Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019
V. VIÊN MÃN THÀNH TỰU ĐỆ CỬU
(TT)
Sách A Di Đà Bí Thích cũng giảng:
“Chữ A nghĩa là nhất tâm bình đẳng bổn sơ bất sinh. Chữ Di là nhất tâm bình đẳng chẳng có Ngã lẫn Đại Ngã. Chữ Đà là nhất tâm bình đẳng, chư pháp như như tịch tĩnh.
Hơn nữa, chữ A là Phật Bộ thể hiện Lý Trí bất nhị, là thể tướng của pháp giới. Chữ Di là Liên Hoa Bộ, là Diệu Quán Sát Trí, chúng sinh và pháp hai thứ đều không. Thật Tướng vốn chẳng nhiễm lục trần giống như hoa sen. Chữ Đà là Kim Cang Bộ, là Như Lai diệu trí, tự tánh kiên cố, có thể phá tan hết thảy oán địch vọng tưởng.
Chữ A lại có nghĩa là Không: Pháp thể của nhất tâm pháp vốn chẳng có tướng hư vọng. Di nghĩa là Giả Hữu: Nhất tâm bình đẳng, chư pháp như huyễn, giả có. Chữ Đà nghĩa là Trung Đạo: Nhất tâm bình đẳng các pháp lìa nhị biên, chẳng có tướng nhất định nào cả.
Chữ A còn có nghĩa là Hữu: Thể tướng của nhất tâm vốn chẳng sinh vì chẳng diệt tận. Chữ Di nghĩa là Không: Các pháp trong nhất tâm chẳng có pháp nào có tự tánh. Chữ Đà nghĩa là Bất Không: Các pháp trong tự tâm vốn là công đức của Pháp Thân vì chẳng đoạn tuyệt.
Chữ A lại có nghĩa là Nhân: Phật giới và chúng sinh do nhất tâm mà giác, cũng do nhất tâm mà mê. Chữ Di nghĩa là Hạnh: Đoạn nhân, pháp, nhị ngã, chứng được sanh, pháp bất không, đạt đến quả Phật. Chữ Đà nghĩa là Quả: Thể hiện bất nhị nhất tâm, như như lý trí thì chính là Phật quả vậy.
Các Pháp môn sai biệt như vậy là tướng trạng của danh tự, nhưng các tướng danh tự như vậy lại chẳng có tướng nhất định. Chúng giống như những hạt châu nơi lưới Thiên Đế chẳng thể lấy, bỏ được, nhất tâm bình đẳng nên bất khả đắc”.
Sách còn viết: “Vì vậy xướng lên ba chữ A Di Đà diệt được trọng tội từ vô thỉ. Niệm một vị Phật A Di Đà thành tựu phước trí không cùng tận. Như một hạt châu nơi lưới Thiên Đế hiện ngay vô tận bảo châu, một đức A Di Đà Phật mau chóng viên mãn vô biên tánh đức”.
Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau:
“Chữ A nghĩa là nhất tâm bình đẳng, bổn sơ bất sanh” (A tự nhất tâm bình đẳng, bổn sơ bất sanh nghĩa): “bổn sơ bất sanh” chính là không sinh; không sinh đương nhiên là không diệt. Đúng như ngài Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt”. Đây là danh hiệu của tánh đức. “Chữ Di là nhất tâm bình đẳng chẳng có Ngã lẫn Đại Ngã” (Di tự nhất tâm bình đẳng, vô ngã, Đại Ngã nghĩa).
– Đại Ngã là gì?
– Thể của Đại Ngã là Pháp Thân, Tướng của Đại Ngã là Như. Ngài Huệ Năng nói “năng sinh vạn pháp”, “vạn pháp” là tướng của Đại Ngã. Biến pháp giới, hư không giới là chính mình. Nếu thật sự hiểu rõ, thông đạt, khẳng định sự thật này là chân thật, vậy là chúc mừng bạn: Bạn đã chứng được Pháp Thân.
“Chữ Đà là nhất tâm bình đẳng, chư pháp như như tịch tĩnh” (Đà tự nhất tâm bình đẳng, chư pháp như như tịch tĩnh nghĩa): “nhất tâm” là bản thể của các pháp. Thể tịch tĩnh ví như tướng cũng tịch tĩnh. Bây giờ tâm chúng ta không thanh tịnh, hiện tượng bên ngoài cũng không thanh tịnh, sinh diệt trong từng Sát-na! Nên biết sự việc này không liên quan gì đến Thể. Ý niệm của chúng ta không phải là chân tâm. Chân tâm không có ý niệm. Trong Kinh Đại thừa thường nói: “Chân tâm ly niệm”, có niệm là A-lại-da, là vọng tâm. Vọng tâm có khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước; chân tâm không có. Phật, Bồ Tát dùng chân tâm; chân tâm chính là A Di Đà. Phàm phu dùng vọng tâm nên không thấy được A Di Đà.
