lai, không có là do chưa có. Như vậy, các hành tướng cảm ứng sinh ra đó, làm thế nào được trụ? nếu là pháp vị lai thì có hành tướng sinh. Nếu vượt qua nên sinh thì từ vị lai đã vượt qua đến ở hiện tại, hết ở đây thì sinh kia, từ đời vị lai hết là thọ của đời hiện tại, nhờ pháp vị lai  pháp hiện tại sinh, như vậy trụ nghĩa là không có biến đổi khác. Nhờ pháp vị lai mà pháp hiện tại khác sinh, ở các pháp đời vị lai và đời hiện tại; mà các pháp đời hiện tại đời vị lai chưa có nghiệp, thì trong đời hiện tại tức có sự sinh, đã sinh tức là đủ tướng, ở đời vị lai chưa có đủ tướng, ở trong đời hiện tại đủ tướng thì sinh. Nếu khác tướng mà sinh, là do nhân ở đời vị lai và tánh đời vị lai. Do nhờ ở nhân, tánh, do hai tánh nầy, nên đã sinh khác tướng. Ở trong đời hiện tại là tánh hiện tại, do tánh quả, nên khác tướng mà sinh. Do đó, sáu pháp đời vị lai không có nghĩa được sinh. Vì sao? Vì nếu chưa có chỗ, mà từ chỗ nầy vượt qua chỗ kia, thì không có nghĩa đó. Đã tự nó chưa sinh thì đâu thể chấp nhận có mất! Các pháp ở đời hiện tại nếu nhân nơi pháp vị lai thì pháp hiện tại sinh các pháp vị lai, không nên chưa sinh, và tất cả các pháp không có tướng chuyển động, do lìa tự tướng, không có nghiệp riêng. Nếu vị lai, hiện tại đồng có tướng mà chỉ riêng pháp trong hiện tại là có nghiệp thì không có việc nầy. Nếu chỉ là nghiệp chưa sinh mà nay được sinh thì các hành không như vậy. Phật nói các hành vô thường thì thuyết nầy tức bị phá hủy. Nay diễn bày nghiệp vô thường, nếu như ông nói các hành phải thường thì như cách nói của ngoại đạo Tăng khư. Tức pháp nầy chưa có, thì không có nghĩa được sinh; các pháp đã sinh thì không có nghĩa được diệt tức cho  thuyết nầy là đúng. Còn như lời Phật dạy: pháp nầy chưa sinh nên thọ sinh, sinh rồi thì nên diệt tức cho đây là sai. Nếu vậy, các pháp nầy đồng một tướng thì làm sao phân biệt, nếu có thể phân biệt tức là chưa sinh, được sinh, đến vô cùng. Há có tướng và tánh của pháp vị lai từ sắcv.v… tương ưng mà  không có quả riêng khác? Vị lai là do chưa có, pháp hiện tại tức là quả, thì không có nghĩa nầy! Vì phải thành tựu nên có thuyết chân thật này có thể làm chứng tín cho các pháp vị lai chưa có hành tướng. Nói chưa có nhưng được sinh, như pháp vị lai, thì quá khứ cũng như vậy. Cái gì là pháp của hành quá khứ thì là tướng diệt là đã qua từ sinh. Cái gì là pháp của hành hiện tại thì là tướng chưa diệt là chưa qua từ sinh, chỉ có lúc sinh là trụ. Cái gì là pháp của hành vị lai, chính là nhân hiện có, chưa sinh tự tướng, chưa thọ thân mình.

Hỏi: Các pháp vị lai, vốn đã không có khả năng được thọ sinh. Hư không, hoa v.v… thạch nữ, sừng thỏ, làm sao không sinh?

Đáp: Đây không có nhân sinh ra, còn pháp của hành vị lai có nhân sinh chính thức.

Hỏi: Nếu pháp vị lai có nhân sinh chính thức, tại sao không được cùng một lúc đều sinh?

Đáp: Chính là có nhân sinh đợi duyên không đồng. Các pháp hành ấy có duyên gần thì nhân tức có thể sinh, cho nên không thể đều sinh.

