KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN BẢY MƯƠI HAI
 
PHẨM VÀO PHÁP GIỚI
THỨ BA MƯƠI CHÍN PHẦN MƯỜI BA

37. DẠ THẦN KHAI PHU NHẤT THIẾT THỤ HOA PHÓ THÁC THỨ BẢY VIỄN HÀNH ĐỊA

Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử vào môn giải thoát Bồ Tát diệu âm tự tại thâm sâu. Tu hành tinh tấn, đi đến chỗ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa. Thấy thân vị Dạ Thần ở trong lầu các Chúng bảo hương thụ, làm bằng báu đẹp, ngồi trên toà sư tử, có trăm vạn vị Dạ Thần cùng nhau vây quanh.

Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị Dạ Thần, ở trước chắp tay mà bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào đắc được nhất thiết trí? Xin Ngài thuỳ từ, vì con mà nói.

Lúc đó, Thiện Tài đồng tử nghe vị Chủ Dạ Thần Thủ Hộ Nhất Thiết Thành chỉ bày cho Ngài pháp môn hành Bồ Tát đạo đó rồi, lập tức nhập vào môn giải thoát Bồ Tát diệu âm tự tại thâm sâu. Tuỳ theo sự tu hành mà tinh tấn đạo nghiệp, đi đến chỗ vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa. Đến chỗ vị Dạ Thần rồi, thấy thân của vị Dạ Thần ở trong lầu các Chúng bảo hương thụ, làm bằng báu đẹp, ngồi trên toà sư tử, có trăm vạn vị Dạ Thần cùng nhau vây quanh.

Lúc đó, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị Dạ Thần, sau đó ở trước vị Dạ Thần chắp tay lại mà bạch rằng: “Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà con chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào mới đắc được nhất thiết trí? Xin Thiên Thần Ngài thuỳ từ, vì con mà nói đạo lý đó”.

Đây là Viễn Hành Địa thứ bảy, là đến phía sau công dụng trụ vô tướng, vì vượt qua thế gian đạo hai thừa (Thanh Văn, Duyên Giác), tức cũng là viễn ly hai thừa tự độ, cho nên gọi là Viễn Hành Địa. Bồ Tát địa nầy, đã đoạn trần sa hoặc, nhưng chưa đoạn vô minh hoặc.

Quả vị A La Hán, chỉ có xuất gia mới có thể chứng được. Các Ngài tự độ chẳng độ tha, chỉ tu huệ chẳng tu phước, cho nên có lúc ôm bát không, đi khất thực chẳng được thức ăn. Vì các Ngài phần nhiều chẳng có phước báo, nên tướng mạo của các Ngài, đa số là quái lạ.

Quả vị của Bồ Tát, người tại gia cũng có thể chứng đắc. Chỉ cần phát tâm bồ đề, hành Bồ Tát đạo, tức là Bồ Tát. Tiến thêm bước nữa, có thể vô trụ làm nhà, dùng từ bi làm cha, tuỳ thuận làm mẹ, nhẫn nhục làm vợ, trí huệ làm con, phương tiện làm tôi tớ, như có cảnh giới nầy, thì là Bồ Tát. Bồ Tát dùng chuỗi anh lạc trang nghiêm thân mình, biểu thị có phước báo. Tướng mạo từ tường, đoan chánh trang nghiêm, cặp mắt từ bi, hoà mục dễ gần gũi, khiến cho người có cảm giác uy nghiêm khởi kính.

Vị Dạ Thần nói: Thiện nam tử! Ta ở thế giới Ta Bà nầy, lúc mặt trời lặn, hoa sen khép lại. Tất cả mọi người, lúc không còn du ngoạn nữa. Ta thấy tất cả mọi người, ở trên núi, hoặc ở trên nước, hoặc ở nơi thành thị, hoặc ở nơi hoang vắng. Những nơi như vậy, đủ thứ chúng sinh, đều muốn trở về chỗ ở của họ, thì ta đều bí mật hộ trì, khiến cho họ đi con đường chánh, đi về đến nơi, đêm nghỉ an vui.

Vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa nói: “Thiện nam tử! Ta ở thế giới Ta Bà nầy, lúc mặt trời lặn, hoa sen khép lại. Tất cả mọi người đều muốn về nhà nghỉ ngơi, không còn du ngoạn nữa. Lúc đó, ta thấy tất cả mọi người, hoặc ở trên núi, hoặc ở trên nước, hoặc ở nơi thành thị, hoặc ở nơi hoang vắng. Những nơi như vậy, đủ thứ chúng sinh, đều phát tâm muốn trở về chỗ ở của họ. Ta đều bí mật hộ trì họ, khiến cho họ đi con đường chánh đại quang minh, đi về đến nơi chỗ họ ở, không bị lạc mất phương hướng, đêm nghỉ được an vui”.

Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh tuổi trẻ háo sắc, kiêu mạn phóng dật, vui say năm dục, thì ta vì họ thị hiện tướng già bệnh chết, khiến cho họ sinh tâm sợ hãi, xả lìa các điều ác. Lại vì họ khen ngợi đủ thứ căn lành, khiến cho họ tu tập.

Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh lúc tuổi còn trẻ háo sắc, rất kiêu mạn, lại rất phóng dật. Vui say tài, sắc, danh, ăn, ngủ, năm dục. Hoặc tham chấp vào cảnh giới sắc thanh hương vị xúc, chẳng giữ quy cụ, thì ta vì họ thị hiện tướng khổ sinh già bệnh chết bốn tướng, khiến cho họ sinh tâm sợ hãi, xả lìa các niệm ác. Lại vì họ khen ngợi đủ thứ căn lành, khiến cho họ tu tập những pháp lành.

Vì những người bỏn xẻn, thì khen ngợi sự bố thí. Vì người phá giới, thì khen ngợi giới thanh tịnh. Người có tâm sân hận, thì dạy họ trụ đại từ. Người não hại, thì khiến cho họ tu nhẫn nhục. Nếu người giải đãi, thì khiến cho họ khởi tâm tinh tấn. Nếu người tán loạn, thì khiến cho họ tu thiền định. Người trụ ác huệ, thì khiến cho họ học Bát Nhã. Người thích tiểu thừa, thì khiến cho họ trụ đại thừa. Người thích chấp vào tam giới các cõi, thì khiến cho họ trụ Bồ Tát nguyện Ba La Mật. Nếu có chúng sinh phước trí nhỏ hẹp, vì sự bức bách các nghiệp kết, nhiều chướng ngại, thì khiến cho họ trụ Bồ Tát lực Ba La Mật. Nếu có chúng sinh, tâm họ tối tăm, không có trí huệ, thì khiến cho họ trụ Bồ Tát trí Ba La Mật.

Ta lại vì những người bỏn xẻn, thì khen ngợi bố thí có công đức gì. Vì người phá giới, thì khen ngợi giữ giới thanh tịnh. Người có tâm sân hận, thì dạy họ trụ tâm đại từ bi. Người não hại (thích sát sinh), thì khiến cho họ tu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật. Nếu người giải đãi, thì khiến cho họ tu hạnh tinh tấn Ba La Mật. Nếu người tán loạn (vọng tưởng lăn xăn), thì khiến cho họ tu pháp môn thiền định Ba La Mật. Người trụ ác huệ (tà tri tà kiến), thì khiến cho họ học tập pháp môn Bát Nhã Ba La Mật. Người thích tiểu thừa (Thanh Văn Duyên Giác), thì khiến cho họ trụ pháp đại thừa. Người thích chấp vào tam giới các cõi (sáu nẻo luân hồi), thì khiến cho họ trụ trong pháp Bồ Tát nguyện Ba La Mật. Nếu có chúng sinh phước trí nhỏ hẹp, vì sự bức bách các nghiệp kết (tham sân si mạn nghi, thân biên giới tà kiến mười sử), vì có sự chướng ngại không thể tu hành, thì khiến cho họ trụ trong pháp Bồ Tát lực Ba La Mật. Nếu có chúng sinh, tâm họ tối tăm, không có trí huệ, thì khiến cho họ trụ trong pháp Bồ Tát trí Ba La Mật. Đây là dùng phương pháp mười độ, để điều trị mười thứ che chướng.

Thiện nam tử! Ta đã thành tựu môn giải thoát Bồ Tát sinh ra hỉ quang minh rộng lớn.

Vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa lại gọi một tiếng: “Thiện nam tử! Ta đã thành tựu môn giải thoát Bồ Tát sinh ra hỉ quang minh rộng lớn”. Ở đây có hai ý nghĩa, một là vọng về trước, tâm đã lợi ích vật đầy đủ bi trí, nên sinh đại hỉ. Hai là vọng về sau, chiếu theo Phật nhiếp chúng sinh khắp vận rộng lớn đại bi trí, nên sinh đại hỉ.

Thiện Tài hỏi: Đức Thánh! Cảnh giới môn giải thoát nầy như thế nào? 
Vị Dạ Thần nói: Thiện nam tử! Môn giải thoát nầy, biết được trí phương tiện thiện xảo của Như Lai khắp nhiếp thọ chúng sinh.

Thiện Tài đồng tử hỏi: “Đức Thánh! Cảnh giới môn giải thoát nầy như thế nào? Có thể nào vì con mà diễn nói đạo lý của môn giải thoát nầy được không”?
Vị Dạ Thần nói: “Thiện nam tử! Chứng nhập môn giải thoát nầy, thì sẽ biết được trí huệ phương tiện thiện xảo của Như Lai khắp nhiếp thọ tất cả chúng sinh”.

Khắp nhiếp thọ như thế nào? Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh thọ các an vui, đều nhờ sức oai đức của Như Lai. Nhờ thuận lời dạy của Như Lai. Nhờ tu hành theo lời dạy của Như Lai. Nhờ học theo hạnh của Như Lai. Nhờ được sức hộ trì của Như Lai. Nhờ tu đạo ấn chứng của Như Lai. Nhờ trồng căn lành của Như Lai tu. Nhờ nương theo pháp của Như Lai nói. Nhờ được trí huệ quang mặt trời của Như Lai chiếu đến. Nhờ được tánh tịnh nghiệp lực của Như Lai nhiếp thọ.

Vị Dạ Thần bi tâm thiết thiết, sợ rằng chúng sinh vị lai không minh bạch, nên tự hỏi tự đáp. Khắp nhiếp thọ chúng sinh như thế nào? Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh thọ tất cả sư an vui, đều nhờ sức oai đức của Như Lai. Nhờ tuỳ thuận lời dạy của Như Lai, chuyên tâm nhất chí tu hành. Nhờ tu hành theo lời dạy của Như Lai. Nhờ học tập theo hạnh của Như Lai mà tu hành. Nhờ được sức hộ trì của Như Lai. Nhờ tu trì đạo ấn chứng của Như Lai. Nhờ trồng căn lành của Như Lai tu. Nhờ nương theo pháp của Như Lai nói. Nhờ được trí huệ quang mặt trời của Như Lai chiếu đến. Nhờ được tánh tịnh nghiệp lực của Như Lai nhiếp thọ. Đây là cảnh giới nhiếp khắp.

Tại sao biết như vậy? Thiện nam tử! Ta vào môn giải thoát Sinh ra hỉ quang minh rộng lớn nầy. Ta nghĩ nhớ đến biển hạnh Bồ Tát thuở xưa Tỳ Lô Giá Na Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tu, ta đều thấy rõ.

Vị Dạ Thần lại nói: Tại sao biết như vậy? Thiện nam tử! Ta chứng nhập môn giải thoát sinh ra hỉ quang minh rộng lớn nầy. Ta nghĩ nhớ đến biển hạnh Bồ Tát thuở xưa Tỳ Lô Giá Na Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tu hành, ta đều thấy rõ.

Thiện nam tử! Thuở xưa khi đức Thế Tôn làm Bồ Tát, thì thấy tất cả chúng sinh chấp cái ta, của ta. Ở trong nhà tối vô minh. Vào rừng rậm các kiến chấp. Bị tham ái ràng buộc. Bị sân hận làm hư hoại. Bị ngu si làm loạn. Bị đố kị trói buộc. Bị sinh tử luân hồi bần cùng khốn khổ. Chẳng gặp được chư Phật Bồ Tát.

Thiện nam tử! Thuở xưa khi đức Thế Tôn làm Bồ Tát, thì thấy tất cả chúng sinh chấp cái ta và của ta. Đây là thân thể của ta, đó là sở hữu của ta. Ở trong nhà tối vô minh. Vào rừng rậm các kiến chấp (62 kiến). Bị tham và ái hai thứ ràng buộc, nên không được giải thoát. Các vị hãy nghĩ xem, tại sao chúng ta chẳng thành Phật? Vì bị tham ái mê hoặc. Bị sân hận phá hoại bồ đề trí huệ. Bị ngu si nhiễu loạn định lực sáng suốt, vì chẳng có trí huệ và định lực, nên làm gì cũng đều điên đảo, sự lý chẳng rõ. Bị tham sẻn đố kị trói buộc, nên ở trong sinh tử luân hồi, gặp bần cùng khốn khổ, cho nên chẳng gặp được tất cả chư Phật Bồ Tát.

Thấy như vậy rồi, khởi tâm đại bi, lợi ích chúng sinh. Như là: Khởi nguyện được tất cả báu đẹp, đồ đạc, nhiếp tâm chúng sinh. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều đầy đủ đồ vật cần dùng không thiếu thốn. Đối với tất cả mọi việc đều lìa tâm chấp trước. Đối với tất cả cảnh giới tâm không tham nhiễm. Đối với tất cả hết thảy tâm không bỏn sẻn. Đối với tất cả quả báo tâm không mong cầu. Đối với tất cả vinh hoa tốt đẹp tâm không hâm mộ. Đối với tất cả nhân duyên tâm không mê hoặc.

Ta thấy những cảnh giới như vậy rồi, bèn khởi tâm đại bi, lợi ích tất cả chúng sinh. Như là: Phát khởi tâm nguyện được tất cả báu đẹp, đồ đạc, để bố thí cho chúng sinh, để nhiếp thọ chúng sinh. Lại nguyện cho tất cả chúng sinh đều đầy đủ đồ vật cần dùng, khiến cho đời sống của họ được ấm no, không thiếu thốn. Đối với tất cả mọi việc đều lìa tâm chấp trước. Đối với tất cả cảnh giới tâm không tham nhiễm. Đối với tất cả hết thảy tài vật của mình, tâm không bỏn sẻn. Đối với tất cả quả báo phước lạc, tâm không mong cầu. Đối với tất cả vinh hoa phú quý tâm không hâm mộ. Đối với tất cả nhân duyên tâm không mê hoặc. Tóm lại, Bồ Tát phát tâm, lúc nào cũng nghĩ đến chúng sinh, chẳng cầu cho chính mình.

Khởi tâm quán sát pháp tánh chân thật. Khởi tâm cứu hộ tất cả chúng sinh. Khởi tâm thâm nhập tất cả pháp trôi chảy. Khởi tâm trụ bình đẳng đại từ đối với tất cả chúng sinh. Khởi tâm phương tiện đại bi đối với tất cả chúng sinh. Khởi tâm làm lọng pháp lớn, che khắp chúng sinh. Khởi tâm dùng gậy đại trí kim cang, phá tan núi phiền não chướng của tất cả chúng sinh. Khởi tâm khiến cho tất cả chúng sinh tăng trưởng hỉ lạc. Khởi tâm nguyện cho tất cả chúng sinh rốt ráo an lạc. Khởi tâm tuỳ sự ưa thích của chúng sinh, mưa xuống tất cả tiền tài châu báu. Khởi tâm dùng phương tiện bình đẳng thành thục tất cả chúng sinh. Khởi tâm khiến cho tất cả chúng sinh đầy đủ Thánh tài. Khởi tâm nguyện cho tất cả chúng sinh rốt ráo đều đắc được quả mười lực trí.

Lại phát khởi tâm quán sát pháp tánh chân thật. Lại phát khởi tâm cứu hộ tất cả chúng sinh, vì thấy chúng sinh ở trong biển khổ, chẳng thoát ra được ba cõi. Do đó có câu: “Biển khổ không bờ, hồi đầu là bến”, chúng sinh chẳng biết hồi đầu, suốt ngày sống trong say sưa, chết trong mộng mị, lấy khổ làm vui, cho nên Bồ Tát phát tâm cứu hộ họ. Lại phát khởi tâm thâm nhập vào tất cả dòng pháp trôi chảy, thấu rõ tất cả Phật pháp. Do đó có câu: “Vào sâu tạng Kinh, trí huệ như biển”. Lại phát khởi tâm trụ bình đẳng đại từ đối với tất cả chúng sinh. Lại phát khởi tâm phương tiện đại bi đối với tất cả chúng sinh. Lại phát khởi tâm làm lọng pháp lớn, che khắp tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đắc được lợi ích của pháp, tâm họ được mát mẻ, chẳng có sự nóng bức. Lại phát khởi tâm dùng gậy đại trí huệ kim cang, phá tan núi phiền não chướng của tất cả chúng sinh. Lại phát khởi tâm khiến cho tất cả chúng sinh tăng trưởng hỉ lạc. Lại phát khởi tâm nguyện cho tất cả chúng sinh được rốt ráo an lạc. Lại phát khởi tâm tuỳ sự ưa thích của chúng sinh, mưa xuống tất cả tiền tài châu báu, khiến cho họ toại tâm mãn nguyện. Lại phát khởi tâm dùng phương tiện bình đẳng thành thục tất cả chúng sinh. Lại phát khởi tâm khiến cho tất cả chúng sinh đầy đủ Thánh tài, nếu tu hành thì có đồ tư sanh. Lại phát khởi tâm nguyện cho tất cả chúng sinh rốt ráo đều đắc được quả mười lực trí, tức cũng là thành Phật.

Khởi tâm như vậy rồi, đắc được Bồ Tát lực, hiện đại thần biến. Khắp pháp giới hư không giới, ở trước tất cả chúng sinh, khắp mưa xuống tất cả đồ vật dùng hằng ngày. Tuỳ theo ý muốn, đều mãn nguyện của họ. Đều khiến cho họ hoan hỉ, chẳng hối tiếc, chẳng tham xẻn, chẳng gián đoạn. Dùng phương tiện đó, nhiếp khắp chúng sinh, giáo hoá thành thục, đều khiến cho thoát khỏi khổ nạn sinh tử, chẳng cầu họ báo đáp. Tịnh trị tâm báu của tất cả chúng sinh, khiến cho họ sinh khởi đồng một căn lành với tất cả chư Phật, tăng trưởng nhất thiết trí, phước đức như biển cả.

