SỐ 1567/9
ĐẠI THỪA TRUNG QUÁN THÍCH LUẬN
Tác giả: Bồ tát An Tuệ
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa môn Duy Tịnh
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 1
Phẩm thứ 1: QUÁN DUYÊN, phần 1
Quy mạng bậc Nhất thiết trí.
Hai đế Thế tục, Thắng nghĩa hiện có vốn không đối tượng hành. Nếu không đối tượng hành thì việc gồm thâu giáo hóa hữu tình tức sẽ lìa bỏ. Bồ-tát vì nhằm khai thị nên tạo ra Trung Luận này, nhưng Luận này không đồng với tất cả ngoại đạo đã nói về duyên sinh. Phật giảng nói pháp duyên sinh để khiến cho người có nhiều tâm kiêu mạn được giác ngộ, sinh tin tưởng hoàn toàn thanh tịnh. Trong số các Luận, Luận này được trọng thị hơn hết. Tức nghĩa duyên sinh là các câu như không diệt v.v…, nhằm chỉ bày làm sáng tỏ nghĩa duyên sinh tối thắng. Cho nên mở đầu của Luận là tán thán Đức Thế Tôn. Như bản tụng nói:
Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường.
Giải thích: Diệt là tánh vô thường nên gọi là diệt. Do phát khởi nên gọi là sinh. Vì đoạn dứt sinh tử nên gọi là đoạn. Niết-bàn trạch
diệt tánh thường hằng nên gọi là thường. Như có người nói: Nếu Đức Phật xuất thế, hoặc không xuất thế, thì pháp tánh vẫn thường trụ. Pháp duyên sinh ở đây cũng tức là thường.
Một là nghĩa không sai biệt. Như đã nói về lìa, đây tức pháp duyên sinh đâu có thể sinh. Nghĩa vô số như chỗ đã thuyết giảng là từ nhân sinh ra, sinh rồi có quả.
Đến nghĩa là hướng tới đây gọi là đến. Nếu lúc chuyển nghĩa không đến thì ở đây tức là không đi. Lúc chuyển nghĩa không đi tức đối tượng hành không có đời quá khứ. Chẳng phải nay có diệt, đó tức là không diệt. Pháp này nói như vậy thì pháp đời khác cũng như thế. Nếu chấp trước vào lời giải thích tức là hý luận. Như lời giải thích ấy, người chấp có tánh đối với tánh như vậy thì sự chấp kia đều ngừng diệt, đây tức gọi là diệt. Xa lìa tánh phần nơi những phiền não của các hý luận, tự tánh phân biệt đã không mới gọi là tịch tĩnh. Nay ở đây nói mười loại câu nghĩa như không diệt v.v… như thế, như mười thứ đối trị đã nói ở trước, trong đó đều đình chỉ sự khắp cùng, Luận này đều nói về nghĩa ấy, nghĩa ấy như thế là thành tựu. Nơi tất cả Luận khác đều đồng duyên pháp này. Nay trong nghĩa ấy, hoặc nhân đây, hoặc duyên kia, như củi sinh ra lửa, theo chỗ nắm giữ kia nên biết như vậy.
