NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

TÌM THẦY

Có một vị quốc vương, một hôm cảm thấy đời sống sao mà vô vị quá. Do ông sống không thiếu gì, hưởng thụ toàn những thứ cực tốt, cực đẹp, nên thấy đời chẳng còn vui thú.

Rồi ông nghĩ thầm: “Mình nên tìm một vị thầy dạy mình cách sống”.

Thế là quốc vương xuất cung, đi khắp nơi tìm kiếm một vị thầy cho ưng ý. Ông đã bỏ nhiều thời gian thân cận, tìm hiểu, quan sát kỹ lưỡng những vị được tôn là đạo sư để tuyển chọn thầy, nhưng xem ra chẳng có ai làm ông hài lòng.

Theo ông thì vị thầy lý tưởng phải là một người có phong cách giải thoát, tự do tự tại, nội tâm lúc nào cũng an lạc, pháp hỷ sung mãn. Tiếc thay, hễ các thầy vừa biết rõ ông là vua thì lập tức họ mất bình tĩnh ngay, không còn vẻ an lạc tự tại vốn có.

Hằng ngày mỗi khi xuất cung vi hành, quốc vương thường gặp phải vị tu sĩ ăn mặc rách rưới ngồi dưới tàn cây ven đường. Y phục ông tồi tàn tới nỗi hầu như chẳng còn che kín thân nhưng ông vẫn ngồi yên bất động, gương mặt bình thản điểm nụ cười mỉm thâm trầm.

Mới đầu, quốc vương chẳng thèm dòm đến ông, nhưng sau một thời gian dài mỏi mắt kiếm tìm mà không chấm được ai; mệt lả, vua xoay qua nhìn ông. Bị nụ cười thâm trầm của ông lôi cuốn, vua xuống ngựa, ngỏ ý:

– Này Ẩn sĩ, Ta đang muốn tìm một vị thầy; ông có chịu làm thầy ta không?

– Nếu ngài chịu cư xử theo lễ thầy trò thì ta đồng ý!

Quốc vương cảm thấy thích thú, rước thầy về cung.

– Này Ẩn sĩ, ông có chịu làm thầy ta không?

Tin quốc vương tôn một vị bần hàn lam lũ làm thầy, chẳng mấy chốc được đồn khắp nước. Dân chúng khấp khởi mừng, nghĩ thầm: “Thế nào vị lương sư kia cũng sẽ dạy quốc vương sống giản dị, nhắc ông quan tâm tới nỗi khổ của dân, giúp cải thiện nền hành chính ích nước lợi nhà hơn ”…

Riêng phần quốc vương, sau khi bái thầy xong ông đã băn khoăn tự trách: “Ta đường đường là một quốc vương, không hiểu sao lại đi chọn gã ăn mày làm thầy như thế này?”

Dù vậy, ông cũng cho thầy ngự trong cung điện sang quí, cung phụng không thiếu thứ gì, để thầy hưởng thụ cuộc sống cực kỳ phong lưu.

Vua tận lực thờ kính thầy, hi vọng sẽ được truyền diệu pháp an lạc.

Lạ ở chỗ là, quốc vương có hậu đãi, để thầy hưởng dụng mọi thứ thượng đẳng đến đâu, thầy đều không từ chối mà còn hưởng rất tận tình, hưởng tất tần tật! Song thầy chẳng hề dạy quốc vương điều ông khao khát; suốt ngày thầy cứ yên lặng giống như thuở còn ngồi dưới gốc cây, vẫn gương mặt bình thản điểm nụ cười thâm trầm.

Ba tháng trôi qua nhấp nháy.

Quốc vương bắt đầu phiền lòng và cảm thấy hết chịu nổi, nghĩ thầm: “Cái lão bá vơ giả bộ tu hành này xem ra chẳng có gì hơn ta?! Thêm nữa, ta mỗi ngày phải lo chuyện quốc sự, phải để mắt tới việc trị nước, an dân., thế thì dù ta có hưởng mọi xa hoa phú quí trong cung cũng là lẽ tất nhiên. Còn lão? – Lão có công cáng gì xứng đáng đâu? Lão chỉ là kẻ ham ăn, lười nhác! Lão đâu chịu mó tay vào làm việc gì? cứ ngồi khổng ngồi không mà hưởng thụ mọi thứ ngang hàng như ta! Xem bộ lão chẳng có bí pháp hay ho gì ngoài cái kiểu biểu diễn làm thinh, – á khẩu – cười mỉm? Xét cho cùng, thực chất lão chỉ là một tên đần độn sống bên lề đường thôi!”

Quốc vương rất muốn “tống” thầy ra khỏi cung, song lại ngại dân chúng cười chê. ông suy nghĩ rất lâu và tìm ra một biện pháp thỏa đáng: “Thôi được! Ta ráng đợi đến khuya, ít người nhìn thấy… ta sẽ đưa cái lão tu giả này ra biên giới, đuổi lão sang nước khác là xong!”

Khuya hôm đó, quốc vương dẫn theo đoàn tùy tùng, áp giải thầy ra biên giới. Trên đường, vị sư này vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên với nụ cười mỉm thường nhật.

Lúc gần tới nơi, quốc vương hết nhịn nổi, tuôn ra một tràng bất bình:

– Này lão ăn mày kia! Hồi xưa, thấy lão ngồi dưới gốc cây ăn mặc rách rưới, ta ngỡ lão là bậc Thánh nhân đắc đạo nên mới có bộ dạng khác người. Ai dè khi lão về hoàng cung, lão chỉ biết hưởng thụ xa hoa như ta, chẳng có gì hay! Giờ trước khi “lặn” mất, lão hãy nói xem: – Giữa lão và ta có gì khác biệt? Thật sự lão có bí quyết sống an lạc hạnh phúc hay không?

Vị thầy lúc này mới “khai khẩu” tạ từ và trả lời:

– Điểm khác biệt giữa ngài và tôi là thế này: – Ngài có một vương quốc, ngài phải bám víu và sống chết vì nó. Còn tôi, tôi không có vương quốc nên tôi đi đến đâu, thì nơi đó là vương quốc của tôi. Khi tôi ở gốc cây, thì gốc cây là vương quốc, khi tôi ngụ tại hoàng cung, thì hoàng cung là nhà tôi. Thật sự thì hoàng cung hay gốc cây, đối với tôi không có gì khác biệt. Còn bí quyết để sống an lạc ư? – Chỉ tâm tư an tĩnh mới có thể sống hạnh phúc.

Vị thầy nói xong, bước thẳng và khuất dạng trong rừng sâu.

(Kể theo “Đột phá khổn cảnh” của Lâm Thanh Huyền)

BÌNH:

Khi được người tôn làm thầy, đặt ta ở vị cao, thọ nhận sự kính ngưỡng, qui phục cùa người thì điều bắt buộc tất nhiên là – ta phải có những cái cao hơn, mới xứng với danh vị người đặt để cho ta – Thầy, tức là Đạo sư, là bậc dẫn đường chỉ lối giúp người thoát khỏi nẻo mê. Thầy phải có tấm lòng quảng đại, bao dung và sức chịu đựng vô bờ mới kham nổi tánh tật chúng sinh. Phàm phu thì có quyền sân giận, chứa nhiều tính xấu, có thể nổi tam bành lục tặc tha hồ… Song Thầy thì không! Thầy phải tập bỏ tính xấu, phải cho qua, buông xả mau. Thầy không được giận, sân si lâu như thường tình mà phải gột rửa, tẩy sạch tâm để độ sinh tốt. Nhờ vậy thầy mới dung được những điều khó dung, độ được người khó độ và có thể “Thiết thân xử địa” (đặt mình vào vị trí người để xử lý ổn thỏa).

Điều kiện đòi hỏi làm thầy diễn tả thấy cao vậy, song đó chỉ là những điều kiện lý tưởng mà thầy cần đạt tới. Song, trong thực tế thầy chỉ cần bồi đức lập hạnh, hoàn thiện mình… là tốt rồi.

Hành xử như vị thầy trong truyện không khó kiếm, song “khát pháp” như quốc vương mới là khó tìm. Chỉ tiếc vua và thầy không đủ duyên. Giả như vua gặp được Phật hay các bậc Thánh, hoặc vị thầy xứng danh, ắt hẳn sẽ được thỏa lòng. Cho nên, tìm minh sư tuy khó, nhưng hội đủ phước duyên để tiếp thu giáo pháp, gặp được vị thầy giáo hóa hướng dẫn mình đạt đến giải thóat viên mãn lại càng khó hơn!