Tu Tâm
Tỳ Kheo Thích Thông Phương

 

1. Tu Tâm

Có nhiều người thường nói tôi không cần tụng kinh niệm Phật…, chỉ “tu tâm” thôi! Vậy xin hỏi: Tu tâm là gì? Mới nghe nói tưởng như đơn giản, song đến lúc bị người hỏi nghiệm lại thì không biết đáp sao? Hóa ra, chỉ biết nói còn hiểu thì chưa thực hiểu. Cho nên, chúng ta cần phải suy gẫm để nhận hiểu ý nghĩa thiết thực của việc tu tâm.

Suy xét kỹ, thì tất cả tội lỗi của con người đều phát xuất từ tâm. Tâm là gốc, là nơi phát sinh ra các thứ tội lỗi. Do đó, nếu ứng dụng tu hành mà không tu từ gốc tâm căn bản thì làm sao hết tội được.

Thí dụ, người đi ăn trộm cắp hoặc chửi mắng người khác, hay giận hờn đủ thứ thì những việc làm, lời nói và trạng thái tâm lý trên từ đâu mà có? Ăn trộm là do không dừng tâm tham nên mới phát sinh hành động trộm cắp. Rồi nóng giận, chửi mắng cũng vậy. Do tâm nóng giận mới có chửi mắng, hoặc là có tâm tà dâm mới thành nghiệp tà dâm.

Như có người trộm cắp, biết mình sai nên mỗi tối đến chùa sám hối hoặc lạy 108 hồng danh chư Phật, như vậy hết tội ăn trộm chưa? Nếu người đó không dừng được tâm tham, thì ngày khác đủ duyên cũng sẽ ăn trộm nữa.

Hoặc có vị tạo khẩu nghiệp chửi mắng người rồi cũng vào lễ Phật sám hối. Nếu không dừng được gặp chuyện, thói quen sân phát sinh lại chửi mắng nữa, thành ra không hết tội được. Thế nên, người muốn sạch mọi tội lỗi thì phải dừng tâm tham…, trừ tham tận gốc thì tội mới sạch.

Vì không hiểu nên có những trường hợp tu lộn ngược. Như xưa, ở nước Kosala có một Bà-la-môn chuyên tu khổ hạnh. Người này quan niệm vì có thân nên có tội lỗi, nay muốn hết tội thì phải sửa từ thân. Nghĩ như vậy nên Bà-la-môn liền dùng năm lò lửa để đốt nướng hành thân mình hết sức khốn khổ, cho rằng làm như vậy mới tiêu mòn nghiệp khổ. Lâu ngày, đầu tóc khô giòn, môi miệng nứt nẻ, người thế gian gọi ông là La Hạt Chích, vì trông giống như cây cải bông nướng.

Có một cô ni nghe tin đồn tìm đến. Cô nhìn thấy lối tu của Bà-la-môn như vậy nên thương xót, nói với ông: “Cái đáng thiêu mà ông không thiêu, lại đi thiêu lầm cái không đáng thiêu, sao mà si mê vậy?”

Tức là cái đáng thiêu mà không chịu thiêu, còn cái không đáng lại lo đi thiêu, như vậy là lầm lẫn, si mê.

Vừa nghe, lửa sân trong tâm ông phừng lên, giận dữ mắng: “Đồ con lừa, ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?”

Cô ni bảo: “Cái đáng thiêu chính là cái tâm nóng giận của ông đó”.

Nghĩa là cái đáng thiêu thật sự chính là tâm nóng giận của ông, ông thiêu cháy được tâm nóng giận đó mới hay. Chứ còn ông lo đốt nướng thân này mà tâm sân không hết thì tuy có sự dụng công nhưng khổ não vẫn còn nguyên không tiến bộ. Cho nên, nếu ai thiêu cháy được các thứ tâm nóng giận… thì mới thật sự thiêu sạch tội lỗi. Giống như chiếc xe không đi, thì đánh trâu chứ ai mà lại đánh chiếc xe. Cũng vậy, phải đánh cái tâm kia, thiêu cháy tâm kia thì thân mới hết bị dày vò, đau khổ.

Bà-la-môn tỉnh ngộ, quỳ lại cô ni.

Nhiều khi, chúng ta không thấu suốt được lẽ thật, khi nghe nói hoặc là thấy người ta làm thì bắt chước làm theo. Vì vậy, có nhiều trường hợp, người dụng công tu khổ hạnh rất công phu nhưng không đúng pháp nên tu lâu mà không hết tội. Cũng như Bà-la-môn này tuy có tâm tu hành muốn dứt khổ nhưng vì không rõ pháp tu chỉ lo đốt thân còn tâm không chịu đốt, nên sân hận vẫn còn nguyên vừa gặp duyên là nó phừng cháy nổi giận mắng người liền.

Chúng ta cũng vậy, vì muốn sạch nghiệp nên ép thân tu các pháp khổ hạnh như uống nước lạnh. Tuy uống nước lạnh, nhưng tâm không lạnh mà vẫn còn nóng như thường. Đây gọi là tu gốc ngọn lộn ngược, tội lỗi không bao giờ hết. Gốc của tội sanh từ tâm, không tu ngay gốc mà chỉ lo hành thân xác, trong khi thân này đâu có lỗi gì, thật là tội cho nó.

Như cái miệng nó đâu có biết nói bậy, nhưng chúng ta thường đổ thừa cái miệng nói bậy. Cái miệng này là hai miếng da bọc thịt hợp lại thì đâu biết nói bậy? Nói bậy là do tâm, từ tâm dấy khởi rồi tác động lên cái miệng. Nên miệng chỉ là cơ quan phát chứ không phải chủ động mà lại đổ lỗi tại cái miệng nói bậy. Nếu không trừ được cái gốc bên trong mà đổ thừa cái miệng, đó cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm. Nên tu là phải thấy ngược trở lại, trừ được tận gốc thì tội mới sạch.

Xưa, có vị sa-môn muốn độ hai vợ chồng nghèo ở Xá-vệ, nên ngài đến nhà họ khất thực. Gặp lúc ông chồng đi vắng, bà vợ ra thấy thầy sa-môn là liền ghét bèn mắng chửi, đuổi: “Ông dù có ốm yếu đến nỗi đứng chết ngay tại chỗ tôi cũng không cho thức ăn, huống nữa là còn mạnh khỏe như vầy mà xin ăn cái gì?”

Bà vừa dứt lời, vị sa-môn liền dùng thần thông chết đứng ngay tại chỗ, chỉ giây lát thây chết sình trướng bay mùi hôi. Bà hoảng sợ bỏ chạy la hớt hãi. Sau đó, vị sa-môn thâu thần thông hiện lại tướng cũ, đi đến ngồi dưới gốc cây xa xa. Khi chồng về, nghe vợ kể lại lấy làm tức giận hỏi sa-môn đâu. Bà vợ mách chỉ, ông lập tức đeo cung tên, xách dao đi định tìm giết vị sa-môn này. Thấy ông đến, vị sa-môn ấy hóa ra một thành pha lê trong suốt bao phủ toàn thân, nên mặc dù thấy vị sa-môn ngồi đó nhưng ông không chạm vào được.

Ông đi vòng vòng không biết làm sao, mới nói: “Này đạo sĩ! Sao không mở cửa ra?” Sa-môn bảo: “Ngươi hãy buông dao, cung tên xuống đi thì tôi sẽ mở cửa”.

Người chồng nghĩ mình khỏe mạnh dùng tay không đánh sa-môn ấy cũng chết cần gì vũ khí, nên buông hết cung tên xuống. Nhưng khi buông xong vẫn thấy vị sa-môn ấy trơ trơ không mở cửa, ông liền hỏi thì sa-môn ấy bảo: “Tôi muốn nói ông hãy buông dao và tên ác trong tâm của ông, chứ không phải là dao, tên ở trong tay”. Người chồng nghe nói giật mình, không biết vì sao sa-môn này thấu biết được tâm ý của mình, nên hoảng sợ, sau tỉnh ngộ cầu xin xám hối. Sa-môn nói pháp độ người chồng kia.

Ý nghĩa câu chuyện trên giúp chúng ta thấy, chính dao, tên ở trong tâm người mới nguy hiểm, mới là cái gốc để tạo thành tội lỗi. Vì nếu có dao, cung tên ở ngoài mà không có dao, cung tên ở bên trong thì đâu thành vấn đề, nhiều khi còn có lợi.

Ví dụ như chúng ta không có tâm ác độc, hay không có tâm dao búa thì dùng dao… có ích lợi như giúp xắt thức ăn, chẻ củi… Nhưng vì có tâm dao búa nên khi sử dụng chúng thật là nguy hiểm. Sa-môn nói buông là buông dao trong tâm, chứ không phải là buông dao ở ngoài, hiểu như vậy mới thấy được cái gốc của sự tu.

Tu tâm là pháp gốc, nếu khéo tu ngay pháp này thì sẽ thông suốt được tất cả pháp, vì tu tâm là pháp tu căn bản.

Nhưng nếu chỉ hiểu tâm là gốc, tu căn bản từ tâm thì cũng chưa đến đâu. Điều trọng yếu là phải biết rõ tâm là gì. Quý vị biết chưa? Nó ở gần chúng ta nhất mà không biết, và nếu người không biết thì không lẽ không có tâm sao?

