LUẬN A TỲ ĐÀM BÁT KIỀN ĐỘ
Tác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Hán dịch: Đời Phù Tần, Sa môn Tăng Già Đề Ba và Trúc Phật Niệm
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 3

Kiền độ thứ 1: TẠP Phẩm 6: BÀN VỀ SẮC

Pháp sắc nơi sinh, lão, vô thường nên nói là sắc hay nên nói không phải là sắc? Các pháp vô sắc, có thể thấy, không thể thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, quá khứ, vị lai, hiện tại, thiện, bất thiện, vô ký, hệ thuộc cõi Dục, hệ thuộc cõi Sắc, hệ thuộc cõi Vô sắc, học, vô học, phi học phi vô học, pháp do kiến đế đoạn, do tư duy đoạn, không đoạn nơi sinh, lão, vô thường nên nói là v.v… do kiến đế đoạn, nên nói là do tư duy đoạn, nên nói là không đoạn chăng?

Thế nào là lão? Thế nào là tử? Thế nào là vô thường? Các thứ tử, chúng là vô thường chăng? Nếu như là vô thường thì đó là tử chăng?

Sức của hành (nghiệp) mạnh hay sức của vô thường mạnh?

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Có ba tướng hữu vi của các pháp hữu vi. Chúng hưng, suy, trụ từng ấy nơi một tâm”. Thế nào là hưng (khởi)? Thế nào là suy? Thế nào là trụ từng ấy (dị)?

Về các nghĩa trên, chương nầy xin diễn nói đầy đủ.

*

Pháp sắc nơi sinh, lão, vô thường nên nói là sắc hay nên nói không phải là sắc?

Đáp: Nên nói không phải là sắc. Pháp vô sắc nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vô sắc.

Pháp có thể thấy nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là không thể thấy. Pháp không thể thấy nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là không thể thấy.

Pháp có đối nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là không đối. Pháp không đối nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là không đối.

Pháp hữu lậu nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hữu lậu. Pháp vô lậu nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vô lậu.

Pháp hữu vi nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hữu vi. Pháp vô vi nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vô vi.

Pháp quá khứ nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là quá khứ. Pháp vị lai nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vị lai. Pháp hiện tại nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hiện tại.

Pháp thiện nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là thiện. Pháp bất thiện nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là bất thiện. Pháp vô ký nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vô ký.

Pháp hệ thuộc cõi Dục nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hệ thuộc cõi Dục. Pháp hệ thuộc cõi Sắc nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hệ thuộc cõi Sắc. Pháp hệ thuộc cõi Vô sắc nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là hệ thuộc cõi Vô sắc.

Pháp học nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là học. Pháp vô học nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là vô học. Pháp phi học phi vô học nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là phi học phi vô học.

Pháp do kiến đế đoạn nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là do kiến đế đoạn. Pháp do tư duy đoạn nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là do tư duy đoạn. Pháp không đoạn nơi sinh, lão, vô thường nên nói tức là không đoạn.

Hỏi: Thế nào là lão (già)?

Đáp: Các hành suy thoái, căn chín muồi, hư hoại, thân sắc biến đổi bị già cỗi tiêu hủy. Đó gọi là già.

Hỏi: Thế nào là tử (chết)?

Đáp: Chúng sinh kia nơi xứ sinh của mình hoặc mạng chung, sẽ mạng chung, thoái mất không hiện, thọ mạng tan hoại, dứt bỏ ấm, mạng căn ngừng hoạt động. Đó gọi là chết.

Hỏi: Thế nào là vô thường?

Đáp: Các hành tan, thoái, diệt mất. Đó gọi là vô thường.

Hỏi: Các thứ tử (chết), chúng là vô thường chăng?

Đáp: Đúng vậy. Các thứ chết, chúng đều là vô thường.

Hỏi: Từng có vô thường không phải là chết chăng?

Đáp: Có. Là các hành diệt khác, trừ chết.

Hỏi: Sức của hành (nghiệp) mạnh hay sức của vô thường mạnh?

Đáp: Sức của hành (nghiệp) mạnh không phải là sức của vô thường mạnh. Hành: Là hành nơi quá khứ, vị lai, hiện tại. Vô thường: Là hành hiện tại tan hoại.

Hoặc có thuyết nói: Sức của vô thường mạnh không phải là sức của hành mạnh, vì hành (nghiệp) cũng là vô thường.

Ở trong nghĩa nầy, sức của hành mạnh không phải là sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì hành (nghiệp) có thể diệt hành của ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại. Còn vô thường chỉ diệt hành hiện tại.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Có ba tướng hữu vi của các pháp hữu vi. Chúng hưng, suy, trụ từng ấy nơi một tâm”.

Thế nào là hưng (khởi)? Thế nào là suy? Thế nào là trụ từng ấy (dị)?

Đáp: Hưng (Khởi) nghĩa là sinh. Suy nghĩa là vô thường. Trụ từng ấy (dị) nghĩa là già.

***

Phẩm 7: BÀN VỀ VÔ NGHĨA

Lại như Đức Thế Tôn nói:

Biết cùng vô nghĩa

Các không giữ giới

Nghĩa không được kia

Như khi hiện, ẩn.

Do những gì cùng với vô nghĩa, các thứ không giữ giới, Đức Thế Tôn nói là khổ.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo kia thân ngồi ngay ngắn, buộc niệm ở trước”. Thế nào là buộc niệm ở trước?

