Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng
Tỳ Kheo Vô Hạnh [1]
CHÁNH VĂN:
(37) Đệ tử Tỳ-kheo Vô Hạnh hỏi: Ở Tương Dương Vô Hạnh thấy Pháp sư Tuấn và Pháp sư Chữ nơi Hòa thượng đường, cùng bàn luận sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; và Long nữ phát tâm trong khoảng sát-na liền thành chánh giác. Các nghĩa như thế Vô Hạnh ở chỗ này có nghi.
Hòa thượng hỏi: Ông thấy chư Pháp sư hỏi thế nào?
Đáp: Con thấy Pháp sư Phẩm hỏi Pháp sư Tuấn: “Thế nào là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc?” Pháp sư Tuấn đáp: “Mượn thân tướng Pháp sư để làm sáng tỏ nghĩa này. Thế nào là Pháp sư? Nếu nói mắt chẳng phải Pháp sư, miệng cũng chẳng phải Pháp sư, cho đến tai, mũi… xem xét từng phần, đều không phải Pháp sư, chỉ có giả danh, tìm Pháp sư trọn không thể được, tức là không. Vì giả duyên mà có tức là sắc.” Vô Hạnh đã nghi khi nghe Pháp sư Tuấn giải thích như thế. Mong Hòa thượng chỉ bày yếu chỉ?
GIẢNG:
Nếu chúng ta giải thích chắc cũng tương tự thế. Bởi vì thấy tướng từng phần thì không phải Pháp sư, duyên hợp tất cả các thứ lại mới có giả tướng Pháp sư. Có Pháp sư tức là sắc, đó là từ không biến thành sắc nên nói không chẳng khác sắc. Đây là lý giải của Pháp sư Tuấn.
CHÁNH VĂN:
Hòa thượng bảo: Như chỗ luận bàn của Pháp sư, tự tạo đạo lý nhất gia. Nếu tìm ý kinh tức chưa tương ưng. Chỗ Pháp sư Tuấn nói là phân tích vật để rõ không, không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di. Ông hãy lắng nghe ta vì ông lược nói: Tâm ấy khởi tức là sắc, sắc không thể được tức là không. Lại nói: Pháp tánh diệu hữu nên tức sắc, sắc diệu hữu nên tức không. Vì thế kinh nói: Sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Lại nói: Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không. Do đó, kinh nói: Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.
GIẢNG:
Như chỗ luận bàn của Pháp sư, tự tạo đạo lý nhất gia.
Nhất gia là một nhà.
Nếu tìm ý kinh tức chưa tương ưng.
Như vậy chỉ là lấy ý riêng của mình để giải thôi, không phải là ý kinh.
Chỗ Pháp sư Tuấn nói là phân tích vật để rõ không, không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di.
Đây chỉ là phân tích vật để rõ nghĩa không, chớ không biết tâm cảnh cao như núi Tu-di.
Ông hãy lắng nghe ta vì ông lược nói: Tâm ấy khởi tức là sắc, sắc không thể được tức là không.
Ngài nói một cách hết sức đơn giản. Như Tâm thể thanh tịnh của mình vừa dấy niệm lên, là duyên theo bóng dáng bên ngoài, đó là thành sắc rồi. Nhưng cái sắc đó không thật, nên sắc không thể được tức là không. Một câu này đủ biết chỗ thấy của Ngài sâu cùng tột. Đó là giải một lần căn bản.
Lại nói: Pháp tánh diệu hữu nên tức sắc, sắc diệu hữu nên tức không.
Nghĩa là Pháp tánh hay Chân không khởi ra diệu hữu. Diệu hữu tức là sắc, mà diệu hữu từ chân không, vì vậy nói sắc diệu hữu nên tức không. Chỗ này cũng đi sâu trong chân không diệu hữu mà nói. Chân không khởi dụng đó là diệu hữu, khởi dụng tức là sắc. Dụng diệu hữu đó từ chân không mà có, lặng xuống thì trở về chân không tức là không. Đây Ngài đi thẳng trong nội tâm, từ thể chân không vừa dấy động lên làm tất cả Phật sự, đó là diệu hữu. Chân không, diệu hữu không hai; cũng nói tâm sắc không hai. Như vậy cả hai lý Ngài vừa giải quá là sâu.
