MẤY ĐIỆU SEN THANH
Sưu tập: Cư sĩ Bành Tế Thanh & Hy Tốc 
Việt dịch: Hòa thượng Thích thượng Thiền hạ Tâm
PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ MẬT TỊNH ĐẠO TRÀNG

 

TẬP I
PHẦN BA
TỨ CHÚNG VÃNG SANH
(Tiếp theo)

DƯƠNG KIỆT

Cư sĩ Dương Kiệt, tự Thứ Công, người đời Tống, ở huyện Vô vi, nên tự hiệu là Vô Vi Tử. Trong niên hiệu Nguyên Phong, ông làm quan Thái thường, ban sơ mến thích Thiền tông, hằng đến pháp hội của Thiên Y Hoài thiền sư, tham cứu về cơ ngữ của Bàng cư sĩ. Đến khi phụng chiếu di tế ở đỉnh Thái Sơn, thấy vầng hồng mọc lên như chiếc mâm tròn rực rỡ, bỗng nhiên đại ngộ.

Cuối năm Hy Ninh, ông cư tang mẹ ở quê nhà, nhân lúc rảnh duyệt tạng kinh, liền quy hướng về Tịnh độ. Cư sĩ vẽ tượng Phật A Di Đà cao một trượng sáu, hằng đem theo mình để quán niệm. Thuở bình sanh có những trứ thuật, phần nhiều đều chỉ đạo về Cực Lạc. Ông từng viết lời tựa trong quyển Tịnh Độ Thập Nghi Luận của ngài Thiên Thai như sau:

“Ái tâm chẳng nhiễm nặng, thì không sanh ở Ta Bà. Niệm Phật chẳng chuyên nhứt tất không sanh về Cực Lạc. Ta Bà là cõi ác nhơ, Cực Lạc là miền đẹp sạch. Mạng sống ở Ta Bà có hạn, thọ số ở Cực Lạc không cùng! Nơi Ta Bà đủ các sự khổ, ít có niềm vui. Miền Cực Lạc phiền khổ chẳng còn, an vui vô lượng. Ở Ta Bà theo nghiệp luân hồi, không biết lúc nào được thoát ly. Cõi Cực Lạc một khi được sanh, tất không thối chuyển, lần lượt chứng đến quả đại giác. Nếu muốn hóa độ mười phương, tùy ý tự tại, không còn bị nghiệp buộc ràng. Xét qua hai cõi, các sự: ác nhơ, đẹp sạch, phiền khổ, an vui, mạng sống ngắn ngùi, thọ số dài lâu, mãi luân hồi, mau chứng ngộ, đều trái khác nhau, như thế mà chúng sanh mê mờ không biết, há chẳng thương xót lắm ư?

Đức Di Đà là bậc nhiếp thọ tiếp dẫn ở Cực Lạc. Phật Thích Ca là vị chi đạo Tịnh độ ở Ta Bà. Cho nên các giáo điển đại thừa của ngài, phần nhiều đều hết lời cặn kẽ khuyên bảo vãng sanh. Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí theo phụ trợ đức A Di Đà, cùng nương thuyền đại nguyện vào biển luân hồi, chẳng trụ bờ bên nầy bên kia cùng giữa dòng, mà làm việc tế độ. Cho nên kinh A Di Đà nói: “Nếu cố thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói Phật A Di Đà, niệm giữ danh hiệu, hoặc từ một ngày cho đến bảy ngày, một lòng không loạn. Kẻ đó đến lúc mạng chung, được Phật A Di Đà cùng các thánh chúng hiện ra ở trước. Người ấy khi mạng chung lòng không điên đảo liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà!” Kinh Vô Lượng Thọ cũng bảo: “Chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu ta, trồng các cội đức, hết lòng hồi hướng muốn sanh về nước ta, nếu chẳng được vãng sanh, ta thề không thành Chánh giác!” Cho nên khi xưa ở viện Vô Thường tại Kỳ Hoàn tinh xá, Phật dạy người bịnh nằm day mặt hướng phương Tây, tưởng sanh về Tịnh độ. Tại sao thế? Bởi đức A Di Đà phóng ánh sáng soi khắp pháp giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật không bỏ sót. Vì thánh phàm đồng một tâm thể, nên cơ cảm hợp nhau, có niệm tất có ứng. Cho nên chúng sanh trong tâm chư Phật, nếu biết quay về, mỗi niệm đều là Tịnh độ. Chư Phật trong tâm chúng sanh, ánh linh soi khắp, mỗi chỗ đều là từ bi.

Lấy đâu mà xét: người trí tuệ dễ vãng sanh, vì dứt trừ nghi hoặc. Người thiền định dễ vãng sanh, vì lòng không tán loạn. Người trì giới dễ vãng sanh, vì xa các nhiễm ô. Người bố thí dễ vãng sanh, vì xả bỏ của trần. Người nhẫn nhục dễ vãng sanh, vì không cưu mang oán hận. Người tinh tấn dễ vãng sanh, vì mau thành tựu tịnh niệm. Người không tạo thiện không tạo ác cũng dễ vãng sanh, vì một lòng quy hướng thuần nhứt. Người làm các điều ác, nghiệp báo đã hiện, cũng dễ vãng sanh, nếu biết thẹn sợ mà niệm Phật. Trái lại, kẻ tuy tạo các công đức lành, nếu không có lòng tín nguyện hồi hướng, tất không được vãng sanh vậy!

Ôi! Hiệu Di Đà rất dễ niệm, cõi Tịnh độ rất dễ sanh! Chúng sanh không muốn niệm, không cầu sanh, Phật dù xót thương cũng chẳng biết làm sao được? Vả chăng: tạo ác nghiệp đọa đường khổ, niệm Di Đà sanh cõi vui, hai điều ấy là lời Phật dạy. Chúng sanh chỉ lo sợ đọa địa ngục, mà nghi ngờ sự vãng sanh, há cũng chẳng mê lầm ư?

Trong năm Nguyên Hựu, ông làm quan Đề hình tại Lưỡng Triết, rồi mãn phần ở đó. Khi lâm chung, nói kệ rằng:

Sống vẫn không chi luyến
Thác cũng không chi xả
Giữa khoảng thái hư không
Mặc chi hồ giả dã!
Đem lầm đến sai khác
Cõi Tây phương Cực Lạc!

Trước đó, quan Hữu tư tham quân là Vương Trọng Hồi, người lân lý với Thứ Công, vẫn từng theo ông thọ học pháp môn Niệm Phật, có hỏi rằng: “Làm thế nào để được không gián đoạn?” Ông đáp: “Sau khi đã tin chắc chẳng còn nghi, tức là không gián đoạn!” Trọng Hồi nghe nói lãnh ngộ, vui mừng khấp khởi, từ tạ ra về. Năm sau, Thứ Công làm quan ở Đơn Dương, một đêm mơ thấy Trọng Hồi đến thưa rằng: “Trước kia nhờ ngài chỉ dạy về Tịnh độ, nay tôi đã được vãng sanh, nên đến đây tạ ân!” Nói xong đảnh lễ rồi lui. Mấy hôm sau, ông được thơ cáo phó của con Vương Trọng Hồi. Trong ấy, kể rõ cha mình dự biết ngày vãng sanh, có đi khắp nhà thân hữu từ biệt. Khi Thứ Công đã mãn phần, có Kinh Dương phu nhơn nằm mộng dạo chơi đến cõi Tây phương, thấy một vị thân tướng đoan nghiêm ngồi trên hoa sen, đội mão ngọc, đeo anh lạc, tà áo phất phơ theo gió nhẹ. Bà hỏi là ai, được cho biết là Vô Vi Tử Dương Kiệt.


CHUNG LY CẨN

Cư sĩ Chung Ly cẩn, người đời Tống, quê ở cối Kê. Bà mẹ là Nhậm phu nhơn tinh tu Tịnh độ, khi lâm chung khuyến tấn ông gắng niệm Phật. Chung Ly Cẩn từ đó cảm ngộ tu hành, nguyện mỗi ngày kiêm làm hai mươi điều thiện.

Sau ông làm quan ở Triết Tây, hằng cùng ngài Tuân Thức ở chùa Từ Vân luận về chỉ yếu vãng sanh, sự tu hành lại càng tinh tấn. Nhậm phu nhơn có lưu lại tượng Phật bằng gỗ chiên đàn, mà thường đội trên đầu để hành đạo, cư sĩ cũng tiếp tục noi theo gương của mẹ. Một hôm khi ông đang chiêm lễ, nơi giữa đôi mày của tượng Phật bỗng buông tuôn ra mấy hột Xá lợi.

Không bao lâu, ông được thuyên chuyển làm Tri phủ ở Khai Phong. Đêm nọ, vào lúc canh ba, cư sĩ bỗng thức dậy gọi người nhà bảo rằng: “Mẹ ta về báo mộng, bảo giở vãng sanh đã đến”. Đoạn, ông dạy nấu nước tắm gội, thay y phục, ngồi kiết già niệm Phật mà qua đời. Trước đó một ngày, cả nhà đều mộng thấy Chung Ly Cẩn ngồi trên hoa sen xanh, nhạc TRời vi nhiễu, nương nơi hư không mà bay về Tây.

Sau khi cư sĩ mãn phần, con ông là Cảnh Dung làm quan đến chức Triều thỉnh đại phu, cũng thường tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ, tu Niệm Phật tam muội. Không bao lâu, Cảnh Dung từ quan, về cất am tranh ở nơi vườn đông tu niệm. Ông từng nói kệ rằng:

Biết được Di Đà, A Di Đà, A Di Đà!
Không biết Di Đà, làm sao mà, làm sao mà?
Không biết Di Đà, Di Đà ngoài phương Tây xa
Biểt được Di Đà, Dì Đà chỉ tại nhà ta!

Một đêm, Cảnh Dung thỉnh vị tăng là Diệu Ứng tụng phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Ông ngồi nghe xong, khi cây hương vừa tàn, thì hai tay kiết ấn mà hóa.

Cháu nội của Chung Ly Cẩn là Tôn Tùng, ngụ ở Tô Châu, cùng Bảo Tích đại sư kiết liên xã niệm Phật. Sau Tôn Tùng cũng không bịnh, ngồi kiết già hướng về Tây chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.


MÃ VU

Cư sĩ Mã Vu, tự Trọng Ngọc, người đời Tống, quê ở Lư Châu, huyện Hiệp Phì. Cha ông là Trung túc công Mã Lượng, khi còn làm quan ở Hàng Châu, từng được Từ Vân sám chủ truyền dạy cho pháp môn Tịnh độ. Nhân đó cả nhà đều thờ Phật.

