Thư trả lời cư sĩ Chương Đạo Sanh

(thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết ông phát tâm dũng mãnh, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Chỉ nên chuyên chú lấy “suốt đời ăn chay, nhất tâm niệm Phật” làm hành vi duy nhất không hai, quyết chẳng còn sửa đổi. Không ăn dầu muối ư? Bất tất phải như thế! Trong những cấm chế do đức Phật lập ra, không nói đến chuyện này, còn ngoại đạo chắc có. Chỉ tùy duyên là được rồi, mặn – nhạt trọn chẳng phân biệt. Chẳng “vì nhạt mà sanh lòng hiềm, hễ mặn lại đâm ghét” thì chính là pháp môn giải thoát.

Niệm Phật phải phát chí thành tâm, thâm tín tâm, hồi hướng phát nguyện tâm (nghĩa là đem công đức niệm Phật của chính mình hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới đều cùng được vãng sanh Tây Phương). Nếu có những tâm ấy, công đức sẽ vô lượng. Nếu chỉ vì một người mà niệm thì tâm lượng nhỏ hẹp, công đức cũng nhỏ hẹp! Ví như [thắp] một ngọn đèn thì chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn. Nếu chịu xoay vần thắp cho những ngọn đèn khác thì ánh sáng của trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số ngọn đèn sẽ chẳng thể nào thí dụ được; thế nhưng ánh sáng của ngọn đèn ban đầu cố nhiên chẳng bị hao tổn gì! Người đời chẳng biết nghĩa này nên chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng muốn cho người khác hưởng lợi ích ấy.

Lao ngục chính là đạo tràng ép người thoát khổ. Nếu ông không vào nhà tù ấy, sợ rằng hằng ngày sẽ theo đuổi thanh, sắc, vật chất, lợi lộc, còn tâm tánh sẵn có của chính mình lại bỏ mặc, chẳng buồn hỏi tới! Nay ông may mắn có được khoảng thời gian mười bốn năm dài chẳng phải dính líu đến hết thảy chuyện nhà hay chuyện trong xã hội, chuyên nhất tu đạo. Đến khi hết kỳ hạn, ra khỏi nhà tù thì tuy [bề ngoài] vẫn là con người cũ nhưng [thực chất] đã không phải là con người cũ nữa, sẽ có thể thực hiện sự chỉ dạy rộng lớn, khiến cho quyến thuộc của chính mình và thân thích, bằng hữu đều cùng được gội pháp trạch, quả thật là may mắn không chi lớn bằng!

Ở trong ngục cũng chẳng cần phải xem nhiều. Hãy đọc kỹ càng những sách do Quang đã gởi hai lần trong năm ngoái và gởi một lần trong năm nay, y theo đó để hành thì đã dư thừa lắm rồi! Nếu nhiều sách, tâm sẽ chia thành ngõ rẽ, đến nỗi chẳng được lợi ích. Hiểu nhân, rõ quả, ăn chay, niệm Phật chính là nghĩa trọng yếu để tự lợi, lợi tha. Cần phải hành xử theo đúng địa vị, chẳng oán, chẳng hờn, thì mới thật sự đạt được lợi ích nơi Phật pháp. Xin hãy thường gắng sức thì may mắn lắm thay!

Người đời bệnh khổ phần nhiều do sát nghiệp trong đời trước cảm vời. Bất luận là bệnh gì, nếu có thể khẩn thiết, chí thành niệm Nam Mô A Di Đà Phật và thánh hiệu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, chắc chắn sẽ tiêu trừ túc nghiệp, tăng trưởng thiện căn, bệnh sẽ tự lành. Dẫu đã hết tuổi thọ thì chết đi sẽ sanh trong đường lành, chẳng đến nỗi đọa lạc. Nếu biết pháp môn Tịnh Độ, có chân tín nguyện thì còn có thể vãng sanh Tây Phương liễu sanh thoát tử; nhưng người đời chẳng biết lý sâu, hãy nên dùng những chuyện thật để bảo ban trước!

Con ông Phương Văn Niên ở Cữu Thự Phương (địa danh) thuộc huyện Trấn Hải, tên là Tử Trọng, vào năm trước, tròn mười chín tuổi, bị ung nhọt trong ruột, [thầy lang] Trung Y không trị được, [bác sĩ] Tây Y nói: “Nếu không mổ sẽ chẳng trị được!” Cha mẹ anh ta không chịu, liền chẳng trị. Bà mẹ là người thông văn lý, do đọc Ấn Quang Văn Sao liền ăn chay niệm Phật, cả nhà lớn nhỏ kể cả đầy tớ đều thường ăn chay; chỉ có Văn Niên là vẫn chưa hoàn toàn ăn chay, nhưng đã giảm bớt ăn mặn rất nhiều. Bà mẹ cùng một u già (bà này cực hiền, sống trong nhà họ Phương đã mấy chục năm, con bà cũng khá giả. Có đứa cháu mời về nhà sống, bà bảo ‘muốn cùng với bà chủ tu hành’, chẳng chịu trở về. Bà chủ cũng chẳng coi bà này như u già mà xem như bạn bè) liều mạng niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và niệm kinh Kim Cang. Ba ngày sau [khối ung trong ruột Tử Trọng] tự vỡ, máu mủ theo đại tiện thoát hết ra ngoài, năm ngày sau hoàn toàn lành mạnh. Chí thành niệm Phật tụng kinh tiêu trừ túc nghiệp, có chuyện như vậy đó! Người đời chỉ biết tạo nghiệp, chẳng biết cách tiêu nghiệp, đáng thương quá!