Thế nào là duyên của nhân? Phật thuyết có bốn: Một là Duyên nhân, hai là Duyên thứ lớp. Ba là Duyên duyên. Bốn là Duyên tăng thượng. Loại thứ nhất cũng là nhân cũng làduyên, còn ba thứ sau chỉ là duyên, không phải nhân. Thế nào là nhân duyên? Là căn có sắc là có nương tựa. Do thức này, tức hai thứ pháp làm tất cả chủng tử, tất cả chủng tử sắc căn. Tất cả chủng tử sắc pháp , tất cả chủng tử tâm, tâm pháp, đều nương nơi sắc căn, cũng nương nơi thức, trừ sắc bốn đại. Sắc bốn đại nầy có hai thứ nương tựa: một là bốn đại chủng, hai là mười một chủng, chủng nầy nối tiếp nhau dựa vào ở các pháp mà nói, tức là nhân duyên. Như có chủng tử của căn sắc, tâm tâm pháp mà không có nương tựa chăng? Nếu nhập định diệt tận, nhập định vô tưởng, sinh Trời vô tưởng, thì ở đời vị lai thức không nên sinh lại và gặp dịp sẽ có sinh. Cho nên, sắc căn tâm, tâm pháp là nhân. Nếu có thức nầy mà không thuận theo sắc chủng, thì người phàm phu sinh cõi vô sắc, thọ mạng hết, nghiệp hết, từ nơi kia chết rồi đến sinh ở hạ giới, sắc nầy không chủng tử thì không nên sinh lại, gặp dịp sẽ sinh lại. Cho nên, vì thế các thức là căn bản của sắc. Từ đạo thế tục, nhập định sơ thiền, sinh cõi sơ thiền, dục giới bất tịnh và các pháp tịnh đã phá, mà căn bản chưa đoạn trừ hết. Vì sao? Từ sơ thiền định sau đó lại thối đọa,dấy khởi trở lại pháp bất tịnh nên từ chỗ sơ thiền thối lui sinh cõi dục. Đoạn có bốn thứ:

  • xa lánh là đoạn.
  • phá hoại là đoạn.
  • Định là đoạn.
  • Vĩnh viễn trừ bỏ là đoạn.

Thế nào xa lánh là đoạn? Như có một người tham đắm dục lạc, vì muốn đoạn dục nên thọ giới lìa dục, kiên trì không phạm, khiến được tăng trưởng, do tăng trưởng nên không còn tham đắm lại, nhân của dục và phiền não không sinh nữa, đấy gọi là xa lánh mà đoạn.

Thế nào phá hoại là đoạn? Thí như một người có quán tưởng về sai lầm, và tưởng về bất tịnh, như tưởng thây chết bầm, xanh v.v…, cùng khéo suy nghĩ nên phá hoại được tham dục, người chưa hết dục thì cũng không tùy thuộc ở dục, đối với cảnh giới trần, tâm cũng không tham đắm, đấy gọi là phá hoại mà đoạn.

Thế nào định là đoạn? Thí như một người thuận theo đạo thế tục mà lìa nhiễm nơi dục, nhiễm nơi sắc, chứng được định tịch tĩnh, giữ tâm nối tiếp như vậy, đối với dục và sắc không tham đắm, đấy gọi là định đoạn.

Thế nào vĩnh viễn trừ bỏ là đoạn? Như Thánh nhân tu đạo xuất thế, lìa nhiễm ô ở ba cõi mà chứng được đạo thì gốc của các phiền não trong ba cõi không còn sinh lại. Vì sao? Vì ở trong đời hiện tại đã chứng vô dục, rốt ráo không thối đọa, đã sinh thượng giới, quyết không thối thất trở lại sinh hạ giới. Ví như lúa mạch và các hạt giống, gieo trên hư không và nơi đất khô cháy, thì vĩnh viễn không sinh được, nhưng không phải không là hạt giống. nếu dùng lửa đốt chúng thì tất cả đều tiêu diệt, không còn tướng trạng của chủng tử là gốc của các phiền não. Đối với đoạn diệt cũng lại như vậy. Thánh nhân nếu nhập Niết-bàn Vô dư, thì chủng tử của thiện, vô ký đều được hàng phục.

Hỏi: Nếu nói là hàng phục mà không diệt hết, sao không sinh quả báo?

Đáp: Đã đoạn gốc của chủng tử bất thiện, thì ở đời vị lai không thể sinh báo, cũng không thể tự sinh, đấy gọi là vĩnh viễn đoạn trừ.

