PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 7
ĐẠO ĐỨC 

ĐẠI THỪA

Năng lực của thiện pháp

M.77 Thiện thắng ác

Đoạn này chỉ ra năng lực của thiện pháp chiến thắng điều xấu ác.

Này chư vị Thiện sỹ, trong thế giới gọi là Ta-bà này có mười thiện pháp mà các quốc độ Phật khác không có. Mười thiện pháp đó là gì? Đó là: (1) Lấy bố thí đối trị bần cùng. (2) Lấy trì giới đối trị phạm giới. (3) Lấy nhẫn nhục đối trị sân nhuế.

(4) Lấy tinh tấn đối trị giải đãi. (5) Lấy thiền định khắc phục loạn ý. (6) Lấy trí tuệ dẹp tan vô minh. (7) Nói pháp trừ nan để vượt qua tám nan[1]. (8) Dạy pháp Đại thừa cho người còn chấp pháp Tiểu thừa. (9) Lấy các thiện căn giúp người vô đức. (10) Thường dùng bốn nhiếp pháp để thành tựu chúng sinh.[2]

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.9, section 17, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Bố thí

M.78 Thực hành Bố thí

Tu hành pháp môn bố thí như thế nào? Nếu thấy ai đó đến cầu xin thì theo sức mà bố thí những của cải mình có. Cho đi tất cả những gì mình có không một chút bủn xỉn và khiến cho người kia vui vẻ. Nếu thấy người bị khủng hoảng, áp bức, thì dùng phương tiện thiện xảo để giúp họ thoát khỏi sự sợ hãi. Nếu có ai đến cầu học Pháp, thì tùy chỗ hiểu của mình mà nói cho họ.

Nên thực hành ba loại bố thí theo cách này, không nên vì tham cầu danh tiếng, không cầu lợi dưỡng, cung kính, không tham cầu quả báo thế gian. Duy chỉ nghĩ đến những lợi ích, an lạc của mình và người, và hồi hướng đế vô thượng chánh đẳng bồ-đề.

Treatise on the Awakening of Faith in the Mahāyāna / Dasheng qixinlun (dịch Anh by Śikṣānanda), Taishō vol.32 text 1667 p.

590a26-b3, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.79 Các loại bố thí

Này thiện nam, có ba loại bố thí: Một là bố thí pháp; hai là bố thí vô uý (cho điều không sợ hãi, không tai họa, an ninh); ba là bố thí tài vật. Bố thí pháp là chỉ dạy cho người khác thọ giới… Nếu Bồ-tát thấy có chúng sanh bị tai họa vua quan, hay các loài sư tử, cọp, sói, hay các nạn nước, lửa… liền ra sức cứu nguy ngay. Đây gọi là vô uý thí (bố thí an ninh)… Có bốn hệ lụy trong bố thí: (1) tâm keo kiết. (2) thông tu bố thí. (3) khinh chê vật nhỏ mọn. (4) cầu phước báo thế gian…

Này thiện nam,thí chủ có ba hạng: thượng, trung và hạ. Bậc hạ là người không tin nghiệp quả, thường tham lam, keo kiết. Người này sợ tài vật có thể bị cạn kiệt, và sanh ý tưởng sân hận khi thấy có người đến xin. Bậc trung là người tin có nghiệp quả, nhưng đối với tài vật vẫn sanh tâm tham tiếc. Người này sợ tài vật có thể bị cạn kiệt, nhưng dù vậy vẫn quyết định bố thí khi thấy có người đến xin. Bậc thượng là người tin sâu nghiệp quả, đối với tài vật không tham trước keo kiết; quán sát các tài vật với ý tưởng vô thường, và khi thấy có người đến xin, nếu có của để cho, thì hoan hỷ. Nếu không có gì để cho thì người này sanh tâm buồn rầu, và thậm chí đem tài sản quý báu nhất ra bố thí…

Này thiện nam, người trí thực hành bố thí là vì lợi ích cho mình và người, vì biết rằng tất cả tài sản, vật báu là vô thường. Người này bố thí vì muốn chúng sanh khởi tâm hoan hỷ. Người này bố thí vì thương yêu mọi người; vì muốn trừ lòng keo kiệt; không cầu phước báo đời sau.[3] Người này bố thí vì muốn trang nghiêm đạo bồ-đề.