Khởi tâm như vậy rồi, đắc được Bồ Tát lực, hiện đại thần thông biến hoá. Khắp pháp giới hư không giới, ở trước tất cả chúng sinh, khắp mưa xuống tất cả đồ vật dùng hằng ngày. Tuỳ theo ý muốn, đều mãn nguyện của họ. Đều khiến cho họ hoan hỉ, chẳng hối tiếc, chẳng tham xẻn, vĩnh viễn chẳng khi nào gián đoạn. Dùng pháp phương tiện đó, nhiếp thọ khắp tất cả chúng sinh, giáo hoá thành thục tất cả, đều khiến cho thoát khỏi khổ nạn sinh tử. Tuy đối đãi tốt với tất cả chúng sinh như vậy, mà chẳng cầu họ báo đáp. Tịnh trị tâm báu của tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh, sinh khởi đồng một căn lành với tất cả chư Phật, tăng trưởng nhất thiết trí, phước đức sâu rộng như biển cả.

Bồ Tát niệm niệm thành thục tất cả chúng sinh như vậy. Niệm niệm nghiêm tịnh tất cả cõi Phật. Niệm niệm vào khắp tất cả pháp giới. Niệm niệm đều khắp cùng cõi hư không. Niệm niệm vào khắp tất cả ba đời. Niệm niệm thành tựu điều phục tất cả các chúng sinh trí. Niệm niệm luôn chuyển tất cả bánh xe pháp. Niệm niệm luôn dùng nhất thiết trí đạo lợi ích chúng sinh. Niệm niệm ở trước khắp đủ thứ các chúng sinh khác nhau trong tất cả thế giới, hết kiếp thuở vị lai, hiện tất cả Phật thành Chánh Đẳng Giác. Niệm niệm khắp ở trong tất cả thế giới, tất cả các kiếp, tu Bồ Tát hạnh, chẳng sinh hai tưởng, đó là: Vào khắp tất cả biển thế giới rộng lớn trong tất cả thế giới chủng. Đủ thứ ranh giới của các thế giới. Đủ thứ trang nghiêm của các thế giới. Đủ thứ thể tánh của các thế giới. Đủ thứ hình trạng của các thế giới. Đủ thứ phân bố của các thế giới. 

Hoặc có thế giới dơ mà có cả tịnh. Hoặc có thế giới tịnh mà có cả dơ. Hoặc có thế giới một bề tạp dơ. Hoặc có thế giới một bề thanh tịnh. Hoặc nhỏ, hoặc lớn. Hoặc thô, hoặc tế.

Hoặc thẳng, hoặc nghiêng. Hoặc úp, hoặc ngửa. Trong tất cả các thế giới như vậy, niệm niệm tu hành các Bồ Tát hạnh, vào bậc Bồ Tát, hiện Bồ Tát lực. Cũng hiện tất cả thân chư Phật ba đời, tuỳ tâm chúng sinh, khắp khiến cho họ thấy biết.

Bồ Tát ở trong niệm niệm, thành thục tất cả chúng sinh như vậy. Ở trong niệm niệm nghiêm tịnh tất cả cõi Phật. Ở trong niệm niệm vào khắp tất cả pháp giới, giáo hoá tất cả chúng sinh. Ở trong niệm niệm đều khắp cùng cõi hư không, điều phục tất cả chúng sinh. Ở trong niệm niệm vào khắp tất cả ba đời. Ở trong niệm niệm thành tựu điều phục tất cả các chúng sinh trí. Ở trong niệm niệm luôn luôn chuyển tất cả bánh xe diệu pháp. Ở trong niệm niệm luôn luôn dùng nhất thiết trí đạo lợi ích tất cả chúng sinh. Ở trong niệm niệm ở trước khắp đủ thứ các chúng sinh khác nhau trong tất cả thế giới, hết kiếp thuở vị lai, thị hiện tất cả cảnh giới chư Phật thành Chánh Đẳng Giác. Ở trong niệm niệm khắp ở trong tất cả thế giới, tất cả các kiếp, tu Bồ Tát hạnh, chẳng sinh hai tưởng. Tuy hành Bồ Tát đạo, mà chẳng chấp trước vào hành Bồ Tát đạo. Do đó có câu: “Suốt ngày lợi ích chúng sinh, mà chẳng có chúng sinh được lợi ích”. Tại sao vậy? Vì phá tất cả sự chấp trước, tức cũng là hành sở vô sự. Tư tưởng của Bồ Tát là chúng sinh và mình đồng một thể, chẳng có phân biệt đó đây. Đây là đạo lý gì? Vì Bồ Tát không còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh và tướng thọ mạng. Nếu chẳng còn bốn tướng, thì còn có chúng sinh gì để lợi ích! Bồ Tát tu hành Bồ Tát hạnh, đó là tận hết hạnh đại nguyện của mình, chẳng có hai tưởng đối với chúng sinh, đó là: Vào khắp tất cả biển thế giới rộng lớn (dùng một cõi Phật đập nát làm hạt bụi, một hạt bụi làm lại làm một cõi, tích tập các cõi nhiều như số hạt bụi đó, hợp lại làm một biển thế giới) trong tất cả thế giới chủng. Có đủ thứ ranh giới của các thế giới. Đủ thứ trang nghiêm của các thế giới. Đủ thứ thể tánh của các thế giới. Đủ thứ hình trạng của các thế giới. Đủ thứ phân bố của các thế giới.

Hoặc có thế giới dơ mà có cả tịnh. Hoặc có thế giới thanh tịnh mà có cả dơ. Hoặc có thế giới một bề tạp dơ. Hoặc có thế giới một bề thanh tịnh. Có đủ thứ thế giới khác nhau: Hoặc nhỏ, hoặc lớn. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc thẳng, hoặc nghiêng. Hoặc úp, hoặc ngửa. Tại sao lại có những thế giới đó? Vì nghiệp cảm của chúng sinh mà thành tựu. Chúng sinh tạo nghiệp gì, thì cảm hiện ra thế giới đó, đây là do nghiệp hiện ra. Ở trong tất cả các thế giới như vậy, niệm niệm tu hành các Bồ Tát hạnh, vào quả vị trụ của Bồ Tát, thị hiện Bồ Tát lực. Cũng thị hiện tất cả thân chư Phật ba đời, tuỳ tâm niệm của chúng sinh, khắp khiến cho họ thấy biết được những cảnh giới đó.

Thiện nam tử! Khi đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở trong đời quá khứ, tu hành Bồ Tát hạnh như vậy, thì thấy các chúng sinh, chẳng tu công đức, không có trí huệ, chấp ta của ta, bị màng vô minh chướng ngại, chẳng có chánh tư duy, vào các tà kiến, chẳng rõ nhân quả, thuận phiền não nghiệp, đoạ vào hố sâu sinh tử hiểm nạn, thọ đủ thứ vô lượng các khổ.

Thiện nam tử! Khi đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai ở trong đời quá khứ, tu hành Bồ Tát hạnh như vậy, thì thấy các chúng sinh, chẳng tu công đức. Tại sao chẳng tu công đức? Vì chẳng có trí huệ. Nếu muốn có trí huệ, thì nhất định phải tu công đức. Người ngu si thì chấp vào cái ta do bốn đại hoà hợp (đất nước gió lửa). Lại chấp vào tất cả tài sản của ta, đều là sở hữu của ta. Đó là bị màng vô minh chướng ngại che lấp, giống như con mắt bị màng che đậy, nhìn vật gì cũng không thấy được rõ ràng. Chẳng có chánh tư duy, nghĩ tưởng lung tung, bèn nhập vào các tà tri tà kiến. Chẳng rõ nhân quả, thậm chí bát vô nhân quả. Chẳng minh bạch đạo lý:

“Muốn biết nhân đời trước
Hãy xem mình đang có gì
Muốn biết quả đời sau
Hãy xem mình đang làm gì”.

Tuỳ ý tạo nghiệp, đó là thuận theo phiền não nghiệp, sẽ đoạ lạc vào hố sâu sinh tử hiểm nạn, thọ đủ thứ vô lượng các khổ.

Khởi tâm đại bi, tu đủ tất cả hạnh Ba La Mật. Vì các chúng sinh tán thán khen ngợi căn lành kiên cố, khiến cho họ an trụ xa lìa khổ sinh tử bần cùng. Siêng tu pháp phước trí trợ đạo. Vì họ nói đủ thứ các môn nhân quả. Vì họ nói nghiệp báo chẳng trái ngược nhau. Vì họ nói chỗ chứng nhập của pháp. Vì họ nói sự ưa muốn hiểu biết của tất cả chúng sinh, và nói tất cả cõi nước thọ sinh, khiến cho họ chẳng dứt tất cả giống Phật. Khiến cho họ giữ gìn tất cả Phật giáo. Khiến cho họ xả bỏ tất cả các ác. Lại vì họ khen ngợi pháp hướng về nhất thiết trí trợ đạo. 

Vì những nhân duyên đó, cho nên sinh khởi tâm đại bi, tu đầy đủ tất cả hạnh Ba La Mật. Vì các chúng sinh tán thán khen ngợi căn lành kiên cố, khiến cho họ an trụ xa lìa khổ sinh tử và bần cùng. Siêng tu pháp phước trí trợ đạo. Vì chúng sinh diễn nói đủ thứ các môn nhân quả. do đó có câu: “Nhân nào quả đó”, tức cũng là đạo lý: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Vì chúng sinh diễn nói nghiệp báo chẳng trái ngược nhau. Ví như:

“Giết cha người ta,
Người ta cũng giết cha mình
Giết anh người ta,
Người ta cũng giết anh mình”.

Đây là quả báo tuần hoàn, chẳng sai mảy may nào. Vì chúng sinh diễn nói chỗ chứng nhập Thánh nhân tu hành của pháp. Vì chúng sinh diễn nói pháp ưa muốn hiểu biết của tất cả chúng sinh, và vì chúng sinh diễn nói tất cả cõi nước thọ sinh, tương lai đến cõi nước nào thọ sinh. Đương nhiên làm việc lành, thì có thể sinh về thế giới Cực Lạc; làm việc ác thì sẽ đoạ vào địa ngục vô gián thọ khổ, đây là việc đương nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa. Do đó có câu:

“Thiện có báo thiện,
Ác có ác báo.
Chẳng phải chẳng báo,
Thời khắc chưa đến”.

Bất cứ thiện ác, đều có báo ứng, bất quá thời gian sớm muộn mà thôi. Có người đời nầy chẳng có việc ác nào mà chẳng làm, nhưng họ lại hưởng phước; và có những người đời nầy làm nhiều việc thiện, mà chẳng được như ý. Đây là luật nhân quả an bài. Vị Dạ Thần lại lại khiến cho chúng sinh chẳng dứt tất cả giống Phật, thiệu long Tam Bảo, tục Phật huệ mạng. Khiến cho chúng sinh giữ gìn giáo pháp của tất cả chư Phật, ủng hộ đạo tràng, duy trì đạo tràng, trang nghiêm đạo tràng, thanh tịnh đạo tràng, đó đều là một bộ phận giữ gìn Phật giáo. Khiến cho chúng sinh xả bỏ tất cả các ác, nói tóm lại, tức là mười điều ác: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, thêu dệt, chửi mắng, tham lam, sân hận, si mê. Lại vì chúng sinh tán thán khen ngợi pháp hướng về nhất thiết trí trợ đạo, khiến cho chúng sinh hướng về pháp nầy mà tu hành.

Khiến cho các chúng sinh, sinh tâm hoan hỉ, khiến cho thực hành bố thí pháp, nhiếp khắp tất cả. Khiến cho họ phát khởi hạnh nhất thiết trí. Khiến cho họ tu học đạo Ba La Mật của các đại Bồ Tát. Khiến cho họ tăng trưởng thành tựu nhất thiết trí các biển căn lành. Khiến cho họ đầy đủ tất cả Thánh tài. Khiến cho họ vào được môn tự tại của Phật. Khiến cho họ nhiếp lấy vô lượng phương tiện. Khiến cho họ quán thấy oai đức của Như Lai. Khiến cho họ an trụ trí huệ Bồ Tát.

Khiến cho hết thảy chúng sinh, sinh tâm hoan hỉ. Khiến cho hết thảy chúng sinh thực hành pháp môn pháp thí, có thể nhiếp khắp tất cả. Khiến cho hết thảy chúng sinh, phát khởi hạnh nhất thiết trí. Khiến cho hết thảy chúng sinh, tu học đạo Ba La Mật của tất cả các đại Bồ Tát tu. Khiến cho hết thảy chúng sinh, tăng trưởng thành tựu nhất thiết trí và tất cả căn lành như biển cả. Khiến cho hết thảy chúng sinh, đầy đủ tất cả Thánh tài (đạo pháp). Khiến cho hết thảy chúng sinh, vào được môn tự tại của Phật. Khiến cho hết thảy chúng sinh, nhiếp lấy vô lượng pháp môn phương tiện. Khiến cho hết thảy chúng sinh, quán thấy sức oai đức của Như Lai. Khiến cho hết thảy chúng sinh, an trụ hết thảy trí huệ đức tướng của Bồ Tát.

Thiện Tài đồng tử hỏi rằng: Đức Thánh! Ngài phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đã được bao lâu rồi?
Vị Dạ Thần đáp: Thiện nam tử! Chỗ nầy khó tin, khó biết, khó hiểu, khó vào, khó nói. Tất cả thế gian, và nhị thừa, đều không thể biết được.

Thiện Tài đồng tử hỏi vị Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa rằng: “Đức Thánh! Ngài phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đã được bao lâu rồi”?
Vị Dạ Thần đáp: “Thiện nam tử! Ngươi hỏi vấn đề nầy, khiến cho người khó tin, khó biết, khó hiểu, khó vào, khó nói. Tại sao vậy? Vì pháp nầy chẳng dễ gì nghe được, lập tức khiến nghe thấy, cũng chẳng dễ gì tin được (đây là chẳng thấy nghe), cũng chẳng dễ gì biết pháp nầy (đây là chẳng có văn huệ), cũng chẳng dễ gì hiểu được cảnh giới pháp nầy (đây là chẳng có tư huệ), thời gian lâu dài không thể nghĩ bàn, cho nên chẳng dễ gì chứng được (đây là chẳng có tu huệ). Cảnh giới nầy, là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, cho nên khó nói. Tất cả người thế gian, và hàng nhị thừa, đều không thể biết được cảnh giới nầy”.

Chỉ trừ được thần lực của chư Phật hộ trì, được bạn lành nhiếp thọ. Tích tập công đức thù thắng, ưa muốn thanh tịnh, không có tâm hạ liệt, không có tâm tạp nhiễm, không có tâm quanh co. Đắc được tâm trí huệ quang minh chiếu sáng khắp. Phát tâm lợi ích khắp các chúng sinh. Tâm tất cả phiền não và chúng ma không thể phá hoại được. Tâm khởi tất thành tựu nhất thiết trí. Tâm không thích tất cả vui sinh tử. Có thể cầu vui vi diệu của tất cả chư Phật. Có thể diệt khổ não của tất cả chúng sinh. Có thể tu biển công đức của tất cả chư Phật. Có thể quán thật tánh của tất cả các pháp. Có thể đầy đủ tất cả tin hiểu thanh tịnh. Có thể vượt qua tất cả dòng nước xoáy sinh tử. Có thể vào biển trí của tất cả Như Lai. Có thể quyết định đến pháp thành vô thượng. Có thể dũng mãnh vào cảnh giới Như Lai. Có thể sớm hướng về quả vị chư Phật. Có thể lập tức thành tựu nhất thiết trí lực. Có thể nơi mười lực đã được rốt ráo. Người như vậy, đối với pháp môn nầy mới trì được, vào được, thấu rõ được.

Cảnh giới nầy, chỉ trừ được thần lực của tất cả chư Phật hộ trì, hoặc được tất cả Bồ Tát hộ niệm. Tích tập công đức thù thắng, ưa muốn thanh tịnh, không có tâm nhiễm ô. Không có tâm hạ liệt thấp kém bỉ ổi. Không có tâm thiện ác xen tạp. Không có tâm xiểm nịnh quanh co. Xiểm nịnh là gì? Chuyên nói lời mật ngọt, hư vọng không thật. Tóm lại, thấy người có tiền, có thế, thì cuối đầu như kẻ nô tài. Quanh co là gì? Tức là chẳng nói lời ngay thẳng, cứ nói lời quanh co lòng vòng, chẳng thành khẩn, chẳng trung thực, dụng tâm cơ nói những lời khẩu thị tâm phi. Nếu tâm chẳng có những bất chánh như thế, thì sẽ đắc được tâm trí huệ quang minh chiếu sáng khắp. Phát khởi tâm lợi ích khắp tất cả chúng sinh. Tâm tất cả phiền não và chúng ma không thể phá hoại được. Tâm sinh khởi tất thành tựu nhất thiết trí. Tâm không thích tất cả vui sinh tử. Có thể cầu vui vi diệu của tất cả chư Phật. Có thể diệt trừ khổ não của tất cả chúng sinh. Có thể tu hành biển công đức của tất cả chư Phật. Có thể quán sát thật tánh của tất cả các pháp. Có thể đầy đủ tất cả tin hiểu thanh tịnh. Có thể vượt qua tất cả dòng nước xoáy sinh tử. Có thể vào biển trí huệ của tất cả chư Phật. Có thể quyết định đạt đến pháp thành vô thượng. Có thể dũng mãnh vào cảnh giới của tất cả chư Phật. Có thể sớm hướng về quả vị của tất cả chư Phật. Có thể lập tức thành tựu nhất thiết trí lực. Có thể nơi mười lực của Phật đã được rốt ráo. Người như vậy, đối với những pháp môn nầy, mới thọ trì được, vào được, thấu rõ được.

Tại sao? Vì đây là cảnh giới trí huệ của Như Lai, tất cả Bồ Tát còn không thể biết được, hà huống là chúng sinh khác. Nhưng hôm nay ta nhờ oai lực của đức Phật, muốn khiến cho điều thuận chúng sinh đáng được hoá độ, ý sớm được thanh tịnh. Muốn khiến cho chúng sinh tu tập căn lành, tâm được tự tại. Tuỳ theo chỗ ngươi hỏi, vì ngươi mà ta tuyên nói.

Tại sao vậy? Vì đây là cảnh giới trí huệ của Như Lai, tất cả Bồ Tát còn không thể biết được. Do đó: “Sơ địa Bồ Tát chẳng biết cảnh giới của Nhị địa Bồ Tát. Thập địa Bồ Tát chẳng biết cảnh giới của bậc Đẳng Giác”, hà huống là hàng nhị thừa và phàp phu, càng không thể biết được. Nhưng hôm nay, ta nhờ nương đại oai thần lực của đức Phật, muốn khiến cho điều thuận chúng sinh đáng được hoá độ, ý sớm được thanh tịnh ý niệm của họ. Muốn khiến cho chúng sinh tu tập tất cả căn lành, tâm niệm của họ được tự tại. Vì tuỳ theo chỗ ngươi hỏi, nên ta vì ngươi mà tuyên nói.

