LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 199

Chương 8: KIẾN UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KIẾN, phần 2

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Những gì mà tất cả sĩ phu, Bổ-đặc-già-la đã thọ nhận đều do Tự Tại biến hóa làm nhân. Đây là không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Đây không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là nêu rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo hoặc nhân nơi tầm tư không chính đáng, hoặc nhân có được định, hoặc nhân nơi bạn ác chỉ dẫn nên khởi kiến chấp ấy, như trước đã nói nên biết. Nhưng các pháp sinh, không phải nhân nơi Tự Tại thứ lớp mà sinh. Tức là các thế gian nếu nhân nơi Tự Tại biến hóa sinh ra tức nên tất cả cùng thời mà sinh, vì nhân kia đều có, không gì có thể cản trở khiến không sinh. Nếu cho Tự Tại lại chờ đợi nhân khác mới có thể sinh, thì không phải là Tự Tại, như các nhân khác. Nếu cho các pháp đều từ dục lạc của Tự Tại mà sinh nên không khởi tức khắc, thì dục lạc của Tự Tại vì sao không sinh khởi ngay, vì dục lạc sinh kia nơi Tự Tại là hằng có, không gì có thể ngăn cản. Nếu cho Tự Tại lại đợi nhân khác mới sinh ra dục lạc tức không phải là Tự Tại. Lại nên thành vô cùng do nhân kia lại đợi nhân khác mới sinh. Lại nếu Tự Tại sinh ra các pháp thì do nhân không dị biệt tức pháp cũng nên không dị biệt. Nếu cho Tự Tại sinh một pháp đầu, sau đó từ pháp kia chuyển biến lại sinh nhiều, thì pháp kia vì sao có thể sinh nhiều pháp, do cũng như Tự Tại thể là một? Lại, pháp được sinh ra cũng nên là thường vì quả giống với nhân. Lại, thể của Tự Tại tức nên không thể sinh ra thể của pháp kia, vì nó là thường như hư không.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Tất cả những gì sĩ phu, Bổđặc-già-la đã thọ nhận đều là không nhân không duyên. Đây là tà kiến hủy báng về nhân, do kiến tập đoạn trừ.

Đây là tà kiến hủy báng về nhân: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến tập đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có các ngoại đạo thấy các hình tướng nơi nhân quả ở thế gian không phải là nhất định tương tợ. Có những kẻ mở mang tìm cầu nhưng không đạt kết quả, nên liền bác bỏ cho những sự thọ nhận là không nhân không duyên. Nhưng những sự thọ nhận không phải là không nhân không duyên. Hiện thấy các pháp do nhân duyên sinh nên không phải tất cả pháp cùng một lúc sinh. Nếu không nhân không duyên, tức nên đều khởi tức khắc, tức nên tất cả pháp không có khác nhau. Nếu không nhân không duyên thì do những gì khiến chúng khác nhau? Thế nên những sự thọ nhận đều không phải là không nhân không duyên.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Tự mình tạo khổ vui, kẻ khác tạo khổ vui, tự mình và kẻ khác tạo khổ vui. Đây không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Những kẻ có kiến chấp này cho những sự thọ khổ vui, không phải tự mình tạo, không phải kẻ khác tạo, không nhân mà sinh. Đây là tà kiến hủy báng về nhân, do kiến tập đoạn trừ.

Đây không phải là nhân mà chấp cho là nhân, là giới cấm thủ, cùng tà kiến hủy báng về nhân: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ và kiến tập đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là nhân duyên của Ca-diếp-ba không áo, là đẳng khởi của kiến chấp này. Ông Cadiếp-ba không áo kia, ngày xưa khi còn tại gia, từng là thương chủ, nhiều lần ra biển để tìm kiếm châu báu.

Lần đầu ra đi, gặp phải những khổ nạn ngoài biển, khó khăn lắm mới thoát về được, liền khởi suy nghĩ như vầy: Khổ nạn này là do ta tự tạo ra, nhưng mắc tội là khi ra biển đã không tắm gội.

Lần thứ hai, khi ra biển, ông liền tự tắm gội, xong xuôi ra đi, lại gặp khổ nạn như lần đầu, khó khăn lắm mới trở về được, lại suy nghĩ như vầy: Khổ nạn này là do kẻ khác làm, nhưng mắc tội là trước khi ra biển không cúng tế trời.

Lần thứ ba, trước khi ra đi, ông tự tắm gội và cúng tế trời, xong xuôi ra đi thì cũng gặp khổ nạn như lần trước, nhưng rồi cũng thoát được, liền suy nghĩ: Khổ nạn như vầy là do mình và kẻ khác gây ra, nhưng mắc tội là do trước khi ra biển đã không ân trọng, tuy đã tắm gội, đã cúng tế trời.

Lần sau cùng, ông hết sức ân trọng, tắm gội, cúng tế trời rồi ra đi. Vào biển rồi cũng gặp nạn như lần trước, nhưng cũng được thoát về, liền khởi suy nghĩ như vầy: Những khổ nạn đã gặp ấy không phải do nơi mình, kẻ khác, chỉ là không nhân mà bị. Do vậy, ông liền thấy ở nơi nhà phải nhận lấy nhiều lỗi lầm tức thì tìm đến trong pháp của ngoại đạo không mặc áo xin xuất gia. Về sau, ở thành Vương-xá, ông gặp Phật liền hỏi: Khổ do ai tạo ra? Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng bốn pháp ký luận điều phục ông ta. Nói rộng như trong kinh Ca-diếp-ba vô y. Nên nhân duyên ấy của ông là đẳng khởi của kiến chấp trên.

Trước đến giờ đã nói về những giới cấm thủ đều do kiến khổ đoạn trừ, là do dựa vào những điên đảo về ngã, thường để khởi ở nơi xứ của quả chuyển. Tức không phải là nhân chấp cho là nhân, do kiến khổ đoạn được. Nghĩa là giới cấm thủ gồm có hai loại: 1. Không phải là nhân chấp cho là nhân. 2. Không phải là đạo chấp cho là đạo.

Không phải là nhân chấp cho là nhân lại có hai thứ: 1. Do mê chấp pháp là ngã thường dấy khởi. 2. Do mê lầm về việc tạo khổ hạnh của đời trước nên dấy khởi.

Trước là dựa nơi điên đảo về ngã thường, cũng ở nơi xứ của quả chuyển. Tùy theo hai điên đảo nên do kiến khổ đoạn trừ. Sau chỉ ở nơi xứ của quả chuyển. Tướng của quả hiện rõ dễ có thể thấy. Chấp nhân là nhân không phải hoàn toàn là tà. Đã mê lầm nơi tướng của quả, nên cũng do kiến khổ đoạn trừ.

