LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 4

Hỏi: Nếu như vậy thì tụ phúc đến trăm Tu-di là không có nên cũng không một người nàợđc Bồ-đề?

Đáp:

Tuy làm phúc đức nhỏ,

Đó cũng có phương tiện,

Ở nơi các chúng sinh,

Phải đều khởi phan duyên.

Nếu Bồ-tát này tuy làm phúc nhỏ nhưng do có phương tiện thành tụ phúc lớn. Hoặc dùng thức ăn uống xả cho chúng sinh. Hoặc dùng tràng hoa hương dâng cúng tượng Như Lai. Các phúc đức đó trong tất cả thế giới nhiếp hóa các chúng sinh đều làm phan duyên: “ Ta dùng phúc này khiến các chúng sinh đều được vô thượng chính giác. Lại đem phúc này cho các chúng sinh cùng hưởng. Những phúc như vậy cùng tất cả chúng sinh hồi hướng Bồ-đề.” Đó gọi là phương tiện của Bồ-tát. Như vậy là hồi hướng, phúc ấy được thành vô lượng vô số vô biên. Do đó, trí Nhất thiết trí kia tuy vô biên, trở lại dùng tướng vô biên phúc này nên có thể được.

Lại có nghĩa khác:

Ta có các việc làm,

Thường vì lợi chúng sinh.

Các tâm hành như vậy,

Ai lường được phúc ấy.

Bồ-tát ngày đêm thường khởi tâm hành như vầy: “ Nếu ta có làm các việc thiện thân khẩu ý đều vì độ các chúng sinh, giải thoát các chúng sinh, cho chúng sinh yên nghỉ, cho chúng sinh đsợc tịch diệt mà làm, và để cho chúng sinh đầy đủ trí Nhất thiết trí, được đạt đến trí Nhất thiết trí.” Bồ-tát ấy đầy đủ Đại bi như vậy, an trụ thiện xảo phương tiện, nhóm họp phúc đức chỉ trừ chư Phật ngoài ra không ai có thể lường được. Cho nên người đủ phúc này có thể được Bồ-đề.

Hỏi: Vì sao phúc này lại là vô lượng?

Đáp:

Không yêu thân thuộc mình,

Và thân mạng tài sản,

Không tham vui Tự tại,

Phạm thế cùng các trời.

Cũng không tha Niết-bàn,

Mà vì các chúng sinh.

Chỉ biết nghĩ chúng sinh,

Phúc đó ai lường được?

Trong đây Bồ-tát khi tu hành 6 độ, đối với con trai con gái và thân thuộc mình, nào vàng bạc của cải, nào thọ mạng, nào thân phần, nào toàn phần thân thể, nào cái vui thân tâm, nào thân trời Tự tại, nào thân trời Phạm thiên, nào trời Vô sắc, cho đến Niết-bàn, vì chúng sinh nên đều không tiếc, chỉ nghĩ thương chúng sinh không bỏ chúng sinh. Ta phải làm sao cho chúng sinh trẻ con, phàm phu, vô trí, mê mờ che tối thoát khỏi ngục 3 cõi, đặt chúng vào trong thành trì không sợ hãi, thường vui Niết-bàn. Bồ-tát làm những việc lợi lạc như vậy, với các chúng sinh thương yêu mà không phải có lý do gì hết. Phúc đức như vậy ai có thể lường được?

Lại có kệ rằng:

Thế gian không nương tựa,

Cứu hộ khổ não kia.

Khởi tâm hành như vậy,

Phúc đó ai lường được?

Bồ-tát này thường đem tâm Đại bi nghĩ như vầy: “ Nay thế gian này không cứu không hộ, đi khắp 6 nẻo, vào 3 lửa khổ không chỗ nương về, rong ruổi nơi này nơi kia, thân tâm các bệnh thường gây khổ não. Không chỗ nương tựa, ta sẽ làm nơi nương tựa cứu khổ thân tâm cho chúng.” Khởi tâm hành này thì phúc đức ai có thể lường được?

Trí độ tập tương ưng,

Như khoảng vắt sữa bò.

Một tháng rồi nhiều tháng,

Phúc ấy ai lường được?

Bát-nhã Ba-la-mật này có thể sinh chư Phật Bồ-tát, và thành tựu pháp chư Phật Bồ-tát. Bồ-tát như trong khoảng thời gian vắt sữa bò, tư duy tu tập tụ, phúc kia còn không lường được. Huống chi là một ngày đêm, 2 ngày đêm, 3 ngày đêm, cho đến 7 ngày đêm, nửa tháng một tháng. Nếu lai tương ưng tu tập nhiều tháng, phúc đức tụ ai có thể lường được?

