Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT
(TT)

Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến: Thế giới Cực Lạc là cõi pháp tánh nên “Kiến lập thường nhiên”.

“Kiến” là mới khởi đầu xây dựng, ngày nay chúng ta gọi là sáng kiến, sáng tạo ban đầu. “Lập” là thành tựu cuối cùng. “Thường” là thường hằng, luôn luôn, “nhiên” là như thế; “suy” là hư hao, “biến” là thay đổi. “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến” có nghĩa là một phen đã kiến lập rồi thì mãi mãi như vậy, chẳng có tướng trạng hư hao, biến hoại.

Ngày nay, chúng ta ở cõi này, kỳ thật cũng là cõi Pháp tánh, không sao rời khỏi Pháp tánh; rời khỏi Pháp tánh làm gì có cõi! Vấn đề do chúng ta chấp tướng mà không thấy tánh! Giả như ngay nơi Pháp tướng mà thấy được Pháp tánh thì nơi đây cũng là “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Do đây có thể biết tâm bệnh vẫn là nguyên nhân chính, phát sinh từ bản thân chúng ta. Chúng ta dùng là tâm phân biệt, tâm vọng tưởng, tâm chấp trước nên chỉ thấy tướng mà không thấy tánh. Người ở thế giới Cực Lạc vĩnh viễn ly khai vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên họ thấy tướng chính là thấy tánh, tánh tướng nhất như, tánh tướng không hai. Chúng ta ở thế gian này có sợ hãi, có bất an, có âu lo phiền não, tất cả đều do vô thường đem đến. Nếu tất cả có thể “Kiến lập thường nhiên” thì tập khí phiền não đều không còn. Cho nên, thế giới Cực Lạc tu hành nhanh chóng và dễ thành tựu là nhờ sự việc này. Thật sự thập toàn, thập mỹ, không tìm đâu ra một chút khiếm khuyết nào chỉ có thế giới Cực Lạc.

Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Kiến lập thường nhiên chẳng suy chẳng biến ý nói cõi nước thường hằng”.

Ngài Gia Tường lại bảo: “Kiến lập thường nhiên nghĩa là cõi này (Sa Bà) có kiếp hoại, nhưng cõi kia (Cực Lạc) chẳng thay đổi, mãi mãi giống như vậy”. Ngài nói rất hay.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Thế giới Sa-Bà là tinh cầu hiện tại chúng ta đang sống. Tinh cầu trên không trung không ổn định! Thông thường mọi người chỉ biết: Hệ Thái Dương xoay quanh hệ Ngân Hà; địa cầu xoay quanh Thái dương; mặt trăng xoay quanh địa cầu; trong đó có công chuyển, có tự chuyển, còn có rất nhiều chấn động không qui tắc. Chẳng hạn như địa cầu vận chuyển trong hư không có công chuyển là xoay quanh mặt trời, có tự chuyển là bản thân địa cầu tự chuyển một vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ: Một nửa đối diện với mặt trời là ban ngày; một nửa sau lưng mặt trời là ban đêm. Vận chuyển này chúng ta không cảm nhận được. Chấn động không chỉ một loại mà có rất nhiều loại, hơn nữa còn rất không ổn định !

Theo báo cáo của các nhà khoa học: Công chuyển và tự chuyển, tốc độ của nó nếu sai lệch một chút, địa cầu này sẽ sinh ra biến hóa quan trọng! Hiện nay, khí hậu địa cầu biến hóa khác thường, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là vùng Nam, Bắc Cực của địa cầu có biến hóa lớn ! Các nhà khoa học cho chúng ta biết: Hiện nay Nam, Bắc Cực so với mấy trăm năm trước sai lệch năm độ. Khoảng cách năm độ này rất lớn, cho nên nơi đáng phải lạnh, nó không lạnh; nơi đáng phải nóng nó không  nóng!

Rất nhiều sinh vật tuyệt chủng: Như vùng hàn đới, khí hậu lại trở nên ấm; vùng nhiệt đới khí hậu lại trở nên lạnh, nên sinh vật không thể sống!

Động, thực vật không thể sinh tồn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống nhân loại chúng ta. Các nhà khoa học ngày ngày nghiên cứu, lo lắng về những sự việc này. Nhưng Phật pháp nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Giới khoa học họ cũng hiểu rõ đạo lý này nên lớn tiếng kêu gọi, khuyến khích mọi người phải bỏ ác dương thiện, cải tà qui chánh, đoan chánh tâm niệm. Rất nhiều tôn giáo đều đang nỗ lực cầu nguyện cho sự việc này. Ý thức tập thể có thể tiêu tai miễn nạn, địa cầu sẽ khôi phục bình thường.

– Vì sao thế giới Cực Lạc “Kiến lập thường nhiên”, chúng ta ở nơi đây lại không thể?!