Upāsika-ṣīla-sūtra, Taisho vol. 24 text 1488, ch.19, pp. 1054c02- 08, 1054c14-16, 1055b3-6, Trans. T.T.S. and D.S.

Các học xứ giới

M.80 Tu giới, không chấp thủ giới, không phán đoán người phá giới

Vì tự tánh của trì giới và phá giới vốn Không, do đó không chấp thủ giới, cũng không phán đoán người phá giới.

Lại nữa Xá-lợi-phất, Bồ-tát tu tịnh giới ba-la-mật-đa,…không ỷ thị, không chấp trước nơi tịnh giới, không chán ghét người phá giới, không chấp thủ phá giới, do bởi bản tánh của trì giới và phạm giới đều là Không. Xá-lợi-phất, Bồ-tát ấy mặc khôi giáp đại công đức bát-nhã ba-la-mật-đa trong khi hành tịnh giới ba-la-mật-đa.

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol.5, text 220, p.269b13–22, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.81 Năm giới

Đức Phật nói với trưởng giả Úc-già (Ugra), ‘Bồ-tát tại gia cần phải thọ thiện giới, đó là năm giới: Bồ-tát tại gia vui trong việc không giết, từ bỏ dao gậy, biết tàm quý, thệ nguyện kiên cố không giết hại hết thảy chúng sanh, không sân hận với bất kỳ chúng sanh nào, tâm bình đẳng đối với các chúng sanh, thường hành tâm từ.

Bồ-tát tại gia không được trộm cướp, biết đủ với tài vật của mình, không tham cầu tài vật của người; từ bỏ tham, không khởi ngu si, và không có tâm tham dính nơi tước lộc của người, cho đến một lá cỏ, nếu không được cho thì không lấy. Bồ-tát tại gia xa lìa tà dâm, hài lòng với vợ mình; không mong cầu thê thiếp của người, hoặc nhìn ngắm nữ sắc với tâm nhiễm ô; cần phải nên khởi tưởng thấy nơi đó bất tịnh, đáng kinh sợ,[4] đó là do lực của kết sử mà khởi dục, không phải là điều ta nên làm; thường khởi tưởng vô thường, khổ, vô ngã. Bồ-tát tại gia nên khởi tưởng như vầy: ‘Ngay cả ý niệm về dục tôi cũng không khởi, hà huống hai thân thể hòa hợp, xúc chạm.’

Bồ-tát tránh xa nói dối; nói lời chân thật; làm đúng như nói, nói đúng như làm, không dối gạt người; bằng tâm thiện, cần suy nghĩ trước khi làm; nói như thật theo những gì đã nghe, đã thấy; thủ hộ như pháp, thà bỏ thân mạng, chứ không nói dối.

Bồ-tát tại gia xa lìa uống rượu; không say sưa, không mê loạn; không quên những điều đã nói; không cuồng loạn, không cười cợt; không vật lộn nhau; cần phải trụ chánh niệm, sau đó mới có nhận biết rõ ràng; nếu muốn xả thí tài vật, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống; khi bố thí nên khởi ý nghĩ rằng, ‘Khi nghĩ đây là bố thí ba-la-mật, tôi sẽ cho những gì người ấy muốn; tôi sẽ khiến cho ngươi cầu xin được thỏa mãn. Nếu cần thí rượu để nhiếp phục người ấy có chánh niệm, không mê hoặc, tôi sẽ cho rượu. Vì sao? Vì đây là bố thí ba-la-mật, làm thoả mãn những gì người khác muốn. Này Trưởng giả, đó là Bồ-tát tại gia bằng bố thí ba-la-mật mà hồi hướng vô thượng chánh đẳng bồ-đề.’

