KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN NĂM MƯƠI CHÍN
 
PHẨM LÌA THẾ GIAN THỨ BA MƯƠI TÁM PHẦN BẢY

 

Phật tử! Đại Bồ Tát thị hiện nơi thai mẹ có mười việc. Những gì là mười?

Phật tử! Đại Bồ Tát vì muốn thành tựu các chúng sinh tâm thấp kém hiểu biết. Chẳng muốn khiến cho họ khởi nghĩ như vầy: Nay Bồ Tát này tự nhiên hoá sinh, trí huệ căn lành chẳng do tu mà được, cho nên Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ. Đó là việc thứ nhất.

Đại Bồ Tát vì thành thục cha mẹ và các quyến thuộc chúng sinh đồng hành căn lành đời trước, mà thị hiện ở thai mẹ. Tại sao? Vì họ đều đáng được thấy nơi thai mẹ, thành thục hết thảy các căn lành. Đó là việc thứ hai.

Đại Bồ Tát lúc nhập thai, thì chánh niệm, chánh tri, không có mê hoặc. Trụ trong thai mẹ rồi, tâm luôn chánh niệm, cũng chẳng tán loạn. Đó là việc thứ ba.

Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thường diễn thuyết pháp. Các đại Bồ Tát mười phương thế giới, Thích Phạm Tứ Vương, đều tụ tập đến, đều khiến cho họ đắc được vô lượng thần lực, vô biên trí huệ. Bồ Tát ở thai mẹ thành tựu biện tài thù thắng diệu dụng như vậy. Đó là việc thứ tư.

Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, tập đại chúng hội. Dùng nguyện lực xưa, giáo hoá tất cả các chúng Bồ Tát. Đó là việc thứ năm.

Các vị đệ tử của Phật! Khi đại Bồ Tát thị hiện nơi thai mẹ có mười việc. Những gì là mười?

1. Phật tử! Đại Bồ Tát vì muốn thành tựu các chúng sinh tâm thấp kém, căn lành hạ liệt, sự hiểu biết không đủ. Vì chúng sinh nầy, cho nên chẳng muốn khiến cho họ khởi nghĩ như vầy: Nay Bồ Tát này tự nhiên hoá sinh, trí huệ căn lành chẳng do tu mà được, bởi vậy cho nên Bồ Tát thị hiện cảnh giới ở thai mẹ. Đó là việc thứ nhất.

2. Đại Bồ Tát vì thành thục cha mẹ và lục thân quyến thuộc đời nầy và chúng sinh đồng hành căn lành tu hành đời trước, mà thị hiện ở thai mẹ. Tại sao? Vì họ đều đáng được thấy nơi thai mẹ, có thể thành thục hết thảy các căn lành của họ đã tu trong quá khứ. Đó là việc thứ hai.

3. Đại Bồ Tát lúc nhập thai mẹ, thì chánh niệm hiện tiền, chánh tri hiện tiền, không có mê hoặc. Chẳng giống như một số người và tất cả Bồ Tát, khi trụ thai thì quên hết sự việc trước kia. Vị Bồ Tát hậu bổ Phật vị, tuy ở trong thai mẹ nhưng không có hôn mê. Cho nên trụ trong thai mẹ rồi, tâm luôn luôn chánh niệm, tâm cũng chẳng tán loạn. Đó là việc thứ ba.

4. Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thường diễn nói diệu pháp, giáo hoá chúng sinh. Các đại Bồ Tát mười phương thế giới, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm Thiên Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, các quỷ thần, đều tụ tập đến, đều khiến cho họ đắc được vô lượng thần lực, và vô biên trí huệ. Bồ Tát ở thai mẹ thành tựu biện tài thù thắng diệu dụng như vậy. Đó là việc thứ tư.

5. Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, có thể tập đại chúng hội mười phương. Dùng nguyện lực thuở xưa, giáo hoá tất cả các chúng Bồ Tát. Đó là việc thứ năm.

Đại Bồ Tát thành Phật ở trong loài người, phải đủ tối thắng thọ sinh nhân gian, nhờ đó thị hiện ở nơi thai mẹ. Đó là việc thứ sáu. 

Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì chúng sinh ba ngàn đại thiên thế giới, đều nhìn thấy Bồ Tát, như thấy hình Ngài ở trong gương sáng. Lúc đó, trời Tứ Thiên Vương, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, chẳng phải người, đều đến chỗ Bồ Tát, cung kính cúng dường. Đó là việc thứ bảy.

Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ các phương khác, đều cùng đến tụ hội, nói pháp môn đại tập, tên là Quảng đại trí huệ tạng. Đó là việc thứ tám.

Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì nhập tam muội Ly Cấu Tạng. Nhờ sức tam muội, mà ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn, đủ thứ sự nghiêm sức, thảy đều tốt đẹp. Cung trời Đâu Suất không thể sánh bằng, mà khiến cho thân người mẹ an ổn vô sự. Đó là việc thứ chín.

Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, dùng đại oai lực, hiện ra đồ cúng dường, tên là Khai đại phước đức ly cấu tạng. Cúng dường tất cả chư Phật Như Lai, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Các Như Lai đó, đều vì Bồ Tát diễn nói vô biên Bồ Tát trụ xứ pháp giới tạng. Đó là việc thứ mười. 

Phật tử! Đó là mười việc của đại Bồ Tát thị hiện ở trong thai mẹ. Nếu các Bồ Tát thấu đạt pháp nầy, thì có thể thị hiện cõi thâm sâu vi tế.

6. Đại Bồ Tát thành Phật ở trong nhân gian, phải đầy đủ tối thắng thọ sinh nhân gian, nhờ đó mà Bồ Tát thị hiện ở nơi thai mẹ. Đó là việc thứ sáu.

7. Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì chúng sinh ba ngàn đại thiên thế giới, đều nhìn thấy Bồ Tát, như thấy hình bóng Ngài ở trong gương sáng. Lúc đó, trời Tứ Thiên Vương, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người và chẳng phải người. Thiên long bát bộ nầy, đều đến chỗ Bồ Tát, cung kính cúng dường. Đó là việc thứ bảy.

8. Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ trong mười phương thế giới phương khác, đều cùng đến tụ hội, nói pháp môn đại tập, tên là Quảng đại trí huệ tạng. Đó là việc thứ tám.

9. Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì nhập tam muội Ly Cấu Tạng. Nhờ sức tam muội, mà ở trong thai mẹ hiện ra cung điện lớn, đủ thứ sự nghiêm sức, thảy đều tốt đẹp. Cung trời Đâu Suất không thể sánh bằng, mà khiến cho thân người mẹ an ổn vô sự. Đó là việc thứ chín.

10. Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, dùng đại oai thần lực, hiện ra đủ thứ đồ cúng dường, tên là Khai đại phước đức ly cấu tạng. Cúng dường tất cả chư Phật Như Lai, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Các Như Lai đó, đều vì Bồ Tát diễn nói vô biên Bồ Tát trụ xứ pháp giới tạng. Đó là việc thứ mười.

Các vị đệ tử của Phật! Đó là mười việc thị hiện ở trong thai mẹ của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát thấu đạt pháp nầy, thì có thể thị hiện cõi thâm sâu vi tế.

Phật tử! Đại Bồ Tát có mười cõi thâm sâu vi tế. Những gì là mười? 

Đó là: Ở trong thai mẹ thị hiện ban đầu phát bồ đề tâm, cho đến bậc quán đảnh. Ở trong thai mẹ thị hiện trụ ở cõi trời Đâu Suất. Ở trong thai mẹ thị hiện sơ sinh. Ở trong thai mẹ thị hiện bậc đồng tử. Ở trong thai mẹ thị hiện nơi cung vua. Ở trong thai mẹ thị hiện xuất gia. Ở trong thai mẹ thị hiện khổ hạnh, đi đến đạo tràng, thành Đẳng Chánh Giác. Ở trong thai mẹ thị hiện chuyển pháp luân. Ở trong thai mẹ thị hiện vào Niết Bàn. Ở trong thai mẹ thị hiện đại vi tế, đó là: Tất cả Bồ Tát hạnh, tất cả Như Lai tự tại thần lực, vô lượng môn khác nhau.

Phật tử! Đó là mười thứ cõi vi tế ở trong thai mẹ của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ cõi vi tế vô thượng của Như Lai.

Các vị đệ tử của Phật! Đại Bồ Tát có mười cõi thâm sâu vi tế. Những gì là mười? Đó là:

1. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới ban đầu phát bồ đề tâm, cho đến bậc quán đảnh.
2. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới trụ ở cõi trời Đâu Suất.
3. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới sơ sinh.
4. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới bậc đồng tử.
5. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới nơi cung vua.
6. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới xuất gia.
7. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới khổ hạnh, đi đến đạo tràng, thành Đẳng Chánh Giác.
8. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới chuyển pháp luân.
9. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới vào Niết Bàn.
10. Ở trong thai mẹ thị hiện cảnh giới đại vi tế, đó là: Tất cả Bồ Tát hạnh, tất cả Như Lai tự tại thần lực, vô lượng môn khác nhau, Bồ Tát đều biết được.

Các Phật tử! Đó là mười thứ cõi vi tế ở trong thai mẹ của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ cõi vi tế vô thượng của Như Lai.

Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ sinh. Những gì là mười ? 

Đó là : Xa lìa ngu si, chánh niệm chánh tri mà sinh. Phóng lưới đại quang minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà sinh. Trụ cõi cuối cùng, càng không thọ thân sau mà sinh.

Chẳng sinh, chẳng khởi mà sinh. Biết ba cõi như huyễn mà sinh. Trong mười phương thế giới khắp hiện thân mà sinh. Trí nhất thiết trí thân mà sinh. Phóng tất cả Phật quang minh, khắp giác ngộ tất cả thân chúng sinh mà sinh. Nhập đại trí quán sát tam muội thân mà sinh.

Phật tử ! Khi Bồ Tát sinh thì chấn động tất cả cõi Phật, giải thoát tất cả chúng sinh, diệt trừ tất cả đường ác, che lấp tất cả các ma, vô lượng Bồ Tát đều đến tụ hội.

Phật tử ! Đó là mười thứ sinh của Đại Bồ Tát, vì điều phục chúng sinh, mà thị hiện như vậy.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát có mười thứ sinh. Những gì là mười ? Đó là :

1. Bồ Tát xa lìa ngu si, ở trong chánh niệm chánh tri mà sinh ra.
2. Bồ Tát phóng lưới đại quang minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà sinh ra.
3. Bồ Tát trụ thân thể cõi cuối cùng, càng không thọ thân sau mà sinh ra, nghĩa là không còn sinh tử nữa.
4. Bồ Tát chẳng sinh, cũng chẳng khởi mà sinh ra.
5. Bồ Tát biết ba cõi như huyễn mà sinh ra.
6. Bồ Tát ở trong mười phương thế giới, khắp hiện thân mà sinh ra.
7. Bồ Tát chứng được trí nhất thiết trí thân mà sinh ra.
8. Bồ Tát phóng ra tất cả Phật quang minh, khắp giác ngộ tất cả thân chúng sinh mà sinh ra.
9. Bồ Tát nhập đại trí huệ, quán sát tam muội thân mà sinh ra.
10. Phật tử ! Khi Bồ Tát sinh thì chấn động tất cả cõi Phật, giải thoát tất cả chúng sinh, diệt trừ tất cả đường ác, che lấp tất cả các ma, vô lượng Bồ Tát đều đến tụ hội.

Các vị đệ tử của Phật ! Đó là mười thứ sinh của Đại Bồ Tát, vì điều phục tất cả chúng sinh, mà thị hiện như vậy, khiến cho tất cả chúng sinh thấy được cảnh giới đó mà giác ngộ.

Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện mỉm cười tâm tự thệ. Những gì là mười ? 

Đó là : Đại Bồ Tát nghĩ rằng : Tất cả thế gian chìm đắm trong vũng bùn ái dục, trừ một mình ta ra, không ai có thể cứu giúp, biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Lại nghĩ rằng : Tất cả thế gian bị phiền não làm mù loà, chỉ có ta khiến cho họ đầy đủ trí huệ, biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Lại nghĩ rằng : Nay ta vì thân giả danh nầy, sẽ đắc được pháp thân vô thượng Như Lai đầy khắp ba đời. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Bấy giờ Bồ Tát dùng mắt không chướng ngại, quán khắp mười phương hết thảy trời Phạm Thiên, cho đến tất cả trời Đại Tự Tại, bèn nghĩ như vầy : Những chúng sinh nầy, đều tự cho rằng là có đại trí lực. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Bấy giờ đại Bồ Tát quán các chúng sinh, từ lâu đã trồng căn lành, nay đều thối lùi mai một. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện mỉm cười tâm tự thệ. Những gì là mười ? Đó là :

1. Đại Bồ Tát nghĩ rằng : Hết thảy chúng sinh tất cả thế gian chìm đắm trong vũng bùn ái dục, trừ một mình ta ra, mới có thể cứu giúp họ thoát khỏi vũng vùn ái dục, những người khác không thể nào cứu độ họ được. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ phải độ thoát họ.

2. Bồ Tát lại nghĩ rằng : Hết thảy chúng sinh tất cả thế gian bị phiền não làm mù loà, giống như người mù, chỉ có mình ta đầy đủ đại trí huệ, mới có thể cứu độ họ, người khác không thể nào làm được. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

3. Bồ Tát lại nghĩ rằng : Nay ta vì thân giả danh nầy, nên sẽ chứng đắc được pháp thân vô thượng Như Lai đầy khắp ba đời. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.

4. Bồ Tát lúc đó dùng thiên nhãn không chướng ngại, quán khắp mười phương hết thảy cõi trời Đại Phạm Thiên, cho đến tất cả trời Đại Tự Tại, bèn nghĩ như vầy : Những chúng sinh nầy, đều tự cho rằng là có đại trí lực. Tuy họ có trí huệ lực, nhưng chẳng rốt ráo. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

5. Lúc đó đại Bồ Tát quán các chúng sinh, từ kiếp xa xưa đến nay, đã gieo trồng rất nhiều căn lành, nhưng hiện tại đều đã thối lùi mai một, không cầu pháp thanh tịnh xuất thế, mà cầu pháp nhiễm trước đời ác năm trược. Nếu ta không cứu họ, thì tương lai sẽ bị đoạ vào ba đường ác. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

Bồ Tát quán thấy hạt giống thế gian, gieo trồng tuy ít, mà đắc được quả rất nhiều. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Bồ Tát quán thấy tất cả chúng sinh, được Phật giáo hoá, tất sẽ được lợi ích. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.

Bồ Tát quán thấy Bồ Tát đồng hành trong đời quá khứ, nhiễm trước việc khác, chẳng đắc được Phật pháp công đức rộng lớn. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Bồ Tát quán sát cùng nhau tụ hội trong đời quá khứ, chư Thiên loài người, đến nay do ở tại địa vị phàm phu, không thể xả lìa, cũng không nhàm mỏi. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. 

Bấy giờ Bồ Tát được quang minh của tất cả Như Lai chiếu đến, càng thêm hân hoan, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.

Đó là mười. Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục chúng sinh, mà thị hiện như vậy.

6. Bồ Tát quán sát nhìn thấy hạt giống nhiễm ô của thế gian, gieo trồng tuy rất ít, mà đắc được quả rất nhiều. Do đó không dễ gì phát bồ đề tâm, Bồ Tát rất thương xót họ, khiến cho họ đừng bỏ giác hợp trần, đừng bỏ gốc tìm ngọn. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

7. Bồ Tát quán thấy tất cả chúng sinh, được Phật giáo hoá, tất sẽ được lợi ích. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

8. Bồ Tát quán thấy Bồ Tát cùng tu hành với nhau trong đời quá khứ, họ nhiễm trước những việc khác, chẳng đắc được Phật pháp công đức rộng lớn. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ.

9. Bồ Tát quán sát những người cùng nhau tụ hội trong đời quá khứ, chư Thiên và loài người, đến nay do ở tại địa vị phàm phu, không có tiến bộ, không chịu xả lìa, cũng không nhàm mỏi, ở trong sáu nẻo luân hồi, sinh rồi lại chết, chết rồi lại sinh, chuyển tới chuyển lui, không biết đang làm gì ? Bồ Tát biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Phát nguyện nhất định sẽ độ thoát họ, khiến cho họ sớm thành Phật đạo

10. Lúc đó Bồ Tát được quang minh của tất cả Như Lai chiếu đến, càng thêm hân hoan, càng thêm vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.

Ở trên là mười pháp vui vẻ tâm tự thệ của Bồ Tát.

Các vị đệ tử của Phật ! Bồ Tát vì điều phục tất cả chúng sinh, mà thị hiện đủ thứ cảnh giới như vậy.

Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện đi bảy bước. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì hiện sức lực của Bồ Tát, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện bố thí bảy Thánh tài, mà thị hiện đi bảy bước. Vì viên mãn nguyện của địa thần, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện vượt ba cõi, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện hạnh tối thắng của Bồ Tát, vượt qua hạnh voi chúa, trâu chúa, sư tử chúa, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tướng bậc kim cang, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện muốn ban cho chúng sinh sức dũng mãnh, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tu hành bảy giác bảo, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện đắc pháp không do người khác dạy, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện nơi thế gian tối thắng không ai sánh bằng, mà thị hiện đi bảy bước. Đó là mười. 

Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục chúng sinh, nên thị hiện như vậy.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện đi bảy bước. « Một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói rằng : Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn ». Đó là thị hiện cảnh giới lúc Bồ Tát sơ sinh. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì hiện sức lực của Bồ Tát, mà thị hiện đi bảy bước.
2. Vì hiện bố thí bảy Thánh tài, mà thị hiện đi bảy bước.

Bảy Thánh tài là : a. Tín tài. b. Tấn tài. c. Giới tài. d. Tàm tài. e. Văn tài. f. Xả tài. g. Định tài.

3. Vì viên mãn nguyện của địa thần, mà thị hiện đi bảy bước.
4. Vì hiện vượt khỏi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, ba cõi, mà thị hiện đi bảy bước.
5. Vì hiện hạnh tối thù thắng của Bồ Tát, vượt qua hạnh voi chúa, trâu chúa, sư tử chúa, mà thị hiện đi bảy bước.
6. Vì hiện tướng bậc kim cang, mà thị hiện đi bảy bước.
7. Vì hiện muốn ban cho chúng sinh sức dũng mãnh, mà thị hiện đi bảy bước.
8. Vì hiện tu hành đạo bảy giác bảo, mà thị hiện đi bảy bước.
9. Vì hiện đắc pháp không do người khác dạy, mà thị hiện đi bảy bước.
10. Vì hiện nơi thế gian tối thắng không ai sánh bằng, mà thị hiện đi bảy bước.

Đó là mười pháp đi bảy bước của Bồ Tát.

Các vị Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục tất cả chúng sinh, nên mới thị hiện cảnh giới đi bảy bước như vậy.

Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc mà hiện thân đồng tử. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì hiện thông đạt tất cả văn tự, toán số, hoạ thư, ấn tỉ, đủ thứ nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện thông đạt các thứ nghệ thuật, voi ngựa xe, bắn cung, kiếm kích, đủ thứ nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện thông đạt tất cả văn bút đàm luận cờ nhạc, đủ thứ những việc thế gian, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện xa lìa các lỗi lầm thân lời ý nghiệp, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện nhập môn thiền định trụ Niết Bàn, khắp cùng mười phương vô lượng thế giới, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện sức lực của mình hơn hẳn tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Phạm Hộ Thế, người, chẳng phải người, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện Bồ Tát sắc tướng oai quang, hơn hẳn tất cả Thích Phạm Hộ Thế, mà hiện thân đồng tử.

Vì khiến cho chúng sinh tham đắm dục lạc hoan hỉ pháp lạc, mà hiện thân đồng tử.

Vì tôn trọng chánh pháp, siêng cúng dường Phật, khắp cùng mười phương tất cả thế giới, mà hiện thân đồng tử.

Vì hiện được Phật gia bị, được pháp quang minh, mà hiện thân đồng tử. Đó là mười.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc mà hiện thân đồng tử. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì hiện thông đạt tất cả văn tự, toán số, vẽ hoạ, thư ấn tỉ, v.v… đủ thứ nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.

2. Vì hiện thông đạt các thứ nghệ thuật, cỡi voi, cỡi ngựa, đánh xe, bắn cung, kiếm kích, mười tám thứ binh khí, đủ thứ võ thuật nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.

3. Vì hiện thông đạt tất cả văn bút, đàm luận, cờ nhạc, đủ thứ những việc thế gian, mà hiện thân đồng tử. Khi Phật còn lúc thân đồng tử, đầy đủ đại trí huệ và đại thần lực, văn võ song toàn, chẳng có gì mà không thông đạt, chẳng có gì mà không biết. Đối với các thứ nghệ thuật, nhất là võ thuật, không ai hơn Ngài được. Bắn cung thì đứng xa hàng trăm thước, bách phát bách trúng. Tóm lại, bất luận là văn hay võ, học một biết mười, hoặc không có thầy dạy mà tự thông, đó là bậc Thánh khi sinh ra đã biết.

4. Vì hiện xa lìa các lỗi lầm thân lời ý nghiệp, mà hiện thân đồng tử.

5. Vì hiện nhập môn thiền định trụ Niết Bàn, khắp cùng mười phương vô lượng thế giới, mà hiện thân đồng tử.

6. Vì hiện sức lực của mình hơn hẳn tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Đề Hoàn Nhơn, Đại Phạm Thiên Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, người, chẳng phải người, mà hiện thân đồng tử.

7. Vì hiện Bồ Tát sắc tướng oai quang, hơn hẳn tất cả Thích Đề Hoàn Nhơn, Đại Phạm Thiên Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, mà hiện thân đồng tử.

8. Vì khiến cho chúng sinh tham đắm dục lạc, đổi thành hoan hỉ pháp lạc, mà hiện thân đồng tử.

9. Vì tôn trọng chánh pháp, siêng cúng dường tất cả chư Phật, khắp cùng mười phương tất cả thế giới, mà hiện thân đồng tử.

10. Vì hiện được Phật gia bị, được pháp quang minh chiếu khắp, mà hiện thân đồng tử.

Đó là mười cảnh giới hiện thân đồng tử của Bồ Tát.

Phật tử ! Đại Bồ Tát hiện thân đồng tử rồi, do mười việc mà hiện ở cung vua. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì khiến cho căn lành của chúng sinh đồng hành đời quá khứ thành thục, mà hiện ở cung vua.

Vì hiển bày sức căn lành của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.

Vì các trời người tham đắm đồ vui thích, thị hiện đồ vui thích đại oai đức của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.

Vì thuận tâm chúng sinh đời năm trược, mà hiện ở cung vua.

Vì hiện sức đại oai đức của Bồ Tát, có thể nơi thâm cung nhập tam muội, mà hiện ở cung vua.

Vì khiến cho chúng sinh đồng nguyện đời trước viên mãn ý của họ, mà hiện ở cung vua. 