– Nói thật! Thế giới Cực Lạc làm được, chúng ta cũng làm được! Người vãng sinh về thế giới Cực Lạc đều là “thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Tịnh Tông Học Hội chúng ta đến Đồ Văn Ba thành lập đạo tràng Học Viện tại đây được mười năm. Chúng ta có quan hệ rất tốt với cư dân và tôn giáo ở đây, ngay cả đến nhân duyên với chính phủ cũng rất tốt. Chúng ta muốn làm việc gì chính phủ cũng ủng hộ.

Hôm qua, hai vợ chồng thị trưởng đến tham gia buổi tiệc tối ấm áp của chúng ta, mọi người đều nhìn thấy. Chúng tôi trình bày với thị trưởng, muốn thành lập một thôn nhỏ, bắt chước mô hình trước đây khi tôi ở Mỹ đã nhìn thấy như thành Đan Mạch, thành Nhật Bản. Nơi đây người cùng một dân tộc, cùng một quốc gia di dân đến Mỹ đều ở cùng nhau. Họ có văn hóa, có phương thức sinh hoạt riêng. Chúng ta đi vào thành Nhật Bản cũng giống như đến nước Nhật; vào thành Đan Mạch giống như ta đến Âu Châu.

Chúng tôi thiết nghĩ, trên toàn thế giới có rất nhiều Tịnh Tông Học Hội, nếu đồng tu muốn di dân đến Úc, chúng ta sống cùng nhau, kiến lập thành một thôn Di Đà. Nếu mở rộng hơn thành thị trấn A Di Đà; đông hơn nữa, gọi là thành phố A Di Đà Phật. Phong cách kiến trúc, tôi cũng kiến nghị với ông ta, chúng tôi muốn dùng kiến trúc cổ của Trung Quốc, xung quanh có xây tường. Ông ta nghe xong rất hoan hỉ. Việc này biến Đồ Văn Ba thành nơi tham quan du lịch. Trong thành nhỏ này có đủ các ngành, nghề hướng về văn hóa cổ điển, sống theo phương thức truyền thống của người xưa, đem nghệ thuật các vùng miền của Trung Quốc như nói, hát, ảo thuật v.v… đều xuất hiện trong thành nhỏ này.

Chúng tôi cần đất, thị trưởng đã đồng ý rồi. Hiện nay, chúng tôi đã có đất đai là đất nông nghiệp, chỉ cần thị trưởng thay đổi mãnh đất này một chút, chúng tôi sẽ thành lập thôn, thành lập thị trấn trên mãnh đất này. Chúng ta có thể bắt đầu thiết kế bảng vẽ, bắt đầu lên kế hoạch. Văn hóa năm ngàn năm của Trung Quốc được thiết lập tại Đồ Văn Ba. Thị trưởng nói với tôi: Đồ Văn Ba thiếu khách sạn năm sao, thiếu một phòng triễn lãm có qui mô. Nếu chúng ta thành lập xong tiểu thôn, tiểu trấn này, những lý tưởng đó sẽ không khó! Vì sao? Vì chắc chắn nó trở thành thắng địa tham quan du lịch quốc tế, sẽ có người đầu tư khách sạn năm sao, có người đầu tư xây dựng viện bảo tàng, phòng triễn lãm văn vật của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo thời cổ đại trên toàn thế giới.

Cư dân nơi tiểu trấn này giống như ở thế giới Cực Lạc. Chúng ta dùng tiêu chuẩn của thế giới Cực Lạc: Người di dân đến phải đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên. Thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên, ở đây không thu nhận. Nhân duyên này là duyên với Phật. Tâm người thiện thì địa phương thiện, “cảnh tùy tâm chuyển”; lòng người nơi đây đều hướng về thế giới Cực Lạc, thực hiện luân lý, đạo đức, nhân quả, giáo dục tôn giáo. Tôi tin tưởng  sự kiến lập mô hình này sẽ thành công, cả Úc Châu sẽ không còn xảy ra thiên tai.

Năm ngoái, lần đầu tiên tiếp xúc với thị trưởng, chúng tôi có cùng chí hướng. Hôm qua gặp lại, tôi liền nói cụ thể hơn vấn đề này, ông ta hoàn toàn tán thành. Tương lai, Đồ Văn Ba có thể kiến lập một đài truyền hình vệ tinh quốc tế, mỗi ngày đem câu chuyện về thành phố nhỏ này phát sóng trên đài truyền hình, khiến người trên toàn thế giới thảy đều hay biết. Đây là phương thức thu hút tham quan du lịch.

Úc Châu đất rộng, người thưa, hoan nghênh các bạn di dân đến đây, chúng ta ở cùng nhau tu tập. Tuy lấy truyền thống văn hóa xưa làm trung tâm, nhưng văn hóa xưa bao dung tất cả; trong đó các dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau đều dung hợp thành một khối. Trong xã hội này, thành phố nhỏ này, tôn giáo là bình đẳng, tôn giáo là hòa thuận, là hợp tác lẫn nhau, đem đến cho xã hội sự an hòa hạnh phúc mỹ mãn giống như thế giới Cực Lạc không khác, kiến lập sẽ vĩnh hằng thường nhiên.