Ugra-paripṛcchā: Taishō vol.11, text 310, p.473c05–25, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.82 Tam quy và Ngũ giới

Người trí nên quán giới có hai loại. Thứ nhất là giới thế tục, cái còn lại là giới đệ nhất nghĩa. Giới thế tục là thọ giới mà không quy y Tam bảo. Loại giới này không bền chắc, như thuốc nhuộm rực rỡ chưa được nhúng hồ. Vì lý do này, ta trước quy y Tam bảo, sau mới thọ Ngũ giới.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.22, p.1063c19- c22, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.83 Giữ giới loại bỏ sợ hãi các chúng sanh khác

Này thiện nam, trong tất cả bố thí, thí sự không sợ hãi (vô úy thí) là tối thắng. Cho nên Ta nói năm bố thí lớn, đó là năm giới. Năm giới như vậy khiến chúng sanh lìa xa năm thứ sợ hãi (tai họa).

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.22, p.1064a16–18, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.84 Về việc tự sát

Đoạn này chỉ ra rằng trong trường hợp tin có nghiệp báo và tái sanh, tự sát khi đối mặt với những khó khăn hiện tại là một biện pháp không khôn ngoan. Nó cũng làm rõ rằng, bất kỳ hình thức tự tra tấn nào cũng không phải là phương cách để chấm dứt những đau đớn của đời sống.

Một số người cho rằng nếu ta tự sát bằng cách ném mình vào vực sâu, hoặc lửa, hoặc chết đói, nó sẽ khiến ta thoát khỏi đau đớn. Những điều này tạo ra đau đớn, sao chúng có thể dứt trừ đau đớn? Tất cả chúng sanh tạo nghiệp thiện, bất thiện, thảy đều tự thọ nhận quả báo của những nghiệp ấy. Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.20, p.1062b05–08, dịch Anh D.S.

M.85 Về Việc Ăn Thịt

Đoạn này trình bày đức Phật cấm các đệ tử ăn các loại thịt, không giống như các kinh văn trước đó cho phép ăn thịt ở một mức độ nào đó (xem *L.56).

Này Đại Huệ (Mahāmati), có vô số lý do khiến Bồ-tát đại từ bi không ăn thịt, Ta sẽ giảng giải cho ông. Này Đại Huệ, trong thế gian này, từ vô thỉ đến nay, trong luân hồi sinh tử, không có chúng sanh nào chưa từng là thân thích của ông, chưa từng là cha, là mẹ, anh, em, con cái của ông. Các chúng sanh này khi tái sanh đời khác, hoặc làm thân chim hay thú, hoặc bà con thân thích. Thế thì, làm thế nào Bồ-tát ma-ha-tát muốn tu tập Phật pháp, xem chúng sinh như một phần thân thể mình, lại có thể ăn thịt?… Cho nên, này Đại Huệ, không thích hợp cho bất kỳ chúng sanh nào ở bất kỳ đâu trong vòng luân hồi có bất kỳ khái niệm nào về thân thuộc lại ăn thịt. Họ phải trau dồi nhận thức rằng tất cả chúng sanh đều quý giá như con một của mình. Thật không thích hợp để một vị Bồ- tát với tâm đại từ bi lại ăn thịt. Này Đại Huệ, thật không thích lý, Bồ-tát như thực tu hành lại có thể ăn bất cứ loại thịt nào… Laṅkāvatāra Sūtra, ch.8, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.86 Giới Bồ-tát về việc ăn thịt

Đây là một trong 48 giới khinh của luật Phạm Võng được hành trì ở Đông Á.

Nếu Phật tử cố ý ăn thịt, tất cả các loại thịt đều không được phép ăn; ăn thịt, là đứt chủng tử của đại từ bi, bị hết thảy chúng sanh xa lánh. Vì vậy tất cả Bồ-tát không được ăn thịt của hết thảy mọi chúng sanh. Ăn thịt, phạm vô lượng tội.