Thêm nữa, ông Từ Úy Như quê ở Hải Diêm (ông này luôn sống ở kinh đô) do [dụng công] học rộng nên trong người bị hao tổn, bị bệnh thoát giang[1] đã hai năm mấy. Thường sau khi đại tiện phải nằm một khắc, đợi cho nó tự rút lên thì mới dám cử động. Tháng Giêng năm Dân Quốc thứ tám (1919), sau khi đại tiện, có chuyện cần thiết chẳng thể trì hoãn được, liền ngồi xe ra khỏi cửa; do bị ma sát, đoạn ruột ấy vĩnh viễn không rút lên được nữa. Suốt bảy ngày đêm đau đớn như kim đâm, không một khắc nào tạm ngừng. Suốt bảy ngày đêm không chợp mắt được. Ông ta trước kia tuy niệm Phật nhưng vẫn chẳng giảm nhẹ, bèn phát đại Bồ Đề tâm, nói: “Bệnh này khổ cùng cực, con xin chịu nhiều hơn để nguyện cho tất cả mọi người trong thế gian đừng mắc phải bệnh này” rồi bèn chí thành niệm Phật. Không lâu sau ngủ thiếp đi, tỉnh dậy bệnh đã lành. Từ đấy bệnh hết tận gốc. Ông ta gởi thư báo tin, Quang bảo: “Bệnh ấy vốn do túc nghiệp, do các hạ dùng tâm đại Bồ Đề để tiêu trừ túc nghiệp đó nên bệnh liền dứt tận gốc!”

Nếu biểu huynh của ông biết nghĩa này thì chẳng những bệnh trĩ được lành mà bệnh sanh tử cũng được lành. Nếu không, sẽ sống yên trong nhà hưởng phước, sống say, chết mộng, chẳng bằng ông ngồi tù lại được đại lợi ích. Cảnh không có tự tánh, tổn hại hay lợi ích do con người. Ông tin được lời tôi nói thì lợi ích sẽ khó thể tuyên nói được!

Họa – phước trong thế gian dựa dẫm lẫn nhau, chỉ do con người có khéo dụng tâm hay không mà thôi! Ông do bị tù mà được nghe Phật pháp, đấy chính là may mắn lớn lao trong khi bất hạnh. Hãy nên coi đấy là [cơ hội được] hướng dẫn tốt lành thì tâm càng được thanh tịnh.

Ông vẫn chưa thấu hiểu những điều kinh Kim Cang đã dạy. Kinh dạy: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì kinh này (đây chính là sự lành trong hiện tại) bị người khác khinh rẻ là vì tội nghiệp trong đời trước của người ấy đáng lẽ phải đọa trong ác đạo, nhưng do đời này bị người đời khinh rẻ (nghiệp chuyển theo thiện, cũng thuộc trong đời hiện tại) nên những tội nghiệp trong đời trước liền bị tiêu diệt, sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (đây là chuyện trong vị lai, nghĩa là do đây mà được, đừng tưởng là ngay trong hiện tại sẽ liền được như thế). Thiện nam nữ thọ trì kinh này, đấy chính là điều lành trong đời này. Bị người khác khinh rẻ là do nghiệp trong đời trước. Nhưng do bị người khác khinh rẻ mà tiêu diệt được những ác nghiệp trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, lại còn sẽ đắc Phật Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ấy chính là dùng thiện nghiệp để chuyển ác nghiệp, khiến cho quả báo trong đời sau biến thành quả báo trong đời này, báo nặng chuyển thành báo nhẹ.

Ông tưởng nhà tù là ác đạo thì sai mất rồi! Nhà tù thuở xưa khổ sở chẳng thể nói nổi, nhà tù ngày nay giống như bế quan, đâu có khổ sở gì! Những kẻ không ở trong tù phải bôn ba, bận bịu, những kẻ mưu cầu cơm áo nhưng chẳng được, chẳng biết là bao nhiêu! Nếu tri túc thì nhà giam là tòa nhà hưởng phước (phước đường). Nếu không tri túc, dẫu giàu có vàn muôn, sang quý tột bậc thì vẫn là hằng ngày sống trong địa ngục đó thôi!

Con người sống trong thế gian, dẫu tuổi rất thọ, vẫn là chớp mắt liền qua! Nếu chẳng tự gắng sức thì phần nhiều sẽ đều đọa lạc trong ác đạo. Muốn lại được mang thân người, thật chẳng phải là chuyện dễ dàng. Ông nay có thể biết sai sửa lỗi, tận lực tu Tịnh nghiệp thì vẫn còn thể cách vật (tức là sửa đổi mình, chứ không phải là trừ bỏ những vật bên ngoài), trí tri (đạt đến sự thấy chân chánh không bị lệch lạc cong vạy vì dục vọng, tri kiến tà vạy), sống sẽ dự vào bậc hiền thánh, nghiệp tận tình không, mất sẽ về cõi Cực Lạc. Dẫu chưa thể nghiệp tận tình không, nhưng nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, ắt sẽ có thể nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, như vậy là chẳng phụ đấng sanh thành, chẳng phụ sở học, cũng chẳng phụ một phen lao đao này. Đấy gọi là: “Do họa mà được phước”. Hãy nên phát tâm đại Bồ Đề bất thoái lâu xa thì chắc chắn sẽ đạt được lợi ích lớn lao như trên đã nói. Nếu trọn chẳng có thành kính, chỉ màu mè bề ngoài, mong được người khác khen mình là tu trì chân thật, chứ thật ra hoàn toàn là giả vờ thì sẽ không đạt được lợi ích thật sự nào cả!

Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải được sắp chữ tại [xưởng in của] trại giam Tào Hà Kính vẫn chưa xong (tù nhân sắp chữ khéo léo không thua gì thợ của Thư Cục). Lần này in một vạn bộ Văn Sao ở Hàng Châu, phải đến tháng Mười mới có thể ra sách được! Do trước đó đã in bảy ngàn bộ An Sĩ Toàn Thư, ước chừng sẽ giao sách vào Trung Thu; lại còn in Thọ Khang Bảo Giám một vạn cuốn sẽ phát hành chung với Văn Sao. Tôi sẽ gởi cho ông mỗi thứ một gói. Nay tôi gởi cho ông một gói gồm bảy bộ Quán Âm Tụng, trước kia chắc đã có gởi rồi [hay không] tôi cũng không nhớ nữa. Có dư thì nên tặng cho viên giám đốc nhà giam, hay giám thị, hoặc những người cùng chí hướng có tín tâm, thông văn lý, biết cung kính. Tuy có các sách, vẫn phải lấy niệm Phật, niệm thánh hiệu Quán Âm làm chánh. Chớ nên chỉ đọc rồi không hành thì sẽ giống như nhìn món ăn ngon chẳng có ích gì cho cái bụng rỗng cả!

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thành vì lòng Thành là cái gốc của đạo. Kẻ chẳng thể mở rộng, sanh trưởng đạo đều do ngu si, không có trí huệ. Nếu có thể do lòng Thành mà phát khởi Minh (Minh chính là trí huệ), do Minh mà hiển hiện Thành thì đạo tự được sanh. Thành chính là Minh Đức, Huệ chính là Minh vậy. Huệ lẫn Thành đầy đủ, tức là “minh Minh Đức” (làm tỏa rạng Minh Đức). Minh Minh Đức chính là Thành Minh. Thành thuộc về Tánh Đức, Minh thuộc về Tu Đức. Tánh Đức ai nấy đều sẵn có, nhưng Tu Đức thì có nghịch hay thuận. Nghịch thì đọa lạc, thuận bèn siêu thăng. Thuận đến cùng cực ắt sẽ viên thành Phật đạo. Chúng ta không có sức lực ấy, chỉ thuận theo cái tâm rộng hay hẹp, công phu sâu hay cạn để được các thứ lợi ích mà thôi!

Từ Bổn Mậu đã biết tu trì, sao lại không thể ăn chay trường? Ấy là vì nghĩ thịt ăn ngon lành, chẳng nỡ lòng bỏ vậy! Thử nghĩ tình trạng khổ sở, đau đớn của hết thảy những loài sinh vật khi chúng bị giết, há nỡ lòng nào vì sướng miệng mà ăn chúng hay sao? Nếu như chính thân ta lâm vào cảnh ấy, há có thể yên tâm muốn người ta giết mình để trám đầy bụng miệng họ hay chăng? Đối với đủ mọi thứ tâm hạnh tham ăn tàn nhẫn, chỉ một lời đã bao quát trọn: “Chẳng suy nghĩ!” Nếu suy nghĩ cặn kẽ, sẽ trọn chẳng dám ăn! Oán nghiệp phải do chính mình giải quyết, ông vẫn cứ muốn ăn thịt bọn chúng thì tất cả những nỗi khổ trước khi chưa chết đều chẳng đáng gọi là khổ! Đời này ăn thịt bọn chúng, tương lai ắt sẽ có ngày bị chúng ăn lại, đấy thật đáng gọi là “oán nghiệp khó kết thúc”. Lời ông ta nói tựa hồ có cơ duyên tỉnh ngộ, nhưng vẫn còn muốn ăn thịt thì cái ngộ ấy chỉ là nói xuông. Nói xuông sẽ chẳng có ích lợi mảy may nào đâu! Ví như kể chuyện ăn có cứu được cái đói của ông hay chăng? Không phải là Quang ép người khác ăn chay, chỉ vì điều ông ta mong mỏi và việc ông ta làm hai đằng chẳng phù hợp nên mới tha thiết bảo ban đấy thôi!

Chị và em gái ông đều đã ăn chay trường niệm Phật, tôi nghĩ chắc là do đọc Văn Sao mà ra. Nay sẽ đặt pháp danh cho mỗi người, chị ông là Vân Khanh pháp danh là Huệ Vân, em gái ông là Hạnh Mai pháp danh là Huệ Hạnh. Nếu có thể dùng mây trí huệ để tuôn trận mưa trí huệ thấm nhuần khắp mầm đạo Bồ Đề và nương theo trí huệ để làm chuyện thuộc về bổn phận thế gian lẫn xuất thế gian (chuyện thế gian chính là hiếu, đễ v.v… chuyện xuất thế gian chính là từ thiện, tịnh nghiệp) thì chính là Huệ Hạnh. Nếu có huệ mà không có hạnh thì chẳng gọi là chân huệ. Có hạnh mà không có huệ thì sẽ đâm ra bị đọa lạc. Đấy là ý nghĩa chánh yếu của cái tên đã đặt vậy.

