Thư trả lời cư sĩ Trịnh Huệ Hồng

(thư thứ nhất )

Nhận được thư đầy đủ, chúng sanh đời Mạt Pháp đáng thương đến cùng cực, chẳng biết thơm – thối, chẳng biết tà – chánh, đã không có chánh pháp đến nỗi ai nấy đều theo đạo luyện đan vận khí, lại còn bịa đặt đồn thổi để tự khoe khoang, tự phụ. Ông chưa biết Phật pháp, vừa thấy Văn Sao liền sanh chánh tín, đáng gọi là “đã có thiện căn từ đời trước!” Nay gởi cho ông hai gói Văn Sao, bản ông đã đọc chắc là bản in lần trước, có ít bài hơn bản này. Hai gói An Sĩ Toàn Thư, một gói Gia Ngôn Lục, một gói Niệm Phật Trực Chỉ, một gói Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, một gói Thọ Khang Bảo Giám, một gói Quán Âm Tụng, tổng cộng chín gói, gởi bằng thư bảo đảm. Trước hết, hãy nên đọc kỹ Gia Ngôn Lục thì hết thảy ngờ vực đều bị phá trừ.

Ông nói đến chuyện [yêu cầu Quang] soạn luận để đả phá [những lập luận thiên chấp của] bọn triết học và Lý học; chỉ cần ông có thể chân thật tu trì và hiểu thấu những nghĩa lý trong các sách [nói trên], sẽ tự chẳng bị mê hoặc bởi những tà thuyết của bọn chúng. Nếu công kích họ thì cũng phải có chỗ nương cậy, [bởi lẽ] chẳng những Quang không rảnh rỗi để soạn luận, mà ngay cả phúc đáp thư từ cũng chẳng rảnh rang cho lắm! Năm nay, kết liễu mọi việc xong xuôi sẽ rời khỏi Phổ Đà, không ở chỗ nào nhất định để khỏi phải nhọc nhằn thù tiếp thư từ hòng chuyên tu Tịnh nghiệp. Hiện thời vẫn còn có những sách chưa được in ra, chẳng thể gởi ngay đuợc. Đợi khi sách được in ra, sẽ gởi cho ông mỗi thứ một hai gói để làm căn cứ tự lợi, lợi người.

Ông muốn đến Phổ Đà, xin hãy bỏ tâm niệm ấy đi; chỉ nên lắng lòng nghiên cứu những kinh sách Quang đã gởi, ắt sẽ được lợi ích lớn lao! Ông muốn quy y, chẳng ngại gì đặt pháp danh cho ông từ xa. Ông hãy lễ Phật kiền thành nhận lãnh! Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Hồng, nghĩa là: Dùng pháp môn Tịnh Độ là lò luyện trí huệ lớn lao để mong cùng lên được bờ giác. Nhưng người học Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, trừ sạch rượu thịt, lại còn sanh lòng tin phát nguyện niệm danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem dạy người khác. Trong là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, ngoài là thân thích, xóm giềng, những người quen biết, đều nên đem những chuyện trên đây để bảo với họ.

Lại còn phải cực lực đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình, nhưng đối với giáo dục gia đình lại cần phải chú trọng nhân quả báo ứng. Lại hãy nên chú trọng dạy dỗ con gái. Muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm mà bỏ hai đường lối này, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền đều cùng xuất hiện trong cõi đời cũng chẳng biết làm sao! Ông chỉ nên chí thành khẩn thiết niệm Phật thì lợi ích ấy sẽ chẳng thể nào suy lường bằng phàm tình được! Khi chín gói sách ấy được gởi đến, xin hãy gởi một mảnh thư [báo đã nhận được]. Ngoài ra, chẳng cần phải gởi thư [gì khác] nữa để đôi bên khỏi phải nhọc lòng!

(thư thứ hai)

Hôm qua viết một lá thư, chắc ông đã nhận được chín gói kinh sách rồi. Quang nghĩ: Phật pháp chẳng dễ lưu thông ở quý xứ; do vậy hôm nay thỉnh cho ông mười mấy thứ kinh sách, đem gởi bằng thư bảo đảm. Chỉ mong ông phát tâm chân thật, tự hành, dạy người. Dẫu Quang phải bỏ tiền hương kính do mọi người cúng dường ra [để làm chi phí gởi sách cho ông] cũng vẫn vui vẻ làm. Nếu ông hờ hững bỏ xó thì chẳng những đã phụ lòng Quang mà sợ rằng còn phụ lòng những người đã biếu tiền hương kính cho Quang vậy!

