MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc 
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG

 

TẬP III
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)

MỘT TRĂM BÀI KỆ NIỆM PHẬT
(Của TRIỆT NGỘ Thiền Sư)

Hán 58:
Nhứt cú Di Đà
Loại như toản hỏa
Mộc noản yên sanh
Tạm đình bất khả.

Việt 58:
Một câu A Di Đà
Như cọ gỗ lấy lửa
Gỗ nóng khói phát sanh
Chớ tạm dừng lần lựa.

Lược giải:
Thời xưa ở ấn Độ, khi muốn lấy lửa người ta cọ hai thanh gỗ khô vào nhau. Cọ đến khi nào gỗ nóng phát sanh ra khói, mới để đồ dẫn hỏa vào, tự nhiên lửa bắt phừng cháy. Nếu cọ nửa chừng, hoặc đến lúc đã nổi khói mà bỏ dở tạm dừng, thì gỗ sẽ lần lần nguội đi không phát ra lửa được.

Sự hành trì câu A Di Đà cũng như thế. Khi chúng sanh ở Ta bà phát tâm niệm Phật cầu về Cực lạc, thì nơi ao báu ở Tây phương đã nở hiện một búp sen. Nếu hành giả mỗi ngày đều tinh tấn trì niệm, hoa sen ấy sẽ lần lần to lớn. Như nửa chừng bỏ dở, hoa sen cũng lần khô héo rồi tàn. Bởi đóa sen chín phẩm nơi liên trì, đều do công đức của hành giả mà thành tựu. Ngày kia công hạnh thành, báo thân mãn, thần thức của đương nhơn sẽ gởi vào thai sen đó mà hóa sanh. Cho nên người tu tịnh nghiệp chớ nên niệm Phật nửa chừng rồi bỏ dở, hoặc biếng trễ lần lựa tạm dừng. Vì trễ sót như thế tất nhiên thai sen sẽ hỏng.

Viết đến đây, bút giả nhớ lại độ trước có được cô Diệu Thuần ở quận Ba Tri tỉnh Bến Tre, thuật lại cho nghe điềm mộng như sau:

Bạch thầy! con nằm mơ thấy đến một ngôi chùa, trước chùa có ao to rộng, nước trong suốt, các đóa hoa sen nhiều sắc, hoặc lớn hoặc nhỏ đua nhau tươi nở. Gần bờ ao có một hoa sen to lớn độ bằng chiếc mâm thau tròn. Nhưng đóa hoa ấy lại bị cái chụp úp lên. Con lại gần dở cái chụp, thì hoa sen tan rã từng cánh rồi tàn rụng. Lúc ấy, giữa hư không bỗng có tiếng nói: “Hoa sen đó là của liên hữu Minh Phúc!”. Sau khi tỉnh giấc, sáng ra con đem điềm mộng thuật lại cho đạo hữu Minh Phúc ở tiệm vàng tại bản quận nghe. Đạo hữu tỏ sắc lo sợ bảo: “Chết nỗi! Thầy dặn tôi mỗi ngày niệm Phật tối thiểu phải một ngàn câu. Tôi tinh tấn đã được vài năm, nhưng gần đây vì công việc quá bề bộn, nên suốt ba tháng nay biếng trễ không niệm một câu nào. Bây giờ chị thấy hoa sen héo rụng, và chư vị đã mách bảo như thế, tôi phải sám hối gắng tinh tấn lại mới được!”. Thưa thầy! Con đã biết hoa héo rụng là do Minh Phúc giải đãi, nhưng chưa rõ tại sao lại có cái chụp ấy?.

Bút giả đáp: Chiếc chụp tượng trưng cho Ngũ cái nói về phương diện chung, hoặc Ngũ dục về phương diện riêng. Ngũ cái là: tham, sân, si, nghi, hối. Ngũ dục là: sắc đẹp, tiền của, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Chúng sanh thường bị những điều trên che đậy, làm cho tham đắm si mê, không biết tỉnh ngộ tu hành. Minh Phúc tất bị một hoặc nhiều phần trong các điều ấy che mờ, nên mới biếng trễ không niệm Phật, khiến cho hoa sen công đức phải héo tàn. Nhưng từ đây biết giác ngộ gắng tu, thì đóa hoa sen khác sẽ tiếp tục mọc lên, thay cho đóa hoa trước. Đừng nên e ngại rằng nó tàn rồi mất hẳn, mà phế bỏ sự tu trì. Khi xưa cô thị nữ của bà Kinh Dương phu nhơn, trước tiên cũng giải đãi nên hoa sen héo tàn, sau giác ngộ tinh tấn, hoa lại mọc lên tươi tốt. Kết cuộc cô được vãng sanh Cực lạc, cô trở về báo mộng cho phu nhơn biết.

Hán 59:
Nhứt cú Di Đà
Toàn thân đảnh đái
Nhơn mạng vô thường
Quang âm bất tái!

Việt 59:
Một câu A Di Đà
Đem toàn thân đội trải
Mạng người rất vô thường
Tháng ngày không trở lại.

Lược giải:
Cổ nhơn đã bảo: Trên đường tiến tu đạo giải thoát, có bốn điều khó:

Điếu thứ nhất là: thân người rất khó được. Khi xưa đức Phật đã nói với ngài A Nan: “Chúng sanh được thân trời, người ít như đất nơi móng tay. Đọa bốn ác thú nhiều như đất miền đại địa”. Đọa vào các nẻo như: Tu la, bàng sanh, ngạ quỉ, địa ngục, bị nhiều nỗi thống khổ và nghiệp ác làm chướng ngại đường tu đã đành, nhưng sanh lên cõi trời cũng bị sự vui khiến cho mê đắm khó tu nữa! Thế nên duy có thân người mới dễ tiến tu đạo giải thoát mà thôi. Người xưa đã từng diễn tả sự khó được của thân người qua mấy câu thi như:

Ngàn năm cây sắt đơm hoa dễ
Một mất thân người khó lại sanh!
(Thiên niên thiết thọ khai hoa dị
Nhứt thất nhơn thân tái phục nan!)

Hoặc:

Tam đồ một đọa trăm ngàn kiếp
Lại cõi nhơn thiên chẳng hẹn ngày!
(Tam đồ nhứt đọa bá thiên kiếp
Tái xuất đầu lai hữu kỷ thời!)

Thân người đã khó được như thế, nhưng làm thân người mà không tàn tật, không sanh nơi biên địa, được ở nơi trung tâm văn hóa đạo đức cũng là điều khó. Và đây là cái khó thứ hai.