Đại Sư Cảnh Hưng bảo: “Kiến lập thường nhiên là nhân được viên mãn, quả được thành lập nên chẳng đổi khác. Chẳng suy, chẳng biến là chẳng bị tam tai phá hoại.” (Tam tai là thủy, hỏa, phong). Đây đều là mục tiêu chúng ta thật sự có thể làm được.

Vấn đề kế tiếp, thành phố nhỏ này tương lai nhất định phải biến thành thành phố văn hóa, thành phố dạy học; mỗi tôn giáo đều có giảng kinh dạy học trong đó. Cư dân nơi thành phố này có hiếu, có để, có chân thành, có cung kính, có nhân, có nghĩa. Những đức hạnh này chúng ta đều phải vun bồi, phải thực tiễn ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả bậc thầy của các tôn giáo phải là tấm gương tốt cho cư dân. Các tôn giáo cùng nhau học tập, động viên lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, đem đến hạnh phúc, an bình mỹ mãn cho cư dân trong thành phố bé nhỏ này. Cả ba thiên tai: Nước, lửa, gió, dù lớn hay nhỏ đều không thấy ở đây. Đây là mục tiêu trong tưởng tượng của chúng tôi. Tôi tin chúng ta có thể làm được.

Trong cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Sao, ngài Vọng Tây lại dựa theo lời dạy của Thiện Đạo Đại Sư mà phát huy ý nghĩa đoạn kinh này đến mức sâu xa tột bực. Ý ngài như sau: Theo Phật Địa Luận, có ba thứ “thường”: Bản tánh thường, bất đoạn thường, và tương tục thường. Theo sách Tam Tạng Pháp Số, quyển tám thì:

1. Bản tánh thường: Tức là Pháp Thân, cũng chính là tự tánh, là Pháp Thân bản tánh thường trụ, không sinh không diệt.

2. Bất đoạn thường: Là Báo thân, vì Báo thân cũng chính là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm luôn không lìa Pháp Thân. Pháp Thân không sinh không diệt nên Báo Thân cũng không có gián đoạn.

3. Tương tục thường: Đây chính là nói Ứng Hóa Thân ở trong thập pháp giới lúc mất đi lại hiện ra, hóa hiện vô cùng tận.

–  Như vậy Ứng Hóa Thân có sinh có diệt, sao gọi là “thường”?

Sinh diệt tương tục! Như trong “Phổ môn” nói: “Đáng dùng thân gì để độ liền hiện ra thân ấy để độ”. Trong mười phương thế giới không nơi nào chẳng hiện thân, không lúc nào chẳng hiện thân, đây là “Ứng thân thường” cũng chính là “tương tục thường”. Thông thường chúng ta nói “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

– Nhân quả vì sao bất không?

– Vì tương tục bất không!

Ba loại “thường” trên đây chúng ta đều có. Nhưng rất tiếc do bất tri bất giác chúng ta hoàn toàn mê mất nên không biết! Người chết ở đây lập tức sanh kia. Trong sáu cõi luân hồi sống sống, chết chết vĩnh viễn đang tiếp nối không dứt. Đây là “tương tục thường”, là chân tướng của vũ trụ.

Đức Thế Tôn nói về “Tam tế tướng” của A lại da: Nghiệp tướng (là hiện tượng tự nhiên); chuyển tướng và cảnh giới tướng đều thuộc về “tương tục thường”, sinh ra trong từng niệm như Kinh Lăng nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”

Sách Hoa Nghiêm Diễn Nghĩa Sao nói: “Tự tánh tức ngưng nhiên thường” (Tự tánh luôn thường trụ bất động). “Ngưng nhiên” là định tại một nơi, nghĩa là không dao động. Đây là chỉ Pháp Thân lý thể.

Đại Sư Thiện Đạo trong sách Sự Tán nói rất hay: “Cảnh giới Niết Bàn là Cực Lạc vô vi”, hoàn toàn dựa trên “tự tánh thể” mà nói. Ở đây nói đến “cảnh giới Niết Bàn”, chính là năm câu khi Đại Sư Huệ Năng khai ngộ đã nói: “Vốn tự thanh tịnh, vốn không sinh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động, năng sinh vạn pháp” đó là “vô vi”, “vô vi” mà “vô sở bất vi”; “vô sở bất vi” mà “vô vi”. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn !

Lại nói thế giới Cực Lạc “không suy, không biến, trạm nhiên thường” (không suy không biến, luôn thường hằng, chẳng lay động): “trạm nhiên” là ví dụ như một đầm nước trong veo không hề có chút nhiễm ô, gợn sóng nào, như cảnh giới y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, hiện tướng của nó là “vô suy vô biến”. Nói cách khác, bắt đầu từ ngày A Di Đà Thế Tôn kiến lập thế giới Cực Lạc phải mất thời gian tu hành năm kiếp cho đến khi thành Phật đến nay đã mười kiếp, tổng cộng là mười lăm kiếp; bây giờ nếu chúng ta vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tình hình thấy được cũng y như mười lăm kiếp về trước, không hề thay đổi nên gọi là “vô suy, vô biến”.

