Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT
(TT)

KINH VĂN:

Ư vô lượng kiếp, tích thực đức hạnh, bất khởi tham, sân, si, dục chư tưởng, bất trước Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, đản nhạo ức niệm quá khứ chư Phật, sở tu thiện căn, hành tịch tĩnh hạnh, viễn ly hư vọng, y Chân Đế môn, thực chúng đức bổn, bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc, chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh, chí nguyện vô quyện, Nhẫn lực thành tựu.

VIỆT DỊCH:

Trong vô lượng kiếp, tích chứa vun bồi đức hạnh, chẳng khởi các ý tưởng tham, sân, si, dục, chẳng chấp trước Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chỉ thích nghĩ nhớ các thiện căn mà chư Phật quá khứ đã tu, hành tịch tĩnh hạnh, xa lìa hư vọng, nương vào Chân Đế môn, trồng các cội đức, chẳng nề hà các khổ, ít ham muốn, biết đủ, chuyên cầu bạch pháp, ban bố cái lợi cho quần sanh, chí nguyện không mõi nhọc, thành tựu Nhẫn lực.

GIẢNG:

Câu “ư vô lượng kiếp, tích thực đức hạnh” (trong vô lượng kiếp tích chứa, vun bồi đức hạnh) là câu dẫn giải đại ý của cả ba đoạn sau.

“Kiếp” là thời gian cực dài khó mà thí dụ được. “Vô lượng kiếp” là kiếp số vô lượng, là thời gian lâu xa chẳng thể dùng cách nào để diễn tả hoặc tính toán được. “Hạnh” là hành vi; “đức hạnh” là hành vi của đạo đức do thân, khẩu, ý tạo tác. Tạo thành điều thiện là “Đức”, phương cách tạo ra đức là “Hạnh”. Như vậy “đức hạnh” gồm cả công đức và hạnh nghiệp.

Sách Hội sớ giảng: “Hạnh là hạnh nghiệp, là những điều do ba nghiệp tạo ra; Đức là phước đức, tức là cái được chiêu cảm bởi Hạnh” và “Chẳng phải có thể đạt được trong một sớm, một chiều nên bảo là tích chứa, vun bồi”. “Tích” là tích lũy như từng giọt, từng giọt nước đọng lại. “Thực” là bồi đắp, vun vén như trồng cây non thành rừng.

Tích thực đức hạnh”, căn bản của đức hạnh là hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện. Trong Phật pháp, không luận tu học pháp môn nào đều lấy “Tịnh nghiệp Tam phước” làm nền tảng, đây là “đức bổn”, quan trọng nhất là nghiệp thiện. Mặt trái của mười nghiệp thiện là mười ác nghiệp. Phải hằng nhớ trong tâm, mỗi giờ mỗi phút kiểm điểm tâm hạnh của mình. Nếu khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm tương ưng với mười thiện, đó là đức hạnh; nếu tương ưng với mười ác, đó là tội hạnh. Cổ đức thường nói: “nhân giả vô địch”; “nhân” là nhân từ; người nhân từ trong tâm chắc chắn không có oan gia đối đầu.

Bất khởi tham, sân, si, dục chư tưởng; bất trước Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; đản nhạo ức niệm quá khứ chư Phật sở tu thiện căn”. Chỗ này dạy chúng ta niệm Phật. Bồ Tát Đại Thế Chí trên hội Lăng Nghiêm khuyến cáo chúng ta: “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật”. “Ức Phật niệm Phật”, phạm vi này rất rộng lớn. Chúng ta ngày nay “ức Phật” chỉ là nghĩ tưởng Phật; “niệm Phật” chỉ là niệm tên Phật phạm vi này quá  nhỏ hẹp! Do vậy mà chúng ta không đạt được thọ dụng! “Ức” là nhớ tưởng thiện căn của Phật trong vô lượng kiếp mà ngài đã tu; “niệm” là nghĩ nhớ, niệm tưởng đức hạnh của ngài; còn danh xưng, tượng Phật chỉ là biểu trưng cho đức hạnh của ngài mà thôi.

Muốn học tập chư Phật, “tích thực đức hạnh” then chốt chính là phải “bất khởi tham, sân, si, dục chư tưởng”, buông xả “tự tư tự lợi”, buông xả “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”, quyết không tham đắm, bị mê hoặc bởi cảnh giới sáu trần bên ngoài, đây là “bất trước Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp” (chẳng chấp trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

Sắc trần là hết thảy hình sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… và các hình tượng.

Thanh trần là hết thảy âm thanh như: tiếng vui, tiếng  khổ v.v…

Hương trần là những thứ được mũi tiếp nhận như:  hương thơm, mùi hôi v.v…

–  Vị trần là những thứ nhận biết bởi lưỡi như: ngon, dỡ, mặn, lạt v.v… của thức ăn.

