MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG
TẬP III
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)
ĐINH LỤC HINH
Cư sĩ Đinh Lục Hinh người ở huyện Thừa tỉnh Triết Giang, học giỏi song nhiều phen thi không đỗ, sau làm nghề dạy trẻ để sanh sống. Tánh ông thuận phát chân thành, khi có khách đến viếng thăm đều khăn áo giữ lễ độ cung kính. Tuy nhiều người cười chê là cổ hủ, song vẫn không lưu ý đến. Cư sĩ sống rất đơn giản kiệm ước, dù tấc vải hạt cơm cũng không bỏ phí.
Năm Dân Quốc thứ mười, Lục Hinh mở lớp dạy học nơi nhà Trương Đức Uy. Lúc rảnh rỗi, họ Trương giảng giải về pháp môn Tịnh độ cho nghe, ông liền đáp: “Tánh tôi ưa chuyên tu, không thích kiêm tu phiền phức. Song hiện thời còn có đứa con trai mười mấy tuổi, đợi khi hoàn hôn cho nó xong, rồi sẽ tính tới chuyện đó cũng chưa muộn!” Đức Uy bảo: “Một hơi thở chẳng trở vào, tức đã thuộc về kiếp khác. Chúng ta chỉ vì hai chữ “lần lựa”, mà chịu vô lượng nổi thống khổ trong muôn kiếp ngàn đời. Nay đã gặp được pháp môn cứu độ nhiệm mầu của Như Lai, há lại nên để lần qua nữa ư?” Lục Hinh tuy lưu ý chấp nhận, song chưa thể thật hành.
Cuối đông năm ấy, có cư sĩ Mã Khế Từ đến thăm. Sau buổi cơm tối, hai bên trò chuyện dần dà bàn luận tới nổi khổ ở Ta Bà, sự vui nơi Cực Lạc. Mã Khế Từ nhân đó khuyến khích ông chớ đắm mê cảnh huyễn, hãy sớm dự bị tư lương để về cõi Phật, thoát kiếp luân hồi. Lục Hinh nghe xong, gương mặt tươi tỉnh có sắc vui mừng. Tối hôm đó, ông liền niệm Phật hơn hai ngàn câu. Từ đó trở đi mỗi ngày cư sĩ tụng một quyển kinh A Di Đà, niệm hơn một muôn câu Phật hiệu. Sự hành trì của Lục Hinh rất chuyên thiết, mỗi tâm tưởng về Cực Lạc, mỗi niệm chẳng rời Di Đà, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không biếng trễ.
Qua mấy tháng sau, một đêm cư sĩ mộng thấy thần nhơn trao cho tấm thiệp đỏ, trong đó có hiện mấy chữ: “Sang năm vào tháng năm nhuần sẽ sanh về Tây phương”. Ông đem điềm ấy thuật lại với Trương Đức Uy. Trương bảo: “Chắc là do liên hữu dụng tâm quá chí thiết, nên mới có cảnh tượng ấy”. Tháng năm nhuần năm sau, Lục Hinh cho bãi học, rồi từ Tân Đường trở về quê quán. Vừa tới nhà ông cảm bịnh nhẹ, gọi gia nhơn bảo: “Thân tôi có ánh sáng, chắc sắp về Phật, hãy đỡ tôi dậy!” Sau khi ngồi kiết già xong lại nói: “Tất cả nên niệm Phật để giúp đỡ sự vãng sanh, đừng khóc lóc làm chi cho tôi mất chánh niệm bị sa đọa. Sau khi tôi mãn phần, nếu đảnh đầu còn nóng sau rốt, đó là chứng nghiệm vãng sanh!” Kế đó ông yên lặng giây phút rổi tắt hơi, không một lời đề cập tới gia sự, cũng chẳng chút chi lộ vẻ thống khổ.
Cư sĩ về Phật trước giờ Ngọ, đến chiều tối nơi đảnh vẫn còn nóng, hưởng dương bốn mươi tám tuổi.
LIỂU BỘ DINH
Cư sĩ Liểu Bộ Dinh tự cẩm Châu, quê ở Động Đình Sơn, tỉnh Tô Châu. Tánh ông rất thuần hậu chân thành, từng coi sóc công việc làm đường ray xe lửa cho người Đức và Nhựt ở Giao Tế trong vòng mười mấy năm.
Niên hiệu Dân Quốc thứ tám, ông nghỉ việc trở về Hộ, lãnh chức quản lý Bưu cuộc ở La Điếm. Sau nhân một cơn đau suýt chết, Bộ Dinh lại xin từ nhiệm trở về Thân dưỡng bịnh. Nơi đây ông được dịp tiếp xúc với lão cư sĩ Âu Dương Thạch Chi, nghe hiểu pháp môn Tịnh độ. Từ đó ông hướng về Tam Bảo, hết lòng sùng tín, phát nguyện trường trai giữ năm giới, niệm Phật rất chuyên cần. Mùa xuân năm Tân Dậu, hàng cư sĩ niệm Phật đều kêu gọi các liên hữu tổ chức thành nhóm Liên Xã Hải Hội, đặt trụ sỡ nơi chùa Năng Nhân ở đường Hạ Môn, Bộ Dinh là một nhân viên sáng lập trong đó. Mỗi nửa tháng hội kỳ, ông đến chùa rất sớm, dù gặp cơn gió mưa hay tiết lạnh nóng, vẫn không trễ bỏ. Đến khi Tịnh Nghiệp Xã được thành lập thêm ở Nghĩa lộ Ái Văn, ông cũng tham dự vào. Khi Đế Nhàn pháp sư tới Thân giảng kinh, Bộ Dinh mới chính thức cầu thọ quy giới, được pháp danh là Hiển Cừ.
Mùa thu năm Nhâm Tuất, người bạn đời bỗng vương bịnh rồi mãn phần. Từ đó cư sĩ càng sanh niệm nhàm chán Ta Bà, tha thiết cầu về Cực Lạc. Từ trước Bộ Dinh đã vương chứng bịnh đàm suyễn, hằng năm đến nửa mùa xuân thì lành, sang đông lại phát khởi. Đầu xuân năm Quý Hợi, mức lạnh quá hơn lệ thường, tuy đang vương bịnh, cư sĩ vẫn đến hội xã tụng kinh niệm Phật, không tỏ dáng mệt mỏi. Một hôm ông nói với hàng liên hữu rằng: “Tôi mang bịnh khổ đã lâu, may mắn sắp được thoát, ngày lâm chung xin thỉnh các bạn quang lâm đến trợ niệm, để tiễn đưa nhau một đoạn cuối cùng!” Chư liên hữu đều chấp nhận, và khuyên nên buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật. Sáng sớm ngày mùng tám tháng hai, cư sĩ sang Liên xã ngồi một mình niệm Phật trọn ngày không nghỉ. Tới hoàng hôn, đồng bạn mướn xe thôi thúc bảo về nhà. Chiều hôm sau vài liên hữu đến thăm, thấy Bộ Dinh còn có thể ngồi tiếp chuyện bình thường, không liệu biết rằng ông sắp vãng sanh, nên đều có vẻ yên lòng, từ giã ra về. Khi các bạn lui đi, cư sĩ vẫn ngồi nơi đầu giường nhắm mắt niệm Phật. Ước chừng một giờ sau, ông bỗng mở mắt ra hỏi con rằng: “Vừa rồi ai đem trà cho cha uống đây?” Đứa con thưa rằng: “Dạ đâu có ai!” Ông lại bảo: “Con hãy mau sang chùa Năng Nhân thỉnh chư liên hữu đến, nói cha sắp về Phật”. Người con thưa: “Hiện thời đã về đêm, các vị đều giải tán biết làm sao?” Cư sĩ dạy: “Thế thì con mau lên hương đèn nơi bàn Phật!” Nói xong niệm Phật càng gấp, giây lâu bỗng mở mắt nhìn xung quanh bảo: “Chư Tăng thân tướng cao lớn nghiêm đẹp từ đâu hội đến rất nhiều!” Nói đoạn, chắp tay nhắm mắt yên lặng.