Nếu Bồ-tát cố ý ăn thịt, phạm tội khinh cấu.

Brahmā’s Net Sūtra / Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1005b10–b13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.87 Đặc tính của chánh ngữ

Lại nữa, Xá-lợi-phất, thế nào là chánh ngữ của Bồ-tát ma-ha- tát? Này Xá-lợi-phất, lời nói của Bồ-tát như thế nào mà không gây tổn hại cho mình và cho người, không khiến chúng sanh giao tranh với nhau.

Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Assembly 12, ch. 14, Taisho vol. 11, text 310, p.312a19-21, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Có hai hạng người sống đúng như Pháp: một là hạng có đầy đủ tám trí, và hai là hạng không đầy đủ tám trí. Tám trí là: trí biết Pháp, trí biết nghĩa, trí biết thời, trí biết đủ, trí biết mình và người, trí biết chúng sanh, trí biết các căn, trí biết trình độ người cao hay thấp. Lời nói của người có đầy đủ tám trí có mười sáu đặc tính. Đó là hợp thời, rõ ràng, mạch lạc, hài hoà, có ý nghĩa, dễ chịu và vui lòng; nói không khinh bỉ, cũng không chỉ trích người khác; nói đúng như Pháp, và mang lại lợi ích cho mình và người; không nói lạc đề mà nói súc tích, trung thực và không kiêu ngạo, không kỳ vọng gì vào sự tán thưởng của thế gian.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.10, p.1043 b20– 29, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Chánh mạng và các giới phụ

M.88 Chánh mạng

Này thiện nam, có năm nghề nghiệp mà người thọ trì Bồ-tát giới không nên làm: không buôn bán chúng sanh; không buôn bán vũ khí; không buôn bán thuốc độc; không buôn bán rượu; và không ép mè lấy dầu[5]… Này thiện nam, có thêm ba việc mà người thọ Bồ-tát giới không nên làm: không làm nghề chài lưới; không làm nghề thợ nhuộm; không làm nghề thuộc da.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.14, p.1048c02–08, dịch Anh T.T.S. and D.S.

10. Phật tử không nên cất chứa đao, gậy, cung, tên, hoặc buôn bán bằng cân non đong thiếu; không được lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản của người khác; hoặc vì tâm ác hại mà cột trói, phá hoại sự thành công của người khác; không được nuôi mèo, cáo, heo, hoặc chó. Nếu cố ý làm như vậy, phạm tội khinh cấu.

Brahmā’s Net Sūtra / Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1007b11–b13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất,… Các Bồ-tát ma-ha-tát không nên kiếm sống bằng những cách thức nịnh bợ, lừa dối, hoặc gian lận; không yêu sách hoặc ép buộc người khác phải cho; dễ hài lòng, dễ nuôi, vâng giữ quy tắc mà tu hành, không sanh tâm biếng nhác; không sanh tâm tật đố lợi dưỡng của người khác; tri túc với lợi dưỡng của mình; không bảo thủ quá đáng những điều Đức Thánh tạm cho phép, mà luôn luôn tự thủ hộ mạng hành của mình cho thanh tịnh. Này Xá-lợi-phất, đây là Chánh mạng của các Bồ-tát ma-ha-tát.

Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310, p.312a29–b06, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.89 Bát quan trai giới

Đoạn này liên quan đến việc thực hành Bát quan trai giới được thảo luận trong *Th.113. Chúng được tuân thủ một ngày một đêm, từ bình minh hôm nay cho đến bình minh ngày sau.