Vì thế kinh nói: Sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Lại nói: Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không.
Câu này thật khó hiểu. Thấy tức sắc, thấy không thể thấy tức không là sao? Như tôi nhìn bình hoa, thì bình hoa là sắc. Ngài nói thấy tức là sắc, nghĩa là thấy được bình hoa là thấy sắc. Thấy không thể thấy tức không, nghĩa là cái hay thấy bình hoa không thể thấy được, đó là không. Chỗ này tế nhị làm sao!
Như vậy cái bị thấy là sắc, cái hay thấy là không. Ngài đi thẳng nên rất gần, rất rõ ràng. Mới thấy giá trị tu đốn giáo thật là hay. Tất cả cái hiểu của chúng ta ngày nay chỉ phân tích trên ngọn ngành, chớ không đi sâu tận bên trong từ chân không diệu hữu, từ tánh thấy và sự vật.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Nghe là nghe có tiếng, nhưng cái hay nghe không thể nói được tức là không. Không mà không phải không, có mà chẳng thật có. Nói ngược lại cái hay nghe là thật, cái tiếng ở ngoài là giả. Cái bị thấy là giả, cái hay thấy là thật.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Chúng sanh phiền não vô lượng vô biên. Chư Phật Như Lai, Bồ-tát lớn, nhiều kiếp tu hành, do đâu không thể được. Vì sao Long nữ phát tâm, trong khoảng sát-na liền thành chánh giác?
Hòa thượng đáp: Phát tâm có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau. Nếu mê tức nhiều kiếp, ngộ trong khoảng chốc lát, nghĩa này khó biết. Ta vì ông trước lấy ví dụ về công việc, sau rõ nghĩa này, hoặc có thể nhân đây mà được ngộ giải. Thí như quay một cuộn tơ, số kia vô lượng. Nếu kết thành sợi dây, đặt ở trên cây, dùng kiếm bén chặt một cái, cùng một lúc đều lìa. Số sợi tơ tuy nhiều, không hơn một đường kiếm. Người phát tâm Bồ-đề cũng lại như thế. Nếu gặp thiện tri thức chân chánh, dùng phương tiện khéo léo, chỉ thẳng Chân như, dùng Trí tuệ kim cang, đoạn các vị địa phiền não, hoát nhiên tỏ ngộ, tự thấy Pháp tánh xưa nay không tịch, trí tuệ minh liễu, thông đạt vô ngại. Khi chứng được như thế, muôn duyên đều dứt. Vọng niệm như hằng sa, cùng một lúc chóng hết. Công đức vô biên, ngay đây đều đầy đủ. Trí tuệ kim cang phát khởi, do đâu chẳng thành.
GIẢNG:
Trong kinh Pháp Hoa nói Long nữ vừa dâng ngọc cúng Phật, sau đó thành Phật. Câu hỏi này nói cho rõ là: “Chúng sanh phiền não vô lượng vô biên. Chư Phật Như Lai, Bồ-tát lớn, nhiều kiếp tu hành, do đâu không thể được. Tại sao Long nữ mới phát tâm dâng cúng Phật liền đó thành Phật đạo?”
Hòa thượng đáp:
Phát tâm có đốn tiệm, mê ngộ có chậm mau.
Câu này xác nhận người phát tâm có đốn và tiệm, nhưng mê ngộ thì có chậm mau khác nhau.
Nếu mê tức nhiều kiếp, ngộ trong khoảng chốc lát, nghĩa này khó biết.
Mê thì tu nhiều kiếp vẫn chưa giải thoát, còn ngộ chỉ trong khoảng chốc lát. Ví dụ ngày xưa mình chưa biết tu, chưa từng biết đạo lý, nên thấy và hiểu giống như người thế gian. Ngày nay biết tu, mình thức tỉnh nên chán bỏ những gì thế gian đang say mê. Như vậy là ta đã tỉnh ngay khi biết các thứ hư giả. Thời gian tỉnh đó trong bao lâu? Hết mê liền tỉnh, chỉ trong chốc lát chớ gì. Cũng như ngày xưa có những bộ kinh mình học không hiểu, ngày nay bỗng dưng sáng ra ý đó. Giờ phút sáng ra chừng bao lâu? Thời gian tìm kiếm mà không thấy thì lâu, nhưng phút bất thần sáng ra chỉ trong chớp mắt. Cho nên trong nhà thiền thường nói tu thì tiệm mà ngộ thì đốn là vậy.
