MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG
TẬP III
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)
KIM VINH HIÊN
Kim Vinh Hiên người Lô Giang, tinh An Huy, nhân buôn bán thua lỗ ôm lòng uất ức, lần đến phát cuồng. Nhưng, tuy thần kinh thác loạn, ông rất thích vào chùa đốt hương, kính thành lễ Phật.
về sau có một vị thông hiểu nội điển là nữ sĩ Vương Kim Phạm, biết hiện tượng đó do túc nghiệp chiêu cảm, nên dạy cho biết pháp môn Tịnh độ, và bảo phải niệm Phật sám hối cầu sanh về Tây phương. Kim Hiên nghe nói vui mừng, liền trường trai niệm Phật. Mỗi buổi sáng sớm sau khi súc miệng rửa mặt xong, ông đều ngồi chắp tay hướng về Tây, cao tiếng xưng hồng danh A Di Đà. Ngoài ra, các thời khác cũng thường trì niệm. Có nhiều người hỏi: “Niệm Phật mãi như thế để làm chi? Có lợi ích gì?” Kim Hiên gạn lại: “Cứ niệm như tôi đi rồi sẽ biết. Tại sao không chịu niệm, lại cứ hỏi tôi?” Khi đi ngoài đường thấy trẻ con chơi đùa, ông liền to tiếng xưng hồng danh, rồi khuyên chúng niệm Phật. Lũ trẻ cũng đùa lại, niệm theo. Người nơi chợ phố thấy Kim Hiên vừa đi vừa nghêu ngao niệm Phật, đều chỉ chỏ cười ngạo bảo: “Xem kìa, cái ông điên khùng!” Kim Hiên cũng quay lại cười ngạo nói: “Chính mấy người mới thật là điên khùng!”
Mùa thu năm Nhâm Thân thời Dân Quốc, Kim Hiên nằm liệt giường bịnh, không ăn được chỉ uống nước trong, song vẫn niệm Phật không dứt. Vừa sang đông, ông bỗng nói: “Gấp gấp quy căn, tôi đi đây!” Người nhà đều cho là bịnh cuồng tái phát. Cư sĩ Từ Tử Diêu nhân đến thăm, nghe biết bảo: “Quy căn là trở lại nguồn gốc, ý nói lá rụng về cội. Hay là ông ta muốn quy y Tam Bảo, để sanh về Tây phương chăng?” Kim Hiên nghe qua lộ sắc vui mừng nói: “Tốt lắm! Rất đúng!” Từ cư sĩ liền đi thỉnh Tế Lâm pháp sư đến truyền thọ Tam quy, đặt cho pháp danh là Kim Khiết. Trước đó Kim Hiên nằm nhằm mắt, chỉ còn hơi thở mong manh thoi thóp, nhưng đến lúc làm lễ quy y, tinh thần chợt tỉnh táo phấn chấn. Người nhà thử hỏi pháp danh, đều đáp rành rẽ.
Ba ngày sau, vào giờ Dậu, ông bỗng gọi vợ bảo: “Tôi sắp vãng sanh, cô nên phát tâm gắng chí niệm!” Người nhà nghe nói, đều vây quanh đồng thanh trợ niệm. Kim Hiên gượng ngồi dậy, chắp tay hướng về Tây, an lành mà thoát hóa, hưởng dươmg được bốn mươi mốt tuổi. Ngày kế nhập liệm, sắc diện ông tươi tỉnh như sống. Cô vợ nhân đó, sanh lòng tin ăn chay niệm Phật, mỗi buổi sáng đều hướng dẫn con cái trì tụng để truy tiến cho chồng. Hàng nhơn sĩ địa phương nghe thấy việc nầy, một số đông người phát lòng tín hướng.
KHUYÊN TU TỊNH ĐỘ
I
Di Đà thệ lớn há nguyên không?
Mười niệm xưng danh chẳng uổng công
Chớ ngại cõi trần rồi vắng khách
Chỉ e lưới nghiệp vấn trăm vòng
Muôn sông về biển bờ đâu ngập?
Trăm nước chầu vua điện vẫn không
Dễ đến không người, thôi đáng tiếc!
Việc chi còn mến cảnh lao lung?
Giải Thích:
Liên tiếp tám bài thi trong đoạn nầy, đều là của Tỉnh Am đại sư. Để được dễ trực nhận, bút giả xin giải thích ngay từng bài:
Có kẻ hỏi: “Nếu khuyên mọi người vãng sanh hết, thì cõi nầy còn ai ở? Và nếu tất cả người đều về Cực Lạc, nơi đó đất đâu mà dung chứa?” Đại sư đáp: “Chớ vội lo cõi nầy không có người ở, chỉ e cho ngay trước mắt lưới nghiệp vây quấn khiến liền bị sa đọa! Lại như muôn sông đổ dồn về biển, biển đâu bị tràn ngập? Sứ giả trăm nước đến chầu vua, điện Hàm Dương vẫn rộng thông. Cảnh Tịnh độ tùy nguyện lực của Phật biến hiện cũng như thế. Chỉ tiếc cõi Cực Lạc dễ về mà người đời còn mến cảnh lao tù tam giới, không chịu cầu vãng sanh đó thôi!”
II
Người đồn Thiên Trúc chính Tây phương
Thiên Trúc, Chi Na chỉ cách tường
Nghiệp ở cõi nhơ bàn tịnh uế
Thân nơi nhà lửa luận viêm lương
Ba ngàn thế giới trong luân chuyển
Muôn ức càn khôn thật cố hương!
Đến đến chớ sầu đường cách trở
Niệm tâm vừa tịnh thấy Không Vương.
Giải Thích:
Đương thời có nhiều kẻ lầm nhận cõi Tây phương tức Tây Thiên Trúc, cách xứ Chi Na là nước Trung Hoa mười muôn tám ngàn dặm. Lại có người luận mười muôn tám ngàn tức chỉ cho Thập bát giới gồm sáu căn sáu trần sáu thức, diệt mười tám giới sẽ thấy cảnh Tây phương của tự tâm. Đại sư đáp: “Thiên Trúc với Chi Na chỉ cách tường vách nghĩa là rất gần nhau, cũng đồng ở nơi nhà lửa ngũ trược của Ta Bà, đâu phải là Cực Lạc? Còn luận về Cực Lạc tự tâm tức Duy tâm tịnh độ, thì chỉ nên để cho bậc đã đắc vô sanh nhẫn. Đối với phàm phu đầy nghiệp chướng, thân còn ở trong nhà lửa mà vội không hóa sự nhơ sạch, nóng mát theo luận thuyết duy tâm, không chịu niệm Phật, tất sẽ bị xe luân hồi quay, lửa tam giới đốt mà thôi. Chúng sanh nơi tam thiên đại thiên thế giới còn ở trong vòng luân hồi. Chỉ cõi Cực Lạc ngoài mười muôn ức Phật độ kia mới thật là quê hương, vì khi được về đó tất không còn bị nổi trôi luân lạc nữa”.
III
Ai rằng: mọi chỗ tức Tây trì
Cao, thấp, sạch, nhơ cổ ngại gì!
Nhà xí khi vào sao bịt mũi?
Vũng tầy quá bước vén xiêm y?
Ốm đau lắm, lại thương thân khổ
Nắng gió chiều, than trái tiết thì!
Chớ nói lời suông sai thật hạnh
Hồi tâm mau sớm niệm A Di.
Giải Thích:
Có kẻ vịn câu nói của cổ đức: “Cao sơn bình địa tổng Tây phương”, rồi bảo: “Chỉ cần tâm ta thanh tịnh, thì mọi nơi như núi cao đất bằng, các chỗ nhơ sạch đều là Tây phương Tịnh độ, là ao báu hoa sen cả, không có chi chướng ngại, cần gì phài cầu vãng sanh?” Phải biết câu nói trên là cảnh giới của bậc đã chứng ngộ, phàm phu bắt trước theo chỉ thành ra lời suông vô ích. Chính những kẻ nói như thế, khi vào nhà xí còn bịt mũi, bước qua chỗ lầy lội phải vén áo xiêm, ốm đau vẫn thấy khổ, nắng gió mưa nhiều cũng than trách, có điều chi là vô ngại đâu?
IV
Thường chê niệm Phật việc người ngu
Công việc người ngu, Phật cũng tu!
Long Thọ biện tài đâu ngốc Hán?
Văn Thù trí huệ há phàm phu?
Từ chương nhã luận còn Cư Dị?
Công cứ theo mình hỏi Đại Tô?
Nhắn kẻ thông minh nên nghĩ lại
Diêm La xét tội chẳng hồ đồ.
Giải Thích:
Những vị thông minh có học thức thấy kẻ quê mùa cũng niệm Phật được, thường chê rẽ cho đó là lối tu của hạng ngu dốt. Nên xét nghĩ, như Thiên Thai Trí Giả tương truyền là hóa thân của đức Thích Ca, Vĩnh Minh đại sư là hóa thân của đức Di Đà, hai vị đó đều là Cổ Phật, mà còn tu Tịnh độ để làm mô phạm hướng dẫn chúng sanh. Và các ngài như Văn Thù, Long Thọ, hai vị Bồ Tát ấy đâu phải là phàm phu, kẻ ngốc, mà vẫn khen ngợi cùng hành trì theo môn nầy. Lại còn như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, hai bậc văn hào từ chương tao nhã, kẻ chuyên niệm Phật, người thì đem Tây phương công cứ luôn theo bên mình, là hạng người gì, ngu dốt hay trí thức? Vậy nên suy nghĩ, đừng vội phỉ báng mà mang tội.
V
Nếu nói sanh Tây còn thuộc vọng
Trụ nơi cõi trược há thành chân?
Đông Tây chẳng chấp càng phi lý
Tịnh uế đều quên cũng pháp trần
Sanh vốn không sanh, sanh bốn cõi
Thấy như lìa thấy, thấy ba thân
Biết chăng chân vọng nguyên đồng thể?
Mê ngộ đểu do tại bản nhơn.
Giải Thích:
Có kẻ lại bảo: “Bản tính vốn vô sanh, cầu sanh Tây phương là còn thuộc vọng!” Đáp: “Nói thế thì trụ mãi ở cõi nầy, lại thành ra chân thật hay sao? Nếu nói: tôi không cầu sanh về Tây, không chấp trụ ở Đông, tùy ý thọ sanh, lại càng phi lý. Vì chỉ có bậc Pháp thân đại sĩ mới tùy ý thọ sanh được. Còn hàng phàm phu, nếu không cầu sanh Tây phương để mau tiến tu giải thoát, tất phải theo nghiệp chịu luân hồi ở cõi nầy, rồi từ đó dễ tạo nghiệp bị sa đọa. Nếu lại bảo: tôi không chấp tịnh uế, nên không cầu cõi sạch chán cõi nhơ! Khởi một niệm như thế cũng thuộc về pháp chấp rồi, làm sao nói là không chấp được? Cho đến bậc thức đạt, dù sanh về Tây phương, từ cõi Đồng cư tiến lên Thường tịch, mà vẫn thấy không sanh. Dù chứng ngộ ba thân, vẫn lìa sự thấy biết về chứng ngộ. Thế thì có gì trái với lý vô sanh vô chứng đâu?”
VI
Chớ chấp Đàn Kinh bài bác Tịnh
Tổ cơ, lời Phật thảy viên dung
Mượn lời chỉ lý tuyên thiền đạo
Được ý quên lời hiểu diệu tông
Thập thiện đều tu đâu phải tội?
Chư hiền đồng niệm há thành không?
Đông tây một thể vô lai khứ
Pháp giới linh minh cõi đại đồng!