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Mục-kiền-liên! Phạm thiên Đề-xá không nói người hành vô tướng thứ sáu”. Thế nào là người hành vô tướng thứ sáu? (Trụ vô tướng thứ sáu)

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Bấy giờ, khi nghe pháp xong, Thần đất liền cất tiếng nói lớn: Đức Thế Tôn chuyển pháp luân trong vườn Lộc uyển, xứ Tiên nhân thuộc thành Ba-la-nại. Hoặc Sa-môn, Bà-lamôn, Thiên ma, Phạm thiên, hoặc thế gian chưa từng có chuyển pháp luân”. Thần đất có trí nầy nên nhận biết Đức Thế Tôn chuyển pháp luân chăng?

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo kia đắc A-la-hán dứt hết các lậu, chư Thiên nơi cõi trời Ba Mươi Ba tập hợp tại giảng đường Thiện pháp, thường xuyên vân tập đến đấy để nói rõ nơi xứ kia có Tôn giả tên v.v…, hoặc đệ tử của Tôn giả kia ở tại thôn xóm đó đã cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia, mặc cà sa, làm đạo nhân, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự biết hành tác chứng: Sự sinh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, danh sắc đã có nhận biết như thật”. Chư Thiên nơi cõi trời Ba Mươi Ba có trí nầy nên nhận biết Tỳ-kheo dứt hết các lậu chăng?

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Các vị Hóa pháp giáo hóa (Hóa pháp điều phục) cũng như các vị Hướng pháp thứ pháp (Pháp tùy pháp hành), tám vạn bốn ngàn đại thần ở nước Ma-kiệt ba kiết đã tận, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa vào nẻo ác, pháp định chánh đạo qua lại đến bảy Hữu, bảy lần sinh nơi nẻo người trời dứt hết biên vực khổ”. Thế nào là Hóa pháp giáo hóa? Thế nào là Hướng pháp thứ pháp?

Thế nào là nhiều dục? Thế nào là không chán (Không biết đủ)? Nhiều dục và không chán có gì sai biệt?

Thế nào là thiểu dục? Thế nào là nhàm chán (Biết đủ)? Thiểu dục và nhàm chán có gì sai biệt?

Thế nào là khó đầy? Thế nào là khó nuôi dưỡng?

Thế nào là dễ đầy? Thế nào là dễ nuôi dưỡng?

Về các nghĩa trên, chương nầy xin diễn nói đầy đủ.

*

Lại như Đức Thế Tôn nói:

Biết cùng vô nghĩa

Các không giữ giới

Nghĩa không được kia

Như khi hiện, ẩn.

Do những gì cùng với vô nghĩa, các thứ không giữ giới, Đức Thế Tôn nói là khổ.

Đáp: Đó là con đường chết, cùng chết, tướng chết, không phải tu hạnh khổ như thế, có thể lìa khỏi cái chết. Do đó nên cùng với vô nghĩa, các thứ không giữ giới, Đức Thế Tôn nói là khổ.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo kia thân ngồi ngay ngắn, buộc niệm ở trước”.

Hỏi: Thế nào là buộc niệm ở trước?

Đáp: Hành giả kia tiếp cận nơi phương tiện tỏ, thiện, chánh niệm. Tưởng (Quán) đến xương, tưởng màu xanh bầm, tưởng các khúc xương nối kết, tưởng thi thể sình trướng, tưởng ăn bất tịnh, tưởng thân bị đốt cháy, tưởng của lóng xương dời đi chỗ khác. Đó gọi là buộc niệm ở trước.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Mục-kiền-liên! Phạm thiên Đề-xá không nói người hành vô tướng thứ sáu”.

Hỏi: Thế nào là người hành vô tướng thứ sáu? (Trụ vô tướng thứ sáu)

Đáp: Kiên tín, Kiên pháp (Tùy tín hành, Tùy pháp hành) đối với nghĩa nầy hiện là người vô tướng thứ sáu. Vô tướng kia không thể nêu bày, không thể thiết lập, hoặc trụ ở đây, hoặc trụ ở kia, đều không thể tính. Hoặc khổ pháp nhẫn, hoặc khổ pháp trí, hoặc khổ vị tri nhẫn, hoặc khổ vị tri trí, hoặc tập pháp nhẫn, hoặc tập pháp trí, hoặc tập vị tri nhẫn, hoặc tập vị tri trí, hoặc tận pháp nhẫn, hoặc tận pháp trí, hoặc tận vị tri nhẫn, hoặc tận vị tri trí, hoặc đạo pháp nhẫn, hoặc đạo pháp trí, hoặc đạo vị tri nhẫn, hoặc đạo vị tri trí. Vô tướng như thế là không thể nêu bày, không thể thiết lập, hoặc trụ ở đây, hoặc trụ ở kia. Do đó nên Kiên tín, Kiên pháp (Tùy tín hành, Tùy pháp hành) đối với nghĩa nầy hiện là người vô tướng thứ sáu.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Bấy giờ, khi nghe pháp xong, Thần đất liền cất tiếng nói lớn: Đức Thế Tôn chuyển pháp luân trong vườn Lộc uyển, xứ Tiên nhân thuộc thành Ba-la-nại. Hoặc Sa-môn, Bà-lamôn, Thiên ma, Phạm thiên, hoặc thế gian chưa từng có chuyển pháp luân”. Thần đất có trí nầy nên nhận biết Đức Thế Tôn chuyển pháp luân chăng?

