SỐ 1660/6
LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 1

Nay ở nơi chư Phật,

Kính chấp tay đảnh lễ,

Tôi nay như giáo nói,

Phật Bồ-đề tư lương.

Phật, là giác đối với tất cả những gì phải biết. Đó là nghĩa của Phật. Như biết chỗ phải biết. Lại cũng như người vô trí tỉnh dậy trong giấc ngủ. Giác là nghĩa của thức tỉnh vì lìa giấc ngủ vô trí. Lại nữa Đế Thích, Phạm thiên v.v… không biết giác này. Chỉ bậc danh thanh biến khắp 3 cõi mới có thể giác ngộ. Cho nên tất cả chư Phật mới giác ngộ giác này. Bởi chỉ có Phật mới biết cái trí biến khắp tất cả mọi thứ, chứ không phải các Thanh Văn, Độc Giác, Bồ-tát vì không đủ pháp không chung. Chư, là không thiếu, nghĩa là quá khứ, vị lai, hiện tại v.v… Đảnh, là phần trên cao. Chắp tay, là chắp hai tay lại. Kính, là hướng đến mà lễ. Tôi … nói, là tự phân biệt. Như giáo, là những điều ấy đã nói nhiều trong kinh. Nay cũng nói đúng như kinh giáo nói. Phật là lìa vô trí. Bồ-đề, là trí Nhất thiết trí. Tư lương, là có thể đầy đủ pháp Bồ-đề. Ví như cái bình đầy, cái nồi đầy v.v… Đầy, nghĩa là mãn. Như vậy là lấy sự mãn đầy pháp Bồ-đề làm Bồ-đề tư lương.

Lại cũng lấy sự gìn giữ làm nghĩa. Ví như thế gian mặt trời giữ nóng, mặt trăng giữ lạnh, nghĩa giữ gìn này là lấy sự giữ gìn pháp Bồ-đề làm Bồ-đề tư lương. Nói tư lương, tức là nghĩa giữ gìn.

Lại lấy sự nuôi lớn làm nghĩa. Ví như thế gian, có trường hợp có thể mãn một ngàn, hoặc một trăm, hoặc mười, hoặc chỉ tự mãn, hoặc khó tự mãn. Bồ-đề tư lương cũng vậy, lấy sự nuôi lớn Bồ-đề làm nghĩa.

Lại lấy nhân làm nghĩa. Như nhà cửa, thành trì, xe cộ v.v… trong các nhân đó mà nói là xá tư lương, thành tư lương, xa tư lương. Như vậy trong pháp nhân duyên sinh Bồ-đề gọi là Bồ-đề tư lương.

Lại lấy các phần đầy đủ làm nghĩa. Ví như trong phần tế tự, chung rượu, đèn lửa đầy đủ gọi là tế tự, không thì không đầy đủ. Cũng như thân phần con người có đầu, tay, chân v.v… đầy đủ gọi là thân, không thì không đầy đủ. Thí phần cũng như vậy. Người thí, vật thí, người nhận hồi hướng. Đầy đủ như vậy gọi là thí tư lương, không thì không đầy đủ. Giới tư lương v.v… cũng vậy. Cho nên nghĩa các phần đầy đủ là nghĩa của tư lương. Như vậy tôi nói Bồ-đề tư lương đều có các nghĩa là sung mãn, là nuôi lớn, là làm nhân Bồ-đề, là đầy đủ các phần của Bồ-đề.

Sao nói không thiếu được,

Các Bồ-đề tư lương?

Duy chỉ có chư Phật,

Riêng được vô biên giác.

Làm sao, tức là năng lực nào. Nếu là Thanh Văn, hoặc Bồ-tát thiểu phần giác tri thì không có năng lực. Nếu muốn nói các Bồ-đề tư lưong không thiếu không dư chỉ có chư Phật riêng được vô biên giác. Nói vô biên giác nghĩa là không phải thiểu phần giác. Bởi vì Phật Thế Tôn đối trong vô biên nghĩa phải biết, giác biết không ngại. Cho nên Phật gọi là Vô biên giác.

Lại nữa đối với dục lạc và tự khổ nhọc đoạn thường, hữu vô v.v… các biên kiến, giác ngộ không chấp trước. Bởi giác ngộ vô biên nên Phật gọi là Vô biên giác.

Hỏi vì sao tư lương chỉ Phật có thể nói, người khác không thể?

Đáp:

Phật thể vô biên đức,

Giác tư lương là căn.

Cho nên giác tư lương,

Cũng không có giới hạn.

Phật thể tức Phật thân. Vì Phật thể đầy đủ vô biên công đức nên nói Phật thể vô biên đức. Công đức nghĩa là đáng ca ngợi. Nếu đáng ca ngợi thì gọi là công đức.