Khi ấy người nhà tới dò xem thì ông đã tắt hơi, liền đồng thanh cao giọng niệm Phật để trợ tống. Lúc đó bước qua đầu giờ Tý, ngày mùng mười tháng hai, cư sĩ hưởng dương năm mươi chín tuổi.
ĐƠN ĐỨC TÔN
Đơn Đức Tôn tự Ngưỡng Đình, ở huyện Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Tánh ông cương trực, mạnh mẽ trong việc làm nghĩa. Ngưỡng Đình cùng cư sĩ Lạc Quý Hòa là bạn đồng học, sau khi chia tay nơi trường ốc, suốt mười mấy năm hai bên không gặp lại nhau.
Tháng tám năm Quý Hợi thời Dân Quốc, Đức Tôn từ Thanh Đảo mang bịnh trở về, rồi nằm liệt giường chiếu. Được biết Lạc Quý Hòa hiện đang là y sĩ nổi danh, ông cho người mời tới điều trị. Lạc vội đến nơi, thấy bịnh còn có thế cứu chữa, liền tận tâm chăm sóc hơn một tháng, ông bạn cũ mới được an lành. Sau cơn đau nặng, túc huệ của Đức Tôn bộc phát, ông thường than thở với Quý Hòa rằng: Thân thế và cảnh vật giữa đời đều hư huyễn, kiếp người bị vô lượng nỗi khổ buộc ràng. Nhân cơ hội đó, Lạc liền đem pháp môn Tịnh độ ra giảng giải khuyên tu. Ông nghe xong lãnh hội vui mừng, nhờ bạn chỉ định cho khóa trình hành trì và những kinh sách nào nên đọc, Quý Hòa tùy hỷ theo, mỗi mỗi đều tỏ bày rành rẽ.
Lần lần thân thể kiện khang, Đức Tôn sửa sang một gian phòng làm tịnh thất, thờ Phật và Bồ Tát rất trang nghiêm. Theo thời khóa đã quy định, ông đến trước bàn Phật trì niệm không trễ sót. Cô con gái là Ái Châu vừa mười bảy tuổi, cũng phát tâm mỗi ngày đều theo cha tu hành. Từ đó bước tu học của Đức Tôn càng lúc càng tiến xa. Ý ông muốn rũ bỏ hết việc đời để ẩn tu nhưng vì chức vụ giữ văn thư ở Trung Quốc Ngân Hàng tại Thanh Đảo, ngoài ra ông không tìm được người thay thế. Hơn nữa vị trường Ngân Hàng còn gởi thơ đánh điện thôi thúc nhiều phen, bất đắc dĩ lại phải lên đường phó nhậm. Bởi cuộc hành trình xa xôi mỏi nhọc, sau khi tới Thanh Đảo, Đức Tôn vướng phải chứng sán khí. Lần hồi bịnh càng tăng thêm, ông chỉ còn cách tạm xin nghỉ việc, trở lại quê nhà an dưỡng một phen nữa.
Ngày mùng một tháng tư năm Giáp Tý (1924), bịnh thế nguy kịch, tự biết khó qua khỏi. Đức Tôn xếp đặt hậu sự rành rẽ. Ông dặn dò sau khi mình mãn phần, chớ nên làm pháp sự long trọng, chỉ thỉnh một vị Tăng thường ở trước linh sàng niệm Phật là đủ. Người nhà vây quanh lộ vẻ thương khóc, ông bảo: “Tôi đang chú tâm hướng về Tây phương, xin đừng làm loạn chánh niệm, nên thay phiên nhau xưng hồng danh Phật để hộ trợ là cần thiết và tốt hơn. Tôi đi phen nầy sẽ thẳng về thế giới Cực Lạc, thật ra chẳng phải chết mất xa lìa. Lý ấy rất thâm, vì trong thân quyến chưa hiểu Phật pháp nhiều, nên không thể nói ra kỹ hết. Đêm hôm qua Bồ Tát đã hiện thân mách bảo thời khắc vãng sanh. Lần đi nầy tôi có chỗ nương về, sự vui còn thắng hơn cõi trần vạn bội. Đó chính là điều đại hạnh, xin đừng lộ vẻ bi thương!” Lúc người nhà xin cho thay đổi y phục, ông ngăn lại bảo: “Vào giờ Mùi ngày mùng ba mới tới lúc vãng sanh, hiện thời hãy còn sớm, việc đó chưa vội, nên vì tôi trợ niệm là tốt hơn”.
Tới ngày mùng hai, Đức Tôn nhờ cạo tóc và nấu nước thơm tắm gội, cùng thay đổi y phục. Đến giờ Ngọ ngày mùng ba, ông bảo: “Đã gần tới thời khắc vãng sanh, xin đỡ dậy ngồi kiết già”. Vừa sang đầu giờ Mùi ông liền nhắm mắt an lành thoát hóa. Ba hôm sau, thân thể của Đức Tôn vẫn còn mềm dịu nóng ấm, nhan sắc tươi tỉnh không thay đổi. Ông hưởng dương được năm mươi tám tuổi.
DƯƠNG LIÊN HÀNG
Cư sĩ Dương Liên Hàng, người thời Trung Hoa Dân Quốc, quê ở huyện Dư Diêu, tỉnh Triết Giang. Ông nhà nghèo, từ nhỏ theo nghề buôn bán, tánh lịch thiệp quán xuyến hơn người.
Năm Dân Quốc thứ mười một, Liên Hàng được biết người bạn cùng xóm là Đồng Giác Hàng tu tịnh nghiệp, trong lòng ưa thích, hằng qua lại, để nghe lời chỉ giáo. Sau đó ông thọ quy giới làm hàng Phật tử tu tại gia. Phần văn học tuy cư sĩ còn yếu kém, sóng về nghĩa lý kinh Phật, sự giải ngộ lại hơn người. Tháng chín năm Quý Hợi, các bạn ở liên xã ước hẹn cùng nhau thệ nguyện, phát lòng Bồ đề. Liên Hàng cũng có dự trong cuộc lễ ấy.
Cuối mùa xuân năm Giáp Tý, vì đau bịnh cư sĩ lén phá giới sát sanh ăn mặn, nhân đó lần lần xa cách với các liên hữu, đến tháng bảy, bịnh ông càng thêm nặng, bạn đồng tu đến thăm, ai cũng bảo rằng tất sẽ chết. Liên Hàng cũng xét biết mình khó sống, tự cảnh giác ăn năn việc đã làm. Đầu tháng tám, ông gượng đau đến trước bàn Phật, hết lòng phát lộ chí thành sám hối, nguyện giữ lại năm giới thề không tái phạm. Từ đó cư sĩ buông bỏ muôn duyên, dứt trừ ái dục, một lòng thầm niệm hồng danh Phật, chờ đến lúc mạng chung. Các liên hữu biết công phu trì niệm của cư sĩ còn cạn, nên trước khi ông lâm chung sáu ngày, thỉnh người đến trợ niệm. Mấy hôm rốt sau, những bạn đồng tu cũng tự mình đến niệm Phật giúp duyên.
Cuộc trợ niệm khởi đầu từ ngày mười hai tháng tám. Qua ngày rằm, Liên Hàng bỗng tự cảm biết thần khí thanh nhẹ tươi tỉnh. Đến ngày mười bảy, cư sĩ bảo trong giấc mơ thấy một vầng ánh sáng như năm sáu ngọn đèn điện chói lòa. Vào chiều tối, xem thần sắc của ông vẫn như thường, các liên hữu cho là chưa đến giờ, tiếp tục niệm Phật tới sang canh hai, rồi sắp sửa muốn ra về. Các vị ấỵ không ngờ rằng, lúc đó sự trợ niệm đã đến hồi tinh thuần đắc lực.