Giải Thích:
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ có nói: “Người ở Đông phương tạo tội cầu sanh Tây phương, người Tây phương tạo tội cầu sanh về cõi nào?” Lời nầy chỉ là cơ phong của Tổ, mượn đó để đưa hành nhơn ngộ thẳng vào chân tánh, chớ chẳng phải bác rằng không có Tịnh độ, cùng bảo đừng nên cầu sanh. Kẻ thức đại học đạo cần phải được ý quên lời, chớ nệ chấp lời mà hại ý. Đối với Phật, chư Tổ là hàng hậu lai. Phật còn khuyên niệm Di Đà cầu sanh, lẽ đâu Tổ lại bác? Lại nên biết, hành giả sanh về Tây phương đều tu thượng phẩm Thập thiện, thì người Tây phương đâu có tạo tội? Và chư hiền thánh xưa nay rất nhiều vị niệm Phật, hành động đó đâu phải nông nổi lầm lạc, hay luống uổng không hư?
VII
Niệm Phật quả như nên súc miệng?
Tụng kinh môi ngậm cũng ưng cần!
Thuốc dùng trị bịnh, sao gây bịnh?
Lửa để điều thân, lửa đốt thân!
Phàm niệm vẫn đầy, chê thánh niệm
Phật tình chưa khỏi nói trừ nhân!
Lời xa hiện thật, khuyên ngưng lại
Lo gấp đời nầy thoát khổ luân!
Giải Thích:
Khi xưa, ngài Triệu Châu có nói: “Một chữ Phật ta chẳng thích nghe. Nếu niệm Phật một câu, phải súc miệng ba ngày!” Nhiều kẻ vịn vào hai lời trên đây bảo: “Thiền sư Triệu Châu vốn bậc danh đức, Ngài đã nói như thế, tất niệm Phật là điều thấp kém lỗi lầm, không cần thiết!”
Tỉnh Am đại sư gạn hỏi lại: “Nếu niệm Phật là lỗi lầm cần nên súc miệng, thì xưa nay các bậc cao đức cho đến Tăng Ni ở khắp tòng lâm, lúc tụng kinh trong những thời khóa tụng, tất cũng ưng cần ngậm miệng đừng hé môi mới phải! Và như thế, lý ấy có đúng không? Phải biết Triệu Châu đại sư là bậc chứng ngộ, muốn hướng dẫn hạng thượng thượng căn phá mối chấp kiến về Phật, nên mới nói những lời ấy, chớ đâu phải ý ngài cốt bác phá sự niệm Phật! Đại khái, tất cả những cơ ngữ bên thiền, lời ở nơi nầy mà ý điểm khác. Cẳng hạn như Tổ Quy Sơn nói: “Sau khi lão tăng viên tịch, sẽ chuyển kiếp làm con trâu ở dưới chân núi!” Lời nầy đâu phải ý chỉ định chuyển kiếp làm trâu? Nếu nhận là thật, rồi cứ theo lời nói mà giải thích, thì đã sai lầm còn gây thêm tội lỗi. Ví như lửa có công dụng sưởi ấm điều hòa thân thể trong tiết lạnh, cho đến nấu chín thức ăn, nếu biết dùng thì rất lợi ích. Bằng trái lại, tất sẽ bị thiêu thân cháy nhà. Lửa trí huệ Bát Nhã cũng thế, hay trị bịnh kiến chấp. Nhưng nếu chẳng biết dùng, lại trở nên gây bịnh, lạc vào lối chấp thiên không bác phá nhân quả, rồi sẽ bị sa đọa. Phần đông người học Phật thời mạt pháp đều là hạng trung, hạ căn, phàm tình phiền não đầy dẫy. Nếu khinh chê phá không dùng đến thánh niệm xưng Phật danh để tiêu trừ nghiệp chướng, thì làm sao giải thoát? Trong tâm phiền loạn ấy, chính ngay Phật tình như câu hồng danh, mà còn chưa khởi sanh niệm lên được, nói chi đến việc cao siêu, dứt trừ Phật kiến? Luận cho cùng, với bậc thượng căn, khi niệm Phật không thấy mình là người hay niệm, Phật là vị được niệm, chúng sanh kiến cùng Phật kiến đều rỗng không. Niệm Phật như thế cũng đâu có chi trái với ý ngài Triệu Châu, mà bảo không cần niệm? Nhược bằng căn hạnh chưa được như vậy, tốt hơn là mặc dù còn chấp thấy Phật, cũng nên mau niệm Phật để thoát khỏi luân hồi, đừng nói những lời xa vời vô ích trái với hiện thật.
VIII
Niệm Phật viên thông nhiếp sáu căn
Nhĩ căn ai bảo chiếm ưu phần?
Âm văn nếu chính viên thường thể
Danh tự đâu là khởi diệt nhân!
Dùng niệm niệm danh, danh vẫn thiết
Đem nghe nghe Phật, Phật càng gần!
Xét ra hai thánh đều huynh đệ
Đồng giúp Di Đà tiếp vãng sanh.
Giải Thích:
Trong kinh Lăng Nghiêm, về phần Tuyển trạch viên thông, đức Văn Thù có bình luận môn tu Niệm Phật của ngài Đại Thế Chí bằng mấy câu:
“Các hành là vô thường. Niệm tánh vốn sanh diệt. Nhân quả nay sai khác. Làm sao được viên thông?”
Và kết cuộc Văn Thù Bồ Tát đã chọn lấy lối tu phản văn thuộc về Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm với hai câu:
“Phương nầy chân giáo thể, Thanh tịnh bởi âm văn”.
Có kẻ khi đọc tới đoạn trên đây, chấp rằng: “Đức Văn Thù đã bình luận lựa chọn như thế, thì ngồi tịnh lắng nghe vào trong là môn tu cao siêu hơn cả, chẳng nên niệm Phật làm chi cả!”
Đại sư giải thích: “Thật ra chân không vẫn ở trong huyễn hữu. Luận về phần tương đối phiến diện, thì các hành đều vô thường sanh diệt. Nhưng bàn sâu đến chỗ viên dung toàn diện, chính các hành là thể chân thường tịch diệt. Cho nên tất cả môn tu của hai mươi lăm vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, đều đủ ba nghĩa: viên, thông, thường. Để chứng minh, như đức Văn Thù đã nói phần âm văn tức nghe tiếng, là để viên thường. Thế thì âm thanh danh hiệu A Di Đà, đâu phải là nhân sanh diệt? Và chính ngài cũng lại nói: “Thánh tánh vô bất thông. Thuận nghịch gia phương tiện”. Thánh tánh thảy đều thông, tất biết pháp nào cũng là viên thường. Như vậy đủ rõ tánh cách niệm danh hiệu đâu phải sanh diệt, chẳng qua tùy cơ nghi thuận nghịch mà nói thế thôi. Cho nên phải nhận thức chỗ bình luận của đức Văn Thù, thuận hay nghịch, hơn hoặc kém, cũng đều là phương tiện tùy cơ mà quyền nói. Bởi duyên kinh Lăng Nghiêm phần lớn khai thị về lối tu thiền theo không môn, đức Văn Thù phải tùy ứng theo đường cơ mà lựa chọn như thế, chớ chẳng phải tu pháp Nhĩ căn của đức Quán Thế Âm là cao siêu hơn hết đâu!
Lại còn nhiều bằng chứng như trong nhều kinh đại thừa khác, Văn Thù Bồ Tát đã rất khen ngợi môn NỊệm Phật, cho Niệm Phật tam muội là pháp công đức cao dễ tu dễ tiến nhứt. Môn Niệm Phật nhiếp cả sáu căn, ý căn là chủ, năm căn kia thuộc phần phụ. Lối tu Nhĩ căn chỉ từ một cửa mà vào, niệm Phật thì cả sáu căn đều thâu nhập. Cho nên Nhĩ căn không nhiếp niệm Phật. Niệm Phật gồm nhiếp Nhĩ căn và thích hợp với cả ba cơ thượng, trung, hạ. Tóm lại, hai lối tu của đức Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí thật ra đều đồng đẳng, không phân cao thấp. Và hai ngài cùng là pháp hữu, cùng phụ đức A Di Đà tiếp dẫn loài hữu tình mười phương sanh về Cực Lạc, cùng thân thiết chẳng cách xa nhau vậy”.
Như trên, vì lòng từ bi Tỉnh Am đại sư đã dùng thi văn phá lối nhận thức sai lầm của một số đông người học Phật, để đưa họ vào con đường thẳng ích. Chủ tâm của Ngài chẳng phải có ý muốn đề cao Tịnh độ hơn các môn khác, bởi lẽ Ngài cũng là một đại thiền sư. Tập thi văn còn nhiều, bút giả chỉ chọn dịch và giải thích mấy bài trọng yếu.
DU THỊ
Du thị nguyên là vợ của Tiêu Quân ở thôn Nam Khê, huyện Kiết An, tỉnh Giang Tây. Từ bé bà đã biết ăn chay niệm Phật. Về nhà chồng chưa được hai mươi năm, chẳng may gặp phải cảnh góa bụa. Từ đó bà biết giữ tiết hạnh nuôi con, sự tu trì càng tinh tấn. Đến gần trăm tuổi, sức khỏe và tinh thần của bà càng thêm kiên cường, tai và mắt vẫn còn tỏ sáng.
Năm Dân Quốc thứ mười một, vào đêm hai mươi lăm tháng giêng, Du thị nằm mơ thấy mình đến tòa đại điện trăm báu trang nghiêm, rất nguy nga tráng lệ. Trong điện có hằng muôn bậc thiện nhơn y quan tướng mạo thanh đẹp khác trần, đang chắp tay chiêm ngưỡng một đức Như Lai thân vàng cao lớn rực rỡ ngồi nơi liên tọa. Bà đến gần lễ bái, đức Phật bảo: Ngày mùng một tháng hai tới đây, ngươi mới được vãng sanh Tây phương. Hiện thời hãy tạm về truyền lời ta khuyên dạy chúng sanh như sau:
Chớ tạo các điều ác
Gắng làm những việc lành
Sự nhân quả rõ rành
Mảy tơ không sai lọt!
Tỉnh giấc, Du thị họp tất cả người nhà thuật lại điềm mộng và dặn kể từ sáng mai toàn gia đều phải trai giới niệm Phật, để giúp mình vãng sanh. Lại cho gọi đứa con gái thứ ba về để gặp nhau lần cuối. Từ hôm đó, bà tr chú niệm Phật ngày đêm không dứt. Đến mùng Một tháng Hai, giọng trì tụng lại càng rõ ràng cấp thiết. Gần nửa đêm hôm ấy, Du Thị vén gọn vạt áo tràng, ngồi kiết già ngay thẳng, tiếng niệm từ từ nhỏ dần. Bỗng nhiên bà nhìn quanh khắp người nhà, rồi mỉnh cười nhắm mắt mà đi thẳng.
Lúc tẩn liệm tay chân Du Thị rất dịu mềm, sắc mặt rạng rỡ hơn khi còn sống.
PHÙNG NGHI NHƠN
Phùng Nghi Nhon pháp danh Diệu Hòa, nguyên là vợ của cư sĩ Bao Bồi Trai. Tánh bà chán sự ồn ào ưa sạch sẽ vắng lặng. Năm hai mươi mốt tuổi, sau khi vu quy, bà khéo thờ kính cha mẹ chồng, được tiếng khen là hiền hòa hiếu thuận.
Một đêm Nghi Nhơn nằm mơ thấy nhà hàng thịt trong xóm giết heo. Con vật bị giết đầu tiên là heo, kế đó lại là một phụ nhơn. Bên cạnh có bà lão giúp cởi đồ trang sức và áo của phụ nhơn, để tên đồ tể hành quyết Nghi Nhơn quở rằng: “Tại sao dùng người làm heo để giết ăn thịt? Bà lão đáp: “Chúng ta thấy là người, nhưng kẻ hàng thịt nhìn là súc thú!” Tỉnh giấc hỏi thăm thì nhà hàng thịt vừa giết hai mạng sanh vật, con sau là heo cái, đúng như điềm mộng. Nghi Nhơn hoảng hốt chợt tỉnh ngộ bảo: “Người cùng heo luân hồi đổi lớp mau lẹ thật không ngờ!” Từ đó bà thề không ăn thịt heo, hằng ưa chay tịnh và giữ giới sát. Nghi Nhơn lại chiêu tập hàng phụ nữ cùng nhau lập ra Phóng sanh hội. Cứ mỗi nửa tháng, cùng vào những ngày vía Phật, Bồ Tát, hội viên đều đóng góp tiền mua sanh vật để thả. Kế tiếp Bao Bồi Trai nghe hiểu chánh pháp, ăn trai trường thờ Phật, Nghi Nhơn cũng nối chí theo chồng. Cả hai đều tích cực tu phước làm lành, thường cứu giúp các nạn dân trong cảnh chiến tranh, bão lụt.