–  Xúc trần là những thứ do thân nhận biết như mềm mại, cứng chắc, nóng lạnh, ôn hòa v.v…

Pháp trần là ý căn đối với năm thứ “trần” nói trên mà phân biệt tốt, xấu rồi khởi ra các pháp thiện, ác.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, khởi tâm động niệm, đó gọi là “tưởng”. Bất kỳ nghĩ đến ai, đến vật, hay sự việc gì, tâm liền có ấn tượng, đây thuộc về chấp trước tức là chấp tướng; đối cảnh liền có tâm phân biệt, tâm khích ác sẽ sinh khởi ba thứ ác tưởng như: “tham tưởng, sân tưởng, si tưởng”. “Tưởng” là ý đang tạo nghiệp, tuy không có ngôn ngữ, không có động tác nhưng khi khởi tâm động niệm là đã tạo tác nghiệp rồi. Đã tạo tác nghiệp, đương nhiên đều có quả báo. Thật sự nếu ý không ác thì thân và khẩu không dễ gì tạo nghiệp. Cho nên, đoạn phiền não phải bắt đầu đoạn từ ý. Nay Pháp Tạng Bồ Tát trong tâm không ác tưởng nên lìa khỏi cái nhân gây ra Hoặc Chướng, chẳng vướng vào lục trần nên lìa khỏi Hoặc duyên ( duyên tạo nên Hoặc Chướng).

Kinh Uất Ca La Việt Vấn nói: Lúc Bồ Tát hành Bố Thí, dùng Ly Dục Tưởng, Tu Từ Tưởng, Vô Si Tưởng để đối trị ba ác tưởng. Khi Bồ Tát bỏ ra vật để thí thì sinh Ly Dục Tưởng. Do nhân duyên đã ban niềm vui cho người cầu xin, tâm sân hận bớt dần, nên gọi là Tu Từ Tưởng. Đem công đức bố thí ấy hồi hướng về Vô Thượng Đạo nên tâm si mỏng lần, đấy gọi là Vô Si Tưởng. Nay Pháp Tạng Đại Sĩ chẳng khởi ba ác tưởng nên ngài thoát khỏi các phiền não.

Ngài Cảnh Hưng bảo: “Nội nhân đã lìa, ngoại duyên đã dứt, nên bảo là chẳng chấp trước”.

Đản nhạo ức niệm quá khứ chư Phật sở tu thiện căn” (Chỉ thích nghĩ nhớ thiện căn của chư Phật quá khứ đã tu). Câu này trích từ bản Tống dịch. Hoàng Niệm lão giải thích như sau: “Đản” là chỉ, là duy nhất. Câu này và hai câu trước (bất khởi tham, sân, si dục chư tưởng, bất trước sắc, thanh hương, vị xúc, pháp) nên đọc một mạch. Hai câu trước là “Vạn duyên phóng hạ” (buông xuống vạn duyên), câu này là “nhất niệm đơn đề” (khăng khăng một niệm), đây chính là cốt lõi của Tịnh nghiệp.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Ngày nay “nhất niệm đơn đề” của chúng ta chính là một câu “A Di Đà Phật”. Vì sao? Vì thiện căn mà chư Phật quá khứ đã tu chính là một câu danh hiệu này. Công đức danh hiệu thật không thể nghĩ bàn!

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thập Địa Bồ Tát, địa địa bất ly niệm Phật” (Trong Thập Địa Bồ Tát, Địa nào cũng chẳng bỏ niệm Phật). Hơn nữa, đều là niệm A Di Đà Phật.

– Làm sao biết họ đều niệm A Di Đà Phật?

– Vì Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền đều hướng dẫn Hoa Tạng hải hội, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại sĩ vãng sinh Tịnh Độ, hướng đến A Di Đà Phật mà học tập, đây chính là sự việc này.

Kinh Quán Phật Tam-Muội cũng chép: “Nhĩ thời, hội trung tức hữu thập phương chư đại Bồ Tát, kỳ số vô lượng, các thuyết bổn duyên, giai y niệm Phật đắc” (Khi ấy, trong hội liền có mười phương các đại Bồ Tát số đến vô lượng, mỗi vị tự thuật duyên của chính mình, ai ai cũng đều do Niệm Phật mà chứng đắc) và “Phật cáo A Nan: – Nhữ kim thiện trì, thận vật vong thất. Quá khứ, vị lai, hiện tại tam thế chư Phật, giai thuyết như thị Niệm Phật tam-muội. Ngã dữ thập phương chư Phật cập Hiền Kiếp thiên Phật, tùng sơ phát tâm, giai nhân Niệm Phật tam-muội lực cố, đắc Nhất Thiết Chủng Trí”. (Phật bảo A Nan: – Ông nay khéo trì cẩn thận chớ để quên mất. Quá khứ, hiện tại, vị lai tam thế chư Phật đều nói Niệm Phật tam-muội như vậy. Ta và thập phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp từ lúc mới phát tâm đều do sức của Niệm Phật tam-muội mà đắc Nhất thiết Chủng Trí). Vì vậy Phật Di Đà cũng như đức Thích Ca và mười phương Như Lai, từ khi mới phát tâm đều do Niệm Phật tam-muội mà chứng Vô thượng Bồ đề. Cho nên “đản nhạo ức niệm chư Phật” (chỉ thích ức niệm chư Phật).