Bấy giờ Liên Hàng nghe tiếng niệm Phật bỗng nhiên ngưng bặt, liền nói: “Tôi hãy còn chưa đến Tây phương, mong nhờ chư liên hữu trợ niệm cho suốt đêm nay!” Nghe lời nói có vẻ khác lạ, các đồng bạn lại cao tiếng niệm Phật. Không đầy nửa giờ sau, cư sĩ bỗng cười bảo: “Tôi đã đến Tây phương, ôi! Ao thất bảo to rộng quá! Kìa! Hoa sen thật là màu đẹp! Ánh quang minh cũng sáng đẹp vô cùng!” Rồi ông lại dặn đại chúng cao tiếng trợ niệm đừng dừng nghỉ. Từ trước Liên Hàng vẫn lặng lẽ nằm yên. Đến lúc bấy giờ tay và đầu ông đều hoạt động, miệng liên tiếp nói to: “Ôi! Hoa sen thật tươi lạ, nhiệm mầu! Ao báu thật sáng đẹp!” Lúc ấy mặt của cư sĩ tươi cười hớn hở, trông như người bất chợt có việc vui mừng vượt quá hy vọng. Như thế qua một giờ sau ông trở lại yên không nói, tay chân cũng không động, chỉ nằm ngửa mắt chăm chú nhìn tượng Phật trước giường. Kế tiếp đôi tròng lần lần lờ lạc, hơi thở cũng lần yếu mòn. Đến năm giờ sáng ngày mười tám, cư sĩ mới tắt hơi.
Đêm ấy liên hữu chỉ có bốn người, mà vừa thay phiên nhau lớn tiếng trợ niệm suốt đêm, vừa thỉnh thoáng lại xen đôi lời sách tấn. Như thế cứ tiếp tục niệm cho đến sau khi cư sĩ tắt hơi một giờ rưỡi, mới đổi phiên cho những vị khác vừa đến. Sự trợ niệm vẫn tiếp tục cho tới lúc thân thể kẻ mãn phần lạnh hẳn, người nhà đều bị ngăn không được khóc thương. Đến mười giờ trưa, một liên hữu thăm dò thử, thì các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu còn nóng như nước sôi.
Như Liên Hàng cư sĩ, giới phẩm không tròn, công hạnh tu trì lại còn non kém. Nhưng ông được vãng sanh, xét ra toàn nhờ sức trợ niệm của các bạn đồng tu. Xem đây, ta thấy sự trợ niệm Phật rất thiết yếu cho hành giả lúc lâm chung. Bấy giờ nhằm ngày mười tám tháng bảy năm Dân quốc thứ mười ba, cư sĩ mới được ba mươi tuổi.
VƯƠNG CẢNH ĐAN
Vương Cảnh Đan tự Tử Đình, người ở huyện Vũ Cương tỉnh Hồ Nam. Thuở thiếu thời ông đã thông minh đĩnh ngộ, nghề từ chương thi họa nôi tiếng tài hoa. Bởi thế trong nhà ngoài cửa người hâm mộ tới lui không ngớt. Sau mấy lần thi không đỗ, ông biết mình hữu tài vô phận, liền quy ẩn dạy học, giữ mình khiêm nhã, tuyệt không dự đến chuyện thị phi bên ngoài, được tiếng khen là bậc cao khiết. Tánh ông lại trầm hậu, dù bị khinh hủy vẫn giữ thái độ an nhẫn điềm nhiên, thường nói với bè bạn: “Có dung thứ người, trí đức mới rộng lớn, cần chi phải tranh chấp so đo?”
Trong hai năm Dân Quốc thứ bảy và tám, gặp phong trào cư sĩ đề xướng Phật học, Cảnh Đan đến dự nghe diễn giảng liền giác ngộ, lòng rất vui mừng, bảo: Những sách vở tôi đọc khi trước, so với Phật pháp đều là cặn bã. Ngày nay may mắn được biết phương cách an thân lập mạng, sự lợi ích thật to rộng quí báu vô cùng!” Lại nhân thấy người quen là Nhạc Thái Ngươn lớn tuổi mù lòa, do niệm Phật mà đôi mắt được sáng lại, ông càng tin công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! Từ đó Cảnh Đan dọn riêng một căn phòng thanh khiết nơi nhà, thờ Phật trang nghiêm, hôm sớm trì chú Đại Bi, tụng kinh Kim Cang, Di Đà và tu pháp thập niệm hồi hướng lấy làm thường khóa. Lúc rảnh rỗi ông xem kinh, hoặc giảng nói lý luân hồi nhân quả cùng pháp môn Niệm Phật cho tất cả người quen biết nghe.
Chẳng bao lâu, cô bạn đời mất, trong lúc tuổi xế chiều lại liên tiếp gặp nhiều cảnh gian truân khốn khổ, không mấy lúc được nhàn nhã an vui. Biết nghiệp đời trước phát hiện, ông vẫn nhẫn nại điềm nhiên, giữ thời khóa tụng bền chắc không đổi thay trễ bỏ.
Vào tháng tám năm Giáp Tý, Cảnh Đan nhân bị chứng ngoại cảm, bịnh kéo dài giây dưa đến đầu sơ tuần tháng mười mới tạm dứt. Sang trung tuần, bịnh phát trở lại điều trị không công hiệu, ông gạt bỏ thuốc thang, mỗi ngày duy chí tâm niệm Phật. Đến đêm mùng sáu tháng mười một, bịnh giảm nhẹ, tinh thần như thường. Lúc ấy Cảnh Đan ngồi lâm râm niệm Phật nơi giường, bỗng chắp tay nói: “Kính xin vâng lời chỉ dạy!” Rồi gọi con cái lại bảo: “Sáng mai khi cha đi, các con chớ nên thương khóc, chỉ xưng hồng danh Phật trợ niệm cho cha được vững bước vãng sanh!”
Quả nhiên, vào giờ Thìn hôm sau, ông ngồi chắp tay niệm Phật mà qua đời. Tất cả người nhà đều tuân lời dạy, thay phiên nhau niệm Phật cho đến khi nhập liệm.
LỜI BÌNH:
Có nhiều người tuy siêng năng tụng kinh niệm Phật, song sân si phiền não vẫn không chừa. Bởi thế công đức niệm Phật không phát huy được toàn vẹn, có khi còn bị tổn giảm tiêu mòn mất hết. Cho nên niệm Phật cần phải tu tâm. Câu nói: “Có dung thứ người, trí đức mới rộng lớn” của Cảnh Đan, tỏ ra ông là người biết tu tâm. Vì thế, chỉ với mười hơi trì danh theo pháp Thập niệm hồi hướng mỗi ngày, tâm ông đã cảm thông được với bản nguyện của Phật, và mong nhờ ân tiếp dẫn. Hân hạnh thay cho người biết niệm Phật, tu tâm!
LƯU XUÂN TÀI
Lưu Xuân Tài, chưa được rõ sanh quán, mồ côi cha sớm, thờ mẹ rất chí thành hiếu cẩn. Ông cung phụng mẹ từ thức uống ăn, y phục, thuốc thang, chăn màn, cho đến nhìn trông dung sắc của mẫu thân mà uyển chuyển tùy thuận. Vì nhà nghèo, nên từ bé ông thất học không biết chữ, chỉ làm nghề lấy tre đan thúng rổ cùng các vật dụng khác đem bán để sinh sống. Khi được thức ngon không dám tự ăn, để dành đem về dâng cho mẹ. Tùy theo mỗi mùa, có bánh trái hay trân tu mỹ thực chi khác, cũng gắng hết sức mua về cung phụng mẫu thân.
