LỜI PHẬT DẠY
TỪ BI – HỶ XẢ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
TỪ BI – HỶ XẢ
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh
1- LỢI ÍCH TU TẬP TÂM TỪ
Một thời Thế Tôn trú ở Kapilavatthu, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?
Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám, nếu chưa thể nhập thượng pháp (A la hán quả) được sanh lên Phạm thiên giới.
Này các Tỷ kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 11, phẩm Tùy niệm, phần Từ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.684)
LỜI BÀN:
Từ bi là một phẩm tính quan trọng trong đạo Phật. Yêu thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống con người cùng tất cả chúng sanh trong tinh thần không phân biệt chính là từ bi. Nhân loại tiến bộ ngày nay tôn vinh Đức Phật cùng giáo lý của Ngài vì cảm nhận được sự tuyệt diệu, cao cả của lòng từ. Từ bi được các nhà lãnh đạo thế giới xem như liệu pháp quan trọng để giải quyết những khủng hoảng thế giới hiện nay.
Những người con Phật luôn an trú trong tâm từ, lấy từ bi làm nền tảng cho mọi hành động, ứng xử trong cuộc sống. Nhờ đó mà thanh lọc và giảm thiểu đến tận cùng những mưu sâu kế độc, toan tính lợi mình, hại người. Tâm từ với khả tính thương yêu tưới tẩm sẽ dap tắt não phiền và luôn mang đến bình an. Người sống với tâm từ, ngoài sự thanh thản, an vui còn được những người xung quanh quý mến, kính trọng và chư thiên hộ trì. Phước báo của sự thực hành tâm từ có thể hóa giải được các kiếp nạn, nhất là hỗ trợ đắc lực cho quá trình thanh tịnh và thăng hoa tâm linh để thành tựu các Thánh quả. Tâm từ khiến cho con người trở nên thuần hậu, an bình cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời và những kiếp lai sanh.
Không thể nhân danh người con Phật mà lại thiếu lòng từ. Để nuôi lớn từ tâm, ngoài việc thực hành thiền quán từ bi cần phải thực hành ăn chay, phóng sanh, bảo vệ môi trường… Yêu thương, tha thứ và bao dung là những phẩm chất cao quý cần thiết cho đời sống an lạc của mỗi cá nhân đồng thời đó cũng là những chất liệu quan trọng góp phần xây dựng hòa bình, hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.
2- RẢI TÂM TỪ
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:
Mong tất cả những ai
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai
Kẻ dài hay kẻ lớn
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.
Loài được thấy, không thấy
Loài sống xa, không xa
Các loài hiện đang sống
Các loài sẽ được sanh
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc.
Mong rằng không có ai
Lường gạt lừa dối ai
Không có ai khinh mạn
Tại bất cứ chỗ nào
Không vì giận hờn nhau
Không vì tưởng chống đối
Lại có người mong muốn
Làm đau khổ cho nhau.
Như tấm lòng người mẹ
Đối với con của mình
Trọn đời lo che chở
Con độc nhất mình sanh
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh
Hãy tu tập tam ý
Không hạn lượng rộng lớn.
Hãy tu tập từ tâm
Trong tất cả thế giới
Hãy tu tập tâm ý
Không hạn lượng rộng lớn
Phía trên và phía dưới
Cũng vậy, cả bề ngang
Không hạn chế, trói buộc
Không hận, không thù địch.
Khi đứng, hay khi đi
Khi ngồi, hay khi nằm
Lâu cho đến khi nào
Khi đang còn tỉnh thức
Hãy an trú niệm này
Nếp sống này như vậy
Được đời đề cập đến
Là nếp sống tối thượng.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, kinh Tập, chương 1, phẩm Rắn, phần Kinh Từ bi [trích], Nxb TP.HCM ấn hành, 1999, tr.506)
LỜI BÀN:
Ngày nay khi xung đột, bạo động và nguy cơ chiến tranh hủy diệt trên thế giới ngày càng cao làm cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng quan tâm hơn về giáo lý từ bi của đạo Phật. Thế Tôn đã từng dạy, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải được gốc rễ hận thù, tranh chấp, đối kháng và loại trừ lẫn nhau, ngoài từ bi không có con đường nào khác.