Bấy giờ, vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa muốn thuật rõ lại nghĩa trên, bèn quán sát cảnh giới Như Lai ba đời, mà nói kệ rằng:

Bấy giờ, vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa muốn thuật rõ lại nghĩa lý trường hàng ở trên, bèn quán sát cảnh giới của tất cả Như Lai mười phương ba đời, dùng kệ để diễn nói lại. Khiến cho Thiện Tài đồng tử tăng thêm ấn tượng, vĩnh viễn tồn tại ở trong biển não, để khỏi quên mất. Đây là vị Chủ Dạ Thần dụng tâm lương khổ, khiến cho chúng sinh vị lai, thấy được bài kệ nầy, xem qua liền hiểu rõ.

Phật tử chỗ ngươi hỏi
Cảnh giới Phật thâm sâu
Kiếp bụi khó nghĩ bàn
Nói ra không hết được.

Vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa nói: Phật tử! Chỗ ngươi hỏi cảnh giới môn giải thoát Bồ Tát sinh ra hỉ quang minh rộng lớn mà ta đã thành tựu như thế nào? Hiện tại ta nói cho ngươi biết, đó là cảnh giới của Phật thâm sâu. Dù ở trong số kiếp nhiều như số hạt bụi không thể nghĩ bàn, cũng chẳng có cách gì nói hết được.

Chẳng phải tham sân si
Kiêu mạn nghi hoặc che
Những chúng sinh như vậy
Biết được diệu pháp Phật.

Chẳng phải chúng sinh có tham sân si ba độc, họ có thể minh bạch đạo lý nầy. Tại sao? Vì bị kiêu ngạo, ngã mạn, nghi hoặc, che đậy, những chúng sinh như vậy, làm sao biết được diệu pháp của Phật?

Chẳng phải trụ tham kị
Xiểm dối ý ô trược
Phiền não nghiệp che đậy
Biết được cảnh giới Phật.

Chẳng phải chúng sinh trụ tham sẻn và đố kị minh bạch được cảnh giới nầy. Càng không phải chúng sinh có xiểm nịnh và dối trá thấu hiểu được cảnh giới nầy. Hoặc chúng sinh có tư tưởng ô trược. Hoặc chúng sinh bị phiền não nghiệp che đậy, biết được cảnh giới nầy. Cảnh giới của Phật, tận hư không khắp pháp giới, chẳng có bờ mé.

Chẳng chấp uẩn giới xứ
Và chấp có thân nầy
Người thấy đảo tưởng đảo
Biết được Phật giác ngộ.

Cũng chẳng phải chúng sinh chấp trước năm uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, thấu hiểu được. Chúng sinh chấp ta có thân thể nầy và chúng sinh thấy điên đảo, cùng với tưởng điên đảo, họ không thể nào biết được cảnh giới giác ngộ của Phật.

Cảnh giới Phật tịch tĩnh
Tánh tịnh lìa phân biệt
Chẳng chấp trước các cõi
Biết được pháp tánh nầy.

Cảnh giới Phật thì tịch tĩnh (Lìa phiền não là tịch, dứt khổ hoạn là tĩnh. Tóm lại, chẳng có mọi chấp trước, tức là tịch tĩnh). Tự tánh của Phật là thanh tịnh, lìa khỏi mọi sự phân biệt. Chẳng phải chúng sinh chấp trước vào tam giới hai mươi lăm cõi, biết được pháp tánh nầy.

Sinh vào nhà chư Phật
Được chư Phật thủ hộ
Người trì Phật pháp tạng
Mắt trí biết cảnh nầy.

Sinh vào nhà mười phương chư Phật, được chư Phật thủ hộ, hay thọ trì pháp tạng của chư Phật nói. Chúng sinh có con mắt trí huệ mới biết được cảnh giới nầy.

Gần gũi thiện tri thức
Ưa thích pháp trắng tịnh
Siêng cầu lực chư Phật
Nghe pháp nầy hoan hỉ.

Người gần gũi thiện tri thức, ưa thích pháp trắng tịnh. Siêng cầu mười lực của tất cả chư Phật. Lắng nghe pháp vi diệu thâm sâu nầy rồi, trong tâm sinh đại hoan hỉ, y pháp phụng hành.

Tâm tịnh không phân biệt
Giống như thái hư không
Đèn huệ phá các tối
Đây là cảnh giải thoát.

Trong tâm rất thanh tịnh, không có tất cả tâm chấp trước phân biệt, thanh tịnh giống như thái hư không. Đèn trí huệ phá trừ được tất cả đen tối. Đây là cảnh giới của môn giải thoát.

Dùng tâm đại từ bi
Che khắp các thế gian
Tất cả đều bình đẳng
Đây là cảnh giải thoát.

Dùng tâm ý đại từ bi, che hộ khắp hết thảy chúng sinh thế gian, đối với họ đều là bình đẳng, chẳng có tất cả mọi phân biệt. Đây tức là cảnh giới môn giải thoát.

Tâm hoan hỉ không chấp
Tất cả đều xả được
Bình đẳng thí chúng sinh
Đây là cảnh giải thoát.

Hoan hỉ Phật pháp, trong tâm không có sự chấp trước, hết thảy tất cả đều xả bỏ được, tuyệt đối không tham, không nhiễm, chẳng những xả được, mà còn chẳng có tâm phân biệt. Một luật bình đẳng bố thí cho chúng sinh cần, đây là cảnh giới của môn giải thoát.

Tâm tịnh lìa các ác
Rốt ráo không chỗ sám
Thuận hành lời chư Phật
Đây là cảnh giải thoát.

Trong tâm thanh tịnh, thì sẽ lìa khỏi tất cả các ác. Rốt ráo không có tội gì để sám hối. Thuận theo lời giáo hoá của tất cả chư Phật nói để tu hành. Đây là cảnh giới của môn giải thoát.

Biết rõ pháp tự tại
Cùng với các giống nghiệp
Tâm ý không động loạn
Đây là cảnh giải thoát.

Biết rõ tự tại của tất cả pháp, cùng với tất cả đủ thứ nhân duyên tạo nghiệp thọ báo. Vì tất cả đạo lý đều phải minh bạch rõ ràng, cho nên trong tâm không có sự động loạn, tức cũng là không có điên đảo vọng tưởng. Đây là cảnh giới của môn giải thoát.

Dũng mãnh siêng tinh tấn
An trụ tâm bất thối
Siêng tu nhất thiết trí
Đây là cảnh giải thoát.

Tu trì pháp môn nầy, phải dũng mãnh siêng tinh tấn, chẳng những thân tinh tấn, mà tâm cũng phải tinh tấn, mới có thể có sự thành tựu. An ổn trụ tâm nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vĩnh viễn không thối chuyển. Siêng tu nhất thiết trí huệ. Tu tập như thế nào? Tức là vào sâu tạng Kinh mà nghiên cứu, thì sẽ đắc được cảnh giới trí huệ như biển. Đây là cảnh giới của môn giải thoát.

Tâm ý tịch tĩnh trụ tam muội
Rốt ráo mát mẻ không nhiệt não
Đã tu biển nhân nhất thiết trí
Người nầy chứng ngộ môn giải thoát.

Người tu đạo, tâm ý tịch tĩnh, mới có thể an trụ trong cảnh giới tam muội. Tự tâm rốt ráo đắc được mát mẻ, không có mọi nhiệt não nào xâm hại. Nhiệt não tức là phiền não, do đó có câu: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, học Phật tức là học đoạn phiền não. Phiền não chẳng đoạn, thì tâm vĩnh viễn chẳng thanh tịnh, bóng bồ đề sẽ không hiện ra. Nhiệt não từ đâu đến? Truy tìm tông tích thì từ trong nhiệt tình mà ra. Nhiệt tình thái quá, sẽ thành phiền não. Nhưng người nầy đã tu hành biển nhân nhất thiết trí huệ, đây là người đã chứng đắc giác ngộ sự lý viên dung, đắc được môn giải thoát.

Khéo biết tất cả tướng chân thật
Vào sâu vô biên môn pháp giới
Khắp độ quần sinh không thừa sót
Giải thoát nầy của bậc Huệ Đăng.

Người có thể chứng ngộ, khéo biết tất cả tướng chân thật, vào sâu pháp môn tận hư không khắp pháp giới. Có thể độ khắp tất cả chúng sinh, không thừa sót chúng sinh nào. Người có đèn trí huệ quang minh, mới chứng đắc được cảnh giới nầy.

Thấu đạt chúng sinh tánh chân thật
Chẳng chấp tất cả các biển cõi
Như bóng hiện khắp trong tâm nước
Giải thoát nầy của bậc Chánh Đạo.

Thấu rõ thông đạt tánh chân thật của tất cả chúng sinh, thì chẳng chấp trước vào biển nghiệp của tam giới hai mươi lăm cõi. Giống như bóng hiện khắp trong tâm nước. Người đắc được bồ đề giác đạo, mới đắc được môn giải thoát nầy.

Từ chỗ tất cả Phật ba đời
Phương tiện nguyện hạt giống sinh ra
Hết các kiếp cõi siêng tu hành
Giải thoát nầy của bậc Phổ Hiền.

Hầu hạ cúng dường chư Phật ba đời, theo chư Phật học tập Phật pháp, do từ trong phương tiện nguyện lực hạt giống mà sinh ra, hết tất cả các kiếp cõi siêng tu hành không giải đãi. Đây là môn giải thoát của người tu mười đại hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền đắc được.

Vào khắp tất cả môn pháp giới
Đều thấy mười phương các biển cõi
Cũng thấy kiếp thành hoại trong đó
Mà tâm rốt ráo không phân biệt.

Bồ Tát tu hành Bồ Tát đạo, vào khắp tất cả môn pháp giới. Đều thấy được mười phương tất cả các biển cõi. Cũng thấy được tình hình kiếp biến hoá thành trụ hoại không trong biển cõi đó. Một cõi nước, tức là một ba ngàn đại thiên thế giới (có mười ức thế giới). Một thế giới tức là một địa cầu – thọ mạng của địa cầu thời gian là một đại kiếp, tức cũng là tám mươi tiểu kiếp. Đến lúc kiếp thành thì tự nhiên xuất hiện, trải qua hai mươi tiểu kiếp. Sau đó kiếp trụ tự nhiên xuất hiện (hiện tại là kiếp trụ thứ chín của diệt kiếp, tuổi thọ con người khoảng bảy mươi tuổi. Khi đức Phật Thích Ca xuất hiện ra đời thì tuổi thọ con người là một trăm tuổi). Kiếp trụ trải qua hai mươi tiểu kiếp, thì kiếp hoại xuất hiện. Kiếp hoại trải qua hai mươi tiểu kiếp, thì kiếp không xuất hiện. Kiếp không trải qua hai mươi tiểu kiếp, thì kiếp thành xuất hiện, cứ đi vòng như vậy, cuối rồi lại bắt đầu. Vì vô lượng kiếp đồng một niệm; một niệm đồng vô lượng kiếp, cho nên tâm thanh tịnh, rốt ráo không có mọi sự chấp trước và phân biệt.

Hết thảy hạt bụi trong pháp giới
Đều thấy Như Lai ngồi đạo thụ
Thành tựu bồ đề hoá quần sinh
Giải thoát nầy của Vô Ngại Nhãn.

Hết thảy hạt bụi trong pháp giới, đều có cõi nước chư Phật, trong mỗi cõi nước, có Phật đang ngồi ở dưới cội bồ đề thành tựu quả Phật. Sau đó vì chúng sinh thuyết pháp, giáo hoá chúng sinh. Tại sao Phật thị hiện thành Phật? Vì Phật tâm bi tha thiết, cho nên khiến cho chúng sinh biết cảnh giới thành Phật. Chúng sinh chưa thành Phật, thị hiện giáo hoá chúng sinh, chẳng bỏ chúng sinh. Đây là môn giải thoát của Bồ Tát chứng đắc pháp nhãn vô ngại đắc được.

Ngươi trong vô lượng biển đại kiếp
Gần gũi cúng dường thiện tri thức
Vì lợi quần sinh cầu chánh pháp
Nghe rồi nghĩ nhớ không quên mất.

Thiện Tài ngươi đã ở trong vô lượng biển đại kiếp, gần gũi cúng dường thiện tri thức. Ngươi vì lợi ích chúng sinh vị lai, cho nên cầu chánh pháp vô thượng. Lắng nghe các pháp rồi, luôn luôn nghĩ nhớ không bao giờ quên mất.

Cảnh Tỳ Lô Giá Na rộng lớn
Vô lượng vô biên không nghĩ bàn
Ta nương Phật lực vì ngươi nói
Khiến ngươi thâm tâm chuyển thanh tịnh.

Cảnh giới của Tỳ Lô Giá Na rộng lớn, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ta hiện tại nương đại oai thần lực của mười phương chư Phật gia trì, để vì ngươi nói pháp của môn giải thoát nầy, khiến cho ngươi phát tâm bồ đề rộng lớn thâm sâu, chuyển thành thanh tịnh.

Thiện nam tử! Vào thuở quá khứ, trải qua số kiếp nhiều như số hạt bụi biển thế giới. Có biển thế giới, tên là Phổ Quang Minh Chân Kim Ma Ni Sơn. Trong biển thế giới đó, có vị Phật ra đời, hiệu là Phổ Chiếu Pháp Giới Trí Huệ Sơn Tịch Tĩnh Oai Đức Vương.

Thiện nam tử! Thuở xưa khi đức Phật đó tu Bồ Tát hạnh, thì thanh tịnh biển thế giới đó. Trong biển thế giới đó, có thế giới chủng nhiều như số hạt bụi thế giới. Mỗi mỗi thế giới chủng, có thế giới nhiều như số hạt bụi thế giới. Mỗi mỗi thế giới, đều có Như Lai xuất hiện ra đời. Mỗi mỗi đức Như Lai, diễn nói Tu Đa La nhiều như số hạt bụi biển thế giới. Mỗi mỗi Tu Đa La, thọ ký cho các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi cõi Phật. Hiện đủ thứ thần lực, nói đủ thứ pháp môn, độ vô lượng chúng sinh.

Thiện nam tử! Vào thuở quá khứ, trải qua số kiếp nhiều như số hạt bụi biển thế giới. Có biển thế giới, tên là Phổ Quang Minh Chân Kim Ma Ni Sơn. Trong biển thế giới đó, có vị Phật ra đời, hiệu là Phật Phổ Chiếu Pháp Giới Trí Huệ Sơn Tịch Tĩnh Oai Đức Vương. Vị Phật đó xuất hiện ra đời để giáo hoá tất cả chúng sinh, lìa khổ được vui.

Thiện nam tử! Thuở xưa khi đức Phật đó tu Bồ Tát hạnh thì, đã từng thanh tịnh biển thế giới đó. Trong biển thế giới đó, có thế giới chủng nhiều như số hạt bụi thế giới. Trong mỗi mỗi thế giới chủng, có thế giới nhiều như số hạt bụi thế giới. Trong mỗi mỗi thế giới, đều có một vị Phật xuất hiện ra đời. Mỗi một vị Phật, đều diễn nói Tu Đa La (khế kinh) nhiều như số hạt bụi biển thế giới. Trong mỗi bộ Kinh điển, đều thọ ký danh hiệu cho các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi cõi Phật. Thị hiện đủ thứ thần lực, nói đủ thứ pháp môn, rộng độ vô lượng chúng sinh.

Thiện nam tử! Trong biển thế giới Phổ Quang Minh Chân Kim Ma Ni Sơn đó, có thế giới chủng tên là Phổ Trang Nghiêm Tràng. Trong thế giới chủng đó, có thế giới tên là Nhất Thiết Bảo Sắc Phổ Quang Minh. Dùng sự thị hiện tất cả hoá Phật ảnh ma ni vương làm thể, hình trạng như thành trên trời. Dùng sự thị hiện tất cả Như Lai đạo tràng ảnh tượng ma ni vương làm bờ mé phía dưới. Trụ trên biển tất cả hoa báu, sạch dơ xen tạp với nhau. Trong thế giới đó, có bốn thiên hạ nhiều như hạt bụi núi Tu Di. Có một bốn thiên hạ ở chính giữa, tên là Nhất Thiết Bảo Sơn Tràng. Bốn thiên hạ đó, mỗi thiên hạ ngang dọc đều mười vạn do tuần. Mỗi thiên hạ đều có một vạn thành lớn. Trong Diêm Phù Đề đó, có một vương đô, tên là Kiên Cố Diệu Bảo Trang Nghiêm Vân Đăng, có một vạn thành lớn bao bọc chung quanh. Người Diêm Phù Đề thọ tới một vạn tuổi.

Thiện nam tử! Trong biển thế giới Phổ Quang Minh Chân Kim Ma Ni Sơn đó, có thế giới chủng tên là Phổ Trang Nghiêm Tràng. Trong thế giới chủng đó, lại có thế giới tên là Nhất Thiết Bảo Sắc Phổ Quang Minh. Dùng sự thị hiện tất cả hoá Phật ảnh ma ni vương làm thể, hình trạng như thành trên trời. Dùng sự thị hiện tất cả Như Lai đạo tràng ảnh tượng ma ni vương làm bờ mé phía dưới. Trụ ở trên biển tất cả hoa báu, sạch dơ xen tạp với nhau. Trong thế giới đó, có bốn thiên hạ nhiều như hạt bụi núi Tu Di. Có một bốn thiên hạ ở chính giữa, tên là Nhất Thiết Bảo Sơn Tràng. Bốn thiên hạ đó, mỗi thiên hạ ngang dọc đều mười vạn do tuần. Trong mỗi thiên hạ đều có một vạn thành lớn. Trong cõi Diêm Phù Đề đó, có một vương đô, tên là Kiên Cố Diệu Bảo Trang Nghiêm Vân Đăng, có một vạn thành lớn bao bọc chung quanh vương đô đó, người Diêm Phù Đề thọ tới một vạn tuổi.

Trong đó có ông vua, tên là Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái. Có năm trăm vị đại thần, sáu vạn thể nữ, bảy trăm vương tử. Các vương tử đó, đều đoan chánh dũng kiện, có đại oai lực.

Bấy giờ, vua oai đức đó, phổ cáo khắp cõi Diêm Phù Đề, không có oán địch.

Bấy giờ, thế giới đó lúc kiếp sắp tận, có năm trược sinh khởi. Tất cả mọi người thọ mạng ngắn ngủi, của cải thiếu thốn, hình thù xấu xí, nhiều khổ ít vui, chẳng tu thập thiện, chuyên làm nghiệp ác, càng giận tranh nhau, huỷ nhục lẫn nhau, lìa quyến thuộc của họ, đố kị người khác hay giỏi, việc gì cũng khởi kiến chấp, tham cầu phi pháp, nhân duyên như vậy, mưa gió chẳng đúng thời, lúa mạ chẳng tốt, vườn rừng cây cỏ, thảy đều khô héo. Nhân dân đói kém, có nhiều bệnh tật, bỏ chạy bốn phương, không chỗ nương tựa.