Trong năm Nguyên Phong, Mã Vu gặp vị tăng là Quảng Sơ trao cho quyển Thiên Thai Nghi Luận, xem xong mừng bảo: “Nay ta tìm được lối về rồi!” Từ đó hơn hai mươi năm, ông tu theo pháp Thập niệm hồi hướng. Sau lại được duyên tới lui thân cận cùng cư sĩ Vương Cổ, sự niệm Phật càng tinh tấn. Ông lần lượt làm quan trải qua mấy nơi: Truy Châu, Tân Định, hằng dùng đức từ huệ trị dân. Mỗi ngày cư sĩ đều tụng kinh chú và niệm Phật, lấy làm thường khóa. Ngoài ra hằng tu phóng sanh bố thí dùng để trợ hạnh

Bấy giờ, Kinh Dương phu nhơn, mộng đến cảnh liên trì, thấy một vị thân tướng đoan nghiêm, hỏi biết là Dương Kiệt; một vị nữa mặc triều phục ngồi trên hoa sen, hỏi ra là Mã Vu. Lúc ấy Dương Kiệt đã vãng sanh, Mã Vu hãy còn khỏe mạnh. Trong niên hiệu Sùng Ninh năm đầu, cư sĩ cảm bịnh nhẹ, tắm gội thay y phục, ngồi ngay thẳng niệm Phật mà hóa. Khi đó, người nhà đều thấy có vầng khói mây như chiếc lọng xanh, bay thẳng lên hư không mà đi. Đêm kế, toàn gia hơn mười người đồng nằm mơ thấy Mã Vu về nói: “Ta đã được sanh ngôi thượng phẩm ở Tịnh độ!”

Mùa thu năm ấy, có đứa tớ gái trong nhà cũng nằm bịnh niệm Phật mà vãng sanh. Con của cư sĩ là Mã Vĩnh Dật tu theo môn Thập lục quán và Thập niệm pháp hơn ba mươi năm. Sau Vĩnh Dật thọ bịnh, thấy Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát đến tiếp dẫn, ngồi ngay thẳng kiết ấn mà qua đời. Lúc ấy, hương thơm ngào ngạt đầy nhà. Khi tẩn liệm xong, trên linh cữu mọc lên hoa lạ năm sắc rực rỡ.


VƯƠNG CỔ

Cư sĩ Vương cổ, tự Mẫn Trọng, người đời Tống, ở Đông Đô, nguyên là tằng tôn của quan Tướng quốc Vương Văn Đáng. Gia tộc bảy đời đã giữ giới bất sát, đến phiên cư sĩ lại phát tâm phóng sanh một trăm muôn vật mạng.

Khi ông làm quan ở Giang Tây, từng cùng các bậc lão sư như: Hối Đường, Dương Kỳ nghiên tập về Thiền tông.

Cư sĩ có trứ tác quyển Trực Chỉ Tịnh Độ Quyết Nghi Tập, hoằng dương môn Niệm Phật. Lúc rỗi rảnh, tràng chuỗi chẳng rời tay, đi đứng nằm ngồi hằng tu tịnh quán không xen nghỉ. Ông có viết bài tựa quyển Tịnh Độ Bảo Châu Tập như sau:

“Chúng sanh tâm tịnh, thì cõi Phật tịnh, Pháp tánh vô sanh mà vẫn hằng sanh. Nay có đức Thế Tôn, hiện ở cõi Cực Lạc. Phật đó đang thuyết pháp, hiệu là A Di Đà. Nơi quốc độ ấy, duyên thắng màu đẹp, kiếp thọ lâu dài. Vị hóa chủ kia, bi nguyện rộng sâu, tiếp dẫn quần loại. Đức Phật ánh sáng vô biên, nhiếp thọ mười phương hàm thức. Cảnh trí nhiệm mầu đẹp sạch, trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn! Lưới châu giăng sáng giữa hư không, cây báu bày hàng trên mặt đất. Nước ao hàm tám đức, sen ngọc phóng muôn màu. Sáu thời nghe thiên nhạc thanh thao, ức cõi đem diệu hoa rải cúng. Chư Phật sáu phương đồng khen ngợi, chúng sanh mười cõi niệm nguyện nương về. Hàm thức trong tâm vô lượng, niệm niệm vãng sanh. Di Đà nơi tâm chúng sanh, hằng hằng nhiếp hóa. Chất gởi hoa sen, không lìa dương xứ. Thần chơi cõi tịnh, chẳng ngoại tự tâm. Như gương hàm muôn tượng, mà không có đến đi. Tợ trăng ấn ngàn sông, đâu phải là lên xuống! Pháp độ cơ viên đốn, đều là bậc Bổ xứ nhứt sanh. Cửa mở nẻo quyền thừa, bày sắp lớp Liên hoa cửu phẩm. Niệm Vô Lượng Quang trong bản tánh, xưa nay không niệm. Sanh An Dưỡng quốc của duy tâm, vốn thật chẳng sanh. Thoát vòng mê khổ, mười niệm siêu đến cảnh liên trì. Về cõi chân như, ba thừa kết chứng ngôi diệu giác. Đá to nhờ chuyên chở mà khỏi bị đắm chìm. Thuyền nhẹ thuận nước buồm, tất không điều trở ngại. Lúc mê mờ, đường tuy gần mà xa. Khi tỏ ngộ, nẻo không xa chẳng cách.

Thương ôi! Những kẻ học ít chướng nhiều, nghi sâu huệ cạn, hoặc bài bác niệm Phật cho là môn quyền tiểu, hoặc mê mờ Tịnh độ chẳng rõ có hay không? Họ đâu biết rằng: chê niệm Phật là chê Tổ Vĩnh Minh, Trí Giả; bác Tịnh độ là bác đại sĩ Long Thọ, Mã Minh! Những người ấy, không tin mình sẽ được thọ ký bồ đề, không chịu trở lại quê hương xưa bản giác. Thế rồi thân chim lồng cá chậu, vẫn mê mải nhởn nhơ; kiếp đuốc gió bóng câu, lầm tưởng mơ bền bỉ. Báo thân khi mãn, còn đâu là cuộc vui trần. Luân chuyển không cùng, uổng chịu vào nơi khổ thú! Đâu nghĩ đến: đấng Giác hoàng khuyên dạy, giọng kim khẩu hết lời. Mà để được: bạn thánh hiền trong sát na, đủ tướng hảo trong khoảnh khắc. Trước thọ lạc xa lìa ngũ trược, sau bi tăng cứu vớt tam đồ. Việc nầy mà thờ ơ, thật là đáng thương xót!”

Triều vua Huy Tôn, ông làm quan Hộ bộ thị lang, bị vu cáo mất chức, kế đó niệm Phật mà thoát hóa. Một vị tăng thần thức dạo chơi Tịnh độ, thấy có Vương Cổ cùng Cát Phiền đồng ngồi nơi hoa sen. Cát Phiền người ở Trừng Giang, làm quan đến chức Triều tán đại phu. Khi tại công thự hoặc tư gia, ông đều để một gian tịnh thất riêng thờ Phật. Một hôm đang lúc lễ tụng, Xá lợi từ hư không rơi xuống. Sau ông không bịnh, ngồi ngay thẳng day mặt về Tây niệm Phật mà qua đời.


HỒ YỂN

Cư sĩ Hồ Yển, tự Đại Phu, quê ở Tiền Đường. Đời Tống, ông làm quan Tuyên nghĩa lang. Lúc lớn tuổi trí sĩ thường cùng Thanh Chiếu Luật sư tới lui tham luận về đạo lý.

Một hôm ông cảm bịnh, sai con mời ngài Thanh Chiếu đến. Khi Luật sư tới thăm, có nhắc nhở rằng: “Bình sanh Đại Phu đã cùng Huệ Hanh nầy thân cận nhau, há chẳng rõ một việc lớn sau rốt đó ư?” Hồ Yển nói: “Có phải là tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh chăng?” Thanh Chiếu bảo: “Trong tất cả thời, cư sĩ đã được không một niệm nhiễm ô chưa?” Ông đáp: “Chưa được!” Luật sư nói: “Như thế thì đâu có thể luận đến việc tâm thanh tịnh cõi Phật thanh tịnh!” Hồ Yển hỏi: “Kinh nói: Xưng một câu A Di Đà Phật, diệt được tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử, là thế nào?” Thanh Chiếu đáp: “Đức A Di Đà có thệ nguyện sâu, oai đức lớn, phước huệ ánh sáng và thần lực đều không thể nghĩ bàn! Do đó nên khi xưng danh hiệu ngài, tội chướng tự tiêu. Như vầng nhựt rạng chiếu giữa trời, tuyết sương đâu còn nữa!”

Hồ Yển nghe nói cảm ngộ lớn, một lòng chí thiết xưng danh hiệu Phật. Lại sai con thỉnh chư tăng đến trợ niệm. Độ một tháng qua, cuối cùng Thanh Chiếu luật sư lại tới thăm. Cư sĩ bảo: “Ngài đến sao muộn thế? Đã phiền hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí giáng lâm từ lâu rồi!” Luật sư nghe nói, liền cùng chư tăng xưng danh hiệu Phật trợ niệm. Được một lúc, cư sĩ an nhiên mà qua đời.


NGÔ BỈNH TÍN

Cư sĩ Ngô Bỉnh Tín, tự Tử Tài, người đời Tống, quê ở Minh Châu. Trong năm Thiệu Hưng, ông làm quan tại triều, đối nghịch với thừa tướng Tần Cối, bị biếm truất, bèn từ chức về cất ngôi tĩnh am ở phía nam đô thành để tu dưỡng.

Từ đó, cư sĩ gác bỏ mọi việc, hôm sớm khi thì lễ Phật tụng kinh, lúc lại ngồi yên tĩnh niệm. Ồng sắm sẵn một chiếc quan tài, ban đêm sau thời khóa tụng, lại vào đó nằm, để nhớ rằng mình là người sắp chết mà chí tâm tu niệm. Cư sĩ có đặt lời ca, cắt phật sự cho một đồng tử y theo đó mà gọi mình thức giấc. Mỗi tinh sương cứ đến canh năm, đồng tử tới gõ vào quan tài, ca lên rằng:

Ông Ngổ Bỉnh Tín
Tỉnh mộng về ngay!
Ba cõi không yên chẳng nên ở
Tây phương Cực Lạc có liên đài!
Ông Ngô Bỉnh Tín
Tỉnh mộng về ngay!

Nghe gọi, cư sĩ liền thức dậy tụng niệm. Khi Tần cối chết, vua xuống chỉ triệu ông làm quan Lễ bộ thị lang, kế đó cải nhiệm sang trấn Thường Châu. Đên năm thứ 26 đương triều, lại bị triệu về kinh. Khi xe đến nhà trạm tại Túc Sơn, cả đoàn tạm dừng nghỉ. Giây phút, gia nhơn và kẻ tùy tùng bỗng nghe tiếng nhã nhạc du dương trên trời. Ông nhìn quanh bảo: “Ta vốn ở cõi thanh tịnh, vì sai một niệm lạc đến nơi nầy. Đài vàng đã chờ đón giữa hư không, ta sắp đi đây!” Nói xong, chắp tay niệm Phật mà hóa.