Nghĩa thường không đoạn dứt, như nghĩa phát khởi ở câu trước đã nói, nên chỗ thuyết này thành tựu. Nếu vì có ở trong nhân nên giả như lúc nhân hoại, về sau trở lại không lìa quả, vì tánh lúc khởi không có trước sau. Như tắm xong ăn cơm, đó là không phải duyên sinh. Nếu nói không sinh thì tự trái với lời của chính mình. Đối trị sự không hòa hợp, đây tức là duyên sinh thế tục, do không hòa hợp. Nếu Thắng nghĩa đế đã sinh thì ở đây dừng diệt hẳn. Thể tánh trong thức của Thế tục đế không hòa hợp với thể tánh của Thắng nghĩa đế. Ở đây là dừng diệt hẳn. Những gì là thế tục? Những gì là thắng nghĩa? Nếu chỗ thuyết giảng trên hết về tánh nghĩa nối tiếp, lúc dùng sự quán sát của thế tục đế thì điều này không hòa hợp, vì sự hiện chứng kia không phải là chỗ đạt được của Niết-bàn. Vì tánh được tạo tác này không khác với Thắng nghĩa đế nên cũng không dừng dứt hẳn. Nếu trí được thành tựu tức là thế tục đế kia không khác với Thắng nghĩa đế, như sắc v.v… của bình v.v… với một loại pháp như sắc, thọ v.v… này, thì trí của cảnh giới quyết định không thể chấp thuận, vì trí kia vô tánh. Ví như cái bình v.v… rơi vào hữu tánh thế tục, tuy không có đối tượng nắm giữ nhưng chẳng phải thế tục là không. Chỗ đã nói trong đó là nghĩa của đối tượng nắm giữ theo thế tục, là tự mình không phải người khác, như lý nên biết. Thế tục tức là đối tượng giữ lấy của thế tục, như rừng cây v.v… không phải là cực vi có được, nhưng có đạo lý của đối tượng giữ lấy có thể đạt được. Nếu phân biệt sai khác, phân biệt tánh bình đẳng về phương, phần, nhưng phân biệt kia quyết định là hữu tánh thế tục, điều này không phải là đạo lý. Vì vật thể biến kế có đối ngại, như rừng, cây v.v… nhưng trong thức có rừng, cây v.v… kia làm chỗ hiện bày. Tuy nhiên tánh của vật trong thức không phải là không có đạo lý, do cây này ở nơi thức kia làm đối tượng duyên. Chủ thể biểu hiện ở trong thức như vậy là có được đối tượng biểu hiện, thế nên không phải có vật thể như cây ở trong thức. Nói về thức ấy như vậy, nên thuyết khác cũng như thế. Biến kế ở trong chủ thể biểu hiện và đối tượng biểu hiện là vô Thể, nên cũng không có chỗ thành tựu. Pháp nào có thể thành? Đó là như cảnh giới chư Phật, Như Lai. Sắc v.v… được quyết định, sắc v.v… này sao không thành? Là như cảnh giới của chư Phật kia, sắc v.v… này cũng có như thế, không phải như biến kế trong thức sinh ra ở đó, vật thể ở trong thức đã dừng dứt hẳn. Nếu có tánh thì điều này chẳng phải là đạo lý. Nếu trí thắng thượng của Như Lai theo như nghĩa đã nói nên gọi là thắng nghĩa, ngoài ra đều là thế tục. Vì tánh không thật nên thuyết này là tối thượng. Nghĩa là lời dạy của Phật là văn thiện, nghĩa thiện. Vì vậy tụng nói:
Con cúi đầu lễ Phật
Đệ nhất trong các thuyết.
Giải thích: Nếu hai thứ văn và nghĩa không vướng mắc nơi tánh trí thì chỉ có Đại sư Phật mới là bậc khéo tuyên thuyết. Tuyên thuyết về điều gì? Là nói về tánh không sinh. Nay vì chứng thành tánh không sinh nên các nghĩa sai biệt về không diệt v.v… kia cũng chứng thành như thế. Do kiến lập pháp không sinh như vậy tức hoặc có người nói, đã nêu bày về sinh, tôi nhận biết tánh sai biệt như thế là tự sinh. Vì để ngăn dừng thuyết kia, nên tụng nói:
Các pháp không tự sinh.