Trong vương đô Kiên Cố Diệu Bảo Trang Nghiêm Vân Đăng đó, có ông vua, tên là Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái, ông ta có năm trăm vị đại thần, sáu vạn thể nữ, lại có bảy trăm vị vương tử. Các vương tử đó, tướng mạo đều đoan chánh, thân thể dũng kiện, đều có đại oai lực.

Thời bấy giờ, ông vua đó đã từng tu hành căn lành có oai đức, cho nên phổ cáo khắp trong cõi Diêm Phù Đề, khiến cho nhân dân không có oán địch. Rất ủng hộ ông vua, rất thương mến ông vua, chẳng có mọi sự đối địch gì, chẳng có cừu oán. Ông vua thương dân như con, nhân dân kính ông vua như cha. Ngũ cốc phong phú, thiên hạ thái bình. Nhân dân cơm no áo ấm, an cư lạc nghiệp. Quốc gia không có chiến tranh, do đó có câu: “Ngựa phóng nam sơn, mao tạng ư khố”. Nghĩa là: Ngựa thả ra đồng, đao cất vào kho”, mọi người sống trong cảnh thái bình thịnh vượng.
Lúc đó, thế giới đó lúc kiếp sắp tận, có đời ác năm trược sinh khởi. Năm trược tức là: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược. Trược tức là ô trược, chẳng thanh tịnh. Kiếp trược là gì? Tức là kiếp giảm từ tuổi thọ con người hai vạn tuổi bắt đầu là kiếp trược. Kiếp giảm có tám vạn bốn ngàn tuổi, kiếp tăng có tám vạn bốn ngàn tuổi, mỗi một trăm năm giảm một tuổi, hoặc tăng một tuổi. Một giảm, một tăng, là một kiếp.

Thế nào là kiến trược? Tức là năm lợi sử. Năm lợi sử tức là: Thân kiến, biên kiến, giới thủ, kiến thủ, tà kiến.

Thân kiến: Cho rằng thân thể nầy là của ta, càng chấp vào thân nầy. Kỳ thật, thân thể nầy là do bốn đại (đất, nước, gió, lửa) và năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giả hợp mà thành, bất quá là cái túi da hôi thối mà thôi, chẳng có gì tốt đẹp cả. Nhưng nói đi rồi cũng nói lại, chúng ta người tu hành mượn giả tu chân, lìa khỏi thân thể thì không thể nào tu đạo, phải giữ trung đạo.

Biên kiến: Chấp trước vào kiến giải thiên về một bên. Chẳng chấp không thì chấp có, chẳng phải trung đạo chân không diệu hữu. Ngoại đạo của Ấn Độ, có chấp đoạn, đề xướng học thuyết con người chết rồi như đèn tắt, do đó, mọi người chẳng tin nhân quả, bát vô nhân quả, chủ trương hưởng thụ. Nhưng chúng ta nên biết được làm thân người chẳng phải dễ, đừng cô phụ quyền lợi làm người. Có ngoại đạo chấp thường, đề xướng con người sau khi chết vẫn làm người, chó chết rồi vẫn làm chó. Chủ trương khổ hạnh, giả như nghiệp khổ tiêu hết thì không lại làm người. Hai học thuyết nầy đều là tà tri tà kiến, chẳng phải chánh tri chánh kiến. Họ đều là những phần tử cực đoan. Cho nên lúc đức Phật còn tại thế, phản đối hành vi của họ, cho rằng chẳng hợp với trung đạo.

Giới thủ: Nghiêm trì giới luật chẳng hợp với Phật giáo, cho rằng pháp quy của tà giáo là đúng đắn. Ví như học theo giới bò và giới chó. Những kẻ ngoại đạo nầy chỉ biết chó bò có thể sinh về cõi trời, nhưng chẳng biết nhân duyên tại sao phải làm chó, làm bò. Cho nên tu mù luyện đui, mà lầm mình, lầm người.

Kiến thủ: Chấp trước vào kiến giải của mình, cho rằng mình đúng, chẳng chịu lắng nghe ý kiến của người khác, độc đoán độc hành, chẳng gần tình người.

Tà kiến: Phàm là kiến giải chẳng chánh đáng, đều gọi là tà kiến. Phiền não trược là gì? Tức là năm độn sử. Năm độn sử tức là tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm mạn, tâm nghi. Tâm tham: Đối với tất cả cảnh giới thuận, bèn sinh khởi tâm tham ái, muốn chiếm lấy cho được, bằng không, dùng hết mọi tâm cơ, vì mục đích bất chấp thủ đoạn. Ngàn phương vạn kế, lấy cho bằng được để làm trò vui. Vì có tư tưởng đó, bèn làm ra đủ thứ nghiệp ác thương thiên hại lý. Đến lúc mạng chung thì ra đi hai bàn tay không, chỉ có nghiệp chướng theo họ xuống gặp vua Diêm Vương. Tâm sân: Đối với tất cả cảnh giới nghịch, bèn sinh khởi tâm sân hận. Tóm lại, cầu chẳng được thì sinh nổi giận, lý trí chẳng không chế được tình cảm. Thường dùng ý khí dụng sự, do đó mà hồ đồ, chẳng minh bạch đạo lý tất cả sự lý chánh đáng. Tâm mạn: Tức là cống cao ngã mạn, trong mắt không xem ai ra gì. Tâm nghi: Tức là nghi hoặc trùng trùng, đối với sự lý gì cũng đều không tin. Chẳng những đối với sự lý chánh đáng, không tin mà còn khởi nghi hoặc, nghĩa là đối với pháp của thiện tri thức nói, cũng chẳng tin, mà khởi nghi vấn. Lợi sử là phiền não cấp tính. Độn sử là phiền não mãn tính. Mười sử nầy chi phối con người điên điên đảo đảo, nhận thức chẳng rõ ràng tất cả cảnh giới. Như vậy đồng lưu hợp ô, thì sẽ bỏ giác mà hợp với trần lao, rời xa đạo, lìa khỏi nhà vốn có càng ngày càng xa. Chúng sinh trược là gì? Tức là quả báo của lợi độn mười sử. Mạng trược là gì? Tức là thân tâm ốm yếu, mạng sống ngắn ngủi, nên gọi là mạng trược.

Trong đất nước đó, khi năm trược sinh khởi lên, thì thọ mạng của tất cả mọi người sẽ ngắn ngủi. Tất cả tài vật dùng hằng ngày sẽ thiếu thốn. Thân hình của con người sẽ xấu xí. Đời sống của con người, nhiều khổ ít vui, suốt ngày lam lũ mà chẳng được no. Tại sao có tình hình như vậy? Vì chúng sinh chẳng tu pháp thập thiện, chuyên làm mười pháp ác. Giữa người với người chẳng hoà thuận với nhau, giữa nước này với nước kia, chẳng hoà bình sống với nhau. Tóm lại, hổ tương phân tranh, huỷ nhục lẫn nhau, bạn phỉ báng tôi, tôi công kích bạn. Chẳng nhường nhịn nhau, tạo thành không khí xấu đầy dẫy hư không. Thậm chí có người làm những việc không có đạo đức, chuyên môn làm việc ly gián, khiến cho con người giao hảo không hoà thuận, làm cho mẹ con người chẳng hiếu thuận, khiến cho vợ chồng người ly hôn, khiến cho lục thân người chẳng được đoàn tụ. Làm cho những gia đình hạnh phúc người khác tan nát, phân ly mỗi người một phương, những người làm ác như vậy, chết đi chắc chắn sẽ đoạ vào địa ngục cắt lưỡi. Lại có những người đố kị thành tánh, thấy nhà người khác tốt đẹp hơn họ, thì trong tâm chẳng vui, tìm cách phá hoại, do đó có câu tâm lý tác quái: “Rủi may vui khổ”. Thấy người có tiền, thì sinh tâm đố kị chướng ngại; thấy người nghèo thì sinh tâm kiêu ngạo tự đại. Tóm lại, hận người khác có, hận mình không, đây là hành vi tâm lý biến thái.

Các vị hãy nghĩ xem, hiện tại trên thế gian tình huống như vậy. Tông chỉ của Phật giáo là dùng từ bi làm hoài bảo, phương tiện làm cửa. Thanh tâm quả dục, chẳng tranh với đời. Nhưng hiện tại cũng phạm mao bệnh nầy, chạy theo dục niệm, sinh ra tà tri tà kiến, cứ làm những việc phi pháp, tham cầu tài bất nghĩa. Vì những nguyên nhân đó, cho nên mưa gió chẳng đúng thời. Nên nổi gió mà chẳng nổi gió, nên mưa xuống mà chẳng mưa xuống, lúc không cần nổi gió, thì lại nổi cuồng phong, đây là hiện tượng gió mưa thất thường. Tại sao? Vì nghiệp lực của chúng sinh sở cảm, vì sự quan hệ gió mưa chẳng điều thuận, cho nên ngũ cốc chẳng phong phú. Cây cỏ trong vườn rừng, thảy đều khô héo, chẳng có sinh khí. Nhân dân nghèo khổ, không có quần áo mặc, không có lúa gạo ăn, không có nhà để ở. Khắp nơi bị ôn dịch, người bệnh chẳng có thuốc cứu chữa, chờ đợi cái chết, rất là đáng sợ. Vì cầu sinh tồn, chẳng màng tánh mạng, bỏ chạy bôn ba khắp nơi. Giống như người Việt tị nạn hiện nay, họ bị đàn áp mà phải bỏ chạy đi bốn phương, nghèo khổ gia tăng, khổ không thể tả. Đời sống của những người tị nạn, khó khăn vô cùng. Họ muốn khóc mà không còn nước mắt, không còn lời nào để nói. Cầu nguyện Bồ Tát che chở, đến được đất nước toàn. Những thuyền nhân tị nạn trôi nổi trên biển, sung sướng khi thoát khỏi miệng cọp, nhưng đến nơi không ai thu nhận, chẳng cho người tị nạn lên bờ, đây có thể nói là mất đi đạo nghĩa nhân quyền. Thuyền nhân tị nạn trôi nổi trên biển, tánh mạng của họ chẳng được an toàn, tài sản không được bảo đảm. Có lúc bị bọn hải tặc cướp lấy. Họ ở trong hoàn cảnh nước sâu lửa bỏng, hy vọng nguyên thủ các nước phát tâm từ bi, ra tay trợ giúp, cứu họ lìa khổ được vui. Tại đạo tràng Vạn Phật Thánh Thành thành lập uỷ ban hội cứu tế người tị nạn, mỗi tháng có rất nhiều người tị nạn đến đi không ngừng, khiến cho họ có chỗ nương tựa.

Những người đó, đều cùng nhau đến ở khắp chung quanh thành lớn vương đô, nhiều vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức người. Lớn tiếng kêu gào, hoặc giơ tay, hoặc chắp tay, hoặc cúi đầu, hoặc quỳ xuống, hoặc dùng tay đánh bụng, hoặc co đầu gối kêu lớn, hoặc nhảy nhót la hét, đầu tóc rối tung, y phục rách rưới hôi hám, da thịt nhăng nứt, mặt mắt mất thần, đồng hướng về ông vua nói rằng: Đại vương! Đại vương! Chúng tôi ngày nay nghèo khổ, đến đường cùng, đói khát lạnh rét, bệnh tật suy yếu, các khổ hành hạ, mạng sống chẳng còn bao lâu. Không chỗ nương tựa, không biết kêu cứu vào đâu. Chúng tôi ngày nay trở về nương tựa với đại vương. Chúng tôi thấy đại vương, là người nhân từ trí huệ. Ở chỗ đại vương, có cảm giác được an lạc, được sự thương yêu, được sống, được nhiếp thọ, được bảo tạng, được cầu đò, được đường sá, được thuyền bè, thấy được hòn đảo châu báu, được tài lợi, được lên cung trời.

Những người đó đều cùng nhau đến ở khắp chung quanh thành lớn vương đô, nhiều vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức người. Lớn tiếng kêu gào, hoặc giơ tay lên, hoặc chắp tay lại, hoặc cuối đầu, hoặc quỳ xuống đất, hoặc dùng tay đánh bụng, hình dung tình hình rất là thống khổ. Hoặc co đầu gối kêu lớn, hoặc nhảy nhót la hét. Đầu tóc của những người nghèo khổ đó rối tung lên, giống như ngạ quỷ, y phục rách rưới hôi hám, da thịt nhăng nứt, mặt mắt mất thần. Những người nghèo đó, đồng hướng về ông vua nói rằng: “Đại vương! Đại vương! Cuộc sống của chúng tôi ngày nay, nghèo khổ đến đường cùng, vừa đói khát, vừa lạnh rét, bệnh tật suy yếu, bị đủ thứ khổ hành hạ. Mạng sống chẳng còn bao lâu, tiền đồ không dám nghĩ đến, rất là sợ hãi. Hiện nay ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, không chỗ nương tựa, không biết kêu cứu vào đâu, không cách gì nói hết sự khốn khổ. Chúng tôi ngày nay trở về nương tựa đại vương. Chúng tôi thấy đại vương là người nhân từ, cũng là người có đại trí huệ. Ở chỗ đại vương, chúng tôi có cảm giác được an toàn, không bị mọi sự uy hiếp. Cuộc sống được an vui, được sự thương yêu, được sống, được nhiếp thọ, được bảo tạng. Giống như được cầu đò, được đường sá, được thuyền bè, thấy được hòn đảo châu báu, được tài lợi, được thăng lên cung trời. Chúng tôi có đủ thứ sự hy vọng, được nhiều lợi ích, ân cần chờ đợi, trở thành hiện thực”.

Bấy giờ, đại vương nghe những lời đó rồi, đắc được trăm vạn A tăng kỳ môn đại bi. Một lòng suy gẫm, phát ra mười lời đại bi. Những gì là mười? 

Đó là: Thương thay chúng sinh, bị đoạ vào trong hầm lớn sinh tử không đáy. Tôi sẽ tìm cách để sớm cứu vớt, khiến cho họ được trụ bậc nhất thiết trí.

Thương thay chúng sinh, bị các phiền não bức bách. Tôi sẽ tìm cách để cứu hộ, khiến cho họ an trụ tất cả nghiệp thiện.

Thương thay chúng sinh, bị sinh già bệnh chết khủng bố. Tôi sẽ tìm cách để làm chỗ trở về nương tựa, khiến cho họ vĩnh viễn thân tâm được an ổn. 

Thương thay chúng sinh, thường bị các khủng bố thế gian bức bách. Tôi sẽ tìm cách để trợ giúp họ, khiến cho họ được trụ đạo nhất thiết trí. 

Thương thay chúng sinh, không có con mắt trí huệ, thường bị thân kiến nghi hoặc che đậy. Tôi sẽ tìm cách để phương tiện, khiến cho họ được giải quyết kiến chấp. 

Thương thay chúng sinh, thường bị tối ngu si mê hoặc. Tôi sẽ tìm cách để làm đuốc sáng, khiến cho họ chiếu thấy thành nhất thiết trí. 

Thương thay chúng sinh, thường bị tham sẻn đố kị xiểm nịnh dối trá làm mờ đục. Tôi sẽ tìm cách để khai hiểu, khiến cho họ chứng được pháp thân thanh tịnh. 

Thương thay chúng sinh, mãi trôi chìm trong biển sinh tử. Tôi sẽ tìm cách để cứu vớt, khiến cho họ lên được bờ bồ đề bên kia. 

Thương thay chúng sinh, các căn cang cường, khó có thể điều phục. Tôi sẽ tìm cách để làm điều ngự, khiến cho họ đầy đủ thần lực của chư Phật. 

Thương thay chúng sinh, như kẻ mù loà chẳng thấy đường. Tôi sẽ tìm cách để dẫn dắt, khiến cho họ vào môn nhất thiết trí. 

Lúc đó, ông vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái, nghe những lời thống khổ của những người nghèo khổ đó rồi, đắc được trăm vạn A tăng kỳ môn đại bi. Một lòng một dạ suy gẫm, phát ra mười lời đại bi, để an ủi những chúng sinh đó, khiến cho họ dũng cảm để sống, không vì những đồ dùng hằng ngày mà lo lắng, phát tâm đại bi cứu tế họ, sống một cuộc sống an vui không lo buồn, đây là biểu hiện của người hành nhân chánh. Những gì là mười lời đại bi? Đó là:

1. Thương thay chúng sinh! Các vị rất đáng thương! Vì các vị đã tạo ra nghiệp ác quá nhiều, cho nên mới bị đoạ vào trong hầm lớn sinh tử không đáy. Tôi sẽ tìm cáchđể sớm cứu vớt các vị, khiến cho các vị được an trụ bậc nhất thiết trí.

2. Thương thay chúng sinh! Vì các phiền não bức bách. Tôi sẽ tìm cách để cứu hộ các vị, khiến cho các vị an ổn trụ nơi đạo tất cả nghiệp thiện.

3. Thương thay chúng sinh! Bị sinh già bệnh chết khủng bố. Tôi sẽ tìm cáchđể làm chỗ trở về nương tựa của các vị, khiến cho các vị ở trong biển khổ, lập tức quay đầu thì sẽ đến được bờ bên kia, vĩnh viễn thân tâm được an ổn.

4. Thương thay chúng sinh! Các vị thường bị các khủng bố thế gian bức bách. Tôi sẽ tìm cáchđể trợ giúp các vị, khiến cho các vị được an ổn trụ nơi đạo nhất thiết trí.

5. Thương thay chúng sinh! Các vị không có con mắt trí huệ, thường bị thân kiến nghi hoặc che đậy. Tôi sẽ tìm cách để phương tiện, khiến cho các vị được giải quyết kiến chấp.

6. Thương thay chúng sinh! Các vị thường bị vô minh tối ngu si mê hoặc. Tôi sẽ tìm cáchđể làm đuốc sáng, khiến cho các vị chiếu thấy thành nhất thiết trí.

7. Thương thay chúng sinh! Các vị thường bị tham sẻn, đố kị, xiểm nịnh, dối trá, làm mờ đục. Tôi sẽ tìm cách để khai hiểu, khiến cho các vị chứng được pháp thân thanh tịnh.

8. Thương thay chúng sinh! Các vị mãi trôi chìm ở trong biển sinh tử. Tôi sẽ tìm cáchđể cứu vớt, khiến cho các vị lên được bờ bồ đề bên kia.

9. Thương thay chúng sinh! Các căn của các vị rất cang cường, không dễ gì điều phục. Tôi sẽ tìm cáchđể làm điều ngự, khiến cho các vị đầy đủ thần lực của tất cả chư Phật.