“Hơn nữa, chữ A là Phật Bộ thể hiện Lý Trí bất nhị, là thể tướng của pháp giới” (Hựu, A tự Phật Bộ nghĩa thị Lý Trí bất nhị, pháp giới thể tướng cố). Đây là giải thích của Mật Tông đối với ba chữ A Di Đà.
“Chữ Di là Liên Hoa Bộ, là Diệu Quán Sát Trí, chúng sinh và pháp hai thứ đều không. Thật Tướng vốn chẳng nhiễm lục trầngiống như hoa sen” (Di tự Liên Hoa Bộ nghĩa Diệu Quán Sát Trí; sanh, pháp nhị Không. Thật Tướng bổn lai bất nhiễm lục trần như liên hoa cố). Đây chính là thanh tịnh tâm, phải dùng trí tuệ vi diệu để quán sát. “Sanh, pháp nhị không”: “sanh” là chúng sinh, “pháp” là vạn pháp. Chúng sinh và vạn pháp đều bất khả đắc.
– Quán sát bằng cách nào?
– Trong Hoàn Nguyên Quán, Quốc Sư Hiền Thủ nói: Trước phải hiểu rõ về lý: “sanh, pháp” chính là từ “nhất thể khởi nhị dụng”. “Nhị dụng” là y báo và chánh báo. “Pháp” là y báo; “sanh” là chánh báo, y báo và chánh báo đều từ tự tánh thanh tịnh viên minh thể mà sinh ra. Tuy từ thể mà hiện tướng nhưng tướng không phải thật, đó là huyễn tướng. Kinh Kim Cang Bát Nhã, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “Đương thể tức không liễu bất khả đắc”. Cho nên đối với tất cả pháp chúng ta có thể thọ dụng nhưng không thể khống chế, không thể chiếm hữu. Nếu muốn chiếm hữu hay khống chế là chúng ta đã tạo nghiệp.
“Chữ Đà là Kim Cang Bộ, là Như Lai diệu trí, tự tánh kiên cố, có thể phá tan hết thảy oán địch vọng tưởng” (“Đà tự Kim Cang Bộ, nghĩa Như Lai diệu trí, tự tánh kiên cố, năng phá nhất thiết vọng tưởng oán địch cố”). “Tự tánh kiên cố” vốn không sinh diệt, vốn không dao động có thể phá tất cả oán địch vọng tưởng. “Oán địch” tức là phiền não; “địch” là đối địch, đối lập. Đối với tất cả pháp thế, xuất thế gian hòa mục đồng thể, không có đối địch, không có oán hận, “Đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.
“Chữ A lại có nghĩa là Không: Pháp thể của nhất tâm pháp vốn chẳng có tướng hư vọng” (Hựu A tự Không nghĩa, nhất tâm pháp Thể, bổn tự hư vọng tướng, không vô cố): Nhất tâm là Chân tâm. Tất cả tướng hư vọng, nó không tồn tại, không có tướng hư vọng.
“Chữ Di nghĩa là Giả Hữu: Nhất tâm bình đẳng, chư pháp như huyễn, giả có” (Di tự Giả Hữu nghĩa: Nhất tâm bình đẳng, chư pháp như huyễn, giả hữu cố): Ý nói Thể “Không Tịch”, Tướng “Giả Hữu”.
“Chữ Đà nghĩa là Trung Đạo: Nhất tâm bình đẳng, các pháp lìa nhị biên, chẳng có tướng nhất định nào cả” (Đà tự Trung Đạo nghĩa: Nhất tâm bình đẳng, chư pháp ly nhị biên, vô định tướng khả đắc cố): “Trung Đạo” chính là bình đẳng tâm, không thiên về “không” cũng không thiên về “có”, vì “không” và “có” là một không phải hai, “có” ở trong “không”, “không” ở trong “có”, bất tức bất ly. Cho nên, Bồ Tát hiện trong mười pháp giới gọi là “Tùy duyên diệu dụng”. “Tùy duyên” là cùng với mọi người không có gì khác. “Diệu dụng” là tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút trần, đây gọi là “Diệu”. Tâm Bồ Tát thường trụ trong thanh tịnh, bình đẳng, giác; không như chúng ta chỉ thường trụ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước dẫn đến phiền não, không tương ưng với chân tâm, khổ chính do điều này!
“Chữ A còn có nghĩa là Hữu: Thể Tướng của nhất tâm vốn chẳng sinh vì chẳng diệt tận” (Hựu A tự Hữu nghĩa: Nhất tâm thể tướng, bổn hữu bất sanh, vô diệt tận cố): A là Pháp Thân, là Thường Tịch Quang vốn sẵn có, không sinh không diệt. “Vô diệt” tức là không diệt. Ý này chính là trong câu thứ hai mà ngài Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt”. Không có sinh diệt, đây là chân tâm của ta, là chân thật bản Ngã của chính ta. Mục tiêu cuối cùng của sự tu học Phật pháp không gì khác hơn là tìm lại cái “Chân Ngã”, “Bản lai diện mục” (khuôn mặt xưa nay) của chính mình. “Chân Ngã” chính là “Pháp tánh thân”, là A Di Đà, là Lô Xá Na, là Đại Nhật Như Lai. Đức Phật đã nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”.