Người phàm phu (cụ phược), là tâm có phát sinh những có khổ, có vui, không khổ không vui, tất cả tâm nầy làm ba căn bản, các pháp thiện, bất thiện, vô ký, cũng làm căn bản. Hàng Hữu học có tâm thiện thế gian và ô nhiễm vô ký, lấy việc tu đạo đoạn hoặc làm căn bản. Tâm thiện thế gian v.v… lại lấy pháp khác mà làm căn bản. Hàng Vô học thì đoạn hoặc đã hết, có tâm thiện thế gian, hoặc thuộc thế gian, hoặc xuất thế gian, và vô ký là do không lấy tất cả phiền não, hoặc làm căn bản, nên lấy tất cả pháp thiện và pháp vô ký làm căn bản. Như vậy đã phân biệt căn bản của các pháp, ở đây không nói thức A-lại-da. Có chỗ nói là thức A-lại-da làm căn bản của các pháp thế tục. Tất cả các pháp xuất thế gian là pháp của đạo vô đoạn, nên lấy thức A-ma-la làm căn bản. Như lời Phật dạy: Tỳ-khưu! Các A-la-hán vì học tâm pháp mà nương nơi tứ thiền, hiện tại trụ trong an lạc cũng từ tâm nầy, Ta nói người ấy trở lại thối đọa tất cả chổ.

Hỏi: Nếu như vậy, các A-la-hán vĩnh viễn đoạn phiền não, tại sao phiền não hạ địa lại sinh? Nếu không sinh lại, tại sao thối đọa?

Đáp: Thối đọa có hai thứ:

1) Mất là thối đọa.
2)Trụ là thối đọa.

Mất tức là người phàm phu. Trụ tức là chung cho cả phàm và Thánh. Nương nơi đạo thế tục, phiền não đã lìa, sau đó dấy khởi, trở lại thì gồm cả hai nghĩa thối đọa. Nương nơi đạo xuất thế gian, phiền não đã đoạn, do tâm đắm vào việc làm tâm không trụ, do đó trung gian không thể phát khởi lại sự an lạc trụ của hiện tại, trước sau cũng như vậy, cũng không khởi các hoặc ở hạ địa. Đây tức trụ là thối, đọa không phải mất là thối đọa. Các A-la-hán đã dứt hết tất cả hoặc, nếu chưa đoạn căn bản của pháp bất thiện thì làm sao tâm La-hán khéo giải thoát và các lậu đã tận? Nếu căn bản của pháp bất thiện đã đoạn, thì làm sao La-hán ở tâm tương tục không chánh tư duy. Đâu thể sinh lại thì làm sao các hoặc được sinh? Vì thế,nương nơi đạo xuất thế gian đã đoạn hoặc, biết rõ là không còn thối thất. Nhân duyên đã thuyết lại có hai thứ: một là nhân sinh, hai là nhân phương tiện.

Duyên thứ lớp nghĩa là các pháp tâm số theo thứ lớp các pháp khác được sinh, pháp tâm số nầy làm duyên cho sự sinh, là thức vì thức tạo thành duyên thứ lớp cũng gọi là ý, cũng gọi là ý nhập, cũng gọi là cảnh giới tâm. Duyên thứ lớp nầy lại có hai thứ: một là đã diệt, hai là chỗ dời đổi.

Duyên duyên nghĩa là năm thứ thức nầy lấy các trần làm duyên của duyên, lại đối với tâm thức thì các nhập trong ngoài, tức là duyên duyên. Duyên duyên nầy cũng có hai thứ: một là ỷ chứng, hai là không ỷ chứng.

Duyên tăng thượng nghĩa là các nhập bên trong của nhãn v.v… đồng thời phát sinh, tức là làm duyên tăng thượng cho nhãn thức v.v… có thể khiến tâm tạo tác, ở trong cảnh giới nếu đồng thời sinh thì tâm, tâm số lại cùng làm duyên. Những nghiệp thiện và bất thiện, đã tạo ở đời quá khứ thì ở vị lai những quả báo như ý và không như ý được sinh ra là duyên tăng thượng . Như ruộng nước, phân làm duyên tăng trưởng cho các hạt giống, các nghề nghiệp ở thế gian hoặc các thợ khéo léo v.v… những thứ này thì các trí tuệ làm duyên tăng thượng. Duyên tăng thượng nầy lại có hai thứ: một là không lìa, hai là có không. Nhân duyên nầy chính là chủ thể sinh, còn các duyên khác chỉ có thể tăng trưởng, do hành duyên nầy cùng thời đồng đến, căn bản hành nầy có thể sinh các hành, nên các hành không đồng thời sinh. Do nương nơi bốn duyên mà biết rõ mười nhân, như địa Bồ-tát, như lời Phật thuyết. Duyên hành của quá khứ mà tâm được sinh, duyên hành của vị lai cũng sinh ở tâm. Nếu hành quá khứ và vị lai không, thì pháp nào là tâm mà làm cảnh giới? Có người nói: nhân nơi cảnh nầy Phật thuyết sinh tâm, nên cho là tâm nầy tức lấy không làm cảnh.