10. Thương thay chúng sinh! Các vị như kẻ mù loà chẳng thấy đường. Tôi sẽ tìm cáchđể dẫn dắt các vị, khiến cho các vị vào môn nhất thiết trí.

Nói những lời đó rồi, bèn đánh trống tuyên cáo. Nay tôi bố thí khắp cho tất cả chúng sinh. Tuỳ theo nhu cầu, đều khiến cho họ được đầy đủ. Lập tức vua hạ lệnh cho các thành lớn nhỏ trong cõi Diêm Phù Đề và các xóm làng, đều mở kho tàng, đem đủ thứ tài vật, để ở ngã tư đường. Nào là vàng, bạc, lưu ly, ma ni, các thứ châu báu, quần áo, thức ăn uống, hương hoa, chuỗi ngọc, cung điện, nhà cửa, giường ghế, đồ dùng, kiến lập tràng báu đại quang minh ma ni, quang minh đó chiếu đến thân, thì đều khiến cho an ổn. 

Cũng bố thí tất cả thuốc men, đủ thứ đồ châu báu, đầy các tạp báu. Trong thau kim cương, thì đầy đủ thứ hương. Trong thau báu hương, thì đầy đủ thứ y phục. Xe kiệu tràng phan lọng lụa. Tất cả đồ dùng hằng ngày như vậy, đều mở kho tàng mà bố thí. Cũng bố thí tất cả thôn làng thành ấp, núi đầm rừng cỏ, vợ con quyến thuộc, và ngôi vua, đầu mắt tai mũi, môi lưỡi răng, tay chân da thịt, tim gan phổi thận, hết thảy trong ngoài, thảy đều xả được.

Ông vua đó, nói những lời đại bi đó rồi, bèn đánh trống tuyên cáo rằng: Nay tôi muốn bố thí khắp cho tất cả chúng sinh. Tuỳ theo họ cần dùng những vật dụng hằng ngày, đều khiến cho họ được đầy đủ. Vua lập tức hạ lệnh cho tất cả các thành lớn nhỏ trong cõi Diêm Phù Đề và các xóm làng, đều mở kho tàng, đem ra đủ thứ tài vật, để ở ngã tư đường. Nào là vàng bạc, lưu ly, ma ni, các thứ báu, quần áo, thức ăn uống, hương hoa, chuỗi ngọc, cung điện, nhà cửa, giường ghế, đồ dùng. Lại kiến lập tràng báu đại quang minh ma ni, tràng báu đại phóng quang minh, quang minh đó chiếu đến thân, thì đều khiến cho an ổn.

Cũng bố thí tất cả thuốc men, người có bệnh, uống vào liền khỏi bệnh. Có đủ thứ đồ châu báu, đầy đủ thứ các tạp báu. Trong thau kim cương, thì đầy đủ thứ hương báu. Trong thau báu hương, thì đầy đủ thứ y phục. Lại có xe kiệu, lại có tràng phan lọng lụa. Tất cả đồ dùng hằng ngày như vậy, đều mở kho tàng mà bố thí cho những người nghèo khổ. Ông vua đó, thật là một ông vua nhân từ, đem hết thảy tiền tài châu báu, bố thí cho hết thảy chúng sinh cầu xin, chẳng có tư tưởng xả bỏ không được.

Cũng bố thí tất cả thôn làng thành ấp, núi đầm rừng cỏ, đều đem bố thí, tuyết đối không có biểu thị hối tiếc. Cho đến vợ đẹp thiếp xinh, con cái và lục thân quyến thuộc của mình. Thậm chí ngôi vua của mình, cũng có thể bố thí. Tóm lại, có gì thì bố thí đó! Chúng sinh cần gì thì bố thí cái đó, trừ khi vật không có thì không thể bố thí, đây là ngoại tài, do đó có câu: “Đất nước vợ con”. Ông vua đó, chẳng những xả bỏ được ngoại tài, mà nội tài : Đầu mắt tuỷ não, tai mũi, môi lưỡi răng, tay chân da thịt, tim gan phổi thận, hết thảy trong ngoài, thảy đều xả được, bố thí hết thảy.

Phía đông thành Kiên Cố Diệu Bảo Trang Nghiêm Vân Đăng đó, có cửa thành tên là Ma Ni Sơn Quang Minh. Phía ngoài cửa thành đó, có hội trường bố thí, mặt đất rộng lớn, thanh tịnh bằng phẳng, không có hầm hố, cây gai cát sỏi. Tất cả đều dùng báu đẹp làm thành. Rải các hoa đẹp, xông các hương thơm, đốt các đèn báu. Tất cả mây hương, đầy khắp hư không. Có vô lượng cây báu, thứ tự thẳng hàng. Có vô lượng lưới hoa, vô lượng lưới hương, giăng che phía trên. Có vô lượng trăm ngàn ức Na do tha các âm nhạc cụ, luôn vang ra diệu âm. Tất cả như vậy, đều dùng báu đẹp để trang nghiêm, đều do quả báo tịnh nghiệp của Bồ Tát. 

Ở giữa hội thí đó, có để một toà sư tử, dùng mười thứ báu làm đất, mười thứ báu làm lan can, mười thứ cây báu bao bọc chung quanh. Có kim cang bảo luân ở phía dưới, dùng tất cả báu làm các tượng rồng thần, cùng nhau đứng cầm kim luân. Đủ thứ báu vật dùng làm nghiêm sức, tràng phan bày hàng, các lưới giăng che phía trên. Có vô lượng hương báu, thường toả ra mây hương. Đủ thứ y phục báu, phân bố các nơi. Trăm ngàn thứ nhạc, luôn tấu tiếng hay. 

Lại ở phía trên hội thí, có treo lọng báu. Thường phóng ra vô lượng quang minh bảo diệm như vàng Diêm Phù, rực rỡ thanh tịnh. Lưới báu giăng che, anh lạc thòng rũ xuống. Dải ma ni báu, bày hàng chung quanh. Đủ thứ linh báu, luôn vang ra diệu âm, khuyên các chúng sinh, tu các thiện nghiệp.

Phía đông thành Kiên Cố Diệu Bảo Trang Nghiêm Vân Đăng đó, có cửa thành tên là Ma Ni Sơn Quang Minh. Phía ngoài cửa thành đó, có hội trường bố thí, mặt đất hội thí đó rộng lớn bằng phẳng, không có hầm hố, thanh tịnh lại trang nghiêm. Không có những cây gai, cũng không có cát sỏi. Tất cả đều dùng báu đẹp làm thành. Trên hội thí rải đủ thứ các hoa đẹp, xông đủ thứ các hương thơm, thắp lên đủ thứ các đèn báu. Tất cả mây hương, đầy khắp hư không. Lại có vô lượng cây báu, thứ tự từng hàng thẳng tắp. Lại có vô lượng lưới hoa, vô lượng lưới hương, giăng che phía trên hội thí. Lại có vô lượng trăm ngàn ức Na do tha các âm nhạc cụ, luôn vang ra pháp âm vi diệu không thể nghĩ bàn. Tất cả như vậy, đều dùng báu đẹp để trang nghiêm. Cảnh giới đó, đều do Bồ Tát tu nghiệp thanh tịnh, mà đắc được quả báo.

Ở giữa hội trường bố thí đó, có để một toà báu sư tử, dùng mười thứ báu làm đất, dùng mưới thứ báu làm lan can, mười thứ cây báu, bao bọc chung quanh. Có kim cang bảo luân ở phía dưới, dùng tất cả báu đẹp làm các tượng rồng thần, cùng nhau đứng cầm kim luân. Dùng đủ thứ báu vật dùng làm nghiêm sức, tràng phan bày hàng la liệt. Lại có đủ thứ các lưới báu, giăng che phía trên. Lại có vô lượng hương báu, thường toả ra mây hương. Lại có đủ thứ y phục báu trời, phân bố các nơi. Lại có trăm ngàn thứ âm nhạc, luôn tấu lên tiếng hay vi diệu.

Lại ở phía trên hội thí, có treo lọng báu. Thường phóng ra vô lượng quang minh bảo diệm, giống như vàng Diêm Phù, rực rỡ thanh tịnh. Lưới báu giăng che, anh lạc thòng rũ xuống. Lại có dải ma ni báu, bày hàng chung quanh để nghiêm sức. Lại có đủ thứ linh báu, luôn vang ra diệu âm, khuyên tất cả chúng sinh, siêng tu mười nghiệp lành.

Bấy giờ, ông vua đó, ngồi trên toà sư tử, tướng mạo đoan chánh, nhân tướng đầy đủ. Quang minh báu đẹp dùng làm mão. Thân Na la diên không thể phá hoại được. Mỗi mỗi chi phần, thảy đều viên mãn. Tánh tình từ thiện như Phổ Hiền, sinh vào trong dòng dõi vua chúa. Đối với tài và pháp đều được tự tại, biện tài vô ngại, trí huệ thông đạt, dùng lương thiện tốt trị lý quốc gia, không có ai trái lệnh vua. 

Lúc bấy giờ, ông vua đó, ngồi trên toà sư tử, tướng mạo rất đoan chánh, đầy đủ ba mươi hai tướng. Dùng quang minh báu đẹp làm mão đội trên đầu, rất thù thắng trang nghiêm. Có thân Na la diên (kiên cố) bất hoại, không có gì có thể phá hoại được. Mỗi chi phần, thảy đều viên mãn tốt đẹp. Tánh tình từ thiện giống như Bồ Tát Phổ Hiền, sinh vào trong dòng dõi vua chúa. Đối với tài và pháp đều được tự tại, không bị hạn chế. Có biện tài vô ngại, trí huệ thông đạt, dùng lương thiện tốt để trị lý quốc gia, không có người dân nào trái lệnh vua.

Bấy giờ, vô lượng vô số trăm ngàn ức Na do tha chúng sinh cõi Diêm Phù Đề, đủ thứ quốc gia, đủ thứ dân tộc, đủ thứ hình dáng, đủ thứ y phục, đủ thứ lời nói, đủ thứ dục lạc, đều đến hội trường bố thí đó. Quán sát ông vua đó, đều nói ông vua đó là người đại trí, là người có phước lớn như núi Tu Di, là người công đức như mặt trăng, trụ nơi nguyện Bồ Tát, thực hành bố thí rộng lớn. 
Bấy giờ, ông vua thấy những người cầu xin đó, bèn sinh tâm thương xót, sinh tâm hoan hỉ, sinh tâm tôn trọng, sinh tâm bạn lành, sinh tâm rộng lớn, sinh tâm liên tục, sinh tâm tinh tấn, sinh tâm bất thối, sinh tâm xả thí, sinh tâm khắp cùng.

Lúc đó, vô lượng vô số trăm ngàn ức Na do tha chúng sinh cõi Diêm Phù Đề, đủ thứ quốc gia, đủ thứ dân tộc, đủ thứ hình dáng, đủ thứ y phục, đủ thứ lời nói, đủ thứ dục lạc, đều đến hội trường đại bố thí đó. Quán sát ông vua đó, đều nói ông vua đó là người có đại trí huệ. Phước báo của ông ta cao lớn như núi Tu Di. Trí huệ của ông ta như công đức ánh sáng mặt trăng. Ông ta trụ nơi nguyện của Bồ Tát. Ông ta tu trì hội đại bố thí bình đẳng rộng lớn.

Lúc đó, ông vua thấy những người cầu xin đó, bèn sinh tâm từ bi thương xót. Ông vua đó thấy chúng sinh đến cầu xin tất cả sự bố thí như vậy, lại sinh tâm đại hoan hỉ. Tuy chúng sinh nhiều như vậy, đến cầu xin Ngài bố thí tất cả những vật dùng hằng ngày, nhưng ông vua vẫn không sinh tâm kiêu ngạo, ngược lại sinh tâm tôn trọng. Ngài cảm thấy tất cả chúng sinh đều là bạn bè tốt, cho nên sinh tâm bạn lành. Ông ta nghĩ có thể đem vật chất của mình bố thí cho chúng sinh cần, vì chúng sinh và mình là một thể. Đây là cảnh giới rộng lớn, cho nên sinh tâm rộng lớn. Ông ta lại nghĩ hiện tại thành tích bố thí của ta không sai, phải bảo trì kỷ lục, bố thí liên tục không gián đoạn, cho nên sinh tâm liên tục. Ông ta lại nghĩ việc làm bố thí cho chúng sinh, rất có ý nghĩa. Ta phải dũng mãnh tinh tấn để bố thí, cho nên sinh tâm tinh tấn. Ông ta lại nghĩ tâm bồ đề bố thí nầy, vĩnh viễn không thể thối chuyển, cho nên sinh tâm bất thối chuyển. Lại sinh tâm xả thí nội tài và ngoại tài. Lại sinh tâm khắp cùng cứu tế chúng sinh khắp cùng.

Thiện nam tử! Bấy giờ, ông vua đó thấy những người cầu xin, tâm đại hoan hỉ, trải qua thời gian khảy móng tay, còn hơn sự khoái lạc của vua trời Đao Lợi, vua trời Dạ Ma, vua trời Đâu Suất Đà, trải qua trăm ngàn ức Na do tha kiếp. Cho đến hơn sự khoái lạc trong vô số kiếp của vua trời Thiện Hoá, trong vô lượng kiếp của vua trời Tự Tại, trong vô biên kiếp của vua trời Đại Phạm, trong nan tư kiếp của vua trời Quang Âm, trong vô tận kiếp của vua trời Biến Tịnh, trong bất khả thuyết kiếp của vua trời Tịnh Cư trụ vui tịch tĩnh.
Thiện nam tử! Ví như có người nhân từ hiếu thuận, gặp thời loạn lạc, đều thất lạc cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, tình cờ gặp lại nhau ở giữa đường hoang vắng, vui mừng vô hạn. Bấy giờ, ông vua đó thấy người cầu xin, tâm sinh hoan hỉ, cũng lại như thế.

Thiện nam tử! Lúc đó, ông vua đó thấy tất cả những người đến cầu xin, trong tâm sinh đại hoan hỉ. Tuy trải qua thời gian khảy móng tay, còn hơn sự hưởng thọ khoái lạc của vua trời Đao Lợi, vua trời Dạ Ma, vua trời Đâu Suất Đà, trải qua trăm ngàn ức Na do tha kiếp. Cho đến hơn sự hưởng thọ khoái lạc trong vô số kiếp của vua trời Thiện Hoá, trong vô lượng kiếp của vua trời Tự Tại, trong vô biên kiếp của vua trời Đại Phạm, trong nan tư kiếp của vua trời Quang Âm, trong vô tận kiếp của vua trời Biến Tịnh, trong bất khả thuyết kiếp của vua trời Tịnh Cư trụ vui tịch tĩnh. Tại sao vậy, vì sự khoái lạc nầy là chân khoái lạc, còn khoái lạc của chư Thiên là khoái lạc giả tạm, vì có lúc sẽ hết, khi hưởng hết phước trời, thì sau đó sẽ hiện ra năm tướng suy, rất mau chóng sẽ sinh vào trong sáu nẻo luân hồi.

Thiện nam tử! Ví như có người nhân từ hiếu thuận, gặp thời thế loạn lạc. Cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em, chị em, thảy đều thất lạc. Tình cờ gặp lại nhau ở giữa đường, hoặc ở nơi hoang vắng, vui mừng vô hạn, không thể hình dung được, đó là tình cảm chẳng khi nào nhàm đủ.

Lúc đó, ông vua đó thấy người đến cầu xin, cũng tình hình như vậy, do đó có câu: “Làm thiện vui nhất”. Bố thí phải có tư tưởng tam luân thể không, thì mới gọi là bố thí. Thế nào là “Tam luân thể không”? Đó là chẳng thấy người thí, chẳng thấy người nhận, và chẳng thấy vật thí.

Vua Lương Võ Đế thấy Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến bèn hỏi rằng: “Tôi kiến tạo rất là nhiều chùa chiền, độ hoá rất nhiều chư Tăng, lại biên chép rất nhiều Kinh điển, công đức như vậy có nhiều chăng?
Tổ Bồ Đề Đạt Ma đáp: “Chẳng có công đức”.

Tại sao nói như vậy? Vì vua Lương Võ Đế vì cầu công đức mà tu bố thí, có tâm xí đồ, cho nên nói không có công đức. Nếu có thì chỉ là phước trời, chẳng được rốt ráo.

Thiện nam tử! Bấy giờ, ông vua đó nhờ thiện tri thức mà tăng trưởng muốn hiểu biết Phật bồ đề. Các căn thành tựu, tín tâm thanh tịnh, hoan hỉ viên mãn. Tại sao? Vì Bồ Tát đó siêng tu các hạnh, cầu nhất thiết trí, nguyện được lợi ích tất cả chúng sinh. Nguyện đắc được bồ đề vô lượng diệu lạc. Xả lìa tất cả các tâm bất thiện. Thường ưa tích tập tất cả căn lành. Thường nguyện cứu hộ tất cả chúng sinh. Thường ưa quán sát đạo nhất thiết trí. Thường ưa tu hành pháp nhất thiết trí. Đầy đủ sở nguyện của tất cả chúng sinh. Nhập vào biển cả công đức của tất cả chư Phật. Phá tan núi chướng tất cả ma nghiệp hoặc. Tuỳ thuận giáo hạnh của tất cả Như Lai. Tu hành đạo nhất thiết trí không chướng ngại.

Thiện nam tử! Ông vua đó lúc bấy giờ do nhờ thuở xưa đã từng gần gũi thiện tri thức, mà tăng trưởng muốn hiểu biết về Phật bồ đề. Các căn đã thành tựu, tín tâm cũng thanh tịnh, hoan hỉ cũng viên mãn. Tại sao vậy? Vì vị Bồ Tát đó siêng tu vạn hạnh, cầu được nhất thiết trí. Nguyện được lợi ích tất cả chúng sinh. Nguyện cứu hộ tất cả chúng sinh. Nguyện đắc được bồ đề vô lượng diệu lạc. Xả lìa tất cả các tâm bất thiện (mười điều ác). Thường ưa tích tập tất cả căn lành. Thường nguyện cứu hộ tất cả chúng sinh. Thường ưa quán sát đạo nhất thiết trí. Thường ưa tu hành pháp nhất thiết trí. Đầy đủ sở nguyện của tất cả chúng sinh. Nhập vào biển cả công đức của tất cả chư Phật. Phá tan núi chướng tất cả ma nghiệp hoặc. Tuỳ thuận giáo hạnh của tất cả Như Lai. Tu hành đạo nhất thiết trí không chướng ngại.

Đã thâm nhập vào được dòng nhất thiết trí. Dòng tất cả pháp, thường hiện ở trước. Đại nguyện vô tận. Làm đại trượng phu. Trụ nơi pháp đại nhân. Tích tập tất cả phổ môn thiện tạng. Lìa tất cả chấp trước. Chẳng nhiễm tất cả cảnh giới thế gian. Biết các pháp tánh như hư không. Đối với người đến xin, nghĩ tưởng như con một, nghĩ tưởng như cha mẹ, nghĩ tưởng như ruộng phước, nghĩ tưởng khó được, nghĩ tưởng ân nhân có ích, nghĩ tưởng kiên cố, nghĩ tưởng sư trưởng, nghĩ tưởng Phật.

