LUẬN BỒ ĐỀ TƯ LƯƠNG
Thánh giả Long Thụ tạo tụng
Tì-kheo Tự Tại giải thích
Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 3

Lại có ý sư khác

Nói giác tư lương là

Thật xả và tịch trí

Bao gồm trong 4 xứ.

Lại có một luận sư nói như vầy: Tất cả Bồ-đề tư lương đều gồm trong thật xứ, xả xứ, tịch xứ, và trí xứ. Thật, là tướng không hư dối, thật tức là giới. Cho nên thật, là Thi Ba-la-mật. Xả, tức là bố thí, cho nên xả xứ là Đà-na Ba-la-mật. Tịch, là tâm không ô trược. Nếu tâm không ô trược thì việc ái bất ái không thể làm lay động. Cho nên tịch xứ là Sằn-đề Ba-la-mật và Thiền-na Ba-la-mật. Trí xứ lại là Bát-nhã Ba-la-mật. Tì-lê-da Ba-la-mật nhập vào khắp các xứ. Bởi không tinh tiến thì các xứ không thành tựu. Cho nên Tì-lê-da Ba-la-mật thành tựu các việc. Vì vậy tất cả tư lương đều gồm trong 4 xứ.

Hỏi: Như kinh nói: Do từ tư lương được tâm vô ngại, do xả tư lương được đoạn yêu ghét, trong đó có gì khác với từ bi?

Đáp:

Đại bi thấu xương tủy,

Làm chỗ dựa chúng sinh

Như cha đối với con một.

Từ thì khắp tất cả.

Nếu vào trong đường hiểm sinh tử, đọa vào các nẻo địa ngục súc sinh ngạ quỷ, ở trong lưới tà kiến che khuất bởi rừng rậm ngu si, đi theo đường tà phi đạo như người mù, trong phi xuất ly thấy là xuất ly, bị các giặc già bệnh chết lo buồn khổ não bắt giữ, vào trong rừng rậm ý ma cách xa ý Phật. Đại bi của Bồ-tát xuyên qua da thịt gân của tự thân thấu đến xương tủy, vì các chúng sinh làm chỗ nương tựa khiến chúng sinh được độ. Như vậy đồng hoang, đường hiểm sinh tử đặt vào cung vô úy nơi thành Nhất thiết trí. Ví như Trưởng giả chỉ có một con mà gặp bệnh khổ, thương yêu thấu qua da thịt vào nơi xương tủy, chỉ nghĩ không biết bao giờ con được lành bệnh. Bi cũng như vậy, chỉ khởi trong chúng sinh đau khổ. Từ thì khởi trong khắp tất cả chúng sinh.

Lại nữa, từ cho nên đối với các chúng sinh được tâm vô ngại. Bi, cho nên ở trong sinh tử không biết mệt mỏi. Lại nữa, từ là sinh trong người thiện, bi là sinh trong người bất thiện. Lại nữa, Bồ-tát từ tăng trưởng nên không đắm cái vui riêng mình thì sinh đại bi. Bi tăng trưởng nên xả bỏ thân mạng và chi tiết thân phần thì sinh Đại bi.

Nếu niệm Phật công đức,

Và nghe Phật thần biến,

Yêu thích mà thụ tịnh

Đó gọi là Đại hỷ.