Mùa thu năm Mậu Ngọ thời Dân Quốc, Nghi Nhơn thọ Tam quy với Vi Quân hòa thượng, kiêm giữ giới Bát Quan Trai. Từ đó bà chuyên niệm hồng danh A Di Đà, phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc. Lúc rảnh lại trì chú tả kinh, mạnh mẽ tinh tấn, sớm hôm chẳng dừng nghỉ. Thường khi hành lễ, bà thấy tượng Quán Âm lần lần cao lớn, thánh tượng Quán Thế Âm chớp chớp như muốn phóng ánh hào quang. Ngoài ra, còn nhiều điềm lành khác không thể thuật hết.
Mùa xân năm Nhâm Tuất, Nghi Nhơn vương bịnh. Đến tháng năm nhuần, Bao cư sĩ thỉnh Toàn Lãng hòa thượng tới nhà truyền Ngũ giới. Trong khi thọ giới, Nghi Nhơn thầm tưởng thành chúng khắp mười phương vây quanh đạo tràng. Cuộc lễ xong, bà cảm thấy thân tâm thơ thới, gọi người nhà bảo: “Thọ giới đã xong, tôi có thể chuẩn bị sanh về Tây phương!” Lại dặn Bao cư sĩ sau khi mình mạng chung nên liệm với áo vải thô, dùng quan tài bng thứ gỗ xấu. Từ hôm đó, Nghi Nhơn bịnh lần thêm nặng. Người nhà thỉnh chư Tăng đến trợ niệm, bà một lòng lắng nghe thầm niệm, mặt lộ sắc tươi vui. Sau khi ấy, Nghi Nhơn bảo nấu nước cho mình tắm gội thay y phục. Mọi việc xong, bà nhờ gia nhơn đỡ lên ngồi kiết già ngay thẳng. Kế đó đôi mắt chăm chú nhìn về Tây phương như thấy cảnh tượng chi khác lạ. Giây phút hai tay Nghi Nhơn kết ấn Di Đà tam muội, rồi lặng lẽ mà thoát hóa.
Sau chín giờ toàn thân bà mới lạnh hẳn, riêng đảnh đâu còn nóng, tay chân mềm dịu, sắc mặt tươi vui. Bây giờ nhằm tháng sáu năm Dân Quốc thứ mười một. Nghi Nhơn hưởng dương được năm mươi mốt tuổi.
CHÂU PHU NHƠN
Châu phu nhơn nguyên là chánh thất của Tri phủ Lý Chất Phu ở Ba Đông, và là mẹ của Lý Vân Nham, một danh sĩ có danh trong vùng ấy. Tánh bà vốn hiền lành, biết chút ít văn nghĩa, nhưng rất sùng tín, thường hay đem việc nhân quả nói cho bạn bè thân thuộc nghe.
Năm Ất Tý thời Quang Chữ nhà Thanh, bà phát nguyện ăn chay trường, tuy chưa được hiểu về Phật pháp, song mỗi ngày đều tụng kinh Cứu Khổ. Con cái trong nhà đem lòng hiếu dưỡng theo đời, khuyên ép phu nhơn dùng mặn, nhưng bà giữ chí chẳng nghe theo. Lại có vài phái ngoại đạo khuyến dụ bà vào đạo của họ, phu nhơn cũng thẳng thắn cự tuyệt.
Vào khoảng tháng năm thời Dân Quốc thứ mười một, cư sĩ Trầm Âm Châu và Lý Vân Nham vâng lời Định Từ lão cư sì thành lập hội niệm Phật tại vùng ấy, thỉnh chư Tăng đến diễn giảng về kinh giáo. Phu nhơn nghe nói vui vẻ tham dự vào và chánh thức xin quy y Tam Bảo. Không bao lâu bà nhiễm bịnh, song mỗi ngày vẫn cố gắng niệm Phật không dám trễ sót. Đến lúc khí lực lần suy yếu, khó ra tiếng niệm thành câu, phu nhơn vẫn cố gắng động môi sẽniệm thầm. Tình trạng như thế kéo dài suốt hai tiếng, câu niệm chưa từng gián đoạn.
Ngày mùng bốn tháng bảy, phu nhơn bỗng gọi các con đến nói: “Mẹ thấy một vị Tăng sĩ tướng mạo đoan nghiêm, cầm tràng phan đứng lặng yên trước mặt!” Hôm sau vào lúc hừng sáng, bà lại bảo gia nhơn rằng: “Ngày nay ta sẽ quy Tây, tất cả nên cố gắng làm lành niệm Phật!” Vân Nham biết mẹ sắp vãng sanh, vội đi thỉnh sư Âm Châu và vài bạn đồng tu đến. Khi các liên hữu vừa tới trước cửa, liền nghe trong nhà có tiếng than khóc. Âm Châu vội bước vào bảo: “Tất cả nên im lặng đừng khóc, và đồng chắp tay niệm Phật!” Sau khi các liên hữu và người nhà xưng hồng danh được một lúc, phu nhơn bỗng mở mắt, ra tiếng niệm Phật theo. Được hơn mười câu, bà nín lặng an lành mà thoát hóa.
Ba hôm sau khi chôn cất xong, đêm ấy Lý Chất Phu vừa nhắm mắt mơ màng, bỗng thấy phu nhơn thân tướng sáng rỡ hiện đứng trước mặt, bảo: “Tôi đã được về cõi an vui, khuyên ông chớ lo buồn nghĩ ngợi. Điều cần thiết là nên khuyến khích Vân Nham và các con cháu trong nhà hãy cố gắng niệm Phật. Lại nên bảo mấy đứa dâu thể theo hạnh của tôi, đồng quy y Tam Bảo, niệm Phật tu hành. Đó là lời dặn tối yếu!”
LỜI BÌNH:
Trong Cổ Học Tinh Hoa có sự tích người tìm dê, vì nhiều lối rẽ nên lạc mất dê. Đây cũng là cái bịnh chung của hàng trí thức xưa nay, bởi hiểu biết rộng nên tu tập nhiều môn, rồi năng lực không theo kịp với ý muốn, kết cuộc chẳng thành tựu được môn nào cả! Châu phu nhơn tuy văn nghĩa chỉ biết thô sơ, song nhờ bà có lòng sùng tín trước sau như một, không bị con cái ép nài, ngoại đạo cám dỗ, dù đau yếu cũng chẳng rời câu Phật hiệu, nên cuối cùng cũng được kết quả vãng sanh. Cho nên giữa đời có điểm nghịch thường: “Người khôn sáng nhiều khi ám muội, kẻ tối dốt lại hóa thông minh”, là điều trên đây vậy.
PHAN THÁI PHU NHƠN
Phan Thái phu nhơn người vùng Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, nguyên là thân mẫu của cư sĩ Hạ Kế Tuyền. Bà bẩm tánh từ huệ, ít nói cười, tuy sống giữa cánh chồng con đều có chức phận cao sang, song trọn đời chẳng thết yến tiệc vào ngày sanh nhựt, không thích ngồi xe kiệu sang đẹp, chưa từng bước chân đến cừa hí viện, cho đến thân quyến chẳng để bày hội chúc khánh thọ ngũ tuần. Đại để lối sổng của phu nhơn rất cần kiệm đơn giản, tiếc từ tấc vải hạt cơm. Tuy nhiên với những kẻ cơ cùng, bà lại bố thí rộng rãi, từ tiền bạc cơm gạo y phục, đến vật dụng chăn nệm thuốc men, không chút chi luyển tiểc.
Về phần tự tu, phu nhơn tụng kinh, trì chú, niệm Phật, giữ giới không sát, phóng sanh, có đặc điểm là rất thành khẩn tinh tấn. Sau khi quy hướng Phật pháp, bà xuất tiền thành lập cơ sở hội Sơn Đông Nữ Tử Liên Xã, được hàng phụ nữ dự vào tu niệm rất đông. Bà lại thỉnh nhiều kinh sách Phật chia tặng cho đồng đạo, để cho họ được hiểu biết thêm về chánh pháp, về sau nghe tin tức thời cuộc lần lần không yên, phu nhơn lộ vẻ lo buồn nói: “Do lòng người thù hận tham mê, gây nhiều trái oan tội lỗi, nên nước nhà mới ly loạn, dân chúng bị lầm than. Tình trạng nầy nếu ngoài đạo giác ngộ của Như Lai, tất không có phương pháp chi cứu vãn!” Do đó bà xuất ra một số tiền lớn, bảo con là Hạ Kế Tuyền quyên mộ thêm, thành lập ngôi đại Già Lam ở Tế Viên, thỉnh chư Tăng về trụ trì, giảng diễn Phật pháp, làm nơi cho tín chúng câu hội nương theo tu tập.
Phu nhơn chuyên chí phần tịnh nghiệp, mỗi ngày đều tụng Bát Nhã tâm kinh, trì chú Chuẩn Đề, và lấy ba muôn câu Phật hiệu làm định khóa, chẳng để cho thiếu sót. Đến năm Quý Hợi thời Dân Quốc, vào ngày hai mươi chín tháng trọng xuân, bà cảm chứng ho rồi phát nhiệt, bịnh thế lần tăng. Tới ngày mùng sáu tháng ba, cơn nóng bỗng giảm bớt, thần chí trở nên thanh sảng. Vào khoảng mười giờ mai, sau khi ăn được chút ít cháo, phu nhơn gọi các con lại bảo: “Bịnh đã giảm nhiều, các con hãy lui ra tạm yên nghỉ, để cho mẹ tự ngồi tịnh niệm. Kế Tuyền tuy vâng lời song chẳng an lòng, rình nơi khe cửa xem, thấy bà ngồi lặng lẽ hướng về Tây, sắc diện rất hòa nhã. Không bao lâu, thần khí phu nhơn chợt biến đổi, gương mặt lộ hồng quang. Các con vội vào xem thì bà đã ngồi thoát hóa, hưởng dương được năm mươi năm tuổi.
Trước đó cô con gái là Thục Quân, nằm mơ thấy bên thềm nhà mọc lên một đóa sen trong xanh như ngọc bích, to lớn bằng chiếc lọng. Cô còn nghi nan thì được mẹ cho biết đó là hoa sen công đức của bà. Khi tỉnh giấc, cô đến giường mẹ thăm bịnh và thuật lại điềm mộng. Vừa tới đoạn thấy hoa sen, phu nhơn liền nói: “Chính là hoa sen của mẹ đấy!”
Khi nhập liệm, đảnh đầu bà còn nóng, mặt lộ nét sáng suốt tươi cười.
TÀO NGHI NHƠN
Tào Nghi Nhơn, người ở Sào huyện tỉnh An Huy, nguyên là chị ruột của cư sĩ Tào Trạch Tây. Khi lớn lên, bà được cha mẹ gả về nhà họ Lý. Tánh Nghi Nhơn rất hiếu cẩn, vì muốn báo ân nặng song thân, bà phát nguyện trường trai giữ giới. Sau khi được nghe biết chánh pháp, lại nguyện chuyên tu Tịnh độ, niệm Phật cầu về Cực Lạc, để cứu độ hàng thân thuộc và tất cả chúng sanh.
Nghi Nhơn tu niệm rất tinh cần, dù trải thời tiết lạnh nóng cũng không trễ bỏ. Khi gặp mọi người, bà đều khuyên họ ăn chay niệm Phật. Hạnh tinh tấn tự tu và khuyên người như thế, hơn ba mươi năm vẫn diễn tiến đều đều không thiếu sót. Mỗi ngày Nghi Nhơn niệm Phật theo định khóa ba muôn câu, và cũng hơn ba mươi năm chân không bước ra khỏi ngõ. Trong hàng nữ lưu, sự tu như thế cũng đặc biệt hi hữu, có thể dùng hai lời sau đây để khen ngợi:
Ba vạn câu sen, ba chục xuân
Gót chân chẳng đạp ngõ hồng trần!