LỤC NGOẠN

Cư sĩ Lục Ngoạn, tự Tử Ngươn, người ở cối Kê, huyện Sơn Âm. Ông từng làm quan tại triều tới chức Thái phủ tự thừa, sau do lời sàm tâu của kẻ ganh ghét, đắc tội bị thuyên chuyển trấn nhậm bên ngoài.

Lúc lớn tuổi, Lục Ngoạn xin trí sĩ, về cất nhà bên dòng suối Hoành Khê tại Minh Châu, thường tụng kinh Pháp Hoa. Mỗi sáng sớm, ông thức dậy bảo nấu nước tắm gội sạch sẽ, rồi thay y phục, đốt hương lễ Phật, trước tiên đọc bài kệ rằng:

Sáng sớm rửa tay sắp chuyển kinh
Chẳng cầu phước lợi, khỏi tai tinh
Duyên đời đáng dứt thì cho dứt
Nhà lửa phù sinh tạm múa hình!

Kế đó, giở kinh ra tụng, tiếng không hưỡn không gấp, liên tiếp như tràng chuỗi, mỗi ngày xong một bộ. Như thế giữ bền đến ba mươi năm. Khi được tám chục tuổi, mỗi ngày tụng tăng lên ba bộ kinh Pháp Hoa, lại kiêm niệm Phật, quyết chí cầu về Tây phương. Đến tám mươi lăm tuổi, một hôm ông tắm gội thay y phục, ngồi niệm Phật mà hóa. Lúc ấy từ mũi miệng đều bay ra hương sen thơm bát ngát, trọn ngày mới dứt. Bấy giờ nhằm niên hiệu Thiệu Hy thứ năm đời Tống.


TIẾNG GỌI VÔ THƯỜNG

XUÂN KHÚC
Mưa xuân phới nhẹ, khí xuân hòa
Liễu biếc đào hồng sắc thắm khoe
Bướm tím bay vơ vẩn
Ong vàng gọi nhắn nhe!
Cách mái hoàng oanh hót
Bên rừng du khách mơ!
Xuân có lúc tàn, người sẽ cỗi
Sớm chầy rồi tới chớ thờ ơ!

HẠ KHÚC
Tiết hạ hồ tây sen nở hoa
Nở theo hỏa lựu sáng bên nhà!
Gió sớm hây hây thổi
Mưa chiều đậm đậm sa!
Sáng tối mau như thoáng
Trẻ thơ mấy lúc già
Cảnh vật, thân người thay đổi mãi
Bến thuyền giải thoát kíp sang qua.

THU KHÚC
Thu đến trời quanh cảnh sắc thanh
Mây nhàn lơ lừng dãy non xanh.
Bóng nhạn về quê cũ
Hơi quyên gọi cuối cành
Rừng lau ngời bạc trắng
Khóm cúc nụ vàng anh.
Tiết muộn khuyên người trong cảnh muộn
Quay đầu tỉnh mộng thoát mê thành!

ĐÔNG KHÚC
Gió đông vi vút, khí đông hàn
Muôn dặm rừng cây lá rũ tàn.
Nước non màu lặng lặng
Sương tuyết trắng mang mang
Dắn dõi chim nha gọi
Lạnh lùng ông lão than!
Thời tiết chuyển xoay người cũng thế
Sanh, già, bịnh, chết sớm lo toan!


TRẦN TOẢN

Cư sĩ Trần Toản, tự Đình Lỏa, người ở Giang Nam, xứ Thường Thục. Ông đỗ tiến sĩ vào năm Gia Tĩnh thứ ba mươi lăm đời Minh, làm quan Hình khoa cấp sự trung. Sau đó thẳng lời can gián, bị bãi chức.

Về nhà, ông một lòng tu tịnh nghiệp, sớm hôm siêng cần tụng niệm. Ngày nọ, có vị thiền khách đến thăm, quở rằng: “Ông không nghe đức Lục Tổ Huệ Năng luận về lý bình đẳng của Duy tâm tịnh độ ư? Tại sao lại còn chán cảnh nhơ cầu cảnh sạch như thế?” Cư sĩ đáp: “Lý Duy tâm tịnh độ tuy thốt lời từ Lục Tổ, nhưng không phải ngài nói ra trước tiên. Khi xưa đức Thích Tôn cũng đã từng bảo: – Tâm nầy làm Phật, thì tâm nầy chính là Phật. Lục Tổ sợ người đời đem tâm không thanh tịnh mà cầu Tịnh độ, nên mới nói lời ấy, chớ chẳng phải quốc độ không có cõi nhơ,và sạch đâu! Vả lại chỗ đáng ưa thích của cõi Cực Lạc, chẳng phải chỉ có mưa hoa lầu ngọc, sen nở ao quỳnh, chim nói pháp âm, lưới châu reo nhạc, mà còn bạn cùng thánh hiền ngao du học đạo. Trên được Phật, Bồ Tát phóng quang gia bị, thọ số trải vô lượng kiếp, mau chứng vô sanh pháp nhẫn, sớm thành tựu đạo bồ đề. Rồi khởi lòng bi nguyện hiện thân trong vô biên cõi nước, độ vô số chúng sanh. Đó mới thật là điều đáng vui ưa vậy! Ngài dùng môn thiền của ngài ưa cõi nhơ, tôi lại dùng môn thiền của tôi thích cõi sạch. Về thiền thì không phân biệt ngài với tôi, về ưa thì không thật có nhơ cùng sạch. Cho nên ngài không có lý chi để chê trách tôi được!”

Đầu năm Long Khách, ông được triệu giữ chức Lại khoa. Trong niên hiệu Vạn Lịch, thăng đến chức Hình bộ thị lang. Tháng bảy năm thứ mười sáu niên hiệu ấy, ông cảm bịnh. Theo lệ các quan Cố sự đại thần ở kinh sư từ tam phẩm trở lên, vào mùa nắng mỗi ngày vua có ân tứ cho một khối băng to để thanh lương. Khi đem khối băng để trước giường ông, người nhà cùng kẻ hầu cận đều thấy trong ấy nổi lên tháp báu bảy từng, cửa ngọc linh lung, xung quanh có câu lơn bao bọc. Giây phút băng lần tiêu, bóng tháp lần nhỏ. Khi băng tan tháp mất, xem lại thì cư sĩ đã qua đời.

Chuyện lạ nầy được người ở kinh đô truyền tụng một thời.


NGU THUẦN HY

Cư sĩ Ngu Thuần Hy, tự Trưởng Nhu, người ở Tiền Đường, lúc mới sanh ra nằm ngửa tỉnh táo không nhắm mắt. Khi lên ba tuổi, miệng niệm Phật chẳng ngớt, thường thấy hoa sen cây báu hiện ở trong nhà. Thuần Hy đem cảnh giới ấy thuật lại, thì bà nội bảo: “Đó là tướng đẹp lành ở Tây phương!” Rồi nhân đó bà dạy cho tập định. Từ đấy ông thường ngồi kiết già ngay thẳng, sụp đôi mi mắt. Em là Thuần Trinh, tự Tăng Nhu, cũng có căn lành Phật pháp, lúc tuổi trẻ cùng ông rất tương đắc. Khi thọ tang mẹ, cả hai đồng tu pháp Thiên Thai Chỉ Quán.

Lớn lên, Thuần Hy làm thầy dạy trẻ trong làng, thường chỉ bảo học trò tập môn Tỷ quán. Việc nầy làm cho người chủ nhà trọ bất mãn, nhưng ông chẳng mấy để tâm. Kế đó đỗ kỳ thi hương, rồi dời đến Tỷ Sơn dạy học. Ông từng cùng bạn đồng xã tụng Lương Hoàng Sám, cảm mây lành quanh trong nhà, ánh sáng lạ chiếu vào thất, cam lộ rơi phơi phới ướt vách, trời mưa xuống lúa vàng nếp đen cùng hương Trầm thủy. Lúc ấy đang tiết đông mà trăm hoa đều đua nở xung quanh. Thuần Hy cảm điềm linh dị, tu tập định lực càng bền chắc, nên có thể dự biết trước mọi việc. Vân Thê đại sư nghe được chuyện ấy, răn nhắc rằng: “Đó chỉ là cảnh giới lành tạm hiện, nếu tự cho là chứng đắc, tất sẽ lạc vào lưới ma?”  ‘

Năm Vạn Lịch thứ mười một đời Minh, ông đỗ Tiến sĩ, vì tang cha, về cất lều bên mộ thủ hiếu ba năm. Nhân dịp rảnh, lại đến thọ quy giới cùng ngài Vân Thê. Lúc ở nhà mộ gần núi, mỗi ngày ông đều cơm canh thí cho loài nai thỏ, có hổ báo đến liền thét quở đuổi đi. Khi mãn tang cư sĩ tựu chức” làm quan Phương ty chủ sự. Không bao lâu, lại xin cáo thối, lên non Thiên Mục ngồi trước tử quan của Cao Phong Diệu thiền sư thuở xưa, ngày đêm tham thiền. Đến ngày thứ hai mươi mốt, trong người mệt mỏi vừa muốn tạm nằm nghỉ, chợt như mơ thấy Cao Phong Diệu thiền sư chém đứt cánh tạy trái, bỗng rỗng rang đại ngộ. Ông đem cảnh giới ấy cầu chứng với ngài Vân Thê . Đại sư bảo: “Phàm người mới thức tỉnh, nếu không chỗi dậy chải gỡ bịt khăn, mà còn nằm yên trong chăn gối, tất trở lại mơ màng. Kẻ mới ngộ đạo cũng thế, nếu chẳng gắng tự trang nghiêm, mà còn gần nơi uế trược, tất sẽ mê trở lại. Măng non dễ bị bẻ gãy, hoa sen gần lửa dễ bị héo. Ông phải tự lo liệu, chớ vì được một điểm ánh sáng nhỏ, mà làm trở ngại sự tiến tu của mình!” Nhân đó, đại sư khuyên cư sĩ nên niệm Phật hồi hướng về Tịnh độ, để nối tiếp nhân lành đời trước. Thuần Hy lễ tạ, nguyện trọn đời tuân hành.

Có kẻ đến chơi, bảo mình không tin sự niệm Phật. Cư sĩ nói: “Giác ngộ mình, giác ngộ người, hạnh giác ngộ đầy đủ, gọi là Phật. Niệm Phật chính là niệm giác ngộ vậy. Mỗi niệm không thường giác ngộ, mà để thường mê, như thế có nên chăng? Chim đỗ nơi gò nông cây cao, người ở trong xóm làng đất nước. Không đậu nơi đất lành, mà ở nơi chẳng lành, như thế có nên chăng? Sự niệm Phật và cầu về Cực Lạc, chính là đi đến chỗ giác ngộ cùng sanh nơi đất lành để bảo đảm sự giác ngộ đó vậy!” Kẻ ấy như chợt tỉnh, bái tạ ân cần hỏi về cách thức niệm Phật. Cư sĩ đáp: “Trong mỗi câu hồng danh phải đề tỉnh chánh niệm, cứ giữ tiếp tục như thế mà thôi. Bởi trăm ngàn phương tiện, cũng chỉ ở một chữ “giác”. Nếu cứ giữ mỗi niệm A Di Đà, tức Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, thì làm sao chẳng vào được tri kiến của Phật? Người học đạo chính vì cầu thoát ly sự sống chết luân hồi. Nếu mỗi niệm cứ giữ như thế, thì làm sao không thoát ly được?”