Lại có nghĩa là thường làm. Ví như thường đọc tụng kinh sách thì gọi là làm công đức.

Lại có nghĩa là bền chắc, ví như xe dây, hoặc hợp 2 sợi làm công, hoặc hợp 3 làm công.

Lại có nghĩa thêm lớn. Ví như lợi tức, hoặc tăng 2 làm công hoặc tăng 3 làm công.

Lại có nghĩa y chỉ. Ví như các vật đều lấy y chỉ làm công. Như vậy Phật thể là y chỉ của giới định v.v… vô biên công đức sai biệt. Cho nên nói Phật thể có vô biên công đức.

Giác tư lương là căn, là Bồ-đề tư lương đó với Phật thể vô biên công đức là căn bản. Cho nên căn là nghĩa của kiến lập.

Bồ-đề là trí. Căn tức tư lương. Bởi tư lương kia có thể kiến lập

trí Nhất thiết trí. Cho nên tư lương là Phật thể căn bản. Bởi do Phật thể có vô biên công đức, phải dùng vô biên công đức thành Phật thể kia. Cho nên tư lương cũng không giới hạn.

Phải nói thiểu phần kia,

Kính lễ Phật Bồ-tát.

Vì các Bồ-tát ấy,

Kế Phật, nên cúng dường.

Các tư lương kia không giới hạn mà trí có giới hạn. Vì lẽ đó nói tư lương kia không thể không khiếm khuyết. Cho nên phải nói thiểu phần kia kính lễ Phật Bồ-tát.

Hỏi: Nên lễ Phật vì là tối thắng trong tất cả chúng sinh. Vì nghĩa gì trong đây cũng nói lễ Bồ-tát?

Đáp: Vì các Bồ-tát ấy là kế sau Phật, nên cúng dường. Các Bồtát từ sơ phát tâm cho đến giác trường đều nên cúng dường.

Bồ-tát có 7 loại: (1) Sơ phát tâm. (2) Chính tu hành. (3) Được vô sinh nhẫn. (4) Quán đỉnh. (5) Nhất sinh sở hệ. (6) Tối hậu sinh. (7) Đến giác trường. Các Bồ-tát này kế tiếp sau Phật nên cúng dường. Dùng thân khẩu ý và ngoại vật v.v… mà cúng dường.

Sơ phát tâm là chưa đắc địa. Chính tu hành là cho đến địa thứ 7. Được vô sinh nhẫn thì trụ ở địa thứ 8. Quán đỉnh là trụ địa thứ 10. Nhất sinh sở hệ, là mới nhập vào Đâu-suất-đà. Tối hậu sinh, là trụ ở Đâu-suất-đà. Đến giác trường, là muốn thụ dụng trí Nhất thiết trí.

Trong 7 loại Bồ-tát, sơ phát tâm Bồ-tát tất cả chúng sinh đều nên lễ kính, huống chi là các bậc khác. Bởi vì sao? Vì thâm tâm rộng lớn, vì Như Lai giáo lượng, sơ phát tâm Bồ-tát khi phát tâm Bồ-đề, trong 10 phương phần không giảm, các cõi Phật không giảm, các chúng sinh không giảm, đem lòng từ biến khắp phát tâm Bồ-đề: Nếu chúng sinh chưa độ ta sẽ độ, chưa giải thoát ta sẽ giải thoát, chưa được nghỉ ngơi ta sẽ làm cho được nghỉ ngơi, chưa tịch diệt ta sẽ làm cho tịch diệt, muốn Thanh Văn ta sẽ khiến vào trong Thanh Văn thừa, muốn Độc Giác ta sẽ khiến cho vào trong Độc Giác thừa, muốn Đại thừa ta sẽ khiến vào trong Đại thừa, muốn khiến chúng sinh đều được tịch diệt, chứ không phải vì tịch diệt một phần ít chúng sinh. Do thâm tâm rộng lớn như thế nên tất cả chúng sinh đều nên kính lễ. Sao gọi là vì Như Lai giáo lượng?

Như Thế Tôn nói: “ Ca-diếp! Ví như trăng non liền nên làm lễ chứ không vì trăng tròn. Như vậy Ca-diếp! Nếu ai tin ta thì nên lễ kính các Bồ-tát, chứ không vì Như Lai. Bởi vì sao? Vì từ nơi Bồ-tát mà có Như Lai.”

Lại trong Thanh Văn thừa cũng nói:

Với người biết pháp kia,

Dầu già hay là trẻ,

Nên cúng dường cung kính.

Như Phạm chí thờ lửa.

Vì lẽ đó, các Bồ-tát là kế tiếp sau Phật đều nên cúng dường.