Ông giữ hạnh hiếu thuận như thế hơn bốn mươi năm không thay đổi thiếu sót. Khi mẹ có bịnh, Xuân Tài nghỉ việc lo thuốc thang săn sóc, ăn không biết vị, áo chẳng cởi day. Tuổi tráng niên, vợ mất sớm, không có con cái, ông vẫn chẳng nghĩ đén sự tục huyền. Nhiều người đem việc ấy khuyên nhắc, Xuân Tài bảo: “Lợi tức của tôi làm ra, nuôi mẹ còn không đủ, đâu nỡ có vợ con để bớt mất phần ăn của mẫu thân!” Khi nói đến đó liền sa nước mắt. Ông có mướn thợ vẽ sẵn hình tượng của mẫu thân. Khi mẹ mất, Xuân Tài treo bức tượng đó nợi vách chỗ bàn thờ, khi đi về đều thưa trình, lúc ăn uống cũng mời gọi, y như lúc bà còn sống. Ông mặc áo sô gai, giữ đồ hiếu phục, luôn chín năm mới giải tang. Cứ mỗi tháng ông đem hương đèn đến phần mộ của mẹ lễ bái và quét dọn sửa sang một lần.
Tánh ông thích làm lành không biết chán mỏi. Khi đi theo đường rao bán đồ tre, gặp giấy chữ liền lượm đem về đốt. Đến mùa đông lại chịu khó quét tuyết nơi lộ, để hành khách khỏi bị trơn trợt. Mùa hạ thì nấu nước trà đem để các ngã ba đường bố thí. Nhà tuy không dư dã, song từ khi mẹ mất, có ai cầu xin giúp đỡ, ông đều tùy phần vui vẻ mà chu cấp, không lộ nét khó khăn. Trong xóm có cư sĩ Lý Thời Tân chuyên tu Tịnh độ, vì mến nết hạnh hiền lành hiếu thuận của Xuân Tài, nên cùng ông kết làm bạn thân. Thời Tân có lập một ngôi Niệm Phật Đường công cộng trong khuôn Lạc viên nhà mình, thường ở lại đây chủ trì và tu niệm. Nhân đó trong lúc tuổi già, Xuân Tài hôm sớm đều đến Niệm Phật Đường để tu tịnh nghiệp.
Năm Ất Sửu thời Dân Quốc (1952), Lưu Xuân Tài đã bảy mươi ba tuổi. Vào hạ tuần tháng giêng, ông cảm bịnh. Qua rằm tháng hai, tự biết mình khó vượt khỏi, ông đoạn thực chuyên niệm Phật, chỉ uống nước nấu chín luôn hơn mười ngày. Đêm mười hai tháng ba, Xuân Tài nằm mộng thấy năm trăm vị Tăng đến hẹn đón rước, cho biết vào giờ Thìn ngày mùng năm sẽ được sanh về Tây phương. Quả nhiên đúng thời hạn, ông từ giã các bạn thân, ngồi niệm Phật mà hóa. Một văn sĩ trong thôn ấp là Hồ Bằng có lời văn phúng điếu rằng:
Hiếu hạnh nức danh thơm, xuất phát từ hàng buôn bán tiểu dân, rau đậu kính vui thành đức cả.
Phật hiệu vang tiếng niệm, thọ mãn hồn gặp năm trăm La Hán, trời Tây Cực Lạc tất sanh về.
Hai câu đối trên không phải lời sáo khen ngợi suông, chẳng qua là ghi đúng sự thật vậy.
VƯƠNG YẾN TẾ
Vương Yến Tế quê ở Trấn Hải, tình Triết Giang. Ông làm nghề nông, tánh chất phác thật thà, ngoài sự ăn mặc đơn giản ra, không co thị hiếu chi khác. Mùa xuân năm Quý Hợi, Yến Tế đã được bảy mươi tuổi. Cháu họ của ông là Vương Xuân Sinh rất kính tin ngôi Tam Bảo, hằng siêng tu tịnh nghiệp. Một hôm Yến Tế vào trong tịnh thất của cháu, thấy sự thờ cúng trang nghiêm, bất giác sanh lòng kính ngưỡng, thầm niệm: Nam mô A Di Đà Phật. Bỗng nghe nơi ngọn đèn lưu ly nổ sẽ một tiếng, ông nhìn lên thấy hên đèn hiện hình Phật tướng nghiêm đẹp, sắc tươi vàng. Yến Tế kinh ngạc mừng rỡ, sanh tín tâm sâu thiết. Từ đó mỗi ngày ông đều đến Phật đường của Xuân Sinh niệm hồng danh hai muôn câu. Vừa mới hành trì hơn hai tháng, ông đã được một lòng không loạn tam muội hiện tiền. Ban đêm Yến Tế thường thấy một vùng ánh sáng, nên sự tu niệm càng tinh tấn chuyên cần.
Không bao lâu, túc nghiệp phát hiện, ông bị các chứng: hen suyễn, phù thủng và đau mắt. Do đó ông thường ở nhà thờ Phật trì niệm, lần lần tăng đến số ba muôn câu. Mùa đông năm Giáp Tý, ông bị mù lòa, nên khóa trình có hơi kém sút. Sau xuân Ất Sửu, đôi mắt sáng lại, nhân cảm ân Phật hộ trì, tuy bịnh suyễn và thủng tăng thêm, sự tu hành của ông lại càng chuyên thiết.
Đêm rằm tháng tư nhuần, Yến Tế nằm mơ thấy một vùng thắng cảnh lầu các trang nghiêm, cửa cổng khóa đóng. Ông lại gõ cửa liền được vào, thì trước mắt hiện ra cõi báu ánh sáng rực rỡ, rộng rãi không biết đâu là bờ mé. Trên hư không có ba vị ngồi kiết già, đảnh phóng hào quang giống như tượng Tây phương Tam Thánh. Sáng ra Yến Tế gọi cháu đến bảo: “Ta mộng thấy dạo chơi miền thắng địa, cảnh trang nghiêm rực rỡ, không phải lời nói có thể hình dung. Chí ta đã quyết cầu vãng sanh, mong con cháu cũng đều nên cố gắng”. Từ đó ông chuyên cần niệm Phật ngày đêm, chỉ có lúc nào suyễn nhiều đau lắm mới tạm nghỉ mà thôi.
Ngày hai mươi chín tháng ấy, Yến Tế lại mộng thấy hai người dẫn đến một ao trong mát bảo tắm gội. Sáng hôm sau, riêng ông nhìn thấy một vị đầu bạc tướng tốt, dẫn theo hai đồng tử cầm đuốc tới đón rước. Tới giờ Ngọ bỗng đâu mùi hương lạ bay lan thơm ngát cả nhà. Sáng mùng một tháng năm, Yến Tế bảo gia nhơn rằng: “Sửa soạn hương đèn cho ta lễ Phật rồi đi!” Đến đầu giờ Tuất, quả nhiên ông ngồi niệm Phật rồi quá vãng. Hơn ba ngày sau mới nhập liệm, đảnh đầu ông vẫn còn nóng.
LƯU KHAI NAN
Cư sĩ Lưu Khai Nan, tự Tây Tiều, pháp danh Khế Tịnh, người ở huyện Bình Trạch, tỉnh Giang Tây. Vừa mười lăm tuổi, ông đã nổi tiếng tài hoa về văn học. Cha là Hiểu Phong tiên sinh, do gần gũi với cư sĩ Dương Nhân Sơn, nên được hiểu biết sự nhiệm mầu của Phật giáo. Các kinh điển đại thừa như: Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang, Viên Giác, Hoa Nghiêm, tiên sinh đều nghiên cứu sâu rộng. Lúc ấy, Khai Nan hãy còn niên thiếu, thấy thế thầm cho cha là mê tín.