– Chúng ta là vị Phật nào?
– Toàn bộ danh hiệu của các đức Phật đều là danh hiệu của ta; ta và các ngài không hai, không khác. Trung Phong thiền sư nói rất hay: “Tâm ta tức là A Di Đà Phật; A Di Đà Phật tức là tâm ta”. Tâm này là chân tâm không phải vọng tâm.
“Chữ Di nghĩa là Không: Các pháp trong nhất tâm, chẳng có pháp nào có thể được” (Di tự Không nghĩa: Nhất tâm chư pháp, tự tánh bất khả đắc cố): Tất cả các pháp đều từ nhất tâm mà sinh ra. Nhất tâm là tự tánh. Tự tánh bất khả đắc, các pháp cũng bất khả đắc, cho nên các pháp có thể thọ dụng mà không thể chấp trước, khống chế, hay chiếm hữu. Nếu muốn khống chế, chiếm hữu nó, đó là dùng vọng tâm chẳng phải chân tâm. Vọng tâm là tạo nghiệp, rất khổ! Chân tâm không tạo nghiệp, tùy duyên tự tại. Toàn bộ đều trong sinh hoạt hàng ngày.
“Chữ Đà nghĩa là Bất Không” (Đà tự Bất Không nghĩa): đây là Trung Đạo.
“Các pháp trong nhất tâm vốn là công đức của Pháp Thân vì chẳng đoạn tuyệt” (Nhất tâm chư pháp, bổn lai Pháp Thân công đức, vô đoạn tuyệt cố). “A Di Đà”: chữ “Di” là nghĩa “Không”; chữ “Đà” là nghĩa “Bất Không”.
– “Bất Không” là nói gì?
– Ý nói công đức Pháp Thân vô đoạn tuyệt!
Trong Pháp Thân có Trí Tuệ Bát Nhã, vô đoạn tuyệt! Có tự tánh bổn Định, vô đoạn tuyệt! Có vô lượng công đức (chúng ta nói là đức năng, người bây giờ nói là vô lượng tài nghệ, vô lượng năng lực), vô đoạn tuyệt! Vô lượng tướng hảo đều vô đoạn tuyệt!
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thế Tôn nói: “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”, đây là Pháp Thân công đức, nên nó là “Bất Không”. Trong “Không” có “Bất Không”; trong “Bất Không” có “Không”; có thể dung hợp tất cả Thể, Tướng, Dụng lại sẽ hoác nhiên đại ngộ.
“Chữ A lại có nghĩa là Nhân: Phật giới và chúng sinh do nhất tâm mà giác, cũng do nhất tâm mà mê” (Hựu A tự Nhân nghĩa: Phật giới, chúng sinh, nhân nhất tâm giác, nhân nhất tâm mê cố): Phật giới, chúng sinh do nhất tâm mà giác là Bồ Tát; do nhất tâm mà mê là chúng sinh. “Giác, mê” đều là Phật với chúng sinh, “Giác, mê” không hai. Trên sự tướng thì có “giác, mê”, trên lý thể thì không có “giác, mê”. Trong vọng tâm (tức trong A-lại-da) có “giác, mê” nhưng trong chân tánh thì không có.
“Chữ Di nghĩa là Hành: Đoạn nhân, pháp, nhị ngã, chứng được sanh, pháp bất không, đạt đến quả Phật” (Di tự Hành nghiệp: Đoạn nhân, pháp, nhị ngã, chứng sanh, pháp bất Không, chí Phật quả cố): “Hành” là tạo tác. Điều này rất quan trọng! “Nhân ngã”, “Pháp ngã”, đây là “ngã chấp”. “Nhân ngã chấp”, “Pháp ngã chấp” cần phải đoạn! “Nhân ngã chấp” là “phiền não chướng”; “Pháp ngã chấp” là “sở tri chướng”.
Đức Thế Tôn thị hiện cho chúng ta thấy. Ngài mười chín tuổi xuất gia, rời xa gia đình để đi cầu đạo, ngài đã buông bỏ “Nhân ngã chấp”, cầu học, cầu Pháp suốt mười hai năm. Đến năm ba mươi tuổi, ngài buông bỏ hết sở học của mười hai năm trước, đây gọi là buông bỏ “Pháp ngã chấp”. Hai loại chấp trước đều buông bỏ hết, dưới cội Bồ Đề, ngài nhập sâu vào thiền định suốt hai mươi mốt ngày được “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, đây gọi là thật sự tu hành, nên “chứng được sanh, pháp bất không”. Nhất thiết pháp tướng hữu, tánh vô: Nhìn từ tướng là “bất không”; nhìn từ Tánh là “bất hữu”: “phi không, phi hữu”, đây là thật tướng của các pháp.