Phật nói: Pháp Thân Bồ Tát sau ba A-Tăng-Kỳ kiếp sẽ đoạn tận “vô thỉ vô minh”, chứng được quả vị Diệu Giác, trở về Thường Tịch Quang; Cõi Thật Báo của họ không còn, nhưng cõi Thật Báo của người khác vẫn còn, không phải đồng thời thành Phật. Người nào thành Phật thì người đó ra đi, giống như khóa học này năm nay tốt nghiệp ra trường vẫn còn những khóa học khác chưa tốt nghiệp nên trường học vẫn còn. Mỗi năm có lớp ra đi, mỗi năm có người mới vào. Cho nên, hiện tướng của nó vĩnh viễn là “tướng tương tục”, trong “tương tục” lại có nghĩa của “bất đoạn thường”. Trong mười pháp giới “tướng tương tục” rất rõ ràng, không thấy “bất đoạn thường”.

– Vì sao không thấy?

– Vì có thức biến! Chúng sinh trong mười pháp giới dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở cho nên, mỗi niệm đều đang biến hóa, không có “bất đoạn thường”.

Niệm này nối tiếp niệm kia chính là “đoạn”. Niệm trước diệt niệm sau sinh, sao nói là bất đoạn?- Chỉ vì tốc độ của nó quá nhanh, chúng ta không nhận ra sự biến hóa của nó, thực tế là nó đang biến hóa. Cho thấy, trong kinh này nói “thường nhiên” tức “bản tánh thường”, “ngưng nhiên thường”, đây là thật. Do thường hằng nên “vô suy vô biến”, bốn cõi đều không ngoại lệ: bốn cõi đều là “như”, bốn cõi đều là “thị”, không lìa bản tánh. “Bản tánh thường” đương nhiên nó cũng thường, cho nên gọi là Pháp thân, gọi là tự tánh.

Ngài Vọng Tây đưa ra giả thuyết giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín, như sau: “Đã là cõi do tu nhân mà cảm được quả thì cõi ấy ắt phải có lúc khởi đầu, sao lại bảo là chẳng phải là nhân, chẳng phải là quả, lặng lẽ thường hằng?”. Nói như vậy hình như có mâu thuẫn, không thông suốt. Rồi ngài tự đáp: “Tu nhân cảm quả là Thỉ Giác Trí. Vô vi lặng lẽ, không biến đổi chính là Bổn Giác Lý. Xét đến rốt ráo, Thỉ Giác nào khác Bổn Giác, như sách Thích Đại Diễn Luận viết: ‘Nếu đắc Thỉ Giác thì (Thỉ Giác) lại chính là Bổn Giác’. Nếu bàn về lúc chứng đắc thì dường như có khởi đầu, nhưng nếu xét về cái được chứng thì Thỉ Giác và Bổn Giác bất nhị, vốn sẵn thường trụ”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Bắt đầu giác ngộ rồi “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”, đây là lý của Bổn Giác. Từ Thỉ Giác đến Cứu Cánh Giác; lý của Bổn Giác trước sau không thay đổi cho nên, người xưa mới nói: “Nhược đắc Thỉ Giác hoàn đồng Bổn Giác” (Nếu đắc Thỉ Giác thì Thỉ Giác đó lại chính là Bổn Giác). Nếu bàn về lúc chứng đắc thì dường như có khởi đầu, nhưng xét về cái được chứng thì Thỉ Giác và Bổn Giác bất nhị, vốn sẵn thường trụ, dứt bặt ngôn ngữ. Nếu chúng ta hiểu đạo lý của lời nói này “nhược đắc Thỉ Giác bất đồng Cứu Cánh Giác”, có nghĩa là tuy Thỉ Giác không đồng với Cứu Cánh Giác nhưng tương đồng với Bổn Giác.

– Giác là giác cái gì?

– Giác là giác Bổn Giác! Bổn Giác mà bạn “giác” vẫn chưa viên mãn, Cứu Cánh Giác mới là Bổn Giác viên mãn. Bổn Giác không có trước, sau cũng không có: phần mãn, phần phần, mãn mãn, hoàn toàn không có!

Đạo lý này, chúng ta dùng ánh trăng để làm ví dụ thì dễ hiểu: Thỉ Giác giống như trăng ngà mùng hai, mùng ba; Bổn Giác là vầng trăng; Cứu Cánh Giác là trăng tròn mười lăm. Bạn xem! Trăng ngà mùng hai, mùng ba không hề rời khỏi vầng trăng; đến khi trăng tròn cũng vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng không có phần, không có đầy. Thỉ Giác cùng Cứu Cánh Giác mới có phần, có đầy. Thỉ Giác không viên mãn, Cứu Cánh Giác mới viên mãn. Từ ngay đây mà thể hội lời nói của Phật ở trên kinh “nhược đắc Thỉ Giác, hoàn đồng Bổn Giác”. Đây là nói người tu hành khi chứng được “phần phần chứng”, “phần phần sở chứng” này đều không rời “Bổn Giác lý thể”. Rời “Bổn Giác lý thể” đó chính là Tà Giác, đó là giác sai không phải là trí tuệ chân thật, không phải chân thật giác ngộ. Cho nên, xem ra dường như có “thỉ”, có “chung”, có cái khởi đầu nhưng đến khi chứng đắc mới ngộ rằng: Đây chỉ là một vầng trăng không phải hai nên gọi là “Thỉ, Bổn bất nhị”; “Bổn hữu thường trụ” (Vốn sẵn thường trụ) chính là cái ý này.

