LỜI PHẬT DẠY

NỀN TẢNG CỦA GIẢI THOÁT
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

NỀN TẢNG CỦA GIẢI THOÁT
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- NỀN TẢNG CỦA GIẢI THOÁT

Một thời, Thế Tôn ở tại Ràjagaha, trên núi Gìjjhakùta, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, những ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con Đường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”, sự kiện này không xảy ra.

Ví như, này các Tỷ kheo, những ai nói như sau: “Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, những ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con Đường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”, sự kiện này không xảy ra.

Ví như, này các Tỷ kheo, những ai nói như sau: “Sau khi xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, những ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con Đường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”, sự kiện này có xảy ra.

Do vậy, này các Tỷ kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Đây là Khổ, đây là Kho tập, đây là Khổ diệt và đây là Con Đường đưa đến Khổ diệt”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Vực thẳm, phần Nhà có nóc nhọn, NXB Tôn Giáo, 2002, tr.655)

LỜI BÀN:

Bất cứ thành công nào trong cuộc sống tất yếu phải dựa vào một nền tảng, phải có bột mới gột nên hồ. Nền tảng càng vững chãi, chắc chắn bao nhiêu thì sự phát triển bền vững, ổn định càng gia tăng bấy nhiêu. Nhìn vào hiện tại để biết tương lai, hiện tại là nền tảng của tương lai, hướng đến tương lai xán lạn mà thiếu quan tâm, vun đắp hiện tại là hão huyền.

Rõ ràng và sinh động nhất là ảnh dụ xây dựng nền tảng của ngôi nhà. Nếu không có tầng dưới mà hoài vọng xây dựng tầng trên, sự kiện này chắc chắn không xảy ra. Ngay cả khi có tầng dưới nhưng ốm yếu, ọp ẹp, kém chất lượng thì vẫn không thể đứng vững, làm giá đỡ cho cả tòa nhà. Và ngôi nhà sẽ sụp đổ nhanh chóng là chuyện đương nhiên.

Tu học cũng vậy, tuy giáo điển cực kỳ đồ sộ, có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn cho mọi căn cơ nhưng vẫn dựa trên một nền tảng cơ bản là Tứ Thánh đế. Không giác ngộ Tứ Thánh đế tức bốn sự thật về Khổ, Khổ tập, Khổ diệt và Con đường đưa đến Khổ diệt thì chắc chắn không thành tựu giải thoát khổ đau, hạnh phúc, Niết bàn.

Tuy có bốn sự thật nhưng chúng vốn tương tức, có mặt trong nhau, vì thế chỉ cần giác ngộ một sự thật là giác ngộ bốn sự thật và thành tựu tất cả. Người con Phật chỉ cần tuệ tri và giác ngộ về Khổ của tự thân, của tha nhân và pháp giới. Khổ (dukkha), ngoài ý nghĩa khổ đau còn hàm chứa sự vô thường, biến hoại và vô ngã tính. Chỉ cần giác ngộ toàn triệt về Khổ, tự khắc người con Phật vượt thoát mọi khổ đau. Từ đây, nền tảng giải thoát đã được thiết lập, được xây dựng kiên cố, vững chắc làm nền móng cho quả vị Vô thượng Bồ đề.

 

2- XA VÀ GẦN

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn?

Trời và đất là sự việc thứ nhất rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này và bờ biển bên kia rất xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ hai. Từ chỗ mặt trời mọc lên đến chỗ mặt trời lặn xuống là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện với pháp của hạng người thiện rất xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ tư.

Này các Tỷ kheo, đây là bốn sự việc rất xa, rất xa với nhau này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Rohitassa, phần Rất xa xăm, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.647)

LỜI BÀN:

Nếu ai đã từng trải nghiệm về cuộc sống thì sẽ dễ dàng nhận thấy khoảng cách vật lý giữa xa và gần thật rõ ràng, xa thì đúng thật là xa mà gần đích thực là gần. Tuy nhiên, khoảng cách tâm lý xa gần giữa thiện và ác thì khó lường. Bởi thiện và ác về tính chất vốn cách nhau rất xa nhưng trong tự thân của mỗi người thì lẫn lộn “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, pháp của hạng người thiện và bất thiện rất xa nhau như khoảng cách giữa trời và đất, bờ này với bờ kia của đại dương, từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn. Vì đối với hạng người thuần thiện thì suy nghĩ, lời nói và hành động đều thiện, nói chung ba nghiệp thanh tịnh và đối lập hoàn toàn với hạng người ác, luôn tạo ba ác nghiệp.