Đáp: Không nhận biết.

Hỏi: Làm sao nhận biết được?

Đáp: Đức Thế Tôn khởi tâm thế tục: “Ta chuyển pháp luân, Tỳ-kheo tên v.v… được thấy pháp”, nên Thần đất kia nhận biết. Hoặc Đức Phật nói với người khác: “Ta chuyển pháp luân, Tỳ-kheo tên v.v… được thấy pháp”. Thần đất kia đã nghe. Hoặc Tôn giả kia cũng khởi tâm thế tục: “Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, ta đã thấy pháp”. Người ở đây, ở kia nhận biết, cũng tiếp tục nói với người khác: “Đức Phật chuyển pháp luân, ta đã thấy pháp”. Thần đất kia đã nghe, hoặc nghe từ Đại Tôn Thiên.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo kia đắc A-la-hán dứt hết các lậu, chư Thiên nơi cõi trời Ba Mươi Ba tập hợp tại giảng đường Thiện pháp, thường xuyên vân tập đến đấy để nói rõ nơi xứ kia có Tôn giả tên v.v…, hoặc đệ tử của Tôn giả kia ở tại thôn xóm đó đã cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia, mặc cà sa, làm đạo nhân, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự biết hành tác chứng: Sự sinh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, danh sắc đã có nhận biết như thật”.

Hỏi: Chư Thiên nơi cõi trời Ba Mươi Ba có trí nầy nên nhận biết Tỳ-kheo dứt hết các lậu chăng?

Đáp: Không nhận biết.

Hỏi: Làm sao nhận biết được?

Đáp: Đức Thế Tôn khởi tâm thế tục: “Tỳ-kheo nầy tên là v.v…, đã đắc A-la hán dứt hết các lậu”, nên chư Thiên kia nhận biết. Hoặc do Phật nói với người khác: “Tỳ-kheo đó đã dứt hết các lậu, đắc A-lahán”. Chư Thiên kia đã nghe. Hoặc Tôn giả kia cũng khởi tâm thế tục: “Ta đã dứt hết các lậu, chứng quả A-la-hán”, do đấy chư Thiên nhận biết. Hoặc nghe từ vị Đại Tôn Thiên.

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Các vị Hóa pháp giáo hóa (Hóa pháp điều phục) cũng như các vị Hướng pháp thứ pháp (Pháp tùy pháp hành), tám vạn bốn ngàn đại thần ở nước Ma-kiệt ba kiết đã tận, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa vào nẻo ác, pháp định chánh đạo qua lại đến bảy Hữu, bảy lần sinh nơi cõi người trời dứt hết biên vực khổ”. Thế nào là Hóa pháp giáo hóa? Thế nào là Hướng pháp thứ pháp?

Hỏi: Thế nào là Hóa pháp giáo hóa?

Đáp: Các đại thần nước Ma-kiệt đã sinh lên cõi trời và thấy pháp. Đó gọi là Hóa pháp giáo hóa.

Hỏi: Thế nào là Hướng pháp thứ pháp?

Đáp: Các đại thần nước Ma-kiệt đã thấy pháp lúc còn làm người trước kia. Đó gọi là Hướng pháp thứ pháp.

Hỏi: Thế nào là nhiều dục?

Đáp: Là chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc), y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc chữa trị bệnh, đối với chúng ham muốn, đã ham muốn, sẽ ham muốn. Đó gọi là nhiều dục.

Hỏi: Thế nào là không chán (Không biết đủ)?

Đáp: Là đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt (xúc), y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng không vui mừng, không khéo vui mừng, cũng không vui mừng nơi kẻ khác, không chán, không khéo chán lìa, cũng không chán nơi kẻ khác. Đó gọi là không chán.

Hỏi: Nhiều dục và không chán có gì sai biệt?

Đáp: Chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng mong cầu, dốc sức cầu tìm, duyên theo phương tiện khéo léo để đạt được. Đó là nhiều dục.

Đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng tạo phương tiện, tạo mong muốn, tạo mong nguyện, tạo nhớ nghĩ, được ít không vui mừng, được ít không khéo vui mừng, không vui mừng đối với người khác. Đó là không chán.

Nhiều dục và không chán sai biệt là như vậy.

Hỏi: Thế nào là thiểu dục?

Đáp: Là chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng không ham muốn, đã không ham muốn, sẽ không ham muốn. Đó gọi là thiểu dục.

Hỏi: Thế nào là nhàm chán (Biết đủ)?

Đáp: Là đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng đã vui mừng, khéo vui mừng, cũng khéo vui mừng đối với kẻ khác, nhàm chán, khéo nhàm chán, khéo nhàm chán đối với người khác. Đó gọi là nhàm chán.

Hỏi: Thiểu dục và nhàm chán có gì sai biệt?

Đáp: Chưa được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng không cầu mong, không dốc cầu tìm, không duyên nơi phương tiện khéo léo để có được. Đó là thiểu dục.

Đã được các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh, đối với chúng không tạo phương tiện, không tạo mong muốn, không tạo nguyện mong, không tạo nhớ nghĩ nữa, được một ít là vui mừng, được một ít là khéo vui mừng, được vui mừng đối với người khác. Đó là nhàm chán.

Thiểu dục và nhàm chán sai biệt là như thế.

