Thư trả lời cư sĩ Giang Đức Mậu
Đọc thư của anh ông, biết ông ta học Phật là vì muốn thành một vị đại thông gia, chứ chẳng phải vì muốn tìm kế liễu sanh tử! Vì sao biết? Nếu vì liễu sanh tử thì mẹ ruột vốn là người một lòng tin tưởng niệm Phật, tuổi đã sắp tàn, sao chẳng đem pháp này khuyên cụ? Đến khi cụ lâm chung, vẫn chỉ cầu Bồ Tát chứ chẳng chịu thỉnh người trợ niệm, cho rằng [làm như vậy] sẽ khiến người đời kinh hãi! Ý niệm ấy thật đáng nực cười! Nếu sợ thỉnh Tăng [trợ niệm] sẽ khiến cho kẻ phàm tục kinh hãi, sao chính mình chẳng cùng với gia quyến đều niệm? May mắn là ông ta có tấm lòng chân hiếu; [bà cụ] được Bồ Tát gia bị, tỉnh táo muốn ngồi dậy, được thấy Bồ Tát. Lúc ấy ông ta vẫn chẳng biết bảo các quyến thuộc trợ niệm. Đến khi bảo cụ niệm A Di Đà Phật, cụ liền niệm rõ ràng một chữ A thì chính ông ta mới niệm Phật. [Ông ta] chẳng biết lợi ích của trợ niệm đến mức như thế đấy!
May mắn là ông ta nhờ có hiếu tâm thuần thành, chuyên dốc, nên cụ vẫn còn niệm được hơn một trăm chữ A rồi mới tắt hơi. Như vậy là trong tâm cụ chỉ có một niệm A Di Đà Phật, những niệm khác đều chẳng hiện tiền; cho nên cụ được nương theo Phật lực vãng sanh Tây Phương. Vì thế, chỉ riêng trán cụ còn nóng, cánh tay vẫn mềm mại. Có các hiện tượng trước – sau như thế thì cụ được vãng sanh. Do Như Lai thệ nguyện rộng sâu, bà mẹ ông ta sẵn lòng tin tưởng, lại được anh ông một niềm thuần chân, nên mới có được hiệu quả như vậy. Điều đáng tiếc là lúc bình thường trọn chẳng đề xướng, khi lâm chung vẫn chẳng biết trợ niệm, cảnh tượng [cụ mất tốt đẹp như thế] là do may mắn mà đạt được! Nếu vạn nhất chẳng đạt được thì tương lai sẽ luân hồi trong lục đạo, chẳng biết cảnh tượng sẽ ra sao?
Làm phận con, phải nên dùng pháp này để tự hành, lại còn đem pháp này khuyên lơn cha mẹ như thế nào, cũng như đem pháp này khuyên hết thảy mọi người để hết thảy mọi người đều cùng được hưởng lợi ích này. Dùng điều này để giúp cho cha mẹ ta hễ chưa được vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh sẽ tăng cao phẩm sen. Nhưng muốn cho cha mẹ và chính mình cùng sanh về Tây Phương thì hành vi ắt phải chẳng trái nghịch Phật pháp, như giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, hiểu nhân rõ quả. Kẻ làm được như thế thì sống sẽ là học trò của thánh hiền, chết lên bờ cõi Như Lai. Tuy nói “hãi thế kinh nhân” (khiến cho con người trong cả cõi đời kinh hãi), nhưng quả thật chỉ là chứng được cái ta vốn sẵn có! Hãy nên đem lời này nói với anh ông.
Người học Phật tâm thật, hạnh thẳng, hễ trong lòng có ý niệm sợ bị kẻ khác chê cười thì chưa phải là kẻ thật sự tin tưởng Phật pháp (Tôi không nhớ ông đã có đọc bài Khuyến Tu Tịnh Độ Văn rồi hay không?) Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ ước chừng giữa tháng Mười sẽ sắp chữ xong, cuối tháng Mười Một sẽ có thể in ra ba ngàn mấy bộ. Trong một lúc thì không thể hoàn tất một vạn bộ được! In xong một vạn bộ đầu tiên, sẽ in tiếp một vạn bộ nữa, tổng cộng là in hai vạn bộ. Lại còn phải sắp chữ một bản chữ nhỏ theo cỡ Tứ Hiệu Tự in bằng giấy báo để tiện cho các học sinh trong nhà trường có thể mua về đọc. Sách này tập hợp những sự tích cảm ứng trong hai mươi bốn bộ sử, kèm theo lời bình luận của ông Hứa Chỉ Tịnh, đáng để vãn hồi thế đạo nhân tâm. Vì thế, Quang chắc tiếc tinh thần sức lực tìm cách truyền bá. Nếu ông muốn có bộ sách ấy, vào đầu tháng Chạp hãy sang chùa Thái Bình hỏi thầy Minh Đạo. Lúc ấy Quang đã diệt tung tích rồi! (Ngày Hai Mươi Bảy, viết dưới đèn)