LỜI PHẬT DẠY
BẠN TỐT
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
BẠN TỐT
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh
1- XỨNG ĐÁNG LÀ BẠN TỐT
Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm?
Bảo làm việc đồng áng; ưa thích kiện tụng; chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; sống đời sống không có mục đích; không có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.
Thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn.
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo đáng làm một người bạn. Thế nào là năm?
Không bảo làm việc đồng áng; không ưa thích kiện tụng; không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; không sống đời sống không có mục đích; có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Người bạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.589)
LỜI BÀN:
Trong đời sống Tăng đoàn, thầy và bạn là những nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần tác thành nên phạm hạnh và tuệ giác cho mỗi vị Tỷ kheo. Đặc biệt là những người bạn đồng tu, vì sống chung nên có những ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến nhân cách và phạm hạnh lẫn nhau cũng như về các phương diện khác.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, một người bạn đồng tu đúng nghĩa, trước hết phải là người dồn hết thời gian cho tu tập, không xu hướng đến những cong việc mưu sinh của thế tục như công việc đồng áng, sản xuất, kinh doanh… Bởi lẽ ảnh hưởng những tư duy hướng ngoại sẽ làm tán tâm, tăng trưởng tham ái, dục vọng.
Tiếp đến, người bạn tốt là người biết nhẫn nhịn, không chấp chặt, luôn hỷ xả. Những vướng mắc phát sinh trong đời sống xuất gia phải được giải quyết trong tinh thần lục hòa. Vận dụng hiểu biết và thương yêu để thiết lập hòa hợp, không tranh chấp, kiện tụng là phẩm chất quý giá của người thiện hữu tri thức.
Điều cần yếu trong tu tập là phải biết kính trên nhường dưới, đặc biệt là phụng mạng đối với các bậc tôn túc. Sự phục tùng, không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo thể hiện sự khiêm cung, cầu tiến. Kính thuận sư trưởng là một phẩm chất cao quý của người học đạo đồng thời là gương sáng cho bằng hữu học tập, noi theo.
Mục đích của người xuất gia là hướng đến giải thoát. Vì thế, nếu không xác định và duy trì được mục đích cao cả ấy trong đời sống xuất gia thì rất nguy hại. Người sống lây lất, qua ngày đoạn tháng, không có mục đích chỉ là gánh nặng và di họa cho đại chúng, có thể dẫn đến thối đọa. Do vậy, muốn giữ vững chí nguyện xuất trần cần phải chọn bạn là người luôn hướng về giải thoát.
Sống theo pháp và nỗ lực hoằng truyền chánh pháp là phận sự của Tỷ kheo. Người bạn đồng tu tốt luôn quan tâm đến sự thịnh suy của giáo pháp đồng thời luôn hoan hỷ, tán thán với việc bố thí pháp. Chính công hạnh này sẽ làm động lực trợ duyên cho pháp lữ dấn thân hoằng pháp vì lợi ích quần sanh.
Chọn bạn tu tốt để nương tựa là điều cần yếu trong tu tập. Mặt khác, chính tự thân mỗi vị Tỷ kheo phải nỗ lực hoàn thiện mình để xứng đáng là bậc thiện hữu cho đại chúng nương tựa.
2- CHỌN BẠN MÀ CHƠI
Một thời Thế Tôn trú ở núi Gijjhakùta, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải thân cận như một người bạn. Thế nào là bảy?
Cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận.
Thành tựu bảy chi phần này, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải thân cận như một người bạn.
Bạn cho điều khó cho
Làm những điều khó làm
Kham nhẫn những lời nói
Thật khó lòng kham nhẫn
Nói lên bí mật mình
Che giấu bí mật người
Bất hạnh, không từ bỏ
Khánh tận, không chê khinh
Trong những trường hợp trên
Tìm được người như vậy
Với ai can bạn hữu
Hãy gần bạn như vậy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.322)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, mỗi người đều có quen biết nhiều, giao hảo rộng rãi nhưng tìm ra bạn hiền để tâm giao quả không mấy dễ dàng. Gặp một người tốt hiểu mình đã khó, chia sẻ những vướng mắc với mình về các phương diện trong cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Người ta thường nói vui, ở đời này “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông lại nhiều” cũng vì lẽ ấy.
