TU PHẬT
NGHI-THỨC YẾU-LƯỢC
Biên soạn: Hòa-Thượng Thiền-Sư Thích Từ-Quang

QUYỂN NHỨT

TAM-BẢO KINH

CÁC ĐIỀU CẦN-YẾU CHO PHÁI TẠI-GIA

CHƯƠNG 5
CÁCH-THỨC LỄ PHẬT

Lễ Phật tức là tỏ lòng tôn-kính một bậc Viên-Giác và nương theo gương mẫu trọn lành mà tu-hành. Lễ Phật thường lễ ba lạy để tỏ lòng qui-y Tam-Bảo, xin nhờ oai-đức Tam-Bảo gia-hộ cho tịnh tam nghiệp (thân, khẩu, ý), diệt tam độc (tham, sân, si), đắc tam học (giới, định, tuệ).

Khi lễ Phật, cần nhứt phải giữ lòng thành thanh-tịnh, cầu tâm mình và tâm Phật đồng khế-hiệp với nhau một thể Chơn-Như.

Thân phải đứng ngay thẳng, hai bàn tay chấp lại để ngang ngực và hơi chỉ lên, đừng cho mấy ngón tay so le và giữ không được hở giữa hai bàn tay, đó gọi là “hiệp-chưởng”.

Hai chân đứng cho thẳng, hai gót chân khít lại, cặp mắt phải chăm chú ngó ngay cốt Phật hay tượng Phật, một lòng cung-kính tin tưởng.

Khi lạy xuống, hai đầu gối phải hạ một lượt, đầu và hai cánh tay để cho sát đất, hai bàn tay lật ngửa lên để dựa hai bên trán, miệng niệm thầm câu chú này: Án, phạ nhựt ra hồng. (3 lần)

Khi hai bàn tay lật ngửa lên, nếu biết kiết ấn càng tốt. Kiết ấn như thế này: bàn tay trái khai Thiên-ấn, bàn tay phải khai Địa-ấn.

– Thiên-ấn: bấm đầu ngón tay cái cho ngay chỉ dưới ngón tay áp út (gọi là quyết-tý).

– Địa-ấn: bấm đầu ngón tay cái cho ngay chỉ dưới ngón tay giữa (gọi là quyết-sữu).

Khi đứng dậy (nếu có kiết ấn, phải xả ấn), tay trái để ngang ngực, tay phải úp lại mặt đất, chống đứng lên, hai đầu gối đồng lên một lượt, rồi hai bàn tay chấp lại (hiệp-chưởng) như trước.

Lạy rồi, phải xá tiếp một xá, khi xá, nên cuối đầu và nghiêng mình ra phía trước, hai bàn tay cứ giữ hiệp-chưởng trước ngực.

 

Thâu nhiếp được tâm thì tâm định. Tâm định thì rõ thấu các pháp.

Kinh Di-Giáo