Vấn đề là con người sống ở đời thường không thuần thiện hoặc ác mà luôn giao thoa giữa thiện và ác. Vì thế, đời sống là một quá trình đấu tranh liên tục để vượt lên cái ác. Nơi đây, khoảng cách giữa thiện và ác không còn rất xa nữa mà thậm chí rất gần, chỉ cần một sát na mất chánh niệm thì cái ác sẽ hiện tiền. Vì tham, sân, si và phiền não nói chung luôn tiềm ẩn trong ta, do đó niệm ác sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Bởi vậy, phải nỗ lực tu tập, nguyện làm các điều lành, luôn giữ tâm chánh niệm để tự chủ để không chạy theo và bị chi phối bởi các điều ác.

Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy “bảy mươi chưa hết què”, hay “chỉ cần một chút sơ suất có thể dẫn đến đọa lạc nhiều kiếp” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương), tức lầm lỗi có thể tạo ra bất cứ lúc nào. Nhận thức được như thế, người con Phật trong nỗ lực hướng đến sự thuần thiện, luôn cảnh giác với cái ác vì thiện ác vốn rất xa mà lại rất gần trong mỗi chúng ta.

 

3- TU HỌC PHẢI SONG HÀNH

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn loại chuột này. Thế nào là bốn?

Đào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ kheo, có bốn loại chuột này.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại chuột này có mặt, hiện hữu ở đời.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có đào hang, không ở?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người thuộc lòng pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: “Đây là Khổ”, “Đây là Khổ tập”, “Đây là Khổ diệt”, “Đây là Con đường đưa đến Khổ diệt”.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có ở, không đào hang?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người không có học thuộc lòng pháp, như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy như thật quán tri: “Đây là Khổ”, “Đây là Khổ tập”…

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không đào hang, không ở?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người không học thuộc lòng pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri: “Đây là Khổ”, “Đây là Khổ tập”…

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có đào hang, có ở?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người học thuộc lòng pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Người ấy như thật quán tri: “Đây là Khổ”, “Đây là Khổ tập”…

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Các loại chuột [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.18)

LỜI BÀN:

Hiện nay, người đi chùa ngày một nhiều, những dịp lễ lộc vô cùng nhộn nhịp và đông đúc. Đi chùa, lễ Phật, cầu nguyện Tam bảo gia hộ là điều tốt, song quan trọng hơn là học tập và ứng dụng giáo pháp để tự hoàn thiện mình, mới mong thiết lập bình an và hạnh phúc đích thực.

Theo tuệ giác Thế Tôn, có bốn hạng người tu học giống như bốn loại chuột. Hạng người thứ nhất “có đào hang, không ở” tức học nhưng không hành. Hạng người này khá am tường giáo lý nhưng chỉ nói suông, không áp dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống. Hạng người thứ hai “có ở, không đào hang” tuy không biết nhiều và rành rẽ giáo pháp nhưng có thực hành những gì đã học. Hạng người thứ ba “không đào hang, không ở” tức không học giáo pháp và cũng chẳng thực hành. Và hạng người thứ tư “có đào hang, có ở”, tức tu học song hành.

Trong sự tu học, tìm hiểu và thực hành giáo pháp là hai yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì thế, một khi đã có đức tin vào Tam bảo thì ngoài vấn đề cầu nguyện và lễ bái ra, người con Phật cần chú trọng đến học tập và hành trì lời Phật dạy. Giống như hai cánh của loài chim giúp nó bay lượn thoải mái trên bầu trời; cũng vậy, song hành học tập và hành trì giáo pháp sẽ giúp người học Phật vượt thoát khổ đau, thăng hoa trong cuộc sống.