Phật khen ngợi kinh sâu,

Mình tụng còn dạy người,

Và phân biệt giảng nói,

Đó là phúc đức tụ.

Thậm thâm, nghĩa là nghĩa lý kinh rất sâu, tương ưng với không, ra khỏi thế gian, đó là rất sâu.

Lại nữa vì phân biệt duyên sinh. Duyên sinh tức là pháp. Pháp tức là Như Lai thân. Kia tương ưng với thân Như Lai là kinh điển rất sâu, chư Phật Thế Tôn ca ngợi, nếu tự mình tụng, hoặc dạy người khác tụng, hoặc vì người khác giảng nói, không có tâm mong mỏi điều gì, chỉ muốn không ẩn mất thân Như Lai. Như Lâi thân tức là pháp thân, muốn cho trụ lại lâu dài cho nên phúc đó ai có thể lường được?

Khiến vô lượng chúng sinh,

Phát tâm vì Bồ-đề,

Phúc chứa tăng nhiều hơn,

Sẽ được Bất động địa.

Bồ-tát có thiện xảo phương tiện này, trước dùng 4 nhiếp sự nhiếp hóa các chúng sinh. Biết các chúng sinh kia chấp nhận lời nói của mình rồi, sau dạy khiến phát tâm Bồ-đề. Như vậy Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo khiến các chúng sinh phát tâm Bồ-đề. Bồ-tát ấy có phúc không ai có thể lường được vì nhiều vô lượng.

Lại nữa khiến các chúng sinh phát tâm Bồ-đề cho nên phúc chứa càng nhiều hơn. Nói phúc chứa, là phúc vô tận, bởi có thể đến vô tận cho nên không thể hết. Bất động địa, là bởi không thể động nên gọi Bất động địa. Trong đây Bồ-tát khiến người phát tâm Bồ-đề cho nên trong đời đời tâm Bồ-đề không động không mất. Vì khiến người phát tâm Bồ-đề nên tâm này tức là nhân của Bất động địa.

Tùy chuyển cái Phật chuyển,

Là pháp luân tối thắng.

Tịch diệt các gai ác,

Là Bồ-tát chứa phúc.

Như Phật Thế Tôn chuyển pháp luân nơi vườn nai, trụ xứ của các đạo sĩ thành Ba-la-nại rồi, tùy thuận mà chuyển pháp luân tối thắng ấy cũng là chứa phúc.

Sự tùy thuận chuyển này có 3 nhân duyên. Nghĩa là với kinh nghĩa lý sâu Như Lai đã nói, tương ưng với không, vượt ra ngoài thế gian, nếu thụ trì hoặc giảng nói và thuận pháp hành pháp, nếu với các kinh như vậy giữ gìn không để mất, đó là thứ nhất tùy thuận chuyển pháp luân. Vì chúng sinh có căn khí phân biệt giảng nói, là thứ hai tùy thuận chuyển pháp luân. Như trong kinh đã nói, y theo pháp tu hành, là thứ ba tùy thuận chuyển pháp luân.

Tịch diệt các gai ác, là Phật nói gai ác tức là tà kiến ngoại đạo, và ác ma Dục giới Tự tại ganh ghét giải thoát. Nếu trong 4 chúng hoặc có người khác lạ, phi pháp cho là pháp, phi giới luật cho là giới luật, chẳng phải thầy dạy nói là thầy dạy, đó là gai ác trong Phật giáo, cần phải đúng như pháp mà bẻ gãy làm cho chúng phục tùng. Xô dẹp kiêu mạn, phá kiến chấp cho pháp bừng sáng, đó là tịch diệt các gai ác. Bởi tịch diệt gai ác nên gọi là Bồ-tát chứa phúc.

Vì lợi lạc chúng sinh,

Nhẫn chịu khổ địa ngục.

Huống chi là khổ nhỏ,

Bồ-đề ở trong tay.

Nếu Bồ-tát mặc áo giáp kiên cố, thường vì lợi lạc chúng sinh, phát ý siêng năng tinh tiến, đối với một chúng sinh cũng khiến giải thoát cho nên dẫu ở trong A-tì cho đến đại địa ngục trải nhiều kiếp nhẫn chịu khổ đau không động huống chi là khổ nhỏ khác. Bồ-tát có thể nhẫn chịu các khổ như vậy thì phải biết Bồ-đề như ở trong bàn tay.

Ra làm chẳng vì mình,

Chỉ lợi lạc chúng sinh,

Đều do tâm đại bi,

Bồ-đề ở trong tay.

