Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng
Luật Sư Hành
CHÁNH VĂN:
(35) Luật sư Hành hỏi: Kinh nói “thọ các xúc như trí chứng”. Nghĩa này thế nào?
Đáp: Thọ các xúc là nói Bản tánh không động, nếu người kia biết khác tức là động. Giống như bóng người hiện trong gương, mọi cử động thi vi đều là vô tâm. Nay thọ các xúc cũng lại như thế. Trí chứng kia là Trí bản giác. Nay nói trí chứng, tức do Trí bản giác hay biết, gọi là trí chứng. Mượn dụ sừng trâu để lập nghĩa. Chính khi sừng không thể nói như ý. Ngay khi như ý không thể gọi là sừng. Sừng kia tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt, không thể gọi là như ý. Như ý tuy nhân sừng mà thành, thành rồi cũng không thể gọi là sừng. Kinh nói “diệt giác đạo thành”, nghĩa này như thế, “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu? Mọi người cho vật chất thế gian là có, tôi nói vật chất thế gian là không. Mọi người nói hư không là không, tôi cho hư không là có. Vì cớ sao? Vì vật chất thế gian do duyên hợp mà có, duyên tan liền không. Gặp lửa thì đốt cháy, gặp nước liền nhận chìm, không bao lâu sẽ phá hoại, do đó nói không. Hư không, lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, không thể phá hoại, không thể làm tan rã, do đó gọi là thường. Thế nên tôi cho là có vậy.
GIẢNG:
Ở đây dẫn trong kinh hỏi, khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được như trí chứng là thế nào?
Thọ các xúc tức là thọ sáu trần, bản tánh không động, nếu người kia biết khác tức là động. Nói thọ các xúc như trí chứng là khi thọ nhận các xúc vẫn không dính, không động. Nếu thọ các xúc mà dấy niệm, khởi động đó không phải là trí chứng.
Giống như bóng người hiện trong gương mọi cử động thi vi đều là vô tâm.
Như bóng người trong gương dù đi đứng nói năng v.v… tất cả cử động đều là vô tâm.
Nay thọ các xúc cũng lại như thế.
Nghĩa là thọ các xúc mà không có niệm, không có sự dấy khởi nào.
Trí chứng kia là Trí bản giác. Nay nói trí chứng, tức do Trí bản giác hay biết, gọi là trí chứng.
Khi chúng ta đối duyên xúc cảnh mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị… đó là thọ các xúc. Thọ các xúc như trí chứng tức là thọ tất cả mà không dính không động. Trí chứng là trí nào? Là Trí bản giác của mình. Trong nhà Thiền thường nói ăn chỉ biết ăn, mặc chỉ biết mặc đó là thọ các xúc, chỉ biết thế thôi, không thêm gì nữa hết đó là như trí chứng. Còn ăn thấy ngon dở, mặc thấy đẹp xấu thì chưa được như trí chứng. Trí đó là trí hiện tiền, trí bản giác của mỗi người.
Mượn dụ sừng trâu để lập nghĩa. Chính khi sừng không thể nói như ý.
Trung Hoa thường lấy sừng trâu làm cái như ý, ở Việt Nam lấy sừng trâu làm tù và. Dùng sừng trâu làm ví dụ, chính khi sừng không thể nói như ý cũng như không thể nói tù và được. Sừng còn mang trên đầu con trâu thì nói tù và sao được.
Ngay khi như ý không thể gọi là sừng.
Khi đã thành cái như ý hay tù và thì không thể gọi là sừng trâu.
Sừng kia tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt, không thể gọi là như ý. Như ý tuy nhân sừng mà thành, thành rồi cũng không thể gọi là sừng.
Như vậy sừng trâu và như ý, hai cái là một hay khác? Khi còn trên đầu con trâu thì không nói như ý được, khi làm như ý không nói sừng trâu được. Nhưng hai cái có rời nhau không? Tuy hai mà không hai, song mỗi thứ có một giá trị khác. Cho nên nói ngay khi như ý không gọi là sừng, sừng tuy gồm tánh như ý, nhưng khi sừng chưa diệt không thể gọi là như ý.
Tâm dấy động và Tâm như như của mình là hai hay là một? Khi nó dấy động thì không thể nói là Chân như được. Nhưng khi nó lặng xuống thì đó là Chân như, tuy hai mà một. Đứng ở mỗi vị trí khác nhau, cái này khởi thì cái kia ẩn. Khi ta thấy như ý hay tù và thì sừng trâu ẩn, khi nói sừng trâu thì tù và ẩn, mà hai thứ ấy không phải là khác.
Kinh nói “diệt giác đạo thành”, nghĩa này như thế, “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu?
Kinh nói “diệt giác đạo thành”, chữ giác này không phải Tánh giác, mà là giác chiếu phân biệt. Cho nên nói “nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập”.
Nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận.
Còn giác còn chiếu là đứng trên mặt kiến giải mà nói, còn cái thấy chân thật thì trùm khắp mà không có giác chiếu.
Ví dụ khi ta nhìn khắp cả bầu trời, trên là hư không, dưới là núi rừng cây cối. Mắt nhìn thấy hư không, núi rừng cây cối, mà không khởi phân tích núi này cao hay thấp, cây này thuộc loại cây gì v.v… lúc đó thấy hay không thấy? Thấy hết nhưng không có giác chiếu. Nếu khởi thấy núi này tên gì, cao bao nhiêu thước đó là có giác chiếu. Có giác chiếu thì cái thấy thật bị ẩn. Khi cái thấy hiện thì không có giác chiếu.