Hỏi: Thế nào là khó đầy?

Đáp: Là muốn ăn nhiều, ham muốn uống nhiều. Đó gọi là khó đầy.

Hỏi: Thế nào là khó nuôi dưỡng?

Đáp: Là tham ăn, thường trông mong được ăn. Đó gọi là khó nuôi dưỡng.

Hỏi: Thế nào là dễ đầy?

Đáp: Là không tham ăn to, không uống lớn, không trông mong về ăn uống. Đó gọi là dễ đầy.

Hỏi: Thế nào là dễ nuôi dưỡng?

Đáp: Là không tham ăn, thường không trông mong được ăn. Đó gọi là dễ nuôi dưỡng.

***

Phẩm 8: BÀN VỀ TƯ

Thế nào là tư? Thế nào là tưởng? Tư, tưởng có gì sai biệt?

Thế nào là giác (Tầm)? Thế nào là quán (Tứ)? Giác, quán có gì sai biệt?

Thế nào là trạo? Thế nào là tâm loạn? Trạo và tâm loạn có gì sai biệt?

Thế nào là vô minh? Thế nào là không thuận với trí?

Thế nào là mạn? Thế nào là kiêu? Mạn, kiêu có gì sai biệt?

Nếu sinh tăng thượng mạn: “Ta thấy khổ là khổ”. Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì? Nếu sinh tăng thương mạn: “Ta thấy tập là tập, thấy tận (diệt) là tận, thấy đạo là đạo”. Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì? Nếu sinh tăng thương mạn: “Sự sinh của ta đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, danh sắc đã có nhận biết như thật”. Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Thế nào là đối với thấp kém dấy khởi mạn?

Thế nào là khởi giác dục tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại? Thế nào là khởi giác giận tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại? Thế nào là khởi giác sát tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại?

Biết nhiều (Cảnh nhiều) hay là trí nhiều? Trí nhiều hay là thức nhiều? Hành hữu lậu nhiều hay là hành vô lậu nhiều? Hữu vi nhiều hay là vô vi nhiều?

Thế nào là Hành sự thành (Hành viên mãn)? Thế nào là Trừ sự thành (Hộ viên mãn)?

Thế nào là tánh phàm phu? Tánh phàm phu: Nên nói là thiện, là bất thiện, là vô ký chăng? Nên nói hệ thuộc cõi Dục, hệ thuộc cõi Sắc,. hệ thuộc cõi Vô sắc chăng? Nên nói do kiến đế đoạn, do tư duy đoạn chăng? Tánh phàm phu gọi là pháp gì?

Các pháp tương ưng với tà kiến thì chúng cũng tương ưng với tà chí (tà tư duy) chăng? Nếu như tương ưng với tà chí là tương ưng với tà kiến chăng? Các pháp tương ưng với tà kiến thì chúng cũng tương ưng với tà phương tiện (tà tinh tấn), tà niệm, tà định chăng?

Nếu như tương ưng với tà phương tiện, tà niệm, tà định là tương ưng với tà kiến chăng? Cho đến: Các pháp tương ưng với tà niệm thì chúng cũng tương ưng với tà định chăng? Nếu như tương ưng với tà định là tương ưng với tà niệm chăng?

Về các nghĩa trên, chương nầy xin diễn nói đầy đủ.

*

Hỏi: Thế nào là tư?

Đáp: Các tư cùng tư, tư tăng trưởng, tâm hành, ý tạo tác. Đó gọi là tư.

Hỏi: Thế nào là tưởng?

Đáp: Các tưởng cùng tưởng, duyên nơi tưởng, hợp quán. Đó gọi là tưởng.

Hỏi: Tư, tưởng có gì sai biệt?

Đáp: Tư là hành (Nghiệp). Tưởng (Lự) là tuệ. Tư, tưởng sai biệt là như vậy.

Hỏi: Thế nào là giác (Tầm)?

Đáp: Các tâm xét biết, dần dần xét biết, tiếp theo là phân biệt, phân biệt dần dần. Đó gọi là giác (Tầm).

Hỏi: Thế nào là quán (Tứ)?

Đáp: Các sự chọn lựa, mỗi mỗi chọn lựa đều thuận hợp, sự chọn lựa thuận với khảo xét chuyển biến, nối tiếp thuận đến cảnh giới. Đó gọi là quán (Tứ).

Hỏi: Giác, quán có gì sai biệt?

Đáp: Tâm hành thô là giác, tâm hành vi tế là quán. Đó là sự sai biệt.

Hỏi: Thế nào là trạo?

Đáp: Tâm không thôi, không dứt, tâm dao động phát khởi mạnh mẽ. Đó gọi là trạo (trạo cử).

Hỏi: Thế nào là tâm loạn?

Đáp: Tâm phân tán, tâm rối loạn, tâm vọng, tâm động, không nhất tâm. Đó gọi là tâm loạn.

Hỏi: Trạo, tâm loạn có gì sai biệt?

Đáp: Tướng không thôi dứt là trạo, tướng không nhất tâm là tâm loạn. Đó là sự sai biệt.

Hỏi: Thế nào là vô minh?

Đáp: Là không nhận biết về ba cõi.

Hỏi: Thế nào là không thuận với trí (Không chánh tri)?

Đáp: Là tuệ không có phương tiện thiện xảo.