Không phải là đạo chấp cho là đạo cũng có hai thứ: 1. Chấp giới hữu lậu v.v… là đạo. Đây là mê lầm về tướng của quả thô hiện rõ, nên khi kiến khổ đế liền có thể vĩnh viễn đoạn dứt. 2. Chấp cho tà kiến hủy báng đạo đế v.v… là đạo. Đây là trái ngược gần với đạo ở nơi tướng nhân quả không phân biệt mà mê chấp, nên khi kiến đạo mới có thể vĩnh viễn đoạn dứt.

Khi hủy báng tập diệt là đã bác bỏ về pháp tướng đã đoạn, đã chứng. Nếu chấp là đạo tức là không công dụng, vì định dựa vào pháp đã đoạn và pháp đã chứng để lập đạo. Lại điều kiến chấp kia đã bác bỏ so với tướng của đạo là khác, tất không có kiến chấp kia liên tục chấp những thứ ấy là đạo. Nếu ở thời gian sau, chấp những thứ ấy là đạo thì nhất định ở nơi xứ của quả dấy khởi chấp là đạo.

Khi kiến khổ đế thì kiến chấp ấy liền đoạn. Không có giới cấm thủ do kiến tập diệt đoạn. Đối tượng chấp của kiến thủ không có chỗ đối đãi chỉ chấp các tà kiến là hơn, về sau đều được hiện tiền, nên chung nơi bốn bộ. Trong đây đã nói về các giới cấm thủ, chỉ không phải là nhân chấp cho là nhân nên do kiến khổ đoạn trừ.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Ngã và thế gian là pháp thường hằng kiên trụ không biến đổi, cứ an trụ như thế. Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo hoặc nhân nơi tầm tư không chính đáng, hoặc nhân nơi được định, hoặc nhân nơi bạn ác nên khởi kiến chấp ấy, như trước nên biết. Nhưng ngoại đạo kia đã chấp về ngã và thế gian đều không phải là thường phải thường trụ. Vì thật ngã ngã sở là không thể đạt được. Hiện thấy tất cả hữu tình nơi thế gian và khí thế gian là vật có chuyển biến, do nhân duyên sinh nên các thứ có sinh ra, tất cả đều sẽ có hoại diệt. Không nên chấp ngã và thế gian là thường hằng kiên trụ. Chữ vân vân (đẳng) là đều làm rõ về nghĩa thường.

Những kẻ khởi kiến này cho là đế, là trụ, là ngã có ngã. Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn trừ. Cho là đế: Tức là nghĩa thật. Nói trụ: Nghĩa là pháp như thế. Nói ngã có ngã: Tức là ngã hằng có. Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo nhân nơi tầm tư bất chánh, cho đến nói rộng.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Là đế là trụ, là ngã vô ngã. Đây là biên chấp kiến thuộc về đoạn kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Là đế là trụ: Như trước đã giải thích. Ngã vô ngã: Là ngã đang không có.

Hỏi: Trong chánh pháp cũng nói vô ngã, nhưng không phải là ác kiến. Ngoại đạo kia cũng nói vô ngã, vì sao gọi là ác kiến?

Đáp: Trong chánh pháp thì ở nơi tụ hành vô ngã, không, thấy rõ về không, vô ngã tức nói vô ngã nên không phải là ác kiến. Còn ngoại đạo kia ở trong tụ hành vô ngã không lại vọng cho là có ngã, chỉ nói ngã ấy nơi vị lai là không có, nên là ác kiến.

Đây là biên chấp kiến thuộc về đoạn kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy. Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo nhân nơi tầm tư không chính đáng, cho đến nói rộng.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Ngã quán ngã, nhãn sắc tức là ngã. Đây là hữu thân kiến, do kiến khổ đoạn trừ. Ngã quán ngã: Nghĩa là có ngoại đạo chấp ngã hiện có khắp nơi pháp trong, ngoài. Khi mắt thấy sắc là ngã quán ngã. Nhãn căn và sắc cùng hợp tức là ngã.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Ngã quán vô ngã, mắt tức là ngã, sắc là những đồ dùng. Đây là hữu thân kiến, do kiến khổ đoạn trừ. Ngã quán vô ngã: Nghĩa là có ngoại đạo cho mắt là không chung, lại là pháp bên trong nên chấp là ngã. Sắc cùng với đây là trái nhau, tức chỉ là đồ dùng của ngã. Khi mắt thấy sắc cho là ngã quán vô ngã.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Vô ngã quán ngã, sắc tức là ngã, mắt là đồ dùng. Đây là hữu thân kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Vô ngã quán ngã: Là có ngoại đạo hiện thấy nơi thế gian, đại địa, các ngọn núi trải qua thời gian lâu không đổi khác, cho là cùng với lý của ngã là tương ưng, liền chấp là ngã. Mắt cùng với đây là trái nhau, nên chỉ là đồ dùng. Khi mắt thấy sắc cho là vô ngã quán ngã.

Hỏi: Vì sao không nói vô ngã quán vô ngã?

Đáp: Do tất cả pháp thật sự là không có ngã. Nếu nói vô ngã quán vô ngã tức là chánh kiến, nên ở đây không nói.

Hỏi: Nếu có ngoại đạo chấp tai, âm thanh v.v… là ngã, không phải thứ khác, khi mắt thấy sắc, nói là vô ngã quán vô ngã. Đây há là chánh kiến?

Đáp: Ngoại đạo kia chấp tai, âm thanh v.v… là ngã tuy là ác kiến, nhưng nếu nói vô ngã quán vô ngã tức là chánh kiến, thế nên không nói.

Trong đây, nói các thứ hữu thân kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Các thứ do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi có sai khác cũng nói như trước, nên biết

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Đây là ngã, là hữu tình mạng, là sinh, là nuôi dưỡng, là Bổ-đặc-già-la, ý sinh, nho đồng, người tạo tác, người dạy bảo, người sinh cùng sinh, người khởi cùng khởi, lời nói hiểu biết cùng lãnh thọ, không phải không từng có, không phải không sẽ có. Ở nơi xứ đây kia tạo nghiệp thiện ác, thì ở nơi xứ đây kia thọ nhận dị thục của quả. Bỏ uẩn này nối tiếp uẩn khác. Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi có sai biệt nói cũng như trước, nên biết.

Hỏi: Thường luận đã nói ở phần đầu so với điều đã nêu ở đây có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Nơi phần đầu là dựa vào định, còn ở đây là dựa vào tầm tư.

Có thuyết cho: Nơi phần đầu là sư, ở đây là đệ tử.

Có thuyết nêu: Nơi phần đầu là khuôn phép, ở đây là trụ gần bên.

Có thuyết nói: Nơi phần đầu là tôn trọng, ở đây là người học.

Có thuyết cho: Nơi phần đầu người chứng, cũng là người nói. Ở đây là người chứng không phải là người nói.

Có thuyết nêu: Nơi phần đầu là chấp ngã từ đời trước đến đời nay là luôn có. Phần sau là chấp ngã từ đời nay đến đời sau là luôn có.