Đã thâm nhập vào được dòng nhất thiết trí. Dòng tất cả pháp, thường hiện ra ở trước. Phát đại nguyện vô tận. Làm đại trượng phu. Trụ nơi pháp đại nhân. Tích tập tất cả phổ môn thiện tạng. Lìa khỏi tất cả sự chấp trước. Chẳng nhiễm tất cả cảnh giới thế gian. Ông vua đó biết tự tánh của tất cả các pháp vắng lặng như hư không. Đối với chúng sinh đến hội trường bố thí cầu xin, nghĩ tưởng như con một của mình. Lại nghĩ tưởng như cha mẹ đời quá khứ, chư Phật đời vị lai. Lại nghĩ tưởng như ruộng phước. Lại nghĩ tưởng khó được. Có khi muốn bố thí, mà chẳng có ai đến tiếp nhận sự bố thí của ông ta. Tại sao? Vì họ chẳng cần người khác cứu giúp. Hiện tại có chúng sinh đến cầu xin bố thí, thật là cơ hội khó được. Lại nghĩ tưởng những chúng sinh đó, ở trong đời quá khứ có ân đức đối với mình, có lợi ích. Hiện tại mình bố thí cho họ, thí ân cho họ, lợi ích cho họ, đó là việc nên làm. Lại nghĩ tưởng kiên cố. Hiện tại ta bố thí, phải có chân tâm kiên cố để bố thí, không thể bỏ dở giữa đường, có đầu không có cuối, phải làm cho đến nơi đến chốn. Lại nghĩ tưởng như sư trưởng. Những chúng sinh đó, đều là sư trưởng của mình trong đời quá khứ, đã từng dạy dỗ mình. Lại nghĩ tưởng như đức Phật. Hết thảy chúng sinh đều là hoá thân của chư Phật quá khứ, đến thành tựu tâm bố thí của ta.

Chẳng chọn xứ sở, chẳng chọn chủng tộc, chẳng lựa dung mạo. Tuỳ theo chỗ mong cầu của họ, dùng tâm đại từ, bình đẳng vô ngại, thí khắp tất cả, đều khiến cho họ được đầy đủ. Người cầu xin thức ăn uống, thì thí cho thức ăn uống. Người cầu xin quần áo, thì thí cho quần áo. Người cầu xin hương hoa, thì thí cho hương hoa. Người cầu xin lọng tràng hoa, thì thí cho lọng tràng hoa. Cầu xin tràng phan anh lạc, cung điện vườn tược, voi ngựa xe cộ, giường toà mền nệm, vàng bạc ma ni, các đồ châu báu, tất cả kho tàng và các quyến thuộc, thành ấp xóm làng, thảy đều bố thí khắp cho chúng sinh như vậy.

Ông vua đó, tâm rất bình đẳng, chẳng lựa chọn những chúng sinh từ xứ sở nào tới, có quan hệ gì với mình? Cũng chẳng lựa chọn những chúng sinh da trắng, da đen, da vàng, hoặc da đỏ, chẳng có tâm phân biệt như vậy, mà xem mọi người đều như nhau. Cũng chẳng lựa chọn dung mạo của người đến xin, hoặc tốt, hoặc xấu, đều bố thí như nhau. Phàm là chúng sinh đến hội bố thí, tất cả đều tuỳ hỉ. Muốn gì thì bố thí cái đó, khiến cho họ toại tâm như ý, đều đại hoan hỉ. Dùng tâm đại từ, bình đẳng vô ngại, bố thí khắp tất cả, đều khiến cho họ được đầy đủ sự mong cầu. Phàm là người cầu xin thức ăn uống, thì bố thí cho thức ăn uống. Người cầu xin quần áo, thì bố thí cho quần áo. Người cầu xin hương hoa, thì bố thí cho hương hoa. Người cầu xin lọng tràng hoa, thì bố thí cho lọng tràng hoa. Cầu xin tràng phan, anh lạc, cung điện, vườn tược, voi ngựa, xe cộ, giường toà, mền nệm, vàng bạc, ma ni, tất cả các đồ châu báu, tất cả kho tàng và tất cả quyến thuộc, tất cả thành ấp, tất cả xóm làng, thảy đều bố thí khắp cho chúng sinh cần.

Bấy giờ, trong hội thí đó, có nữ trưởng giả tên là Bảo Quang Minh, cùng với sáu mươi đồng nữ tụ hội. Đoan chánh xinh đẹp, mọi người thích thấy, da màu vàng thật, mắt tóc xanh biếc. Thân toả hương thơm, miệng diễn nói Phạm âm, thân mặc y báu đẹp trang nghiêm. Thường có lòng hổ thẹn, chánh niệm chẳng loạn. Đầy đủ oai nghi, cung kính sư trưởng. Thường nhớ thuận hành diệu hạnh thâm sâu. Pháp nghe được nhớ giữ không quên. Căn lành đời trước, tuôn chảy thấm nhuần trong tâm, thanh tịnh rộng lớn như hư không. Bình đẳng an ổn chúng sinh, thường thấy chư Phật, cầu nhất thiết trí.

Lúc đó, trong hội đại bố thí đó, có người nữ trưởng giả tên là Bảo Quang Minh. Nàng ta cùng với sáu mươi đồng nữ cùng nhau đến đại hội bố thí. Diện mạo của cô ta rất đoan chánh xinh đẹp, mọi người đều thích thấy cô ta. Da của cô ta màu vàng thật, cặp mắt và tóc xanh biếc. Trên thân toả hương thơm, miệng diễn nói Phạm âm. Thân mặc y báu đẹp trang nghiêm. Cô ta thường có lòng hổ thẹn, chánh niệm thanh tịnh, chẳng có tà niệm dâm dục, nhờ đó mà tâm chẳng loạn, chẳng có vọng tưởng. Đầy đủ mọi oai nghi, rất cung kính sư trưởng. Thường hiếu thuận cha mẹ, tu hành pháp môn diệu hạnh thâm sâu của Phật nói. Pháp nghe được nhớ giữ không quên. Do nhờ căn lành đời trước, tuôn chảy thấm nhuần trong tâm, thanh tịnh rộng lớn như hư không. Bình đẳng an ổn tất cả chúng sinh, thường thấy được tất cả chư Phật, cầu nhất thiết trí.

Bấy giờ, người nữ Bảo Quang Minh cách chỗ ông vua không xa, chắp tay đảnh lễ, bèn nghĩ như vầy: Tôi được lợi lành! Tôi được lợi lành! Nay tôi gặp được vị đại thiện tri thức. Ở chỗ ông vua đó, nghĩ tưởng như đại sư, tưởng thiện tri thức, tưởng đủ đại bi, tưởng được nhiếp thọ. Tâm nàng ngay thẳng, sinh đại hoan hỉ. Bèn cởi chuỗi ngọc trên thân, cầm dâng lên ông vua đó, nguyện nói rằng: Nay đại vương đây, làm chỗ nương tựa cho vô lượng vô biên chúng sinh vô minh. Tôi nguyện ở đời vị lai, cũng được như vậy. Như đại vương đây, những pháp đã biết, thừa đã theo, đạo đã tu, sắc tướng đầy đủ, hết thảy tài sản, nhiếp thọ chúng hội, vô biên vô tận, nan thắng nan hoại. Nguyện tôi ở đời vị lai, đều được như vậy. Tuỳ chỗ đại vương sinh ra ở đâu, tôi đều sinh ra ở đó.

Lúc đó, người nữ Bảo Quang Minh ở trước cách chỗ ông vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái không xa, chắp tay đảnh lễ, bèn nghĩ như vầy: Tôi được lợi lành lớn! Tôi được lợi lành lớn! Nay tôi gặp được vị đại thiện tri thức, thật là may mắn! Ở chỗ ông vua đó, nghĩ tưởng như đại sư. Đại vương Ngài là sư phụ của tôi. Lại nghĩ tưởng thiện tri thức – Đại vương Ngài là thiện tri thức của tôi. Nghĩ tưởng đủ đại bi – Đại vương Ngài có tâm đại từ đại bi. Lại nghĩ tưởng được nhiếp thọ chúng sinh. Tâm nàng ngay thẳng, sinh đại hoan hỉ, bèn cởi chuỗi ngọc trên thân nàng, cầm dâng lên cho ông vua đó, nguyện nói rằng: Hiện nay đại vương đây, làm chỗ nương tựa cho vô lượng vô biên vô minh chúng sinh. Tôi nguyện ở đời vị lai, cũng được như đại vương vậy. Như đại vương đây, những pháp Ngài đã biết, thừa đã theo, đạo đã tu, sắc tướng đầy đủ, hết thảy tài sản, nhiếp thọ chúng hội, hoá độ chúng sinh, vô biên vô tận, nan thắng nan hoại. Nguyện tôi ở đời vị lai, đều đắc được như vậy. Tuỳ chỗ đại vương sinh ra ở đâu, tôi đều sinh ra theo ở đó.

Bấy giờ, đại vương biết đồng nữ đó, phát tâm như vậy, bèn bảo rằng: Đồng nữ! Tuỳ sự mong muốn của nàng, ta đều cho nàng. Nay ta đều thí xả hết thảy tất cả, khiến cho các chúng sinh khắp được đầy đủ.

Lúc đó, đại vương biết đồng nữ đó, phát tâm như vậy, bèn bảo rằng: Đồng nữ! Tuỳ sự mong muốn của nàng, ta đều ban tặng cho nàng. Nay ta đều thí xả hết thảy tất cả, khiến cho tất cả chúng sinh khắp được đầy đủ.

Bấy giờ, nữ Bảo Quang Minh tín tâm thanh tịnh, sinh đại hoan hỉ, lập tức dùng kệ, khen ngợi đại vương rằng:

Lúc đó, nữ Bảo Quang Minh tín tâm thanh tịnh, sinh đại hoan hỉ, lập tức dùng kệ, khen ngợi công đức của đại vương rằng:

Thuở xưa thành ấp nầy
Khi chưa có đại vương
Chẳng có chút vui nào
Như chỗ của ngạ quỷ.

Thuở xưa thành ấp nầy, khi chưa có đại vương ra đời. Thành nầy chẳng có chút vui nào, chỉ chịu đựng mọi sự thống khổ. Cuộc sống của con người giống như ở trong địa ngục, ngạ quỷ, khổ không thể tả.

Chúng sinh giết hại nhau
Trộm cướp và dâm dật
Nói hai lưỡi không thật
Lời vô nghĩa thô ác.

Giữa chúng sinh với nhau, không thể sống trong hoà bình, mà hổ tương giết hại lẫn nhau. Lại trộm cướp và tà dâm phóng dật, chẳng giữ quy cụ. Người với người chẳng trung hậu, chẳng nói lời chân thật, chuyên nói hai lưỡi làm cho ly gián, tạo ra thị phi, lời nói chẳng có đạo nghĩa, nói những lời vô nghĩa thô ác.

Tham ái tài vật người
Sân hận ôm lòng độc
Tà kiến làm điều ác
Chết đi đoạ đường ác.

Ai ai cũng đều không giữ đạo đức, tham ái tài vật của người khác. Lại có tâm sân hận, ôm lòng độc ác. Các vị chú ý! Học Phật phải minh bạch nhân quả báo ứng, không thể có tâm sân hận độc hại. Tà tri tà kiến làm nhiều điều bất thiện, khi chết đi sẽ bị đoạ vào trong ba đường ác.

Bởi những chúng sinh đó
Bị ngu si che đậy
Trụ nơi thấy điên đảo
Trời ít khi ban lành.

Những chúng sinh đó bị ngu si che đậy, chưa chứng mà họ đều nói đã chứng, chưa đắc mà nói đã đắc. Chẳng thường mà cho là thường, chẳng vui mà cho là vui, chẳng phải ngã mà cho là ngã, chẳng tịnh mà cho là tịnh, trụ nơi thấy điên đảo. Cho nên cảm ứng trời không mưa xuống, mưa gió thất thường, nhân dân thất thu ngũ cốc, nên không cách chi sống được, chỉ chờ đợi cái chết, đoạ lạc vào ba đường ác. Tại sao có hiện tượng nầy? Vì nghiệp lực của chúng sinh sở cảm, mà phát sinh ba nạn nhỏ hoặc ba nạn lớn. Ba nạn nhỏ là đói khát, ôn dịch, đao binh. Ba nạn lớn là lửa, nước, gió. Do đó có câu: “Lửa thiêu Sơ thiền, nước ngập Nhị thiền, gió thổi Tam thiền”. Có bài kệ rằng:

“Sáu cõi trời dục có năm tướng suy
Trên cõi tam thiền có nạn gió
Nếu tu đến cõi Phi Phi Tưởng
Chẳng bằng được vãng sinh Tây Phương”.

Trong kiếp trụ, mỗi một tiểu kiếp có ba nạn nhỏ. Khi nạn đói khát xảy đến, thì khắp nơi đều khô cằn, cây cỏ chẳng mọc, con người ăn đất để đỡ đói, hoặc ăn cỏ, rễ cây, vỏ cây, thậm chí người ăn người, đói chết vô số. Trải qua bảy năm, bảy tháng, bảy ngày, người còn sống sót không bao nhiêu. Thảm cảnh tai nạn nầy qua rồi, lại phát sinh bệnh ôn dịch, trải qua bảy tháng, bảy ngày mới ngừng, nhưng thi thể chết đầy đồng, không có thuốc gì chữa được, thậm chí bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, rồi cũng chết. Đến lúc nạn đao binh thì càng thê thảm hơn, nhìn thấy cốt nhục như kẻ thù, dùng cỏ lá làm vũ khí, gặp người giết người, gặp vật giết vật, người người tàn sát lẫn nhau, thành thế giới phong cuồng, trải qua thời gian bảy ngày, tự nhiên thanh tịnh, không còn giết nhau nữa. Những người còn lại không bao nhiêu, mọi người phát tâm hướng thiện. Lúc đó là thời kỳ kiếp giảm, tuổi thọ con người chỉ còn mười tuổi, thân cao khoảng mười tất. Bắt đầu kiếp tăng lên (một tăng một giảm là một trụ kiếp), khôi phục lại quan niệm luân lý, đạo đức nghĩa vụ. Từ từ đời sống của con người thịnh vượng, có cơm no áo ấm, an cư lạc nghiệp.

Vì mưa không đúng thời
Ngũ cốc đều chẳng sinh
Cỏ cây đều khô héo
Dòng nước cũng khô cạn.

Tâm con người có thể chi phối tất cả, cho nên đức Phật nói: “Tất cả do tâm tạo”. Khi tâm của con người chúng ta không tốt, thì giữa trời đất có luồng khí u ám. Nếu tâm địa lương thiện, thì giữa trời đất có một luồng khí cát tường. Đây là đạo lý tự nhiên, chứ chẳng phải là mê tín, cũng chẳng phải là nói càng, nói bậy. Cho nên mỗi cử chỉ hành động của chúng ta, đều có sự thông đạt lẫn nhau với nghiệp cảm của chúng sinh thế giới. Chúng ta tạo nghiệp thiện và nghiệp ác, giống như cái võng. Ở trong hư không giao thức với nhau, vận hành với nhau không ngừng. Tại sao trời không mưa xuống? Vì tâm người quá xấu xa, dẫn đến trời rồng nổi giận bèn bãi công, ngừng mưa xuống, cho nên không có mưa xuống.

Vì tâm con người ác đến cực điểm, chẳng có khí cát tường, chỉ có khí u ám hiện ra. Khí u ám là gì? Tôi nói lại cho rõ ràng một chút, đó là khí xấu, làm cho trời không mưa xuống, đất cũng không thể sinh cây cỏ được. Do đó: “Trời đất không mưa xuống, vạn vật cũng không sinh”. Vì chẳng có mưa xuống, nên ngũ cốc gieo trồng cũng không sinh trưởng, tất cả cây cỏ đều khô héo, biến thành củi khô. Các dòng nước cũng đều khô cạn.

Đại Vương chưa ra đời
Ao hồ đều khô cạn
Vườn tược nhiều thây cốt
Nhìn giống như đồng hoang.

Trước khi đại vương Ngài chưa ra đời, tất cả ao hồ đều khô cạn. Vườn tược rất nhiều thây cốt, nhìn giống như đồng hoang, chẳng có chút sinh khí gì.

Đại Vương lên ngôi báu
Rộng cứu các quần sinh
Mây lành che tám phương
Khắp nơi đều mưa xuống.

Từ khi đại vương lên ngôi báu, rộng cứu tế tất cả chúng sinh, như mây lành che tám phương. Do đó: “Trước trời nổi mây lên, sau đó mới mưa xuống”. Hiện tại đều tiếp thọ được sự giáo hoá của nhà vua. Cứu tế chúng sinh, giống như mưa cam lồ, tất cả mọi nơi đều được thấm nhuần. Khắp nơi mưa xuống, tất cả vạn vật đều sinh trưởng.

Đại Vương cai trị dân
Dứt hết các bạo ngược
Hình ngục đều dẹp bỏ
Kẻ côi nghèo an ổn.

Đại Vương Ngài dùng từ bi hỉ xả để giáo hoá nhân dân. Dứt hết tất cả các bạo ngược. Hình phạt và ngục tù đều dẹp bỏ hết, không xử dụng nữa. Những kẻ mồ côi nghèo khổ, họ đều được an ổn. Người nam goá vợ gọi là quan phu, người nữ chồng mất gọi là quả phụ, già mà không con gọi là độc, trẻ mà cha gọi là cô.

Thời kỳ Chu Văn Vương rất nhân từ, thương dân, lo cho dân, do đó có câu: “Xót thương những người cô độc bệnh tật, đều nuôi dưỡng họ”. Quốc gia thiết lập những chỗ cứu tế khắp nơi, chuyên trợ giúp những vật dụng hằng ngày cho những người nầy, khiến cho đời sống của họ được ấm no, đây là bổn phận của người làm vua vậy.

Ngày trước các chúng sinh
Thường giết hại lẫn nhau
Uống máu và ăn thịt
Nay đều sinh lòng từ.

Ngày trước các chúng sinh, thường giết hại lẫn nhau. Lúc nạn đao binh thì dù cỏ, lá cây, cũng có thể làm vũ khí giết người được. Lúc nạn đói khát, thì chúng sinh ăn cỏ, rễ cây, vỏ cây, thậm chí ăn bùn đất, để duy trì mạng sống. Có lúc uống máu người, có lúc ăn thịt người. Cha mẹ của mình, không nhẫn tâm ăn thịt đứa con mình, mà đổi với người khác để làm thức ăn. Hiện tại thuyền nhân Việt Nam nổi trôi trên biển, lúc hết nước uống, hết thức ăn, cũng xảy ra những thảm cảnh bất nhẫn nầy, đó là địa ngục nhân gian vậy. Nhờ lòng từ bi cảm hoá của Đại Vương, mà những người ác nầy cải tà quy chánh, cũng sinh lòng từ bi.