Còn đối với chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giúp chồng dạy con v.v… hãy nên dựa theo những điều đã nói trong Văn Sao để thuật cặn kẽ với bọn họ khiến cho hai người ấy sẽ do đây mà tiến nhập giác đạo thắng diệu của Như Lai thì sống sẽ là bậc thầy khuôn mẫu cho nữ giới, làm bậc mẫu nghi trong chốn khuê các, lúc mất sẽ giã biệt cõi Sa Bà đầy các nỗi khổ để lên cõi Phật thanh tịnh, chẳng uổng cuộc sống này, chẳng phí dịp gặp gỡ này. Xin hãy nói cặn kẽ với họ về ý này thì may mắn lắm thay. Đợi khi Gia Ngôn Lục in ra, sẽ gởi cho mỗi người một cuốn để họ tiện thọ trì.

(thư thứ hai)

Từ Bổn Mậu đã có thể tận lực sám hối túc khiên, trừ sạch đồ mặn tanh tưởi, đúng là chân thật tu trì, sửa lỗi cũ, từ nay hãy tu hành để mong khôi phục nguồn tâm sẵn có. Trần Quốc Phủ phát nguyện suốt đời niệm Phật, tụng kinh, chí ấy tốt đẹp lắm; nhưng cần phải phát cái tâm bất thoái lâu xa, đừng có đầu không đuôi! Nay đặt pháp danh cho Từ Bổn Mậu là Huệ Bổn, nghĩa là lấy trí huệ làm gốc, thì hết thảy những suy nghĩ, lời lẽ, hành vi đều có thể trên hợp với tâm Phật và thiên lý, chẳng đến nỗi vẫn mê muội y như cũ, tạo ác nghiệp, đọa ác đạo. Quốc Phủ pháp danh là Huệ Phủ. Phủ[2] là tiếng xưng hô đẹp đẽ vậy. Nếu có thể thống thiết sửa đổi lỗi trước, tâm giữ chánh niệm, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt lành, làm chuyện tốt đẹp, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tận lực hành những chuyện hiếu, đễ, trung, tín v.v… Lại còn chí thành niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới đúng thật là Huệ Phủ. Nếu không, chỉ là hư danh mà thôi, nào có ích chi?

Cách thức đối trước đức Phật lãnh nhận quy y thì trong Văn Sao đã có nói rồi. Hãy nên dựa theo đó để nói với ông ta. Chuyện thế gian hay xuất thế gian đều lấy chân thành làm gốc, mong hãy thường phản tỉnh, quán sát lỗi mình, ngõ hầu ngày càng tiến đến chỗ cao minh. Kể từ sau khi sắp chữ Văn Sao xong vào năm ngoái, tất cả hết thảy bản thảo thư từ tôi đều nhất loạt chẳng giữ lại để mong đỡ tốn giấy, bớt việc. Thư từ mặc ông giữ lại hay vứt đi, Quang chẳng cần phải bận tâm đến nữa.

(thư thứ ba)

Đã lâu chưa gởi thư, chẳng biết gần đây ông tu trì ra sao. Tôi thường nghĩ đến ông. Nay gởi cho một bộ Văn Sao loại mới in. Bộ này so với bản in năm trước nhiều hơn một trăm trang. Tuy không có văn từ nào nêu tỏ lý tột cùng, nhưng lại có thể tiêu trừ từng điều nghi ngại của kẻ sơ cơ tu Tịnh nghiệp! Lại còn có một cuốn Thọ Khang Bảo Giám, hãy nên vì bọn thiếu niên mà lưu tâm đọc để trong tương lai khi ra khỏi nhà giam trở về nhà, sẽ có cái để làm gốc hòng cứu vớt hết thảy thân thích, xóm giềng [khỏi phải chết vì sắc dục].

Tánh tình ông khá thông minh, mẫn tiệp. Thường có những kẻ thông minh, mẫn tiệp sử dụng tâm tư sai lầm, chẳng những vô ích mà còn gây hại nữa; quả thật là chướng ngại cho nghiên cứu, tu trì! Vào tháng Bảy, tôi qua đất Hỗ, đất Hàng, lẩn quẩn ở đấy hơn hai tháng. Có một chàng tuổi trẻ khá thông minh, nhưng những điều anh ta thưa hỏi đều là những thứ chẳng đáng nên để ý. Thật là nực cười, đáng thương quá!

1) Hỏi: Hết thảy hữu tình đều có Phật tánh, lớn – bé tuy khác, nhưng đều sợ chết như nhau. Phàm là người phóng sanh, trước hết hãy nên chú trọng đến những loài nhỏ bé thì sẽ chẳng trái nghịch với thuyết “[cùng có] Phật tánh, sợ chết giống như nhau”.

[Đáp]: Đã biết là giống nhau, cố nhiên nên tùy phần tùy sức tận lực cứu vớt, sao lại luận trước hay sau? Nếu vẫn giảng diễn thông suốt lý sự “Phật tánh giống như nhau, sợ chết chẳng khác” thì sẽ có lợi ích lớn lao. Cớ sao lại thiên chấp trước – sau?

2) [Hỏi]: Trong nước, trên không, những loài trùng bé tí vô lượng vô biên, theo một hơi thở của con người, chúng sẽ bị hút vào chẳng thể tính được số. [Như vậy thì] nghiệp báo trong tương lai làm sao có lúc kết thúc cho được? Cũng như nói đã biết con người và loài vật tuần hoàn thì xưa nay các bậc đại Nho thông hiểu Phật lý rất nhiều, sao chẳng chế định ra luật nhằm đoạn trừ chuyện sát sanh? Lại nói: “Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai, há nên giết hại, cũng chớ nên dâm dật”; nhưng trong hôn nhân chánh thức, biết đâu cũng là người thân trong đời trước?