Nếu niệm Phật công đức, là trong đó những gì là công đức của Phật? Nghĩa là chư Phật Thế Tôn trong vô lượng trăm ngàn Câu-trí kiếp nhóm họp thiện căn nên không hộ thân khẩu ý nghiệp, đoạn dứt nghi trong 5 thứ phải biết, không có lỗi trong 4 thứ đáp nạn, dạy dỗ 37 pháp trợ Bồ-đề, giác ngộ nhân duyên trong 12 phần duyên sinh, dạy 9 giáo, đầy đủ 4 thứ trụ trì, được 4 vô lượng, đầy đủ 6 Ba-la-mật, giảng thuyết Bồ-tát 10 địa, thành tựu viên mãn 5 chúng xuất thế, đầy đủ 4 không sợ hãi, 10 lực, 18 Phật pháp không chung, cảnh giới vô biên, tự tâm tự tại chuyển, pháp không chán đủ, được như Kim cương Tam-ma-địa, nói pháp không hư vọng, pháp không thể phá hoại, là đạo sư cho thế gian, không ai có thể thấy đỉnh đầu, không ai ngang bằng, không ai thắng hơn, pháp không thể nghĩ bàn, được Đại từ Đại bi Đại hỷ Đại xả, trăm tướng phúc, vô lượng căn lành, vô biên công đức, vô lượng công đức, vô số công đức, công đức không thể phân biệt, công đức hi hữu, công đức không chung v.v… các tên như vậy.

Nghe chư Phật thần biến, là trong đó chư Phật Thế Tôn vì giáo hóa các chúng sinh nên khởi thần thông biến hiện, tùy chỗ thích ứng độ chúng sinh, tùy theo thân chúng sinh, tùy theo hình tướng dài ngắn rộng hẹp, tùy theo sắc loại các thứ khác nhau, tùy theo phân biệt âm thanh thanh tịnh, chư Phật Thế Tôn dùng các thứ thần thông hi hữu, đúng như sở hành, đúng như mong muốn, dùng các loại phương tiện thần biến sai biệtmà giáo hóa chúng. Nghe việc này rồi yêu thích thụ tịnh, gọi là đại hỷ. trong đó nếu tâm vui mừng gọi là ái. Tâm ái lan tỏa khắp thân gọi là hỷ. Tâm hỷ cảm biết niềm vui gọi là thụ. Khi cảm thụ niềm vui mà niệm chính giác là Đại thần thông đức, tâm không ô trược gọi là tịnh. Khi tâm kia tịnh, hỷ ý đầy đủ gọi là đại hỷ. Kia lên một thiểu phần thừa tuy cũng có hỷ, vì không chung với kia nên được gọi là Đại hỷ.

Hỏi: Bồ-tát nên xả chúng sinh hay không nên xả?

Đáp:

Bồ-tát với chúng sinh,

Không thể xả bỏ được.

Phải tùy sức mình có,

Tất cả thời nhiếp thụ.

Bồ-tát Ma-ha-tát thường nghĩ nhớ lợi lạc chúng sinh. Nếu bị tham sâm si não loạn sẽ xan lẫn phá giới giận hờn biếng nhác loạn tâm ác trí mà đi vào con đường khác. Các chúng sinh này không nên xả bỏ, trong tất cả thời nói thí, giới, tu tùy sức có thể mà nhiếp thụ không nên xả bỏ.

Bồ-tát ngay từ đầu,

Tùy theo năng lực mình,

Phương tiện hóa chúng sinh,

Khiến nhập vào Đại thừa.

Bồ-tát lên hàng Đại thừa này ở trong chúng sinh, ngay từ ban đầu tùy theo khả năng mà làm các phương tiện như đã nói trong phần Phương tiện Ba-la-mật ở trước. Cần phải siêng năng tinh tiến dùng các phương tiện giáo hóa chúng sinh vào Đại thừa này.

Hỏi: Vì sao Bồ-tát chỉ dùng Đại thừa gió hóa chúng sinh mà không dùng Thanh Văn thừa Độc Giác thừa?

Đáp:

Dạy Hằng sa chúng sinh

Khiến được quả La-hán,

Dạy một vào Đại thừa

Phúc đức này cao hơn.

Nếu giáo hóa chúng sinh số như cát sông Hằng được quả A-lahán thì phúc của Đại thừa này quá hơn phúc giáo hóa các thừa Thanh Văn kia. Vì chủng tử không hết. Các chủng tử này có thể vì bao nhiêu chúng sinh khác làm phương tiện Bồ-đề tâm, và cũng để xuất sinh Thanh Văn, Độc Giác cho nên phúc này hơn phúc kia.