 

4- HÌNH THỨC BÊN NGOÀI

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koli, dạy các Tỷ kheo:

Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người đo lường sắc và thỏa mãn với sắc; hạng người đo lường tiếng và thỏa mãn với tiếng; hạng người đo lường với thô và thỏa mãn với thô; hạng người đo lường với pháp và thỏa mãn với pháp. Bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

Những ai đo lường sắc
Những ai đi đến tiếng
Bị tham dục dẫn dắt
Chúng không biết người ấy.
Không biết được nội tâm
Không thấy được ngoại cảnh
Kẻ ngu bị bao quanh
Bị tiếng nói chi phối.
Không biết được nội tâm
Quán thấy được ngoại cảnh
Thấy được quả ở ngoài
Bị tiếng nói chi phối.
Rõ biết được nội tâm
Quán thấy được ở ngoài
Thấy rõ không chướng ngại
Không bị tiếng chi phối.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Nghiệp công đức, phần Hình thức bên ngoài, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.686)

LỜI BÀN:

Người ta thường nói “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” để nêu lên tầm quan trọng của hình thức trong giao tế hàng ngày. Phục sức đẹp, lịch sự và giao tiếp nhã nhặn, khéo léo rất dễ tạo được ấn tượng ban đầu với đối tác. Nhưng khi đi sâu vào tiến trình giao hảo thì sự trung thực, tấm lòng nhân hậu, nhân cách cao thượng mới thực sự là nhân tố quyết định. Do đó, nếu chỉ lo tô vẽ hình thức bên ngoài cho thật lộng lẫy nhằm che đậy sự xảo trá, lọc lừa và toan tính bên trong thì có thành tựu chăng cũng chỉ ở giai đoạn đầu.

Trong các yếu tố hấp dẫn con người thì hình sắc và âm thanh đóng vai trò quan trọng. Vì thế ai cũng tự sửa sang, chỉnh đốn cho mình đẹp hơn, ăn nói khôn khéo hơn. Ngành công nghệp giải trí đã ăn nên làm ra nhờ khai thác triệt để hai khía cạnh nghe và nhìn này. Khi chưa nhận ra bản chất thực của thân tâm và ngoại cảnh là vô thường-khổ-vô ngã thì đời sống của phần đông chúng ta là một cuộc đua giành quán quân sở hữu âm thanh và sắc tướng. Và chính việc chạy theo âm thanh, sắc tướng cua mình và người là nguyên nhân của khổ.

Tuy vậy, có hạng người tiến bộ hơn biết được ngoại cảnh là hư giả nhưng do chưa thấu suốt được nội tâm vốn hư vọng với cội nguồn phiền não là tham sân si thúc đẩy nên cuối cùng vẫn bị ngoại cảnh chi phối. Chỉ có những bậc đã liễu tri về thân tâm và ngoại giới, tức căn-trần-thức đều rỗng không, vô ngã mới thực sự tự chủ và tự tại. Và đó chính là “hạng người đo lường với pháp và thỏa mãn với pháp” mà mỗi người con Phật luôn hướng đến và thành tựu.

 

5- KHÔNG THỐI ĐỌA

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có sáu pháp không thối đọa này, Ta sẽ thuyết, hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là sáu pháp không thối đọa? Không ưa công việc, không ưa nói chuyện, không ưa ngủ nghỉ, không ưa hội chúng, thiện ngôn, thiện bạn hữu. Này các Tỷ kheo, có sáu pháp không thối đọa này.

Này các Tỷ kheo, những ai trong thời quá khứ không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này. Này các Tỷ kheo, những ai trong thời vị lai sẽ không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu phap này. Này các Tỷ kheo, những ai trong thời hiện tại không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Trên tất cả, phần Không thối đọa, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.56)

LỜI BÀN:

Việc tu tập, hướng thiện như bơi thuyền ngược nước, nếu không gắng sức chống chèo sẽ bị cuốn xuôi. Vì thế, biết bao người một thời hăm hở tu hành, tưởng chừng như sắp thành chánh quả, rồi chẳng bao lâu sau thì lối cũ ta về, an phận theo thế thường.