“Đạt đến quả Phật” (chí Phật quả cố): Đây là nói có thể đạt đến quả vị Diệu Giác.
“Chữ Đà nghĩa là Quả” (Đà tự Quả nghĩa). Có Nhân, có Quả, mấy câu này là dùng nhân quả để giải thích “A Di Đà”.
“Thể hiện bất nhị nhất tâm, như như lý trí thì chính là Phật quả vậy” (Thị bất nhị nhất tâm, như như lý trí, thị tắc Phật quả cố). Đây chính là công đức cứu cánh viên mãn.
– “Bất nhị” là chỉ điều gì?
– Tất cả pháp trong biến pháp giới, hư không giới là “bất nhị”. “Nhị” là nói về tánh và tướng; nói về lý và sự; nói về nhân và quả đều là “nhị” là có đối lập; “Bất nhị” thì không có đối lập, là một không phải hai: tánh, tướng nhất như; lý, sự bất nhị; nhân, quả cũng nhất như. Trong tâm thanh tịnh không có cái gì là đối lập. Vì sao không có? Vì nó là một thể! Nhân, quả là một thể; lý, sự là một thể; tánh tướng là một thể, làm sao có thể phân khai được!
“Các pháp môn sai biệt như vậy là tướng trạng của danh tự” (Như thị sai biệt pháp môn tức danh tự tướng), nên những tướng danh tự này, trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói không nên chấp trước là đúng! Nếu còn chấp trước là sai lầm, là tâm không thanh tịnh! Danh tự là giả danh không thật, đó chỉ là phương cách để Phật giáo hóa chúng sinh, nên không thể chấp trước; nói thế nào cũng xong, chỉ cần hiểu là được.
Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta nghe giáo pháp, không nên chấp trước “tướng ngôn ngữ”; ở đây dạy chúng ta không chấp trước “tướng danh tự”, kế đến là không nên chấp trước “tướng tâm duyên”. “Tướng tâm duyên” là sau khi nghe rồi, dùng ý của mình để giải thích thì sai rồi! Thực tế, Phật nói pháp đều không có ý nghĩa. Vì không có ý nghĩa nên từng chữ, từng câu đều là vô lượng nghĩa. Vì sao? Vì nếu có ý nghĩa tức là chỉ có một cách giải thích, không có cách giải thích thứ hai. Do không có ý nghĩa mới có vô lượng nghĩa, mới tương ưng với tự tánh. Trong tự tánh “một pháp cũng không thành lập”; nếu ngược lại mà nói thì “một pháp cũng không xả”. Đây là chân tướng sự thật! Pháp nhĩ như thị!
Ngày nay, chúng ta học Phật bao nhiêu năm mà vẫn chưa khai ngộ, ấy đều là Phật pháp của chúng ta, không phải là Phật pháp của Như Lai!
– “Phật pháp của Như Lai”, không tiếp thu được là do đâu?
– Do dụng tâm sai! Cứ chấp vào tướng danh tự, chấp vào tướng tâm duyên, nên vĩnh viễn không thể hội được chân thật nghĩa mà đức Như Lai đã nói. Trong Kệ Khai Kinh nói rất hay: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” (nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai), câu này dạy chúng ta khi mở kinh ra xem, phải dùng chân tâm mới hiểu được nghĩa của Như Lai.
“Nhưng các tướng danh tự như vậy lại chẳng có tướng nhất định” (Hựu như thị tự tướng hỗ vô định tướng). Câu này nói rõ tuy nhiều tướng danh tự như vậy nhưng không có định tướng, nói sao cũng được; “như một hạt châu nơi lưới Thiên Đế” (như Đế võng châu): Đây là nêu ra một ví dụ giống như mành lưới mắc trong cung điện ở Đao Lợi thiên, mỗi ô lưới đều có châu báu, ta có thể nhìn ngắm mà không thể lấy hay bỏ. Không có lấy, bỏ là không có tâm yêu, ghét. Lấy là thích nó, bỏ là ghét nó. “Nhất tâm bình đẳng, bất khả đắc cố”, chúng ta thường nói: Có thể thưởng thức, có thể thọ dụng nhưng không thể có ý niệm chiếm hữu, chi phối hay khống chế. Nhất định phải dùng tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh mới có thể lợi ích chúng sinh một cách viên mãn, nếu dùng tâm tự lợi là đã tạo nghiệp. Nhất tâm thanh tịnh không nhiễm chút bụi trần, đó chính là Bồ Tát chẳng phải phàm phu.