[Đáp]: Ba câu hỏi ấy đều phô ra trí thông minh vặt vãnh, lầm lạc tưởng đó là những sự tướng có nghĩa lý hết sức tột cùng. Chẳng những vô ích mà còn gây hại! Vì sao? Chớ nên vì chẳng thể không sát sanh những loài nhỏ tí liền muốn bỏ sạch chuyện phóng sanh những loài thô to! Ví như kẻ thích sạch sẽ, muốn chẳng dính bụi đất, nhưng xét kỹ bên trong thân thể: phân, tiểu, mủ, máu, ngoài thân là hờm (ghét), mồ hôi, tóc, lông, và muỗi, mòng, rận, rệp suốt ngày thường phóng uế trên thân ta. Do vậy nghĩ cái thân này trong – ngoài đều dơ bẩn, xấu xa, trọn chẳng khác gì nhà xí, bèn chẳng thèm sạch sẽ nữa, cứ suốt ngày vui thú trong nhà xí ư?

Còn như anh ta nói những vị quan lại nổi danh xưa nay, sao chẳng đặt ra luật lệ cấm giết hại sanh mạng loài vật, vẫn là chẳng biết pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian có Quyền, có Thật. Dẫu họ biết là thật, nhưng do lòng người chưa thể hoàn toàn quy y theo sự giáo hóa của đức Phật, cố nhiên chẳng dễ gì dựa theo Thật Lý để chế luật được!

[Cũng giống như] do kính tiếc chữ mà thường nói đến giấy, bởi giấy là vật dùng để viết chữ. Tuy chữ có thể viết nơi các chỗ, trên các vật, nhưng rốt cuộc vẫn chẳng nhiều bằng giấy. Vì thế, thường nói “kính tiếc giấy chữ”! Chứ không phải là chữ được viết trên giấy thì tiếc nuối, còn nếu [chữ] không được viết trên giấy thì đều chẳng đáng tiếc! Chữ cố nhiên nên tiếc, nhưng ý nghĩa của chữ lại càng đáng tiếc nhất! Nếu con người chẳng nương theo đạo làm người để hành xử, tức là đã quên mất tám chữ “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”. Con người mà quên mất đi tám chữ ấy có còn đáng gọi là “người” hay chăng? Hãy nên dốc sức vào đấy thì cái gốc lớn lao đã thành lập, dẫu chẳng thể dứt hết những chuyện làm bẩn [chữ viết] trên hết thảy các vật, nhưng [những chữ] bị làm bẩn đã hiếm hoi hẳn đi!

Quân tử xử sự theo đúng địa vị; phàm những gì sức mình không thể làm thấu thì đều chẳng nên viện cớ “do sức không thể làm được” để phá hoại! Biết sức mình chẳng thể làm được bèn đặc biệt dốc sức nơi những gì sức mình làm được thì chính là đại thiện. Kẻ do sức chẳng thể làm nổi bèn đả phá, bài xích những người có sức làm được, bảo họ đừng làm thì chính là đại ác! Kẻ thông minh phần nhiều có thứ tà kiến ấy. Thứ ngôn luận này Quang đã từng hay biết, tiếp xúc chẳng biết là bao nhiêu! Chỉ sợ con người chẳng khéo dụng tâm nên đến nỗi vướng lấy tội lỗi!

Do tôi nghĩ “không chừng ông vướng phải thứ tà kiến ấy, hoặc trong số những người cùng hàng [với ông] mang thứ tà kiến ấy”, nếu Quang chẳng trừ khử sẵn, trong tương lai chắc sẽ đến nỗi tự lầm, lầm người. Vì thế, nói đại lược đầu mối với ông! Đối với những thứ ngôn luận tà kiến vừa được Quang chiết phục ấy, cố nhiên nếu chẳng bỏ công trọn mấy hôm sẽ chẳng thể viết đầy đủ hết được! “Đôn đốc luân thường, khác tận kỷ phận, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành), mười sáu chữ ấy là cái gốc để “sống sẽ dự vào bậc thánh hiền, mất về cõi Cực Lạc”. Nguyện học trò tôi kính cẩn vâng giữ, tận lực thực hiện thì may mắn lắm thay!

Lòng Thành đến cùng cực, đá vàng sẽ nứt! Hơn nữa, “thực ít, hơn dối nhiều, khéo quá chẳng bằng vụng!” Khi ông Hoàng Hàm Chi giữ chức Đài Đạo ở Ninh Ba và Thiệu Hưng, phát tâm ăn chay trường, khuyên mẹ cũng nên ăn chay. Nhưng dọn thức ăn chay ra, bà cụ chỉ ăn cơm không. Hoàng Hàm Chi gởi thư hỏi tôi phải làm theo phương cách nào; Quang dạy ông ta thay mẹ chí thành sám hối để nghiệp tiêu thì cụ sẽ ăn chay được! Chưa đầy một tháng cụ liền ăn chay trường.