Thối thất, thụt lùi trên đường đạo về cả hai phương diện nội tâm bên trong và hình thức bên ngoài vốn có nhiều nguyên nhân, tùy thuộc nghiệp duyên của mỗi người. Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, để giữ vững chí nguyện xuất trần, trước phải biết buông bỏ những buộc ràng về công việc. Có một điều gần như nghịch lý rằng, những tưởng xuất gia là vô sự, thanh bần và thong dong nhưng rồi thực tế thì công việc lại nhiều hơn. Việc càng nhiều thì thời gian tu tập càng ít lại và phiền não có cơ hội thêm lên. Cho nên, càng ôm đồm thì càng khổ mà hầu như chúng ta lại thích ôm đồm.

Kế đến, một hành giả phải trau dồi thân tâm, tích cực hướng nội bằng cách thực tập các phương pháp thiền định. Không ưa nói chuyện, vì hí luận sẽ khiến tâm phan duyên, hướng ngoại. Hạn chế ngủ nghỉ để thần trí tỉnh táo, tâm không bị mê mờ. Quan trọng hơn là tránh xa những hội chúng ồn ào để giữ tâm định tĩnh. Đời sống tịnh cư hay độc cư sẽ là thắng duyên cho những ai chuyên tâm thiền định. Đặc biệt là được thân cận các bậc thiện hữu tri thức để luôn được sách tấn, trợ duyên và nâng đỡ mỗi khi lạc bước, yếu lòng.

Nếu những ai hội đủ các duyên lành này trong quá khứ, hiện tại và mai sau thì chắc chắn rằng những người ấy sẽ thẳng tiến trên đạo lộ giải thoát. Thực ra, những duyên lành này vốn sẵn trong đời sống hàng ngày. Có điều, chúng ta có khai thác và tận dụng chúng để nuôi dưỡng và giữ vững chí nguyện xuất trần của mình hay không mà thôi.

 

6- HƯỚNG ĐẾN ÁNH SÁNG

Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với vua Pasenadi đang ngồi xuống một bên:

Thưa Đại vương, có bốn hạng người này có mặt, hiện diện ở đời.

Thế nào là bốn? Hạng người sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối. Hạng người sống trong bóng tối và hướng đến ánh sáng. Hạng người sống trong ánh sáng và hướng đến bóng tối. Hạng người sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Người [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.209)

LỜI BÀN:

Mỗi người được sinh ra ở trên đời với một thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Họ không có quyền chọn lựa cho mình nơi để sinh ra vì đó là nghiệp dĩ. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể phấn đấu cải tạo nghiệp lực, chuyển hóa thân tâm và hoàn cảnh theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Cuộc sống là một quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Và tất nhiên không phải ai cũng đạt đến thành công trong việc tự hoàn thiện mình. Do đó, mỗi người cần nỗ lực hướng thiện bền bỉ và liên tục.

Theo tuệ giác Thế Tôn, có hạng người thiếu phước “sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối” sinh ra trong đói khổ, thất học, thiếu vắng tình thương và tư đó không tìm ra lối đi sáng sủa cho cuộc đời mình. Nếu không phải là tội phạm thì họ cũng không đoan chánh, không có niềm tin và chẳng tạo ra được chút phước lành nào trong đời. Hạng người này thật đáng thương và rất cần sự trợ duyên, đùm bọc của xã hội.

Hạng người thứ hai “sống trong bóng tối và hướng đến ánh sáng” cũng xuất thân từ đói khổ, bất hạnh nhưng nhờ còn chút phước duyên nên gặp được thiện tri thức và biết phấn đấu vươn lên từ đói nghèo để đi đến thành công. Chuyện những cô Tấm và nàng Lọ Lem thời hiện đại cùng những tấm gương vượt khó của họ thật đáng cho chúng ta suy gẫm để học tập, noi theo.

Thế nhưng lại có hạng người “sống trong ánh sáng và hướng đến bóng tối”. Tuy xuất thân trong môi trường tốt, gia đình danh giá nhưng vì lười biếng và ỷ lại cùng với thói quen hưởng thụ, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên rơi vào sa đọa, nghiện ngập và trở thành tội phạm. Họ không làm được gì giúp cho bản thân và gia đình mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội.

Hạng người sau cùng “sống trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng” vốn đầy đủ phước duyên. Họ nhờ những thuận duyên ngay từ nhỏ để phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức và trở thành người tài đức vẹn toàn.