Ông đừng dấy lên ý nghĩ đến Phổ Đà gặp Quang và muốn xuất gia trong tương lai, do Quang đã quyết định trong năm sau sẽ vân du Nam – Bắc, không ở chỗ nào nhất định. Nhưng trong hiện thời Tăng chúng gặp nguy hiểm muôn vàn, hai giới chánh khách và giáo dục chuyên muốn đuổi Tăng, chiếm đoạt tài sản để lèn cho đầy túi. Nếu xuất gia tức là đã bỏ con đường sống để tìm đường chết! Nếu ông có thể dựa theo những điều Văn Sao đã nói để tu trì thì ngay trong thương trường cũng rất dễ tu hành. Tùy phần, tùy sức hóa độ hết thảy, quả thật là chuyện hữu ích nhất. Nếu muốn bỏ buôn bán để chuyên tu thì sẽ thiếu sót lớn lao nơi những chuyện luân thường như thờ cha mẹ, dạy con cái v.v…

(thư thứ ba)

Hai lá thư gởi vào mùa Đông năm ngoái và mùa Xuân năm nay đều nhận được. Những chuyện ông đã nói trong lá thư mùa Đông năm ngoái đều không sai, nhưng chỉnh đốn Tăng-già, khôi phục lệ thi cử để tuyển Tăng, vàn muôn phần chẳng thể làm được! Bọn ngoại đạo đều giả mượn cái danh Phật pháp, nhưng đều hèn kém chẳng kham. Nếu đúng là người được gặp gỡ Phật pháp, hiểu rõ đại ý, há bọn chúng có thể dẫn dụ được ư? Những kẻ bị [bọn ngoại đạo] dẫn dụ đều là hạng vô tri vô thức! Cha ông dụng tâm nghiên cứu kinh điển Nho gia nhiều năm, tiếc là chưa gặp được Phật pháp, vẫn bị nhốt chặt bởi Trình – Châu, nay cụ đã không coi lời Quang là sai, đã thoát ra khỏi chỗ nhốt kín để có thể làm sứ giả cho Nho – Thích nhị thánh.

Ngoại đạo đều coi luyện đan vận khí là đạo, chương trình truyền đạo do bọn chúng lập ra đã hoàn toàn phô bày hết những sự hèn tệ của đạo ấy! Tiếc cho người đời vô tri cứ ngược ngạo vì lẽ ấy mà tranh nhau nhập đạo giống như ruồi bu theo mùi tanh, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa, thật đáng buồn xót! (Nói “phô bày hết những thói hèn tệ” chính là nói bọn chúng đều giữ cách bí truyền và đạo “sáu tai chẳng truyền”[1]. Muốn vào đạo của chúng trước hết phải thề thốt “hễ phản đạo sẽ phải hứng chịu những ác báo” v.v…) Những thứ tà giáo ấy trọn khắp thế giới. Chân pháp đã sáng tỏ thì bọn chúng sẽ tự chẳng có thế lực lớn lao, chẳng còn lừng lẫy được nữa!

Pháp Niệm Phật hết sức ổn thỏa, thích đáng, hạng trí huệ nhỏ nhoi thường bỏ Phật lực để tu pháp cậy vào tự lực; nếu chẳng ngu thì cũng là cuồng, không cách nào cứu vãn được! Chúng ta chỉ nên tin sâu Phật pháp, giữ vững tông chỉ Tịnh tông thì sẽ chẳng đến nỗi bị lôi cuốn gia nhập ngoại đạo và tưởng những gì ý mình hiểu biết rõ ràng là đích thân chứng đắc. Gần đây, có những kẻ cao minh dụng công chân thật thiết tha nhưng lại ngả theo những tri kiến lệch lạc, lầm lẫn, kiêu căng, ngạo mạn, coi thường kẻ niệm Phật cũng chẳng ít. Bọn họ đều do chẳng tự lượng, lầm lạc coi những gì chính mình có thể hiểu được là chứng đắc. Họ đâu biết: Chén bát chưa nung, gặp mưa liền hóa thành bụi đất!