Bồ-tát dầu ra làm việc gì như bố thí v.v… là do Đại bi chỉ vì lợi lạc chúng sinh và cũng làm cho chúng sinh được Niết-bàn, cho nên hoàn toàn không vì một chút lợi lạc nhỏ nhoi nào cho mình, đó cũng là Đại bi. Bậc Đại nhân như vậy thì phải biết Bồ-đề đã đến tay.

Trí tuệ lìa hý luận,

Tinh tiến lìa biếng nhác,

Xả thí lìa keo kiệt,

Bồ-đề ở trong tay.

Hỏi: Trước đã giải thích đà-na v.v…các Ba-la-mật, nay lại giải thích làm gì?

Đáp: Trước là phần nhiều giải thích cho ngứời tu hành. Nay là giải thích cho người không được nhẫn trí quang. Bởi biết Nhất đạo tướng nên trí ấy xa lìa hý luận. Bởi không bỏ gánh nặng nên tinh tiến ấy xa lìa biếng nhác. Bởi trừ tham nên bố thí ấy xa lìa keo kiệt. Bồ-tát được như vậy thì phải biết rằng Bồ-đề đã ở trong tay.

Không y không giác định,

Viên mãn không tạp giới,

Không sở tùng sinh nhẫn,

Bồ-đề ở trong tay.

Nếu Bồ-tát thành tựu tốt Thiền-na Ba-la-mật rồi, định này không dựa vào 3 cõi. Tướng của nó vắng lặng không có tư duy giác biết. Lại nữa viên mãn Thi-la không xen tạp không ô uế, hồi hướng Bồ-đề không có mòn mõi tiêu mất. Lại nữa thành tựu tốt Bát-nhã Bala-mật rồi, trong pháp duyên sinh trụ vô sinh nhẫn, căn bản thắng nên không thoái chuyển, thì phải biết Bồ-đề đã ở trong tay.

Hỏi: Đã nói tu hành và được nhẫn, Bồ-tát tích tụ các phúc điền, các phúc tụ này có thể được Bồ-đề. Thế thì Bồ-tát sơ phát tâm, tích tụ các phúc điền, phúc tụ này được Bồ-đề chăng?

Đáp:

Hiện tại ở 10 phương,

Có các bậc chính giác,

Ta đều ở trước mặt,

Trình nói điều bất thiện.

Nếu có hiện tại chư Phật Thế Tôn ở trong 10 phương thế gian không chút chướng ngại trụ vì sức bản nguyện lợi ích chúng sinh, nay ở trước chư Phật thật chứng phát lồ các tội. Nếu ta từ vô tủy lưu chuyển đến nay, trong đời trước cũng như hiện tại, hoặc tự làm ác nghiệp, hoặc bảo người khác, hoặc tùy hỷ theo người khác, do tham sân si khởi thân khẩu ý, ta đều trần tình nói không dám che giấu, tất cả vĩnh viễn đoạn dứt không làm trở lại.

Nơi thế giới 10 phương,

Nếu Phật được Bồ-đề,

Mà không diễn thuyếti pháp,

Ta xin chuyển pháp luân.

Nếu Phật Thế Tôn đầy đủ trọn vẹn Đại nguyện, dưới cội Bồ-đề chứng vô thượng chính giác rồi, muốn tạm thời tĩnh trụ không vì thế gian chuyển pháp luân, ta sẽ khuyến thỉnh Phật Thế Tôn chuyển pháp luân làm lợi ích nhiều người, an lạc nhiều người, thương xót thế gian, vì đại chúng lợi lạc trời người.

Hiện tại 10 phương cõi,

Có các bậc chính giác,

Nếu muốn xả mạng đi,

Đảnh lễ khuyến thỉnh trụ.

Nếu Phật Thế Tôn thế gian vô ngại, ở trong 10 phương chứng Bồ-đề, chuyển pháp luân, an trụ chính pháp, chỗ hóa độ chúng sinh đã hóa độ xong, muốn xả bỏ thân mạng đi, ta sẽ đảnh lễ Phật ấy khuyến thỉnh trụ thế gian lâu hơn, làm lợi ích nhiều người, an lạc nhiều người, thương xót thế gian vì đại chúng lợi lạc nhân thiên.

Nếu có các chúng sinh,

Từ nơi thân khẩu ý,

Phát sinh thí, giới phúc,

Và tư duy tu hành,

Thánh nhân và phàm phu,

Đời quá hiện vị lai,

Có tích tụ phúc đức,

Ta đều sinh tùy hỷ.