Có người nói cõi Pháp Tánh này của chúng ta đã biến thành cõi Pháp Tướng rồi! Thử hỏi có thật như vậy không? Nghe ra dường như có đạo lý, tỉ mỉ mà nghĩ thì không có đạo lý! Vì sao? Tánh, tướng là một không phải hai! Đây mới là lời thật! Do đây có thể biết: Vấn đề của chúng ta phát xuất từ dính tướng mà quên tánh! Cũng giống như dùng vàng ròng đúc thành tôn tượng Phật. Vàng cùng tượng Phật là một không phải hai. Rời vàng thì không có tượng Phật; rời tượng Phật thì không có vàng. Người tường tận biết tướng chính là tánh; tánh chính là tướng, đây gọi là “kiến tánh”; “kiến tánh” thì thấy cõi này là cõi Pháp Tánh, đó chính là “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Thế nhưng, có số người chưa thấy tánh, chưa thấy được vàng, chỉ thấy được tôn tượng Phật. Nếu hỏi họ ở đó có bao nhiêu vàng ròng? Họ tìm khắp phòng cũng không thấy có vàng ròng; không biết được tượng Phật này đích thật là vàng ròng!

Chúng ta ngày nay cũng thuộc loại này! Không biết được núi sông, tất cả chúng sinh v.v… đều là tự tánh. Đến lúc nào bạn chân thật hoác nhiên đại ngộ, mới biết được cõi Pháp tánh và cõi Pháp Tướng là một chẳng phải hai. Tường tận rồi thì, cái thế gian này chẳng phải là “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến” hay sao? Hà tất phải đến thế giới Cực Lạc mà tìm! Cho nên, trên kinh Phật thường hay khuyến khích chúng ta phải thâm giải nghĩa thú, nếu giải không đủ sâu thì không được.

Xét trong Mật bộ (tức Mật Tông), Kinh Đại Thừa Mật Nghiêm có nói: “Phật dĩ siêu quá bỉ, nhi y Mật Nghiêm trụ, Cực Lạc trang nghiêm quốc, Thế Tôn Vô Lượng Thọ” (Phật đã siêu việt những điều ấy, nương vào cõi Mật Nghiêm mà trụ. Cõi Cực Lạc trang nghiêm, đức Thế Tôn hiệu là Vô Lượng Thọ). Kinh ấy còn nói: “Mật Nghiêm Tịnh Độ siêu việt chư Phật quốc, như vô vi tánh, bất đồng vi trần. Thử Mật Nghiêm trung, chư Phật, Bồ Tát, tịnh dư quốc độ, lai thử hội giả, giai như Niết Bàn” (Cõi Mật Nghiêm Tịnh Độ, vượt xa các cõi Phật khác (tánh cõi ấy) giống như tánh của vô vi, chẳng giống với vi trần. Trong cõi Mật Nghiêm ấy, chư Phật, Bồ Tát và các cõi nước khác đến trong hội này đều như Niết Bàn).

Mật Tông đến sau cùng vẫn qui về Tịnh Độ. Tuy rằng có đến trễ hay sớm phương pháp không giống nhau nhưng phương hướng, mục tiêu đều như nhau. Vãng sinh Tịnh Độ là đại sự nhân duyên vô cùng thù thắng trong đời sống chúng ta. Nói đến “Mật Nghiêm” chính là nói đến “Bản tánh thường”, “Ngưng nhiên thường”; trong Kinh Đại thừa gọi là “Chân tâm thường trụ”, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.

Cực Lạc trang nghiêm quốc, Thế Tôn Vô Lượng Thọ”: Hai câu trước là từ tự tánh lý thể mà nói; hai câu này là nói từ sự tướng. Tánh, Tướng nhất như; lý, sự không hai. Mật Nghiêm tức là Cực Lạc. Lại nói: “Mật Nghiêm Tịnh Độ siêu chư Phật quốc” (Mật Nghiêm Tịnh Độ hơn hẳn cõi nước chư Phật). Ở trước nói: “Phật dĩ siêu quá”, có nghĩa là Phật đã siêu vượt những điều này, đây là nói chánh báo. Ở đây nói đến “Mật Nghiêm Tịnh Độ vượt qua cõi nước chư Phật” là nói y báo. Y, chánh đều siêu việt. “Như vô vi tánh”, câu này hiển thị ra thế giới Cực Lạc là cõi Pháp Tánh, là Thân Pháp Tánh. “Như vô vi tánh, bất đồng vi trần”. Vi trần là Pháp Tướng. Quả báo y, chánh của mười phương thế giới đều nói từ tướng, nói từ Pháp Tướng. “Chư Phật, Bồ Tát tịnh dư quốc độ, lai thử hội giả, giai như Niết Bàn”: Chư Phật, Bồ Tát trong Mật Nghiêm cùng các cõi nước khác đến dự hội này đều như Niết Bàn. Hội này là hội của Phật A Di Đà; thấy được Phật A Di Đà, ta chính là hội viên của Phật A Di Đà, Phật A Di Đà là hội chủ.