Một xã hội, đất nước mà tích tụ được nhân tài từ hai hạng người hướng đến ánh sáng như lời Phật dạy thì chắc chắn đất nước ấy đang thực sự phát triển, đi lên trong sự thịnh vượng bền vững, dài lâu.

 

7- ĐƯỢC TIẾNG THƠM

Một thời Thế Tôn trú ở Àlavì, trong rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo:

Có ba pháp này, này các Tỷ kheo, được người hiền trí tuyên bố, được bậc chân nhân tuyên bố. Thế nào là ba?

Bố thí, này các Tỷ kheo, được người hiền trí tuyên bố, được bậc chân nhân tuyên bố. Xuất gia, này các Tỷ kheo, được người hiền trí tuyên bố, được bậc chân nhân tuyên bố. Hầu hạ cha mẹ, này các Tỷ kheo, được người hiền trí tuyên bố, được bậc chân nhân tuyên bố. Ba pháp này, này các Tỷ kheo, được người hiền trí tuyên bố, được bậc chân nhân tuyên bố.

Biết bố thí, thiện sĩ
Bất hại, chế ngự căn
Tự điều, hầu cha mẹ
Các vị sống phạm hạnh
Bổn phận kẻ thiện khen
Người hiền thực hiện chúng
Bậc Thánh thấy rõ vậy
Đạt được đời an lạc.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Bổn phận, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.270)

LỜI BÀN:

Tiếng thơm, danh tốt là điều ai cũng mong muốn. Người ta nỗ lực phấn đấu học tập, lao động và tu dưỡng suốt cả một đời cũng cốt mong sao cho “công thành danh toại”. Tiếng thơm là thành quả của những việc làm cao thượng, thiện lành, vì lợi ích cho tha nhân và cuộc đời.

Biết đồng cảm và sẻ chia, mở rộng vòng tay với mọi người, nhất là những người bất hạnh là điều cao quý nhất. Những người bất hạnh xung quanh ta rất nhiều, họ cần sự trợ duyên giúp đỡ. Người ta khổ không phải chỉ vì đói nghèo mà có thể vì tăm tối, bế tắc, không tìm được lối ra cho cuộc sống hoặc khổ đau vì sợ hãi. Tùy mỗi trường hợp mà chia sẻ như đói nghèo ta ủng hộ vật chất (tài thí), bế tắc về ý nghĩa cuộc đời ta chỉ họ con đường tu học (pháp thí), sợ hãi và lo lắng cho tương lai ta vỗ an họ bằng sự có mặt trong vững chãi, thảnh thơi của mình (vô úy thí). Làm được điều này, ắt hẳn được người đời ca tụng, tiếng lành đồn xa.

Xuất gia không dành riêng cho người tu, xuất gia là ra khỏi nhà phiền não tức tự thanh lọc và tịnh hóa tâm hồn để thực sự làm chủ đời mình. Đây là lối sống thanh cao, trong sạch, hoàn toàn an tịnh, là hạnh phúc đích thực. Người nào thực sự sống với tâm thanh tịnh, trong sáng, không tham lam, không chấp thủ thì mới có khả năng sống hạnh phúc và cống hiến thật nhiều cho nhân quần, xã hội. Tự kiện toàn nhân cách, hoàn thiện mình trở thành người tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội thì tất nhiên ta sẽ được ca ngợi, tôn vinh.

Hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, biet tri ân đền đáp mọi ân đức trong cuộc đời là những phẩm hạnh không thể thiếu của một con người. Kẻ vong ân bội nghĩa, bất hiếu ngỗ nghịch bị người đời phê phán bao nhiêu thì người hiếu thảo, biết nhớ ơn và đền ơn được khen ngợi bấy nhiêu. Ấy vậy mà không phải ai cũng nhớ và làm tròn câu hiếu nghĩa, nhất là khi đối mặt với bả danh lợi tình tiền, để rồi khi thân bại danh liệt mới ngậm ngùi chiêm nghiệm câu “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Để xây dựng đời sống an vui, mỗi người cần thực hành bố thí, xuất ly và hiếu thảo. Làm được ba điều này, người đời tôn vinh, các bậc hiền thánh ca ngợi và thiết thực nhất là tự thân chúng ta được an lành, hạnh phúc