Không bao lâu, ông lại được triệu giữ chức Chủ khách ty viên ngoại lang. Kế đó cải tiến lên chức Tư huân. Nhưng được một lúc cư sĩ cũng lại xin về, cùng em là Thuần Trinh ẩn dật di dưỡng tánh tình, ngao du sơn thủy. Bấy giờ ngài Vân Thê đang giảng kinh Viên Giác ở Nam Bình. Đại sư xướng lập Phóng Sanh Xã, quyên tiền đào Vạn Công Trì. Hàng tăng tục vài muôn người đều nương về hiệp trợ, tiếng tụng kinh niệm Phật vang dội núi rừng. Anh em Thuần Hy có công lớn trong việc xướng suất số đông hàng danh nho thanh sĩ, tham dự pháp hội ấy. Kết cuộc công thành, đào được ba đầm Phóng Sanh có bờ đê ngăn giữ và cất được nhiều nhà gác, để thả các loài chim cá.

Xong mọi việc, Thuần Hy vào ẩn trong núi Nam Bình. Thuần Trinh cũng ẩn tu nơi non Linh Thứu. Hai anh em quyết dùng khoảng đời dư thừa, chuyên niệm Phật để thành tựu sự vãng sanh, không còn xuất hiện nữa.


THÁI THỪA TRỰC

Cư sĩ Thái Thừa Trực, tự Hòe Đình, người ở Nhu huyện, tỉnh Hồ Quảng. Ông tánh tình cô tịch, hằng lợt lạt với lợi danh. Khi tuổi hơn hai mươi, đã biết trường trai thờ Phật. Cư sĩ thường tụng kinh Tam Thiên Phật Danh, mỗi ngày ghi nhớ ba danh hiệu, đến ba năm đã thuộc lòng tất cả, trọn đời không quên.

Năm Vạn Lịch thứ mười một đời Minh, ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Thái thú tại Thiệu Hưng. Tuy ở chức quan, nhưng mỗi ngày cư sĩ vẫn tụng vài quyển Kim Cang Bát Nhã. Trong tịnh thất không cất chứa để vật chi quí, chỉ có lò hương bàn kinh mà thôi. Ông từng trùng tu chùa Cổ Lăng Nghiêm, cấm dân gian sát sanh tế thần. Lúc rãnh rỗi, thường đến hỏi Phật pháp nơi ngài Vân Thê, và chuyên tu Niệm Phật tam muội. Sau lần được thăng đến chức Thái thường tự khanh, rồi dâng sớ xin về hưu dưỡng.

Lúc lớn tuổi, cư sĩ cất ngôi thảo am, để làm cơ sở cho hội Niệm Phật, dẫn dắt hàng nông công ở thôn quê đồng hồi hướng về Tịnh độ. Ông có làm bài kệ từ tạ kẻ thăm viếng như sau:

Lữ khách nhớ quê An Dưỡng
Hủ nho ngự bến sông Tương.
Chẳng quản nay mai đẳc thất
Chỉ chờ tin tức Tây phương.
Thất nhỏ tùy duyên tạm ở
Canh rau đạm bạc quen thường.
Trâu ngựa mặc ai chê gọi
Nơi lòng tuyệt niệm ghét thương!

Mấy năm suy yếu sắp mãn phần, ông tự hiệu là Bất Cửu đạo nhơn. Đến lúc vương bịnh, cư sĩ bảo người nhà võng mình tới chùa, thỉnh chư tăng làm lễ xuống tóc. Khi về tới ngọa thất, ông thấy thánh chúng bưng đài bạc đến tiếp dẫn, liền chắp tay liên tiếp xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi qua đời. Cư sĩ có soạn mấy quyển Tịnh Độ Thi và Nhân Quả Tập, được lưu hành ở đời.


VIÊN HOẰNG ĐẠO

Viên Hoằng Đạo, tự Trung Lang, hiệu Thạch Đầu cư sĩ, người ở huyện Công An, tinh Hồ Bắc. Anh là Tông Đạo, tự Bá Tu, hiệu Hương Quang cư sĩ. Em là Trung Đạo, tự Tiểu Tu, hiệu Thượng Sanh cư sĩ. Ba anh em đồng một mẹ, lúc thiếu thời đều nổi tiếng văn tài, lớn lên cùng ưa thích Thiển tông. Trong niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, ba anh em trước sau lần lượt đều đỗ Tiến sĩ. Bá Tu làm quan đến chức Hữu giá từ, Tiêu Tu làm quan đến chức Lễ bộ lang trung. Sau hai anh em đều xin về quê hưu dưỡng, sớm hôm siêng cần lễ tụng.

Riêng phần Trung Lang, tức Hoằng Đạo, sau khi thi đỗ, được bổ làm Tri huyện ở Ngô Giang. Ông xử việc án tụng rất sáng, lẹ quyết đoán. Khi rảnh việc công, lại ưa ngao du sơn thủy. Sau được thăng lên chức Lễ bộ chủ sự, chẳng bao lâu cáo bịnh xin về nghỉ. Cư sĩ có lập ra một khu vườn ở thành nam, trồng cả muôn cây liễu xanh tốt. Khi gió thổi qua, đứng trên lầu cao, thấy ngọn liễu uốn dợn như ngàn đợt sóng, tiếng chim oanh cùng các phi cầm đua nhau kếu hót bên trong. Ông gọi cảnh trí nầy là Liễu lăng đấu oanh, thường cùng các văn nhơn thiền khách du lãm trong đó, khi thì uống rượu ngâm thi, lúc lại luận bàn đạo lý. Ban sơ, cư sĩ học thiền với Lý Trác Ngô, tín giải thông suốt, biện tài không ngại. Sau tự nghiệm xét, thấy dù huyền luận dọc ngang, cũng chỉ là lời nói xuông, không có chi lợi ích thiết thật, mới hồi hướng về Tịnh độ, sớm hôm sám hối lễ niệm, kiêm giữ gìn giới cấm. Bá Tu và Tiểu Tu cũng đồng phát tâm niệm Phật. Cư sĩ tuyển trong các kinh giáo, viết ra bộ Tây Phương Hiệp Luân. Trong ấy bàn tánh tướng đến chỗ viên dung, đi sâu vào pháp môn Bất Nhị. Xin lược trích vài đoạn thiết yếu như sau:

Trong năm thứ Hành môn, thứ nhứt là Tín tâm hạnh. Kinh nói: “Niềm tin là bước đầu vào đạo, là mẹ các công đức”. Thế nên đức tin là chánh nhân của tất cả hạnh. Cho đến khi tròn mãn quả bồ đề, cũng chỉ hoàn thành tín căn ấy mà thôi. Như mụt măng non khi thành cây tre cao vút, trước sau cũng chỉ là một gốc. Các Bồ Tát mới phát tâm, không vị nào chẳng nương nơi sức tin mà được thành tựu. Trong Liên tông, lòng tin lại là cội gốc. Vậy phải tin như thế nào?

– Một là tin Căn bản trí và Bất động trí của Phật A Di Đà cùng mình không khác. Như khoảng thái hư, mặt trời rọi thì sáng, mây kéo che thì râm tối, nhưng hư không vẫn không có tánh sáng tối. Lại nên hiểu mặt trời cùng mây chẳng ngoài thể của hư không.

– Hai là tin Phật A Di Đà tu tập các hạnh trong vô số kiếp, làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn, ta cũng có thể làm được. Tại sao thế? Bởi từ trước trong vô số kiếp, khi ta bị chìm đắm ở ba ác đạo, chịu vô lượng sự khổ về thân tâm, khi thì mang lông đội sừng, lúc lại đọa nơi vạc dầu giường lửa. Những sự khổ vô ích như thế, ta đã từng trải qua và nhẫn chịu được; huống chi là muôn hạnh độ mình độ chúng sanh của Bồ Tát, ta há chẳng thể làm ư?

– Ba là tin Phật A Di Đà có vô lượng trí huệ, thần thông, thành tựu vô lượng nguyện lực cùng mọi việc, ta cũng sẽ được … Bởi trong tự tánh phương tiện của Như Lai, có đủ những việc không thể nghĩ bàn như thế. Lại bởi ta cùng Như Lai đồng một thể tự tánh thanh tịnh vậy.

– Bốn là tin Phật A Di Đà không đi không lại, ta cũng không đi không lại, cõi Cực Lạc và Ta Bà chẳng cách một đầu lông, muốn thấy liền thấy. Tại sao thế? Vì hai cõi đồng ở trong một thể chân tâm không phân biệt kia đây. Lại vì tất cả chư Phật đều lấy pháp tánh làm thân và độ vậy.

– Năm là tin Phật A Di Đà tu hành trải qua vô lượng vô biên kiếp cho đến khi thành đạo, vẫn không lìa một sát na, ta cũng không lìa một sát na mà địa vị ngang hàng với chư Phật. Tại sao thế? Bởi thời gian là huyễn hóa không thật, nhiếp về nghiệp hư vọng phân biệt. Trong biển pháp giới, tìm cái thật của nghiệp không thể được. Tin hiểu như thế là sơ tâm bước vào đạo, là tín hạnh Tịnh độ của tất cả chư Phật.

*… Thứ ba là Lục độ hạnh. Khởi Tín Luận nói: “Bồ Tát hiểu sâu sự tu hiện tại của mình vốn lìa tướng. Vì biết thế của chân tâm lìa tham lam bỏn sẻn, nên tùy thuận tu hành Bố thí ba la mật. Vì biết thể của chân tâm không ô nhiễm, lìa sự lỗi lầm của năm điều dục lạc, nên tùy thuận tu hành Trì giới ba la mật. Vì biết thể của chân tâm không khổ, lìa phiền não giận hờn, nên tùy thuận hành Nhẫn nhục ba la mật. Vì biết thể của chân tâm không có tướng thân tâm, lìa sự biếng trễ, nên tùy thuận tu hành Tinh tấn ba la mật. Vì biết thể của chân tâm yên tĩnh, không tán loạn, nên tùy thuận tu hành Thiền định ba la mật. Vì biết thể của chân tâm sáng suốt, lìa vô minh, nên tùy thuận tu hành Bát nhã ba la mật”. – Người tu Tịnh độ trong một câu niệm Phật, có đủ cả sáu môn như thế. Niệm niệm xả lìa, tức là Bố thí. Niệm niệm thanh tịnh, tức là Trì giới. Niệm niệm vắng lặng không phân biệt kia đây, người và cảnh, tức là Nhẫn nhục. Niệm niệm nối tiếp không gián đoạn, tức là Tinh tấn. Niệm niệm quy nhứt, tức là Thiền định. Niệm niệm trong sáng, tức là Bát nhã. Sáu hành môn này đều từ câu niệm Phật mà lưu xuất, chánh và trợ không hai, sự cùng lý chẳng khác. Cho nên hạnh niệm Phật gồm tất cả hạnh, vì đó là Nhứt tâm pháp môn, vì ngoài tâm không có các hạnh vậy. Nếu bỏ các hạnh, tức là bỏ tâm, bỏ sự tức chẳng thành lý …”

Không bao lâu, Hoằng Đạo được triệu giữ lại chức cũ, lần lần thăng tiến đến ngôi Huân ly lang trung. ít lúc sau lại cáo bịnh xin ngỉ, về nhà chẳng mấy ngày, liền vào thành Kinh Châu ở trọ trong chùa tăng tu niệm, rồi không bịnh mà qua đời.