Lúc tuổi hơn thất tuần, một hôm Nghi Nhơn bỗng cảm thấy bịnh. Vài ngày kế, bà tự nói có hai đồng tử tay cầm tràng phan theo hầu Phật đến tiếp rước. Trong lúc đó gia nhơn cũng đều thấy tường quang chiếu sáng cả nhà, lại nghe tiếng nhạc thanh thao dìu dặt giữa hư không. Nghi Nhơn chắp tay hướng lên không trung vái lạy, rồi bảo người nhà rằng: “Giữa hư không lưới báu hiện ra giăng khắp, mỗi mắt lưới đều có một hạt châu hoặc bảo vật. Tôi tự nghĩ bình sanh không làm công đức chi nhiều, chẳng qua niệm Phật khuyên người, hiếu thuận với mẹ cha, thương giúp kẻ nghèo khổ và không vọng ngữ mà thôi. Nay được về cảnh lành vui là điều rất hân hạnh! Vậy mọi người phải cố gắng niệm Phật Cõi Cực Lạc quả có thật, chớ nên nghi ngờ. Ngày rằm tới đây tôi sẽ vãng sanh”. Lúc đó, chồng bà Lý Quân đứng gần bên nói: “Xét theo âm lịch, ngày rằm này xung khắc với gia đình, không được tốt!” Nghi Nhơn bảo: “Thế thì chọn cho tôi ngày khác”. Lý Quân nói: “Ngày mười tám chỉ khá, hai mươi mốt mới là thật tốt”. Nghi Nhơn bảo “Vậy thì ngày mười tám tôi đi!”
Vừa hừng sáng hôm ấy, Nghi Nhơn vội gọi người nhà bảo: “Mau đốt hương nến tiếp rước, vì Phật và chư thánh chúng đã quang lâm!” Hương trầm vừa nóng cháy, thì bà đã ngồi yên lặng vãng sanh. Bấy giờ nhằm tháng mười một năm Dân Quốc thứ mười hai, Nghi Nhơn thọ được bảy mươi sáu tuổi.
HÀ THÁI PHU NHƠN
Hà Thái Phu Nhơn nguyên là thân mẫu của cư sĩ Vương Mạnh Phạm. Năm hai mươi tuổi bà về nhà họ Vương, thờ mẹ chồng rất có hiếu. Mùa thu năm Bính Thìn thời Dân Quốc, chồng mãn phần, phu nhơn buồn thương gần như không muốn sống. Duyên may gặp Dã Khai hòa thượng ở Thường Châu thuyết pháp cho nghe, bà mới biết đường hướng giải thoát, dẹp nỗi ưu sầu. Từ đó siêng năng tu tịnh nghiệp, cầu sanh về Tây phương.
Phu nhơn trì niệm thường nhựt đều có định khóa, không lúc nào trễ bỏ, bảy năm như một ngày. Trong hai niên Tân Dậu sang Nhâm Tuất, bà bị đau nặng suýt chết, song tuy nằm bịnh nửa năm mà vẫn không rời câu niệm Phật Mùa xuân năm Quý Hợi, bịnh cũ thỉnh thoảng lại tái phát, phu nhơn bảo Mạnh Phạm rằng: “Mẹ nghĩ muốn thành tựu tịnh nghiệp, tất phải dứt hẳn duyên đời!” Do đó cuối tháng bảy, bà xin một gian tịnh thất trong chùa, phát nguyệ nương nơi cảnh già lam tu niệm, mỗi tháng đóng tiền nguyệt phí để khỏi phạm đến của Tam Bảo. Sang tháng tám, phu nhơn tự biết mình không sống lâu, đưa tất cả y phục quí giá cùng đồ trang sức, bảo con là Mạnh Phạm đem bán lấy tiền để làm Phật sự. Bà mời một vị cao đức đến cúng dường, cầu xin thọ quy giới, được pháp danh là Hiển Ức. Kế lại sắm lễ thỉnh chư Tăng trong chùa ngày đêm luân phiên trợ niệm, chính mình cũng niệm Phật theo. Đêm mùng chín tháng mười một, phu nhơn bảo Mạnh Phạm rằng: “Đối với người học Phật, không có chi gọi là chết mất, chẳng qua bỏ nơi nầy sanh nơi khác mà thôi! Khi mẹ sắp mãn phần, con phải chí thành niệm Phật, chớ lộ vẻ bi thương làm cho tâm mẹ rối loạn, về phần con, hãy nên cố gắng tinh tấn, ngày kia sẽ cùng gặp nhau nơi hội liên trì. Chừng ấy mới là quyến thuộc chân thật!”
Đến khuya ngày hai mươi bảy, phu nhơn gượng đau ngồi lên ngay thẳng, chắp tay xưng hồng danh. Lúc đó gia quyến cùng chư Tăng trong chùa tất cả hơn ba mươi người,đều cao tiếng trợ niệm. Trải độ hai giờ, tiếng niệm của bà lần yếu nhỏ. Trước khi vãng sanh, dường như nghiệp chướng tiêu trừ, túc mạng trí phát hiện, thấy được cảnh giới tốt, phu nhơn bỗng đọc lên bài kệ rằng:
Nhiều kiếp gieo nhân sen
Đời nầy mới thành thục
Cần dứt hẳn trần duyên
Đừng cho còn tương tục!
Cảm Tây phương Tam Thánh
Từ bi xa tiếp dẫn
Từ đây sanh Liên bang
Tu chúng quả vô sinh
Thuyền từ khơi bể nguyện
Độ tất cả hữu tình.
Đọc xong mỉm mà qua đời. Sáng hôm sau, tay chân phu nhơn vẫn dịu mềm, đảnh đầu hãy còn nóng.
TRẦM NƯƠNG
Trầm Nương là tiếng xưng hô của người hàng xóm để gọi ông Trầm Bảo Tam bình nhựt ưa thích sưu tầm nghiên cứu kinh sách nhà Phật. Sau khi được biết pháp môn Tịnh độ là phương tiện siêu thắng kỳ diệu để độ sanh của mươi phương Như Lai, ông liền phát tâm niệm Phật. Trầm Nương tánh cứng cỏi, thường mỉm cười dùng đủ lý lẽ bài bác cho chồng là mê tín.
Một đêm Nguyên tiêu, nơi mội nong hai ngọn nến đỏ lớn đốt để cúng Phật ở trung đường, hoa đèn bỗng kết nở thành hình đóa sen. Bảo Tam thấy thế kinh lạ, vội gọi gia nhơn và vài người láng giềng lại xem, Trầm Nương lại cho là tin tưởng nhảm và nói: “Nếu ngọn nến kia cũng kết nở một đóa hoa y như thế, mới có thể khiến cho tôi tin được!” Việc khá kỳ lạ, trong vòng vài phút đồng hồ, nơi ngọn nến bên kia, cũng kết nở đóa sen y như bên này, một cách hết sức mau lẹ. Trên đóa sen lại hiện đức Quán Âm đại sĩ thân tướng trang nghiêm mầu đẹp, mày mắt đều rõ ràng. Trầm Nương sững sờ kinh ngạc, đứng bất động giây lâu, rồi hổ thẹn quì xuống chí tâm sám hối. Từ đó cô mới phát lòng tin sâu thiết, niệm Phật theo chồng. Mỗi ngày cô hành trì đều có định khóa, dù cho lúc gặp việc cấp thiết mỏi mệt cũng không gián đoạn.
Năm Dân Quốc thứ mười, Trầm Nương mang bịnh, vài ngày trước khi cô mãn phần, Bảo Tam thỉnh các liên hữu luân phiên đến trợ niệm. Trầm Nương cũng niệm theo, mong sao trong vòng bảy ngày, được nhứt tâm bất loạn. Nhưng vì bịnh khổ sức yếu, nên không được sức khỏe như ý muốn. Trước khi mạng chung, đứa con trai mới năm tuổi của cô thấy ánh sáng lạ chiếu rực rỡ từ giường mẹ thẳng ra ngoài cửa. Em bé lại thấy có ba vị cao lớn thân sắc vàng ròng, vị đứng phụ cận tay cầm hoa sen to đẹp. Bỗng một người gương mặt giống như mẹ mình chắp tay bay vào ngồi trong hoa sen. Giây phút tất cả đều nương theo ánh sáng bay về phương Tây.
Lại bà lão trong xóm là Hàng thị, từ lâu đã chuyên niệm Phật, một đêm bỗng thấy Trầm Nương trở về. Hàng thị hỏi: “Nhiều người nói cô đã được vãng sanh, chuyện ấy có thật chăng?” Trầm Nương đáp: “Quả thật tôi đã vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới. Mỗi khi hữu sự tôi thường về nhà nhắc nhở, khi về tất có mùi hương lạ. Từ đây tôi không còn trở lại nữa. Nếu bà không tin thử đến nhà tôi hỏi xem?” Sáng ra, Hàng thị sang thăm viếng hỏi han, quả nhiên có việc ấy.
MỘT KỸ NỮ
Thời Dân Quốc, một kỹ nữ ở Thượng Hải, chưa được rõ tên họ, gồm đủ những đặc điểm: sắc đẹp, tiếng thanh, đàn hay, hát giỏi. Đương nhơn bản chất lại thông tuệ, có năng khiếu về thi văn. Cô thường ưa ngâm vịnh thi của Tiết Đào, một danh kỹ đời Đường, nhứt là mấy bài cảm thuật về Xuân, Hạ, Thu, Đông như sau:
XUÂN
Hoa đẹp lay cành bên gộp đá
Liễu mềm lượn gió trước hiên đông
Hoàng hôn ráng đỏ sau ngàn núi
Đêm lặng trăng soi sáng vạn tòng.
HẠ
Sắc biếc che trùm cây cỏ mát
Giải nhơn cười nụ đối gương nga
Hương trầm nhẹ tỏa trong canh vẳng
Ánh ngọc xuyên song thấu trường ngà.
THU
Ngàn lau trắng phủ đầm thu bạch
Núi biếc rừng xa lá điểm hồng
Thư nhạn gửi ai người viễn khách?
Giấc vàng chợt tỉnh quạnh phòng không!
ĐÔNG
Gió rít mưa reo cài kín cửa
Tuyết bay đêm lạnh khắp giang thành
Trong phòng lò lửa vầy hơi ấm
Sẽ nhắp hương trà vị cúc thanh.
Vì Tiết Đào có tài, nên Nam Khang Vương Vi Cảo khi làm Tiết đại sứ ở Tây Xuyên, có dâng biểu tiến cử cho cô làm chức Quân trung Hiệu thơ. Bởi thế người bấy giờ đều gọi Đào kỹ nữ là Hiệu thơ. Cô kỹ nữ nầy lại ưa ngâm vịnh thi của Tiết Đào, nên khách phong lưu cũng tặng cho danh từ thanh nhã là Hiệu thơ.
Đang lúc thanh xuân, một hôm cô bỗng tỉnh ngộ việc trần là ô nhiễm, phát tâm quy y Tam Bảo, nguyện giữ mình nghiêm sạch. Từ đó Hiệu thơ bỏ hết phấn son, chuyên ý tu Tịnh độ, thuê một căn phố ở Hồng Khẩu tại Thượng Hải, đem bà về cùng ở. Trên lầu cô trang hoàng tượng Phật và Bồ Tát, có đủ tràng phan bảo cái cùng đồ thờ cúng đẹp nghiêm, mường tượng như cảnh chùa am thanh tịnh. Mỗi ngày sớm hôm, Hiệu thơ đều lễ bái trì niệm, gót chân ít khi bước ra khỏi cửa. Ngoài số tiền gởi Ngân hàng lấy lời để chi dùng mỗi tháng, cô còn chút ít tài sản riêng, gởi cho người quen là Lương Quân ở Việt Đông nhờ cất giữ giùm.