Tâm là biết. Chính từ cái biết này mới tạo thành bao nhiêu nghiệp lành, nghiệp dữ… ở thế gian, cho đến cả nghiệp vô lậu xuất thế gian cũng từ cái biết này. Ví dụ như nhìn thấy thỏi vàng, bởi biết nó là thỏi vàng nên mới sanh tâm trộm vàng, hoặc tranh đoạt vàng. Cũng vậy, vì có tâm nhận biết tội, phước mới bỏ tội, làm phước mà tu hành và chính do tâm biết nên mới đến đây ngồi nghe pháp…

Nhưng trong tất cả cái biết đó cũng cần phân biệt rõ, nếu không khéo chỉ nhận cái biết buồn thương, giận ghét để tu thì sự tu hành cũng theo đó đi xuống.

Có cái biết trong sáng, có cái biết không trong sáng; cái biết vô minh và cái biết giác ngộ. Nghĩa là cái biết theo duyên theo cảnh, phân biệt hơn thua, yêu ghét là cái biết còn mang nặng cái tôi trong đó, thuận với tôi thì tôi yêu, nghịch với tôi thì tôi ghét… cái biết đó là cái biết có mang vô minh, chấp ngã, gọi đó là cái biết phiền não, vô minh.

Bởi tâm biết cái này, cái nọ, cái kia đủ thứ hết, nhưng chỉ biết bao quanh cái ngã hư dối nên từ đó sinh ra bao nhiêu thứ nghiệp đấu tranh gây đau khổ cho nhau, chỉ vì sống thu hẹp trong cái tôi.

Còn cái biết giác ngộ, tức cái biết quên duyên, cái biết mới mẻ, tinh khôi, cái biết vô niệm, nó không mang màu sắc của cái tôi thì đó là cái biết thanh tịnh, trong sáng, đó mới là cái biết giải thoát khổ đau.

Tu là phải khéo tu ngay cái biết này. Phải hiểu thấu được ý đó, mới thấy được chỗ tu hành của mình. Nếu chỉ nói tu tâm mà không biết tâm là gì thì làm sao tu, hóa ra cũng là nói trên chữ nghĩa.

Điểm nữa là khi hiểu được tâm là cái biết trong sáng như trên đã nêu. Nhưng cái biết đó nó ở ngay nơi chính mình, nên người khéo tu tâm phải thường thấy lại mình hơn là thấy ra bên ngoài, vì tu tâm mà! Nếu nói tu tâm mà cứ lo nhìn bên ngoài, lo nhìn người này, người kia thì không đúng.

Cho nên, tu là phải khéo thấy lại mình, có thấy lại mình thì mới biết sai để sửa và thức tỉnh.

Kế nữa, nếu chúng ta không khéo soi lại mình thì không thấy được tâm, tâm mình không chịu thấy lại lo đi thấy bên ngoài, nếu chỉ thấy người bên ngoài thì làm sao sửa lỗi, làm sao tỉnh giác! Nhưng, thường người ta lại thích thấy người này, thấy người kia hơn là thấy lại mình. Như trong kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài Thần Hội hỏi Lục Tổ: “Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay là chẳng thấy?” Lục Tổ đánh cho ba gậy, bảo: “Ta đánh ông là đau hay chẳng đau?” Ngài thưa: “Cũng đau mà cũng chẳng đau”. Lục Tổ bảo: “Thì ta cũng thấy mà cũng chẳng thấy”.

Ngài Thần Hội hỏi lại: “Thế nào là cũng thấy mà cũng chẳng thấy?”

Lục Tổ bảo: “Chỗ thấy của ta là thường thấy những lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy phải quấy, tốt xấu của người khác, do đó cũng thấy mà cũng chẳng thấy. Ông nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Nếu ông chẳng đau thì đồng như cây đá, nếu ông đau thì đồng với phàm phu, tức khởi sân hận, ông về trước nói thấy và chẳng thấy là hai bên, đau và chẳng đau là sanh diệt, ông còn chẳng thấy tự tánh mà dám đùa với người.”

Ngay đó, Ngài Thần Hội lễ bái, tạ lỗi.

Tổ lại nói: “Tâm ông nếu mê chẳng thấy thì hỏi Thiện tri thức để tìm đường, còn tâm ông nếu ngộ, tức tự thấy tánh, y pháp tu hành, ông tự mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì tự biết, há thay cái mê cho ông, nếu ông tự thấy cũng chẳng thay được cái mê cho ta, sao chẳng tự biết tự thấy mà hỏi ta thấy cùng chẳng thấy.” Thần Hội lại lễ hơn một trăm lạy, xin sám hối tội lỗi rồi siêng năng hầu hạ bên cạnh Lục Tổ không rời.

Đây là chỗ mà nhiều người học thiền thường hay mắc phải. Học được một chút thì muốn đi thử vị này vị kia xem thầy này ngộ chưa, thầy kia ngộ chưa. Sự thật thì thầy ngộ hay không ngộ là chuyện của thầy, thầy đâu có thay được cái ngộ của mình, chưa gì đã lo đi gạn hỏi người khác, chỉ thấy người mà quên mất chính mình, đó cũng là tâm hơn thua.

Ở đây, Lục Tổ quở Ngài Thần Hội và dạy rõ chỗ thấy hay không thấy là chuyện của ta, ta thấy cũng là việc của ta, ta không thấy cũng là của ta. Ta có thấy thì cũng không thay được chỗ thấy của ông. Cũng vậy, ông có thấy, có ngộ được thì cũng không thay được cho ta, cần yếu là ông có soi lại để tự thấy nơi mình hay không, đó mới là điều quan trọng, là điểm then chốt để tu hành. Còn như chỉ lo hỏi người, đi nhìn nơi người, vì mê nên quên mất soi lại chính mình, đó là lỗi lầm nên bị Tổ quở.

Nhờ có soi lại mình mới thấy được sự thật của chính mình, mới thấy được mình còn mê, còn chưa đến nơi, do đó mới có sự nỗ lực để tiến thêm nữa. Nếu chưa gì mà chỉ lo đi thấy người, đôi khi lại sinh ngã mạn.

Nếu nghiệm thử thì việc chúng ta đi gạn hỏi người ta để chi? Vì muốn biết hơn thua. Giả như lỡ bị người ta hỏi lại đáp không được thì sao? Bí thì liền nổi sân, càng lộ cái mê của mình ra thêm nữa.

Quý vị nên nhớ, người tu kỹ là người thường thấy lại mình rất kỹ, chứ không phải là thấy người kỹ.

Sách kể về một vị tăng trẻ Tây Tạng tên Ben, thầy giữ giới luật rất nghiêm túc. Một hôm, thầy này được thí chủ mời đến thọ thực tại tư gia. Trong lúc cả nhà đang lăng xăng dọn thức ăn thì khi đó vị thầy trẻ này đói bụng. Thầy đi vào bếp, thấy phía sau có một bao bố đựng trà, định bốc bỏ vào miệng ăn cho đỡ đói, nhưng khi vừa thò tay vào bao trà, thầy chợt tỉnh liền la lên: “Ăn trộm, ăn trộm!” Bấy giờ, mọi người lăng xăng chạy vào, người cha cầm cây gậy thủ thế sẵn hỏi ăn trộm ở đâu vì tưởng có trộm thiệt. Thầy đỏ mặt, giơ tay nói trước mọi người: “Chính tôi vừa tự bắt gặp tôi”.

Nghĩa là chính vị thầy ấy đang lợi dụng lòng tốt của gia chủ, cho nên ăn trộm chính là thầy. Sau đó, thầy nguyện lớn rằng: “Nếu từ đây về sau còn tái phạm thì chặt bỏ tay luôn”.

Tu kỹ là phải vậy đó! Tự kiểm lại mình, tự thấy lỗi mình, nếu không thì một bề biện hộ cho mình, vì khi đó vị thầy đã rút tay ra là không phạm lỗi trộm rồi.

Một lần khác, bấy giờ các vị Lạt Ma trưởng lão được mời đến gia đình thí chủ sang trọng để thọ cúng dường. Theo phép, mọi người ngồi theo thứ tự, trên là bậc trưởng lão rồi dần dần xuống những vị mới tu. Người hầu cận bắt đầu rót sữa dâng trước, cũng theo thứ lớp từ trên xuống.

Thầy Ben này nóng ruột thấy người rót sữa còn cách chỗ mình ngồi xa quá, mà bình sữa thì nhỏ nếu đến chỗ mình thì chắc sữa đã cạn. Vừa nghĩ đến đó, Thầy liền tỉnh ngộ, la to giữa đám tiệc: “Ôi! Tham lam, tham lam!” Sau đó, đúng như dự đoán của anh ta là sữa trong bình đã cạn hết, người nhà lấy bình khác rót sữa tiếp, khi đến bát của thầy Ben vừa định rót vào thì thầy ngăn lại nói: “Thôi cảm ơn, ý nghĩ tham lam của tôi đã uống hết phần sữa của tôi rồi, thôi khỏi cần nữa!”

Đó là can đảm, là tu kỹ thật sự. Thầy đã xét mình rất kỹ, lại thêm can đảm dám bày tỏ lỗi mình giữa nơi đông người. Nếu là chúng ta thì có dám làm như vậy không? Nhiều khi còn giấu để đỡ mất mặt.