Dù được ở miền trung quốc có văn hóa đạo đức, nhưng không dễ gì được gặp và nghe hiểu Phật pháp. Bởi chánh pháp như hoa Ưu đàm bát la, rất lâu mới nở hiện nơi cõi đời. Đây là điều khó thứ ba.

Lại tuy được gặp và nghe hiểu Phật pháp để tu hành, nhưng còn điều thứ tư rất khó là không dễ gì thoát khỏi tam giới, dứt hẳn nổi khổ sống chết luân hồi. Bởi nhân loại phần đông nghiệp nặng căn tối, chướng duyên rất nhiều, kiếp sống lại vô thường ngắn ngủi, mới vừa thấy đó, bỗng lại mất đi.

Nay chúng ta hân hạnh được thân người, lại rất may mắn gặp môn Tịnh độ là pháp cực nhiệm mầu, một đời có thể đới nghiệp vãng sanh thoát vòng sống chết, thì phải đem toàn thân mà gánh vác thọ trì, đừng nên lần lựa hẹn chờ, hoặc thờ ơ biếng trễ. Tại sao thế. Vì bóng quang âm thấp thoáng như thoi đưa, tuổi xuân không trở lại, mạng người thoạt còn thoạt mất không biết đâu mà lường. Khi xưa có thiền sinh hỏi một vị tôn đức: “Bạch ngài! thế nào là sự tiến tu của hành giả?” Vị tôn đức đáp: “Thấy nói Kinh Kha xưa dõng mãnh. Một đi thà chết chẳng quay về!”. (Kiến thuyết Kinh Kha lữ. Nhứt hành cánh bất hồi).

Hành giả đem toàn thân trải đội một câu A Di Đà, cũng phải như thế.

Hán 60:
Nhứt cú Di Đà
Như cứu đầu nhiên
Tận thập phần lực
Kỳ thượng phẩm liên.

Việt 60:
Một câu A Di Đà
Như cứu lửa cháy đầu
Giốc mười phần công lực
Cầu thượng phẩm sen mầu.

Lược giải:
Hành nhơn khi xưa đã cho biết: “Học đạo như dong thuyền nước ngược, không tiến nổi trôi lui” (Học đạo như nghịch thủy hành chu, bất tiến tắc thối). Bởi trên đường tu, hành giả gặp nhiều chướng duyên trong và ngoài, nếu không mạnh mẽ cố gắng tự chủ trương, tất không làm sao tiến triển nổi. Mà muốn làm chủ thân tâm cùng ngoại cảnh, thắng dẹp muôn duyên để tiến đạo, phải dùng hết mười phần năng lực mới mong đạt được kết quả. Về môn Tịnh độ, nếu muốn cầu phẩm sen bậc thượng, dĩ nhiên cũng phải như thế. Trong bức thơ gởi cho một Phật tử hỏi đạo, Ấn Quang pháp sư nói: “Theo kinh nghiệm xưa nay, nhiều hành giả chỉ mong cầu bậc thượng, nhưng phần nhiều chỉ được trung, cầu bậc trung lại rớt xuống bậc hạ. Nếu ngươi không phát tâm thẳng tiến, tu hành lơ là, hy vọng mình dự vào Hạ hạ phẩm, cũng tốt, thì làm sao bảo đảm sự vãng sanh?

Trên đây cũng là điểm suy nghĩ chung cho hàng liên hữu vậy.

Hán 61:
Nhứt cú Di Đà
Diệu viên chỉ quán
Tịch tịch tĩnh tĩnh
Vô tạp vô gián.

Việt 61:
Một câu A Di Đà
Môn chỉ quán mầu tròn
Lặng lặng tĩnh tĩnh niệm
Không xen tạp nối luôn.

Lược giải:
Người mới tu lúc niệm Phật lắng nghe vào trong, dứt các tạp vọng, gọi là Chỉ. Khi phát khởi trì câu hồng danh với các tâm trạng khác nhau tạm gọi là Quán. Những tâm trạng khác nhau ấy như thế nào? Có lúc trì câu hồng danh với ý tha thiết, như con nhớ mẹ, như lữ khách lâu năm hoài vọng cố hương. Đây gọi là Chí thiết niệm. Có lúc trì câu hồng danh với ý sám hối, bởi nghĩ mình từ vô thỉ kiếp đến giờ vì mê lầm tạo nhiều tội chướng, nay hết sức hổ thẹn ăn năn. Đây gọi là Sám hối niệm. Có lúc trì câu hồng danh với ý thương cảm, vì nghĩ mình nghiệp chướng sâu dày chìm đắm trong vũng bùn lầy ngũ dục ác nhơ, nay cầu mong sự cứu vớt nơi đấng đại từ bi. Đây gọi là Bi cảm niệm. Có lúc trì câu hồng danh với ý lo sợ, bởi nếu rời Phật lực tức sớm muộn cũng sẽ bị đọa vào ba đường ác, chịu vô lượng nỗi khổ sống chết luân hồi. Đây gọi Bố tâm niệm. Có lúc trì câu hồng danh với ý phân phát tự trách hờn, như một nho sinh sẵn đủ trí huệ tài ba, thi văn mẫn tiệp, bởi cậy tài nên khinh suất mãi thi rớt, cam chịu cảnh nghèo hèn. Đây gọi là Phát phẩn niệm. Có lúc trì câu hồng danh với ý nhàm chán lẻ loi, như bậc cao sĩ sống giữa cảnh xung quanh các đồng nhơn tranh đua sắc tài danh lợi, phi thị hơn thua, gièm pha phỉ báng giết hại lẫn nhau, riêng mình chỉ còn biết nương gần với Phật, bởi cõi trần man mác, ấy ai là bạn tri âm? Đây gọi là Cô tịch niệm.

Niệm Phật với các tâm cảnh như trên, tuy tạm gọi là có Chỉ có Quán, nhưng chưa được xưng là Diệu Viên bởi chưa đến mức tròn trặn nhiệm mầu. Hành giả dụng công lâu ngày, tâm niệm vắng lặng dứt hết muôn duyên, nơi câu Phật hiệu gồm đủ phước, huệ, hạnh, nguyện, giải thoát, sáu ba la mật, không và sắc dung thông, mới gọi là Diệu. Trong bặt thân tâm, ngoài dứt trần giới, chẳng thấy mình là kẻ hay niệm, Phật là vị được niệm, không còn lằn mức cách biệt giữa chúng sanh và phật, giữa cảnh cùng người, tất cả đều dung hợp rộng rãi, bao la, mới gọi là Viên. Nơi tâm cảnh ấy, điểm thanh tịnh lặng lặng không tán loạn là Chỉ, điểm sáng suốt tĩnh tĩnh không hôn trầm là Quán. Niệm như thế không xen tạp, hằng nối tiếp nhau, gọi là Diệu Viên Chỉ Quán.