Sách Mật Nghiêm Kinh Sớ nói: “Nói ‘như vô vi tánh’ vì cõi Mật Nghiêm là cõi Tha Thọ Dụng của chư Phật (Tha Thọ Dụng Độ và Tự Thọ Dụng Độ là hai cõi Tịnh Độ nơi Báo Thân Phật ngự. Tự Thọ Dụng Độ là cõi Phật thuần tịnh vô lậu do thức thứ tám thuần tịnh, biến hiện; ngoài Phật ra, không ai cảm nhận, thấy biết được cảnh giới và Báo Thân Phật trong cõi này. Tha Thọ Dụng Độ là cõi Phật được biến hiện ra với mục đích giáo hóa hàng Bồ Tát, chư thánh nhân. Tùy theo sở chứng của mỗi người mà sẽ thấy được sự trang nghiêm diệu hảo nơi cõi này cũng như các tướng hảo nơi Báo Thân Phật có sai khác. Do tùy thuận cơ nghi khiến cho những người chưa chứng Phật quả thấy được nên gọi là Tha Thọ Dụng). Chư Phật từ cõi Pháp Tánh độ, dùng bi nguyện lực kiến lập cõi Mật Nghiêm. Cõi Tịnh Độ này giống như Pháp tánh độ, không có khuyết điểm vô thường, nên bảo là giống như tánh của vô vi”. (Cõi Mật Nghiêm này là Mật Tông nói, trong Hiển Tông gọi là Pháp tánh). Sách còn viết: “Cõi Mật Nghiêm này chỉ từ Như Lai tạng tâm thanh tịnh hiện ra nên chẳng phải là do vi trần hợp thành”. Ý này rất sâu sắc, vì tất cả thế giới đều là “tâm hiện thức biến”. Pháp tánh và Mật Nghiêm là một không phải hai, tức là cõi “Tha Thọ Dụng” của chư Phật.

– Còn cõi “Tự Thọ Dụng” của chư Phật ở đâu?

– Ở “Thường Tịch Quang Tịnh Độ”, Bồ Tát trong cõi Thật Báo không thọ dụng được!

– Vì sao?

– Vì “tập khí vô thỉ vô minh” họ vẫn chưa đoạn hết nên vẫn còn chướng ngại. Các chướng ngại khác họ đều không có, họ vẫn có thể tự hành hóa tha, duy chỉ có chướng ngại là chướng ngại tự tánh Thường Tịch Quang. Đến khi nào họ đoạn tận hết tập khí “vô thỉ vô minh” mới tiến đến Diệu Giác Quả Phật, là cứu cánh viên mãn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Pháp Thân Bồ Tát, “tập khí vô thỉ vô minh” của mỗi người sâu cạn không giống nhau, cho nên vẫn không thể gọi là triệt để bình đẳng. Đích thật họ cũng chứng được thân Pháp tánh, trú cõi Pháp tánh nhưng chưa cứu cánh viên mãn. Chư Phật Như Lai thị hiện giáo hóa Pháp Thân Bồ Tát trong cõi Thật Báo, vẫn là đáng dùng thân gì để độ liền hiện ra thân đó, hoàn toàn hiện ra từ tự tánh, không có thức biến. Cho nên, nói “Chư Phật từ cõi Pháp Tánh, dùng nguyện lực từ bi kiến lập cõi Thật Báo, giúp Pháp Thân Đại Sĩ chứng được cứu cánh viên mãn quả đức. Tịnh độ này giống như cõi Pháp Tánh, xa lìa tất cả sự vô thường”.

Lìa vô thường chính là “Chân thường”, là “Ngưng nhiên thường”. Trong Thường Tịch Quang không có tướng, trong cõi Thật Báo có tướng. Ngoài điều này ra, hầu như không có gì khác biệt. Nên nhớ: Hiện tướng ở đây là vì “Tha Thọ Dụng” không phải vì “Tự Thọ Dụng”. Cho nên nói: “như tánh của vô vi”. “Tánh của vô vi” là Chân tánh. Lại nói: “Cõi Mật Nghiêm này vượt xa các cõi Phật chỉ từ tâm thanh tịnh Như Lai hiện ra nên chẳng phải do vi trần thành tựu”. “Vi trần thành tựu” nghĩa là “Hợp tướng”. Kinh Kim Cang gọi là “nhất hợp tướng” (một hợp tướng). “Nhất” chính là “vi trần”. “Nhất hợp tướng” chính là mọi hiện tượng đều do vi trần tổ hợp thành.