Có không ít người lâm vào khánh kiệt, vương phải nợ nần, gia đình tan nát cũng vì tin bạn. Cho nên, bạn bè có nhiều hạng, khi chưa thực sự hiểu nhiều về bạn thì cũng nên thận trọng, chớ vội sống hết mình. Tuy vậy, có rất nhiều người thành công nhờ sự động viên, giúp đỡ từ bạn bè. Gặp được bạn tốt là một phúc duyên quý báu, cần phải trân quý và gìn giữ tình bạn cao cả ấy.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, bạn tốt là người biết chia sẻ, luôn sẵn sàng giúp đỡ, biết nhẫn nhịn, nói năng từ hòa, sống trải lòng ra với bạn bè, thận trọng khi nói về người khác, không bỏ rơi bạn khi gặp hiểm nguy, không khinh chê bạn khi làm ăn thất bại… Những ai hội đủ các phẩm tính ấy thì chắc chắn họ là người tốt, cần phải gần gũi và kết thân lâu dài.
Thân thiết với bạn cũng giống như đi trong sương sớm, lâu dần chắc chắn sẽ bị ướt áo. Ảnh hưởng của bạn bè tác động lên cuộc sống của chúng ta rất nhiều. Vì vậy, phải chọn bạn mà chơi, tìm bạn tốt để cùng nương nhau học tập, làm việc, tu dưỡng thân tâm trở thành người tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
3- CẦN PHẢI NƯƠNG TỰA
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:
Có ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt ở đời. Thế nào là ba?
Này các Tỷ kheo, có hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, không nên gần gũi, không nen sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ kheo, có hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người đồng đẳng (với mình) về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nen hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: (Cả hai) đều thiện xảo về giới, về định, về tuệ, vì thế câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, định, tuệ; sẽ lợi ích cho cả hai và làm cho cả hai được an lạc. Do đó, hạng người như vậy nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Này các Tỷ kheo, có hạng người sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Ở đây, có hạng người thù thắng về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: Như vậy, nếu chưa đầy đủ về giới, về định, về tuệ, ta sẽ làm đầy đủ; hay nếu giới, định, tuệ được đầy đủ ta sẽ hỗ trợ thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Cho nên, với hạng người như vậy nên gần gũi, sau khi cung kính, tôn trọng, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Cần phải thân cận [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.221)
LỜI BÀN:
Một trong những biểu hiện quan trọng của quy y Tăng là không gần gũi, thân cận thầy tà, bạn ác. Và giới định tuệ trở thành những tiêu chuẩn tin cậy nhất, là thước đo căn bản nhất để nhận biết về người thầy hoặc bạn mà mình đang nương tựa là chánh hay tà. Cho nên, dù hình thức có hoành tráng đến mấy song nội dung hay phẩm chất thiếu vắng hoặc thấp kém về giới định tuệ thì chắc chắn họ không phải là điểm tựa tâm linh đích thực cho ta quy ngưỡng.
Tuy nhiên, chỉ cần gặp được một người có tu tập và thành tựu giới định tuệ dù chỉ ở cấp độ tương đương với mình thôi cũng cần phải thân cận, hầu hạ và cúng dường, bởi không gì quý bằng “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Do đó, cần phải nương tựa những cộng đồng Tăng thân, pháp lữ chân tu thực học.
Nếu được gần gũi những bậc minh sư thù thắng về giới định tuệ là một phúc duyên lớn. Theo lời dạy của Thế Tôn, đối với các bậc minh sư, hàng Phật tử chúng ta không chỉ cung kính, tôn trọng mà nên gần gũi, thân cận, hầu hạ và cúng dường. Nhất là trong mùa an cư, chư Tăng tập trung về những đạo tràng tịnh tu tam nghiệp, trau dồi giới định tuệ. Đây là cơ hội quý báu cho hàng cư sĩ gieo trồng phước báo và tu tập theo chư Tăng để được chuyển hóa và thăng hoa.