Hán 62:
Nhứt cú Di Đà
Hiển lộ chỉ bình
Trực để bảo sở
Bất trụ hóa thành.

Việt 62:
Một câu A Di Đà
Lối hiểm đều san bằng
Thắng về nơi bảo sở
Không trụ cảnh hóa thành.  

Lược giải:
Trong kinh Pháp Hoa, nơi phẩm Hoá Thành Dụ, đức Thế Tôn có nói đại khái như sau:

“Một vị đạo sư hướng dẫn đoàn người vượt qua đoạn đường hiểm trở xa độ năm trăm do tuần, để đến nơi Bảo sở là chỗ có nhiều châu báu. Nhưng giữa đường đoàn người ấy mỏi mệt thối tâm, xin muốn lui bước trở về. Đạo sư nghe nói thương xót, dùng phương tiện biến ra một Hóa thánh cách đó ba trăm do tuần và bảo: “Các ông hãy cố gắng đến thành ấy tạm nghỉ sẽ hết nhọc mệt!”. Đoàn người vui mừng tiến tới Hóa thành, cho rằng mình đã đến nơi, đã được chỗ an ổn. Khi đạo sư thấy họ đã nghỉ ngơi xong, liền diệt mất Hoá thành và bảo: “Vừa rồi là Hóa thành không phải cảnh thật. Ta vì thấy các ông mỏi mệt bỏ dở công khó muốn lui trở về, nên thương xót phương tiện hóa hiện ra. Nay đã sắp gần tới Bảo sở các ông nên cố gắng gia công tiến bước…”

Theo thí dụ trên, Đạo sư chỉ cho đức Như lai. Đoàn người chỉ cho hành giả tiến tu theo chánh pháp. Đường năm trăm do tuần, chỉ cho sự hiểm nguy khổ nạn trong Ngũ thú luân hồi là: Thiên, nhơn, bàng sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Trông đây không kể A tu la và thần tiên, vì hai đạo này nhiếp vào các nẻo kia. Như A tu la thì có thiên A tu la, nhơn A tu la, quỉ A tu la, súc A tu la. Tiên thì có thiên tiên, quỉ tiên cho đến súc tiên, chẳng hạn như hồ tiên cho đến long tiên v.v… Nếu phối hợp với các thừa, thì năm trăm do tuần là sự trải vượt qua năm thừa gồm: Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát còn kể trong giai đoạn hiểm nguy, vì nếu không nhờ sức Phật gia bị, tất bị u trệ, khó nỗi tiến lên Phật quả. Nhưng đây là luận rộng thêm đó thôi, thật ra đường hiểm năm trăm do tuần chỉ cho Ngũ thú thì thiết cận hơn.

Tiếp tục theo lời dụ, Bảo sở chỉ cho Phật quả Vô thượng đẳng giác. Cách ba trăm do tuần, chỉ cho sự vượt khỏi Tam giới. Hóa thành chỉ cho quả vị giải thoát phiền hoặc ba cõi của hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác. Tổng kết đại ý, đức Thế Tôn muốn nói trong giáo pháp của Ngài, chỉ duy một Phật thừa, không có sự chia riêng hai thừa như Tiểu thừa và Đại thừa, hoặc ba thừa như Thanh văn, Duyên giác, Bố tát thừa. Những thừa trên đều toàn giả lập, quả vị Thanh văn, Duyên giác, chỉ là Hóa thành huyễn tạm mà thôi.

Đối với pháp Tịnh độ, có người không hiểu rõ môn này, lầm cho Cực lạc là Hóa thành, chẳng phải Bảo sở. thật ra Hóa thành cùng Bảo sở là cảnh giới tu chứng của tự tâm, không cuộc hạn nơi quốc độ. xin nói rõ lại, Hóa thành là cảnh giới Thanh văn, Duyên giác; Bảo sở là cảnh giới Phật. Môn niệm Phật đưa chúng sanh về Cực lạc, để mau tiến lên cảnh giới Phật, chứng thành Phật quả. Đó là đường lối thẳng tắt tiến về Bảo sở; chớ đâu phải trụ nơi Hóa thành. Đúng ra Ta bà và Cực lạc đều là huyễn cảnh, nhưng Ta bà có vô lượng khổ nạn chướng duyên. Cực lạc đủ vô lượng duyên lành tiến đạo. Bởi thế chư Phật đều khuyên nên cầu vãng sanh để dễ tiến tu, không còn thuộc giới phàm phu đầy đủ nghiệp lực mà cho cực lạc là Hóa thành, cam ở cảnh ta bà vô lượng chướng duyên hiểm nạn, rất khó được giải thoát, đó là Bảo sở đấy ư? Thật là lầm lạc và đáng buồn cười lắm vậy!

Câu “Lối hiểm đều san bằng” hàm ý nghĩa: Khi công phu niệm Phật thuần thục, từ cõi Phàm thánh đồng cư nơi Cực lạc, thì đã thoát khỏi sự luân hồi trong đường hiểm Ngũ thú thuộc Tam giới, lại thường được gần gũi Phật cùng chư Bồ tát, không còn bị chướng ngại và bị thối chuyển trên đường Vô thượng Bồ đề. Tóm lại một câu niệm Phật có công năng mầu nhiệm san bằng tất cả hiểm nạn trên đường tu, đưa hành giả tiến mau bề Bảo sở, nên Triệt Ngộ thiền sư mới tỏ bày khen ngợi!

Hán 63:
Nhứt cú Di Đà
Như thủy thanh châu
Phân vân tạp niệm
Bất đoạn tự vô.

Việt 63:
Một câu A Di Đà
Như ngọc lắng trong nước
Ngàn muôn tạp niệm rối
Chẳng dứt tự thành không.

Lược giải:
Hạt châu Thủy thanh có công năng lóng nước đục thành trong. Câu niệm Phật cũng thế, không luận vọng niệm nhiều ít, hành giả cứ chuyên chú giữ chắc sáu chữ hồng danh lâu ngày, tạp niệm tự nhiên tan mất. Điểm đáng lưu ý trong đây là không nên khởi tâm dứt trừ vọng niệm. Vì vọng niệm vốn như huyễn, cố tình muốn dẹp, nó lại càng tăng. Một nhà hiền triết đã nói kinh nghiệm này qua câu: “Càng muốn đè nén, chính là cố tâm làm cho nó thêm phát khởi” (Tương dục án chi, tất cố hưng chi).