* Trung Đạo tức Tiểu Tu, sau khi về hưu, sớm hôm tinh cần niệm Phật. Một đêm, nhằm ngày rằm tháng mười năm Giáp Dần, vào niên hiệu Vạn Lịch thứ 42, khi khóa tụng xong, ông tĩnh tọa, cảm biết hình thần thanh sáng. Bỗng chợt có trạng thái như vào thiền định, thần thức vượt lên khỏi nhà, nương mây bay đi. Hai bên có đồng tử phò trợ, bảo: “Hãy theo chúng tôi!” Rồi đưa đi về phương Tây lẹ như chim bay. Trông chung quanh, ánh trăng vẫn sáng tỏ, gương nga lồ lộ giữa trời. Nhìn xuống dưới thấy núi, đầm, ruộng, nương, thành ấp, làng xóm, nhỏ như đống đất, chén nước, chòm ong, tổ kiến. Khi sa thấp xuống một chút, nghe mùi tanh hôi bốc lên, liền gắng sức vượt thẳng lên cao mới cảm thấy thanh nhẹ. Lần lần bay nhanh như chớp, trải qua không bao lâu, hai đồng tử bỗng hô lên bảo: “Dừng lại!” Rồi cùng đáp xuống đất.

Tiểu Tu nhìn quanh, thấy đường ngay như giây giăng, mặt đất bằng phẳng sáng chói trơn nhuần, chẳng phải chất cát đá. Dọc theo bên đường có đầm ao bề ngang rộng hơn mười trượng, thêm ao bằng bảo thạch có lằn như như viên chạm. Trong ao hoa sen năm sắc đua nhau tươi nở, thơm đẹp khác thường. Dài theo bờ ao có hàng cây sáng chói, các thứ chim lạ hòa nhau kêu thanh. Cách khoảng lại có cầu bằng vàng ngang qua ao làm ranh giới. Câu lơn liên tiếp làm mé thành cầu. Sau hàng cây bên bờ kia, có lầu các xinh lạ khó sánh ví. Người trong lầu có tướng mạo đều thanh sáng, tươi đẹp như thiên tiên, nhìn Tiểu Tu mà mỉm cười. Hai đồng tử đi mau, cư sĩ đuổi theo không kịp, vội kêu lên rằng: “Xin tạm đứng trên cầu đợi tôi một chút!” Hai đồng tử y lời, ông mới bước theo kịp, cùng dựa lan can báu của cầu tạm dừng nghỉ. Tiểu Tu vòng tay hỏi: “Xin được hân hạnh cho biết hai vị là ai? Đây là nơi nào?” Một đồng tử đáp: “Chúng tôi là thị giả cùa Linh Hòa tiên sinh, ngài muốn cùng ông gặp gỡ nói đôi chuyện, nên bảo đến đón tiếp”. Cư sĩ lại hỏi: “Tiên sinh là bậc người thế nào?” Đáp: “Ngài chính là Lịnh huynh, Viên Hoằng Đạo tự Trung Lang đấy. Sau khi gặp mặt ông sẽ tự biết, hiện thời chúng ta phải kíp đi đến nơi!” Nói xong cùng qua cầu theo đường tới một khu có hơn ngàn cội cây to, lá chất phỉ thúy, hoa cánh hoàng kim. Sau vùng cây có ao to rộng, qua cầu ao có cửa bằng bạch ngọc, một đồng tử đẩy cửa tiến vào trước. Đồng tử kia dẫn Tiểu Tu đi qua hơn hai mươi lớp lầu các, kim sắc chói rực rỡ, hoa linh cỏ lạ phơ phất bên thềm. Khi tới dưới toa lầu nọ có một vị thần thái tợ Trung Lang, mặt sáng như ngọc, áo tợ ráng mây, cao hơn trượng, bước đến đón rước, mừng rỡ bảo: “Em đã tới đó ư?” Rồi dắt tay lên lầu, trên đó có bốn năm vị tướng trạng như thiên nhơn, ngồi xung quanh. Trung Lang nói: “Đây là cảnh biên địa ở Tây phương. Nhưng hành giả niệm Phật, tín giải chưa thành, giới châu chưa trọn, phần nhiều sanh về chốn nầy. Nơi đây cũng gọi là Giải Mạn Quốc (xứ của người tu còn bê trễ). Phương trên có lâu đài của Hóa Phật, trước lầu có ao to rộng hơn trăm do tuần, trong ao có sen báu. Chúng sanh mười phương sanh về gởi chất nơi hoa sen-ấy, đúng kỳ hoa nở, chia nhau đi ở các lầu đài, cùng các bạn tu tịnh có duyên tụ hội nhau. Do không có mỵ sắc dâm thanh, nên thắng giải dễ thành, chẳng bao lâu tu tiến lên sanh vào chánh quốc ở Cực Lạc!” Tiểu Tu thầm nghĩ: “Cảnh đẹp như thế, mà hãy còn là biên địa ư?” Nhân đó hỏi: “Anh sanh về chỗ nào?” Trung Lang đáp: “Anh tịnh nguyện tuy tha thiết, song tình nhiễm chưa dứt trừ, ban sơ sanh về nơi đây ít lâu, nay thì đã được Tịnh độ. Nhưng do thừa gấp giới hưỡn, nên chỉ thuộc hàng địa cư, không được cùng bậc đại sĩ ở lầu các giữa hư không, còn phải tiến tu thêm nữa. Rất may lúc còn tại Ta Bà, nhờ trí huệ mãnh lợi, anh từng soạn bộ Tây Phương Hiệp Luận, khen ngợi công đức độ sanh không thể nghĩ bàn của Như Lai nên cảm báo được bay đi tự tại, dạo chơi các quốc độ. Chư Phật nói pháp, đều được đến nghe, đây thật là điều thù thắng!”

Nói xong, nắm tay Tiểu Tu bay lên hư không, phút chốc vượt ngàn muôn dặm, rồi đáp xuống một chỗ. Nơi đây không ngày đêm nhật nguyệt, ánh sáng rực rỡ chẳng bị ngăn che. Đất lưu ly trong ngoài chói suốt, trụ giây hoàng kim thất bảo giao xen ngăn chia ranh giới. Cây đều là thứ Chiên đàn, Cát tường, hàng hàng đối nhau, gốc gốc trông nhau, vài muôn ngàn lớp. Mỗi mỗi lá mọc ra các hoa đẹp mầu, màu sắc dị bảo. Bên dưới cây là ao báu, vô lượng đợt sóng gợn, tự nhiên phát ra tiếng pháp mầu. Đáy ao lót thuần bằng cát kim cương. Trong ao sen báu muôn mầu phóng ánh sáng dị sắc. Dọc theo hàng cây bờ ao, lầu các nguy nga quanh lộn ẩn hiện, hiên thềm nhô ra, cột đỡ mái cong, cửa lớn cửa song giao chiếu, câu lơn báu quanh vây bao bọc, thảy đều đầy đủ. Xung quanh lầu các có treo vô lượng nhạc khí, tự khua động diễn các pháp âm. Những điều ghi chép trong kinh A Di Đà và Vô Lượng Thọ, so với đây mười phần chưa được một. Ngước nhìn lên, nhiều lầu các lơ lửng giữa hư không, đẹp huyền ảo giữa những vầng mây ráng. Trung Lang bảo: “Chỗ em thấy là quang cảnh của hàng địa cư chúng sanh ở Tịnh độ. Qua khỏi chốn nầy là nơi ở của chư pháp thân đại sĩ, cảnh trí còn đẹp mầu ngàn muôn phần gấp bội hơn đây. Thần thông của các vị ấy cũng ngàn muôn phần bội hơn. Anh nhờ huệ lực có thể đến dạo chơi, mà không được ở. Khỏi nơi đó là chỗ cư trú của bậc Thập địa cùng Đẳng giác Bồ Tát, anh không thể đi đến và hiểu biết được. Xa hơn nữa, là cảnh giới của đấng Diệu giác, duy Phật cùng Phật mới có thể thấy biết!”

Nói xong, lại cùng bay đến một chỗ, điện các chói sáng khác thường, chẳng biết làm bằng chất gì. Cảm thấy hoàng kim bạch ngọc sánh với thứ báu nầy, dường như là sắc đất. Nơi đây không thành quách, chỉ có lan can bao bọc. Hai người cùng ngồi dưới lầu trò chuyện, Trung Lang nói: “Anh không ngờ cảnh lại đẹp vui cùng cực như vầy! Giả ủ khi ở Ta Bà, anh giữ giới luật thêm tinh nghiêm, thì sự thọ lạc chẳng phải như thế mà thôi đâu! Đại để trước nhất, thừa giới đều gấp, sanh phẩm rất cao. Thứ nữa, là giới gấp, sanh phẩm rất ổn (Thừa gấp: tâm giải ngộ sâu sắc. Giới gấp: sự giữ giới tinh nghiêm). Nếu có thừa mà không giới, phần nhiều bị sức nghiệp lôi kéo, sanh vào hàng Bát bộ quỉ thần. Những bạn đồng tu lâm vào cảnh nầy, anh đã trông thấy rất nhiều, về phần em, khí phần Bát nhã tuy sâu song sức giới định rất kém. Nếu giải ngộ lý mầu mà không sanh giới định, cũng thuộc loại cuồng huệ mà thôi! Khi trở về Ta Bà, em phải nhân lúc còn mạnh khỏe mà thật ngộ thật tu, giữ tịnh nguyện cho tha thiết, siêng làm phương tiện giúp người, thương xót tất cả, chẳng bao lâu sẽ có lúc cùng hội ngộ. Nếu lơ là để lạc vào đường khác, thì thật là đáng kinh đáng sợ! Như chưa thể giữ giới hoàn toàn, hãy tuân hành theo pháp Lục trai của ngài Long Thọ cũng được. Trong các giới, sát giới rất quan yếu. Xin gởi lời nhắn nhủ bạn đồng tu: Chưa có ai mỗi ngày tay cầm dao giết, miệng tham vị ngon, mà được sanh về cõi Cực Lạc! Dù cho có tài thuyết pháp như mưa sa mây cuốn, đối với sự tinh tu nếu không thật hành, cũng là vô ích! Anh cùng em từ thuở Phật Không Vương đã nhiều đời làm huynh đệ, cho đến khi luân hồi sáu cõi cũng đều như thế! Nay may mắn anh đã được về chỗ tốt, sợ em bị lạc vào ác đạo, nên phải dùng sức thần thông phương tiện, đem đến đây khuyên bảo. Bấy giờ báo nghiệp giữa hai cõi tịnh và uế khác nhau em không thể ở lâu được!