Đức Phật nói với Thiện Sanh (Śrīgāla): ‘Này thiện nam, một người đã quy y Tam bảo, phát nguyện thọ trì tám giới,người ấy không nên chỉ đối trước tượng Phật (cầu thọ giới), mà phải cầu thọ từ một người căn bản thanh tịnh. Sau khi  thọ, hãy giữ thanh tịnh, trang nghiêm thanh tịnh, giác quán thanh tịnh và niệm tâm thanh tịnh, cầu phước báu thanh tịnh.’ Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.21, p.1063a27–b2, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Giúp mình và người

M.90. Lợi mình và lợi người

Đức Phật nói với Thiện Sinh (Śrīgāla), ‘Này thiện nam, Bồ- tát có tín căn, đã được lợi ích cho mình, lại làm lợi ích cho người khác. Lợi ích cho mình không thực sự là lợi ích cho mình. Khi một người làm lợi ích cho người khác đó là thực sự làm lợi ích cho mình. Tại sao vậy? Đó là vì Bồ-tát ma-ha- tát sẵn sàng từ bỏ thân mạng, tài sản vì lợi ích của người khác, nhưng làm như vậy cũng là lợi ích cho chính mình… Làm lợi ích cho người khác là làm lợi ích cho chính mình… Bồ-tát bỏ rơi người khác trong khổ não, và tự mình sống an lạc, thì không thể làm lợi ích cho người khác. Nếu không tu hành bố thí, giữ giới, học rộng nghe nhiều, mà lại chỉ dạy người khác thực hành, thì đó gọi là lợi tha, chứ không là tự lợi.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.10, p.1043a05-15, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.91 Thanh tịnh giới mình, gánh vác việc người

Thiện Sanh (Sujāta) bạch Phật, ‘Nếu có người đó đã thọ trì giới như vậy, làm thế nào để giới được thanh tịnh?’ Phật dạy: ‘Này thiện nam, người ấy có thể làm thanh tịnh giới của mình… bằng bốn pháp: 1. tâm từ; 2. tâm bi; 3. tâm không tham lam; 4. giúp đỡ người không có ai giúp đỡ… Lại có ba điều để thanh tịnh giới: 1. bỏ việc mình, cáng đáng việc của người; 2. khi cáng đáng việc của người không đợi thời tiết; 3. không ngại khó nhọc, buồn phiền.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.15, p.1050c16–18, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.92 Quan tâm đến cộng đồng, người và phi người

Này thiện nam, người có trí khi cầu bồ-đề, giả sử có nhiều tài vật, cũng thông thạo các sách về y phương, nên lập bệnh xá, cung cấp thức ăn, thuốc men, các thứ cần cho người bệnh. Nếu đường sá gồ ghề, chật hẹp, người ấy sẽ san bằng và làm cho rộng ra; loại bỏ gai góc, đá sỏi, phân và các thứ dơ bẩn khác.[6]Những thứ mà nơi nguy hiểm cần đến, hoặc ván,  hoặc thang, dây leo, thảy đều cung cấp đầy đủ. Bên cạnh những con đường ở vùng hoang dã, người ấy đào giếng,  trồng cây ăn trái, nạo vét ao, suối… Nếu người ấy nhìn thấy thú rừng đang chạy trong sợ hãi, thì không do dự, sẽ cứu nó, cho nó nơi trú ẩn, và bằng tài vật, bằng lời nói khéo, thuyết phục thợ săn. Nếu thấy lữ khách lạc vào chỗ nguy hiểm, ngay tức khắc ấy sẽ hướng dẫn thoát khỏi hiểm nguy… Nếu nhìn thấy người đau khổ vì mất tài sản, hoặc cha mẹ chết, người ấy sẽ bố thí cho tiền, ân cần an ủi và khuyến khích bằng chỉ dạy Pháp, khéo léo giải thích về hai quả của phiền não và phước đức.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.19, p.1060c21–1061a05, 1061a23-26, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.93 Giới Bồ-tát về chăm sóc người bệnh

Đây là một trong bốn mươi tám khinh giới của Bồ-tát giới hệ Phạm Võng thọ trì ở Đông Á.