Vì muốn khiến cho cha mẹ thân bằng quyến thuộc viên mãn sở nguyện, mà hiện ở cung vua.

Vì muốn dùng kỹ nhạc vang ra diệu âm thanh, cúng dường tất cả các Như Lai, mà hiện ở cung vua.

Vì muốn ở nội cung trụ tam muội vi diệu, ban đầu từ thành Phật, cho đến Niết Bàn, đều thị hiện, mà hiện ở cung vua.

Vì tuỳ thuận giữ gìn các Phật pháp, mà hiện ở cung vua. Đó là mười. 

Thân Bồ Tát cuối cùng thị hiện ở cung vua như vậy rồi, sau đó xuất gia.

Các vị đệ tử của Phật ! Khi đại Bồ Tát hiện thân đồng tử rồi, do mười việc mà hiện ở cung vua. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì khiến cho căn lành của chúng sinh cùng tu hành với mình trong đời quá khứ thành thục, mà hiện ở cung vua.
2. Vì hiển bày sức căn lành của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.
3. Vì chư Thiên và người ở nhân gian, tham đắm đồ vui thích, chẳng biết tu hành, mới thị hiện đồ vui thích đại oai đức của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.
4. Vì thuận theo tâm của tất cả chúng sinh đời năm trược (Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược) mà hiện ở cung vua.
5. Vì hiện sức đại oai đức của Bồ Tát, có thể nơi thâm cung nhập tam muội, mà hiện ở cung vua.
6. Vì khiến cho chúng sinh đồng phát nguyện đời trước, viên mãn ý nguyện của họ, mà hiện ở cung vua.
7. Vì muốn khiến cho cha mẹ và thân bằng quyến thuộc, viên mãn sở nguyện của họ, mà hiện ở cung vua.
8. Vì muốn dùng đủ thứ kỹ nhạc, vang ra diệu âm thanh, cúng dường tất cả các Như Lai, mà hiện ở cung vua.
9. Vì muốn ở nội cung trụ tam muội vi diệu, ban đầu từ thành Phật, cho đến Niết Bàn, đều thị hiện cảnh giới đó, mà hiện ở cung vua.
10. Vì tuỳ thuận giữ gìn pháp của chư Phật nói, mà hiện ở cung vua.

Đó là mười cảnh giới thị hiện ở cung vua của Bồ Tát. Thân Bồ Tát cuối cùng thị hiện ở cung vua như vậy rồi, sau đó thị hiện cảnh giới xuất gia.

Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện xuất gia. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì chán ở nhà, mà thị hiện xuất gia. Vì chúng sinh chấp trước nhà, khiến cho họ xả lìa, mà thị hiện xuất gia. Vì tuỳ thuận tin ưa đạo Thánh nhân, mà thị hiện xuất gia. Vì tuyên dương tán thán công đức xuất gia, mà thị hiện xuất gia. Vì hiển bày vĩnh viễn lìa cái thấy hai bên, mà thị hiện xuất gia. Vì khiến cho chúng sinh lìa dục lạc ngã lạc, mà thị hiện xuất gia. Vì trước hiện tướng thoát khỏi ba cõi, mà thị hiện xuất gia. Vì hiện tự tại chẳng lệ thuộc người khác, mà thị hiện xuất gia. Vì hiển bày sẽ đắc được pháp mười lực vô uý của Như Lai, mà thị hiện xuất gia. Vì thân cuối cùng của Bồ Tát pháp phải như vậy, mà thị hiện xuất gia. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà điều phục chúng sinh.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện xuất gia. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì chán ở nhà, mà thị hiện xuất gia.
2. Vì chúng sinh chấp trước nhà, khiến cho họ xả lìa nhà sinh tử, nhà phiền não, nhà ba cõi, mà thị hiện xuất gia.
3. Vì tuỳ thuận tin ưa đạo Thánh nhân, mà thị hiện xuất gia.
4. Vì tuyên dương tán thán công đức xuất gia vô lượng, mà thị hiện xuất gia.
5. Vì hiển bày vĩnh viễn lìa cái thấy hai bên có, không, mà thị hiện xuất gia.
6. Vì khiến cho tất cả chúng sinh lìa dục lạc và ngã lạc, mà thị hiện xuất gia.
7. Vì trước hiện tướng thoát khỏi ba cõi, mà thị hiện xuất gia.
8. Vì hiện tự tại chẳng lệ thuộc người khác, mà thị hiện xuất gia.
9. Vì hiển bày sẽ đắc được pháp mười lực và bốn vô uý của Như Lai, mà thị hiện xuất gia.
10. Vì thân cuối cùng của Bồ Tát pháp phải như vậy, mà thị hiện xuất gia

Đó là mười cảnh giới thị hiện xuất gian. Bồ Tát dùng mười thứ cảnh giới nầy, mà điều phục tất cả chúng sinh.

Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện tu khổ hạnh. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì thành tựu chúng sinh kém hiểu biết, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì trừ chúng sinh tà kiến, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chúng sinh chẳng tin nghiệp báo, khiến cho họ thấy nghiệp báo, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì tuỳ thuận thế giới tạp nhiễm, pháp phải như vậy, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì thị hiện nhẫn chịu khổ nhọc siêng tu đạo, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì khiến cho chúng sinh thích cầu pháp, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chúng sinh tham đắm dục lạc ngã lạc, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì hiển bày Bồ Tát khởi hạnh thù thắng, cho đến đời cuối cùng, vẫn chẳng bỏ sự siêng năng tinh tấn, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì khiến cho chúng sinh ưa pháp tịch tĩnh tăng trưởng căn lành, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chư Thiên người đời các căn chưa thành thục, đợi lúc thành thục, mà thị hiện tu khổ hạnh. Đó là mười. 
Bồ Tát nhờ phương tiện nầy, mà điều phục tất cả chúng sinh.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện tu khổ hạnh. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì thành tựu chúng sinh kém hiểu biết, mà thị hiện tu khổ hạnh.
2. Vì diệt trừ chúng sinh tà kiến, mà thị hiện tu khổ hạnh.
3. Vì chúng sinh chẳng tin nghiệp báo, khiến cho họ thấy được cảnh giới nghiệp báo, mà thị hiện tu khổ hạnh.
4. Vì tuỳ thuận thế giới tạp nhiễm, pháp phải như vậy, mà thị hiện tu khổ hạnh.
5. Vì thị hiện nhẫn chịu được mọi khổ nhọc, siêng tu tất cả Thánh đạo, mà thị hiện tu khổ hạnh.
6. Vì khiến cho tất cả chúng sinh thích cầu pháp, mà thị hiện tu khổ hạnh.
7. Vì chúng sinh tham đắm năm dục lạc và ngã lạc, mà thị hiện tu khổ hạnh.
8. Vì hiển bày Bồ Tát khởi hạnh thù thắng, cho đến đời cuối cùng, vẫn không bỏ sự siêng năng tinh tấn, mà thị hiện tu khổ hạnh.
9. Vì khiến cho tất cả chúng sinh, ưa thích pháp tịch tĩnh, tăng trưởng tất cả căn lành, mà thị hiện tu khổ hạnh.
10. Vì chư Thiên và người đời các căn chưa thành thục, đợi lúc thành thục, mà thị hiện tu khổ hạnh.

Đó là mười cảnh giới thị hiện tu khổ hạnh. Bồ Tát dùng mười pháp phương tiện tu khổ hạnh nầy, để điều phục tất cả chúng sinh.

Bí quyết của người tu hành là ăn ít. Tại sao vậy ? Vì ăn ít thì sinh dục niệm ít. Ít dục thì biết đủ, biết đủ thì thường an lạc, thường an lạc thì chẳng có phiền não. Chẳng có phiền não thì sinh bồ đề, sinh bồ đề thì đắc được giải thoát, đắc được giải thoát thì nhậm vận tự tại. Sinh tử tự tại, thì trí huệ tự tại. Tóm lại, tất cả đều tự tại, đó là con đường người tu hành phải đi qua.
Người tu hành phải nhẫn nại, bất cứ cảnh giới gì đến khảo nghiệm, đều phải dùng tâm nhẫn nại để chịu đựng, để vượt qua gian nan thử thách, hết gió thì sóng lặng, tự nhiên được an bình. Lúc làm việc, dù không muốn làm cũng nhẫn nại đi làm. Lâu dần, tập quán thành tự nhiên. Tóm lại, bất cứ làm việc gì, đều phải tâm an lý đắc mà làm, đừng có tâm lý lười biếng, hoặc trốn tránh công việc. Nếu có tư tưởng « Một ngày làm hoà thượng, một ngày đánh chuông », thì đó là trái ngược lại với đạo. Nói thẳng ra là nương Phật mặc y, dựa vào Phật kiếm cơm ăn.

Tôi một đời dùng hai chữ « Nhẫn nại » làm kim châm tu hành, bất cứ gặp hoàn cảnh nào, cũng tuyệt đối không đầu hàng, tất cả đều nhẫn thọ nơi thân tâm. Khi tôi còn ở tại Đông Bắc Trung Quốc, có thể chịu đựng nóng lạnh. Vào những tháng mùa đông lạnh nhất, tôi không mang tất, đi chân không đi trên băng tuyết, chân lạnh cấn rất đau buốt, tôi cũng chịu đựng, khi chịu đựng thì không còn đau nữa. Còn vào mùa nóng nực, thì nóng nực không thể tả, làm cho con người xây xẩm mặt mày, mắt hoa lên. Khi đi đường thì chịu không thấu, trước mặt toàn là màu đen. Nếu người bình thường, thì bị nóng thiêu đốt khó mà chịu được, nhưng tôi nhận rằng không có gì hết, ngồi xuống để nghỉ ngơi một chút là khoẻ lại. Tôi dùng hai chữ nhẫn nại làm pháp bảo, để khắc phục tất cả mọi khó khăn, chịu nóng chịu lạnh, chịu gió chịu mưa, chịu đói chịu khát, tất cả đều nhẫn chịu được, tuyệt đối không giơ cờ trắng đầu hàng.

Khi tôi xuất gia rồi, chuyên tu pháp môn nhẫn nhục, nếu có ai chửi tôi, thì tôi nghe như không nghe, hoặc tôi coi như nghe ca hát, tự nhiên bình an vô sự. Nếu có ai đánh tôi, thì tôi tuyệt đối không đánh lại, dùng thái độ tâm bình khí hoà để tiếp nhận. Còn phải nhẫn thọ lễ công phu sáng, lúc sáng sớm tinh mơ, chưa có tiếng động gì, thì lập tức thức dậy, rửa mặt súc miệng, lên chánh điện trước đứng chờ. Mỗi lần như vậy đều đến sớm mười lăm phút, chẳng có lần nào đến trễ.

Từ khi tôi xuất gia cho đến bây giờ, đều dùng nhẫn nại để hành sự. Khi tôi ra bên ngoài tham học, bất cứ khoá lễ sáng tối, hoặc giảng kinh thuyết pháp, hoặc nghe kinh nghe pháp, lên chánh điện, hay quá đường, không khi nào trễ một phút, đều đến trước giờ. Đó là tình hình quá khứ của tôi, hôm nay nói cho mọi người biết, đó là tôi hiện thân thuyết pháp vậy.

Muốn chân thật tu hành, thì không thể nào lười biếng, làm việc thì phải đi trước. Không thể không có tâm nhẫn nại, phải nhẫn nại chịu đựng được tất cả mọi việc, đó là kim chỉ nam của người tu hành. Nhất là thời kỳ học tập, càng phải chịu đựng. Nhất là lúc không thể chịu đựng được, cũng phải chịu đựng. Do đó có câu :

« Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời xanh ».

Không thể tuỳ tiện nổi nóng, phải biết rằng lửa vô minh có thể thiêu đốt rừng công đức. Đó là danh ngôn chí lý, cũng là nói về kinh nghiệm, nên nhớ ! Nên nhớ ! Hãy cẩn thận đừng có động lửa trong gan.

Các vị ! Không thể tuỳ tiện nổi nóng, cảm thấy như vầy là không đúng, như thế kia cũng không đúng, nhìn cái gì cũng không vừa mắt, sự việc trên thế gian đều không như ý của mình, nhưng hãy lùi một bước nghĩ, nhẫn, nhẫn, một nhẫn vạn sự đều xong, phiền não gì cũng không có.

Chúng ta người tu hành, tất cả đều phải tu cách chân thật, không thể giải đãi, không thể phóng dật, phải giữ gìn quy cụ của đạo tràng. Chẳng phải nói ngày ngày đến nghe kinh đều đều, còn đối với những việc khác thì lơ là, tư tưởng như thế cũng không được. Hoặc là giờ cúng ngọ, khoá lễ sáng, hoặc pháp hội, đều phải đến chánh điện trước đứng chờ. Tương lai đắc được quả báo mới được viên mãn. Bằng không, đến trễ như thế, thì tương lai sẽ mật đi cơ hội khai ngộ. Phàm là làm việc gì, đều đến trễ một bước, thì công đức đắc được, cũng sẽ không được viên mãn.

Chúng ta người tu hành, đừng tự mình giảng đạo lý cho chính mình, tự mình làm luật sư biện hộ cho chính mình. Do đó có câu : « Nhân nào thì quả đó ». Trồng nhân lành thì được quả lành, trồng nhân ác thì được quả ác, đó là định luật thiên kinh địa nghĩa. Nếu trồng nhân viên mãn, thì sẽ kết quả viên mãn, trồng nhân một nửa, thì kết quả một nửa. Điểm nầy, phải thật sự hiểu rõ, không thể để gió thoảng qua tai.

Phật tử ! Đại Bồ Tát đi đến Đạo Tràng có mười việc. Những gì là mười ? 

Đó là : Khi đi đến Đạo Tràng, thì chiếu sáng khắp tất cả thế giới. Khi đi đến Đạo Tràng, thì chấn động tất cả thế giới. Khi đi đến Đạo Tràng, thì trong tất cả thế giới khắp hiện thân Ngài. Khi đi đến Đạo Tràng, thì giác ngộ tất cả Bồ Tát và tất cả chúng sinh đồng hành trong quá khứ. Khi đi đến Đạo Tràng, thì thị hiện Đạo Tràng tất cả đều trang nghiêm. Khi đi đến Đạo Tràng, thì tuỳ sở thích của chúng sinh mà vì họ hiện thân, đủ thứ oai nghi, và cây bồ đề tất cả đều trang nghiêm. Khi đi đến Đạo Tràng, thì hiện thấy mười phương tất cả Như Lai. Khi đi đến Đạo Tràng, thì dở chân hạ chân, thường nhập tam muội, niệm niệm thành Phật, không có vượt cách. Khi đi đến Đạo Tràng, thì tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Phạm Hộ Thế, tất cả các vị vua, đều không biết nhau, mà đều dâng lên đủ thứ đồ cúng dường thượng diệu. Khi đi đến Đạo Tràng, thì dùng trí vô ngại quán khắp tất cả các Như Lai, trong tất cả thế giới tu Bồ Tát hạnh mà thành Chánh Giác. Đó là mười. Bồ Tát dùng đây để giáo hoá chúng sinh.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát đi đến Đạo Tràng có mười việc. Những gì là mười ? Đó là :

1. Khi đi đến Đạo Tràng, thì phóng quang chiếu sáng khắp tất cả thế giới.
2. Khi đi đến Đạo Tràng, thì chấn động tất cả thế giới, có mười tám hiện tượng chấn động.
3. Khi đi đến Đạo Tràng, thì trong tất cả thế giới đều khắp hiện thân Ngài.
4. Khi đến Đạo Tràng, thì giác ngộ tất cả Bồ Tát và tất cả chúng sinh đồng hành trong quá khứ.
5. Khi đi đến Đạo Tràng, thì thị hiện Đạo Tràng tất cả đều trang nghiêm.
6. Khi đến Đạo Tràng, thì tuỳ sở thích của chúng sinh mà vì họ hiện thân thuyết pháp, có đủ thứ oai nghi, và cây bồ đề tất cả đều trang nghiêm.
7. Khi đi đến Đạo Tràng, thì hiện thấy mười phương tất cả Như Lai.
8. Khi đi đến Đạo Tràng, thì dở chân hạ chân, thường nhập tam muội, niệm niệm thành Phật đạo, không có vượt cách.
9. Khi đến Đạo Tràng, thì tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Đề Hoàn Nhân, Đại Phạm Thiên Vương, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, tất cả các vị vua, họ đều không biết nhau, mà đều dâng lên đủ thứ đồ cúng dường thượng diệu cúng dường Phật.
10. Khi đến Đạo Tràng, thì dùng mắt trí huệ vô ngại, quán khắp tất cả các Như Lai, trong tất cả thế giới tu Bồ Tát hạnh mà thành Chánh Giác.

Đó là mười cảnh giới Bồ Tát đi đến Đạo Tràng. Bồ Tát dùng những cảnh giới nầy, để giáo hoá tất cả chúng sinh.

Phật tử ! Đại Bồ Tát ngồi đạo tràng, có mười việc. Những gì là mười ? 

Đó là : Khi ngồi đạo tràng, thì có đủ thứ chấn động tất cả thế giới. Khi ngồi đạo tràng thì bình đẳng chiếu sáng tất cả thế giới. Khi ngồi đạo tràng, thì diệt trừ khổ tất cả cõi ác. Khi ngồi đạo tràng, thì khiến cho tất cả thế giới kim cang sở thành. Khi ngồi đạo tràng, thì quán khắp toà sư tử của tất cả chư Phật Như Lai. Khi ngồi đạo tràng, thì tâm như hư không chẳng có sự phân biệt. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ theo chỗ đáng hiện thân oai nghi. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ thuận an trụ kim cang tam muội. Khi ngồi đạo tràng, thì thọ thần lực gia trì thanh tịnh diệu xứ của tất cả Như Lai. Khi ngồi đạo tràng, thì Phật dùng sức căn lành của mình, đều gia bị cho tất cả chúng sinh. Đó là mười.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát ngồi đạo tràng, có mười việc. Những gì là mười ? Đó là :

1. Khi ngồi đạo tràng, thì có đủ thứ sự chấn động tất cả thế giới.
2. Khi ngồi đạo tràng, thì phóng đại quang minh, bình đẳng chiếu sáng tất cả thế giới.
3. Khi ngồi đạo tràng, thì diệt trừ khổ tất cả cõi ác.
4. Khi ngồi đạo tràng, thì khiến cho tất cả thế giới kim cang sở thành.
5. Khi ngồi đạo tràng, thì quán khắp toà sư tử của tất cả chư Phật Như Lai.
6. Khi ngồi đạo tràng, thì tâm như hư không chẳng có sự phân biệt.
7. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ theo chúng sinh, đáng hiện thân đủ thứ oai nghi.
8. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ thuận an trụ trong kim cang tam muội.
9. Khi ngồi đạo tràng, thì thọ thần lực gia trì thanh tịnh diệu xứ của tất cả Như Lai.
10. Khi ngồi đạo tràng, thì Phật dùng sức căn lành của mình đều gia bị cho tất cả chúng sinh. Đó là mười cảnh giới ngồi đạo tràng của Bồ Tát.

Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì có mười việc kỳ đặc chưa từng có. Những gì là mười ? 

Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai mười phương thế giới, đều hiện ra ở trước. Đều dơ tay phải mà khen ngợi rằng : Lành thay ! Lành thay ! Vô thượng Đạo sư. Đó là việc chưa từng có thứ nhất.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai thảy đều hộ niệm, ban cho Bồ Tát oai lực. Đó là việc chưa từng có thứ hai. 

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì các chúng Bồ Tát đồng tu đời quá khứ, đều đến vây quanh, đem đủ thứ đồ trang nghiêm, cung kính cúng dường. Đó là việc chưa từng có thứ ba.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì cỏ cây lùm rừng trong tất cả thế giới, các vật vô tình, đều khom mình thấp bóng, hướng về đạo tràng. Đó là việc chưa từng có thứ tư.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Quán sát pháp giới. Sức tam muội đó, hay khiến cho tất cả các hạnh của Bồ Tát, đều được viên mãn. Đó là việc chưa từng có thứ năm.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì có mười việc kỳ đặc chưa từng có. Những gì là mười ?

1. Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai mười phương thế giới, đều hiện ra ở trước. Đều cùng dơ tay phải mà khen ngợi rằng : Lành thay ! Lành thay ! Vô thượng Đạo sư. Đó là việc chưa từng có thứ nhất.

2. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai mười phương đều đến hộ niệm, ban cho Bồ Tát đại oai thần lực. Đó là việc chưa từng có thứ hai.

3. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì các chúng Bồ Tát đồng tu đời quá khứ, đều đến vây quanh, đem đủ thứ đồ trang nghiêm, cung kính cúng dường. Đó là việc chưa từng có thứ ba.

4. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì cỏ cây lùm rừng trong tất cả thế giới, các vật vô tình, đều khom mình thấp bóng, hướng về đạo tràng. Đó là việc chưa từng có thứ tư.

5. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Quán sát pháp giới. Sức tam muội đó, hay khiến cho tất cả các hạnh của Bồ Tát tu, đều được viên mãn. Đó là việc chưa từng có thứ năm.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được Đà La Ni, tên là Tối thượng ly cấu diệu quang hải tạng, hay thọ mây lớn mưa pháp của tất cả chư Phật Như Lai. Đó là việc chưa từng có thứ sáu.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì dùng sức oai đức, hiện ra đồ cúng thượng diệu, cúng dường khắp chư Phật trong tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ bảy.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì trụ trí tối thắng, đều hiện rõ biết các căn ý hành của tất cả chúng sinh. Đó là việc chưa từng có thứ tám.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Thiện giác. Sức tam muội đó, hay khiến cho thân của Bồ Tát đầy khắp ba đời, tận cõi hư không tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ chín.

Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được đại trí vô ngại ly cấu quang minh, khiến cho thân nghiệp của Bồ Tát vào khắp ba đời. Đó là việc chưa từng có thứ mười.

Phật tử ! Đó là mười việc kỳ đặc chưa từng có của Bồ Tát khi ngồi đạo tràng.

6. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được pháp Đà La Ni, tên là Tối thượng ly cấu diệu quang hải tạng, hay thọ trì mây lớn mưa pháp của tất cả chư Phật Như Lai. Đó là việc chưa từng có thứ sáu.

7. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì dùng sức đại oai đức, hiện ra đồ cúng dường thượng diệu, cúng dường khắp chư Phật trong tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ bảy.

8. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì trụ trong trí huệ tối thù thắng, đều hiện rõ biết các căn ý hành của tất cả chúng sinh, tức cũng là sự việc suy nghĩ trong tâm của chúng sinh, Bồ Tát đều biết, đều thấy. Đó là việc chưa từng có thứ tám.

9. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Thiện giác. Sức tam muội đó, hay khiến cho thân của Bồ Tát đầy khắp ba đời, tận cõi hư không tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ chín.

10. Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được đại trí vô ngại ly cấu quang minh, khiến cho thân nghiệp của Bồ Tát vào khắp ba đời. Đó là việc chưa từng có thứ mười.