Tiểu Tu vội hỏi về chỗ sanh của Bá Tu cùng cậc đồng bạn đã mãn phần. Trung Lang đáp: “Nơi sanh của anh Tông Đạo và các vị đều tốt, về sau em sẽ tự rõ!” Nói xong, liền vượt lên hư không mà bay đi. Tiểu Tu đứng lên bước chậm rãi theo bờ ao ngoạn cảnh, bỗng như trượt té xuống nước, kinh hãi giật mình tỉnh lại. Lúc ấy cả thân xuất hạn, nhìn lại ngọn đèn tàn còn trên giá, ánh trăng sáng vẫn chiếu song, thời khắc đã sang canh tư. Liền vội lấy giấy bút ghi chép thiên “Tịnh Quốc Du Ký” nầy.

Trước kia, Tông Đạo có con trai tên Viên Đăng mới mười ba tuổi, bị bịnh uất hơi sắp mãn phần. Đứa bé nói với Hoằng Đạo rằng: “Cháu sắp chết, chú làm sao cứu cháu?” Trung Lang bảo: “Cháu chỉ chuyên niệm Phật, tất sẽ được sanh về cõi Cực Lạc. Nơi đây là cảnh ngũ trược không đủ để luyến tiếc!” Đứa bé liền chắp tay liên tiếp niệm Nam mô A Di Đà Phật, hàng quyến thuộc cũng đồng thanh trợ niệm. Giây phút nó cười nói: “Cháu thấy một hoa sen sắc hơi đỏ”. Niệm thêm giây lát, lại bảo: “Hoa đã lần lần lớn, sắc tươi sáng, đẹp không thể tả!” Trong khoảnh khắc, lại nói: “Đức Phật đã đến, tướng tốt quang minh, thân cao lớn chật cả nhà!” Giây phút, nó thở hơi gấp. Tông Đạo bảo: “Để người nhà trợ niệm, con chỉ xưng một chữ “Phật” sau chót cũng được”. Viên Đăng xưng Phật vài tiếng, chắp tay mà qua đời. .


KIM QUANG TIỀN

Cư sĩ Kim Quang Tiền, người đời Thanh, gốc Mãn Châu, xuất thân trong hàng quân ngũ. Ông ưa làm thiện, hằng răn cấm các binh sĩ:

1. Không được chém giết bừa bãi.
2. Không được hiếp dâm phụ nữ.
3. Không được cướp một món đồ vật của ai.
4. Không được đốt nhà của dân chúng. Nếu phạm pháp, sẽ theo quân luật nghiêm trị.

Vợ ông là Cũng thị, biết chữ nghĩa, thường thích tụng kinh.

Năm Thuận Trị thứ mười đi bình định tỉnh Phước Kiến, đường ngang qua Hàng Châu, cư sĩ nghe biết Cụ Đức Hòa thượng đang thuyết pháp tại chùa Linh Ẩn. Hai vợ chồng liền đến tham bái, được Hòa thượng khai thị về pháp môn Tịnh độ. Từ đó cả hai đồng tinh tấn niệm Phật và đều có chỗ tâm đắc. Mùa hạ năm Thuận Trị thứ mười hai, sau khi từ miền Bẳc trở về tạm ngụ bên sông Tiền Đường, Kim Quang Tiền bỗng nhiễm bịnh. Cùng thị định sai người tìm rước lương y, ông ngăn lại bảo: “Thuở trước ta cùng phu nhơn đã đi tham phỏng ở Linh Ẩn. Nay nhân đây chỉ muốn chuyển thân về cõi an lành, cần chi dùng thuốc!” Cũng thị cả cười nói: “Chẳng dè tướng công cũng được đến địa vị ấy, thật là hân hạnh!” Liền sai sắm hai chiếc quan tài, rồi bảo: “Thiếp cũng sẽ đi, nhưng xin chậm lại để lo liệu hậu sự cho tướng công mà thôi!” Quang Tiền nghe nói, liền chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.

Cũng thị sai gia nhơn đem lễ vật đến Linh Ẩn, cầu xin thắp hương đèn cúng Phật, cùng trai tăng tu sám để truy tiến cho hai vợ chồng. Đến bảy hôm lễ xong, phu nhơn tuyệt ẩm thực, ngày đêm chẳng nằm, chỉ một lòng niệm Phật. Lại trải qua bảy hôm nữa, vào lúc xế, phu nhơn tựa quan tài nhắm mắt dưỡng thần, giây phút tỉnh lại bảo: “Thời khắc đã đến!” Liền ngồi ngay niệm Phật mà hóa.

LỜI BÌNH:

– Soạn giả cố ý sắp hàng quan liêu được vãng sanh ở trước, vì so thường dân, bậc quan quyền vào đạo rất khó. Phần đông, người đời gấp về công danh, lấy sự học hành đỗ đạt làm trước. Và kẻ đã bước vào cửa quyền quý, đa số lại cho sự thanh tu là khổ. Nếu chẳng phải những người kiếp xưa đã trồng sẵn căn lành, giữ chắc tâm nguyện giải thoát, thì mấy ai trước mùi chung đỉnh mà biết quay đầu? Như các vị trên đây, ở cảnh trần lao, hướng về tịnh quốc, há chẳng đáng gọi là hiện thân tể quan mà thuyết pháp đó ư! Xét lại các vị: Liễu Tử Hậu, Bạch Lạc Thiên, Tô Đông Pha, Triệu Tử Ngang, tuy cũng quy y tu niệm, song khi lâm chung, chẳng thấy điềm lành. Ấy cũng bởi: trí năng lạc theo nhiều môn, căn bịnh sanh nơi niệm ái. Tập quán của tài tử văn nhơn từ xưa vẫn thế, khi vô thường chợt đến, khó nỗi cầu may! Bậc quân tử đời sau, cần nên biết răn dè vậy!


TỈNH GIẤC MỘNG ĐỜI

I. DẪN NHẬP

Non xanh lặng lẽ tợ ngùi than!
Kiếp tạm phù du, chớp điện quang.
Người theo nhau mất, non còn đó
Kết cuộc Nam Kha giấc mộng vàng!

II. MỘNG NAM KHA

Nam Kha mộng
Mộng Nam Kha!
Nam Kha mộng tưởng biết bao là!
Quyến thuộc của tiền đều bỏ lại
Tay không theo nghiệp đến Diêm La!
Từ đây tỉnh
ChỚ dần dà!
Niệm Phật về Tây biển ái qua.

III. MỘNG XUÂN TIÊU

Xuân tiêu mộng
Mộng Xuân tiêu!
Xuân tiêu mơ mộng tối mai chiều!
Ngày trước tuồi thơ dong ngựa trúc
Hôm nay mái tóc điểm sương tiêu.
Từ đây tỉnh
Chớ mê nhiều!
Một kiếp thăng trầm chỉ bấy nhiêu!

IV. MỘNG DƯƠNG ĐÀI

Dương đài mộng
Mộng Dương đài!
Mộng trần ai nghĩ thoát trần ai?
Kẻ chét kinh hoàng theo tội nghiệp
Người thân mờ mệt luống bi ai!
Từ đây tỉnh
Gác sầu hoài.
Gặp nhau lâu chỉ mộng Dương đài!

V. MỘNG TRANG CHU

Trang Chu mộng
Mộng Trang Chu
Trang Chu mộng hóa bướm ngao du!
Đậu tưởng Trang Chu thành cải bướm
Ai hay cái bướm thật Trang Chu!
Từ đây tỉnh
Chớ mê cầu!
Mưa qua nắng lại Hạ rồi Thu.

VI. MỘNG HOÀNG LƯƠNG

Hoàng lương mộng
Mộng Hoàng lương!
Một giấc Hoàng lương mộng đẹp dường!
Áo tím đai vàng mờ bóng cũ
Mồ xanh cỏ ấy bạc mầu sương!
Từ đây tỉnh
Chớ lo lường!
Phú quý công danh cũng mộng trường!

VII. MỘNG VU SƠN

Vu sơn mộng
Mộng Vu sơn!
Vu sơn mơ mộng nặng thương hờn!
Vợ yêu con quý rồi ly biệt
Phách lạc hồn mê cách cõi dương!
Từ đây tỉnh
Gang tìm đường.
Niệm Phật về Tây thoát khổ ương!


TÔN TRUNG

Cư sĩ Tôn Trung, người đời Tống, ở Minh Châu, sớm mộ hạnh Tây phương, thường ăn chay giữ giới. Ông cất nhà ở phía đông phủ thành, bên trong có đào hai cái ao, trồng hoa sen trắng. Giữa hai ao dựng một ngôi Tĩnh các, mỗi tháng họp nhiều người lại, tổ chửc thành hội Niệm phật.

Một hôm, cư sĩ thấy Phật thân hiện giữa hư không, gọi hai con cùng chạy ra, đồng chắp tay chí thành lễ bái. Giây lâu, thánh tướng mới ẩn. Nhân đó, người đời sau gọi chỗ đó là xóm Phật Trụ. Năm Nguyên Hựu thứ tám đời Tống, Thích Khả Cửu đã sanh về Tây phương, trải ba ngày trở về báo rằng: “Tôi thấy có đài vàng ghi tên Tôn Trung!” Nói xong lại thoát hóa. Không bao lâu, cư sĩ mang bịnh, thỉnh hàng tăng tục một trăm người làm hội Niệm Phật. Trong lúc chúng đang tụng niệm, cư sĩ bỗng ngước nhìn lên hư không, chắp tay tỏ dáng kính-thành. Rồi hai tay kiết hai ấn, an vui mà thoát hóa. Bấy giờ người trong thành đều nghe tiếng nhạc trời, ngửi thấy mùi hương lạ. Lần lần thiên nhạc thanh thao ẩn mất về Tây.

Hai người con Tôn Trung đều kế nghiệp cha, chuyên cần tu niệm. Sau cả hai cùng ngồi hướng về Tây, chắp tay niệm Phật mà mãn phần.