Khi xưa có một Tú tài đến phỏng đạo nơi bậc cao đức, vị Thiền sư này hỏi: Cư sĩ tên họ chi?”. Tú tài đáp: “Thưa, đệ tử nhủ danh Trương Chuyết”. Chữ Chuyết có nghĩa là vụng về. Thiền sư nghe xong bảo: Với đạo khéo còn chẳng có, huống chi đến vụng!”. Tú tài nghe qua liền ngộ vào Bất nhị pháp môn, làm kệ trình lên rằng:

Ánh linh lặng chiếu khắp hằng sa
Phàm thánh nguyên lai bản tánh ta
Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị mây lòa
Dứt trừ phiền não càng thêm bịnh
Tìm tới chân như cũng vẫn tà
Tùy thuận các duyên không trở ngại
Niết bàn sanh tử tợ không hoa.

Theo ý hai câu luận bài kệ trên, phiền não vốn là không là huyễn, cứ mặc nhiên giữ chánh niệm, nó sẽ tự tiêu tan. Nếu khởi ý dứt trừ, thì phiền vọng lại hóa thành có. Chân như là thể tánh tự nhiên, biết lặng lẽ dung hợp với tự nhiên, tánh chân như sẽ hiển lộ. Nếu khởi tâm tìm tòi xu hướng, tức có niệm phân biệt, trái với thể bản nhiên, đó chính là tà vọng. Để bổ túc ý trên, xin ghi thêm lời của Đàm Hư đại sư, một bậc cao Tăng cận đại thuộc giáo phái Thiên Thai bên Trung Quốc.

Đây Phật Tổ quê hương
Xứ xứ hiện phong quang
Nước non miền đất rộng
Ưng tự có biên cương
Động vật tùy sanh trưởng
Thực vật tự phô trương
Nắng mưa tùy đổi tiết
Tháng năm tự đoản trường
Vinh hư muôn tượng hiện
Là tự thể chân thường
Nếu cố ý cầu toàn
Trở lại bị tổn thương!

Hán 64:
Nhứt cú Di Đà
Đốn nhập thử môn
Kim xí phích hải
Trực thủ long thôn.

Việt 64:
Một câu A Di Đà
Ngộ vào đủ công năng
Kim xí rẽ nước biển
Bắt thẳng lấy rồng ăn.

Lược giải:
Trong kinh Khởi Thế Nhân Bản có đoạn nói:

“Đại bàng kim xí điểu là giống chim ăn thịt loài rồng. Khi muốn thọ thực, chim này tùy theo khả năng của loại thai, noãn, thấp, hóa, dùng cánh quạt nước biển sâu nhiều ngàn do tuần, bắt lấy các loài rồng thuộc thai, noãn, thấp, hóa mà ăn thịt. Kim xí là loại chim cao nhứt trong hàng phi cầm, có sức thần thông biến hóa. Rồng là sanh vật tối linh trong biển cả, cũng có nhiều uy lực thần thông”.

Trên đây ví hiệu năng môn Niệm Phật như thần thông của Kim xí điểu. Các công đức mà môn này thu được như thủ đắc loài rồng là sinh vật tối linh. Kinh Hoa Nghiêm có nói đến môn tam muội gọi là Vô Biên Hải Tạng Môn. Liên Trì đại sư đã so sánh bảo: “Niệm Phật tam muội cũng thế, ngộ vào môn này tức sẽ đắc vô lượng Vô Biên Hải Tạng Môn, sẽ thủ đắc vô lượng tam muội”. Vì thế Tổ Triệt Ngộ mới trình thuật lại ý nghĩa ấy qua bài kệ trên.

Hán 65:
Nhứt cú Di Đà
Trần duyên tự đoạn
Sư tử du hành
Dã can kinh tán!

Việt 65:
Một câu A Di Đà
Sạch trần duyên phiền não
Như sư tử dạo chơi
Kinh rã bầy chồn cáo!

Lược giải:
Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, vì mê chân tánh khởi tham sân si, đắm sâu trong vũng bùn lầy duyên phiền não, kết thành sức nghiệp tự ràng buộc lấy mình. Một hiền giả đã than: “Tâm đắm nhiễm của con người như vực sâu không đáy, như biển rộng mênh mông. Đem dâng hết sắc đẹp trong thiên hạ cũng không vừa đủ lòng dục. Hiến khắp hết tiền của trong thiên hạ cũng không vừa đủ lòng tham!”. Bởi thế tuy gặp thắng duyên bước lên đường tu, nhưng nghiệp tham sân si trong muôn kiếp không dễ gì trừ dứt. Nhưng nếu hành giả chí tâm giữ một câu Phật hiệu, dù chẳng khởi niệm dứt trừ nghiệp hoặc, trần duyên phiền não cũng sẽ tự tiêu trừ.

Tại sao thế? Bởi phiền não là vọng niệm hư huyễn, Phật hiệu là chánh niệm chân thật. Vọng niệm như chồn cáo, chánh niệm như sư tử. Chánh niệm khởi lên, vọng niệm tự diệt, như sư tử ra khỏi hang, các loài chồn cáo đều kinh hãi tan rã bỏ chạy. Vọng niệm như nhà tối muôn năm, chánh niệm như ngọn đèn to sáng, diệt ngay tất cả sự tăm tối. Cho nên nếu nhiếp tâm nơi chánh niệm, tất vọng niệm tự trừ. Ngoài điều ấy ra, sáu chữ hồng danh là kết tinh công đức phước huệ của Phật A Di Đà đã tu từ vô lượng A tăng kỳ kiếp. Cho nên, Phật hiệu có công năng diệt nghiệp rất mau chóng.

Trong Trí Độ Luận, Long Thọ Bồ tát đã khai thị: “Môn Niệm Phật tam muội hay dứt trừ tất cả phiền não nghiệp chướng đời này cùng đời trước. Các tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm, mà không thể trừ nghiệp sân. Có môn trừ được nghiệp sân, si mà không thể trừ nghiệp tham, dâm. Có môn trừ được tham, sân, si, nhưng chẳng thể trừ những tội nghiệp đời trước. Niệm Phật tam muội có thể trừ sạch nghiệp tham, sân, si, cùng tất cả trần duyên phiền não và tội chướng đời trước.

