Đ a n g t i d l i u . . .

28. Pháp Sư Giản [1]

28. Pháp Sư Giản [1]

Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Giản [1]

CHÁNH VĂN:

(25) Pháp sư Giản ở Lô Sơn hỏi: Thấy biết mà động lại đồng sanh diệt, nay tu pháp gì được không sanh diệt?

Đáp: Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt.

GIẢNG:

Hỏi thấy biết mà động lại đồng sanh diệt, nay tu pháp gì được không sanh diệt? Những gì còn động là còn sanh diệt. Bây giờ tu pháp gì để không sanh diệt?

Ngài trả lời:

Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt.

Chúng ta nhớ trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi A-nan “thấy không”, ngài A-nan trả lời “thấy”, Phật để tay xuống, hỏi “thấy không”, ngài A-nan trả lời “không thấy” liền bị Phật quở “quên mình theo vật”. Tại sao vậy? Tay là cảnh, là đối tượng của cái thấy. Khi tay đưa lên thì thấy có tay, để tay xuống thì thấy không có tay, chớ đâu phải không thấy. Cảnh có sanh có diệt, có hiện có ẩn nhưng cái thấy lúc nào cũng hiện tiền. Chúng ta chỉ thấy cảnh mà quên cái thật của mình. Hay thấy là cái thật của mình, còn cánh tay ở ngoài là cảnh, tay đưa lên hạ xuống là cảnh sanh diệt, còn cái hay thấy không có sanh diệt. Nếu mình chạy theo cảnh sanh diệt đó thì bị sanh diệt. Nếu mình luôn sống với cái hay thấy không sanh diệt, thì không bị sanh diệt.

Nay nói cái thấy vốn không sanh diệt, cái hay thấy đó không có tướng mạo nên không sanh diệt. Nay nói sanh diệt là từ nơi người thấy sanh diệt, sanh diệt là từ nơi người thấy pháp sanh diệt bên ngoài. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt. Không bị sanh diệt tức là không bị lệ thuộc vào tướng sanh diệt bên ngoài, lúc đó ta sống được với cái không sanh diệt. Đó là Ngài đã chỉ rõ quá rồi, đâu còn giấu giếm gì nữa. Chúng ta lâu nay quen, cứ có tiếng gọi là có nghe, không tiếng gọi là không nghe. Bởi vậy nên đức Phật mới quở “quên mình theo vật”.

Chúng ta tu thường bị mắc lỗi quên mình theo vật, cái thật thì bỏ quên, chạy theo vật sanh diệt ở ngoài. Cả thế gian cứ lầm lẫn như thế, quên cái thật của mình, lệ thuộc vào cảnh giả bên ngoài. Cho nên ở đây Ngài nói hết sức đơn giản, mà rất là sâu xa. Nếu không bị sanh diệt tức là không sanh diệt, là nếu không chạy theo tướng sanh diệt tức là không sanh diệt.

Chúng ta đuổi theo cái sanh diệt thì nhắm mắt sẽ đi trên đường sanh diệt, không nghi ngờ tí nào hết. Nếu không chạy theo cái sanh diệt, biết sống với cái thật của mình thì cái gì lôi ta đi trong sanh diệt được? Ai tu cũng muốn hết sanh tử, mà cứ đuổi theo sanh diệt hoài, chừng nào mới hết? Tại chúng ta dùng cái thấy nghe đuổi theo pháp sanh diệt cho nên bị sanh diệt. Bây giờ không đuổi theo pháp sanh diệt nữa thì hết sanh diệt. Như mình đang đi trên đường, có người nói cuối đường là hố sâu, nghe như vậy ta dừng lại hay không? Bước nữa thì sụp hố. Người ta đã báo trước, dừng lại khỏe ru không tốn chút mồ hôi nào, tại sao ta không dừng? Chúng sanh thật là lạ lùng chứ!

Tu không phải khó, mà khó là tại vì mình không dừng được tâm điên đảo đuổi theo bên ngoài. Dừng không được nên rồi cứ khổ, nếu dừng được thì hết khổ ngay. Dừng và đuổi theo, chúng ta đều trọn quyền, không ai bắt ép cả. Tại ta không chịu làm, rồi cứ kêu trời kêu Phật cứu con. Cứu sao được, đường nguy hiểm đã cảnh cáo rồi, cứ cắm đầu đi lại còn kêu cứu! Bởi vậy chư Phật thấy mình đáng thương quá, thương vì ngu chớ không gì lạ.

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận