NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

KIẾN CÀNG VÀ TRÂU NƯỚC

Có hai con trâu nước đứng bên bờ ao nhàn nhã gặm cỏ xanh.

Tình cờ chúng thấy bầy kiến càng tha con sâu to tướng đem về ổ. Hằng ngàn con kiến xúm khiêng sâu đi trên đường giống như một đội quân.

Mặc dù kiến càng đã cố gắng nhiều, song con sâu quá to nên chúng di chuyển rất chậm. Hai con trâu nước đứng quan sát hồi lâu, không nhịn được, cùng bật cười to.

Một con kiến thợ tức giận hỏi:

– Các anh cười cái gì? Chẳng biết thông cảm thông cúm gì cả! Cho dù chúng tôi có tha mồi vất vả, có chậm chạp mấy nữa thì cuối cùng cũng khiêng được mồi về tới nhà.

Con trâu thứ nhất nói:

– Bọn ta cười là vì bầy kiến các ngươi yếu nhớt! Yếu quá sức tưởng! Xem này, ngần ấy mạng xúm nhau khiêng một con sâu, mà khiêng cũng không nên thân… Nếu mà là ta hả, “ông” đây chỉ cần hắt hơi một cái, cũng đủ thổi bay con sâu về tổ các ngươi…

Kiến càng nói:

– Đừng khinh rẻ chúng tôi và hợm hĩnh thái quá! Có giỏi thì cùng thi tài với nhau! Chưa chắc ai hơn ai!…

Con trâu cười một tràng dài, lên giọng nhạo báng:

Hai con trâu nước đứng quan sát hồi lâu, không nhịn được, cùng bật cười to.

– Các ngươi đúng là không biết trời cao đất dày, nhìn lại xem thân mình thế nào mà muốn đọ sức với chúng ta?…

Kiến càng nói:

– Chẳng cần bốc phét nhiều, giờ cứ thi thì ắt biết…

Trâu nước khoái chí:

– Được, sẽ tỷ thí như thế nào?

Kiến càng bảo:

– Tôi có một phương pháp cực kỳ công bằng: ta chơi trò cõng thi: Đồng loại cõng đồng loại! Anh cõng bạn anh, tôi cõng bạn tôi!… Vậy nhé? – Một mạng cõng một mạng! – Đích đến là cây tùng trước mặt, Hễ ai tới đó trước thì xem như chiến thắng.

Hai con trâu ưng thuận:

– Được lắm! Cứ thế mà tiến hành!

Cuộc thi bắt đầu, kiến càng cõng bạn bò lên trước rất nhẹ nhàng.

Còn trâu nước cõng bạn đi xem bộ cực kỳ khốn đốn, nó ráng hết sức mà vẫn bước xiêu vẹo, ngã nghiêng; mồ hôi tuôn dầm dề, phải gắng lắm mới đứng vững.

Nhưng… đi được vài bước thì nó đã ngã chỏng gọng, giơ bốn chân lên trời.

Lúc này, kiến càng đã cõng bạn tới cây tùng, nó nhiễu quanh cây một vòng rồi mới quay trở lại đứng trước trâu nước đang lòm cồm ngóc dậy, bảo:

– Anh trâu nước ui! Giờ thì anh biết cảm giác khênh một vật nặng trên lưng như thế nào rồi hả? Con sâu to gấp trăm lần chúng tôi, thì khiêng tất nhiên phải mệt và vất vả hơn nhiều!…

BÌNH:

Có bao giờ ta cười như trâu nước chưa? Trâu nước đứng bên ngoài nhìn kiến càng tha mồi, khiêng vác đến kiệt sức – mà không có chút thông cảm, còn buông lời riễu cợt chê bai, khoe mình “chỉ cần thổi một hơi là xong việc”… Nghĩa là trâu nước có thừa khả năng giúp, nhưng chẳng hỗ trợ (dù bằng lời động viên nhẹ nhàng) mà chỉ đứng nhìn, cười nhạo trước cảnh kiến càng khốn đốn, vất vả … Thái độ này thật đáng buồn, nếu như nó xuất hiện ở cõi người.

Ta thường hay có những nụ cười không đúng chỗ: Thấy người vấp ngã ta cười. Thấy người xui xẻo, ê mặt, ta cười.

Phê bình, cười cợt thì dễ, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh người để hiểu, để cảm thông rất khó. Song đây lại là điều quan trọng, góp phần xây nên cuộc sống hòa vui. Trung Hoa có câu: “Thiết thân xử địa”, (đặt mình vào hoàn cảnh người) để hiểu đúng sự việc và biết cảm thông. Nếu như trâu nước sớm biết đặt mình vào hoàn cảnh như kiến càng, thì sẽ không có thái độ nhạo báng… Chứ nếu đợi đến lúc mình gặp cảnh ngộ y hệt, nếm phải mùi vị y hệt… mới có được cái nhìn đồng cảm, tương quan., thì e là quá muộn (vì trước đó mình đã vô tình tạo ra lắm lỗi lầm rồi).

Không hiểu người, không đặt mình vào hòan cảnh người, ta dễ có những phê bình gay gắt, thiên kiến, độc đoán, lậm chê trách: – Sao mà họ dở thế, ngu thế, xấu thế, tồi thế?… Một lô ngôn ngữ chế nhạo, biếm nhẽ sẽ nẩy sinh (dù nghĩ âm thầm hay thốt ra lời) tất cả đều xuất phát từ lòng tự tôn, ngã mạn của ta. Lúc ấy trong tâm ta hoàn toàn không có người, mà chỉ có: -ta – là nhất! – Ta thanh cao, tốt, hay, tuyệt… nhất – và ta luôn lấy tự ngã mình làm thước đo.

Chính thái độ và quan niệm này, sẽ sản sinh một dọc lỗi lầm tiếp nối nhau. Vì – chư thánh hằng khiêm cung, phàm nhân luôn tự đại – Ngày nào ta sống mà không biết cảm thông, không biết “thiết thân xử địa”, thì ta rất dễ cư xử ấu trĩ, sai sót… bởi lòng dạ hẹp hòi sẽ xúi ta vội vã kết án, chê trách nông nổi… Nếu như ta biết “thiết thân xử địa”, ta sẽ hiểu mình, hiểu người và bao dung hơn. Trâu nước ngay giây phút dự cuộc thi cùng kiến càng, bản thân lâm vào cảnh trạng y hệt, đã tắt ngấm thái độ cười nhạo và ắt hẳn đã cảm thông thấm thía.

Khi ta biết “thiết thân xử địa”, tầm nhìn sẽ sáng suốt và nhận định đúng đắn. Nhờ cảm thông, nên ta biết xót xa trước những khiếm khuyết, sai sót của người. Khi đặt mình vào hoàn cảnh người để hiểu họ, thì ta sẽ không có thái độ cười nhạo, phê bình, kết án khắt khe. Nhờ vậy mà lòng ta an lạc, kho từ bi nội tâm được khơi mở, sẽ đánh thức những đức tính ngủ ngầm trỗi dậy, xua đi các thói tật hẹp hòi… Cuộc sống ta và người nhờ vậy mà trở nên tốt đẹp, tươi sáng hơn.