Nếu có chúng sinh tu hành bố thí, trì giới, làm các phúc đức, từ thân khẩu ý phát sinh, đã tích tụ, đang tích tụ và sẽ tích tụ, Thanh Văn, Độc Giác, chư Phật Bồ-tát, các Thánh nhân v.v… và phàm phu có các công đức ta đều tùy hỷ.

Tùy hỷ như vậy là trước nhất, là thắng trụ, là khác lạ, là cao tột, là thắng nhiếp, là tuyệt đẹp, là không có gì trên, là không gì bằng, là tuyệt đối không gì bằng. Tùy hỷ như vậy mới là tùy hỷ.

Nếu ta có phúc đức.

Cho dù là một nắm,

Hồi hướng các chúng sinh,

Đều được thành chính giác.

Nếu ta từ vô thủy lưu chuyển đến nay, ở nơi Phật Pháp Tăng và nơi những người khác có chút phúc tụ nào, cho đến thí cho súc sinh một nắm cơm, hoặc quy y thiện căn, hoặc hối tội thiện căn, hoặc khuyến thỉnh thiện căn, hoặc tùy hỷ thiện căn, tất cả những thiện căn đó dù chỉ dáng một nắm, ta đều vì các chúng sinh hồi hướng Bồ-đề mà đều xả cho. Nhờ thiện căn này khiến các chúng sinh chứng vô thượng giác, được trí Nhất thiết trí.

Ta hối tội như vậy,

Phúc khuyến thỉnh, tùy hỷ,

Và hồi hướng Bồ-đề,

Phải biết như chư Phật.

Nếu ta vì chúng sinh hồi hướng Bồ-đề các thiện căn như thiện căn sám hối tội, thiện căn khuyến thỉnh chuyển pháp luân, thiện căn thỉnh trường thọ, thiện căn tùy hỷ, những thiện căn đó chỉ đáng một nắm. Còn quá khứ vị lai hiện tại chư Phật Thế Tôn khi làm Bồ-tát đã hồi hướng sẽ hồi hướng, ta cũng đem các thiện căn như vậy hồi hướng Bồ-đề. Dùng thiện căn hồi hướng này làm cho ta và các chúng sinh sẽ chứng vô thượng chính giác. Nay tôi lược nói:

Nói sám tội lỗi mình,

Phúc thỉnh Phật, tùy hỷ,

Và hồi hướng Bồ-đề,

Như tối thắng đã nói.

Tự mình có bao nhiêu tội ác thảy đều sám hối và thỉnh Phật chuyển pháp luân, trụ thọ dài lâu, tùy hỷ các phúc, phúc hồi hướng v.v…Như trước hồi hướng vì Bồ-đề như Tối thắng nhân đã nói hồi hướng như vậy.

Hỏi: Lại nữa hồi hướng ấy nên tác lễ như thế nào?

Đáp:

Đầu gối phải chạm đất,

Trịch vai áo một bên,

Ngày đêm đều 3 thời,

Chắp tay mà tác lễ.

Phải mặc y phục sạch sẽ, rửa tay chân chỉnh đốn quần áo, trịch một vai áo, quỳ gối phải chạm đất chắp tay nhất tâm lìa các tạp niệm khác, hoặc nơi tháp Như Lai, tượng Như Lai, hoặc hướng hư không phan duyên Như Lai hiện tiền, như vậy rồi tác lễ như trước đã nói hoặc ngày hoặc đêm tác lễ 3 thời.

Một thời tạo phúc đức,

Nếu như có hình sắc,

Hằng sa vài Đại thiên,

Cũng không thể dung hết.

Như đã nói trong 6 thời hồi hướng, nếu phân biệt một thời phúc đức, chư Phật Thế Tôn thấy như thật đã nói nếu có hình sắc như đống lúa thóc v.v… thì phúc tích tụ không có hạn lượng. Tuy như cát sông Hằng đến tận 3 ngàn Đại thiên thế giới cũng không thể dung hết. Bởi phúc hồi hướng sánh bằng hư không. Cho đến một thời hồi hướng phúc tụ còn như vậy huống chi nhiều thời hồi hướng. Tuy là Bồ-tát sơ phát tâm, do sức hồi hướng nên cũng thành phúc lớn, lại dùng phúc tụ như vậy cho nên dần dần có thể được Bồ-đề.

Hỏi: Đã nói các Bồ-tát được thành phương tiện phúc lớn, nay muốn bảo vệ phúc đó thì dùng phương tiện gì?

Đáp:

Kia sơ phát tâm rồi,

Với các tiểu Bồ-tát,

Phải kính yêu tôn trọng,

Cũng như thầy, cha, mẹ.