Sở tu thiện căn” (Căn lành đã tu) là công đức của chư Phật đã tu. Theo Hoàng Niệm lão: Nghĩ nhớ Phật đức, cảm niệm thâm ân liền mưu toan báo đáp, mong được như các ngài v.v… đấy gọi là “ức Phật” (nhớ Phật). Trong các thiện căn của Phật, niệm Phật là tối thắng, nay muốn được như các ngài thì cũng phải nên trì danh niệm Phật. Danh hiệu Phật có đủ vạn đức, bao trùm hết thảy thiện căn nên nếu niệm Phật nhuần nhuyễn thì thật là khéo phù hợp với việc “ức niệm Phật công đức” (nhớ nghĩ công đức của Phật). Cho nên, trong các hạnh tịnh tâm của Pháp Tạng Bồ Tát, kinh đặt hạnh “đản nhạo ức niệm chư Phật” (chỉ thích ức niệm chư Phật) lên hàng đầu.

Hòa Thượng Tịnh Không cho rằng: “Ức niệm” không phải là suy nghĩ suông mà phải thực hiện dẫn phát tâm cảm ân của chính mình.

– Làm thế nào để báo ân Phật?

– Nỗ lực tu học, tu đến giống như Phật, đây mới là thật sự báo ân Phật. Nếu bản thân tu học chưa đạt đến địa vị Phật này, sự báo ân sẽ không viên mãn.

Câu “danh hiệu Phật có đủ vạn đức”, chữ “vạn đức” ở đây có nghĩa là đại viên mãn, tổng nhiếp tất cả thiện căn. Cho nên trì danh là pháp môn Tổng Trì; tổng trì tất cả pháp, tất cả nghĩa. Chư Phật tu hành nắm bắt được cương lĩnh này, biết được: Thành tựu pháp môn này là thành tựu tất cả pháp môn khác.

Chữ “Niệm Phật nhuần nhuyễn” ở đây có nghĩa là “lão thật Niệm Phật”. “Lão thật Niệm Phật”, quan trọng nhất là niệm giáo huấn của Phật, niệm hạnh nghiệp của Phật, niệm hành vi tạo tác của ngài. Chúng ta mỗi niệm phải hướng Phật mà học tập. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ Tát Thập Địa trước sau không rời niệm Phật”. Phẩm Đại Giáo Duyên Khởi của kinh này cũng bảo: “Khứ lai, hiện tại, Phật Phật tương niệm” (Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật đều nghĩ đến nhau), có thể thấy Phật sở dĩ thành tựu đều do học tập từ Phật trước. Ngày nay, chúng ta muốn thành Phật, vẫn là cái biện pháp cũ này: Phải học đức Thích Ca Mâu Ni Phật, phải học tập với A Di Đà Phật.

– A Di Đà Phật ở đâu?

– Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Đà Phật.

Hành tịch tĩnh hạnh”, sách Thám Huyền ký nói: “Vô Dư Niết Bàn là tịch tĩnh, tu điều ấy gọi là Hành”. Sách Tư Trì Ký cũng bảo: “Tịch tĩnh chính là lý Niết Bàn”. Cách nói này không dễ hiểu! Trước tiên phải lý giải ý nghĩa của “tịch tĩnh”. “Tịch” là tịch diệt; “Tịnh” là thanh tịnh. Viễn ly vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đó là “Tịch”, là “Vô Dư Niết Bàn”, đây là thuật ngữ trong nhà Phật. Phàm phu là “tâm tùy cảnh chuyển”. Việc này rất đáng thương! Muốn “cảnh tùy tâm chuyển”, nhất định phải chọn lựa cho mình một hoàn cảnh.

Xưa kia, đạo tràng xây dựng trong núi sâu, cách ly thôn trang tương đối xa, không có dấu chân người, dùng hoàn cảnh thanh tịnh này làm trợ duyên giúp ta tu “tịch tĩnh hạnh”. “Tịch tĩnh hạnh” thành công rồi, phải đến đô thị để độ hóa chúng sinh, hành Bồ Tát đạo, tiếp xúc với xã hội đại chúng, ngay trong đó mà tôi luyện, trải sự luyện tâm. Phải hòa quang đồng trần, phải phước tuệ song tu: Giúp chúng sinh là tu phước; chính mình thanh tịnh không nhiễm một trần là tu tuệ. Phải ở ngay trong đại chúng, vì mọi người làm tấm gương, không chỉ là ngôn giáo mà còn là thân giáo, đây mới chân thật là “Vô Dư Niết Bàn”. Do đây có thể biết: Vào Vô Dư Niết Bàn diệt độ, đó là linh động, hoạt bát không phải khô cứng. Lại nữa:

– Thế nào là tịch tĩnh?