Hỏi: Nếu tâm, cảnh là không, thì lời Phật nói chính thức rõ ràng là nhân từng cặp đối nhau mà các thức được sinh, như nhãn đối với sắc, nhĩ đối với thanh, cho đến tâm đối với pháp, đấy chính là Phật nói, tại sao không ngăn ngại?

Đáp: Đây là pháp trần, không vì năm thức mà làm cảnh giới, Phật nói trần nầy gọi là pháp duyên tâm duyên pháp. Phàm nói tâm thức là do phương tiện sinh. Phật nói nghĩa nầy lại để làm gì? Tâm thức nầy không lấy thức quá khứ làm cảnh giới cũng không lấy các thức vị lai làm cảnh, các thức quá khứ vị lai pháp trần đều không gồm thâu. Nếu có pháp thì pháp có cùng nhóm tụ, nếu không có pháp thì pháp “không” cùng nhóm tụ. Vì tâm thức nầy tùy chỗ có pháp mà nghĩa pháp có được giữ lấy, tùy nghĩa “không” mà pháp của nghĩa “không” được giữ lấy. Do nghĩa ấy nên tin biết các thức lấy không có làm cảnh. Nếu cho tâm thức không lấy hai thứ có và không để làm cảnh, tức không thể giữ lấy hết thảy nghĩa pháp. Hoặc có người nói: Nếu tâm thức không lấy có, không làm cảnh, thì người nầy tức chướng ngại trong nhiều nghĩa của Tất đàn.

Hỏi: Thức nầy nếu lấy pháp “không” để làm cảnh, thì thức cũng nên là không có?

Đáp: Do quá khứ, vị lai nên không có thức, do hiện tại  nên có.

Hỏi: Nhãn thức không được lấy “không” làm cảnh, thì tâm thức tại sao có thể lấy?

Đáp: Do cảnh ba đời. Lại nói rộng ra thì có năm nghĩa: Do tâm thức hiện tại lấy “không” làm cảnh, như lời Phật dạy, lìa các nhập trong, ngoài, thì không có nghĩa của ngã. Ngã ấy không có tức chẳng phải pháp hữu vi chẳng phải pháp vô vi. Do đấy,  các thức lấy vô ngã làm cảnh giới, đối với người có trí, biết pháp tổng tướng, thì không ai là không tin, đấy là nghĩa thứ nhất.

Sắc, hương, vị, xúc, lìa bốn pháp trần nầy rõ ràng chẳng thể thủ đắc, các pháp như cung điện, giảng đường, xe cộ, thức ăn, y phục và các thứ khác, đã vốn là không, chẳng phải pháp hữu vi, chẳng phải pháp vô vi. Do đấy, các thức lấy không có cung điện, giảng đường, xe cộ… làm cảnh giới, đối với người có trí, biết pháp tổng tướng, thì không ai không tin, đấy là nghĩa thứ hai.

Các tà kiến phỉ báng tất cả, không nhân, không quả, không buộc, không mở, các pháp nầy là không. Nếu tùy thuận nghĩa lý có các pháp nầy thì chẳng phải tà kiến. Vì đây thật sự nầy đều là không nên đối với người tà kiến lấy không làm cảnh thì không thể không sinh thức, đấy là nghĩa thứ ba.

Lại đối với các hành không có thường trụ, không có thường trụ nầy cũng chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi, mà các thức nầy cũng chẳng phải không lấy vô thường làm cảnh, đối với người có trí, biết pháp tổng tướng, thì chẳng phải là không biết về thường. Nhưng nếu thức lấy “không” làm cảnh không được sinh thì đối với tất cả hành không thấy, đối với thường là không có nghĩa. Nghĩa là nương nơi trí tuệ chân chánh thì không sinh nhàm chán, không nhiễm cũng như vậy, cũng không giải thoát, không được Niết-bàn. Nếu dùng nghĩa nầy thì các phiền não và hoặc của tất cả chúng sinh vĩnh viễn trói buộc không giải thoát, đấy là nghĩa thứ tư.