Thời cuộc thay đổi, bước sang Dân Quốc kỷ nguyên, Phật hóa lần lần truyền lan rộng. Nhân một cơn đau, Khai Nan cảm mộng thấy có vị lão nhơn khuyên bảo nên thỉnh xem tập Hoa Nghiêm Hiệp Luận. Tỉnh giấc nhờ người thỉnh cho một bộ, đọc xong ông than thở khen ngợi biển pháp giới mầu rộng không thể nghĩ bàn. Từ đó mới phát tâm hướng về đạo, hối cải lỗi lầm trước của mình, tự thương nghe biết Phật pháp trễ muộn. Ngày Phật đản năm Kỷ Mùi, ông sửa sang chỗ thờ Tam Bảo trang nghiêm, sớm hôm ân cần lễ tụng. Năm sau phát tâm ăn chay trường, mỗi buổi sáng đều trì tụng kinh Di Giáo để trị tâm. Kế đó, Khai Nan kêu gọi bạn đồng tu sáng lập ra Phật học hội. Mỗi ngày chủ nhật, trước tiên ông hướng dẫn hàng thiện tín lễ tụng, kế tiếp giảng diễn về kinh luận. Lần lần người phát tâm tu học Phật pháp rất đông nhiều.
Mùa thu năm Nhâm Tuất, Khai Nan triều bái non Phổ Đà, lễ Ấn Quang pháp sư cầu thọ quy giới, tôn làm bậc thầy hướng dẫn. Trải một phen gặp gỡ, đôi bên kết họp nhau như kim cải. Ấn công hỏi thăm, biết cư sĩ còn có mẹ già, bảo ông nên khuyến khích mẹ niệm Phật cho tròn hiếu đạo. Lúc trở về, Khai Nan rước mẹ đến thành ở, uyển chuyển khuyên bà tu niệm. Mẫu thân ông cảm động, cũng phát tâm niệm Phật trì trai. Vào tháng mười năm Quý Hợi, lúc mẹ lâm chung, cư sĩ xuất lãnh chư liên hữu trợ niệm, tất cả đều nghe có hai trận gió thơm thổi đến. Sau khi bà mãn phần, gương mặt lộ vẻ tươi vui như còn sống. Khai Nan thường nói với bạn bè là cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh rằng: “Nhờ sư phụ chỉ dạy, như vẹt mây nhìn thấy mặt trời, tôi mới tỉnh ngộ sự niệm Phật là rất thiết yếu, không thể bỏ lơi một ngày nào!” Chư ni tăng ở am Tịnh Độ trong ấp, như Quả Nhơn, Thánh Đạo, đều nhờ ông khuyến tấn niệm Phật cầu sanh Tây phương. Khi lâm chung cả hai đều biết trước ngày giờ, điềm lành hiển hiện và cùng được sanh về Cực Lạc.
Mùa thu năm Ất Sửu, Khai Nan bỗng vương bịnh. Đến ngày 27 tháng mười một, cư sĩ mộng thấy có người đứng bồi hồi ngoài cửa song, ra thăm hỏi thì vị ấy trình một tấm thiệp có đề hàng chữ: “Xin chờ Tây Tiều tiên sinh về Tây phương Cực Lạc thế giới!” Lúc ấy người nhà còn đang tụng cầu thọ cho ông. Cư sĩ nghe biết ngăn rằng: “Cõi đời ác năm trược không thể ở lâu, huống chi lại còn thêm bịnh khổ. Tôi đang hân hạnh mong cho sớm được thoát ly, chẳng nên vì lòng ái niệm mà làm cho tôi thêm khổ lụy. Từ đây về sau chẳng nên si mê cầu thọ, phải đổi lại hồi hướng câu Phật mau tiếp dẫn vãng sanh là tốt hơn!” Kế tiếp cư sĩ thấy nhiều điềm lành, nên niệm Phật càng tha thiết. Luôn cả ngày đêm, ông xưng câu hồng danh hoặc thầm hoặc ra tiếng không lúc nào gián đoạn. Có ai đến hỏi thăm bịnh, cư sĩ không đáp chỉ chắp tay niệm Phật. Trong lúc mơ màng, Khai Nan bỗng thấy có người muốn dẫn xuống Minh Phủ để nhận lãnh quan chức. Lại có nhiều chư thiên xuống xin đưa lên các cõi trời. Ông đều chánh sắc từ chối bảo: “Làm quan dễ tạo nghiệp. Phước trời khi hưởng hết cũng đọa luân hồi. Tôi chỉ nguyện sanh về Tịnh độ để mau chứng đạo quả, độ mình và chúng sanh mà thôi!”
Sáng sớm ngày mùng chín tháng chạp, cư sĩ tự ngồi dậy mặc áo lễ Phật, kế đó bảo gia nhơn rằng: “Tướng nghiệp của tôi đã hết, may mắn không bị các cảnh phước báu trong ba cõi làm chuyển lòng. Xin tất cả đều chuyên cần tu pháp môn Tịnh độ, chớ nên lầm lẫn!” Sang mùng mười ông nói: “Giờ Mùi ngày mai tôi sẽ đi!” Vài giờ trước khi mãn phần, ông bảo người nhà: “Các liên hữu đến trợ niệm đông nhiều, trình độ niệm Phật của họ cũng khá cao, phải nên lễ kính”. Rồi cư sĩ tự tụng Phổ Hiền Thập Nguyện Văn hai lượt. Tụng xong lặng yên sẽ động môi niệm Phật. Quả nhiên đến giờ Mùi, ông an lành mà vãng sanh. Trải bốn giờ sau, mặt ông lộ sắc tươi nhuận hơn lúc bình thường, đảnh vẫn còn nóng.
TRẦM ĐỒNG VĂN
Trầm Đồng Văn tự Thơ Hiện, người huyện Nam Thông tỉnh Giang Tô. Ông có một trai một gái, sau khi cưới vợ gả chồng cho con xong, lộ sắc mừng nói: “Phận sự đã hoàn tất, ta mau quay lại lo phần giải thoát là việc lớn của mình!” Lúc đó ông được năm mươi bốn tuổi, liền đem việc nhà giao phó hết cho con trai và dâu, mình ở riêng một gian lầu, ngày đêm chuyên lo phần tụng niệm.
Tháng chín năm Quý Hợi thời Dân Quốc, nhân có việc đến nhà bà con là cư sĩ Sa Kiến Am, ông đưa ra một tờ giấy ghi bài kệ văn phát nguyện của mình làm, lời và ý đều rât khẩn thiết. Kiến Am hỏi về sự tu trì, ông nêu ra các kinh thường tụng như: Kim Cang, Cao Vương, Ngọc Hoàng. Cư sĩ nghe xong bảo: “Cao Vương là kinh ngụy tạo, chẳng nên tụng. Ngọc Hoàng là văn ngôn của phái tu Tiên, người thờ Phật cũng không cần tụng. Anh và tôi đều lớn tuổi, muốn thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, ngoài pháp môn Niệm Phật ra, e không còn kịp”. Rồi cư sĩ tặng cho ông mấy quyển: Di Đà Yếu Giải, Tiểu Chỉ Quán, và các sách về Tịnh độ, Đồng Văn vui mừng nhận lãnh đem về.
Hai năm sau, ông lại sang nhà Sa Kiến Am nói: “Từ khi được chú khuyên nhắc, hằng ngày tôi đều tinh tấn niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Gần đây tôi thường thấy chư Phật, Bồ Tát hiện đầy khắp hư không. Lại thấy hoa sen năm sắc nổi hiện hai bên mình. Đến thời tôi quyết được vãng sanh về Cực Lạc!” Kiều Am bảo: “Anh nói đúng sự thật hay chăng? Nếu quả có các điềm lành ấy, cũng chớ nên tiết lộ cho nhiều người biết!” Đồng Văn chỉ mỉm cười không đáp.