Dẫn chuyện này để thấy rõ tu tâm là phải thường thấy lại mình rất kỹ như vậy đó, để tập và thật sự làm chủ nơi tâm mình, nó vừa khởi là thấy biết liền, là dừng lại liền. Còn như chạy theo hoặc là nuôi dưỡng nó thì đó là càng thêm trái xa. Được vậy mới là người có sự sống chân thật, không để những tâm hư vọng chuyển.

Lâu nay, chúng ta nói sống với tâm mình nhưng thực đâu có sống được chút nào, vì luôn bị động, bị lệ thuộc vào những thứ vọng tưởng đâu đâu. Xét kỹ rồi chúng ta sẽ có sức tỉnh giác mạnh.

Ở Nhật Bản có câu chuyện thiền kể về một vị tướng đã về hưu, học thiền. Ông này có bộ tách cổ quý giá, nên rất trân quý, lâu lâu đem ra ngắm hoặc mân mê. Một hôm, đang cầm cái tách mân mê, chợt sẩy tay rớt, ông hoảng hồn chụp lại. Khi đó, mặt ông xanh mét. Tại sao? Vì sợ cái tách bể chứ không gì hết.

Khi hoàn hồn lại, ông nghĩ: “Xưa kia, trong chiến trận ta đã từng vào sinh ra tử, trước hàng hàng quân địch, lớp lớp cung tên, vẫn không có chút sợ hãi, nay chỉ vì cái tách nhỏ thôi mà lại hoảng kinh hồn vía”. Ngay đó, ông thuận tay quăng bỏ vỡ nát vì biết sự lo sợ đó là do tâm luyến ái cái tách quý, sợ nó bể nên như thế.

Đó cũng là một cách thấy lại mình, tỉnh giác; thấy rõ vì sao bây giờ mình dở, chỉ vì cái tách vỡ thôi mà hoảng hồn xanh mặt, còn ngày xưa vào sinh ra tử lại coi như chuyện chơi không sao hết.

Chúng ta kiểm lại thấy có lúc cũng giống như vậy. Chính vì tâm thích cái tách quý nên sợ mất sợ bể, chỉ chút đó thôi nhưng tâm tham ái đã làm chúng ta bị lệ thuộc, bị nô lệ không làm chủ được. Cho nên, phải thường thấy lại mình, tập làm chủ trở lại, nếu không thì vẫn tiếp tục bị nó làm chủ và bị nó dẫn đi rồi làm nô lệ cho nó luôn.

Người đời nói nghe hay, nhưng hầu hết cuộc sống luôn bị nô lệ bởi tâm tham ái. Quý vị có ai thoát khỏi sự nô lệ ấy chưa? Nếu chưa thì tất cả đều đồng ý là đang sống trong nô lệ. Thử hỏi, có buồn không? Nên tu là phải thấy rõ mình rồi thức tỉnh, bằng không thì cứ mãi tự hào.

Ví dụ như quý vị biết nổi sân là cái dở, là cái dẫn chúng ta đi xuống. Vì biết nên đâu có ai muốn sân, nhưng khi gặp việc thì cũng sân, cũng tức, rõ ràng chúng ta bị  nô lệ để nó làm chủ mình. Buồn cũng vậy, ai cũng muốn vui chứ đâu ai muốn buồn, nhưng gặp chuyện rồi cũng buồn, đôi lúc muốn đuổi buồn đi mà đuổi không được, lên giường ngủ cũng nhớ đến nên ngủ không được luôn. Rồi như tham ái, cũng bị nó làm chủ dẫn đi mãi… Chúng ta tu là tập để dần làm chủ trở lại. Đây là việc mình phải làm vì không ai làm thay được, đó là việc quan trọng mỗi người phải khéo biết.

Như vậy, nói tu tâm là phải biết tâm là gì, phải thường thấy lại nó thì chúng ta mới tu được.

Thêm bước nữa là chúng ta phải thường khéo chuyển vật, vì tu tâm thì không theo vật mà phải chuyển vật. Lâu nay cuộc sống chúng ta luôn quên mình theo vật, gọi là bỏ mất bản tâm. Trong kinh Pháp Hoa gọi là cùng tử sống lang thang ở xứ người quên mất người cha trưởng giả, quên mất gốc, đó là điều thật đáng buồn.

Hiện nay, chúng ta học đạo là để được nhắc nhở, để biết được cái lầm của mình, phải tỉnh dậy và phải sống trở lại với tâm chứ không thể lang thang nữa. Trong Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Phật dạy: “Chính các ông hiện nay đều có thức tinh nguyên minh”. Tức là cái thức nguyên vẹn sáng ngời, cũng chính là cái biết. Cái biết này mới mẻ, tinh khôi, chưa dính chưa xen lẫn cái gì hết. “Chính nó sanh ra các duyên nhưng bị các duyên bỏ sót. Do chúng sanh bỏ cái bổn minh (sáng suốt sẵn có) này, tuy trọng ngày tu hành mà chẳng tự giác, luống trôi vào các thú.”

Có những người tu hoài, tu suốt ngày mà không thể tự tỉnh giác, học cũng hay mà vẫn không giác ngộ, mãi lang thang và bị lôi dẫn theo các trần hoài. Đó là lỗi quên mình theo vật.

Ở đây, Phật dạy ai cũng có cái biết sáng suốt hay sanh ra các duyên, nhưng khi sanh các duyên thì nó lại bỏ sót chính nó. Chính chỗ bỏ sót đó mà phải lang thang hoài.

Trên lẽ thật mỗi người đều có cái biết nguyên vẹn sáng ngời, biết khắp tất cả, cái biết này hay sanh ra các duyên, chưa từng có lỗi lầm.

Vì nó biết khắp sanh ra các duyên, duyên này duyên kia cũng từ nó, nhưng khi nó biết duyên gì thì chỉ nhớ cái duyên đó thôi mà quên mất chính nó, vì bỏ sót nên đành phải lang thang mãi trong trần, sống viễn xứ quên mất quê hương chịu luân hồi trong các nẻo.

Quý vị kiểm lại xem hiện tại mình đang ở xứ người hay đang ở quê hương? Đang nghe cái gì quý vị có biết không? Mãi lo nghe tiếng rồi có bỏ sót chính mình không? Chính cái đó gọi là lang thang trong trần, chứ đúng ra khi nghe tiếng phải nhớ lại cái đang nghe rõ ràng để không bỏ sót nó, như vậy mới là cái nghe sáng suốt tinh khôi, có như vậy mới nghe được khắp hết.

Còn chúng ta khi nghe chỉ nhớ âm thanh mà quên mất cái đang nghe nên bị âm thanh che mờ, cũng vậy khi nhìn thấy vật gì thì chỉ nhớ vật đó mà không nhớ đến cái hay thấy, vì vậy mà chúng ta không thấy-nghe-biết rộng khắp.

Như nhìn thấy bình hoa thì chúng ta chỉ thấy biết bình hoa đỏ vàng, đẹp-xấu này mà không nhớ cái đang thấy-nghe-biết phân biệt, đó gọi là mất mình.

Ngày nay, muốn tu hành thì cần phải chuyển lại, tức là cũng thấy cũng biết tất cả, nhưng không cho quên chính nó, gọi là chuyển vật, được như vậy gọi là trôi chảy không bị ngưng trệ. Đó là cái gốc giải thoát, an vui. Song giải thoát không phải là lên cõi nào, khi nghe giải thoát tưởng đâu phải lên cõi nào đó để giải thoát. Không phải ở cõi nào mà là ngay ở đây. Cũng không phải ai giải thoát cho mình, mà tự mình giải thoát chính mình.

Tứ Tổ Đạo Tín khai thị ngài Pháp Dung: “Cảnh duyên nó không có tốt xấu, tốt xấu khởi ở nơi tâm. Nếu tâm chẳng theo danh, thì vọng tình từ đâu khởi, vọng tình chẳng khởi, thì chân tâm mặc tình biết khắp”.

Ở đây Ngài nói cảnh duyên không có tốt xấu, song tốt xấu khởi từ tâm, chính tâm khởi mới sanh chuyện. Nếu tâm mà chẳng theo danh, thì vọng tình không khởi, mặc tình chân tâm biết khắp. Thường chúng ta hay đổ lỗi cho cảnh duyên, nhưng mà Ngài nói rõ là cảnh duyên nó không có tốt xấu, tốt xấu do tâm khởi, nếu tâm không khởi thì mọi việc thái bình.

Nghĩa là thế giới vốn thanh bình, nhưng vì chúng ta gây xáo trộn rồi đổ thừa, rồi đi cầu giải thoát. Quý vị ngồi đây có ai không có chân tâm không? Có tâm thì phải có chân tâm, nếu không thì chúng ta không thể ngồi đây. Nếu biết có chân tâm nhưng mặc tình biết khắp được chưa? Nếu chưa thì tại sao? Bởi tại tâm này khởi theo danh, chạy theo cảnh.

Chúng ta cũng vậy, chỉ lo khởi theo danh theo cảnh, nhớ tên này, tên nọ, tên kia mà quên mất chính nó, thì làm sao mà biết khắp được!