Trong khoảng tháng Tám, tháng Chín năm nay, in sách xong xuôi, Quang sẽ diệt tung tích, ẩn náu lâu dài. Thời khắc này không nói thì sau này làm sao nói được? Cha ông muốn một hai năm nữa tới Chiết Giang gặp Quang, xin cụ hãy nương theo Văn Sao, Gia Ngôn Lục để tu trì, lại còn nương theo đó để đề xướng, ngõ hầu người nơi quý địa đều cùng được nhuần gội sự giáo hóa của Phật thì sẽ là đệ tử đức Di Đà, là bạn lành của Đại Sĩ. Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, chẳng gặp mặt đâu phải áy náy gì? Dẫu Quang chẳng diệt tung tích thì trong thời cuộc chẳng yên ổn này, sao lại phí nhiều tiền tàu xe, nếm chịu đau khổ vô ích để chỉ gặp mặt Quang ư?

Lệnh biểu huynh[2] là Đỉnh Tài đã muốn quy y thì sẽ đặt pháp danh cho ông ta. Lại gởi cho ông ta một lá thư, xin hãy chuyển giùm. Nay gởi cho ông Văn Sao, Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Hiện Báo Lục, Quán Âm Tụng, Âm Chất Văn Chú Chứng[3], Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Kim Cang Kinh (ảnh chụp được kẹp trong ấy), mỗi thứ một gói. Xin hãy chia ra tặng. Lời tựa “ngầm tiêu kiếp vận” đã được thấy trong bài tựa rộng nêu đại ý, không cần phải gởi nữa. Do chuyện in sách, hằng ngày Quang chẳng được rảnh rỗi, huống chi lại muốn trong nửa năm nay sẽ hoàn tất hết thảy thủ tục [ấn loát]. Nếu không, trong tháng Chín sẽ chẳng thể giải quyết xong xuôi được!

[Trong những tác phẩm giảng về] những ý chánh yếu của kinh Lăng Nghiêm thì nên coi sách Lăng Nghiêm Văn Cú là bậc nhất, còn giải thích kinh văn thì nên coi sách Lăng Nghiêm Chỉ Chưởng[4] là bậc nhất. Giải thích ý nghĩa chánh yếu của kinh Pháp Hoa thì sách [Pháp Hoa] Hội Nghĩa[5] hay nhất, giải thích kinh văn bậc nhất thì cũng là [Pháp Hoa] Chỉ Chưởng[6]. Bốn bộ này đều phải tốn đến mười mấy đồng, viết ra ở đây để sau này ông muốn thỉnh sẽ biết rõ. Hiện thời cần phải chuyên tu Tịnh nghiệp bởi thời cuộc chẳng yên, không cậy vào sức niệm Phật, niệm Quán Âm, quyết khó thể có được chỗ để nương tựa! Hãy nên đem lời này thưa với cha và biểu huynh của ông cũng như hết thảy mọi người.

(thư thứ tư)

Thư ông gởi trong tháng Bảy do không có chuyện gì quan trọng nên tôi chẳng trả lời ngay. Người học đạo hãy nên dựa theo Lý để phán đoán, há cần phải mỗi một điều đều đem hỏi người khác rồi mới nên làm hay chăng? Quang ẩn dật lâu dài là vì tinh thần chẳng đủ. Nói đến chuyện chỉ dạy thì tôi vẫn tự có phương cách. Cách gần gũi nhất là đem các bản in sách giao cho Thế Giới Cư Sĩ Lâm, bảo họ lưu thông để làm kế lâu dài.

Huệ Hòa tin tưởng ngoại đạo, tiếc cho ông ta túc nghiệp sâu nặng đến nỗi tà – chánh chẳng phân, vàng – thau không biết chọn, quý mắt cá như minh châu, muốn coi nó như của báu muôn đời chẳng đổi, chẳng biết nó chẳng đáng một đồng! Sở đắc của bọn ngoại đạo là trộm cắp những lời trong tam giáo Nho – Thích – Đạo, bịa đặt dựng chuyện để làm cội nguồn cho đạo giáo của chúng [rồi tự phụ] “đạo do chính ta sở đắc”, chẳng đáng buồn ư?