Bồ-tát sơ phát tâm kia nếu muốn bảo hộ thiện căn của mình và tự thân thì đối với các Bồ-tát sơ phát tâm phải khởi tâm hết sức kính yêu tôn trọng như Thế Tôn, bậc thầy Nhất thiết trí, và cha mẹ sinh của mình. Như vậy lấy Bồ-tát sơ phát tâm làm đầu, đối với các Bồ-tát cũng phải hết sức ái kính tôn trọng như vậy. Nếu khác đi thì tự thân và thiện căn đều tiêu mất hết. Như Thế Tôn từng nói trong kinh: Ta không thấy một pháp nào chướng ngại Bồ-tát và diệt hết thiện căn như Bồ-tát khởi sân tâm. Nếu Bồ-tát tuy trong trăm kiếp tích tụ thiện căn mà do tâm sân này tất cả đềi diết mất hết. Cho nên đối với Bồ-tát phải khởi tôn trọng như thầy dạy. Bồ-tát dầu có lỗi còn không nên nói huống chi thật sự không có, chỉ nên như thật ca ngợi. Nếu Bồ-tát chê bai người hành Đại thừa tội lỗi khiến bị tiếng xấu, các thiện pháp đời đời đều bị diết mất hết, không tăng trưởng được bạch pháp. Cho nên các Bồ-tát tuy có tội lỗi, vị bảo hộ mạng thiện căn của mình nên không nên nói rõ, huỗng chi là không có thật. Ví như tội vua phép nước. Như trong kinh nói: “ Có Bồ-tát sống đời thanh tịnh không thể chê bai mà có Tì-kheo Đạt-ma kia nói dối là ác, trong 70 kiếp chịu báo Nê-lê. Lại trong 6 vạn đời làm người nghèo cùng, thường bị mù lòa câm điếc phong hủi ung nhọt.” Vì vậỵ cho nên ở nơi Bồ-tát dù có ác dù không ác đều không được nói. Nếu có thật đức chỉ nên khen ngợi, vì thiện căn của mình được tăng trưởng mà làm cho người khác sinh tín tâm. Nếu ai muốn thành Phật, muốn được không thoái chuyển, thị hiện và xí thịnh cũng khiến sinh vui mừng. Nếu có chúng sinh đã phát nguyện cầu Bồ-đề chỉ muốn được không thoái chuyển, mà có người ngu si, giận dữ và tham bè đảng mình nên nói như vầy: Cần gì làm lâu hạnh Bồ-tát khó làm, vì Niết-bàn lạc bình đẳng như nhau, làm hạnh Thanh Văn mau được Niết-bàn hơn. Sau sẽ nói đến quả báo của những hạng này.

Nếu dùng các thứ thí dụ cho thấy rõ công đức của Phật khiến nhập vào tâm, đó là hiển thị. Khiến đầy đủ tinh tiến các hạnh Bồ-tát, đó là xí thịnh. Muốn làm cho tinh tiến tăng nhanh mà nói công đức chính giác, việc Đại thần thông, đó là vui mừng. Như vậy khiến kia không bỏ tâm Bồ-đề.

Chưa hiểu kinh rất sâu,

Chớ nói phi Phật thuyết.

Nếu ai nói như vậy,

Bị ác báo khổ nhất.

Kinh rất sâu, là kinh Phật nói tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện, trừ vô lượng đoạn thường các biên kiến, diệt các tự tính ngã nhân chúng sinh thọ giả, hiển thị công đức hi hữu đại thần thông của Như Lai. Đối với kinh luật này nếu chưa chứng biết, chớ nên nghi mà bảo chẳng phải Phật nói. Bởi vì sao? Vì nếu hủy báng kinh Phật nói bị quả báo ác rất khổ.

Các tội ở Vô gián,

Đều chỉ là một nắm,

So với 2 tội trước,

Số không thể bằng được.

Trong Kinh Bất Thoái Luân, Phật nói: Các tội ngũ vô gián, như tội báo đoạn mạng chúng sinh trong 3 ngàn Đại thiên thế giới, như phá đốt tháp của Hằng hà sa Phật Thế Tôn đã diệt độ, như tội báo làm chướng ngại pháp nhãn chư Phật quá khứ vị lai hiện tại. Các tội như vậy đều chỉ là một nắm một mớ, con đối với kinh điển chưa hiểu sâu mà khởi chấp trước bảo không phải Phật nói, và Bồ-tát đã phát Bồ-đề nguyện rồi mà làm cho thoái tâm Bồ-đề, thì tội ngũ vô gián ở trước so với 2 tội này không đầy một phần trăm, một phần ngàn, cho đến số phần, Kha-la phần, tính toán thí dụ phần, Ưu-ba-ni-sa-đà phần cũng không bằng được. Bởi tội tướng này, nên để hộ tự thân và thiện căn của mình không nên tạo 2 tội này.