Sách còn viết: “Vì vậy xướng lên ba chữ A Di Đà diệt được trọng tội từ vô thỉ”: Kinh văn càng nói càng hay, toàn là bàn đến việc xứng tánh. Thử hỏi:
– Chúng ta mỗi ngày đều xưng niệm Phật A Di Đà, tội nặng từ vô thỉ kiếp của chúng ta đến nay có thật sự diệt tận chăng?
– Hình như không có! Chẳng những không có mà hầu như còn tăng thêm tội nghiệp! Vì sao? Vấn đề của chúng ta ngày nay là ở chỗ “biết không?”.
Chư vị Cổ đức trong Tông môn đều dùng lời này để khảo nghiệm người học; Giáo môn cũng không ngoại lệ. Bạn biết niệm Phật không? Sao gọi là biết niệm? Sao gọi là không biết niệm? Điều này phải hiểu rõ! Nếu không hiểu sẽ cho rằng lời nói trong kinh là không đúng sự thật! Có hiểu mới tin tưởng lời Phật dạy: Khi lâm mạng chung, nhất tâm niệm mười câu Phật hiệu nhất định được vãng sinh. Nhưng phải biết niệm mới được!
Tiêu chuẩn biết hay không biết này, trong Kinh Lăng Nghiêm, “Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương” đã dùng tám chữ rất đơn giản để khai thị cho chúng ta: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, đây gọi là biết niệm. Niệm Phật như vậy, chỉ cần niệm một tiếng Phật hiệu, cũng đủ có công năng tiêu diệt tám mươi ức kiếp trọng tội sinh tử, đây là sự thật. Nhưng rất tiếc “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục” chúng ta chưa làm được! Nếu làm được hai câu này, trình độ cao là “Lý nhất tâm bất loạn”; trình độ kế tiếp là “sự nhất tâm bất loạn”, không phải là “công phu thành khối”; “Công phu thành khối” không có công đức lớn như vậy.
– Sao gọi là “Đô nhiếp lục căn”?
– Lục căn là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Lục căn chúng ta thường chạy rong bên ngoài, như: mắt thấy sắc thì chạy theo “sắc trần”; tai nghe tiếng thì chạy theo “thinh trần” v.v…: sắc tướng hợp với ý mình liền khởi tâm tham ái; không hợp ý mình liền bài xích. Đây là “nhãn thức” từ sáng đến tối chạy rong bên ngoài! Tai nghe âm thanh, bất luận là thích hay không thích, chỉ cần có phản ứng là “nhĩ thức” của bạn đã chạy rong bên ngoài rồi! “Tỷ, thiệt, thân, ý” cũng đều như vậy. Bây giờ “nhiếp” tức là thu nó trở về để nhìn vào tự tánh.
Bồ Tát Quán Thế Âm dùng “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. “Phản văn văn tự tánh” là quay về với tánh nghe, chính là thấy tánh. Nếu để lục căn chạy rong bên ngoài thì những gì ta thấy, ta nghe, ta cảm giác v.v… đều là tạo nghiệp luân hồi, khó mà ra khỏi lục đạo, quả báo ở Tam đồ rất đáng sợ! Ý căn là ý niệm, là tư tưởng duyên với pháp trần. Pháp trần là hình ảnh của ngũ căn lưu lại trong A-lại-da, thông thường ta gọi là ấn tượng. Lúc xem ti-vi, nghe quảng cáo cũng là lúc lục căn chạy rong bên ngoài, thu nhiếp nó lại sẽ trở thành nhất tâm.
“Chỉ tâm nhất xứ” đó là thiền định. Trong kinh thường nói: “Na già thường tại Định, vô hữu bất định thời”, dùng tâm như vậy niệm Phật sẽ được nhất tâm. Chúng ta niệm Phật nếu xen lẫn vọng tưởng thì toàn bộ công phu đều bị phá hủy hết! Thật chẳng dễ dàng! Pháp môn này, đức Phật cũng thừa nhận là pháp khó tin; tuy khó mà có thể tin, đây là nguyên nhân gì? Trong đời quá khứ đã từng học qua, có nền tảng sâu dày nên đời này gặp lại đã rất quen thuộc, chính là đạo lý này. Người như vậy cũng là số ít, phần lớn cũng rất khó tiếp thu!
– Tâm người xưa thanh tịnh hơn người ngày nay, vọng niệm của họ cũng rất ít, do nguyên nhân gì?
– Chúng ta lấy điện thoại di động làm thí dụ: Ba mươi năm về trước không có điện thoại di động. Sau khi điện thoại di động phát triễn, tâm con người đã bị nó nhiễu loạn trội hơn người xưa gấp trăm lần, vậy làm sao được Định?!