Phật tử ! Đó là mười việc kỳ đặc chưa từng có của Bồ Tát khi ngồi đạo tràng.

Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì do quán mười thứ nghĩa, mà thị hiện hàng ma. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì chúng sinh đời ác trược thích đấu tranh, vì muốn hiển bày sức oai đức của Bồ Tát, mà thị hiện hàng ma.

Vì chư Thiên người đời có kẻ hoài nghi, vì dứt nghi của họ, mà thị hiện hàng ma.

Vì giáo hoá điều phục các ma quân, mà thị hiện hàng ma.

Vì muốn khiến cho chư Thiên, người đời, kẻ thích quân trận, đều tụ đến xem, tâm được điều phục, mà thị hiện hàng ma.

Vì hiển bày oai lực của Bồ Tát, trên thế gian không ai địch nổi, mà thị hiện hàng ma.

Vì muốn phát khởi sức dũng mãnh của tất cả chúng sinh, mà thị hiện hàng ma.

Vì thương xót các chúng sinh đời vị lai, mà thị hiện hàng ma.

Vì muốn hiển bày cho đến đạo tràng do có quân ma đến xúc não, nhờ đó mới vượt qua được cảnh giới ma, mà thị hiện hàng ma.

Vì hiển bày phiền não nghiệp dụng yếu kém, đại từ căn lành thế lực mạnh mẽ, mà thị hiện hàng ma.

Vì muốn tuỳ thuận pháp hành thế giới ác trược, mà thị hiện hàng ma. Đó là mười.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì do quán mười thứ nghĩa, mà thị hiện hàng ma. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì chúng sinh đời ác năm trược thích đấu tranh, vì muốn hiển bày sức oai đức của Bồ Tát, mà thị hiện tướng hàng ma.

2. Vì chư Thiên và người đời có kẻ hoài nghi, vì dứt trừ nghi hoặc của họ, mà thị hiện tướng hàng ma.

3. Vì giáo hoá điều phục các ma quân, mà thị hiện tướng hàng ma.

4. Vì muốn khiến cho chư Thiên và người đời kẻ thích quân trận chiến đấu, khiến cho họ đều tụ đến xem, tâm được điều phục, chẳng còn tư tưởng đấu tranh, mà thị hiện tướng hàng ma.

5. Vì hiển bày oai lực của Bồ Tát, trên thế gian không ai địch nổi, mà thị hiện tướng hàng ma.

6. Vì muốn phát khởi sức dũng mãnh của tất cả chúng sinh, tinh tấn tiến về trước, học tập Phật đạo, mà thị hiện tướng hàng ma.

7. Vì thương xót các chúng sinh đời vị lai, trong đó bao quát bạn, tôi và họ. Hiện tại chúng ta đều là chúng sinh đời vị lai, chúng ta rất đáng thương sót, cử chỉ hành động đều điên đảo, rõ ràng biết không đúng mà vẫn đi làm. Biết rõ tu hành phải giữ giới luật, nhưng ở trong sự bất tri bất giác lại phạm giới. Phật thương xót chúng ta chúng sinh ngu si, cho nên mới thị hiện tướng hàng ma.

8. Vì muốn hiển bày cho đến đạo tràng, vẫn còn có ma vương Ba Tuần phái quân ma và ma nữ đến nhiễu loạn, do có quân ma đến xúc não, sau đó mới vượt qua được cảnh giới ma, hàng phục được ma, mà thị hiện tướng hàng ma.

9. Vì hiển bày phiền não nghiệp dụng yếu kém, đại từ căn lành thế lực rất mạnh mẽ, mà thị hiện tướng hàng ma.

10. Vì muốn tuỳ thuận pháp chúng sinh hành đời ác năm trược, luôn thuận chúng sinh để giáo hoá, mà thị hiện tướng hàng ma. Đó là mười tướng thị hiện hàng ma.

Ở trong Phật giáo, Phật và ma như một. Hàng phục quân ma, điều trị ngoại đạo, đó đều là thần thông của Phật, do đó có câu : « Phật, ma như một ». Sau khi Phật thành Phật rồi, kế thừa Phật vị, sau đó khi về hưu Phật vị, hoặc thị hiện chư Thiên, hoặc thị hiện ông vua, hoặc thị hiện quan lớn, hoặc thị hiện ma vương, đều không nhất định. Hiện tại đang nói về hàng ma, đây là một sự nhân duyên, do đó có câu :

« Pháp do nhân duyên sinh
Ta nói tức là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng gọi nghĩa trung đạo ».

Do  đó, từ bốn câu nầy xem ra, thì hết thảy tất cả đều như huyễn, như hoá, chẳng có gì chân thật, cũng chẳng có gì để chấp trước.

Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thành Như Lai lực. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì vượt qua tất cả các ma phiền não nghiệp, nên thành Như Lai lực. Vì đầy đủ tất cả Bồ Tát hạnh du hí tất cả môn tam muội của Bồ Tát, nên thành Như Lai lực. Vì đầy đủ tất cả thiền định rộng lớn của Bồ Tát, nên thành Như Lai lực. Vì viên mãn tất cả pháp trắng tịnh trợ đạo, nên thành Như Lai lực. Vì đắc được tất cả pháp trí huệ quang minh khéo tư duy phân biệt, nên thành Như Lai lực. Vì thân khắp cùng tất cả thế giới, nên thành Như Lai lực. Vì chỗ vang ra lời nói âm thanh, đều đồng với tất cả tâm chúng sinh, nên thành Như Lai lực. Vì hay dùng thần lực gia trì tất cả, nên thành Như Lai lực. Vì thân miệng ý nghiệp đồng với chư Phật ba đời, không có sự khác biệt, ở trong một niệm thấu rõ pháp ba đời, nên thành Như Lai lực. Vì đắc được thiện giác trí tam muội, đủ mười lực của Như Lai, đó là : Xứ phi xứ trí lực, cho đến lậu tận trí lực, nên thành Như Lai lực. Đó là mười. 

Nếu các Bồ Tát đủ mười lực nầy, thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát có mười thứ thành Như Lai lực. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì vượt qua tất cả các ma phiền não nghiệp không nhiễm ô, nên thành tựu Như Lai lực.
2. Vì đầy đủ tất cả Bồ Tát hạnh, du hí tất cả môn tam muội của Bồ Tát chứng đắc, nên thành Như Lai lực.
3. Vì đầy đủ tất cả thiền định rộng lớn của Bồ Tát, nên thành Như Lai lực.
4. Vì viên mãn tất cả pháp môn trắng tịnh trợ đạo, nên thành Như Lai lực.
5. Vì chứng được tất cả pháp trí huệ quang minh, khéo tư duy phân biệt, nên thành Như Lai lực.
6. Vì pháp thân Phật khắp cùng tất cả mọi nơi, trong tất cả thế giới, chỗ nào cũng đều có pháp thân Phật, chẳng có chỗ nào mà chẳng có, nên thành Như Lai lực.
7. Vì bất cứ chỗ nào vang ra lời nói âm thanh, đều đồng với tất cả tâm chúng sinh, nên thành Như Lai lực.
8. Vì hay dùng tất cả thần thông lực để gia trì tất cả chúng sinh, nên thành Như Lai lực.
9. Vì thân miệng ý nghiệp đồng với chư Phật ba đời không có sự khác biệt, ở trong một niệm thấu rõ pháp ba đời, nên thành Như Lai lực.
10. Vì chứng được thiện giác trí tam muội, đầy đủ mười lực của Như Lai, đó là : Xứ phi xứ trí lực, cho đến lậu tận trí lực, nên thành Như Lai lực.

Đó là mười pháp thành tựu mười lực của Như Lai. Nếu các Bồ Tát đủ mười lực nầy, thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển đại pháp luân, có mười việc. Những gì là mười ? 

Một là đầy đủ trí huệ thanh tịnh bốn vô uý. Hai là sinh ra bốn biện tài tuỳ thuận âm thanh. Ba là khéo hay khai xiểng tướng bốn chân đế. Bốn là tuỳ thuận vô ngại giải thoát của chư Phật. Năm là hay khiến tâm chúng sinh đều tin thanh tịnh. Sáu là hết thảy lời nói đều chẳng tổn hại, hay nhổ mũi tên độc các khổ của chúng sinh. Bảy là dùng đại bi nguyện lực gia trì. Tám là tuỳ thuận vang ra âm thanh, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Chín là trong A tăng kỳ kiếp, nói pháp không dứt. Mười là tuỳ chỗ nói pháp, đều hay sinh khởi căn lực giác đạo, thiền định giải thoát, tam muội các pháp.

Phật tử ! Chư Phật Như Lai chuyển bánh xe pháp, có vô lượng việc như vậy.

Các vị đệ tử của Phật ! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển đại pháp luân, thì có mười việc. Những gì là mười ?

1. Đầy đủ trí huệ thanh tịnh bốn vô uý. Tức là :
a. Nhất thiết trí vô uý.
b. Lậu tận vô uý.
c. Nói chướng đạo vô uý.
d. Nói đạo hết khổ vô uý.

2. Sinh ra bốn vô ngại biện, tức là :
a. Pháp vô ngại biện.
b. Nghĩa vô ngại biện.
c. Từ vô ngại biện.
d. Lạc thuyết vô ngại biện.
Tuỳ thuận âm thanh đó mà làm Phật sự.

3. Ba là khéo hay khai xiểng diễn nói tướng bốn chân đế, tức là :
a. Khổ chân đế.
b. Tập chân đế.
c. Diệt chân đế.
d. Đạo chân đế.
Do đó : « Biết khổ, dứt tập, mộ diệt, chứng đạo ».

4. Tuỳ thuận vô ngại giải thoát của tất cả chư Phật. Giải thoát là giải sự ràng buộc hoặc nghiệp, thoát quả khổ ba cõi. Giải thoát phân ra gồm có hữu vi giải thoát và vô vi giải thoát. Hữu vi giải thoát là A la hán trí huệ vô lậu chân chánh; vô vi giải thoát tức là Niết Bàn. Lại phân ra là : Không giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát, đây là thiền định giải thoát.

5. Hay khiến tâm của tất cả chúng sinh đều tin thanh tịnh, y pháp tu hành.

6. Hết thảy lời nói đều chẳng tổn hại, nghĩa là không luống qua, không lãng phí, khiến cho chúng sinh nhớ mãi lời nói, vĩnh viễn không quên, hay nhổ mũi tên độc các khổ của tất cả chúng sinh.

7. Dùng đại bi nguyện lực gia trì tất cả chúng sinh.

8. Tuỳ thuận vang ra âm thanh, khắp cùng mười phương tất cả thế giới.

9. Trong A tăng kỳ kiếp, nói pháp không dứt.

10. Tuỳ chỗ nói pháp, đều hay sinh khởi năm căn, năm lực và bảy giác phần, tám chánh đạo, thiền định giải thoát, và tam muội các pháp.

Phật tử ! Chư Phật Như Lai chuyển bánh xe pháp, có vô lượng việc như vậy.

Phật tử ! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển bánh xe pháp, do mười việc, nên ở trong tâm chúng sinh gieo trồng pháp trắng tịnh, không luống qua. Những gì là mười ? 
Đó là : Vì nguyện lực quá khứ. Vì đại bi nhiếp trì. Vì không bỏ chúng sinh. Vì trí huệ tự tại, tuỳ sự ưa thích, mà vì họ thuyết pháp. Vì rất đúng thời, chưa từng thất thời. Vì tuỳ sự thích nghi, không vọng thuyết. Vì trí huệ biết ba đời, khéo biết rõ. Vì thân tối thắng, không ai sánh bằng. Vì lời lẽ tự tại, không thể dò được. Vì trí huệ tự tại, tuỳ sự nói ra, đều khai ngộ. Đó là mười.

Các vị đệ tử của Phật ! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển bánh xe pháp, do mười việc, nên ở trong tâm chúng sinh gieo trồng pháp trắng tịnh, không luống qua, nghĩa là chẳng có một chúng sinh nào mà không đắc được pháp thanh tịnh nầy. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì nguyện lực đã phát ra trong quá khứ, khiến cho tất cả chúng sinh gieo trồng hạt giống pháp trắng tịnh.
2. Vì nhờ sức đại bi để nhiếp trì tất cả chúng sinh, khiến cho họ gieo trồng pháp trắng tịnh.
3. Vì không bỏ tất cả chúng sinh, khiến cho họ gieo trồng pháp trắng tịnh.
4. Vì trí huệ tự tại, tuỳ sự ưa thích của tất cả chúng sinh, mà vì họ thuyết pháp, khiến cho họ gieo trồng pháp trắng tịnh.
5. Vì rất đúng thời vì chúng sinh thuyết pháp, chưa từng khi nào thất thời, khiến cho họ gieo trồng pháp trắng tịnh.
6. Vì tuỳ sự thích nghi mà vì chúng sinh thuyết pháp, chưa từng nói pháp không đúng cơ.
7. Vì trí huệ biết ba đời, khéo biết rõ pháp ba đời.
8. Vì thân tối thù thắng, không ai sánh bằng.
9. Vì lời lẽ rất tự tại, không cách chi có thể dò được.
10. Vì trí huệ rất tự tại, tuỳ sự nói ra, đều khiến cho tất cả chúng sinh khai ngộ.

Đó là mười pháp trắng tịnh, khi Bồ Tát chuyển bánh xe pháp.

Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác làm Phật sự rồi, do quán mười nghĩa, mà thị hiện Niết Bàn. Những gì là mười ? 

Đó là : Vì thị hiện tất cả hành, thật là vô thường. Vì thị hiện tất cả hữu vi chẳng an ổn. Vì thị hiện đại Niết Bàn là nơi an ổn, không có sự sợ hãi. Vì các trời người ưa chấp sắc thân, nên vì họ hiện sắc thân là pháp vô thường, khiến cho họ nguyện trụ pháp thân thanh tịnh. Vì thị hiện lực vô thường không thể chuyển. Vì thị hiện tất cả hữu vi chẳng tuỳ tâm trụ, chẳng tự tại. Vì thị hiện tất cả ba cõi đều như huyễn hoá, chẳng kiên cố. Vì thị hiện tánh Niết Bàn, rốt ráo kiên cố, không thể hoại. Vì thị hiện tất cả pháp không sinh, không khởi, mà có tụ tập tướng tán hoại.

Phật tử ! Chư Phật Thế Tôn làm Phật sự rồi, sở nguyện viên mãn rồi, chuyển bánh xe pháp rồi, người đáng hoá độ, đều hoá độ xong rồi. Có các Bồ Tát đáng thọ tôn hiệu, thọ ký thành tựu rồi. Pháp phải như vậy, vào nơi đại Niết Bàn không biến đổi.
Phật tử ! Đó là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quán mười nghĩa.

Các vị đệ tử của Phật ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác làm Phật sự rồi, do quán mười nghĩa, mà thị hiện Niết Bàn. Những gì là mười ? Đó là :

1. Vì thị hiện tất cả hành, thật là vô thường. Do đó : « Các hành vô thường », phàm là do nhân duyên mà thành, thì đều là vô thường.
2. Vì thị hiện tất cả pháp hữu vi, chẳng phải là pháp môn an ổn. Pháp thế gian là pháp hữu vi, pháp xuất thế gian là pháp vô vi.
3. Vì thị hiện đại Niết Bàn, là nơi an ổn, không có sự sợ hãi uy hiếp.
4. Vì các trời người ưa chấp sắc thân, hưởng thọ sự vui năm dục, cho nên Bồ Tát vì họ hiện sắc thân là pháp vô thường, khiến cho họ nguyện trụ pháp thân thanh tịnh.
5. Vì thị hiện lực vô thường không thể chuyển động.
6. Vì thị hiện tất cả hữu vi chẳng tuỳ tâm trụ, pháp nầy chẳng tự tại.
7. Vì thị hiện tất cả ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), đều như huyễn hoá, chẳng kiên cố.
8. Vì thị hiện tánh Niết Bàn, rốt ráo kiên cố, không thể hoại.
9. Vì thị hiện tất cả pháp không sinh, cũng không khởi, chỉ có tướng tụ tập và tán hoại.
10. Phật tử ! Chư Phật Thế Tôn làm Phật sự rồi, sở nguyện viên mãn rồi, chuyển bánh xe pháp rồi, người đáng hoá độ, đều hoá độ xong rồi. Có các Bồ Tát đáng thọ tôn hiệu, thọ ký biệt hiệu xong rồi. Pháp phải như vậy, vào nơi đại Niết Bàn không biến đổi.

Các vị Phật tử ! Đó là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quán mười nghĩa lý, thị hiện vào Niết Bàn.
Ở trên là Bồ Tát Phổ Hiền trả lời mười chín câu hỏi về nhân viên quả hạnh, tức cũng có nghĩa là đạo lý nhân viên hạnh viên mãn. Đây là diệu giác Bồ Tát trụ, vì hỏi một đáp mười, nên trả lời thành một trăm chín mươi câu trả lời.

Phật tử ! Pháp môn nầy tên là Bồ Tát quảng đại thanh tịnh hạnh. Vô lượng chư Phật đều cùng tuyên nói, khiến cho bậc trí thấu rõ vô lượng nghĩa, đều sinh hoan hỉ, khiến cho tất cả Bồ Tát đại nguyện đại hạnh đều được tiếp tục.

Phật tử ! Nếu có chúng sinh nghe được pháp nầy, nghe rồi tin hiểu, hiểu rồi tu hành, thì sớm sẽ được thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tại sao ? Vì như lời nói mà tu hành.
Phật tử ! Nếu các Bồ Tát chẳng như lời nói mà tu hành, thì nên biết người đó sẽ xa lìa Phật bồ đề. Cho nên Bồ Tát nên như lời nói mà tu hành.

Các vị đệ tử của Phật ! Pháp môn nầy tên là Bồ Tát quảng đại thanh tịnh hạnh. Vô lượng chư Phật đều cùng tuyên nói, khiến cho bậc có trí huệ thấu rõ vô lượng nghĩa lý, đều sinh tâm đại hoan hỉ, khiến cho tất cả Bồ Tát đại nguyện và đại hạnh đều được tiếp tục không gián đoạn.

Phật tử ! Nếu có chúng sinh nghe được pháp nầy, nghe rồi tin hiểu, tin hiểu rồi y pháp tu hành, thì sớm sẽ được thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Do đó : « Tin, hiểu, hành, chứng », là bốn giai đoạn của sự tu đạo, theo thứ tự thì mới có hiệu quả. Nếu nói mà không tu hành, thì chẳng có ích lợi gì, giống như cái bánh vẽ, không thể ăn được. Tại sao vậy ? Vì như lời nói mà tu hành.

Phật tử ! Nếu có các Bồ Tát chẳng như lời nói mà tu hành, thì nên biết những người đó sẽ vĩnh viễn xa lìa Phật bồ đề. Cho nên Bồ Tát nên như lời nói mà tu hành.

Phật tử ! Tất cả Bồ Tát đó nơi công đức hành, quyết định nghĩa hoa, khắp vào tất cả pháp, khắp sinh ra nhất thiết trí, vượt qua các thế gian, lìa khỏi đạo nhị thừa, chẳng cùng ở với tất cả chúng sinh, đều chiếu rõ tất cả pháp môn, tăng trưởng căn lành xuất thế của chúng sinh, lìa pháp môn phẩm thế gian. Đáng tôn trọng, đáng nghe thọ, đáng tụng trì, đáng tư duy, đáng nguyện ưa thích, đáng tu hành. Nếu được như vậy, thì nên biết người đó sớm được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Các vị đệ tử của Phật ! Tất cả Bồ Tát đó, nơi công đức hành, quyết định nghĩa hoa, khắp vào tất cả pháp, khắp sinh ra nhất thiết trí, vượt qua các thế gian, lìa khỏi đạo nhị thừa, chẳng cùng ở với tất cả chúng sinh, nghĩa là phàm phu tục tử không thể cùng minh bạch pháp nầy, kinh nầy đều chiếu rõ tất cả pháp môn, tăng trưởng căn lành xuất thế của tất cả chúng sinh, lìa khỏi pháp môn phẩm thế gian. Đáng tôn trọng, đáng nghe thọ, đáng tụng trì, đáng tư duy, đáng nguyện ưa thích, đáng tu hành. Nếu được như vậy, thì nên biết người đó sớm sẽ chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tức cũng là Phật vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Khi nói phẩm nầy, thì nhờ thần lực của Phật và pháp môn nầy pháp như vậy, nên mười phương vô lượng vô biên A tăng kỳ thế giới, đều đại chấn động, đại quang minh chiếu khắp.

Khi Bồ Tát Phổ Hiền nói Phẩm Lìa Thế Gian nầy, thì nhờ đại oai thần lực của chư Phật và pháp môn nầy pháp như vậy, nên mười phương vô lượng vô biên A tăng kỳ thế giới, đều đại chấn động, đại quang minh chiếu khắp tất cả thế giới.

Bấy giờ, mười phương chư Phật đều hiện ra ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, khen rằng : Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Ông mới có thể nói công đức hành xứ, quyết định nghĩa hoa, của các Bồ Tát đó, vào khắp tất cả Phật pháp, pháp môn phẩm xuất thế gian.

Phật tử ! Ông đã khéo học pháp nầy, khéo nói pháp nầy. Ông dùng oai lực hộ trì pháp nầy. Chúng ta chư Phật thảy đều tuỳ hỉ. Như chúng ta chư Phật tuỳ hỉ nơi ông, tất cả chư Phật cũng đều như thế.

Phật tử ! Chúng ta chư Phật, đều cùng đồng tâm, hộ trì kinh nầy, khiến cho các chúng Bồ Tát hiện tại vị lai, ai chưa từng nghe, đều sẽ được nghe.

Lúc đó, mười phương chư Phật đều hiện ra ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, khen ngợi Ngài nói rằng : Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Ông mới có thể nói công đức hành xứ và quyết định nghĩa hoa của các đại Bồ Tát đó, vào khắp tất cả Phật pháp, pháp môn phẩm xuất thế gian.

Phật tử ! Ông đã khéo học pháp nầy, khéo diễn nói pháp nầy. Ông dùng đại oai lực để hộ trì pháp nầy. Chúng ta chư Phật thảy đều tuỳ hỉ. Như chúng ta chư Phật tuỳ hỉ nơi ông, tất cả chư Phật cũng đều tuỳ hỉ nơi ông như thế.

Phật tử ! Chúng ta chư Phật, đều cùng đồng phát tâm, hộ trì kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật nầy, khiến cho các chúng Bồ Tát hiện tại và vị lai, ai chưa từng nghe, đều sẽ được nghe Kinh Hoa Nghiêm nầy.

Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền nương thần lực của Phật, quán sát mười phương tất cả đại chúng, cho đến khắp cùng pháp giới, mà nói kệ rằng :

Lúc đó, đại Bồ Tát Phổ Hiền nương đại oai thần lực của mười phương chư Phật, quán sát mười phương tất cả đại chúng, cho đến khắp cùng pháp giới, mà nói ra hai trăm mười lăm bài kệ, tường thuật lại nghĩa lý ở trên :

Trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh
Từ vô lượng Phật chánh pháp sinh
Khiến vô lượng chúng trụ bồ đề
Hạnh vô đẳng kia nghe tôi nói.