Đầu tháng hai năm Dân Quốc thứ mười ba, Hiệu thơ sai bà làm công mời Lương Quân đến. Sau khi trà nước xong, cô nói: “Tôi tu hành chưa bao lâu, hân hạnh sớm được giải thoát. Đúng ngày đó tôi sẽ vãng sanh về Tây phương. Số tiền gởi kia, nhờ Tiên sanh trích ra lo liệu giùm việc tang lễ chôn cất, một phần cúng vào chùa để trai tăng kinh sám truy tiến, một phần nữa làm việc phước thiện, mỗi khoản chi dụng là ngần ấy. Ngoài ra còn dư lại bao nhiêu, xin Tiên sanh cũng xử lý giùm cho mẫu thân tôi được an dưỡng trong lúc tuổi già!” Nói xong quì cúi lạy để gởi gấm tạ ơn trước. Lương Quân không dám nhận lễ, đứng tránh sang một bên và nói: “Tôi sẽ hết lòng chu tất mọi việc. Nhưng cô còn đang lúc thanh xuân, sao lại vội thốt chi lời ấy?” Hiệu thơ yên lặng trang nghiêm không đáp, sau một lúc hỏi han thăm viếng, Lương Quân từ giã ra về.
Đúng ngày như đã dự ước, quả nhiên bà làm công đến cho hay, cô vừa không bịnh an lành niệm Phật sanh về Tây phương. Lương Quân nghe xong rơi lệ, ngạc nhiên thở than khen ngợi, vội đến lo việc tang lễ chôn cất. Còn các điều kiện kia, ông cũng phân xử rành rẽ như lời Hiệu thơ đã gởi gấm dặn dò.
LỜI BÌNH:
Sanh làm thân nữ, nghiệp duyên đã nặng. Người nữ mà lạc bước phong trần, thật đáng bi cảm, vì duyên nghiệp lại càng nặng hơn. Cho nên: Bến Tầm trăng nước, nghìn sau còn xót điệu tỳ bà! Lầu Thúy sanh ca, muôn thuở vẫn cảm câu bạc mệnh! Tuy nhiên, bể nghiệp mênh mang, quay đầu là bến. Bởi tại sao? Vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật! Như cô Hiệu thơ trên, đang tuổi thanh xuân tỉnh bừng hoa mộng, giữ mình nghiêm sạch gieo giống sen lành. Chưa mấy năm đài báu ghi danh, đúng kỳ hạn an lành thoát tục. Thế mới biết: Pháp môn Tịnh độ hạng người nào cũng có thể kham tu, Vương Long Thơ đã khuyên hàng phong nguyệt. Quê xưa chờ đón, khách ly hương muốn về mau trở gót, Niết Bàn kinh ghi Phật tánh thường hằng. Nguyện xin đồng nhơn, sanh lòng chánh tín!
NHÂM CUNG NHƠN
Nhâm Cung nhơn là vợ của Châu Vận Tuyền tiên sanh ở Hải Diêm. Từ trẻ bà đã tin Phật pháp, sau khi về nhà họ Châu, sự giúp đỡ chồng nuôi dạy con đều tròn chức phận. Tánh bà đoan trang nghiêm chánh, đối đãi với người rất ân hậu. Mùa đông năm Giáp Thìn thời Quang Chữ nhà Thanh, chồng mãn phần, lúc ấy Cung nhơn đã năm mươi chín tuổi. Trải nhiều phen cảnh tang thương biến đổi, nhân cảm việc chồng từ trần, bà nghĩ cuộc đời như huyễn, mạng vô thường, bỗng sanh tâm tư thoát tục. Sau khi xét định kỹ, Cung nhơn liền đem việc nhà giao cho con trai và dâu, rồi buông hết muôn duyên trường trai niệm Phật. Sự tu hành của bà rất tinh chuyên, không lúc nào dám trễ bỏ.
Mùa đông năm Đinh Tỵ thời Dân Quốc, Cung nhơn bỗng vương chứng bán thân bất toại, tay chân tê nhức, lúc đi đứng phải có người dìu đỡ. Bà cho ngăn riêng một gian nhà, phía trước thờ Phật, sau là chỗ nghỉ, ở yên tịnh tu niệm, như người nhập thất. Nhân đó tâm càng định, niệm lực càng được tinh chuyên.
Mùa hạ năm Tân Dậu, hai con là Điều Sanh, Cát Sanh được nghe cư sĩ Phạm cổ Nông giảng diễn về Phật pháp, anh em mới phát tâm học Phật và đem những điều đã hiểu biết về khuyên giải lại cho mẹ nghe. Nhân đây, lòng tin nguyện cầu sanh của bà càng thêm chuyên thiết. Tháng giêng năm Giáp Tý, Điều Sanh lại có duyên dự cuộc hành trình với các vị cư sĩ đi nghe giảng kinh, Cung nhơn bảo: “Mẹ đã cao tuổi, con chớ nên đi xa lâu!” Đến ngày hai mươi bốn, bà lại vương chứng thương phong, rồi kế ho suyễn. Sang ngày hai mươi tám, bịnh thêm nặng, người nhà mời các nữ liên hữu đến niệm Phật để giúp sức cầu nguyện. Nghe tiếng xưng hồng danh, Cung nhơn liền được tâm an, hơi thở điều hòa, rồi chợp mắt thiếp đi một lúc. Đến lúc tỉnh dậy, bà nói: “Vừa rồi ta mộng thấy một lão nương mặt hồng hào, tóc bạc trắng đưa cho một chiếc bánh in bảo ăn. Sau khi dùng xong, ta cảm thấy thanh sảng nhẹ nhàng, nhân mới hỏi: “Tôi có được giải thoát khỏi sự khổ chăng?” Lão nương đáp: “Sẽ được giải thoát, hãy cố gắng niệm Phật!”
Ta nghe nói liền niệm Phật hơn một trăm câu rồi chợt tỉnh!”
Sau khi đó các chứng: thương phong, khí suyễn và bán thân bất toại của bà đều được khỏi hẳn. Đêm ấy Cung nhơn ngủ một giấc yên lành. Sáng ra thức dậy, bà cảm thấy thân tâm thơ thới nhẹ nhàng không còn bịnh khổ, lại thoảng nghe có mùi hương. Đến ngày hai mươi tháng hai, Cung nhơn sanh chứng uất muộn khó thở, người nhà lại rước nữ chúng tới trợ niệm. Sang ngày hai mươi hai, bà tự biết mình không qua khỏi, dặn gia quyến chớ nên than khóc, phải luân phiên cao tiếng trợ niệm để mình được nương sức niệm theo. Đến canh ba, Cung nhơn an lành mà qua đời.
Ban sơ tay chân của bà đều lạnh trước, chỉ nơi ngực còn nóng rất lâu. Mọi người vẫn để yên, cao tiếng niệm Phật tiếp tục không dứt. Hơi nóng mới lần lần chuyển lên tới miệng, mắt, sau cùng đạt thẳng lên đảnh đầu. Sự trợ niệm vẫn kéo dài đến nửa đêm hôm sau mới chấm dứt. Lúc tẩn liệm, tay chân Cung nhơn còn dịu mềm, sắc mặt tươi như sống. An táng xong, người nhà đem những tờ Tây phương công cứ của bà đã ghi số câu niệm Phật lúc bình nhựt ra thiêu hóa. Khi lửa tắt, trên tro hiện ra tướng một vị Tăng đứng trên hoa sen, nét rõ ràng in như vẽ.
LỜI BÌNH:
Ấn Quang pháp sư bảo: “Tất cả Lý của thế gian và xuất thế gian đều không ngoài hai chữ TÂM TÁNH. Tất cả Sự của thế gian và xuất thế gian, đều không ngoài hai chữ NHÂN QUẢ”. Nhâm Cung Nhơn bị vương nhiều bịnh, là chịu quả của nghiệp sát kiếp trước; cảm mộng lành được khỏi khổ, bởi nhờ nhân tu niệm của kiếp này. Lúc lâm chung hơi nóng trụ nơi ngực, đáng lẽ bà phải chuyển sanh làm người tu thêm một kiếp nữa mới được giải thoát. Song nhờ công đức của gia đình và các liên hữu luân phiên chí tâm trợ niệm, nên kết cuộc bà lại được vãng sanh. Điểm nầy cho thấy sự trợ niệm lúc lâm chung rất là thiết yếu.
TỊNH ĐỘ THI
I
Trong mơ khóc đối đấng Kim Tiên
Cầu giúp thần công dứt nghiệp duyên
Phẩm thấp hoa hèn âu mãn nguyện
Khỏi nơi sanh tử khổ triền miên!
II
Lên lầu mơ hướng cõi trường xuân
Nơi ác vàng sa, ráng đỏ bừng!
Cảm đấng cha lành thương trẻ dại
Cánh bèo mãi lạc bến trầm luân!
III
Cảnh đẹp Tây phương sự uyển nhiên
Muốn về còn phải tại nhân duyên
Giữ lòng một niệm dường gương sáng
Chi ngại Từ Tôn chẳng hiện tiền!
IV
Nhựt lặn trời tây sáng tử hà
Hồ tâm trong suốt hiện liên hoa
Ngẩng đầu lối thẳng miền quê đó
Ai bảo mười muôn cõi cách xa?
Nhật Quán thiền sư.
V
Nghèo khó đông con nhiều nỗi khổ
Giàu sang ngại ít gái cùng trai
Đạo nhơn độ ngọ rồi vô sự
Nằm ngắm trời tây mây trắng bay.
VI
Lầu các trùng trùng Anh Vũ châu
Ấy ai đến đó thừ nhàn du?
Thanh giang mẩy khúc Ly tình điệu
Thương kẻ vô tâm mãi khổ sầu! 1
VII
Niệm Phật đừng hềm vọng tưởng nhiều
Vọng nguyên hư giả khởi từ đâu?
Chỉ cần mỗi chữ nghe rành rõ
Niệm mãi tình quên đến ngọc lầu.
VIII
Mặc trì Phật hiệu cảnh êm đềm
An tĩnh thầm vui lúc giữa đêm
Bóng trúc trăng dời song cửa sáng
Nghi hàng cây báu mọc bên thềm!
Bắc Sơn đại sư.
IX
Niệm Phật khác chi thuyền độ lớn
Đưa người toàn chẳng lựa ngu hiền
Bên nầy ví biết nhiều nguy hiểm
Thì xuống thuyền sang cõi bảo liên.
X
Làng sen đến viếng bạn sen ta
Một nén hương thanh một chén trà
Việc thế bàn chi thêm tục lụy?
Niềm vui nhàn ngợi bạch liên hoa.
Ưu Đàm đại sư.
CHÂU THỊ
Nhà lan thanh vắng, giậu cúc lơ thơ, trời thu phân cảnh vật tiêu sơ, người liên nữ bền lòng tín nguyện! Đó là gia cảnh của Châu thị, và bà đang theo thời khóa thành tâm niệm Phật.
Châu thị nguyên là vợ của họ Chương. Từ trẻ bà đã biệt thờ kính Quán Thế Âm đại sĩ, tin sâu nhân quả, từ hòa hiếu thuận và ưa thích điều lành. Đến sáu mươi tám tuổi, Châu thị mới được nghe biết sự lợi ích của pháp môn Tịnh độ, liền trường trai niệm Phật ra tiếng một muôn câu, ngoài số ấy đều tùy thời tùy cảnh niệm thầm. Công phu hành trì như thế đã trải hơn mười năm. Mấy năm sau cùng vì tránh sự phiền nhiễu, Châu thị thường tĩnh tọa nơi gian nhà riêng, sự tu trì càng thêm mật thiết. Có đôi lúc bà ngồi yên nhắm mắt hướng về Tây, luôn hai ba ngày không ăn uống nơi cổ tay mạch không còn nhảy; duy có nét mặt sáng tươi, toàn thân nóng ấm. Sau khi ấy, người nhà hỏi về tình trạng lúc đương thời, bà đáp: “Ta thấy mình ngồi niệm Phật trên tòa sen to đẹp, quên hẳn thời khắc, lòng rất sáng nhẹ an vui!”