Các hành vị lai chưa có nghĩa sinh, thì chớ nói là diệt, nhưng bậc Thánh nhân đối với các hành vị lai không ai là không quán xét nghĩa sinh diệt, đấy là nghĩa thứ năm.

Do nghĩa nầy, nên nhất định biết các thức lấy không làm cảnh. Như lời Phật dạy, nếu nghiệp quá khứ hiểu rõ là không có, thì không có khổ thọ lạc thọ, nghĩa nầy thế nào? Ở đời quá khứ, đã tạo đã diệt nghiệp thiện và bất thiện, là quả vui và không vui, được thọ nhận ở đời vị lai, hành tướng nầy nối tiếp do chủng tử nghiệp sinh ra vì nghĩa nầy cho nên như lời Phật dạy. Nói có nghiệp quá khứ là có hai ý nghĩa:

1)Vì những người nói nhân không đúng, để ngăn sự chấp của họ. Như họ nói: có Tự Tại thiên, Phạm thiên, Đế thích tự tánh, thần, ngã, thời tiết, vi trần, nói nhân đây mà các pháp chúng sinh khổ, vui thảy đều được sinh.

2) Vì các người nói không có nhân, để ngăn sự chấp của họ. Có nhiều người nói không có nhân cũng nói là không có duyên, vì các chúng sinh có tịnh và bất tịnh, như các vật gỗ, đá v.v…, không theo nhân duyên. Hoặc có tôn trọng, hoặc có khinh mạn hiện bày sự cố ấy nên Phật nói có hành quá khứ. Các bậc Hiền Thánh không vướng chấp chỗ nầy, an lạc mà trụ. Đây nói có ý nghĩa gì? Do các hành quá khứ sinh ra quả nên có, các hành vị lai làm nhân cho nên có. Làm sao tin biết các hành hiện tại ba tướng hiển hiện? Do quả quá khứ, do nhân vị lai, do tự tướng nối tiếp nhau không đoạn tuyệt. Lại nương nơi hai nghĩa hiện hai pháp nầy, nghĩa là ở hành của quá khứ và vị lai ngoại trừ chấp thật. Vì nếu hành của quá khứ và vị lai, tướng ấy thật có, thì chẳng phải là quá khứ vị lai. Các người  kiến chấp là không cho quá khứ vị lai không thì hiện tại cũng không. Vì để đoạn trừ các kiến chấp như vậy, nên như lời Phật dạy: Có cõi quá khứ vị lai, thì có cõi hiện tại, nghĩa nầy thế nào? Do chủng tử tương tục đã sinh ở quả, nên nói nghĩa nầy, đấy gọi là quá khứ. Chủng tử tương tục sắp sinh, đây gọi là vị lai. Các quả chủng tử hiện tại chưa đoạn, đấy là cõi hiện tại, cho nên nói nghĩa nầy. Tỳ-khưu biết chủng tử tương tục, là vô lượng pháp, chẳng phải một cõi, đấy gọi là biết cõi. Vì sao? Từ ấm sắc v.v… đến sinh, lão, trụ, diệt, không còn pháp nào khác, cũng chẳng phải có thật. Các hành vị lai ngăn chặn có thật, nên không có sinh là đoạn đối với nghĩa thật. Làm thế nào biết? Ở vị lai sinh đã tự chưa sinh, làm sao là chủ thể sinh, sinh ở pháp khác, các sinh ở đời hiện tại cũng không là chủ thể sinh, sinh ở pháp hiện tại. Đây là nói tướng sinh, là các hành thành, là các hành sinh, là các hành khởi, các hành hiện tại.Ở đây, rõ một nghĩa mà có nhiều tên, lìa nhiều tên nầy lại có tướng sinh. Các người có trí không nói các tên nầy dùng làm tướng sinh, đối với các pháp nầy, mỗi pháp nhất định có nhân chủng tử, ađâu dùng cái khác mà sinh? Sinh nầy yếu kém mà là giả danh. Làm sao biết? Phàm nói có sinh, tức hành sinh chăng? Chủ thể sinh hành chăng? Nếu sinh hành của tự nó có thể sinh pháp hành thì đối với chỗ có sinh tức pháp hành được khởi. Nghĩa nầy không như vậy. Nếu có thể khởi thì gọi là hành sinh, ở trong một hành nên có hai sinh, đó là chủ thể sinh, đó là hành tự sinh, đây cũng không như vậy. Như nói nghĩa sinh ba thứ còn lại cũng như vậy.