Lại nữa, Niệm Phật tam muội hay sanh trí huệ phước đức rộng lớn, có thể độ chúng sanh. Chư Bồ tát nếu muốn độ sanh mà tu các môn tam muội khác, tất kết quả rất chậm kém. Bởi các môn tam muội khác, phước đức không bằng Niệm Phật tam muội. Tai sao thế? Vì Phật là đấng Pháp Vương, phước huệ đều viên mãn, nên vô lượng phước đức trí huệ của hành giả, tất phải từ nơi Phật mà tăng trưởng và thành tựu mau chóng.

Lại nữa, do vì niệm Phật luôn, tâm không rời Phật, nên hành giả thường được gặp chư Phật…”.

Những lời khuyên dạy trên, chứng tỏ niệm Phật hay trừ sạch trần duyên phiền não.

Hán 66:
Nhứt cú Di Đà
Khiên trực niệm quá
Nhứt đạp đáo để
Hương tượng độ hà.

Việt 66:
Một câu A Di Đà
Thẳng chắc niệm nơi lòng
Một phen đạp tận đáy
Như hương tượng qua sông.

Lược giải:
Trong kinh, đức Phật có thí dụ một đoạn như sau:

“Do chỗ bị động, nên bầy dã thú tìm đoạn sông cạn để lội sang khu rừng khác. Khi vượt sông, các loài thú nhỏ như chồn thỏ chỉ bơi khơi khơi trên mặt nước. Những thứ bậc trung như hươu nai lúc lội sang, chân đạp được nửa chừng mực nước. Còn loài voi cao lớn là hương tượng, thì chân bước đạp tận đáy để vượt qua sông. Chúng sanh tu theo ba thừa của ta hóa đạo cũng lại như thế, tùy theo căn cơ của mình mà vượt biển sanh tử sang đến bờ Niết bàn. Hành giả tu theo pháp Tiểu thừa như loài thú nhỏ. Tu theo pháp Trung thừa như loài bậc trung. Tu theo pháp Đại thừa như loài thú cao lớn là hương tượng đạp tận đáy sông, nghĩa là đạp thấu suốt chiều sâu của ly tánh mà vượt qua biển luân hồi sống chết…”.

Dẫn thí dụ trên để so sánh, Tổ Triệt Ngộ cho môn Niệm Phật là pháp Đại thừa. Nếu hành giả trì câu hồng danh một cách thẳng chắc, dứt tất cả phiền não, không còn phân biệt năng sở trong ngoài, tức sẽ khế hợp với lý tánh, đi sâu vào Thật Tướng Niệm Phật. Kẻ ấy như con hương tượng chân đạp tận đáy, vượt sông một cách vững vàng chắc chắn.

Hán 67:
Nhứt cú di Đà
Vô tướng tâm Phật
Quốc độ trang nghiêm
Cảnh phi ngoại vật.

Việt 67:
Một câu A Di Đà
Cảnh Vô tướng tâm Phật
Cõi nước đẹp trang nghiêm
Không phải là ngoại vật.

Lược giải:
Hành giả tu Tịnh độ do chuyên trì câu hồng danh, lâu ngày nghiệp chướng tiêu trừ, sẽ chứng vào Niệm Phật tam muội. Đây là cảnh Vô tướng tâm Phật. Vô tướng không phải trống rỗng chẳng hàm tướng trạng chi, mà chính vì các tướng sanh diệt như huyễn không có tự thể chắc thật, nên gọi là Vô. Tâm Kinh nói: “Huyễn sắc tức chân không, chân không tức huyễn sắc”, chính là ý này. Tâm Phật có nghĩa: Tâm tức Phật, Phật tức Tâm, chân tâm là Phật cảnh, Phật cảnh là chân tâm.

Thế thì cảnh chánh báo y báo trang nghiêm ở cõi Cực lạc, cùng tất cả quốc độ khắp mười phương, đều chính là cảnh giới của chân tâm, của tâm mình, không phải vật chi ngoài khác. Cho nên những kẻ bảo: “Niệm A Di Đà, nguyện sang Cực lạc, là tìm cầu bên ngoài, chẳng hướng về tự tâm”, đó là quan niệm sai lầm, chưa hiểu rõ chân tâm, cũng như pháp môn Tịnh độ.

Hán 68:
Nhứt cú Di Đà
Vô vi đại Pháp
Nhựt dụng đơn đề
Kiếm ly bảo hạp.

Việt 68:
Một câu A Di Đà
Pháp vô vi đại bảo
Hằng ngày một niệm chuyên
Gươm linh rời hộp báu.  

Lược giải:
Trong danh từ Vô vi, chữ Vi có nghĩa: khởi làm hay tác động. Vì các tướng động chuyển trong mười phương thế giới đều sanh diệt như mộng huyễn, như bọt bóng, không có thật thể, nên gọi Vô vi. Đừng lầm hiểu Vô vi là rỗng không, chẳng có tướng trạng hay tác động chi cả mà sai lạc. Cho nên trong kinh nói: “Bồ tát tuy thị hiện vô biên quyến thuộc, mà tâm hằng không quyến thuộc. Tuy thật hành sáu độ cùng tất cả việc lành, mà không thấy mình hay làm và có các pháp để tu. Tuy độ vộ lượng chúng sanh, mà không thấy mình là người hóa độ và những chúng sanh được độ”. Đó là hạnh Vô vi. Hạnh Vô vi như thế mới gọi là đại pháp lớn rộng và quí báu.

Nơi đây Triệt Ngộ đại sư dạy: “Người tu tịnh độ khi niệm Phật không thấy mình là kẻ hay niệm, Phật là vị được niệm, câu hồng danh là pháp tu niệm; dứt tất cả phiền não vọng tưởng, trong quên thân tâm, ngoài tan ngoại cảnh. Hằng ngày đề khởi chuyên niệm như thế, sử dụng câu hồng danh như bậc kiếm sĩ rút gươm thiêng sắc bén ra khỏi vỏ hộp báu, vật chi xúc phạm dến đều bị chém đứt tan. Hành trì như thế tất sẽ chứng vào pháp giới Vô vi rộng lớn, nhập Không Huệ đà ra ni vậy”.

Hán 69:
Nhứt cú Di Đà
Vô lậu chân Tăng
Tuyết sơn dược thọ
Hiểm đạo minh đăng.

Việt 69:
Một câu A Di Đà
Thành vô lậu chân Tăng
Cây thuốc nơi non Tuyết
Đường hiểm ngọn minh đăng.