Con gái ông Thích Tắc Châu mười chín tuổi, hai mắt mất ánh sáng, đưa tay ngay trước mặt cũng chẳng thấy được, gởi thư đến báo. Khi ấy, ông ta ở tại Tam Thánh Đường trên núi [Phổ Đà], được tin liền vội về nhà, đưa con gái sang ni am ở Hàng Châu. Quang bảo ông ta viết thư cho con gái, khuyên cô ta chí thành niệm thánh hiệu Quán Âm. Chưa đầy một tháng, [cô ta] liền đích thân viết thư báo tin đã lành bệnh. Một phụ nữ từ năm mười sáu tuổi bị bệnh khí đông[3], mỗi ngày ắt lên cơn hai ba lượt, lúc lên cơn, đau đớn gần muốn mất mạng, nay đã năm mươi sáu tuổi, đến xin quy y. Quang dạy bà ta chí thành niệm Quán Âm và cho một phương thuốc, tức toa cai thuốc phiện trong bộ Văn Sao, nhưng không thêm thuốc phiện. Bà ta liền sắc một liều, vừa mới uống lần đầu đã không còn đau nữa. Chữa trị đủ thầy lẫn thuốc suốt bốn mươi mốt năm mà không sao dứt được căn bệnh dai dẳng ấy, nay vừa uống thuốc một lần liền hoàn toàn bình phục! Nếu bà ta không chí thành niệm danh hiệu Bồ Tát há có gặp được phương thuốc này hay chăng?

Ba người này đều là dùng sức ít mà được hiệu quả lớn lao, là vì lòng Thành vậy! Ông than không có cách nào chữa lành căn bệnh dây dưa của mẹ, Quang trách ông sao không dùng niệm Phật để cầu cho mẹ tiêu được nghiệp? Ông liền viết là “đã lễ Phật biết bao lần, vẫn chẳng thấy hiệu nghiệm!” Do vậy tôi mới viết “thực ít, hơn dối nhiều”. Nếu ông thật sự chân thật lễ bái trì tụng như thế mà căn bệnh dây dưa của mẹ ông chẳng lành, Quang sẽ mù mắt, trời đất sẽ đổi ngôi, mặt trời, mặt trăng xoay ngược. Há có lẽ ấy hay chăng?

Quang sợ ông chưa thấu hiểu ý tột cùng của một chữ Thành, nên mới đặt pháp danh cho ông là Huệ Thành, [do chuyện này] liền biết lòng Thành của ông nằm trên ngọn bút chứ không phải ở trong tâm! Nếu ở nơi tâm, trọn chẳng đến nỗi tu trì như thế mà hoàn toàn chẳng được lợi ích gì! Ông muốn sống làm học trò của thánh hiền, mất đi sẽ vào cõi Cực Lạc thì cần phải hoàn toàn đem cái tâm tướng hư giả vứt ra ngoài biển khơi, nghiêm túc tu hành thật sự. Hễ nói được thì phải làm được, hễ làm không được bèn chẳng chịu nói. Được như thế thì tổ tông, cha mẹ của ông đều được rạng mày nở mặt lớn lao. Quang cũng nhờ vào công đức thật hành của ông mà tiêu trừ tội nghiệp. Nếu do Quang chẳng thể tận mắt thấy được, liền cứ tùy tiện nói dối, dẫu cho Quang tưởng là thật đi nữa, thì trời đất, quỷ thần, Phật, Bồ Tát cũng tưởng là thật hay sao? Ông đã có cái tâm ấy thì chính là bất hiếu vì đã dối cha mẹ, dối thầy, dối Phật! Đối với cha mẹ và thầy mà có thể thật sự dối trá được sao? [Chỉ là] ông tự dối mình đó thôi!

Do thấy ông còn hiểu lý, Quang mới nhiều lần cảnh tỉnh, răn nhắc! Nếu nghĩ Quang là sai, xin từ nay đừng nên thư từ qua lại nữa thì hơn! “Quân tử khả khi dĩ kỳ phương, nan võng dĩ phi kỳ đạo” (Có thể dùng lời lẽ hợp lý để lừa quân tử, chứ khó thể dùng lời phi lý để dối gạt được[4]). Chẳng phải là Quang ăn nói quá gắt gao, mà là vì ông ăn nói trước – sau không phù hợp, nhưng những chuyện ấy đâu phải là do ông ở trong nhà tù rồi sẽ không thể thực hiện được! Quang tuy vô đạo đức, nhưng đã sống trên đời sáu mươi tám năm, nên rất khó thể bị dối gạt bởi những chuyện chẳng hợp tình hợp lý! Xin hãy thống thiết sửa đổi. Nếu không, sẽ là tội nhân chung thân của cả Nho lẫn Thích đấy!

(thư thứ tư)

Nhận được thư, biết bọn họ vẫn có thể thực hành, vui mừng, an ủi đến cùng cực! Mẹ ông bệnh đã ba mươi mấy năm, sao chẳng chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm để hồi hướng cho mẹ, và đem chuyện này khuyên vợ và con cái cũng niệm như thế? Phận làm con tu trì cho cha mẹ, nếu tâm chân thành ắt sẽ có cảm ứng lạ lùng! Hãy nên gởi thư uyển chuyển khuyên chính mẹ ông cũng niệm như thế. Nếu từ đây còn có thể sanh lòng tin, chân thật hành thì căn bệnh lâu năm sẽ trở thành bậc đạo sư hướng dẫn xuất thế.

Nay thuận theo ý ông, cũng đặt pháp danh cho mẹ ông để mong thật sự thêm một cành hoa sen trong ao bảy báu cõi Tây Phương. Nay đặt pháp danh cho cụ là Đức Siêu, nghĩa là nhất tâm niệm Phật, vượt khỏi trần lụy thế gian trong hiện tại. Do lúc chưa niệm Phật thì lòng hoàn toàn đặt nơi trần lụy; đã có thể nhất tâm niệm Phật sẽ chẳng thấy trần lụy động được cái tâm. Đấy chính là do trần lụy mà vượt trỗi được trần lụy vậy! Lâm chung vượt thoát tam giới, lên thẳng chín phẩm sen. Chẳng những không bị bệnh khổ mà còn có thể cứu vớt hết thảy chúng sanh bệnh khổ cùng lìa các khổ, cùng hưởng các sự vui.