Niệm Phật lúc đầu thân thiết như người nghèo được ăn vị ngon, chẳng biết thơm ngon đến ngần nào; tới chừng ăn đã lâu rồi cũng cảm thấy bình thường không có gì lạ lùng cả, nhưng chẳng coi vị bình thường, đạm bạc ấy là sai thì lâu ngày ắt sẽ có lợi ích tăng tấn. Vì thế không cần phải cảm thấy thiếu sót do lẽ ấy.

Mừng – giận, buồn – vui chưa phát, chẳng nghĩ lành, chẳng nghĩ ác tựa hồ giống hệt như nhau, nhưng Lục Tổ nói: “Đúng ngay trong lúc ấy, thế nào là bản lai diện mục của Thượng Tọa?”[7] Sao ông chẳng chú ý vào chỗ này? Do có câu nói ấy [của Lục Tổ] nên có sự khác biệt lớn với ý nghĩa của Trung Dung được nói xuông trong sách Trung Dung[8]. Sách ấy (tức Trung Dung) chỉ có thể khiến cho người ta biết được đạo lý, còn câu nói này của Lục Tổ khiến cho con người đích thân thấy được cái sẵn có. Ông đừng chăm chú nơi “niệm mà chẳng niệm, không niệm mà niệm”! Cảnh ấy chính là chỗ thực hiện của bậc đã đạt đến cảnh giới cùng cực. Nếu chưa đạt đến cảnh giới cùng cực [mà cứ bám vào “niệm mà chẳng niệm, không niệm mà niệm”], ắt sẽ trở thành lười nhác! Tham cứu câu “niệm Phật là ai” vừa có lợi ích mà cũng có khuyết điểm! Chỗ hãy nên dốc sức chính là thành thật, chuyên nhất, dốc lòng.

Nếu xen tạp Thiền cơ, hễ hơi có kiến xứ thì do căn cơ nông cạn, chúng sanh sẽ coi pháp [Tịnh Độ] này là hèn kém nhất, coi pháp kia (Thiền) là tối thắng. Mùa Xuân năm Dân Quốc 13 (1924), vợ ông Địch Sở Thanh mắc phải thói tệ này. Mãi cho đến ngày nay, Sở Thanh vẫn giữ thuyết ấy, chẳng chịu sửa đổi chút nào. Một đệ tử ở Giang Tây là Long Tùng Sanh đối với Thiền có chỗ hơi hiểu, ngộ [rồi cũng miệt thị Tịnh Độ], Quang cực lực quở trách, nhưng ông ta vẫn chẳng chịu nghe. Xem sắc diện chừng như ông ta bị ma dựa. Nghe lời ông ta nói, đúng là “muốn nối tiếp huệ mạng của chư Tổ”.

Ông ở nhằm nơi ngoại đạo lừng lẫy; nếu chẳng dựa theo sự thật để tu tập, chắc cũng sẽ trở thành cái cớ cho bọn tà ma, ngoại đạo bêu riếu. Ông muốn khai ngộ, há cần phải dùng đến công phu tham cứu? Chỉ cần niệm đến chỗ “niệm cực, tình vong”, sẽ tự được khai ngộ. Nếu không ngộ, cũng chẳng trở ngại gì. Cần biết rằng: Hễ có tín nguyện thì chẳng ngộ vẫn được vãng sanh. Đắc ngộ mà không có tín nguyện thì vẫn luân hồi trong lục đạo! Ông muốn bỏ con đường bằng phẳng để đi theo đường hiểm trở mà vẫn mong được gọi “người hiểu biết pháp môn Tịnh Độ” ư?

Quang hiện thời đang sắp chữ bộ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ do ông Hứa Chỉ Tịnh biên tập; đợi khi sắp chữ xong sẽ ẩn dật. Nếu sách ấy in ra sẽ bảo thầy Minh Đạo thay tôi gởi cho ông một hai gói. Sách ấy có quan hệ lớn lao đối với thế đạo nhân tâm. Tôi sẽ sắp chữ thành hai loại: Một là sách in với cỡ chữ Tam Hiệu Tự, bản thứ hai với cỡ chữ Tứ Hiệu Tự dùng giấy báo để in. Hiện thời bản thứ nhất đã sắp chữ xong, cho in ngay hai vạn bộ. Sau này, có người phát tâm thì sẽ có thể cuồn cuộn in tặng và gởi bán vậy.