– Chúng ta biết rằng: Khi một niệm cực kỳ vi tế vừa khởi lên, đó là hiện tượng dao động; khi niệm này không còn nữa đó chính là Đại Bát Niết Bàn, là “Chân Tịch Tĩnh”. Bồ Tát sở chứng, Thanh Văn sở chứng, Duyên Giác sở chứng không phải là cứu cánh Niết Bàn. Tuy trong tâm họ hiện tượng dao động thô không còn nhưng dao động vi tế vẫn còn tồn tại. Còn tồn tại như thế nào, bản thân họ không biết được. Trong kinh thường nói: Đến Bát Địa Bồ Tát mới biết được, Bát Địa trở về trước chưa cảm nhận được hiện tượng dao động vi tế này. Hiện tượng này chính là năng sinh vạn pháp, năng hiện vạn pháp; lại thêm bản thân khởi tâm động niệm là năng biến vạn pháp. Vạn pháp là sở biến, khởi tâm động niệm là năng biến. Cho nên, “Tịch tĩnh” chính là lý của Niết Bàn.

– Niết Bàn từ đâu mà có?

– Từ “Tịch Tĩnh” mà có!

Thánh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật, trong đó chữ “Mâu Ni” dịch là “Tịch Tĩnh” hay “Tịnh Mặc”.

Sách Lý Thú Thích, quyển hạ ghi: “Mâu Ni Nghĩa là Tịch Tĩnh. Thân, khẩu, ý tịch tĩnh nên xưng là Mâu Ni”. Đại Nhật Kinh Sớ nói càng rõ ràng hơn; đặc sắc hơn: “Mâu Ni nghĩa là Tịch Mặc. Cõi thường tịch vi diệu tịch tuyệt, sâu thẳm huyền viễn chẳng thể nói bàn nổi. Pháp giới đại diệt độ pháp như vậy chỉ mình đức Phật thanh tịnh có thể trọn vẹn được nổi nên Phật hiệu là Mâu Ni”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trong giáo lý Đại thừa dùng “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” để hình dung cảnh giới này. “Mâu Ni” trong đức hiệu Phật Đà, là biểu trưng “Tự Thọ Dụng”. “Đại diệt độ pháp”: chữ “diệt” này là diệt tất cả phiền não tập khí chướng ngại; “độ” ở đây không những là độ chúng sinh ra khỏi lục đạo, mười pháp giới mà cuối cùng phải độ họ ra khỏi cõi Thật Báo Trang Nghiêm mới gọi là “đại diệt độ pháp”. Ra khỏi Thật Báo Trang Nghiêm đến Thường Tịch Quang, đây chỉ có mỗi mình Phật; Bồ Tát không có phần, Đẳng Giác Bồ Tát cũng không được. Cho nên nói “duy chỉ mình Phật, Diệu Giác Như Lai rốt ráo thanh tịnh”, đây là nghĩa gốc của “Mâu Ni”.

Ở đây, kinh nói Bồ Tát Pháp Tạng hành tịch tĩnh hạnh là nói đại Bồ Tát, cũng chính là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ trên Kinh Hoa Nghiêm. Những người này là nhập vào hạnh Vô Dư Niết Bàn, tức là pháp giới đại diệt độ pháp, chớ chẳng phải là hạnh tịch tĩnh của hàng Nhị thừa. Nhị thừa diệt là chỉ diệt “kiến tư phiền não”. Đại thừa Bồ Tát là diệt “căn bản vô minh” (tên khác của vô thỉ vô minh), cảnh giới không tương đồng.

Viễn ly hư vọng” (Xa lìa hư vọng): Chẳng thật là “”, trái nghịch với cái chân thật là “vọng”. Hư giả chẳng thật nên bảo là “hư vọng”.

Kinh Viên Giác dạy: “Hư vọng phù tâm, đa chư xảo kiến, bất năng thành tựu Viên Giác phương tiện” (tâm hư vọng hời hợt, lắm xảo kiến, chẳng thể thành tựu được phương tiện Viên Giác). Câu nói này rất hay! Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: “hư vọng phù tâm”; “phù tâm” không phải là chân tâm, là giả; “đa chư xảo kiến”: Đây là tà tri, tà kiến, đủ để có thể hại người. Trong kinh giáo Đại thừa gọi đây là ma giới, Tu-la pháp giới, La-sát pháp giới, đồ chúng của ma vương Ba tuần. Họ làm trái với luân lý, đạo đức, không tin nhân quả, cho rằng bản thân mình là thần tiên. Rất nhiều chúng sinh vô tri ngu muội theo họ, trước mắt thấy được một chút lợi ích, cuối cũng đều đến ba đường ác; trong kinh Phật nói là người mù dẫn người mù, dắt nhau vào hầm lửa địa ngục! Họ cũng có thế lực.