Nếu Phật tử thấy bất kỳ người bệnh nào, phải tận tâm chăm sóc như cúng dường Phật không khác. Trong tám ruộng phước, chăm sóc người bệnh là ruộng phước bậc nhất. Nếu cha mẹ, sư tăng, đệ tử có tật bệnh, các căn khiếm khuyết, trăm thứ bệnh khổ não, thảy đều chăm sóc cho đến khi bình phục. Nhưng nếu Bồ-tát, vì ác ý oán giận, mà không vào tăng phòng (để chăm sóc); hoặc ở thành ấp, vùng hoang vu, núi rừng, hoặc trên đường thấy có người bệnh mà không cứu, phạm tội khinh cấu.

Brahmā’s Net Sūtra / Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.

1005c8–c13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.94 Giúp người khác là để giúp mình

Đoạn này nói rằng Bồ-tát quyết định trụ trong sinh tử vì lòng đại bi cứu giúp người khác, không nên tự chấp chặt tin tưởng rằng cuối cùng có thể trực tiếp cứu giúp chúng sanh. Thay vào đó, Bồ-tát nên chú tâm giúp chúng sanh có khả năng tự giải thoát khỏi những phiền não nhiễm ô.

Bồ-tát nên tu tập tâm đại bi, không rơi vào kiến chấp cho rằng có thể làm lợi ích cho chúng sanh (ái kiến đại bi), mà chuyên cần đoạn trừ khách trần phiền não cho chúng sanh. Vì sao? Tâm bi rơi vào kiến chấp cho rằng có thể làm lợi ích chúng sanh (ái kiến đại bi) sẽ khiến Bồ-tát mệt mỏi chán chường sanh tử. Tâm Bi mà xả ly được kiến chấp này (ái kiến đại bi) sẽ không làm Bồ-tát mệt mỏi, chán chường sinh tử. Vị ấy tái sanh như vậy ở bất cứ đâu, đều không có kiến chấp như vậy xuất hiện. Không bị quấn chặt bởi kiến chấp như vậy thì như giải thoát. Khi thọ sinh như vậy, như giải thoát sanh tử, vị ấy có năng lực để chỉ dạy Pháp cho chúng sanh đang bị ràng buộc, giải thoát chúng ra khỏi những ràng buộc ấy.

Như đức Thế Tôn đã dạy, ‘Tự mình bị trói buộc, mà có thể giải thoát trói buộc cho người khác, điều này không thể xảy ra. Những người đã giải thoát trói buộc có thể giải thoát trói buộc cho người khác, điều này là hợp lý’.[7] Do đó, Bồ-tát cần được giải thoát, không nên bị trói buộc.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch. 4, section 15, dịch Anh from  Sanskrit by D.S.

Giáo hóa người khác

M.95 Bồ-tát giáo hóa không mệt mỏi

Đoạn này cho thấy bản chất bố thí vô tận của Bồ-tát.

Duy-ma-cật nói rằng, ‘Này các cô, có Pháp môn được gọi là “Ngọn đèn vô tận”, các cô nên học. Pháp môn này là gì? Này các cô, ví như, từ một ngọn đèn dầu có thể mồi sáng hàng trăm ngàn ngọn đèn khác mà không làm giảm bớt ánh sáng của ngọn đèn ban đầu. Cũng như vậy, một Bồ-tát dẫn dắt hàng trăm ngàn chúng sinh khiến cho họ phát tâm cầu giác ngộ tối thượng, mà Đạo ý của Bồ-tát không hề suy giảm hay tắt ngúm, mà phát triển mạnh mẽ hơn. Thực vậy, cứ mỗi lần thuyết pháp là mỗi lần tăng thêm tất cả pháp thiện cho mình. Đây là Pháp Vô tận đăng. Khi các cô sống ở nơi cung điện của Ma, các cô hãy nên dùng Pháp Vô tận đăng này để dẫn dắt vô lượng con trai, con gái của Trời khiến phát tâm cầu giác ngộ. Theo cách này, các cô vừa báo ân Phật lại vừa làm lợi ích chúng sinh’.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.3, section 66, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Chăm sóc thú vật và môi trường