Đây là điều mà mọi người cần suy ngẫm để cùng góp sức bảo vệ hòa bình bằng chính từ tâm của bản thân mình. Tâm từ trong ta vốn sẵn nhưng bị tăm tối của tham vọng, hận thù che lấp. Do vậy, để nuôi lớn tâm tư, mỗi người phải thực tập tập thiền quán từ bi trong đời sống hàng ngày.
Hãy ngồi yên, buông thư toàn thể thân tâm, mở rộng lòng thương hướng đến tất cả mọi người và mọi loài trong khắp cả mười phương thế giới, nguyện cho tất cả chúng sanh luôn được bình an, hạnh phúc. Đây là lòng yêu thương chân thật, rộng mở, không tính toan, phân biệt. Càng rải từ tâm đến chúng sanh bao nhiêu thì lòng thương yêu trong ta lớn dần thêm bấy nhiêu. Cứ thế, luôn ban rải tâm từ đến vô hạn, vô cùng…
Lúc đầu, khi lòng từ của ta còn yếu ớt thì đối tượng hướng tâm thường là phổ quát gồm hết thảy chúng sanh hoặc là những người thân yêu, không thù oán. Về sau, khi lòng từ lớn dần, cần hướng tâm đến những đối tượng cụ thể mà họ đã từng làm ta khổ đau, oán hận, quyết không đội trời chung, thề một mất một còn. Tâm từ như dòng nước ùa về cánh đồng khô cháy, xóa dần đi nứt nẻ quá khứ đau thương, và đất tâm sẽ xanh màu hoa trái.
Một người tu tập tâm từ, mọi người tu tập tâm từ thì thế giới sẽ tràn ngập tình thương và nhân loại sẽ tránh được khổ đau phát xuất từ nguyên nhân xung đột, tranh chấp.
3- TỪ MẪN VỚI PHẬT TỬ
Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các gia chủ. Thế nào là năm?
Khích lệ tăng thượng giới; khiến chúng sống theo gương pháp; khi đến thăm người bệnh, an trú niệm cho người bệnh như sau: “Các vị hãy an trú niệm và hướng đến quả A la hán”; khi đại chúng Tỷ kheo đi đến từ nhiều địa phương khác nhau, vị ấy nói với cac gia chủ đi đến như sau: “Nay đại chúng Tỷ kheo đã đến từ nhiều địa phương khác nhau. Các vị hãy làm các phước đức. Nay là thời làm các phước đức”; họ có cúng dường các món ăn gì, hoặc thô hoặc tế, tự mình thọ dụng, không làm cho của tín thí rơi rớt.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo trú tại chỗ có lòng từ mẫn đối với các gia chủ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Trú tại chỗ, phần Có lòng từ mẫn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.736)
LỜI BÀN:
Quan hệ giữa hàng đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Thế Tôn luôn gắn bó, thân thiện và hòa hợp như nước với sữa. Chúng xuất gia chuyên tâm tu học để thành tựu giải thoát, giác ngộ nhằm soi sáng, hướng đạo cho chúng tại gia. Và chúng tại gia vừa nương tựa tu tập, vừa hộ pháp đắc lực cho chư Tăng trong sự nghiệp bảo vệ, hoằng dương Chánh pháp. Vì thế, hàng Phật tử có vai trò quan trọng, là đối tượng chính yếu để chư Tăng quan tâm chăm sóc, trưởng dưỡng, dìu dắt tu học và thể hiện lòng biết ơn.
Sự thương tưởng và tri ân hàng Phật tử được chư Tăng thể hiện qua lòng từ mẫn, luôn khuyến khích họ thực hành đạo đức, giữ gìn và phát huy năm nhân cách cao thượng (năm giới) của người Phật tử. Chư Tăng phải thật sự mẫu mực, phạm hạnh để làm gương cho Phật tử noi theo. Mỗi khi gia đình Phật tử hữu sự như có người bệnh hoạn, tai nạn hoặc mất mát thì chư Tăng cần lân mẫn thăm viếng để chia sẻ, động viên và nhất là trợ duyên hộ niệm, giúp họ “an trú niệm và hướng đến quả A la hán”. Khi có chư khách Tăng du hành từ nơi khác đến, chư Tăng địa phương luôn hoan hỷ, kêu gọi các Phật tử hỗ trợ, cúng dường mà không hề móng khởi niệm phân biệt, đây là trụ xứ của chúng tôi, là Phật tử của chúng tôi v.v… Đối với những phẩm vật Phật tử dâng cúng, chư Tăng tùy thuận thọ dụng trong niệm muốn ít, biết đủ và tiết kiệm, không lãng phí dù đó là hạt gạo, cọng rau.