– Thế lực từ đâu mà có?

– Từ “đa chư xảo kiến” mà có!

– Vì sao họ tạo nghiệp?

– Vì “Hư vọng phù tâm” (Tâm hư vọng hời hợt) chính là tạo nghiệp! Nghiệp tốt cũng là ác nghiệp. Đạo lý này không khó  hiểu, chỉ cần ta tỉ mỉ mà quan sát kẻ hở của họ liền phát hiện ra được. Cho nên, không thể thành tựu Viên Giác phương tiện. “Viên giác” là chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát giác ngộ rồi. “Phương tiện” là phương pháp thích hợp có thể chứng đắc Viên Giác. Tóm lại, tâm hành hư vọng, lắm nhiều xảo kiến có thể giúp họ đạt được danh văn lợi dưỡng của thế gian, cũng dẫn dắt họ tiến vào ba đường ác, chẳng thể thành tựu Viên Giác.

Kinh Niết Bàn, quyển ba mươi tám cũng nói:

Nhất thiết ác sự, hư vọng vi bổn” (Hư vọng là gốc của hết thảy sự ác). Vì vậy, trước hết phải xa lìa hư vọng để ngăn dứt các ác từ ngay cội rễ. Pháp Tạng Bồ Tát trụ vào Chân Thật Tuệ, hành hạnh thanh tịnh, nên xa lìa được hết thảy hư vọng.

– Thế nào là hư vọng?

– Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh…” Chính là hư vọng.

– Hữu vi pháp là gì?

– Trong Bách Pháp Minh Môn Luận nêu ra: Tám cái tâm pháp, năm mươi mốt cái tâm sở pháp, mười một cái sắc pháp, hai mươi bốn cái tâm bất tương ưng hành pháp, sáu pháp vô vi. Như vậy, pháp hữu vi gồm có tất cả chín mươi bốn cái. Sáu cõi, mười pháp giới đều là pháp hữu vi.

Hiện tại chúng ta sống trong đây viễn ly hư vọng, tức hư vọng mà viễn ly hư vọng! Phải hiểu rõ đạo lý này! Nói cách khác, cái hư vọng này kẻ phàm phu không cách chi trừ bỏ đi được! Có đồng tu hỏi tôi:

– Cái gì là Ấm ma”?

–  “Ấm ma” chính là “Ngũ Ấm”: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thân chúng ta là thân Ngũ Ấm. Thân thể là “sắc pháp” do bốn Đại: đất, nước, gió, lửa hình thành; bộ phận tinh thần gồm có: Thọ, Tưởng, Hành, Thức; gộp chung lại gọi là Ngũ Ấm. Gọi: “Ngũ Ấm” vì nó che đậy, nó dày vò, nó là ma chướng, nó cũng là hư vọng!

– Làm thế nào viễn ly nó?

– Vô ngã thì viễn ly được! Đến lúc nào có thể làm đến được vô tư, vô ngã thì đạt đến giải thoát.

– Giải thoát thì thân này còn không?

– Vẫn còn! Thân tuy còn mà khổ không có! Không còn bị các khổ dày vò, đây gọi là giải thoát, cũng gọi là “ly”.

– Ngoài cái khổ của căn thân, thế giới bên ngoài cũng là hư vọng, phải viễn ly bằng cách nào?

– Không chấp trước, không đem nó để vào trong tâm là viễn ly rồi!

Cho nên, viễn ly không phải là viễn ly trên sự; ý niệm không

hợp lý thì phải buông xã, đây chính là “viễn ly hư vọng”. Người trụ Chân Thật Tuệ, hành vi của họ nhất định là “thanh tịnh hạnh”. “Thanh tịnh hạnh” nâng cao một mức chính là “Tịch tĩnh hạnh”. Hiện tại, chúng ta “Tịch tĩnh hạnh” không thể làm được, tuy vậy phải làm đến được “thanh tịnh”: đoạn ác tu thiện. Đoạn ác không dính vào tướng của đoạn ác, tu thiện không dính vào tướng của tu thiện, tâm thanh tịnh liền hiện tiền. Tâm thanh tịnh, hạnh tự nhiên thanh tịnh. Có thể nói: “Viễn ly hư vọng” là nhìn thấu đối với chân tướng sự thật. Có trình độ lý giải, hiểu biết tương đối, sau đó mới có thể:

Y Chân Đế môn, thực chúng đức bổn” (nương vào Chân Đế môn, trồng các cội đức). Theo chú giải của Hoàng Niệm lão: “Đế” là chân thật, chẳng dối. Đạo lý thế gian hay xuất thế gian chân thật không hư thì gọi là Đế. Sách Nhị Đế Nghĩa, quyển thượng có nói: “Đế nghĩa là Chân. Hữu là sự thật trong thế gian, Không là sự thật của thánh đạo. Cả hai thứ ấy đều là thật” nghĩa là: Phàm trần cho Hữu là thật; thánh trí cho Không là thật. Do vậy, Hữu và Không đều là thật, nên lập ra Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế). Thuận theo pháp của hữu tình mê muội phàm tục là Tục Đế hoặc Thế Đế. Lý chân thật tịch tĩnh Niết Bàn được thấy bởi thánh trí thì gọi là Chân Đế hoặc Thắng Nghĩa Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Trí Độ Luận, quyển ba mươi tám có nói: “Trong Phật pháp có hai đế: Một là Thế Đế, hai là Đệ Nhất Nghĩa Đế. Do Thế Đế nên nói có chúng sinh, do Đệ Nhất Nghĩa Đế nên nói chúng sinh vô sở hữu”. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển một cũng giảng: “Tục là thế tục; cái thấy biết của thế tục thì gọi là Thế Đế. Chân là tiếng để gọi (trạng thái) dứt hết hư vọng”.

Môn là các pháp khác biệt có thể dẫn dắt con người chứng nhập Niết Bàn nên gọi là môn.

Y Chân Đế môn” (Nương vào Chân Đế môn) chính là lấy Đệ Nhất Nghĩa Đế làm “môn”. Nương vào thắng nghĩa của Chân Đế để gieo trồng cội rễ của các đức nên bảo là “Y Chân Đế môn, thực chúng đức bổn” (nương vào Chân Đế môn, trồng các cội đức).

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Phật giảng kinh y theo Nhị Đế mà nói pháp, chính là hai loại chân thật bất hư: Một là pháp thế gian; hai là pháp xuất thế gian, Phật pháp thường nói: “Phật pháp tại thế gian bất hoại thế gian pháp”, đây chính là tùy thuận Tục Đế. Bạn xem! Phật dạy chúng ta “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Nếu có người hỏi: Phật pháp là gì? Chúng ta có thể nói: Phật pháp là “Hiếu thân tôn sư”. Đáp án này không hề sai. “Hiếu thân tôn sư” là “Thế Đế”, đem “Hiếu thân tôn sư” mở rộng ra là có thể hiếu thuận với tất cả chúng sinh, liền biến thành Chân Đế, xuất thế gian   pháp.

Do đây có thể biết: “Thế Đế” cùng “Chân Đế” chỉ khác nhau ở một niệm: tâm lượng nhỏ liền biến thành Tục Đế hay Thế Đế; tâm lượng mở rộng như trên kinh Phật nói: “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới” thì Tục Đế liền biến thành Chân Đế.

Cho nên, ngay trong tất cả Đế lý, làm gì có phân biệt Thế Đế cùng Chân Đế; đến cảnh giới Hoa Nghiêm nói “Nhất Chân” chính là không hai: Thế Đế cùng Chân Đế nhất như. Đây mới là chân thật ngôn ngữ của Phật. Giáo nghĩa của Phật hàm chứa đạo lý đích thật là rộng lớn không có bờ mé. Chỗ này, Phật dạy chúng ta phải “Y Chân Đế môn” mới có thể “thực chúng đức bổn”. Nhà Phật cũng nói “Y Đệ Nhất Nghĩa Đế”, đây là “chúng đức chi bổn” (cội gốc của các đức).

– Cái gì là Đệ Nhất?

–  Chân thành đến cực điểm là “Đệ Nhất Nghĩa Đế”, cũng chính là Chân Đế, là chân tâm bổn tánh của chúng ta.

Tóm lại, dùng chân tâm bổn tánh liền có thể “thực chúng đức bổn”. Nếu dùng tâm hư vọng đó là căn nguyên của tất cả tội ác! Do vậy mà Phật dạy Bồ Tát Đại thừa, quan trọng nhất là phát Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm chính là tâm chân thành, chỗ này gọi là Chân Đế. Tiêu chuẩn của tâm chân thành là “viễn ly hư vọng”, lìa tất cả sự tướng. Kinh Kim Cang nói: “Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu nhất thiết pháp” (Dùng vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả để tu hết thảy thiện pháp). “Y Chân Đế môn” chính là không có bốn tướng: Ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng. “Thực chúng đức bổn” (trồng các cội đức) là tu hết thảy thiện pháp. “Thực” là gieo trồng, vun bồi; “đức” là thiện; “bổn” là cội rễ.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Vong thất Bồ Đề tâm, tu chư công đức, thị danh ma nghiệp”. Hơn nữa, căn bản của muôn đức gọi là “đức bổn”. Danh hiệu Phật A Di Đà sẵn đủ vạn đức, chiêu cảm vạn đức nên được gọi là “đức bổn”.