(thư thứ năm)

Thư của ông và thư của thầy Minh Đạo tôi đều đã đọc rồi. Thư gởi cho vị Tăng ở Tự Châu hay lắm. Pháp sư Ngọc Phong thiên chấp quá sức! Cuốn [Niệm Phật] Tứ Đại Yếu Quyết của Sư quả thật là lầm lẫn, nhưng nhiều người coi đó là quan trọng, hay tuyệt, cũng do vì thô tâm mà ra. Nếu chẳng quán tưởng thì chẳng tham tịnh cảnh, chẳng cầu nhất tâm; chẳng tham cứu câu “[người niệm Phật] là ai?” cứ thẳng thừng mà niệm thì quả thật là nhiệm vụ trọng yếu! Nhưng chớ nên nói: Những thứ ấy đều là tà! Sư coi cầu nhất tâm là tà, nhưng Sư suốt đời dùng công phu Thập Niệm vào buổi sáng. Trong pháp Thập Niệm có thuyết “nhờ vào hơi thở để ràng buộc tâm khiến cho tâm quy nhất”. Sư tự hành lại tự bài xích, đúng là điều đáng tiếc nuối lớn lao! Do vậy, Quang trọn chẳng nhắc đến Sư vì sợ người khác cũng sẽ bị bệnh thiên chấp ấy.

Còn như “vừa khởi thoại đầu liền rớt vào thoại vĩ”[9], cũng là gia phong của nhà Thiền. Chúng ta tu Tịnh Độ chỉ nên giữ vững tín nguyện trì danh, cầu sanh Tây Phương; chẳng cần phải so sánh với họ rồi hỏi ngược lại. Chỉ nên dùng lòng chí thành, cung kính khiến cho tâm này không ràng buộc nơi niệm nào khác. Đấy chính là nghĩa trọng yếu. Có đọc hay không đọc Đại Tạng Kinh đều chẳng có gì là không được! Bởi lẽ, tu pháp môn đỡ tốn sức này sẽ chẳng đến nỗi phải than thở xuông “muốn liễu sanh tử nhưng không tìm được pháp nào!” Ông nay trên có cha mẹ, dưới có vợ con, lại còn đang buôn bán, là chỗ nương cậy cho cả nhà; há nên lầm lạc mong bế quan?

Vợ ông là Tú Anh đã phát tín tâm, muốn xin quy y, nay đặt pháp danh cho cô ta là Huệ Anh, nghĩa là: Chuyên dốc chí tu trì sẽ trở thành bậc anh thư mạnh mẽ trong nữ giới. Xin hãy nói với cô ta về đạo “hiếu thảo với cha mẹ, giúp chồng chăm sóc gia đình, dạy dỗ con để tất cả con cái đều được un đúc, giáo huấn, trở thành hiền thiện”; đấy thật sự là đạo căn bản để gia đình hưng thịnh, nước nhà bình trị vậy! Hơn nữa, bất luận Quang ở tại chỗ nào đều chẳng cần phải gởi thư, bởi đã có các sách như Văn Sao, Gia Ngôn Lục v.v… thì chẳng cần phải hỏi han phương pháp tu trì nữa! Nếu muốn làm một vị đại thông gia thì hằng ngày thưa hỏi vẫn chẳng thấm vào đâu! Ông đã một mực chẳng muốn làm một vị đại thông gia thì tôi trộm cho rằng “chẳng còn gì phải tiếc nuối, băn khoăn cả!”

Trần Vinh Quang gần đây cũng có gởi thư đến, nhưng do bận bịu, không rảnh rỗi để phúc đáp. Ông ta đã phát tâm, nay đặt pháp danh cho ông ta là Huệ Chương, nghĩa là: Nếu không có trí huệ sẽ lõa lồ, hèn hạ khó chịu đựng nổi. Nếu có trí huệ, sẽ như khoác long bào, có oai đáng nể, có vẻ nghiêm nghị đáng trọng. Cùng là một người mà khác biệt một trời một vực. Do vậy, người biết Phật pháp sẽ đáng tôn đáng quý, huống là [hiểu biết, tu tập] pháp môn Tịnh Độ ư? Cha ông tuổi đã cao, hãy nên khuyên cụ tận lực tu trì thì may mắn lắm thay! (ngày mồng Mười tháng Chạp)

***

[1] Ý nói chẳng kể lại cho người thứ ba nghe những gì đã được truyền dạy giữa thầy và trò.