Lược giải:
Kinh nói: “Trong dãy Tuyết sơn có cây thuốc tên là Dược Vương. Người đau bịnh ôm thân cây liền lành mạnh. Nếu uống được chút ít chất nhựa cây thì trọn đời không bịnh”. Lại ở Tuyết sơn có nhiều thứ thuốc quí lạ. Theo kinh Hiền Ngu, khi xưa đức Thế Tôn đã dùng gió thổi đưa chất thuốc tiên nơi non Tuyết vào mắt của năm trăm người mù, khiến cho họ đều được sáng tỏ. Trong quyển Lục Đạo Luân Hồi Tập có dẫn sự việc một người đi ngang qua núi Tuyết, nhân đói ăn thứ dược thảo lạ, bỗng nói và hiểu được sáu môn thổ ngữ của dân chúng và các xứ quanh vùng. Chẳng riêng gì núi Tuyết, mà ở các danh sơn khác cũng có nhiều thứ thuốc tiên. Một độ, bút giả đọc quyển Nam Nhạc Kỳ, thấy nói một đạo sĩ vào núi này hái thuố, chợt thấy một bàn tay trắng đẹp sáng mịn mọc ra từ vách đá. Biết đó là thứ tiên dược, đạo sĩ liền cắt lấy để vào giỏ. Đi một đoạn, ông ta bỗng nghĩ: “Loại thuốc tiên này biến hóa, nếu không ăn liền nó sẽ ẩn mất!”. Quả nhiên khi xem lại thì bàn tay ấy đã không còn.

Trong đây, Tổ Triệt Ngộ so sánh sáu chữ hồng danh như thuốc tiên ở Tuyết sơn, như ngọn đèn sáng nơi khoảng đường tối tăm nguy hiểm. Thuốc tiên ngoài công năng trị lành các bịnh, còn có thể khiến cho người đổi xác phàm phu thăng thành tiên thánh. Ngọn đèn sáng nơi đường hiểm, ngoài công dụng soi tỏ để hành khách khỏi lạc lối, còn có thể khiến cho họ khỏi sa hầm sụp hố, tránh những tai nạn chết người. Câu Phật hiệu lại cao siêu hơn, có thể khiến cho hành giả trở thành bậc chân Tăng vô lậu, thoát vòng luân hồi, chứng ngôi Vô thượng Đẳng giác. Chữ “Lậu” có nghĩa: sa lọt, là biệt danh của nghiệp vào vòng sống chết luân hồi trong ba cõi. Vô lậu chỉ cho thể tánh sáng suốt, dứt hết phiền não, không hệ lụy vào nẻo luân hồi. chứng được thể tánh này mới gọi là bậc chân Tăng. Mà muốn chóng thành bậc Vô lậu chân tăng tất phải niệm Phật.

Hán 70:
Nhứt cú Di Đà
Mãn Bàn na độ
Liệt phá xan nang
Hân phiên bảo tụ.

Việt 70:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Bố thí độ
Phá toang túi sẻn tham
Tuôn cho đống châu báu.

Lược giải:
Chúng sanh sở dĩ không bố thí được để tạo duyên phước, là vì còn nghiệp bỏn sẻn tham lam. Khi chuyên niệm Phật, nghiệp ấy sẽ tiêu trừ, hành nhơn được tròn đầy hạnh thí xả, cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên ngoài là thí xả mọi thứ tiền bạc của cải, lần lượt cho đến đầu, mắt, tay, chân, như đức Thích Tôn khi còn tu Bồ tát hạnh. Bố thí như thế mới tròn đủ Đàn ba la mật.

Hán 71:
Nhứt cú Di Đà
Mãn thi la độ
Độ nhiếp lục căn
Viên tịnh Tam tụ.

Việt 71:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Trì giới độ
Nhiếp hết cả sáu căn
Tròn sạch đủ Tam tụ.

Lược giải:
Cổ đức bảo: “Phật chế tất cả giới để trị tất cả tâm. Nếu không tất cả tâm, cần chi tất cả giới?”. Qua lời trên, giới luật chỉ là phương tiện để ngăn trừ nghiệp hạnh xấu ác của chúng sanh. Mà sở dĩ có nghiệp hạnh xấu ác là do còn tâm phiền não nhiễm ô. Nếu nhiếp cả sáu căn chuyên trì Phật hiệu, thì nghiệp chướng bên trong sẽ lần lần tiêu tan, hạnh xấu ác bên ngoài lần lần được dứt. Và hành giả cũng sẽ lần lần được trong sạch thân tâm, tròn đầy cả Tam tụ tịnh giới. Tam tụ tịnh giới là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Nhiếp luật nghi giới có công năng đưa người tu vào khuôn mẫu luật hạnh, trừ những điều lỗi lầm tội ác của ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nhiếp thiện pháp giới khuyến tấn hành giả làm tất cả điều lành. Nhiêu ích hữu tình giới khiến cho người con Phật được tròn đủ hạnh nguyện cứu độ chúng sanh. Đủ ba tụ trên, Thi ba la mật mới được viên mãn. Môn niệm Phật là nhân nhiệm mầu để mau thành tựu Giới độ ấy.

Hán 72:
Nhứt cú Di Đà
Mãn Sằn đề độ
Nhị ngã tướng không
Vô sanh nhẫn ngộ.

Việt 72:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ nhẫn nhục độ
Tướng Nhị ngã không còn
Pháp Vô sanh được ngộ.

Lược giải:
Sở dĩ hạnh Nhẫn nhục khó được thành tựu, vì chúng sanh còn có tướng Nhị ngã. Nhị ngã tướng là Nhơn ngã tướng và Pháp ngã tướng, tức mối chấp có Ta và Pháp. Nếu chuyên niệm Phật, nghiệp chướng mau tiêu trừ, lần lần hành giả sẽ được tâm không, thấy Ta, Người và Pháp đều như huyễn, chẳng thật có. Khi ấy đâu còn chấp có người cùng pháp là nguyên nhân gây nên sự bức não, và ta là kẻ hay nhẫn, bởi hành giả đã thoát khởi ranh giới của Ngã, Pháp; chân tâm dung hợp khắp mọi nơi. Chừng ấy đương nhơn sẽ chứng ngộ vào Vô sanh pháp nhẫn, tròn đầy Sằn đề ba la mật.

Hán 73:
Nhứt cú Di Đà
Mãn Tỳ lê độ
Bất nhiễm tiêm trần
Trực đạp huyền lộ.

Việt 73:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ tinh tấn độ
Lòng không nhiễm mảy trần
Bước thẳng lên huyền lộ.

Lược giải:
Khi tu hành mà còn thấy mình có tinh tấn, tức chưa đạt đến mức cứu cánh của tinh tấn, vì còn chấp ngã và pháp. Muốn tròn đầy Tỳ lê da ba la mật, phải thoát ly quan niệm đó, tuy hằng tinh tấn không gián đoạn mà chẳng thấy mình có tinh tấn. Hai vị đại sĩ đã đạt đến cảnh giới này, nên được tôn hiệu là Thường Tinh tấn và Bất Hưu Tức Bồ tát.