M.96 Chăm sóc tất cả chúng sanh

Này chư Phật tử, khi Bồ-tát ra đời như một vị vua, và có thể ra lệnh như mong muốn, vị ấy ra sắc lệnh ngăn cấm sát sanh. Sát sanh bị ngăn cấm ở mỗi thị trấn và làng mạc trong vương quốc. Tất cả các loài vật – không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân – đều được ban cho sự vô uý (không tai họa), và không ai có ý nghĩ làm tổn hại chúng. Vị ấy đã tu tập tất cả hạnh Bồ-tát, nhân từ đối với động vật, không làm hại chúng bằng bất cứ cách nào. Vị ấy đã tu tập tâm giác ngộ vi diệu để mang lại an ổn cho tất cả chúng sanh.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 279, p.149b16–21, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Dưới đây là một số điều trong bốn mươi tám khinh giới của Bồ-tát giới của hệ Phạm Võng được thọ trì ở Đông Á (xem *M.108).

14. Nếu Phật tử có tâm địa xấu ác, cố ý phóng lửa đốt cháy núi rừng hoặc vùng hoang dã giữa tháng tư và tháng chín (âm lịch)[8], hoặc nếu cố ý đốt cháy nhà cửa, thành thị, thôn xóm tự viện của Tăng-già, cây cối ở những phạm vi mà quỷ thần ở, hoặc tài sản của người không được phép phóng lửa đốt, phạm tội khinh cấu.

20. Nếu Phật tử có tâm từ bi, giải thoát động vật khỏi sự giam cầm[9], nên nghĩ như vậy, ‘Tất cả đàn ông là cha ta, tất cả phụ nữ là mẹ ta. Từ nhiều đời, ta chưa bao giờ sanh ra mà không có cha mẹ. Tất cả chúng sanh trong sáu cõi đã từng là cha mẹ ta.[10] Nếu ta giết hoặc ăn thịt một hữu tình, ta sẽ giết một trong những cha mình, người đã cho ta hình hài này. Đất và nước là thân thể ban sơ của ta. Lửa và gió là thân thể ban sơ của ta.’ Đó là tại sao, trong mỗi hiện hữu, giải thoát động vật khỏi sự giam cầm là sự tu tập không hề thay đổi, Phật tử cũng dạy người khác phóng sanh. Khi nhìn thấy ai đó giết một con vật, sẽ cố gắng tìm cách giải thoát, cứu chúng khỏi đau khổ, sẽ hướng dẫn kẻ giết, và giải thích cho biết giới Bồ- tát giải thoát chúng sanh.

Brahmā’s Net Sūtra’/Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1006a6–7, b9–18, p.1007b11-13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Từ và Bi

M.97 Tâm từ

Tâm từ là đối trị của tâm sân, không có tâm từ ái đối với chúng sanh. Ở đây do bởi từ mà phát sinh hỷ khi ta có cùng một mục đích chung với những người khác, như cùng thọ dụng chung v.v.. Từ, đó là hỷ, là ái, là mong cầu, là hy vọng vì an lạc của người khác. Tình cảm thân ái không bị ô nhiễm bởi các nguyên nhân như mong cầu báo đáp, hay tham nhiễm trong các dục. Đây là ý nghĩa của tâm từ.

Śikṣā-samuccaya of Śāntideva, ch.12, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.98 Sức mạnh của Tâm bi