Hỏi: Như thế tuệ không có phương tiện thiện xảo là không thuận với trí chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Từng có lời nói thế nầy: Những người thuận với trí nhưng nói dối, họ đều là thất ý (thất niệm) không thuận với trí nên nói dối chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Từng có lời nói như vầy: Thuận với trí là không nói dối chăng?

Đáp: Không phải. Hãy nghe lời tôi nói: Thuận với các trí nhưng nói dối, tất cả người kia đều thất ý (thất niệm) không thuận với trí.

Hỏi: Nếu thuận với trí nhưng nói dối, người kia nói thế nầy:

Thuận với trí là không nói dối chăng?

Đáp: Tuy nói lời ấy nhưng việc nầy không như vậy. Không nên nói lời nói nầy: Thuận với trí không có nói dối. Chỉ thuận với trí mà nói dối, tất cả học đều là thất ý, không thuận với trí. Thuận với trí nhưng nói dối, không nên nói thuận với các trí nói dối, vì tất cả đều là thất ý không thuận với trí. Thuận với trí nhưng nói dối, việc nầy không như thế.

Từng có thuyết nói thế nầy: Tất cả vô minh đều tương ưng với không thuận với trí chăng? Các kẻ thuận với trí nhưng nói dối, tất cả đều thuộc về chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc làm cho ngu tối, thất ý, không thuận với trí nên gọi là thuận với trí nhưng nói dối chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Từng có lời nói: Thuận với trí thì không nói dối chăng?

Đáp: Không phải thế. Hãy nghe lời tôi nói: Nếu tất cả vô minh đều tương ưng với không thuận với trí, các kẻ thuận với trí nhưng nói dối, tất cả đều thuộc về chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc làm cho ngu tối, thất ý, không thuận với trí.

Hỏi: Từng có trí nhưng nói dối, người kia lại nói thế nầy: Thuận với trí không có nói dối chăng?

Đáp: Tuy có lời nói ấy, nhưng sự việc ấy không như vậy. Không nên tạo ra lời nói như vầy: Thuận với trí tức không có nói dối. Song hết thảy vô minh đều tương ưng với không thuận với trí, đối với kẻ thuận với trí nhưng nói dối, tất cả đều thuộc về nơi chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc làm cho ngu tối, thất ý, nên không thuận với trí. Thuận với trí nhưng nói dối, sự việc nầy không như vậy.

Hỏi: Thế nào là mạn?

Đáp: Đối với thấp kém cho là tốt đẹp, tự cho là hơn. Đối với tốt đẹp tự cho là tương tợ, từ đấy khởi mạn, tạo tâm ngạo mạn dấy mạnh. Đó gọi là mạn.

Hỏi: Thế nào là kiêu?

Đáp: Tức cho ta sinh trong dòng họ hơn hẳn, sắc tộc, kỹ thuật, nghề nghiệp, giàu có, đoan nghiêm, đều hơn, từ đấy khởi kiêu ngạo, tạo đủ mọi cách kiêu căng, nhất nhất đều hiện vẻ kiêu hãnh. Đó gọi là kiêu.

Hỏi: Mạn, kiêu có gì sai biệt?

Đáp: Đối với duyên nơi người khác, tâm hơn hết dấy khởi mạnh, đó là tướng mạn. Ở trong pháp của mình, tâm có nhiễm ô, kiêu ngạo, đó là tướng kiêu. Mạn, kiêu sai biệt là như thế.

Nếu sinh tăng thượng mạn: “Ta thấy khổ là khổ”.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người tương đắc với bậc thiện tri thức, theo vị ấy nghe pháp, nội tâm suy nghĩ đạt Thuận khổ nhẫn (Thuận nhẫn đế). Khổ kia là sự vui nhận khổ của ý mong muốn. Như thế, khi tư duy tương ưng với nhẫn, tư duy không dối, ở trong khoảng đó, kiến, nghi không hiện hành, nếu như có hiện hành cũng lại không biết, nên có suy nghĩ nầy: “Ta thấy khổ là khổ, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi khổ.

“Ta thấy tập là tập” cũng như vậy.

Nếu sinh tăng thương mạn: “Ta thấy tận (diệt) là tận”.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người tương đắc với bậc thiện tri thức, theo vị ấy nghe pháp, nội tâm suy nghĩ được Thuận tận nhẫn (Thuận nhẫn đế). Tận kia là sự vui nhận về tận của ý mong muốn. Như thế, khi tư duy tương ưng với nhẫn, tư duy không dối, ở trong khoảng đó, kiến, nghi không hiện hành, nếu như có hiện hành cũng lại không biết, nên có suy nghĩ nầy: “Ta thấy tận là tận, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi tận (diệt).

“Ta thấy đạo là đạo” cũng như vậy.

Nếu sinh tăng thương mạn: “Sự sinh của ta đã hết”.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người khởi suy nghĩ như vầy: “Đạo nầy, dấu vết (hành) nầy, ta dựa vào đạo nầy, dấu vết nầy, đã nhận biết khổ, đã đoạn trừ tập, đã tác chứng tận (diệt), đã tư duy (tu tập) đạo: Sự sinh của ta đã hết, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi sinh kia.

Nếu sinh tăng thương mạn: “Phạm hạnh của ta đã thành”.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người khởi suy nghĩ như vầy: “Đạo nầy, dấu vết (hành) nầy, ta nương vào đạo ấy, dấu vết ấy, đã nhận biết khổ, đã đoạn trừ tập, đã tác chứng tận, đã tư duy (tu tập) đạo: Phạm hạnh của ta đã thành tựu, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi tâm, tâm sở niệm pháp kia.

Nếu sinh tăng thương mạn: “Việc làm của ta đã xong”.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người khởi suy nghĩ như vầy: “Đạo nầy, dấu vết (hành) nầy, ta dựa vào đạo ấy, dấu vết ấy, đã nhận biết khổ, đã đoạn trừ tập, đã tác chứng tận, đã tư duy (tu tập) đạo, ta đã dứt bỏ sử, đã diệt hết kiết, đã loại bỏ hẳn các kiết: “Việc làm của ta đã xong, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn.

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi tâm, tâm sở niệm pháp kia.

Nếu sinh tăng thương mạn: “Danh sắc của ta đã có nhận biết như thật” (Ta không còn thọ thân sau).

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Như có một người khởi suy nghĩ như vầy: “Đạo nầy, dấu vết (hành) nầy, ta nương nơi đạo ấy, dấu vết ấy, đã nhận biết khổ – không còn nhận biết nữa, đã đoạn trừ tập – không còn đoạn trừ nữa, đã tác chứng tận – không còn tác chứng nữa, đã tư duy (tu tập) đạo – không còn tư duy nữa: Danh sắc của ta đã có nhận biết như thật, từ đấy dấy khởi mạn”. Đó gọi là tăng thượng mạn

Hỏi: Tăng thượng mạn nầy duyên vào gì?

Đáp: Tức duyên nơi tâm, tâm sở niệm pháp kia.

Hỏi: Thế nào là đối với thấp kém dấy khởi mạn?

Đáp: Như có một người thấy người khác hơn hẳn mình về nhiều mặt: Hoặc đời sống, hoặc dòng họ, thân sắc chủng tộc, hành nghiệp, kỹ thuật, hoặc giàu sang, hoặc giữ giới, thấy xong bèn khởi suy nghĩ: Người nầy chỉ hơn ta một ít, ta chỉ thua kém kẻ ấy một ít, nhưng thật sự là thua kém quá nhiều, gấp hàng trăm lần, nhân đấy khởi mạn. Đó gọi là đối với thấp kém dấy khởi mạn.

Thế nào là khởi giác dục (Tầm dục) tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại?

Hỏi: Thế nào là khởi giác dục (Tầm dục) tự hại?

Đáp: Như có người do khởi triền dâm dục (tham) nên khiến thân nóng bức, tâm nóng bức, thân bị thiêu đốt, tâm bị thiêu đốt. Cũng lại bị triền dâm dục (tham) trói buộc, nên phải thọ báo không vui, không hợp, không đáng yêu thích nơi cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là hại người khác?

Đáp: Như có kẻ do khởi triền dâm dục (tham), trông ngóng nơi vợ người khác, khiến người chồng kia khởi tâm giận dữ. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là cùng hại?

Đáp: Như có kẻ bị triền dâm dục (tham) trói buộc, trộm dâm vợ người khác, chồng của bà ấy biết được, bắt trói cả hai, đánh đập, giết chết. Như thế là cùng hại.

Thế nào là khởi giác giận (Tầm giận) tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại?

Hỏi: Thế nào là khởi giác giận (Tầm giận) tự hại?

Đáp: Như có người do khởi triền giận khiến thân nóng bức, tâm nóng bức, thân bị thiêu đốt, tâm bị thiêu đốt. Cũng lại bị triền giận dữ trói buộc, nên phải thọ báo không vui, không hợp, không đáng yêu thích nơi cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là hại người khác?

Đáp: Như có kẻ do khởi triền giận dữ nên đánh giết người khác, hoặc bằng tay, gậy, đá, hoặc bằng dao. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là cùng hại?

Đáp: Như có kẻ bị triền giận dữ trói buộc nên đánh người khác, hoặc bằng tay, gậy, hoặc bằng đá, dao. Người kia cũng dùng tay, gậy, đá, dao v.v… đánh đập lại. Như thế là cùng hại.

Thế nào là khởi giác sát (Tầm hại) tự hại? Thế nào là hại người khác? Thế nào là cùng hại?

Hỏi: Thế nào là khởi giác sát (Tầm hại) tự hại?

Đáp: Như có người do khởi triền sát hại nên thân tâm nóng bức, thân bị thiêu đốt, tâm bị thiêu đốt. Cũng lại bị triền sát hại trói buộc, nên phải thọ báo không vui, không hợp, không đáng yêu thích nơi cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là hại người khác?

Đáp: Như có kẻ bị triền sát hại trói buộc, nên đoạn dứt mạng người khác. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là cùng hại?

Đáp: Như có kẻ do khởi triền sát hại nên đoạn dứt mạng người khác. Người khác cũng đáp trả sự đoạn mạng nầy. Như thế là cùng hại.

Hỏi: Biết nhiều (Cảnh nhiều) hay là trí nhiều?

Đáp: Biết nhiều (Cảnh nhiều) không phải là trí nhiều. Vì trí cũng là biết (Cảnh).

Hỏi: Trí nhiều hay là thức nhiều?

Đáp: Thức nhiều không phải là trí nhiều. Vì tất cả trí thuộc về thức, thức không phải thuộc về trí. Không gồm thâu những gì? Là thức tương ưng với nhẫn.