Phúc này hơn, nghĩa là Đại thừa là trên đối với Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa. Lại nữa Bồ-đề tâm có vô lượng vô số phúc đức. Lại nữa do Đại thừa mà hạt giống Tam Bảo không dứt. Cho nên muốn cầu phúc lớn phải lấy Đại thừa giáo hóa chúng sinh mà không dùng các thừa khác.

Hỏi: Các Bồ-tát Ma-ha-tát lẽ nào chỉ dùng Đại thừa giáo hóa chúng sinh mà không dùg Thanh Văn, Độc Giác thừa sao?

Đáp:

Dạy bằng Thanh Văn thừa

Và dạy bằng Độc Giác thừa,

Vì đối tượng thiếu sức

Không kham Đại thừa giáo.

Nếu tâm chúng sinh ở bậc trung bậc thấp, bỏ việc lợi tha, thiếu tâm Đại bi không kham nổi sự giáo hóa của Đại thừa thì mới dùng Thanh Văn thừa Độc Giác thừa mà giáo hóa chúng.

Hỏi: Nếu có chúng sinh không thể dùng 3 thừa mà giáo hóa thì đối với chúng nên bỏ hay không nên bỏ?

Đáp:

Thanh Văn Độc Giác thừa,

Cho đến trong Đại thừa,

Không kham thụ giáo hóa,

Nên đặt nơi phúc xứ.

Nếu có chúng sinh ưa thích sinh tử ghét giải thoát, không kham thụ giáo hóa của Thanh Văn Độc Giác và Bồ-tát thì nên giáo hóa chúng vào trong 4 Phạm hạnh của Phạm thừa. Nếu không kham Phạm thừa thì nên giáo hóa chúng 10 thiện nghiệp đạo trong Thiên thừa và trong các việc phúc như thí v.v… không nên xả bỏ.

Hỏi: Nếu có chúng sinh ưa thích cái vui thế gian, mà đối với 3 việc phúc không có khả năng làm, thì đối với chúng phải làm sao?

Đáp:

Nếu ai không kham thụ

Giáo hóa Thiên, giải thoát,

Thì dùng lợi hiện đời

Như sức nên nhiếp hóa.

Nếu có chúng sinh chuyên cầu dục lạc không nghĩ đến đời sau, sẽ hướng tới địa ngục ngạ quỷ súc sinh, không thể giáo hóa khiến sinh cõi trời hay giải thoát thì cũng nên thương xót chúng tâm trí như trẻ con, tùy theo thích ứng hiện đời nhiếp thụ, tùy khả năng mình dùng thí nhiếp thụ chúng, thương mà không nên bỏ.

Hỏi: Nếu Bồ-tát đối với các cbúng sinh giống như trẻ con này mà không có phương tiện gì nhiếp hóa được thì đối với chúng phải làm sao?

Đáp:

Bồ-tát với chúng sinh

Không có duyên giáo hóa,

Phải khởi Đại từ bi

Mà không vội xả bỏ.

Nếu Bồ-tát đối với chúng sinh đáng thương ưa làm việc tội ác mà không có phương tiện nhiếp hóa được, Bồ-tát nên khởi tưởng như con sinh Đại từ bi, chứ không đạo lý nào có thể xả bỏ được.

Hỏi: Đã nói cần phải nhiếp thụ trong các chúng sinh, chẳng hay phương tiện nhiếp thụ như thế nào?

Đáp:

Thí nhiếp và thuyết pháp,

Và nghe thuyết pháp rồi

Cũng làm việc lợi tha.

Đó là phứơng tiện nhiếp.

Các Bồ-tát vì nhiếp thụ chúng sinh nên hoặc dùng bố thí làm phương tiện nhiếp thụ, hoặc nhận kia bố thí, hoặc vì kia nói pháp, hoặc nghe kia nói pháp, hoặc làm lợi tha, hoặc dùng ái ngữ, hoặc dùng đồng sự, hoặc nói các minh xứ, hoặc chỉ dạy công xảo, hoặc thị hiện tác nghiệp, hoặc làm cho người lành bệnh, hoặc cứu nạn hiểm nghèo, những việc làm như vậy gọi là phương tiện nhiếp thụ chúng sinh. Nên dùng các phương tiện này nhiếp thụ chúng sinh không nên xả bỏ.