Sách Giáo Hạnh Tín Chứng, quyển sáu có nói: “Đức bổn là đức hiệu của Như Lai. Xưng niệm đức hiệu này một tiếng thì thành tựu được chí đức (đức cao vời cùng tột) một cách viên mãn, chuyển được các họa. (Danh hiệu ấy) là gốc của mười phương đức hiệu nên gọi là đức bổn”.

Ngày nay, chúng ta niệm Phật là dùng tâm vọng tưởng, một mặt niệm Phật, một mặt khởi vọng tưởng thì làm sao có thành tựu?! Có chăng chỉ là được “khẩu thiện” mà thôi!

Trong Kinh Quán Phật Tam-Muội, đức Thích Tôn nói: “Ngã dữ thập phương chư Phật cập Hiền Kiếp thiên Phật, tùng sơ phát tâm, giai nhân Niệm Phật tam-muội lực cố, đắc Nhất Thiết Chủng Trí” (Ta và mười phương chư Phật và ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp từ lúc sơ phát tâm đều do sức Niệm Phật tam-muội mà đắc Nhất Thiết Chủng Trí).

Lời Phật dạy và câu nhận định của sách Giáo Hạnh Tín Chứng đều cùng nói lên một ý chỉ “Trì Danh Niệm Phật chính là gốc của mười phương đức hiệu”. Do đó, có hai cách giải thích câu “thực chúng đức bổn”:

Thứ nhất: Bồ Tát trong lúc tu nhân, vạn đức viên mãn, từ nhân đắc quả nên bảo là “thực chúng đức bổn” (trồng các cội đức)

– Thứ hai: Gốc của các đức chính là niệm danh hiệu Phật.

Thật ra, hai thuyết này chẳng hề mâu thuẫn nhau, vì Bồ Tát lúc tu nhân chẳng rời niệm Phật nên trong thuyết thứ nhất có thuyết thứ hai. Hơn nữa, niệm Phật trọn đủ vạn đức nên thuyết thứ hai bao hàm thuyết thứ nhất. Thế nên hai thuyết chẳng hề mâu thuẫn nhau.

Hòa Thượng Tịnh Không nói: Ngày trước, Đại Sư Ngẫu Ích nói “Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm Phật thành Phật”, có rất nhiều người hỏi:

– Đây là dựa trên bộ kinh nào?

– Đích thật là trên Kinh Quán Phật Tam-Muội đã nói như vậy. Trên Kinh Di Đà cũng có nói, người thông thường chúng ta chỉ đọc sơ rồi lướt qua! Đại sư Ngẫu Ích trong Yếu Giải nói ra, chúng ta mới hoác nhiên đại ngộ: Phật đích thật là Niệm Phật thành Phật. Sau đó, lại xem trên Kinh Hoa Nghiêm: “Thập Địa Bồ Tát thỉ chung không rời niệm Phật” mới biết được niệm Phật công đức vô lượng.

Thế nhưng, niệm Phật nhất định phải ghi nhớ: Không phải miệng niệm; miệng niệm thì không ích gì, phải trong tâm chân thật có Phật. Phía trước đã giảng qua rất nhiều lần: A Di Đà Phật chính là toàn bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Đến lúc nào đó chúng ta có thể đem đạo lý của Kinh Vô Lượng Thọ thông đạt tường tận, từng câu từng chữ của Phật nói ra, chúng ta đều thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày, đây là chân thật Niệm Phật.

Giáo huấn trong Kinh Vô Lượng Thọ, nếu hoàn toàn thực tiễn được một trăm phần trăm, đây là trong tâm bạn chân thật có Phật, tương lai vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhất định sinh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, Thượng Phẩm Thượng Sanh. Nếu làm đến được chín mươi phần trăm, bạn là Thượng Phẩm Trung Sanh. Dần dần hạ thấp xuống đến Hạ hạ phẩm vãng sinh, cũng phải làm đến được hai mươi phần trăm. Nghĩ lại xem! Chúng ta có thể làm đến được hai mươi phần trăm hay không? Làm đến được hai mươi phần trăm chính là bạn đã làm được: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, xem như bạn là một người thiện.

Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc” (Chẳng nề hà các sự khổ, ít muốn biết đủ): “kế” là so đo, tính toán, “khổ” là như Kinh Phật Địa, quyển năm nói: “Bức não thân tâm danh khổ” (Bức não thân tâm gọi là khổ). “Chúng khổ” (các sự khổ) là:

– Nhị khổ (nội khổ, ngoại khổ).

– Tam khổ (Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ).