Đối với hiện tại, nhân chổ trước chưa có tướng khởi của các hành nên đó gọi là sinh, không do nơi trước tức là tướng dị của hành tức gọi là lão, khởi mà chưa diệt tức gọi là trụ sát na sinh, tướng hoại của các hành, gọi là diệt. Như bốn pháp nầy là tướng hữu vi, tại sao Phật nói chỉ có ba tướng? Là sinh, diệt, trụ, dị, tất cả pháp hành hiện trong ba đời, từ đời vị lai chưa sinh mà được sinh, nên nương nơi đời vị lai sự sinh khởi nầy là tướng hữu vi, do đây chưa sinh nên không thể chấp đắm, đã sinh rồi thì ở đời quá khứ tức đều đã diệt, nương nơi đời quá khứ, đây nói là diệt, là tướng hữu vi cũng không thể chấp đắm. Do đã quá khứ nên hiện tại hiển hiện là trụ, nương nơi hiện tại là tướng hữu vi, là chỗ có thể chấp đắm. Do trụ nầy cũng lại có khác, phần nhiều có lỗi lầm, sinh thế nầy thì ai dám mong cầu. Như đối với điều tốt đẹp thì luôn có tướng không tốt đi theo, nên trụ và dị hợp làm một tướng, do nghĩa nầy nên chỗ hiện trong ba đời là pháp tướng hữu vi. Nếu ba tướng nầy là chỗ so lường của các bậc Thánh, thì tại sao ở trong các ấm, Phật quán xét tướng khởi, diệt, nương pháp mà trụ, mà không quán xét ở tướng trụ dị? Sinh và trụ dị, hai loại tướng nầy là chỗ hiện của khởi, cho nên sinh và trụ dị, hai tướng nầy hợp làm một để nói thuyết. Ở nơi bên khởi thì nói quán xét khởi mà trụ, một tướng còn lại (diệt) thì sắp đặt một bên ở phần thứ hai. Cho nên, nói như đậy, là nói quán xét tướng diệt mà trụ. Lại có nghĩa khác nghĩa là: nương nơi tướng nầy liền chứng vô nhiễm, do nhàm chán khổ họa nên chứng giải thoát, chỉ quán hai tướng là đối tượng để tư duy. Do thấy vô thường ở các pháp hành, cho nên sinh nhàm chán. Nói là vô thường, nghĩa là vật chưa sinh mà sinh ra thì gọi là sinh, sinh mà hoại thì gọi là diệt, đấy gọi là vô thường. Sinh lại có nhiều thứ, đó là sát na sinh, thọ sinh sinh, khởi sinh sinh, biệt tâm sinh, không như ý sinh, như ý sinh, thượng, trung, hạ sinh, hữu thượng sinh, vô thượng sinh.

Sát na khởi, tức là trong từng sát na, sát na có các hành sinh khởi, đấy gọi là sát na sinh. Thọ sinh sinh, tức là có sự trói buộc hoặc không trói buộc, từ từng chỗ đọa lạc, ở trong từng chỗ ấy các ấm sinh khởi, đấy gọi là thọ sinh sinh. Khởi sinh sinh, tức là từ trẻ thơ cho đến thanh niên, già nua, đấy gọi là khởi sinh sinh. Biệt tâm sinh, tức là nương nơi các thứ duyên, các thứ thọ, các thứ thiện, các thứ đạo, hoặc chứng giải thoát và chưa giải thoát, có vô lượng thứ tâm, đấy gọi là biệt tâm sinh. Không như ý sinh, tức là ở trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà thọ các khổ não, đấy gọi là không như ý sinh. Như ý sinh, tức là ở nơi cõi trời, người thọ quả báo vui sướng. Hạ sinh là sinh ở dục giới, trung sinh là sinh ở sắc giới, thượng sinh là sinh ở vô sắc giới. Lại nữa, lần thứ nhất thọ thai gọi là hạ sinh, lần thứ hai thứ ba thọ thai gọi là trung sinh, lần thứ tư thọ thai gọi là thượng sinh. Lại nữa, thọ các quả ác gọi là hạ sinh, các pháp vô ký trừ khởi quả thiện gọi là trung sinh, tất cả pháp thiện, tất cả quả thiện gọi là thượng sinh. Hữu thượng sinh, tức là từ dục giới cho đến bất dụng xứ. Vô thượng sinh tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lại nữa, hữu thượng sinh tức là A-la-hán từ lúc vào thai chưa đến chỗ cuối cùng, một niệm sau cùng trong một sát na ấm, đấy gọi là vô thượng sinh.