Hỏi: Dùng các phương tiện nhiếp thụ như vậy nhiếp thụ chúng sinh rồi thành tựu lợi gì?

Đáp:

Làm việc ích chúng sinh,

Không mệt mỏi, phóng túng,

Phát nguyện vì Bồ-đề,

Lợi đời tức lợi mình.

Trong đây Bồ-tát nguỵện làm lợi ích thế gian phát tâm như vầy: Tất cả những việc gì lợi thế gian tôi đều nên làm.

Lập thệ nguyện như vậy rồi trong các việc làm cho chúng sinh không nên mệt mỏi, không nên phóng túng. Lại nên nghĩ như vầy: Nếu lợi cho đời tức là lợi mình. Cho nên Bồ-tát đối với nhân duyên lợi lạc chúng sinh không nên xả bỏ.

Hỏi: Đã nói Bồ-tát thường phải lợi lạc chúng sinh không nên xả bỏ, vậy trong các pháp là xả hay không xả?

Đáp:

Vào pháp giới rất sâu,

Diệt lìa nơi phân biệt,

Thảy đều không dụng công,

Các xứ tự nhiên xả.

Pháp giới tức là duyên sinh cho nên nói trước. Như Lai dù ra đời hay không ra đời, pháp giới này pháp tính vẫn thứờng trú. Cái gọi là duyên sinh, như trước nói: A-nan-đà! Duyên sinh rất sâu, chứng cũng rất sâu. Cho nên Bồ-tát nhập vào thế giới rất sâu này diệt tất cả 2 cực đoan hữu vô, nhiếp thủ trí phương tiện rồi tức đoạn dứt các động niệm hý luận phân biệt, lìa các chấp tướng, các hành xứ của tâm, ý, thức đều không hiện hành, cho đến cũng không hành Phật hạnh, Bồ-đề hnhj, Bồ-tát hạnh, Niết-bàn xứ. Như thế tức đối với các pháp không còn dụng công, ở trong các pháp tâm được tịch tĩnh, Đại tịch tĩnh, không còn phân biệt. Đó gọi là Đệ nhất nghĩa xả, tức vô phân biệt của Bồ-tát.

Đã nói về xuất thế gian xả, nay tôi sẽ nói đến thế gian xả.

Lợi danh khen hỷ lạc,

Bốn thứ đều không chấp,

Ngược trên cũng không ngại,

Như thế gọi là xả.

Ở trong lợi dưỡng, tiếng khen, an vui v.v… không hệ lụy. Trái lại với đây, trong không lợi không danh, chê bai, khổ sở cũng không thoái ngại, lìa bỏ chỗ yêu ghét mà an trụ không phân biệt. Đó gọi là Đệ nhị, thế gian xả.

Hỏi: Nếu Bồ-tát ở trong các pháp làm Đệ nhất nghĩa xả là vì Bồ-đề cho nên như lửa đốt đầu. Như vậy siêng làm như thế nào có thề được?

Đáp:

Bồ-tát vì Bồ-đề,

Cho đến chưa không thoái,

Ví như lửa đốt đầu,

Nên siêng làm như vậy.

Tuy đối với các pháp nên xả như vậy mà Bồ-tát quyết định tu hành như lửa đốt đầu. Bồ-tát cho đến khi chưa được không thoái chuyển Bồ-đề, vì Bồ-đề nên phải siêng làm.