Như thấy cái ly rồi chỉ nhớ cái ly, biết có cái ly này thôi thì làm sao biết khắp được. Còn nếu tâm trôi chảy đi qua hết, thấy cái ly biết cái ly, thấy bình hoa biết bình hoa… nhưng vẫn không quên, vẫn ở nguyên vị trí của nó, biết hết mọi vật chung quanh không bị che, không bị dừng lại chỗ nào hết, thì mới biết khắp tất cả được.

Chính chỗ đó là chỗ chúng ta cần khéo quan sát để nhận ra rồi tu từ trong tâm, tu đến chỗ không để cho tâm sanh trên cảnh là tu sâu. Như Thiền sư Duy Nghiễm dạy thầy Tri Viên trồng rau: “Trồng thì cho ông trồng nhưng đừng cho nó mọc rễ”. Tức cho ông làm tất cả nhưng không cho dính mắc. Chúng ta cũng vậy, tu hành cũng cho sinh hoạt, không bắt phải mãi ngồi yên một chỗ ở trong thiền đường, nhưng quan trọng là đừng cho nó mọc rễ. Mọc rễ tức là sanh tâm, theo duyên, bám cảnh, vậy là theo vật quên mình, là xa mất gốc, thì chân tâm làm sao biết khắp được.

Quý vị kiểm lại sẽ thấy tâm mọc rễ chỗ nào thì chỗ đó tối, nếu tâm không mọc rễ thì sáng. Như đang đi bách bộ tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, đi ngang qua góc vườn nào đó nghe bên trong có hai người nói chuyện lầm thầm lại có tên mình nữa, khi đó làm sao? Tai lắng nghe liền. Nếu vậy, chỗ đó hết trong sáng, là tối liền phải không? Nếu lỡ nói điều gì chạm đến mình, thì còn tối thêm, mọc rễ sâu nữa. Ngược lại, không dính mắc thì cứ thong thả đi tiếp, điều gì nghe cứ cho qua hết thì đâu có chuyện gì!

Tứ Tổ dạy rất có ý nghĩa: “Cảnh không có tốt xấu, không có chuyện gì, do sanh tâm trên đó thành chuyện”.

Như nhìn thấy hoa, nếu thấy hoa vẫn là hoa thì đâu có gì, do sanh phân biệt đẹp, xấu tức là mọc rễ trên cái hoa đó nên bị nó che, còn hoa vẫn nguyên vẹn là hoa thôi!

Nhiều người nghe các Thiền sư khai thị quá dễ dàng, như Mã Tổ nói: “Tức tâm tức Phật”. Không thêm gì hết, nhưng tại sao tu hoài mà vẫn không thấy “tức” ở đâu hết, lỗi tại chỗ nào?

Bởi chúng ta cứ quên mình theo vật, vừa thấy hay vừa nghe điều gì thì liền bám víu mọc rễ ngay, thì làm sao “tức” đây! Vậy phải làm sao để được tức tâm là Phật được? Lỗi ngay nơi mình, cứ đổ lỗi cho cảnh. Như cho cảnh ở đây quấy rối hoài khó tu nên đi kiếm chỗ khác, đến chỗ khác lại cũng gặp cảnh làm rối rồi kiếm chỗ khác nữa, cuốn gói đi tiếp. Đúng ra, chúng ta phải tự hỏi tại sao như vậy, sao người kia cũng ở cảnh đó mà họ tu được còn mình tu không được, khi thấy lại lỗi mình mới giải tỏa được.

Có lần, Ngài Huyền Sa đang ngồi chỉ một điểm trắng dưới nền gạch hỏi vị tăng: “Ông có thấy không?” Tăng thưa: “Dạ thấy”. Ngài gạn lại ba lần, vị tăng đều đáp là thấy. Ngài Huyền Sa liền bảo: “Ông cũng thấy, ta cũng thấy, tại sao nói chẳng lãnh hội?”

Cũng như mỗi người đều nhìn thấy bình hoa này, cũng đồng thấy như nhau mà tại sao người ngộ người không? Lỗi là thấy rồi chỉ nhớ cái đó, thành ra bị nó che.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Phật đưa tay lên hỏi Ngài A Nan thấy không, Ngài A Nan chỉ nhớ cái tay, khi có cái tay thì đáp “thấy”, không có tay đáp “không thấy”. Phật quở là điên đảo quên mình theo vật, vì chỉ nhớ cái tay nên có tay thì thấy, không có tay thì không thấy. Đúng ra nhớ lại ngay chính mình, thì cái thấy đâu phải ở cái tay, có cái tay thì thấy cái tay, không có cái tay thì thấy tường vách, chứ đâu phải không thấy, nên Ngài A-nan bị Phật quở là điên đảo quên mình theo vật.

Chữ điên đảo là rất hay, rất có ý nghĩa. Điên đảo tức là thấy lộn ngược, lấy cái giả làm cái thật, lấy ngọn làm gốc, lộn ngược lộn xộn. Nếu kiểm lại thì có hàng tỷ người trên thế gian này đang thấy theo kiểu gì, hay cũng đang thấy theo kiểu lộn ngược đó. Quý vị ngồi đây thấy theo kiểu gì, kiểm lại xem trong đây có ai vượt ra cái thấy điên đảo này không, nếu có thì hay lắm!

Khi Lục Tổ nghe hai vị Tăng cãi nhau về gió động hay phướn động, Ngài bảo: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm của nhân giả động”. Đó là Tổ đánh thức hai vị, mà cũng đánh thức cho mọi người tỉnh lại, chớ chạy theo gió, theo phướn mà lăng xăng cãi hoài. Hiện tại, chúng ta cũng thường chạy theo cảnh duyên rồi lo cãi quên mất gốc, còn cái quan trọng đang biết động thì lại bỏ quên.

Cho nên, người khéo tu phải thấy trở lại gốc, cũng là để cởi mở bớt những tình mê của mình. Vậy quý vị xét thấy tu tâm có dễ không? Phải thấy được vấn đề, nếu không, nhiều khi bắt chước nói mà không thấy được ý nghĩa sâu.

Tóm lại, ý nghĩa của việc tu tâm rất trọng yếu, sâu xa chứ không phải thường, không chỉ hiểu suông trên văn tự mà đủ, bởi vì nó là cái gốc. Cho nên, mình cần phải quán cho kỹ, quán cho sâu để rồi ứng dụng tu hành, đây là con đường chân chánh vượt khỏi khổ đau, mê lầm trong kiếp luân hồi, đâu phải tầm thường. Như vậy, phải thường phản quan, tâm là gốc ở nơi mình chứ không phải ở bên ngoài, thường tự soi xét lại mình, đây là điểm then chốt không thể quên, cứ lo soi ra ngoài thì không biết tâm ở đâu mà tu.

Chỉ cần khéo chuyển tâm thì cảnh cũng chuyển, rồi tối tăm phiền não cũng chuyển theo, và những cái khác cũng sẽ thay đổi.

Có câu chuyện về bà già hay khóc. Bà có hai cô con gái, cô thì bán dù, cô thì bán quạt. Mỗi khi trời mưa thì bà nghĩ đến cô bán quạt ế vì không ai mua quạt, rồi bà khóc. Trời nắng thì bà nghĩ đến cô bán dù, chắc ít ai mua dù, bà cũng khóc. Hôm nọ, bà đến gặp thiền sư, Ngài dạy: “Chuyện đó đơn giản có gì mà bà khóc. Bây giờ bà chuyển lại khi trời nắng thì bà nghĩ đến cô bán quạt, hẳn cô bán được nhiều, bán đắt bà vui, cười liền. Khi trời mưa bà nghĩ đến cô bán dù chắc được nhiều người mua thì bà vui liền”. Nghe thấy có lý, bà liền làm theo lời thiền sư dạy nên suốt ngày bà cười hoài, thành bà già hay cười, hồi xưa là bà già hay khóc.

Vậy chỉ cần chuyển tâm một chút thì mọi sự nó chuyển theo. Cuộc sống cũng vậy, nhiều khi chỉ cần chuyển một cái nhìn là cuộc đời chuyển theo, chuyển tâm quan trọng như vậy đó.

Để kết thúc xin kể về một cô tiểu thư trẻ tuổi đứng bên bờ sông, mặt mày ủ dột, buồn bã, đầy thất vọng, thình lình cô nhảy ùm xuống sông, nước bắn tung tóe. Lúc đó, có lão Hòa Thượng vừa đi tới, thấy vậy ngài vội vàng kêu người đến cứu. Không ngờ, khi được cứu sống cô còn trách trở lại ngài nữa: “Sao thầy không để tôi chết cho rồi, cứu làm gì? Tôi thấy ghét thầy quá!”

Hòa Thượng hỏi: “Vì sao cô lại muốn tự tử?”

Đáp: “Vì tôi quá xấu, bị mọi người phê bình, chế nhạo, lại còn không ưa tôi. Nên tôi thấy sống không chút thú vị, chẳng bằng chết cho xong.”

Vị Hòa Thượng nói: “Con người ta có hai mạng sống, một là của riêng mình, mọi việc chỉ nghĩ đến mình, vì mình mà lo toan, song cái sinh mạng ích kỷ đó vừa mới tự tử nên nó đã chết rồi. Ngoài ra, người ta lại còn có sinh mạng thứ hai, sinh mạng này chuyên lo cho người khác. Hiện tại, cô đã được cứu và sống lại rồi, từ nay cô hãy chuyển hóa tư tưởng, sửa đổi hành vi của mình tùy nơi, tùy lúc giúp đỡ cho người, phục vụ cho người khác”.