Như kệ nói:

Nối giữ dòng giống Phật,

Thắng hơn làm thiểu phần.

Cho nên các Bồ-tát,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Lòng từ bằng hư không,

Biến khắp các chúng sinh.

Cho nên bậc tối thắng,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Với các loài chúng sinh,

Đại bi thương như con.

Cho nên Phật tử này,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Tâm bi lợi chúng sinh,

Như hư không, không hai.

Cho nên bậc vô úy,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Lúc nào cũng như cha,

Làm tăng trưởng chúng sinh.

Cho nên các Bồ-tát,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Giống như đất, nước, lửa,

Chúng sinh thường thụ dụng,

Cho nên bậc cho vui,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Chỉ vì lợi chúng sinh,

Lìa bỏ nhân tự lạc.

Cho nên kia tất cả,

Tiếp sau Phật cúng dường.

Phật và tất cả Phật,

Đều từ sơ tâm xuất.

Cho nên các Bồ-tát,

Tiếp sau Phật, cúng dường.

Hỏi: Tôn giả đã nói về duyên khởi tư lương giáo, nay nên nói tư lương lễ?

Đáp:

Đã là Bồ-tát mẫu,

Cũng là chư Phật mẫu.

Bát-nhã Ba-la-mật,

Là giác sơ tư lương.

Bởi Bát-nhã Ba-la-mật là mẹ các Bồ-tát, cho nên là Bồ-đề tư lương đầu tiên. Bởi vì sao? Vì tối thắng. Như trong các thân căn, nhãn căn là tối thắng. Trong các thân phần, đầu là tối thăng. Trong các Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật tối thắng cũng như vậy. Vì Bátnhã Ba-la-mật tối thắng nên là tư lương đầu tiên.

Lại nữa vì đi trước. Như trong các pháp, tín đi trước. Trong các Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật đi trước cũng như vậy. Bởi Đà-na kia nếu không hồi hướng Bồ-đề thì không phải Đà-na Ba-la-mật. Cũng như vậy, Thi-la v.v… không hồi hướng Bồ-đề cũng không phải Thila Ba-la-mật v.v… Hồi hướng Bồ-đề tức là Bát-nhã. Bởi Bát-nhã đi trước nên có thể hồi hướng. Bởi lẽ đi trước cho nên trong các Ba-lamật, Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-đề tư lương đầu tiên.

Lại các Ba-la-mật này là tam luân tịnh nhân thể, cho nên lấy Bát-nhã Ba-la-mật làm tam luân tịnh nhân thể của các Ba-la-mật. Vì vậy Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-đề tư lương đầu tiên.

Tam luân tịnh, là Bồ-tát trong Bát-nhã Ba-la-mật, khi hành bố thí không nghĩ bản thân mình, vì lìa cái chấp thủ tự thân nên không nghĩ có khác với người thụ nhận. Vì dứt sự phân biệt với tất cả mọi chỗ nên không nghĩ đến quả của thí. Vì các pháp không có tướng đến, tướng xuất hiện nên như vậy Bồ-tát được tam luân tịnh thí. Giống như tịnh thí, tịnh giới v.v… cũng như vậy. Do đó Bát-nhã Bala-mật là nhân thể của các Ba-la-mật tam luân tịnh. Cho nên Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-đề tư lương đầu tiên.

Lại nữa vì là quả lớn cho nên quả lớn của Bát-nhã Ba-la-mật hơn các Ba-la-mật.

Như kinh nói:

Phúc đức Bồ-đề tâm,

Cùng với nhiếp thụ pháp,

Với “không” nếu tin hiểu,

Giá hơn mười sáu phần.

Trong đây nên nói nhân duyên quả lớn trong Kinh Tì-la-ma. Vì quả lớn này nên Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-đề tư lương đầu tiên.

Hỏi: Vì sao Bát-nhã Ba-la-mật được là Bồ-tát mẫu?

Đáp: Vì năng sinh nên phương tiện sở nhiếp Bát-nhã sinh các Bồ-tát, khiến cầu vô thượng Bồ-đề, không cầu Thanh Văn, Độc Giác. Vì lẽ sinh Phật thể nhân nên Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-tát mẫu.

Lại đặt trong 5 Ba-la-mật cho nên như nói Minh-bát-la-nị-bađê vậy. Minh, là tính. Bát-la-nị-ba-đê, là tụng. Tức tính tướng này là Ma-đa ( Ma-đa dịch là Mẫu. Trong Tự Thanh Luận, chữ Ma-đa xuất phát từ tiếng Minh-bát-la-nị-ba-đê. Minh là thể tính của Ma-đa. Bátla-nị-ba-đê là tụng nghĩa của Ma-đa. Bát-la-nị-ba-đê chính dịch là “đặt”, cho nên dùng “đặt” làm nghĩa của Mẫu ). Ví như khi mẹ sinh con, hoặc đặt lên giường, hoặc đặt trên đất. Bát-nhã Ba-la-mật cũng như vậy, khi sinh cầu Bồ-đề Bồ-tát thì đặt trong thí v.v… 5 Ba-lamật. Bởi có thể đặt cầu Bồ-đề Bồ-tát cho nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-tát mẫu.