Trong đó phải biết Bồ-tát có 5 thứ nhân duyên không thoái Bồđề. Những gì là năm? Như Kinh Hoa Tụ v.v… có nói: Nếu nghe đầy đủ Đại nguyện các Bồ-tá và danh hiệu Phật Thế Tôn là nhân duyên thứ nhất. Nếu nguyện sinh về cõi nước của Phật Thế Tôn kia là nhân duyên thứ hai. Thụ trì và giảng nói Kinh Bát-nhã Ba-la-mật sâu xa là nhân duyên thứ ba. Tu tập hiện tiền trụ v.v… các Tam-ma-đề và tùy hỷ đắc là nhân duyên thứ tư. Bốn nhân duyên này nói là Bồ-tát chưa được nhẫn không thoái chuyển. Nếu Bồ-tát này trụ Bồ-tát Bất động địa rồi, được vô sinh nhẫn thì nói là cứu cánh quyết định không thoái chuyển. Đó là nhân duyên thứ năm.

Hỏi: Nếu trong 4 nhân duyên này, tùy lấy một nhân duyên, Bồtát được không thoái chuyển thì trước nói như lửa đốt đầu phải siêng năng như thế nào mới thành?

Đáp:

Nhưng các Bồ-tát kia,

Vì khi cầu Bồ-đề

Tinh tiến không thôi nghỉ

Vì đang gánh gánh nặng.

Tuy trong 4 nhân duyên tùy theo một nhân duyên Bồ-tát đều được không thoái mà tinh tiến không nên thôi nghỉ là bởi trước đã nói: Tôi phải làm cho các chúng sinh đều được Niết-bàn. Vì gánh gánh nặng như vậy cho nên trong khi thực hành thệ nguyện tinh tiến không ngừng nghỉ.

Hỏi: Vì sao trong khi thực hành phải tinh tiến không được ngừng nghỉ?

Đáp:

Chưa sinh Đại bi nhẫn,

Dẫu được không thoái chuyển,

Bồ-tát còn có chết,

Bởi vì khởi phóng dật.

Ở trong 4 nhân duyên tùy theo nhân duyên nào, Bồ-tát được không thoái chuyển. Khi chưa sinh Đại bi, cho đến chưa được vô sinh nhẫn, trong khảng thời gian đó chịu nghiệp lực tử sinh là do phóng dật. Cho nên Bồ-tát phải siêng năng như cứu lửa đốt đầu để được vô sinh nhẫn, trong khoảng thời gian đó tinh tiến không ngừng nghỉ.

Hỏi: Bồ-tát còn chết sao?

Đáp:

Bậc Thanh Văn, Độc Giác,

Nếu nhập vào là chết,

Bởi đoạn nơi Bồ-tát

Các sở giải tri căn.

Như trước nói 4 thứ nhân duyên, tùy theo một nhân duyên nào đều được không thoái chuyển. Đó là Bồ-tát chưa có Đại bi, chưa được nhẫn, chưa vượt qua Thanh Văn Độc Giác địa, hoặc vì bạn ác sợ khổ sinh tử, hoặc trung gian thụ sinh, hoặc trong thời gian kiếp hoại giận ghét Bồ-tát, hủy báng chính pháp mất Bồ-đề tâm, khởi tâm Thanh Văn Độc Giác địa rồi hoặc ở Thanh Văn giải thoát, hoặc Độc Giác giải thoát tác chứng, đoạn dứt căn cơ Bồ-tát. Nói Đại bi là nói các Bồ-tát và Phật Thế Tôn thì nói là giải tri tử.

Hỏi: Đây nên nghĩ rằng Bồ-tát vì sợ ở trong Nê-lê, vì sợ sa vào Thanh Văn Độc Giác địa?

Đáp:

Giả sử đọa Nê-lê,

Bồ-tát không sinh sợ.

Thanh Văn Độc Giác địa,

Mới là sợ hãi lớn.

Bồ-tát dẫu ở trong địa ngục cùng chịu vô số trăm ngàn khổ thống cũng không bằng nỗi sợ rơi vào Thanh Văn Độc Giác địa.

Hỏi: Vì sao vậy?

Đáp:

Chẳng phải trong địa ngục,

Hoàn toàn chướng Bồ-đề.

Thanh Văn Độc Giác địa,

Mới là hoàn toàn chướng.