Giải thích: Chỗ nêu về sự sinh nghĩa là tên khác của việc xưa không nay có. Tự là nghĩa của tánh ngã. Người nói như vậy là tổn hại lẫn nhau, tự nói lời trái ngược, không hòa hợp đối trị. Hoặc như cái bình v.v… tức không thấy có pháp tự sinh. Như tự thể của bình v.v… ở trước, vì không tánh nên các pháp sinh không tánh, đã sinh lại sinh cũng lại không tánh. Mắt v.v… như vậy là quyết định hòa hợp. Nếu như thế tức có lỗi lầm của đối trị. Hoặc có nhân như thế tức có quả như thế, thể của quả kia có sinh, vì hai pháp nhân quả không có tánh dị biệt. Nếu nói tự sinh thì điều này phải tư duy chọn lựa.
Lại nữa, nếu nắm đất lìa bình, bình lìa nơi nhân, thì trong đó sắc v.v… sẽ có thế nào? Nếu lìa nắm đất thì hai loại nhân quả không có tánh sai khác. Nếu nắm đất lìa bình nhưng thể của quả này tức không hòa hợp thì nắm đất hoặc hoại, bình có chỗ thủ đắc, tức lúc không phải quả có tánh nhân. Người Tăng-khư (Số Luận) này nói: Ví như sắc v.v… không phải là hai pháp nhân quả có tánh sai khác. Tự thể của sắc v.v… cũng như lìa bình, trước không có tánh. Nếu sắc quyết định kia thật không có chỗ thành tựu, thì chỗ nói về sự không khác như việc làm ra bình, như dựa vào bánh xe quay, nước v.v… không phải là thiếu. Những vật kia không có tánh sai biệt, vì hai thứ nhân quả là không tánh. Thế nào gọi là không sai khác? Nghĩa là không thấy chủ thể tạo ra là tự thể của nhân. Quả như vậy là có đối tượng tạo ra, cũng lại không được tánh không sai khác. Nếu không có đối tượng tạo ra thì sao gọi là nhân quả? Vì tự thể quyết định không có tánh sai khác. Nếu nhân không tạo tác thì lúc không tạo kia quả không hòa hợp. Có người khác nói: Tôi biết sự sai khác, các pháp từ tha tánh sinh. Để đối trị thuyết kia nên tụng nói:
Cũng không từ tha sinh.
Giải thích: Tha sinh là nghĩa sai khác, như tha tánh nơi cái bình v.v… không từ mắt v.v… sinh ra, vì như vậy nên tự duyên đã không sinh, thì tha tánh cũng như vậy. Nếu dừng dứt hẳn tự tướng của các pháp, nên biết là có lỗi, trong đây hoặc có thì kia không hòa hợp. Chỗ tạo tác như vậy không phải ở trong Thắng nghĩa đế. Tha duyên (Tha duyên: Mọi vật không một vật nào có tự tánh, tất cả đều do các duyên hòa hợp mà thành) có thể sinh sáu xứ trong, là do tha tánh. Như bình v.v… này, trong đây tha tánh nơi bình v.v… như sáu xứ bên trong duyên nơi Thắng nghĩa đế sinh không tánh có thể đạt được. Trong Thế tục đế cũng như vậy. Sinh không tánh có thể đạt được trái với nghĩa tánh, tánh không nhân sinh và cùng sinh. Nếu có chỗ thủ đắc đều là tha nghĩa. Tất cả những hiện có như vậy là thành tựu Trung Luận, trong nghĩa rốt ráo lìa pháp đối trị không hòa hợp. Nếu trong Thế tục đế lại như vậy tức có chỗ đạt được thì quyết định như sự đối trị trái nhau ở trước, vì duyên sinh của thế tục có chỗ thủ đắc. Đây cũng không phải là chỗ đạt được, vì có sự thành tựu như thế tức sự hòa hợp không tánh đã thành rồi thì thấy hai biên không hòa hợp. Như vậy, tức là trong các chỗ thành tựu có cùng lỗi lầm. Nếu có chỗ thành tựu sai khác thì nên biết là tự có lỗi lầm sai biệt. Văn nghĩa rộng lớn ở đây không chép, vì sợ phiền tạp nên dừng lại, không phải là chỗ nêu bày của Trung Luận, như sự đối trị ở trước. Vì sao? Vì sự đối trị ở sau cũng vậy, không ở trong đó mà thành tựu đạo lý hòa hợp. Có người khác nói: Sự nắm giữ đạo lý kia thật có nắm đất, tùy theo các pháp tác dụng như có gậy v.v… nên cùng sinh với bình v.v… Để ngăn dừng ý lạc của người này nên tụng nói:
Cùng sinh cũng không tánh.