Phận làm con phụng sự cha mẹ, lấy hầu hạ, phụng dưỡng làm nền tảng ban đầu, lấy lập thân hành đạo làm cái gốc lớn lao. Nếu trong tâm khởi lên tà niệm, đấy chính là bất hiếu! Hãy nên lập tức sám trừ cho sạch, ngõ hầu tâm này không lúc nào, không niệm nào chẳng xứng với thiên địa quỷ thần, ấy là nền tảng đã lập. Lại còn dùng lòng tín nguyện niệm Phật, công phu chân thật, thiết tha, thì sống sẽ dự vào bậc hiền thánh, mất về cõi Cực Lạc, ai ngăn cản được?

Nếu như miệng nói tu trì, tấm lòng chẳng lành, muốn mạo danh “chánh nhân quân tử, chân thật tu trì” thì sẽ trở thành gã chân tiểu nhân mưu mẹo, man trá, vô liêm, vô sỉ! Vốn muốn khinh người, rốt cuộc trở thành tự khinh! Những kẻ như thế đều vốn là hạng đại thông minh, có bản lãnh lớn lao, há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Ví như [gươm báu] Can Tương, Mạc Da[5] chặt ngọc như bùn, đem dùng để chặt bùn thì bùn chẳng thành được gì, chỉ hao hụt sức bén nhọn! Nguyện ông thấu hiểu lời Quang, dốc lòng thực hiện thì thánh hiền, Phật, Bồ Tát, há lẽ nào chuyên ở tận đâu đâu, chẳng ở tại nơi ta ư?

Kinh Thư nói: “Chỉ vì thánh mất niệm mà thành cuồng, chỉ do cuồng khắc chế được ý niệm mà thành thánh”. Kinh Phật dạy: “Trong thế gian có hai hạng người mạnh mẽ, một là tự chẳng tạo tội, hai là gây tội rồi biết hối”. Sửa lỗi chẳng tiếc nuối chính là phương cách để mong thành thánh của Nho gia; bộc bạch tội khiên chính là điều trọng yếu để đệ tử Phật khôi phục cái gốc. Thư từ mấy năm, ông vẫn chưa thể bày tỏ lỗi mình lần nào! Do Quang thấy ông còn chịu phát tâm tu hành nên cũng không truy tới quá khứ của ông, vẫn viết thư, tặng sách cho ông, mong ông sống sẽ dự vào bậc thánh hiền, mất sẽ lên cõi Cực Lạc. Nào biết ông vẫn giả dối tô chuốt lời lẽ, mà vẫn chẳng thấy đó là dối người!

Nay thấy ông nói trước kia đã từng tịnh tọa ba năm, đối với Tinh Thần Học[6] khá có tâm đắc khiến Quang đau lòng! Ông đã có thể như thế, sao lại làm những thứ hành vi như thế. Một năm là đã quá nhiều, huống chi lại mấy năm! Mười mắt, mười tay[7], cùng thấy, cùng nghe, tính muốn dối Quang há có được chăng? Ông thấy thư này nếu có thể thống thiết sửa đổi tâm trước thì vẫn chưa trễ tràng. Nếu không, tôi sẽ vĩnh viễn tuyệt giao, mặc cho ông đạo học cao siêu trùm lấp cõi đời, Quang chẳng can dự!

Con người với tấm thân chỉ bảy thước lại sánh với trời đất cùng mang tiếng là Tam Tài là vì có thể thay cho trời giáo hóa, tham dự giúp đỡ sự sanh thành dưỡng dục của trời đất. Nếu không, con người xấu hèn hơn cầm thú đến trăm ngàn lần! Vì thế, Mạnh Tử nói: “Kỳ cơ hy” (chẳng khác chi lắm)[8], há nào phải chỉ “kỳ cơ hy” mà thôi! Trước đây, nhà tù Tào Hà Kính gởi tới hai ngàn cuốn kinh do ông Sài Dã Ngu đặt in, nay tôi bảo gởi mười cuốn để làm hướng dẫn cho những liên hữu cùng ở [trong trại giam]! Mong ông hãy suốt đời đọc thuộc lá thư Quang gởi cho ông Ngu thì sẽ do ngay nơi “phước đường” (nhà tù, thời cổ gọi trại giam là Đường) này liền đạt đến cõi Cực Lạc.

Nay gởi cho ông một gói An Sĩ Toàn Thư, một gói Thọ Khang Bảo Giám gồm hai mươi lăm cuốn, Văn Sao thì đã bảo Chiết Giang Ấn Loát Công Ty gởi cho ông ba gói sách để tặng cho chú bác trong nhà ông và các huynh đệ đọc; nhưng cần phải răn nhắc họ cung kính, đừng khinh nhờn. Nếu chẳng thể đọc được xin hãy tặng lại cho người thông văn lý, có tín tâm, ngõ hầu chẳng đến nỗi do phước mà mắc họa! Những điều khác không rảnh rỗi để nhắc đến, chỉ đọc kỹ trong Văn Sao sẽ tự có cái để làm khuôn phép. Lá thư gởi cho Sài Dã Ngu có thể coi như là giáo huấn thiết thực cho hết thảy mọi người mong thành thánh, thành hiền, học Phật, học Tổ, chứ không phải chỉ là giáo huấn thiết thực dành riêng cho kẻ sống trong Phước Đường!