Dấu vào trong địa ngục cũng không thể hoàn toàn làm chướng ngại đạo chính giác. Khi ở trong địa ngục, cho đến tận mức ác nghiệp thì đối vói đạo Bồ-đề chỉ tạm thời chướng ngại. Bồ-tát nếu rơi vào Thanh Văn Độc Giác địa thì rốt ráo không sinh. Thanh Văn Độc Giác địa đối với chính giác đạo mới là chứớng ngại. Vì ý nghĩa đó, Bồ-tát vò trong địa ngục không sợ bằng rơi vào Thanh Văn Độc Giác địa.

Hỏi: Sợ ấy như thế nào?

Đáp:

Như nói muốn sống lâu,

Sợ hãi bị chém đầu.

Thanh Ván Độc Giác địa,

Nỗi sợ cũng như vậy.

Trong kinh Phật Thế Tôn nói như vầy: “Như người muốn sống lâu sợ hãi bị chém đầu. Bồ-tát muốn cầu vô thượng Bồ-đề sợ hãi Thanh Văn Độc Giác địa cũng như vậy.” Cho nên Bồ-tát tuy vào trong địa ngục mà không sợ bằng rơi vào Thanh Văn Độc Giác địa.

Hỏi: Đã nói chưa được vô sinh nhẫn các Bồ-tát chướng ngại pháp. Vậy Bồ-tát này làm sao được vô sinh nhẫn?

Đáp:

Không sinh cũng không diệt,

Chẳng không sinh không diệt,

Chẳng cùng, chẳng không cùng,

Không, chẳng không cũng vậy.

Trong đây Bồ-tát khi quán duyên sinh nghĩ như vầy: Có pháp duyên sinh, chỉ là thi thiết. Như trong không sinh có sinh, cho nên sinh là không thành tự thể. Không thành tự thể cho nên sinh tức là phi hữu. Như sinh, tự thể phi hữu, diệt kia là hai, cả hai đều vô thể. Như sinh, diệt kia không sinh, không diệt là hai, cả hai cũng đều vô thể. Trong 2 thứ sinh, diệt, sinh không sinh, diệt không diệt cũng không mâu thuẫn nhau, cho nên không, cũng như vậy. Như hữu, là vô tự thể, cho nên bất không kia, và không bất không cũng vậy.

Hỏi: Nếu nghĩ như vầy: “ Do duyên sinh nên các pháp không có tự thể.” Thì vì sao lại nghĩ rằng: “ Cũng không có pháp duyên sinh.” ?

Đáp:

Tùy chỗ nào có pháp,

Ở trong quán bất động.

Kia là vô sinh nhẫn,

Vì dứt các phân biệt.

Như vậy Bồ-tát khi như thật quán sát duyên sinh được thấy lìa tự thể các pháp, vì thấy lìa tự thể nên dứt trừ chấp thủ tự thể các pháp. Khi dứt được sự chấp thủ tự thể các pháp nghĩ như vầy: “ Chẳng phải không có pháp trong ngoài mà không có pháp tự thể. Tuy có pháp duyên sinh cũng chỉ như bó cây lau, như ảo mộng. Nếu pháp từ duyên sinh thì tự thể kia không sinh.” Quán như vậy rồi thì dầu Sa-môn, Bà-la-môn không thể làm lay động mà không thủ chứng. Bồ-tát ấy do ưa thích quán pháp vô sinh, dứt các phân biệt nên gọi là vô sinh nhẫn. Bồ-tát ấy liền trụ Bồ-tát bất động địa. Kệ nói:

Đã được nhẫn này rồi,

Tức thì được thụ ký:

Người chắc sẽ thành Phật

Liền được không thoái chuyển.

Vì được vô sinh nhẫn này rồi nên liền ngay khi ấy chẳng còn trước chẳng còn sau, chư Phật hiện tiền thụ ký làm Phật: Người vào đời sau ở thế giới đó trong kiếp đó sẽ thành Như Lai ứng chính biến tri tên gọi là … Đó gọi là Bồ-tát không thoái chuyển.