Trước đây, chúng ta dùng thuật ngữ của giới khoa học, chính là những vi trần này tập hợp thành hạt căn bản, hạt nguyên tử. Do rất nhiều nguyên tử tụ tập một nơi, sắp xếp thành phương trình khác nhau, trở thành hiện tượng nguyên thủy của vô số vật chất. Nhưng, cõi Thật Báo không phải do hiện tượng vật chất biến hiện ra. Nó chỉ có tâm hiện không có thức biến, không phải “nhất hợp tướng” như Kinh Kim Cang nói. Điều này rất khó hiểu! Đạo lý này đúng là rất sâu sắc; sự, lý đều không dễ lãnh hội!

– Không phải vật chất sao có thể hiện tướng?

– Chúng ta thấy trên Kinh Hoa Nghiêm nói: Tất cả pháp là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. “Tâm sở hiện” có hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất. Nhưng, hiện tượng ở cõi Thật Báo chỉ có tâm hiện mà không có thức biến, nên nó không tương ưng với tám thức.

Bồ Tát Di Lặc nói: “Tâm hữu sở niệm; niệm niệm thành hình, hình giai hữu thức”, đây là tác dụng của A-lại-da, trong mười pháp giới thì không có vấn đề gì, hiện nay các nhà Vật lý học đã tiếp xúc được ranh giới này. Nhưng, ranh giới của tự tánh, trong kinh Phật nói rất rõ ràng: Nếu dùng tâm ý thức thì tuyệt đối không thể duyên đến được! Chỉ có chứng mới biết được. Đối với tự tánh, chúng ta không cách nào nghĩ tưởng đến được! Nghĩ tưởng đều là vọng tưởng, tuyệt đối không nghĩ ra! Chỉ có “ngưỡng tín” (ngưỡng là kính ngưỡng) đến khi nào bạn chứng nhập được “Diệu Giác vị” mới thấy được “Như Lai diệu tâm”, thấy được “Pháp tánh diệu độ”.

Chỗ này, Hoàng Niệm lão nêu ra giải thích về “vi trần” như sau: Theo lời giảng trên, Cực Lạc chính là từ “Như Lai diệu tâm” hiển hiện, là cõi mầu nhiệm do Pháp Tánh biến hiện ra, nên chẳng giống với các thế giới khác. Những thế giới khác chỉ là do vi trần họp thành. “Vi trần” chẳng phải là những hạt bụi nhỏ mà là những hạt vật chất cực kỳ siêu nhỏ. Trước đây, ta cứ tưởng điện tử là hạt nhỏ nhất, sau đó lại phát hiện còn có những hạt nhỏ hơn cả điện tử, tạm gọi là “khoa khắc” (quark). Nhưng, hiện tại các nhà khoa học vừa khám phá rằng “khoa khắc” chưa phải là hạt nhỏ nhất, còn có những hạt nhỏ hơn nữa chẳng thể cùng tận (từ năm 1980 trở đi, các nhà  khoa học khám phá ra hạt vi trung tử (meson), hạt này lớn bằng một phần một trăm ức của điện tử. Những hạt này đầy dẫy trong không trung, chúng có thể xuyên qua những tấm nhôm hoặc gang dày đến mười ức cây số như xuyên qua một lớp sương mỏng). Những hạt nhỏ, thật nhỏ ấy chính là “vi trần”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Sự việc trên đây khiến chúng ta liên tưởng trong không khí có đầy dẫy những virus bệnh, những vi sinh vật này vô số, có thể xuyên qua cơ thể sinh vật trên địa cầu gây tật bệnh nghiêm trọng. Phật pháp dạy chúng ta tu tâm thanh tịnh, tu tâm từ bi. Tâm thanh tịnh sẽ không bị ô nhiễm; tâm từ bi có thể giảm độc; oán hận dù có lớn đến bao nhiêu, gặp tâm từ bi cũng đều hóa giải được. Đây chính là khả năng miễn dịch hữu hiệu nhất do công phu tu tập của chúng ta mà có thể thành tựu.

Để làm sáng tỏ thêm về vấn đề này, Hòa Thượng Tịnh Không cũng nêu thêm phần giải thích như sau: “Vi trần” không phải là “trần ai”. “Trần ai” là những hạt bụi bay trong không trung; xuyên qua ánh sáng của mặt trời chiếu qua khe cửa, mắt chúng ta có thể nhìn thấy những hạt bụi này. Ba ngàn năm về trước, đức Phật đã dùng thí dụ “Ngưu mao trần”: Sợi lông của con trâu rất thô, trên đầu nhọn của sợi lông trâu có một hạt bụi, nó dính rất vững chắc trên đầu sợi lông, không bị rơi xuống, đây là “ngưu mao trần”. Chia “Ngưu mao trần” thành bảy phần:

– Một phần bảy của “ngưu mao trần” là “dương mao trần” (lông cừu)

– Một phần bảy của “dương mao trần” là “thố mao trần” (lông thỏ)

– Một phần bảy của “thố mao trần” là “thủy trần”. Nước có độ khít, nhưng nó có kẻ hở, vi trần ở trong nước có thể hoạt động tự do không bị chướng ngại.