4- THÂN CẬN BẠN TỐT
Một thời Thế Tôn trú ở núi Gijjhakùta, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu bảy chi phần, này các Tỷ kheo, là người bạn cần phải thân cận, cần phải giao thiệp, cần phải hầu cận, dầu có bị xua đuổi. Thế nào là bảy?
Khả ái, khả ý; tôn trọng; đáng được bắt chước; nhà thuyết giả; kham nhẫn lời nói; nói lời sâu kín; không có hối thúc những điều không hợp lý.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo là người bạn, cần phải thân cận, can phải giao thiệp, cần phải hầu hạ, dầu có bị xua đuổi.
Khả ái và đáng kính
Đáng bắt chước, thuyết giả
Kham nhẫn các lời nói
Nói những lời thâm sâu
Không hối thúc ép buộc
Những điều không hợp lý
Ai có những phap này
Ở đời, người như vậy
Người ấy là bạn hữu
Với ai cần bạn hữu
Người mong muốn lợi ích
Với lòng từ ai mẫn
Dầu có bị đuổi xua
Hãy thân cận bạn ấy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu [2], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.323)
LỜI BÀN:
Tục ngữ Việt Nam có câu “Học thầy không tày học bạn” để nói lên tầm quan trọng và ảnh hưởng từ những người bạn tốt. Có không ít người vươn lên thành công trong cuộc sống nhờ có duyên lành được bạn tốt dắt dìu, nâng đỡ. Tuy vậy, tìm được bạn tốt để kết thân, gần gũi và học hỏi, cùng nhau hướng thiện cũng không phải là điều dễ dàng.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, một người bạn tốt mà ta cần nương tựa để học hỏi, trước hết dung mạo phải dễ nhìn, tính cách hiền lành dễ thương. Kế đến, người bạn tốt luôn có những hành động và ứng xử đẹp đẽ khiến ta khâm phục. Không chỉ làm tốt mà người ấy còn nói hay. Những lời động viên chân thành, góp ý ngăn can hợp lý, chia sẻ đồng cảm sâu sắc có tác dụng đánh thức ta trước những cám dỗ, quyết định sai lầm. Người bạn tốt luôn biết nhẫn nhịn, không nóng nảy cộc cằn. Nhờ trầm tĩnh nên bạn rất sâu sắc và vững chãi trong cuộc sống. Bạn tốt là người có thể hơn ta về nhiều phương diện nhưng lại luôn tôn trọng, không hề chi phối mà chỉ trợ duyên soi sáng giúp ta tự quyết định lấy công việc của mình.
Những ai gặp được bạn hiền, hội đủ những tố chất tot đẹp như trên là một phước báo lớn, cần nương tựa suốt đời để noi gương, học hỏi. Khoan nói đến việc bạn chỉ bảo cho ta điều gì mà chỉ cần được gần gũi, thân cận, thân thiết với người tốt thôi cũng đã có thật nhiều lợi ích. Năng lượng hiểu biết và yêu thương nơi bạn sẽ lan tỏa và thấm đẫm tâm ý chúng ta một cách nhẹ nhàng, khiến ta luôn bình an và tỉnh thức.
Trải lòng để học thầy, học bạn và học nơi tất cả mọi người trong cuộc sống xung quanh cùng với sự suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc, chắc chắn sẽ giúp chúng ta từng bước trưởng thành.
5- NGƯỜI BẠN CHÂN THẬT
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, Gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.
Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chặn bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nan; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chặn những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.