Hiện nay, thông tin phát đạt, bất cứ việc gì xảy ra trên thế giới chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, toàn thế giới đều biết, đây chính là con người đã hại mình! Biết càng nhiều chuyện thì phiền não càng gia tăng, tâm làm sao thanh tịnh! Làm sao có thể “đô nhiếp lục căn”! “Đô nhiếp lục căn”, biện pháp trước tiên là dứt bỏ điện thoại di động, cắt dây điện thoại ở nhà, đây là biện pháp tất yếu để thu nhiếp lục căn. Một đoàn thể có một hai điện thoại di động là đủ, chỉ dành cho người phụ trách để thông tin đến mọi người; nếu sự việc không quan trọng thì chẳng cần nói.
Người xưa nói rất hay: “Kinh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm” (tạm dịch: Thà làm động nước trăm sông, không động tâm người tu niệm). Nên biết tâm như mặt nước lặng là cảnh giới tốt nhất. Chư Phật, Bồ Tát công phu Thiền định thâm sâu, đối với việc này thì không có gì để nói, các ngài đối với động hay tịnh đều nhất như; lục căn có tiếp xúc với trần cảnh cũng đều không nhiễm trước, đây gọi là có công phu.
Chúng ta thì không được! Công phu này chúng ta không có, biện pháp tốt nhất là cự tuyệt duyên bên ngoài để duy trì tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác của chính mình. Dùng tâm như vậy niệm Phật mới tương ưng với tánh đức, một tiếng niệm Phật mới diệt được tám mươi ức kiếp tội nặng sinh tử.
“Niệm một vị Phật A Di Đà thành tựu phước trí không cùng tận”. “Không cùng tận” là không có cảnh dừng, thông thường chúng ta nói là vô lượng, vô biên, vô số, vô tận, kể không hết đại phước, đại trí này. Phải biết: Suốt ngày từ sớm đến tối, việc quan trọng nhất chính là niệm Phật; niệm Phật thành tựu phước báo cho chính mình cũng thành tựu trí tuệ cho chính mình. Phước báo và trí tuệ đều là cảnh giới không có điểm dừng. Thật sự tu đại phước, đại trí không gì qua niệm Phật. Thật sự là không thể nghĩ bàn!
“Như một hạt châu nơi lưới Thiên Đế, hiện ngay vô tận bảo châu” (Như Đế võng nhất châu, đốn hiện vô tận bảo châu): “Thiên Đế”; người xưa gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong kinh nói là Đao Lợi Thiên chủ. Trong cung điện Thiên Vương có mành lưới; mỗi chỗ giao nhau của mành lưới đều có châu báu. Hạt châu tròn có thể phản chiếu tất cả châu báu khác. Tất cả châu báu đều có trong một viên châu, hiện ra vô tận châu báu. Đem viên châu này để sánh ví với Phật A Di Đà, còn các viên châu khác là tất cả chư Phật Như Lai trong mười phương ba đời. Công đức niệm một vị Phật này có tất cả công đức niệm chư Phật ở trong đó. Niệm một vị Phật chính là niệm tất cả Phật; niệm tất cả Phật chính là niệm một vị Phật.
– Nhiều Pháp môn, sao Phật lại cường điệu chỉ Phật A Di Đà?
– Vì Phật A Di Đà có “đới nghiệp vãng sinh”, các pháp môn khác của tất cả chư Phật không có “đới nghiệp vãng sinh”, nên đức Phật tán thán Phật A Di Đà.
Không có “đới nghiệp vãng sinh” thì rất khó! Đòi hỏi chúng ta phải đoạn tận hết tập khí phiền não từ vô lượng kiếp đến nay mới có thể thành tựu. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần! Chỉ cần khống chế được tập khí, không cho nó khởi tác dụng thì cũng có thể vãng sinh. Cổ đức có một ví dụ: Đoạn phiền não giống như nhổ cỏ tận gốc, phải đào cho sạch. “Đới nghiệp vãng sinh” ví như dùng tảng đá để đè cỏ, không cho nó khởi tác dụng là được. Thử nghĩ:
– Tảng đá đè cỏ dễ hay nhổ cỏ tận gốc dễ?
– Khai ngộ, chứng quả thành Phật nhất định phải nhổ cỏ tận gốc. Việc nhổ cỏ tận gốc này đến thế giới Cực Lạc làm tiếp, không làm ở đây. Ở thế giới Cực Lạc, chúng ta nhất định làm được.
Nên biết: Đến thế giới Cực Lạc là chúng ta đi học, tốt nghiệp sẽ thành Phật. Phật A Di Đà là vị thầy tốt nhất, từ bi nhất trong các chư Phật, ngài thành lập đạo tràng này toàn vì mục đích thành tựu chúng sinh không có năng lực đoạn hoặc trong lục đạo nên nói “một đức A Di Đà Phật, mau chóng viên mãn vô biên tánh đức” (Di Đà nhất Phật, tốc mãn vô biên tánh đức giả). Tổng kết này rất hay! “Tánh” là tự tánh; tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ, đức tướng, là đại viên mãn, không có chút khiếm khuyết nào; trong đời này chúng ta có thể nắm bắt được, cơ hội này không thể bỏ qua! Bỏ lỡ thì thật đáng tiếc!