Đức Phật ở trong ba đại A tăng kỳ kiếp, tu phước tu huệ, phước huệ đều đầy đủ, sau đó mới thành Phật. Tu phước tức là bố thí. Tu huệ tức là siêng học Bát Nhã, do đó có câu :

« Tu phước chẳng tu huệ, thân voi mang anh lạc
Tu huệ chẳng tu phước, La Hán ôm bát không ».

Cho nên phải phước huệ song tu, thì công đức mới viên mãn, hợp với trung đạo. Chúng ta hết thảy chúng sinh, nên biết ở trong ba đại A tăng kỳ kiếp, phải tu phước tu huệ. Khi tu phước thì chớ cho rằng việc thiện nhỏ mà không làm; khi tu huệ thì đừng có cho rằng trí nhỏ mà không tu. Do đó có câu :

Tam kỳ tu phước huệ
Trăm kiếp chủng tướng hảo ».

Đức Phật ở trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh, nghĩa là nhẫn những điều người khác không thể nhẫn, chịu đựng những gì mà người khác không thể chịu đựng được, ăn những gì mà người khác chê không ăn, mặc những gì mà người khác chê không mặc. Do đó có câu :

« Thọ khổ thì hết khổ
Hưởng phước thì hết phước ».

Một số người sợ rằng mình thiệt thòi, nên đến đâu cũng nghĩ muốn chiếm tiện nghi, cho nên chịu khổ không được. Đức Phật ban lợi ích cho chúng sinh, còn chính mình thì chịu khổ. Phật cam tâm tình nguyện vì tất cả chúng sinh thọ tất cả sự khổ, cho nên mới tu khổ hạnh. Phật sinh ra từ chánh pháp của vô lượng Phật nói. Phật khiến cho tất cả chúng sinh, trụ nơi bồ đề giác đạo. Các vị đại chúng phải chú ý lắng nghe, tôi (Bồ Tát Phổ Hiền) hiện tại vì các vị nói hạnh vô đẳng (không gì bằng). Bồ Tát tu hạnh vô đẳng, thành Phật rồi, là vô đẳng đẳng hạnh.

Cúng vô lượng Phật xả chấp trước
Rộng độ quần sinh chẳng nghĩ tưởng
Cầu công đức Phật tâm không nương
Thắng diệu hạnh kia nay tôi nói.

Thuở xưa khi Phật làm Bồ Tát, tu Bồ Tát đạo, thì cúng dường vô lượng chư Phật, xả bỏ hết mọi sự chấp trước. Tại sao chúng ta không thể thành Phật ? Vì có sự chấp trước, cho nên đến bây giờ vẫn là phàm phu tục tử. Nghĩ muốn thành Phật, thì nhất định phải xả bỏ chấp trước. Tuy Phật rộng độ tất cả chúng sinh, nhưng chẳng có một chúng sinh nào là mình độ. Tại sao nói như thế ? Vì Phật không có ý tưởng độ chúng sinh, cho đến ý tưởng đều không nghĩ đến, nghĩa là chẳng có sự chấp trước độ chúng sinh. Cầu công đức của Phật, thì tâm đừng có ỷ lại, nghĩa là đừng có mọi sự chấp trước. Diệu hạnh tối thù thắng của Phật và diệu hạnh tối thù thắng của Bồ Tát, bây giờ tôi nói với đại chúng, xin hãy lắng nghe cho kỹ.

Lìa ma ba cõi nghiệp phiền não
Đủ Thánh công đức hạnh tối thắng
Diệt các si hoặc tâm tịch nhiên
Nay tôi nói hành đạo của kia.

Lìa khỏi ma của ba cõi, lìa khỏi nghiệp phiền não, thì sẽ đầy đủ công đức của bậc Thánh nhân, viên mãn hạnh môn tối thù thắng. Xin các vị tụ tinh hội thần để nghe ! Đừng để bỏ lỡ cơ hội rất tốt này.

Vĩnh lìa thế gian các giả huyễn
Đủ thứ biến hoá bày chúng sinh
Tâm sinh trụ diệt hiện các việc
Nói kia tu hành khiến chúng vui.

Tất cả hết thảy trên thế gian đều là hư vọng, chẳng chân thật. Nếu thật sự minh bạch đạo lý này, thì vĩnh viễn lìa khỏi tất cả sự hư huyễn giả dối. Giống như Diễn Nhã Đạt Đa, là người quá ngu si. Một ngày nọ, ngẫu nhiên nhìn vào trong gương, phát hiện có đầu người, anh ta phát hiện mình không có đầu, đó là phát cuồng, bị điên, bèn chạy đi tìm đầu, gặp ai cũng hỏi : Anh có thấy đầu của tôi không ? Đầu của tôi đâu mất rồi ? Người bị hỏi cảm thấy thật là lạ lùng, không biết hỏi gì nữa, do đó « Đầu lại thêm đầu ».

Người thế gian hổ tương hư nguỵ, lường gạt với nhau, đó gọi là giả dối. huyễn là giả. Tất cả thế gian đều ở trong sự biến hoá, Phật dùng đủ thứ sự biến hoá, thị hiện chúng sinh, khiến cho chúng sinh minh bạch đạo lý vô thường. Do đó có câu :

« Tâm sinh đủ thứ pháp sinh
Tâm diệt đủ thứ pháp diệt ».

Nếu ai minh bạch tất cả tâm, thì sẽ minh bạch tất cả pháp, tâm pháp không hai. Nhưng tâm nầy có sinh trụ dị diệt, hiện ra đủ thứ sự tướng. Nếu bạn minh bạch được, thì sẽ làm được việc nầy. Nếu không minh bạch, thì sẽ không làm được việc. Tóm lại, nếu minh bạch, thì chuyển được cảnh giới, nếu không minh bạch, thì bị cảnh giới chuyển. Bồ Tát Phổ Hiền nói Phật tu hành pháp sự, hay khiến cho đại chúng sinh hoan hỉ.

Các vị thiện tri thức ! Đang ngồi ở đây nghe kinh, là một việc tốt. Kỳ thật muốn nghe kinh, không nhất định phải đến Vạn Phật Thành nghe kinh, vì khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới, đều đang giảng kinh thuyết pháp. Vạn sự vạn vật đều đang thuyết pháp. Bạn nghe hiểu rõ được, tức là giác; nghe mà chẳng minh bạch, tức là mê. Giác tức là Phật, mê là chúng sinh. Vạn vật đang thuyết pháp, mỗi thứ đang nói pháp của nó. Phi tiềm động thực đang thuyết pháp, noãn thai thấp hoá đang thuyết pháp, hữu tình chúng sinh nói pháp hữu tình, vô tình chúng sinh nói pháp vô tình. Nói tất cả pháp, đều khiến chúng sinh minh bạch, đắc được trí huệ giác ngộ chân chánh. Đáng tiếc chúng ta bỏ lỡ cơ hội. Vạn vật đang thuyết pháp, có ai nghe được chăng ? Ai có thể minh bạch được pháp của vạn vật nói ? Do đó, có câu :

« Tất cả pháp đều là Phật pháp
Đều không thể đắc được ».

Lục Tổ Huệ Năng có nói :

« Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai ».

Nghĩa là :

« Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm ».

Đó là không thể đắc được. Lại rằng : « Quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng ». Đó là không thể đắc được. Bạn minh bạch pháp của vạn sự vạn vật nói, thì đó là « Pháp môn không hai », tức là « Đệ nhất nghĩa đế », đó là lìa khỏi giả huyễn của thế gian.

Thấy các chúng sinh sinh già chết
Phiền não lo khổ luôn trói buộc
Muốn khiến giải thoát dạy phát tâm
Công đức hạnh kia nên nghe thọ.

Phật thấy tất cả chúng sinh có sinh, già, bệnh, chết, bốn khổ lớn, cho nên mới phát tâm xuất gia tu hành, nghiên cứu giải quyết bốn vấn đề khổ lớn nầy. Chúng ta ở trong sự bất tri bất giác, thì hiện ra phiền não. Có lúc hiện nơi sắc, có lúc ẩn trong tâm. Có lúc khi vô minh động, thì cái gì cũng chẳng biết. Khi vô minh tác quái, thì hồ đồ, cho nên phiền não là nhân duyên chướng đạo, là đá cột chân sự tu đạo. Vừa mới nói lúc nãy, không thể không có phiền não. Tại sao ? Vì « Phiền não tức bồ đề », nếu dùng được, thì phiền não tức là bồ đề; nếu dùng không được thì phiền não biến thành bồ đề, ví như bồ đề là nước, phiền não là nước đá, nước tức là nước đá, nước đá tức là nước, nước và nước đá đồng một thể. Khi lạnh thì nước đông lại thành nước đá, khi nóng thì nước đá chảy thành nước. Nói tóm lại, khi có phiền não, thì nước đông thành nước đá, khi không có phiền não thì nước đá chảy thành nước. Đạo lý này rất dễ hiểu. Hơn nữa, có phiền não thì có phiền não nước đá – vô minh, không có phiền não tức là có bồ đề nước – trí huệ. Điểm nầy, các vị nên nhớ, nên nhớ ! Chúng ta tu đạo, không cần tu đến tám vạn đại kiếp, phiền não nầy vẫn tồn tại. Mỗi ngày ăn phiền não để sống, nếu không ăn phiền não thì phải chết đói, đó thật là đáng thương !

Thí giới nhẫn tấn thiền trí huệ
Phương tiện từ bi hỉ xả thảy
Trăm ngàn vạn kiếp thường tu hành
Công đức vị kia ông nên nghe.

Học Phật pháp phải học pháp môn của Bồ Tát. Gì là pháp môn tu hành của Bồ Tát ? Tức là : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát Nhã, phương tiện, nguyện, lực, trí, đó là mười pháp Ba La Mật. Còn có : Từ, bi, hỉ, xả, bốn tâm vô lượng. Cùng với : Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, bốn pháp nhiếp. Đó là những pháp môn tu hành cần thiết nhất. Trong trăm ngàn vạn kiếp, phải luôn luôn tu hành, phải luôn luôn tinh tấn, đừng có giải đãi. Công đức của Phật vô cùng vô tận, xin các vị hãy lắng nghe, học tập theo công đức của Phật.

Ngàn vạn ức kiếp cầu bồ đề
Hết thảy thân mạng đều không xẻn
Nguyện ích quần sinh không vì mình
Hạnh từ mẫn kia nay tôi nói.

Ở trong ngàn vạn đại kiếp, siêng cầu bồ đề giác đạo. Phật vì nửa bài kệ mà hy sinh tánh mạng của mình. Đã từng xả thân cứu hổ đói, lóc thịt cho chim ưng, đó là biểu hiện tu Bồ Tát hạnh, vì pháp quên mình. Phật vì cầu đạo bồ đề, xả bỏ được thân mạng của chính mình, tơ hào không có tâm sẻn tiếc. Phật muốn lợi ích tất cả chúng sinh, mà quên mất chính mình. Hành vi từ bi thương xót chúng sinh của Phật, hiện tại tôi sẽ vì các vị nói.

Vô lượng kiếp nói công đức kia
Như biển một giọt chưa là ít
Công đức vô tỉ không thể dụ
Nhờ Phật oai thần nay lược nói.

Ở trong vô lượng kiếp, diễn nói công đức của Phật, giống như một giọt nước trong biển mà thôi. Thậm chí còn ít hơn so với một giọt nước. Công đức của Phật, không thể ví dụ được, không cách chi nói cho hết được, do đó có câu:

« Sát trần tâm niệm khả sổ tri
Đại hải trung thuỷ khả ẩm tận
Hư không khả lượng phong khả khế
Vô năng thuyết tận Phật công đức”.

Nghĩa là:

Bụi cõi tâm niệm đếm biết được
Nước trong biển uống hết được
Hư không lường được gió buộc được
Không thể nói hết công đức Phật.

Tôi nương đại oai thần lực gia trì của đức Phật, hiện tại vì các vị lược nói chút ít mà thôi.

Tâm kia chẳng cao thấp
Cầu đạo không nhàm mỏi
Khắp khiến các chúng sinh
Trụ thiện tăng tịnh pháp.

Tâm của Bồ Tát là bình đẳng, chẳng có phân biệt cao thấp. Vì cầu vô thượng đạo, bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng chẳng khi nào nhàm mỏi. Khắp khiến cho tất cả chúng sinh, trụ ở trong cảnh giới thiện, tăng trưởng pháp trắng tịnh, tức cũng là pháp thanh tịnh, sớm sẽ thành tựu quả bồ đề.

Trí huệ khắp lợi ích
Như cây như sông suối
Cũng như nơi đại địa
Chỗ nương tựa tất cả.

Bồ Tát dùng đại trí huệ, lợi ích khắp tất cả chúng sinh. Giống như cây đại thụ, che mát tất cả chúng sinh. Lại giống như con song, con suối, giải trừ được sự khao khát của tất cả chúng sinh. Lại giống như đại địa, làm nơi nương tựa của tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều nương đất mà sinh tồn, nếu không có đất, thì chúng sinh không thể nương hư không mà sinh tồn, cho nên trời che đất chở, để nuôi dưỡng tất cả vạn vật.

Bồ Tát như hoa sen
Gốc từ cộng an ổn
Trí huệ là các nhuỵ
Giới phẩm là hương khiết.

Bồ Tát giống như hoa sen. Hoa sen có bốn đức:
1. Hương thơm.
2. Thanh tịnh.
3. Mềm mại.
4. Khả ái.
Tuy hoa sen sinh trưởng ở trong bùn, nhưng hoa sen trong sạch không bị ô nhiễm. Hơn nữa, hoa nhuỵ đồng thời đều có, có nhân có quả. Cho nên hoa sen đại biểu cho hoa của Phật giáo. Bồ Tát dùng từ bi làm gốc rễ của hoa sen. Dùng sự an ổn làm cộng hoa sen. Dùng trí huệ làm nhuỵ hoa sen. Dùng giới phẩm làm hương thơm tinh khiết của hoa sen. Vì Bồ Tát giữ gìn giới luật, cho nên giới phẩm rất trang nghiêm.

Phật phóng pháp quang minh
Khiến kia được khai nở
Chẳng chấp nước hữu vi
Kẻ thấy đều vui mừng.

Phật phóng pháp đại quang minh, khiến cho hoa sen Bồ Tát sớm nở, chẳng nhiễm trước nước hữu vi, tức cũng là chẳng nương tựa sự thấm nhuần nước pháp hữu vi. Phàm là ai thấy được, đều rất vui mừng, chẳng ai mà chẳng sinh tâm hoan hỉ.

Bồ Tát cây diệu pháp
Sinh nơi đất tâm thẳng
Giống tin gốc từ bi
Trí huệ dùng làm thân.

Bồ Tát cây diệu pháp, sinh nơi đất tâm thẳng, do đó có câu: “Tâm thẳng là đạo tràng”. Dùng niềm tin làm hạt giống, dùng từ bi làm gốc rễ, dùng trí huệ làm thân cây.
Bồ Tát cây diệu pháp, dùng phương tiện làm cành, dùng lục độ làm nhuỵ, dùng chánh định làm lá cây, dùng thần thông làm hoa, dùng nhất thiết trí làm quả, dùng lực tối thượng làm chim trên cây, cây diệu pháp phủ xuống che khắp tất cả chúng sinh ba cõi, đều được mát mẻ.

Bồ Tát sư tử vương
Pháp trắng tịnh làm thân
Bốn đế dùng làm chân
Chánh niệm dùng làm cổ.

Bồ Tát như sư tử chúa, dùng pháp trắng tịnh làm thân sư tử, dùng pháp bốn đế làm chân sư tử chúa, dùng chánh niệm làm cổ sư tử chúa. Sư tử là chúa của loài thú. Trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư có nói: “Sư tử hống, vô uý thuyết. Bách thú văn chi giai não liệt. Hương tượng bôn ba thất cước uy. Đại long tịch thính sinh hân duyệt”. Nghĩa là: Sư tử hống, nói không sợ hãi. Loài thú nghe được đều kinh hãi, voi lớn bỏ chạy mất oai nghi. Trời rồng nghe được sinh vui mừng”.

Mắt: từ, đầu: trí huệ
Đảnh vấn lụa giải thoát
Trong hang thắng nghĩa không
Rống pháp chúng ma sợ

Dùng từ bi làm con mắt của sư tử, dùng trí huệ làm đầu của sư tử. Trên đỉnh đầu của sư tử quấn lụa giải thoát. Sư tử chúa ở trong hang núi thắng nghĩa không, rống pháp hay khiến cho tất cả chúng ma kinh sợ, điều phục được tất cả chúng ma, tiêu diệt được tất cả chúng ma.

Bồ Tát là thương chủ
Thấy khắp các quần sinh
Trong sinh tử hoang dã
Nơi phiền não hiểm ác.

Bồ Tát ví như đại thương chủ, thấy khắp tất cả chúng sinh, ở trong đại hoang dã sinh tử, tìm chẳng được bờ mé thoát ra. Ở nơi phiền não hiểm ác, vạn phần nguy cấp.

Bị ma tặc nhiếp lấy
Si mù mất chánh đạo
Chỉ họ đường chánh thẳng
Khiến vào thành vô uý.

Ở nơi hiểm ác, đều là nơi bị ma tặc nhiếp lấy, giống như người ngu si và người mù, đã bị mê mất đi con đường chân chánh. Bồ Tát chỉ thị người si mù, đi trên con đường chánh ngay thẳng, thẳng vào thành vô uý, tức cũng là sáu điều không sợ hãi : 1. Thiện vô uý. 2. Thân vô uý. 3. Vô ngã vô uý. 4. Pháp vô uý. 5. Pháp vô ngã vô uý. 6. Bình đẳng vô uý.

Bồ Tát thấy chúng sinh
Ba độc bệnh phiền não
Đủ thứ các khổ não
Bị đốt nấu lâu dài.

Bồ Tát thấy chúng sinh ba cõi, đều mắc bệnh phiền não tham, sân, si, ba độc. Có đủ thứ tất cả sự khổ não, bị bức bách thiêu đốt lâu dài.

Theo lý mà nói thì người xuất gia tu đạo, không nên có phiền não, nhưng cũng có đủ thứ phiền não. Tại sao vậy ? Vì tâm chẳng thanh tịnh, cái nầy không tốt ! Cái kia không đúng ! Người nầy lại có sai lầm gì, người kia có tật xấu gì. Tóm lại, có rất nhiều phiền não ràng buộc, khiến cho thân tâm chẳng được tự tại. Các vị hãy nghĩ xem, mỗi người có phiền não của mỗi người, từ tổng thống cho đến kẻ ăn mày, đều có phiền não của họ. Các vị nguyên thủ các nước trên thế giới, hôm nay lo cho đất nước, ngày mai lo cho dân chúng, có rất nhiều việc tâm phải lo lắng, phiền não. Kẻ ăn xin thì đi xin tiền, người ta không bố thí, thì họ cũng nóng giận, sinh phiền não. Nếu muốn không có phiền não thì, chỉ có một cách duy nhất, đó là siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si. Tu hành đến nhà, thì tự nhiên chẳng sinh phiền não nữa.

Vì phát tâm đại bi
Rộng nói môn đối trị
Tám vạn bốn ngàn thứ
Diệt trừ các bệnh khổ.

Bồ Tát phát tâm đại bi, vì chúng sinh có ba độc tham sân si, rộng nói phương pháp đối trị. Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, là để đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não của chúng sinh. Tám vạn bốn ngàn thứ toa thuốc nầy, diệt trừ được tất cả các bệnh khổ. Nghiên cứu toa thuốc mà không uống thì chẳng có ích lợi gì. Cho nên học Phật pháp, phải có công phu : Tin, hiểu, hành, chứng, mới thành tựu được.

Bồ Tát là Pháp Vương
Chánh đạo hoá chúng sinh
Khiến xa ác tu thiện
Chuyên cầu công đức Phật.

Bồ Tát là vua trong các pháp, dùng Bát Chánh Đạo để giáo hoá chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh, xa lìa mười điều ác, tịnh tu mười điều lành, chuyên cầu công đức của chư Phật. Công đức của chư Phật là tận hư không khắp pháp giới, chẳng có bờ mé.

Tất cả chỗ chư Phật
Quán đảnh thọ tôn ký
Rộng thí các Thánh tài
Bồ đề phần trân bảo.

Bồ Tát ở trong đạo tràng của tất cả chư Phật, tiếp thọ lễ thọ ký quán đảnh tôn quý. Phật nói : « Ông ở đời vị lai sẽ thành Phật, danh hiệu gì, ở thế giới nào đó thành Phật, thọ mạng bao nhiêu kiếp. Rộng thí tất cả Thánh tài, bảy Bồ đề phần và Bát Chánh Đạo, đó là những trân bảo quý giá.

Bồ Tát chuyển pháp luân
Như chỗ đức Phật chuyển
Giới: trục, gọng: tam muội
Trí: trang nghiêm, huệ: kiếm.

Bồ Tát đại chuyển pháp luân, giáo hoá chúng sinh. Như Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp. Dùng giới làm trục xe, dùng tam muội làm gọng xe. Dùng trí làm trang nghiêm, dùng huệ làm bảo kiếm, chặt đầu tặc phiền não, mới có thể không còn vọng tưởng nữa.

Phá trừ giặc phiền não
Cũng dẹp những ma oán
Tất cả các ngoại đạo
Vừa thấy liền tan rã.

Bồ Tát đã phá trừ được tặc phiền não, cũng diệt sạch hết tất cả chúng ma oán. Tất cả hết thảy ngoại đạo, thấy được kiếm trí huệ rồi, thì kinh hãi khiếp vía, bỏ chạy lập tức tan rã.

Bồ Tát biển trí huệ
Sâu rộng không bờ mé
Vị chánh pháp tràn đầy
Báu giác phần sung mãn.

Trí huệ của Bồ Tát như biển cả, sâu không thể dò được, rộng không thể lường được, đều không có bờ mé. Vị chánh pháp tràn đầy và dung hợp, báu Bồ đề phần đầy dẫy trong đó.

Đại tâm không bờ mé
Nhất thiết trí thuỷ triều
Chúng sinh khó dò được
Diễn nói không hết được.

Tâm đại bi không có bờ mé, nhất thiết trí huệ làm thuỷ triều. Tất cả chúng sinh không cách gì dò lường được, bất cứ nói như thế nào, cũng không thể diễn nói hết được cảnh giới nầy.

Bồ Tát núi Tu Di
Vượt qua nơi thế gian
Đỉnh thần thông tam muội
Đại tâm an bất động.

Bồ Tát cao lớn như núi Tu Di, vượt qua tất cả núi lớn của thế gian. Dùng thần thông tam muội làm đỉnh núi, tâm đại định an trụ không lay động.

Nếu có ai gần gũi
Đều đồng trí huệ sắc
Hơn hẳn các cảnh giới
Tất cả đều thấy được.