Lại dùng lượng, cho nên như nói Mang Ma-ni vậy. Mang, là tính. Ma-ni là tụng. Tức tính tướng này là Ma-đa ( Trong Tự Thanh Luận, chữ Ma-đa lại xuất phát từ tiếng Mang Ma-ni. Mang, cũng là thể tính. Ma-ni là tụng nghĩa đó. Ma-ni chính dịch là lượng, cho nên dùng lượng làm nghĩa của Mẫu ). Ví như mẹ sinh con rồi, tùy thời tuổi thọ. Như vậy con ta do ăn uống mà tăng trưởng hay tổn giảm. Bồ-tát cũng như vậy, dùng Bát-nhã Ba-la-mật tự lượng thân mình ta nên bố thí như vậy, ta nên trì giới như vậy. Do tự lượng nhân duyên cho nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-tát mẫu.

Lại dùng lượng châm chước, ví như lường đồ vật có Bát-latát-tha, có A-trạch-ca, có Đột-lô-noa, có Khư-lê-để v.v… ( như hợp, thăng, đấu, hộc các loại ). Lượng châm chước các Bồ-tát cũng như vậy, sơ phát tâm này, tu hành này, đắc nhẫn này v.v…, do nhân duyên lượng châm chước nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-tát mẫu.

Lại dùng tụng trong Tu-đa-la cho nên nói trong các kinh làm mẫu gọi là tụng. Trong các kinh, hoặc gọi Biến chư Phật quốc Bồ-tát, hoặc gọi Tì-ma-la-cát-đế.

Thuyết Già-tha ( Trước gọi Duy-ma-cật là không đúng ) nói:

Bát-nhã Ba-la-mật:

Mẹ Bồ-tát nhân giả.

Thiện phương tiện là cha,

Từ bi là con gái.

Lại có các kinh khác cũng tụng như vậy. Dùng Tu-đa-la lượng nên nói Bát-nhã Ba-la-mật là Bồ-tát mẫu.

Hỏi: Vì sao Bát-nhã Ba-la-mật cũng là chư Phật mẫu?

Đáp: Vì xuất sinh và hiển thị trí không chướng ngại. Quá khứ vị lai hiện tại chư Phật do Bát-nhã Ba-la-mật A-hàm nên phiền não đã hết, sẽ hết, nay hết. Vì lẽ đây xuất sinh cho nên Bát-nhã Ba-la-mật là chư Phật mẫu.

Hiển thị trí không chướng ngại, là bởi quá khứ vị lai hiện tại chư Phật Thế Tôn hiển thị trí không chướng ngại đều từ trong Bátnhã Ba-la-mật hiển thị. Vì lẽ hiển thị trí không chướng ngại, cho nên chư Phật cũng dùng Bát-nhã Ba-la-mật làm Mẫu.

Trong đây có Du-luân-ca:

Do Đại bi tương ưng,

Bát-nhã Ba-la-mật.

Nơi bờ hiểm vô vi,

Phật tử được vượt qua.

Được đến Vô đẳng giác,

Lợi nhiếp hóa chúng sinh.

Vì trí độ là mẹ,

Đại nhân được như vậy.

Do được trí độ nên

Mới được thành Phật thể.

Nên là chư Phật mẫu,

Thắng Tiên nói như vậy. Vì sao đây gọi là Bát-nhã Ba-la-mật?

Vì không chung với Thanh Văn, Độc Giác nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Trên nữa không có gì còn phải biết nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật. Trí này đến tất cả bờ kia nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật.

Bát-nhã Ba-la-mật này những gì khác không thể thắng nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật.

Ba đời bình đẳng nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật.

Hư không vô biên bình đẳng nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật.

Các nhân duyên thù thắng như vậy như trong kinh Bát-nhã Bala-mật có nói nên gọi Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Đã nói sơ lược Bồ-đề tư lương đầu tiên, nay nên nói tư lương thứ hai?

Thí, giới, nhẫn, tiến, định,

Và ngoài năm thứ đây,

Đều do trí độ nên,

Gồm trong Ba-la-mật.