Những điều giảng trên đây đều trong cuốn A Di Đà Bí Thích đã “đốn khai chư Phật bí tạng” (mở toang kho tàng bí mật của chư Phật) hiển thị thẳng thừng một pháp môn Trì Danh bao trọn công đức của hết thảy các pháp. Hoàng Niệm Tổ đúc kết rất hay! Tổng kết quá hay! Tôi thấy ông chú giải thật vất vả: Khi chú giải kinh, sức khoẻ ông không được tốt, thân mang trọng bệnh, thật là dùng thân mạng để làm. Nhưng cuối cùng Tam Bảo đã gia trì, ông được toại nguyện, chú giải này đã hoàn thành.
Chúng tôi quen biết nhau khi tuổi đã lớn. Hoằng truyền chú giải này chỉ có hai người chúng tôi: Ông ở trong nước, tôi ở nước ngoài. Hai chúng tôi gặp nhau vui mừng vô hạn. Ông hoan hỉ, tôi cũng hoan hỉ, đã tìm được đồng bạn. Ông là truyền nhân của Hạ Liên Cư. Pháp môn này là cư sĩ Lý Bỉnh Nam truyền cho tôi. Bản hội tập này ở Đài Trung, thầy Lý giảng qua một lần rồi đem bản thảo của ông cho tôi. Bản thảo của thầy Lý là chú thích ở lề sách. Tôi cũng đã đem bản thảo này in ra khoảng mấy mươi vạn quyển lưu hành trên toàn thế giới. Bản này thầy Lý khẳng định, tôi cũng khẳng định: Đây là chín ngàn năm thời mạt pháp, gặp được Phật pháp, có thể thật sự một đời thành tựu vãng sinh Cực Lạc, chính là bộ kinh này, là chú giải này.
Nên nhớ: Trong đời chỉ một bộ kinh, một bộ chú giải, một câu A Di Đà Phật, ta sẽ thành công. Hoàng Niệm Tổ viết chú giải này trích dẫn rất nhiều nguyên văn kinh luận để chúng ta tham khảo. Công đức này thật vô lượng, vô biên. Chúng ta muốn tìm nhiều sách như vậy cũng không tìm thấy. Đọc bộ chú giải này chính là đọc một trăm chín mươi ba loại tư liệu quan trọng trong kinh luận, giúp chúng ta phá mê sinh tín, giúp chúng ta quay đầu là bờ, giúp chúng ta kiên định tín tâm, đời này nhất định được về Tịnh Độ.
Sách A Tự Quán lại viết: “Từ chữ A phát sinh hết thảy đà- ra-ni; từ hết thảy đà-ra-ni sinh ra hết thảy Phật”. Một chữ “A” trong danh hiệu Phật đã có công đức như thế, nên công đức của toàn danh hiệu Phật thật chẳng thể nghĩ bàn! Điều này quả thật quá hiển nhiên!
Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Đà-ra-ni” dịch sang Trung văn là “Tổng Trì” (tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa), giống như tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc.
“Từ đà-ra-ni sinh ra tất cả Phật”: “tất cả” ở đây chính là vô lượng pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn đều có thể thành Phật đạo. Dù phương pháp hành trì không giống nhau, nhưng mục tiêu, phương hướng, bí quyết tu hành chỉ là một. Bí quyết chính là nhìn thấu, buông bỏ đối với chân tướng sự thật. Khi đã nhìn thấu, tự nhiên sẽ không còn chấp trước, phân biệt. Nhìn thấu là trí tuệ, buông bỏ là công phu.
Cư sĩ Bành Tế Thanh nói rất hay: Đời này có nhân duyên gặp được Tịnh Độ là ngày hy hữu khó gặp nhất từ vô lượng kiếp đến nay. Cơ hội này nếu bỏ lỡ, phải trải qua vô lượng kiếp nữa trong luân hồi sinh tử. Nếu có thể hiểu rõ, nắm bắt thì trong đời này chắc chắn thành tựu!
Trước đây, tôi từng đi qua các nước trên thế giới, quen biết rất nhiều nhân sĩ cấp cao, trước giờ họ chưa từng bàn đến vấn đề thiên tai. Mùa xuân năm ngoái, tôi phỏng vấn mười tôn giáo ở Âu châu. Khi tiếp xúc với họ, họ đều chủ trương đề xuất vấn đề này, tôi rất ngạc nhiên! Tháng sáu năm ngoái (tức năm 2010), tôi cùng phái đoàn tôn giáo Malaysia đến phỏng vấn, giao lưu với chủ giáo tòa thánh Vatican. Ở tòa thánh Vatican hai ngày, họ cũng đưa ra vấn đề thiên tai. Tôi nhớ năm 2005, tôi có phỏng vấn qua một lần, họ không đưa ra vấn đề này, chỉ bàn về tôn giáo. Đến năm nay họ đều bàn về vấn đề thiên tai, có thể thấy họ đều quan tâm đến việc này.