Nếu có ai gần gũi Bồ Tát, đều đồng trí huệ màu sắc với Bồ Tát. Tất cả cảnh giới khác không bằng được, chẳng có tất cả cảnh giới. Tuy nhiên chẳng có tất cả cảnh giới, nhưng tất cả đều là cảnh giới, tất cả chúng sinh không ai mà chẳng thấy được cảnh giới nầy.

Bồ Tát như kim cang
Chí cầu nhất thiết trí
Tín tâm và khổ hạnh
Kiên cố không thể động.

Bồ Tát kiên cố như kim cang, chí nguyện cầu nhất thiết trí, tín tâm và khổ hạnh rất là kiên cường, không thể lay động. Do đó có câu:

“Tin là nguồn đạo mẹ công đức
Dưỡng lớn tất cả các căn lành”.

Tín tâm là điều kiện cần có trước nhất của người tu đạo. Có tín tâm rồi, thì mới có thể tu mười hai hạnh đầu đà. Thế nào là mười hai hạnh đầu đà? Đó là:

1. Ở chỗ A lan nhã (nơi vắng vẻ).
2. Thường đi khất thực.
3. Khất thực có thứ tự.
4. Ngày ăn một bữa.
5. Ăn có tiết lượng.
6. Quá ngọ không ăn.
7. Mặc y phấn tảo.
8. Chỉ có ba y.
9. Ở ngoài nghĩa địa.
10. Ở dưới gốc cây.
11. Ngồi ngoài đất trống.
12. Chỉ ngồi không nằm (ngủ ngồi).

Tâm Ngài không sợ hãi
Lợi ích các quần sinh
Các ma và phiền não
Tất cả đều tiêu diệt.

Tâm Bồ Tát chẳng có sợ hãi, gì cũng không sợ, cho nên Bồ Tát có bốn vô sở uý (bốn điều không sợ hãi), khác với bốn vô sở uý của Phật.

1. Tổng trì vô uý.
2. Tri căn vô uý.
3. Đáp nạn vô uý.
4. Quyết nghi vô uý.

Bồ Tát làm gì cũng chỉ vì lợi ích tất cả chúng sinh. Tất cả chúng ma và tất cả phiền não, Bồ Tát dùng kiếm trí huệ tiêu diệt sạch.

Bồ Tát đại từ bi
Ví như mây dày kín
Tam minh phát ánh chớp
Thần túc chấn tiếng sấm.

Bồ Tát có tâm đại từ bi, ví như mây dày kín. Ba minh tức là thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh, phát ra ánh chớp, thần túc thông phát ra tiếng sấm lớn, mưa xuống mưa pháp lớn. Khiến cho chúng sinh thọ được sự thấm nhuần của mưa pháp, sinh trưởng đủ thứ căn lành.

Khắp dùng bốn biện tài
Mưa nước tám công đức
Thấm nhuần khắp tất cả
Khiến trừ nóng phiền não.

Bồ Tát dùng bốn biện tài vô ngại :

1. Pháp vô ngại biện.
2. Nghĩa vô ngại biện.
3. Từ vô ngại biện.
4. Lạc thuyết vô ngại biện.

Để giáo hoá tất cả chúng sinh. Mưa xuống nước tám công đức :

1. Lắng trong.
2. Tươi mát.
3. Ngon ngọt.
4. Nhẹ nhàng.
5. Thấm nhuần.
6. An hoà.
7. Trừ bệnh.
8. Tăng ích.

Để thấm nhuần tất cả chúng sinh, giải trừ những phiền não nóng bức của tất cả chúng sinh.

Bồ Tát: thành chánh pháp
Bát Nhã dùng làm tường
Hổ thẹn làm hào sâu
Trí huệ dùng ngăn địch.

Bồ Tát thường trụ ở trong thành chánh pháp, dùng Bát Nhã làm làm tường vách, dùng hổ thẹn (tàm quý) làm hào sâu (sông hộ thành ở ngoài thành), dùng trí huệ để ngăn địch.

Rộng mở cửa giải thoát
Chánh niệm luôn phòng thủ
Bốn đế đường bằng phẳng
Sáu thông gậy tập binh.

Rộng mở cửa thành giải thoát, dùng chánh niệm làm quân đội, luôn luôn phòng thủ. Dùng khổ tập diệt đạo bốn đế làm con đường bằng phẳng, sáu thần thông làm gậy tập binh.

Lại dựng pháp tràng lớn
Bao quanh khắp dưới thành
Ba cõi các chúng ma
Tất cả không vào được.

Lại kiến lập một pháp tràng lớn, bao quanh khắp phía dưới thành, tất cả chúng ma ba cõi, không thể vào trong pháp thành được, để nhiễu loạn tâm thanh tịnh của người tu đạo. Người tu đạo nhất định phải phát bồ đề tâm, bằng không, ma sẽ tìm cách mà vào, để nhiễu loạn, khiến cho bạn mất đi tâm tu đạo.

Bồ Tát: chim cánh vàng
Như ý  làm chân cứng
Phương tiện: cánh dũng mãnh 
Từ bi: mắt tịnh sáng.

Bồ Tát giống như chim đại bàng cánh vàng, dùng như ý làm chân cứng chắc, dùng phương tiện làm cánh dũng mãnh, dùng từ bi làm con mắt thanh tịnh. Mắt của chim đại bàng cánh vàng từ trên mặt biển có thể nhìn xuống tận đáy biển, chẳng có gì chướng ngại.

Trụ cây nhất thiết trí
Quán ba cõi biển cả
Bắt lấy rồng trời người
Đặc để bờ Niết Bàn.

Chim đại bàng cánh vàng, trụ ở trên cây nhất thiết trí núi kim cang, quán sát hết thảy biển cả trong ba cõi. Chuyên bắt rồng ở nhân gian và rồng ở trên trời, đặt để ở bờ Niết Bàn. Phàm là rồng số mạng sắp hết, thì sẽ gặp chim cánh vàng nầy, chẳng còn thần thông, chẳng còn sức chống cự, bị chim cánh vàng nầy bắt ăn. Nhưng khi chim cánh vàng số mạng sắp hết, thì không còn sức lực bắt rồng ăn, tới lui mấy lần, cũng không được thức ăn, bị lửa sân thiêu đốt, chỉ còn lại quả tim không cháy, trở thành dạ minh châu, tức cũng là hạt bảo châu như ý.

Bồ Tát: chánh pháp nhựt
Xuất hiện nơi thế gian
Giới phẩm vầng nhựt tròn
Thần túc đi mau lẹ.

Bồ Tát như mặt trời chánh pháp, xuất hiện ở thế gian. Dùng giới phẩm làm vầng mặt trời viên mãn. Thần túc đi mau lẹ, đi nhanh giống như mặt trời.

Trí huệ quang chiếu sáng
Tăng trưởng thuốc căn lực
Diệt trừ tối phiền não
Khô cạn biển ái dục.

Trí huệ quang minh của Bồ Tát, hay làm tăng trưởng thuốc năm căn : Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Và năm lực : Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực. Thứ thuốc nầy hay diệt trừ tất cả đen tối phiền não. Lại hay cạn sạch biển ái dục của con người. Ái dục của con người như biển cả, có ánh sáng trí huệ mặt trời, mới có thể làm khô cạn được, thì sẽ không còn mọi phiền não nữa.

Bồ Tát trí: ánh trăng
Pháp giới làm vầng trăng
Lơ lửng trên bầu trời
Thế gian thảy đều thấy.

Trí huệ quang của Bồ Tát như ánh sáng mặt trăng, dùng pháp giới làm vầng trăng. Thường du hành ở trên bầu trời, tất cả chúng sinh thế gian, chẳng có ai mà chẳng thấy. Cho nên nói Bồ Tát mặt trăng mát mẻ, lơ lửng trên bầu trời, ánh sáng chiếu ba cõi, tâm tịnh đều hiện ra.

Trong tâm thức ba cõi
Tuỳ thời có tăng giảm
Trong tinh tú nhị thừa
Tất cả không sánh bằng.

Tâm thức chúng sinh trong ba cõi, tuỳ thời tuỳ lúc có tăng có giảm. Người nhị thừa như ánh sáng của trăng sao, không thể sánh được với ánh sáng mặt trăng mát mẻ của Bồ Tát.

Bồ Tát đại Pháp Vương
Công đức trang nghiêm thân
Tướng tốt đều đầy đủ
Trời người đều chiêm ngưỡng.

Bồ Tát là đại Pháp Vương, đầy đủ tất cả công đức, trang nghiêm thân. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, đều đã đầy đủ. Người nhân gian và chư Thiên, đều chiêm ngưỡng Bồ Tát.

Phương tiện mắt thanh tịnh
Trí huệ chày kim cang
Nơi pháp được tự tại
Dùng đạo hoá quần sinh.

Bồ Tát dùng phương tiện mắt thanh tịnh, trí huệ chày kim cang, đối với pháp đắc được tự tại, dùng chánh đạo giáo hoá chúng sinh, khiến cho chúng sinh trước học bát chánh đạo, sau tu pháp sáu độ.

Bồ Tát Đại Phạm Vương
Tự tại vượt ba cõi
Nghiệp hoặc đều đã dứt
Từ xả đều đầy đủ.

Bồ Tát như Đại Phạm Vương, sức tự tại vượt qua tam giới hai mươi lăm cõi. Ác nghiệp và mê hoặc, hoàn toàn dứt hẳn. Từ bi hỉ xả bốn tâm vô lượng đều đầy đủ.

Nơi nơi thị hiện thân
Dùng pháp âm khai ngộ
Ở trong ba cõi đó
Nhổ gốc rễ tà kiến.

Bồ Tát vì giáo hoá chúng sinh, các nơi thị hiện hoá thân, dùng tiếng thanh tịnh để khiến cho chúng sinh khai ngộ. Nhổ sạch gốc rễ tà tri tà kiến của chúng sinh trong cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Bằng không, khi gặp nhân duyên thì sẽ sinh trở lại.

Bồ Tát Trời Tự Tại
Vượt qua khỏi sinh tử
Cảnh giới thường thanh tịnh
Trí huệ không thối chuyển.

Bồ Tát như vua Trời Đại Tự Tại, đã vượt qua khỏi sinh tử, cảnh giới thường thanh tịnh, trí huệ vĩnh viễn không thối chuyển A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Trí huệ của vua Trời Đại Tự Tại, biết được rõ ràng số giọt mưa xuống trong ba ngàn đại thiên thế giới.

Tuyệt những đạo thừa dưới
Thọ các pháp quán đảnh
Công đức trí huệ đủ
Danh xưng đâu cũng nghe.

Bồ Tát tuyệt đối không tu pháp tiểu thừa, đã thọ pháp quán đảnh của chư Phật. Hết thảy Bồ Tát khi sắp thành Phật, trước hết thọ Phật quán đảnh, mới có thể vào bậc Pháp Vương. Công đức trí huệ của Bồ Tát đều đã đầy đủ. Danh hiệu của Bồ Tát không đâu mà không biết, không đâu mà không nghe.

Bồ Tát trí huệ tâm
Thanh tịnh như hư không
Không tánh không chỗ nương
Tất cả bất khả đắc.

Trí huệ tâm của Bồ Tát thanh tịnh như hư không, chẳng còn tánh chấp trước, chẳng còn chỗ chấp trước nào, tất cả bất khả đắc. Tại sao? Vì thanh tịnh như hư không.

Có sức đại tự tại 
Thành tựu việc thế gian
Tự đủ hạnh thanh tịnh
Khiến chúng sinh cũng thế.

Bồ Tát có sức lực đại tự tại, hay thành tựu tất cả sự việc thế gian. Bồ Tát đã đầy đủ hạnh thanh tịnh, khiến cho tất cả chúng sinh cũng đầy đủ hạnh thanh tịnh.

Bồ Tát đất phương tiện
Lợi ích các chúng sinh
Bồ Tát nước từ bi
Rửa sạch những phiền não.

Bồ Tát như đất phương tiện, hay lợi ích hết thảy chúng sinh. Nước từ bi của Bồ Tát, hay rửa sạch tất cả phiền não của chúng sinh. Tóm lại, Bồ Tát nơi nơi đều vì chúng sinh làm lợi ích, chẳng có việc gì mà tính toán cho riêng mình.

Bồ Tát lửa trí huệ
Đốt những củi hoặc tập
Bồ Tát gió vô trụ
Du hành ba cõi không.

Lửa trí huệ của Bồ Tát hay thiêu đốt tất cả mê hoặc và tất cả tập khí của chúng sinh. Những thứ đó giống như củi khô, bị lửa trí huệ thiêu đốt. Gió vô trụ của Bồ Tát, hay du hành trong hư không ba cõi, chẳng có sự chướng ngại.

Bồ Tát như trân báu
Hay cứu khổ bần cùng
Bồ Tát như kim cang
Tiêu diệt thấy điên đảo.

Bồ Tát như trân bảo, hay cứu giúp sự khổ ách bần cùng. Bồ Tát như kim cang, hay phá tan thấy điên đảo của chúng sinh. Nghĩa là khổ mà cho là vui, vui cho là khổ, vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, chẳng tịnh cho là tịnh, tịnh cho là chẳng tịnh. Tóm lại, đó là tà tri tà kiến.

Bồ Tát như anh lạc
Trang nghiêm thân ba cõi
Bồ Tát như ma ni
Tăng trưởng tất cả hạnh.

Bồ Tát như anh lạc, hay trang nghiêm sắc thân ba cõi. Bồ Tát như châu ma ni như ý, hay tăng trưởng sáu độ vạn hạnh. Châu như ý hay sinh ra đủ thứ đồ vật theo sự mong cầu, đều làm cho vừa ý.

Bồ Tát đức như hoa
Toả hương bồ đề phần
Bồ Tát nguyện : tràng hoa
Luôn quấn đầu chúng sinh.

Đức tánh của Bồ Tát giống như hoa, thường toả ra vị hương bồ đề phần. Thệ nguyện của Bồ Tát như tràng hoa, luôn cài trên đầu chúng sinh.

Bồ Tát tịnh giới hương
Kiên trì không khuyết phạm
Bồ Tát trí hương đốt
Xông khắp trong ba cõi.

Bồ Tát tu giới luật thanh tịnh, mới có giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Kiên trì giới luật, tuyệt đối không khuyết phạm. Trí huệ của Bồ Tát như hương đốt, có thể xông khắp tất cả chúng sinh trong ba cõi, khiến cho ai ngửi được, thân tâm thanh tịnh, chẳng còn nóng phiền não.

Bồ Tát lực như trướng
Hay ngăn bụi phiền não
Bồ Tát trí như tràng
Hay phá địch ngã mạn.

Sức lực của Bồ Tát, giống như trướng báu, hay ngăn bụi phiền não. Trí huệ của Bồ Tát như tràng báu, hay phá tan kẻ địch ngã mạn. Người học Phật pháp đố kị nhất là có tâm cống cao ngã mạn, nó hay chướng ngại tiến bộ của sự tu đạo.

Diệu hạnh làm gấm thêu
Trang nghiêm nơi trí huệ
Tàm quý làm y phục
Khắp che các quần sinh.

Bồ Tát dùng diệu hạnh để làm gấm thêu, trang nghiêm nơi trí huệ. Bồ Tát dùng tàm quý (hổ thẹn) làm y phục, khắp che tất cả chúng sinh. Bồ Tát có tâm từ bi đối đãi chúng sinh, chẳng có gì không làm được.

Bồ Tát thừa vô ngại 
Ngồi đó ra ba cõi
Bồ Tát voi sức lớn
Tâm ý khéo điều phục.

Bồ Tát dùng pháp đại thừa không có chướng ngại, giáo hoá tất cả chúng sinh, khiến cho họ thoát khỏi ba cõi. Trong tam giới có phần đoạn sinh tử, ngoài tam giới có biến dịch sinh tử. Bồ Tát như voi sức lớn, tâm nhu hoà, khéo điều phục. Voi có linh tánh, hay biết được ý người.

Bồ Tát: ngựa thần túc
Bay đi vượt các cõi
Bồ Tát nói pháp rồng
Khắp mưa tâm chúng sinh.

Thần túc của Bồ Tát như ngựa báu, hay bay đi vượt qua các cõi trong tam giới. Bồ Tát nói pháp giống như rồng thần, biến hoá khó dò. Hay mưa khắp trong tâm chúng sinh.

Bồ Tát: hoa ưu đàm
Thế gian khó gặp được
Bồ Tát: đại dũng tướng 
Các ma đều điều phục.

Bồ Tát như hoa ưu đàm, dịch là « đoan ứng ». Theo căn cứ nói thì ba ngàn năm hoa mới nở một lần. Khi Phật ra đời thì đã từng nở hoa, trên thế gian khó gặp được cảnh giới hoa này nở. Bồ Tát còn là một vị tướng quân đại dũng mãnh, hay hàng phục được tất cả chúng ma, không còn nhiễu loạn tâm thanh tịnh của người tu đạo.

Bồ Tát chuyển pháp luân
Giống như là Phật chuyển
Bồ Tát: đèn phá tối
Chúng sinh thấy chánh đạo.

Khi Bồ Tát chuyển bánh xe pháp, thì tình hình giống như Phật chuyển bánh xe pháp. Đèn trí huệ của Bồ Tát hay phá trừ tất cả đen tối. Có quang minh rồi, thì tất cả chúng sinh sẽ thấy được chánh đạo.

Bồ Tát: sông công đức
Luôn chảy thuận chánh đạo
Bồ Tát: cầu tinh tấn
Rộng độ các quần sinh.

Công đức của Bồ Tát giống như con sông lớn, luôn chảy thuận theo chánh đạo. Sự tinh tấn của Bồ Tát giống như cây cầu lớn, rộng độ tất cả chúng sinh, từ bờ sinh tử bên này, qua dòng phiền não, đạt đến bờ Niết Bàn bên kia.

Đại trí với hoằng thệ
Cùng làm thuyền vững chắc
Tiếp dẫn các chúng sinh
An trí bờ bồ đề.

Đại trí huệ và đại hoằng thệ nguyện của Bồ Tát, cùng làm chiếc thuyền vững chắc, tiếp dẫn tất cả chúng sinh, bình an đến được bờ bồ đề.

Bồ Tát: vườn du hí
Chúng sinh vui chân thật
Bồ Tát: hoa giải thoát
Trang nghiêm cung điện trí.

Vườn du hí của Bồ Tát, ban cho tất cả chúng sinh vui chơi, đắc được sự an vui chân thật. Hoa giải thoát của Bồ Tát, trang nghiêm cung điện trí huệ. Cung điện đó chẳng những trang nghiêm, mà còn thanh tịnh nữa. Cung điện đó có thể phước huệ song tu, tự nhiên thành tựu đấng Lưỡng Túc.

Bồ Tát như thuốc hay
Diệt trừ bệnh phiền não
Bồ Tát như núi tuyết
Sinh ra thuốc trí huệ.

Bồ Tát như thuốc hay thượng hạng, hay diệt trừ tất cả bệnh phiền não. Bồ Tát như núi tuyết, hay sinh ra thuốc trí huệ, chuyên chữa trị bệnh ngu si.

Bồ Tát đồng với Phật
Giác ngộ các quần sinh
Tâm Phật không việc khác
Chánh giác giác thế gian.

Bồ Tát tương đồng với Phật, hay giác ngộ tất cả chúng sinh. Trong tâm Phật chẳng có việc gì khác, chỉ có dùng chánh giác để giác ngộ tất cả chúng sinh thế gian. Phật nói: “Tất cả chúng sinh, đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật”.

Như sở cầu của Phật
Bồ Tát cầu như thế
Cũng như nhất thiết trí
Dùng trí vào phổ môn.

Sở cầu của Phật, Bồ Tát cũng như thế, cũng đồng với nhất thiết trí, dùng trí huệ vào hết thảy phổ môn của chúng sinh.

Bồ Tát khéo khai đạo
Tất cả các quần sinh
Bồ Tát tự nhiên giác
Cảnh giới nhất thiết trí.

Bồ Tát khéo khai đạo tất cả chúng sinh, khéo giáo hoá tất cả chúng sinh, khéo độ thoát tất cả chúng sinh. Bồ Tát thông đạt trí vô sư, tức là trí tự nhiên. Cho nên khi tu hành, có những cảnh giới không do người khác dạy mà tự mình khai ngộ. Cảnh giới nhất thiết trí, Bồ Tát tự nhiên thông đạt vô ngại.

Bồ Tát vô lượng lực
Thế gian không hoại được
Bồ Tát vô uý trí
Biết chúng sinh và pháp.

Bồ Tát có vô lượng sức thần thông, thiên ma ngoại đạo của thế gian, không cách gì phá hoại được. Bồ Tát lại có trí huệ đại vô uý, biết được căn tánh của chúng sinh, lại biết rõ tất cả pháp môn phương tiện, dùng pháp môn gì để độ thoát chúng sinh nào.

Tất cả các thế gian
Sắc tướng đều khác biệt
Âm thanh và danh từ
Đều phân biệt biết được.

Hết thảy tất cả chúng sinh thế gian, sắc tướng đều khác nhau, do đó có câu: “Ngàn sai vạn biệt”. Nhưng âm thanh và danh từ của chúng sinh, Bồ Tát đều phân biệt được rất rõ ràng, chẳng có sự sai lầm.

Tuy lìa nơi danh sắc 
Mà hiện đủ thứ tướng
Tất cả các chúng sinh
Không thể dò đạo đó.

Tuy Bồ Tát lìa khỏi tất cả danh tướng và tất cả sắc tướng, nhưng vẫn hay thị hiện đủ thứ tướng. Tất cả chúng sinh, chẳng cách gì có thể dò biết được đạo tu hành của Bồ Tát. Chẳng những không biết được đạo tu hành của Bồ Tát, dù những gì bậc có trí huệ làm, người ngu si cũng không hiểu biết được.

Công đức nhiều như vậy
Bồ Tát đều thành tựu
Rõ tánh đều vô tánh
Có, không chẳng chấp trước.

Công đức nhiều như vậy, Bồ Tát hoàn toàn thành tựu được. Thấu rõ tánh của tất cả pháp hữu vi, đều là vô tánh. Bất luận pháp hữu vi và pháp vô vi, đều không chấp trước.

Như vậy nhất thiết trí
Vô tận không chỗ nương
Nay tôi sẽ diễn nói
Khiến chúng sinh hoan hỉ.

Nhất thiết trí huệ như vậy, vô tận không chỗ nương, nó là lìa tất cả tướng, phá tất cả chấp trước. Bồ Tát Phổ Hiền nói: “Ở trước đã nói Bồ Tát có đủ thứ trí huệ, đủ thứ thần thông, đủ thứ biến hoá, đủ thứ tự tại. Hiện tại tôi sẽ vì quý vị nói rõ ràng, khiến cho tất cả chúng sinh đều sinh tâm hoan hỉ.

Tuy biết tướng các pháp
Như huyễn đều không tịch
Mà dùng tâm bi nguyện
Và Phật oai thần lực.