Hỏi: Hành hữu lậu nhiều hay là hành vô lậu nhiều?

Đáp: Hành hữu lậu nhiều không phải là hành vô lậu nhiều. Hành hữu lậu gồm thâu mười nhập (xứ) và phần ít của hai nhập (xứ). Hành vô lậu chỉ gồm thâu phần ít của hai nhập (xứ).

Hỏi: Hữu vi nhiều hay là vô vi nhiều?

Đáp: Hữu vi nhiều, không phải vô vi nhiều. Hữu vi gồm thâu mười một nhập (xứ) và phần ít của một nhập. Vô vi chỉ gồm thâu phần ít của một nhập.

Hỏi: Thế nào là Hành sự thành (Hành viên mãn)?

Đáp: Là thân vô học, hộ miệng, hộ mạng thanh tịnh. Đó gọi là Hành sự thành.

Hỏi: Thế nào là Trừ sự thành (Hộ viên mãn)?

Đáp: Là căn vô học được hộ (Luật nghi). Đó gọi là Trừ sự thành.

Hỏi: Thế nào là tánh phàm phu?

Đáp: Đối với Thánh pháp hoặc không được, đã không được, sẽ không được. Lại nữa, các noãn Thánh, nhẫn Thánh, kiến Thánh, vị Thánh, tuệ Thánh, hoặc không được, đã không được, sẽ không được. Đó gọi là tánh phàm phu.

Hỏi: Tánh phàm phu nên nói là thiện, là bất thiện, là vô ký chăng?

Đáp: Tánh phàm phu nên nói là vô ký, không nên nói là thiện, không nên nói là bất thiện.

Vì sao tánh phàm phu không nên nói là thiện? Vì phương tiện cầu pháp thiện, đã được pháp thiện, không cầu phương tiện (Gia hạnh) để mình làm phàm phu. Đã đoạn căn thiện là vĩnh viễn diệt pháp thiện, không thành tựu được pháp thiện. Nếu tánh phàm phu là thiện thì người đoạn căn thiện kia không phải là phàm phu. Vì thế tánh phàm phu không nên nói là thiện.

Vì sao tánh phàm phu không nên nói là bất thiện? Vì khi được ái dục hết, căn bất thiện vĩnh viễn tận, không tạo thành pháp bất thiện. Nếu tánh phàm phu là bất thiện thì phàm phu kia đã dứt hết ái dục, tức không phải là người phàm phu. Vì thế tánh phàm phu không nên nói là bất thiện.

Hỏi: Tánh phàm phu nên nói là hệ thuộc cõi Dục, hệ thuộc cõi Sắc, hệ thuộc cõi Vô sắc chăng?

Đáp: Tánh phàm phu hoặc hệ thuộc cõi Dục, hoặc hệ thuộc cõi Sắc, hoặc hệ thuộc cõi Vô sắc.

Vì sao tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Dục? Do ở cõi Dục mất, sinh nơi cõi Vô sắc, đã vĩnh viễn diệt pháp thuộc cõi Dục, được không thành tựu pháp hệ thuộc cõi Dục. Nếu tánh phàm phu nhất định hệ thuộc cõi Dục thì các phàm phu sinh nơi cõi Vô sắc kia không phải là phàm phu chăng? Vì thế tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Dục.

Vì sao tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Sắc? Do ở cõi Sắc mất, sinh nơi cõi Vô sắc, vĩnh viễn diệt pháp thuộc cõi Sắc, không được thành tựu pháp hệ thuộc cõi Sắc. Nếu tánh phàm phu nhất định hệ thuộc cõi Sắc thì các phàm phu sinh nơi cõi Vô sắc kia không phải là phàm phu chăng? Vì thế tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Sắc.

Vì sao tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Vô sắc? Vì cùng vượt thứ lớp thủ chứng (Nhập chánh tánh ly sinh), trước là từ cõi Dục đối với khổ tư duy về khổ, sau ở nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Thánh đạo đã sinh, trước là biện minh sự việc nơi cõi Dục, sau ở cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Nếu cùng vượt thứ lớp thủ chứng (Nhập chánh tánh ly sinh), trước là từ cõi Vô sắc đối với khổ tư duy về khổ, sau ở cõi Dục, cõi Sắc là đồng. Thánh đạo đã sinh, trước là biện minh sự việc nơi cõi Vô sắc, sau ở cõi Dục, cõi Sắc là đồng, như thế tánh phàm phu nhất định hệ thuộc cõi Vô sắc. Song cùng vượt thứ lớp thủ chứng (Nhập chánh tánh ly sinh), trước là từ cõi Dục đối với khổ tư duy về khổ, sau ở nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Thánh đạo đã sinh, trước là biện minh sự việc nơi cõi Dục, sau ở cõi Sắc, cõi Vô sắc là đồng. Vì thế tánh phàm phu không nên nói nhất định hệ thuộc cõi Vô sắc.

Hỏi: Tánh phàm phu nên nói do kiến đế đoạn (kiến đạo đoạn), do tư duy đoạn (tu đạo đoạn) chăng?

Đáp: Tánh phàm phu nên nói do tư duy đoạn, không nên nói do kiến đế đoạn.