 

8- NỘI CHỨNG BÊN TRONG

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya đi đến Thế Tôn. Thấy Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya từ xa đi đến, Thế Tôn liền gọi các Tỷ kheo:

Các ông có thấy không, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo kia đang đi đến, xấu xí, khó nhìn, còm lưng, bị các Tỷ kheo khinh miệt?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Tỷ kheo ấy, này các Tỷ kheo, có đại thần thông, có đại uy lực. Thật không dễ gì đạt được chứng đắc mà trước kia vị Tỷ kheo ấy chưa chứng đắc. Và cả đến mục đích mà con một lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tức vị ấy còn tự mình, ngay trong hiện tại, chứng tri, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này, con các lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Thế Tôn thuyết như vậy, bậc Thiện Thệ nói xong lại nói thêm:

Thiên nga, cò, chim, công
Voi và nai có chấm
Tất cả sợ sư tử
Dầu thân không đồng đều
Cũng vậy, giữa loài người
Nếu kẻ có trí tuệ
Ở đấy vị ấy lớn
Không như thân kẻ ngu.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 10, phần Bhaddi, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.487)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống hiện nay có không ít người quá quan tâm, chú trọng đến hình thức bên ngoài. Họ rất chăm lo chỉnh trang, cải thiện “mặt tiền” như nhà cửa, xe cộ, y phục, trang sức…, kể cả tìm kiếm một chức vị cho có hư danh với đời và cố che giấu đi hậu phương xơ xác tiêu điều, thậm chí nợ nần chồng chất. Về phương diện tinh thần, những giá trị sống thâm thúy và sâu sắc như cái nghĩa, cái tình, thủy chung son sắt dần dà trở nên thừa thãi, ít người lưu tâm; những phẩm chất của đời sống như sự an tịnh và thuần hóa tâm hồn thanh cao, hướng thượng không mấy người thành tựu. Vì thế, con người hiện đại có vẻ văn minh và thành đạt hơn về hình thức bên ngoài nhưng tâm hồn lại trống rỗng, cằn cỗi và nghèo nàn các chất liệu hạnh phúc.

Thế nhưng, từ xa xưa cho đến bây giờ và mãi về sau, con người vẫn dễ dàng choáng ngợp với hình thức bên ngoài. “Trông mặt bắt hình dong” là một tập quán nhận thức không phải dễ dàng thay đổi. Nên sự cạn cợt khi đánh giá, nhận định về người khác để về sau ân hận, hối tiếc về sự hời hợt của mình vẫn thường xảy ra.

Đối với quan điểm của Thế Tôn, hình thức bên ngoài rất cần nhưng cần hơn vẫn là những phẩm chất bên trong, nhất là sự an tĩnh nội tại và bừng sáng tuệ giác giải thoát. Một vị xuất gia tuy có dung mạo không mấy trang nghiêm nhưng tâm hồn trong sáng, chứng đạt giải thoát trọn vẹn vẫn quý hóa hơn người chưa chứng rất nhiều.

Người vĩ đại nhất chính là người thành tựu giác ngộ, thân tâm thanh tịnh, tự tại trước những trói buộc, đoạn trừ hết si ám mê lầm chứ không phải là người thành đạt bên ngoài. Do vậy, phải cẩn trọng trong việc nhận định hay phán xét về một người, nhất là người tu, khi chỉ mới biết qua hình thức.

 

9- CẤP THIẾT PHẢI LÀM NGAY

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba việc cấp thiết này, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày bừa thửa ruộng, sau khi khéo cày bừa liền mau lẹ gieo hạt giống, sau khi gieo hạt giống liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỷ kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông phu gia chủ cần phải làm.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỷ kheo cần phải làm. Thế nào là ba?

Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng định học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải làm.

Do vậy, này các Tỷ kheo, cần phai học tập như sau: Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học.

Như vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Hạt muối, phần Cấp thiết [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.435)

LỜI BÀN:

Người ta sống ở đời có vô số công việc để làm. Điều quan trọng là biết việc làm nào quan trọng, cấp thiết và cần làm ngay. Những người thành công trong cuộc sống chính là người biết rõ và làm kịp thời những điều nên làm, biết tránh những điều cần tránh và biết dừng lại những điều cần phải dừng lại.