Tuy biết tướng của các pháp, như huyễn như hoá, chẳng có thật thể, đều là không tịch. Nhưng dùng tâm đại bi và tâm đại nguyện, cùng với sức đại oai đức của Phật.

Hiện thần thông biến hoá
Đủ thứ vô lượng việc
Các công đức như vậy
Các ông nên nghe thọ.

Thị hiện thần thông biến hoá, có đủ thứ cảnh giới vô lượng việc. Tất cả công đức như vậy, các vị đệ tử của Phật! Nên chuyên tâm để lắng nghe thọ nhận.

Một thân hay thị hiện
Vô lượng thân khác nhau
Không tâm không cảnh giới
Ứng khắp tất cả chúng.

Ở trong một thân, có thể thị hiện vô lượng thân khác nhau, đó chẳng phải tác ý mà là thị hiện, đó là vô tâm mà thị hiện, cũng chẳng có một cảnh giới nào. Nhưng hay ứng khắp tâm của tất cả chúng sinh, mà thị hiện cảnh giới đó.

Trong một tiếng diễn đủ
Tất cả các thứ tiếng
Pháp ngôn ngữ chúng sinh
Tuỳ loại đều làm được.

Ở trong một âm thanh, có thể diễn nói đầy đủ tất cả các thứ tiếng. Do đó có câu:

“Phật dùng một âm diễn nói pháp
Chúng sinh theo loài đều hiểu rõ”.

Tất cả các ngôn ngữ lời nói của chúng sinh, Bồ Tát có thể tuỳ loại chúng sinh, đều làm được việc nầy.

Vĩnh lìa thân phiền não
Mà hiện thân tự tại
Biết pháp không thể nói
Mà làm đủ thứ nói.

Vĩnh viễn lìa khỏi tất cả sắc thân phiền não, mà thị hiện pháp thân tự tại. Bồ Tát biết pháp không thể nói, nhưng vẫn dùng đủ thứ phương tiện để nói pháp.

Tâm ấy thường tịch diệt
Thanh tịnh như hư không
Mà trang nghiêm khắp cõi
Thị hiện tất cả chúng.

Tâm của Bồ Tát thường là tịch diệt. Thanh tịnh như hư không, khắp trang nghiêm tất cả cõi Phật, thị hiện tất cả, khiến cho chúng sinh đều thường thấy được.

Nơi thân không chỗ chấp
Mà hay thị hiện thân
Trong tất cả thế gian
Tuỳ ứng mà thọ sanh.

Bồ Tát đối với thân thể chẳng chấp trước, mà hay thị hiện thân đó, ở trong tất cả thế gian, tuỳ căn cơ ứng chúng sinh, mà thọ sinh làm người, dùng bốn pháp nhiếp để hoá độ chúng sinh.

Tuy sinh tất cả nơi
Cũng chẳng trụ thọ sinh
Biết thân như hư không
Đủ thứ tuỳ tâm hiện.

Tuy Bồ Tát thọ sinh ở tất cả mọi nơi, cũng chẳng trụ pháp thọ sinh. Tại sao? Vì biết thân thể như hư không, đủ thứ đều tuỳ tâm ý mà hiện.

Bồ Tát thân vô biên
Hiện khắp tất cả nơi
Thường cung kính cúng dường
Đấng Tối Thắng Lưỡng Túc.

Pháp thân của Bồ Tát vô lượng vô biên, hay hiện khắp tất cả mọi nơi. Thường thường cung kính cúng dường đấng Tối Thắng Lưỡng Túc, tức cũng là Phật, vì Phật ở trong quá khứ, phước huệ song tu, đầy đủ rồi, mới chứng được Phật vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Hương hoa các kỹ nhạc
Tràng phan và lọng báu
Hằng tâm thanh tịnh tâm
Cúng dường các đức Phật. 

Bồ Tát dùng hương và hoa cùng với tất cả kỹ nhạc. Tràng báu và phan báu, cùng với lọng báu, luôn thường dùng tâm tin thanh tịnh, cúng dường mười phương ba đời tất cả chư Phật.

Chẳng lìa một Phật hội
Khắp ở chỗ chư Phật
Ở trong đại chúng đó
Vấn nạn nghe thọ pháp.

Bồ Tát chẳng lìa khỏi một pháp hội của Phật, khắp ở trong đạo tràng của tất cả chư Phật. Ở trong pháp hội của chư Phật đó, hổ tương thỉnh vấn các vấn đề khó khăn, lắng nghe rồi, tin thọ nơi pháp, y pháp phụng hành.

Nghe pháp nhập tam muội
Mỗi mỗi vô lượng môn
Khởi định cũng như thế
Thị hiện vô cùng tận.

Bồ Tát lắng nghe Phật pháp rồi, liền nhập tam muội. Mỗi mỗi vô lượng môn tam muội, xuất định cũng như thế. Thần thông biến hoá đó, thị hiện không cùng tận.

Trí huệ xảo phương tiện
Rõ đời đều như huyễn
Mà hay hiện thế gian
Vô biên các pháp huyễn.

Trí huệ của Bồ Tát và thiện xảo phương tiện, thấu rõ pháp thế gian, đều như huyễn hoá, hư vọng chẳng thật. Tuy là hư vọng, nhưng hay thị hiện nơi thế gian, du hí thần thông, vô biên các pháp huyễn.

Thị hiện đủ thứ sắc
Cũng hiện tâm và lời
Vào trong các lưới tưởng
Mà luôn không chấp trước.

Bồ Tát thị hiện đủ thứ sắc tướng, cũng hiện tâm và lời pháp. Vào trong tất cả lưới tưởng, mà luôn luôn chẳng có sự chấp trước.

Hoặc hiện sơ phát tâm
Lợi ích nơi thế gian
Hoặc hiện tu hành lâu
Rộng lớn không bờ mé.

Hoặc thị hiện ban đầu phát bồ đề tâm, lợi ích hết thảy chúng sinh thế gian. Hoặc thị hiện dáng lão tu hành. Rộng tu ba đại A tăng kỳ kiếp, chẳng có bờ mé. Một A tăng kỳ kiếp là vô lượng số, ba A tăng kỳ kiếp là số mục bất khả thuyết bất khả thuyết.

Thí giới nhẫn tinh tấn
Thiền định và trí huệ
Bốn phạm hạnh bốn nhiếp
Tất cả pháp tối thắng.

Pháp môn tu lục độ, tức là : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Pháp môn tu bốn phạm hạnh, tức là: Từ, bi, hỉ, xả. Pháp môn tu bốn pháp nhiếp là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Đó là pháp tối thù thắng trong tất cả pháp. Người tu Bồ Tát đạo, nhất định phải tu sáu độ vạn hạnh, và hành bốn pháp nhiếp, phối hợp với bốn tâm vô lượng, mới có thể thành tựu. Bằng không, mất đi tinh thần của Bồ Tát.

Hoặc hiện hạnh thành mãn
Được nhẫn không phân biệt
Hoặc hiện còn một đời
Chư Phật quán đảnh cho.

Hoặc thị hiện công đức tu hành, đến cảnh giới thành tựu viên mãn, đắc được vô sanh pháp nhẫn, không phân biệt. Hoặc thị hiện một đời nhất sinh bổ xứ, được chư Phật thọ ký biệt hiệu, thọ pháp quán đảnh.

Hoặc hiện tướng Thanh Văn
Hoặc lại hiện Duyên Giác
Nơi nơi Bát Niết Bàn
Chẳng bỏ hạnh bồ đề.

Hoặc thị hiện tướng Thanh Văn, hoặc thị hiện tướng Duyên Giác. Nơi nơi thị hiện vào Niết Bàn, bất cứ cảnh giới gì, đều tu hạnh bồ đề, chẳng khi nào xả bỏ.

Hoặc hiện làm Đế Thích
Hoặc hiện làm Phạm Vương
Hoặc Thiên nữ vây quanh
Hoặc lúc ngồi yên lặng.

Hoặc thị hiện trời Đế Thích, hoặc thị hiện Đại Phạm Thiên, hoặc thị hiện Thiên nữ đến vây quanh, hoặc thị hiện một người, ngồi yên lặng một mình, chẳng nói gì hết.

Hoặc hiện làm Tỳ Kheo
Tịch tĩnh điều phục tâm
Hoặc hiện Tự Tại Vương
Thống lý pháp thế gian.

Hoặc hiện làm tướng Tỳ Kheo, tịch tĩnh điều phục tâm mình, chẳng khiến cho sinh dục niệm, chẳng khiến cho khởi vô minh. Hoặc thị hiện làm Đại Tự Tại Thiên Vương, hoặc thị hiện làm Chuyển Luân Thánh Vương, thống lý tất cả pháp thế gian.

Hoặc hiện xảo thuật nữ
Hoặc hiện tu khổ hạnh
Hoặc hiện thọ năm dục
Hoặc hiện nhập các thiền.

Hoặc thị hiện làm người nữ xảo thuật, hoặc thị hiện Tỳ Kheo tu khổ hạnh, hoặc thị hiện phàm phu thọ năm dục, hoặc thị hiện người tu hành nhập các thiền định.

Hoặc hiện lúc sơ sinh
Hoặc trẻ hoặc già chết
Nếu có ai nghĩ bàn
Tâm nghi phát cuồng loạn.

Bồ Tát hoặc thị hiện sơ sinh, hoặc thị hiện thiếu niên, hoặc thị hiện người già, hoặc thị hiện chết đi. Nếu như có người muốn nghĩ bàn cảnh giới nầy, tâm sẽ sinh hoài nghi, sẽ phát sinh cuồng loạn, tại sao? Vì cảnh giới nầy là không thể nghĩ bàn.

Hoặc hiện ở cung trời
Hoặc hiện mới giáng thần
Hoặc nhập hoặc trụ thai
Thành Phật chuyển pháp luân.

Hoặc thị hiện trụ ở cung trời, hoặc thị hiện hàng thần xuống nhân gian, hoặc thị hiện vào thai mẹ, hoặc thị hiện thành Phật, hoặc thị hiện chuyển bánh xe pháp.

Hoặc sinh hoặc Niết Bàn
Hoặc hiện vào học đường
Hoặc ở trong thể nữ
Hoặc lìa tục tu thiền.

Hoặc thị hiện hàng sinh, hoặc thị hiện vào Niết Bàn. Hoặc thị hiện đi học, hoặc thị hiện ở trong tất cả thể nữ. Hoặc thị hiện xuất gia, hoặc thị hiện tu thiền định.

Hoặc ngồi cây bồ đề
Tự nhiên thành Chánh Giác
Hoặc hiện chuyển pháp luân
Hoặc hiện lúc cầu đạo.

Hoặc thị hiện ngồi dưới cội bồ đề, tự nhiên thành Chánh Giác. Hoặc thị hiện chuyển bánh xe pháp. Hoặc thị hiện xuất gia tu đạo, đó đều là tám tướng thành đạo.

Hoặc hiện làm thân Phật
Ngồi yên vô lượng kiếp
Hoặc tu đạo bất thối
Tích tập đủ bồ đề.

Hoặc thị hiện thân thành Phật, hoặc thị hiện ngồi yên vô lượng kiếp. Hoặc thị hiện tu hành đạo chẳng thối chuyển. Hoặc thị hiện tích tập đủ bồ đề.

Vào sâu vô số kiếp
Thảy đều đến bờ kia
Vô lượng kiếp một niệm
Một niệm vô lượng kiếp.

Có thể vào sâu vô lượng vô biên kiếp, đều là đến bờ kia. Có thể thu vô lượng kiếp làm một niệm, lại có thể kéo dài một niệm làm vô lượng kiếp. Có thần thông biến hoá như vậy.

Tất cả kiếp chẳng kiếp
Vì đời thị hiện kiếp
Không đến không tích tập
Thành tựu các kiếp sự.

Tất cả kiếp vốn chẳng có kiếp, vì người thế gian mới thị hiện kiếp dài, kiếp ngắn. Vốn chẳng có đến, chẳng có tích tập, thành tựu tất cả kiếp sự.

Ở trong một hạt bụi
Thấy khắp tất cả Phật
Mười phương tất cả chỗ
Không nơi nào chẳng có.

Ở trong một hạt bụi, thấy khắp tất cả chư Phật, tất cả đạo tràng mười phương, chẳng có một đạo tràng nào, mà chẳng có sự hiện thân của Bồ Tát.

Cõi nước pháp chúng sinh
Thứ lớp thảy đều thấy
Qua vô lượng số kiếp
Rốt ráo không hết được.

Cõi nước và pháp chúng sinh, rất có thứ lớp, hoàn toàn thấy được rõ ràng. Trải qua vô lượng số kiếp, rốt ráo cũng chẳng cùng tận. Tóm lại, bất cứ đến lúc nào, cảnh giới đó không thể không có.
Quy cụ trong đạo tràng, khi có việc thì mọi người cùng làm. Khi ăn cơm thì cùng nhau ăn, làm việc thì cùng nhau làm. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ, ví như người nào chân chánh dụng công ngồi thiền, ngồi thiền mỗi ngày thì những việc khác có thể làm ít một chút. Tại sao? Vì họ đã đang tu hành! Hoặc niệm Phật, hoặc lạy Phật, đã đang dụng công tu hành. Nếu có những tình hình đặc biệt như vậy, thì không cần bàn đến. Bằng không, tuyệt đối không thể lười biếng, đều phải giữ quy cụ của chùa.
Bạn không thường ngồi thiền, cũng không thường lạy Phật, nhưng khi khoá lễ sáng thì không có thời giờ, nói chuyện thị phi thì có thời giờ. Hoặc khi khoá lễ sáng thì kéo dài thời gian. Bạn đến trễ, tôi đến trễ, người khác cũng đến trễ, như vậy khoá lễ sáng do ai làm? Người tu hành không tham gia khoá lễ sáng thì làm gì? Ở trong Chùa làm khoá lễ sáng là công việc của Thường Trụ, bất cứ người nào cũng không thể trốn tránh được. Không làm khoá lễ sáng tối, tức là coi thường đạo tràng, coi thường đạo tràng, tức là coi thường Phật, coi thường Phật cũng giống như coi thường vị trụ trì. Nếu coi thường vị trụ trì, thì không thể ở chung được, tức cũng không thể ở cùng với đại chúng tu hành được.
Ngoài thời gian làm khoá lễ sáng tối, thời gian còn lại tuỳ ý mình làm gì thì làm. Ai muốn tụng Kinh thì tụng, ai muốn dịch Kinh điển thì dịch, ai muốn đọc kinh sách thì đọc, ai muốn nói chuyện thị phi thì nói, ai muốn nghe chuyện thị phi thì nghe, chẳng có ai ngăn cản quý vị, cũng chẳng có ai hạn chế quý vị. Nhưng đến thời làm khoá lễ sáng tối, thì phải tham gia, vì khoá lễ sáng tối là pháp môn phải tu trong đạo tràng.
Người tu đạo phải hộ trì đạo tràng, phải tôn trọng đạo tràng, phải giữ gìn quy cụ của đạo tràng. Nghe đến tiếng chuông trống, thì lập tức buông việc xuống, chuẩn bị lên chánh điện, không nên đến trễ, phải có tinh thần đến sớm. Nếu đối với việc khoá lễ sáng tối làm không đàng hoàng, hoặc coi là việc phô diễn, thì tôi nói thẳng ra ở trong đạo tràng mà chẳng khác nào ở dưới địa ngục, do đó có câu:

“Địa ngục môn tiền Tăng Đạo đa”,

Nghĩa là:

Ở dưới địa ngục ông Tăng ông Đạo rất nhiều”.

Bất cứ là người xuất gia, hay là người tại gia, ở trong đạo tràng phải cung kính, cúng dường, không thể phá hoại quy cụ của đạo tràng. Tình hình nầy, tôi xem trong con mắt của tôi, thương tại trong tâm của tôi, tại sao? Vì tôi sợ rằng tương lai các vị đoạ địa ngục.

Bồ Tát biết chúng sinh
Rộng lớn không bờ mé
Một thân chúng sinh đó
Vô lượng nhân duyên khởi.

Bồ Tát biết chủng loại chúng sinh, rộng lớn không bờ mé. Ở trong mỗi loài chúng sinh, có đủ thứ sự khác biệt. Thân của một chúng sinh và vô lượng chúng sinh, đều có quan hệ nhân duyên. Giữa chúng sinh với chúng sinh, từ vô lượng kiếp đến nay, hổ tương làm cha con, làm mẹ con, làm anh em, làm chị em, làm vợ chồng, làm bạn bè với nhau, lục thân quyến thuộc, đều có vô lượng quan hệ sở sinh nhân duyên, cho nên đối với tất cả chúng sinh, phải có tâm từ bi thương xót, đối với tất cả chúng sinh phải coi như người thân của mình, cho nên Phật giáo đề xướng tư tưởng “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”.

Như biết một vô lượng
Tất cả cũng đều thế
Tuỳ chỗ họ thông đạt
Dạy những người chưa học.

Như biết một vô lượng, như vậy tất cả vô lượng cũng như thế. Biết một chúng sinh và chúng ta có nhiều nhân duyên, tất cả chúng sinh cũng như thế. Tuỳ theo việc chúng sinh minh bạch, đến giáo hoá họ, chỗ Phật pháp họ chưa học qua, hoặc dạy họ tất cả những kiến thức họ chưa từng học qua.

Đều biết căn chúng sinh
Thượng trung hạ khác nhau
Cũng biết căn chuyển khác
Đáng độ chẳng đáng độ.

Bồ Tát đều biết căn tánh chúng sinh, phân làm thượng trung hạ ba bậc khác nhau. Mỗi người đều có trí huệ của họ, có người rất thông minh, có người rất ngu si. Cũng biết căn tánh chúng sinh, có khả năng thay đổi, đáng được giáo hoá, hoặc chẳng đáng được giáo hoá, đều biết được.

Một căn tất cả căn
Triển chuyển sức nhân duyên
Vi tế đều khác biệt
Thứ lớp không tán loạn.

Một chúng sinh có một căn tánh, tất cả chúng sinh có tất cả căn tánh, đều biết được. Hổ tưởng triển chuyển luân hồi trong sáu nẻo, lưới nghiệp thứ lớp giao thức, sức nhân duyên đó, có sự khác biệt rất vi tế, đều không giống nhau, không tán loạn.

Lại biết họ ham hiểu
Tất cả phiền não tập
Cũng biết xưa vị nay
Hết thảy các tâm hạnh.

Bồ Tát lại biết sự ham muốn và hiểu biết của chúng sinh, cùng với tất cả phiền não và tập khí. Cũng biết quá khứ (hôm qua), vị lai (ngày mai), hiện tại (hôm nay), hết thảy tất cả tâm ý và hành vi. Bồ Tát đều biết đều thấy, chẳng có luống qua.

Thấu đạt tất cả hạnh
Không đến cũng không đi
Tức biết họ hành rồi
Vì nói pháp vô thượng.

Bồ Tát thấu rõ thông đạt hạnh của tất cả chúng sinh, cũng chẳng đến, cũng chẳng đi. Tức nhiên biết hành vi chúng sinh rồi, nên vì chúng sinh nói diệu pháp vô thượng.

Hạnh tạp nhiễm thanh tịnh
Đủ thứ đều biết rõ
Một niệm được bồ đề
Thành tựu nhất thiết trí.

Có hạnh tạp nhiễm, có hạnh thanh tịnh, đủ thứ hạnh, Bồ Tát đều biết. Trong khoảng một niệm, liền đến được bồ đề. Căn lành thành thục rồi, một niệm liền có thể khai ngộ, thành tựu nhất thiết trí.

Trụ Phật không nghĩ bàn
Rốt ráo tâm trí huệ
Một niệm đều biết được
Hạnh tất cả chúng sinh.

Trụ nơi cảnh giới của Phật, đó là không thể nghĩ bàn, có tâm trí huệ rốt ráo. Trong khoảng một niệm, biết được tất cả, tất cả không ngoài một niệm. Cho nên hành vi của tất cả chúng sinh, ở trong một niệm đều biết được.

Bồ Tát thần thông trí
Công lực đã tự tại
Hay ở trong một niệm
Đến đi vô biên cõi.

Bồ Tát có đại thần thông trí huệ, công lực đã rất tự tại, đến được cảnh giới nhậm vận tự tại, tuỳ ý muốn của tâm. Ở trong một niệm, liền đến đi vô biên cõi Phật, hiện thân vì chúng sinh thuyết pháp.

Đến đi mau như vậy
Hết nơi vô số kiếp
Không nơi nào chẳng đến
Chẳng động phần sợi lông.

Đến đi mau như vậy, tận cùng vô số kiếp. Tuy đi chẳng ra ngoài hư không, nhưng chẳng có một nơi nào chẳng đến. Bồ Tát hay đi đến tất cả cõi nước chư Phật, nhưng chẳng lìa chỗ mình ở. Cho nên nói chẳng động phần sợi lông.

Ví như nhà huyễn thuật
Thị hiện đủ thứ sắc
Trong huyễn đó tìm cầu
Không sắc chẳng không sắc.

Ví như nhà huyễn thuật, hay thị hiện đủ thứ màu sắc. Ở trong tượng vẽ huyễn đó tìm cầu, vốn chẳng có màu sắc gì, cũng chẳng có gì chẳng phải màu sắc.

Bồ Tát cũng như thế
Dùng phương tiện trí huyễn
Đủ thứ đều thị hiện
Đầy dẫy nơi thế gian.

Bồ Tát cũng như vậy, dùng trí huệ phương tiện để hiện huyễn. Hoặc thị hiện làm trâu ngựa. Hoặc thị hiện làm mèo chó. Tóm lại, đủ thứ đều có thể hiện huyễn.

Ví như trời trăng sáng
Gương sáng tại hư không
Bóng hiện ở trong nước
Chẳng vì nước tạp nhiễm.

Ví như mặt trời thanh tịnh và mặt trăng thanh tịnh. Ánh sáng mặt trời mặt trăng như gương sang, lơ lửng ở trong hư không. Bóng mặt trời mặt trăng, hay hiện ở trong tất cả nước, nhưng bổn thể của mặt trời mặt trăng, chẳng bị nước làm tạp nhiễm.

Bồ Tát tịnh pháp luân
Nên biết cũng như vậy
Hiện thế gian tâm nước
Chẳng vì đời tạp nhiễm.

Bồ Tát hay chuyển bánh xe pháp thanh tịnh, nên biết cũng như vậy. Hiện tại ở trong tâm nước chúng sinh thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm tạp nhiễm. Giống như hoa sen mọc lên ở trong bùn nhơ, nhưng hương thơm của hoa sen rất thanh khiết, do đó có câu: “Mọc trong bùn mà chẳng nhiễm bùn”.

Như người ngủ trong mộng
Tạo làm đủ thứ việc
Tuy trải ức ngàn năm
Một đêm trọn chưa hết.

Giống như có người ở trong mộng, hay làm đủ thứ sự nghiệp. Tuy ngủ ở trong mộng trải qua ức ngàn năm, nhưng thời gian một đêm, cũng chẳng hết được.

Bồ Tát trụ pháp tánh
Thị hiện tất cả việc
Rốt ráo vô lượng kiếp
Một niệm trí vô tận.