Ngày trước các chúng sinh
Nghèo cùng thiếu y phục
Dùng cỏ tự che thân
Gầy xấu như ngạ quỷ.

Ngày trước tất cả chúng sinh, đều rất nghèo cùng, không có y phục mặc. Dùng cỏ và lá cây làm y phục để che thân. Gầy còm xấu xí giống như ngạ quỷ.

Khi Đại Vương ra đời
Lúa thóc tự nhiên sinh
Trong cây hiện y đẹp
Nam nữ đều nghiêm sức.

Từ khi Đại Vương ra đời, ngũ cốc lúa thóc tự nhiên sinh ra dồi dào, nhân dân an cư lạc nghiệp. Trong cây có thể hiện ra y phục đẹp, nam nữ đều có y phục mặc, mà còn trang nghiêm đẹp đẽ. Do đó: “Phong y túc thực”, mọi người đều hoan hỉ vui mừng, hết khổ hết lo, không có bệnh tật.

Ngày trước người tranh tham
Phi pháp lấn đoạt nhau
Ngày nay đều đầy đủ 
Như dạo vườn Đế Thích.

Ngày trước mọi người tranh nhau từng chút lợi ích. Dùng thủ đoạn bất hợp pháp, bạn tranh tôi đoạt, chẳng nói gì đến đạo đức. Ngày nay họ đều cơm no áo ấm, hết đói khát, an vui giống như đi dạo trong vườn hoa của trời Đế Thích.

Ngày trước người làm ác
Dâm dật sinh tham nhiễm
Vợ người và đồng nữ
Cùng xâm hại lẫn nhau.

Ngày trước mọi người hoan hỉ làm việc ác, có thể nói là chẳng có điều ác nào mà chẳng làm. Đều nghĩ lung tung, sinh tâm tham nhiễm. Thấy vợ và con gái của người khác, bèn dùng đủ thứ thủ đoạn để xâm hại, bức bách, khiến cho người phẫn hận không dám nói. Những người ác đó, làm những việc thương thiên hại lý, không sợ ai, xem thường pháp luật.

Nay thấy vợ con người
Đoan chánh đẹp nghiêm sức
Mà tâm không nhiễm trước
Giống như Trời Tri Túc.

Người gian dâm trước kia, nay thấy vợ con người khác, đều đoan chánh xinh đẹp nghiêm sức, trong tâm không còn tư tưởng nhiễm trước. Thấy phụ nữ lớn tuổi, thì cho rằng đó là mẹ của mình. Thấy phụ nữ trẻ trung, thì cho rằng là chị em của mình. Thấy con gái mới lớn, thì cho rằng là con gái của mình. Mọi người đều xem như vậy, thì chẳng có phiền não gì, an vui giống như cõi Trời Tri Túc. Thiên chúng cõi trời nầy, luôn luôn biết đủ, chẳng có mọi dục niệm.

Ngày trước các chúng sinh
Nói dối chẳng chân thật
Phi pháp chẳng lợi ích
Xiểm nịnh lấy lòng người.

Ngày trước các chúng sinh, chuyên môn thích nói dối, chẳng nói lời chân thật. Chuyên môn làm những việc phi pháp, gian dâm, giết hại, trộm cướp, chẳng có gì mà không làm. Tuyệt đối không làm việc có lợi ích cho người, dùng hành vi xiểm nịnh lấy lòng người khác.

Ngày nay các quần sinh
Đều lìa các lời ác
Tâm họ rất mềm mại
Lời nói cũng điều thuận.

Ngày nay tất cả chúng sinh, đều đã lìa khỏi các lời nói ác. Tâm họ rất mềm mại, cũng chẳng cang cường. Lời nói cũng rất điều thuận, chẳng làm thương hại người khác. Tóm lại, chẳng phạm bốn điều ác về nghiệp miệng.

Ngày xưa các chúng sinh
Hành đủ thứ pháp tà
Chắp tay cung kính lễ
Các bò dê chó heo.

Ngày xưa các chúng sinh, hoan hỉ hành đủ thứ pháp tà. Chắp tay cung kính lễ các loại chúng sinh bò dê chó heo. Họ hành theo pháp tà tri tà kiến, chẳng biết gì là chánh pháp! Ở trong bóng tối, tìm chẳng được ánh sáng trí huệ.

Nay nghe pháp của vua
Ngộ hiểu trừ tà kiến
Biết rõ báo khổ vui
Đều từ nhân duyên khởi.

Hiện tại họ đều nghe chánh pháp nhãn tạng của đại vương Ngài nói, đều giác ngộ thấu hiểu, cho nên trừ khử hết đi tà tri tà kiến. Biết rõ luật nhân quả báo ứng khổ vui, do đó có câu:

“Trồng nhân lành kết quả lành
Trồng nhân ác kết quả ác”.

Khổ vui là do mình chiêu đến, tức cũng có nghĩa là tự làm tự chịu. Tạo ác thì thọ ác báo; làm lành thì thọ báo lành, tơ hào không sai. Tất cả hết thảy đều do nhân duyên sinh ra. Do đó có câu:

“Các pháp do duyên sinh
Các pháp do duyên diệt”.

Lại có thể nói:

“Nhân duyên sinh ra pháp
Ta nói thảy đều không”.

Tóm lại, tất cả đều không.

Đại vương diễn diệu âm
Người nghe đều vui mừng
Âm của Phạm Đế Thích
Tất cả không bằng được.

Đại Vương Ngài diễn nói pháp âm vi diệu, khiến cho người nghe đều sinh tâm vui mừng. Âm thanh của Ngài nói pháp rất thanh tịnh, giống như tiếng của Phạm Vương Đế Thích, thậm chỉ còn hơn tất cả mọi âm thanh, dù là âm thanh của Phạm Vương, Đế Thích cũng không bằng được âm thanh của Đại Vương.

Đại vương các lọng báu
Ở cao trong hư không
Cán làm bằng lưu ly
Che phủ lưới ma ni.

Nữ Bảo Quang Minh nói: Các lọng báu của Đại Vương Ngài, ở cao trong hư không, giống như cái lọng trắng lớn. Cán lọng báu làm bằng lưu ly. Phía trên lọng báu che phủ lưới ma ni để nghiêm sức.

Linh vàng tự nhiên vang
Tiếng Như Lai hoà nhã
Tuyên dương pháp vi diệu
Trừ diệt hoặc chúng sinh.

Chung quanh lọng báu, có vô số linh vàng, khi gió thổi tự nhiên vang pháp âm vi diệu không thể nghĩ bàn. Âm thanh đó tức là tiếng hoà nhã trong tám âm của Như Lai. Tuyên dương pháp môn thâm sâu vi diệu, trừ diệt được nghi hoặc của tất cả chúng sinh. Trừ diệt được điên đảo của tất cả chúng sinh. Trừ diệt được phiền não của tất cả chúng sinh. Trừ diệt được tập khí của tất cả chúng sinh.

Kế lại rộng diễn nói
Mười phương các cõi Phật
Trong tất cả các kiếp
Như Lai và quyến thuộc.

Kế lại rộng diễn nói vô lượng pháp môn, các cõi nước chư Phật trong mười phương. Trong tất cả các kiếp, làm quyến thuộc của Như Lai, gần gũi Như Lai, cúng dường Như Lai.

Kế lại nói thứ tự
Quá khứ mười phương cõi
Lại trong các nước đó
Tất cả các Như Lai.

Kế lại diễn nói thứ tự tất cả pháp môn, cõi nước trong quá khứ của tất cả mười phương chư Phật. Lại trong các nước đó, xuất hiện tất cả các Như Lai, giáo hoá tất cả chúng sinh.

Lại vang âm vi diệu
Khắp cùng cõi Diêm Phù
Rộng nói các trời người
Đủ thứ nghiệp khác biệt.

Trong linh báu lại vang ra âm thanh vi diệu, khắp cùng cõi Diêm Phù. Rộng diễn nói giáo pháp của các trời người, khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ đủ thứ việc nhân quả báo ứng. Tạo đủ thứ nghiệp, thì thọ đủ thứ quả báo khác nhau.

Chúng sinh lắng nghe rồi
Tự biết các nghiệp tạng
Lìa ác siêng tu hành
Hồi hướng Phật bồ đề.

Chúng sinh lắng nghe pháp nầy rồi, thì tự mình biết tất cả nghiệp tạng. Đạo lý chẳng tạo nghiệp thì chẳng thọ báo. Do đó có câu:

“Tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ
Đừng tạo thêm nghiệp mới”.

Họ lìa khỏi tất cả các điều ác, siêng tu tất cả các điều lành. Đem căn lành tích tập hồi hướng về Phật bồ đề. Các điều ác tức là nói thị, nói phi, nói dài, nói ngắn. Do đó có câu: “Khẩu trung vô đức”, miệng chẳng có đức. Suốt ngày không việc gì làm, nói dối, nói hai lưỡi, chửi mắng, thêu dệt. Đó tức là ác nghiệp.

Vua cha Tịnh Quang Minh
Hoàng hậu Liên Hoa Quang
Lúc năm trược xuất hiện
Ở ngôi trị thiên hạ.

Nữ Bảo Quang Minh nói: Vua cha của đại vương tên là Tịnh Quang Minh. Mẹ của vua tên là Liên Hoa Quang. Lúc năm trược (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược) xuất hiện, thì ở ngôi vua trị lý thiên hạ.

Thời có vườn rộng lớn
Vườn có năm trăm ao
Mỗi ao ngàn cây bao
Đều có hoa che phủ.

Lúc đó, vua có vườn rừng rộng lớn, trong vườn có năm trăm ao nước. Mỗi ao nước có ngàn cây bao quanh ao. Trên mỗi ao nước, đều có hoa sen lớn che phủ.

Trên bờ ao nước đó
Kiến lập đình ngàn cột
Lan can thảy trang nghiêm
Không gì chẳng đầy đủ.

Trên bờ ao nước đó, có kiến lập một cái đình lớn ngàn cột trụ, hết thảy lan can đều dùng các thứ báu làm thành, đặc biệt trang nghiêm, năm quang mười màu, chói sáng loà mắt. Tất cả thiết bị đều đầy đủ, không thiếu thứ gì.

Đời mạc khởi ác pháp
Nhiều năm không có mưa
Ao hồ đều khô cạn
Cây cỏ đều khô héo.

Vào thời đại mạc pháp, sẽ có ác pháp sinh khởi, do nghiệp của chúng sinh sở cảm, nhiều năm không có mưa xuống. Nước ao hồ sông ngòi đều khô cạn hết. Tất cả cây cỏ đều khô héo. Chúng sinh không có quần áo, không có thức ăn, sự thống khổ khó tả được.

Trước bảy ngày vua sinh
Trước hiện tướng điềm lành
Ai thấy đều nghĩ rằng:
Bậc cứu thế sẽ hiện.

Trước bảy ngày đại vương sinh ra đời, trước hết thị hiện tướng báu điềm lành. Nhất là ai thấy được tướng điềm lành nầy, đều nghĩ rằng: Bậc cứu thế chủ sẽ xuất hiện ra đời, giải cứu khổ nạn cho chúng ta.

Bấy giờ lúc giữa khuya
Đại địa sáu thứ động
Có một ao hoa sen
Ánh sáng như mặt trời.

Lúc đó, giữa đêm khuya, đại địa có sáu thứ chấn động (chấn hống kích, thuộc về âm thanh; động dũng khởi, thuộc về hình tướng). Có một ao hoa sen báu, hiện ra ánh sáng lớn như mặt trời.

Trong năm trăm ao đó
Nước công đức tràn đầy
Cây khô đều sinh cành
Hoa lá đều tươi tốt.

Trong năm trăm ao nước đó, nước công đức tràn đầy. Cây khô đều sống lại, sinh ra cành lá, hoa lá đều rất tươi tốt, trái cũng rất nhiều. Giống như hoa cỏ cây cối trong Vạn Phật Thành, không những tươi tốt, mà còn đặc biệt sum sê. Đây là cảnh giới “Vật hoa thiên bảo”.

Ao nước đều tràn đầy
Chảy ra khắp mọi nơi
Khắp cùng cõi Diêm Phù
Tất cả đều thấm ướt.

Nước trong ao đều tràn đầy, chảy ra ngoài tất cả mọi nơi. Khắp cùng cõi Nam Diêm Phù Đề, tất cả đều thấm ướt. Trong phần đất của Vạn Phật Thánh Thành, trước kia không có nguồn nước, thật là một điều hết sức khó khăn. Hiện tại vạn Phật vân tập về Thánh thành, thì mạch nước vọt ra nước ngon ngọt, lấy không cạn, dùng không hết, thật là việc kỳ lạ không thể nghĩ bàn.

Dược thảo và cây cối
Trăm thứ lúa đậu thảy
Cành lá hoa quả thật
Tất cả đều sum sê.

Tất cả dược thảo và tất cả cây cối, trăm thứ lúa thóc và đậu thảy, cành lá hoa quả thật đặc biệt sum sê tươi tốt. Quả chẳng những lớn, mà cũng ngon ngọt.

Hôm nay (ngày 28/01/1979) là ngày tiết xuân âm lịch, tức cũng là ngày Tết nguyên đán. Mọi người được thêm một tuổi, thời gian cứ tăng thêm một tuổi, một tuổi, làm cho con người từ từ già đi, từ nhỏ đến lớn, trưởng thành rồi già đi. Đến lúc tuổi già, mới biết tầm quan trọng học tập Phật pháp.

Một đời người tốt nhất về chữ cần, một năm tốt nhất là mùa xuân, một ngày tốt nhất vào lúc sáng sớm. Hôm nay bắt đầu năm mới, tất cả bắt đầu làm mới. Phải phản tỉnh những việc làm xưa kia của mình, có đúng với giới luật chăng? Nếu đúng thì tiếp tục làm; nếu không đúng thì lập tức sửa đổi, do đó có câu: “Trừ cựu hoán tân”. Nghĩa là: “Sửa cũ làm mới”.
Trong Phật giáo có câu:

“Di thiên đại tội,
Nhất sám liền tiêu”.

Nghĩa là: Dù tội lỗi nhiều như núi Tu Di, một khi sám hối thì sẽ tiêu sạch. Phải kiểm tra năm vừa rồi, nếu có những lỗi lầm, thì hãy mau sám hối ở trước Phật, làm một con người mới. Do đó có câu: “Đủ thứ lỗi lầm trước kia, ví như ngày hôm qua đã chết rồi, đủ thứ về sau này, ví như ngày hôm nay mới sinh ra”. Và có câu rằng:

“Có lỗi mà không sửa, thì lỗi vẫn còn,
Có lỗi mà sửa đổi, thì sẽ hết sạch”.

Hôm nay là ngày khánh đản của Bồ Tát Di Lặc, hy vọng Bồ Tát Di Lặc sớm ngày hàng sinh xuống nhân gian. Cho nên năm mới bắt đầu ngày thứ nhất, là ngày sinh nhật của Bồ Tát Di Lặc, làm đại Phật sự, biểu thị hoan nghinh. Bồ Tát Di Lặc nhẫn nhục đệ nhứt, chúng ta phải học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc, mở miệng thường cười, tuyệt đối không nóng giận. Có câu đối liễn nói rằng:

“Bụng bự hay chứa,
Chứa việc thiên hạ khó chứa.
Mở miệng liền cười,
Cười người thiên hạ đáng cười”.

Đây là mô tả về Bồ Tát Di Lặc. Bất cứ người nào, đều phải hồi quang phản chiếu, đừng cống cao ngã mạn, không thể tự đại tự mãn. Tự mình phong hoàng đế cho chính mình, coi mình cao như đỉnh núi Tu Di. Tư tưởng như thế không thể được, phải lập tức thu hồi lại. Vậy phải làm thế nào? Chúng ta phải học sự nhẫn nại, dùng sự nhẫn nại để khắc phục sự khó khăn, phải đối diện với hiện thực, tinh tấn tiến về trước, đây là sự hy vọng của tôi đối với tất cả mọi người.

Giếng hầm và gò đồi
Đủ thứ chỗ cao thấp
Tất cả nơi như vậy
Hết thảy đều bằng phẳng.

Đất đai trước kia, có nước giếng và nước hầm hào, có gò đồi, lồi lõm không bằng phẳng, có đủ thứ chỗ cao thấp. Tất cả những nơi như vậy, hiện tại đều bằng phẳng. Chẳng còn giếng hầm, chẳng còn gò đồi. Mưa thuận gió hoà, ngũ cốc dồi dào. Dân chúng cơm no áo ấm, an cư lạc nghiệp. Mọi người đều có lòng từ bi, quốc thái dân an.

Cây gai cát sỏi thảy
Tất cả sự dơ bẩn
Đều ở trong một niệm
Biến thành các ngọc báu.

Cây gai cát sỏi, tất cả đủ thứ những thứ dơ bẩn, đều có thể ở trong một niệm, đều biến thành tất cả ngọc báu. Tại sao có những hiện tượng nầy? Vì nghiệp thiện sở cảm. Có cảnh giới “Năm ngày có gió, mười ngày có mưa”, gió thổi nhẹ nhàng, mưa xuống lất phất.

Chúng sinh thấy đó rồi
Hoan hỉ mà khen ngợi
Đều nói được lợi lành
Như khát uống nước ngọt.

Chúng sinh thấy cảnh giới đó rồi, hoan hỉ mà khen ngợi oai đức có được như vậy, đều nói đắc được lợi lành. Giống như lúc khát nước, uống được nước cam lồ ngon ngọt, chẳng những được giải khát, mà còn có thể trị bệnh.

Bấy giờ vua Quang Minh
Quyến thuộc vô lượng chúng
Xe giá cùng du ngoạn
Xem khắp các vườn tược.

Lúc đó, vua Quang Minh và vô lượng quyến thuộc, đại chúng ngự xe giá cùng du ngoạn, thưởng thức xem khắp các vườn tược, để cho tinh thần sản khoái, đối với thân tâm đều có lợi ích.

Trong năm trăm ao nước
Có ao tên Khánh Hỉ
Trên ao có pháp đường
Vua cha ở chỗ đó.

Trong vườn tược có năm trăm ao nước, trong đó có cái ao tên là Khánh Hỉ. Phía trên ao nước có xây dựng một pháp đường. Vua cha Tịnh Quang Minh và hoàng hậu ở trong pháp đường đó.

Tiên Vương bảo phu nhân
Ta nhớ bảy đêm trước
Nửa đêm đất chấn động
Trong đó có quang hiện.