Tháng tám năm ngoái, có năm nhà khoa học người nước ngoài đến Úc châu tổ chức hai ngày tọa đàm ở Tuyết Lê. Học Viện chúng tôi có phái bảy, tám người đến tham dự. Họ viết một bài báo cáo cho tôi xem: Nửa phần đầu, nói đến một vài thành tựu của “Lượng tử học” thời cận đại. Chúng tôi xem qua đều rất hoan hỉ, vì nó hoàn toàn tương đồng với những gì trong Kinh Đại thừa nói. Phát hiện của họ về nguồn gốc của vật chất ngày càng tiếp cận với cách nói của “Pháp Tướng tông”. Nửa phần sau, thảo luận về dự đoán thiên tai năm 2012. Họ nêu ra: Nếu con người trên toàn thế giới có thể bỏ ác hướng thiện, cải tà qui chánh, đoan chánh tâm niệm, thiên tai này có thể hóa giải; chẳng những hóa giải mà còn dẫn địa cầu đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng vấn đề là ai chịu quay đầu? Ai chịu đoạn ác tu thiện, cải tà qui chánh?
Vấn đề này, tháng sáu năm ngoái ở tòa Thánh Vatican chúng tôi có thảo luận, ý nghĩ hầu như hoàn toàn tương đồng. Thiên tai này có thể cứu vãn chỉ bằng cách trông mong vào tín đồ của các tôn giáo. Tổng kết tín đồ trên toàn thế giới, Thiên chúa và Cơ đốc giáo họp lại có trên hai mươi ức tín đồ (một ức là một trăm triệu); Hồi giáo có khoảng mười lăm ức người; Phật Giáo có khoảng sáu ức người; tổng cộng có khoảng trên bốn mươi ức người tín ngưỡng tôn giáo. Nhân khẩu trên toàn thế giới có khoảng sáu mươi lăm ức người. Như vậy, người có tín ngưỡng tôn giáo nhiều hơn so với người không tín ngưỡng. Làm thế nào có thể giúp tín đồ tôn giáo phát tâm cầu nguyện vì việc này thì thế giới sẽ được cứu.
Mấy năm gần đây, tôi khởi xướng Tam Thời Hệ Niệm, Phật sự này thuộc về cầu nguyện; đem những cống hiến này hồi hướng hóa giải thiên tai, đệ tử Phật cần nên làm. Nhưng, cầu nguyện chỉ là trị ngọn không phải trị gốc, giáo dục mới là trị gốc. Hy vọng mỗi tôn giáo phải khôi phục lại nền giáo dục, đưa tôn giáo trở về với giáo dục.
Con người trong xã hội hiện nay bài xích tôn giáo, cho rằng tôn giáo là mê tín! Cũng không thể trách họ, vì họ không sai! Bởi chúng ta làm không tốt nên khiến người sinh tâm ngộ nhận! Họ hỏi:
– Tôn giáo cống hiến gì cho xã hội?
– Chúng ta nói: Hàng ngày cầu phúc cho mọi người! Đây là mê tín! Họ không tin có thần!
Ngày nay trên toàn thế giới đã dạy hư con người! Từ mẫu giáo đến đại học không có giáo dục luân lý, không có giáo dục đạo đức, không có giáo dục nhân quả! Tôi đề nghị: Tôn giáo cần phải hướng đến giáo dục, đem ba loại giáo dục này bổ túc thêm vào. Trong kinh điển của mỗi tôn giáo đều có luân lý, đạo đức, nhân quả rất phong phú. Chúng ta có thể phổ biến những điều này cho tín đồ, giáo hữu cùng nhau học tập, bù đắp chỗ thiếu sót của giáo dục hiện đại. Giáo dục hiện nay thiếu đạo đức nên xã hội động loạn, dẫn đến thiên tai của địa cầu! Chúng ta đem “đức” này bổ sung vào giáo dục tôn giáo, vậy là tôn giáo đã cống hiến cho xã hội sự an định, giúp thế giới hòa bình, chúng sinh được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn; đây là điều mà tôn giáo cần phải làm.
Nghi thức cầu nguyện có thể vẫn duy trì nhưng phải lấy giáo dục làm chủ, những nghi thức, qui tắc chỉ là phụ đạo. Chánh, phụ song tu khiến mọi người trong xã hội sinh khởi tín tâm đối với tôn giáo, tôn giáo mới có lý do tồn tại.
Những năm gần đây, tỷ lệ người tín ngưỡng tôn giáo (đặc biệt là giới trẻ) ngày càng ít! Nếu không theo con đường giáo dục này, tôi công khai nói với mọi người (suy nghĩ này của tôi đại khái đã có ba mươi năm) ba mươi năm sau tôn giáo trong xã hội này sẽ mất đi, không còn ai tin tưởng!