Bồ Tát trụ ở trong pháp tánh, hay thị hiện ra tất cả việc. Ở trong vô lượng kiếp có thể đắc được rốt ráo. Nhưng ở trong một niệm trí huệ, vô cùng vô tận, không cách gì tính lường được.

Ví như trong hang núi
Cùng với giữa cung điện
Đủ thứ đều ứng vang
Mà thật không phân biệt.

Ví như ở trong hang núi cao cùng cốc, và ở trong cung điện, đủ thứ đều ứng vang, có vang thì có ứng. Nhưng hang cốc và cung điện, chẳng có sự phân biệt.

Bồ Tát trụ pháp tánh
Hay dùng trí tự tại
Rộng vang tuỳ loại âm
Cũng lại không phân biệt.

Bồ Tát trụ ở trong pháp tánh hư không, ở trong trí huệ tự tại, rộng vang ra tiếng tuỳ loại chúng sinh, cũng chẳng có sự phân biệt. Mỗi loài chúng sinh đều hiểu được.

Như người thấy dương diệm
Tưởng như là có nước
Chạy theo chẳng uống được
Triển chuyển càng thêm khát.

Giống như có người thấy dương diệm, cho rằng ở đó có nhiều nước, muốn đi đến uống nước. Nhưng khi đến đó xem thì chẳng có nước để uống. Triển chuyển bôn ba, càng làm cho thêm khát.

Tâm chúng sinh phiền não
Nên biết cũng như vậy
Bồ Tát khởi thương xót
Cứu họ khiến thoát khỏi.

Tâm phiền não của chúng sinh, có vô lượng vô biên, cũng nên biết giống như dương diệm. Bồ Tát thấy chúng ta chúng sinh điên đảo, lấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng; lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen; lấy ác làm thiện, lấy thiện làm ác; bất cứ giáo hoá như thế nào, tập khí của họ cũng không thay đổi, chướng ngại trùng trùng. Nếu nói ra tật xấu của họ, thì họ chẳng vui, mà còn tìm cách bảo hộ lỗi lầm của mình, chẳng chịu cải lỗi hướng thiện, thậm chí còn phát đại vô minh, sinh ra đại phiền não. Bồ Tát đối với loại chúng sinh nầy, sinh khởi tâm từ bi thương xót, dạy chúng sinh đừng nói thị phi, đừng sinh phiền não. Nếu chẳng nổi nóng, chẳng đố kị chướng ngại, thì sẽ lìa khỏi biển khổ. Thân người tất cả là giả, đừng coi túi da hôi thối nầy là bảo bối, lúc nào cũng bảo hộ nó, sợ nó chịu khổ, làm cho nó hạnh phúc. Nhưng nó lúc nào cũng gây phiền não cho bạn.

Quán sắc như bọt nước
Thọ như bóng trên nước
Tưởng như ánh nắng gắt
Các hành như cây chuối.

Quán sát sắc uẩn, giống như bọt nước, chuyển nháy mắt liền tiêu tan. Thọ uẩn giống như bong bóng trên nước, chốc lát chẳng còn nữa. Tưởng uẩn lại giống như ánh nắng gắt, thấy có mà thật không. Hành uẩn giống như cây chuối, cũng là không. Năm uẩn vốn chẳng có một tánh chân thật, chẳng có một thật thể, đều là hư vọng, đừng có chấp trước.

Tâm thức giống như huyễn
Thị hiện đủ thứ việc
Biết các uẩn như vậy
Bậc trí không chấp trước.

Thức uẩn cũng là hư huyễn không thật, giống như huyễn hoá mà thị hiện đủ thứ việc. Biết được năm uẩn như vậy, người có trí huệ sẽ không chấp trước vào túi da hôi thối.
Tại sao bị người ta mắng một câu thì chịu không được? Bị người ta đánh một cái nhịn không xong? Thậm chí phát cuồng. Là vì chấp trước vào sắc thân năm uẩn. Vì sắc thân nầy, mà tạo ra chẳng biết bao nhiêu là tội nghiệt. Vẫn không biết cải hối, vẫn chạy theo nó, cuối cùng thì chạy vào địa ngục.

Các xứ đều không tịch
Như máy móc chuyển động
Các giới tánh vĩnh lìa
Vọng hiện nơi thế gian.

Mười hai xứ (trong sáu căn và ngoài sáu thức) cũng là không tịch, chẳng thật có. Giống như sự chuyển động của máy móc. Tuy nó chuyển động, nhưng chẳng có thể tánh thật tại. Mười tám giới (Sáu căn, sáu trần và sáu thức), cũng chẳng có thể tánh chân thật, hư vọng không thật hiện nơi thế gian.

Bồ Tát trụ chân thật
Tịch diệt đệ nhất nghĩa
Đủ thứ rộng tuyên dương
Mà tâm không chỗ nương.

Bồ Tát trụ nơi chân thật, chẳng trụ nơi hư vọng. Tịch diệt đệ nhất nghĩa, gì cũng chẳng có, do đó có câu:

“Quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng”.

Chẳng có vật gì có thể chấp trước. Bồ Tát dùng đủ thứ pháp phương tiện, rộng tuyên dương tất cả Phật pháp. Tâm của Bồ Tát chẳng có chút chấp trước nào, cũng chẳng nương tựa vào chỗ nào hết.

Không đến cũng không đi
Cũng lại không có trụ
Phiền não nghiệp nhân khổ
Ba thứ luôn lưu chuyển.

Bồ Tát cũng chẳng đến, cũng chẳng đi, cũng chẳng trụ, do đó có câu:

“Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”.

Nghĩa là:

Không trụ vào đâu, mà sinh tâm.

Phiền não là nhân khổ của nghiệp, nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng ba thứ nầy thường lưu chuyển.

Tuyệt khởi chẳng có không
Chẳng thật cũng chẳng hư
Như vậy vào trung đạo
Nói mà không chấp trước.

Các pháp từ duyên sinh, các pháp từ duyên diệt, chẳng có tánh rốt ráo, cho nên nói chẳng có không. Cũng chẳng phải thật, cũng chẳng phải hư, được như thế thì vào trung đạo liễu nghĩa, khi nói thì chẳng có sự chấp trước.

Hay ở trong một niệm
Hiện khắp tâm ba đời
Dục sắc vô sắc giới
Tất cả đủ thứ việc.

Bồ Tát có thể ở trong một niệm, khắp hiện trong tâm Phật ba đời, và đến dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tất cả đủ thứ sự việc.

Tuỳ thuận ba luật nghi
Diễn nói ba giải thoát
Kiến lập đạo ba thừa
Thành tựu nhất thiết trí.

Tuỳ thuận ba luật nghi, tức là:
1. Biệt giải thoát luật nghi.
2. Tĩnh lự sinh luật nghi.
3. Vô lậu luật nghi.

Để diễn nói đạo lý ba giải thoát. Ba giải thoát tức là:
1. Không giải thoát.
2. Vô tướng giải thoát.
3. Vô nguyện giải thoát.

Kiến lập ba thừa đạo, tức là:
1. Thanh Văn thừa.
2. Duyên Giác thừa.
3. Bồ Tát thừa.

Thành tựu nhất thiết trí.

Thấu đạt xứ phi xứ
Các nghiệp và các căn
Giới giải và thiền định
Tất cả chí xứ đạo.

Bồ Tát thấu rõ thông đạt thị xứ phi xứ trí lực, tất cả nghiệp và tất cả căn. Trí lực của Bồ Tát lại thấu hiểu thông đạt tất cả giới và tất cả giải, cùng với tất cả thiền định, lại biết tất cả chí xứ đạo.

Túc mạng niệm thiên nhãn
Diệt trừ tất cả hoặc
Biết Phật mười thứ lực
Mà chưa thể thành tựu.

Trí lực của Bồ Tát lại thấu rõ thông đạt túc mạng và thiên nhãn vô ngại, trí lực diệt trừ tất cả tập khí. Biết mười thứ trí lực nầy của Phật, nhưng vẫn chưa thành tựu.

Thấu đạt các pháp không
Mà thường cầu diệu pháp
Chẳng hợp với phiền não
Mà cũng chẳng hết lậu.

Bồ Tát thấu đạt các pháp đều là không, nhưng thường cầu tất cả diệu pháp, chẳng hợp với phiền não. Nếu chúng ta sinh phiền não là ngu si, khi chẳng có phiền não thì trí huệ sẽ hiện tiền; nếu sinh phiền não, thì vô minh sẽ đến, cũng chẳng rõ lý, thì sẽ chẳng có lý trí, sẽ chuyển theo cảnh giới phiền não, lúc đó sẽ tác hợp với phiền não. Tuy Bồ Tát chẳng hợp với phiền não, nhưng cũng chẳng muốn lập tức chứng lậu tận thông.

Rộng biết đạo xuất ly
Mà dùng độ chúng sinh
Nơi đó được vô uý
Chẳng bỏ tu các hạnh.

Bồ Tát biết đạo thoát khỏi ba cõi, nhưng vẫn ở trong tam giới độ hoá chúng sinh. Tại tam giới chứng được bốn vô uý, vẫn không bỏ tu hành tất cả hạnh môn, tức là lục độ vạn hạnh.

Không lầm không trái đạo
Cũng chẳng mất chánh niệm
Tinh tấn được tam muội
Quán huệ không tổn giảm.

Bồ Tát cũng chẳng sai lầm và chẳng trái với mười đạo nầy, cũng chẳng mất đi chánh niệm. Bất cứ lúc nào cũng chẳng nói thị nói phi, cũng chẳng nghe thị nghe phi. Tinh tấn muốn đắc được tam muội, quán sát trí huệ, không có sự tổn giảm.

Ba tụ đều thanh tịnh
Ba đời đều thấu đạt
Đại từ thương chúng sinh
Tất cả không chướng ngại.

Ba tụ giới (nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiếp chúng sinh giới) đều thanh tịnh. Ba đời (đời quá khứ, hiện tại, và vị lai) hoàn toàn thấu rõ thông đạt. Có tâm đại từ bi, thương xót tất cả chúng sinh, tất cả đều chẳng có sự chướng ngại nào.

Do vào pháp môn nầy
Được thành hạnh như vậy
Tôi chỉ nói ít phần 
Công đức nghĩa trang nghiêm.

Do pháp không chướng ngại vào pháp môn nầy, mà được thành tựu hạnh môn nầy. Tôi (Bồ Tát Phổ Hiền) hiện tại chỉ nói ít phần công đức và nghĩa lý trang nghiêm.

Nếu trong vô số kiếp
Nói hạnh nầy vô tận
Nay tôi nói ít phần
Như hạt bụi đại địa.

Nếu như tôi muốn nói rõ cặn kẽ, thì dù trải qua vô lượng kiếp, cũng nói không hết được. Hạnh môn của Bồ Tát tu, hiện tại tôi chỉ nói chút ít mà thôi, ít giống như một hạt bụi trong đại địa.

Nương nơi Phật trí trụ
Khởi nơi tưởng kỳ đặc
Tu hành hạnh tối thắng
Đầy đủ đại từ bi.

Bồ Tát thì nương nơi trí huệ của Phật mà sinh, khởi nơi tưởng kỳ đặc, tu hành hạnh tối thù thắng, đầy đủ từ bi rộng lớn.

Tinh cần tự an ổn
Giáo hoá các hàm thức
An trụ trong tịnh giới
Đủ các hạnh thọ ký.

Bồ Tát tinh tấn tu hành, tự được an ổn, giáo hoá tất cả hàm thức (chúng sinh), an ổn trụ ở trong giới thanh tịnh, đầy đủ hạnh thọ ký của Phật.

Hay vào công đức Phật
Chúng sinh hạnh và cõi
Kiếp đời cũng đều biết
Không có tưởng nhàm mỏi.

Bồ Tát hay vào công đức của Phật, hay đến cõi chúng sinh và cõi chư Phật. Việc đại kiếp thế giới hoàn toàn biết được, chẳng có ý tưởng nhàm mỏi.

Sai biệt trí tổng trì
Thông đạt chân thật nghĩa
Tư duy nói vô tỉ
Tịch tĩnh Đẳng Chánh Giác.

Môn tổng trì sai biệt trí, hay thông đạt nghĩa lý chân thật. Tư duy nói pháp không gì sánh bằng, thường ở nơi tịch tĩnh, chứng được quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Phát nơi tâm Phổ Hiền
Và tu hạnh nguyện đó
Từ bi nhân duyên lực
Hướng đạo ý thanh tịnh.

Phát tâm của Bồ Tát Phổ Hiền, tu hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, sức nhân duyên từ bi, tâm hướng về đạo, đặc biệt thanh tịnh.

Tu hạnh Ba La Mật
Rốt ráo tuỳ giác trí
Chứng biết lực tự tại
Thành vô thượng bồ đề.

Bồ Tát tu hành tất cả pháp môn Ba La Mật, rốt ráo tuỳ trí huệ giác ngộ, chứng được trí lực tự tại, thành tựu bồ đề giác đạo vô thượng.

Thành tựu trí bình đẳng
Diễn nói pháp tối thắng
Hay trì đủ diệu biện
Mau được nơi Pháp Vương.

Thành tựu trí huệ bình đẳng, hay diễn nói diệu pháp tối thắng, hay thọ trì đầy đủ bốn biện tài vô ngại, và được an trụ nơi ngôi báu Pháp Vương.

Xa lìa các chấp trước
Diễn nói tâm bình đẳng
Sinh ra nơi trí huệ
Biến hoá được bồ đề.

Hay xa lìa tất cả sự chấp trước, diễn nói pháp môn tâm bình đẳng, sinh ra nhất thiết trí, biến hoá được quả giác bồ đề.

Trụ trì tất cả kiếp
Bậc trí đại hoan hỉ
Thâm nhập và nương tựa
Không sợ không nghi hoặc.

Hay nhập định trong tất cả kiếp, bậc trí huệ (Phật) sinh đại hoan hỉ vị Bồ Tát đó. Thâm nhập nơi Phật, nương tựa nơi Phật, chẳng có việc gì tâm sợ hãi và đố kị, đã đến được cảnh giới dứt hoặc, chứng chân.

Thấu đạt không nghĩ bàn
Xảo mật khéo phân biệt
Khéo nhập các tam muội
Thấy khắp cảnh giới trí.

Đã thấu đạt pháp môn không thể nghĩ bàn, thiện xảo phương tiện để nói pháp môn phân biệt bí mật. Khéo nhập tất cả tam muội, thấy khắp được cảnh giới trí huệ.

Rốt ráo các giải thoát
Du hí các thông minh
Ràng buộc đều vĩnh lìa
Vườn rừng nơi dạo chơi.

Lại đến được rốt ráo các giải thoát. Thế nào là giải thoát ? Không ràng buộc là giải, tự tại là thoát. Và nữa thiền định là lối gọi khác. Có phân ra hai giải thoát, ba giải thoát, tám giải thoát. Du hí tất cả thông minh, hoàn toàn vĩnh viễn xa lìa sự ràng buộc quái ngại, tuỳ tiện dạo chơi trong vườn rừng (Phật pháp).

Pháp trắng làm cung điện
Các hạnh đáng vui thích
Hiện vô lượng trang nghiêm
Nơi đời tâm bất động.

Dùng pháp trắng tịnh làm cung điện, tất cả pháp môn tu hành, đáng vui thích nhất. Hiện ra vô lượng sự trang nghiêm, đối với pháp thế gian, tâm chẳng lay động. Tóm lại, chẳng bị cảnh giới lay động, mà chuyển được cảnh giới.

Thâm tâm khéo quán sát
Diệu biện hay khai diễn
Ấn bồ đề thanh tịnh
Trí quang chiếu tất cả.

Thâm tâm khéo quán sát tất cả cảnh giới, có diệu biện tài, hay khai diễn tất cả diệu pháp. Đắc được pháp ấn bồ đề thanh tịnh, trí huệ quang minh chiếu khắp tất cả thế giới.

Chỗ trụ không sánh bằng
Tâm đó chẳng hạ liệt
Lập chí như núi lớn
Gieo đức như biển sâu.

Bậc của Bồ Tát trụ, không ai có thể sánh bằng được, tâm của Ngài chẳng hoan hỉ pháp tiểu thừa, mà hoan hỉ pháp đại thừa. Bồ Tát lập chí nguyện, cao lớn như núi Tu Di. Sự gieo trồng công đức lành, sâu giống như biển Hương Thuỷ. Chúng ta chúng sinh, cũng nên lập chí nguyện lớn như thế. Nếu không lập chí nguyện, thì giống như chiếc thuyền chạy giữa biển không có địa bàn chỉ mục tiêu.

Như báu an trụ pháp
Mặc giáp tâm thệ nguyện
Phát khởi nơi việc lớn
Rốt ráo không thể hoại.

Giống như bảo bối an trụ nơi pháp, mặc áo giáp vào, phát tâm đại hoằng thệ nguyện, phát khởi việc lớn liễu sinh thoát tử. Chí nguyện kim cang kiên cố như thế, rốt ráo đạt đến cảnh giới viên mãn, chẳng bị thiên ma ngoại đạo phá hoại.

Được thọ ký bồ đề
An trụ tâm rộng lớn
Bí tạng vô cùng tận
Giác ngộ tất cả pháp.

Bồ Tát được chư Phật thọ ký bồ đề biệt hiệu. Nói tương lai khi nào sẽ thành Phật? Phật danh hiệu gì? Trụ ở thế giới nào? Tên thế giới là gì? Trụ bao nhiêu số kiếp? Thọ ký rồi, Bồ Tát an trụ tâm hoằng thệ nguyện rộng lớn. Tu pháp tạng bí mật, chẳng khi nào cùng tận, hay giác ngộ tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

Thế trí đều tự tại
Diệu dụng không chướng ngại
Chúng sinh tất cả cõi
Cùng với đủ thứ pháp.

Trí huệ thế gian và trí huệ xuất thế gian, đều được nhậm vận tự tại. Sự diệu dụng đó, chẳng có chướng ngại. Hết thảy chúng sinh, hết thảy cõi nước, cùng với đủ thứ pháp môn.

Thân nguyện và cảnh giới
Trí huệ thần thông thảy
Thị hiện nơi thế gian
Vô lượng trăm ngàn ức.

Thân phát nguyện và tất cả cảnh giới, trí huệ và thần thông v.v… đều thị hiện tại thế gian, có vô lượng vô biên trăm ngàn ức hoá thân.

Tự tại không thể chế
Lực vô uý bất cộng
Du hí và cảnh giới
Tất cả nghiệp trang nghiêm.

Du hí và cảnh giới rất tự tại, bất cứ người nào cũng không cách chi khống chế được. Mười lực của Phật, Bồ Tát cũng đầy đủ. Bốn vô sở uý của Phật, Bồ Tát cũng đắc được. Mười tám pháp bất cộng của Phật, Bồ Tát cũng viên mãn, tất cả nghiệp cũng trang nghiêm thanh tịnh.

Các thân và các nghiệp
Lời và tịnh tu lời
Vì do được giữ gìn
Thành tựu mười thứ việc.

Thân và thân nghiệp của Bồ Tát, rất thanh tịnh, chẳng tạo nghiệp: Giết, trộm, dâm. Lời và lời nghiệp của Bồ Tát, rất thanh tịnh, chẳng tạo: Nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chửi mắng. Ý và ý nghiệp của Bồ Tát, rất thanh tịnh, chẳng tạo nghiệp: Tham, sân, si. Do giữ gìn ba nghiệp không phạm, nên thành tựu mười việc lành.

Bồ Tát sơ phát tâm
Cùng với tâm cùng khắp
Các căn không tán động
Đắc được căn tối thắng.

Lúc ban đầu Bồ Tát phát tâm, thì phát bồ đề tâm. Tâm của Bồ Tát rộng lớn, khắp pháp giới. Các căn của Bồ Tát, đều ở trong định, chẳng tán động. Vì Bồ Tát có định lực, cho nên đắc được căn tối thù thắng.

Tâm sâu tâm tăng thắng
Xa lìa sự dối trá
Đủ thứ quyết định giải
Vào khắp nơi thế gian.

Tâm bồ đề sâu rộng, hay tăng trưởng tâm bồ đề thù thắng, hay xa lìa tất cả sự dối trá. Bồ Tát chẳng thấy người có tiền tài, có thế lực, lại đi dối trá người khác, nói những lời ngon ngọt. Thấy người không có tiền tài, không có thế lực, thì sinh tâm kiêu ngạo, nói lời dối trá, Bồ Tát chẳng có những hành vi đó. Đủ thứ kiến giải của Bồ Tát, đều là tánh quyết định, vì có đại trí huệ, cho nên vào khắp thế gian để độ chúng sinh.

Xả phiền não tập đó
Giữ đạo tối thắng nầy
Khéo tu khiến viên mãn
Sớm thành nhất thiết trí.

Bồ Tát xả bỏ phiền não và tập khí, do đó có câu: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Bình thường chúng ta cảm thấy chẳng có phiền não, nhưng khi cảnh giới đến rồi, thì trong sự bất tri bất giác, hiện ra phiền não. Tuy hiện ra phiền não, nhưng mình vẫn không biết, đó là tình hình của người phàm phu tục tử. Bồ Tát giữ gìn đạo tối thù thắng nầy để tu hành, dùng đủ thứ phương tiện khéo léo để tu tập đạo thù thắng, đắc được sự viên mãn, và thành tựu nhất thiết trí.

Lìa lùi nhập chánh vị
Quyết định chứng tịch diệt
Sinh ra đạo Phật pháp
Thành tựu hiệu công đức.

Lìa khỏi tâm thối chuyển, chứng nhập chánh vị. Quyết định chứng được vui tịch diệt, sinh ra pháp của Phật nói, đạo của Bồ Tát tu hành, thành tựu mười danh hiệu của Phật. Đó là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điệu Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Đạo và vô lượng đạo
Cho đến trang nghiêm đạo
Thứ lớp khéo an trụ
Thảy đều không chấp trước.

Đạo của Bồ Tát tu và vô lượng đạo, cho đến trang nghiêm đạo, lần lược tu hành. Khéo an trụ nơi đạo, hoàn toàn chẳng có sự chấp trước.

Tay chân và bụng tạng
Kim cang dùng làm tâm
Mặc áo giáp từ ái
Đầy đủ binh khí gậy.

Tay chân và bụng tạng của Bồ Tát, dùng kim cang làm tâm tu đạo, mặc lên áo giáp từ bi thương xót, đầy đủ tất cả binh khí gậy, tức cũng là tích trượng, binh khí dùng hộ vệ.

Trí: đầu, mắt: sáng suốt
Hạnh bồ đề làm tai
Giới thanh tịnh làm mũi
Diệt tối không chướng ngại.

Dùng trí huệ làm đầu, sáng suốt làm mắt, hạnh bồ đề làm tai, giới thanh tịnh làm mũi, hay diệt trừ tất cả đen tối, chẳng có tất cả chướng ngại.