Ngày mười tám tháng giêng năm Bính Dần (1926), ông cảm thấy trong người không khỏe, kế tiếp mỗi ngày càng thêm suy bại. Con trai xin rước thầy bốc thuốc, ông bảo: “Cha đang chờ Phật đến tiếp dẫn, rước y sĩ đến làm chi?” Rồi quyết định không chịu uống thuốc, cứ liên tục niệm Phật. Cô con gái và rể về thăm, ông gọi tất cả các con lại trối dặn rằng: “Các con đều khôn lớn, có sự suy nghĩ hiêu biết, phải nên lánh dữ làm lành và chí tâm niệm Phật. Ngoài ra cha không còn di chúc điều chi khác!” Vào đầu tháng ba, vừa đúng ngày thọ lục tuần của mình, Đồng Văn bảo người nhà đều đốt hương xưng danh hiệu Phật, và mời các bạn tu đến trợ niệm. Trước khi vãng sanh, ông bảo: “Đức A Di Đà vừa quang lâm đến. Hiện thời thân tôi đã ngồi vào tòa hoa sen!” Nói xong, nằm nghiêng về bên hữu, niệm Phật cấp thiết, tiếng nhỏ lần rồi đi thẳng.
Lúc ấy nhằm giờ Tuất ngày mùng sáu tháng ba, Đồng Văn dặn người nhà tẩn liệm đơn sơ bằng chiếu manh áo vải. Lúc nhập liệm, thi thể ông vẫn còn mềm dịu, sắc mặt tươi sáng rực rỡ hơn hồi còn sống.
TỊNH ĐỘ THI
TRONG BỊNH VẼ CẢNH CỰC LẠC
Đường, Bạch Hương Sơn
Cực Lạc đẹp mầu thanh Tịnh độ
Không bốn đường ác cùng các khổ
Nguyện người đau bịnh như thân ta
Đồng sanh về cõi Vô Lượng Thọ.
TIỄN GÓT TRĂNG PHÁP SƯ
Đường, Lý Thương Ẩn
Biển khổ đường mê nghĩ thoát thân
Cách đây mười vạn cõi vi trần?
Hoa sen nơi ấy trăm ngàn ức
Mỗi mỗi liên hoa hiện Phật thân!
ĐIẾU BẢO NGUYỆT ĐẠI SƯ
Tống, Tô Đông Pha.
Sống chết mau như duỗi cánh tay
Chung tình càng khổ có ai hay?
Lạc Thiên chẳng phải Bồng Lai khách
Hướng niệm Tây phương độ tháng ngày!1
KHUYÊN NỆM PHẬT
Nguyên, Ưu Đàm đại sư
Cõi người khổ bịnh rồi già chết
Thiên giới nào ai thoát Ngũ suy?
Thà đối Cửu liên cam phẩm thấp
Không mong trần thế lại đầu thai.
Bao phen lạc bước giữa trường đời
Việc thế như gai lắm rối bời!
Hoa đẹp vườn xưa thương cảnh cũ
Trâu dê dày đạp mãi không thôi! 2
NHỚ TỊNH ĐỘ
Nghĩ tợ cánh bồng lạc cõi Nam
Tựa lầu ca thán nguyệt canh tàn
Xa mờ hội pháp người lành đẹp
Lại tưởng đài hoa báu lạ nghiêm
Thân cá tuổi suy lần thiếu nước
Kiếp chim ô tạm lót hiên thềm
Ngỏ cùng thân hữu trong thiền đạo
Tạo cảnh chùa thêm gán lộ bàn 3
NGẪU CẢM
Lần trông mái tóc điểm màu sương
Tự xét thân ni chẳng cửu trường
Một kiếp đã thành chi sự nghiệp?
Trăm năm còn có mấy thần hồn?
Chóng tìm nơi lấp nhà an ổn
Chớ mãi cam lòng chốn tủ môn
Cõi ngọc không xa về có lối
Đài sen quy hướng lễ Từ Tôn.
Thanh, Liên Ẩn đại sư.
LÝ THỊ
Lý Thi là mẹ của Lý Canh Hiên ờ huyện Võ Thành, Sơn Đông. Tánh bà điềm tĩnh ít nói cười, sự ăn mặc dở ngon tốt xấu vẫn an phần không kén lựa đòi hỏi.
Sau ba mươi tuổi, bà trường trai thờ Phật, đem hết việc nhà giao phó cho con trai và dâu. Khi có người quen thân đến thăm, sau vài câu chuyện hàn huyên, liền tạ lui về phòng niệm Phật không dứt. Chẳng bao lâu đứa con trai, rồi cháu nội nối tiếp nhau chết yểu. Lý thị ban sơ có vẻ thương tiếc đau buồn, kế lại ngăn dứt tình cảm, vẫn lần tràng niệm Phật như cũ. Do đó hàng xóm đều cười thầm, đôi ba kẻ lại tới ngay trước mặt kêu ngạo cho là bà già u mê. Lý thị trước sau vẫn điềm nhiên không buồn giận. Có người gạn hỏi: “Bà niệm Phật mãi như thế để làm gì?” Lý thị đáp: “Tôi rất chán cõi Ta Bà nhơ ác nầy, nguyện khi mãn phần được sanh về thế giới Cực Lạc, thoát khỏi kiếp luân hồi khổ lụy mà thôi”.
Lúc gần trăm tuổi, bà vẫn còn tỏ tai sáng mắt, bước đi vững mạnh như thường. Một hôm, sau thời lễ niệm tối xong, bà bỗng gọi đứa cháu dâu bảo: “Đêm nay có việc phiền nhọc đến con, nên nán chậm lại sự nghỉ ngơi theo thường lệ!” Cô cháu dâu chỉ vâng dạ lơ là, chẳng mấy lưu ý. Nhưng trước khi đi ngủ thử lại dò thăm, thì bà đã ngồi xây mặt về Tây, tắt hơi mãn phần lúc nào không biết. Bấy giờ nhằm ngày mùng bốn tháng tám năm Dân Quốc thứ ba, Lý thị thọ được chín mươi sáu tuổi.
LỜI BÌNH:
Khách đến viếng thăm, sau vài câu hàn huyên rồi từ tạ lui về phòng lần chuỗi.
Con trai và cháu đích tôn chết non mất người thừa tự, trước lộ vẻ đau tiếc kế lại ngăn dứt tình cảm lo tu hành. Người xung quanh ngạo báng là u mê, vẫn điềm nhiên niệm Phật không buồn giận. Qua mấy điểm trên đủ thấy rõ trong đời sống, Lý thị đã từng trải nhiều cảnh gian khổ, nên tâm rất nhàm chán cõi Ta Bà, tha thiết cầu sanh Tây phương một cách không thổi chuyển.
Theo kinh giáo, các pháp đều như huyễn, thì khởi tâm nhàm chán hay sanh niệm mến ưa, cũng còn chưa hợp lý. Nhưng đó là chỗ tu của bậc Thượng thượng căn, trình độ đã khế ngộ với chân tâm. Ngoài hạng trên, nếu chính mình chưa được như thế mà chấp lý cầu cao, tất khó vãng sanh về Cực Lạc. Cho nên khi xưa Trí Giả đại sư đã nêu hai hạnh Yếm ly và Hân nguyện làm điểm thiết yếu cho sự vãng sanh.
Nhân tiện, xin hhắc lại câu chuyện hiện thật ở Việt Nam. Một cư sĩ tu đã lâu, có thể gọi là từng nghiên tầm thông hiểu nhiều kinh điển đại thừa. Hôm nọ, ông đến chùa hỏi một vị Hòa thuợng: “Bạch Ngài! Các pháp đều do tâm, sự vui khổ cũng do tâm chấp theo ngoại cảnh. Thế tại sao Ngài lại còn niệm Phật cầu sanh Tây phương để làm gì?” Vừa lúc ấy ánh nắng mai xuyên qua cửa sổ, chiếu vào chiếc ghế ông đang ngồi. Vị cư sĩ vội đứng lên nhắc chiếc ghế tránh sang một bên. Thấy thế, Hòa thượng cười bảo: “Nắng có một chút mà ông không chịu được, nói gì là các pháp do tâm!” Vị cư sĩ đỏ mặt im lặng, rồi đề cập sang chuyện khác.