Những vị xuất gia nào thực hiện được năm điều này trong hành xử với người Phật tử, theo Thế Tôn, người ấy đã thực sự từ mẫn, yêu thương, tôn trọng và biết ơn đệ tử, tín đồ, những người đã ủng hộ mình. Và đây chính là một trong những vấn đề mấu chốt nhằm thắt chặt đoàn kết, gắn bó giữa chư Tăng và Phật tử nhằm bảo vệ và phát triển Chánh pháp ngày càng vững mạnh.
4- HOAN HỶ
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Rồi gia chủ Anàthapindika với khoảng năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anathapindika:
Này gia chủ, ông đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vat dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh”. Do vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập như sau:
“Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỉ do viễn ly sanh”. Như vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập.
Được nghe nói như vậy, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Khéo nói thay là lời nói này của Thế Tôn: “Này gia chủ, ông đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Do vậy, ông cần phải học tập như sau: Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh! Như vậy, này gia chủ, ông cần phải học tập”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Hoan hỷ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.644)
LỜI BÀN:
Hoan hỷ là vui vẻ, sự đẹp lòng với tâm trạng hân hoan mà an tịnh, thoải mái, nhẹ nhàng và thanh thoát. Niềm vui trong cuộc sống thì có nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng được gọi là hoan hỷ. Những sự vui thích do thu về nhiều nguồn lợi vật chất hay sự hả hê của say men chiến thắng hoặc hài lòng khi thấy đối phương thất bại v.v… đều không phải hỷ. Một niềm vui an tịnh, nhẹ nhàng và sâu lắng khi đã buông xả hết các vướng mắc, chấp thủ mới là hỷ đích thực.
Cuộc sống vốn dĩ là vướng mắc. Chúng ta thường bị kẹt vào vô số chuyện như bị tham sân si phiền não chi phối thì đã đành, những chuyện tốt đẹp, làm các điều phước thiện như công quả, tu học, bố thí, cúng dường nếu không khéo cũng bị kẹt, rơi vào chấp thủ. Đại thí chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đã nhiều năm thực hành bố thí rất to lớn, tâm tư thật hào phóng và khoáng đạt nhưng Thế Tôn vẫn luôn khuyến tấn “chớ có bằng lòng” vì mình đã cúng dường nhiều, có công đức lớn với Tam bảo mà phải luôn “an trú hỷ do viễn ly sanh” trước mỗi điều tốt đã làm.
Làm được nhiều việc thiện lành nhưng không hề nghĩ mình đã làm được nhiều, buông xả hết không chấp thủ thì công đức ấy mới vô lượng. Niềm vui của sự thâu vào tuy có đấy nhưng chật hẹp, nhỏ nhoi và không bền. Niềm vui buông ra, xả ly trọn vẹn mới thật sự bền vững và có tác dụng trị liệu phiền não, nuôi dưỡng thân tâm an tịnh, hướng đến an lạc dài lâu.
5- XẢ BUÔNG
Một thời Thế Tôn ở Sàketa, rừng Anjana, tại vườn Nai. Rồi thiên tử Kakudha, sau khi đêm đã gần mãn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn khu rừng Anjana, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Thưa Sa môn, Ngài có hoan hỷ không?
Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỉ?
Nếu vậy, thưa Sa môn, có phải Ngài sầu muộn?
Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?
Vậy thời thưa Sa môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?
Thật như vậy, này Hiền giả.
Làm sao, này Tỷ kheo
Ngài không có sầu muộn
Tuy vậy, Ngài cũng không
Có được sự hoan hỷ
Làm sao nay Ngài lại
Ngồi cô độc một mình
Không có được hoan hỷ
Cũng không bị dao động?