Người nông dân trồng lúa cần xác định ba nhiệm vụ cày ruộng, gieo hạt và dẫn nước là quan trọng và cấp thiết nhất. Nếu các công viec trên không được thực hiện nhanh chóng, kịp thời vụ thì chắc chắn khó có được vụ mùa bội thu. Cũng vậy, đối với người tu Phật thì tăng trưởng giới định tuệ là ba nhiệm vụ cấp thiết nhất vì chúng là cốt tủy của sự nghiệp tu học.

Do vậy, dù công tác Phật sự rất đa dạng, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật” nhưng người tu không thể không thành tựu nhiệm vụ trọng yếu nhất của đời mình là tăng thượng giới định tuệ. Bấy kỳ ai, nhân danh tu Phật ở bất cứ truyền thống hay tông phái nào cũng đều phải lấy việc phát triển và thành tựu giới định tuệ làm nền tảng. Nếu lãng quên hoặc chưa thành tựu giới định tuệ thì sự nghiệp tu học của chúng ta chẳng khác nào “người lên rừng kiếm lõi cây nhưng chỉ mang về cành lá” mà thôi.

 

10- KHÔNG CÓ CHE GIẤU

Một thời Thế Tôn trú ở Bàranasi, tại vườn Nai, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba pháp này được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Thế nào là ba?

Sở hành của nữ nhân, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Chú thuật của các Bà la môn, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ. Tà kiến, này các Tỷ kheo, được che giấu khi thực hành, không có hiển lộ.

Này các Tỷ kheo, ba pháp này chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Vành tròn của mặt trăng, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, khong có che giấu. Vành tròn của mặt trời, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu. Pháp và Luật được Thế Tôn tuyên thuyết, này các Tỷ kheo, chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Kusinàra, phần Che giấu, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.516)

LỜI BÀN:

Chói sáng, được hiển lộ, không có che giấu là những đặc tính quan trọng của toàn bộ giáo điển Phật giáo. Những gì Thế Tôn đã tuyên thuyết đều không ngoài mục đích “làm lợi ích chúng sanh, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người” và Ngài khẳng định tất cả Pháp và Luật đều sáng rỡ như mặt trăng, mặt trời; là pháp công truyền chứ không phải là pháp bí truyền.

Như thế, toàn thể nhân loại và hết thảy chúng sanh đều có thể

học tập, nghiên cứu để hiểu và ứng dụng thực hành theo Chánh pháp của Như Lai. Không như quan niệm của đạo Bà la môn, kinh Veda và cHú thuật là thuộc về thẩm quyền nghiên cứu và hành trì của giai cấp Tăng lữ Bà la môn còn những người khác thì không thể. Vì thực ra, giáo pháp chỉ là bản đồ chỉ đường, là phương thuốc hay nhưng nếu sở hữu bản đồ mà không đi tới hoặc có thần dược mà không dùng thì cũng chẳng lợi ích gì nhiều.

Và quan trọng hơn, toàn bộ giáo pháp của Phật đều có thể đem ra phân tích, luận giảng cho mọi người để lãnh hội yếu nghĩa nhằm ứng dụng thực hành và hoàn toàn vắng mặt sự mặc khải cho một nhóm đối tượng riêng biệt nào, dù cho đó là các đệ tử xuất gia. Đây là cơ sở cho sự phấn đấu học tập nghiên tầm và liễu triệt giáo nghĩa của bốn chúng đệ tử Phật. Không chỉ hàng xuất gia, thời Thế Tôn, những cư sĩ uyên thâm giáo pháp và có biệt tài thuyết pháp như Citta Macchikasandika, cư sĩ Duy Ma, về sau có Thiền sư Bàng Uẩn, Tuệ Trung và gần đây là cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… đều là những bậc thông tuệ, làu thông giáo điển.

Trong khi có khá nhiều giáo thuyết cho những gì không thể giải thích được là sự “mầu nhiệm” của các đấng thiêng liêng thì đạo Phật khuyên dạy mọi người nên đến để thấy chứ không phải để tin, vì tất cả nội dung giáo pháp đều chói sáng, được hiển lộ và không có che giấu.