Hỏi: Các Bồ-tát từ Sơ địa cho đến địa thứ 7 đều quyết định hướng đến Tam-bồ-đề, vì sao không nói là không thoái chuyển mà chỉ nói Bồ-tát trụ Bất động địa là không thoái chuyển?

Đáp:

Đã trụ Bất động, các Bồ-tát,

Được nơi pháp nhĩ, trí bất thoái.

Trí ấy Nhị thừa không thể chuyển,

Cho nên riêng được tên bất thoái.

Đây là thiện căn xuất thế gian như tín v.v…, các Thanh Văn Độc Giác cho đến Bồ-tát trụ địa thứ 7 không thể ngăn chận khiến cho thoái chuyển, cho nên gọi là không thoái chuyển. Chứ không phải 10 loại Bồ-tát là Tam-bồ-đề trong các pháp không thoái chuyển.

Đã nói nhân duyên không thoái chuyển, trong đó lại được thù thắng thụ ký. Trong Đại thừa nói có 4 thứ thụ ký. Đó là chưa phát tâm Bồ-đề thụ ký, cùng phát tâm Bồ-đề thụ ký, ẩn kín thụ ký, và hiện tiền thụ ký.

Trong đó chưa phát tâm Bồ-đề thụ ký, là người đó lợi căn và có lòng tin tăng thượng. Chư Phật Thế Tôn dùng Phật nhãn vô ngại quán sát rồi mà vì người đó thụ ký. Cọng phát tâm Bồ-đề thụ ký, là thiện căn thành thục, gieo giống Bồ-đề, trước đã tu tập, căn cơ mạnh mẽ linh lợi được hạnh tăng thượng, chỉ muốn giải thoát các chúng sinh nên ngay khi phát tâm là vào bậc không thoái chuyển, không có pháp đọa lạc, lìa 8 bất nhàn ( tức 8 nạn ). Người này hoặc nghe tự thụ ký, đối với 6 Ba-la-mật không phát tinh tiến, nếu như không nghe thì lại phát tinh tiến. Để cho không nghe là muốn cho người khác nghe sự thụ ký đó mà đoạn dứt tâm nghi, nên Phật dùng oai thần ẩn kín thụ ký. Nếu Bồ-tát thành thục 5 căn xuất thế, được vô sinh nhẫn, trụ Bồ-tát Bất động địa thì liền hiện tiền thụ ký. Đó là 4 thứ thụ ký.

Bồ-tát ấy được chắc chắn vô sinh nhẫn rồi, nên chư Phật Thế Tôn hiện tiền thụ ký.

Lại nữa còn riêng có mật ý thụ ký là thụ ký thứ 5. Như Kinh Pháp Hoa nói:

Chúng con đều tùy hỷ,

Đại Tiên mật ý nói,

Như Thánh giả thụ ký

Vô úy Xá-lợi-phất.

Chúng con cũng sẽ được,

Thành Phật, đời vô thượng.

Lại dùng lời mật ý,

Nói chính giác vô thượng.

Vì ý nghĩa gì nói biệt ngữ thụ ký này? Có luận sư nói là để khiến cho người chưa quyết định vào Thanh văn thừa phát tâm Bồđề. Hoặc là các sơ nghiệp Bồ-tát đã phát tâm Bồ-đề mà còn sợ khổ lưu chuyển muốn diệt độ nơi Niết-bàn của Thanh Vắn thừa, để làm cho tâm Bồ-đề bền vững kiên cố.

Lại nữa, có các Bồ-tát ở cõi Phật khác hội họp nơi đây, đến khi thụ ký dùng tên tương tự vì chúng thụ ký. Cho nên các sư phân biệt như vậy mà có biệt ngữ thụ ký. Trong đó thật nghĩa chỉ có Phật Thế Tôn mới biết.

Bồ-tát cho đến được

Chư Phật hiện tiền trụ,

Kiên cố Tam-ma-đề,

Không nên khởi phóng dật.