Thật sự, này Dạ xoa
Ta không có sầu muộn
Tuy vậy ở nơi Ta
Hoan hỷ không khởi lên
Dầu nay Ta có ngồi
Riêng một mình cô độc
Ta không có hoan hỷ
Cũng không bị dao động.
Làm sao, này Tỷ kheo
Ngài không có sầu muộn
Làm sao ở nơi Ngài
Hoan hỷ không khởi lên
Làm sao nay Ngài lại
Ngồi cô độc một mình
Không có được hoan hỷ
Cũng không bị dao động?
Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, vị Tỷ kheo
Không hoan hỷ, sau muộn
Vậy nên, này Hiền giả
Ông phải biết như vậy.
Đã lâu, con mới thấy
Bà la môn tịch tịnh
Vị Tỷ kheo không sầu
Cũng không có hoan hỷ
Đã an toàn vượt khỏi
Chỗ người đời đắm say.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 2, phẩm Cấp Cô Độc, phần Kakudha, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.124)
LỜI BÀN:
Hầu hết chúng ta đều sống với những hoài niệm trong quá khứ và các dự hướng ở tương lai mà hiếm khi an trú vào hiện tại. Vì không thiết lập được chánh niệm để an trú nên tâm của chúng ta thường lang thang, chạy theo cảnh bên ngoài hoặc chơi trò trốn tìm với chính mình, buồn vui theo vọng tưởng.
Tâm của chúng ta luôn dao động, lẫn lộn buồn vui. Đôi khi tâm ta rơi vào trạng thái không vui cũng không buồn nhưng vì thiếu chánh niệm nên ta cảm thấy trống trải, cô đơn. Thậm chí một vài người sợ hãi khi phải đối diện với chính mình liền tìm cách chạy trốn như điện thoại tâm sự với người thân, nghe nhạc, xem phim hoặc đi ngủ.
Nên những ai chưa từng trải nghiệm thiền định, thiết lập một đời sống hướng nội, chánh niệm tỉnh giác thì khó mà hiểu được sức sống nội tại và sự an tĩnh, thảnh thơi của hành giả. Thật không dễ hình dung về cách sống bình dị, đơn độc, thanh bần, trầm lắng, xem ra chẳng có gì vui cả, mà người ta cứ sống vậy suốt đời.
Theo tuệ giác Thế Tôn, người ta buồn vì có vui (hết vui thì thấy buồn) và người ta vui vì có buồn (hết buồn thì thấy vui). Chỉ có những người thiết lập được sự bình an, tâm tư lắng đọng, không bị cảnh bên ngoài chi phối, tâm an trú xả vượt lên sự buồn vui thường tình mới thực sự vững chãi và tịnh lạc.
6- AN LẠC VÀ HOAN HỶ
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc. The nào là sáu?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ưa thích pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy, nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm A la hán, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.243)
LỜI BÀN:
Người ta thường cam nhận về những hành giả xuất gia qua chân dung nghiêm nghị, khắc khổ, đè nén và cam chịu. Kỳ thực, những người tu thực hành Chánh pháp một cách nghiêm cẩn và tinh chuyên lại là người rất thảnh thơi, thoải mái, an lạc và hoan hỷ vo cùng. Quan trọng hơn, đối với người tu, an lạc và hoan hỷ là một trong những nền tảng quan trọng để đoạn trừ các phiền não lậu hoặc, thành tựu giải thoát.
Cho nên, từ bi hỷ xả là những phẩm chất căn bản của người tu. Nét khổ hạnh, phảng phất sự cam chịu, kham nhẫn của các bậc chân tu chỉ là uy nghi bên ngoài, còn bên trong nội tâm thì cực kỳ thảnh thơi, an lạc. Có hạnh phúc và lạc hỷ như vậy, người tu mới an trụ một cách vững chãi trong đường đạo, vượt lên mọi cám dỗ của thế thường để thực hành ban vui cứu khổ, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Để thiết lập lạc hỷ trong đời sống, theo tuệ giác của Thế Tôn, người tu phải thành tựu sáu pháp “ưa thích pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận”. An trú vào Chánh pháp, vận dụng thực hành giáo pháp vào thực tiễn đời sống, khéo léo đoạn trừ những nguyên nhân mang đến phiền lụy, chọn môi trường tu tập thanh tịnh, vui vẻ và hòa ái với mọi người, không bàn luận chuyện thị phi được mất của thế gian… chính là sáu bí quyết làm nên sự lạc hỷ.