Tiên vương Tịnh Quang Minh bảo phu nhân Liên Hoa Quang rằng: Ta nhớ bảy đêm trước, lúc nửa đêm mặt đất chấn động sáu thứ, khi chấn động, có đại quang minh hiện ra, chiếu khắp đại địa.

Thời trong ao hoa đó
Sinh hoa sen ngàn cánh
Sáng như ngàn mặt trời
Chiếu đến đỉnh Tu Di.

Lúc đó, từ trong ao hoa đó, sinh ra đoá hoa sen ngàn cánh. Phóng đại quang minh chiếu sáng như ngàn mặt trời. Quang minh đó, chiếu đến đỉnh núi Tu Di.

Cộng hoa bằng kim cang
Đài hoa vàng Diêm Phù
Lá hoa bằng các báu
Hương thơm làm nhuỵ tua.

Cộng hoa sen ngàn cánh đó làm bằng kim cang, đài hoa làm bằng vàng Diêm Phù Đề, lá hoa bằng các báu, hương thơm làm nhuỵ tua. Đặc biệt trang nghiêm, mà cũng rất mỹ quan.

Vua sinh trên hoa đó
Ngồi kiết già đoan chánh
Tướng tốt dùng trang nghiêm
Thiên Thần đều cung kính.

Đồng nữ Bảo Quang Minh nói: Đại Vương Ngài sinh trên đoá hoa sen ngàn cánh. Thân ngồi kiết già rất đoan chánh, tướng tốt trang nghiêm thân (Có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp). Được Thiên Thần đều cung kính làm hộ pháp.

Tiên vương đại hoan hỉ
Vào ao tự bồng lên
Đem trao cho phu nhân
Nàng nên mừng được con.

Tiên vương thấy cảnh giới đó, sinh đại hoan hỉ. Đích thân vào trong ao nước, cung kính bồng ẵm lên, đem trao cho phu nhân nói: Con của nàng rất cát tường, nàng nên mừng được đứa con nầy.

Bảo tàng đều vọt lên
Cây báu sinh y đẹp
Nhạc trời tấu tiếng hay
Đầy khắp trong hư không.

Trong bảy báu của Chuyển Luân Thánh Vương, bảo tàng từ dưới đất vọt lên. Người có phước, do thiện nghiệp sở cảm, tất cả đều cát tường. Trên cây báu sinh ra đủ thứ y phục đẹp. Nhạc trời tấu lên tiếng hay rất êm tai, đầy khắp trong hư không.

Tất cả các chúng sinh
Đều sinh đại hoan hỉ
Chắp tay nói hi hữu
Lành thay bậc cứu đời !

Tất cả hết thảy chúng sinh, thấy được cảnh giới đó, đều sinh tâm đại hoan hỉ. Chắp tay cung kính nói: Ít có! Ít có! Khó thấy được cảnh giới nầy. Lành thay! Đây là chủ cứu hộ thế giới, hàng sinh xuống nhân gian!

Thời thân vua phóng quang 
Chiếu sáng khắp tất cả
Khiến cho bốn thiên hạ
Hết tối trừ bệnh tật.

Lúc đó, thân của vua phóng ra đại quang minh, chiếu sáng khắp tất cả. Khiến cho bốn thiên hạ, những chỗ tối tăm đều không còn nữa. Lại khiến cho tất cả bệnh tật, thảy đều trừ diệt hết. Thân tâm được khoẻ mạnh, chẳng còn phiền não.

Dạ Xoa Tỳ Xá Xà
Độc trùng các ác thú
Những kẻ muốn hại người
Tất cả tự ẩn trốn.

Dạ Xoa (quỷ mau lẹ) Tỳ Xá Xà (quỷ hút tinh) đều không còn nữa. Tất cả độc trùng và tất cả ác thú cũng chẳng còn nữa. Những yêu ma quỷ quái muốn hại người, lị mị vọng lượng, chúng đều tự động ẩn trốn, không dám độc hại người đời nữa.

Tiếng xấu mất lợi lành
Tai hoạ cùng bệnh tật
Khổ như vậy đều diệt
Tất cả đều hoan hỉ.

Người có tiếng xấu do không làm việc thiện, thường phát sinh tai hoạ, hoặc bị bệnh tật. Những khổ hoạn như vậy, đều tiêu diệt hết sạch, được an lạc, tất cả chúng sinh đều sinh đại hoan hỉ.

Phàm là loại chúng sinh
Nhìn nhau như cha mẹ
Lìa ác khởi lòng từ
Chuyên cầu nhất thiết trí.

Phàm là loại chúng sinh, gặp được vua mừng rỡ như gặp được cha mẹ, sinh khởi lòng cung kính, sẽ lìa khỏi tất cả điều ác, làm tất cả điều thiện. Chuyên tâm cầu nhất thiết trí, phá trừ tất cả vô minh.

Đóng chặt các đường ác
Mở bày đường trời người
Tuyên dương nhất thiết trí
Độ thoát các quần sinh.

Đóng chặt tất cả cửa đường ác, mở bày con đường cõi người và cõi trời. Tuyên dương pháp nhất thiết trí (Tát Bà Nhạ), độ thoát tất cả chúng sinh, khiến cho họ lìa khổ được vui, đến được bờ Niết Bàn bên kia.

Chúng tôi thấy Đại Vương
Khắp được các lợi lành
Kẻ nghèo cùng cô đơn
Tất cả đều an lạc.

Chúng tôi thấy được Đại Vương, khắp được tất cả lợi ích. Những kẻ nghèo cùng cô đơn không nơi nương tựa, không ai dẫn đường chỉ lối, hết thảy tất cả đều được an lạc.

Bấy giờ, đồng nữ Bảo Quang Minh dùng kệ khen ngợi vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái rồi, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, chắp tay đảnh lễ, cúi mình cung kính, bèn đứng qua một bên.

Lúc đó, đồng nữ Bảo Quang Minh dùng kệ khen ngợi vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái rồi, đi nhiễu quanh bên phải vô lượng vòng, chắp tay đảnh lễ, cúi mình cung kính, bèn đứng qua một bên.

Bấy giờ, Đại Vương đó bảo đồng nữ rằng: Lành thay đồng nữ! Ngươi có thể tin biết công đức của người khác, thật là ít có. 

Đồng nữ! Tất cả chúng sinh không thể tin biết công đức của người khác.

Đồng nữ! Tất cả chúng sinh không biết báo ơn, không có trí huệ. Tâm họ trược loạn, chẳng thấu rõ tánh, vốn không chí lực, lại thối chí tu hành. Người như vậy, không tin, không biết, hết thảy công đức thần thông trí huệ của Bồ Tát Như Lai.

Đồng nữ! Nay ngươi quyết định hướng về cầu bồ đề, biết được công đức Bồ Tát như vậy. Nay ngươi sinh trong cõi Diêm Phù Đề nầy, phát tâm dũng mãnh, nhiếp khắp chúng sinh, công đức chẳng luống qua, ngươi cũng sẽ thành tựu công đức như vậy.

Lúc đó, Đại Vương bảo đồng nữ rằng: Lành thay ! Đồng nữ! Ngươi có thể tin và biết công đức của người khác, thật là ít có.

Đồng nữ! Tất cả chúng sinh, họ không thể tin biết công đức của người khác.

Đồng nữ! Tất cả chúng sinh không biết báo ơn cha mẹ, báo ơn sư trưởng, có ơn không biết báo đáp, thật là đáng thương, vì không có trí huệ, cho nên tâm họ trược loạn, chẳng thấu rõ tánh, lại không có chí lực, lại thối chí tu hành, thật đáng thương xót. Những người như vậy, không tin Phật pháp, không biết hết thảy công đức thần thông trí huệ của Bồ Tát và Như Lai.

Đồng nữ! Nay ngươi quyết định hướng về cầu bồ đề, biết được công đức của Bồ Tát như vậy. Nay ngươi sinh trong cõi Diêm Phù Đề nầy, phát tâm dũng mãnh, nhiếp khắp tất cả chúng sinh, công đức đó chẳng luống qua, ngươi cũng sẽ thành tựu công đức như vậy.

Vua khen ngợi đồng nữ rồi, đem y báu vô giá, tự tay cầm đưa cho đồng nữ Bảo Quang Minh và quyến thuộc của đồng nữ, bảo từng người rằng: Các ngươi hãy mặc y nầy. 
Bấy giờ, các đồng nữ quỳ xuống, hai tay cầm lấy, để trên đầu, rồi mới mặc vào. Mặc y xong, đều đi nhiễu bên phải ông vua. Trong các y báu, đều phát ra quang minh tất cả tinh tú. Mọi người thấy rồi, đều nói như vầy: Những người nữ nầy, đều rất đoan chánh trang nghiêm, như sao sáng trong bầu trời.

Vua Nhất Thiết Pháp Viên Mãn Cái khen ngợi đồng nữ Bảo Quang Minh rồi, bèn đem y báu vô giá, tự tay cầm đưa cho đồng nữ Bảo Quang Minh và quyến thuộc của đồng nữ. Sau đó bảo từng người rằng: “Các ngươi hãy mặc y nầy”. Lúc đó, tất cả các đồng nữ quỳ xuống, hai tay cầm lấy y báu, để trên đầu, biểu thị sự cung kính tiếp nhận, rồi mới mặc vào. Mặc y xong, mọi người đều đi nhiễu bên phải ông vua vô lượng vòng. Trong các y báu, đều phát ra quang minh tất cả tinh tú. Mọi người thấy rồi, đều nói như vầy: “Những người nữ nầy, đều rất đoan chánh trang nghiêm, như sao sáng trong bầu trời”.

Thiện nam tử! Vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái thuở đó, đâu phải người nào khác, chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ngày nay vậy. Vua Quang Minh, là vua Tịnh Phạn. Phu nhân Liên Hoa Quang, là phu nhân Ma Gia. Đồng nữ Bảo Quang Minh, tức là thân ta đây. 

Lúc đó, vua dùng bốn pháp nhiếp để nhiếp chúng sinh, tức là tất cả Bồ Tát trong hội nầy đây, đều được bất thối chuyển nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Hoặc trụ Sơ địa, cho đến Thập địa. Đầy đủ các thứ đại nguyện. Tích tập đủ thứ trợ đạo. Tu đủ thứ diệu hạnh. Đầy đủ các thứ trang nghiêm. Đắc được đủ thứ thần thông. Trụ đủ thứ giải thoát. Đang ở trong hội nầy, ở nơi đủ thứ diệu pháp cung điện.

Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa nói với Thiện Tài đồng tử: “Thiện nam tử! Vua Nhất Thiết Pháp Âm Viên Mãn Cái thuở đó, ngươi có biết là ai không? Ngài chính là Tỳ Lô Giá Na (pháp thân của Phật Thích Ca) Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ngày nay vậy. Vua Quang Minh, là vua Tịnh Phạn ngày nay. Phu nhân Liên Hoa Quang, là phu nhân Ma Gia ngày nay. Đồng nữ Bảo Quang Minh, tức là thân ta đây.

Lúc đó, vua dùng bốn pháp nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) để nhiếp thọ tất cả chúng sinh, tức là tất cả Bồ Tát trong hội hiện tại nầy đây, đều được bất thối chuyển nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Hoặc trụ Sơ địa (Hoan hỉ địa), cho đến Thập địa (Pháp vân địa). Đầy đủ các thứ đại nguyện. Tích tập đủ thứ trợ đạo. Tu đủ thứ diệu pháp. Đầy đủ các thứ trang nghiêm. Đắc được đủ thứ thần thông. An trụ đủ thứ giải thoát. Đang ở trong pháp hội nầy, ở nơi đủ thứ diệu pháp cung điện”.

Bấy giờ, Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa, vì Thiện Tài đồng tử, muốn tường thuật lại nghĩa giải thoát nầy, mà nói kệ rằng:

Lúc đó, Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa, vì Thiện Tài đồng tử, muốn tường thuật lại nghĩa giải thoát nầy, mà nói kệ rằng:

Ta có mắt rộng lớn
Thấy khắp nơi mười phương
Trong tất cả biển cõi
Kẻ luân hồi năm cõi.

Chủ Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa nói: Ta có mắt trí huệ rộng lớn, thấy khắp tất cả chúng sinh mười phương. Lại thấy khắp trong tất cả biển cõi, chúng sinh thọ luân hồi trong năm cõi.

Cũng thấy chư Phật đó
Ngồi dưới cội bồ đề
Thần thông khắp mười phương
Thuyết pháp độ chúng sinh.

Cũng thấy được tất cả chư Phật, đang ngồi ở dưới cội bồ đề thành đạo. Thần thông rộng lớn đầy khắp mười phương, thuyết pháp độ thoát tất cả chúng sinh. Chứng được thiên nhãn thông, mới có được cảnh giới nầy.

Ta có tai thanh tịnh
Nghe khắp tất cả tiếng
Cũng nghe Phật thuyết pháp
Hoan hỉ mà tin thọ.

Ta có tai thanh tịnh viên mãn vô ngại, nghe khắp tất cả tiếng trong mười phương, cũng nghe tất cả chư Phật thuyết pháp, nghe rồi hoan hỉ mà tin thọ pháp của chư Phật nói, y pháp tu hành.

Ta có tha tâm trí
Không hai không chướng ngại
Có thể trong một niệm
Đều thấu rõ biển tâm.

Ta có trí huệ tha tâm thông, không hai không chướng ngại. Có thể trong một niệm, hoàn toàn thấu rõ biển tâm của tất cả chúng sinh. Vọng tâm của chúng sinh như biển cả, không có bờ mé, lúc nào cũng sinh khởi sóng vọng tưởng, chẳng khi nào bình tĩnh.

Ta được túc mạng trí
Biết được tất cả kiếp
Thân mình và người khác
Phân biệt đều thấu rõ.

Ta đắc được trí huệ túc mạng thông, biết được trong tất cả kiếp. Thân mạng mình và người khác, rõ ràng phân biệt được. Túc mạng thông tức là biết tất cả nhân duyên trong quá khứ.

Ta một niệm biết được
Biển cõi kiếp số bụi
Chư Phật và Bồ Tát
Loại chúng sinh năm đường.

Ta một niệm biết được, biển cõi kiếp số nhiều như hạt bụi, tất cả chư Phật và tất cả Bồ Tát, cùng với loại chúng sinh năm đường, sự phát nguyện và hành đạo của các Ngài, tạo nghiệp chướng và thọ quả báo.

Nhớ biết chư Phật đó
Xưa phát nguyện bồ đề
Cho đến tu các hạnh
Mỗi mỗi đều viên mãn.

Ta nhớ biết tất cả chư Phật đó, biết các Ngài thuở xưa phát đại nguyện bồ đề, cho đến tu tất cả các hạnh, mỗi mỗi thảy đều viên mãn, chẳng có gì mà chẳng thành công.

Cũng biết chư Phật đó
Thành tựu đạo bồ đề
Dùng đủ thứ phương tiện
Vì chúng chuyển pháp luân.

Ta cũng biết tất cả chư Phật đó, làm thế nào thành tựu đạo bồ đề! Dùng đủ thứ pháp môn phương tiện khéo léo, để vì chúng sinh chuyển đại pháp luân, diễn nói pháp vi diệu không thể nghĩ bàn.

Cũng biết chư Phật đó
Hết thảy các biển thừa
Chánh pháp trụ lâu mau
Chúng sinh độ bao nhiêu.

Ta cũng biết tất cả chư Phật đó, hết thảy các biển thừa đại thừa và tiểu thừa. Lại biết chánh pháp trụ thế gian lâu mau? Chúng sinh độ được bao nhiêu?

Ta trong vô lượng kiếp
Tu tập pháp môn nầy
Nay ta vì ngươi nói
Phật tử ngươi nên học.

Ta trong vô lượng kiếp, tu tập pháp môn nầy. Nay ta vì ngươi nói pháp môn nầy. Phật tử ! Hi vọng ngươi nên học pháp môn giải thoát nầy.

Thiện nam tử! Ta chỉ biết môn giải thoát Bồ Tát sinh ra quảng đại hỉ quang minh nầy. Như các đại Bồ Tát gần gũi cúng dường tất cả chư Phật. Vào biển đại nguyện nhất thiết trí. Viên mãn biển nguyện của tất cả chư Phật. Đắc được trí huệ dũng mãnh. Nơi một địa của Bồ Tát, vào khắp biển địa của tất cả Bồ Tát. Đắc được nguyện thanh tịnh, nơi một hạnh của Bồ Tát hạnh, vào khắp biển hạnh của tất cả Bồ Tát. Đắc được lực tự tại, nơi một môn giải thoát của Bồ Tát, vào khắp biển môn giải thoát của tất cả Bồ Tát. Mà ta làm sao biết được, nói được, những hạnh công đức đó?

Thiện nam tử! Ta chỉ biết môn giải thoát Bồ Tát sinh ra quảng đại hỉ quang minh nầy. Như các đại Bồ Tát gần gũi cúng dường tất cả chư Phật. Vào biển đại nguyện nhất thiết trí. Viên mãn biển nguyện của tất cả chư Phật. Đắc được trí huệ dũng mãnh. Nơi một địa của Bồ Tát, vào khắp biển địa của tất cả Bồ Tát. Đắc được nguyện thanh tịnh. Nơi một hạnh của Bồ Tát hạnh, vào khắp biển hạnh của tất cả Bồ Tát. Đắc được lực tự tại. Nơi một môn giải thoát của Bồ Tát, vào khắp biển môn giải thoát của tất cả Bồ Tát. Những pháp môn nầy, ta làm sao biết được, nói được những hạnh công đức đó?

Thiện nam tử! Trong đạo tràng nầy, có một vị Dạ Thần tên là Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sinh. Ngươi hãy đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ hướng về A nậu đa la tam miệu tam bồ đề? Làm thế nào nghiêm tịnh tất cả cõi Phật? Làm thế nào hầu hạ tất cả Như Lai? Làm thế nào tu hành tất cả Phật pháp? 
Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị Dạ Thần, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, ân cần chiêm ngưỡng, rồi từ tạ mà đi.

Thiện nam tử! Trong đạo tràng nầy, có một vị Dạ Thần tên là Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sinh. Ngươi hãy đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào giáo hoá chúng sinh? Khiến cho họ hướng về A nậu đa la tam miệu tam bồ đề? Làm thế nào nghiêm tịnh tất cả cõi Phật? Làm thế nào hầu hạ tất cả Như Lai? Làm thế nào tu hành tất cả Phật pháp?

Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị Dạ Thần Khai Phu Nhất Thiết Thụ Hoa, đi nhiễu quanh bên phải vô lượng vòng, ân cần chiêm ngưỡng, từ tạ mà đi tìm cầu vị thiện tri thức khác.

Trang: 1 2 3 4 5 6