Vì sao tánh phàm phu do tư duy đoạn, không phải do kiến đế đoạn? Vì pháp do kiến đế đoạn đều là nhiễm ô, còn tánh phàm phu là không nhiễm ô. Sự việc nầy là thế nào? Pháp thứ nhất thế gian ở trước đang diệt nhanh, khổ pháp nhẫn chóng sinh hiện ở trước. Như pháp thứ nhất thế gian nầy diệt, khổ pháp nhẫn sinh, trong khoảng ấy, bỏ tánh phàm phu của ba cõi, được tánh không thành tựu, không phải pháp do kiến đế đoạn khác đều diệt.

Hỏi: Tánh phàm phu gọi là pháp gì?

Đáp: Là tâm bất tương ưng hành không nhiễm ô nơi ba cõi.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà kiến thì chúng cũng tương ưng với tà chí (tà tư duy) chăng?

Đáp: Hoặc là tà kiến không phải là tà chí.

Thế nào là tà kiến không phải là tà chí? Là tà kiến tương ưng với tà chí, các tà chí khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà kiến. Đây gọi là tà kiến không phải là tà chí.

Thế nào là tà chí không phải là tà kiến? Là tà chí tương ưng với tà kiến, các tà kiến khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà chí. Đây gọi là tà chí không phải là tà kiến.

Thế nào là tà kiến cũng là tà chí? Là trừ tà kiến tương ưng với tà chí, các tà kiến khác là pháp tương ưng của tà chí. Đây gọi là tà kiến cũng là tà chí.

Thế nào là không phải tà kiến cũng không phải là tà chí? Là tà kiến không tương ưng với tà chí, tà chí không tương ưng với tà kiến cùng các tâm, tâm sở niệm pháp khác và sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành. Đây gọi là không phải tà kiến cũng không phải là tà chí.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà kiến thì chúng cũng tương ưng với tà phương tiện (tà tinh tấn) chăng?

Đáp: Hoặc là tà kiến không phải là tà phương tiện.

Thế nào là tà kiến không phải là tà phương tiện? Là tà kiến tương ưng với tà phương tiện. Đây gọi là tà kiến không phải là tà phương tiện.

Thế nào là tà phương tiện không phải là tà kiến? Là tà kiến và các tà kiến khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà phương tiện. Đây gọi là tà phương tiện không phải là tà kiến.

Thế nào là tà kiến cũng là tà phương tiện? Là trừ tà phương tiện, còn lại là các pháp tương ưng với tà kiến khác. Đây gọi là tà kiến cũng là tà phương tiện.

Thế nào là không phải tà kiến cũng không phải là tà phương tiện? Là tà kiến không tương ưng với tà phương tiện cùng các tâm, tâm sở niệm pháp khác và sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành. Đây gọi là không phải tà kiến cũng không phải là tà phương tiện.

Đối với tà niệm, tà định cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà chí (tà tư duy) thì chúng cũng tương ưng với tà phương tiện (tà tinh tấn) chăng?

Đáp: Hoặc là tà chí không phải là tà phương tiện.

Thế nào là tà chí không phải là tà phương tiện? Là tà chí tương ưng với tà phương tiện. Đây gọi là tà chí không phải là tà phương tiện.

Thế nào là tà phương tiện không phải là tà chí? Là tà chí và các tà chí khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà phương tiện.

Đây gọi là tà phương tiện không phải là tà chí.

Thế nào là tà chí cũng là tà phương tiện? Là trừ tà phương tiện, còn lại là các pháp tương ưng của tà chí khác. Đây gọi là tà chí cũng là tà phương tiện.

Thế nào là không phải tà chí cũng không phải tà phương tiện? Là tà chí không tương ưng với tà phương tiện cùng các tâm, tâm sở niệm pháp khác và sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành. Đây gọi là không phải tà chí cũng không phải là tà phương tiện.

Đối với tà niệm, tà định cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà phương tiện (tà tinh tấn) thì chúng cũng tương ưng với tà niệm chăng?

Đáp: Hoặc là tà phương tiện không phải là tà niệm.

Thế nào là tà phương tiện không phải là tà niệm? Là tà niệm. Đây gọi là tà phương tiện không phải là tà niệm.

Thế nào là tà niệm không phải là tà phương tiện? Là tà phương tiện. Đây gọi là tà niệm không phải là tà phương tiện.

Thế nào là tà phương tiện cũng là tà niệm? Là trừ tà niệm, còn lại là các pháp tương ưng với tà phương tiện khác. Đây gọi là tà phương tiện cũng là tà niệm.

Thế nào là không phải tà phương tiện cũng không phải là tà niệm? Là các tâm, tâm sở niệm pháp khác, cùng sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành. Đây gọi là không phải tà phương tiện cũng không phải là tà niệm.

Đối với tà định cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà niệm thì chúng cũng tương ưng với tà định chăng?

Đáp: Hoặc là tà niệm không phải là tà định.

Thế nào là tà niệm không phải là tà định? Là tà định. Đây gọi là tà niệm không phải là tà định.

Thế nào là tà định không phải là tà niệm? Là tà niệm. Đây gọi là tà định không phải là tà niệm.

Thế nào là tà niệm cũng là tà định? Là trừ tà định, còn lại là các pháp tương ưng với tà niệm khác. Đây gọi là tà niệm cũng là tà định.

Thế nào là không phải tà niệm cũng không phải là tà định? Là các tâm, tâm sở niệm pháp khác cùng sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành. Đây gọi là không phải tà niệm cũng không phải là tà định.

HẾT – QUYỂN 3