Biện tài dùng làm lưỡi
Thân đến khắp mọi nơi
Trí tối thắng làm tâm
Đi đứng tu các nghiệp.
Đạo tràng toà sư tử
Tịnh: nằm, hư không: ở.

Dùng bốn biện tài vô ngại làm lưỡi, đến khắp mọi nơi làm thân, trí huệ tối thù thắng làm tâm, đi đứng nằm ngồi làm tu thân lời ý ba nghiệp, khiến cho thanh tịnh. Toà sư tử trong đạo tràng thanh tịnh làm chỗ nằm, hư không làm chỗ ở.
Chúng ta nghe đoạn kinh văn nầy, nên hồi quang phản chiếu, xem mình có nói những lời vô ích không, có tạo những tội nghiệp không. Do đó có câu: “Thiện ác xen tạp”. Chúng ta không để ý, trong sự bất tri bất giác, làm những việc sai lầm. Có lúc muốn làm việc thiện, nhưng trong thiện biến thành ác, đó tức là thiện ác xen tạp. Phân biệt chẳng rõ ràng, ở trong sự vô ý, bèn sai nhân quả, chính mình còn không biết. Cho nên phải học tập Bồ Tát, giữ gìn thân lời ý ba nghiệp của chính mình, khiến cho thanh tịnh, đừng để sinh phiền não.

Tu hành và quán sát
Chiếu khắp cảnh Như Lai
Quán khắp hạnh chúng sinh
Phấn tấn và gầm rống.

Hạnh môn tu hành và trí huệ quán sát, hay chiếu khắp cảnh giới Như Lai, hay quán khắp hành vi của chúng sinh, nhập tam muội sư tử phấn tấn, làm sư tử hống, tức cũng là thuyết pháp.

Lìa tham hành tịnh thí
Xả mạn giữ tịnh giới
Chẳng sân thường nhẫn nhục
Chẳng lười luôn tinh tấn.

Lìa khỏi tâm tham, hành bố thí thanh tịnh, đừng có tâm xí đồ, hiện tại chúng ta tu hành pháp môn bố thí, tương lai sẽ đắc được công đức gì ? Nếu có tư tưởng như thế để bố thí, thì chẳng thanh tịnh, đã hàm chứa có tư tưởng tham nhiễm. Nếu không có sự mong cầu, thì mới là thật bố thí. Phải xả bỏ hành vi cống cao ngã mạn, được như vậy thì đó là tu trì giới thanh tịnh. Chẳng sinh tâm sân hận, thường tu hạnh nhẫn nhục, đừng có giải đãi, phải thường tinh tấn. Trong Kinh văn lúc nào cũng nhắc nhở chúng ta, khuyên nhủ chúng ta, đừng có nổi giận, đừng có lười biếng. Bằng không, hai điều nầy sẽ là chướng ngại lớn đối với sự tu hành. Nhưng đến lúc nào đó thì quên mất tiêu, lại nổi giận lên, đó là vì công phu nhẫn nhục chưa đến hoả hầu. Vẫn còn giải đãi, đó là vì công phu tinh tấn chưa tu đến sự thành công, mới có biểu hiện như thế.

Thiền định được tự tại
Trí huệ không chỗ hành
Từ tế bi không mỏi
Vui pháp bỏ phiền não.

Tu thiền định sẽ đắc được cảnh giới nhậm vận tự tại, người có trí huệ, thì chẳng có hành vi chấp trước. Người có hành động từ bi và cứu tế chúng sinh, thì bất cứ lúc nào, cũng chẳng có sự nhàm mỏi. Lúc nào cũng hoan hỉ học tập pháp, xả lìa tất cả phiền não.

Ở trong các cảnh giới
Biết nghĩa cũng biết pháp
Phước đức đều thành mãn
Trí huệ như kiếm bén.

Ở trong tất cả cảnh giới, biết nghĩa lý và phương pháp của nó. Tất cả phước đức, đều đã thành tựu viên mãn, trí huệ sáng suốt, như thanh kiếm báu nhờ kiếm trí huệ mà chặt đứt được ma phiền não. Ma hay giết pháp thân, hại huệ mạng, não loạn tâm thanh tịnh của người tu hành.

Chiếu khắp thích đa văn
Thấu rõ pháp hướng về
Biết ma và ma đạo
Thệ nguyện đều xả lìa.

Chiếu khắp tất cả chúng sinh, khiến cho họ ưa thích đa văn, thấu rõ hướng về tất cả Phật pháp. Biết Phật như thế nào ? Ma ra sao ? Lại biết sự tu đạo của ma, mà phát thệ nguyện bỏ ma nghiệp và lìa khỏi ma đạo.

Thấy Phật và Phật nghiệp
Phát tâm đều nhiếp lấy
Lìa mạn tu trí huệ
Chẳng bị ma lực trì.

Thường thấy Phật và thường thấy Phật nghiệp, phát tâm đại thệ nguyện, thảy đều nhiếp lấy, do đó có câu : « Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành ». Lìa khỏi tâm ngã mạn, phải tu hành trí huệ. Có trí huệ rồi, sẽ chẳng bị ma lực nhiếp trì. Đố kị của ma vương quá nặng, là sợ rằng người tu hành thành Phật.

Được Phật lực nhiếp trì
Cũng được pháp nhiếp trì
Hiện ở trời Đâu Suất
Và hiện mạng chung kia.

Được Phật lực nhiếp trì, thì cũng được Phật pháp nhiếp trì. Bồ Tát thị hiện trụ ở nội viện cung trời Đâu Suất, lại thị hiện cảnh giới mạng chung. Hiện tại Bồ Tát Di Lặc trụ tại nội viện cung trời Đâu Suất, hậu bổ Phật vị, xưng là Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.

Thị hiện trụ thai mẹ
Cũng hiện cõi vi tế
Hiện sinh và mỉm cưởi
Cũng hiện đi bảy bước.

Bồ Tát thị hiện trụ ở thai mẹ, cũng thị hiện cảnh giới mỉm cười. Lại thị hiện bốn hướng đi bay bước, chân bước trên hoa sen, nói rằng:

“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Nói xong, liền khôi phục lại thân hài nhi.

Hiện tu các kỹ thuật 
Cũng hiện nơi thâm cung
Xuất gia tu khổ hạnh
Đi đến nơi Đạo tràng.

Lại thị hiện tu học tất cả kỹ thuật, cũng thị hiện ở nơi cung vua, lại thị hiện xuất gia, tu khổ hạnh, khi ở tại núi Tuyết, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè và một hạt gạo, cuối cùng đi đến Bồ đề đạo tràng.

Ngồi thẳng phóng quang minh
Giác ngộ các quần sinh
Hàng ma thành Chánh Giác
Chuyển pháp luân vô thượng
Thị hiện đã xong rồi
Vào nơi đại Niết Bàn.

Thị hiện tướng ngồi ngay thẳng, phóng đại quang minh, giác ngộ tất cả chúng sinh. Hàng phục tất cả ma nhiễu loạn, mà thành Chánh Giác. Chuyển bánh xe diệu pháp vô thượng, giáo hoá tất cả chúng sinh. Sau khi thị hiện tám tướng thành đạo rồi, mới vào đại Niết Bàn.

Các Bồ Tát hạnh đó
Vô lượng kiếp tu tập
Rộng lớn không bờ mé
Nay tôi nói ít phần.

Đó là tất cả hạnh của Bồ Tát tu hành, từ vô lượng kiếp đến nay, đều tu hành học tập như thế, rộng lớn chẳng có bờ mé. Bồ Tát Phổ Hiền nói : “Nay tôi chỉ nói ít phần mà thôi, nếu nói tỉ mỉ, thì dù trải qua vô lượng kiếp, cũng nói không hết được”.

Tuy khiến vô lượng chúng
An trụ Phật công đức
Trong chúng sinh và pháp
Rốt ráo không chấp lấy.

Tuy nhiên hay khiến vô lượng chúng sinh, an ổn trụ tại công đức của Phật. Ở trong chúng sinh và pháp, rốt ráo chẳng có sự chấp trước.

Đầy đủ hạnh như vậy
Du hí các thần thông
Đầu lông để các cõi
Trải qua ức ngàn kiếp.

Đầy đủ hạnh môn của Bồ Tát tu hành như vậy, du hí tất cả thần thông, có thể ở nơi đầu của một chân lông, đặt để tất cả cõi Phật, trải qua ngàn ức đại kiếp, vẫn không lay động.

Tay cầm vô lượng cõi
Đi khắp thân không mỏi
Đem về để chỗ cũ
Chúng sinh chẳng hay biết.

Trong lòng bàn tay cầm vô lượng cõi nước chư Phật, đi đến khắp vô lượng cõi nước, mà thân thể không cảm thấy mệt mỏi. Lại đem về chỗ cũ, mà chúng sinh vẫn không hề hay biết chỗ trụ của thế giới, đã bị Bồ Tát dùng thần lực, đem đi đến thế giới khác, lại có thể dời thế giới khác, đem đến thế giới nầy, hổ tương dời đổi, nhưng phàm phu ngu si, vẫn không hay, không biết.

Bồ Tát đem tất cả
Đủ thứ trang nghiêm cõi
Để trong một lỗ lông
Chân thật đều khiến thấy.

Bồ Tát dùng tất cả đủ thứ đồ trang nghiêm, để trang nghiêm đủ thứ cõi nước. Đem hết thảy cõi nước để vào trong một lỗ chân lông, sự việc chân thật, hay khiến cho tất cả chúng sinh đều thấy được cảnh giới nầy, mà trong lỗ lông chẳng có sự chật hẹp. Cảnh giới nầy, là hoàn toàn sự thật một trăm phần trăm, nhục nhãn phàm phu chúng ta nhìn chẳng thấy được, nhưng bậc Thánh nhân có ngũ nhãn lục thông, nhìn thấy được rất rõ ràng, tuyệt đối không nói dối. Đức Phật là bậc Thánh nhân nói lời chân thật, tuyệt đối không nói lời giả dối.

Lại dùng một lỗ lông 
Dung nạp tất cả biển
Biển cả không tăng giảm
Chúng sinh chẳng nhiễu hại.

Ở trong một lỗ chân lông, khắp dung nạp tất cả biển lớn. Nghĩa là đem tất cả biển lớn, để ở trong một lỗ chân lông, nhưng tất cả biển lớn cũng không giảm bớt, lỗ chân lông cũng không tăng thêm. Đó là cảnh giới diệu không thể tả. Đối với tất cả chúng sinh chẳng có nhiễu hại. Chẳng phải nói đem tất cả biển lớn để vào trong một lỗ chân lông, thì chúng sinh bị chết hết, chẳng phải, vì đó là Bồ Tát biểu diện du hí thần thông.

Vô lượng núi Thiết Vi
Tay đập nát thành bụi
Một bụi làm một cõi
Hết số những bụi đó.

Vô lượng núi Thiết Vi, dùng tay đập nát thành bụi. Mỗi hạt bụi làm thành một cõi Phật, hết những số hạt bụi đó thì ngừng. Những cõi Phật đó, không cách chi tính đếm được.

Đem các cõi bụi đó
Lại nghiền nát làm bụi
Bụi đó có thể biết
Trí Bồ Tát khó lường.

Đem những hạt bụi đó, làm thành nhiều cõi nước Phật, rồi nghiền nát hết những cõi đó ra thành bụi. Những hạt bụi đó, có thể biết được số lượng bao nhiêu hạt bụi, nhưng trí huệ của Bồ Tát, không cách chi dò lường được, chẳng có người nào biết được rốt ráo có bao nhiêu?

Ở trong một lỗ lông
Phóng vô lượng quang minh
Ánh sáng trời trăng sao
Ánh lửa châu ma ni.

Ở trong một lỗ chân lông, phóng ra vô lượng quang minh. Quang minh đó, vượt qua ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, cũng hơn hẳn ánh sáng của châu báu ma ni. Tóm lại, hơn hẳn tất cả ánh sáng.

Cùng với sáng chư Thiên
Tất cả đều khe khuất
Diệt các khổ đường ác
Vì nói pháp vô thượng.

Lại che khuất hết ánh sáng của chư Thiên, vốn không thể nào sánh được. Ánh sáng đó hay diệt trừ khổ trong ba đường ác, vì tất cả chúng sinh diễn nói diệu pháp vô thượng.

Tất cả các thế gian
Đủ thứ tiếng khác nhau
Bồ Tát dùng một tiếng
Đều nói được tất cả.

Vì tất cả chúng sinh thế gian, diễn nói đủ thứ âm thanh khác nhau. Bồ Tát dùng một âm thanh, có thể nói ra vô lượng ngôn ngữ khác nhau.

Quyết định phân biệt nói
Tất cả các Phật pháp
Khắp khiến các quần sinh
Nghe rồi đại hoan hỉ.

Bồ Tát hay quyết định các thứ ngôn ngữ, phân biệt vì chúng sinh nói pháp, diễn nói pháp của tất cả chư Phật nói, khắp khiến cho tất cả chúng sinh nghe rồi, đều sinh tâm đại hoan hỉ.

Tất cả kiếp quá khứ
Để hiện tại vị lai
Kiếp vị lai hiện tại
Xoay để đời quá khứ.

Đem tất cả kiếp quá khứ, để ở trong kiếp vị lai, lại có thể để ở trong kiếp hiện tại. Lại có thể đem kiếp vị lai và kiếp hiện tại, về để ở trong kiếp quá khứ, hổ tương dời đổi với nhau, mà chẳng có chướng ngại.

Thị hiện vô lượng cõi
Thiêu đốt và thành trụ
Tất cả các thế gian
Đều trong một lỗ lông.

Lại có thể thị hiện vô lượng cõi Phật, khi kiếp lửa thiêu đốt và thành trụ, tất cả hết thảy thế gian, hoàn toàn ở trong một lỗ chân lông

Khứ lai và hiện tại
Tất cả mười phương Phật
Thảy đều ở trong thân
Phân rõ mà hiển hiện.

Đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại, tất cả mười phương chư Phật, thảy đều ở trong thân, phân minh hiển hiện thấy được rõ ràng.

Biết sâu pháp biến hoá
Khéo ứng tâm chúng sinh
Thị hiện đủ thứ thân
Mà đều không chấp trước.

Bồ Tát biết sâu pháp biến hoá, khắp ứng tâm của tất cả chúng sinh, do đó có câu: “Quán cơ thí giáo, vì người cho thuốc”. Đáng dùng thân gì độ được, thì Bồ Tát thị hiện thân đó mà vì họ nói pháp. Tuy thị hiện đủ thứ thân, nhưng đều không có sự chấp trước.

Hoặc hiện nơi sáu cõi
Tất cả thân chúng sinh
Thân Thích Phạm Hộ Thế
Thân chư Thiên loài người.

Hoặc hiện ở trong sáu nẻo luân hồi, thị hiện thân tất cả chúng sinh, hoặc hiện thân Thích Đề Hoàn Nhân, hoặc hiện thân Đại Phạm Thiên Vương, hoặc hiện thân Hộ Thế Tứ Thiên Vương, hoặc hiện thân chư Thiên, hoặc thân người, hoặc thân A tu la v.v…

Thân Thanh Văn Duyên Giác
Thân chư Phật Như Lai
Hoặc hiện thân Bồ Tát
Tu hành nhất thiết trí.

Hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Duyên Giác, hoặc hiện thân chư Phật, hoặc hiện thân Bồ Tát, tu hành nhất thiết trí huệ.

Khéo vào hạ trung thượng
Chúng sinh các lưới tưởng
Thị hiện thành bồ đề
Cùng với cõi chư Phật.

Khéo vào trong chúng sinh thượng trung hạ, tại tất cả lưới tưởng chúng sinh, thị hiện thành tựu bồ đề giác đạo, kiến lập tất cả cõi nước chư Phật.

Biết rõ các lưới tưởng
Nơi tưởng được tự tại
Hiện tu hạnh Bồ Tát
Tất cả việc phương tiện.

Thấu rõ lưới tưởng của tất cả chúng sinh (vọng tưởng giống như lưới), đối với tưởng đắc được tự tại, không còn bị ràng buộc lưới tưởng nữa, thị hiện hạnh môn tu hành của Bồ Tát, cùng với tất cả việc phương tiện.

Thị hiện như vậy thảy
Các thần biến rộng lớn
Các cảnh giới như vậy
Thế gian chẳng biết được.

Đủ thứ sự tướng thị hiện ở trước đã nói, đều là thần thông biến hoá rộng lớn. Tất cả cảnh giới như vậy, chúng sinh thế gian chẳng cách chi biết được.

Tuy hiện không chỗ hiện
Rốt ráo lại tăng thêm
Tuỳ thuận tâm chúng sinh
Khiến hành đạo chân thật.
Thân lời cùng với tâm
Bình đẳng như hư không.

Tuy Bồ Tát thị hiện đủ thứ cảnh giới, nhưng chẳng có sở hiện, vì Bồ Tát chẳng chấp trước. Rốt ráo đạo quả ngày càng tăng tiến hướng thượng, tuỳ thuận tâm của tất cả chúng sinh, khiến cho họ tu hành đạo chân thật. Thân lời ý ba nghiệp thanh tịnh, không có tạp nhiễm, bình đẳng như hư không.

Tịnh giới làm hương thoa
Các hạnh làm y phục
Lụa pháp cài búi tóc
Nhất thiết trí ma ni.

Giới thanh tịnh làm hương thoa, lục độ vạn hạnh làm y phục. Lụa pháp làm búi tóc trang nghiêm thanh tịnh. Nhất thiết trí huệ làm bảo châu ma ni.

Công đức khắp tất cả
Quán đảnh lên vương vị
Ba La Mật làm luân
Các thông dùng làm voi.

Công đức đó khắp cùng mười phương cõi Phật, quán đảnh thọ ký, giống như lên vương vị. Dùng pháp mười độ Ba La Mật, làm bánh xe đại thừa. Sáu thần thông làm voi trắng lớn.

Thần túc dùng làm ngựa
Trí huệ làm minh châu
Diệu hạnh làm thể nữ
Bốn nhiếp chủ tạng thần.

Thần túc thông làm ngựa, trí huệ làm minh châu, sở tu diệu hạnh làm thể nữ, bốn pháp nhiếp làm chủ tạng thần báu. Chuyển Luân Thánh Vương có bảy thứ bảo bối :

1. Luân báu.
2. Châu báu.
3. Voi báu.
4. Ngựa báu.
5. Binh báu.
6. Chủ tạng thần báu.
7. Nữ báu.

Phương tiện làm chủ binh
Bồ Tát Chuyển Luân Vương
Tam muội làm thành quách
Không tịch làm cung điện.

Phương tiện thiện xảo làm chủ binh báu, Bồ Tát ví như Chuyển Luân Thánh Vương. Tam muội làm thành quách. Nội thành là thành, ngoại thành là quách. Không tịch làm cung điện. Cung là chỗ ở của hoàng đế, điện là chỗ làm việc xử lý quốc gia của hoàng đế.

Giáp: từ, kiếm: trí huệ
Cung: niệm, tên: minh lợi
Giăng cao lọng thần lực
Lại dựng tràng trí huệ.

Từ bi làm áo giáp, trí huệ làm bảo kiếm, chánh niệm làm cung báu, minh lợi làm mũi tên. Giăng cao lọng báu thần lực, lại dựng tràng báu trí huệ.

Nhẫn lực chẳng lay động
Đánh thẳng quân ma vương
Tổng trì làm đất bằng
Các hạnh làm sông nước.

Sức nhẫn nhục chẳng lay động, hay đánh thẳng vào quân ma vương. Pháp môn tổng trì làm đất bằng, tất cả hạnh môn làm sông nước, hai thứ nhân duyên nầy hay sinh ra diệu pháp.

Tịnh trí làm suối vọt
Diệu huệ làm rừng cây
Hư không làm hồ trong
Giác phần làm hoa sen.

Trí thanh tịnh làm suối vọt, huệ vi diệu làm rừng cây. Thế nào gọi là trí? Thông sự tướng hữu vi là trí. Thế nào là huệ? Đạt nơi định lý vô vi là huệ. Cũng có thể nói thông hiểu các pháp là trí, dứt hoặc chứng lý là huệ. Hư không làm hồ báu lắng trong, giác phần làm hoa sen.

Thần lực tự trang nghiêm
Tam muội thường đùa vui
Tư duy làm thể nữ
Cam lồ làm thức ăn.
Vị giải thoát nước uống
Du hí nơi ba thừa.

Thần thông lực tự trang nghiêm. Tam muội làm vui đùa. Tư duy làm thể nữ, cam lồ làm thức ăn ngon, vị giải thoát làm nước uống, du hí nơi Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, ba thừa.

Các Bồ Tát hạnh đó
Vi diệu càng tăng thêm
Vô lượng kiếp tu hành
Tâm đó không nhàm đủ.

Ở trên là tất cả hạnh môn tu hành của Bồ Tát, càng tu hành thì càng có những cảnh giới vi diệu không thể nghĩ bàn, ngày càng tăng trưởng hướng thượng, ở trong vô lượng kiếp tu hành, tâm đó chẳng khi nào nhàm mỏi biết đủ.

Cúng dường tất cả Phật
Nghiêm tịnh tất cả cõi
Khắp khiến tất cả chúng
An trụ nhất thiết trí.

Cúng dường mười phương tất cả chư Phật, trang nghiêm thanh tịnh tất cả cõi nước chư Phật. Khắp khiến cho tất cả chúng sinh, an trụ ở trong nhất thiết trí.

Tất cả cõi hạt bụi
Đều biết được số đó
Tất cả cõi hư không
Số cát đo lường được.

Tất cả cõi Phật nhiều như số hạt bụi, hoàn toàn biết được số lượng. Tất cả cõi hư không, số cát sông Hằng, đều có thể độ lượng được có bao nhiêu !

Tất cả tâm chúng sinh
Niệm niệm đếm biết được
Phật tử! Các công đức
Nói không thể hết được.

Tâm của tất cả chúng sinh, ở trong niệm niệm, cũng có thể biết được số mục. Nhưng Phật tử làm các công đức rất nhiều, nói cũng không hết được.

Muốn đủ công đức nầy
Và các pháp thượng diệu
Muốn khiến các chúng sinh
Lìa khổ thường an lạc.

Nghĩ muốn đầy đủ công đức nầy, thì phải có tất cả diệu pháp vô thượng, mới có thể khiến cho tất cả chúng sinh, lìa khổ được an lạc.

Muốn khiến thân lời ý
Đều đồng với chư Phật
Nên phát tâm kim cang
Học hạnh công đức nầy.

Bồ Tát muốn khiến cho thân lời ý ba nghiệp, hoàn toàn đồng với tất cả chư Phật. Phải phát tâm bồ đề kim cang, tinh tấn học tập hạnh của công đức đó. Chúng ta nghe đoạn kinh nầy rồi, cũng nên phát tâm kim cang của Bồ Tát !

 

Hết tập 20

Kệ hồi hướng công đức

Nguyện đem công đức nầy
Trang Nghiêmcõi Phật tịnh
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai thấy nghe
Liền phát tâm bồ đề
Khi bỏ báo thân nầy
Sinh về cõi Cực Lạc.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7