TRẦN THỊ
Trần thị là vợ của Diệp Vĩnh Xương, ở huyện Vụ Nguyên tỉnh An Huy. Bà bẩm tánh từ ái, hay làm việc ân huệ, mến ưa sự sạch sẽ. Lúc bốn mươi tuổi, vì con trai lớn bị chứng suy lao, bà cầu khấn Phật, phát nguyện ăn chay trường. Song đứa con bởi tội chướng nhiều duyên phước kém, công đức của bà chưa đủ sức cứu vãn, nên bịnh nó chỉ tạm dứt rồi kế mãn phần. Do duyên con trai thân mến yểu vong, Trần thị xét nghĩ chán kiếp người vô thường, cưới vợ lẽ cho chồng, đem hết việc nhà ủy thác cho thứ nam và dâu, phần mình chuyên lo tu hành trì trai giữ giới.
Bà thường ở riêng một gian tịnh thất, trong đó thờ cúng Quán Âm đại sĩ. Sớm hôm Trần thị kính thành lễ bái, niệm hồng danh A Di Đà và thánh hiệu Quán Thế Âm. Sự hành trì cứ liên tục như thế suốt vài mươi năm, không ngày nào bỏ sót. Bà thích hạnh bố thí, hay cứu kẻ khốn cùng cấp nạn, có ai đến xin đều vui vẻ tùy phần giúp đỡ, và khuyên họ nên niệm Phật để mau thoát khổ.
Vào tháng mười niên hiệu Dân Quốc thứ năm, Trần thị qua đời. Đêm sắp từ trần, bà bảo quyến thuộc rằng: “Con cháu cứ yên nghỉ, ta sẽ sanh về Tây phương, đừng lấy làm kinh lạ!” Nói xong vẫn niệm Phật mãi không thôi. Trong thân quyến hãy còn chưa tin, nhưng đến sáng lại thăm chừng, thì thấy bà ngồi ngay thẳng hướng về Tây an tĩnh mà vãng sanh rồi. Hôm sau nhập liệm, khi đốt y phục cũ và khăn tắm, bỗng đâu ánh sáng năm sắc nổi hiện lên trên ngọn lừa. Trong đó lại hiện rõ một đóa hoa sen to lớn tươi đẹp, hai bên có hai con rồng doanh vây. Những người trông thay đều kinh lạ, thở than khen ngợi. Bà thọ được bảy mươi ba tuổi.
CÁT PHU NHƠN
Cát Phu Nhơn nguyên là vợ của Thái sử Trịnh Ngoạn ờ Truờng Sa. Quan Thái sử nghiên cứu nội điển tinh tường, thông hiểu rất sâu về Phật pháp. Đến tuổi trung niên, phu nhơn thường hay đau yếu. Trịnh Thái sử để cho bà ở riêng một gian lầu, lo việc tu trì. Tại nơi đây, phu nhơn hằng chuyên niệm Phật, quanh năm chân không bước ra khỏi cửa, mọi việc có hai đứa thị tỳ giúp đỡ. Hành trì lâu ngày, ban đêm tuy bà tĩnh tọa trong bóng tối, song vẫn thường thấy một vùng ánh sáng chẳng rõ từ đâu phát ra. Tuy không hỏi việc bên ngoài, nhưng mọi sự phu nhơn đều biết trước. Đôi khi rảnh rỗi, quan Thái sử giảng luận về Phật lý cho nghe, bà đều lãnh ngộ sâu sắc hơn người thường.
Mùa xuân năm Kỷ Mùi, thời Dân Quốc, phu nhơn dự biết ngày giờ lâm chung, nói với Trịnh Thái sử rằng: “Tôi xin tạm biệt vãng sanh về Cực Lạc, sau khi đắc pháp nhẫn rồi, sẽ nương thuyền đại nguyện trở lại hóa độ cõi Ta Bà”. Đúng thời đã định bà ngồi mãn phần, hương lạ bay thơm đầy thất.
LỜI BÌNH:
Chúng sanh do bị trần duyên che lấp nên lạc mất nguồn chân tâm trong lặng sáng suốt của mình, khi dứt trần niệm, ánh sáng của tự tâm sẽ phát sanh. Và khi tâm thanh tịnh, trí huệ thần thông cũng từ nơi đó mà hiển hiện. Cát phu nhơn thấy bạch quang, biết trước mọi việc, hiểu sâu Phật lý, đều do bà thức ngộ cảnh trần như huyễn, rũ sạch muôn duyên, một lòng niệm Phật, tâm được thanh tịnh, nên những diệu dụng sẵn có mới phát hiện ra vậy.
ÂU DƯƠNG AN NHƠN
Âu Dương an nhơn nguyên là mẹ của cư sĩ Vương Tích Phiên ở Hồ Bắc. Tánh bà cần kiệm dịu hiền, nói cười, quanh năm lo việc trong nhà, chân ít khi bước ra khỏi ngõ. Bà thường giữ Quan Âm trai chưa biết niệm Phật.
Mùa đông năm Kỷ Mùi, thời Dân Quốc, An nhơn bỗng vương bịnh ho. Sau khi điều trị tạm lành, sự ẩm thực của bà lần lần kém giảm. Đến mùa hạ năm Canh Thân, An nhơn ; không nuốt được một hạt cơm, chỉ uống toàn nước chín.
Vương Tích Phiên thương mẹ tuổi già tuyệt thực, tất khó sống lâu, liền đến chùa thỉnh chư Tăng lại nhà thay phiên vì thân mẫu sám hối. Vừa đâu giữa đường gặp cư sĩ Man Tâm Như khuyên nên buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật thì bịnh có thể lành. Tích Phiên về nhà đem điều ấy thuật lại với An nhơn, bà nghe xong liền tin sâu và phát nguyện thật hành. Nhưng khổ vì bịnh lâu khí suy, nên niệm Phật không thành tiếng.
Ngày mùng bốn tháng bảy, Tích Phiên nghĩ đến bịnh của mẹ mỗi ngày thêm nặng, khí lực càng yếu, e niệm Phật không kiến hiệu, tất khó sanh về Tây phương. Vì thế ông liền sang chùa An Quốc ở Hoàng Châu, kính thành cúng dường Tam Bào, thỉnh Thế Phong hòa thượng và chư Tăng cử hành Phật lễ tại nhà. Sau khi Hòa thượng khai đạo xong trở về, chư Tăng luân phiên nhau tụng niệm. Tám giờ tối hôm ấy, An nhơn bỗng yên ổn ngủ say đến nửa đêm mới tỉnh, gọi Tích Thiên đến bảo: “Mẹ nằm mơ thấy có hai người dùng kiệu chờ đem đi tới một vùng thắng địa rộng rãi bao la, đường sá bằng phẳng, cảnh vật đẹp tươi. Thoạt có bà lão mặc áo xanh hiện thân, trạng mạo giống như đức Quán Thế Âm, dẫn mẹ đi qua chiếc cầu đá, tới một ao sen to rộng không thấy bờ mé. Trong ao hoa sen trắng đỏ đua nhau tươi nở, hương thơm thanh khiết nhẹ nhàng. Hai người khiêng kiệu đem mẹ để trên một hoa tòa lớn. Mẹ vừa khen: “Đẹp thay cảnh trí nơi đây”, bỗng chợt thức giấc. Lúc tỉnh dậy, cảm thấy cõi nay nhơ uế, thân này thật ô trược nặng nề!” Tích Phiên nghe nói, thỉnh chư Tăng niệm Phật thêm một tạng để làm trợ duyên cho mẹ sanh về thắng phẩm. Ông cùng tất cà gia quyến cũng luân phiên tụng niệm theo đại chúng.