Người tại gia trước hết nên tu tập tâm bi. Nếu không tu tập tâm bi, người ấy sẽ không thể đắc giới ưu-bà-tắc. Nếu đã tu tập tâm bi, người sẽ đắc giới. Người xuất gia chỉ có thể thực hành đầy đủ năm pháp ba-la-mật, vì không thể thực hành đầy đủ bố thí ba-la-mật. Chỉ có người tại gia mới có thể thực  hành đầy đủ bố thí ba-la-mật. Vì sao vậy? Bởi vì người tại gia có thể bố thí bất cứ thứ gì ở bất kỳ thời điểm nào. Do đó, một người tại gia trước tiên nên tu tập tâm bi. Một khi đã tu tập tâm bi, người ấy có thể hoàn thiện trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Nếu tu tập tâm bi, người ấy sẽ có thể bố thì những cái khó thí, nhẫn những điều khó nhẫn, và làm những việc khó làm. Vì vậy tâm bi là căn nguyên của tất cả thiện pháp. Này thiện nam, ai có thể tu tập tâm bi như vậy, người đó sẽ có thể phá trừ nghiệp ác lớn như núi Tu-di, chẳng bao lâu sẽ chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Thậm chí một chút nghiệp lành mà người này tạo tác, sẽ mang lại phước báu to lớn như núi Tu-di.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.3, p.1036c12–20, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.99 Những hoạt động từ bi, vị tha của Bồ-tát trên thế gian

Đoạn này mô tả Bồ-tát di chuyển giữa thế gian như thế nào mà không bị trói buộc vào nó, từ bi cứu giúp mọi loài.

69. Thật tuyệt vời Con của đấng Tối Thắng, đã nhận thức pháp tánh vốn không biến đổi, thị hiện giữa mọi chúng sinh như là những kẻ vô minh, mù tối.

70. Bằng phương tiện và bi tâm đối với mọi loài, Bồ- tát gắn bó mình với thế gian. Mặc dù đã đạt đến cảnh giới sở hành của Thánh giả, mà vẫn hiện thân trong cảnh giới sở hành của phàm ngu.

71. Đã vượt ngoài thế gian, nhưng vẫn không từ bỏ thế gian; đi trong thế gian vì lợi ích của thế gian, nhưng không nhiễm bởi những cáu bẩn của thế gian.

72. Như sen không nhiễm mặc dù sinh trưởng trong nước, cũng vậy, Bồ-tất sinh trưởng trong thế gian nhưng không ô nhiễm bởi thế gian.

73. Tâm bồ-đề thường rực sáng như lửa trong sự nghiệp độ sinh, nhưng vẫn thường hành tu tập tĩnh lự tịch tĩnh.

74. Do thế lực của tu tập đời trước, và do bởi đã viễn ly tất cả phân biệt tư duy, Bồ-tát thuần thục chúng sinh mà không cần phải dụng công.

75. Biết ai cần được hóa độ, hóa độ như thế nào, bằng phương tiện gì, bằng thuyết pháp hay bằng oai nghi tế hạnh.

76. Bằng vô công dụng hành, với trí tuệ vô ngại, hành động vì lợi ích của thế gian trong hư không vô biên.

77. Khi đã đạt đến địa vị này, Bồ-tát thành tựu bình đẳng như Như Lai, cứu độ chúng sanh khắp trong các thế gian.

78. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Bồ-tát và Phật như sự khác biệt giữa một cực vi và đại địa, hoặc giữa dấu chân bò và đại dương.

Ratnagotra-vibhāga of Sāramati or Maitreya, ch.1, v. 69–78, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

***

[1] Những trương hợp khó khăn, cản trở việc nghe và hiểu Pháp; xem *V.14.

[2] Bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự.

[3] Phước báu không phải là ‘phần thưởng’, mà là kết quả tự nhiên. Người bố thí cao nhất thì không quan tâm đến bất kỳ ‘sự đền ơn’ nào của việc bố thí, nhưng cũng không làm để cầu phước báu.

[4] Nơi đó là những bộ phận kín trong cơ thể một người.

[5] Có lẽ vì điều này có thể giết những sinh vật nhỏ có trong các hạt.

[6] Cf. *Th.6 Bản Sanh truyện.

[7] Cf. *Th.117.

[8] Khi nó có thể gây tổn hại lớn nhất đến động vật.

[9] Cf. *M.92 về ‘cứu động vật từ thợ săn’.

[10] Nghĩa là, như ta đã có vô số những kiếp quá khứ, tất cả chúng sanh hiện tại cũng vậy, trong một số kiếp trước, đã từng là cha hoặc mẹ ta.