Giải thích: Người tăng thượng kia nói: Không phải hai pháp cùng sinh. Nếu như vậy là có lỗi lầm của đối trị ngôn thuyết.
Có người khác nói: Theo như ý tôi, các pháp do không nhân như vậy sinh ra. Để trừ bỏ nghĩa ấy nên tụng nói:
Cũng chẳng không nhân sinh.
Giải thích: Theo như chỗ nói khác: Tánh không nhân sinh ra có chỗ đạt được. Nghĩa là ngay nơi thời, xứ v.v… chỗ đạt được kia có tánh cùng lìa quyết định có sinh, có thể nắm bắt, vì tánh thời, xứ kia có thể không cùng lìa. Điều này là nếu dừng bỏ lỗi lầm của đối trị, trong đó hoặc có tánh sinh như các Luận đều nói là nghĩa hữu lậu. Tánh có như vậy mỗi mỗi đều hệ thuộc các tánh có sinh, ở đây đều dừng. Nếu có đối tượng tạo tác tức là trái với A-hàm. Như Phật đã dạy: Có bốn thứ duyên có thể sinh các pháp. Bốn thứ duyên này trong các kinh luận đều nói như thế. Những gì là bốn? Đó là Nhân duyên, Sở duyên duyên, Thứ đệ duyên và Tăng thượng duyên. Bốn duyên như vậy không có duyên thứ năm. Trong các tông khác có người chấp ngã, người chấp cực vi. Vì sao? Vì trong đó nếu có nhân thường trụ là tánh thời, xứ kia, tức có thể lìa nhau thì tất cả quả mới có đồng sinh. Thời, xứ v.v… hiện thấy không có tánh lìa nhau. Pháp thứ lớp sinh đồng với tác nhân kia, tức không có tánh của nhân lìa nhau có thể đạt được. Điều này không có lỗi lầm, cho nên cùng làm các nhân. Ở đây không phải là nhân, tức thuyết kia nói về sự sinh tánh không, có như vậy. Nếu có nhân nên quyết định có quả. Quả kia đồng làm các nhân thì quyết định có tánh của nhân, vì điều này vốn có. Nếu đồng làm nhân thì ở đây cùng lìa, tức như đã nói ở trước về đối trị trái nhau. Vì vốn hòa hợp, nhưng các nhân kia kiến lập như vậy là nhân không tánh sai khác. Vì xứ, thời v.v… kia có tánh lìa nhau có thể đồng sinh, nghĩa là phần vị của nó như sĩ phu v.v…, do như vậy nên không phải là sĩ phu v.v… Vì nhân vốn không có tánh hòa hợp nên câu nghĩa như sĩ phu v.v… cũng như tự thể, cũng không nhất định là có. Bản tánh của sĩ phu v.v… là hòa hợp tánh nhân hiện có, như hạt giống v.v… Do phần vị xưa nay của sĩ phu v.v… hoặc lìa tánh đã tạo tác, như nhân của hạt giống v.v… có chỗ đạt được hoặc không có chỗ đạt được. Điều này lại là thế nào? Nếu phần vị xưa nay lìa tánh đã tạo tác, hoặc có chỗ đạt được tức là vô thường. Nếu không lìa tự tướng đã tạo tác cũng tức là không nhân. Như trước đã nói, không phải các sĩ phu như hạt giống kia có thể sinh nơi quả. Nếu thấy như vậy thì điều này không phải là đạo lý, do tánh biến kế kia. Thế nên trước đã nói không có duyên thứ năm, cũng không phải đoạn diệt. Các thứ chấp hiện có nơi thế gian, có người loạn ý tranh luận về không nhân, nhân ác, nên vì họ thâu phục hóa độ. Theo như phần vị của họ, ở trong Thế tục đế chỉ nêu bày giảng nói các nhân duyên, điều này không phải là Thắng nghĩa đế. Hoặc có người hỏi: Tự quả ở trong duyên là có hay là không? Phân biệt vật thể thứ ba là không tánh, nên tụng đáp:
Như tự tánh các pháp
Không ở tại trong duyên.