Đó gọi là Thường luận nơi trước sau có sai biệt.

Hỏi: Sáu kiến như thế đã được kiến lập như thế nào? Là do tự tánh hay do chỗ dựa, đối tượng duyên? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì? Nếu do tự tánh thì chỉ nên có hai, nghĩa là hữu thân kiến và biên chấp kiến. Nếu do chỗ dựa, đối tượng duyên tức nên có mười tám, nghĩa là dựa vào nhãn, sắc có ba cho đến dựa vào ý, pháp cũng có ba. Hoặc thành ba mươi sáu tức là dựa vào nhãn sắc có sáu, cho đến dựa vào ý pháp cũng có sáu.

Đáp: Trong đây là dùng chỗ dựa và đối tượng duyên để kiến lập sáu thứ.

Hỏi: Há không phải là đã nói nên thành mười tám, hoặc ba mươi sáu chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Vì sao? Vì trong đây là dựa chung vào căn của chủ thể nhận biết, đối tượng được nhận biết. Căn là nghĩa có cảnh giới, hành tướng có sai khác của cảnh giới để kiến lập. Nếu dựa vào sát-na tương tục có sai biệt thì có vô lượng. Nay lược nói như vậy.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Thọ nhận năm dục diệu gọi là đạt được Niết-bàn của hiện pháp bậc nhất. Đây là nhận lấy pháp kém cho là hơn, là kiến thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Lìa dục ác, pháp bất thiên, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc, nhập tĩnh lự thứ nhất, trụ đầy đủ, gọi là đạt được Niết-bàn của hiện pháp bậc nhất. Tầm tứ tịch tĩnh, nội đẳng tịnh, tâm tánh một nẻo, không tầm không tứ, định sinh hỷ lạc, nhập tĩnh lự thứ hai, trụ đầy đủ, gọi là đạt được Niết-bàn của hiện pháp bậc nhất. Lìa hỷ trụ xả, chánh niệm, chánh tri, thân thọ lạc, Thánh nói có thể bỏ, đầy đủ niệm trụ, lạc trụ, nhập tĩnh lự thứ ba, trụ đầy đủ, gọi là đạt được Niết-bàn của hiện pháp bậc nhất. Đoạn lạc đoạn khổ, hỷ ưu ở trước đã hết, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tĩnh lự thứ tư, trụ đầy đủ, gọi là đạt được Niết-bàn của hiện pháp bậc nhất. Đây là nhận lấy pháp kém cho là hơn, là kiến thủ, do kiến khổ đoạn trừ.

Thọ nhận năm dục diệu: Là người và các trời thuộc cõi dục.

Có thuyết cho: Chỉ có các trời thuộc cõi dục, do năm dục kia là thắng diệu tột bậc.

Niết-bàn của hiện pháp: Nghĩa là ở nơi thân hiện tại đạt được Niết-bàn.

Hỏi: Ở đây vì sao thành kiến thủ?

Đáp: Năm dục diệu là pháp có cấu, có uế, có độc, có đục, là pháp thấp kém. Ngoại đạo kia chấp cho là đồng với các lạc như xuất ly, hoặc lạc của Niết-bàn, nên thành kiến thủ.

Hỏi: Nhập bốn tĩnh lự, trụ đầy đủ, là công đức thù thắng, vì sao nhận lấy cho là Niết-bàn của hiện pháp cũng gọi là kiến thủ?

Đáp: Tĩnh lự thế tục có cấu, có uế, có độc, có đục, là pháp thấp kém. Ngoại đạo kia đã chấp cho là đồng với lạc lìa cấu uế, hoặc lạc của Niết bàn, nên gọi là kiến thủ.

Hỏi: Cũng có ngoại đạo chấp định vô sắc là Niết-bàn, vì sao trong đây không nói?

Đáp: Các ngoại đạo kia phần nhiều chấp tĩnh lự là Niết-bàn, ít chấp vô sắc. Trong đây là dựa vào phần nhiều để nói, nên không có lỗi.

Lại nữa, ngoại đạo kia chấp vô sắc là Niết-bàn cứu cánh, trong đây thì nói về Niết-bàn của hiện pháp, nên không nói đến vô sắc.

Lại nữa, bốn tĩnh lự căn bản là thuộc về lạc đạo, các ngoại đạo lại chấp là Niết-bàn của hiện pháp. Bốn vô sắc là thuộc về khổ đạo, nên các ngoại đạo kia không chấp là Niết-bàn của hiện pháp. Lại nữa, các định vô sắc thì vi tế, các ngoại đạo kia đối với chúng không thông tỏ, cho là đoạn diệt, sinh khởi sợ hãi sâu xa, nên không nói là Niết-bàn của hiện pháp, do đó không nói đến vô sắc.

Đây là nhận lấy pháp kém cho là hơn, là kiến thủ: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào? Nghĩa là có ngoại đạo nghe nói Niết-bàn là an lạc thắng diệu, liền cho nếu được năm địa an vui của cõi dục, cõi sắc tức gọi là được Niết-bàn của hiện pháp, nên khởi kiến chấp ấy.

Có thuyết nói: Ngoại đạo kia đạt được định thế tục, thấy trong năm địa, các loại hữu tình thọ nhận diệu lạc, liền cho là đạt được Niết-bàn của hiện pháp, nên khởi kiến chấp ấy.

Có thuyết cho: Ngoại đạo do gần gũi bạn ác nên khởi lên kiến chấp như vậy.

Hỏi: Vì sao kiến thủ này do kiến khổ đoạn?

Đáp: Kiến chấp này là dựa nơi ngã kiến chuyển chấp có Thể của ngã thọ nhận lạc của Niết-bàn.

Lại nữa, kiến chấp này là ở nơi xứ của quả chuyển, chấp quả hữu lậu là Niết bàn.

Lại nữa, đây là mê lầm về khổ đế, cho pháp khổ là vui.

***

* Có chín loại mạn, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm để phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là trong Khế kinh nói có chín loại mạn nhưng không phân biệt rộng. Nay nhằm phân biệt nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trong phẩm Kiến này chỉ nên phân biệt về các kiến, vì sao phân biệt về các loại mạn?

Đáp: Trước đã nói trong mỗi mỗi uẩn là nói về tất cả pháp. Thế nên nơi mỗi mỗi phẩm cũng nói về nhiều pháp tức không có lỗi.

Tôn giả Thế Hữu nói: Trong phẩm này chính là phân biệt về các ác kiến, cũng phân biệt về các phiền não tương tợ với ác kiến, trong ấy không có thứ nào tương tợ với ác kiến như các mạn, cho nên ở đây cũng phân biệt về mạn.

Đại đức nói: Do các loại mạn đã dựa vào hữu thân kiến, là đối tượng nuôi lớn của hữu thân kiến, sau hữu thân kiến thì hiện tiền. Khi đã kiến đế thì chúng không còn khởi. Do vậy, trong đây chính là phân biệt về kiến, cũng phân biệt về mạn.