Đến năm Dân Quốc thứ hai mươi, vào khoảng tháng sáu, Châu thị bỗng cảm bịnh. Đứa con trai suất lãnh người nhà luân phiên trợ niệm. Vài hôm trước khi mãn phần, bà nói với gia thuộc rằng: “Ta còn lưu trụ hai ngày nữa, các con nên tạm nghỉ ngơi. Hãy chuẩn bị nấu nước thơm cho ta tắm gội, và y phục giày dép đều phải đổi thứ mới sạch!” Hai hôm sau, vào giờ Tỵ, bà ngồi ngay thẳng hướng về Tây, nhắm mắt không nói năng chi cả. Con trai thấy thế, lại gọi người nhà vây quanh, đồng cao tiếng niệm Phật. Độ vài mươi phút kế đó, Châu thị ngồi yên ổn mà tắt hơi, gương mặt lộ nét tươi vui hòa nhã. Hơn hai giờ sau, đảnh đầu của bà hãy còn nóng.
Có điều đáng kỳ diệu là đang lúc làm lễ nhập liệm, đứa cháu nội gái của bà, vì quá thương khóc nên ngã xuống hôn mê. Mẹ đứa bé này tức là dâu của Châu thị, cũng đã niệm Phật vãng sanh từ mấy năm về trước. Khi được người nhà vực tỉnh dậy, bé gái nói: “Con thấy từ phương Tây phóng tới ánh sáng to rộng rực rỡ. Đức Quán Thế Âm thân tướng nghiêm đẹp, tay cầm cành dương liễu, theo sau có vô số Bồ Tát nương giữa hư không bay đến. Trong giây phút mẹ cùng bà nội thân tướng cao lớn tươi tốt hơn lúc bình thường, theo sau chư Bồ Tát bay về phương Tây. Ngoài ra lại còn có vô số hoa lạ, tràng phan bảo cái hiện giữa hư không, tất cả cảnh vật đều trang nghiêm rực rỡ khác thường. Trông thấy cảnh ấy lòng con chợt an vui, quên hẳn sự xót xa thương khóc. Bấy giờ con không còn lo buồn nữa, vì biết rõ mẹ và bà nội đã về cảnh Phật!”
LỜI BÌNH:
Phàm sanh về Cực Lạc, không luận Trai gái già trẻ, đều hiện thành thân nam đủ ba mươi hai tướng tốt. Đứa bé thấy mẹ cùng bà nội đều còn thân người nữ, đó là phương tiện hiện ra tướng cũ, để cho nó dễ nhận biết. Độc giả khi xem đến đoạn nầy, chớ hoài nghi!
ĐẶNG NỮ SĨ
Đặng nữ sĩ tên Kế Thúc, nhà ở thị xã tỉnh Hàng Châu, tánh người vốn đoan nghiêm thuần cẩn. Từ nhỏ cô đã học giỏi, tài hạnh nổi tiếng nơi nhà trường. Bởi có tài sắc, nên mới mười bốn xuân xanh, đã được nhiều nơi dạm hỏi. Sau thời gian kén chọn, đến năm mười bảy tuổi, cô được cha mẹ gả về nhà họ Biện ở Dương Châu.
Nữ sĩ hiếu hạnh với cha mẹ chồng, khéo thừa thuận đấng phu quân, được hàng xóm ngợi khen là trang hiền thục. Năm Quý Hợi thời Dân Quốc, sau khi sanh nở cô nhiễm bịnh. Sang mùa thu năm Giáp Tý, nữ sĩ xin về Hàng Châu thăm viếng song thân, nhân tiện để điều dưỡng. Nhưng trải qua sự chẩn trị của đông y rồi tới tây y, bịnh của cô vẫn không giảm mà còn tăng thêm. Kế đó cô vương chứng trầm kha, nằm liệt giường chiếu. Mẹ và chị ruột đã quy y Tam Bảo từ lâu, hằng khuyên cô niệm Phật. Song nữ sĩ còn do dự chưa quyết.
Đến ngày mười ba tháng chạp năm ấy, bịnh nguy kịch, cô gọi chị lại trối dặn về các hậu sự. Bà chị hứa nhận và an ủi, nhân dẫn giải về kiếp người mộng huyễn, pháp Phật khó được nghe, ba cõi phiền não nóng bức như nhà lừa, phải sớm cầu giải thoát. Tiếp theo lại khuyên cô nên quy y Tam Bảo niệm Phật cầu sanh về Tây phương, sẵn tánh thông minh, lại đang lúc gặp cảnh sống mong manh, nữ sĩ nghe qua như có chỗ cảm ngộ, liền gật đầu chấp thuận. Ngay trong hôm ấy, người nhà thỉnh Khước Phi thượng nhơn đến truyền quy giới cho cô. Từ đó hàng tân quyến vì nữ sĩ tụng kinh niệm Phật cầu nguyện. Tuy đang đau nặng, cô vẫn phát tâm mạnh mẽ, quên thân cố gắng tinh tấn niệm theo. Người chồng hay tin cũng vội đến trợ niệm, chí thành cầu Tam Bảo gia bị. Hai hôm sau bịnh thuyên giảm, sự đau đớn cũng lần nhẹ bớt, cô cảm thấy trong người thanh thản khinh an.
Ngày kế, tức mười sáu tháng chạp, vào khoảng chiều tối. Nữ sĩ cho mời chị lại, nhờ thay mình tạ ân các vị niệm tụng. Xong, lại đối trước bà ở hằng theo phụ giúp mình là Tôn má má, ngỏ lời cảm ơn, rồi đôi ba phen dặn bảo rạng mai phải thức dậy sớm. Tôn má má ra ngoài thuật lại, mọi người liệu rằng cô đã dự biết trước thời khắc lâm chung nên suốt đêm đó thay phiên nhau niệm Phật liên tiếp. Người chị lại đem tượng Tây phương Tam Thánh, lập bàn để trước giường, bảo cô vừa quán tưởng vừa trì niệm. Nữ sĩ nhứt nhứt y lời, tay lần chuỗi mắt nhìn tượng, sẽ động môi niệm Phật theo đại chúng.
Trời hừng sáng, trước khi mạng chung, cô nói: “Tôi thấy có một vị Bồ Tát, sắc mặt như vàng ròng, đôi mắt dài xanh biếc, nữ sĩ sẽ liếc mắt nhìn qua lại, trạng thái rất an lành!” Một lát sau, nữ sĩ hai tay chợt kết ấn to tiếng niệm Phật mấy câu rồi tắt hơi. Lúc đó, cậu bé trong nhà là Dương Phước Sanh đang đứng niệm Phật, bỗng như mơ đi trong giây phút, thấy Quán Thế Âm Bồ Tát cùng chư thánh chúng từ xa bay đến, đứng giữa hư không tiếp dẫn nữ sĩ đưa về phương Tây. Khi ấy vừa bước sang giờ Thìn, ngày mười bảy tháng chạp năm Giáp Tý.
Hai hôm sau vào khoảng buổi chiều, việc chôn cất di hài của nữ sĩ mới hoàn tất. Đám đông người đưa tang ra về, xôn xao bàn luận giữa niềm tin tưởng giọng than thở ngợi khen. Lúc ấy ánh tịch dương sắp tắt, chợt phóng tia sáng rực rỡ xuyên qua ngàn cây, chiếu vào phân nửa đầu ngôi mộ mới đắp, như gợi cảm tưởng về người Tây phương sẽ hé đôi mắt nhìn lại cõi đời ngũ trược đầy phiền lụy một lần cuối cùng. Xa xa, trên nóc mấy ngôi nhà tranh áp vào chân núi, vài ngọn khói lam lững lờ nhẹ bốc lên giữa cảnh trời chiều yên lặng.
TRẦM THỊ
Trầm thị người ở huyện Vô Tích, tinh Giang Tô. Bình sanh tâm của bà rất tốt, đủ những tánh đức: ngay thật, hòa nhã, thành khẩn, nhân từ. Thấy các việc nghĩa, bà liền gắng làm tận lực, lại ưa thành tựu điều tốt cho người. Bởi thế người chung quanh vùng đều mến ưa kính trọng.
Căn lành đã sẵn, nhưng tiếc vì thiếu bậc trí thức chỉ dạy rành rẽ cho phương thức tu hành. Trầm thị chỉ nghe người nói qua pháp môn Thập niệm cầu sanh về Tịnh độ. Tuy nhiên bà rất lấy làm hoan hỷ, phát lòng tin chắc không nghi, và chí thiết thật hành. Sự tu trì của bà rất bền bỉ tinh tấn, không lúc nào trễ sót, hơn hai mươi năm như một ngày.
Niên hiệu Dân Quốc thứ mười lăm, Trầm thị bỗng cảm bịnh nhẹ rồi mãn phần. Khi bà sắp mạng chung, đứa con út mới hơn mười tuổi đang chơi đùa bên ngoài, chợt thấy từ giữa hư không vô số chư Tăng bay xuống, vị nào cũng có hoa sen đỡ gót, tướng tốt cao lớn trang nghiêm, nơi thân ánh sáng phóng ra rực rỡ chói mắt. Trong ấy có một vị Tăng cao lớn khác thường, tay cầm hoa sen to đẹp trao cho mẹ mình. Chợt một thoáng, cậu bé thấy mẫu thân đã vào ngồi nơi hoa sen. Đang lúc nó kinh lạ nhìn ngơ ngẩn xuất thần, bỗng nghe cô chị đứng ngay cửa sổ gọi to bảo mẹ đang hấp hối, hãy mau vào tống chung. Khi đứa bé vào đến bên giường, thì Trầm thị đã nhắm mắt qua đời, trong nhà hương lạ tỏa bay bát ngát. Hơn mấy hôm sau, mùi thơm ấy mới tan. Gia nhơn tìm mãi không biết hương đó phát ra từ đâu.
Về sau, cậu bé thường đem chuyện ấy thuật lại với mọi người, và nói: “Lúc mẹ đã ngồi trong hoa sen, vì bị chị gọi vào nhà, nên không được nhìn thấy mẫu thân và chư Tăng bay về Tây phương như thế nào. Cậu tỏ vẻ tiếc mãi về việc ấy.
LỜI BÌNH:
Trong bốn mươi tám đại nguyện, đức A Di Đà Thế Tôn có lời phát thệ:
“Như chúng sanh nào muốn về nước ta, chí tâm xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng được vãng sanh, ta thề không thành Chánh giác”.
Nay ngài đã thành Phật, tất biết điều nguyện ấy không hư dối. Trầm thị chĩ tu theo pháp Thập niệm, nghĩa là mỗi ngày đều chắp tay hướng về Tây xưng Nam Mô A Di Đà Phật mười hơi, kết quả được sanh về Cực Lạc. Sự vãng sanh của bà yếu ước do ba điểm: Lòng tin chắc chắn, tâm nguyện chí thiết, sự hành trì vững bền. Khi đã vãng sanh, tức chẳng còn nỗi khổ luân hồi, thuần hưởng những điều vui, lần lần tiến chứng đạo phẩm, không bị thối chuyển và kết cuộc sẽ thành Phật. Sự việc trên cho ta thấy điểm đặc biệt của môn Tinh độ: “Nhân hành trì rất dễ, quả thành tựu cực cao”.
LÂM THỊ
Lâm thị pháp danh Tánh Ngộ, nguyên là kế thất của cư sĩ Hứa Bình Trọng. Mẹ cô họ Uông, thờ đức Quán Thế Âm rất thành kính. Từ thuở bé cô đã theo mẹ giữ Quán Ầm trai, đến năm hai mươi bốn tuổi mới về nhà họ Hứa. Hứa Quân làm quan từ Chương Châu rồi thuyên chuyển sang Giang Tô, Lâm thị cũng theo chồng.
Mùa xuân năm Quý Hợi thời Dân Quốc, Hứa Bình Trọng nhận lời mời của cư sĩ Mã Ký Bình, đến Vu Hồ nghe Đế Nhàn pháp sư giảng kinh. Do cơ hội đó, Lâm thị cũng được đi theo. Sau khi giảng kỳ hoàn mãn, vợ chồng đu quy y với Đế lão. Lúc trở về Nam Kinh, Lâm thị đóng cửa chuyên tu Tịnh độ. Cô đốc suất con cái trong nhà đều trường trai niệm Phật, mỗi ngày giữ thời khóa nhứt định. Riêng con gái kế của cô phát tâm xuất gia, thế độ với Giác Minh đại sư ở Vu Hồ, được pháp danh là Phổ Huệ. Thiếu nữ nầy ngôn hạnh đoan trang, tu hành tinh tấn, nên hơn một năm sau được thầy cho thọ giới Sa di ni.