Trong đây Đà-na Ba-la-mật là Bồ-đề tư lương thứ hai. Bởi Bátnhã đi trước cho nên Bồ-tát vì Bồ-đề mà hành Bố-thí. Vì vậy thí là tư lương thứ hai. Trong đó sinh ý lạc nơi thân người khác, do bố thí chẳng phải vì làm khổ. Việc đó có 2 thứ là tài thí và pháp thí. Tài thí cũng có 2 thứ gọi là cọng thức và bất cọng thức. Cọng thức cũng có 2 thứ là nội và ngoại. Nếu thí một phần chi tiết thân thể của mình, hoặc thí toàn thân là nội thí. Nếu thí nam nữ, thê thiếp và 2 chân, 4 chân v.v… là ngoại thí. Bất cọng thức cũng có 2 thứ là ăn được và không ăn được. Đây có nhiều loại. Nếu thí những vật mà trong thân có thể thụ dụng ăn uống được, gọi là ăn được. Nếu thí những vật thụ dụng bên ngoài thân như hương hoa, vàng bạc châu báu y phục ruộng đất của cải ao vườn nơi vui chơi v.v… gọi là không ăn được. Nhưng pháp thí có thể thụ dụng cũng có 2 loại là thế gian và xuất thế gian. Nếu do pháp thí mà trong lưu chuyển ( Theo bản cũ nói sinh tử là dịch không đúng, nay đổi là lưu chuyển. Từ đây trở xuống những chỗ dịch là lưu chuyển đều từ nghĩa này. ) xuất sinh cảnh giới có thân căn khả ái, gọi là thế gian. Nếu do quả báo pháp thí mà vượt khỏi lưu chuyển , đó là xuất thế gian. Tài thí và pháp thí kia mỗi thứ đều có 2 loại là có chấp trước và không chấp trước. Nếu vì bản thân, nếu vì cuộc sống, nếu vì quả báo tốt, mà tâm sinh hi vọng dùng tài, pháp bố thí gọi là có chấp trước. Nếu vì lợi ích an lạc tất cả chúng sinh, nếu vì trí không chướng ngại gọi là không chấp trước. Ngoài ra còn vô úy thí cũng tùy thuận nhập vào trong tài thí. Quả của 2 bố thí kia và các tập khí khác ( nghĩa là như dịch chất tiết ra ) như kinh Đại thừa nói rõ.

Trong đây lược nói kệ:

Ẩm thực và y phục,

Tùy cần đều bố thí.

Cũng bố thí hoa, đèn,

Hương bột và âm nhạc,

Hoặc thí thức ăn ngon,

Thuốc thang và giường ghế,

Những thứ dưỡng bệnh cần,

Thầy thuốc, người điều dưỡng,

Nam nữ và thê thiếp,

Nô tì và của kho,

Trang sức các thể nữ,

Tùy cần đều bố thí.

Có các thứ báu vật,

Và các đồ trang sức,

Voi ngựa cùng xe cộ,

Đồ tốt quý đều thí,

Vườn cây nơi tu đạo,

Ao giếng nhà hội họp,

Ruộng đất và tạp vật,

Nhà khách thảy đều thí.

Vật hai chân bốn chân,

Hoặc cù lao đảo nhỏ,

Xóm làng cùng đô thị,

Và vương cảnh đều thí.

Thí vật tốt mình thích,

Lợi lạc kẻ mong cầu.

Làm chỗ dựa chúng sinh,

Kẻ sợ, làm hết sợ.

Thí được cái khó thí,

Tay chân mắt tai mũi,

Thí cả tim và đầu,

Khắp người đều thí được.

Tu hành khi bố thí,

Thường ở nơi người nhận,

Phải sinh tưởng phúc điền,

Như bà con thân thuộc.

Quả báo các bố thí,

Khéo tụ tập đầy đủ,

Hồi hường vì mình người,

Thành Phật và Tịnh độ.

Bồ-tát tu hành thí,

Chính hồi hướng Phật thể.

Đà-na Bồ-tát này,

Được gọi Ba-la-mật.

Nếu bờ này bờ kia,

Cũng không thể giải thoát.

Quả thí đến nơi kia,

Gọi là thí bỉ ngạn.

Nay nói về thí chủ khác nhau.

Không tham nơi ái quả,

Bi, nên tam luân tịnh.

Chính Giác nói thí đó,

Là vì cầu Bồ-đề.

Ta đã làm việc này,

Đang làm và sẽ làm.

Nếu không làm như vậy,

Là thuê mướn, chẳng thí.

Vì tham thêm quả thí,

Tùy cần tức xả được.

Nói vì tức lợi người,

Trí nghĩ phi thí chủ.

Không tham quả thêm lớn,

Chỉ đêm tâm bi thí,

Đây là chân thí chủ,

Ngoài ra đều thương mại.

Như mây lớn mưa khắp,

Các nơi bình đẳng thí.

Đó là đại thí chủ.

Ngoài ra đều thiểu phần.