Tôn giả Giác Thiên nói: Các loại kiến mạn đều cùng khiến hữu tình khó nhập nơi pháp Phật thế nên ở đây đều nói cả hai thứ. Nghĩa là các hữu tình nếu không có ác kiến cùng các loại mạn thì có thể quy y nơi chánh pháp của Như Lai, tu tập phạm hạnh, ra khỏi khổ của sinh tử, đạt được an vui của Niết-bàn. Do có kiến, mạn nên các hữu tình kia không thể quay về nương dựa nơi chánh pháp của Như Lai, tức mất nghĩa lợi lớn.

Tôn giả Diệu Âm cho: Ác kiến và các loại mạn đã cùng ngăn cản hữu tình thân cận nơi bậc thiện sĩ để lắng nghe chánh pháp, tác ý như lý, pháp tùy pháp hành, nên lỗi lầm càng nặng, vì thế ở đây cùng nói cả hai thứ.

Ta là hơn: Tức kẻ kia đối với những người bằng mình cho là mình hơn, là dựa nơi kiến khởi quá mạn, tức dựa nơi hữu thân kiến đã khởi quá mạn. Đối với những người bằng mình cho là mình hơn là thuộc về quá mạn.

Ta là bằng: Tức kẻ kia đối với những người bằng mình cho là mình bằng, là dựa nơi kiến khởi mạn, tức dựa nơi hữu thân kiến đã khởi mạn. Đối với những người bằng mình cho là mình bằng họ để tự cao đề cao là thuộc về mạn.

Ta kém thua: Tức kẻ kia đối với những người hơn mình cho là mình kém họ, là dựa nơi kiến khởi ty mạn, tức dựa nơi hữu thân kiến đã khởi ty mạn. Đối với người hơn mình nhiều cho là mình chỉ thua kém ít là thuộc về ty mạn.

Có người hơn ta: Tức kẻ kia cho có người khác hơn mình, tức là đối với chỗ hơn cho là mình kém. Phần còn lại như trước đã nói.

Có người bằng ta: Tức kẻ kia cho có người khác bằng mình, tức là đối với chỗ bằng cho là mình bằng. Phần còn lại như trước đã nói.

Có người kém ta: Tức kẻ kia cho có người khác kém thua mình, tức là ở nơi bằng cho là mình hơn. Phần còn lại như trước đã nói.

Không có người hơn ta: Tức kẻ kia cho không có người khác hơn mình, tức là ở nơi chỗ bằng cho là mình bằng. Phần còn lại như trước đã nói.

Không có người bằng ta: Tức kẻ kia cho không có người khác bằng mình, tức là ở nơi bằng cho là mình hơn. Phần còn lại như trước đã nói.

Không có người kém ta: Tức kẻ kia cho không có người khác kém mình, tức là ở nơi chỗ hơn cho là mình kém. Phần còn lại như trước đã nói.

Chín loại mạn này, tức thuộc về ba mạn trong bảy mạn, nghĩa là mạn, quá mạn, ty mạn. Ở đây là dựa nơi Bản Luận đã giải thích như thế.

Dựa nơi Luận Phẩm Loại Túc, thì trong loại mạn ta hơn đã gồm thâu ba thứ mạn. Nếu đối với chỗ kém cho là mình hơn, tức là mạn. Nếu ở nơi chỗ bằng cho là mình hơn, tức là quá mạn. Nếu ở nơi chỗ hơn cho là mình hơn, tức là mạn quá mạn. Tám loại mạn còn lại, như lý nên nói.

Chín loại mạn này đều chung do kiến đạo tu đạo đoạn. Nhưng ở trong đây không nói: Có thuyết cho: Do đây là phần Luận thêm. Có thuyết nêu: Vì các loại mạn kia không phải tương tợ với kiến.

* Có những kẻ khởi kiến chấp này: Gió không thổi, sông không chảy, lửa không cháy, sữa không nhỏ giọt, thai không phải có chửa, mặt trời mặt trăng không mọc không lặn. Tự tánh của tạp nhiễm, thanh tịnh là an trụ không tăng không giảm. Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn trừ.

Đây là biên chấp kiến thuộc về thường kiến: Là hiển bày về tự tánh của kiến chấp ấy.

Do kiến khổ đoạn trừ: Là chỉ rõ về pháp đối trị kia. Nói rộng như trước.

Đẳng khởi của kiến chấp ấy là thế nào?

Tôn giả Thế Hữu nói: Có các ngoại đạo nhân nơi tầm tư bất chánh nên chấp có thật ngã, là vi tế thường trụ khắp tất cả xứ. Ở trong các pháp đã âm thầm tác động. Khi thấy gió thổi, sông chảy v.v… thì cho là ngã đã tạo tác. Nhưng không phải ngã kia có thể tạo như vậy. Như thấy cây động thì biết là gió tạo nên. Thấy máy móc chạy thì biết là do người đã tạo.

Đại đức nói: Có các ngoại đạo nhân nơi tầm tư ác nên chấp có thật ngã là vi tế thường trụ, có tác dụng hơn hẳn làm chuyển biến các pháp. Khi thấy gió thổi, sông chảy v.v… thì cho là ngã khiến chúng hiện bày hình tướng như thế. Như cây động thấy bóng cũng động. Khi hóa chủ nói thì hóa thân cũng nói.

Có thuyết cho: Ngoại đạo kia có được định thế tục, thấy các hữu tình nơi các nẻo lưu chuyển nối tiếp không dứt. Thấy gió thổi, sông chảy v.v… theo xứ theo thời, có không chẳng định, liền cho là có ngã vi tế thường trụ, có tác dụng hơn hẳn, khiến vô số thứ như gió, sông v.v… chuyển biến, hoặc có hoặc không.

Có thuyết nêu: Ngoại đạo kia gần gũi nơi bạn ác, theo bạn ác chỉ dạy, nên khởi kiến chấp ấy.

Chúng sinh chấp ngã tạo tác, cho đến nói rộng. Ở đây là lược giải thích về nghĩa của các Bài Tụng đã chê trách về ác kiến trong những Khế kinh. Chấp ngã có thể tạo tác v.v… là chấp trong nội thân có ngã thắng nghĩa, có thể tạo tác, có thể sinh ra, có thể biến hóa các vật. Chấp cái khác có thể tạo tác v.v… là chấp trong ngoại thân có ngã thắng nghĩa, có thể tạo tác, có thể sinh ra, có thể biến hóa các vật.

Có thể tạo tác: Là tạo tác pháp bên trong hằng có. Có thể sinh ra: Là sinh ra pháp bên ngoài hằng có. Có thể biến hóa: Là hóa ra các pháp trong ngoài không phải hằng có.

Lại nữa, có thể tạo tác: Là tạo tác các pháp nơi tự thân. Có thể sinh ra: Là sinh ra các pháp nơi thân khác. Có thể biến hóa: Là hóa làm các pháp phi tình.