Cô gái này nghe xong tỉnh ngộ, từ đó cô làm việc thiện, hằng ngày lo phục vụ mọi người, dần dần tiếng tốt về cô truyền đi rộng rãi khắp cả xóm làng, mọi người cho rằng cô là người có hạnh thiện, hạnh lành, ai cũng khen ngợi. Rồi tâm tình của cô do đó cũng cởi mở ngày càng vui vẻ nên càng ngày cô càng đẹp ra.

Quý vị thấy, chỉ cần chuyển tâm thì thay đổi cả cuộc đời, mới thấy tu tâm là điều hết sức quan trọng, chứ không phải là trên chữ nghĩa suông. Vì vậy, chúng ta học để nắm vững rồi ứng dụng vào cuộc sống. Mong rằng, mỗi người chúng ta thực sự hiểu rõ được ý nghĩa tu tâm, để thực tu thực làm, không phải chỉ “tu trên chữ tâm”, nếu tu như vậy, thì đó là tu gì rồi? Mỗi người khéo tự biết!

2. Ý Nghĩa Sám Hối Sáu Căn

Hôm nay, quý Thầy xin nói về ý nghĩa sám hối sáu căn cho tất cả quí Phật tử trong đạo tràng hiểu, để thấy rõ được đường lối tu hành của Thiền viện. Nếu chỉ biết tụng sám hối sáu căn mà chưa hiểu hết ý nghĩa thì việc làm của chúng ta vẫn còn cạn, chưa sâu. Thế nên, khi tu học chúng ta phải làm sao nhận sâu được ý nghĩa giá trị của việc làm, chứ không phải chỉ trên hình thức thôi.

Lâu nay, quý Phật tử tụng Sám Hối Sáu Căn, nhưng có hiểu được ý nghĩa sám hối sáu căn nhắc nhở điều gì không?

Trước là nhắc buông hết những lầm mê, sống trở về gốc. Đây là một điểm sáng tạo đặc biệt của Thiền Việt Nam chứ không phải tầm thường. Thường thường, Phật tử chỉ tụng các bài sám hối như Sám Lễ Một Trăm Lẻ Tám Hồng Danh Chư Phật, Từ Bi Thủy Sám, Sám Dược Sư hoặc tụng Pháp Hoa… Còn sám hối này đặc biệt là sám ngay sáu căn, đây là sáng tạo pháp sám hối để ngay trong cuộc sống hằng ngày ứng dụng tu hành thực tế mà từ trước đến nay ít ai để ý. Bởi vì, sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là chỗ mỗi người hằng ngày sống, nếu sám hối chỗ này rất thực tế gần gũi, chính xác với chúng ta nhất.

Như lời mở đầu bài sám hối: “Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay, bỏ mất bản tâm không biết chánh đạo”. Tức là từ xa xưa, không biết từ lúc nào đến bây giờ chúng ta đã mê lầm bỏ mất bản tâm của mình, không biết chánh đạo là không biết con đường tu chân chánh nên đi con đường tà, con đường lầm lạc thế gian.

Như vậy, từ xưa đến nay chúng ta sống theo lầm mê hư vọng, nên quên mất bản tâm chính mình, không biết đâu là chánh đạo. Bản tâm của mỗi người tức là tâm gốc mà không biết thì biết cái gì, quí vị có ai biết bản tâm mình chưa?

Có lẽ chỉ nghe nói như nghe chư Phật, chư Tổ, quý thầy, quý cô giảng nhắc nên tin là mình có bản tâm, còn biết thì chắc là chưa nhận biết. Sự thật thì ai cũng đều có bản tâm hay tâm gốc nhưng vì chỉ sống với những tâm vọng tưởng, những tâm hư dối là tâm ngọn nên bị lầm mê. Cho nên, Phật nói chúng sanh sống mất gốc là chỗ đó, mà đúng thật như vậy. Trong khi bản tâm, tức là chuyện gốc, chuyện nhà của mỗi người mà không biết, lại đi biết những thứ đâu đâu, những thứ xa xôi, chuyện nhà người ta thì biết hết, nhưng mà chuyện nhà mình không biết, đó là lầm mê.

Từ lâu sáu căn chúng ta đuổi theo sáu trần bên ngoài, lo biết những thứ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp chuyện trần cảnh xa xôi bên ngoài, dẫn chúng ta đi càng ngày càng xa mất tâm gốc. Giờ đây, nếu hỏi lại bản tâm của mình là cái gì, thì nhiều vị còn thấy xa lạ như là ở đâu, nhiều khi tưởng là không dính dáng gì tới mình. Nhưng nếu hỏi những tâm buồn, vui, giận, ghét… thì thấy gần và rõ hơn, đó mới là điều đáng buồn.

Ví dụ: gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa bỏ cha là trưởng giả giàu có đi lang thang rồi khổ nhọc tìm cầu ăn mặc từng ngày nơi xứ người. Trong khi đó người cha là vị trưởng giả giàu có, kho tàng đầy dẫy để dành cho con kế thừa. Chúng ta cũng vậy, có tâm gốc chân thật nhưng lại bỏ đi lang thang theo sáu trần bên ngoài, tìm cầu chút hiểu biết hạn cuộc, được chút rồi mất, mất rồi tìm nữa, thật là lầm mê.

Pháp sám hối sáu căn này nhắc mọi người khéo thức tỉnh trở về chỗ thấy, nghe, hiểu biết hàng ngày ngay nơi sáu căn. Bởi vì mê cũng từ sáu căn dẫn ra sáu trần rồi tạo nghiệp sanh tử luân hồi, bây giờ cũng phải từ sáu căn đó mà trở về, cho nên sám hối là nhắc, là ăn năn hối lỗi để trở về bản tâm chân thật.

1- Đầu tiên, sám hối ngay căn mắt: “Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật”. Nhận hoa giả, tức là nhận những hình sắc bên ngoài, đó gọi là hoa giả. Còn trăng thật là bản tâm của mình, đó mới là gốc chân thật.

Nhưng vì chúng ta quên nên nhận cái giả, cái bóng chạy theo những sắc tướng vô thường hư dối bên ngoài, rồi quên mất tánh thấy hằng hữu của mình. Như thấy chiếc xe thì nhớ chiếc xe, thấy cái nhà nhớ cái nhà, thấy cái gì thì chỉ nhớ cái đó mà không nhớ mình có tánh thấy, tánh nghe…, đó là quên gốc.

Chúng ta sám hối ngay căn mắt để học để nhớ trở lại ngay khi thấy biết thì cái đó là gì? Thấy chỉ biết thấy thì ngay đó chân tâm hiện tiền sáng ngời, đâu có thiếu thốn, đâu cần phải đi cầu cái biết nào nữa.

Nếu tu hành cứ theo các tướng bên ngoài rồi khởi yêu, ghét, phân biệt tốt xấu là lầm, là làm mờ đi con mắt chánh kiến, bị những tướng xanh, trắng, vàng, tía qua lại làm lệch đi cái nhìn chân chánh, nên nói “Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục”. Tức làm lòa con mắt tâm, khiến không thấy được chỗ chưa sanh của mình là bản lai diện mục hay bộ mặt thật chính mình. Vì theo những cái bóng, những hình tướng cho nên làm lòa đi con mắt trí tuệ, không thấy được lẽ thật này, gọi là quên mình theo vật.

Khi sám hối, ngay đó nhắc chúng ta nhớ trở lại tánh thấy luôn hiện hữu nơi mình, dù khi có sắc hay không có sắc thì nó vẫn thấy, nó vẫn có không mất. Còn con mắt thịt này không biết thấy, phải luôn nhớ kỹ như vậy.

Đa số người đời ai cũng cho là khi ta thấy là do con mắt thấy. Thật ra, con mắt có thấy không? Nếu con mắt thấy thì người chết con mắt vẫn còn tại sao không thấy, nên nói con mắt thấy là không đúng. Vậy, cái gì thấy chứ không phải là con mắt thấy. Thí dụ: khi mở đèn thì đèn sáng, nhưng sự thật đèn có sáng không? Sáng là do nguồn điện phát ra ánh sáng, còn đèn chỉ là cơ quan phát ra ánh sáng, nên đèn hư có thể thay đèn khác được. Con người cũng vậy, nếu mắt hư thay tinh thể thì con mắt sáng lại, rõ ràng như vậy.

Nhưng cái gì khi đối với sắc thì liền biết thấy ngay không cần phải cố gắng, không cần suy nghĩ gì hết. Quý vị thấy trường hợp chúng ta vừa nhìn thấy cái gì đó thì liền biết ngay không cần suy nghĩ, rồi tiếp theo đó là thêm cái gì khiến cái biết đó biết phân biệt đẹp-xấu, dài-ngắn v.v…, đây là chỗ quan trọng mà chúng ta bỏ quên. Hằng ngày chúng ta đều tụng sám hối nhưng thật ra chưa có sám hối gì hết, nên Tổ dạy sám hối sáu căn để nhắc chúng ta sống trở lại ngay căn mắt, sẽ có lợi ích lớn.

