Mai Xuân hương Thiền
Thông Thiền

 

Đứng trước phong cảnh ngày Xuân, muôn hoa khoe sắc, nhà thơ hân thưởng vẻ đẹp này để rồi dạt dào bao nỗi xuyến xao. Cảm xúc theo cảnh trào dâng khiến nhà thơ cao hứng muốn ghi lại hình mạo của Chúa Xuân. Những chất liệu làm nên thi ca thì rất nhiều: Màu sắc rực rỡ của hoa đào, nét vàng thanh tú của hoa mai, âm thanh xào xạc của rặng dương liễu, tiếng hót líu lo của chim hoàng oanh … Phần lớn những cảnh vật ở trước mắt có sức mời gọi như trên, ai có thể dửng dưng. Nhưng đối với bậc cao tăng kiến đạo bằng trí huệ lớn từ Sắc thấy Không thì nhận rằng núi sông và đất đai đều hiển lộ pháp thân, hoa cỏ làm người vui mà cũng làm hiển lộ chí đạo. Cũng như các nhà Lý học đời Tống chẳng hạn, họ ca tụng những câu thần tình trong Kinh Thi, cho là thiên cơ hoạt bát để dẫn chứng cho sự lưu hành của chí đạo.

Chu Tử nói :

Bán mẫu phương đường nhất giám khai,
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi.
Vấn cừ na đắc thanh như hứa,
Vị hữu nguyên đầu hoạt thủy lai.
Ao vuông nửa mẫu giống như gương,
Trời mây một sắc đến in khuôn.
Hỏi ra sao được trong như thế,
Bởi nước lưu thông ở thượng nguồn

Một hôm, Chu Hy quan sát thấy mặt ao rộng nửa mẫu giống như một mặt gương, sắc trời áng mây cùng in bóng trong đó. Hỏi vì sao ao được trong như thế, té ra mới biết vì có nước lưu thông ở đầu nguồn đến. Ông cho đó là lời nói kiến đạo, là thơ ngụ đạo.

Trong những chất liệu làm nên thi ca như thế, hoa mai lại được nhà thơ khen tặng là đứng đầu trăm hoa. Hoa mai là quốc hoa cho mọi người cùng thưởng thức, tính chịu đựng sương gió lạnh lẽo giúp nó trổ hoa chính là tượng trưng cho tinh thần và khí tiết của người quân tử. Các câu thơ vịnh hoa mai nổi tiếng của Tây Hồ như:

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Bóng hoa vắt ngang làn nước biếc
Hương thầm lay nguyệt lúc hoàng hôn.

Tây Hồ tức chỉ cho Lâm Hòa Tĩnh (967-1028). Ông tên thật là Lâm Bô, tự là Quân Phục, người Tiền Đường (Hàng Châu), học giỏi nhưng không chịu ra làm quan, ở ẩn trên núi Cô Sơn, bạn cùng hoa mai, chim hạc. Không rõ thiên tài này ngày xưa có biết đến thuyết Correspondances không. Có lẽ không! Vì thuyết này xuất hiện khoảng thế kỷ XVIII mà Tây Hồ sinh ra trước đó rất lâu. Thế nhưng, nếu nói như nhà thơ Baudelaire rằng mùi hương, màu sắc và những âm thanh tương giao cùng nhau thì quả thật hai câu thơ này của họ Lâm đã mang tính nội hàm đó: Bóng thưa của hoa nằm ngang giữa làn nước trong ở nơi cạn, Hương thầm của hoa làm lung lay bóng nguyệt lúc hoàng hôn. Đẹp thì có đẹp nhưng chưa thấy ngụ thiền lý, phải chờ đến tài năng của Tô Đông Pha như :

Phân phân sơ nghi nguyệt quảy thụ,
Liên liên độc dữ tham hoàng hôn.
Mai lả tả ánh vàng vương cây lá,
Người với hoa là một giữa hoàng hôn.

Nhìn những cánh hoa mai rơi lả tả cứ ngỡ rằng trăng rải ánh vàng vương vãi trên cây, lúc đó là lúc chạng vạng và nhà thơ như hòa làm một với hoa mai. Rõ ràng đến đây thì mai xuân bắt đầu tỏa ngát hương thiền. Nếu như nhà thơ không hồn nhiên, không bặt dứt suy tư thì không sao xóa được lằn ranh giữa hoa và người, và cũng khó mà kiến đạo. Phần đông thi nhân dừng ở nơi thấy hoa tả cảnh, còn cao tăng hoặc thiền nhân cảm thụ có phần khác hơn. Các bậc ấy dùng hoa mai để gởi gắm tình cảm ẩn chứa đạo lý. Bài thơ cổ mai (gốc mai già) của một nhà sư đời Đường như sau:

Hỏa ngược phong thao thủy tứ căn
Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân
Đông phong vị khẳng tùy hàn thử
Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn.
Lửa táp gió lùa lại nước ngâm
Sương búa, tuyết cưa khắc dấu hằn
Gió Xuân chưa biết là lạnh nóng,
Song vẫn đâm chồi tỏa ngát hương.