Tháng sáu năm Bính Dần, Phổ Huệ vương bịnh rồi viên tịch. Khi lâm chung, được Lâm thị cùng đồng bạn xưng hồng danh hộ trợ, cô giữ vững chánh niệm đến phút chót, và vãng sanh trong trạng thái rất an lành. Hôm sau tẩn liệm, tay chân của Phổ Huệ đều dịu mềm, đảnh đầu hãy còn nóng ấm.
Mục kích sự vãng sanh của con, Lâm thị càng phát tâm tinh tấn mạnh mẽ. Từ trước mỗi ngày cô giữ định khóa mỗi ngày tụng một quyển kinh Kim Cang, niệm hai muôn câu Phật hiệu, dù lúc công việc bận rộn hay mỏi mệt đau yếu, cũng gắng hết sức không dám trễ bỏ. Lúc sau nầy, lại trì niệm cực kỳ chuyên thiết. Cô tự nói: “Những khi mình niệm Phật đến mức rất thành khấn, liền thấy đức A Di Đà ngồi trên hoa sen, cảnh ao báu lâu đài hiện rõ ràng trước mắt. Bình nhựt Lâm thị ưa đọc quyển Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, rất tôn sùng các ngài Đế Nhàn, Ấn Quang cùng Giác Minh đại sư. Cô thường nói với đồng bạn: “Tuy tôi chưa có duyên lành diện kiến Ấn Quang pháp sư, song đã được thấy văn cũng đồng như thấy người. Yếu điểm về hai chữ Thành Kính trong tập Văn Sao của ngài, nếu hành trì một cách thiết thật, có thể chứng được Niệm Phật tam muội!” Lại nói: “Thân nầy là nơi tập trung của mọi nỗi khổ. Nếu không trừ gốc ái, làm sao dứt được khổ căn?” Do đó quy y không bao lâu, Lâm thị ước hẹn với chồng cùng tu hạnh thanh tịnh, dứt sự ái ân, xem nhau như bạn đạo.
Sau thời gian Phổ Huệ vãng sanh, từ tháng bảy năm Bính Dần trở đi, Lâm thị cũng đau yếu dây dưa, nằm trên giường bịnh hơn ba tháng, song vẫn không rời câu Phật hiệu. Đến ngày mùng sáu tháng mười, vào tuần bá nhựt của con, do cô gia công bì niệm, nên bịnh lại tăng thêm. Tới ngày hai mươi bảy, Lâm thị bảo người nhà lau dọn trong phòng cho sạch sẽ, và xông đốt trầm hương. Mọi việc xong, cô bỗng chắp tay nói: “Tam Thánh hiện thân vàng nghiêm đẹp, ngỏ lời khuyên nhắc, quang minh chiếu sáng rực cả phòng!” Ngày hai mươi tám, cô bảo nấu nước Ngại diệp cho mình tắm gội để tiện ra mắt Tam Thánh. Song chiều tối ngày hai mươi chín, Lâm thị dạy con cái vây quanh mình niệm Phật và nói: “Vài hôm nay, mẹ đã có thể tự chủ, câu hồng danh chẳng giây phút nào rời tâm!” Sáng ngày ba mươi, vào lúc bảy giờ, cô bỗng nói: “Tây phương Tam Thánh đã quang lâm!” Nói xong yên lặng, Hứa Quân bảo người nhà đồng chắp tay trợ niệm. Tới chín giờ sáng, hơi thở của Lâm thị lần lần yếu, một đứa con hỏi: “Mẹ có nghe niệm Phật chăng?” Cô không đáp, sẽ gật đầu. Kế đó Hứa Quân đem tượng Phật tiếp dẫn để trước mặt, Lâm thị liền mỉm cười nhắm mắt mà đi thẳng.
Hai giờ chiều đảnh đầu cô nóng. Sang năm giờ tẩn liệm, tay chân vẫn mềm dịu như bông, nhan sắc tươi sáng. Vài hôm sau, làm lễ thiêu hóa, khói trắng bốc lên bay xuôi về hướng Tây. Đêm ấy bà nữ bộc họ Hoàng nằm mơ, thấy Lâm thị hiện thân tướng tốt đẹp, chắp tay niệm Phật càng lúc càng cấp thiết, rồi bay thẳng về Tây phương.
PHẠM THỊ
Phạm thị, người Đài Loan, con nhà nghèo, buôn nghề nầy bán nghề kia, làm ăn tuy giỏi giắn, song cuộc sống vẫn rất vất vả. tánh bà ngang ngạnh nóng dữ, không tin ngôi Tam Bảo, chẳng kể trời đất thánh thần cho đến bậc người tôn trưởng. Sau bà mang nghiệp báo, bị chứng bướu nhọt lớn như cái chén, máu mủ rỉ chảy, ngày đêm đau nhức rên la.
Vào tháng giêng năm Dân Quốc thứ mười sáu. Phạm thị được nghe một vị Tăng giảng Phật pháp, nói về việc báo ứng nhân quả. Bà sanh lòng ăn năn sợ hãi. Đến ngày mùng tám tháng hai, quyết ý vào chùa đảnh lễ Mậu Phong đại sư, xin quy y thọ giới, được pháp danh là Liễu Hương. Từ đó ngày đêm Phạm thị chí tâm niệm Phật không dứt, nên bịnh khổ lần lần thuyên giảm, thân tâm được chút thơ thới an vui. Do đó bà phát lòng tín nguyện sâu thiết, tu trì hết sức dõng mãnh. Chưa đầy hai tháng, bà đã có thể dự biết trước thời kỳ lâm chung.
Trước khi mãn phần ba ngày, Phạm thị tự nói mình thấy thần hồn dạo chơi cõi Tây phương Cực Lạc, mục kích nhiều thắng cảnh kỳ diệu trang nghiêm. Vào nửa đêm ngày mùng sáu tháng tư, bà thấy Phật phóng quang minh rực rỡ như ban ngày. Trong nhà không có đèn đuốc mà tự sáng tỏ. Người nhà cùng dâu con đồng thời đều chứng kiến, Phạm thị tự ngồi kiết già chắp tay nói: “Phật cùng Bồ Tát đã đến tiếp dẫn! Tôi xin đi!” Nói xong niệm Phật vài câu, rồi mỉm cười mà quá vãng. Lúc ấy người nhà đều nghe mùi hương lạ, đến sáng cũng chưa tan. Bấy giờ bà đã sáu mươi tuổi.
LỜI BÌNH:
Chúng sanh mỗi người đều có căn lành cùng nghiệp dữ. Nếu gặp thầy tà bạn xấu thì nghiệp ác tăng trưởng, sẽ bị sa đọa tam đồ. Như duyên may gặp thiện tri thức, tất căn lành phát triển, có thể tiến lên cảnh giới Thánh hiền. Phạm thị đã sẵn căn lành, lại biết chuyển tánh ngang dữ thành sức tu hành mạnh mẽ quyết liệt, nên công đức tăng trưởng gấp ngàn vạn bội, thông cảm đến Phật Bồ Tát, mau đạt kết quả vãng sanh. Cho nên, nghiệp ác chẳng đáng sợ, chỉ lo kẻ không biết sớm quay đầu.
LƯU NHỊ CÔ
Lưu Nhị Cô người gốc Kim Lăng, cư ngụ ở am Chuẩn Đề, tại huyện Hoài An tỉnh Hà Bắc. Bà cùng con gái hai người đều tinh tấn tu trì, ngày đêm tụng kinh niệm Phật không biếng trễ.
Mỗi năm vào các ngày vía Phật Bồ Tát, bà chiêu tập các liên hữu, tổ chức hội kỳ niệm Phật bảy ngày đêm. Những người đến gia nhập hội kỳ càng lúc càng đông, tất cả đều tỏ vẻ vui mừng tinh tấn. Hai mẹ con vừa tự tu, vừa hướng dẫn người như thế, có hơn hai mươi năm.
Niên hiệu Dân Quốc thứ mười tám, vào ngày mười hai tháng mười bà lại tổ chức kỳ Phật thất. Đến ngày mười bốn, Lưu Nhị Cô bỗng gọi con gái bảo: “Ngày mai, tức nhằm kỳ rằm Hạ ngươn, mẹ sẽ về Tây phương Cực Lạc thế giới, được dự vào bậc Trung phẩm trung sanh. Vậy con nên hân hạnh, chớ đem lòng thương buồn! Về sau, con nên theo gương mẹ mà hướng dẫn tín chúng. Tất cả phải lấy niệm Phật làm chủ chánh, và cõi Cực Lạc làm chỗ nương về. Đừng chuyển hướng theo phương thức tu hành nào sai khác, và chớ phá hư quy củ của ta! Bởi vào thời mạt vận, không có đường lối giải thoát nào chắc chắn nhiệm mầu bằng pháp môn Niệm Phật!” Nói xong, vẫn bình thản trì tụng như thường.
Quà nhiên qua nửa đêm, vào cuối giờ Tý ngày rằm, Lưu Nhị Cô ngồi kiết già to tiếng niệm Phật mà vãng sanh. Sau khi bà qua đời, gương mặt bỗng đổi sắc hồng hào tươi sáng hơn lúc còn sống, đảnh đầu còn nóng ấm rất lâu. Bà hưởng thọ được tám mươi tuổi. Ngày mười bảy, khi đưa di hài vào bảo khám, trước mặt Lưu Nhị Cô bỗng hiện lên một đóa hoa sen xanh, hồi lâu mới ẩn mất.
LỜI BÌNH:
Lưu Nhị Cô tu hành chắc thật, nên được vãng sanh là việc dĩ nhiên. Song có điều đáng khen là bà vừa tự tu vừa khéo dùng phương tiện để độ người. Điểm nầy chẳng những hàng xuất gia phải lưu ý, mà người tại gia cũng nên bắt trước theo. Với hàng cư sĩ, thỉnh thoảng nên hội họp một ít bạn đồng tâm, lập hạn kỳ bảy ngày cùng nhau sách tấn tu hành, để dễ tăng phần liên phẩm.
LÝ TRINH NỮ
Lý trinh nữ, người ở Lịch Thành tỉnh Sơn Đông. |Cô sớm quy y ngôi Tam Bảo, được pháp danh là Tịnh Ngộ. Từ thuở bé, Trinh Nữ đã mồ cồi cha mẹ, nương ở theo anh và chị dâu. Vì cảm ngộ cảnh khổ, nên cô giữ chí không lập gia đình, ăn chay trường hơn mười năm, song chưa được nghe biết pháp yếu.
Năm Dân Quốc thứ mười ba, do nữ cư sĩ Ngô Thảnh Hương tiến dẫn, Trinh nữ đến Sơn Đông Nữ Tử Liên Xã để dự vào hội niệm Phật. Từ đó cô trì danh không xen hở, lại tiến thêm thọ giới Bồ Tát tại gia. Trước kia cô đã mang chứng lao phổi và ghẻ tràng nhọt ở cổ, hai căn bịnh nầy kéo dài hơn vài mươi năm, thỉnh thoảng lại làm cho phát cơn nóng lạnh, khiến Trinh nữ chịu nhiều nỗi khổ, mỗi lúc càng thêm khô gầy. Về sau cô suy yếu đến đỗi khi đi phải vịn vào vách, song vẫn bền chí không rời câu niệm Phật.