2- Đến căn tai là “Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà, mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng”. Vì thích nghe lời tà bên ngoài nên quên gốc chơn thật hay tánh nghe hằng hữu này, rồi đuổi theo những tiếng hư vọng bên ngoài, còn tánh nghe luôn sẵn đây thì lại không nhớ. Sám hối nghiệp căn tai để nhắc chúng ta nhớ lại tánh nghe luôn có mặt, luôn hiện hữu nơi mình, có tiếng hay không tiếng, nó cũng vẫn nghe. Khi nghe tiếng thì biết có tiếng, không nghe tiếng thì biết không có tiếng. Cái này không thuộc nơi tiếng, cũng không thuộc nơi lỗ tai, nó vẫn luôn sáng ngời, đó là chỗ chúng ta sám hối để trở về, sám hối được như vậy thì rất là hay.

Có lần, Thiền sư Vô Trụ đang luận đạo với tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm. Lúc đó, có con quạ đậu kêu trên cành cây ở trước sân. Tướng quốc hỏi: “Thầy có nghe chăng?” Thiền sư đáp là nghe. Một lúc con quạ bay đi, tướng quốc lại hỏi: “Bạch thầy! Giờ thầy có nghe chăng?”. Thiền sư cũng đáp là nghe. Tướng quốc mới hỏi: “Con quạ đã bay đi mất rồi, không có tiếng kêu thì tại sao thầy lại nói nghe, vậy nghe cái gì?”

Thiền sư Vô Trụ liền họp tất cả đại chúng, Ngài nhắc: “Phật ra đời rất khó gặp, pháp cũng khó nghe, các ông hãy lắng nghe cho kỹ. Bởi có tiếng hay không tiếng chẳng quan hệ gì đến tánh nghe. Xưa nay tánh nghe chẳng sanh thì đâu từng có diệt, khi có tiếng là thinh trần tự sanh, chứ không phải tánh nghe sanh, khi không tiếng thì thinh trần tự diệt. Vậy có sanh có diệt là do tự nơi tiếng, còn tánh nghe đâu có sanh diệt. Bởi tánh nghe này chẳng nhân nơi tiếng mà có sanh có diệt, nếu ngộ được tánh nghe này liền khỏi bị thinh trần chi phối, phải biết tánh nghe vốn không sanh diệt đến đi”.

Ngài nhấn mạnh để tất cả chú tâm biết gặp đức Phật ra đời rất là khó, chánh pháp cũng rất khó nghe, những điều này không dễ gì được nghe. Quý Phật tử lâu nay được duyên lành gần gũi quý thầy, quý cô nghe giảng, cũng được nghe nhắc những điều này nên thấy như hơi quen. Nếu quán xét kỹ sẽ thấy trong thế giới luân hồi sanh tử hiện nay vẫn còn hàng tỉ chúng sanh chưa được nghe những điều này, đây không phải là điều dễ dàng được nghe. Những con trùng, con dế bao giờ nó được nghe, chim chóc, con chó bao giờ được nghe điều này, ngay những con người sống vùng xa xôi chưa từng gặp Phật pháp làm sao nghe được những điều này. Chúng ta nhiều khi nghe quen nên thấy nó thường, thành ra ít chú tâm. Vậy nên, Ngài nói đại chúng phải thấy được ý nghĩa đó và nhắc nhở mỗi người cùng sám hối để trở về cội gốc, nếu không thì chỉ lo đuổi theo những tiếng hay dở bên ngoài rồi khen chê làm mất gốc chân thật. Sám hối như vậy mới đầy đủ ý nghĩa.

Hằng ngày, vừa lễ sám hối xong thì đã nghe phân biệt, khen chê, hay dở liền. Chúng ta cần phải nhớ điều này: luôn luôn tỉnh giác mới thực là sám hối. Đây chính là đường lối thực tế giúp chúng ta tu tập hằng ngày.

3- Nghiệp căn mũi “Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào, chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh”. Tức là thích theo những mùi lạ ngon thơm. Còn chân hương là hương chân thật, hương pháp thân thì quên mất không nhớ tới, chỉ nhớ mùi hương trần bên ngoài. Trần có nghĩa là bụi. Bụi đóng che mất gốc chân thật. Đây nhắc phải nhớ trở lại, chớ theo những mùi thơm, hôi bị lỗ mũi lừa gạt.

Xưa, Phật dùng những tiếng rất hay “hương trần”, nay chúng ta gọi là hương thơm. Nhưng dù nó thơm cách mấy thì cũng là trần là bụi, phải nhớ kỹ đừng để lỗ mũi nó lừa.

Thường đa số mọi người đều bị lỗ mũi lừa. Khi ngửi được mùi thì đều nói là lỗ mũi ngửi được mùi. Sự thật, lỗ mũi chỉ là mấy miếng thịt hợp lại làm sao biết ngửi mùi. Phải nhớ sống trở lại tánh biết ngửi, vì đó là cái luôn hiện hữu nơi mình, nó không thuộc nơi lỗ mũi, cũng không thuộc nơi mùi vì sao lại quên chỉ nhớ mùi, nhớ lỗ mũi đừng để lầm qua. Vì vậy, chúng ta cần phải sám hối nghiệp căn của mũi để nhắc sống trở lại.

Ông Hoàng Đình Kiên (Hoàng Sơn Cốc) học thiền với Thiền sư Hối Đường thời gian lâu mà vẫn chưa sáng. Một hôm, Hối Đường vì ông nhắc chuyện Khổng Tử dạy học trò. Khổng Tử nói: “Này các con! Các con cho là ta có giấu giếm gì với các con ư! Không, ta không có gì giấu giếm các con hết”.

Qua câu chuyện, Thiền sư muốn đánh thức ông nhưng ông vẫn chưa rõ. Hôm ấy, Ngài dẫn ông đi lên núi chơi, nhằm mùa hoa quế nở rộ, mùi thơm bay xa. Khi đó, ngài Hối Đường hỏi: “Ông có ngửi được mùi hoa quế không?” Ông đáp: “Ngửi biết”. Ngài Hối Đường nói: “Như vậy thì ta có giấu giếm gì ông đâu?” Nghĩa là khi đi tới ông ngửi được mùi hương của hoa liền, cũng vậy cái đó nó sẵn nơi ông, ta đâu có giấu giếm gì với ông, lẽ thật nó ở ngay đó rồi. Ngay đó, ông tỏ ngộ.

Sám hối nhớ được vậy thì rất là hay, chứ còn cứ nhớ mùi hoa quế mà quên mất lẽ thật này, đó gọi là lầm mê, nhớ trở lại được như vậy thì hằng ngày khi vào trong bếp trị nhâït chúng ta đều luôn có cơ hội để tỏ ngộ. Mỗi khi ngửi mùi thức ăn trong bếp thì nhớ là các ngài đâu có giấu giếm gì với mình đâu, được vậy thì khi ở trong bếp nó luôn luôn sáng ngời. Chính ngay đó, chúng ta cũng đã sám hối rồi, đâu phải đợi lên bàn Phật tụng mới là sám hối, nhiều khi lên bàn Phật tụng sám hối nhưng khi gặp duyên đến thì quên mất, như vậy chưa đúng nghĩa sám hối.

4- Nghiệp căn lưỡi “Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở”. Lưỡi theo đủ những mùi ngon dở, hôi thơm, cứ xét cái này ngon, cái kia dở mà quên mất lẽ thật khi nếm vị. Nếu khi nếm vị liền biết cái gì biết nếm đó. Như vậy, là hiện tiền sáng ngời. Nhưng lại không nhớ, không sáng, chỉ lo nhớ cái lưỡi, nhớ mùi ngon dở rồi theo đó khen chê thành ra xa mất lẽ thật, đây là quên mất gốc thật.

Rồi lưỡi lại có công năng nói, vừa nếm vị vừa nói nữa. Căn này rất dễ gạt người. Khi nói thì chạy theo những tiếng bàn nói chuyện đâu đâu, gọi là “Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ”. Bàn chuyện xưa chuyện nay, rồi khen chê việc này việc nọ, theo cái đó quên mất tánh biết hiện hữu là lẽ thật nơi mình.

Trước khi nói, tánh biết luôn có mặt hiện hữu nơi mình mà chúng ta quên. Cho nên, ngài Huệ Hải đến cầu Mã Tổ học đạo. Mã Tổ hỏi: “Đến đây cầu việc gì?” Đáp : “Cầu Phật pháp”. Mã Tổ khai thị:“Kho báu nhà mình không chịu nhận, mà lo đến người cầu cái gì?” Huệ Hải hỏi: “Thế nào là kho báu nhà mình của Huệ Hải?” Mã Tổ dạy: “Chính cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, đầy đủ không thiếu sót”.
Tức là ngay cái ông hỏi ta đó là kho báu của ông, nhưng mà ông cứ quên cái đó mà lo đi hỏi cái gì, lo đi cầu những cái hiểu của ông thầy nói ra để nhận hiểu, còn cái hiện tiền gần gũi nơi mình thì lại bỏ quên. Cái ông đang hỏi ta mới là gốc, còn cầu hiểu được những cái của ông thầy nói thì là cái của ông thầy, sau cũng trả lại ông thầy, hoặc là những cái của Phật, của Tổ thì cũng trả lại Phật Tổ.