Từ đó mỗi khi An nhơn nằm nghỉ, đều thấy bà lão áo xanh dẫn đến ao sen. Đôi khi trong giấc ngủ, bà bỗng kêu lên thành tiếng: “Ôi! Hoa sen to đẹp quá!” Đến mười hai giờ khuya đêm mười chín, Phật tạng viên mãn, An nhơn nói: “Trước nhà có vị Hòa thượng đến!” Giây phút lại bảo: “Mai nhằm ngày thượng kiết, mẹ sẽ sanh về Tây phương!” Tích Phiên nghe nói, liền vội vã dự bị hậu sự. Hôm sau, mọi người trông thấy dung sắc của Âu Dương an nhơn bỗng trở nên tươi tốt khác thường. Tai mắt bà đột nhiên tỏa sáng hơn lúc bình nhựt. Bà chỉ đằng xa nói: “Chỗ kia có con kiến to, coi chừng đạp chúng nó!” Lại bảo: “Hòa thượng chùa An Quốc đã tới, mau ra thỉnh vào để Ngài trợ duyên cho ta sanh về Tây phương”. Người nhà ra xem, thì Thế Phong hòa thượng quả nhiên từ xa đi đến. Sau khi dùng tạm chén trà xong, Hòa hượng liền lại bên giường An nhơn trì chú niệm Phật.
Đến tám giờ tối, Âu Dương an nhơn bỗng ngồi dậy ngay thẳng, mắt trông nhìn lên hư không, lặng lẽ không lay động. Người nhà lại dò xem thì bà đã vãng sanh.
BẦN PHỤ
Ở hhuyện Từ Khê tỉnh Triết Giang có một bần phụ, chưa được rõ tên họ. Nhà bà quá nghèo, con trai lại bất hiếu, nên thường bị nó la rầy mắng chửi.
Một hôm sau khi bị con thét mắng, bà khổ sở khó nhẫn nại, sang tỏ bày than khóc với vị Tăng ở chùa gần bên. Vị Tăng bảo: “Bà đã biết khổ, sao không bán nó đi!” Bần phụ đáp: “Ai mua sự khổ, làm sao mà bán!” Tăng sĩ nói: “Nếu bà chí thành chuyên niệm hồng danh đức A Di Đà, cầu sanh Tây phương, thì khi mãn phần chắc chắn được Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc. Từ đó sẽ vĩnh viễn lìa khỏi các nỗi khổ, thuần hưởng những điều vui. Đó gọi là cách bán khổ!” Bà thưa: “Mẹ con tôi cùng ở chung một gian chòi lá, góc nhà là bếp nấu ăn, dưới giường còn làm chuồng lợn. Cảnh hổn tạp nhơ uế như vậy, làm sao niệm Phật?” Vị Tăng đáp: “Không ngại chi, đức Như Lai đại từ đại bi, tùy duyên phổ độ, chỉ dụng tâm thành chớ không nệ hình thức. Vậy lúc rảnh bà hãy tới chùa lễ bái, còn khi ở nhà chỉ thường chuyên niệm Phật cầu nguyện vãng sanh cũng được”. Bần phụ vâng theo lời dạy, vì lòng tha thiết mong thoát khổ nên niệm Phật không xen hở.
Ba năm sau, vài tháng trước khi qua đời, bà bảo con rằng: “Đến ngày tháng ấy, mẹ sẽ sanh về Tây phương. Vậy con chớ nên đi vắng, phải ở nhà lo hậu sự cho trọn tình mẫu tử!” Đứa con tỏ vẻ không tin, bà liệu biết nên sau lại dặn dò đôi ba phen nữa. Vài hôm trước khi bần phụ mãn phần, đứa con bỗng nghe mùi hương lạ, tỏa thơm bát ngát. Chạy tìm xem khắp xung quanh chẳng thấy ai đốt hương, nó ngạc nhiên không biết mùi thơm từ đâu đến. Bỗng nhớ tới lời mẹ dặn, đứa con nghĩ biết đâu là sự thật, bèn ở nhà chờ. Đến ngày kỳ hạn, nó thay mẹ nấu nước tắm gội, thay y phục sạch sẽ. Xong xuôi bà ngồi nơi giường, xây mặt về phương Tây niệm Phật một lúc rồi tắt hơi. Lúc ấy nhằm vào khoảng năm Dân Quốc thứ mười.
PHỤ KÝ:
Lúc ở chùa núi Phật Đảnh, chính tôi nghe ngài Định Tây pháp sư thuật lại chuyện nầy. Tiếc vì khi ấy bận việc, nên chưa kịp hỏi rõ tên họ và ngày tháng vãng sanh của đương sự. – Tăng sĩ Đức Sum ghi.
LỜI BÌNH:
Than ôi! Biển trần lênh láng, ngất cao sóng nghiệp dập dồn. Cõi tạm mong manh, chìm nổi kiếp người khổ lụy! Xét như bần phụ, tánh linh đã sẵn, bởi mê nên lạc bước luân hồi. Vực khổ thẳm sâu, duyên phước bỗng gặp môn huyền diệu. Niềm bi cảm ba năm tinh tấn, ngày lâm chung ngát tỏa hương thơm. Hướng Tây phương một dạ khẩn thành, rời huyễn chất bước lên lầu ngọc. Thế mới biết Di Đà nguyện lớn, thuyền độ sanh chẳng bỏ một ai. Lại rõ thêm Tịnh độ pháp mầu, sen thắng phẩm hiện đời tất được. Ao vàng hoa sẵn đẹp, còn đợi kẻ quyết tâm.
TIỂU HIÊN ỨC PHẬT
Từ xưa có nói: “Đời người trăm tuổi, ít kẻ bảy mươi. Dung tăng nầy đến sáu mươi tuổi, mới xuống tóc, may được dự vào hàng thanh chúng. Nay đã đến bảy mươi, thân tàn chẳng còn bao lâu nữa, chi trông hôm sớm mà thôi! Bình thời tuy cũng tụng kinh niệm Phật, song còn hận mình chướng nặng, chưa được nhứt tâm. Nhân duyệt chương Đại Thế Chí trong kinh Lăng Nghiêm thấy nói: “Nếu kẻ nào nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền hoặc trong tương lai, quyết định sẽ được thấy Phật“. Đọc xong lời nầy, bỗng ngẫu cảm viết thành mấy bài son kệ, mệnh danh là Tiểu Hiên Ức Phật. Mục đích những bài sau đây chẳng ngoài ý cảnh giác khuyên tấn mình và người trên đường tu tịnh đó thôi. Tống, Tuyết Khê sơn tăng.
I
Phăng phăng theo sóng nghiệp duyên trôi
Thoáng chốc bảy mươi đã đến rồi!
Há chẳng trước nay thường nhớ Phật?
Muốn từ tuổi muộn giục thêm roi!
Quét trừ cảnh ý trong trong lặng
Khêu hẳn đèn tâm sáng sáng soi
Quyết định thân nầy cho thấy Phật
Nói cười thoát tục lại đài ngôi.
II
Những từ kinh sử học văn chương
Hoa gấm từng mong mở rộng đường
Tấc bóng buông xuôi dòng thệ thủy
Chuỗi ngày ngoảnh lại cuộc phù vân!
Cảnh Phật chiều mai tưởng Niệm cần
Kiệt khách tài nhân đâu vẳng tá?
Hoàng hôn cỏ ẩy khắp hoang phần!
III
Sắc tài danh lợi mối oan sâu
Vườn tục ai mơ huyễn mộng lầu?
Đất tạm từ nay không tái hội
Trời Tây về lại cõi thiên thu
Mẹ con ví được đồng tâm cảnh
Gió bụi chỉ cần bước viễn du! 4
Suy thạnh từ đây thôi chẳng hỏi
Song hồ đệm cỏ lặng tiềm tu.
IV
Ba gian nhà cỏ cảnh thanh bần
Việc tốt chi bằng nhở Phật hơn?
Muôn sự rồi tan gương lọ vỡ
Một đời câu niệm ý tâm cần
Dưới tùng nhấc chén trà xuân đậm
Bên đá lần tràng ánh nguyệt tân
Đóng cửa lòng mơ về cõi tịnh
Đài sen chất ngọc gởi thinh thần!