Phân biệt về ý nghĩa già lại có nhiều thứ, đó là thân già, tâm già, tuổi thọ già, biến dị già, ấm già. Thân già là tóc bạc, răng long, da nhăn, mặt gầy, cho đến những thứ như trong kinh nói các tướng mà thân có. Tâm già là cùng ứng với lạc thọ. Biến đổi khác sinh, tức là như dùng tâm thiện chuyển làm bất thiện, đối với vật yêu thích sinh ra tham đắm, lại sinh biến dị, là chỗ không có quả, đấy gọi là tâm già. Tuổi thọ già là ngày đêm từng sát na đi qua, tuổi thọ chuyển giảm ít đi, đấy gọi là tuổi già. Biến già tức là tất cả phú quý vinh hoa, không bệnh, sắc lực, chuyển giảm dần. Ấm dị già, tức là sinh cõi trời người, ấm chuyển đổi tăng trưởng, từ chỗ nầy chết sinh vào đường ác hoặc chỗ hạ tiện, gọi là ấm dị già.

Lại duyên của riêng một tướng già. một tướng già này trước đã nói là già mà tiện được sinh. Tức cái gì được các hành trong từng sát na sát na sinh ra khác biệt, đó gọi là riêng một tướng già.

Phân biệt về nghĩa trụ cũng có nhiều thứ, đó là sát na trụ, tương tục trụ, y duyên trụ, nhất tâm trụ, như pháp chế trụ. Sát na trụ, tức là chỉ có lúc sinh là trụ. Tương tục trụ, tức là tùy chỗ đã sinh, các ấm, y phục, thức ăn, cho đến khi mạng hết. Lại nữa, những vật bên ngoài cho đến khi kiếp tận, đấy gọi là tương tục trụ. Y duyên trụ, tức là khổ, vui, thọ các pháp thiện và ác, mỗi mỗi hiện duyên tùy theo đấy mà trụ, đó là y duyên trụ. Nhất tâm trụ, là người có tâm chánh định trụ nơi định hiện tiền, đấy gọi là nhất tâm trụ. Như pháp chế trụ, là theo cảnh giới đang ở, pháp vua trị vì đất nước, thôn xóm, đối với bốn chủng tánh nương theo việc trước đã chế mà trụ, đấy gọi là như pháp chế trụ.

Ý nghĩa vô thường cũng có nhiều thứ, đó là hoại vô thường, biến dị vô thường, biệt ly vô thường, sẽ sinh vô thường, cùng đến vô thường. Hoại vô thường, tức là các hữu đã có sinh thì liền có diệt, đấy gọi là hoại vô thường. Biến dị vô thường, là các hành đáng yêu thích sinh ra không giống như trước. Biệt ly vô thường, là những vật thương mến bị phân tán biệt ly. Ba thứ vô thường nầy, đối với đời vị lai gọi là sẽ sinh, dấy khởi ở đời hiện tại thì gọi là cùng đến vô thường. Thọ năm thứ dục lạc không thể tự giữ gìn, thoắt chốc biến mất, rồi ái biệt ly đến, suy nghĩ việc nầy ưu sầu khổ não cho đến như kinh nói mà vẫn không chịu nhàm chán. Đối với các pháp hành, các ngoại đạo cũng suy nghĩ đây là vô thường, cũng sinh nhàm chán mà chỉ lìa dục giới, đối với các pháp hành có phần sinh chán lìa. Nếu các Thanh văn suy nghĩ đầy đủ, đây là vô thường, rốt ráo nhàm chán xa lìa, tức chứng được vô nhiễm cho đến giải thoát.

Pages: 1 2 3