(ĐTKVN, Trường Bo II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.539)
LỜI BÀN:
Bạn bè ở đời có nhiều người và nhiều hạng. Vì thế nên người xưa đã từng khuyên chọn bạn mà chơi, chọn mặt để gửi vàng. Việc chọn lựa, tìm kiếm những người bạn hiền, chân thật để học hỏi và sẻ chia là điều cần thiet. Ai có nhiều bạn hiền, ắt hẳn người ấy có cơ hội gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Một người bạn chân thật, theo tuệ giác của Thế Tôn, phải thường xuyên khuyến khích và nhắc nhở cho ta những điều lợi ích cần phải thực hành để đem đến an vui. Người bạn chân thật thường thẳng thắn khuyên ngăn chúng ta trước những việc làm ác. Cuộc sống vốn nhiều biến động và vô vàn những ngang trái, éo le dễ làm cho con người manh tâm tham lam, thù hận. Nếu không kịp thời phản tỉnh trước những lời khuyên của bạn tốt thì chúng ta rất dễ dàng tạo ra những lầm lỗi. Không chỉ có thế, người bạn tốt còn khuyên ta làm các điều lành, tận tình chỉ bày cho ta nhưng điều chưa biết và nhất là trao truyền những phương pháp thực tập chuyển hóa để sống an vui trong hiện tại và tăng trưởng phước báo ở vị lai.
Một đặc điểm khác của những người bạn chân thật là luôn sẻ chia buồn vui với ta trong những lúc thành công hay thất bại. Nhờ bạn tốt nên lúc thành công, ta không quá đỗi tự hào và lúc gặp thất bại cũng không thối chí, gắng gượng vươn lên. Trước những lời thị phi ta đang gánh chịu, bạn tốt ra sưc bảo vệ và trước những lời tán dương ca ngợi ta, bạn tốt luôn bày tỏ đồng quan điểm. Có được những người bạn với những đức tính như trên, chắc chắn họ là bạn hiền.
Những ai có phước duyên gặp được bạn hiền như trên thì cần phải trân trọng, giữ gìn những tình cảm bạn bè tốt đẹp ấy để cùng nhau học tập, tu dưỡng đạo đức, sống hiền thiện, hạnh phúc và an vui.
6- Ở ĐÂU CŨNG ĐƯỢC THƯƠNG MẾN
Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo trú tại chỗ giúp đỡ rất nhiều cho trú xứ ấy. Thế nào là năm?
Có giới và học tập các học pháp. Nghe nhiều và khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Vị ấy sửa chữa những gì bị gãy, bị hư hại. Khi đại chúng Tỷ kheo đi đến từ nhiều địa phương khác nhau, vị ấy nói với các gia chủ đi đến như sau: “Nay đại chúng Tỷ kheo đã đến từ nhiều địa phương khác nhau. Các vị hãy làm phước đức. Nay là thời điểm làm các phước đức”. Chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được bốn thiền không phí sức và hiện tại lạc trú.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo trú tại chỗ giúp đỡ rất nhiều cho trú xứ ấy.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Trú tại chỗ, phần Giúp đỡ nhiều, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.735)
LỜI BÀN:
Theo truyền thống thiền môn, chư vị Tỷ kheo khi du hành và lưu trú trong bất cứ các tự viện hay chùa chiền nào cho đến ba ngày sau thì xem như không còn là khách mà phải thực hành trách nhiệm và bổn phận như Tăng chúng thường trụ ở nơi ấy. Để cho sự có mặt của mình không trở thành gánh nặng và đến đâu cũng được kính quý, mỗi vị Tỷ kheo phải luôn phấn đấu tu học đồng thời góp sức cùng chư Tăng nơi trụ xứ ấy bảo vệ và xây dựng chùa chiền ngày càng vững mạnh, phát triển hơn.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, khi gia nhập hội chúng mới, trước hết vị Tỷ kheo cần phải nỗ lực tu tập, giới hạnh tinh nghiêm. Kế đến là thường xuyên học hỏi, nghe pháp để có nhận thức và quan niệm đúng Chánh pháp. Đồng thời vị ấy tự giác tham gia vào công việc như chấp tác, dọn dẹp, sửa chữa những gì bị hư hại làm cho chùa viện sạch đẹp, khang trang hơn. Đối với các bạn đồng tu mới du hành đến trụ xứ, Tỷ kheo ấy phải sanh tâm hoan hỷ, kêu gọi các gia chủ cư sĩ cúng dường để gieo trồng phước báo và trợ duyên cho các huynh đệ đầy đủ phương tiện tu hành. Quan trọng nhất là vị Tỷ kheo trong thời gian ở tại trụ xứ ấy đạt được các quả chứng và song thảnh thơi an lạc.