Những người tu Phật mà chưa thiết lập được lạc hỷ và thể hiện lạc hỷ trong ứng xử, sinh hoạt hàng ngày thì khó mà an trú bền vững và tiến xa trên con đường giải thoát. Mặc dù đường tu vốn nhiều chướng ngại và gian khó, được ví như con thuyền đi ngược nước nhưng nếu thực tâm và tinh tấn hành trì giáo pháp thì sẽ đạt được hạnh phúc, an vui. Quá trình đoạn trừ lậu hoặc để thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết bàn được đặt trên nền tảng an lạc và hoan hỷ là điều mà những người con Phật cần lưu tâm. Khổ hạnh không làm nên giải thoát tối hậu, điều này Thế Tôn đã kinh qua. Do vậy, trước khi hướng đến mục tiêu giải thoat, chúng ta phải thiết lập được lạc hỷ trong đời sống hiện tại.
7- HÃY SỐNG VỚI TÂM TỪ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:
Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh
Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện
Với tâm ý từ mẫn
Đối với mọi chúng sanh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Đối với các vì sao
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.488)
LỜI BÀN:
Từ bi là một phẩm tính đặc thù của Phật giáo đồ nói chung, đồng thời là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hành giáo pháp nhằm thanh tịnh và thăng hoa tâm linh. Thương yêu tất cả mọi chúng sanh không phân biệt và vô điều kiện chính là tâm từ. Phẩm tính thương yêu của tâm từ thì ai cũng có nhưng vì nhiều nhân duyên mà hiển lộ hoặc bị che lấp nhiều ít khác nhau tùy mỗi người. Vì thế, phải thực tập thiền quán rải tâm từ hàng ngày để nuôi dưỡng và phát triển từ bi.
Năng lượng yêu thương của tâm từ rất lớn, bản thân người tu tập cũng như những người xung quanh có thể cảm nhận về nó một cách rõ ràng. Tâm từ như dòng nước cam lồ, tưới tẩm thân tâm luôn mát mẻ và an lành. Mặt khác, tâm từ có thể tuôn chảy đến những người khác, những người chúng ta yêu thương và cả những người từng oán ghét hay làm cho chúng ta đau khổ. Nhờ sống với yêu thương nên những não phiền được dập tắt, sự căm ghét oán hận được thay thế bằng tha thứ xả buông, và cuộc sống chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thênh thang hơn.
Cũng từ đây, từ tâm trở thành một chất liệu kết nối những tấm lòng nhân ái để tạo ra vô số công đức tốt lành bằng hanh nguyện làm lợi mình và lợi người. Yêu thương mọi loài với từ tâm là nhân tố chính yếu tạo ra tất cả các công đức thiện lành ở thế gian. Khi mà người ta ở trong các cộng đồng biết yêu thương nhau như ruột thịt (từ bi), biết nhìn nhận sự có mặt trong nhau (trí tuệ) nên không làm tổn hại thì những cộng đồng ấy tất yếu sẽ gặt hái thật nhiều an lành và hạnh phúc.
Tâm bình thì thế giới bình. Do vậy, trong bối cảnh xung đột, bạo lực cùng nguy cơ chiến tranh ngày càng bùng phát mạnh mẽ và có tính toàn cầu thì tâm từ càng được tôn vinh nhằm ứng dụng thực hành như là một giải pháp tất yếu để cứu nguy cho nhân loại. “Khéo tu tập tâm từ” tức là tùy hoàn canh và điều kiện của mỗi người, mỗi nơi mà vận dụng thực hành thiền quán từ bi, khơi nguồn cam lộ tưới mát thế gian. Đây là lời dạy của Thế Tôn từ xa xưa nhưng lại trở nên cấp thiết và quan yếu nhất đối với nhân loại hiện nay.