Ở đây Ngài nói mê ngộ không giống nhau, mê tức nhiều kiếp mà ngộ trong khoảng chốc lát. Nhiều người hỏi tôi tu chừng nào ngộ? Ai dám trả lời? Chừng nào ngộ thì tự biết, chớ không ai nói được. Bởi điều đó người khác làm sao nói được, chỉ mình tự ngộ tự biết. Có khi giờ trước còn si mê, giờ sau tỉnh sáng hết si mê, đâu có lường trước nổi. Vì vậy cứ tu chừng nào ngộ thì sáng, chưa ngộ thì chịu mê thôi, chớ không đặt vấn đề thời gian.
Ngài tạm dùng ví dụ như nhiều sợi tơ cuộn lại, kết thành một sợi dây treo trên cây. Nếu dùng một cây kiếm bén chặt một cái, sợi dây đứt ngang, tức bao nhiêu cuộn tơ đều đứt hết. Cũng thế, mê muội của mình muôn ngàn lớp nhưng chỉ một nhát kiếm trí tuệ sáng vút lên liền đứt hết. Hôm qua tâm dạ-xoa bữa nay mặt Bồ-tát, không thể lường nổi. Vì vậy nên nói ngộ là đốn, chớ không phải tiệm. Chỗ này rất quan trọng.
Nếu gặp thiện tri thức chân chánh, dùng phương tiện khéo léo, chỉ thẳng Chân như, dùng Trí tuệ kim cang, đoạn các vị địa phiền não, hoát nhiên tỏ ngộ, tự thấy Pháp tánh xưa nay không tịch, trí tuệ minh liễu, thông đạt vô ngại.
Chính chỗ này tôi mới thấm nghĩa tại sao có đốn ngộ, tiệm tu. Thiền tông thì chỉ thẳng đốn ngộ, còn tu theo Thiền nguyên thủy thì gọi là tiệm tu.
Ví dụ để đối trị các phiền não, ta chỉ đơn cử tham sân si thôi. Như tham sắc thì dạy quán bất tịnh. Quán bao lâu? Quán phải bao nhiêu năm trời mới thấm. Xong phần quán bất tịnh rồi, bỏ được tham sắc. Đến tham tài, lại phải quán bao lâu? Cứ thế quán lần lượt hết tham tài đến tham danh, tham thực, tham thùy… mỗi thứ phải thời gian quá dài. Đó là mới quán trên tham, chưa kể sân si. Cho nên nói tiệm tu, phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp.
Bây giờ đi thẳng Bát-nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, tức soi thấy năm uẩn đều không thật là phá được tất cả, không đi theo từng thứ. Đây gọi là đốn. Vì vậy dùng Trí tuệ Bát-nhã phá một lần gọi là kiếm Kim cang, chuyển mê thành ngộ chỉ trong chốc lát.
Như ta nhìn cây tùng phải quán từng nhánh, từng cội rễ, chia chẻ phân tích nó hút bùn đất thế nào để lớn v.v… quán như vậy đòi hỏi một thời gian lâu xa. Bây giờ chỉ cần nhìn tổng quát cây tùng duyên hợp hư giả, không có gì phải chia chẻ phân tích hết, nó là như vậy. Cho nên tinh thần Bát-nhã đi sâu tất cả các pháp, chủ yếu là duyên hợp, Tánh không. Đó là nói theo lý kinh Bát-nhã.
CHÁNH VĂN:
Lại hỏi: Nghe Pháp sư Tuấn nói: Long nữ là tạm đặt ra, không phải thật. Nếu là sự thật phát tâm trong khoảng sát-na, đâu thể đoạn được các vị địa phiền não? Nghe Pháp sư Tuấn nói như thế Vô Hạnh có nghi, mong Hòa thượng chỉ bày thêm?
Hòa thượng dạy: Trước đã dẫn dụ cuộn tơ để làm sáng tỏ, phải nên thấy rõ, vì sao lại nghi? Kinh Hoa Nghiêm nói: Sơ thập tín phát Kim cang tuệ, liền thành chánh giác. Pháp Bồ-đề đâu có thứ lớp? Nếu nói Long nữ là quyền đặt, thì kinh Pháp Hoa giáo nghĩa viên đốn không thể nghĩ lường có oai lực gì?