Đều cho là mỗi mỗi, không phải là tất cả: Là làm rõ các ngoại đạo mỗi mỗi chấp riêng, không phải là tất cả. Đồng với mũi tên, nghĩa là ác kiến có thể khiến người trúng thương: Là chỉ rõ ác kiến ấy có hành tướng mãnh liệt, nhanh chóng, từ xa có kẻ bị trúng thương, cũng như mũi tên độc. Các ngoại đạo kia bị vô minh làm cho mù tối, không thể quán biết như thật về những lỗi lầm tai hại. Nên quán ác kiến này là mũi tên độc, cho đến nói rộng. Trong đây đã khuyên ngoại đạo kia nên quán ác kiến đích thực là mũi tên độc. Cùng với lão bệnh tử là kẻ dẫn đường trước: Là như mũi tên ở thế gian đã dẫn sinh các khổ. Ác kiến như thế là đã dẫn sinh vô số khổ não như lão bệnh v.v… khiến chúng sinh có đủ mạn, cho đến nói rộng. Ở đây đã chỉ rõ về người gồm đủ bảy mạn, là mạn đã vướng bám, trói buộc. Đối với kiến chấp đoạn thường là đều cùng trái nghịch, nên không thể vượt qua nẻo sinh tử không biên vực. Bảy mạn như trên đã nói. Kẻ vướng bám: Là vướng bám phần ít. Người vướng bám nhiều: Là vướng bám phần nhiều. Người vướng bám khắp: Là vướng bám cùng khắp. Trói buộc v.v… cũng như vậy.

Hỏi: Vướng bám cùng với trói buộc có sai biệt gì?

Đáp: Về tên gọi tức sai biệt.

Lại nữa, về nghĩa cũng có khác nhau. Vướng bám nghĩa là chấp trước bền chặt, là nghĩa khó tẩy trừ. Trói buộc nghĩa là cột buộc, là nghĩa khó giải thoát.

Lại nữa, vướng bám là tương ưng với trói buộc. Trói buộc là đối tượng duyên nơi trói buộc. Tức là bảy loại mạn gồm đủ hai thứ trói buộc, đối với các chúng sinh kia có thể tạo vướng bám, có thể trói buộc.

Lại nữa, vướng bám nghĩa là vướng mắc nơi tâm. Trói buộc nghĩa là buộc trói nơi thân.

Đó gọi là hai thứ vướng bám, trói buộc, về nghĩa có sai biệt.

So với kiến chấp đoạn thường đều cùng trái nghịch: Như người tại gia, do tham trói buộc, vướng bám, nên ở nơi đối tượng thâu nhận đều cùng trái ngược. Những người xuất gia, do mạn trói buộc, vướng bám, nên ở nơi kiến chấp đoạn thường đều cùng trái ngược.

Sinh tử không biên vực: Tức các loài nơi các nẻo lưu chuyển không dừng, là nghĩa của sinh tử. Sinh tử như thế là không có biên vực trước, vì không thể nhận biết. Do có nhân trước mà có biên vực sau, vì bát Niết bàn là biên vực sau. Lại nữa, sinh tử về lượng là lâu xa, không biết được đến lúc nào giải thoát nên gọi là không biên vực. Được, sẽ được đều cùng mờ mịt cho đến nói rộng. Ở đây là làm rõ ngoại đạo, ở trong uẩn xứ giới đã được, sẽ được, luôn bị các thứ trần cấu tham sân si làm cho mờ mịt, nên đối với khổ vui đã hành theo lỗi lầm của hai biên, không thấy biết như thật. Do không thấy biết nên bị chìm đắm tột cùng, càng chạy trốn thì càng bị chìm ngập hơn nữa. Nghĩa là quá chậm chạp không thể tiến tới. Trốn chạy nghĩa là quá gấp vội cũng không thể đạt đến. Các nghĩa còn lại trong Tụng, như nơi Luận đã giải thích đủ.

Như Khế kinh nói: Có những Sa-môn, Bà-la-môn v.v… đều dựa vào thắng giải để dấy khởi những tranh luận, tất cả đều ở nơi năm xứ mà chuyển. Những gì là năm?

1. Chấp ngã sau khi chết là có tưởng, chỉ điều ấy là đúng thật, ngoài ra đều là ngu vọng.

2. Chấp ngã sau khi chết là không có tưởng.

3. Chấp ngã sau khi chết không phải là có tưởng, không phải là không có tưởng.

4. Chấp ngã sau khi chết là đoạn diệt.

5. Nói có Niết-bàn của hiện pháp.

Kia năm tức ba, ba tức kia năm. Kia năm tức ba: Nghĩa là kia là luận hữu tưởng, luận vô tưởng, luận phi hữu tưởng phi vô tưởng, tức đây là thường kiến. Kia là luận đoạn diệt, tức đây là đoạn kiến. Kia là luận hiện pháp Niết bàn, tức đây là kiến thủ. Ba tức kia năm: Nghĩa là đây là thường kiến, tức kia là luận hữu tưởng, luận vô tưởng, luận phi hữu tưởng phi vô tưởng. Đây là đoạn kiến, tức kia là luận đoạn diệt. Đây là kiến thủ, tức kia là luận hiện pháp Niết bàn.

Lại, kinh Phạm Võng nói có sáu mươi hai các thú ác kiến đều do hữu thân kiến làm gốc. Sáu mươi hai kiến thú: Nghĩa là nơi biên vực trước phân biệt về kiến có mười tám. Nơi biên vực sau phân biệt về kiến có bốn mươi bốn.

Nơi biên vực trước phân biệt về kiến có mười tám: Nghĩa là bốn Luận biến thường, bốn Luận nhất phần thường, hai Luận không nhân sinh, bốn Luận hữu biên v.v… bốn Luận bất tử kiểu loạn.

Nơi biên vực sau phân biệt về kiến có bốn mươi bốn: Nghĩa là mười sáu Luận hữu tưởng, tám Luận vô tưởng, tám Luận không phải là hữu tưởng không phải là vô tưởng, bảy Luận đoạn diệt, năm Luận hiện pháp Niết-bàn.

Ở đây, dựa vào quá khứ khởi phân biệt về kiến gọi là nơi biên vực trước phân biệt về kiến. Dựa vào vị lai khởi phân biệt về kiến, gọi là nơi biên vực sau phân biệt về kiến. Nếu dựa vào hiện tại khởi phân biệt về kiến thì điều này tức không định: Hoặc gọi là nơi biên vực trước phân biệt về kiến. Hoặc gọi là nơi biên vực sau phân biệt về kiến. Do đời hiện tại là trước vị lai sau quá khứ. Hoặc là nhân của vị lai, quả của quá khứ.