Giải thích: Ví như áo, bình, không phải tức có, cũng không phải là khác. Tự tánh của mắt v.v… như vậy, hoặc tự duyên, hoặc tha duyên, hoặc cùng có, nhưng các duyên kia chẳng phải tức là, chẳng phải khác. Nếu lìa tự thể tức không có quả, do tự lực nên có thể liền có các duyên, tánh không khác này cần phải tư duy chọn lựa. Do như vậy nên hai pháp nhân quả không có tánh sai khác. Vì sao? Vì nếu lìa nhân này thì quả không thể thành. Quả kia có thể làm nhân, nghĩa ấy cũng như vậy. Nếu nhất định có tánh khác nhưng quả của chính nó ở trong các duyên tức là không có nơi chốn sinh ra, nên tụng nói:
Vì do không tự tánh
Tha tánh cũng lại không.
Giải thích: Nếu có hai tánh này thì cũng hỗ tương với nhau, không lìa nhau. Nếu thấy có tha tánh, như hai phần vị đây, kia, không phải là trong lúc duyên có quả, không phải là trong lúc quả có duyên. Nếu tha tánh tùy sinh thì hai pháp nhân, quả không phải đồng thời có, vì là tánh sát-na. Nếu hai thứ sinh và không sinh có tánh được tạo tác thì cả hai đều không tánh. Nếu nhân không hoại thì vị lai có quả. Sự an lập của trí này mới nói về tha tánh như vậy. Nếu chấp trước nơi tha tánh thì không có Thắng nghĩa đế. Hoặc có người nói: Trong các Kinh Luận đều nói tha duyên có thể sinh ra các pháp, vì sao đây nói không phải tha tánh sinh ra? Nếu tha tánh trong các duyên không sinh thì không lẽ các pháp không có tự tánh trụ ở trong duyên. Nếu như vậy thì duyên tức không phải là duyên. Nếu tự tánh không thật có, thì quả từ tha duyên sinh ra tức không phải là đạo lý, nên tụng đáp:
Không phải duyên sinh quả.
Giải thích: Nhưng chỗ hành tác của pháp sinh quả có thể thành. Để dừng chung các nghĩa khác nên tụng nói:
Quả không từ duyên có
Quả có, không, sinh, dừng
Nếu nói lúc pháp sinh
Không nương, không chỗ sinh.
Giải thích: Như nói ở trước, quả không sinh, không chỗ thành tựu, nghĩa là do chủ thể sinh quả, tự nó cũng không tánh. Nếu chủ thể sinh, đối tượng được sinh và pháp sinh kia nhất định có pháp sinh sai khác có thể đạt được, thì chỗ tạo tác của pháp kia gọi là chủ thể sinh. Ở đây, pháp sinh sai khác tức không có chỗ thành tựu. Nếu quả lìa nơi duyên thì đối tượng được sinh pháp sinh làm sao có thể thành, vì hệ thuộc vào chỗ khác. Hoặc có người nói: Sự tạo tác như vậy là từ duyên được thành, không phải do tự tánh của vật thể mà thành. Cho nên không phải sáu xứ như mắt v.v… có thể thành pháp duyên có ý lạc này, nên tụng đáp:
Quả không từ duyên sinh
Quả này sinh trong duyên.