***

[1] Thoát giang (bệnh lòi dom) là chứng bệnh do các cơ vòng quanh giang môn (hậu môn) bị suy yếu khiến phần cuối của ruột già (nhất là đoạn ruột gọi là Trực Tràng) bị thòng xuống hậu môn, lòi ra ngoài.

[2] Phủ (甫) vốn là một mỹ từ để gọi đàn ông với ý tôn trọng, chẳng hạn Khổng Tử có tên tự là Trọng Ni thì người ta thường gọi Ngài là Ni Phủ. Khi nhắc đến cha của người khác cũng thường dùng danh từ “tôn phủ”.

[3] Còn gọi là Khí Thống (Đông 疼 và Thống 痛 đều có nghĩa là đau): Bệnh nhân trong bụng sanh ra rất nhiều hơi, hơi thường xung ngược lên ngực khiến bệnh nhân đau đớn. Đông Y cho rằng bệnh có nguồn gốc từ thói quen thích ăn đồ quá lạnh trong mùa Hè khiến tỳ vị bị tổn thương, nên còn gọi bệnh này là Tỳ Ngược Thống.

[4] Đây là một câu nói trích từ lời vấn đáp giữa Mạnh Tử và Vạn Chương trong thiên Vạn Chương Thượng của sách Mạnh Tử: “Tích giả phất quỹ sanh ngư ư Trịnh Tử Sản, Tử Sản sử giảo nhân súc trì chi. Giảo nhân phanh chi, phản mạng viết: ‘Thỉ xả chi, ngữ ngữ yên, thiểu tắc dương dương yên, du nhiên đắc thệ’. Tử Sản viết: ‘Đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai!’ Giảo nhân xuất, viết: Thục vị Tử Sản trí? Dư ký phanh nhi thực chi, viết: đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai. Cố quân tử khả khi dĩ kỳ phương, nan võng dĩ phi kỳ đạo” (Xưa kia chợt có người đem cá sống biếu cho Tử Sản nước Trịnh. Tử Sản bảo người hầu đem thả trong ao nuôi cá. Người hầu bèn đem nướng rồi trở về thưa: “Lúc mới thả, cá nằm ngoi ngóp, một lúc sau bèn sống động, tung tăng bơi đi mất rồi”. Tử Sản nói: ‘Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi! Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi!’ Người hầu đi ra, nói: “Ai bảo Tử Sản có trí? Ta nướng ăn mất rồi mà còn nói: ‘Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi! Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi!’ Do vậy, có thể dùng lời lẽ hợp lý để lừa quân tử, chứ khó thể dùng lời phi lý để dối gạt được). Chúng tôi dịch đoạn văn này theo cách giải thích của Tứ Thư Bạch Thoại Giải.

[5] Can Tương, Mạc Da là tên hai thanh kiếm báu được đúc từ thời Chiến Quốc. Theo Chiến Quốc Sách, Can Tương là người nước Ngô, sống vào thời Xuân Thu, rất giỏi đúc kiếm. Mạc Da là vợ ông ta. Vua Ngô là Hạp Lư sai Can Tương đúc kiếm, nhưng nấu mãi sắt không chảy. Mạc Da thấy vậy bèn tắm rửa sạch, nhảy vào lò, sắt liền chảy tan. Nhờ đấy, Can Tương đúc thành hai thanh kiếm sắc, thanh trống (hùng kiếm) đặt tên là Can Tương, thanh mái (thư kiếm) đặt tên là Mạc Da.

[6] Tinh Thần Học (Noology) là một môn học chuyên nghiên cứu tâm lý, tinh thần căn nguyên của con người, được coi như một trong những môn học mở đường cho Tâm Lý Học sau này. Từ ngữ này vốn ghép từ hai chữ Nous (tâm trí) và Logos (lý luận, học thuật) trong tiếng Hy Lạp. Ngày nay, Tinh Thần Học là một môn học cố gắng nghiên cứu và hệ thống những cơ cấu, nguyên lý dẫn đến sự hiểu biết cũng như những hiện tượng tinh thần, sự tư duy, hình thành khái niệm, hình ảnh trong tâm lý con người v.v… Sở dĩ Tổ quở trách ông Chương Đạo Sanh vì ông này khoe đã dụng công nhất tâm niệm Phật để cầu được nhất tâm nhưng lại tu pháp tịnh tọa của ngoại đạo, nghiên cứu tràn lan khiến cho tâm rối loạn, nhất là sa đà vào những lý luận nhị nguyên của khoa Phân Tâm Học Tây Phương trong khi chưa hiểu sâu xa về Tịnh Độ. Do vậy, những gì ông ta khoe dụng công nhất tâm niệm Phật, buông xuống vạn duyên v.v… đều chỉ là những lời khoe khoang đầu môi chót lưỡi mà thôi!

[7] Đây là một thành ngữ “thập mục cộng chiêm, thập thủ cộng chỉ” (mười mắt cùng trông, mười tay cùng chỉ), ý nói chuyện rõ rành rành, không giấu vào đâu được nữa!

[8] Đây vốn một câu nói trong sách Mạnh Tử, thiên Ly Lâu Hạ: “Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả cơ hy, thứ dân khử chi, quân tử tồn chi” (Con người chẳng khác cầm thú cho mấy, chỉ khác ở chỗ bẩm tánh có nhân nghĩa, nhưng kẻ tầm thường vứt bỏ thiên tánh ấy, còn bậc quân tử gìn giữ được). Chúng tôi dịch câu nói này theo cách giải thích của Tứ Thư Bạch Thoại Giải.