Thí và quả báo thí,

Xót thương cùng người cần,

Thí chủ với chúng sinh,

Cũng giống như cha mẹ,

Không nghĩ đến của cho,

Người nhận và kẻ cho,

Mà thường vui bố thí,

Đó gọi là thí chủ.

Nếu không phân biệt Phật,

Bồ-đề với Bồ-tát,

Mà vì Bồ-đề thí,

Thì sẽ chóng thành Phật.

Hỏi: Đã giải thích Đà-na Ba-la-mật, nay nên nói Thi-la Bala-mật.

Đáp: Nghĩa của Ba-la-mật như trước đã giải thích. Nay sẽ nói nghĩa của Thi-la. Vì Thi-la nên nói là Thi-la. Nói Thi-la, nghĩa là tập cho gần. Đó là thể tướng.

Lại có nghĩa là bản tính. Như thế gian có giới vui giới khổ.

Lại có nghĩa là thanh lương, là do không hối, vì tâm lìa sự lo buồn nóng bức.

Lại có nghĩa là an ổn, vì có thể làm nhân thế lạc cho người.

Lại có nghĩa là an tĩnh, vì có thể kiến lập chỉ quán.

Lại có nghĩa là tịch diệt, vì là nhân vui được Niết-bàn.

Lại có nghĩa là đoan nghiêm, vì có thể trang sắc.

Lại có nghĩa là tịnh khiết, vì có khả năng rửa sạch ác giới cấu uế.

Lại có nghĩa là đầu cổ, vì có thể làm nhân nhập chúng không khiếp nhược.

Lại có nghĩa là khen ngợi, vì hay sinh tiếng khen.

Giới này là những việc làm thiện của thân khẩu ý chuyển sinh. Trong đó xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, dục tà hạnh, là 3 thứ giới của thân. Xa lìa nói dối, nói phá hoại, nói lời thô ác, nói lời giỡn cợt bậy bạ, là 4 giới của miệng. Xa lìa tham, giận, tà kiến, là 3 giới của ý. Như vậy là những hành vi thiện của thân, miệng, ý chuyển sinh 10 thứ giới, đối trị với 10 hành vi ác do tham sân si sinh ra. Mười thứ ác hành kia hạ, trung, thượng thường tập gần, cho nên đọa địa ngục, súc sinh, Diêm-ma thế giới. Như trước vài mươi thứ giới thiện hành nếu không tương ưng với giác phần hạ, trung, thượng thường tập gần cho nên tùy theo phúc thượng thượng khác nhau sẽ được nhân thiên khác nhau. Nếu cùng với giác phần tương ưng 10 thứ giới thiện hành , thượng thượng thường tập gần, làm nhiều cho nên sẽ được chuyển thắng khác nhau trong Thanh Văn địa và Bồ-tát địa.

Lại nữa Bồ-tát giới tụ này có 65 thứ vô tận, như trong Kinh Vô Tận Ý có nói. Điều đó cần phải biết.

Lại nữa lược nói có 2 thứ giới là giới gieo trồng bình đẳng và giới gieo trồng không bình đẳng. Giới gieo trồng bình đẳng, là dùng thân, khẩu, ý tích tụ thiện này, trong đời đời gieo trồng, hoặc cảnh giới, hoặc sự phú lạc, hoặc Thanh Văn, Độc Giác, hoắc tướng báo, hoặc Tịnh độ, hoặc thành thục chúng sinh, hoặc Chính biến giác v.v… kia đều nói là giới gieo trồng bình đẳng. Nếu trái với đây gọi là giới gieo trồng không bình đẳng.

Lại có 2 thứ giới là hữu tác giới và vô tác giới. Nếu trong hữu tác , có ra làm gọi là hữu tác giới, trái lại là vô tác giới.

Lại có 9 thứ giới là phàm phu giới, ngoại đạo ngũ thông giới, nhân giới, Dục giới thiên tử giới, Sắc giới thiên tử giới, Vô sắc giới thiên tử giới, các học vô học Thanh Văn giới, Độc Giác giới, và Bồtát giới.

Phàm phu giới thì vào sinh xứ thì hết. Ngoại đạo ngũ thông giới thì thần thông thoái mất là hết. Nhân giới thì 10 thiện nghiệp đạo hết là hết. Dục giới thiên tử giới thì phúc hết là hết. Sắc giới thiên tử giới thì Thiền-na hết là hết. Vô sắc giới thiên tử giới thì Tam-ma-bát-đế hết là hết. Các học vô học Thanh Văn giới thì cứu cánh Niết-bàn là hết. Độc Giác giới thì khuyết Đại bi là hết. Bồ-tát giới thì không hết. Bởi giới này có thể làm rõ các giới, nên chủng tử liên tục không hết. Bồ-tát liên tục không hết cho nên Như Lai giới vô tận. Do nhân duyên này Bồ-tát giới nói là vô tận. Các Bồtát giới hồi hướng Bồ-đề cho nên gọi là giới ba-la-mật. Trong đây có kệ Du-lô-ca:

Giống như cha yêu con công sức,

Cũng như chính mình yêu tuổi thọ.

