Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Văn

CHÁNH VĂN:

(24) Pháp sư Nghĩa Văn(1) hỏi: Tuy có Chân như nhưng không có hình tướng, khiến chúng sanh làm sao được vào?

Đáp: Tánh của Chân như tức là Bản tâm. Tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm, tuy thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết, ấy gọi là được vào.

GIẢNG:

Tất cả chúng sanh đều có tánh Chân như, nhưng Chân như không hình tướng, làm sao được vào? Ví dụ ngoài kia là sân, trong này là nhà. Muốn vào nhà phải qua cửa mới vào được, nếu nhà không cửa không vách làm sao vào? Câu hỏi rất có lý.

Ngài dạy, muốn vào đó phải như thế này:

Tánh của Chân như tức là Bản tâm.

Tánh Chân như là Bản tâm của mình, chớ không có gì lạ. Muốn vào Bản tâm này, thì đây:

Tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm, tuy thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết, ấy gọi là được vào.

Sao niệm mà không có năng niệm sở niệm, thuyết mà không có năng thuyết sở thuyết? Khi chúng ta còn thấy đây là năng, kia là sở, tức còn hai bên thì vào không được. Muốn vào được Thể tánh Chân như phải đừng dính hai bên.

Bởi Chân như không tướng mạo, muốn vào ta cũng phải không tướng mạo. Còn năng thuyết sở thuyết, năng niệm sở niệm là còn tướng mạo, còn đối đãi, làm sao vào chỗ không tướng mạo được. Tánh chân thật sẵn đủ nơi mình, nhưng ta không thể nhập được là vì mắc kẹt trong đối đãi. Muốn đến chỗ không còn đối đãi thì tâm cũng phải hết đối đãi. Chân như là không hai, mà tâm còn hai thì làm sao nhập được.

Đọc đến đây tôi thông cảm đức Phật khi xưa vừa giác ngộ rồi, Ngài không chịu nói pháp, phải đợi chư thiên năn nỉ năm lần, bảy lượt mới chịu thuyết pháp độ sanh. Tại sao vậy? Chỗ này hồi xưa tôi cũng thắc mắc lắm. Nhưng bây giờ tôi mới thấy, bởi vì chỗ tuyệt đối đức Phật thấy được vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng sanh. Bây giờ chúng ta nói gì nghĩ gì cũng thuộc hai bên, phải quấy, đúng sai, hay dở, thương ghét… Tất cả đều hai bên hết. Chỗ cứu kính là không có hai bên, đem nói với người đang mắc kẹt hai bên làm sao họ hiểu. Vì vậy Phật làm thinh là phải rồi.

Khi được chư thiên thưa thỉnh quá, buộc lòng Ngài phải dùng phương tiện, mà phương tiện thì có hai bên. Bài pháp Tứ đế là bài pháp đầu tiên, đây là Khổ đây là đạo diệt khổ, tức hai bên. Đây là Tập, đây là diệt tập tức hai bên. Ban đầu từ hai bên dẫn dụ dần, còn đi thẳng ngay đến chỗ cứu kính, sợ chúng sanh không hiểu.

Chúng ta tụng Bát-nhã mỗi đêm, thấy rõ ràng mình chưa vượt qua khỏi. Ví dụ đối với pháp thế gian còn sai lầm, ta không quan trọng; nhưng những lời Phật chỉ dạy đúng lẽ thật, như Tứ đế là chân lý, tại sao Bát-nhã vẫn dạy không, “vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc…” Thế thì Khổ đế cũng không, Tập đế cũng không, Diệt đế cũng không, Đạo đế cũng không. Tại sao Phật lại phủ nhận điều Phật dạy, trong khi chúng ta cho đó là chân lý tuyệt đối?

Học đến đây chúng ta cũng hơi ngỡ ngàng, khó hiểu. Nhưng nhận ra rồi mới thấy lẽ đương nhiên là như vậy. Bởi vì pháp của Phật nói là thuốc để trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có bệnh gì Phật dùng thuốc đó để trị. Mai kia bệnh chúng sanh lành rồi, thuốc đó cũng phải bỏ. Thuốc với bệnh là hai, tới chừng hết bệnh thuốc cũng phải bỏ, mới qua khỏi cái hai, nếu không thì mắc kẹt. Đó là ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy, thâm trầm như vậy, nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu.

***

(1) Bản Hồ Thích chữ Văn là Viên.