VƯƠNG ĐIỀN

Cư sĩ Vương Điền, tự Vô Công, ngựời đời Tống, quê ở Minh Châu, huyện Từ Khê. Ông rất thông tuệ, sức học uẩn súc, nhưng thi Tiến sĩ hai lần đều không đỗ. Từ đó, tâm danh lợi như tro tàn, ăn chay mặc áo vải, nơi nào có giảng kinh đều đến tham học. Lúc lớn tuổi, cư sĩ chuyên tu Niệm Phật tam muội, có trứ tác quyển Tịnh Độ Tự Tính Lục, tự làm lời tựa rằng:

“ … Chỗ nhiệm mầu đặc biệt về pháp môn Tịnh độ, mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy, có thể dùng một lời để tổng quát là: “Đưa chúng sanh từ địa vị phàm phu, vượt tắt lên ngôi Bất thối chuyển!” Tại sao thế? ở cõi nầy tu hành, khi chứng bậc Sơ tín của Viên giáo, hoặc ngôi Sơ quả của Tiểu thừa, thì tà kiến và tam độc mới vĩnh viễn không sanh khởi. Đó là cảnh giới Đoạn hoặc phát ngộ (Nghiệp mê lầm tiêu dứt, phát sanh sự tỉnh sáng), thẳng vào dòng thánh, dù chuyển kiếp cùng không mê lạc chỗ sở chứng. Địa vị này siêu khỏi bốn ác thủ (Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, Tu la), chẳng mất thân Trời, Người. Còn tất cả hàng phàm phu, dù là bậc Sơ tâm Bồ Tát tu đến địa vị Phục hoặc phát ngộ (Nghiệp mê lầm chìm lắng xuống Tàng thức, phát sanh sự tỉnh sáng), một phen trải qua cảnh biến chuyển phi thường của sự sống chết, liền quên mất chỗ sở chứng sở tu. Cho nên hạng người này, gặp cảnh duyên có thể bị thối chuyển và đọa lạc tam đồ.

Riêng cõi Phàm thánh đồng cư tịnh độ ở cõi Cực Lạc, tuy cũng đủ giai tầng của tam giới, song chỉ có hàng Nhơn, Thiên. Thế nên tất cả loài hàm thức sanh về đó, đều từ hẳn bốn thú, thoát khỏi luân hồi. Lại thêm trợ duyên đầy đủ, thọ số vô cùng, nên dù là kẻ độn căn, một kiếp tu hành, đều thành thánh quả. Thế thì làm sao lại có sự thối chuyển được? Bản ý khuyên khen của chư Phật, chẳng qua cũng chỉ như thế. Nếu bậc thượng căn phát tâm chuyên niệm Phật, đó là tịnh nghiệp tối thượng, sẽ dự vào phẩm cao. Như hàng tối dốt quê mùa, nếu biết chí thành niệm Phật phát nguyện, thì không ai chẳng được vãng sanh cả.

Than ôi! Xét nghĩ qua môn Tịnh độ,. thì biết Phật không bỏ xót một chúng sanh nào! Những hạng giữ cái không si mê, bẳt chước hạnh vô ngại, rồi tự cao tự đại muốn ngăn dứt sự niệm Phật của kẻ khác, há chăng đáng thương xót lắm ư?

Vào đầu đêm ngày Đinh Mão, tháng tư, năm Thiệu Hưng thứ mười sáu, hương lạ bỗng lan đầy nhà. Cư sĩ nhìn hàng học pháp là sa môn Tư Tề, bảo rằng: “Đây là tịnh nghiệp của lão phu chiêu cảm vậy!” Nói xong, tắm gội thay y phục, ngồi ngay hướng về Tây chắp tay mà vãng sanh. Khi làm lễ thiêu hóa, được Xá lợi bằng hột lúa một trăm lẻ tám viên.


VƯƠNG NHỰT HƯU

Cư sĩ Vương Nhựt Hưu, tự Hư Trung, người ở Lư Châu. Triều vua Cao Tôn đời Tống, ông thi đỗ quốc học tiến sĩ, nhưng khước từ quan chức, về ở ẩn nơi quê nhà dạy học trò. Kế đó lại xếp bỏ việc giáo huấn, ăn chay trường, mặc áo vải, chuyên tu tịnh nghiệp. Mỗi ngày cư sĩ khóa lễ Phật một ngàn lạy rồi niệm hồng danh. Ông có trứ tác tập Long Thơ Tịnh Độ Văn, được lưu hành rộng nơi đời. Trong ấy lời lẽ giản dị, bao gồm nhiều thí dụ, khuyến hóa từ bậc vương công, quan liêu, sĩ tử, cho đến hàng thứ dân, đồ tể, nô tỳ, xướng kỷ, đều quy y niệm Phật. Cách lập luận của cư sĩ rất rõ ràng, tâm ý rất thành khẩn, khiến cho nhiều người cảm hóa tuân hành.

Năm Quý Tỵ trong niên hiệu Càn Đạo, ông Lý Ngạn Bậc ở Lư Lăng đau bịnh nguy ngập, mộng thấy một vị tự xưng là Long Thơ cư sĩ, bảo rằng: “Khi thức dậy ngươi nên dùng cháo trắng, sẽ được an lành. Ngươi còn nhớ một thiện hữu là Khuyết Trọng Nhã đã khuyên về lối tu thẳng tắt chăng?” Ngạn Bậc thưa: “Vãn bối đã tuân hành theo, mỗi ngày đều có niệm Phật!” Sau khi thức giấc, ông bảo nấu cháo trắng ăn, quả nhiên bịnh thuyên giảm. Ngạn Bậc liền dạy các con đến tìm Vương Nhựt Hưu để thọ huấn. Không bao lâu, các con trở về thưa: “Long Thơ cư sĩ đã vãng sanh về Phật quốc. Ba hôm trước khi mãn phần, cư sĩ đi từ biệt khắp các thân hữu, khuyên họ tinh tấn tu hành, bảo mình sắp đi xa, không còn gặp nhau nữa. Tới ngày ông cho họp các môn sanh cũ lại giáo huấn, rồi khóa tụng như lệ thường. Đến canh ba, cư sĩ bỗng to tiếng niệm Phật vài câu, bảo: “Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi!” Rồi đứng ngay thẳng mà hóa …” Lý Ngạn Bậc thấy bức chơn dung của Vương Nhựt Hưu do các con mượn đem về, giống tạc người mình đã gặp trong giấc mộng, sanh lòng cảm kích, liền rước thợ khắc hình tượng Long Thơ cư sĩ, lại đem việc ấy truyn bá xa gần. Từ đó hàng thiện tín ở vùng Lư Lăng đều phát tâm niệm Phật.

Trong năm Hàm Hựu có ông Lư Nguyên Ích khắt lại bản Long Thơ Tịnh Độ Văn. Khi khác đến thiên Chúc Nguyện, nơi bản bộng nổi lên ba viên ngọc Xá lợi. Cha của ông là Lý Sư Thuyết có ghi chép việc ấy ở đầu thiên nầy.


DIÊM BAN VINH

Cư sĩ Diêm Ban Vinh, người đời Tống, ở Trì Châu, huyện Thanh Dương. Đến tuổi trung niên, ông có duyên lành gặp một vị tăng khuyên trì chú vãng sanh và niệm Phật. Từ đó cư sĩ phát tâm quy y, ăn chay trường, mỗi ngày hướng về Tây phương tụng chú 1080 biến. Ông lại khuyên con cái trong nhà, đều đồng thanh trì chú niệm Phật theo. Trải hơn hai mươi năm, mỗi ngày đều khóa tụng y như thế.

Niên hiệu Thiệu Hy năm đầu, vào ngày mùng một tháng giêng, sau khi xem kinh Đại Bát Niết Bàn vừa xong, cư sĩ than rằng: “Kiếp người như huyễn mộng, ta còn luyến tiếc làm chi?” Do đó niệm giải thoát càng thêm tha thiết! Đến ngày mùng một tháng ba năm ấy, người trong nhà nghe mùi hương lạ lan tỏa bát ngát trọn ngày không tan. Các con của cư sĩ đều mộng thấy đức A Di Đà phóng ánh sáng lớn, soi khắp nhà cửa thành sắc hoàng kim. Năm hôm sau vào lúc khuya, Ban Vinh thức dậy trì niệm theo thường lệ. Khóa tụng xong, ông nhìn người nhà bảo: “Ngày hôm nay ta sẽ đi. Nên dè dặt đừng quấy động làm mất chánh niệm của ta?” Nói xong, ngồi kiết già day mặt về Tây nhắm mắt thầm trì tụng. Đến quá ngọ, bỗng đứng lên nói: “Ta đi đây!” Rồi thong thả tiến vài bước, hai tay kiết ấn, mĩm cười mà qua đời.


DƯƠNG GIA VỸ

Cư Sĩ Dương Gia Vỹ, tự Bang Hoa, quê ở Kiết An, huyện Thái Hòa, là hàng Chư sanh trong niên hiệu Vạn Lịch đời nhà Minh.

Thuở bé ông hiếu học, xem rất nhiều kinh sách, kế đó, lưu tâm nghiên cứu về nội điển nhà Phật. Năm mười ba tuổi, cư sĩ giữ giới Bất sát rất nghiêm, không dám làm tổn thương đến loài ruồi muỗi rận rệp. Đến hơn hai mươi tuổi, vào trường Quốc từ giám ở Nam Kinh. Không bao lâu, cư sĩ mang bịnh, mộng thấy xuống cảnh Địa ngục, tham lễ Địa Tạng Bồ tát ở điện Minh Dương. Sau điềm ấy, ông mua vật mạng phóng sanh, thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ phần âm, riêng mình thì chuyên trì danh hiệu Phật.

Được ít năm, một hôm cư sĩ bảo người nhà rằng: “Tôi sắp về Tây phương. Trước mắt tôi, hoa sen xanh to lớn hiện ra, phóng quang rực rỡ. Đó há không phải là thắng tướng ở Tịnh độ ư?” Từ giờ phút đó, ông niệm Phật không dứt. Đến tối bảo kẻ phục dịch tắt hết đèn đuốc, nói: “Tôi thường ở trong ánh đại quang minh, chẳng cần ánh sáng thế gian’’. Người xung quanh hỏi: “Có thấy tướng trạng chi chăng?” Cư sĩ đáp: “Cảnh hoa sen bốn sắc nơi bảo trì rõ ràng trước mặt!” Lại hỏi: “Có được thấy Phật không?” Đáp: “Đức A Di Đà hiện thân cao ngàn trượng, tướng tốt rực rỡ trang nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân cao bằng Phật. Chỉ không thấy đức Đại Thế Chí mà thôi!” Nói xong bỗng lộ vẻ vui mừng, đứng lên đốt hương, bảo: “Công đức kinh A Di Đà bất khả thuyết bất khả thuyết! Tôi đã được sanh về Thượng phẩm!” Rồi chắp tay yên lặng mà hóa.


CỐ NGUYÊN

Cố Nguyên, tự Thanh Phủ, hiệu Bảo Tràng cư sĩ, quê ở Ưng Thiên, là hàng Chư sanh trong niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh. Thuở thiếu thời tánh ông hào sảng, văn thi hay, hội họa khéo, chữ viết cứng đẹp, được nhiều người cậy nhờ mến chuộng. Nhưng đến năm bốn mươi tuổi, ông bỏ hết tập nghệ cũ, dứt hẳn rượu thịt, tạo một gian lầu nhỏ, thường ở trên đó tịnh tu về thiền quán. Bên mình chỉ có một tiểu đồng để sai khiến, hàng phụ nữ và người nhà ít khi được thấy mặt ông.

Mỗi đêm cứ vào canh năm, cư sĩ đánh mõ lớn tiếng niệm Phật. Ở trong xóm có anh đồ tể, mỗi khi nghe tiếng mõ thì thức dậy giết heo. Một hôm anh say rượu dậy trễ, giận hờn trách vợ. Người vợ bảo: “Ông không nghe tiếng đánh mõ niệm Phật của vị tu hành kia sao? Tự mình không biết tội, còn giận trách tôi là thế nào?” Anh đồ tể ngạc nhiên như sực tỉnh, từ đó dẹp bỏ con dao sát sanh, lo làm lành niệm Phật. Nhiều bạn đồng nghiệp của anh cũng noi theo gương đó mà đổi nghề. Cố Nguyên vẫn quen thân với Vân Cốc thiền sư ở chùa Thê Hà cùng nau kết bạn sen cầu sanh về Cực Lạc. Một hôm nọ, Hám Sơn Đức Thanh đại sư đến Thê Hà chơi, thấy một vị mặc áo tràng đi ngang qua, tướng nhàn nhã như chim hạc, đôi mắt nhìn thẳng không chớp động, dường như quên hẳn mọi việc thế trần. Người ấy vào điện Phật, lễ tháp Xá lợi, rôi đứng yên chắp tay chiêm, ngưỡng. Giây phút nơi đảnh Tháp bỗng hiện ánh sáng năm sắc rực rỡ trong suốt. Hám Sơn đại sư lấy làm lạ, đem hỏi ngài Vân Cốc, Thiền sư nói: “Đó là Bảo Tràng cư sĩ. Ông ta đang vào pháp Tây phương quán đấy!”.

Sau Cố Nguyên cảm bịnh nhẹ, thỉnh vài vị tăng đến cùng niệm Phật. Sau thời khóa, nội nhân của ông chạy lên nói: “Hiện thời mùi hương sen thơm đầy cả nhà!” Chúng đều kinh lạ mừng rỡ. Cư sĩ vẫn điềm nhiên bảo: “Hơn nửa tháng nay tôi đã ngồi trên đài liên hoa, thấy chơn thân của đức A Di Đà khắp hư không, thế giới đều thành kim sắc. Phật tươi cười nhìn xuống và lấy áo ca sa phủ trên đầu tôi. Như thế quyết định tôi sẽ được sanh về Cực Lạc!” Mấy người con sa nước mắt thưa: “Cha về Tây phương là điều vạn hạnh, còn bọn chúng con sẽ ra thế nào?” Cư sĩ mỉm cười bảo: “Các con nghĩ rằng ta chết thật ư? Há chẳng thấy mặt trời chìm xuống phương tây rồi mọc trở lại phương đông, như thế đâu phải là lặn mất?”

Rồi cho biết trước ngày giờ vãng sanh. Đến thời, cư sĩ tắm gội thay y phục, ngồi kiết già mà thoát hóa. Mùi hương sen sực nức cả trong ngoài, ba ngày mới tan hết.


TRƯƠNG THỦ ƯỚC

Cư sĩ Trương Thủ Ước, người đời Minh, ở huyện Tú Thủy, tỉnh Triết Giang. Ông nhà nghèo mà ưa bố thí, hằng dùng trăm ngàn phương tiện khuyên gọi các vị đạo tâm rộng làm việc lợi ích.

Lúc lớn tuổi, ông tạ tuyệt duyên đời, bữa cháo bữa rau, mỗi ngày thường chuyên niệm Phật. Cư sĩ thường phỏng theo ngài Hàn Sơn, làm ba trăm bài thi, khuyến tấn mọi người quy hướng về Tịnh độ. Xin lược trích mấy bài như sau:

Cao cả nguyện Di Đà
Rộng mầu môn Niệm Phật.
Muôn kiếp khổ luân hồi
Đời nay mới tường tất.
Nên sanh tưởng khó gặp
Dè chớ mê lạc mất.
Niệm niệm cầu vãng sanh
Tâm tâm quý chuyên nhất.

Hôm qua đến nhà Phật
Niệm niệm lòng sâu thiết!
Ngày nay ở nhà lửa
Tâm phiền rối bận việc
Nếu chẳng vững đạo căn
Khó khỏi chìm mê kiếp
Cho nên bậc hiền xưa
Ở non tu tịnh nghiệp.

Cõi tạm gởi huyễn thản
Tùy duyên mọi việc tất
Không vương nửa điểm trần
Chỉ niệm một câu Phật
Tánh mềm dịu tợ bông
Nguyện cứng bền như sắt
Nếu theo việc vẩn vơ
Đáy nước tìm trăng thật.

Thượng phẩm thấy Phật sớm
Hạ phẩm thấy Phật chầy.
Sớm chầy tuy sai khác
Duyên trần đã thoát ly.
Tham thiền ngại chấp tưởng
Niệm Phật quý dứt nghi
Xác thật có Tịnh độ
Xác thật có Liên trì!
Bảy chục xưa nay ít
Trước mắt chẳng nhiều ngày!
Phải mau cầu giải thoát
Tìm gởi chất liên thai.
Ngang trái cho ngang trái
Vạy ngay mặc vạy ngay.
Đâu rảnh đối kẻ xấu
Phân biệt phải cùng sai.

Vợ Thủ ước là Đào thị, từ khi về nhà chồng, mỗi ngày cũng tụng kinh niệm Phật. Khi ông đến non Phổ Đà lễ Quán Âm đại sĩ, Đào thị bảo hai con rằng: “Mẹ bình nhựt tu ưì đã tỏ ngộ tông chỉ “Tâm nầy làm Phật, tâm nây tức Phật”. Ngày nay, Ta Bà duyên mãn, mẹ sắp về cảnh Tịnh độ an vui!” Nói xong, ngồi niệm Phật mà hóa. Hôm sau Thủ Ước về đến nhà thì việc tẩn liệm đã xong. Bỗng trên nắp hòm của Đào thị mọc lên năm cánh sen màu xanh. Mọi người đều khen ngợi kinh lạ.

Về sau, Thủ Ước cùng được thoại ứng khi lâm chung.


HOÀNG THỪA HUỆ

Cư sĩ Hoàng Thừa Huệ, tự Ngươn Phù, quê ở Tiền Đường tại Hàng Châu. Ông tánh tình khẳng khái, thờ mẹ có hiếu, lại ưa hạnh bố thí. Hàng lân lý kẻ rét không áo, liền cởi áo mình trao cho. Gặp người nghèo đói, trút hết tiền trong túi giúp đỡ. Em vợ là Văn Khải Sơ lấy làm lạ về tiết hạnh thanh khổ của anh rễ mình, hướng dẫn đến chùa Vân Thê. Thừa Huệ dùng lễ đệ từ ra mắt, được Liên Trì đại sư quy y cho, và đặt pháp danh là Tịnh Minh.

Sau cư sĩ mang bịnh thổ huyết trải ba năm không lành. Lúc đau nặng, Văn Khải Sơ đên thăm, khuyên niệm Phật. Đang lúc quá thống khổ, ông chưa tỉnh ngộ. Khải Sơ lớn tiếng bảo: “Lúc anh nhắm mắt rồi, cái chết đau đớn hiện tại ở nơi đâu?” Thừa Huệ kinh sợ hỏi: “Vậy phải làm thế nào?” Khải Sơ đáp: “Không chi hơn niệm Phật!” Hỏi: “Em bảo niệm đức A Di Đà ở Tây phương hay Phật A Di Đà tự tánh?” Đáp: “Anh cho hai phương diện ấy là khác nhau ư?” Cư sĩ chợt như tỉnh ngộ, điểm đâu. Khải Sơ thỉnh Huệ Văn Pháp sư đến, trần thiết tượng Phật, xin vì anh nói nhân duyên Tịnh độ. Thừa Huệ nghe xong vui vẻ, nhờ Pháp sư xuống tóc và truyền giới Sa di cho mình. Đoạn ông dứt trừ tất cứ sự tiếp xúc, chuyên niệm Phật. Kế lại thầm tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong bảy ngày. Khóa tụng vừa xong, người trong nhà đều nghe mùi hương sen bát ngát. Ông mỉm cười nói kệ rằng:

Một vật không đem đến
Một vật chẳng đem đi.
Trên đảnh non cao vầng nguyệt sáng
Là chân diện mục tánh A Di!

Kế lại bảo người nhà sắm đồ chay cúng Phật, và thỉnh chư tăng đến tụng kinh. Khi chúng tăng tụng kinh niệm Phật rồi đọc đến bài văn phát nguyện, câu: “Đức A Di Đà phóng quang tiếp dẫn, duỗi tay dắt dìu …” Thừa Huệ bỗng vui vè ngồi dậy nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn tượng Phật mà qua đời.


VĂN KHẢI SƠ

Cư sĩ Văn Khải Sơ, tự Tử Dư, pháp danh Đại Thành, người đời Minh, cùng Hoàng Thừa Huệ đồng hương lý. Thuở bé ông hay đau yếu, chí muốn thoát sự sống chết luân hồi, đến chùa Vân Thê thọ pháp môn Niệm Phật.

Khi Liên Trì đại sư thị tịch, ngài Hám Sơn tới điếu, Khải Sơ làm lễ bạch rằng: “Con nguyện xin xuống tóc làm đệ từ xuất gia”. Hám Sơn đại sư bảo: “Thân tứ đại không thể bó buộc Phật tánh, râu tóc há làm chướng ngại được ư? Huống chi ngươi còn lão thân tại nhà, việc ấy chưa thể được”. Khải Sơ nghe nói mới thôi. Không bao lâu cư sĩ lâm bịnh, bảo người rằng: “Tôi sẽ thẳng về Tây phương, bịnh không đáng ngại!” Khi bịnh quá nặng, thần chí hôn mê không thể tự chủ, ông cả sợ, vội bảo người nhà thỉnh chư tăng đến trợ niệm. Trải qua một ngày, vẫn hôn loạn như cũ. Khải Sơ quả quyết bảo: “Cội gốc sanh tử, không phải người khác nhổ cho ta được!” Liền bảo nấu nước, gượng trở dậy tắm gội thay y phục, đối trước Phật đốt liều hương nơi cánh tay, khóc cầu sám hối. Cư sĩ chí thành sám lễ như thế suốt đêm, như quên mỏi mệt.

Nhờ công đức sám hối ấy, đến sáng thần chí an định, cảnh Tịnh độ hiện tiền. Cư sĩ nhờ chư tăng xuống tóc, rồi đắp y ca sa, từ biệt mọi người, niệm Phật mà qua đời. Đức Thanh đại sư nghe chuyện ấy, than thở khen ngợi rằng: “Dõng mãnh thay Văn Sinh, có thể gọi là bậc liệt trượng phu vậy!”