1. Trong phần biên vực trước phân biệt về kiến:

* Bốn Luận biến thường: (1) Do có thể nhớ về một kiếp hoại thành, hoặc hai, hoặc ba, cho đến tám mươi. Luận kia liền chấp ngã, thế gian đều cùng là thường. Hỏi: Luận kia vì sao khởi chấp như thế? Đáp: Luận kia chấp là theo chuyển biến hoặc ẩn hiển. Phái Luận chuyển biến khởi chấp như vầy: Sữa biến thành lạc, hạt giống biến làm mầm, củi biến làm tro. Các loại như thế, nếu nối tiếp các thứ kia mà có, đều là đối tượng chuyển biến của các thứ kia. Không phải pháp kia diệt thì có pháp này sinh, vì tự tánh của tất cả pháp là thường trụ. Phái Luận ẩn hiển thì khởi chấp: Tự tánh của các pháp hoặc ẩn hoặc hiển. Luận kia thấy nơi xứ này trước có những thứ hình tướng như thế hiển bày phần lượng như đại địa, châu bãi, sơn vương Diệu Cao, biển lớn, những cây cối v.v… đã bị hoại. Về sau, ở nơi xứ này lại có các thứ hình tướng hiện rõ phân lượng như đại địa v.v… như thế đã thành, tức khởi suy niệm: Nơi khoảng trung gian kia là không thể thấy biết, không phải là tánh đã hoại diệt, nhưng khi kiếp hoại thì tánh kia tiềm ẩn, đến phần vị kiếp thành thì tánh ấy lại hiển hiện. Lại, bảy sĩ thân là thường, không động chuyển, cùng không tiếp xúc, mạng không thể hại, nên khởi niệm này: Ngã cùng đối tượng nhớ nghĩ, cả hai đều cùng là thường. Do đấy liền khởi kiến chấp: Ngã và thế gian đều cùng là thường trụ.

1. Do có thể nhớ về sự việc của một đời, hoặc hai, hoặc ba, cho đến sự việc nơi trăm ngàn đời. Tức thuyết kia liền chấp: Ngã, thế gian cùng là thường. Do chấp là theo chuyển biến hoặc ẩn hiển. Thuyết kia cho hoặc có thể nhớ nghĩ về khí thế giới bên ngoài đã hoại, thành, vì đã thấy nơi xứ này trước có các thứ hình tướng hiện rõ phần lượng như đại địa, châu bãi v.v… như thế, như trước đã nói cho đến mạng không thể hại. Nếu không thể nhớ nghĩ về khí thế giới bên ngoài đã hoại, thành, tức chấp thế gian là thường, lý không đợi nói, nên khởi suy niệm: Ngã và đối tượng nhớ nghĩ, cả hai đều cùng là thường. Do đấy liền khởi kiến chấp: Ngã và thế gian cùng là thường trụ.

Hỏi: Thuyết này cùng với nghĩa thứ nhất có sai khác gì?

Đáp: Trước tuy nhớ nghĩ về nhiều, nhưng ở nơi các đời có thể nhớ nghĩ không gián đoạn là chưa được tự tại. Nay tuy nhớ nghĩ ít, nhưng ở nơi các đời có thể nhớ nghĩ không gián đoạn đã được tự tại.

2. Do thiên nhãn nên thấy các hữu tình khi chết khi sinh, các uẩn tương tục. Nghĩa là thấy các uẩn của tử hữu vô gián thì trung hữu hiện tiền. Lại thấy các uẩn của trung hữu vô gián thì sinh hữu hiện tiền. Lại thấy các uẩn của sinh hữu vô gián thì bản hữu hiện tiền, phần vị nơi các uẩn của bản hữu tương tục cho đến tử hữu. Ví như nước chảy, đèn cháy sáng tương tục. Do không nhận biết rõ về sự sinh diệt vi tế ở trong các uẩn, bèn khởi tưởng thường, tức chấp ngã thế gian đều cùng thường. Do chấp theo chuyển biến hoặc theo ẩn hiển, như dao ở trong bao, rắn ở trong hang, người ở nơi nhà cửa tối tăm, ra vào ẩn hiển, nên khởi suy niệm: Ngã và đối tượng thấy biết, cả hai cùng là thường. Do đấy liền khởi kiến chấp: Ngã và thế gian cùng là thường trụ.

3. Do tầm tứ nhận biết không như thật, nên cho ngã, thế gian cùng là thường trụ. Thuyết kia khởi suy niệm: Có pháp thường có, không có pháp luôn không, không có thì không thể sinh, có thì không thể diệt. Thuyết ấy chấp nhân quả từ vô thỉ đến nay, tánh chỉ là một không diệt không khởi nên là thuộc về biên vực trước phân biệt về kiến. Thuyết kia nếu chấp sắc cho là ngã, là do thấy hiển sắc, hình sắc luôn tương tợ, tức liền chấp là thường. Nếu chấp tâm v.v… cho là ngã, tức do các pháp như tâm là vô gián sinh, là tương tợ sinh, là hằng thời sinh. Vì không thể nhận biết rõ về sinh diệt vi tế, vì có thể nhớ lại những sự việc đã trải qua nơi ngày xưa trước vì những sự việc trước sau đều cùng tương tợ, kẻ khác không ngăn ngại, nên liền chấp là thường. Thuyết kia do tầm tứ hư vọng như thế, nên đã chấp ngã, thế gian cùng là thường trụ.

Như thế là bốn thứ Luận biến thường thuộc phần biên vực trước đã phân biệt. Do bốn sự là kiếp và sinh tử, đời, tầm tứ mà khởi.

* Bốn Luận nhất phần thường:

1. Từ xứ trời Phạm thế chết, sinh vào cõi này, do được túc trụ tùy niệm thông nên dấy khởi chấp như vầy: Chúng ta đều là do Đại Phạm Thiên vương đã hóa tác. Phạm vương là chủ thể hóa tác ở nơi xứ kia nên là thường trụ. Chúng ta là đối tượng được hóa tác nên là vô thường.

2. Nghe nói Phạm vương có những kiến giải như vậy, lập luận như vầy: Đại chủng là vô thường, tâm là thường trụ. Hoặc ngược lại điều ấy, nói tâm là vô thường, đại chủng là thường trụ. Đồng chấp nhận luận điểm kia, hoặc ở nơi xứ Phạm thế, hoặc sinh vào cõi này, hoặc lần lượt nghe nhận đạo lý như vậy, liền khởi chấp: Ta dùng Đại Phạm Thiên vương làm lượng, cho nên thế gian một phần là thường, một phần là vô thường.

3. Có hữu tình trước từ trời Hý vọng chết, sinh vào cõi này, do được túc trụ tùy niệm thông nên dấy khởi chấp: Trên xứ trời kia, có những hữu tình vì không quá vui chơi quên mất niệm nên họ ở nơi xứ ấy là thường trụ. Chúng ta trước do quá ham vui chơi quên mất niệm, đã từ nơi xứ ấy chết sinh đến xứ này nên là vô thường.