Hỏi: Đã nói Bồ-tát giữ gìn thiện căn của mình, còn thế nào là thắng nghĩa của tu đạo?

Đáp:

Trong 3 môn giải thoát,

Cần phải khéo tu tập.

Trước không, tiếp vô tướng,

Thứ 3 là vô nguyện.

Trong đó khi Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật phải tu 3 pháp môn giải thoát. Trước tiên phải tu Không giải thoát môn để phá tan các kiến chấp. Thứ 2 là Vô tướng giải thoát môn đẻ không giữ các ý phan duyên phân biệt. Thứ 3 là Vô nguyên giải thoát môn để vượt qua Dục giới Sắc giới Vô sắc giới.

Hỏi: Vì sao các pháp môn này gọi là pháp môn giải thoát?

Đáp:

Vô tự tính nên không,

Không, làm gì có tướng?

Các tướng đã vắng lặng,

Người trí có nguyện gì?

Vì duyên sinh nên pháp không có tự tính, đó gọi là không. Bởi đó không, nên tâm không phan duyên, tức là không có tướng. Lìa các tươngs nên không sở nguyện.

Lại nữa, nếu pháp từ duyên sinh, tự tính của nó không sinh, do tự tính không sinh, nên pháp ấy là không. Nếu pháp là không thì trong đó không có tướng, vì không có tướng nên đó là vô tướng. Nếu không có tướng thì trong đó tâm không có chỗ dựa. Bởi không có chỗ dựa nên trong 3 cõi tâm không có sở nguyện.

Trong khi tu niệm này,

Đến gần Niết-bàn đạo.

Chớ nghĩ phi Phật thể,

Nơi đó chớ phóng dật.

Khi tu hành 3 môn giải thoát này, nếu không bị phương tiện nhiếp giữ, thì đến gần Niết-bàn. Tuy phỉ tu tập chớ nên rơi vào các Bồ-đề khác, phải cầu nhãn vô sở đắc, phải trụ phương tiện thiện xảo.

Ta ở trong Niết-bàn,

Không nên liền tác chứng.

Phải phát tâm như vầy:

Phải thành thục trí độ.

Phat tâm như vầy: “ Ta phải làm lợi ích chúng sinh, độ thoát chúng sinh. Tuy tu 3 môn giải thoát, không nên tác chứng nơi Niếtbàn. Nhưng ta vì học Bát-nhã Ba-la-mật nên trong 3 môn giải thoát phải chuyên thành thục. Ta phải tu không, không nên chứng không.

Ta phải tu vô tướng, không nên chứng vô tướng. Ta phải tu vô nguyện, không nên chứng vô nguyện.”

Như xạ thủ phóng tên,

Mỗi mỗ bắn trúng nhau.

Giữ không cho rơi xuống,

Đại Bồ-tát cũng vậy.

Ví như người xạ thủ học bắn đã giỏi rồi, bắn tên lên không trung rồi bắn tiếp mũi tên sau, mũi tên sau trúng mũi tên trước, cứ như vậy nối nhau trên không, không cho rơi xuống đất.

Trong không giải thoát môn,

Khéo buông mũi tên tâm,

Khéo léo bắn tiếp nối,

Không rơi vào Niết-bàn.

Như vậy Bồ-tát đại thiện xạ này, do học tu bắn cung không vô tướng vô nguyện, trong hư không 3 giải thoát môn buông mũi tên tâm rồi, giữ mũi tên tâm kia không cho rơi vào thành Niết-bàn.

Hỏi: Thế nào là làm cho tâm kia không rơi vào Niết-bàn?

Đáp:

Ta không bỏ chúng sinh,

Vì lợi ích chúng sinh,

Trước khởi ý như vậy,

Rổi trước sau nối tiếp.

Nếu ta thành thục tốt 3 giải thoát môn rồi, muốn thủ Niết-bàn dễ như ở trong bàn tay. Nhưng ta vì trẻ con phàm phu còn đang bú sữa, không thể tự mình hướng đến thành Niết-bàn. Vì chưa Niết-bàn nên ta không nên một mình vào Niết-bàn. Ta sẽ phát khởi tinh tiến như vậy, tùy chỗ ta làm chỉ vì lợi ích chúng sinh, cũng vì chúng sinh được Niết-bàn.