– Tứ khổ (sanh, lão, bệnh, tử).

– Bát khổ (sinh, lão, bệnh,tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thịnh)

Nói chung, có nhiều loại khổ khác nhau, Bồ Tát hiểu rõ hết thảy các khổ đều là hư vọng, rốt ráo chẳng có, nên có thể chịu đựng được các khổ, trụ vào bình đẳng, vì vậy kinh chép “Bất kế chúng khổ”.

Thiểu dục” là ít muốn, ít mong cầu, “Tri túc” là biết đủ, dẫu đạt được ít ỏi vẫn không buồn phiền như Kinh Niết Bàn nói: “Thiểu dục giả, bất cầu, bất thủ. Tri túc giả, đắc thiểu bất hối hận” (Người ít muốn, chẳng cầu, chẳng lấy. Người biết đủ, dẫu được ít vẫn chẳng buồn phiền).

Kinh Di giáo cũng dạy: “Thiểu dục chi nhân, tắc vô siểm khúc dĩ cầu nhân ý, diệc phục bất vị chư căn sở khiên. Hành thiểu dục giả, tâm tắc thản nhiên, vô sở ưu úy, xúc sự hữu dư, thường vô bất túc. Hữu thiểu dục giả, tắc hữu Niết Bàn. Thị danh thiểu dục. Nhữ đẳng tỳ kheo, nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc. Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc an ổn chi xứ. Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xử thiên đường, diệc bất xứng ý. Bất tri túc giả, tuy phú nhi bần, tri túc chi nhân, tuy bần nhi phú”. (Người thiểu dục thì chẳng dùng thói dua vạy để lấy lòng người khác, cũng chẳng bị các căn lôi kéo. Kẻ hành thiểu dục thì tâm thản nhiên không sợ hãi, lo âu; gặp chuyện luôn cảm thấy dư dật, không lúc nào chẳng đầy đủ. Có thiểu dục ắt có Niết Bàn. Đấy gọi là thiểu dục. Tỳ kheo các ông nếu muốn thoát khỏi các khổ não phải nên quán tri túc. Pháp tri túc chính là pháp để đạt giàu vui, an ổn. Người tri túc tuy nằm dưới đất vẫn an vui; kẻ chẳng tri túc dẫu ở thiên đường vẫn không thỏa ý. Chẳng tri túc thì tuy giàu vẫn nghèo, người tri túc dẫu nghèo lại giàu).

Phẩm Khuyến Phát của Kinh Pháp Hoa có nói: “Thị nhân thiểu dục tri túc, năng tu Phổ Hiền chi hạnh”. (Người ấy thiểu dục tri túc, có thể tu hạnh Phổ Hiền). Ngài Nghĩa Tịch còn dẫn Kinh Bát Nhã như sau: “Vân hà Bồ Tát thiểu dục? Nãi chí A Nậu Bồ Đề thượng bất dục, hà huống dư dục. Thị danh thiểu dục. Vân hà Bồ Tát tri túc? Đắc Nhất Thiết Chủng Trí, thị danh tri túc (Thế nào là Bồ Tát thiểu dục? Thậm chí Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ngài còn chẳng mong muốn, huống hồ là các thứ khác. Đấy gọi là thiểu dục. Thế nào là Bồ Tát tri túc? Đắc Nhất Thiết Chủng Trí thì gọi là tri túc). Như vậy chẳng cầu cảnh khác là thiểu dục, an trụ nơi tự pháp là tri túc. Cảnh khác chính là ngũ dục: Sắc, Thanh, Hương v.v… tự pháp là Hiện Lượng Trí”.

Ý ngài Nghĩa Tịch nói: “ Bất ư tâm ngoại thủ pháp, vô nhất pháp đương tình giả danh vi thiểu dục” (Chẳng chấp lấy pháp ngoài tâm, chẳng vương vấn một pháp nào thì gọi là thiểu dục). Cái cảnh giới này cao! Nói cách khác, đối với pháp thế, xuất thế gian còn có chút dục niệm thì không xem là thiểu dục. “Vô nhất pháp đương tình” nghĩa là không bị tất cả các pháp làm cho khởi tâm động niệm. Tất cả pháp thế, xuất thế gian đều buông bỏ hết.

– Thế nào là tri túc?

“Thể lộ chân thường, tịch diệt vi lạc, như như bất động vi tri túc” (Thể hiển lộ chân thường tịch diệt là vui, như như bất  động là tri túc). “Thể” là tánh thể. Đây là chỉ Pháp Thân Đại Sĩ, Bồ Tát minh tâm kiến tánh, không phải người thông thường có thể làm được. Hiện tại chúng ta là phàm phu sơ học, phải tận lực giảm thiểu dục vọng, giảm bớt mọi mong cầu sẽ có sự giúp đỡ rất lớn đối với sự tu hành của chúng ta.