4. Có hữu tình trước từ trời Ý phẫn chết, sinh đến cõi này, do được túc trụ tùy niệm thông nên liền khởi chấp: Nơi xứ trời kia có các hữu tình vì không quá ý phẫn nộ trừng mắt cùng nhìn nhau nên họ ở nơi xứ ấy là thường trụ. Chúng ta trước do cực ý phẫn nộ, trừng mắt cùng nhìn nhau, từ nơi xứ ấy chết đi, sinh vào cõi này, nên là vô thường.

Hỏi: Chư thiên như vậy là trụ nơi xứ nào?

Đáp: Có thuyết nói: Họ trụ nơi tầng cấp của núi Diệu Cao.

Có thuyết cho: Họ là chư thiên thuộc trời Ba Mươi Ba.

Như thế là bốn thứ Luận nhất phần thường thuộc phần biên vực trước đã phân biệt. Do bốn sự là chấp Đại phạm, đại chủng, hoặc tâm hý vọng, phẫn nộ mà khởi.

* Hai Luận không nhân sinh:

1. Hữu tình từ trời Vô tưởng chết, sinh vào cõi này, do được túc trụ tùy niệm thông, nên tuy có thể nhớ về sự việc mình đã xuất tâm vô tưởng và các phần vị sau, nhưng không thể nhớ về sự việc xuất tâm do các phần vị hiện có trước, liền khởi suy nghĩ: Ta khi ở nơi xứ kia vốn không mà khởi. Các pháp như ngã cũng nên như vậy tức tất cả vốn không mà sinh. Do đấy liền chấp: Ngã và thế gian đều không có nhân, tự nhiên sinh khởi.

2. Do tầm tứ suy cầu hư vọng. Nay thân nơi sự việc trải qua đều đã có thể nhớ về thân trước. Nếu có người đối với sự việc đã trải qua kia, tức nay trong thân này cũng nên có thể nhớ đến. Đã không thể nhớ tức biết chúng là không. Lại nghĩ như vầy: Nếu nương vào xứ kia sinh thì các loài hữu tình tất trở lại giống nơi chốn đó, như trùng ở trong lạc trở lại giống với lạc. Trùng trong phân bò trở lại giống với phân bò. Trùng trong lá xanh trở lại giống với lá xanh. Cha mẹ sinh con, con trở lại giống với cha mẹ. Không phải tức lạc v.v… là nhân của trùng v.v… Nên biết tất cả thân và các căn, các pháp như giác tuệ v.v… đều từ không nhân khởi. Lại suy nghĩ: Hiện thấy các loài như công, loan, phụng, gà v.v… núi đá, cỏ cây, hoa trái, gai nhọn v.v… sắc hình có khác nhau đều không do nhân, tự nhiên mà có. Những kẻ kia nói như vầy: Ai chuốt các thứ gai nhọn? Ai vẽ màu nơi các chim thú? Ai chồng chất thành núi gò? Ai xoi đục thành suối hang? Ai lại khắc chạm cho cỏ cây, hoa quả? Tất cả như thế đều không do nhân. Đối với thế gian là tự tạo tự có. Do vậy liền chấp: Ngã và thế gian đều không nhân sinh, tự nhiên mà có.

Như thế là hai thứ Luận không nhân sinh thuộc phần biên vực trước đã phân biệt. Do hai sự việc là trời Vô tưởng và tầm tứ hư vọng mà khởi.

* Bốn Luận hữu biên v.v…:

1. Do thiên nhãn thấy bên dưới chỉ đến địa ngục vô gián, thấy trên chỉ đến trời tĩnh lự thứ nhất, chấp ngã ở trong ấy thảy đều hiện có đủ khắp. Kẻ kia khởi suy nghĩ: Vượt qua giới hạn ấy nếu có ngã và thế gian thì ngã cũng nên thấy. Đã lại không thấy tức biết là không có. Do đấy liền chấp: Ngã và thế gian đều là hữu biên. Tức là nghĩa của hai thứ có phần hạn.

2. Do dựa vào tĩnh lự của phần chỉ (Xa ma tha) hơn hẳn phát sinh thiên nhãn tịnh, thấy bên cạnh là vô biên nên chấp ngã ở trong ấy thảy đều hiện có đủ khắp. Do đấy liền chấp: Ngã và thế gian đều là vô biên. Tức là nghĩa của hai thứ không phần hạn.

3. Do thiên nhãn và thần cảnh thông. Do thiên nhãn thông thấy bên dưới chỉ đến địa ngục vô gián, thấy bên trên chỉ đến trời tĩnh lự thứ nhất. Do thần cảnh thông nên vận thân đi qua phần bên nhưng không đạt được biên vực bèn ở nơi phần trên dưới khởi tưởng hữu biên. Đối với thế giới bên cạnh thì khởi tưởng vô biên, chấp ngã ở trong ấy thảy đều hiện có đủ khắp. Do đấy liền chấp: Ngã và thế gian cũng là hữu biên, cũng là vô biên. Tức là nghĩa của hai thứ cùng có phần hạn, không phần hạn.

4. Không phải là hữu biên, không phải là vô biên: Tức ngăn loại thứ ba để làm loại thứ tư này. Kẻ kia khởi suy niệm: Ngã và thế gian đều không thể nói nhất định là hữu biên, nhất định là vô biên.

Nhưng cả hai là đều thật có.

Hoặc có thuyết cho: Kẻ kia do thấy về chiều ngang của thế gian là vô biên nên chấp ngã và thế gian đều không phải là hữu biên. Lại thấy chiều dọc của thế gian là hữu biên, tức chấp ngã và thế gian cùng không phải là vô biên. Tuy không quyết định nhưng thật có ngã.

Lại có thuyết nêu: Thuyết kia chấp thể của ngã hoặc mở rộng, hoặc thu hẹp, không thể nói nhất định. Mở rộng là vô biên nên nói không phải là hữu biên. Thu hẹp là hữu biên nên nói không phải là vô biên.

Hỏi: Như vậy là bốn thứ đã duyên nơi hiện tại, vì sao nói là ở nơi biên vực trước phân biệt?

Đáp: Vì thuyết kia đã đợi vị lai cũng gọi là biên vực trước.

Lại có thuyết nói: Bốn thứ Luận này là do nhớ về kiếp thành kiếp hoại mà kiến lập, đều được nói là ở nơi biên vực trước phân biệt. Nghĩa là luận thứ nhất do nhớ về thời gian kiếp thành của quá khứ, ngã và thế gian theo chiều dọc là có phần hạn, nên khởi tưởng hữu biên. Hoặc luận thứ hai do nhớ về thời gian kiếp thành của quá khứ, ngã và thế gian theo chiều ngang là không phần hạn, nên khởi tưởng vô biên. Luận thứ ba do nhớ về thời gian kiếp thành của quá khứ, ngã và thế gian theo chiều dọc là có phần hạn, theo chiều ngang thì không phần hạn, nên khởi tưởng cũng là hữu biên, cũng là vô biên. Hoặc luận thứ tư do nhớ về thời gian kiếp hoại của quá khứ, ngã và thế gian tuy không thể đạt được phần lượng rộng hẹp, nhưng là có thật, nên khởi tưởng không phải là hữu biên, không phải là vô biên.