Người dù hay giỏi cách mấy nói được thì cũng chỉ nói cái của Phật, của Tổ thôi, chưa phải là cái của chính mình, còn cái mà ông đang hỏi ta là cái chính của ông, cái đó mới là cái gần gũi. Hôm nay, quý thầy nhắc để tất cả cùng nhớ trở lại chỗ đó, sám hối như vậy là nhớ lại chính mình.

5- Nghiệp căn thân “Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp, chấp cho là thật, quên mất pháp thân”. Tức là thân do gân, xương, máu thịt kết lại, chấp cho nó là thật mình, quên mất pháp thân chân thật, rồi theo đó mới sinh dâm sát trộm. Tức là tạo các nghiệp sát đạo dâm: sát sanh, trộm cắp, tà dâm… quên mất tánh chân thật của mình. Chứ còn ngay khi vừa chạm đến vật, khi vừa xúc chạm nó, biết liền. Tánh biết này đâu ở nơi vật, cũng đâu thuộc thân xác thịt, tuy nhiên vừa chạm thì nó biết được.

Quý vị đang đi mà lỡ ai đụng thì sao? Lúc đó có cần phải suy nghĩ để biết không? Tại sao không nhớ cái đó, vậy khi đó nhớ cái gì? Lúc đó, chỉ biết phân biệt chị này thô tháo vô lễ quá, rồi sanh tâm sân hận buồn vui, quên mất cái chân thật đang có. Nếu nhớ thì nó luôn luôn hiện hữu sáng ngời, chạm đến đâu biết tới đó, từ trên đầu tới chân đều biết đủ hết.

Thiền sư Bàn Khuê dạy về tính hiện hữu này, Ngài gọi là tâm Phật bất sinh luôn luôn hiện hữu và nói thí dụ công năng bẩm sinh của tâm Phật này. “Như khi bạn đang ngồi yên, bỗng ai dí vào tay mình một đốm lửa, ngay đó bạn liền giật mình và tự động rút tay lại không cần suy nghĩ. Điều này chứng tỏ tâm Phật vốn bất sinh chiếu sáng kỳ diệu và nó dàn xếp một cách hoàn hảo mọi sự. Ngược lại, khi bạn nghĩ rằng vừa rồi là một đóm lửa, rồi nhận ra ngay đó là lửa nóng, liền tức giận kẻ nào đã đốt tay mình đây, thì khi đó chính bạn đã rơi vào kinh nghiệm phụ thuộc khi sự kiện đã xảy ra”. Tức là sự kiện xảy ra rồi, bây giờ suy nghĩ sự kiện xảy ra liền nghĩ chị này hay anh này chơi trò gì đây, sanh nóng giận, từ đó che kín cái chân thật.

Cho nên, sám hối căn thân để nhớ trở lại lẽ thật không theo những xúc chạm bên ngoài, không tạo những nghiệp sát sanh, trộm cướp, tà dâm làm quên mất tánh chơn này và lúc nào cũng nhớ để sám hối trở về.

6- Nghiệp căn ý phải sám hối là “Nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm chấp tướng”. Vì lo nghĩ những chuyện đâu đâu, không đáng nên gọi là nghĩ vơ nghĩ vẩn, vì không làm chủ và cũng không lúc nào dừng được nó. Cả những lúc đang ngồi nghỉ nhưng nó có chịu nghỉ không? Cũng nghĩ vơ nghĩ vẩn không chịu dừng. Cho nên, vì mắc mứu theo tướng, theo tình trần nên quên mất tánh biết đang hiện hữu nơi mình. Trước khi suy nghĩ nó vẫn có sẵn, khi suy nghĩ thì nó có sau, nhưng hầu như chúng ta chỉ nhớ cái suy nghĩ mà quên mất cái có sẵn này, đó là lầm mê. Thế nên, người có học có tu chút ít khi ngồi thiền thì nó tạm yên lặng vừa có cái nghĩ khởi lên biết liền, vì nó có trước cái suy nghĩ nên niệm vừa khởi lên liền biết. Hiện nay, chúng ta trở về ngay căn ý này mà sám hối để sống trở về chỗ chân thật. Khi tâm có niệm tham, niệm sân khởi lên thì biết có niệm tham, niệm sân, cái biết này có trước niệm tham, sân kia, đừng lầm nhận những niệm tham, sân kia là mình. Như vậy, rõ ràng đây là pháp sám hối trở về gốc chơn.

Hiện giờ, quý vị kiểm lại tâm xem có sân hay là không có hoặc chút nữa gặp duyên sẽ có, như vậy niệm sân, si … khi có khi không nhưng cái biết này thì lúc nào cũng có. Vậy mà chỉ lo sống với cái kia, có phải lầm không? Hoặc là khi tham, sân nó khởi lên thì mình phải quán kỹ xem tham nó xảy ra như thế nào, theo dõi tiến trình của nó khởi ra sao, nhận diện nó và khi thấy rõ rồi chúng ta mới không theo nó.

Thí dụ: khi niệm sân đang khởi, quán kỹ tiến trình nó diễn tiến như thế nào, xét kỹ rồi thì tự mình tách rời ra khỏi nó, không đồng hóa mình đi theo nó, thì đâu bị nó chuyển.

Còn khi sân vừa khởi lên thì cho đây là việc đáng để tôi sân, thành ra đồng hóa mình với niệm sân đó, theo nó một lúc rồi kéo dài càng xa, càng mất mình. Nếu xét kỹ thì mình là người quan sát, còn sân là cái bị quan sát. Giống như khi ngồi xem phim, xem nó diễn tiến thế nào, chỉ nhìn nó mà không đồng hóa với nó. Vậy là chúng ta làm chủ trở lại, rõ ràng mình đâu phải cái sân đó, mình có trước cái sân đó, như vậy khi sám hối là nhớ trở lại thì chúng ta làm chủ được, do đó bớt tham, sân, si.

Như câu chuyện ngài Kỉnh Huyền học đạo Thiền sư Duyên Quán. Ngài Duyên Quán chỉ tượng Quán Âm nói: “Có người nói tượng này là do ông Ngô Xử Sĩ vẽ”. Ngài Kỉnh Huyền mới suy nghĩ, ngài Duyên Quán nhanh miệng nói: “Cái này có tướng cái kia không tướng”. Ngay đó, ngài Kỉnh Huyền tỏ ngộ.

Khi vừa nghe nói tượng Quán Âm này là của ông Ngô Xử Sĩ vẽ, theo thói quen liền nghĩ tưởng xem vẽ như thế nào, vừa có tướng của tượng Quán Âm, vừa tưởng tượng ra tướng của ông Ngô Xử Sĩ, thành ra trong tâm có tướng liền. Mà cái có tướng này là sau, còn cái kia không tướng thấy trước những cái này.

Khi biết được cái này có trước cái kia đó là chúng ta cũng đã sám hối ở mức độ sâu hơn rồi, còn những khi bình thường có niệm tham, niệm sân, niệm si khởi lên thì ngay đó liền nhớ sám hối trở lại.

Nếu chúng ta luôn biết như vậy, luôn nhớ trở về đó là trở về gốc, luôn sám hối như vậy thì đúng là chân thật sám hối, nhờ vậy mà hằng ngày tâm lúc nào cũng sáng. Sám hối như vậy thì công đức vô lượng không tính kể được.

Còn như khi lên tụng kinh sám hối trên bàn Phật xong xuống quên hết. Vậy một ngày thời gian sám hối chừng nửa tiếng đồng hồ, thời gian còn lại thì thả cho tâm chạy đông tây. Khi đã hiểu rồi thì mỗi người ráng tu thật kỹ, vì đây là lẽ thật mà từ xưa các kinh Phật cũng đều dạy như thế, không phải người sau đặt ra.

Các bài kinh Phật hệ Nguyên thủy nói: Thí dụ như có sáu con vật bị buộc vào trong cây cọc. Con kéo đi hướng tây, con kéo đi hướng nam, con kéo đi hướng bắc, mỗi con kéo đi một hướng nhưng vì bị buộc vào cái cọc nên chúng không đi đâu được hết. Các Tỳ-kheo khéo tu sáu căn cũng giống như các con vật bị buộc như vậy đó.

Thấy chạy theo sắc, tai theo tiếng…, sáu cái đó nó lôi theo sáu tướng nhưng mà có cái cọc buộc lại thì sao? Thì hết chạy. Đó là sám hối trở về. Buộc chặt nó vào niệm chuyên nhất, không cho nó chạy theo bên ngoài thì đó là cách tu trở về thực tế.

Trong kinh Kim Cang, Phật dạy Bồ-tát phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì vô trụ tướng bố thí. Bố thí không trụ tướng là sao? Là không trụ nơi các trần. “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Tức là “Không trụ nơi sắc sanh tâm, không trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy”.

Pháp tu này cũng là buông sáu trần để sám hối trở về. Tức là không cho tâm trụ bám vào các trần, thì đó là phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác chớ không phải thường. Như vậy, kinh Nguyên Thủy hay kinh Đại Thừa cũng nhằm ngay chỗ đó để nhắc nhở người tu tập.

Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy chính sáu căn là gốc sanh tử luân hồi, cũng chính sáu căn này là gốc giải thoát. Khi Phật nói đến chỗ này thì mười phương chư Phật đồng phóng hào quang chứng minh. Để nói đây không phải chỉ đức Phật Thích Ca nói mà mười phương chư Phật đều nói như vậy. Thật đúng như vậy. Nếu ngay đó mỗi người đều sám hối trở về là xong. Phải không?