Chư Phật hiện tiền, tam-ma-đề được rồi mà trụ, nghĩa là hiện tại chư Phật hiện ra trước trụ nơi Tam-ma-đề. Tam-ma-đề là bình đẳng trụ, cho nên Bồ-tát cho đến khi chưa được Tam-ma-đề này, trong khoảng thời gian đó không nên phóng dật. Vì chưa được tam-ma-đề, Bồ-tát còn đọa ác thú vì chưa lìa bất nhàn. Cho nên để được Tamma-đề này không nên phóng dật. Nếu được Tam-ma-đề, các sợ hãi kia đều được giải thoát.

Tam-ma-đề này có 3 thứ: sắc phan duyên, pháp phan duyên và không phan duyên. Trong đó nếu phan duyên thân Như Lai hình sắc tướng hảo trang nghiêm mà niệm Phật, là sắc phan duyên Tamma-đề. Nếu phan duyên 10 danh hiệu thân, 10 lực, vô úy, bất cọng hật pháp v.v… vô lượng sắc loại công đức của Phật mà niệm Phật, là pháp phan duyên Tam-ma-đề. Nếu không phan duyên sắc, không phan duyên pháp, cũng không tác ý niệm Phật, cũng không sở đắc, xa lìa các tướng không Tam-ma-đề, là không phan duyên Tam-mađề. Trong đó Bồ-tát sơ phát tâm được sắc phan duyên Tam-ma-đề, đã nhập hạnh là pháp phan duyên, được vô sinh nhẫn là không phan duyên. Tất cả đây gọi là được quyết định vì tự tại.

Chư Phật hiện tiền trụ,

Kiên cố Tam-ma-đề.

Đó là cha Bồ-tát.

Đại bi nhẫn là mẹ.

Đây nói 3 thứ hiện tại Phật hiện tiền trụ Tam-ma-đề, thâu nhiếp công đức các Bồ-tát và công đức chư Phật, cho nên nói là cha các Bồ-tát. Đại bi, là trong lưu chuyển sinh tử không sinh mệt mỏi. Lại bảo hộ không cho sa vào chỗ hiểm nghèo của Thanh Văn Độc Giác địa, cho nên nói là mẹ. Nhẫn, nghĩa là Bồ-tát được nhẫn thì đối với các khổ lưu chuyển và trong các chúng sinh ác không chán nản vì lưu chuyển, không bỏ chúng sinh và Bồ-đề. Bởi không sinh chán nản cho nên nhẫn này cũng là mẹ các Bồ-tát. Lại có kệ khác nói:

Lấy trí tuệ làm mẹ,

Lấy phương tiện làm cha,

Vì sinh và gìn giữ,

Nên nói là cha mẹ.

Bởi Bát-nhã Ba-la-mật sinh các pháp Bồ-tát nên Phật nói Bátnhã Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát. Các pháp Bồ-tátvtừ Bát-nhã Ba-lamật sinh ra rồi, được phướng tiện khéo léo gìn giữ không cho hướng tới bờ nguy hiểm của Thanh Văn Độc Giác địa, lấy đó gìn giữ Bồ-đề cho nên nói phương tiện khéo léo là cha của Bồ-tát.

Hỏi: Bồ-tát phải bao nhiêu phúc mới có thể được Bồ-đề?

Đáp:

Tích chứa phúc từng chút,

Không thể được Bồ-đề.

Phúc như trăm Tu-di,

Dồn lại thì mới được.

Bồ-đề, là trí Nhất thiết trí. Trí đó bằng với những gì phải biết. Những gì phải biết bằng với hư không. Hư không không giới hạn nên những gì phải biết cũng không giới hạn. Đem cái phúc có giới hạn không thể đạt được cái trí không giới hạn. Cho nên tích chứa phúc từng chút không thể được Bồ-đề.

Làm sao được phúc đến trăm Tu-di?

Tụ tập mới có thể được.

( QUYỂN 3 HẾT )

Pages: 1 2 3 4 5 6