Có thuyết cho: Chấp hữu biên tức là đoạn kiến. Chấp vô biên tức là thường kiến. Chấp cũng hữu biên cũng vô biên tức là một phần đoạn kiến, một phần thường kiến. Chấp không phải là hữu biên, không phải là vô biên tức là chỉ khởi Tát-ca-da-kiến.

Như thế là bốn thứ Luận hữu biên v.v… thuộc phần biên vực trước đã phân biệt. Dựa nơi bốn sự như trước đã nói nhiều mà khởi. * Bốn Luận bất tử kiểu loạn: Bất tử nghĩa là trời, do trời Trường thọ, ngoại đạo chấp là thường trụ, bất tử. Có những ngoại đạo cầu sinh nơi trời kia, nghe luận của ngoại đạo nêu bày như vầy: Nếu có người có thể đáp được về trời bất tử kia, không gây tạp loạn cho kẻ hỏi thì được sinh lên xứ trời ấy. Nếu không thể đáp trời bất tử kia, không gây tạp loạn cho kẻ hỏi, thì không có được nghĩa sinh.

Nhưng không gây tạp loạn có hai thứ: Có tướng có phân biệt. Không tướng không phân biệt.

Người có chân kiến thì không tướng, không phân biệt, không chỗ dựa. Kẻ không có chân kiến thì có tướng, có phân biệt, có chỗ dựa. Đám ngoại đạo kia, ở trong các thứ bất tử không gây tạp loạn nơi câu hỏi, do nói kiểu loạn:

1. Khởi suy nghĩ như vầy: Ta không nhận biết như thật về hoặc thiện, hoặc bất thiện và bốn Thánh đế. Có Sa-môn, Bà-la-môn khác ở nơi nghĩa như thật cầu nhận biết về nghĩa như thật. Nếu các vị kia hỏi ta về nghĩa như thật, nếu ta quyết định đáp câu hỏi của họ liền là vọng ngữ. Do vọng ngữ nên ta tức không được sinh lên xứ trời kia. Vì nơi trời kia sợ vọng ngữ, nên ở trong các thứ bất tử không gây tạp loạn nơi câu hỏi, do chỉ nói kiểu loạn. Nghĩa là nói như vầy: Ta ở trong nghĩa bí mật của các trời không nên đều nói: Hoặc tự mình đã chứng hoặc do đạo thanh tịnh.

2. Khởi suy nghĩ như vầy: Ta không nhận biết như thật về hoặc thiện, hoặc bất thiện và bốn Thánh đế. Có Sa-môn, Bà-la-môn khác ở nơi nghĩa như thật cầu nhận biết về nghĩa như thật. Nếu họ hỏi ta về nghĩa như thật, nếu ta bác bỏ cho là không có nghĩa đã hỏi kia tức là tà kiến. Do tà kiến nên ta liền không được sinh lên xứ trời kia. Vì xứ kia sợ tà kiến, nên ở trong các thứ bất tử không gây tạp loạn nơi câu hỏi, chỉ nói kiểu loạn. Phần còn lại như trước đã nói.

3. Khởi suy nghĩ như vầy: Ta không nhận biết như thật về hoặc thiện, hoặc bất thiện và bốn Thánh đế. Có Sa-môn, Bà-la-môn khác ở nơi nghĩa như thật cầu nhận biết về nghĩa như thật. Nếu họ đến hỏi ta về nghĩa ấy, ta nếu không thật ấn chứng về điều đã hỏi kia, các vị ấy hoặc lại cật vấn ta liền không nhận biết. Do không nhận biết nên ta tức không được sinh lên xứ trời kia. Vì xứ kia không biết, nên ở trong các thứ bất tử không gây tạp loạn nơi câu hỏi, do nói kiểu loạn. Phần còn lại như trước đã nói.

4. Khởi suy nghĩ như vầy: Tánh của ta tối kém nên không thể tập hợp những ngôn từ kiểu loạn.

Lại khởi suy niệm: Nếu hoàn toàn chấp phi là diệu thiện, do hoàn toàn chấp phi đều xứng thuận với tâm của các hữu tình. Nếu ở nơi tâm khác có chỗ trái ngược, thì ta liền không được sinh nơi xứ trời kia. Tức ta nên dựa vào lý không trái nhau. Nếu có kẻ hỏi ta là có đời sau chăng, thì nên hỏi ngược lại kẻ ấy: Ông muốn về điều gì? Nếu người kia nói là muốn có, tức nên ấn chứng cho họ, nói tôi đối với vấn đề ấy cũng thừa nhận là có. Như vậy, nếu hỏi về không, cũng có cũng không, không phải là có không phải là không, hoặc hỏi như thế hoặc không như thế, hoặc khác hoặc không khác, đều nên hỏi ngược lại, theo chỗ mong muốn của kẻ hỏi kia, ta liền ấn chứng.

Lại khởi suy niệm: Tánh của ta ngu tối, nếu chống trái với kẻ khác thì sự việc kia liền cách biệt ta. Do sợ ngu tối nên ở trong các thứ bất tử đã không gây tạp loạn nơi câu hỏi, do nói kiểu loạn.

Hỏi: Bốn thứ như vậy là thuộc về kiến nào?

Đáp: Bốn thứ kia đối với trời khởi tưởng bất tử đều thuộc về thường kiến. Theo chỗ chấp đáp lại câu hỏi của người khác là nhân sinh lên trời, đó là giới cấm thủ.

Hỏi: Bốn thứ này đâu thể là ở nơi biên vực trước phân biệt?

Đáp: Bốn thứ này đều ở nơi sự việc hiện tại chuyển, vì chờ đợi vị lai nên lập tên gọi là biên vực trước.

Hoặc có thuyết cho: Bốn thứ này đều là duyên nơi giáo pháp đã được nghe từ trước. Nghĩa là ngoại đạo kia từ trước đã nghe những chí giáo do thầy mình giảng nói. Chủ yếu là nên đáp lại câu hỏi của kẻ khác về việc sinh lên xứ trời bất tử như thế. Trời bất tử kia chính là do hỏi đáp như thế nên được. Vậy nên bốn thứ ấy đều thuộc về ở nơi biên vực trước phân biệt về kiến.

Như thế là bốn thứ Luận bất tử kiểu loạn thuộc phần biên vực trước phân biệt. Dựa nơi các sự sợ vọng ngữ, tà kiến, không hiểu biết, ngu độn mà khởi.

HẾT – QUYỂN 199