Vậy việc tu quá gần gũi. Đâu cần phải tìm Niết-bàn giải thoát đâu xa. Nhận rõ được ngay nơi hiểu biết này là nguyên nhân dẫn mình đi vào luân hồi sanh tử hay giải thoát, liền tỉnh. Chỉ cần thấy nghe hiểu biết tất cả mà không bỏ sót chính nó là xong. Tức là ngay khi thấy, nghe, hiểu biết mà không sanh thêm cái thấy, nghe, hiểu biết nữa là đường trở về Niết-bàn giải thoát.

Nghĩa là, mỗi khi thấy, nghe vẫn luôn nhớ tánh thấy, tánh nghe hiện hữu trong đó mà không nhớ các trần bên ngoài nên gọi là không bỏ sót thì ngay đó là đường trở về. Còn quên nó chạy theo các trần bên ngoài, phân biệt hơn thua, phải quấy thì đó là đi vào luân hồi sanh tử.

Như vậy, từ kinh Nguyên Thủy đến kinh Đại Thừa, Phật đều nhấn mạnh căn bản tu ngay sáu căn. Còn trong nhà thiền thì sao? Cũng nhằm ngay chỗ này khai thị đường trở về chớ không gì hết. Đưa cây phất tử lên để nhắc người trở về tánh thấy. Gọi, dạ để nhắc nhớ trở về tánh nghe nơi căn tai…, đều nhằm ngay sáu căn hết.

Lúc ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch còn ở trong pháp hội Qui Sơn, một hôm đến phiên chăn trâu dưới núi. Ngài thấy một ông tăng lên núi, không lâu lại trở xuống, nên hỏi: “Sao không lưu lại mà xuống sớm vậy?”. Tăng thưa: “Chỉ vì nhân duyên không khế hợp”. Ngài Ngưỡng Sơn hỏi: “Có nhân duyên gì mà không thích hợp, hãy nói xem?”. Tăng thưa: “Khi gặp Hòa thượng, Ngài hỏi tôi tên gì, tôi đáp tên Qui Chơn. Hòa thượng hỏi Qui Chơn ở đâu? Tôi không đáp được, thấy nhân duyên không hợp nên xuống núi”.

Chữ Qui là trở về. Chữ Chơn là chân thật. Qui Chơn là trở về chơn thật. Ngài Qui Sơn nhân cái tên đó muốn gạn xem vị tăng này có hiểu biết gì không, nên nói: “Ông tên Qui Chơn hả! Vậy thì Qui Chơn ở đâu?” Cái gì mới là Qui Chơn chớ cái tên này đâu phải là Qui Chơn. Vị tăng không hiểu nên đáp không được, mới xuống núi.

Ngài Ngưỡng Sơn nói: “Thôi, ông hãy trở lên thưa với Hòa Thượng là con đã nói được rồi. Nếu hỏi nói thế nào? Thì ông đáp là trong mắt trong tai, mũi v.v…”. Vị tăng trở lên làm đúng như lời dạy. Ngài Qui Sơn quở: “Kẻ nói suông vô ích. Đây là lời của thiện tri thức 500 người”. Ngài Qui Sơn biết đây không phải là lời của vị tăng, do nghe từ ai rồi nói lại.

Chúng ta thấy người xưa đạt đạo có chỗ sống thực khi nhìn nghe người nói là biết thứ thiệt hay thứ giả. Bởi chính các ngài có con mắt thật rồi nên nhìn cử chỉ, nghe giọng nói là biết người này chưa được, biết cái mà ông phát ra là do ông học nói lại hay từ chính ông.

Người học lóm của người khác nói lại thì cử chỉ và lời nói không đủ niềm tin vì không phải của chính mình. Người sống được nói ra thì lời nói đó chính xác khiến người đủ niềm tin. Vì thế mà các ngài thấy cử chỉ, nghe lời nói là biết liền.

Vậy Qui Chơn là trở về lẽ thật mà lẽ thật đó ở đâu? Thì ở ngay sáu căn này. Ở ngay thấy nghe hiểu biết này chớ không đâu khác. Mê cũng từ nơi sáu căn này tạo nghiệp đi vào sanh tử, đó là theo vọng. Ngay sáu căn hư vọng đó mà nhớ trở về thì đó là Qui Chơn.

Như vậy, ngay nơi thấy nghe hiểu biết của sáu căn buông các duyên theo trần thì trở về gốc chân thật. Vậy sám hối sáu căn là nhắc mỗi người buông sáu trần hư vọng để qui chơn. Không để mắt chạy theo sắc khiến lòa mắt chưa sanh, lỗ tai không lắng theo tiếng tà quên mất gốc chân thật… Khéo biết là tỉnh ngộ.

Như vậy, theo dòng thấy, nghe, hiểu biết này trở về gặp lại ông chủ sẵn có của chính mình, đó chính là chân lý cứu cánh mà Phật Tổ đã đắng miệng khai thị cho chúng sanh. Chỉ bao nhiêu đó thôi mà các ngài nhọc nhằn ra đời, nói hết bài kinh này, hết bài pháp kia để khai thị nhưng chúng sanh vẫn không chịu nghe. Vì vậy, các ngài thương xót mà nhắc đi nhắc lại hoài.

Nếu như ai quán kỹ sẽ thấy thương Phật thương Tổ. Các ngài ra đời, nhắc cho chúng ta nhớ lại chứ đâu cần nhắc các ngài nữa, phải không? Các ngài đã tỏ ngộ, đã sống được chỗ đó rồi, nếu các ngài vì lợi ích riêng tư thì đâu phải nhọc nhằn như vậy. Còn đây, vì thương chúng sanh nên ra đời, chịu khó, chịu nhọc, nhắc nhở tới lui, đâu phải nhắc ai cũng chịu nghe hết, có khi nhắc nhiều đã không chịu nghe còn phiền trở lại nữa. Thấy được chỗ đó rồi mới cảm mà thương quí cái ân lớn của Phật Tổ. Vậy, mỗi người phải khéo đánh thức mình, để luôn nhớ sống trở về cho bớt lầm mê.

Hiểu kỹ như vậy sẽ nhận rõ ngay bài sám hối sáu căn này là chân lý tuyệt vời. Đó là lối tu chân thật thể nghiệm ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, đầy đủ trí tuệ không thiếu gì hết. Đây đúng là một sáng tạo của Phật giáo nước nhà chớ không phải tầm thường. Đó là mở một lối đi sáng ngời, chính ngay nơi sáu căn thấy, nghe, hiểu biết tất cả mọi trần cảnh đối trước nó, ngay đó sám hối nhớ trở lại, không theo các trần cảnh, giữ nguyên thấy biết chỉ là thấy biết, đó là sống ngay thực tại hiện tiền sáng ngời, thì đó là tâm thiền. Thường tu sám hối như vậy thì còn chỗ nào để sanh tội lỗi.

Còn chúng ta hiện nay sám hối hoài mà cứ sanh tội lỗi là sao? Sám hối để hết tội lỗi chứ còn sám hối mà còn tội lỗi thì sao? Là bởi vì lên bàn Phật thì sám hối mà xuống bàn Phật thì hết sám hối. Nếu chỉ lễ lạy trên hình thức bên ngoài mà không chuyển nơi tâm thì chủng tử tội lỗi vẫn còn trong tâm khi gặp duyên thì sanh trở lại rồi tạo lỗi tiếp.

Cho nên, theo tinh thần sám hối sáu căn này thì mới thấy đó là một pháp tu thực tiễn ngay trong cuộc sống, mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước sáng tạo, sáng ngời. Người thực tu học Phật mỗi bước đi là đến gần lẽ thật, mỗi bước đi là mỗi bước trở về quê hương nguyên thủy. Còn quê hương hiện tại thì sao? Đây không phải là quê hương thật của chúng ta. Vậy thì mỗi người phải luôn thấy được cái hay để phát triển, để làm sáng tỏ thêm Phật pháp ở thế gian.

Pháp sám hối này là đang trên đường trở về với tri kiến Phật mà trong kinh Pháp Hoa, Phật thường dạy. Được vậy thì sẽ có lúc thấy Phật Đa Bảo hiện bảo tháp. Phật Đa Bảo không ở đâu xa! Nếu khéo tu rồi cũng có một ngày chúng ta mở được cửa tháp báu để thấy Phật Đa Bảo với Phật Thích Ca ngồi chung tòa, đó là lẽ thật.

Hiểu rồi, từ đây về sau khéo sám hối sáu căn cho đúng ý nghĩa, không chỉ cạn cợn trên hình thức, không phải lên bàn Phật mới sám hối mà hằng ngày luôn nhớ sám hối nơi sáu căn, thì việc sám hối đầy đủ công đức lành hơn.

Bài Sám Hối Sáu Căn rất nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta bớt được những lầm mê trong cuộc sống hàng ngày, vừa phát triển được trí tuệ đưa mỗi người đến lẽ thật. Như vậy, hôm nay đã thấy được ý nghĩa sám hối sáu căn đầy đủ rồi thì tất cả phải cố gắng sám hối cho đúng ý nghĩa.