Đến năm Dân Quốc thứ mười chín và tiết Hạ ngươn, sau khi trì danh đọc lời văn phát nguyện xong. Trinh nữ gọi cô bạn đến trợ niệm là Tịnh Hưng bảo: “Nay thân tôi an ổn không còn thấy bịnh khổ, lòng không tham luyến, ý không điên đảo, niệm Phật được nhứt tâm. Đức A Di Đà Thế Tôn tất sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh, điều nầy thật đáng hân hạnh!” Trước đó ba ngày cô đã không ăn uống, ch chuyên giữ câu hồng danh. Lúc sắp mạng chung, Trinh nữ để tay nơi ngực nói: “Trong đây có hoa sen, cần phải tưới bằng nước niệm Phật cho nó nở. Hoa nầy thuộc về công đức của tôi!” Rồi bỗng dang hai tay đưa lên nói: “Có đài vàng lớn từ phương Tây nương theo hư không lướt mây gió bay đến. Đóa sen tôi thấy nhỏ hơn kim đài. Ôi hân hạnh thay! Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát cũng đều đã xuất hiện!” Thốt xong ra tiếng niệm Phật rất cấp thiết luôn một hơi dài, rồi chắp tay nhắm mắt yên lặng mà đi thẳng.
Hơn hai giờ sau, đảnh đầu cô còn nóng.
LỜI BÌNH:
Một bậc cao đức thời xưa đã bảo: “Các sự khổ đều là thiện tri thức của người tu!” Cho nên đối với kẻ có trí huệ, biết tu hành dù cho ma chướng cũng trở thành duyên tiến đạo. Lý trinh nữ đã sống trong cảnh côi cút, lại nhiều năm đau bịnh kéo dài, ngoài sự chí thành nương tựa theo Phật ra tất chẳng còn hy vọng và tham luyến nào khác! Giữa đời sự họa phước ẩn nấp nhau, trong phước có họa, trong họa có phước. Cho nên người sống trong cảnh vinh quang hạnh ngộ, chớ vội tự phụ đắc ý vui mừng; kẻ chìm trong khổ lụy nhục nhằn, cũng chớ vội lấy làm đau buồn tủi hận.
DƯ PHU NHƠN
Dư phu nhơn, nguyên là con của Dư Thích Trung, vợ của cư sĩ Thích Ngạc Lâu, ờ huyện Hiệp Phí tỉnh An Huy. Thích Trung từng thuyên chuyển làm quan tại các vùng Hoành Châu, Tứ Châu, Tri Châu. Mẹ của phu nhơn là Khánh thị, cảm mộng thấy vị lão ni trao cho một hạt châu mà sanh ra bà, nên phu nhơn được song thân đặt tên là Huệ Châu.
Từ thuở bé Huệ Châu đã có tánh linh mẫn, học rộng kinh sử, sự hiểu biết sâu rộng hơn người. Năm mười sáu tuổi gặp một cơn bịnh nguy ngặt, cô mộng thấy vị lão ni dùng tay xoa vuốt, bịnh liền thuyên giảm rồi an lành. Sau khi được cha mẹ gả về nhà họ Lý, năm hai mươi ba tuổi, Huệ Châu vương bịnh nặng, lại mộng thấy vị lão ni trước cứu chữa và dạy bảo phải trì tụng kinh Kim Cang. Lúc bình phục, phu nhơn phát nguyện ngoài sự trì niệm hằng ngày, còn xin tả một trăm quyển Kim Cang Bát Nhã.
Một đêm đang lúc tả kinh, hoa đèn bỗng phát nổ tan ra thành những tia vầng như mây ráng đỏ, làm sáng rực cả nhà, hồi lâu mới tắt. Từ đó mỗi khi cầm bút tả kinh, nơi móng cái tay mặt của Huệ Châu liền hiện ra ánh sáng tròn như khuôn gương, soi thấy mặt mình cùng mọi vật chung quanh. Lúc buông bút, quang minh đó mới ẩn mất. Trong vài mươi năm đều có cảnh tượng ấy, nên phu nhơn tin Phật càng sâu. Năm ba mươi tuổi, Huệ Châu theo chồng trong cuộc thuyên quan đến tỉnh Hồ Bắc, thường ưa tới chùa lễ Phật và hỏi đạo nơi hai bậc tôn túc là các ngài: Nguyệt Hà, Tâm Tịnh. Hơn bốn mươi tuổi, bà trường trai niệm Phật, quy y với Đế Nhàn đại sư, được pháp danh là Trí Đức. Mấy năm sau gia đình lại di chuyển về Tô Châu. Nơi đây, Phu nhơn mở một gian tịnh thất thờ Phật rất trang nghiêm, hằng ngày tu Tịnh độ sám lễ kinh Địa Tạng.
Năm Dân Quốc thứ mười bảy, lúc được năm mươi hai tuổi, phu nhơn cảm bịnh nhẹ, rồi giữ câu hồng danh chánh niệm mà vãng sanh. Sau khi tắt hơi, đảnh đầu bà nóng rực hơn hai ngày mới tan. Sanh bình, phu nhơn từng cắt thịt bắp vế hai lần hòa với thuốc để trị bịnh cho cha và chồng. Lúc nhập liệm, thi thể của bà rất nhẹ nhàng, tay chân mềm dịu. Cuộc an táng hoàn tất vào chiều tối đêm trung thu nơi miền sơn cương thanh tú. Lúc ấy trên trời gương nga vằng vặc, chiếu soi một vùng rừng núi cao rộng bao la. Trăng cùng núi sáng lặng êm đềm, như thầm chứng minh cho một chân linh đã được siêu thoát, một nguồn đạo vô kim cổ, tuyệt nhị nguyên, không thể dùng sự tìm cầu hỏi han mà hiểu biết được! Bởi dù có hỏi thì: “Hỏi trăng, trăng chẳng trả lời. Hỏi hoa, hoa vẫn mỉm cười làm ngơ. Hỏi sông, sông lặng như tờ. Hỏi non, non vẫn trơ trơ với mình!” như lời một vị thiền sư đã nói.
KHUYÊN TU
(Sao lại bài đã dịch khoảng ba mươi năm về trước, dưới bút hiệu Trí Hiền).
Xưa Nhan Bính, Như Như cư sĩ
Dẫn luận kinh, ý ý khuyên cầu
Bút nhàn phiên, khoảng canh thâu
Tỉnh ai trần lụy, đổi sầu làm tươi!
Thân mộng ảnh, lắm người yêu quí
Yêu quí thân, cho lụy vì thân
Tham vui những ước vô ngần
Nào hay vui lợi là nhân khổ sầu!
Giấc phù thể, bóng câu cửa sổ
Vóc hư huyễn, giọt lộ lòng hoa
Đôi mươi trẻ, chín mươi già
Những dù yểu thọ chẳng qua vô thường
Dép dưới giường, dễ biết ngày mai?
Mạng người hô hấp cho hay
Gẫm cơn vĩnh biệt tuyền đài mà đau!
Than duyên kiếp, ngắn sao một kiếp?
Đắm huyễn thân, nhiều thiệt bởi thân!
Lớp da gói những thịt gân
Bến duyên giả hợp rồi phân chắc gì?
Tóc, răng, móng, vẻ chi đất bợn!
Huyết, tủy, xương, chán gớm bọt bèo;
Bên ngoài rệp đúp muỗi đeo
Bên trong trùng sán lẫn vào nhớp chưa?
Nỗi nóng bức, ngày trưa tiết hạ
Cơn lạnh lùng, đêm giá trời đông
Xét thân khổ, tỉnh mơ mòng
Khép lòng ái luyến, mở lòng thoát ly.
Mùi thế lụy say chi lắm kẻ?
Lớp phong lưu, bày vẽ y quan
Dại khôn cùng học làm sang
Sóng lòng điên đảo theo làn sắc thanh
Đầu xương nọ, cài trăm thắt lụa
Đãy da kia, ướp xạ xông hương
Đua đòi nhung gấm phô trương
Chỉ tuồng che lớp vô thường nhơ tanh
Vườn hoa mộng, tưởng xanh muôn thuở
Tuổi phương xuân, còn ngữ dài xa!
Phút đâu tai điếc mắt lòa
Diêm Vương chực rước đến tòa U Minh
Làn tóc bạc, nhắn tín sứ quỉ
Chiếc răng long, gởi ý quy âm
Càng tài càng sắc càng dâm
Càng cho đọa lạc, càng lầm mà thôi
Mùi hoan ái, một thời say tiếc
Nẻo luân hỏi, muôn kiếp đắng cay
Đến khi sắp xuống Diêm đài
Gân xương đau nhức, chân tay rụng rời!
Vợ lưu luyến, đầy vơi mắt lệ
Con xót xa, kể lể tiếng than!
Dầu rằng quyến thuộc trăm ngàn
Có ai thay thể cho chàng được chăng?
Kẻ sổng ở, nặng oằn gánh tủi
Người thác đi, rong ruổi phách hồn
Đường âm mờ tựa đêm hôm
Trông ra quạnh quẽ bồn chồn thảm thê!
Nại Hà đến, lạnh tê gió lốc
Qui Môn sang, ghê gốc tiếng thương!
Bảy ngày lìa quá cõi dương
Âm ty đã trải trăm đường khảo tra
Tào quan xử, quát la chàng vị
Ngục tốt hờn, quay chủy múa xoa
Đài gương Nghiệt Cảnh sáng lòa
Soi tường thiện ác chối qua được nào
Người nhân đức, đưa vào cửa phưởc
Kẻ hung gian, giải trước hình ty
Dạ đài khổ sở xiểt chi
Mới hay nhân quả mấy khi sai lầm?
Rừng đao kiếm, bao năm hết tội?
Kìểp sừng lông, nhiều nỗi đa mang!
Trả đền cho dứt nghiệp oan
Mới mong thoát khỏi mọi đàng long đong
Dù ai có to lòng lớn mật
Mặc chàng hay báng Phật khinh Tăng
Chẳng qua đối trước Diêm quân
Cúi đầu co gối chịu phần xử tra.
Hồn phách đã chơi xa âm giới
Thi hài còn ở cõi dương gian
Có tiền mua lớp áo quan
Không tiền vùi góc núi hoang lạnh lùng!
Chất xương thịt sẽ cùng tan rã
Tấm hình hài lần hóa tanh hôi
Chỉ mong chầy sớm mà thôi
Chầy trong nửa tháng, sớm thời ít hôm
Nét kiều diễm, chập chờn xuân mộng
Kiếp tài hoa, hình bóng bạch vân
Khi xưa tài sắc mười phân
Mà nay một nắm cô phần lạnh tanh
Thời oanh liệt, hùng anh đâu tá?
Cuộc ái ân hư giả còn chi?
Phất phơ cành liễu xanh rì
Giấy tiền treo đó dường ghi mối sầu!
Bóng chiều rủ xuống mầu cỏ biếc
Bia mồ trơ một chiếc vắng không
Nghĩ thôi rơi lệ chạnh lòng
Đời người đến thế là xong một đời!
Vì chẳng biết tìm nơi giải thoát
Nương về nơi Chánh giác quy-y
Luân hồi hẳn dứt có khi
Bên trời Bát Nhã còn chi lo phiền?
Lối ma quỉ, dừng riêng mưu sống
Đất từ bi gieo giống hoa đàm
Giữ lòng thiện, dứt lòng tham
Gái trai tăng tục đều kham tu hành
Rõ cảnh mộng, chớ quanh đường mộng
Biết miền chơn, kịp chóng tu chơn
Dần dà tính thiệt so hơn
Tuổi xuân qua mất để hờn về sau!
Sáu chữ Phật, cùng nhau gắng niệm
Chín phẩm đài, sẽ chiếm ngôi vinh
Chớ nên mình phụ lấy mình
Trách sao Diêm lão vô tình chẳng dung?
Bỏ điều ác, thuận tùng nẻo thiện
Chừa lỗi xưa, tu tiến đường sau
Lại vì quyến thuộc bảo nhau
Cùng khuyên già trẻ sớm mau tu trì
Khiến mỗi kẻ đều quy bển giác
Cho muôn người đồng thoát sông mê
Dù trong lao khổ dám nề
Đài sen đốt mảnh hương thề nguyền xin
Nguyền xin quyết vững tin lời Phật
Nguyền từ nay khép chặt phòng thu
Nguyền kiếp nầy gắng công phu
Thân người dễ mất quả tu khó thành!