Khi hành giả niệm Phật đến mức tâm trong sạch rỗng rang, không còn nhiễm một mảy trần, tức đã đặt bước lên con đường huyền vi, vào cảnh giới cứu cánh của Tinh tấn độ vậy.

Hán 74:
Nhứt cú Di Đà
Mãn thiền na độ
Hiện chư oai nghi
Tang thậm khô thọ?

Việt 74:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ thiền độ lý
Hiện trong các oai nghi
Cây khô có gì quí?

Lược giải:
Liên trì đại sư đã bảo: “Niệm Phật và tham thiền chỉ là một, không khác nhau!”. Tại sao thế? Bởi Thiền na có nghĩa: Tĩnh lự. “Tĩnh” thuộc về Định, về Chỉ, về Tịch, thể hiện công đức vắng lặng. “Lự” thuộc về Huệ, về Quán, về Chiếu, thể hiện công đức sáng soi. Khi hành giả niệm Phật đến mức dứt bặt muôn duyên, tâm yên lặng sáng suốt, thể hiện công năng tịch chiếu, trong ấy đã bao gồm thiền định rồi. Đó cũng gọi thật hành. Thiền na ba la mật, nghĩa là đương nhơn đã tiến bước vào cảnh giới chân thật của thiền định.

Thuở xưa đã có bà lão cất ngôi tịnh thất cho một nhà sư ở để tham thiền, thường cung cấp cho bốn sự cúng dường đầy đủ. Sau hai mươi năm, muốn thử xem trình độ sự tu hành đã đến mức nào, bà lão dặn cô con gái lúc đem cơm nước đến dâng, hãy thình lình ôm lấy vị sư và hỏi: “Hiện thời tâm của thầy ra so?”. Cô gái thật hành y như lời mẹ dặn, được nhà sư đáp: “Tâm của tôi lúc này như cây khô nương gộp đá lạnh trong ba tháng mùa đông, không một chút hơi nóng động nào cả!”. (Khô mộc ỷ hàn nham. Tam đông vô noản khí). Bà lão nghe cô gái thuật lại lời ấy liền than: “Uổng công ta khó nhọc trong hai mươi năm, kết cuộc chỉ cúng dường cho một kẻ phàm phu!”. Rồi đốt thất, đuổi nhà sư đi.

Trong bài kệ trên ý Tổ sư muốn nói: “Lúc tu Tịnh độ đến mức tâm yên lặng sáng suốt, thì dù khi hiện các oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, niệm Phật, tụng kinh; trong ấy đã đầy đủ Thiền định độ. Như thế còn hơn hạng khô thiền bám chặt lấy cảnh giới thiên không, như cây chết khô chẳng có chi là siêu xuất cả!”.

Hán 75:
Nhứt cú Di Đà
Mãn Bát nhã độ
Cảnh tịch tâm không
Vân khai nguyệt lộ.

Việt 75:
Một câu A Di Đà
Đầy đủ Bát nhã độ
Cảnh thanh vắng lòng không
Mây tan vầng nguyệt lộ.

Lược giải:
Ấn Quang pháp sư nói: “Với câu niệm Phật, nếu có một phần kính thành, thì tiêu một phần tội nghiệp, sanh một phần phước huệ”. Được mười phần kính thành, sẽ tiêu mười phần tội nghiệp, sanh mười phần phước huệ. Cho nên khi niệm Phật, hành giả sẽ tùy tâm mà được tiêu trừ nghiệp chướng, phát huy trí huệ của công đức Bát nhã. Hành trì lâu ngày, người ấy sẽ tiến đến mức tâm cảnh rỗng không sáng lặng, và sẽ lần lần đầy đủ Bát nhã độ. Hiện tượng ấy ví như mây tan hiện ra vầng trăng trong sáng chiếu rạng khắp nơi, cảnh và ánh trăng đều lặng lẽ trong trạng thái dung hàm không còn phân biệt.

Hán 76:
Nhứt cú Di Đà
Tưởng tịch tư chuyên
Vị ly Nhẫn độ
Dĩ tọa bảo liên.

Việt 76:
Một câu A Di Đà
Tâm lặng tưởng nhớ chuyên
Tuy chưa lìa Nhẫn độ
Đã ngồi tọa bảo liên.

Lược giải:
Bài kệ trên, hai câu trước ý nghĩa đã rõ ràng, duy hai câu sau, riêng một số độc giả chưa khỏi có điều nghi vấn. Theo Ấn Quang pháp sư, tác dụng nghiệp thức của chúng sanh không thể nghĩ bàn! Có người tuy còn ở Ta bà, mà một phần thần thức đã hiện thân ngồi nơi hoa sen cõi Tịnh độ. Có người đang còn sống mà nghiệp thức đã hiện thân thọ tội nơi địa ngục dưới Âm ty. Chuyện Cửu Pháp Hoa và Kinh Dương phu nhơn trong tịnh Độ Thánh Hiền Lục, thân chơi cực lạc, thấy trước Dương Kiệt, Từ đạo cô, Tôn Trung, đã ngồi nơi hoa sen, là điều chứng minh cho hai câu: “Tuy chưa lìa Nhẫn độ. Đã ngồi tọa bảo liên” vậy. Nhẫn độ chính là cõi Ta bà, vì Ta bà có nghĩa “Kham Nhẫn”. chúng sanh ở cõi này phải có sức nhẫn nại mới chịu đựng nổi với những cảnh chướng ác xung quanh.

Hán 77:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt đóa bảo liên
Duy tâm chi diệu
Pháp chỉ như nhiên.

Việt 77:
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Lý duy tâm mầu nhiệm
Pháp hợp lẽ thiên nhiên.

Lược giải:
Câu hồng danh mà chúng ta đang hành trì, là kết tinh công đức của Phất A Di Đà đã tu từ vô lượng vô biên kiếp về trước. Cho nên khi chúng sanh khởi tâm niệm một câu Phật hiệu, theo nhân quả của lý “các pháp do tâm tạo”, trong vô hình tự nhiên có ánh sáng và hoa sen phát hiện, mà mắt phàm thường không thể nhìn thấy. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp do tâm chí thành nên hoa sen hiện rõ, có thể mục kích được với đôi mắt thường. Bởi thế hành giả mới chứng biết được lý ấy.