– Một phần bảy của “thủy trần” là “kim trần”. Kim loại cũng có khe hở, “vi trần” này cũng qua lại trong đó không có chướng ngại, như ở đây nói “vi trung tử” (meson) có thể xuyên qua tấm kim loại dày đến mười ức cây số (một tỷ cây số). Ở đây Phật nói “vi trần” còn có thể phân:

– Một phần bảy của “vi trần” là “sắc tụ cực vi”.

– Một phần bảy của “sắc tụ cực vi” là “cực vi chi vi”.

Đến “cực vi chi vi” thì không còn có thể tiếp tục phân nữa; nếu phân tách nữa nó sẽ biến thành hư không, cho nên gọi là “lân hư trần” (lân cận, giống như hàng xóm của hư không, là biên giới với hư không). Ngày nay, các nhà khoa học phát hiện được “vi trung tử”. Rốt cuộc, “vi trung tử” này là “vi trần” hay “sắc tụ cực vi” hay là “cực vi chi vi”? Rất khó nói! Trong kinh Phật nói “cực vi chi vi” là giai đoạn cuối cùng không thể tiếp tục phân chia nữa, nếu còn phân chia được, đó chưa phải là “cực vi chi vi”. Mãi đến nay khoa học vẫn chưa thể xác quyết! Có thể thêm vài năm nữa họ lại phát hiện vật càng nhỏ hơn. Đến khi nào khoa học có thể xác quyết, chứng minh hiện tượng vật chất này đến “cực vi chi vi”, tuyệt đối không thể phân chia nữa, đó mới chính là “cực vi chi vi” mà Phật đã nói.

Mặt khác, Phật nói: “Tất cả vạn vật, hư không pháp giới đều do vật chất nhỏ nhất tổ hợp thành”. Tổ hợp này rất có trật tự, trong khoa học gọi là “phân tử”. Từ “phân tử” lại tổ hợp thành “nguyên tố”. Từ “nguyên tố” tổ hợp thành tất cả vạn sự vạn vật, đây gọi là “nhất hợp tướng”. “Nhất hợp tướng” trên thực tế mà nói đó là Pháp Tướng. Phật nói với chúng ta: “Nhất hợp tướng” không phải là chân thật, nó có sinh có diệt.

– Sức mạnh gì đang làm chủ tể sinh diệt của Pháp Tướng?

– Trên kinh nói: Đó là ý niệm! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, do đó mới có mười pháp giới y chánh trang nghiêm.

Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là biến hóa của Pháp tướng. Pháp tánh không có biến hóa, cũng như khối vàng ròng chúng ta ưa thích đem nó tạo thành tượng Phật; hôm nào không thích, lại đem tượng Phật này nấu chảy tạo thành tượng Bồ Tát, đây là trên Pháp tướng có sự thay đổi. Nhưng vàng vẫn mãi là vàng, Pháp tánh không thay đổi. Chư Phật Như Lai thấy tánh không dính tướng nên nói: “Tất cả chúng sinh vốn dĩ thành Phật”. Cách nói này là thật không phải giả! Từ trên Pháp tánh mà nói thì “Chúng sinh vốn dĩ thành Phật”. Kinh Hoa Nghiêm nói “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”: Không những động vật “vốn dĩ thành Phật” mà thực vật cũng “vốn dĩ thành Phật”, khoáng vật cũng “vốn dĩ thành Phật”, không vật nào mà không “vốn dĩ thành Phật”.

Chúng ta không thấu hiểu chân tướng sự thật nên còn phân ta, phân người, vẫn đối đầu tranh cải, còn muốn đánh nhau đến lỗ đầu chảy máu, như người phát cuồng, tay trái đánh tay phải túi bụi, đánh đến thương tích chảy máu, đều là chính mình chẳng phải ai khác!

Lời kết sau cùng, Niệm lão nói rất hay:

Cực Lạc Mật Nghiêm chẳng phải do những hạt li ti ấy hợp thành, toàn thể của chúng là Như Lai diệu tâm, là tự tánh của đương nhân, nên chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng suy, chẳng biến, lặng lẽ thường trụ như tánh của vô vi”. “Lặng lẽ thường trụ” tức “ngưng nhiên thường trụ”. “Ngưng nhiên thường” là hiện tượng trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Phật A Di Đà, chư Phật Như Lai. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trong cõi Thật Báo có y, chánh trang nghiêm nhưng tuyệt đối không được dùng khái niệm mười pháp giới  y chánh trang nghiêm để nhìn nó, như vậy là nhìn sai. Cần phải chuyển A-lại-da thành Đại Viên Cảnh Trí, như vậy mới thấu hiểu triệt để; chưa làm được chuyển “Thức” thành “Trí”, không thể hiểu được nó. Điều này trên kinh Phật nói: “Chỉ có chứng mới biết được”, có nói thế nào cũng còn cách một tầng!

– Tầng này là gì?

– Là “bát thức”! Chúng ta không lìa “bát thức” nên vẫn chưa thể kiến tánh, chưa thấy được chân tâm, tự tánh của chính mình!