Trước nên khởi làm như vậy, tiếp đến tâm tương ưng với 3 giải thoát môn. Tùy thuận, là thuận với nghĩa sau. Nếu không như vậy, mũi tên tâm kia vì không có phương tiện khéo léo giữ gìn nên khi tu hnhf 3 môn giải thoát liền đọa vào giải thoát của Thanh Văn, hoặc trong giải thoát của Độc Giác. Nay lại có phương tiện kéo léo.

Các chúng sinh chấp trước,

Đêm dài và hiện hành,

Điên đảo cùng các tướng,

Do si mê gây nên.

Các chúng sinh trẻ con phàm phu do si mê từ vô thủy lưu chuyển trong đêm dài, chấp trước 4 điên đảo vô thường cho là thường, khổ bảo là vui, bất tịnh cho là tịnh, vô ngã cho là ngã, và trong ngoài các giới, nhập chấp ngã ngã sở gọi là có sở đắc, đi trong đêm dài và hiện đang đi.

Chấp trước tướng điên đảo,

Nói pháp để đoạn trừ.

Trước phát tâm như vậy,

Tiếp sau tập tứơng ưng.

Như vậy các chúng sinh do si mê nên khởi ngã ngã sở 2 thứ chấp trước. Lại trong sắc v.v… các thứ vô sở hữu, vọng khởi phân biệt chấp thủ lấy tướng, sinh 4 thứ tà điên đảo. Ta vì nói pháp khiến chúng đoạn trừ. Trưocs phát tâm như vậy rồi , sau trong 3 môn giải thoát tu tập tương ưng. Nếu khác đây mà tu tập 3 môn giải thoát thì sẽ đến gần Niết-bàn đạo.

Bồ-tát lợi chúng sinh,

Mà không thấy chúng sinh.

Đây là việc khó nhất,

Hiếm có khó nghĩ lường.

Bồ-tát khởi tưởng chúng sinh, việc này cũng rất khó lường chưa từng có như vẽ lên hư không. Trong tối thắng nghĩa vốn không có chúng sinh, điiều này Bồ-tát không được không biết, nhưng vì lợi lạc chúng sinh nên siêng năng tinh tiến. Chỉ trừ Đại bi, đâu có chỗ nào còn khó hơn đây?

Tuy nhập chính định vị,

Nên tập giải thoát môn.

Vì chưa tròn bản nguyện,

Nên không chứng Niết-bàn.

Đây nên suy nghĩ nếu Bồ-tát đến chính định vị, dùng 32 pháp nên nhập chính định vị khi cùng giải thoát môn tương ưng, khoảng giữa chưa tròn bản nguyện là xchứng Niết-bàn hay không chứng? Bởi Thế Tôn trong kinh có nói: “ Bốn đại có thể khiến đổi khác, không có chuyện nhập chính định vị Bồ-tát giữa chừng chưa tròn bản nguyện mà chứng Niết-bàn.” Cho nên đến chính định vị Bồ-tát chưa tròn bản nguyện không chứng Niết-bàn.

Nếu chưa đến định vị,

Dầu có xảo phương tiện,

Do chưa tròn bản nguyện,

Cũng không chứng Niết-bàn.

Nếu Bồ-tát sơ phát tâm chưa đến chính định vị, thì dầu có phương tiện khéo léo, trong khi tu 3 môn giải thoát chưa tròn bản nguyện cũng không chứng Niết-bàn.

Rất chán nơi lưu chuyển,

Mà cũng đến lưu chuyển.

Tin ưa nơi Niết-bàn,

Mà quay lưng Niết-bàn.

Bồ-tát này ở trong lưu chuyển, do 3 thứ lửa cháy mạnh nên rất chán muốn lìa bỏ cũng không được khởi tâm trốn tránh lưu chuyển.

Đối với chúng sinh nên khởi tưởng như con mà hướng tới lưu chuyển và tin ưa Niết-bàn như che chở ngôi nhà, nhưng lại phải quay lưng với Niết-bàn để trọn trí Nhất thiết trí. Trong lưu chuyển nếu có chán lìa thì trong Niết-bàn cũng có tin ưa. Nếu không hướng tới lưu chuyển, không quay lưng với Niết-bàn, chưa tròn bản nguyện thì khi tu tập giải thoát môn thì tác chứng Niết-bàn.

Nên phải sợ phiền não,

Không nên hết phiền não,

Phải vì gom các thiện,

Để ngăn chận phiền não.