Nhắc tới điều này, bút giả bỗng nhớ lại chuyện thầy Thiện Lộc, thân phụ Sư cô Diệu Châu, ở ngôi am sau chùa Vạn Đức tại Thủ Đức, đã thuật lại cho các liên lữu biết. Một đêm nọ vào khoảng tám giờ tối, thầy đang quì chí tâm niệm Phật theo thời khóa đầu hôm, bỗng thấy từ cạnh bàn Phật ở ngay trước mặt mọc ra một búp hoa sen đỏ to bằng cái tách. Vừa trì niệm vừa nhìn kỹ từng chi tiết, thầy thấy cuống hoa uốn lượn cong, búp sen ngửa lên, rồi lần lần theo tiếng Phật hiệu nở to ra bằng đĩa bàn. Độ mười lăm phút sau, đóa hoa ấy biến mất. Đây là một trong nhiều chuyện hiện thật, mà chư liên hữu ở khắp mọi nơi đã mục kích và trần thuật lại.

Để nói rộng thêm, câu niệm Phật chẳng những có công đức hiện ra tướng hoa sen, mà còn hiện đủ các tướng thuộc chánh báo, y báo ở Cực lạc. Trong các truyện vãng sanh, có vị trước giờ phút thọ chung, đại chúng bỗng thây mặt đất xung quanh bỗng hóa thành ra vàng ròng. Có vị đang nằm bịnh, tràng phan, lầu các hiện trong tảng băng để gần bên giường. Có vị đang niệm Phật, thân tướng trang nghiêm của đức A Di Đà hoặc chư Bồ tát hiện giữa hư không, bay trên ngọn đèn lưu ly. Có vị trong khi trì niệm, chợt nghe mùi hương lạ bay thơm cùng khắp. Công đức trang nghiêm thanh tịnh của câu niệm Phật tùy tâm hiển hiện, đại khái là như thế.

Hán 78:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt đóa bảo liên
Phàm tình bất tín
Diệt như kỳ nhiên.

Việt 78:
Một câu A Di Đà
Là một đoá bảo liên
Phàm tình không tin tưởng
Cũng là lẽ tất nhiên.

Lược giải:
Như trên đã nói: Do công đức của câu Phật hiệu, theo lý duy tâm tạo, tự nhiên có hoa sen, ánh sáng hoặc các tướng đẹp lạ khác phát hiện. Nhưng các điều ấy tiếc thay, phần đông phàm phu không tin hiểu và công nhận. Sở dĩ như thế, vì sự thấy biết của họ còn thuộc hạn trong tâm lượng cạn hẹp của phàm tình. Âu đó cũng là lẽ tất nhiên.

Hán 79:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt đóa bảo liên
Quyết định bất tín
Chân cá khả liên

Việt 79:
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Nếu quyết không tin nhận
Đáng thương thật kém duyên!

Lược giải:
Trong các kinh luận về Tịnh độ, nhiều nơi Phật và chư Tổ đã nói công đức niệm Phật hay trừ tội chướng, sanh phước huệ, hiện ra hoa sen, ánh sáng. Từ xưa đến nay các hành giả tu tịnh nghiệp, lúc thức tỉnh hay trong giấc mơ, đã thấy hiển hiện điều này, và cũng đã thuật lại rất nhiều. Đó là lý chiêu cảm của nhân lành quả lành, kẻ chưa tin phải theo lời giải thích và điều minh chứng mà phát lòng tin. Nếu còn quyết định không tin nhận, thì thật đáng thương kẻ ấy quá nông cạn, nhiều nghiệp chướng, kém phước duyên, cam chịu khổ mãi trong vòng luân hồi sáu nẻo.

Hán 80:
Nhứt cú Di Đà
Nhứt đóa bảo liên
Trực nhiêu bất tín
Dĩ nhiễm thức điền.

Việt 80:
Một câu A Di Đà
Là một đóa bảo liên
Dù cho không tin tưởng
Cũng đã nhiễm thức điền.

Lược giải:
Tiếp theo ý trên, dù cho những kẻ chưa hiểu biết, hoặc đã nghe giải thích và chứng minh rõ ràng về công đức niệm Phật mà còn cố chấp không tin nhận thì câu Phật hiệu cũng đã ghi vào ruộng Tàng thức của kẻ ấy rồi! Khi hạt giống câu hồng danh đã nhiễm vào Hàm tàng thức, ngày kia trong một hoàn cảnh nào đó nó sẽ phát hiện. Và nhân đó đương nhơn sẽ được độ thoát, bất quá phải chịu khổ luân chuyển trong thời kiếp lâu xa mà thôi. Về điểm này, một bậc tôn đức đã bảo: “Khen chê cũng nhờ độ thoát. Tin nghi đều đến Liên bang”. (Tán báng câu mông giải thoát. Nghi tín cộng nhập Liên bang).

Thuở Phật còn tại thế, có ông lão đúng trăm tuổi mới đến chư Tăng xin xuất gia. Các hàng Trưởng lão từ ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, đến chư Đại đức khác đều không thâu nhận, vì các vị nhận định xét thấy ông không có căn lành. Khi đức Thế Tôn đi khất thực trở về thấy ông lão khóc, Ngài quán biết liền chấp thuận cho xuất gia. Chư Tỳ kheo hỏi duyên cớ, Phật đáp: “Đạo nhãn bậc A la hán của các ông chỉ thấy biết sự việc trong vòng tám muôn bốn ngàn kiếp về trước và về sau mà thôi. Nhưng trước khoảng thời gian đó lâu xa, ông lão này là kẻ tiều phu đi đốn củi, bị cọp rượt, sợ hãi leo lên cây phát thanh niệm một câu “Nam mô Phật”. Do chủng tử nhân lành đó, ngày nay ông mới gặp ta hóa độ và sẽ được giải thoát”. Ông lão là Phước Tăng tỳ kheo, Phật giao cho ngài Mục Kiền Liên thâu làm đệ tử, không bao lâu chứng được quả A la hán.

Tóm lại, ảnh hưởng của câu Phật hiệu rất nhiệm mầu sâu rộng, chẳng những kẻ nghe danh hiệu Phật sanh lòng vui mừng, tin nhận, khen ngợi và thật hành đều được giải thoát, mà người nghi ngờ kinh báng nhái giọng niệm theo để chê bai, khi thọ ác báo rồi cũng nhờ chủng tử công đức ấy gây nhân duyên đắc độ về sau. Cho nên bài kệ: “Thà ở cõi Địa ngục. Được nghe hồng danh Phật. Không mong sanh Thiên giới. Chẳng biết hiệu Như Lai”, như trong kinh nói rất là xác đáng.