[2] Biểu huynh: Anh họ thuộc về bên ngoại, tức con của cậu hay dì.

[3] Âm Chất Văn Chú Chứng là tác phẩm chú giải bài Âm Chất Văn và dẫn chứng nhiều câu chuyện để minh thị những ý nghĩa được giảng giải trong Âm Chất Văn, do Phùng Khuyến soạn vào năm Quang Tự 20 (1894). Tên gọi đầy đủ là Tử Đồng Đế Quân Âm Chất Văn Chú Chứng Tân Biên.

[4] Trong Vạn Tục Tạng, tập 24, có đến ba bản Chỉ Chưởng: Lăng Nghiêm Kinh Chỉ Chưởng Sớ Huyền Thị, Lăng Nghiêm Kinh Chỉ Chưởng Sớ, Lăng Nghiêm Chỉ Chưởng Sớ Huyền Nghĩa đều do pháp sư Thông Lý soạn vào đời Thanh. Có lẽ bản Chỉ Chưởng được Tổ nói ở đây chính là Lăng Nghiêm Kinh Chỉ Chưởng Sớ.

[5] Lăng Nghiêm Văn Cú là tác phẩm chú giải kinh Lăng Nghiêm gồm 10 quyển của Ngẫu Ích đại sư. Bộ Pháp Hoa Hội Nghĩa 7 quyển cũng do Ngẫu Ích đại sư soạn. Cả hai bộ này đều được đưa vào Ngẫu Ích Đại Sư Toàn Tập.

[6] Đây là bộ Pháp Hoa Kinh Chỉ Chưởng Sớ (7 quyển) cũng do ngài Thông Lý soạn.

[7] Theo Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Hành Do, sau khi ấn chứng và truyền y bát cho tổ Huệ Năng, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng hãy về phương Nam truyền pháp. Nghe tin, đồ chúng đuổi theo toan đoạt lại y bát. Thượng tọa Huệ Minh chạy trước, gần đuổi kịp Huệ Năng, Huệ Năng bèn đặt y bát trên gộp đá, nói: “Y này nhằm để làm tin, há có thể dùng sức để giành được ư?” Rồi ẩn trong lùm cỏ. Huệ Minh chạy tới nơi, giở lên không được, bèn kêu to: “Hành giả! Tôi vì pháp mà đến, chứ không phải vì y”. Huệ Năng liền bước ra, ngồi xếp bằng trên đá. Huệ Minh làm lễ, thưa: “Xin hành giả thuyết pháp cho tôi”. Tổ Huệ Năng nói: “Ông đã vì pháp mà đến, hãy dứt bặt các duyên, đừng sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói”. Một lúc lâu sau, Huệ Năng dạy: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay trong lúc ấy, thế nào là bản lai diện mục của Thượng Tọa?” Huệ Minh liền ngộ ngay trong lúc ấy.

[8] Đạo Trung Dung được nói đến trong Nho Gia là không thái quá, không bất cập, tức là chỉ cốt sao giữ cho được chừng mực, vừa phải, vẫn thuộc vào cách đối xử trong pháp thế gian. Sách Trung Dung chỉ giảng giải đạo này, chứ không chỉ rõ cách thực hiện nên gọi là “nói xuông”; còn câu nói của Lục Tổ chỉ thẳng vào chân tâm bản tánh vượt khỏi nhị nguyên đối đãi, siêu việt pháp thế gian lẫn xuất thế gian.

[9] Thoại đầu là một câu nói dùng để tham cứu trong nhà Thiền, chẳng hạn “con chó có Phật tánh hay không?” hoặc chỉ gồm một chữ như chữ Vô. Nếu tham thoại đầu mà không hiểu rõ cách tham cứu, đâm ra chấp chặt vào câu thoại đầu, gây thành chướng ngại nên mới nói “vừa khởi thoại đầu liền rớt vào thoại vĩ”.