Gốc mai già trong vườn chùa hết bị lửa táp rồi bị gió lùa rồi bị ngập nưóc, Sương như búa bổ vào gốc, tuyết dường cưa xẻ khắc dấu hằn vào thân cây. Dù cho chưa biết gió Xuân sắp đến là lạnh hay nóng đây, song Mai vẫn đâm tược trổ hoa tỏa hương thơm dịu mát. Phải chăng thiền sư mượn hình ảnh gốc mai già để dụ cho xác thân tứ đại này chịu quy luật của vô thường theo năm tháng mà già nua, chịu biết bao thử thách của cuộc đời mà vẫn tồn tại. Con đường phía trước dù thế nào đi nữa, nhà tu hành vẫn sẵn sàng dâng tặng đóa hoa giác ngộ và hương thơm đạo đức cho cuộc đời.

Hư Đường Trí Ngu (1185-1269): Thiền tăng đời Tống, họ Trần, hiệu Hư Đường, tức Canh Tẩu, người Tương Sơn (Chiết Giang) Trung Quốc. Năm 16 tuổi theo Sư Uẩn chùa Phổ Minh xuất gia, du học khắp nơi, đến Kim Sơn yết kiến Vận Yểm Phổ Nham được tỏ ngộ, nối pháp làm truyền nhân phái Dương Kỳ tông Lâm Tế. Sau đó lần lượt tham kiến các bậc thiện trí thức. Niên hiệu Thiệu Định thứ 2 (1229), ban đầu sư trụ trì chùa Hưng Thánh, sau đó lần lượt trụ các chùa Báo Ân, Hiển Hiếu, Thụy Nham, Diên Phước, Bảo Lâm, Dục Vương, Tịnh Từ, Kinh Sơn. Sư được Tống Lý Tông, Tống Độ Tông quy y, công cuộc giáo hóa hưng thạnh. Trong bài thơ dưới đây thiền sư mô tả cây mai sống lâu quá nên rêu bám đầy thân, trông chẳng được trẻ trung gì, nhưng nào ai biết mùi hương thơm dịu của nó giống như Ngọc Hồn. Tuyết đã bớt rơi, nhưng khắp rừng không có ánh trăng soi sáng.Trời đã chạng vạng nên trong thành mọi người đốt đèn và có tiếng tù và thổi báo hoàng hôn xuống rồi.

Thiên niên đài thọ bất thành Xuân
Thùy tín u hương tợ ngọc hồn
Tế tuyết mãn lâm vô nguyệt sái
Điểm đăng xuy giác tố hoàng hôn.
Nghìn năm rêu bám, chẳng nghênh Xuân
Ai hay hương thoảng tợ “Ngọc Hồn”
Trời lạnh khắp rừng trăng chẳng chiếu
Đốt đèn, thổi ốc, báo hoàng hôn

Cây mai già cỗi, rêu bám tưởng chừng sắp chết đến nơi, nhưng hôm nay, mùa Xuân đến mang lại sức sống mãnh liệt cho muôn loài, thì nơi thân cây khẳng khiu kia bỗng thoảng đưa một mùi hương như có sự sống tinh khiết bên trong, biểu hiện tài tình cái ý tuyệt hậu tái tô (chết đi sống lại) trong nhà Thiền. Tợ ngọc hồn này khiến chúng ta liên tưởng đến một cành mai của thiền sư Mãn Giác và một cành hoa trong tay đức Phật trên pháp hội Linh Sơn! Hoa mai trước gió đông và băng tuyết tượng trưng cho tiết tháo của bậc hiền nhân quân tử giữa những cơn biến động của cuộc đời, nên rất được thi nhân và triết gia thưởng thức, dùng thi ca để ngâm vịnh. Thơ ngụ đạo vốn là mượn có để hiểu không, mượn vật để ngụ lý, dùng thanh sắc để hiển dụng, dùng nó để làm phương thức biểu hiện đạo lý trong nhà thiền thì không gì tốt hơn. Thế nên, hoa mai mùa xuân cũng là đối tượng mà Thiền sư dùng để hiển bày thiền cơ Phật lý và đã tỏa ngát hương thiền.