GIẢNG:
Ở đây người hỏi nghi Long nữ là giả đặt ra chớ không có thật. Ngài nói nếu Long nữ là quyền đặt thì toàn bộ kinh Pháp Hoa, giáo nghĩa viên đốn còn có giá trị gì, như vậy là phủ nhận kinh. Đó là một tội lỗi lớn.
***
Vô Hạnh
CHÁNH VĂN:
(38) Đệ tử Vô Hạnh hỏi: Nghe Pháp sư Tuấn nói: Kinh Pháp Hoa nói nghĩa ngũ nhãn của Như Lai là từ giả vào không gọi là Tuệ nhãn; từ không vào giả gọi là Pháp nhãn; phi không phi giả gọi là Phật nhãn. Đạo tục ở thành đô đều tán thán không thể nghĩ lường. Vô Hạnh ở chỗ này có nghi, chưa rõ lời nói kia có đúng không?
Hòa thượng bảo: Ông có gì nghi ngờ, nay thử nói xem?
– Vô Hạnh nghi ở chỗ kinh nói: Thiên nhãn của Như Lai thường ở trong chánh định, đều thấy quốc độ của chư Phật không có hai tướng. Vì sao Tuệ nhãn cần phải từ giả vào không? Vì sao Pháp nhãn lại từ không vào giả? Nếu như thế đều là làm nhân cho nhau. Nếu chẳng nhân giả, tức không thể vào không. Nếu chẳng nhân không, tức không thể vào giả. Nên biết vào không tức chẳng giả, vào giả tức chẳng không. Giả không hai đường, pháp tuệ khác nhau. Mắt Phật viên chân, không nên có khác, kiến nghi như thế, cúi xin chỉ bày?
Hòa thượng bảo: Con người có lợi độn, tức có đốn tiệm. Lời Pháp sư dạy là đối với người mê. Nếu luận về ngũ nhãn Như Lai, thật không như thế. Như Lai thị hiện đồng với phàm phu, nên nói có Nhục nhãn. Tuy nhiên như thế, chỗ thấy cùng phàm phu chẳng đồng.
Vô Hạnh lại bạch Hòa thượng: Cúi xin Ngài chỉ dạy?
Hòa thượng bảo: Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn. Thấy Thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn. Thấy Thể thanh tịnh nơi các chánh định và tám muôn bốn ngàn môn ba-la-mật đều ở trên cái thấy, đồng thời khởi dụng, gọi là Tuệ nhãn. Thấy Thể thanh tịnh, không thấy không có gì không thấy, gọi là Pháp nhãn. Thấy chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu, gọi là Phật nhãn.
GIẢNG:
Phần này nghi rất hay, rất sâu về ngũ nhãn. Ở đây Ngài giảng về ngũ nhãn rất sâu.
Thấy sắc thanh tịnh gọi là Nhục nhãn.
Sắc là tướng giả dối tạm bợ, nhưng nếu nhìn với con mắt thanh tịnh không nhiễm nhơ, thì đó là Nhục nhãn của Phật.
Thấy Thể thanh tịnh gọi là Thiên nhãn.
Nhận biết được Thể thanh tịnh đó là Thiên nhãn.
Thấy Thể thanh tịnh nơi các chánh định và tám muôn bốn ngàn môn ba-la-mật đều ở trên cái thấy, đồng thời khởi dụng, gọi là Tuệ nhãn.
Tuệ nhãn là thấu triệt được tất cả pháp, tất cả môn.
Thấy Thể thanh tịnh, không thấy không có gì không thấy, gọi là Pháp nhãn.
Tức là căn cứ trên Thể thanh tịnh đó mà không thấy không gì không thấy. Tức là không có một pháp thật, mà không có cái gì không phải thật, đó gọi là Pháp nhãn.
Thấy chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu, gọi là Phật nhãn.
Cuối cùng là Phật nhãn, không phải tịch, cũng không phải chiếu đó gọi là Phật nhãn. Tức không còn dụng đối đãi. Đó là Ngài nói về ngũ nhãn.