Vì là nhân lưu chuyển nên sợ phiền não. Không nên rốt ráo hết phiền não. Nếu đoạn dứt phiền não thì không nhóm họp được Bồ-đề tư lương. Cho nên Bồ-tát dùng pháp ngăn chận ngăn chận các phiền não. Do ngăn chận phiền não khiến chúng không có sức tác dụng nên tập họp được thiện căn Bồ-đề tư lương. Do tập họp thiện căn nên đầy đủ bản nguyện có thể đến Bồ-đề.

Hỏi: Vì sao không dùng đoạn diệt diệt các phiền não?

Đáp:

Bồ-tát phiền não tính,

Không phải Niết-bnf tính.

Chẳng phải đốt phiền não,

Sinh hạt giống Bồ-đề.

Như các Thanh Văn Thánh nhân, Niết-bàn là tính, vì phan duyên Niết-bàn được quả Sa-môn. Chư Phật không lấy Niết-bàn làm tính. Chư Phật phiền não là tính, vì Bồ-đề tâm do đây sinh. Thanh Văn Độc giác đốt cháy các phiền não, không sinh hạt giống Bồ-đề, vì chủng tử của tâm Nhị thừa là vô lưu. Vì vậy phiền não là Như Lai tính, bới có phiền não chúng sinh mới phát tâm Bồ-đề sinh ra Phật thể, cho nên không lìa phiền não.

Hỏi: Nếu đốt cháy phiền não không sinh hạt giống tâm Bồđề, sao trong Kinh Pháp Hoa thụ ký cho các Thanh Văn đốt cháy phiền não?

Đáp:

Thụ ký chúng sinh kia,

Là vì có nhân duyên.

Là thiện xảo của Phật,

Phương tiện đến bờ kia.

Không biết thành tựu chúng sinh nào, trong đó nhân duyên chỉ có Phật biết. Đế đến điều phục bỉ ngạn không giống các chúng sinh khác mà chúng không sinh hạt giống Bồ-đề vì nhập vô vi chính định vị. như kinh nói:

Như không và hoa sen,

Vách cao và hào sâu,

Giới, bất nam, Ca-chá,

Cũng như đốt hạt giống.

Như trong hư không không sinh hạt giống. Như vậy trong vô vi không từng sinh Phật pháp, cũng sẽ không sinh. Như cao nguyên đồng hoang không sinh hoa sen. Như vậy Thanh Văn Độc Giác vào trong vô vi chính định vị không sinh Phật pháp.

Vách cao, là trong thành của trí Nhất thiết trí có 2 vách cao, đó là vách của Thanh Văn địa và vách của Độc Giác địa. Thanh Văn Độc Giác nếu có Nhất thiết trí, tức chẳng phải 2 vách cao của Bồ-tát.

Hào sâu, là như phàm phu giỏi tập nhảy lên nhày xuống, dù rơi xuống hầm sâu vẫn đứng yên. Nếu tập không giỏi mà rơi xuống hầm sâu ắt sẽ chết ngay dưới hầm. Như vậy Bồ-tát tu tập vô vi, vì giỏi tương ưng nên tuy tu vô vi mà không rơi trong vô vi. Thanh Văn Độc Giác tu tập vô vi không giỏi tương ưng thì rơi vào trong vô vi.

Giới, là Thanh Văn ràng buộc trong giới hạn của vô vi, không thể thực hành lại trong hữu vi. Cho nên ở trong chúng không sinh tâm Bồ-đề.

Bất nam, là như người đàn ông hỏng bộ phận sinh dục, dẫu có ngũ dục cũng chẳng lợi gì. Như vậy Thanh Văn đủ pháp vô vi, đối với lợi Phật pháp cũng chẳng được lợi gì.

Ca-chá, là như loại ngọc Ca-chá, chư thiên và thế gian tuy khéo xử lý ngọc Ca-chá nhưng hoàn toàn không thể làm cho nó thành ngọc báu Tì-lưu-li. Như vậy Thanh Văn tuy đủ công đức giới học, Đầuđà, Tam-ma-đề v.v… mà hoàn toàn không thể ngồi nơi giác trường chsngs vô thượng chính giác.

Cũng như thiêu đốt hạt giống, là như hạt giống bị thiêu đốt, tuy gieo xuống đất tưới nước có nắng mà không mọc lên được. Như vậy Thanh Văn thiêu đốt hạt giống phiền não rồi, ở trong 3 cõi cũng có nghĩa vô sinh. Do các kinh như vậy nên biết Thanh Văn được pháp vô vi rồi không sinh tâm Bồ-đề.

( QUYỂN 4 HẾT )

Pages: 1 2 3 4 5 6