Giải thích: Nếu quả kia quyết định khác biệt thì pháp sinh là có thể có, nghĩa là chỗ làm trung gian của pháp không sinh ấy. Nếu sinh nhưng pháp sinh quyết định như mắt v.v… kia có tánh cùng xa lìa, hoặc sinh như thế vì sao cũng không thành? Người nói như vậy vì pháp kia không có tự tánh, trong đó tức có lỗi lầm. Đây là tông khác nói nên có lỗi. Nếu từ duyên sinh quả thì tánh của quả ấy không có nương dựa, duyên cũng vô thường. Trong tánh cùng lìa quả làm sao thành? Như có tụng nói:
Quả nếu hiểu riêng khác
Không đạo lý nương dựa
Nếu tác thành một pháp
Thể quả không thể lập.
Như tụng của Luận này nói:
Chẳng (phải) không duyên có quả
Không duyên quả cũng không
Trong thế tục như vậy
Tánh thường không thủ đắc.
Giải thích: Nếu hoặc không có duyên thì quả tức không thành. Hoặc vì có quả nên Thể của các pháp kia tức có chỗ thủ đắc. Những quả nơi các pháp kia cũng không phải trước có tánh. Nghĩa này nên biết từ duyên sinh. Nếu lìa duyên sinh thì hư giả, không có quả. Ví như mầm v.v… làm sao có thể hòa hợp? Nếu nói từ hạt giống sinh ra mầm thì chủ thể sinh ra và đối tượng được sinh ra hòa hợp với nhau, cũng không phải duyên như hạt giống v.v… hoàn toàn là chủ thể sinh ra, do pháp khác thành tức có thể có quả. Do như vậy nên quả không phải thường có. Hoặc có người nói: Từ duyên mà có quả, đây tức chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường. Nơi tánh như thế chủ thể sinh được thành. Người giải thích nói: Như ông đã nêu, vì đây là pháp có nên đó là chỗ thành. Trong Thắng nghĩa đế quyết định như vậy, chẳng phải là không duyên có quả, cũng chẳng phải là không quả có duyên. Vì đều cùng không thấy, nên các pháp như mắt v.v… ở đây cũng như vậy. Nơi tánh của duyên kia, nếu ngăn dừng hẳn thì nhất định biết có lỗi. Cho nên phải biết từ duyên có quả, thể của các quả sinh, nghĩa là từ Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên sinh ra. Vì các duyên phân biệt, nên thể của quả sai khác được thành như thế. Ví như quả đã thành thục nhưng thể của các nhân phân biệt sai khác, cho nên chủ thể tạo ra và đối tượng được tạo ra phân biệt ở trong đó. Đây là nói quyết định có quả như vậy, lời quyết định tức là nghĩa in giữ, ở đó có quả, nghĩa ấy là sáng rõ. Trong Thế tục đế, pháp quả tăng hơn, tức có chỗ đạt được, nhưng không có phần vị có thể vướng mắc. Nếu có vướng mắc nơi tánh của quả thì đó là nghĩa của tông khác. Tức là ở trong duyên không phải thật có quả. Nếu quả không thật có từ duyên sinh như vậy, quả có tùy chuyển, nắm giữ lẫn nhau. Quả kia tuy phần vị đều sai khác, nhưng quả có sinh ra, đây là nói duyên sinh. Thế nên các duyên của những quả này đã sinh cũng đều có sai khác. Các người chưa có niềm tin cho là không thích nói nghĩa. Nếu quả này không sinh tức không có duyên kia. Những gì là duyên? Nghĩa là tùy chỗ ý lạc. Vì thế, nếu không có duyên mà có thể sinh quả thì không có đạo lý ấy. Nếu hoặc không duyên thì lại có tánh của duyên nào có thể sinh?
HẾT – QUYỂN 1