Giới xuất ly hữu ái cũng vậy,

Người dũng kiện đại tâm yêu thích.

Giới này Mâu-ni tập gần rồi,

Giải thoát khỏi dục lìa hữu ái.

Như kẻ phàm tục đã vất bỏ,

Người trí thường phải yêu giới này.

Giới này lợi ích mình và người,

Khiến thân đoan nghiêm không lo lắng.

Đời này đời khác trang nghiêm hơn,

Giới đó người trí nên yêu mến.

Giới này không do sức ai khác,

Chẳng phải không được, chẳng phải xin,

Đều do sức mình mà có được,

Nên bậc Thượng nhân yêu giới này.

Của cải, quốc cảnh cùng đât đai,

Da thịt và đầu của chính mình,

Có thể bỏ nhưng giới không bỏ,

Vì muốn thanh tịnh Bồ-đề kia.

Giả sử từ trời rơi xuống đất,

Hay khiến từ đất vọt lên trời,

Để hoàn toàn lìa nhơ không nhiễm,

Thì phải quyết định không dời đổi.

Nếu đã đầy đủ giới phương tiện,

Bấy giờ tức dược địa thứ hai.

Đã được Ly cấu thanh tịnh địa,

Bấy giờ đạt được lòng mong muốn.

Nếu lại đời trời, người, Tu-la,

Và trong súc sinh giáo hóa được,

Khéo biết phương tiện giáo hóa rồi,

Tùy niệm đến đó làm lợi ích.

Hoặc dùng bố thí nhiếp chúng sinh,

Hoặc dùng ái ngữ nhập tâm ý,

Hoặc lại cho lợi ích an ổn,

Hoặc cùng đồng sự giúp sức lực.

Hoặc trong loài người mà làm chủ,

Hoặc ở cõi trời được tự tại.

Dùng đủ phương tiện dắt dẫn chúng,

Thảy đều đặt để nơi bạch pháp,

Đầy đủ thật giới thần thông nên,

Mới làm cạn nổi nước biển lớn.

Khi thế gian tận, lửa tăng mạnh,

Trong khoảng sát-na đều diệt hết.

Quán sát nỗi đau của thế gian,

Nào là sinh bênh lìa người thân.

Người trí có giới thông phương tiện,

Vì Thế Thân y thị thắng đạo.

Hỏi: Đã giải thích Thi Ba-la-mật, nay nên nói Sằn-đề Ba-la-mật?

Đáp: Trong đây Sằn-đề là hoặc thân hoặc tâm thụ các khổ lạc. Nếu có chí kham chịu không cao không hạ, tâm không nhiễm bẩn. Đó là lược nói về Sằn-đề. Nếu nói một cách tự tại thì lập ra làm 3 là thân trụ trì, tâm trụ trì, pháp trụ trì.

Trong đó thân trụ trì nhẫn là thân gặp khổ, nếu ngoái có tâm hay vô tâm chạm phải điều không ưa thích sinh thân khổ mà chịu được không chấp, đó gọi là thân trụ trì nhẫn.

Ngoại sở sinh, là do nhân duyên ăn nên sinh lo sợ, giạn, si và muỗi mòng, rắn, hổ, sư tử, gấu v.v…loài 2 chân, 4 chân, nhiều chân các vật hữu tâmvô lượng nhân duyên bức não nơi thân. Hoặc lại đến muốn lấy tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, chi tiết thân phần mà cắt chặt lấy. Đối với các việc ác này tâm không mê loạn cũng không có hành động gì khác, đó gọi là thân trụ trì nhẫn.

Lại nữa nhân duyên gặp phải gió mạnh, nắng gắt, lạnh nóng, mưa, mưa đá các vật vô tâm xảy đến bức não, khắp người khổ ngặt mà có thể yên chịu, đó cũng gọi là nhẫn.

Lại nữa trong thân khởi nhân duyên giới động nên phong, nhiệt, đàm nổi lên sinh 4 trăm 4 bệnh bức não làm thân chịu cực khổ vẫn chịu được không chấp cũng gọi lf thân trụ trì nhẫn.

Trong đó tâm trụ trì nhẫn là nếu có mắng nhiếc, giận ganh, quở trách, chê bai, mạ nhục, khinh khi v.v… nói những lới không ưa thích đến bức não, tám không rúng động cũng không hỗn loạn, đó gọi là tâm trụ trì nhẫn.