Tâm mình cũng vậy, thấy tất cả người tất cả vật mà không dấy niệm phân biệt đẹp xấu, thì cái thấy là cái thấy của Bản giác. Vừa khởi niệm phân biệt thì cái thấy đó liền trở thành cái thấy giác chiếu. Vì vậy nói cái thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập. Khi lập giác chiếu thì cái thấy không khắp.
Diệt giác đạo thành, giác tức là giác chiếu. Diệt hết giác chiếu thì đạo thành. Vì vậy nói nếu thấy khắp thì giác chiếu cũng không lập, nay còn giác chiếu là nhằm bên kiến giải mà luận. Nếu ở trong Thể thanh tịnh có gì giác, có gì chiếu? Đứng về Bản thể thanh tịnh không có gì giác chiếu hết.
Mọi người cho vật chất thế gian là có, tôi nói vật chất thế gian là không. Mọi người nói hư không là không, tôi cho hư không là có.
Người ta nói tất cả vật chất thế gian là có, Ngài nói không. Người thế gian nói hư không là không, Ngài nói có. Cho nên cái nhìn của người thấy đạo ngược với thế gian.
Vì cớ sao? Vì vật chất thế gian do duyên hợp mà có, duyên tan liền không. Gặp lửa thì đốt cháy, gặp nước liền nhận chìm, không bao lâu sẽ phá hoại, do đó nói là không. Hư không, lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, không thể phá hoại, không thể làm tan rã, do đó gọi là thường. Thế nên tôi cho là có vậy.
Cái bị bại hoại có rồi sẽ thành không, còn cái không bại hoại tuy không thấy mà hiện tiền có. Như hư không, không ai đập nát được, còn cái bàn đốt là cháy rụi. Như vậy có mà phá hoại thành không. Còn không mà hiện tiền luôn có. Chỗ này thâm thúy vô cùng.
Chúng ta cứ cho rằng có nghĩ có suy là có tâm. Nhưng với con mắt của Phật Tổ thì cái nghĩ suy không phải là tâm, nó là vọng. Còn cái thầm biết thầm thấy thầm nghe đó mới là thật tâm. Thế gian khỏa lấp cái thật đó, chỉ lấy cái dấy động bóng dáng phân biệt cho là tâm mình. Bởi vậy cả ngày chạy theo cái điên đảo, sanh diệt liên miên. Cho nên Phật gọi là mê, vì bỏ cái thật nhận cái hư giả. Từ đó mà tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi lục đạo, lên xuống không có ngày cùng.
Giải thoát sanh tử là sống trở lại cái biết thường hằng của mình. Cái biết đó không tạo nghiệp, nên không dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Nhưng bây giờ đa số người thích luân hồi tốt tốt. Đời này mang thân không đẹp, tuổi thọ không dài, nhà không giàu… nên muốn đời sau thân đẹp, sống lâu, nhà giàu. Nhưng thử hỏi lại sung sướng như vậy có khỏi chết không? – Cũng phải chết.
Rõ ràng tất cả những thứ chúng ta mơ ước, chỉ có trong tạm bợ không thật. Vì vậy phải biết cái chân thật sẵn có nơi mình, sống với nó thì mới không mất. Còn chiếu giác phân biệt chỉ là tạm bợ không thật mà người thế gian cho là thật, là thực tế. Trong khi cái chân thật ngầm bên trong thì không thấy, nên Ngài mới nói: Thế gian nói vật chất là có, ta nói là không. Thế gian nói hư không là không, ta nói là có.
Chính vì vậy khi vừa thành đạo, đức Phật không muốn nói điều Ngài thấy Ngài biết. Bởi vì cái thấy của Ngài vượt khỏi tầm hiểu biết của thế gian, nên nói họ sẽ không tin. Bây giờ muốn nói cho họ chịu nghe, chịu tin buộc lòng phải hạ thấp xuống trong pháp đối đãi. Đây là khổ kia là vui, để họ sợ khổ cầu vui, rồi từ từ mới đưa tới chỗ cứu kính chân thật, chấm dứt hết mọi khổ vui.
Ví dụ như hiện giờ chúng ta nghèo, xấu, cà lăm chẳng hạn. Phật muốn dạy mình tu thì phải nói nếu nghèo nên ráng bố thí đời sau được giàu, nếu xấu nên ráng sống trong sạch đời sau được đẹp, nếu cà lăm nên ráng nói lời ngay thật đời sau sanh ra thông minh, nói năng lưu loát… nghe vậy ham họ mới chịu tu. Tu đó là tu trong sanh diệt tạm thời, chớ chưa phải tu trong cái chân thật. Song vì muốn độ chúng sanh, buộc lòng Phật phải dùng phương tiện dẫn từ từ như vậy, vì nói thẳng ra sợ họ không theo nổi.
Chư Tổ sau này vì muốn chỉ thẳng nên cứ đánh đập, nếu ai có thiện duyên lắm đột nhiên bừng sáng, còn không thì thôi, chớ chỗ nói không được thì các ngài không nói. Đó là điểm đặc biệt của chư Tổ.