Nếu hội đủ năm yếu tố trên, một vị Tỷ kheo đi đến nơi đâu sẽ giúp ích cho nơi ấy rất nhiều. Và tất nhiên, vị ấy ở đâu cũng không trở thành gánh nặng, được mọi người thương mến, kính trọng và mong moi ở lại lâu dài.
Trong thực tế hiện nay, một số Tỷ kheo trẻ cũng khá vất vả trong việc tìm cho mình một trụ xứ để nương tựa tu học. Thực trạng này hẳn có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết mỗi chúng ta phải tự xem lại mình đã thực hành được những gì để đóng góp cho trụ xứ như lời Phật đã dạy?
7- ĐƯỢC ÁI MỘ VÀ NOI THEO
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi, Jetavana, khu vườn Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn tôn kính, ưa muốn được tán thán, không xấu hổ, không sợ hãi, ác dục và tà kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo không ưa muốn lợi dưỡng, không ưa muốn tôn kính, không ưa muốn được tán thán, có xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và chánh kiến.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, được khả ý, được kính trọng, được bắt chước tu tập theo.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, phần Được ái mộ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.275)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn phấn đấu tự hoàn thiện mình để được mọi người kính trọng, mến mộ, ca ngợi và học tập theo. Người thực sự có uy tín, có danh dự, làm gương sáng cho mọi người trong một đoàn thể, cộng đồng là một phước báo lớn bởi đó là kết quả của quá trình phấn đấu, học tập, tu dưỡng và thành tựu đạo đức, trí tuệ.
Để đạt được phước báo này, dù bất cứ ai, theo tuệ giác Thế Tôn, mỗi người phải tự chuyển hóa, thăng hoa bằng cách thực tập: không ưa muốn lợi dưỡng, không ưa muốn tôn kính, không ưa muốn được tán thán, có xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và chánh kiến. Phải thấy rõ chính việc chạy theo danh và lợi; trơ trẽn, chẳng biết xấu hổ; xem nhẹ các giá trị đạo đức, coi thường pháp luật; tham vọng, ích kỷ và bảo thủ, cố chấp là hố thẳm vùi lấp danh dự, uy tín, nhân phẩm của con người.
Đối với đoàn thể xuất gia cũng vậy, muốn được đại chúng, các đồng Phạm hạnh kính trọng, ngưỡng mộ và thương mến thì phải tuân thủ, thực hành trọn vẹn bảy nguyên tắc trên. Chính tuệ giác và giới đức mới là nền tảng của nhân cách, phẩm hạnh. Theo Phật giáo, đức và trí (thành tựu Giới – Định – Tuệ) là những yếu tố cơ bản tác thành nên Thánh cách của bậc đại nhân, thạc đức để mọi người kính ngưỡng, quy y chứ không phải các hình thức bên ngoài. Có thể chúng Tăng bên ngoài có phần nể vì, kiêng dè ai đó bởi tuổi tác hay chức vụ nhưng tận trong sâu thẳm lòng ái kính của họ chỉ dành cho những bậc đạo cao đức trọng mà thôi.
Vì thế, những ai biết vượt lên cái tôi, không màng đến danh lợi, chẳng vướng bận khen chê, khiêm tốn và giản dị, độ lượng cùng bao dung, biết xấu hổ và sợ hãi điều xấu ác, luôn minh triết trong đời sống thì chính vị ấy đã thành tựu viên mãn phẩm hạnh, xứng đáng được bằng hữu cùng hang hậu học ngưỡng mộ, kính trọng, học hỏi và noi theo.