Lại nữa chạm phải 8 pháp ở đời như được lợi, mất lợi, tiếng tốt, tiếng xấu, chê, khen, khổ, vui, trung bình, tâm không cao hạ, bất động như núi, đó là tâm trụ trì nhẫn.

Lại nữa đoạn thuận miên sân nên không có tâm sát hại, không tâm kết hận, không tâm đấu tranh, không tâm tố tụng, tự hộ mình hộ người khác, ở trong chúng sinh tâm từ tương ưng, cùng bi cọng hành khởi ý hoan hỷ, hằng có tâm xả, những hành như vậy cũng gọi tâm trụ trì nhẫn.

Trong đó pháp trụ trì nhẫn là ở trong ngoài như thật quan sát. Ngoài là mắng nhiếc sát hại v.v… Mắng nhiếc là âm thanh và chữ hòa hợp dồng thời không tan, vì sát-na, vì chữ là không, âm thanh như tiếng vang, cho nên không thể nói nghĩa trước sau tương ưng, trong đó không có gì là mắng nhiếc. Chỉ vì phàm phu hư vọng phân biệt mà sinh giận dữ. Nếu chữ và âm thanh trong nghĩa tự tính, biết là không thể được, tâm thì tùy thuận không mâu thuẫn nhau, bình đẳng nhẫn chịu, đó gọi là pháp trụ trì nhẫn.

Lại nữa đối với người sát hại nên nghĩ như vầy: “Thân chẳng phải hại. Thân nếu không có tâm thì như cỏ cây, như bóng trên vách. Tâm cũng chẳng phải hại, bởi tâm không phải sặc, không xúc chạm không ngăn ngại, cho nên trong đệ nhất nghĩa khồn có kẻ sát hại.” Khi quán như vậy không thấy sát hại, có thể nhẫn chịu, đó gọi là pháp trụ trì nhẫn.

Nội, nghĩa là khi quán nội pháp, nghĩ như vầy: “ Sâc như bọt nước tụ lại, tùy duyên mà khởi, không có động tác, không tự sinh, là rỗng không, là lìa ngã ngã sở. Thụ như bóng nước. Tưởng như sóng nắng. Hành như cây chuối. Thức như ảo hóa. Tùy duyên mà khởi, không động tác, không tự sinh, sát-na sinh diệt, rỗng không, lìa ngã ngã sở. Trong đó, sắc chẳng phải ngã, sắc chẳng phải ngã sở. Thụ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Thức chẳng phải ngã thức, chẳng phải ngã sở. Các pháp này tùy duyên sinh. Nếu tùy duyên sinh thì tự tính không sinh. Nếu tự tính không sinh thì thì không thể hại.” Khi quán như vậy thì hoặc nội hoặc ngoại, tự tính các pháp đều không thể đựoc, đây gọi là pháp trụ trì nhẫn. Nếu ở trong thân, tâm, pháp, khi quán tự tính tức là thuận vô sinh nhẫn. Đó gọi là lược nói Sắn-đề Ba-la-mật, như trong Tu-đa-la có nói rõ. Trong đây có bài tụng của Thánh giả:

Oán thân trong con người,

Tâm bi thường bình đẳng.

Nhân giận còn không có,

Làm sao giận chúng sinh?

Khéo tu tập tâm từ,

Chúng sinh đồng thể ta.

Bình đẳng là không hai,

Làm sao giận chúng sinh?

Tâm thường lìa bỏ giận,

Nhiều đời với ái hỷ,

Người mạnh mẽ không ngại,

Làm sao trái với đời?

Ở nơi các chúng sinh,

Thường cầu giúp lợi ích.

Làm sao nổi giận dữ,

Làm ác hại chúng sinh?

Chạm tám pháp thế gian,

Trong lòng không lay động.

Ví như miệng thổi núi,

Phải biết kia chịu được.

Thâm tâm lìa các bẩn,

Ngại việc không nhiễm ô.

Như bùn bùn hư không,

Phải biết kia chịu được.

Với thân không ái trước,

Với mạng cũng không tham,

Các oán đều không thể,

Lay động chí vững bền.

Với tiếng chẳng ưa thích,

Như gió thoảng ngoài tai.

Lời nói như ảo hóa,

Tâm nhẫn luôn sẵn sàng.

Không ở trong 5 chúng,

Chấp thủ ngã, mạng tướng.

Thân chẳng phải của ta,

Phải biết kia chịu được.

Nếu không thấy có ngã,

Và tự tính ngã sở,

Liền được vô sinh nhẫn,

Phật tử an ổn nhất.

( QUYỂN 1 HẾT )

Pages: 1 2 3 4 5 6